Thiền Cho Mọi Người

Trong biển cả Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn tuy vô lượng nhưng phương tiện nào vừa hợp với chánh pháp vừa hợp với trình độ của chúng sinh, có thể trợ duyên hay đưa đến mục đích giác ngộ giải thoát đều là phương tiện thiện xảo, lợi lạc quần sinh.

Ðiều quan trọng là phải biết mình - biết căn cơ trình độ của mình - để thể hiện một pháp môn đúng chỗ đúng thời. Còn thấy tánh là để giúp chúng ta không bị rơi vào các tướng chế định của thế gian hay ứng hiện từ tưởng tri nội tại, nhờ đó chúng ta thoát khỏi cái lưới thủ, hoặc, triền... của vô minh, tà kiến.

Sư Hộ Pháp đã từng du học Thái Lan, Miến Ðiện gần 29 năm, đã học được những điều hay lẽ đẹp từ các nước thủ phủ của Phật Giáo Nam Tông này đem về đóng góp vào việc xây dựng Phật Giáo Nam Tông Việt Nam, vốn còn non trẻ trên đất nước chúng ta.

Thiền Cho Mọi Người

(Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Phật)

Tỳ kheo Hộ Pháp

Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh. PL.2546 – DL. 2002

(Tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa và bổ sung)

Mục Lục

Lời Tri Ân

Lời Tái Bản Lần Thứ Nhất

Lời Giới Thiệu

Lời Nói Ðầu

A. Pháp Môn Niệm Phật

1/ Tiến Hành Ðề Mục Niệm Ân Ðức Phật

a) Cách thứ nhất

b) Cách thứ nhì

c) Cách thứ ba

2/ Quả báu ở kiếp hiện tại

3/ Quả báu ở kiếp vị lai

4/ Phương Pháp Ðặc Biệt Niệm 9 Ân Ðức Phật

Chín Ân Ðức Phật theo thứ tự

5/ Ðiểm ưu việt cách niệm 9 Ân Ðức Phật cùng chuỗi 108 hột

a) Theo dõi Ân Ðức Phật trước - sau liên quan với nhau như thế nào?

b) Kiểm soát được tâm mình như thế nào?

6/ Không chuỗi hột, khó kiểm soát tâm mình.

7/ Phương Pháp Niệm Phật Phổ Thông

Phân chia 108 hạng Thánh nhân

B. Ý Nghĩa Ân Ðức Phật

I. Ân Ðức Phật Thứ Nhất

1/ Araham Có 5 Ý Nghĩa

1) Araham có ý nghĩa xa lìa mọi phiền não là thế nào?

a) Phiền não có 10 loại:

b) Tính chất của phiền não có ba loại

c) Phiền não tính rộng có 1500 loại

d) Tham ái có 108 loại

2) Araham có ý nghĩa diệt đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não như thế nào?

3) Araham có ý nghĩa phá huỷ vòng luân hồi trong ba giới bốn loài như thế nào?

a) Biểu tượng vòng luân hồi, vòng tam luân

b) Phiền não luân khiến tạo nghiệp luân

c) Nghiệp luân cho quả luân

d) Quả luân sanh phiền não luân

4) Araham có ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo như thế nào?

5) Araham có ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường như thế nào?

2/ Niệm Ân Ðức Araham

II. Ân Ðức Phật Thứ Nhì

1/ Chân Lý Tứ Thánh Ðế

2/ Niệm Ân Ðức Sammàsambuddho

III. Ân Ðức Phật Thứ Ba

1/ Tam Minh

2/ Bát Minh

3/ 15 Ðức Hạnh Cao Thượng

4/ Niệm Ân Ðức Vijjàcaranasampanno

IV. Ân Ðức Phật Thứ Tư

1/ Sugato Có 4 Ý Nghĩa

1) Sugato có ý nghĩa ngự theo Thánh Ðạo như thế nào?

2) Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối như thế nào?

3) Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí như thế nào?

4) Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh như thế nào?

2/ Niệm Ân Ðức Sugato.

V. Ân Ðức Phật Thứ Năm

1/ Thế Giới Có 3 Loại:

1) Thế nào gọi là chúng sinh thế giới?

2) Thế nào gọi là cõi thế giới?

a) 11 cõi Dục giới.

b) 16 cõi Sắc giới Phạm thiên.

c) 4 cõi Vô sắc giới Phạm thiên.

3) Thế nào gọi là pháp hành thế giới?

2/ Niệm Ân Ðức Lokavidù.

VI. Ân Ðức Phật Thứ Sáu

1/ Giáo hóa loài Súc sanh

2/ Giáo hóa người ác trở thành bậc Thánh nhân

3/ Giáo hóa Dạ xoa hung dữ trở thành bậc Thánh nhân

4/ Giáo hóa Phạm thiên tà kiến trở thành chánh kiến

a) Anuttaro purisadammasàrathi chia thành 2 ân đức

b) Niệm Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi

VII. Ân Ðức Phật Thứ Bảy

1/ Sự Lợi Ích An Lạc Kiếp Hiện Tại

a) Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp như thế nào?

b) Biết giữ gìn của cải tài sản như thế nào?

c) Có bạn lành, bạn tốt là bậc Thiện trí như thế nào?

d) Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình như thế nào?

2/ Sự Lợi Ích An Lạc Những Kiếp Vị Lai

a) Có đức tin trọn đủ như thế nào?

b) Có giới trong sạch và trọn đủ như thế nào?

c) Sự bố thí trọn đủ như thế nào?

d) Có trí tuệ trọn đủ như hế nào?

3/ Sự Lợi Ích An lạc Cao Thượng Niết Bàn

4/ Niệm Ân Ðức Satthàdevamanussànam

VIII. Ân Ðức Phật Thứ Tám

a) Niệm Ân Ðức Buddho

IX. Ân Ðức Phật Thứ Chín

1/ Ân Ðức Bhagavà Có 6 Ðức Chính

2/ Năm phận sự của Ðức Phật

3/ Niệm Ân Ðức Bhagavà

C. Quả Báu Của Ðề Mục Niệm Ân Ðức Phật

1/ Niệm Ân Ðức Phật Tránh Ðược Tai Họa

2/ Oai Lực Niệm Ân Ðức Tam bảo

3/ Câu Chuyện Ðại Ðức Subhùti

4/ Câu Chuyện Singàlakamàtàtherìvatthu

5/ Tiến Hành Thiền Tuệ

6/ Quả Báu Ðặc Biệt Niệm Ân Ðức Phật

D. ÐOẠN KẾT

LỜI NGỎ

Lời tri ân:

Tất cả Phật tử chúng con có được duyên lành niệm Ân Ðức Phật là do nhờ các bậc Thầy Tổ tiền bối, nhất là Ngài sư Tổ Hộ Tông, có công đem Phật giáo Nam Tông Theravàda về truyền bá ở quê hương thân yêu.

Tất cả chúng con thành kính tri ân.

Lời Tái Bản Lần Thứ Nhất

Chúng con thật vô cùng hoan hỉ được biết quyển "Tìm hiểu Pháp Môn Niệm Phật" đã hết rồi! Có một số Phật tử gởi thư đến thỉnh sách tại Tổ Ðình Bửu Long, còn có số khác tự mình đích thân đến thỉnh quyển sách này.

Thật rất tiếc! Tổ Ðình Bửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu của quý vị, đã làm mất thì giờ quý báu, rất mong quý vị thông cảm.

Ðiều không ngờ, với một số lượng sách nhiều như vậy, mà chỉ trong thời gian ngắn đã thỉnh hết rất nhanh. Ðiều đó chứng tỏ rằng: "Phần đông Phật tử đã ưa thích món quà pháp này". Thật đáng vui mừng!

Nhân dịp này, chúng con xin báo cho chư thí chủ trước đã ấn tống quyển sách này rằng: "Món quà pháp, món ăn tinh thần, của quý vị đã được phần đông bậc thiện trí thưởng thức hết rồi, không phí hoài chút nào cả. Chắc chắn phước thiện pháp thí của chư thí chủ tăng trưởng theo thời gian và không gian trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp vị lai.

Ðể đáp ứng nhu cầu của chư thiện trí chúng con đến trình Àcariya Hộ Pháp xin phép được tái bản; Àcariya rất hoan hỷ đồng ý cho tái bản quyển sách này. Như vậy, thỉnh nguyện của chúng con được thành tựu. thay mặt chư thí chủ chúng con xin được tỏ lòng biết ơn.

Thay mặt chư thí chủ.

Dhammanandà Upasikà.

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammàsambuddhassa

Con Đem Hết Lòng Thành Kính Đảnh Lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Bậc Chánh Ðẳng Giác.

NIỆM ÂN ÐỨC TAM BẢO

"Aranne rukkhamùle và,

sunnàgàre va bhikkhavo.

Anussaretha Sambuddham,

bhayam tumhàka no siyà.

No ce Buddham sareyyàtha,

lokajettham naràsabham.

Atha dhammam sareyyàtha,

niyyànikam sudesikam.

No ce dhammam sareyyàtha,

niyyànikam sudesikam.

Atha samgham sareyyàtha,

punnakkhettam anuttaram.

Evam Buddham sarantànam,

dhammam samghanca bhikkhavo.

Bhayam và chambhitattam và,

lomahamso na hessati".

(Samyuttanikàya, phần Sagàthàvagga, kinh Dhajaggasutta)

"Này chư Tỳ kheo!

Ở nơi rừng sâu, nơi cội cây,

Nơi thanh vắng, trong am vô chủ,

Các con niệm tưởng đến Ðức Phật,

Sợ hãi không sanh đến các con.

Nếu không niệm tưởng đến Ðức Phật,

Bậc Vô thượng cao cả chúng sinh,

Các con niệm tưởng đến Ðức Pháp,

Mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng.

Nếu không niệm tưởng đến Ðức Pháp,

Mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng,

Các con niệm tưởng đến Ðức Tăng,

Phước điền cao thượng của chúng sinh.

Này chư Tỳ kheo!

Ðối với các con thường niệm tưởng.

Ðức Phật, Ðức Pháp và Ðức Tăng,

Sợ hãi run sợ, rởn tóc gáy,

Không bao giờ sanh đến các con!

Con thành kính đảnh lễ Tam bảo,

Biên soạn tập "Pháp Môn Niệm Phật".

LỜI GIỚI THIỆU

Ðọc tập sách hướng dẫn "Pháp Môn Niệm Phật" của sư Hộ Pháp, tôi vô cùng hoan hỉ, vì đó là pháp môn mà tôi vẫn thường hành trong quá trình tu tập của mình.

Thật tình mà nói, lúc đầu thực hành pháp môn niệm Phật tôi hơi có mặc cảm. Lý do là mặc dù cố gắng hành Thiền Vipassanà nhưng tôi chỉ hành được vào những lúc thích hợp chứ không thể hành liên tục trong mọi sinh họat hằng ngày. Tôi nghĩ có lẽ tâm mình còn thiếu định lực nên thỉnh thoảng tôi dùng một đề mục Thiền định để cố gắng định tâm, cũng có một vài kết quả khiêm tốn đáng mừng nhưng tôi vẫn chưa đi sâu vào thế giới tâm Ðại Hành một cách kiên cố được. Vậy là tôi quay qua thử nghiệm pháp môn niệm Phật để có thể nhiếp tâm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên tôi vẫn ít nhiều có cảm tưởng là pháp hành của mình càng ngày càng đi xuống!

Lúc đầu tôi niệm Phật trong tâm chứ không dùng tràng hạt vì nghĩ rằng việc gì mình lại phải lệ thuộc vào một xâu chuỗi. Về sau, mấy lần qua Miến Ðiện, Thái Lan tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều vị cao Tăng, nhiều vị Thiền sư nổi tiếng ở những trung tâm Thiền Vipassanà tại các xứ Phật giáo hưng thịnh này vẫn thường sử dụng tràng hạt. Cảm động nhất là mỗi tối, mỗi sáng khi đến các ngôi bảo tháp như Shwedagon, Kyaikhtiyo... tôi đều thấy chư Tăng và Phật tử tụ họp đông đảo trong không khí tĩnh tại tu hành: người niệm kinh, người ngồi Thiền, người lễ bái và có khá nhiều vị ngồi lần tràng hạt với nét mặt hết sức thành kính, trang nghiêm và thanh thoát. Thế là tôi về thử lần chuỗi xem sao thì thấy phương tiện này quả là thiện xảo, nó giúp chúng ta tiến đến "thân tâm nhất như" một cách dễ dàng, nhờ thân và tâm khéo điều hợp với nhau một cách nhịp nhàng, đồng điệu.

Ðiều kiện cơ bản của Thiền Vipassanà là "thân tâm nhất như" nghĩa là chánh niệm Tỉnh giác phải trọn vẹn trên thân - thọ - tâm - pháp, không hai, không khác tức là không thất niệm, phân tâm, dị tưởng. Ðể được điều kiện đó thì không gì bằng pháp môn niệm Phật. Khi tâm đã được định tĩnh trong sáng thì việc hành Vipassanà trở nên dễ dàng tự nhiên không cần khẩn trương cố gắng nữa. Nếu chúng ta cố gắng quá sức để hành Vipassanà với mong cầu đạt đến tuệ này tuệ khác thì coi chừng bị ảo tưởng của chính mình đánh lừa mà cứ tưởng là đã thấy được thật tánh của pháp. Tinh tấn chưa tới hoặc quá mức thì chánh niệm thường bị dị tưởng xen vào thay vì Tỉnh giác. Nếu đó là tạp tưởng thì chẳng thể nào nắm bắt được đối tượng thật tánh, còn nếu đó là sắc tưởng thì dễ lầm ấn chứng của Thiền định là tuệ này tuệ kia, biến Thiền tuệ thành sở đắc rồi sinh ra ngã mạn, tà kiến, tai hại không sao lường được, vì chưa tới mà tưởng đã hành xong.

Cũng có một loại tưởng khác khá nguy hiểm phát xuất từ kiến thức có trước về pháp hành Vipassanà. Ðem tưởng tri có trước này để đi tìm thật tánh thì chỉ thấy bản sao kiến thức của mình chứ không thể nào phát sinh trí tuệ Vipassanà như chân như thật được.

Sở dĩ hành giả bị đánh lừa như vậy là vì chưa đủ cơ bản tâm để vào được Thiền Vipassanà, lúc bấy giờ pháp môn niệm Phật sẽ giúp hành giả chuẩn bị đầy đủ hành trang đi vào thật tánh.

Nhờ pháp môn niệm Phật tôi mới có đủ trầm tĩnh để biết mình đã sai lầm khi nghĩ rằng phải hành Vipassanà liên tục mới là hành rốt ráo. Ðồng thời tôi không còn mặc cảm khi biết rằng các vị Thiền sư danh tiếng vẫn tùy nghi tùy lúc sử dụng pháp môn niệm Phật, niệm tâm từ, niệm sự chết, niệm bất tịnh... xen kẽ vào pháp hành Vipassanà như tôi đã tự mình tùy cơ ứng biến.

Chúng ta có thể dự một hai khóa Thiền ở một trung tâm Thiền định hoặc Thiền Vipassanà trong một thời gian nhất định nào đó, nhưng không thể cứ áp dụng bài bản như vậy trong suốt cả đời mình. Mục đích Thiền Vipassanà là để thấy tánh (thật tánh pháp) bằng trí tuệ, nhưng trong đời sống hằng ngày chúng ta còn phải đối đầu với biết bao nhiêu khê của thế giới tục đế (sammutisacca). Do đó, ngoài Vipassanà Ðức Phật còn dạy rất nhiều pháp môn khác để chúng ta có thể tùy cơ ứng xử.

Ðiều quan trọng là phải biết mình - biết căn cơ trình độ của mình - để thể hiện một pháp môn đúng chỗ đúng thời. Còn thấy tánh là để giúp chúng ta không bị rơi vào các tướng chế định của thế gian hay ứng hiện từ tưởng tri nội tại, nhờ đó chúng ta thoát khỏi cái lưới thủ, hoặc, triền... của vô minh, tà kiến.

Tóm lại, phương tiện nào vừa hợp với chánh pháp vừa hợp với trình độ của chúng sinh, có thể trợ duyên hay đưa đến mục đích giác ngộ giải thoát đều là phương tiện thiện xảo, lợi lạc quần sinh.

