Kinh Trì Trai

Kinh Trì Trai

Hán dịch: Cư sĩ Chi Khiêm

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Chùa Từ Quang, 584/1 Phan Thanh Giản, Sài Gòn Ấn Hành. 1957

PHẬT NÓI KINH TRÌ TRAI (1)

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật ở trong điện quan Thừa Tướng, thuộc phía Đông thành Xá Vệ.

Một hôm mẹ quan Thừa Tướng ấy tên là Duy Da; sáng sớm dậy, bà tắm gội, mặc áo mầu, rồi cùng những người con dâu đi đến chốn Phật. Đến nơi, cùng nhau cúi đầu lễ sát chân Phật. Lễ xong, tất cả đều ngồi về một bên.

Đức Phật hỏi bà Duy Da: Bà tắm gội làm gì sớm thế? Bà thưa: Lạy đức Thế Tôn, con muốn cùng những con dâu con cùng thụ trai giới!

Đức Phật dạy: Trai có ba hạng, bà muốn trì hạng trai nào! Bà Duy Da liền quỳ xuống và thưa rằng: Lạy đức Thế Tôn, chúng con chưa biết gì, nay chúng con muốn được Thế Tôn chỉ giáo cho chúng con nghe biết những gì là ba hạng trì trai? Đức Phật dạy: Một là trì trai như những người chăn trâu. Hai là trì trai như những người tu đạo Ni Kiền (Nirgrantha: khỏa thân). Ba là, trì trai của Phật pháp.

Trì trai như những người chăn trâu: Nghĩa là, những người chăn trâu cầu sao được nước lành, cỏ ngon, trâu ăn uống no. Chiều về suy nghĩ xem cánh đồng nào được phong nhiêu, để sớm mai lại lùa trâu đến chỗ ấy cho nó ăn. Cũng như những họ hàng, trai, gái, đã thụ trai giới, ý còn để vào lợi dục sản nghiệp ở nhà và còn nghĩ đến những thức ăn uống ngon, để dưỡng dục thân thể. Thế là, sự trì trai ấy cũng như ý người chăn trâu kia, không được phúc lớn và không phải là sáng suốt lắm.

Trì trai như những người tu đạo Ni Kiền: Nghĩa là, đến thời trai giới, ngày rằm (15) trong tháng, những người tu đạo Ni Kiền họ nằm ép mình xuống đất để thụ trai giới, họ lại làm lễ, lạy các vị Thần trong khu vực mười do tuần và tâu rằng: "Ngày nay tôi trì trai, không dám làm ác; không dám gọi rằng có nhà người kia, nhà của tôi và tôi không thân quen gì; vợ, con, tôi tớ không phải là của tôi có, tôi cũng không phải là chủ của họ". Song, cái học của họ chỉ là cái học văn sang mà chất hèn, không có gì là chính tâm cả. Đến sáng mai, khi mặt trời mọc rồi thời tất cả lại có những việc như việc cũ không khác chút nào. Thế là, trì trai như nhưng người tu đạo Ni Kiền kia không được phúc lớn và không phải là sáng suốt lắm.

Trì trai của Phật Pháp: Nghĩa là, những đệ tử trong đạo, theo lời đức Phật dạy, mỗi tháng sáu ngày trai, nên thụ trì tám giới, Tám giới là những gì?

- Giới thứ nhất: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân (2), không có ý giết, nghĩ thương chúng sinh. Và, không được cướp hại những loài côn trùng nhung nhúc; không dùng dao, gậy đánh, giết chúng sinh. Nghĩ muốn được an lành, lợi lạc, đừng nên làm việc sát sinh. Như Giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ hai: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, không có ý tham lấy của ai, tự niệm bố thí và nên cho bằng cách hoan hỷ cùng tự tay mình cầm cho, cho bằng cách trong sạch và cung kính; không có ý mong cầu cùng lại tham lam, keo lận. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ Ba: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, không có dâm ý, không nghĩ phòng thất; tu trì Phạm hạnh, không làm tà dục và tâm không tham sắc. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ tư: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, không ý vọng ngữ, tư niệm chí thành, an định từ ngôn, không nói dối trá, tâm, miệng hợp nhau. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ năm: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, không uống rượu, không say, không mê loạn, không thất ý và bỏ ý buông lung. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ sáu: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, không có ý cầu an, không ham hoa, hương, không xoa phấn sáp, không làm việc ca vũ, xướng nhạc. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ bảy: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, không có ý cầu an, không nằm giường tốt. Nên nằm giường xấu, chiếu cỏ, bỏ sự nằm ngủ, tư niệm kinh đạo. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

- Giới thứ tám: Giữ trọn một ngày, một đêm, tâm như bậc Chân nhân, vâng theo như pháp ăn đúng thời; ăn ít và tiết độ thân thể, quá giữa ngày, sau không ăn. Như giới thanh tịnh, đem nhất tâm tập.

Đức Phật lại bảo bà Duy Da: Ngày thụ trì trai, nên tập niệm năm niệm. Năm niệm là những gì?

- Một là, nên niệm Phật: Phật có hiệu là Như Lai, là Chí chân, là Đẳng chính giác, là Minh Hạnh Túc, là Thiện Thệ thế gian phụ, Vô thượng Sĩ, Kinh pháp ngự, Thiên nhân sư ... gọi là Phật (3). Thế là niệm Phật. Niệm Phật: ngu si, ác ý, nộ tập đều trừ, thiện tâm tự sinh, nghĩ vui Phật nghiệp. Ví như, người ta đem thứ ma du, tảo đậu gội đầu, trừ được cáu bẩn. Người trì trai niệm Phật, đức thanh tịnh của họ như thế, mọi người thấy họ, ai chẳng tin, ưa.

