Nhiên Chỉ Vấn Biện

Lịch sử phật giáo việt nam tịnh độ pháp môn niệm phật graphicCó vị khách hỏi: đốt ngón tay phát khởi bởi hàng Thích tử, từ trước đến nay các bậc tôn túc người tán thán kẻ bài xích, tốt xấu không định, thị phi khó phân. Nguyện xin ngài ban cho chúng tôi vài lời để quyết trừ lòng nghi.

Tĩnh Am đại sư đáp: Lành thay! Lành thay! Câu hỏi thật thích đáng. Điều này có quan hệ mật thiết đến Phật giáo, lại dễ khiến kẻ phàm tình sanh lòng nghi hoặc. Nếu chẳng một phen đàm luận rõ ràng thì thị phi tà chánh chẳng biết nhân đâu dứt trừ...Nay ta vì ngươi thống quát cổ kim, thuyết minh rõ sự sai biệt, lược có sáu loại:

Một là nội ngoại tà chánh sai biệt. Hai là Nho Thích lập giáo sai biệt. Ba là đại thừa và tiểu thừa khai giá sai biệt. Bốn là chư sư tông thú sai biệt. Năm là phàm thánh nhân quả sai biệt. Sáu là tâm hành thị phi sai biệt. Khi đã biết rõ sáu thứ sai biệt rồi thì đúng sai, chánh tà rõ ràng như các đường chỉ tay, chẳng còn nghi hoặc nữa.

ĐỐT NGÓN TAY CÚNG DƯỜNG

Thật Hiền đại sư

Thiền Sư Chín Ngón phỏng dịch PL 2446

 

I. Lời giới thiệu của người dịch

Việc đốt tay, chân và thân cúng dường Phật, xuất phát từ kinh điển Phật giáo như Kinh Pháp Hoa và đặc biệt là trong Kinh Hiền Ngu kể lại tiền thân đức Phật vì cầu nghe một câu Kinh, một bài kệ mà Ngài đã nhiều phen đốt thân cúng dường, có khi chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực, lột da làm giấy để chép một câu Kinh, một bài kệ. Nhờ sự quên thân vì đạo mà Ngài đã vượt qua chín mươi mốt đại kiếp thành Phật trước ngài Di lặc, mặc dù hai người cùng phát tâm một lần. Hình ảnh quên thân cầu pháp của Ngài mãi mãi sẽ là tấm gương sáng cho hàng hậu học chúng ta.

Trong chiều hướng đó, Phật giáo Việt Nam mặc nhiên thừa nhận nó như là sự hy sinh cao thượng nhất cho sự hiến thân vì đạo. Lẽ đương nhiên nó không phải là sản phẩm của Phật giáo Trung Hoa như nhiều người đã lầm tưởng. Bằng chứng là trong suốt quá trình truyền giáo và qua mấy cuộc pháp nạn của Phật giáo Trung Hoa, chúng ta không tìm thấy được một Tăng sĩ cũng như Phật tử nào tự thiêu để phản đối chính sách tiêu diệt Phật giáo. Ngược lại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã xem hành động “vì pháp thiêu thân” như là chuyện đương nhiên. Đàm Hoằng là người đầu tiên mà chúng ta hiện nay biết được qua sử sách còn sót lại. Rồi vào thời nhà Trần, chúng ta có Minh Tâm và Bảo Tính sau khi tụng và giảng Kinh Pháp Hoa xong cảm ân Phật nhiều kiếp vì chúng sanh hy sinh vô số thân hình đầu mắt cùng những thân phần khác của cơ thể, nên đã nhập “hoả quang tam-muội” thiêu thân cúng dường. Tiếp đó là ngài Trí Thông đã đốt cánh tay cúng dường Phật nhân ngày Điều Ngự Nhân Tông làm lễ thế phát xuất gia, mà vẽ mặt vẫn thản nhiên nhưng không có gì xảy ra vậy. Điều Ngự Nhân Tông nghe tin đến thăm ngài, Trí Thông nói: “bần Tăng đốt đèn cúng Phật mà thôi, đốt xong về viện ngủ say, đến khi thức dậy thấy chổ phỏng đã lành.” Sau khi Điều Ngự Nhân Tông thị tịch, Trí Thông vào núi Yên Tử phụng trì Xá lợi đến đời vua Minh Tông tự thiêu… Rồi vào những năm của đầu thập niên sáu mươi để phản đối sự đàn áp Phật giáo, ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã bùng lên đốt tan sự vô minh và đem lại cho Phật giáo Việt Nam một sức sống mới.