Sư Hộ Pháp đã từng du học Thái Lan, Miến Ðiện gần 29 năm, đã học được những điều hay lẽ đẹp từ các nước thủ phủ của Phật Giáo Nam Tông này đem về đóng góp vào việc xây dựng Phật Giáo Nam Tông Việt Nam, vốn còn non trẻ trên đất nước chúng ta.

Pháp Môn Niệm Phật là một trong những đóng góp thiết thực mà tôi mong rằng sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho chư Tăng, Phật tử trên đường tu học và hoằng dương chánh pháp.

Tổ Ðình Bửu Long, mùa an cư 2545

Tỳ kheo Viên Minh

(Trụ trì Tổ Ðình Bửu Long)

LỜI NÓI ÐẦU

Pháp hành Thiền định có tất cả 40 đề mục, trong đó có 4 đề mục cơ bản cho tất cả hành giả tiến hành Thiền định và tiến hành Thiền tuệ.

Bốn đề mục ấy là:

1. Ðề mục niệm Ân Ðức Phật: làm cho hành giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

2. Ðề mục bất tịnh: giúp cho hành giả nhàm chán, thân ô trược này để diệt tâm tham ái.

3. Ðề mục niệm sự chết: làm cho hành giả không dễ duôi, cố gắng tinh tấn tiến hành Thiền định, tiến hành Thiền tuệ.

4. Ðề mục niệm rải tâm từ: giúp cho hành giả tâm được an lạc, diệt tâm sân hận, nóng giận khó chịu; đồng thời làm cho tất cả mọi chúng sinh cũng được an lạc dễ chịu, thương yêu quý mến lẫn nhau; nên không làm trở ngại pháp hành của hành giả.

Pháp môn niệm Phật chính là pháp hành niệm Ân Ðức Phật, là một trong 4 đề mục cơ bản.

Niệm Ân Ðức Phật là niệm Ân Ðức của Ðức Phật (không phải niệm đến danh hiệu Ðức Phật Gotama).

Ân Ðức Phật vô cùng vi tế, sâu sắc, rộng lớn, vô lượng vô biên, không sao kể xiết. Tuy vậy, trong kinh Dhajaggasutta Ðức Phật dạy:

"Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

Gồm có 9 Ân Ðức Phật, mỗi Ân Ðức Phật có nhiều ý nghĩa vi tế, sâu sắc, rộng lớn, vô lượng vô biên... để hiểu rõ ý nghĩa không phải là việc dễ dàng, song hành giả chỉ cần ghi nhớ những ý nghĩa thiết yếu để tạo cho mình một đức tin trong sạch nơi Ðức Phật.

Pháp hành niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục Thiền định có khả năng chứng đạt đến cận định, mà còn có thể làm nền tảng để tiến hành Thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết bàn nữa. Như Ðức Phật dạy:

"Này chư Tỳ kheo, pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp - sắc pháp này, để tận diệt tâm tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn". (Anguttaranikàya, phần Ekadhamma -vagga.)

Người Phật tử, là bậc xuất gia Tu sĩ, cũng như các hàng tại gia Cư sĩ, ai cũng có đức tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, nghĩa là có đức tin nơi Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, để làm cho đức tin càng tăng trưởng, làm cho đại thiện tâm càng trong sạch, trí tuệ càng sáng suốt, phước thiện càng dồi dào thì nên tiến hành niệm Ân Ðức Phật.

Trong tập sách nhỏ này, bần sư cố gắng trình bày nhiều phương cách niệm Ân Ðức Phật, song có phương pháp đặc biệt niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột rất kỳ diệu, hy vọng sẽ phổ thông cho mọi tầng lớp, nhất là đối với những người thường hay phóng tâm, chuyện này chuyện kia; những người có nhiều công lắm việc, lo nghĩ, tâm bất an; những học sinh, sinh viên học nhiều môn, tâm không an trú, trí không sáng suốt, học khó nhớ dễ quên,... Những trường hợp trên, phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này, chắc chắn sẽ giúp cho quý vị tâm chóng ổn định an tịnh tự nhiên, làm cho phát sanh trí tuệ sáng suốt, chắc chắn đem lại những kết quả đáng hài lòng.

Như vậy, ban đầu xin quý vị cố gắng học tập phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng tiếng Pàli, lời giáo huấn nguyên thủy từ kim ngôn của Ðức Phật, không thể thay thế một thứ tiếng nào khác, làm mất đi tính chất nguyên bản, không còn thiêng liêng, giảm hết oai lực của Ân Ðức Phật. Bởi vì, Phật giáo là lời giáo huấn của Ðức Phật chỉ bằng tiếng Pàli, là một thứ tiếng phổ thông của chư Phật, chư thiên, Phạm thiên cả thảy, còn mọi thứ tiếng khác như tiếng Việt, tiếng Anh,... chỉ dùng để hiểu rõ ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật mà thôi.

Hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật bằng tiếng Pàli chắc chắn có oai lực phi thường, đem lại cho mình một đức tin vững chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, là nơi nương nhờ cao thượng cho mình.

Tập sách nhỏ này được ấn hành do nhờ đệ tử Vĩnh Cường đã cố gắng đánh máy bản thảo, Rakkhitasìla Antevàsika trình bày, dàn trang và chư thí chủ như gia đình cô Dhammanandà, gia đình Trần Văn Cảnh - Trần Thị Kim Duyên, cô Ðặng Thị Năm (cô Năm Lò-ven), gia đình Cô Bảy, gia đình cô Tịnh Uyên, nhóm Phật tử tịnh thất Siêu Lý Cần Thơ... cùng chư thí chủ khác có đức tin trong sạch nơi Tam bảo đã hùn phước bố thí tài chánh để lo việc in ấn này.

Bần sư thành tâm hoan hỉ phước thiện pháp thí thanh cao này; xin cầu nguyện Ân Ðức Tam bảo cùng phước thiện pháp thí này, hộ trì cho chư thí chủ cùng toàn thể thân bằng quyến thuộc của thí chủ thân tâm thường được an lạc, mọi thiện pháp được tăng trưởng, để tạo duyên lành chóng giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nếu còn trong vòng tử sanh luân hồi, thì do nhờ phước thiện pháp thí này nâng đỡ, dẫn dắt tất cả chúng con hằng được tái sanh nơi cảnh thiện giới, kiếp nào cũng có chánh kiến, có duyên lành thân cận với bậc Thiện trí, lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, thực hành theo lời dạy của Ngài chỉ mong giải thoát khổ sanh.

"Idam me dhammadànam

àsavakkhayàvaham hotu".

Cầu mong phước thiện pháp thí này dẫn dắt con đến sự chứng đắc A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi phiền não trầm luân ở trong tâm.

"Idam no nàtìnam hotu,

sukhità hontu nàtayo".

Cầu mong phước thiện thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong họ được giải thoát khổ, được an lạc lâu dài.

"Imam punnabhàgam sabbasattànam dema, sabbepi te punnapattim laddhàna, sukhità hontu".

Chúng con xin hồi hướng phần phước thiện pháp thí thanh cao này đến cho tất cả chúng sinh. Cầu mong tất cả chúng sinh hoan hỉ thọ lãnh phần phước thiện thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Núi Rừng Viên Không

Phật Lịch 2545 /2001

Tỳ kheo Hộ Pháp

Tỳ kheo Hộ Pháp

PL 2546 - TL 2002


A. PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Pháp môn niệm Phật chính là niệm Ân Ðức Phật.

Niệm Ân Ðức Phật là một trong 10 đề mục tùy niệm (Anussati), cũng là 1 trong 40 đề mục Thiền định.

Niệm Ân Ðức Phật, Ðức Phật thuyết dạy trong bài kinh Dhajaggasutta (Samyuttanikàya, phần Sagàthàvagga) có đoạn:

"Sace tumhàkam bhikkhave arannagatànam và rukkhamùlagatànam và sunnàgàragatànam và uppajjeyya bhayam và chambhitattam và lomahamso và mameva tasmim samaye anussareyyàtha".

"Itipi so Bhagavà Araham... Bhagavà' ti...

Này chư Tỳ kheo, nếu sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy phát sanh lên đối với các con ở nơi thanh vắng, dưới cội cây, trong rừng sâu. Khi ấy các con chỉ nên niệm tưởng đến 9 Ân Ðức của Như Lai rằng:

"Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

Này chư Tỳ kheo, do nhờ niệm tưởng Ân Ðức Phật, sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy nào phát sanh, thì điều ấy bị tiêu diệt.

Hoặc nếu các con không niệm tưởng đến 9 ân đức của Như Lai, thì các con niệm tưởng đến 6 Ân Ðức Pháp rằng:

"Svàkkhàto Bhagavatà dhammo, Sanditthiko, Akàliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattam veditabbo vinnùhi".

Này chư Tỳ kheo, do nhờ niệm tưởng Ân Ðức Pháp, sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy nào phát sanh, thì điều ấy bị tiêu diệt.

Hoặc nếu các con không niệm tưởng đến 6 Ân Ðức Pháp của Như Lai, thì các con niệm tưởng đến 9 Ân Ðức Tăng rằng:

"Suppatipanno Bhagavato sàvakasamgho.

Ujuppatipanno Bhagavato sàvakasamgho.

Nàyappatipanno Bhagavato sàvakasamgho.

Sàmìcippatipanno Bhagavato sàvakasamgho.

Yadidam cattàri purisayugàni attha purisa-puggalà. Esa Bhagavato sàvakasamgho.

Àhuneyyo, Pàhuneyyo, Dakkhineyyo, Anjali-karanìyo, Anuttaram punnakkhettam lokassa".

Này chư Tỳ kheo, do nhờ niệm tưởng Ân Ðức Tăng, sự kinh hãi, sự run sợ, sự rùng mình rởn tóc gáy nào phát sanh, thì điều ấy bị tiêu diệt".

Theo bài kinh này, niệm 9 Ân Ðức Phật hoặc 6 Ân Ðức Pháp hoặc 9 Ân Ðức Tăng đều có kết quả là tiêu diệt mọi điều kinh sợ đã phát sanh, và ngăn được mọi điều kinh sợ không thể phát sanh.

1/ Tiến Hành Niệm Ðề Mục Ân Ðức Phật

Muốn tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, trước tiên hành giả tự mình thọ Tam quy.

- Buddham saranam gacchàmi.

- Dhammam saranam gacchàmi.

- Samgham saranam gacchàmi.

- Dutiyampi Buddham saranam gacchàmi.

- Dutiyampi Dhammam saranam gacchàmi.

- Dutiyampi Samgham saranam gacchàmi.

- Tatiyampi Buddham saranam gacchàmi.

- Tatiyampi Dhammam saranam gacchàmi.

- Tatiyampi Samgham saranam gacchàmi.

Hành giả cần phải có giới trong sạch để làm nền tảng cho Thiền định, Thiền tuệ.

Nếu là người cận sự nam, cận sự nữ tự mình nguyện xin thọ Ngũ giới, hoặc bát giới, hoặc thập giới để cho giới của mình được trong sạch và trọn đủ.

Nếu là bậc xuất gia, Sa di cần phải thọ Tam quy và Sa di thập giới nơi một vị Ðại Ðức (Thầy Tế độ).

Bậc Tỳ kheo cần phải sám hối àpatti với một vị Tỳ kheo khác để cho giới của mình trở nên trong sạch và trọn đủ.

Khi hành giả có giới trong sạch và trọn đủ rồi sẽ làm nền tảng để tiến hành Thiền định với đề mục niệm Ân Ðức Phật này.

Chín Ân Ðức Phật này chỉ có nơi Ðức Phật. Ngoài Ðức Phật ra, không có một Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Phạm thiên... nào có thể có đủ 9 ân đức này. Ðể liên tưởng đến Ðức Phật, hành giả nên ngồi kiết già hoặc bán già (phái nữ nên ngồi xếp hai chân sang một bên) trước tượng Ðức Phật; hoặc ngồi trước tấm hình ngôi tháp bảo tôn thờ Xá Lợi của Ðức Phật; hoặc ngồi xung quanh ngôi tháp bảo tôn thờ Xá Lợi của Ðức Phật; hoặc ngồi xung quanh cội Bồ đề, nơi Ðức Bồ tát đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác; hoặc một nơi thanh vắng, để cho thuận lợi việc tiến hành niệm Ân Ðức Phật.

Niệm Ân Ðức Phật có nhiều cách:

a) Cách Thứ Nhất

Hành giả có thể niệm đủ 9 Ân Ðức Phật như sau:

"Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

Niệm thầm ở trong tâm hằng trăm lần, hằng ngàn lần, niệm suốt thời gian ngồi niệm Ân Ðức Phật, khi niệm đến Ân Ðức Phật nào, định tâm an trú nơi Ân Ðức Phật ấy; không những an trú nơi Ân Ðức Phật ấy, mà còn phải hiểu rõ những ý nghĩa của Ân Ðức Phật ấy nữa. Nhờ vậy, hành giả mới phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ ý nghĩa mỗi Ân Ðức Phật.

b) Cách Thứ Nhì

Hành giả có thể chọn niệm một Ân Ðức Phật nào trong 9 Ân Ðức Phật bằng một câu Ân Ðức Phật.

Ví dụ: "Itipi so Bhagavà Araham...", hoặc "Itipi so Bhagavà Buddho...". Niệm thầm ở trong tâm Ân Ðức Phật ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần suốt thời gian tiến hành ngồi niệm Ân Ðức Phật...

c) Cách Thứ Ba

Hành giả có thể chọn niệm một Ân Ðức Phật nào trong 9 Ân Ðức Phật bằng một chữ Ân Ðức Phật.

Ví dụ: "Araham... Araham... Araham..." hoặc "Buddho... Buddho... Buddho...", v.v...

Niệm thầm ở trong tâm hàng trăm lần, hàng ngàn lần, suốt thời gian tiến hành ngồi niệm Ân Ðức Phật, định tâm an trú nơi Ân Ðức Phật, đồng thời hiểu rõ những ý nghĩa Ân Ðức Phật, để tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ về ý nghĩa Ân Ðức Phật.

Tất cả mọi đề mục Thiền định đều có một mục đích duy nhất là định tâm an trú trong một đề mục Thiền định duy nhất, không để phóng tâm chuyện này chuyện kia. Có những đề mục Thiền định có thể dẫn đến cận định (upacàrasamàdhi) rồi tiến đến an định (appanàsamàdhi) để chứng đắc các bậc Thiền hữu sắc.

Riêng đối với đề mục "niệm Ân Ðức Phật" là một đề mục vô cùng vi tế, sâu sắc, rộng lớn, vô lượng vô biên, nên định tâm không thể an trú trong đối tượng nhất định rõ ràng. Do đó, đề mục niệm Ân Ðức Phật chỉ có khả năng dẫn đến cận định mà thôi; không thể tiến đến an định, nên không thể chứng đắc được bậc Thiền nào cả.

Như vậy, cận định tâm của đề mục niệm Ân Ðức Phật vẫn còn là dục giới đại thiện tâm, thuộc về dục giới thiện nghiệp.

2/ Quả báu ở kiếp hiện tại

Dục giới thiện nghiệp được tạo do Thiền định này cho quả ở kiếp hiện tại, trong khi đang tiến hành niệm Ân Ðức Phật, đại thiện tâm hợp với hỉ, phát sanh hỉ lạc rất vi tế ở ý thức tâm, nên hành giả có thể ngồi niệm Ân Ðức Phật hằng giờ vẫn cảm thấy an lạc lạ thường.

Do năng lực dục giới thiện nghiệp này, trong cuộc sống hằng ngày của hành giả thường được an lạc, tránh khỏi điều rủi ro tai hại một cách phi thường, phần đông mọi người kính mến, chư thiên cũng kính yêu và hộ trì hành giả.

3/ Quả báu ở kiếp vị lai

Dục giới thiện nghiệp được tạo do tiến hành Thiền định này, có phần vững chắc hơn dục giới thiện nghiệp được tạo do bố thí và giữ giới. Cho nên, hành giả khi gần chết, tâm không mê muội, tâm bình tĩnh sáng suốt. Vì vậy, sau khi chết, nếu dục giới thiện nghiệp này cho quả tái sanh làm người, thì sẽ là người có trí tuệ thuộc "hạng người tam nhân" [1], hoặc tái sanh làm chư thiên ở một trong 6 cõi trời dục giới, dầu sanh làm chư thiên ở cõi trời nào cũng có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời đặc biệt.