- Hai là, nên niệm Pháp: Phật thuyết diệu pháp ba mươi bảy phẩm, (4) đầy đủ không thiếu, tư niệm đừng quên. Và, nên biết Pháp ấy là ánh sáng của thế gian. Thế là niệm Pháp. Niệm Pháp: ngu si, ác ý, nộ tập đều trừ, thiện tâm tự sinh, vui dùng Pháp nghiệp. Ví như, người ta dùng thứ ma du, tảo đậu tắm rửa thân thể, trừ được cáu bẩn. Người trì trai niệm Pháp, đức thanh tịnh của họ như thế, mọi người thấy họ, ai chẳng tin, ưa.

- Ba là, nên niệm Chúng (Tăng): Là, những đệ tử Phật, cung kính, thân cận Phật, nương theo và lĩnh thụ những lời giáo hóa của Phật để ngộ nhập Phật tuệ. Những đệ tử Phật có người đắc vị Tu Đà Hoàn, lĩnh thụ sự chứng ngộ quả vị Tu Đà Hoàn; có người đắc vị Tư Đà Hàm, lĩnh thụ sự chứng ngộ quả vị Tư Đà Hàm; có người đắc vị A Na Hàm, lĩnh thụ sự chứng ngộ quả vị A Na Hàm; có người đắc vị A La Hán, lĩnh thụ sự chứng ngộ quả vị A La Hán. Ấy là tám hạng (Bát bối: tứ quả, tứ hướng) trượng phu. Trong bốn đôi (tứ song) trên đây, đều là những vị thành Giới, thành Định, thành Tuệ, thành Giải (giải thoát), thành Độ tri kiến (giải thoát tri kiến); là những vị có Thánh đức, là những vị đủ mọi hạnh, nên chắp tay cung kính các bậc Tôn giả phúc điền trong thiên thượng, thiên hạ ấy. Thế là niệm Chúng. Niệm Chúng: ngu si, ác ý, nộ tập đều trừ, hỷ tâm tự sinh, ưa vui chúng nghiệp. Ví như, người ta lấy tro chính giặt áo, trừ được nhơ, cáu. Người trì trai niệm chúng, đức họ như thế, mọi người thấy họ ai chẳng tin, ưa.

- Bốn là, nên niệm Giới: Thân thụ giới của Phật, nên nhất tâm vâng giữ không thiếu, không phạm, không động không quên, khéo kiến lập, giữ cẩn thận, làm gì là đều làm trong đường trí tuệ, sau không hối hận; không có hy vọng và thường đem lòng bình đẳng dạy người. Thế là niệm Giới. Niệm Giới: ngu si, ác ý, nộ tập đều trừ, hỷ tâm tự sinh, vui giới thống nghiệp (5). Ví như, mài gương, cáu sạch, sáng tỏ. Người trì trai niệm Giới, đức thanh tịnh của họ như thế, mọi người thấy họ, ai chẳng tin, ưa.

- Năm là nên niệm Thiên: Thiên là cõi trời, có: thứ nhất là Tứ thiên vương, thứ hai là Đao lỵ thiên, Diêm thiên, Đâu thuật thiên, Bất kiêu lạc thiên, Hóa ứng thanh thiên (6) ... Nên tự niệm rằng: "Ta vì có đức tin, có giới pháp, có nghe biết, có bố thí, có trí tuệ ... đến khi thân ta chết đi, tinh thần ta sẽ sinh lên cõi Thiên. Ta nguyện không mất được đức tin, giới pháp, nghe biết, bố thí, trí tuệ". Thế là niệm Thiên. Niệm Thiên: ngu si, ác ý, nộ tập đều trừ, hỷ tâm tự sinh, vui Thiên thống nghiệp (7). Ví như bảo châu, thường sửa chữa tối tăm, đem lại trong sáng. Người trì trai niệm Thiên, đức thanh tịnh của họ như thế.

Vâng giữ tám giới, tập năm điều tư niệm là trì trai của Phật Pháp. Và, cùng với cõi Thiên, tham đức, diệt ác, hưng thiện, sau sinh lên cõi Thiên, tới khi mệnh chung được lên cõi Niết bàn. Thế nên bậc Trí giả, tự lực thực hành, ra tâm tác phúc.

Như thế, bà Duy Da! Phúc lành của việc trì trai, thực rõ ràng, đáng khen và xa rộng như mười sáu đại quốc trong thiên hạ này vậy. Mười sáu đại quốc trong thiên hạ, dù trong ấy đầy đủ các của báu đến nổi không thể sao tính kể được, cũng không bằng một ngày thụ trì trai pháp của Phật Pháp. Xét thấy phúc ấy như thế, thời mười sáu đại quốc (8) kia cũng chỉ như là một hạt đậu khác gì.

