Vu Lan – nhớ Mẹ, nhớ Cha

Tôi cảm động nhất là bố bảo tôi, con đợi bố tí để bố đi xoay ít tiền cắt cho con ít thuốc Bắc uống cho chóng hồi người, rồi sinh cho Bố vài đứa cháu chứ con cứ ốm mãi thế này thì biết đến bao giờ bố mới có cháu, thế nhưng không có ngờ là chỉ vài tháng sau thì bố tôi chết. Cho nên suốt đời, mỗi khi nhìn thấy con hay là khi ăn uống gì thì tôi lại nhớ Bố. Nguyễn Thị Phượng

Lần đầu tiên về thăm bà cụ, nghe tôi nói không ăn thịt cá, nên Mẹ nói để Mẹ đi cắt rau muống cho con rồi cụ thân hành đi cắt và lựa những cọng ngon nhất cho tôi, nhưng chuyện đó cũng không bằng lần cuối cùng về thăm Mẹ. Lúc đó Mẹ đã lẫn nhiều lắm nhưng lúc nào cũng hỏi thăm. Xuân Đào

Vu Lan – nhớ Mẹ, nhớ Cha
2007.08.27

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA

Trong Đạo Phật, tháng 7 âm lịch có Lễ Vu Lan, đây cũng là mùa Xá Tội Vong Nhân, Mùa Báo Hiếu. Nhưng có lẽ đã từ lâu lắm, Mùa Báo Hiếu không chỉ là một lễ hội của Phật Giáo mà còn được coi là một truyền thống dân gian trong Văn Hoá Việt Nam.

Mùa Lễ Vu Lan, ngoài những nghi thức tôn giáo, người Việt tha phương hải ngoại còn nhớ gì đến những kỷ niệm với cha mẹ ? Có phải chăng chỉ là những lần sum họp quây quần, chỉ là những bữa cơm lúc no lúc đói, hay là những hôm nghe Cha thổi sáo, nghe Mẹ ru à ơi ...

Nhắc lại những kỷ niệm đẹp nhất, những kỷ niệm khó quên nhất với cha mẹ, Bà Nguyễn Thi Phượng, đang cư ngụ tại Montreal, Canada nói về Bố chồng của bà như sau: “Tôi mồ côi Bố lúc 9 tuổi. Khi lấy chồng tôi cũng may mắn, Bố chồng tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng trìu mến, dạy tôi mọi công việc và bổn phận trong gia đình.

Bố con đang vui vẻ, hạnh phúc đầm ấm, cảnh nhà thuận hòa, thì ngày 29 tháng 8 năm 47, Tây tấn công, bố tôi bị lạc đạn chết mất. Tôi lấy chồng khi mới 17 tuổi, năm 18 tôi hư thai, ốm nặng lắm, Bố chồng tôi đón về nhà nuôi. Cảnh ngoài Bắc thời đó thì mẹ chồng con dâu ít khi hòa thuận được nên bố tôi bảo tôi về nhà mẹ ruột tôi để nghỉ ngơi.

Tôi cảm động nhất là bố bảo tôi, con đợi bố tí để bố đi xoay ít tiền cắt cho con ít thuốc Bắc uống cho chóng hồi người, rồi sinh cho Bố vài đứa cháu chứ con cứ ốm mãi thế này thì biết đến bao giờ bố mới có cháu, thế nhưng không có ngờ là chỉ vài tháng sau thì bố tôi chết. Cho nên suốt đời, mỗi khi nhìn thấy con hay là khi ăn uống gì thì tôi lại nhớ Bố.”

Ông Nguyễn Văn Tôn ở Houston cho biết bố ông thổi sáo và ngâm thơ rất hay, Còn mẹ ông là một người đàn bà tuyệt vời:

“Bố tôi thổi sáo hay lắm, tôi chẳng nhớ bài gì nhưng bố tôi đánh đàn Bầu hay lắm. Ông không cho anh em chúng tôi đánh lộn, dạy phải hòa thuận với nhau. Bố tôi ngâm thơ bài Hồ Trường hay lắm. Cụ bà khôn ngoan lắm, cụ bà thì tuyệt vời lắm, cụ hay lắm, cụ giỏi lắm.

Thí dụ như ngày 30 tháng Tư, Cụ khuyên tôi là đi đi, không có phải đợi ai cả, đàn ông thì phải lo cái mạng sống của mình trước, khi nào cần thì có 2 việc: Bần chi hiếu mà khốn chi minh, bây giờ lúc này là lúc sáng suốt, anh lên tàu mà đi đi chứ anh ở lại là đi tù, vợ anh lo đi tiếp tế cho anh là không ai nuôi con anh đâu. Bà cụ nói quyết liệt lắm, thế là tôi can đảm đi một mình. Hai cụ tôi mất cả rồi.”