Chú thích

[1] Tái sanh tâm có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ)

4/ Phương Pháp Ðặc Biệt Niệm 9 Ân Ðức Phật

Nước Myanmar phần đông những bậc xuất gia: Sa di, Tỳ kheo, Ðại đức, Ðại trưởng lão và các hàng tại gia Cư sĩ: cận sự nam, cận sự nữ hành Thiền thường sử dụng xâu chuỗi 108 hột làm phương tiện để niệm...

Theo được biết, có rất nhiều phương pháp hành Thiền niệm... bằng xâu chuỗi 108 hột. Phương pháp nào cũng cốt để cho thiện tâm an tịnh tự nhiên.

Ví dụ: Phương pháp niệm Tam quy lần theo chuỗi hột: "Buddham saranam gacchàmi..." [1] v.v...

[1] Quyển "Buddha Yin Chê Mu A Chê Piếu" do Bộ Tôn Giáo Myanmar ấn hành.

Thuở bần sư ở nước Myanmar, một hôm, đọc một tờ đặc san Phật giáo, gặp một bài pháp dạy về phương pháp niệm Ân Ðức Phật bằng phương tiện xâu chuỗi 108 hột, do một Ngài Ðại trưởng lão (không nhớ rõ pháp danh) đã phát hiện ra, trong 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm, và xâu chuỗi có 108 hột. Ngài dạy phương pháp tâm niệm mỗi âm, đồng thời tay lần theo mỗi hột. Khi niệm đủ 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm, đồng thời lần theo chuỗi đủ 108 hột.

Ðây là phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật rất kỳ diệu, bởi sự khám phá có sự trùng hợp, giữa 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm và xâu chuỗi có 108 hột; và cũng là một phương pháp tuyệt vời, là vì giúp cho hành giả kiểm soát được tâm mình, còn như các đề mục Thiền định khác thì không có tính ưu việt này.

Do đó, hành giả muốn tiến hành theo phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật này, điều trước tiên cần phải học thuộc lòng 108 âm trong 9 Ân Ðức Phật, vì mỗi âm trong 9 Ân Ðức Phật liên quan đến vị trí thứ tự nhất định trong chuỗi 108 hột.

Chín Ân Ðức Phật theo thứ tự như sau:

1. I-ti-pi-so Bha-ga-và A-ra-ham, 10 âm, 10 hột

2. I-ti-pi-so Bha-ga-và Sam-mà-sam-bud-dho, 12 âm, 12 hột

3. I-ti-pi-so Bha-ga-và Vij-jà-ca-ra-na-sam-pan-no, 15 âm, 15 hột

4. I-ti-pi-so Bha-ga-và Su-ga-to, 10 âm, 10 hột

5. I-ti-pi-so Bha-ga-và Lo-ka-vi-dù, 11 âm, 11 hột

6. I-ti-pi-so Bha-ga-và A-nut-ta-ro-pu-ri-sa-dam-ma-sà-ra-thi, 19 âm, 19 hột

7. I-ti-pi-so Bha-ga-và Sat-thà-de-va-ma-nus-sà-nam, 15 âm, 15 hột

8. I-ti-pi-so Bha-ga-và Bud-dho, 9 âm, 9 hột

9. I-ti-pi-so Bha-ga-và. 7 âm, 7 hột

Tổng cộng: 108 âm, 108 hột

5/ Ðiểm ưu việt cách niệm 9 Ân Ðức Phật cùng xâu chuỗi 108 hột

Phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật này, gọi là "kỳ diệu" là vì dễ dàng làm cho tâm an trú trọn đủ 9 Ân Ðức Phật, một cách liên tục trước-sau. Và gọi là "tuyệt vời" là vì tự mình có thể kiểm soát biết mình tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật đúng theo phương pháp này.

Bởi vì phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này có hai đặc tính ưu việt như sau:

a) Theo dõi Ân Ðức Phật trước - sau liên tục với nhau như thế nào?

Ân Ðức Phật thứ nhất: "Itipi so Bhagavà Araham".

Tiếp theo Ân Ðức Phật thứ nhì: "Itipi so Bhagavà Sammàsambuddho".

Và tiếp tục như vậy cho đến Ân Ðức Phật thứ 9: "Itipi so Bhagavà".

Như vậy, mỗi Ân Ðức Phật đều bắt đầu giống nhau là: "Itipi so Bhagavà", khiến cho hành giả phải chú tâm đặc biệt, nếu không chú tâm để ý thì dễ lộn Ân Ðức Phật này sang Ân Ðức Phật kia. Sự thật, 9 Ân Ðức Phật này, mỗi Ân Ðức Phật có một vị trí thứ tự nhất định trong xâu chuỗi 108 hột, không thể thay đổi. Cho nên hành giả cần phải thận trọng, chú tâm nhiều.

Ví dụ:

Bắt đầu niệm Ân Ðức Phật thứ nhất rằng: "I-ti-pi-so-Bha-ga-và-A-ra-ham" tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, tiếp tục đến niệm Ân Ðức Phật thứ nhì cũng bắt đầu bằng: "I-ti-pi-so-Bha-ga-và..." khiến hành giả liên tưởng đến Ân Ðức Phật trước gọi là gì? Tự trả lời chính xác Ân Ðức Phật trước gọi là Araham, vậy Ân Ðức Phật tiếp theo sau phải là "Sammàsambuddho". Hành giả niệm "Sam-mà-sam-bud-dho", tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, cứ như vậy liên tưởng Ân Ðức Phật trước - Ân Ðức Phật sau, cho đến Ân Ðức Phật thứ 9 sau cùng là "I-ti-pi-so Bha-ga-và".

Hành giả có trí nhớ (niệm) và trí tuệ cùng với tâm tinh tấn tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật khắng khít với nhau, không có khoảng thời gian trống nào, để tâm nghĩ đến chuyện này, chuyện kia. Như vậy, hành giả niệm Ân Ðức Phật nào, tâm an trú ở Ân Ðức Phật ấy, giúp cho định tâm an trú trọn đủ 9 Ân Ðức Phật một cách liên tục suốt thời gian tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật.

Ðó là một đặc tính ưu việt của phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng chuỗi 108 hột này.

b) Kiểm soát được tâm mình như thế nào?

Phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng cách sử dụng xâu chuỗi 108 hột làm phương tiện.

Phương pháp này có một sự trùng hợp kỳ diệu giữa 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm và xâu chuỗi có 108 hột, hành giả chú tâm niệm mỗi âm trong 9 Ân Ðức Phật, đồng thời tay lần theo mỗi hột trong xâu chuỗi cho đến âm "Và" cuối cùng của Ân Ðức Phật thứ 9 là Bha-ga-và, đồng thời đến hột cuối cùng của xâu chuỗi 108 hột, qua một vòng chuỗi hột.

Như vậy, gọi là hành giả tiến hành đúng theo phương pháp này, cứ mỗi lần niệm 9 Ân Ðức Phật đúng theo phương pháp, hành giả tâm cảm thấy hoan hỉ, nhiều lần đúng, thì tâm càng thêm hoan hỉ dẫn đến phát sanh tâm hỉ lạc.

Hành giả tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật theo phương pháp này, tâm niệm mỗi âm, tay lần theo một hột cho đến âm "Và" cuối cùng của Ðức Phật thứ 9 là "Bha-ga-và", đồng thời qua một vòng chuỗi 108 hột. Nếu gặp phải dư hoặc thiếu, không đúng 108 hột, như vậy, hành giả biết ngay rằng: "đã tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật không đúng theo phương pháp này".

Nhờ biết như vậy, hành giả càng chú tâm ghi nhớ, có niệm (tâm sở) và trí tuệ tốt hơn, cần có sự cố gắng tinh tấn nhiều hơn để tiếp tục tiến hành tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, càng chú tâm theo dõi mỗi âm trong 9 Ân Ðức Phật đồng thời lần theo mỗi hột để cho đúng theo phương pháp này.

Hành giả tiến hành niệm 9 Ân Ðức Phật, tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, chỉ cần qua một vòng chuỗi 108 hột là biết ngay (*) mình hành đúng hay hành sai phương pháp, không phải mất thì giờ.

(*) Trong chuỗi 108 hột này, mỗi hột có một vị trí "âm" nhất định, hành giả có thể làm dấu màu đỏ ở 9 âm cuối của 9 Ân Ðức Phật: cuối cùng của Ân Ðức Phật thứ nhất là ham, vị trí hột số 10; Ân Ðức Phật thứ nhì là dho = hột số 22; Ân Ðức Phật thứ ba là no = hột số 37; Ân Ðức Phật thứ tư là to = hột số 47; Ân Ðức Phật thứ năm là dù = hột số 58; Ân Ðức Phật thứ sáu là thi = hột số 77; Ân Ðức Phật thứ bảy là nam = hột số 92; Ân Ðức Phật thứ tám là dho = hột số 101; Ân Ðức Phật thứ 9 là và = hột số 108. Như vậy, mỗi khi hành giả tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, thấy sai vị trí, nên biết hành sai phương pháp, hành giả có thể bắt đầu trở lại.

Ðó là một đặc tính ưu việt của phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này, có thể kiểm soát được tâm của mình.

6/ Không chuỗi hột, khó kiểm soát tâm mình

Một số hành giả thường hay phóng tâm, hoặc suy nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác, khi họ niệm Ân Ðức Phật không có xâu chuỗi 108 hột, thì khó kiểm soát được tâm của mình.

Ví dụ:

- Trường hợp hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật trở thành thói quen. Nghĩa là "miệng vẫn niệm thầm, tâm vẫn lo nghĩ chuyện này chuyện kia mà không hay biết", cho nên tâm không an trú nơi Ân Ðức Phật nào cả, tưởng lầm mình đang niệm Ân Ðức Phật.

- Trường hợp hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật, được một lúc tâm xao nhãng, không còn chú tâm niệm Ân Ðức Phật, phát sanh phóng tâm chuyện này chuyện kia một hồi lâu mà vẫn không hay biết, đến khi sực tỉnh lại mới biết mình phóng tâm...

Những trường hợp xảy ra như vậy, vì hành giả không có một dụng cụ phương tiện nào để kiểm soát được tâm của mình.

Vì vậy, phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột dùng làm phương tiện có thể kiểm soát tâm của mình một cách hữu hiệu hơn phương pháp nào khác, nhất là đối với người hay phóng tâm, lo nghĩ, hay quên,...

7/ Phương pháp niệm Phật phổ thông

Những người thường hay phóng tâm, lo nghĩ chuyện này, chuyện kia; những người suy nghĩ miên man; những người có nhiều công việc đa đoan; những thương gia lắm công nhiều việc, thường hay lo nghĩ suy tư; những học sinh, sinh viên theo học nhiều môn, ôn nhiều bài, học khó hiểu, khó nhớ lâu; những người đang ở tâm trạng băn khoăn lo ngại, do dự một vấn đề nào đó chưa dứt khóat... Tất cả những hạng người này muốn tiến hành Thiền định không dễ dàng, bởi vì tâm của họ khó an trú một đề mục Thiền định duy nhất nào làm đối tượng.

Tuy vậy, đối với những hạng người này có thể tiến hành phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, dễ dàng làm cho tâm trí mau chóng ổn định tự nhiên. Khi tâm trí ổn định, phát sanh trí tuệ sáng suốt, làm chủ mọi hành động, lời nói, ý nghĩ; chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho mình và tất cả mọi người, mọi chúng sinh.

Ðối với những người bệnh tật, già yếu; những người bệnh hoạn ốm đau, không thể ngồi dược, thì có thể nằm lắng nghe băng cassette hướng dẫn niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột, cũng có thể giúp cho tâm của họ được ổn định an tịnh.

Cho nên, phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này không những riêng cho các hành giả, mà còn có thể áp dụng chung cho mọi tầng lớp, nhất là những người bình thường khó tiến hành pháp môn Thiền định. Bởi vì tâm của họ khó an trú trong một đề mục Thiền định nào nhất định làm đối tượng. Còn phương pháp niệm 9 Ân Ðức Phật bằng xâu chuỗi 108 hột này, giúp cho họ dễ dàng định tâm trong từng mỗi Ân Ðức Phật, nhờ phương pháp "tâm niệm mỗi âm, tay lần theo mỗi hột".

Khi niệm đến Ân Ðức Phật nào, hành giả nên có trí tuệ hiểu biết rõ ý nghĩa của Ân Ðức Phật ấy.

Nói chung, mọi phương pháp tiến hành niệm Ân Ðức Phật, điều trước tiên cũng là điều thiết yếu nhất, hành giả cần phải học hỏi, nghiên cứu cho hiểu biết rõ ý nghĩa mỗi Ân Ðức Phật một cách rành rẽ, thông thạo. Mỗi khi niệm đến Ân Ðức Phật nào, có trí tuệ hiểu biết rõ ý nghĩa của Ân Ðức Phật ấy. Cũng như nói một thứ tiếng, mình hiểu điều mình nói, mình nói điều mình hiểu và người nghe cũng hiểu được.

Như vậy, hành giả mới phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc.

Ðể tăng thêm đức tin trong sạch, hành giả nên tìm hiểu con số 108 có liên quan đến pháp trong Phật giáo.

Atthasatam là con số 108.

Trong các Chú giải có đề cập đến tanhà = tham ái có 108 loại như: atthasatam tanhàvicaritam: tham ái tính đầy đủ gồm có 108 loại, là nhân sanh khổ đế (dukkhasamudayasacca), là ác pháp nên diệt, là một sự thật chân lý trong tứ đế (catusacca).

Trong bài kinh Ratanasutta, danh từ ghép atthasatam dnnh liền với nhau trong câu:

"Ye puggalà atthasatam pasatthà...".

"108 hạng Thánh nhân mà chư bậc Thiện trí như Ðức Phật v.v... đều tán dương ca tụng...".

Phân chia 108 hạng Thánh nhân như sau:

+ 4 Thánh Quả gồm có 100 hạng Thánh nhân.

1. Bậc Thánh Nhập lưu gồm có 24 hạng (3 hạng Thánh Nhập lưu x 4 pháp hành (patipadà) x 2 phận sự (dhura) thành 24 hạng).

2. Bậc Thánh Nhất lai gồm có 24 hạng (3 hạng Thánh Nhất lai x 4 pháp hành x 2 phận sự thành 24 hạng).

3. Bậc Thánh Bất Lai gồm có 48 hạng (5 hạng Thánh Bất Lai x với 4 cõi suddhàvàsa bậc thấp thành 20, + 4 bậc Thánh Bất Lai ở cõi akanittha (trừ bậc Thánh Uddhamsota akanitthagàmi) là 24, x 2 phận sự thành 48 hạng).

4. Bậc Thánh A la hán gồm có 4 hạng (2 hạng Thánh A la hán x 2 phận sự thành 4 hạng).

+ 4 Thánh Ðạo gồm có 8 hạng Thánh (4 Thánh Ðạo x 2 phận sự thành 8 hạng).

Tổng cộng 24 + 24 + 48 + 4 + 8 = 108 hạng Thánh nhân.

Như vậy, hành giả niệm 9 Ân Ðức Phật gồm có 108 âm, còn có liên quan đến con số 108 hạng Thánh nhân là bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật.


B. Ý NGHĨA ÂN ÐỨC PHẬT

Ðức Phật có 9 Ân Ðức theo thứ tự.

I. Ân Ðức Phật Thứ Nhất (Itipi so Bhagavà Araham)

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Á-rá-hăng).

Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Araham.

1/ Araham có 5 ý nghĩa:

1. Ðức Thế Tôn là bậc đã xa lìa mọi phiền não.

2. Ðức Thế Tôn đã diệt đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não

3. Ðức Thế Tôn là bậc đã phá hủy vòng luân hồi trong ba giới bốn loài.

4. Ðức Thế Tôn là bậc không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo.

5. Ðức Thế Tôn là bậc xứng đáng thọ nhận lễ bái cúng dường.

Giải thích tóm tắt

1) Araham có ý nghĩa xa lìa mọi phiền não là thế nào?

- Phiền não dịch từ tiếng Pàli Kilesa.