Thọ số trên cõi Thiên thực là xa rộng không nói xiết được, như đương kim nhân gian năm mươi năm, thời là một ngày một đêm cửa cõi Trời thứ nhất; cõi Tứ thiên thứ nhất thọ năm trăm tuổi, thời cõi nhân gian này chín trăm vạn năm, người trì trai của Phật Pháp, được sinh lên cõi Trời ấy. Cõi nhân gian một trăm năm, thời là một ngày một đêm của cõi trời Đao Lỵ. Cõi trời Đao Lỵ thọ một nghìn tuổi, thời cõi nhân gian này là ba nghìn sáu trăm vạn năm. Cõi nhân gian hai trăm năm, thời là một ngày một đêm của cõi Diêm Thiên. Cõi Diêm Thiên thọ hai nghìn tuổi, thời cõi nhân gian này là một ức năm nghìn hai trăm vạn năm. Cõi nhân gian bốn trăm năm, thời là một ngày một đêm của cõi Đâu thuật thiên. Cõi Đâu thuật thiên thọ bốn nghìn tuổi, thời cõi nhân gian này là sáu ức tám trăm vạn năm. Cõi nhân gian tám trăm năm, thời là một ngày một đêm của cõi Bất Kiêu Lạc thiên. Cõi Bất Kiêu Lạc thiên thọ tám nghìn tuổi, thời cõi nhân gian này là hai mươi ba ức bốn nghìn vạn năm. Cõi nhân gian một nghìn sáu trăm năm, thời là một ngày một đêm của cõi Hóa Ứng Thanh Thiên. Cõi Hóa Ứng Thanh Thiên thọ một vạn sáu nghìn tuổi, thời cõi nhân gian là chín mươi hai ức một nghìn sáu trăm vạn năm. Nếu người nào có đức tin, có giới pháp, có nghe biết, có bố thí, có trí tuệ, phụng trì trai pháp của Phật Pháp, khi mệnh mất đi, tinh thần người ấy, đều sinh lên sáu cõi Trời ấy, hưởng sự an ổn khoái lạc. Ôi việc thiện rất nhiều, đây ta chỉ nói ít vậy thôi! Phàm người làm việc thiện, hồn thần sẽ sinh lên cõi Trời, thụ phúc vô lượng.

Bà Duy Da nghe đức Phật dạy như thế, hoan hỷ bạch: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Lạy đức Thế Tôn, phúc đức của việc trì trai khoái lạc vô lượng, chúng con xin vâng thụ Phật giới và từ nay về sau mỗi tháng sáu ngày trai, chúng con xin hết sức làm việc phúc cho đến khi chết.

Đức Phật nói kinh này rồi, tất cả đều hoan hỷ thụ giới.

PHẬT NÓI KINH ƯU BÀ DI ĐỌA XÁ CA (9)

(Chánh Tân Tu Đại Tạng, Tập 1, A hàm bộ, Tr. 912, số hiệu 88, một quyển, Ưu Bà Di Đạo Xá Ca Kinh, Thất dịch thời nhà  Tống, Bttdtkvn)

Thích Tâm Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt.

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật ở trong nước Xá Vệ. Ở phía Đông thành ra, có nhà một nữ nhân, tên tự là Vu Da Lâu, mà người đời thường gọi là Vu Da Lâu mẫu.

Khi đức Phật ngồi ở trên điện nhà Vu Da Lâu mẫu, có một người con gái tên tự là Đọa Xá Ca, vâng giữ lời giáo giới, ngày rằm mỗi tháng, dậy sớm tắm gội và có bảy người con dâu cũng đều bắt họ tắm gội, mặc áo mới, đến khi mặt trời chưa đúng trưa đã ăn cơm; ăn rồi rửa tay, cùng đem bảy người con dâu ấy, đến chốn đức Phật. Trước tiên vào làm lễ Phật, đức Phật bảo: thôi về chỗ ngồi, mọi người đều lui về chỗ tòa mình ngồi.

Đức Phật hỏi: Ưu bà di Đọa Xá Ca: Sao hôm nay bà cùng những con dâu của bà lại tắm gội, mặc áo đẹp đến nơi đây? Bà Đọa Xá Ca thưa: Lạy đức Thế Tôn, hôm nay là ngày rằm, chúng con thực hành trai giới, chúng con nghe biết mỗi tháng sáu ngày trai, nên con cùng các con dâu con đều cùng trì trai không dám khinh nhờn biếng nhác.

Đức Phật bảo bà Đọa Xá Ca: Trai pháp chính của Phật có tám giới, khiến cho người ta được qua thế đạo, lại không sa đọa vào ba nẻo ác, nơi sinh thường có phúc lành và cũng từ nhân duyên của tám giới bản ấy mà đạt đến chỗ thành Phật. Thế nào và những gì là trai pháp chính của Phật? Nghĩa là trong thời gian hàng tháng sáu ngày trai: mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (10) mỗi ngày là một ngày trai, có các bậc Hiền Thiện trì giới, cứ ngày trai, sáng sớm dậy gọi bảo người nhà rằng: "Hôm nay tôi trì trai, thời một ngày hôm nay trong nhà đừng uống rượu, đừng cãi nhau, đừng nói chuyện về tiền tài; các việc trong nhà, ý nghĩ sao, miệng nói sao phải như bậc A La Hán. Bậc A La Hán không có sát ý. Ngày trai trì giới cũng phải như bậc A La Hán, không có ý đánh đập, nên niệm đến loài súc sinh cùng tất cả các côn trùng, khiến thường sinh như ý bậc A La Hán. Thế là một giới. Ngày và đêm nay giữ gìn ý sát, khiến không được sát (giết). Gìn giữ ý như thế là giới thứ nhất của Phật.

Đức Phật dạy: Ngày trai giữ gìn ý mình nên như bậc A La Hán, không có tâm tham, không tham mộ của thế gian, không có ý tham bằng mảy lông, lá rau ... Giữ gìn ý mình như bậc A La Hán trong ngày trai như thế, người giàu có, nên nghĩ làm việc bố thí, người nghèo thường nên niệm đến việc bố thí. Thế là giới thứ hai của Phật.

Đức Phật dạy: Ngài trai giữ gìn ý mình nên như bậc A La Hán; bậc A La Hán không súc dưỡng phụ nhân, không nghĩ đến phụ nhân, cũng không tham đắm nữ nhân và cũng không có ý dâm dục. Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán như thế, thế là giới thứ ba của Phật.

Đức Phật dạy: Ngày trai giữ gìn ý mình nên như bậc A La Hán, không vọng ngữ, nói ra không có ý hại người và hễ nói ra tức là nói như kinh Phật, mà không nói thời chỉ nghĩ mọi việc thiện thôi. Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán như thế, thế là giới thứ tư của Phật.

