Người Phật Tử Có Sùng Bái Thần Tượng Hay Không

Hành động đảnh lễ Đức Phật không phải là một hành động dựa trên sự sợ hãi hay là một hành động để cầu xin sự thành đạt về vật chất. Người Phật tử tin rằng đó là một hành động gieo trồng căn duyên phước lành, huân tập chủng tử Phật tánh nếu họ tôn kính và trân trọng những phẩm chất cao quý của bậc Thầy khả kính dày dạn kinh nghiệm. Người Phật tử cũng tin rằng họ phải chịu trách nhiệm cho sự giải thoát của mình và họ không phải phụ thuộc vào một người thứ ba. Tuy nhiên, cũng có một số Phật tử tin rằng họ có thể đạt được sự giải thoát, cứu rỗi thông qua sự ảnh hưởng của hình tượng Đức Phật và đây là những con người tạo ra ấn tượng như thế cho những người khác nhằm phớt lờ đi những lời nhận xét, châm biếm chua cay kết luận rằng Phật tử là những người chỉ tôn thờ thần tượng và cầu nguyện hình ảnh của một người đã chết từ lâu. Thân vật lý, hay thân tứ đại của con người có thể phân hủy và tan rã thành 4 yếu tố: đất, nước, lửa, gió, nhưng những phẩm chất đáng cao quý, đáng trân trọng của Ngài vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm trí của những người con Phật.

Người Phật Tử Có Sùng Bái Thần Tượng Hay Không?

Thích Quảng Bảo

Trong bất kỳ Tôn giáo nào cũng có một số đối tượng hoặc biểu tượng phục vụ cho những mục tiêu của tôn kính. Trong Phật giáo có các đối tượng chính như sau:

- Xá Lợi của Đức Phật.

- Những biểu tượng mang tính Tôn giáo như hình ảnh Đức Phật, Chùa, Tháp....

Theo truyền thống Phật giáo, những người con Phật trên khắp thế giới thành kính đảnh lễ những đối tượng đáng được tôn kính này và ngoài ra họ còn thiết lập hình ảnh Đức Bổn Sư, Chùa, Tháp, và trồng cây Bồ Đề trong chốn già lam để làm biểu tượng tôn kính của Tôn giáo mình.

Nhiều người cho rằng giới Phật tử cầu nguyện các đấng thần tượng vô hồn. Điều này chúng ta cần thẩm xét lại. Liệu làm như thế có đúng lời Phật dạy và những truyền thống phong tục của Phật giáo hay không?

Việc thờ phụng các đấng thần tượng thường có nghĩa là tạo lập nên các hình ảnh của các vị thần nào đó (nam hoặc nữ) theo nhiều hình thức đa dạng khác nhau nhằm mục đích cầu nguyện để được ban phước hoặc được che chở, hoặc ban cho sự khoẻ mạnh, giàu có, thịnh vượng,... Đây là một việc làm thường được chứng kiến trong một số Tôn giáo hữu thần. Một số người cầu nguyện thậm chí còn van xin những hình tượng các vị thần giúp họ hoàn thành nhiều đặc ân riêng thậm chí đến mức độ phạm phải những hành động bất chính. Họ cũng cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi mà họ đã phạm phải.

Ngược lại với những tinh thần trên, việc sùng bái, tôn thờ Đức Bổn Sư là một phương diện rất khác và rất đặc trưng so với tinh thần sùng bái như trên. Thậm chí từ "sùng bái" cũng không chính xác lắm theo quan điểm của Đạo Phật. "Sự nhất tâm thành kính đảnh lễ" có lẽ là một cụm từ hợp lý nhất dùng để diễn tả hành động trên.

Người Phật tử không chỉ đơn thuần là cầu nguyện suông mà thôi, nhưng sự biểu hiện trong việc cầu nguyện những hình ảnh, thần tượng như thế là để biểu hiện tấm lòng thành tâm, thành kính đối với một Bậc Đạo Sư vĩ đại, một con người xứng đáng được tôn kính, đảnh lễ. Những hình tượng được tạo lập như là một dấu hiệu của sự tôn kính và sự đánh giá cao về sự thành đạt tột bực của bậc giác ngộ và sự hoàn hảo, thanh tịnh của một Bậc Đạo Sư siêu phàm. Đối với người Phật tử, hình tượng chỉ là một dấu hiệu, biểu tượng và một sự tưởng tuợng nhằm giúp cho anh ta hồi tưởng hoặc nhớ lại hình ảnh Đức Phật bằng xương bằng thịt đã từng xuất hiện ở cõi đời này, hay Đức Phật chính trong tâm của mình.