Đặc biệt gần đây tại hải ngoại chợt phát rộ phong trào đốt liều và đốt ngón tay cúng dường, chẳng biết sự việt phát xuất từ đâu? Tuy nhiên, có một số kiến giải sai lầm về vấn đề này.

Việc “vì pháp thiêu thân” lẽ dĩ nhiên là đáng trọng đáng kính tuy nhiên, chúng ta không thể hễ một chút là thiêu, hễ một chút là đốt làm vậy e rằng sẽ đem đến một cái nhìn không đúng đắn về Phật giáo. Lẽ dĩ nhiên việc “vì pháp thiêu thân” không phải là việc mà ai muốn thì làm được, mà ít ra người tự nguyện đốt thân cần phải có một định lực tối thiểu nhất là có thể ngồi yên trong ngọn lửa hồng mà không cảm thấy nóng! Nếu “vì pháp thiêu thân” để giải trừ pháp nạn thì khi đốt phải có sự đồng ý của giáo hội và phải có chiến thuật cũng như chiến lượt để gây tiếng vang đem lại một kết quả như ý, xứng đáng với sự hy sinh. Bằng ngược lại hành động ấy e rằng chỉ dẫn đến việc ma, hại nhiều hơn lợi. Chưa nói đến việc không có sự đồng ý của giáo hội mà lại nhân danh giáo hội để tự thiêu làm vậy thì cũng như lấy dây thòng lọng mà tròng vào cổ giáo hội khiến giáo hội bị hàm oan.

Riêng về việc đốt liều và đốt ngón tay cúng dường thì phải do lòng tự nguyện hoặc vì phát đại nguyện, hoặc vì muốn cúng dường Phật. Đối với việc này không nên cưỡng ép, việc làm này dù ít dù nhiều nó cũng sẽ đem đến một vài phản ứng trực tiếp đến tâm lý người đốt. Có lần chúng tôi gặp một thầy đốt ba liều trên đầu, trong lúc đàm luận, chúng tôi hỏi thầy về động cơ thúc đẩy thầy đốt ba liều ấy. Thầy nói: “Thật ra tôi có muốn đốt đâu! Nhân lúc thọ giới Tỳ kheo, thấy ai cũng đốt hết ngay cả mấy cô sa di nhỏ cũng đốt nữa, mình là nam nhi đại trượng phu hổng lẽ không đốt thì mắc cở quá nên phải đốt, chứ tôi nào có muốn”. Im lặng và lừng khừng một chút rồi thầy nói tiếp: “Trong giới đàn ấy, tôi cũng có một người sư đệ tuy lớn tuổi nhưng vô tu muộn cũng thọ giới Tỳ kheo. Tội Thầy ấy lắm khi thấy ai cũng đốt nên Thầy cũng đành phải đốt theo, nhưng đến khi đốt, tôi nhìn thấy mặt thầy ấy xanh như tàu lá chuối vì sợ, trông thật là tội. Còn phần tôi thì đỡ hơn đôi chút không đến nổi sợ quá nhưng đến khi tôi nghe tiếng quẹt gas kêu sì sì trên đầu là tôi tụng Lăng Nghiêm lớn tiếng, đến khi thỏi hương cháy xuống tới da đầu bắt đầu cảm thấy nóng rát là tôi tụng thiếu đường muốn bể Chùa…”

Qua đó chúng ta thấy, đúng ra việc đốt liều trong lúc thọ giới như vậy, sẽ là lúc mà hành giả phát nguyện đem một phần thân thể tôn quý nhất trên đảnh đầu, cúng dường tam bảo nguyện trọn đời vị pháp quên mình và phát tâm đại Bồ-đề là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, để mình có thể đời đời kiếp kiếp y theo hạt giống Bồ-đề mình gieo trồng hôm nay mà hành đạo. Nhưng ở đây người đốt đã không có được khái niệm đúng đắn về hành động cao thượng của mình. Mà người ấy đốt là vì mọi người ai cũng đốt và sợ mắc cở với mấy cô ni cho nên mình cũng phải đốt. Với việc làm như vậy chắc không mấy đem lại lợi ích cho bản thân bởi vì chính hành giả đã không an lạc và hoan hỷ trong hành động của mình. Có một điều đáng tiếc và đáng trách hơn, là không có sự khai thị của giới sư về ý nghĩa của việc đốt liều cho giới tử, hoặc có mà quá đơn điệu đến độ giới tử không hề có một nhận thức gì về hành động cao thượng của mình sắp làm và dường như nó chỉ là trách nhiệm của giới tử khi thọ giới.