Đức Phật dạy: Ngày trai giữ gìn ý mình nên như bậc A La Hán; bậc A La Hán không uống rượu, không nghĩ đến rượu, không nhớ đến rượu và không dùng rượu làm việc ác. Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán như thế, thế là giới thứ năm của Phật.

Đức Phật dạy: Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán; ý của bậc A La Hán không ở chỗ ca vũ, nghe tiếng âm nhạc cũng chẳng vui và cũng chẳng ở chỗ có hương vị của hương, hoa. Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán như thế, thế là giới thứ sáu của Phật.

Đức Phật dạy: Ngày trai giữ gìn ý mình nên như bậc A La Hán; bậc A La Hán không nằm trên giường cao, đẹp và ý cũng chẳng nghĩ đến việc nằm trên giường cao, đẹp. Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán như thế, thế là giới thứ bảy của Phật.

Đức Phật dạy: Ngày trai giữ gìn ý mình nên như bậc A La Hán; bậc A La Hán giữa ngày mới ăn, giữa ngày về sau cho đến sáng mai không được ăn gì, nhưng được uống nước ngọt. Ngày trai giữ gìn ý mình như bậc A La Hán như thế, thế là giới thứ tám của Phật.

Đức Phật lại bảo Ưu bà di Đọa Xá Ca rằng: Thế gian này có người tóc trên đầu có bụi, họ tự đi gội đầu của họ và khi gội xong họ vui mừng nói: A, bụi trên đầu ta sạch rồi. Cũng thế, có người thụ trì tám giới trong một ngày, một đêm, đến sáng mai họ cũng vui mừng: vui mừng là họ niệm Phật, tụng kinh giới của Phật, đến được như thế và trong tâm người nào có ác ý liền bỏ đi, thiện ý liền trở lại.

Đức Phật dạy: Có người thân thể bám nhiều cáu ghét, vào trong nước kỳ đi, cáu ghét ở thân đều sạch, khi ra khỏi nước họ liền mừng nói rằng: A, cáu ghét nơi ta sạch, thân thể nhẹ nhàng. Cũng thế, có người thụ trì trai giới một ngày, một đêm, sáng mai liền mừng nhớ đến lời chân chính của Phật, tự niệm: ta thời nào sẽ đắc đạo, khiến cho tâm ta không xao động, không chạy nhảy nữa và khiến tâm ta nhất chí vào đạo Vô vi.

Đức Phật dạy: Có người áo của họ rất nhiều cáu ghét, họ lấy được tro, đem giặt, cáu ghét liền sạch. Cũng thế, có người thụ trì trai giới một ngày một đêm, có từ tâm đối với thiên hạ, tâm mở tỏ như ánh sáng, như bóng gương, không hề có ý sân nộ. Có người thụ trì trai giới một ngày một đêm, vui, thương thiên hạ, tịnh tâm, tự nghĩ, tự đoan chính ý của họ và tự tư niệm bày tỏ những tội ác trong mình như thế, như thế không còn sân nộ gì nữa.

Đức Phật bảo Ưu bà di Đọa Xá Ca rằng: Trì tám trai giới trong một ngày một đêm không xao nhãng còn hơn đem vàng, bạc, châu, ngọc cúng dường các vị Tỳ kheo Tăng. Trong thiên hạ có mười sáu nước lớn: 1) Ương Ca. 2) Ma Kiệt. 3) Ca Di. 4) Câu Tát La. 5) Cưu Lưu. 6) Bát Xà Trà. 7) A Ba Da. 8) A Hoàn Đề Du. 9) Chi Đề Du. 10) Việt Kỳ Du. 11) Tốc Ma. 12) Tốc Lại Cha. 13) Việt Ta. 14) Mạt La. 15) Du Nặc. 16) Kiếm Bồ Đề. Là mười sáu nước lớn (11). Trong những nước ấy có những vật trân bảo gì đem cả để cúng dường các vị Tỳ kheo Tăng cũng không bằng trì trai giới một ngày một đêm. Vì, trì trai giới khiến người ta được qua thế đạo, dùng của báu cúng dường, không thể khiến người ta đắc đạo được. Ngay như nay ta đắc Phật đạo, cũng vốn từ tám giới ấy mà khởi lên vậy.

Đức Phật bảo bà Đọa Xá Ca: "Người trong thiên hạ này hay lo nghĩ nhiều về việc gia đình, nên ta dùng phương pháp ấy, khiến cho một tháng sáu ngày trai, họ thụ trì được tám giới. Nếu có bậc Hiền thiện nào muốn chóng được đạo A La Hán, muốn chóng thành Phật đạo hay muốn sinh lên cõi Thiên, luôn luôn nên tự đoan tâm, tự nhất ý, trì trai một tháng mười lăm ngày cũng tốt hoặc trì trai được hai mươi ngày cũng tốt. Còn những người hay lo nghĩ nhiều về việc gia đình, nên giữ một tháng sáu ngày trai cũng được. Sáu ngày trai ấy ví như nước bể không thể lấy hộc mà đong lường được cũng như người có giữ trai giới một ngày một đêm thời phúc ấy cũng không thể nào kể xiết được".

Đức Phật bảo bà Đọa Xá Ca: Thôi đem những người con dâu của bà về. Và về nên tụng niệm tám giới chính trai pháp ấy.

Ưu bà di Đọa Xá Ca liền đến trước đức Phật, làm lễ Phật mà lui.

PHẬT NÓI KINH BÁT QUAN TRAI (12)

Hán dịch: Cư sĩ: Kim Thanh

Việt dịch: Thích Tâm Châu

(Chánh Tân Tu Đại Tạng, Tập 1, A hàm bộ, Tr. 912, số hiệu 89, một quyển, Phật Thuyết Bát Quan Trai Kinh, Tống Cư sĩ Tự Cừ Kinh Thanh dịch, bttdtkvn.)

