Pháp Tịnh Hóa Kim Cương Tát Ðỏa

Ở đây pháp đối trị nghiệp xấu là pháp thiền quán Vajrasattva và trì chú. Hành giả tác pháp này với Bồ đề tâm và có ý thức về sự vô ngã của chủ thể, đối tượng và hành động để đạt kết quả tốt nhất. Trong việc giải trừ nghiệp xấu, Bồ đề tâm vô cùng quan trọng và cũng là lực thứ nhất trong bốn lực đối trị. Bồ đề tâm có thể giải trừ đại ác nghiệp và đại chướng ngại trong tu tập. Bồ đề tâm giống như lửa cuối thời mạt pháp, như Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh Luận:

Giống như lửa cuối đại kiếp, Bồ đề tâm diệt mọi điều xấu, Lợi ích vô lượng của Bồ đề tâm, Ðã được Bồ Tát Di Lặc dạy cho Tu Đà Na.

...Không có lực thệ nguyện thì việc thanh lọc không trọn vẹn, vì vậy hành giả nên cố gắng tạo thói quen giữ tròn lời thệ nguyện hơn là phát nguyện quá nhiều nhưng không thể giữ vẹn. Cách tốt nhất nguyện bỏ điều xấu trong một ngày và thực hành tịnh hóa nghiệp xấu mỗi ngày.


Pháp Tịnh Hóa Kim Cương Tát Ðỏa

Lục Thạch dịch

Khi thực hành đến giai đoạn này, hành giả có thể tác pháp Tịnh Hóa Kim Cương Tát Ðỏa (Vajrasattva). Vì đối với người sơ cơ, việc giải trừ chướng ngại rất quan trọng nên pháp Tịnh Hóa Kim Cương Tát Ðỏa sẽ được giải thích kỹ càng dưới đây. Dẫu vậy, đạo sư Tsong khapa lại không đưa pháp Tịnh Hóa Kim Cương Tát Ðỏa vào trong luận thư của Ngài, "Ðộc Giác Kim Cương Ðại Phẫn Nộ Minh Môn".

Tsong Khapa nói rằng nếu hành giả không đưa pháp tịnh hóa này vào việc tụng đọc tu pháp (Sadhana) hàng ngày cũng không mắc lỗi thiếu sót. Hai đạo sư, Tri Gyaltsan Senge và Lhundrup Pandita, cũng có cùng quan điểm với Tsong Khapa.

Hành giả trước tiên niệm ba lần bài kệ Quy Y và Phát Bồ Ðề Tâm:

"Con quy y Tam Bảo

Nguyện giải thoát chúng sinh

Ðưa họ tới bờ giác

Nay phát Bồ đề tâm”

Bài kệ này đã được giải thích ở chương 3.

Kim Cương Tát Ðoả Quán Pháp

(Visualisation of Vajrasattva)

Hành giả quán tưởng trên đỉnh đầu mình một đóa sen xuất hiện từ chủng tự PAM, và ở trên hoa sen đó là một mặt trăng xuất hiện từ chủng tự AH. Trên đó nữa, từ chủng tự HUM xuất hiện một chày kim cương năm nhánh màu trắng, trên trục của chày có chữ HUM. Từ chày kim cương, những tia sáng phát ra, nhập trở lại và biến thành một Kim Cương Tát Ðỏa có thân màu trắng, một mặt và hai tay, cầm chày kim cương và chuông, ôm vị minh phi là Vajrasattvamanani màu trắng, một mặt và hai tay, cầm đao và chén sọ. Hai vị quàng khăn lụa và có những món trang sức. Kim Cương Tát Ðỏa ngồi thế kim cương, ở nơi tim của Ngài bên trên một mặt trăng là chữ HUM trắng phát ra những tia sáng, triệu thỉnh các đấng trí huệ như Ngài. Hai vị phối hợp và trở thành bất nhị. Từ chữ HUM ở tim Ngài lại phát ra những tia sáng triệu thỉnh các vị thần ban cho lực gia trì. Tất cả chư Như Lai đồng thanh khuyến thỉnh:

"Xin gia trì lực cho vị này" (Vajrasattva)

Sau khi khuyến thỉnh như vậy, chư Phật nâng bình cam lộ trí huệ của các Ngài lên ban cho lực gia trì, và tuyên đọc thần chú:

Om Sarva Tathaga Abhi Shekata Samaya Shriye Hum

Khi được ban phép quán đảnh như vậy, thân của Kim Cương Tát Ðỏa tràn đầy cam lộ trí huệ và có một hình A Súc Bệ Phật trang nghiêm trên đầu trên đầu mình.