Ông Nguyên Hồng tâm sự về ánh mắt của người Mẹ hiền trong lần chia tay cuối cùng thật cảm động:

“Vào một buổi trưa trong những ngày cuối Tháng Tư năm 75, lúc đó, tôi là một sĩ quan tác chiến trực tiếp ngoài chiến trường, vì đau răng nên được về Sàigòn một buổi sáng để chữa răng. Khoảng 2 giờ, cô em gái tôi sẵn sàng xe để chở tôi ra đón xe đò trở về đơn vị. Tôi nhớ rất rõ ràng ánh mắt của mẹ tôi nhìn theo.

Ánh mắt vừa tha thiết yêu thương, vừa cầu khẩn van lơn, vừa tuyệt vọng bất lực. Mẹ tôi có nói “con có thể ở lại được không, con có thể nán lại để cùng gia đình đi không” Trong ánh mắt đó có thêm cả sự hờn trách vì tôi quyết định ra đi, nhưng trong ánh mắt đó cũng có sự tha thứ và sự thông cảm vì tôi phải trở về đơn vị.

Tôi đã nhìn thấy được cái ánh mắt của mẹ tôi lúc đó, như biết rằng lần chia tay này có lẽ là không còn gặp lại nữa. Và quả tình là tôi không bao giờ được ôm lại mẹ tôi nữa, vì 16 năm sau, khi được đoàn tụ, thì tôi chỉ còn quì xuống để thắp hương bên mộ của Bà.

Cái ánh mắt đó đã theo tôi trong những thời gian cực khổ tại trại tù cải tạo, đã tiếp nghị lực, đã tiếp sức mạnh để cho tôi vượt qua những khó nhọc, cùng khổ với một niềm mong ước có một ngày mình sẽ được ôm lại mẹ để giải thích, để nói rõ với mẹ, để chia sẻ cái ánh mắt tha thiết yêu thương, ánh mắt vừa cầu khẩn van lơn…

Mãi mãi cái ánh mắt nhìn theo đó, luôn luôn, khi nào tôi nghĩ đến mẹ tôi thì tôi thấy ánh mắt đó và có lẽ ánh mắt đó sẽ không bao giờ mất đi trong tâm khảm của tôi.”

Chị Xuân Đào nói về hai lần gặp Mẹ chồng đầu tiên và cuối cùng như sau: “Lần đầu tiên về thăm bà cụ, nghe tôi nói không ăn thịt cá, nên Mẹ nói để Mẹ đi cắt rau muống cho con rồi cụ thân hành đi cắt và lựa những cọng ngon nhất cho tôi, nhưng chuyện đó cũng không bằng lần cuối cùng về thăm Mẹ. Lúc đó Mẹ đã lẫn nhiều lắm nhưng lúc nào cũng hỏi thăm.


Đang ngồi cùng ăn cơm, Mẹ quay sang chồng tôi hỏi sao nó chưa về thăm Má, nhà tôi bảo rằng hắn đang ngồi trước mặt Má đó. Cụ quay lại, nhìn thấy tôi thì trên nét mặt của cụ một niềm hạnh phúc thật là khó diễn tả. Đó là ánh mắt mà suốt đời tôi thể bao giờ quên được, dù Mẹ đã qua đời rồi ” Cô Lệ Liễu nhắc đến kỷ niệm ấu thơ với người cha thân yêu trên con đường làng đầy ánh trăng:

“Hình ảnh khi tôi nghĩ đến ba tôi thì gắn liền với chiếc xe Vespa và đi trên đường đầy ánh trăng. Lúc còn nhỏ, khi má tôi còn sống, dạo đó ba tôi làm quận trưởng Tuy Phước thì cứ mỗi cuối tuần, sau khi làm xong việc nhà, má tôi hay dẫn tôi ra đón xe lửa lên quận Tuy Phước với Ba, rồi đến tối thì Ba lại chở xe Vespa về.

Má tôi ngồi sau còn tôi thì đứng trước, lúc đó tôi chừng 4 tuổi. Có một lần tôi thấy mặt trăng cứ theo hoài, tôi hỏi Ba tại sao Mặt Trăng cứ chạy theo, thì ba tôi nói mặt trăng không chạy theo đâu, nhưng vì nó lớn lắm và nó ở trên trời nên mình đi đâu mình cũng thấy thôi.

Cái hình ảnh đó là lúc còn Ba, còn Má mà đi trên con đường đầy ánh trăng cứ ở trong trí hoài. Khi tôi học mẫu giáo thì Má mất nhưng sau khi Má mất thì tôi vào ở với Dì tôi ở NhaTrang, Ba tôi cũng hay vô thăm nhưng hình ảnh lúc 4 tuổi vẫn nhớ nhiều hơn”

Thưa quí thính giả, dù ở tuổi nào, dù theo tôn giáo nào, dù đang sống tại quê nhà hay đang tha phương ngàn dặm, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có những kỷ niệm vui buồn khó quên với ông bà cha mẹ.

Trong mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, HiềnVy xin kính chúc quí thính giả thân tâm thường an lạc.