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Thế Tôn ở trong vườn cây của ông Kỳ Đà và ông Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ kheo: Nay ta sẽ nói về giới pháp quan trai của bậc Thánh Nhân, vậy các vị nên nghe cho kỹ, nên nghe cho kỹ và nên suy nghĩ khéo về vấn đề ấy. Nay ta sẽ nói, các vị Tỳ kheo bạch Phật rằng: Lạy đức Thế Tôn, chúng con xin theo đúng như thế! Khi ấy, các vị Tỳ kheo kia liền theo đức Phật, tín thụ lời giáo hóa của Ngài.

Đức Thế Tôn dạy: Các vị Tỳ kheo, có thiện nam, thiện nữ nào, muốn biết tám giới pháp quan trai của bậc Thánh nhân, các vị liền dạy cho người ấy, nên nói lời sau này:

Cũng như bậc A La Hán, tận hình thọ (hết đời) không sát sinh, cũng không dạy người ta sát sinh, không có tâm oán hận; thường mang lòng thẹn hổ, có tâm từ bi, thương hết thảy chúng sinh. Con tên là ... tên hiệu là ... được giáo giới của bậc A La Hán, từ ngày nay về sau, theo ý muốn con, con không làm việc sát sinh. Và, con không có tâm oán hận, thường mang lòng thẹn hổ, có tâm từ bi, thương hết thảy chúng sinh.

Cũng như bậc A La Hán, tận hình thọ không làm việc trộm cắp; hay làm việc bố thí, cũng không dạy người ta làm việc trộm cắp, thường ưa vui ở nơi nhàn tĩnh. Như thế, con tên là ... tên hiệu là ... , được giáo giới của bậc A La Hán, theo ý muốn con, con không làm việc trộm cắp và thường mang lòng huệ thí, ưa vui ở nơi nhàn tĩnh.

Cũng như bậc A La Hán, tận hình thọ không tập những hạnh bất tịnh; thường tu Phạm hạnh, trong sạch không nhơ, mà tự vui thú như đạo. Như thế, con tên là ... , tên hiệu là ... , được giáo giới của bậc A La Hán, từ nay về sau, con không làm việc dâm dật và được trong sạch không nhơ.

- Cũng như bậc A La Hán, tận hình thọ, không nói dối, thường làm theo đạo chân thực, rất tôn rất quý, như các bậc tôn trưởng được đời tôn quý. Như thế, con tên là ... , tên hiệu là ... , được giáo giới của bậc A La Hán kia, từ nay về sau, con không nói dối, cũng không dạy người ta, khiến người ta tập nói dối và sẽ làm theo đạo chân thực, như bậc tôn trưởng ở đời, không làm việc nói dối.

- Cũng như bậc A La Hán tận hình thọ không uống rượu. Như thế, tên con là ... , tên hiệu là ... , từ nay về sau, theo ý muốn con cũng không uống rượu và cũng không dạy người ta, khiến người ta uống rượu.

- Cũng như bậc A La Hán tận hình thọ không phạm trai và ăn phi thời. Như thế, con tên là ... , tên hiệu là ... , nay một ngày một đêm, theo ý muốn con, cũng không phạm trai và cũng không dạy người ta khiến người ta phạm trai cùng ăn phi thời.

- Cũng như bậc A La Hán, tận hình thọ không ngồi trên giường cao, đẹp. Như thế, con tên là ... , tên hiệu là ... , nay một ngày một đêm, con không ngồi trên giường cao, đẹp và cũng không dạy người ta, khiến người ta ngồi.

- Cũng như bậc A La Hán tận hình thọ, không tập ca, vũ, hí nhạc, cũng không vận đồ văn sức (phục sức văn vẻ) cùng hương xông, xoa mình. Như thế, con tên là ... , tên hiệu là ... , nay một ngày một đêm, không tập ca, vũ, hí nhạc, cũng không vận đồ văn sức, cùng hương xông, xoa mình.

Như thế, là tu hành tám giới pháp quan trai của Thánh nhân.

Đối với công đức trong tám giới pháp quan trai ấy không sao có hạn lượng được. Nói rằng có ngần ấy phúc, ngần ấy công đức, ngần ấy phúc báo, như thế mà có rất nhiều phúc, không kể xiết được.

Các vị Tỳ kheo, ví như năm dòng nước lớn cũng đều cùng ở một nơi, như: Hằng Già, Dao Bà Nô, Tân Đầu Hà, Chi Da, Bà Đề Ma Khí (13), những dòng nước kia chảy đi, không thể hạn lượng nơi chốn được. Nói rằng có ngần ấy nước, có ngần ấy bình nước nhưng còn có đến nghìn bình, trăm nghìn bình nước ngần ấy nữa ... Như thế phúc trong tám giới pháp quan trai của Thánh nhân, không thể cân lường được. Nói có ngần ấy phúc, ngần ấy công đức, ngần ấy quả báo, mà phúc lớn ấy không thể kể xiết được.

Bấy giờ các vị Tỳ kheo nghe đức Phật nói rồi, hoan hỷ phụng hành.

PHẬT GIẢNG NGHĨA ĂN CHAY

(Bài kinh này chưa tìm thấy trong Chánh Tạng. Nếu quý vị nào biết xin chỉ giúp. Cảm ơn nhiều nhiều. bttdtkvn)

Trong xứ La duyệt kỳ có một dãy núi rất lớn, cỏ cây rậm rạp, cầm thú thật nhiều, nên nhân dân ở theo triền núi chỉ chuyên nghề săn bắn làm sinh nhai mà thôi.