"Bạch Ðấng Thế Tôn Kim Cương Tát Ðỏa (Bhagavan Vajrasattva), xin Ngài tịnh hóa con cùng tất cả chúng sinh khỏi tội lỗi, vô minh, và mọi vi phạm giới nguyện".

Ðược thỉnh cầu như vậy, từ chữ HUM ở tim Ngài những tia sáng phát ra, tịnh hóa chúng sinh khỏi nghiệp xấu và vô minh, cúng dường chư Phật cùng đệ tử của các Ngài.

Tất cả các phẩm tính của chư Như Lai tụ lại thành ánh sáng và ánh sáng này tan nhập vào chữ HUM nơi tim Ngài khiến oai lực của Ngài trở nên siêu diệu.

Om Vajrasattva Samaya, Manu Palaya,

Vajrasattva Iveno

Patisha, Dridho Me Bhava, Sutoshyo Me Bhava,

Suposhyo Ma Bhava, Anurakto Me Bhava,

Sarva Siddhi Me Prayacha,

Sarva Karma Sucha Me,

Chittam Shriyam Kuru Hum! Ha Ha

Ha Ha Hoh Bhagavan, Sarva Tathaga,

Vajra Ma Me Muncha,

Vajra Bhava, Maha Samaya Sattva Ah Hum Phat

"Vì vô minh và do không biết,

Con đã phạm lỗi lầm.

Xin đức Lama Hộ Pháp hộ trì con

Ðấng Trì Thủ Kim Cương Tối Thượng đại từ bi

Cha lành của muôn loài, con nguyện quy y Ngài!"

Từ miệng của Kim Cương Tát Ðỏa phát ra:" Hỡi đệ tử của dòng truyền thừa, mọi nghiệp xấu vô minh và vi phạm giới nguyện của con đã được tịnh hóa". Nói xong, Kim Cương Tát Ðỏa tan nhập vào hành giả, và thân, khẩu, ý của hành giả trở nên bất khả phân với thân, khẩu, ý của Kim Cương Tát Ðỏa.

* Pháp Thực Hành.

Cùng với pháp tịnh hóa Kim Cương Tát Ðỏa, hành giả dùng bốn lực đối trị để tịnh hóa nghiệp xấu. Quyển “Bồ Tát Nguyện Hạnh Vương Kinh” nói:

"Ðệ tử vốn tạo các vọng nghiệp

Giai do vô thỉ tham, sân, si

Tùng thân, ngữ, ý chi sở sanh

Nhất thiết ngã kim giai sám hối."

Bốn lực đối trị đó là:

Lực của đối tượng

Lực này thường được coi là đối tượng của việc sám hối. Theo Je Phabongkha Rinpoche và Tri Gyaltsan Senge thì mọi nghiệp xấu đều có liên quan đến Tam Bảo hoặc chúng sinh. Vi phạm giới nguyện, từ bỏ giáo pháp hay gây bất hoà trong Tăng Ðoàn là những nghiệp xấu liên quan tới Tam Bảo. Sát sinh, trộm cướp, nói dối là nghiệp xấu liên quan đến chúng sinh. Khi ngã xuống đất, người ta dùng chính đất đó làm chỗ tựa để đứng dậy. Cũng vậy, chúng ta xem Tam Bảo là đối tượng quy y của mình, và coi chúng sinh là đối tượng từ bi của mình khi phát Bồ đề tâm thì tâm sẽ thanh lọc mọi nghiệp xấu của mình. Vì vậy, quy y và Bồ đề tâm là lực của đối tượng.