Một lần khác chúng tôi gặp một Thầy đã đốt một ngón tay út, sau khi thưa chuyện và được Thầy cho biết: “Trước khi tôi đi hành hương có hứa với Thầy đồng hành, trong thời gian hành hương nếu Thấy ấy tu hạnh nguyện gì tôi cũng sẽ làm như vậy. Đến khi Thầy ấy đốt ngón tay thì tôi cũng phải đốt chứ đâu có phát nguyện gì!?” Mặc dù Thầy ấy nói không phát nguyện gì nhưng ở đây chúng ta xem như là thầy đã tu hạnh thứ năm của ngài Phổ Hiền tức là “hạnh tuỳ hỷ”. Tuy nhiên, Thầy lại không ý thức được mình đang tu “hạnh tuỳ hỷ” (một trong mười đại nguyện của ngài Phổ Hiền). Thiết nghĩ, nếu lúc đó Thầy ấy biết phát tâm rộng lớn, ít nhất là vì đạo pháp, vì dân tộc hay lớn hơn nữa là “trên cầu thành Phật dưới nguyện hoá độ chúng sanh” thì chúng tôi tin rằng đời tu của Thầy ấy sẽ tiến theo một lộ trình khác và đặc biệt hơn nhiều!

Sau đó chúng tôi có gặp một vài thầy mà trong hai bàn tay đã đốt đến ba hay bốn ngón nhưng chúng tôi không có dịp thưa chuyện và không biết động cơ nào đã thúc đẩy quý thầy làm việc này ? Hy vọng rằng động cơ thúc đẩy không phải vì danh vì lợi!

Riêng bản thân chúng tôi, khi ban sơ xuất gia, trong mấy huynh đệ cùng một lớp thì mọi người ai cũng bảo rằng tôi “tu không được”. Thế có chán không ? Mình đi tu mà bị người ta phán cho một câu kiểu đó, quả thật là đau lòng quá. Qua một năm hành điệu, được học Kinh điển và đặc biệt được đọc tiểu sử của Bồ tát Quảng Đức với trái tim bất diệt, chúng tôi tò mò thắc mắc không biết với cái nóng khủng khiếp ấy làm sao một con người bằng da bằng thịt lại có thể ngồi yên bất động? Từ tò mò đi đến tìm hiểu, rồi một ngày nọ chúng tôi cũng phát tâm đốt ngón tay út cúng dường chư Phật và phát đại nguyện. Chúng tôi đốt trong sự ý thức cao độ và trân trọng thành kính cúng dường chư Phật đồng thời cũng để phát tâm Bồ đề. Từ đó đời tu của chúng tôi rẽ sang một hướng khác đặc biệt hơn. Kể từ ngày ấy, mỗi lần thối chí trên bước đường tu tập hay gặp những chướng ngại không thể vượt qua được chúng tôi nhớ lại lúc mình phát nguyện đốt tay cúng dường, tự nhiên trong sâu thẳm tâm thức chúng tôi dường như có một sức sống khác và khơi dậy luồng nhiệt huyết trong tim. Khiến cho chúng tôi vững bước tiến trên con đường đạo.

Đến đây chúng tôi xin chia xẻ kinh nghiệm của chính mình cùng với những vị Phật tương lai. Ở đây chúng tôi chỉ muốn chia xẻ chút ít kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua chứ tuyệt nhiên không có một hậu ý nào cả, nếu có đem lại sự ngộ nhận nào thì đó là ngoài sự dụng tâm của chúng tôi.

Thật sự khi chúng tôi phát tâm đốt ngón tay cúng dường thì đã không được ai hướng dẫn, hay nói cách khác là chúng tôi đã tự ý làm mà không xin phép ai kể cả sư phụ. Vì tự ý làm nên chúng tôi đã dấu cả sư phụ lẫn huynh đệ và đã đốt trong đêm (khi mọi người yên giấc).

Để chuẩn bị cho sự cúng dường này, trước tiên chúng tôi viết xuống những lời phát nguyện của mình từ nhiều ngày trước đồng thời học thuộc tất cả những lời nguyện và nhiều lần đến trước Phật đài phát nguyện bồ đề cho được thuần thục.