Kilesa = phiền não là những bất thiện tâm sở đồng sanh với những bất thiện tâm làm cho thân tâm nóng nảy, khó chịu, khổ thân, khổ tâm; phiền não còn làm cho tâm, tâm sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý.

a) Phiền não có 10 loại:

1. Tham: Ðó là tham tâm sở đồng sanh với 8 tham tâm có trạng thái tham muốn, hài lòng say mê trong đối tượng.

2. Sân: Ðó là sân tâm sở đồng sanh với 2 sân tâm, có trạng thái hung dữ, tàn bạo, không hài lòng nơi đối tượng.

3. Si: Ðó là si tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái si mê không biết thật tánh của các pháp.

4. Tà kiến: Ðó là tà kiến tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm hợp tà kiến, có trạng thái thấy sai, chấp lầm ở đối tượng.

5. Ngã mạn: Ðó là ngã mạn tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm không hợp tà kiến, có trạng thái so sánh "Ta" hơn người, bằng người, kém thua người.

6. Hoài nghi: Ðó là hoài nghi tâm sở đồng sanh với si tâm hợp hoài nghi, có trạng thái hoài nghi ở đối tượng.

7. Buồn chán: Ðó là buồn chán tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm và + sân tâm (loại tâm cần động viên), có trạng thái không hăng hái, buông bỏ đối tượng.

8. Phóng tâm: Ðó là phóng tâm tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không an trụ ở đối tượng.

9. Không hổ thẹn: Ðó là không hổ thẹn tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái tự mình không biết hổ thẹn tội lỗi, khi hành ác.

10. Không ghê sợ: Ðó là không ghê sợ tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không biết ghê sợ tội lỗi, khi hành ác.

Ðó là 10 loại phiền não, mỗi khi có phiền não nào phát sanh ở bất thiện tâm nào, thì không những làm cho tâm bị ô nhiễm, nóng nảy, mà còn làm cho thân cũng nóng nảy, khó chịu, mặt mày mất vẻ tự nhiên, không còn tươi tính...

b) Tính chất của phiền não có ba loại:

1. Vìtikkamakilesa: Là phiền não loại thô, được biểu hiện ra ở thân hành ác, khẩu nói ác. Phiền não loại thô này có thể diệt bằng pháp hành giới, có tác ý thiện tâm (cetanà) giữ gìn giới cho thân và khẩu được trong sạch, thì diệt từng thời loại phiền não này.

2. Pariyutthànakilesa: Là phiền não loại trung phát sanh ở trong tâm, đó là 5 pháp chướng ngại (*), làm cho tâm cảm thấy khó chịu khổ tâm; ngăn cản mọi thiện pháp. Loại phiền não này diệt bằng pháp hành Thiền định, khi chứng đắc bậc Thiền, nhờ 5 chi Thiền, có thể diệt bằng cách đè nén, chế ngự được loại phiền não này.

(*) 5 pháp chướng ngại: tham dục, thù hận, buồn chán, buồn ngủ, phóng tâm, hối hận, hoài nghi.

3. Anusayakilesa: Là phiền não cực kỳ vi tế ẩn tàng ngấm ngầm ở trong tâm thức, đó là 7 pháp ngủ ngầm trong tâm (*) không hiện rõ. Loại phiền não này diệt bằng pháp hành Thiền tuệ, khi chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ mới có thể diệt đoạn tuyệt được loại phiền não này.

(*) 7 pháp ngủ ngầm trong tâm: ái dục ngủ ngầm, kiếp ái ngủ ngầm, sân hận ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm và vô minh ngủ ngầm.

c) Phiền não tính rộng có 1500 loại:

10 loại phiền não kể trên, khi chúng liên quan đến đối tượng làm nhân duyên để phát sanh phiền não, tính rộng có 1500 loại phiền não.

Cách tính như sau:

75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não: Tâm tính là một pháp (vì cùng có một trạng thái biết đối tượng). Tâm sở tính 52 pháp (vì mỗi tâm sở có mỗi trạng thái riêng biệt). Sắc pháp chỉ có 18 sắc pháp hiện hữu thật rõ ràng; và 4 pháp trạng thái của sắc pháp.

Như vậy, gồm có (1+52+18+4) = 75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não.

75 pháp này làm đối tượng của phiền não ở bên trong mình, là kẻ thù bên trong.

75 pháp này làm đối tượng của phiền não ở bên ngoài mình, là kẻ thù bên ngoài.

Ðối tượng của phiền não bên trong mình có 75 pháp và bên ngoài mình có 75 pháp gồm cả thảy 150 pháp, nhân với 10 loại phiền não (tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, hoài nghi, buồn chán, phóng tâm, không hổ thẹn, không ghê sợ) (150 x 10) thành 1.500 loại phiền não.

Thật ra, 10 loại phiền não trong bất thiện tâm mới làm cho tâm bị ô nhiễm, làm cho tâm nóng nảy, khó chịu, khổ tâm, khổ thân.

Phiền não làm nhân duyên trực tiếp tạo mọi ác nghiệp và làm nhân duyên gián tiếp tạo mọi thiện nghiệp trong tam giới (do vô minh nên tạo ác nghiệp, thiện nghiệp); để rồi cho quả của nghiệp dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài (*).

(*) Ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Bốn loài: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh.

Nghiệp này được dẫn dắt do bởi tham ái (tanhà). Tham ái đó là tham tâm sở (lobhacetasika). Tham ái có tất cả 108 loại.

d) Tham ái có 108 loại:

Cách tính 108 loại tham ái theo 6 đối tượng, 3 tính chất, 2 bên, 3 thời như sau:

Ðối tượng của tham ái có 6:

1. Sắc ái: Sắc trần là đối tượng của tham ái.

2. Thanh ái: Thanh trần là đối tượng của tham ái.

3. Hương ái: Hương trần là đối tượng của tham ái.

4. Vị ái: Vị trần là đối tượng của tham ái.

5. Xúc ái: Xúc trần là đối tượng của tham ái.

6. Pháp ái: Pháp trần là đối tượng của tham ái.

Tính chất của tham ái có 3:

1. Dục ái: Tham ái trong 6 cảnh trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

2. Hữu ái: Tham ái trong 6 cảnh trần hợp với thường kiến và tham ái trong Thiền hữu sắc, Thiền vô sắc, trong cõi sắc giới, cõi vô sắc giới.

3. Phi hữu ái: Tham ái trong 6 cảnh trần hợp với đoạn kiến.

2 bên:

1. Bên trong: Tham ái phát sanh bên trong mình.

2. Bên ngoài: Tham ái phát sanh bên ngoài người khác.

Thời gian có 3:

1. Thời quá khứ: Tham ái phát sanh ở thời quá khứ.

2. Thời hiện tại: Tham ái phát sanh ở thời hiện tại.

3. Thời vị lai: Tham ái phát sanh ở thời vị lai.

Như vậy, tóm lại tham ái phát sanh do 6 đối tượng, x 3 tính chất, x 2 bên, x 3 thời (6x3x2x3) = 108 loại tham ái là nhân phát sanh khổ tái sanh, dẫn đến khổ già, khổ bệnh, khổ chết... bao nhiêu nỗi khổ khác không sao kể xiết, đều do tham ái là nhân sanh mọi khổ đế ấy.

Ðức Bồ tát Siddhattha diệt đoạn tuyệt được tất cả 1.500 loại phiền não, 108 loại tham ái không còn dư sót bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ tại dưới đại cội Bồ Ðề vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác độc nhất vô nhị đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh.

Ngoài ra, Ngài còn có khả năng đặc biệt tận diệt được mọi tiền khiên tật (vàsanà) (*) do tích lũy từ vô lượng kiếp ở quá khứ. Cho nên, Ðức Phật có mỗi hành vi cử chỉ đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng... không thể nào có thể chê trách được.

(*) Vàsanà= tiền khiên tật này, đối với bậc Thánh Thanh văn không thể diệt được, dầu là bậc Thánh A la hán. Bậc Thánh Thanh văn A la hán chỉ có khả năng diệt đoạn tuyệt được 1.500 loại phiền não và 108 loại tham ái mà thôi, nhưng không thể diệt được mọi tiền khiên tật do tích lũy từ vô lượng kiếp ở quá khứ.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Araham với ý nghĩa xa lìa mọi phiền não và tiền khiên tật không bao giờ phát sanh được nữa, bất cứ lúc nào cho đến khi tịch diệt Niết bàn.

2) Araham có ý nghĩa diệt đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não như thế nào?

Ðức Phật dạy kẻ thù nguy hiểm chính là 1.500 loại phiền não trong tâm của mình. Ngài gọi phiền não là kẻ thù, là vì ở trong đời này, kẻ thù thường tìm cơ hội làm khổ mình, sát hại mình, không có một kẻ thù nào mong cho mình được an lạc.

Cũng như vậy, phiền não phát sanh trong bất thiện tâm làm cho mình khổ tâm, khổ thân, nóng nảy, khó chịu, còn khiến mình tạo mọi ác nghiệp, làm khổ chúng sinh khác, để rồi phải chịu quả khổ trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Sự thật, chỉ có phiền não bên trong bất thiện tâm của mình, mới trực tiếp làm khổ mình, còn phiền não bên ngoài người khác không trực tiếp làm khổ mình được, nếu mình không tiếp nhận.

Ví dụ: người ta mắng chửi, đánh đập mình; nếu mình có tâm nhẫn nại, không sân hận, phiền não không sanh, thì mình không bị khổ tâm; nếu tâm phiền não sân hận phát sanh, thì chính phiền não bên trong mình làm cho mình khổ tâm, hoàn toàn không phải phiền não bên ngoài của người khác làm cho mình khổ tâm.

Còn phần khổ thân thuộc về quả của nghiệp không một ai tránh khỏi, dầu là Ðức Phật hay chư bậc Thánh A la hán. Ðức Phật và chư bậc Thánh A la hán diệt đoạn tuyệt được tất cả 1.500 loại phiền não rồi, nên hoàn toàn không còn khổ tâm nữa; nhưng còn có sắc thân, vẫn còn có khổ thân cho đến khi hết tuổi thọ tịch diệt Niết bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Khi ấy mới thật là giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ.

Ðức Bồ tát Siddhattha đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi kẻ thù là 1.500 loại phiền não, bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ tại dưới đại cội Bồ Ðề vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch) trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác độc nhất vô nhị đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Araham với ý nghĩa diệt đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não không còn dư sót.

3) Araham có ý nghĩa phá hủy vòng luân hồi trong ba giới bốn loài như thế nào?

Vòng luân hồi đó chính là pháp "Thập nhị Duyên Sanh" có 12 chi pháp:

- Do vô minh làm duyên, nên hành sanh.

- Do hành làm duyên, nên thức sanh.

- Do thức làm duyên, nên danh sắc sanh

- Do danh sắc làm duyên, nên lục nhập sanh.

- Do lục nhập làm duyên, nên lục xúc sanh.

- Do lục xúc làm duyên, nên lục thọ sanh.

- Do lục thọ làm duyên, nên lục ái sanh.

- Do lục ái làm duyên, nên tứ thủ sanh.

- Do tứ thủ làm duyên, nên nhị hữu sanh.

- Do nhị hữu làm duyên, nên tái sanh sanh.

- Do tái sanh làm duyên, nên lão tử... sanh.

Từ vô minh đến lão tử gồm có 12 chi pháp. Pháp này làm duyên để sanh pháp kia là quả; pháp quả ấy trở lại làm duyên để sanh pháp quả khác, và cứ như vậy duyên quả liên hoàn với nhau thành vòng luân hồi, không có chỗ bắt đầu và cuối cùng. Như vậy, vô minh chỉ là nhân duyên quá khứ không phải là nhân bắt đầu, vì vô minh còn là quả của bốn pháp trầm luân. Như Ðức Phật dạy:

"Àsavasamudayà avijjàsamudayo...".

(Do có sự sanh của bốn pháp trầm luân, nên có sự sanh của vô minh).

Vòng luân hồi Thập nhị duyên sanh này phân chia thành tam luân, chuyển biến theo chiều hướng nhất định.

1. Phiền não luân: gồm có vô minh, lục ái và tứ thủ.

2. Nghiệp luân: gồm có nghiệp hữu và hành.

3. Quả luân: gồm có cảnh hữu, thức, danh sắc, lục nhập, lục xúc, lục thọ, sanh, lão tử.

Theo vòng luân hồi thì không thể biết được chỗ bắt đầu và chỗ cuối cùng, nên chỉ nhận biết theo định luật Nhân quả, mà Nhân quả theo pháp Thập nhị duyên sanh, thì mỗi chi pháp không thuần chỉ là nhân, là quả, mà sự thật, mỗi chi pháp là quả của pháp trước, trở lại làm nhân duyên của pháp sau, và cứ tiếp tục như vậy theo định luật Nhân quả liên hoàn tiếp nối với nhau thành vòng luân chuyển không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy đến vô chung, trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài; thường chỉ có thể thấy rõ sự thay đổi (*) về phần sắc thân hay gọi là sắc uẩn mà thôi; còn phần tâm gọi là danh uẩn có 4 uẩn (thọ, tưởng, hành, thức uẩn) liên quan nhân duyên sanh rồi diệt, diệt rồi sanh liên tục không ngừng từ đời này sang đời khác do năng lực của nghiệp mà mình đã tạo, từ vô thủy đến vô chung đối với chúng sinh còn vô minh và tham ái.

(*) Thay đổi kiếp, qua đời, chết.

Vòng luân hồi "Thập nhị Duyên Sanh" luân chuyển, biến đổi theo ba luân: Phiền não luân --> Nghiệp luân --> Quả luân --> Phiền não luân...

a) Biểu tượng vòng luân hồi, vòng tam luân

alt

alt

b) Phiền não luân khiến tạo nghiệp luân.

Chúng sinh còn vô minh, lục ái, tứ thuû làm nhân duyên khiến tạo nên thiện nghiệp, bất thiện nghiệp do thân, khẩu, ý.

+ Phiền não làm nhân duyên tạo thiện nghiệp.

Số chúng sinh do vô minh không biết rõ chân lý Tứ Thánh đế, không biết khổ của ngũ uẩn, do đó, muốn hưởng sự an lạc tạm thời nên tạo mọi thiện nghiệp như:

- Dục giới thiện nghiệp cho quả an lạc ở cõi dục giới.

- Sắc giới thiện nghiệp cho quả an lạc ở cõi sắc giới.

- Vô sắc giới thiện nghiệp cho quả an lạc ở cõi vô sắc giới.

Sự an lạc trong cõi tam giới này không phải là chân lý, mà chúng chỉ có tính cách tạm thời tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy.

+ Phiền não làm nhân duyên tạo bất thiện nghiệp.

Số chúng sinh do vô minh không biết rõ bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả khổ ở kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp ở vị lai. Và cũng có số chúng sinh dầu nghe hiểu biết bất thiện nghiệp cho quả khổ như vậy, nhưng vì vô minh, tham ái, có nhiều năng lực quá, nên xui khiến tạo mọi bất thiện nghiệp bằng thân như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; bằng khẩu như: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích; bằng ý như: tham lam, thù hận, tà kiến.

Như vậy, gọi là Phiền não luân khiến tạo Nghiệp luân.

c) Nghiệp luân cho quả luân

Chúng sinh còn phiền não đã tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, thì ắt phải thọ quả của thiện nghiệp, bất thiện nghiệp ấy.

Nếu thiện nghiệp cho quả, thì được thọ hưởng quả báu an lạc ở kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:

+ Quả báu ở kiếp hiện tại:

- Mắt được nhìn thấy những hình ảnh đáng hài lòng.

- Tai được nghe những âm thanh đáng hài lòng.

- Mũi được ngửi những mùi đáng hài lòng.

- Lưỡi được nếm những vị đáng hài lòng.

- Thân được tiếp xúc êm ấm, đáng hài lòng.

- Tâm được an lạc...

+ Quả báu kiếp vị lai:

- Dục giới thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người, sẽ là người lục căn đầy đủ, giàu sang phú quý... hoặc tái sanh làm chư thiên ở trong 6 cõi trời dục giới, sẽ hưởng sự an lạc, sự sống lâu ở cõi trời dục giới ấy cho đến hết tuổi thọ.

- Sắc giới thiện nghiệp, đó là 4 bậc Thiền hữu sắc, sẽ cho quả tái sanh làm Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới, tùy theo bậc Thiền sở đắc của mình, và sẽ hưởng sự an lạc vi tế hơn ở cõi dục giới, sự sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời sắc giới ấy.