Lực của hối hận

Hành giả nghĩ tới những hành động xấu của mình, những nghiệp xấu phát xuất từ tham, sân, si đã tạo tác trong quá khứ, ở hiện tại hay có thể sẽ được tạo ra trong tương lai. Hành giả cũng nghĩ tới những hành động xấu mà mình đã xúi dục người khác làm. Sau đó, nhận ra những đau khổ do nghiệp xấu mang lại, hành giả vô cùng hối hận. Sự hối hận này vừa thanh lọc nghiệp xấu vừa diệt trừ khuynh hướng làm điều xấu trong tương lai. Mức độ thanh lọc nghiệp xấu tùy thuộc sức mạnh của hối hận và mức độ thành tâm.

Nhưng nếu không thể nhớ hết tất cả những hành động xấu mà mình đã tạo ra trong đời này thì làm sao có thể thanh lọc tất cả các nghiệp xấu ở ba thời, hiện tại, quá khứ và vị lai? Ví dụ, người ta quyết định tiêu diệt tất cả các loại cầm thú kể cả côn trùng trong một khu rừng. Do đốt hết cả khu rừng, người ta có thể biết chắc là tất cả loài thú trong khu rừng ấy đều chết hết, dù không trông thấy một con vật nào vào lúc nó đang bị chết cháy. Tương tự như vậy, bằng cách gom tất cả những nghiệp xấu đã tạo trong các kiếp và dùng bốn lực đối trị chúng thì có thể giải trừ mọi nghiệp xấu mà không cần phải nhớ lại từng hành động riêng rẽ.

Lực của thiện nghiệp

Thứ ba là lực của nghiệp tốt được tạo ra để đối trị những nghiệp xấu mà mình muốn thanh lọc. Thiện nghiệp có thể là một việc tốt nào đó được thực hiện với sự hối hận chân thực nhằm bù đắp lại hành vi xấu mà mình đã làm. Hành giả có thể lễ lạy, trì chú, đọc tụng kinh sách, thiền quán, niệm hồng danh chư Phật, cúng dường hay bố thí. Ở đây pháp đối trị nghiệp xấu là pháp thiền quán Vajrasattva và trì chú. Hành giả tác pháp này với Bồ đề tâm và có ý thức về sự vô ngã của chủ thể, đối tượng và hành động để đạt kết quả tốt nhất. Trong việc giải trừ nghiệp xấu, Bồ đề tâm vô cùng quan trọng và cũng là lực thứ nhất trong bốn lực đối trị. Bồ đề tâm có thể giải trừ đại ác nghiệp và đại chướng ngại trong tu tập. Bồ đề tâm giống như lửa cuối thời mạt pháp, như Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh Luận:

Giống như lửa cuối đại kiếp

Bồ đề tâm diệt mọi điều xấu

Lợi ích vô lượng của Bồ đề tâm

Ðã được Bồ Tát Di Lặc dạy cho Tu Đà Na.

Lực của giới nguyện

Ðây là lời thệ nguyện không tạo nghiệp xấu nữa. Nếu có thể, hành giả nên phát nguyện từ bỏ mọi hành động xấu. Hành vi nào do thói quen, hành giả có thể nguyện bỏ trong một khoảng thời gian mà mình có thể dứt trừ được. Ví dụ như nói chuyện phù phiếm.

Hành giả có thể nguyện bỏ một tật xấu sau thời gian một tháng, một năm hay một khoảng thời gian mà mình có thể giữ trọn lời nguyện. Không có lực thệ nguyện thì việc thanh lọc không trọn vẹn, vì vậy hành giả nên cố gắng tạo thói quen giữ tròn lời thệ nguyện hơn là phát nguyện quá nhiều nhưng không thể giữ vẹn. Cách tốt nhất nguyện bỏ điều xấu trong một ngày và thực hành tịnh hóa nghiệp xấu mỗi ngày.

Do tinh tấn vận dụng bốn lực đối trị, hành giả có thể giải trừ mọi nghiệp xấu. Nếu lực đối trị mạnh trung bình thì hành động xấu sẽ giảm bớt. Nếu lực đối trị yếu thì hành động xấu vẫn còn nhưng không tăng trưởng. Trong tác phẩm "Thư gởi bạn", luận sư Long Thọ nói:

Những người nào trước gây tội lỗi

Nhưng nếu ý thức được điều ác

Thì đẹp như trăng rằm trên bầu trời quang đãng

Giống như Ðề Bà, Angulimala, A xà thế và Udayand.