Phật đến ngồi thiền định dưới gốc cây, phóng hào quang sáng rực cả rừng, cỏ cây và núi đá đều vàng cả.

Những người đàn bà, con gái trông thấy sự lạ như thế bèn rủ nhau vào rừng xem, đến nơi thấy Phật ngồi dưới gốc cây, tướng đẹp trang nghiêm sinh lòng tôn kính, cùng nhau đỉnh lễ. Khi thấy đông đúc rồi đức Phật bèn giảng: "Con người ở đời nếu tạo nghiệp sát sinh, mang tội rất nặng, làm điều từ thiện, được phúc rất nhiều. Cha mẹ, vợ con, anh em quyến thuộc, tuy là đoàn viên một thuở, hội hợp một nhà, có tình ân ái, khắn khít không rời, nhưng gặp cơn nguy biến thì phải xa nhau, gặp lúc vô thường thì phải cách biệt, thật có đoàn tụ được là bao năm mà mở rộng nguồn tình, đào sâu dòng ái, dưỡng dục hồn ma sinh tử, lặn lội trong biển luân hồi?".

Các người đàn bà kia nghe Phật giảng một hồi, biết rõ sự hư giả trong thế gian và hiểu rõ những điều tội phúc. Bấy giờ, họ thấy đã gần đến bữa cơm, muốn về nhà sắm sửa đồ ăn đem cúng dàng, nhưng chưa rõ ý Phật dùng món chi, nên thưa rằng: "Chúng tôi ở chốn sơn lâm, chỉ có nghề săn bắn loại cầm thú mà ăn thịt, chúng tôi muốn dâng chút ít để Ngài dùng, xin Ngài từ bi nhận cho".

Phật dạy rằng: "Theo giáo pháp của ta chỉ dùng các món rau quả thuộc về thực vật mà ăn thôi, đâu có ăn những đồ huyết nhục của chúng sinh, nên ta chẳng dùng đâu, các ngươi đừng đem đến. Vả lại, người sinh ở đời, có nhiều nghề sinh nhai, có nhiều món ăn được, sao các ngươi chẳng làm nghề có ích như là cấy lúa, trồng đậu, trồng tỉa hoa quả mà dùng, làm chi những nghề sát hại sinh vật, đã không bổ ích cho lúc sinh tiền lại còn mắc phải khổ ách sau khi chết rồi nữa! Phàm ăn các món gạo nếp, bắp, đậu, rau, quả, thân thể khỏe mạnh, ít đau ốm, còn dùng nhưng món máu thịt, hay sinh bệnh hoạn. Lấy máu thịt của các loài sinh vật, bổ dưỡng cái thân giả dối của mình thì thực là trái hẳn với lẽ bác ái, bình đẳng mà lại phải chịu những tội tàn nhẫn vô lượng. Nếu các ngươi bỏ sự sát sinh làm điều từ thiện, hiện đời này thân tâm được yên ổn, đời sau cũng hưởng được cảnh sung sướng và đến đâu cũng có phần tự tại."

Khi bọn đàn ông đi săn về, thấy lũ đàn bà ngồi trước mặt Phật thì nổi giận, dương cung muốn bắn Ngài. Các người đàn bà trông thấy bèn can rằng: "Đừng! đừng! chớ nên mở lòng ác nghiệt, mang tội, Ngài là một vị Thánh nhân đến giáo hóa chúng ta đó, xin các ông phải hồi tâm sám hối Ngài mà nghe đạo lý thì tốt hơn".

Bọn đàn ông nghe nói liền đính lễ, thú tội, rồi xúm lại ngồi một bên bọn đàn bà.

Khi ấy Phật giảng thêm những sự tội phúc và nói rằng: "Phàm người nào có lòng nhân từ, tránh khỏi mọi sự tàn bạo hay thương yêu, giúp đỡ chúng sinh, sự tốt lành hằng theo mình chẳng những đời này được sự an nhàn, mà đến khi lâm chung cũng được sinh về cõi trời".

Tất cả nhân dân ở tại chỗ ấy, nghe Phật giảng đạo rành rẽ như thế đều vui lòng hớn hở bỏ nghề sát sinh, xin thụ phép tam quy ngũ giới.

TRUYỆN HAI NGƯỜI PHẠM CHÍ THỤ TRAI

(Bài kinh này chưa tìm thấy trong Chánh Tạng. Nếu quý vị nào biết xin chỉ giúp. Cảm ơn nhiều nhiều. Cái khó nhất ở đây là dịch giả đã Việt dịch tựa của bài Kinh này. Do vậy tìm từng chữ mà vẫn không tìm ra. bttdtkvn)

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật ở trong vườn cây của ông Kỳ Đà và ông Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ.

Bấy giờ vào khoảng chập tối, có hai người cõi Thiên đến chỗ đức Phật ở. Thân hình người cõi Thiên ấy sáng sủa, chiếu rực cả khu Kỳ hoàn, đều như sắc vàng cả. Khi ấy, đức Phật liền tùy nghi, diễn rộng diệu pháp, tâm ý họ khai ngộ, đều được dự vào dấu tích đạo, họ liền đem đầu diện lễ Phật, rồi trở về Thiên thượng.

Sáng mai, ông A Nan bạch Phật rằng: Lạy đức Thế Tôn, đêm qua có hai người cõi Thiên đến yết kiến đức Thế Tôn, con thấy uy tướng họ rực rỡ, tịnh quang chói lọi, vậy trước kia họ trồng đức gì, mà nay họ được quả vi diệu ấy?