Vào một đêm trăng tròn nọ, sau khi tụng giới bồ-tát xong, chúng tôi ngồi tọa thiền trong phòng, đợi mọi người yên giấc. Đầu tiên, chúng tôi lấy bông gòn quấn quanh ngón tay út khoảng một lóng tay rưỡi, sau đó đắp y áo đến trước tượng Phật lộ thiên đốt hương đảnh lễ quỳ xuống phát nguyện (trước là cúng dường Phật, kế đó là phát những nguyện mà nội dung chính là “trên cầu Phật đạo dưới hoá độ chúng sanh”, cuối cùng hồi hướng công đức cho Phật giáo Việt Nam sớm được thống nhất thành một khối và sớm có một đại tạng Kinh bằng tiếng Việt). Sau đó chúng tôi ngồi bán già trong trạng thái thường ngày vẫn ngồi niệm Phật. Kế đến là nhúng ngón tay út đã quấn bông gòn sẳn vào xăng và đẩy chai xăng cách ra thật xa, để tránh khỏi bị bén lửa. Tay cầm quẹt gas chuẩn bị bật lửa, bất chợt trong tâm có một sự thối thất vì nghĩ rằng đốt như vầy e nóng chết, eo ôi nóng! Chịu làm sao cho thấu?

Thế là sau một hồi dằn co dữ dội mà lẽ dĩ nhiên là ngã chấp phải thắng. Buồn bã ngồi yên, lắng động tâm tư nghĩ đến hình ảnh vĩ đại của ngài Quảng Đức với ngọn lửa thiêu đốt thân mà ngài vẫn an nhiên bất động. Sau một lúc quán tưởng thì tinh thần phấn chấn trở lại, vậy là chúng tôi bắt đầu tụng chú Lăng Nghiêm, sau một lúc trì tụng và chúng tôi bật quẹt và ngọn lửa bùng lên như một ngọn đuốc nhỏ. Ôi chao ơi, nóng! Nóng thấu xương! Khi ấy miệng tuy là tụng chú nhưng toàn tâm lực và mắt chỉ chú ý đến cái nóng mà thôi! Càng chú ý đến nó bao nhiêu thì càng cảm thấy nóng khủng khiếp bấy nhiêu! Lúc bấy giờ tụng chưa hết đệ nhất của chú Lăng Nghiêm chúng tôi đổi sang chú đại bi và lẽ dĩ nhiên vẫn nóng, chẳng bớt chút nào biết thế này thì không ổn rồi. Cũng may là lúc ấy chúng tôi chưa đứng dậy chạy lòng vòng quanh chùa vì nóng, nếu không thì xấu hổ quá, còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ. Lúc bấy giờ chúng tôi cố gắng tập trung toàn tâm lực vào bài chú cho đến lúc quên cả thân và tâm. Đến khi ý thức hoạt động trở lại thì thấy lửa đã tắt lúc nào và thấy mình đang niệm Phật chứ không phải là tụng chú, và thời gian trãi qua đã là khoảng 45 phút.

Từ đó rút ra được một kinh nghiệm quý báu là lúc ban đầu chúng tôi nên niệm Phật hơn là trì chú Lăng Nghiêm hay Đại bi. Bởi vì niệm Phật là công phu tu tập hằng ngày của chúng tôi cho nên trong hoàn cảnh cần nhiếp tâm thì tốt nhất là sử dụng công phu mà hằng ngày mình thường tu tập thì dễ định tâm hơn.

Sau đó chúng tôi trở về phòng dùng khăn khô lau chùi (không nên dùng nước để rửa vì làm vậy chỗ cháy sẽ bị bọng nước và rất dễ bị nhiểm trùng) tro bụi nơi ngón tay út thì phát giác ra ngón áp út và ngón giữa cũng bị phỏng khá nặng mà mình không biết phỏng từ bao giờ. Sau này nghiệm lại chúng tôi mới hiểu là do gió tạt khiến lửa cháy táp qua hai ngón ấy mà trong lúc tập trung tinh thần nên không biết. Đúng ra khi đốt nên ngồi nơi khuất gió để tránh bị lửa táp và đồng thời dùng dầu ăn, lửa cháy sẽ đầm hơn nghĩa là ít bị phực hơn. Nếu có dầu trầm lại cũng rất tốt, nhưng dầu trầm lửa cháy mạnh hơn, có thể nói mạnh như xăng. (chúng tôi không biết dầu trầm mà mà chúng tôi thử nghiệm là dầu thật hay dầu giả, tuy nhiên người bán nói đó là dầu trầm thật và chúng tôi mua với giá rất đắc. Nên chúng tôi tin đó là dầu trầm thật.)