* Pháp Thiền Quán Vajrasattva (Kim Cương Tát Ðỏa Quán Pháp)

Pháp tịnh hóa Vajrasattva được thực hành như sau:

Ở phía trên đỉnh đầu của hành giả vài phân, chủng tự PAM xuất hiện từ hư không rồi biến thành một hoa sen, biểu tượng của hạnh xả ly hay sự vô nhiễm của Vajrasattva. Trên hoa sen, chủng tự AH xuất hiện từ hư không và biến thành một mặt trăng tượng trưng cho Bồ đề tâm. Ở trên mặt trăng, chủng tự HUM màu trắng xuất hiện từ hư không, biểu tượng pháp thân của chư Phật.

Chữ HUM biến thành một chày kim cương năm nhánh, trên trục có chữ HUM trắng. Từ chày kim cương và chủng tự HUM ánh sáng tỏa ra khắp mười phương biến thành các pháp khí như tù và, tràng phan, bảo cái và nhiều lễ vật khác để dâng lên chư Phật.

Tri kiến và sự chứng ngộ của chư Phật biến thành ánh sáng trắng, tụ lại và tan nhập vào chày kim cương và chữ HUM làm tăng hào quang và thần lực của chúng. Chày kim cương và chữ HUM biến thành Vajrasattva có phẩm tính của vị thầy chính của hành giả. Thân của Ngài là ánh sáng trắng biểu thị cho sự thanh tịnh và không còn vô minh.

Vajrasattva có một mặt và hai tay. Mặt Ngài tượng trưng sự chứng ngộ tính chất độc nhất của vạn vật, sự vô tự tánh. Hai tay tượng trưng cho hai chân lý, chân đế và tục đế. Tay phải cầm chày kim cương tượng trưng cho đại pháp. Tay trái cầm chuông tượng trưng cho việc thực hành trí huệ Tịnh quang.

Vajrasattva ôm vị minh phi Vajramanani trắng, với một mặt và hai tay, tay phải cầm đao, tay trái cầm chén sọ. Ðao tượng trưng cho sự đoạn lìa vô minh. Chén sọ nhắc nhở lý vô thường. Chén sọ có mặt ngoài màu trắng tượng trưng pháp ảo thân, mặt trong màu đỏ tượng trưng trí huệ Tịnh quang. Chén sọ có hai màu hàm ý sự chứng ngộ sau cùng của hành giả, nghi quỹ Du già tối thượng là sự hợp nhất trí huệ Tịnh quang và ảo thân. Vajrasattva và Vajramanani phối hợp tượng trưng cho pháp hợp nhất đại lạc và tánh không.

Vajrasattva ngồi thế kim cương cho thấy Ngài an trụ trong thiền định. Ở tim của Ngài là Mạn Đà La mặt trăng với chủng tự HUM đứng thẳng trên đó và được vây quanh bởi thần chú trăm chữ Vajrasattva.

Màu trắng của Vajrasattva là màu trắng của pha lê. Màu trắng của Mạn Đà La mặt trăng là màu trắng của vỏ ốc, còn màu trắng của chữ HUM và thần chú Vajrasattva là màu trắng của lụa, Vajrasattva ngồi trên tòa sen trắng và Mạn Đà La mặt trăng hàm ý hoạt động hiền hòa và thuận lợi cho việc tịnh hóa.

Từ chữ HUM và những chủng tự thần chú ở tim Ngài, các tia sáng chiếu ra dâng lễ vật cho chư Phật, Bồ Tát và Trí Giả. Tất cả tri kiến và chứng ngộ của các Ngài biến thành các Kim Cương Tát Ðỏa Trí Huệ, và các Kim Cương Tát Ðỏa Trí Huệ lại biến thành Kim Cương Tát Ðỏa Thực Hành. Vậy, các Kim Cương Tát Ðỏa Trí Huệ và Kim Cương Tát Ðỏa Thực Hành trở thành bất nhị.

Từ tim của Vajrasattva lại phát ra những tia sáng triệu thỉnh các vị gia trì lực vân tập đến đầy ắp cả hư không. Các Như Lai đồng thanh thỉnh cầu các vị này:

"Xin hãy gia trì lực cho vị Kim Cương Tát Ðỏa này".