- Vô sắc giới thiện nghiệp, đó là 4 bậc Thiền vô sắc, sẽ cho quả tái sanh làm Phạm thiên có tứ uẩn (không có sắc uẩn) trong 4 cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc Thiền sở đắc của mình, và sẽ hưởng sự an lạc vi tế hơn ở cõi trời sắc giới, sự sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời vô sắc giới ấy.

d) Quả luân sanh phiền não luân

Quả luân là sự hiện hữu của mỗi chúng sinh trong tam giới: chúng sinh có ngũ uẩn ở cõi dục giới và cõi sắc giới, hoặc chúng sinh có tứ uẩn (không có sắc uẩn) ở cõi vô sắc giới, hoặc chúng sinh có nhất uẩn là sắc uẩn (không có 4 danh uẩn), ở cõi sắc giới Vô tưởng thiên. Tất cả chúng sinh này đều chưa diệt đoạn tuyệt được phiền não, vô minh, tham ái..., cho nên khi có nhân duyên thì phiền não phát sanh, khiến tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp; rồi trở lại vòng tam luân chuyển biến không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy đến vô chung trong vòng khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ba luân này chuyển biến theo định luật nhân-quả như:

Phiền não luân là nhân - Nghiệp luân là quả; Nghiệp luân là nhân - Quả luân là quả, Quả luân là nhân - Phiền não luân là quả và tiếp tục như vậy thành vòng tam luân.

Ðức Thế Tôn đã diệt đoạn tuyệt được tất cả 1.500 loại phiền não rồi, nhổ tận gốc rễ của vô minh và tham ái bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ rồi, vòng tam luân tan rã, tách rời không còn luân chuyển được nữa, do phá hủy được phiền não luân.

Do đó: Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Araham với ý nghĩa phá hủy vòng luân hồi sanh tử trong ba giới bốn loài.

4) Araham có ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo như thế nào?

Nơi kín đáo là nơi không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, cũng không có một ai nghi ngờ. Ðối với người còn có bất thiện tâm, nơi kín đáo là nơi dễ hành ác do thân, khẩu, ý vì không sợ ai chê trách. Nhưng đối với Ðức Thế Tôn là bậc đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, bất thiện tâm không còn nữa, nên thân, khẩu, ý của Ngài lúc nào cũng hoàn toàn trong sạch thanh tịnh. Cho nên, dầu ở nơi kín đáo, không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, không một ai nghi ngờ, thì Ðức Thế Tôn cũng không bao giờ hành ác do thân, khẩu, ý nữa.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Araham, với ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo.

5) Araham có ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường như thế nào?

Ðức Thế Tôn là bậc cao thượng độc nhất vô nhị trong mười ngàn thế giới chúng sinh. Thật vậy, trong toàn thể chúng sinh không có một người, một Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Phạm thiên... nào cao thượng hơn Ðức Thế Tôn về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Chỉ Ðức Thế Tôn mới có giới hạnh trong sạch hoàn toàn thanh tịnh; có định hoàn toàn thanh tịnh; có tuệ hoàn toàn thanh tịnh; có giải thoát hoàn toàn thanh tịnh; có giải thoát tri kiến hoàn toàn thanh tịnh. Chỉ có Ðức Thế Tôn có đầy đủ 5 pháp: Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến hoàn toàn thanh tịnh mà thôi. Vì vậy, Ðức Thế Tôn là bậc cao thượng nhất trong toàn thể chúng sinh, là bậc xứng đáng cho chúng sinh lễ bái cúng dường. Chúng sinh lễ bái cúng dường rồi, sẽ được quả báu cao quý, được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an lạc lâu dài. Như Ðức Phật dạy:

"Này chư Tỳ kheo, bậc cao thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho phần đông chúng sinh, để tế độ chúng sinh, nhân loại, chư thiên, Phạm thiên. Bậc cao thượng độc nhất ấy là ai?

Bậc cao thượng độc nhất ấy chính là Như Lai, bậc A la hán, bậc Chánh Ðẳng Giác.

"Này chư Tỳ kheo, Như Lai là bậc cao thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho phần đông chúng sinh, nhân loại, chư thiên, Phạm thiên". (Bộ Anguttaranikàya, phần Ekakadhamma).

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Araham với ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng sinh.

Ân Ðức "Araham" có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi tế, rộng lớn, vô lượng vô biên. Qua năm ý nghĩa tóm tắt để hiểu biết rõ một phần ý nghĩa về Ân Ðức Araham. Ðặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa "bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng sinh".

2/ Niệm Ân Ðức Araham

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Araham" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Araham... Araham... Araham...", hoặc câu Ân Ðức Araham: "Itipi so Bhagavà Araham..., Itipi so Bhagavà Araham..., Itipi so Bhagavà Araham...", làm đối tượng Thiền định.

Ðề mục niệm Ân Ðức Phật này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc vi tế, rộng lớn vô lượng vô biên, vì vậy, định tâm không thể an trú vào một điểm nào nhất định được, nên chỉ có khả năng chứng đạt đến cận định (upacàrasamàdhi), mà không thể chứng đạt đến an định (appanàsamàdhi), nên không thể chứng đắc được bậc Thiền hữu sắc nào. Như vậy, cận định tâm này vẫn còn thuộc dục giới đại thiện tâm.

Do năng lực dục giới thiện nghiệp tiến hành niệm Ân Ðức Phật này sẽ cho quả như sau:

- Kiếp hiện tại: hành giả là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo; có trí tuệ sáng suốt, phước thiện tăng trưởng, tránh được mọi tai họa, thân tâm thường an lạc.

- Kiếp vị lai: Hành giả sau khi chết, nếu thiện nghiệp này cho quả tái sanh làm người sẽ là người có đầy đủ tam nhân (vô tham, vô sân, vô si) cao quý, được nhiều người quý mến, kính trọng.

+ Tái sanh làm chư thiên ở cõi trời nào trong 6 cõi trời dục giới, sẽ là một chư thiên có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, hưởng sự an lạc cao quý đến hết tuổi thọ ở cõi trời ấy.

Dục giới thiện nghiệp này có thể cho quả tốt lành suốt nhiều kiếp, đặc biệt còn làm duyên lành dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết bàn trong kiếp vị lai nào đó.

II. Ân Ðức Phật Thứ Nhì - "Itipi so Bhagavà Sammàsambuddho"

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Săm-ma-săm-but-thô).

Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sammàsambuddho.

Sammàsambuddho = Ðức Chánh Ðẳng Giác là bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán đầu tiên trên toàn thế giới chúng sinh.

1/ Chân lý Tứ Thánh đế

1. Khổ Thánh đế: Ðó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp trong tam giới là pháp nên biết. Chính Ðức Phật tự mình đã biết rõ xong rồi.

2. Nhân sanh khổ Thánh đế (Tập Thánh đế): Ðó là tham ái là pháp nên diệt. Chính Ðức Phật tự mình đã diệt tất cả xong rồi.

3. Diệt khổ Thánh đế (Diệt Thánh đế): Ðó là Niết bàn là pháp nên chứng ngộ. Chính Ðức Phật tự mình đã chứng ngộ Niết bàn xong rồi.

4. Pháp hành chứng ngộ Niết bàn, pháp diệt khổ Thánh đế (Ðạo Thánh đế): Ðó là Bát Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; là pháp nên tiến hành. Chính Ðức Phật tự mình đã tiến hành xong rồi.

Ðức Thế Tôn tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, bằng trí tuệ quán xét pháp "Thập nhị duyên sanh".

Như: Avijjà paccayà sankhàrà...

- Do vô minh làm duyên, nên hành sanh...

Ðức Thế Tôn đã chứng ngộ Khổ Thánh đế và Nhân sanh Khổ Thánh đế.

Và trí tuệ quán xét "Thập nhị nhân duyên".

Như: Avijjàyatveva asesaviràganirodhà sankhàranirodho...

- Do diệt tận vô minh, tham ái không còn dư sót, nên diệt hành...

Ðức Thế Tôn đã chứng ngộ Diệt Khổ Thánh đế và Pháp hành để chứng ngộ Niết bàn, pháp diệt Khổ Thánh đế.

Ðiều này Ðức Phật đã khẳng định với nhóm 5 Tỳ kheo trong bài kinh Chuyển Pháp Luân (Samyuttanikàya, Mahàvagga, kinh Dhammacakkappavattanasutta):

"Này chư Tỳ kheo, khi nào trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thật tánh của Tứ Thánh đế theo Tam tuệ luân (trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sanh đến với Như Lai.

Này chư Tỳ kheo, khi ấy Như Lai khẳng định tuyên bố rằng "Như Lai đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác Vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh, nhân loại, vua chúa, Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên cả thảy".

Như vậy, Ðức Thế Tôn đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán đầu tiên trên toàn thế giới chúng sinh, nên có Ân Ðức Sammàsambuddho = Chánh Ðẳng Giác.

Ðức Chánh Ðẳng Giác đặc biệt có đủ 5 pháp Neyyadhamma: là tất cả pháp nên biết của bậc Chánh Ðẳng Giác là:

1. Sankhàra: Tất cả pháp hành cấu tạo.

2. Vikàra: Sắc pháp biến đổi.

3. Lakkhana: Trạng thái sanh trụ diệt của sắc pháp.

4. Pannattidhamma: Chế định pháp: Chế định ngôn ngữ để gọi tên thuyết giảng các pháp.

5. Nibbàna: Niết bàn, pháp diệt Khổ Thánh đế.

Ðức Chánh Ðẳng Giác hoặc Ðức Toàn Giác vì có đầy đủ 5 pháp ấy, nên Ngài chế định ra ngôn ngữ để thuyết pháp tế độ chúng sinh (*).

(*) Chư Phật Ðộc Giác đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A la hán gọi là Ðộc Giác Phật; nghĩa là tự Ngài chứng ngộ mà không thuyết pháp tế độ chúng sinh khác cũng chứng ngộ như Ngài. Bởi vì, Ngài không chế định được ngôn ngữ để thuyết pháp như Ðức Chánh Ðẳng Giác.

Còn bậc Thánh Thanh văn, sở dĩ thuyết pháp tế độ chúng sinh được là do nhờ nghe học hỏi theo lời giáo huấn của Ðức Phật.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sammà-sambuddho = Ðức Chánh Ðẳng Giác.

2/ Niệm Ân Ðức Sammàsambuddho

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Sammàsambuddho" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Sammàsambuddho..., Sammà-sambuddho..., Sammàsambuddho...", hoặc câu Ân Ðức Sammàsambuddho: "Itipi so Bhagavà Sammà-sambuddho..., Itipi so Bhagavà Sammàsambuddho..., Itipi so Bhagavà Sammàsambuddho...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

III. Ân Ðức Phật Thứ Ba – “Itipi so Bhagavà vijjàcaranasampanno”

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Vít-xà-chá-rá-ná-săm-băn-nô).

Ðức Thế Tôn có ân đức Vijjàcaranasampanno = Ðức Minh Hạnh Túc.

Ðức Minh Hạnh Túc là bậc có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Ðức hạnh cao thượng.

1/ Tam Minh

1. Túc mạng minh: Là trí tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ trở lại tiền kiếp từ một kiếp, hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp... Ðối với Ðức Phật Toàn Giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn. (Còn đối với Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh Thanh văn giác có giới hạn).

Túc mạng minh biết rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, Ba la mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ... đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.

2. Thiên nhãn minh: Là trí tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, Phạm thiên, có khả năng thấy rõ biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.

Thiên nhãn minh có hai loại:

a) Tử sanh minh: Là trí tuệ biết rõ sự tử, sự tái sanh của tất cả chúng sinh.

Ðức Thế Tôn có Tử sanh minh này biết rõ chúng sinh sau khi chết rồi do nghiệp nào cho quả tái sanh ở cảnh giới nào.

b) Vị lai kiến minh: Là trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của chúng sinh.

Chư Phật dùng Vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm; còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Ðộc Giác Phật, bậc Thánh Thanh văn...

3. Lậu tận minh: Là trí tuệ Thiền tuệ siêu tam giới đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 4 pháp phiền não trầm luân không còn dư sót; đồng thời Ðức Thế Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vàsanà) do tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ.

2/ Bát Minh

1. Túc mạng minh.

2. Thiên nhãn minh.

3. Lậu tận minh.

4. Thiền tuệ minh: Trí tuệ Thiền tuệ tam giới thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp, và trí tuệ Thiền tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ và Niết bàn.

5. Hóa tâm minh: Trí tuệ có khả năng hóa thân khác theo mong muốn của mình, do năng lực của Thiền định. Như trường hợp Ðức Phật thuyết tạng Vi Diệu Pháp vào hạ thứ bảy tại cung Tam thập tam thiên suốt ba tháng. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Ðức Phật hóa thân khác như Ðức Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Ðức Phật thật đi khất thực ở Bắc câu lô châu. Khi độ ngọ xong trở lại cung trời thay thế Ðức Phật hóa thân, chỉ có một số ít chư thiên, Phạm thiên bậc cao có nhiều oai lực mới biết được.

6. Thần thông minh: Trí tuệ có khả năng biến hóa nhiều phép thần thông khác nhau do năng lực Thiền định, như một người hóa thành nhiều người, tàng hình không ai thấy, hiện hình nơi khác, đi xuyên qua núi, đi trên hư không...

7. Thiên nhĩ minh: Là trí tuệ như tai của chư thiên có khả năng nghe được nhiều thứ tiếng người, tiếng Súc sanh, tiếng chư thiên gần xa do năng lực Thiền định.

8. Tha tâm minh: Là trí tuệ có khả năng biết đến tâm của người khác, chúng sinh khác đang nghĩ gì, thiện tâm hoặc bất thiện tâm.

Ðó là Tam minh, Bát minh.

3/ 15 Ðức Hạnh Cao Thượng

1. Có giới đức hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

2. Thu thúc lục căn thanh tịnh: thu thúc khi thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, suy nghĩ bằng ý hoàn toàn thanh tịnh.

3. Biết tri túc trong vật thực: nhận vật thực vừa đủ thọ thực, khi thọ thực đàng hoàng, còn 4.5 miếng cơm nữa đủ no, biết ngừng lại để dành uống nước, không dùng no quá.

4. Tinh tấn tỉnh thức: ngày, đêm tinh tấn hành phận sự, nghĩa là suốt ngày không ngủ, ban đêm có 3 canh; canh đầu: ngồi hành đạo, đi kinh hành; canh giữa: (22 giờ khuya) nằm nghỉ ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ trí tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy lúc cuối canh giữa; canh chót: (2 giờ sáng) hành đạo, đi kinh hành... Gọi là tinh tấn luôn luôn tỉnh thức.

5. Ðức tin: có đức tin không lay chuyển.

6. Trí nhớ: thường có trí nhớ.

7. Hổ thẹn: biết tự mình hổ thẹn, không làm mọi tội ác.

8. Ghê sợ: biết ghê sợ, không làm mọi tội ác.

9. Ða văn túc trí: học nhiều hiểu rộng tất cả các pháp.

10. Tinh tấn: có tâm tinh tấn không ngừng nghỉ.

11. Trí tuệ: có trí tuệ hiểu biết rõ tất cả các pháp.

12. Ðệ nhất Thiền: có đệ nhất Thiền hữu sắc và vô sắc.

13. Ðệ nhị Thiền: có đệ nhị Thiền hữu sắc và vô sắc.

14. Ðệ tam Thiền: có đệ tam Thiền hữu sắc và vô sắc.

15. Ðệ tứ Thiền: có đệ tứ Thiền hữu sắc và vô sắc.

Ðó là 15 đức hạnh cao thượng.

Ðức Thế Tôn có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Ðức hạnh cao thượng hợp với trí đại bi để tế độ chúng sinh, có hữu duyên nên tế độ, cứu vớt chúng sinh ấy giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Vijjàcarana-sampanno = Ðức Minh Hạnh Túc.

4/ Niệm Ân Ðức Vijjàcaranasampanno

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Vijjàcaranasampanno" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Vijjàcaranasampanno..., Vijjàcaranasampanno..., Vijjàcaranasampanno...", hoặc câu Ân Ðức Vijjàcaranasampanno: "Itipi so Bhagavà Vijjàcaranasampanno..., Itipi so Bhagavà Vijjàcaranasampanno..., Itipi so Bhagavà Vijjà-caranasampanno...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

IV. Ân Ðức Phật Thứ Tư – “Itipi so Bhagavà Sugato”

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Sú-gá-tô)

Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato = Ðức Thánh Thiện.

