Kiến trúc “tiền phật, hậu thánh” ở chùa Keo Hành Thiện

image

Không nổi tiếng như chùa Keo Thái Bình, nhưng chùa Keo Hành Thiện ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, lại có một kiến trúc khá thâm trầm, tĩnh tại.

Trải dài trên một trục trung tâm là các tòa thờ Phật, thờ Thánh, mặt bằng chùa Keo Hành Thiện, cùng với dãy hành lang bằng gỗ lim thẳng tắp hai bên, có thể được xem như một khuôn mẫu của lối kiến trúc nội công ngoại quốc đỉnh cao thế kỷ XVII. Mặc dầu có quy mô nhỏ hơn nhưng nó lại có niên đại sớm hơn, nên xét về tổng thể, chùa Keo Hành Thiện có thể xem là khuôn mẫu dựng nên chùa Keo Thái Bình. Có thể đây chính là lý do mà chùa Hành Thiện được gọi là chùa Keo trên để phân biệt với chùa Keo dưới (Thái Bình) – ngôi chùa kế thừa mọi kiểu dáng bố cục để phát huy trở thành ngôi chùa “đệ nhất danh lam”.

Chùa Keo Hành Thiện có một kiến trúc khá giản dị với hai tam quan nội và tam quan ngoại. Trong lòng kiến trúc là hai điện thờ đều được dựng theo dạng mặt bằng hình chữ công (I), tạo nên một kiến trúc chữ công kép rất độc đáo trong số các kiểu thức dựng chùa của thế kỷ XVII. Với hai tam quan ngoại và tam quan nội thì lối kiến trúc mặt bằng hình chữ công kép này như càng được nhấn mạnh hơn.

Đặc biệt nữa là Tam quan nội của chùa được dựng theo dạng thức Tam quan kép tức Tam quan gác chuông với cấu trúc tam quan 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Nó được dựng trên 8 đại trụ của bốn bộ vì chính và 16 cột quân kê trên chân đá tảng chạm hoa sen.

Toàn bộ hệ thống vì kèo được kết cấu theo lối chồng giường đỡ mái, kết hợp với việc làm gác lửng. Kết cấu này đã khiến người ta khi bước vào chốn Thiền không có thể chiêm ngưỡng nét đẹp của các đầu dư chạm rồng rất tỉ mỉ. Lệch về phía bên của gác lửng, người ta đặt một cái thang gỗ để có thể leo lên gác lửng phía trên chiêm ngưỡng cũng như thỉnh những hồi chuông.

Trên xà ngang giữa hai tầng của Tam quan gác chuông này có ghi một dòng niên đại cho biết: “Ngày lành tháng xuân năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái (1895), đúc lại chuông đồng và tu tạo lại gác chuông”.

Kế ngay điện thờ Phật là khu thờ Thánh Không Lộ Thiền sư cũng có mặt bằng hình chữ công. Nó đã kiến tạo nên dạng thức kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh” rất độc đáo. Nếu ở chùa Keo Thái Bình, các nhà kiến trúc sư dân gian đã thêm vào tòa Giá roi để tạo sự phân cách giữa hai khu thờ Phật và Thánh, thì ở Keo Hành Thiện người ta lại nhìn thấy một sự thống nhất liên thông cho hai điện thờ.

Bằng lối kiến trúc này, họ đã tạo ra sự tương phản trong việc thay đổi nhịp điệu của kiến trúc. Từ khối kiến trúc mở của khu thờ Phật cho đến lối kiến trúc hoàn toàn đóng kín để tạo nên sự thâm nghiêm cho khu thờ Thánh. Một hệ thống cửa bức bàn, vách gỗ đã được tạo ra ngay từ hệ thống cột quân đầu tiên của khu tiền đường.

Đồng thời người ta cũng nhận thấy sự phô diễn của nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ XVII đã được tạo dựng nên ở đây. Từ mảng chạm rồng ở hai bên mặt tiền cho đến các mảng chạm ở cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, tầng tầng lớp lớp của các mảng chạm khiến cho hậu cung thờ Thánh trở nên lung linh rực rỡ.

Có thể lối trang trí kiến trúc này đã phản ánh rất rõ quan niệm thờ tự của người Việt trong kiến trúc. Phật điện cho thấy một sự giản dị như tinh thần Phật giáo muốn tìm đến bản thể chân tâm; còn Thánh điện thì sang trọng, lung linh, huyền bí như để tạo ra một cõi tiên giới trên phàm trần.

Trần Hoàng Ngân
Nguồn: Quân Đội Nhân Dân