Chư thần gia trì lực đưa cao bình cam lộ trí huệ rót xuống đầu Kim Cương Tát Ðỏa, và đồng tán thán: "Om Sarva Tathagata Abhi Shekata Samaya Shriye Hum", và như vậy làm phép quán đảnh cho Kim Cương Tát Ðỏa.

Thân của Kim Cương Tát Ðỏa được đổ đầy cam lộ trí huệ. Phần cam lộ tràn ra ngoài biến thành một hình Phật A Súc Bệ trụ ở mão của Kim Cương Tát Ðỏa.

Hành giả lại quán tưởng mình là người chủ lễ, ở bên phải là cha mình và các chúng sinh có tướng nam, ở bên trái là mẹ mình và các chúng sinh có tướng nữ. Những kẻ thù địch với mình đứng ở đằng trước quay mặt về phía mình, còn bạn bè thân hữu thì ở đàng sau. Chung quanh họ là chúng sinh trong hình dạng người. Hành giả thỉnh cầu:

"Bạch Ðấng Thế Tôn Kim Cương Tát Ðỏa (Bhagavan Vajrasattva), xin Ngài tịnh hóa con và tất cả chúng sinh khỏi tội lỗi, vô minh, và mọi vi phạm giới nguyện."

Từ chữ HUM ở tim Ngài, những tia sáng chiếu ra tịnh hóa chúng sinh, và dâng lễ vật cúng dường lên chư Phật, Bồ Tát. Phẩm tính của các vị này tụ lại thành ánh sáng, rồi tan nhập vào chữ HUM ở tim của Vajrasattva làm cho oai lực của Ngài trở nên siêu diệu.

Tịnh hóa để giải trừ ác nghiệp có thể được thực hiện theo ba cách:

Dồn xuống

Hành giả thành tâm thỉnh cầu Kim Cương Tát Ðỏa:

"Bạch Ðấng Thế Tôn Kim Cương Tát Ðỏa (Bhagavan Vajrasattva), xin Ngài tịnh hóa con và tất cả chúng sinh khỏi tội lỗi, vô minh, và mọi vi phạm giới nguyện. "

Hành giả niệm thần chú Kim Cương Tát Ðỏa hai mươi mốt biến, vừa niệm vừa quán tưởng từ chữ HUM và các chuỗi thần chú ở tim của Vajrasattva ánh sáng trắng và cam lộ đi xuống rồi tan nhập vào thân của hành giả và chúng sinh qua luân xa đỉnh đầu. Mọi chướng ngại, nghiệp xấu, vô minh, nghịch cảnh, yểu tử, và những điều xấu khác đều bị trục xuất qua các khiếu và những lỗ chân lông ở phần dưới của cơ thể. Hành giả quán tưởng những điều xấu này dưới hình thức máu mủ, bọ cạp, rắn rít v. v.... Khi đã được tịnh hóa rồi, thân của hành giả đầy cam lộ trắng.

Dồn lên

Hành giả lại thỉnh cầu:

"Bạch Ðấng Thế Tôn Kim Cương Tát Ðỏa (Bhagavan Vajrasattva), xin Ngài tịnh hóa con và tất cả chúng sinh khỏi tội lỗi, vô minh, và mọi vi phạm giới nguyện."

Niệm thần chú Kim Cương Tát Ðỏa hai mươi mốt biến, và quán tưởng từ chữ HUM và các chuỗi thần chú ở tim của Vajrasattva ánh sáng trắng và cam lộ đi xuống rồi tan nhập vào thân của hành giả và của chúng sinh qua luân xa đỉnh đầu. Lần này cam lộ được đổ vào thân của hành giả và chúng sinh như nước rót vào ly, làm cho mọi điều xấu trồi lên, rời thân thể qua mắt, tai, mũi, miệng, và những lỗ chân lông ở phần trên của thân thể. Sau khi được tịnh hóa, thân của hành giả đầy cam lộ trắng và biến thành thân ánh sáng.

Cách tịnh hóa này giống như rót nước vào một cái ly có vỏ trấu dưới đáy. Nước làm cho trấu nổi lên miệng ly, rơi ra ngoài và trong ly không còn trấu nữa.

