Cuộc Hội Ngộ Giữa Thân Hữu Già Lam cùng Thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát

Thầy Lê Mạnh Thát trình bày về công trình xây dựng Đại Học Phật Giáo lấy tên là Đại Học Khuông Việt. Tổng kinh phí của toàn bộ dự án xây cất Đại Học Khuông Việt là khoảng $40,000,000.00 (bốn chục triệu US dollars). Giấy tờ pháp lý chứng nhận chủ quyền của khu đất mới đã có. Hiện nay Thầy đang tiến hành việc nhờ kiến trúc sư vẽ sơ đồ kiến trúc. Khi nào xong Thầy sẽ gửi sang cho THGL tất cả những giấy tờ này để thuận tiện cho việc vận động. Công trình xây dựng sẽ chia ra nhiều giai đoạn và nhiều khu trong đó có khu Thư viện là một tòa nhà cao mười tầng với sức chứa được một triệu cuốn sách, khu giảng đường, khu Tăng xá, ký túc xá, khu y khoa và bệnh viện, khu hành chánh quản trị đại học, công viên, v.v...

Trước mắt là sẽ khởi sự xây dựng một giảng đường rộng chứa được khoảng hai đến hai ngàn rưỡi người, khu Tăng xá, ký túc xá. Kinh phí cho giai đoạn này là khoảng 3 đến 4 triệu Mỹ kim. Công trình này dự trù sẽ hoàn thành vào trước Phật Đản năm 2008, vì đấy là thời điểm Phật Giáo Việt Nam xin đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản do Liên Hiệp Quốc chủ xướng.

Quý Thầy Nguyên Siêu, Thầy Quảng Ba, Thầy Hạnh Tuấn, Thầy Nhựt Huệ, Thầy Nhật Trí, v.v... cũng đã trình bày sự ủng hộ và thỉnh thị một số việc liên quan đến công trình xây dựng Đại Học Khuông Việt, bao gồm việc gợi ý thành lập một Ban Vận Động của Thân Hữu Già Lam để hỗ trợ cho công trình xây dựng Đại học Khuông Việt này.

BẢN TIN

VỀ CUỘC HỘI NGỘ GIỮA THÂN HỮU GIÀ LAM

VÀ HAI THẦY TUỆ SỸ VÀ LÊ MẠNH THÁT

Hai mươi hai năm, kể từ khi Ôn Già Lam viên tịch, hai Thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt vào tù, anh em học Tăng của Quảng Hương Già Lam không có đất trú thân trên quê hương nên phải tìm đường ra đi. Hôm nay, quý Thầy và anh em THGL mới có cơ hội để gặp lại hai Thầy trong khung cảnh tập thể dù là trên hệ thống Paltalk chỉ nghe mà không thấy.

Sáu giờ chiều California, room mở cửa, quý Thầy và anh em bắt đầu lai rai vào room, thử MIC, chờ đợi..!

Sáu giờ rưỡi chiều California, hai Thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát vào room, không khí tưng bừng hoan hỷ. Thầy Lê Mạnh Thát cầm MIC nói như đang trình bày thật sự công trình xây dựng một Đại học Phật Giáo... Thầy Tuệ Sỹ nói với Thầy Thát, “khoan đã, chờ quý Thầy vào đông đủ rồi hãy nói.” Lại chờ... "Ba mươi phút thì hơi lâu đó nghe!" Thầy Tuệ Sỹ nói.

Máy móc của một số Thầy bị trục trặc, thử MIC không được, vào room cũng không được luôn vì room bị giới hạn số người vào chỉ được mười nicknames thôi...! Một số quý Thầy phải đợi ở ngoài. Sốt ruột quá! Điện thoại Tu Viện Pháp Vương và cellular reo liên tục...

Đúng bảy giờ tối California, trong room hiện diện khoảng 15 vị kể cả hai Thầy, bên ngoài vẫn còn quý Thầy đang chờ đợi vào. Trễ giờ rồi, phải bắt đầu chương trình ngay.

Thầy Nhật Trí bắt đầu Chương trình. Cung thỉnh quý Thầy và quý anh em niệm hồng danh đức Bổn Sư để cầu chứng minh và gia bị. Thầy Nhật Trí đã giới thiệu luợc qua quý Thầy và anh em hiện diện trong room để cho hai Thầy biết, vì có vị lấy nickname không phải là Pháp hiệu quen thuộc.