Sau khi lau tro bụi xong, bấy giờ chúng tôi thấy ngón tay út, hắn “vàng rộn” và bóng lưỡng vì quanh nó dường như có một lớp mở bao bọc trông thật “hấp dẫn”. Với ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy, chúng tôi leo lên giường làm một giấc bình yên đến sáng.

Sáng hôm sau, không biết xử lý thế nào với ngón tay ấy nên cứ để mặc kệ nó, cứ y như rằng tự nhiên nó sẽ lành vậy. Đồng thời lúc trước đó chúng tôi đã đọc truyện của ngài Hư Vân thấy rằng sau khi đốt ngón tay ngài chẳng làm gì cả, mà ngón tay “tự nhiên” lành, thế là tôi cũng quyết định để cho nó “tự nhiên” lành. Dạ không đâu thưa các hành giả! Nó không tự nhiên lành! Như chúng ta đã nghĩ! Trên đời này không có gì tự nhiên cả, vạn vật đều có nhân duyên. Mình phải có một hành động cụ thể nào đó để nó “phải tự lành” mới được.

Như vậy, là chúng tôi đã để cho nó tự nhiên đến gần hai tháng sau thì nó teo lại như một cành cây chết khô trên cây vậy, thật ngạc nhiên trong khi đó phần dưới của ngón tay út không bị đốt vẫn “sống và tươi tốt” bình thường. Hiển nhiên tôi chẳng ai biết gì về tình trạng ngón tay thứ mười của tôi như thế nào cả.

Sau hơn hai tháng sống với những phân vân vì không biết phải giải quyết “hắn” như thế nào? Hiển nhiên chúng tôi không hề sợ hãi vì mất ngón tay này. Chẳng sao cả vì “ngón tay là ngón tay, mà tôi vẫn là tôi, hai đứa mình tuy một mà hai và tuy hai mà vẫn là một!” và mình còn đến chín ngón cơ mà, chẳng can hệ gì, có gì mà sợ? Bởi vì, trước khi đốt ngón tay cúng dường và phát nguyện chúng tôi đã quyết định làm “Cửu Chỉ thiền sư” rồi. Có đôi khi chúng tôi đã định lấy dao tự làm bác sĩ giải phẩu để tháo khớp xương ấy bỏ đi nhưng lại không biết giải quyết làm sao khi vết thương đã hở miệng nên đành thôi. Có khi khác còn táo bạo hơn, chúng tôi có ý định lấy dao chặt phức nó đi là xong chuyện. Cuối cùng chúng tôi đã thông minh hơn khi quyết định đi bệnh viện để nhờ bác sĩ tháo khớp xương giúp.

Khi đến bệnh viện, bác sĩ vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu vì sao với thời gian lâu như vậy mà khớp xương bên dưới không bị thối hư trong khi phần trên thì khô rang và teo lại y như que củi khô vậy. Từ đó chúng tôi lại rút ra thêm một kinh nghiệm đáng giá nữa là sau khi đốt ngón tay xong là phải đi gở khớp xương liền, càng sớm càng tốt (thời gian trễ nhất là trong vòng một tuần lễ) bằng không nó có thể dẫn đến việc bị thúi xương hoặc bị nhiễm trùng đưa đến tình trạng mất một bàn tay. Có lẽ có đọc giả sẽ cho rằng thì mất cánh tay cũng đâu đã sao nà? Vì mình cúng dường mà! Vâng đúng vậy! Nếu đốt một cánh tay cúng dường rồi tháo cánh tay ấy bỏ đi thì là chuyện nhỏ, không có gì đáng tiếc cả! Mà ngược lại phải nên mừng mới đúng! Vì mình đã đem thân giả huyễn hữu lậu này gieo trồng hạt giống chơn thường vô lậu! Nhưng ở đây chỉ đốt một ngón tay mà lại phải tháo bỏ đi một cánh tay thì lại là vấn đề khác và vì vượt qua sự ước lượng ban đầu của hành giả do đó khó tránh khỏi một cú shock mạnh đến tâm lý chưa nói đến việc thối thất tâm niệm.