Dồn đống

Hành giả lại thỉnh cầu:

"Bạch Ðấng Thế Tôn Kim Cương Tát Ðỏa (Bhagavan Vajrasattva), xin Ngài tịnh hóa con và tất cả chúng sinh khỏi tội lỗi, vô minh, và mọi vi phạm giới nguyện"

Niệm thần chú Kim Cương Tát Ðỏa hai mươi mốt biến và quán tưởng từ chữ HUM và và các chuỗi thần chú ở tim của Vajrasattva ánh sáng trắng và cam lộ đi xuống, tan nhập vào thân của hành giả và chúng sinh qua luân xa ở đỉnh đầu. Hành giả quán tưởng tất cả nghiệp xấu và vô minh tụ lại thành một đống ở luân xa tim trong dạng bóng tối. Khi ánh sáng và cam lộ chạm vào tim, mọi nghiệp xấu và vô minh tức khắc tan biến, giống như bóng tối trong căn phòng biến mất khi đèn được bật sáng.

Hành giả có thể làm một pháp tịnh hóa thứ tư với Vajrasattva như sau. Thỉnh cầu Vajrasattva: "Bạch Ðấng Thế Tôn Kim Cương Tát Ðoả, xin Ngài tịnh hóa con và tất cả chúng sinh khỏi tội lỗi, vô minh, và mọi vi phạm giới nguyện."

Khi hành giả niệm thần chú Kim Cương Tát Ðỏa hai mươi mốt biến và quán tưởng từ chữ HUM và các chuỗi thần chú ở tim của Vajrasattva ánh sáng trắng và cam lộ đi xuống, tan nhập vào thân của hành giả và chúng sinh qua luân xa đỉnh đầu. Mọi nghiệp xấu được dồn xuống, đi ra ngoài những khiếu ở phần dưới của thân thể, cùng lúc đó được dồn lên và đi ra ngoài những khiếu ở phần trên của cơ thể, và cũng tức khắc biến khỏi đống ở tim. Thân thể của hành giả và chúng sinh đã được tịnh hóa. Tất cả các phẩm tính của các pháp môn và mọi chứng nghiệm được phát triển. Cùng lúc, hành giả quán tưởng ánh sáng phát ra từ Vajrasattva và biến thành các lễ vật dâng lên chư Phật, Bồ Tát. Tri kiến và chứng ngộ của các vị này biến thành ánh sáng trắng, tụ lại và tan nhập vào chữ HUM trắng và chuỗi thần chú ở tim của Vajrasattva, làm cho oai lực của Ngài trở nên siêu diệu.

Hành giả làm những pháp quán tưởng như trên trong khi niệm thần chú Vajrasattva. Nếu không có thời giờ niệm bốn lần, mỗi lần 21 biến, thì ít ra cũng phải niệm 10 biến. Trong tu pháp dài, thần chú Vajrasattva như sau:

Om Vajrasattva Samaya, Manu Palaya, Vajrasattva Tveno Patishta, Dridho Me Bhava, Sutoshyo Me Bhava, Suposhyo

Me Bhava, Anurakto Me Bhava, Sarva Siddhi Me Prayacha

Sarva Karma Sucha Me, Chitta Shriyam Kuru Hum! Ha Ha

Ha Ha Hoh Bhagavan, Sarva Tathagata, Vajra Ma Me Muncha,

Vajra Bhava, Maha Samaya Sattva Ah Hum Phat.

Hành giả kết thúc pháp tịnh hóa với bài kệ sám hối như sau:

Vì vô minh và do không biết

Con đã phạm lỗi lầm

Xin Ðức Lạt Ma Hộ Pháp hộ trì con

Ðấng Trì Thủ Kim Cương Tối Thượng đại từ bi

Cha lành của muôn loài, con nguyện quy y Ngài.

Vajrasattva đáp: “Hỡi đệ tử của dòng truyền thừa, tất cả nghiệp xấu, vô minh, và vi phạm giới nguyện của con đã được tịnh hóa." Rồi Vajrasattva và vị minh phi hoan hỷ tan nhập vào hành giả và chúng sinh. Thân, khẩu, ý của hành giả trở nên bất khả phân với thân, khẩu, ý của Vajrasattva.

(Trích Biển Phương Tiện Và Trí Huệ Bất Khả Phân

(Ocean of indivisble method and wisdom)

của tác giả Geshe Acharya Thubten Loden

Việt dịch: Lục Thạch

Hiệu đính: Lê trung Hưng