Thầy Nguyên Siêu thay mặt THGL đọc Cẩn bạch cung nghinh hai Thầy. Thầy đã khơi lại bối cảnh năm xưa của tình Thầy trò dưới mái các học đường Hải Đức và Quảng Hương Già Lam. Có lúc giọng Thầy trầm xuống, đứt quãng..., cả room im lặng sâu lắng, hầu như mọi con tim đều se thắt lại trong cảm thức của hoài niệm xa xưa! Lịch sử của dân tộc và đạo Pháp sao có khi lại nghiệt ngã đến thế!

Thầy Lê Mạnh Thát tiếp lời bằng sự tâm tình chân thật như thầy trò trong nhà. Thầy tâm sự: "Tôi năm nay đã 65 tuổi, già rồi chứ đâu còn trẻ trung gì, sức lực đã yếu." Đúng vậy, nghe quý Thầy nói Thầy Lê Mạnh Thát gần đây sức khoẻ không mấy khả quan, vì lo lắng nhiều việc, rồi phải đi đây đi đó từ trong nước đến ngoài nước, ăn uống ngủ nghỉ cũng không được điều độ, đôi mắt của Thầy cứ đỏ ngầu lên, thân thể vốn đã ốm lại càng ốm hơn. Thật tội nghiệp quá! Nhưng có lẽ vì gặp được quý Thầy và anh em vui quá nên Thầy nói cười rất sảng khoái.

Thầy tiếp tục trình bày về hiện tình sinh hoạt của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam và Học Viện Phật Giáo Việt Nam trong đó có đề cập đến mấy chuyến Phật sự nước ngoài ở Thái Lan, Tích Lan gần đây.

Sau đó Thầy bước sang trình bày về công trình xây dựng Đại Học Phật Giáo lấy tên là Đại Học Khuông Việt.

Tổng kinh phí của toàn bộ dự án xây cất Đại Học Khuông Việt là khoảng $40,000,000.00 (bốn chục triệu US dollars). Giấy tờ pháp lý chứng nhận chủ quyền của khu đất mới đã có. Hiện nay Thầy đang tiến hành việc nhờ kiến trúc sư vẽ sơ đồ kiến trúc. Khi nào xong Thầy sẽ gửi sang cho THGL tất cả những giấy tờ này để thuận tiện cho việc vận động. Công trình xây dựng sẽ chia ra nhiều giai đoạn và nhiều khu trong đó có khu Thư viện là một tòa nhà cao mười tầng với sức chứa được một triệu cuốn sách, khu giảng đường, khu Tăng xá, ký túc xá, khu y khoa và bệnh viện, khu hành chánh quản trị đại học, công viên, v.v...

Trước mắt là sẽ khởi sự xây dựng một giảng đường rộng chứa được khoảng hai đến hai ngàn rưỡi người, khu Tăng xá, ký túc xá. Kinh phí cho giai đoạn này là khoảng 3 đến 4 triệu Mỹ kim. Công trình này dự trù sẽ hoàn thành vào trước Phật Đản năm 2008, vì đấy là thời điểm Phật Giáo Việt Nam xin đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản do Liên Hiệp Quốc chủ xướng.

Quý Thầy Nguyên Siêu, Thầy Quảng Ba, Thầy Hạnh Tuấn, Thầy Nhựt Huệ, Thầy Nhật Trí, v.v... cũng đã trình bày sự ủng hộ và thỉnh thị một số việc liên quan đến công trình xây dựng Đại Học Khuông Việt, bao gồm việc gợi ý thành lập một Ban Vận Động của THGL để hỗ trợ cho công trình xây dựng Đại học Khuông Việt này.

Thời gian qua mau quá, cuộc chuyện trò còn đang thắm thiết mà đã hơn 9 giờ tối California, tức là hơn 11 giờ trưa ở Việt Nam, hai Thầy còn phải thọ trai và các công việc Phật sự khác, cho nên, tất cả đều đồng ý tạm ngưng cuộc tâm tình trao đổi ở đây. Thầy Nhật Trí thay mặt THGL thành kính đảnh lễ và tri ân hai Thầy đã hoan hỷ dành thì giờ quý báu cho THGL được cơ hội hầu chuyện, kính chúc hai Thầy phước trí viên mãn, Phật sự thành tựu.

Buổi hầu chuyện là cơ hội tốt để Thầy Trò cùng nhau đam đạo thăm hỏi lẫn nhau, để cho quý Thầy và anh em THGL bày tỏ sự hậu thuẫn đối với công tác văn hóa giáo dục mang lại lợi ích lâu dài cho đạo pháp và dân tộc, để hiểu rõ hơn về công trình xây dựng Đại Học Khuông Việt, và cũng để cho THGL nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ đối với công tác Phật sự này.

Tâm Huy kính ghi.

Nguồn: Thân Hữu Già Làm