Người con Phật quỳ gối chắp tay trước hình tượng và tôn kính, đảnh lễ những gì mà hình tượng biểu trưng.

Họ không tìm cầu những đặc ân vật chất từ những hình tượng. Họ chú tâm và thiền tư để đạt được nguồn cảm hứng từ cá tính cao quý của Ngài. Người Phật tử cố gắng hoàn hảo như Ngài bằng cách thực hành những lời dạy của Ngài. Người Phật tử kính trọng những phẩm chất vĩ đại và sự thanh tịnh, thánh thiện của một Bậc Đạo Sư như đạt được tượng trưng qua hình ảnh. Trong thực tế, các giáo đồ của mỗi Tôn giáo tạo ra những hình tượng Bậc Đạo Sư khả kính của họ hoặc ở dạng nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc chỉ là một biểu tượng trong tâm để tôn kính. Do đó, không thể phê phán, chỉ trích giới Phật tử là hoàn toàn sai và không hợp lý khi họ tôn thờ những thần tượng.

Hành động đảnh lễ Đức Phật không phải là một hành động dựa trên sự sợ hãi hay là một hành động để cầu xin sự thành đạt về vật chất. Người Phật tử tin rằng đó là một hành động gieo trồng căn duyên phước lành, huân tập chủng tử Phật tánh nếu họ tôn kính và trân trọng những phẩm chất cao quý của bậc Thầy khả kính dày dạn kinh nghiệm. Người Phật tử cũng tin rằng họ phải chịu trách nhiệm cho sự giải thoát của mình và họ không phải phụ thuộc vào một người thứ ba. Tuy nhiên, cũng có một số Phật tử tin rằng họ có thể đạt được sự giải thoát, cứu rỗi thông qua sự ảnh hưởng của hình tượng Đức Phật và đây là những con người tạo ra ấn tượng như thế cho những người khác nhằm phớt lờ đi những lời nhận xét, châm biếm chua cay kết luận rằng Phật tử là những người chỉ tôn thờ thần tượng và cầu nguyện hình ảnh của một người đã chết từ lâu. Thân vật lý, hay thân tứ đại của con người có thể phân hủy và tan rã thành 4 yếu tố: đất, nước, lửa, gió, nhưng những phẩm chất đáng cao quý, đáng trân trọng của Ngài vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm trí của những người con Phật.

Những Phật tử đánh giá cao và tôn trọng những đức tính cao quý ấy. Vì vậy, những sự việc lẽ ra chống lại giới Phật tử thì rất không may thay và hoàn toàn sai lầm và cũng không được mời gọi. Từ những lời dạy của Ngài, chúng ta biết rằng Đức Phật là một bậc Thầy, người đã từng chỉ ra con đường chân chánh hướng đến sự giải thoát, cứu rỗi, nhưng nó còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân trong quá trình tu tập và làm cho tâm của mình được trong sạch để chứng đắc trạng thái giải thoát đó mà không phụ thuộc, nương nhờ vào Bậc Đạo Sư của mình. Chính Đức Phật khuyên “Các ngươi hãy nổ lực tu tập, các Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư”.