Cuối cùng có một việc quan trọng là trước khi đốt ngón tay để cúng dường và phát đại nguyện, hành giả hãy chuẩn bị cho mình một sự chịu đựng cang cường, hay nói cách khác là nhẫn nhục ba la mật (không phải là nhẫn nhục chịu nóng đâu cái này nhỏ thôi vì chỉ có 45 phút chẳng thấm vào đâu so với những sự kiện xảy ra sau đó! Còn khó kham nhẫn hơn gấp trăm ngàn lần! Chúng tôi không dám nói ngoan đâu, chỉ xin chia sẽ kinh nghiệm của mình). Nhẫn nhục hay chịu đựng cái gì thì chúng tôi quả thật không biết vì mỗi người có nghiệp và căn cơ khác nhau, nhưng chúng tôi biết chắc chắn là đời sống tu tập của hành giả sẽ có một chuyển hướng mới (thuận và nghịch cảnh lẫn lộn). Chuyển hướng đó có người gọi là bị đổ nghiệp, hoặc là nghiệp dồn, hoặc bị nghiệp khảo v.v… Dù tên gọi như thế nào đi nữa thì chỉ là danh từ và thuận hay nghịch cũng chỉ là sự kiện, điều quan trọng hơn cả là chúng ta chỉ nên xem đó như là sự thử thách và là cơ hội để rèn luyện thân tâm thì chúng sẽ là duyên để chúng ta tiến đạo. Bằng ngược lại thì chúng sẽ là duyên thối đạo. (Khổ đến cùng cực cả thể xác lẫn tinh thần, có khi hành giả chỉ muốn cuốn gói về nhà ở với mẹ cho xong, nó khổ đến thế quý vị ạ).

Chúng tôi viết lại những dòng tư tưởng này với mục đích duy nhất là chia xẻ kinh nghiệm của chúng tôi cùng với những người đi sau. Chứ không có ý gì khác. Văn từ thô sơ mong rằng chư vị đọc giả đạt ý quên lời.

Tiếp theo là chúng tôi xin dịch một bài luận văn ngắn của Ngài Thật Hiền Đại sư liên quan đến việc đốt liều và ngón tay giúp các độc giả có một khái niệm đúng đắn về việc làm này.

II. Chánh văn dịch

Có vị khách hỏi: đốt ngón tay phát khởi bởi hàng Thích tử, từ trước đến nay các bậc tôn túc người tán thán kẻ bài xích, tốt xấu không định, thị phi khó phân. Nguyện xin ngài ban cho chúng tôi vài lời để quyết trừ lòng nghi.

Tĩnh Am đại sư đáp: Lành thay! Lành thay! Câu hỏi thật thích đáng. Điều này có quan hệ mật thiết đến Phật giáo, mà dễ khiến kẻ phàm tình sanh lòng nghi hoặc. Nếu chẳng một phen đàm luận rõ ràng thì thị phi tà chánh chẳng biết nhân đâu dứt trừ. Nếu chưa phân định ranh giới chánh tà thì sự tốt xấu, đúng sai, tán thán, bài xích e khó tránh khỏi thiên lệch. Nay ta vì ngươi thống quát cổ kim, thuyết minh rõ sự sai biệt, lược có sáu loại:

Một là nội ngoại tà chánh sai biệt.

Hai là Nho Thích lập giáo sai biệt.

Ba là đại thừa và tiểu thừa khai giá sai biệt.

Bốn là chư sư tông thú sai biệt.

Năm là phàm thánh nhân quả sai biệt.

Sáu là tâm hành thị phi sai biệt.

Khi đã biết rõ sáu thứ sai biệt rồi thì đúng sai, chánh tà rõ ràng như các đường chỉ tay, chẳng còn nghi hoặc nữa.

1. Nội ngoại tà chánh sai biệt

Kẻ mê muội chánh lý, chấp đoạn, chấp thường của tà kiến. Nương tro thờ lửa, thiêu đốt thân thể, đem sự khổ hạnh mong cầu quả lạc đời vị lai, là pháp tu của hàng ngoại đạo tà kiến.

Trong tu lý quán làm chánh hạnh, ngoài mượn khổ hạnh làm trợ duyên. Hoặc đốt thiêu một liều hương (cũng gọi là tấn hương), hoặc đốt một ngón tay, nhân đó phát khởi hoặc củng cố thệ nguyện, nuôi lớn chí nguyện, thân kiến đã phá trừ, ngã chấp cũng diệt theo. Vì tâm ứng hợp với giáo nên là chánh.

2. Nho Thích lập giáo sai biệt

Nho giáo thiên trọng về thân vì “thân là di thể của cha mẹ” cho nên phải gìn giữ thân này. Hễ tự làm tổn thương chút tí liền thành bất hiếu.

Giáo pháp của đức Thích Ca Như lai chuyên trọng về tâm vì “tâm làm chủ các pháp; thân chỉ do bốn đại hoà hiệp mà thành.” Đem thân cúng dường thì phá chấp diệt tội; chấp giữ cầu an thì sống chẳng lợi đời, chết không ích đạo.