1/ Sugato có 4 ý nghĩa:

1) Ngự theo Thánh Ðạo.

2) Ngự đến Niết bàn an lạc tuyệt đối.

3) Ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí.

4) Thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh.

Giải thích:

1) Sugato có ý nghĩa ngự theo Thánh Ðạo như thế nào?

Ðức Thế Tôn ngự (hành) theo Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh là:

- Chánh kiến: Trí tuệ thấy chân chính, đó là trí tuệ Thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế.

- Chánh tư duy: Tư duy chân chính, đó là tư duy thoát khỏi ngũ trần, tư duy không thù oán, tư duy không hại chúng sinh.

- Chánh ngữ: Lời nói chân chính, đó là không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích.

- Chánh nghiệp: Hành nghiệp chân chính, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

- Chánh mạng: Nuôi mạng chân chính, đó là không sống theo tà mạng do hành ác.

- Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chính là:

+ Tinh tấn ngăn ác pháp phát sanh.

+ Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh.

+ Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sanh.

+ Tinh tấn làm cho tăng trưởng thiện pháp đã sanh.

- Chánh niệm: Niệm chân chính, đó là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

- Chánh định: Ðịnh chân chính, đó là định tâm trong đệ nhất Thiền, đệ nhị Thiền, đệ tam Thiền, đệ tứ Thiền, đệ ngũ Thiền siêu tam giới có Niết bàn làm đối tượng.

Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh này đồng sanh trong Thánh Ðạo tâm, Thánh Quả tâm, có Niết bàn làm đối tượng.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự theo Thánh Ðạo.

2) Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết bàn an lạc tuyệt đối như thế nào?

Ðức Thế Tôn là bậc đầu tiên chứng ngộ Niết bàn bằng trí tuệ Thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ, 4 Thánh Quả Tuệ, nên Ngài có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết bàn an lạc tuyệt đối.

Về sau, Ðức Thế Tôn thuyết pháp tế độ các hàng đệ tử cũng chứng ngộ Niết bàn bằng Thánh Ðạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ, nhưng những bậc Thánh Thanh văn này không có Ân Ðức Sugato như Ðức Thế Tôn, vì không phải bậc đầu tiên chứng ngộ Niết bàn.

Do đó, chỉ có Ðức Thế Tôn mới có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết bàn an lạc tuyệt đối.

3) Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí như thế nào?

Ðức Bồ tát đạo sĩ Sumedha, tiền thân của Ðức Thế Tôn, đã phát nguyện sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, được Ðức Phật Dìpankara thọ ký còn 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp nữa, sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác có danh hiệu Gotama. Từ đó, Ðức Bồ tát trở thành cố định tiếp tục bồi bổ pháp hạnh Ba la mật: 10 bậc thường, 10 bậc trung và 10 bậc thượng gồm đủ 30 pháp hạnh Ba la mật suốt 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp bất thoái chí. Ðến kiếp chót, Ðức Bồ tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng đi xuất gia đã trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí.

4) Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh như thế nào?

Ðức Thế Tôn tùy thời thuyết pháp chân lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, nếu không đem lại lợi ích, thì Ðức Thế Tôn không thuyết pháp.

Ðức Thế Tôn biết rõ 6 trường hợp; trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau:

1. Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

2. Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

3. Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dầu người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

4. Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

5. Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.

6. Ðức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Sugato với ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh.

Ân Ðức Sugato có 4 ý nghĩa tóm tắt này, đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa đức Sugato thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích cho chúng sinh.

2/ Niệm Ân Ðức Sugato

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Sugato" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Sugato..., Sugato..., Sugato...", hoặc câu Ân Ðức Sugato: "Itipi so Bhagavà Sugato..., Itipi so Bhagavà Sugato..., Itipi so Bhagavà Sugato...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

V. Ân Ðức Phật Thứ Năm - Itipi so Bhagavà Lokavidù

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Lô-ká-vn-đu).

Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Lokavidù = Ðức Thông Suốt Tam Giới.

Ý nghĩa Loka

Loka: Thế giới đó là các pháp có sự sanh, sự diệt, sự thành, sự hoại,... nhất là ngũ uẩn chấp thủ của mình, gọi là thế giới.

1/ Thế giới có 3 loại:

1) Chúng sinh thế giới (sattaloka).

2) Cõi thế giới (okàsaloka).

3) Pháp hành thế giới (sankhàraloka).

Ðức Thế Tôn có hai loại trí tuệ đặc biệt mà Chư Phật Ðộc Giác và bậc Thánh Thanh văn không có là:

- Trí tuệ thấy rõ biết rõ căn cơ cao thấp của mỗi chúng sinh.

- Trí tuệ thấy rõ biết rõ phiền não ngấm ngầm, thiện nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh.

Cho nên, Ðức Thế Tôn có khả năng thông suốt cả ba thế giới.

1) Thế nào gọi là chúng sinh thế giới?

Chúng sinh thế giới:

+ Về nơi sanh có 4 loại:

- Thai sanh: Chúng sinh sanh từ bụng mẹ như: loài người, trâu, bò...

- Noãn sanh: Chúng sinh sanh từ trứng như: gà, vịt, chim...

- Thấp sanh: Chúng sinh sanh từ nơi ẩm thấp như: con dòi, con trùn,...

- Hóa sanh: Chúng sinh sanh hiện hữu ngay tức thì như: chư thiên, Phạm thiên, loài Ngạ quỷ, atula, chúng sinh Địa ngục, con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất này...

+ Về uẩn có 3 loại:

- Chúng sinh có ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn ở cõi dục giới và cõi sắc giới.

- Chúng sinh có tứ uẩn: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (không có sắc uẩn)? cõi vô sắc giới.

- Chúng sinh có nhất uẩn: sắc uẩn (không có 4 danh uẩn)? cõi sắc giới Vô tưởng thiên. v.v...

Ðức Thế Tôn biết rõ tất cả mọi loài chúng sinh có căn cơ cao hoặc thấp; có phiền não ngấm ngầm nặng hoặc nhẹ, có bản tánh riêng của mỗi chúng sinh; có nguyện vọng cao quý hoặc thấp hèn, có 5 pháp chủ (*) già dặn hoặc còn non nớt...

(*) 5 pháp chủ: tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ.

Chúng sinh có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả trong kiếp hiện tại, hoặc kiếp vị lai trở thành Toàn Giác Phật, hoặc Ðộc Giác Phật, hoặc bậc Thánh Thanh văn Giác bậc nào...

Chúng sinh không có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả trong kiếp hiện tại bởi do nguyên nhân nào...

Ðức Thế Tôn thông suốt tất cả các loài chúng sinh không còn dư sót.

2) Thế nào gọi là cõi thế giới?

Cõi thế giới là nơi tạm trú của tất cả các loài chúng sinh hiện hữu tùy theo thiện nghiệp, ác nghiệp cho quả và hỗ trợ chúng sinh.

Tam giới

Tam giới là một thế giới nhỏ, gồm có 31 cõi:

- Dục giới có 11 cõi.

- Sắc giới có 16 cõi.

- Vô sắc giới có 4 cõi.

a) 11 cõi dục giới.

- 4 cõi ác giới:

+ Cõi Ðịa ngục: có tuổi thọ không nhất định.

+ Cõi Atula: có tuổi thọ không nhất định.

+ Cõi Ngạ quỷ: có tuổi thọ không nhất định.

+ Cõi Súc sanh: có tuổi thọ không nhất định.

- 7 cõi thiện dục giới:

+ Cõi Người: có tuổi thọ không nhất định.

+ Cõi Tứ đại thiên vương: có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).

+ Cõi Tam thập tam thiên: có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).

+ Cõi Dạ ma thiên: có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).

+ Cõi Ðâu xuất đà thiên: có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).

+ Cõi Hóa lạc thiên: có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).

+ Cõi Tha hóa tự tại thiên: có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người. (Bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người).

b) 16 cõi sắc giới Phạm thiên.

- Ðệ nhất Thiền hữu sắc có 3 cõi:

+ Cõi Phạm chúng thiên: có tuổi thọ 1/3 A tăng kỳ kiếp trụ. (Vivattatthàyì asankheyyakappa = A tăng kỳ kiếp trụ của trái đất.)

+ Cõi Phạm phụ thiên: có tuổi thọ 1/2 A tăng kỳ kiếp trụ.

+ Cõi Ðại Phạm thiên: có tuổi thọ 1 A tăng kỳ kiếp trụ.

- Ðệ nhị Thiền hữu sắc có 3 cõi:

+ Cõi Thiểu quang thiên: có tuổi thọ 2 đại kiếp. (Ðại kiếp = trải qua 4 A tăng kỳ: thành - trụ - hoại - không của kiếp trái đất.)

+ Cõi Vô lượng quang thiên: có tuổi thọ 4 đại kiếp.

+ Cõi Quang âm thiên: có tuổi thọ 8 đại kiếp.

- Ðệ tam Thiền sắc giới có 3 cõi:

+ Cõi Thiểu tịnh thiên: có tuổi thọ 16 đại kiếp.

+ Cõi Vô lượng tịnh thiên: có tuổi thọ 32 đại kiếp.

+ Cõi Biến tịnh thiên: có tuổi thọ 64 đại kiếp.

- Ðệ tứ Thiền sắc giới có 7 cõi:

+ Cõi Quảng quả thiên: có tuổi thọ 500 đại kiếp.

+ Cõi Vô tưởng thiên: có tuổi thọ 500 đại kiếp.

+ Cõi Phước sanh thiên: có 5 cõi dành riêng cho bậc Thánh Bất Lai chứng đắc đệ tứ Thiền hữu sắc:

- Cõi Vô phiền thiên: có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

- Cõi Vô nhiệt thiên: có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

- Cõi Thiện hiện thiên: có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

- Cõi Thiện kiến thiên: có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

- Cõi Sắc cứu cánh thiên: có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

c) 4 cõi vô sắc giới Phạm thiên.

- Không vô biên xứ thiên: có tuổi thọ 20.000 đại kiếp.

- Thức vô biên xứ thiên: có tuổi thọ 40.000 đại kiếp.

- Vô sở hữu xứ thiên: có tuổi thọ 60.000 đại kiếp.

- Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên: có tuổi thọ 84.000 đại kiếp.

1 thế giới có tam giới, gồm có 31 cõi.

1 tiểu thế giới có 31.000 cõi.

1 trung thế giới gồm có 31 triệu cõi.

1 đại thế giới gồm có 31 triệu triệu cõi hay 31.000 tỉ cõi.

Ðức Thế Tôn không những thông suốt 31.000 tỉ cõi mà còn thông suốt vô lượng thế giới (ananta-cakkavàla).

3) Thế nào gọi là pháp hành thế giới?

Pháp hành thế giới đó là ngũ uẩn chấp thủ do nhân duyên cấu tạo, nên có sự sanh, sự diệt.

Chúng sinh thế giới và cõi thế giới thuộc về thế giới do Chế định pháp (Pannattidhamma), còn pháp hành thế giới thuộc về Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma).

Ðức Thế Tôn thông suốt pháp hành thế giới có nhiều loại như sau:

- Thế giới có 1 pháp: tất cả chúng sinh được tồn tại do nhờ nhân (àhàra).

- Thế giới có 2 pháp: danh pháp và sắc pháp.

- Thế giới có 3 thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ xả.

- Thế giới có 4 pháp dẫn đến quả: vật thực dẫn cho sanh mạng được tồn tại; xúc dẫn đến thọ; tác ý dẫn cho quả tâm; tâm dẫn cho tâm sở nương nhờ và sắc pháp phát sanh từ nghiệp.

- Thế giới có 5 uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

- Thế giới có 6 xứ bên trong: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và có 6 xứ bên ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp...

Ðức Thế Tôn thông suốt cả vô lượng thế giới, bắt nguồn từ thế giới ngũ uẩn của mình.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Lokavidù = Ðức Thông Suốt Thế Giới.

2/ Niệm Ân Ðức Lokavidù

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Lokavidù" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Lokavidù..., Lokavidù..., Lokavidù...", hoặc câu Ân Ðức Lokavidù: "Itipi so Bhagavà Lokavidù..., Itipi so Bhagavà Lokavidù..., Itipi so Bhagavà Lokavidù...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

VI. Ân Ðức Phật Thứ Sáu – “Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi”

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô Phá-gá-voa Á-nút-tá-rô pú-rn-sá-đăm-má-sa-rá-thí).

Ðức Thế Tôn có ân đức Anuttaro purisa-dammasàrathi = Ðức Vô thượng giáo hóa chúng sinh.

Ðức Thế Tôn giáo hóa các loại chúng sinh như: Súc sanh, nhân loại, Dạ xoa, chư thiên, Phạm thiên trở thành bậc Thiện trí.

1/ Giáo hóa loài Súc sanh

Ðức Thế Tôn giáo hóa các loài Súc sanh như rồng chúa Apalàla, rồng chúa Cùlodara, rồng chúa Mahodara... trở thành rồng hiền lành. Voi chúa Nàlàgiri rất hung dữ trong cơn say, chạy đến hại Ðức Thế Tôn, Ngài rải tâm từ đến voi chúa, ngay tức khắc voi chúa tính lại, bò đến quỳ mọp xuống hai bàn chân của Ðức Phật, Ngài giáo hóa voi chúa này trở thành voi hiền lành, biết quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới. Kể từ đó về sau, voi chúa rất hiền lành dễ thương, Ðức Thế Tôn đặt tên là voi chúa Dhanapàla.

2/ Giáo hóa người ác trở thành bậc Thánh nhân

Kẻ cướp sát nhân cắt ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ có biệt danh Angulimàla. Y có võ nghệ cao cường, một mình ở trong rừng, từng đoàn người 20 - 30 người đi qua khu rừng, không một ai thoát chết.

Một hôm, Ðức Thế Tôn một mình đi vào rừng, nơi trú ẩn của Angulimàla, để giáo hóa y. Y thức tính, từ bỏ sát nhân, xin xuất gia trở thành Tỳ kheo nơi Ðức Phật. Về sau không lâu Tỳ kheo Angulimàla chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc từ Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, cho đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A la hán cao thượng...

3/ Giáo hóa Dạ xoa ác trở thành bậc Thánh nhân

Tích Dạ xoa Àlavaka ăn thịt người rất hung ác, tàn bạo, có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm. Ðức Thế Tôn đến ngự trên bảo tọa trong lâu đài của Dạ xoa Àlavaka, y bực tức dùng mọi phép mầu để xua đuổi Ðức Thế Tôn ra khỏi cung điện của y. Nhưng y hoàn toàn bất lực, không xua đuổi Ðức Thế Tôn được.

Cuối cùng, y có những câu hỏi mà quên câu trả lời, y đã hỏi nhiều Sa môn, Bà la môn mà không một ai có thể trả lời đúng được. Nay y đem những câu hỏi ấy đặt điều kiện hỏi Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn đã giải đáp đúng ý nghĩa những câu hỏi, Dạ xoa Àlavaka vô cùng hoan hỉ liền chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập lưu, bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo.

4/ Giáo hóa Phạm thiên tà kiến trở thành chánh kiến

Phạm thiên Baka ở cung trời sắc giới Quang âm thiên phát sanh thường kiến mê lầm. Ðức Thế Tôn từ chùa Jetavana, hiện lên cõi trời sắc giới để tế độ Phạm thiên Baka từ bỏ tà kiến trở lại chánh kiến...

Ðức Thế Tôn giáo hóa tế độ chúng sinh hữu duyên nên tế độ. Nghĩa là, những chúng sinh ấy tiền kiếp có liên quan với Ngài, hoặc tiền kiếp đã từng gieo duyên lành nơi chư Phật trong quá khứ, hoặc đã từng tạo Ba la mật, gieo phước duyên trong giáo pháp của chư Phật ấy. Nay kiếp hiện tại, có duyên lành được Ðức Thế Tôn quan tâm đến, để giáo hóa tế độ chúng sinh ấy. (Không có nghĩa Ðức Thế Tôn gặp chúng sinh nào cũng giáo hóa tế độ chúng sinh ấy được cả thảy).