Theo quan điểm của Đức Phật, không có một đấng sáng tạo, đấng thượng đế nào, hay là những Bậc Đạo Sư nào mà có thể đưa con người lên thiên đàng hay đày đọa họ xuống địa ngục. Con người tạo ra thiên đàng và địa ngục cho chính bản thân mình thông qua thân, khẩu, ý nghiệp của chính mình đã tạo ra. Do đó, việc cầu nguyện một nhân vật thứ ba để được sự giải thoát, cứu rỗi mà không cần dọn sạch những tư tưởng cấu uế trong tâm của mình thì chẳng có lợi ích gì cả. Tuy nhiên, cũng có một số người thậm chí là Phật tử khi cầu nguyện trước hình ảnh Đức Phật lại đổ dồn hết tất cả những vấn đề rắc rối, sự bất hạnh, khó khăn, và những nỗi ưu phiền của mình để cầu xin Đức Phật giúp họ giải quyết những vấn đề trên. Mặc dầu đó không phải là một hành động mang tính Phật giáo thực sự, nhưng hành động như thế cũng sẽ đạt được một phần nào làm giảm đi sự đau đớn về mặt tình cảm tâm lý và giúp cho họ có đủ nghị lực vượt qua những sợ hãi, tự tin cương quyết… Đây cũng là một hành động phổ biến của nhiều Tôn giáo khác. Nhưng đối với những ai có thể hiểu rõ nguyên nhân của những vấn đề, họ không cần phải dùng đến những hành động như thế. Khi người Phật tử đảnh lễ, cúng dường Đức Phật, họ trân trọng Ngài bằng cách đọc lên một vài bài kệ ca ngợi những phẩm hạnh tinh khôi của Ngài. Những bài kệ này không phải là những lời cầu nguyện theo ý nghĩa đòi hỏi một đấng sáng tạo, một đấng thượng đế hoặc là một vị thần nào đó rửa sạch những tội lỗi của họ. Những bài kệ này đơn giản chỉ là một phương tiện giúp chúng ta thành tâm trong khi đảng lễ một Bậc Đạo Sư vĩ đại đã chứng đắc giác ngộ và giải thoát nhân loại khỏi khổ đau, và mang lại lợi lạc cho tất cả nhân loại. Người Phật tử tôn kính trân trọng Bậc Đạo Sư của họ là vì muốn van xin để đạt được lợi ích cho chính bản thân họ. Đức Phật cũng luôn khuyên chúng ta nên tôn kính những ai đáng được tôn kính. Do đó người Phật tử có thể tôn kính, trân trọng và đảnh lễ bất cứ Bậc Đạo Sư nào xứng đáng được tôn kính. Trong lĩnh vực cầu nguyện, người Phật tử hành thiền định để huấn luyện tâm và tự kỷ luật, kiểm soát tâm của mình. Vì những mục đích của hành thiền, cho nên một đối tượng cũng rất cần thiết, nếu không có nó thì việc định tâm, tập trung tư tưởng sẽ rất khó khăn. Thỉnh thoảng, người Phật tử dùng hình ảnh Đức Phật như là một đối tượng, đề mục nhờ vào đó mà họ có thể tập trung tư tưởng một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, những hình ảnh là ngôn ngữ của tiềm thức. Do vậy, nếu như hình ảnh của một Bậc Giác Ngộ được quán chiếu, suy tư trong tâm của hành giả như là một sự hiện thân của chúng sanh hoàn hảo, thì sự quán chiếu, suy tư như thế sẽ thể nhập vào tàng thức của hành giả và nếu sự quán chiếu đủ mạnh, thì sự quán chiếu sẽ hoạt động như một cái phanh tự động kìm hãm những động cơ tạo nghiệp bất thiện.

Hình ảnh Đức Phật như là một đối tượng có thể thấy được bằng mắt có một ảnh hưởng rất hữu dụng cho tâm. Sự hồi tưởng những kinh nghiệm tu tập, giác ngộ của Đức Phật phát sinh ra niềm hân hoan, hỷ lạc trong tâm, và đưa hành giả từ một trạng thái trạo cử (restlessness), căng thẳng và tán loạn đi đến trạng thái hân hoan, hỷ lạc. Một trong những đề mục của thiền quán là quán tưởng Đức Phật bằng cách nhận diện và đánh giá cao sự hy sinh vĩ đạo của Ngài. Vì vậy, việc sùng bái hình tượng Đức Phật là mục đích giúp cho tâm được định dễ dàng hơn và không nên xem đó là một sự sùng bái thần tượng, mà nên xem đó như là một hình thức lý tưởng của việc sùng bái.

(Nguyên tác HT. tiến sĩ Ksri Dhammananda)

tkl