Đức Phật bảo ông A Nan: Sau khi đức Ca Diếp Như Lai diệt độ, khi chính pháp của Ngài sắp mạt, thời có hai người Bà La Môn thụ trì bát quan trai giới. Trong hai người ấy, có một người cầu nguyện sinh lên cõi Thiên và một người thứ hai cầu làm ngôi Quốc vương. Trong thời gian ấy, người thứ nhất trở về nhà mình, thời vợ ông ta gọi ông ta cùng vào ăn cơm. Lúc đó quá trưa, ông ta bảo vợ rằng: Trước đây tôi đã phát nguyện thụ trai giới của Phật quá giữa ngày không ăn, giờ đã quá rồi, tôi không ăn nữa. Người vợ mới bảo ông ta rằng: ông là người thuộc dòng họ Phạm Chí, tự có giới pháp, cớ sao lại đi thụ trai giới của đạo khác? Nay nếu ông trái lời tôi, không cùng ngồi ăn cơm với tôi, tôi sẽ đem việc này nói với những người dòng họ Phạm Chí, họ sẽ đuổi ông ra khỏi đạo và không hội họp với ông nữa! Ông ấy nghe thấy người vợ nói thế rồi, lòng rất sợ hãi, đành ngồi cùng vợ ăn cơm phi thời.

Hai người Phạm Chí này về sau tùy theo tuổi thọ dài, ngắn, cũng đều chết cả. Nhưng, người nguyện làm ngôi Quốc vương ấy do trì trai đầy đủ được sinh vào nhà Vua, còn người nguyện sinh lên cõi Thiên kia, do phá trai, nên phải sinh vào trong loài rồng.

Khi ấy có một người, làm việc coi vườn cho nhà Vua. Ngày ngày người ấy đem các thứ hoa quả vào dâng Vua. Một thời sau, người ấy tới nơi suối nước, liền được một thứ quả nại, sắc hương thơm ngon lạ lùng, người ấy nảy ra ý nghĩ: ta thường ra vào đây, thường được người coi cửa, trông thấy, lễ phép chào hỏi trước, nay ta đem cho người ấy một quả. Như ý nghĩ, người ấy liền đem cho người coi cửa, người coi cửa nhận. Sau đó, người ấy lại nghĩ: khi ta thông suốt được việc này, thường được người Hoàng môn (quan thị) nâng đỡ, vậy ta nên đem cho người ấy. Nghĩ rồi, người ấy liền đem quả nại này cống người Hoàng môn. Người Hoàng môn nhận. Nhận rồi người ấy lại đem dâng lên Hoàng hậu, Hoàng hậu được quả nại ấy lại đem dâng Vua. Nhà Vua ăn quả nại ấy, cảm thấy rất ngon, rất tốt, nhà Vua mới hỏi Hoàng hậu: Quả nại này ở đâu vậy? Hoàng hậu tức thời đem việc thực ấy tâu với nhà Vua. Và, nhà Vua dần dần suy đến người coi vườn. Nhà Vua bèn triệu người coi vườn vào hỏi: Trong vườn ta có những quả ngon này, sao không thấy đem dâng ta mà nhà ngươi lại đem cho người khác? Khi ấy người coi vườn tự trần đầu đuôi cho nhà Vua nghe. Nhà Vua lại bảo: Từ nay về sau nhà ngươi phải thường thường đem dâng ta thứ quả nại này, không được đoạn tuyệt? Tiếp lời, người coi vườn tâu rằng: Thứ quả nại này nó không có giống, tôi vớt được ở trong suối, nay nhà Vua bắt tôi dâng thường thường, thời không thể kiếm ở đâu được cả. Nhà Vua lại bảo: nếu nhà ngươi không kiếm được, nhà ngươi sẽ bị xử trảm.

Người coi vườn ra về, đến trong vườn kia, lo sầu áo não, kêu khóc rầm rầm. Bấy giờ, có một con rồng, nghe thấy tiếng người kêu khóc, biến thành thân người, lại hỏi người kia rằng: ông có việc gì mà la khóc như thế? Người coi vườn ấy liền nói hết sự việc của mình cho người kia nghe. Nghe rồi người kia lại biến thành thân rồng, lặn xuống dưới nước đem nhiều quả ngon, để trên mâm vàng, đem đến cho người coi vườn ấy và nhân đấy bảo rằng: Ông đem mâm quả này vào dâng nhà Vua của ông và bày tỏ ý của ta rằng: Ta cùng nhà Vua vốn là bạn thân, xưa kia ở đời, đều là dòng họ Phạm Chí, cùng nhau thụ bát quan trai giới và đều có cầu nguyện; ông giữ giới đầy đủ được làm Nhân vương, ta vì giữ giới không trọn, sinh trong loài rồng. Nay ta muốn phụng tu trai pháp, cầu xả thân này. Vậy, mong nhà Vua tìm cuốn Kinh nói về bát quan trai pháp, đưa cho ta, nếu trái ý ta, ta sẽ lật úp nước nhà Vua thành biển cả. Liền đó, người coi vườn bưng mâm quả vào dâng nhà Vua và lại nói những sự nguy biến mà con rồng đã dặn cho nhà Vua nghe. Nhà Vua nghe rồi, không vui. Tại sao? Vì, thời ấy không có Phật pháp, lại bài văn "bát quan trai" cũng mất hết, không tìm đâu ra được. Nhưng, nếu không vừa ý của ông rồng kia, sợ rằng sẽ có sự nguy hại. Chỉ nghĩ về lẽ ấy, nên nhà Vua lo lắng, buồn rầu. Bấy giờ, nhà Vua có quan Đại thần rất được kính trọng, nhà Vua mới bảo quan Đại thần rằng: Nay Thần long bắt ta tìm được văn "trai pháp" cho hắn, mong khanh tìm sao cho được giúp ta, để gửi cho hắn. Quan Đại thần tâu rằng: Đời nay không có Phật pháp, làm sao mà tìm được. Nhà Vua lại bảo: Nay khanh không tìm được, ta sẽ giết khanh đi. Quan Đại thần nghe thấy nhà Vua nói thế, trong lòng rầu rĩ, trở về nhà mình. Trong nhà quan Đại thần ấy có ông thân phụ, tuổi đã già cả, mỗi khi thân phụ ông quan ấy từ ngoài đi vào, ông quan ấy làm ra nét mặt vui vẻ để an ủi lòng cha. Đương khi ấy, người cha trông thấy con có nét mặt thay đổi khác thường, liền hỏi ngay rằng: cớ sao thế con? Lúc đó, quan Đại thần ấy bèn hướng lên cha mình, tự nói ghẽ gọn đầu đuôi câu chuyện. Người cha ông quan Đại thần ấy mới đáp rằng: Này con, con trông cây cột kia của nhà ta, ta thường thấy có ánh sáng, nay con thử bổ ra, xem trong ấy có gì, hoặc có vật lạ chăng? Vâng lời cha dạy, ông quan Đại thần kia liền sai người đem cây cột khác thay vào cây cột ấy và đem bổ, đẵn ra. Khi bổ ra thời được hai quyển kinh: một quyển là quyển kinh "Thập nhị nhân duyên" và một quyển là bài "văn bát quan trai". Quan Đại thần ấy liền đem dâng lên nhà Vua. Vua được, rất mừng, không tự thắng được. Xong rồi, nhà Vua liền đem kinh ấy, để trên mâm vàng tự mình bưng đến cho Thần long. Thần long được kinh ấy rồi, vui mừng khôn xiết bèn đem của quý, tặng lại nhà Vua.