Ðức Thế Tôn giáo hóa những chúng sinh mà không có một ai có thể giáo hóa tế độ được, không có một vị nào sánh được như Ngài.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Anuttaro purisa-dammasàrathi = Ðức Vô thượng giáo hóa chúng sinh.

Riêng Ân Ðức Phật Anuttaro purisadamma-sàrathi: trong bộ Thanh Tịnh Ðạo, phần giảng dạy Ân Ðức Phật, Ân Ðức Phật này phân chia làm hai Ân Ðức riêng biệt.

- Anuttaro = Ðức Vô thượng.

- Purisadammasàrathi = Ðức giáo hóa chúng sinh.

Giải thích:

- Ân Ðức Anuttaro = Ðức Vô thượng như thế nào?

+ Ðức Thế Tôn có giới đức trong sạch thanh tịnh không một ai trong toàn thế giới hơn Ngài.

Cũng như vậy,

+ Có định đức trong sạch thanh tịnh...

+ Có tuệ đức trong sạch thanh tịnh...

+ Có giải thoát đức trong sạch thanh tịnh...

+ Có giải thoát tri kiến đức trong sạch thanh tịnh không một ai trong toàn thế giới hơn Ngài.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Anuttaro = Ðức Vô thượng.

- Ân Ðức Purisadammasàrathi: Ðức giáo hóa chúng sinh như thế nào?

Ðức Thế Tôn giáo hóa các loài chúng sinh có duyên lành, mà không có một ai trong toàn thế giới chúng sinh có khả năng giáo hóa tế độ chúng sinh như Ngài được.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Purisa-dammasàrathi = Ðức giáo hóa chúng sinh.

Niệm Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Anuttaro purisadamma -sàrathi", này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Anuttaro purisadammasàrathi..., Anuttaro purisadammasàrathi..., Anuttaro purisa-dammasàrathi...", hoặc câu Ân Ðức Anuttaro purisadammasàrathi: là "Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi..., Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi..., Itipi so Bhagavà Anuttaro purisadammasàrathi...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

VII. Ân Ðức Phật Thứ Bảy – “Itipi so Bhagavà Satthàdevamanussànam”

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa xặt-tha-đê-voá-má-nút-sa-năng).

Ðức Thế Tôn có ân đức Satthàdevamanussànam = Ðức Thiên Nhân Sư.

Ðức Thế Tôn là bậc Tôn Sư giáo huấn tất cả chúng sinh những pháp đem lại sự lợi ích, sự an lạc kiếp hiện tại; những pháp đem lại sự lợi ích, sự an lạc trong kiếp vị lai; và những pháp hành đem lại sự an lạc cao thượng Niết bàn, tùy theo căn duyên trí tuệ của mỗi chúng sinh.

1/ Sự Lợi Ích An Lạc Kiếp Hiện Tại

Ðức Thế Tôn giáo huấn chúng sinh thực hành 4 pháp để đem lại những sự lợi ích, sự an lạc trong kiếp hiện tại ( Anguttaranikàya-Atthakanipàta, kinh Dìghajànusutta.)

4 pháp là:

a) Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp.

b) Biết giữ gìn của cải tài sản.

c) Có bạn lành, bạn tốt là bậc Thiện trí.

d) Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình.

Giải thích:

a) Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp như thế nào?

Trong cuộc sống mỗi người nên chọn cho mình một nghề nghiệp lương thiện, không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ cả mình lẫn người (*). Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp ấy, có trí tuệ hiểu biết chuyên môn trong nghề nghiệp để tạo ra nhiều của cải tài sản cho mình.

(*) Tránh 5 nghề: Nghề buôn bán vũ khí; nghề buôn bán người hoặc súc vật; nghề buôn bán rượu và các chất say; nghề buôn bán các loại thuốc độc sát hại chúng sinh; nghề sát sanh các loài thú để bán thịt.

b) Biết giữ gìn của cải tài sản như thế nào?

Của cải tài sản được tạo ra do đức tính siêng năng cần mẫn của mình, trong nghề nghiệp một cách hợp pháp. Người ấy nghĩ: "Ta nên giữ gìn cẩn thận những của cải tài sản này, tránh không để lửa cháy, nước ngập lụt cuốn trôi, bọn trộm cướp chiếm đoạt... giữ gìn của cải tài sản không bị hư mất".

c) Có bạn lành, bạn tốt là bậc Thiện trí như thế nào?

Muốn được lợi ích, tiến hóa, an lạc lâu dài, cần phải sống gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí làm bạn thân thiết, để học hỏi những thiện pháp, ác pháp; để biết thiện pháp nên hành, ác pháp nên tránh xa; để noi gương tốt của bậc Thiện trí.

Bậc Thiện trí là người có đức tin chơn chánh; có giới trọn đủ; có đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng; thường hoan hỉ trong sự bố thí; có trí tuệ sáng suốt hiểu biết các pháp.

Nhờ gần gũi, thân cận bạn lành bạn tốt là bậc Thiện trí, nên mình mới có cơ hội học tập, để có đủ đức tin, có giới, học nhiều hiểu rộng, hoan hỉ trong sự bố thí, có trí tuệ hiểu biết các pháp.

d) Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình như thế nào?

Nhờ sống gần gũi, thân cận với bạn lành, bạn tốt là bậc Thiện trí, nên học hỏi hiểu biết được con đường làm cho phát triển của cải, và con đường làm của cải suy đồi (*).

(*) Con đường làm của cải suy đồi: kết bạn với người ác, ăn chơi đàng điếm, uống rượu, chơi cờ bạc. Con đường làm cho phát triển của cải: kết bạn với bậc Thiện trí, không ăn chơi đàng điếm; không uống rượu, không chơi cờ bạc.

Biết sử dụng của cải có chừng mực trong cuộc sống là:

- Không nên phung phí của cải quá mức.

- Không nên hà tiện quá mức.

Nên nghĩ rằng: "Phần thu của ta hơn phần chi, hoặc phần chi của ta kém hơn phần thu".

Trong cuộc sống phần thu tiền bạc của cải nhiều hơn mức phần chi, thì tiền bạc của cải có phần dư dật, để dành lúc bịnh hoạn ốm đau, lúc tuổi cao tác lớn không tạo ra của cải được, nhờ có dư của cải tiền bạc thì cuộc sống mới được an lạc.

Ngược lại, phần chi tiền bạc, của cải nhiều hơn mức phần thu, thì tiền bạc, của cải bị thiếu thốn, nên cuộc sống lâm vào cảnh túng thiếu khổ cực.

Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình là lúc nào cũng "phần thu hơn phần chi".

Ðó là 4 pháp thực hành đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc trong kiếp hiện tại.

2/ Sự Lợi Ích An Lạc Những Kiếp Vị Lai

Ðức Thế Tôn giáo huấn chúng sinh thực hành 4 pháp để đem lại những sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc những kiếp vị lai.

4 pháp là:

a) Có đức tin trọn đủ.

b) Có giới hạnh trong sạch và trọn đủ.

c) Có sự bố thí trọn đủ.

d) Có trí tuệ trọn đủ.

Giải thích

a) Có đức tin trọn đủ như thế nào?

Người Phật tử có đức tin trong sạch nơi 9 Ân Ðức Phật, 6 Ân Ðức Pháp, 9 Ân Ðức Tăng; tin nghiệp và quả của nghiệp trọn đủ.

Có đức tin trong sạch trọn đủ, nơi 9 Ân Ðức Phật rằng:

Ðức Thế Tôn:

- là bậc A la hán xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, Phạm thiên, nhân loại.

- là bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả đầu tiên trên toàn thế giới chúng sinh, trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác.

- là bậc có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Ðức hạnh cao thượng,

- là bậc Thánh Thiện giáo huấn sự thật chân lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng sinh.

- là bậc Thông Suốt toàn thế giới.

- là bậc Vô thượng Giáo Hóa chúng sinh.

- là bậc Thiên Nhơn Sư.

- là Ðức Phật tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, rồi giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ như Ngài.

- là bậc Cao Thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh, do Ngài tự mình chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác.

Và có đức tin trong sạch trọn đủ 6 Ân Ðức Pháp của Ðức Phật, 9 Ân Ðức Tăng, bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật; và có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp. Tin rằng: "nghiệp thiện cho quả an lạc; nghiệp ác cho quả khổ". Ngoài ra, không tin một ai có quyền lực cho quả an lạc hoặc cho quả khổ cho mình.

b) Có giới trong sạch và trọn đủ như thế nào?

Người Phật tử là bậc Xuất gia hoặc hàng tại gia Cư sĩ, là người có giới hạnh trong sạch và trọn đủ theo phẩm hạnh của mình.

- Người cận sự Nam - Nữ có Ngũ giới; bát giới... trong sạch và trọn đủ.

- Bậc Sa di có 10 Sa di giới, 10 pháp hoại, 10 pháp hành phạt, 75 điều học, 14 pháp hành...

- Bậc Tỳ kheo có 227 giới, 14 pháp hành, giới kể đầy đủ có 91.805.036.000 điều giới.

c) Sự bố thí trọn đủ như thế nào?

Người Phật tử có tâm từ, tâm bi tế độ, hoan hỉ trong sự bố thí tùy theo khả năng của mình, có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi bố thí; hoan hỉ đang khi bố thí; hoan hỉ sau khi đã bố thí xong.

Người Phật tử không nên có tâm bỏn xẻn keo kiệt trong của cải và sự hiểu biết của mình, có ít thì bố thí ít, có nhiều thì bố thí nhiều tùy theo khả năng, tùy theo người thọ thí. Người thí chủ nên có sự suy tư đúng đắn rằng: được làm phước thiện bố thí là một cơ hội tốt cho mình. Vì của cải, tiền bạc không phải là phước thiện (là quả của phước thiện) thuộc về của chung cho mọi người, nếu ta không biết sử dụng đem làm phước bố thí, qua thời gian, của cải ấy cũng bị hư mất, không tồn tại lâu dài được; nếu ta biết sử dụng của cải ấy đem bố thí, để biến thành phước thiện chắc chắn thuộc của riêng mình, sẽ cho quả báu an lạc nhiều kiếp, có tính bền vững lâu dài. Hơn nữa, cơ hội làm phước thiện bố thí chỉ có con người ở cõi Nam Thiện Bộ Châu (trái đất chúng ta đang sống) này mà thôi; các chúng sinh ở cõi khác khó hoặc không có cơ hội thuận lợi làm phước thiện bố thí. Vì vậy, chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội bố thí ấy.

d) Có trí tuệ trọn đủ như thế nào?

Người Phật tử nên có trí tuệ hợp trong mọi thiện pháp. Khi bố thí, thí chủ nên có đại thiện tâm hợp với trí tuệ đang khi bố thí. Cũng như vậy, hành giả nên có đại thiện tâm hợp với trí tuệ khi giữ giới, khi tiến hành Thiền định, tiến hành Thiền tuệ.

Thật ra, trí tuệ để cho trọn đủ là trí tuệ Thiền tuệ trong tam giới thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế.

Trí tuệ gọi là trọn đủ chính là trí tuệ Thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Ðạo tuệ, đồng sanh trong 4 Thánh Ðạo tâm và 4 Thánh Quả tuệ đồng sanh trong 4 Thánh Quả tâm, có Niết bàn làm đối tượng. Hành giả trở thành bậc Thánh nhân.

Ðó là 4 pháp thực hành sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho kiếp hiện tại, lẫn nhiều kiếp vị lai.

3/ Sự Lợi Ích An Lạc Cao Thượng Niết bàn

Ðức Thế Tôn có hai loại trí tuệ đặc biệt.

- Trí tuệ thấy rõ biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng sinh.

- Trí tuệ thấy rõ biết rõ phiền não ngủ ngầm của mỗi chúng sinh.

Hai loại trí tuệ đặc biệt này chỉ có nơi Ðức Phật Toàn Giác mà thôi, còn các bậc Thánh Thanh văn hoàn toàn không thể có (2 loại trí tuệ này). Cho nên, mỗi khi Ðức Thế Tôn thuyết pháp tế độ chúng sinh nào, Ngài quán xét căn duyên của chúng sinh ấy. Chúng sinh nào đã từng tạo Ba la mật nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, đã từng gặp Chư Phật ở quá khứ thọ ký rồi. Nay kiếp hiện tại này gặp Ðức Phật, Ngài thuyết pháp giáo huấn hợp với căn cơ và duyên lành của chúng sinh ấy. Sau khi lắng nghe Ðức Thế Tôn thuyết pháp xong, có số chúng sinh liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập lưu.

+ Có số chứng đắc đến Nhất lai Thánh Ðạo - Nhất lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhất lai.

+ Có số chứng đắc đến Bất Lai Thánh Ðạo - Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai.

+ Có số chứng đắc đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán.

Sự chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả này tùy theo 5 pháp chủ và Ba la mật, nhất là trí tuệ Ba la mật của mỗi chúng sinh.

Bốn bậc Thánh nhân này đều chứng đạt đến sự lợi ích, sự an lạc cao thượng Niết bàn.

Ðức Thế Tôn thuyết pháp tế độ chúng sinh không những nhân loại, chư thiên, Phạm thiên được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài, mà còn có loài Súc sanh cũng được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài nữa.

Như tích Mandukadevaputta (Chư Thiên Ếch - Khuddkanikàya, bộ Vimànavatthu chuyện Mandukadevaputta.), tóm lược như sau:

- Một thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự đến bờ hồ Gaggarà thuyết pháp tế độ dân chúng Campà, một con ếch nhảy lên bờ hồ nằm nghe giọng nói của Ðức Thế Tôn, với đức tin trong sạch nơi Ngài.

Khi ấy, một người chăn bò đứng đằng sau lắng nghe pháp, tay cầm cây nhọn vô ý cắm xuống đất đụng phải đầu con ếch đang nằm nghe giọng nói của Ðức Thế Tôn với đức tin trong sạch, con ếch chết ngay khi ấy. Sau khi chết, do thiện nghiệp ấy liền hóa sanh làm thiên nam ở cõi Tam thập tam thiên trong một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, có chư thiên nữ hầu hạ. Vị thiên nam quán xét rằng: "Ta từ đâu đến hóa sanh làm thiên nam ở cõi Tam thập tam thiên này?".

Vị thiên nam nhớ lại tiền kiếp mình là loài ếch sống dưới hồ Gaggarà, lên bờ nằm lắng nghe giọng Ðức Phật thuyết pháp, với đức tin trong sạch; kiếp ếch ấy chết rồi, do nhờ thiện nghiệp ấy được hóa sanh làm thiên nam ở cõi trời này. Thấy rõ Ðức Thế Tôn đang còn thuyết pháp tại gần bờ hồ Gaggarà, vị thiên nam ếch quyết định hiện xuống hầu Ðức Phật, còn đem theo lâu đài bằng vàng cùng chư thiên nữ, có hào quang sáng ngời đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn biết rõ, nhưng muốn cho các hàng đệ tử thấy rõ quả báu nghe pháp, nên Ngài hỏi:

"Ko me vandàti padàni,

iddhiyà yasasà jalam.

Abhikkantena vannena,

sabbà obhàsayam disà".

"Này thiên nam, ngươi là ai mà có thân hình xinh đẹp, hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi hướng, có nhiều oai lực, nhiều chư thiên nữ hầu hạ đến đây đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Như Lai vậy?".

Chư thiên ếch bạch:

"Mandùko’ham pure asim,

udake vàrigocaro

Tava dhammam sunantassa,

avadhi vacchapàlako..."

"Kính bạch Ðức Thế Tôn, con là Manduka, mới kiếp trước đây, là con ếch nhỏ sanh và sống ở trong nước tại hồ này, con nhảy lên hồ đang nghe pháp của Ngài, chính tại nơi đây người chăn bò đứng nghe pháp vô ý cắm cây đụng đầu con, làm cho con chết.

Kính bạch Ðức Thế Tôn! Chỉ một khoảnh khắc, do nhờ đức tin trong sạch nơi giọng thuyết pháp của Ðức Thế Tôn, sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp ấy liền hóa sanh làm thiên nam ở cõi trời, như Ngài nhìn thấy, con có thân hình xinh đẹp, hào quang sáng ngời tỏa khắp mọi nơi, con hưởng sự an lạc, có nhiều oai lực, nhiều chư thiên nữ hầu hạ.