3. Đại thừa và tiểu thừa khai, giá sai biệt

Trong luật bộ tiểu thừa bảo đốt ngón tay phạm tội “đột kiết la”.(Bởi vì tiểu thừa chỉ mong cầu tự lợi, cho nên y pháp mà bảo toàn thân.)

Đại thừa nói rõ, nếu chẳng đốt tay, ngón tay cúng dường chư Phật chẳng phải là hạnh xuất gia Bồ tát. (Đại thừa thiết yếu đem lợi ích cho người, do vậy, vì pháp quên thân) . Ấy là vì đại thừa tiểu thừa khai mở và ngăn cấm sai biệt.

4. Chư sư tông thú sai biệt

Cũng do vì đại thừa - tiểu thừa khác biệt nên các bậc tôn túc theo Nam tông thì chê bai bài xích. Riêng chư vị tôn túc theo Bắc tông đều tán thán (như Kinh Khê, Vĩnh Minh, Từ Vân, Pháp Trí), người thì làm luận xiển dương, người thì tự thân thực hành. Hàng hậu học nên tin nhận chớ sanh nghi hoặc. Duy gần đây ngài Vân Thê đại sư chẳng chịu hứa khả, bởi sợ đời Mạt pháp hạng cuồng vọng muốn tạo sự quái dị để chiêu dụ người cho nên ngài đã quyền thuyết, vừa ức vừa dương mỗi mỗi đều có nguyên nhân. Vì vậy, hàng hậu học phải thâm tâm suy xét, đây là chư sư tông thú sai biệt.

5. Thánh phàm nhân quả sai biệt

Kinh Pháp Hoa nói: “Ngài Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát vừa xả bỏ thân, đời kế lại tiếp thiêu đốt hai tay và phát thệ nguyện vĩ đại, phát nguyện xong hai tay hoàn phục như cũ.” Đây là Bồ tát Đắc Nhẫn thị hiện quả báo.

Kinh Phạm Võng nói: “Tân học Bồ tát từ ngàn dặm xa xôi đến, thầy phải y pháp khai thị khổ hạnh, nếu không đốt tay hoặc ngón tay cúng dường chư Phật ấy chẳng phải là xuất gia Bồ tát.” Lấy đây làm nhân xa cho việc mới thọ giới.

6. Tâm, hành thị phi sai biệt

Hành giả bên trong quả thật phát đại tâm, bên ngoài đốt ngón tay hay liều cúng dường. Nương nhờ Tam bảo, tâm mong phá trừ chướng ngại, chí hướng Bồ đề thì tội diệt phước sanh công ấy chẳng phải lãng phí.

Bên trong chấp nhân ngã, ngoài tham danh lợi lấy việc đốt ngón tay, tấn hương để gây tiếng vang, chiêu dụ tín đồ cầu mong cúng dường thì sự thiêu đốt này là sai lầm chứ chẳng có công đức chi, xin hãy thận trọng. Cho nên, việc làm hành động tuy đồng mà sự dụng tâm, động cơ thúc đẩy có khác, không thể không quán xét.

Khách lại hỏi: Sự sai biệt này có thể dung thông không?

Đáp: Hiển nhiên là được. Do nương ngoài mà biết trong thì ngoài sẽ làm trợ duyên cho trong. Nhân nơi tà mà nhập chánh thì tà làm duyên cho chánh. Vì vậy, có câu: “Lời ngoại đạo thuyết đều là Phật ngữ.(1)” Được vậy thì hạnh cầu học ấy có khác nào Thiện Tài. Vì vậy mà Điều Đạt, Thiện Tinh đều là bạn lữ của Như-lai, Tà chánh dung thông vậy có ngại gì ? Sao lại bảo không được?

Nho giáo và Phật giáo, nếu luận về tích thì có chỗ dị biệt nhưng luận về lý thì tương đồng. Thế nên Thái Bá cắt tóc, Khổng Tử xưng tán là người chí đức. Tỷ Can moi tim, Lỗ công bảo là người nhân nghĩa. Do vậy nên biết chỗ lập giáo của Nho giáo so sánh với pháp thế gian của Phật giáo đâu có sự khác biệt vẫn thường dung thông.

Tiểu và đại thừa đều do Phật thuyết, ứng cơ chẳng đồng hoặc khai hoặc chế. Tuy nhiên, đại từ tiểu mà ra, “quyền” do triển khai từ “thật”, chẳng có “thật” thì “quyền” không nương đâu mà triển khai, cũng vậy không có tiểu thì đại chẳng thể tự lập, lý vốn không hai. Cho nên, chẳng cần phải hoà hợp vì tự nó vốn đã dung thông rồi vậy.