Từ đấy, ông rồng kia thụ trì bát quan trai ân cần phụng hành. Sau khi mất đi, được sinh lên Thiên cung. Còn Nhân vương kia cũng lại tu phụng trai pháp, thọ tận, sinh Thiên, cùng ở một nơi với nhau. Và, đêm qua hai người cùng lại, nhờ lời pháp hóa, ứng thời liền được quả Tu Đà Hoàn. Hai người ấy, xa hẳn ba đường ác, thường qua cõi Nhân, cõi Thiên mà thôi; từ đây về sau, rốt ráo sẽ được đạo quả Niết Bàn.

Đức Phật nói thời pháp này, hết thảy chúng nhân trong hội, hoan hỷ phụng hành.

(Hết)

Chú thích:

(1) Kinh này là cuốn kinh số 87 trong Đại Tạng kinh. Nguyên văn đề mục của kinh này gọi là "Phật thuyết trai kinh", nhưng cùng một ý với phẩm Trì trai trong kinh Trung A Hàm, nên đây để 2 chữ Trì trai cho đẹp nghĩa.

(2) Chân nhân là chỉ vào bậc A La Hán, cũng có chỗ chỉ vào Phật, nhưng đều có nghĩa là: người đã chứng được chân lý.

(3) Đây là nói về 10 hiệu Phật, nhưng vẫn còn thiếu và có phần hơi khác với 10 tên hiệu mà các kinh có ghi: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

(4) 37 phẩm là: 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 Bồ đề phận và 8 chính đạo. (Xem kinh thập thiện đã chú thích)

(5) Ý nói vui làm những việc trong hệ thống của giới luật.

(6) Tên các cõi trời này so sánh với những kinh khác, thời sự phiên âm có hơi khác.

(7) Ý nói vui làm những việc thống thuộc nơi cõi Thiên.

(8) 16 đại quốc: Xưa nước Ấn Độ chia làm 16 nước là:

1) Tì xá ly (Vasiali).

2) Kiều tát la (Kosala).

3) Thất la phạt (Sràvasti).

4) Ma già đà (Magadha).

5) Ba la nại (Bàrànasi).

6) Ca tì la (Kapilavastu).

7) Câu thi na (Kusinagara).

8) Kiều diễm di (Kausàmbi).

9) Ban giá la (Pancàla).

10) Ba cha la (Pataliputra).

11) Mạt thổ la (Mathurà).

12) Ô thi (Usa).

13) Bôn cha bạt đa (Pungavasdhana).

14) Đề bà bạt đa (Devàtàra).

15) Ca thi (Kàsi).

16) Chiêm ba (Campà).

(9) Kinh này là một cuốn kinh số 88, trong Đại Tạng kinh, mất tên người dịch chữ Phạm ra chữ Hán, nay phụ vào Tống lục.

(10) Tháng thiếu thời kể ngày 28 và 29.

(11) 16 nước lớn trên đây cũng chỉ là 16 nước của Ấn Độ xưa kia, nhưng sự phiên âm sang chữ Hán có khác nhau, nên xem bảng chú thích ở trang 13.

(12) Kinh này là cuốn kinh số 89 trong Đại Tạng kinh.

(13) Đây là Ngũ đại lưu. Căn cứ theo Phật Học đại từ điển thì Thiệm Bộ châu có 4 con sông (tứ hà) đều do A Nốc đạt chỉ (Anavatapta) mà ra. Bốn con sông ấy là:

1) Hằng già hà, mới dịch là Căng già: (Gangà).

2) Tân đầu hà, mới dịch là Tín độ hà (Sindhu).

3) Phạ sô hà, trước dịch là Phạ soa hà (Vaksu).

4) Tỉ Đa hà, trước dịch là Tư Đà hà (Sità) và nếu cộng cả A Nốc đạt chỉ (mới dịch là A Na Bà Đáp Đa) thì là năm. Nhưng có vài phiên âm trong ngũ đại lưu trên, không sao tra cứu ra được. Vậy, ghi rõ nơi đây, tùy các Phật tử nhận định (lời dịch giả).