Tông thú không đồng là do người có sự thấy biết sai biệt, chứ nào có quan hệ gì đến giáo lý! Thí như hai người cùng lúc ngắm trăng kẻ Đông người Tây, người đứng phía Đông thì thấy trăng hiện ở phương Tây, người đứng phía Tây thì thấy trăng hiện phương Đông, thấy Đông Tây là do vị trí hai người khác biệt chứ trăng đâu từng hai hướng! Thánh phàm tuy có sai biệt nhưng “nhân thâu biển quả, quả thấu nguồn nhân”, nhân quả vốn tự dung thông, há có sự sai biệt để đàm luận sao?

Nếu tâm quả thật chánh thì việc làm tự chánh; tâm tà thì pháp pháp đều tà. Chánh tà tại tâm chẳng do sự tướng, cũng như úp tay ngửa tay, tay nguyên vẫn là một. Đắc niệm hay thất niệm là do cách dụng tâm, tâm vốn không hai thể, nên đâu cần phải dung thông.

Trên đã nói sự tương đồng và chỗ dị biệt nhưng chẳng nên thiên chấp. Vì nếu cố chấp bảo rằng có sự khác biệt thì sẽ trở thành đầu mối cho sự tranh cãi. Lại như chấp bảo là tương đồng thì phạm vào lỗi phải trái chẳng biết phân biệt. Phải biết rằng đồng dị đều do tâm, tâm vốn không đồng cũng chẳng dị, tuy không đồng dị mà đồng dị rõ ràng. Ta mong ngươi dùng tâm chánh giải mà suy xét.

Khách nói: May thay! Được nghe những điều chưa từng nghe, biết những điều chưa từng biết. Tuy nhiên, tôi vẫn còn mối nghi xin nguyện vì tôi giải thích. Nghe nói thiêu thân, đốt tay là việc làm của Bồ tát Đắc Nhẫn, chẳng phải là cảnh giới của hàng sơ phát tâm, điều này như thế nào?

Đáp: Phạm Võng Kinh thuyết minh hành pháp vốn vì hành sơ phát tâm. Nên Kinh văn chỉ nói: “Tân học Bồ tát” mà chẳng nói Đắc Nhẫn Bồ tát. Bởi tân học Bồ tát thệ nguyện chưa kiên cố, tâm chí chưa rộng, nên cần nương cậy Sư trưởng khai thị, dùng khổ hạnh làm roi sách tấn, nhân đó làm tăng thượng duyên cho việc thọ giới. Nếu ước hẹn tấn hương và đốt ngón tay là việc làm của Bồ tát Đắc Nhẫn lực, các bậc đại sĩ ấy xuất gia thọ giới thật hiếm. Ngày nay người thọ giới đều tấn hương cúng Phật là phát xuất từ Kinh Phạm Võng vậy. Việc tấn hương, đốt ngón tay đồng là khổ hạnh, có khác chăng chỉ là lớn nhỏ không đồng mà thôi. Nếu đối với hàng sơ tâm chẳng hứa thuận cho việc đốt ngón tay cúng Phật thì cũng chẳng hứa thuận cho việc tấn hương cúng Phật, do vậy cũng chẳng hứa thuận cho việc thọ giới, lý có thể như vậy được sao?

Khách nói: những sự luận như trên tôi xin vâng mạng thọ lãnh. Nhưng chưa rõ hàng xuất gia, trước hết nên ứng xử như thế nào? Trước phải tấn hương, đốt tay hay hãy từ từ thong thả? Nếu chẳng thiêu đốt vậy có phạm giới không?

Đáp: Xuất gia trước hết phải thấu rõ lý quán, sau mới đến sự hạnh. Vậy thì sự thú hướng có nơi, công phu chẳng bị hư phí. Nếu lý quán chẳng rõ, chỉ tu khổ hạnh mong được công lao, cuối cùng chẳng đạt được sự lợi ích chân thật. Đốt hay không đốt việc ấy tuỳ ý mỗi người, chớ nên gượng ép, Kinh dù có khuyến người nhưng cũng chẳng kết tội. Tuy nhiên, không được cố ý trái lời Phật dạy sanh khởi dị kiến cho việc đốt ngón tay là sai, khiến phương hại đến hạnh môn, ngăn cản hạnh thù thắng. Những người sơ phát tâm chẳng thể chẳng biết.

Khách lễ bái rồi lui ra.

Hết