Kính bạch Ðức Phật Gotama! Những chúng sinh nào có thời gian lâu dài được nghe pháp của Ngài, những chúng sinh ấy chóng được chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và đạt đến Niết bàn pháp giải thoát khổ".

Sau đó, Ðức Thế Tôn quán xét thấy các hàng đệ tử có đức tin trong sạch, nên Ngài thuyết pháp tế độ, vị thiên nam Manduka cùng với 84.000 chúng sinh gồm có chư thiên và nhân loại đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập lưu.

Vị thiên nam Manduka cùng chư thiên nữ cung kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn và chư Ðại Ðức Tăng xin phép trở về cõi trời.

Ðức Thế Tôn là bậc Tôn Sư không những dạy dỗ các bậc xuất gia cũng như các hàng tại gia những pháp hành để chứng đạt đến pháp cao thượng, siêu tam giới pháp: 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết bàn, an lạc tuyệt đối, mà còn dạy dỗ những pháp hành để đem lại sự an lạc trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai, tùy theo căn duyên lành của mỗi chúng sinh.

Ví dụ: Ðức Phật dạy dỗ hàng tại gia phải biết chọn cho mình nghề nghiệp lương thiện, biết cách sử dụng của cải, biết nuôi mạng chơn chánh để đem lại sự an lạc trong kiếp sống hiện tại; dạy dỗ các bậc xuất gia: Sa di, Tỳ kheo, chỉ dẫn từng li, từng tí; nào là mặc y, đi khất thực, thọ dụng vật thực đàng hoàng, chỗ ở sạch sẽ, dùng thuốc khi bệnh hoạn ốm đau; thậm chí còn chỉ dẫn khi tiểu tiện, đại tiện... Ðức Thế Tôn, bậc Tôn Sư dạy dỗ từ việc nhỏ cho đến việc lớn giải thoát khỏi biển khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

4/ Niệm Ân Ðức Satthàdevamanussànam

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật "Ân Ðức Satthà- devamanussànam" này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Satthàdevamanussànam..., Satthà-devamanussànam..., Satthàdevamanussànam...", hoặc câu Ân Ðức Satthàdevamanussànam: "Itipi so Bhagavà Satthàdevamanussànam..., Itipi so Bhagavà Satthàdevamanussànam..., Itipi so Bhagavà Satthàdevamanussànam...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

VIII. Ân Ðức Phật Thứ Tám – “Itipi so Bhagavà Buddho”

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Bút-thô).

1/ Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Buddho = Ðức Phật.

Buddho nghĩa là đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh; rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành; cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả; Nhất lai Thánh Ðạo - Nhất lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo - Bất Lai Thánh Quả; A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả tùy theo 5 pháp chủ và Ba la mật của mỗi chúng sinh.

Do đó, Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Buddho = Ðức Phật.

Ân Ðức "Sammàsambuddho" và Ân Ðức "Buddho" khác nhau như thế nào?

- Ân Ðức Sammàsambuddho nghĩa là tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh.

Ân Ðức Sammàsambuddho có 2 loại trí tuệ đặc biệt là:

- Trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế đầu tiên.

- Trí tuệ thành (pativedhanàna).

- Ân Ðức Buddho nghĩa là không chỉ tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh, mà còn thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả; Nhất lai Thánh Ðạo - Nhất lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo - Bất Lai Thánh Quả; A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả tùy theo 5 pháp chủ và Ba la mật của mỗi chúng sinh.

Ân Ðức Buddho có 2 loại trí tuệ đặc biệt là:

- Trí tuệ của Bậc Toàn Giác (Sabbannutanàna),

- Trí tuệ giáo hóa chúng sinh (desanànàna).

Ðối với Ðức Phật có trọn đủ các loại trí tuệ:

- 4 tuệ phân tích (patisambhidànàna).

- 6 tuệ cá biệt (asàdhàrananàna).

- 10 tuệ lực (dasabalanàna)...

thành tựu cùng lúc với A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả.

2/ Niệm Ân Ðức Buddho

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật "Ân Ðức Buddho" này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Ðức Thế Tôn có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Buddho..., Buddho..., Buddho...", hoặc câu Ân Ðức Buddho: là "Itipi so Bhagavà Buddho..., Itipi so Bhagavà Buddho..., Itipi so Bhagavà Buddho...", làm đối tượng Thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Ðức Araham).

IX. Ân Ðức Phật Thứ Chín – “Itipi so Bhagavà”

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa).

1/ Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Bhagavà.

Ân Ðức Bhagavà = Ðức Thế Tôn vô cùng cao thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh. Ân đức này, không phải phụ vương, mẫu hậu của Ngài đặt tên, cũng không phải chư thiên, Phạm thiên nào suy tôn Ngài.

Sự thật, Ân Ðức Bhagavà này là kết quả qua một quá trình tiến triển tạo 30 pháp hạnh Ba la mật trải qua 3 thời kỳ của Ðức Chánh Ðẳng Giác Bồ tát.

Ví dụ:

Trường hợp Ðức Phật Gotama trong thời đại chúng ta.

Tiền thân của Ðức Phật Gotama là Ðức Bồ tát có trí tuệ ưu việt, nghĩa là trí tuệ có năng lực hơn cả đức tin và tinh tấn, đã tạo 30 pháp hạnh Ba la mật trải qua 3 thời kỳ.

1. Thời kỳ phát nguyện trong tâm: Ðức Bồ tát có trí tuệ ưu việt phát nguyện trong tâm, đồng thời tạo 30 pháp hạnh Ba la mật: 10 pháp hạnh Ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh Ba la mật bậc trung, 10 pháp hạnh Ba la mật bậc thượng suốt thời gian 7 A tăng kỳ (A tăng kỳ âm từ Pàli: asankheyya nghĩa là trải qua vô số kiếp trái đất).

2. Thời kỳ phát nguyện bằng lời: Ðức Bồ tát có trí tuệ ưu việt đã trải qua 7 A tăng kỳ tạo 30 pháp hạnh Ba la mật, có đủ năng lực phát nguyện bằng lời cho tất cả chúng sinh nghe biết nguyện vọng của mình, phát nguyện sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác trong thời vị lai, để tế độ chúng sinh, đồng thời tiếp tục tạo 30 pháp hạnh Ba la mật thêm suốt 9 A tăng kỳ nữa.

Qua 2 thời kỳ này vẫn còn là Ðức Bồ tát bất định (aniyatabodhisatta), nghĩa là có thể thay đổi nguyện vọng của mình, trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh văn giác.

3. Thời kỳ được Ðức Phật thọ ký: Ðức Bồ tát có trí tuệ ưu việt sau khi đã trải qua 2 thời kỳ: phát nguyện trong tâm và bằng lời, có đầy đủ năng lực mạnh, có thiện tâm bất thối chí, Ðức Bồ tát có duyên lành đến hầu Ðức Phật.

Trường hợp vị đạo sĩ Sumedha (tiến thân của Ðức Phật Gotama) đến hầu Ðức Phật Dìpankara. Ðức Phật Dìpankara có Phật nhãn thông suốt vị lai, biết rõ nguyện vọng của vị đạo sĩ Bồ tát Sumedha sẽ thành tựu được như ý, nên Ðức Phật Dìpankara thọ ký vị đạo sĩ rằng:

"Trong thời vị lai, còn 4 A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất (*) nữa, vị đạo sĩ Bồ tát Sumedha này sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác có danh hiệu Gotama".

(*) Ðại kiếp trái đất dịch từ danh từ Pàli "kappa": thời gian kiếp trái đất trải qua 4 A tăng kỳ thành-trụ-hoại-không.

Ngài đương nhiên trở thành Ðức Bồ tát cố định (niyatabodhisatta), bất thoái chí, tiếp tục bồi bổ 30 pháp hạnh Ba la mật trải qua 24 Ðức Phật thọ ký, Ðức Phật thọ ký cuối cùng là Ðức Phật Kassapa.

Ðức Bồ tát kiếp chót là Thái tử Siddhattha xuất gia hành đạo tại đại cội Bồ Ðề vào canh chót ngày rằm tháng tư (âm lịch). Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh. Ðồng thời trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác nên có Ân Ðức Bhagavà = Ðức Thế Tôn.

Ân đức Bhagavà có 6 đức chính: Issariya, Dhamma, Yasa, Siri, Kàma, Payatta.

1. Thế nào gọi Issariya: Tự chủ?

Ðức Thế Tôn có tâm tự chủ các pháp tam giới và siêu tam giới.

- Tâm tự chủ pháp tam giới: như Ðức Thế Tôn hóa phép thần thông song hành (yamakapatihàriya) có 2 luồng nước và lửa phát xuất từ kim thân của Ngài; một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên trái, rồi thay đổi, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên trái; cũng như vậy đến 2 mắt, 2 lỗ tai...

- Tâm tự chủ pháp siêu tam giới: Ðức Phật thuyết pháp xong, các hàng đệ tử đồng thanh nói lên lời hoan hỉ "Sàdhu - sàdhu" trong thời gian khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, Ðức Thế Tôn có thể nhập A la hán Thánh Quả định để hưởng sự an lạc Niết bàn.

Ðó gọi là Issariya = tự chủ.

2. Thế nào gọi là Dhamma: Chánh pháp?

Ðức Thế Tôn đã chứng đắc 9 siêu tam giới pháp đó là 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh, diệt đoạn tuyệt tất cả 1.500 loại phiền não, 108 loại tham ái, và tất cả mọi tiền khiên tật do tích lũy vô lượng kiếp quá khứ.

Ðó gọi là Dhamma = Chánh pháp.

3. Thế nào gọi là Yasa: Tiếng tốt lành?

Ân đức của Ðức Thế Tôn được lan truyền khắp tất cả mọi chúng sinh, khắp mọi nơi từ cõi người cho đến cõi Long vương, đến chư thiên ở 6 cõi trời dục giới, đến chư Phạm thiên ở 15 cõi trời sắc giới (trừ cõi Vô tưởng thiên). Và thậm chí ngay cả chư Phạm thiên ở cõi vô sắc giới cũng niệm tưởng đến Ân Ðức Phật.

Ðó gọi là Yasa = Tiếng tốt lành.

4. Thế nào gọi là Siri: Hạnh phúc?

Kim thân của Ðức Thế Tôn có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của bậc thượng nhân, có hào quang mát mẻ phát ra từ kim thân của Ngài. Nên nhân loại, chư thiên, Phạm thiên đến hầu đảnh lễ cúng dường đến Ðức Thế Tôn, lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc an lạc phát sanh hỉ lạc. Cho nên, những chúng sinh đến hầu Ðức Thế Tôn bao nhiêu lần cũng cảm thấy chưa đủ.

Ðó gọi là Siri - Hạnh phúc.

5. Thế nào gọi là Kàma: Nguyện ước thành tựu?

Ðức Thế Tôn khi còn là Ðức Bồ tát Sumedha có nguyện ước:

- "Buddho bodheyyam". Như Lai tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế trở thành Ðức Phật rồi, sẽ giáo hóa chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế để trở thành bậc Thánh nhân (tự giác - giác tha).

Ðiều ước nguyện ấy đã thành tựu.

- "Mutto moceyyam". Như Lai tự mình giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài rồi, sẽ giáo huấn chúng sinh cũng được giải thoát cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài (tự độ - độ tha).

Ðiều nguyện ước ấy đã thành tựu.

- "Tinno tareyyam". Như Lai tự mình vượt qua biển khổ luân hồi, đạt đến Niết bàn an lạc rồi, sẽ dẫn dắt chúng sinh cùng vượt qua biển khổ luân hồi đạt đến Niết bàn an lạc (tự đáo - đáo tha).

Ðiều nguyện ước ấy đã thành tựu.

Ðó gọi là Kàma = nguyện ước thành tựu.

6. Thế nào gọi là Payatta: Tinh tấn không ngừng?

Hằng ngày Ðức Thế Tôn có sự tinh tấn không ngừng hành 5 phận sự gọi là Buddhakicca = phận sự của Ðức Phật (Bộ Chú giải Anguttaranikàya, phần Ekakanipata...)

Năm phận sự của Ðức Phật.

1. Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (pure-bhattakicca).

2. Phận sự sau khi độ ngọ (pacchàbhattakicca).

3. Phận sự canh đầu đêm (pathamayàma).

4. Phận sự canh giữa đêm (majjhimayàma).

5. Phận sự canh chót đêm (pacchimayàma).

Giải thích:

a) Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?

Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, đôi khi Ðức Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng sinh nào đó; đôi khi Ðức Phật cùng với chư Tỳ kheo Tăng ngự đi vào xóm, thành để khất thực. Khi Ðức Phật thọ thực xong, có số dân chúng thỉnh Ðức Phật thuyết pháp; có số xin quy y Tam bảo thọ trì Ngũ giới... có số xin Ðức Phật cho phép xuất gia xong, Ðức Phật ngự trở về chùa.

b) Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?

Khi Ðức Phật ngự trở về chùa, rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư Tỳ kheo:

"Bhikkhave appamàdena sampàdetha.

Dullabho Buddhuppàdo lokasmim.

Dullabho manussattapatilàbho.

Dullabhà khanasampatti.

Dullabhà pabbajjà

Dullabham saddhammassavanam".

"Này chư Tỳ kheo! Các con hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh đế, bằng pháp không dễ duôi, tiến hành Tứ niệm xứ.

- Ðức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.

- Ðược sanh làm người là một điều khó.

- Có được cơ hội hành phạm hạnh cao thượng là một điều khó.

- Ðược xuất gia trở thành Tỳ kheo là một điều khó.

- Ðược nghe chánh pháp là một điều khó".

Ðó là những điều khó mà Ðức Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư Tỳ kheo chớ nên dễ duôi!

Ðức Phật ngự vào cốc Gandhakuti, còn chư Tỳ kheo mỗi vị, mỗi nơi để tiến hành Thiền định, hoặc tiến hành Thiền tuệ.

c) Phận sự canh đầu đêm như thế nào?

Canh đầu: Ðức Phật giáo huấn chư Tỳ kheo, có số hỏi pháp, luật; có số xin thọ pháp hành Thiền định, pháp hành Thiền tuệ; có số nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ kheo đảnh lễ Ðức Phật trở về chỗ ở của mình.

d) Phận sự canh giữa đêm như thế nào?

Canh giữa: Ðức Phật cho phép chư thiên, Phạm thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Ngài, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ bạch hỏi pháp. Ðức Phật giảng giải những câu hỏi của chư thiên, Phạm thiên xong, hết canh giữa, chư thiên, Phạm thiên đảnh lễ Ðức Phật trở về cảnh giới của mình.

e) Phận sự canh chót đêm như thế nào?

Ðức Phật phân chia canh chót làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Ðức Phật đi kinh hành.

- Giai đoạn giữa: Ðức Phật ngự vào cốc Gandhakuti nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ trí tuệ biết mình thức dậy.

- Giai đoạn chót: Ðức Phật nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh trong 10.000 thế giới bằng Phật nhãn tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có gieo duyên lành với Ngài, đã từng tạo Ba la mật từ chư Phật quá khứ đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả, Ngài ngự đến để tế độ chúng sinh ấy, dầu ở gần hay xa; ở thế giới này hay thế giới khác.

Mỗi ngày mỗi đêm Ðức Thế Tôn hành trọn đủ 5 phận sự ròng rã suốt 45 năm, cho đến giây phút cuối cùng tịch diệt Niết bàn.

Ân Ðức Bhagavà còn nhiều ý nghĩa khác.

Ðức Thế Tôn là bậc có trọn đủ các pháp của bậc Tôn Sư.

Do đó, Ngài có Ân Ðức Bhagavà = Ðức Thế Tôn.

Niệm Ân Ðức Bhagavà

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Bhagavà" này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng tâm tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Bhagavà..., Bhagavà..., Bhagavà..., " hoặc câu Ân Ðức Bhagavà: "Itipi so Bhagavà..., Itipi so Bhagavà..., Itipi so Bhagavà...", làm đối tượng Thiền định. Ðề mục Ân Ðức Phật này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc vi tế, rộng lớn vô lượng vô biên, vì vậy định tâm không thể an trú vào một điểm nào nhất định, nên chỉ có khả năng chứng đạt đến cận định, mà không thể chứng đạt đến an định, nên không thể chứng đắc được bậc Thiền hữu sắc nào. Như vậy, cận định tâm vẫn còn thuộc dục giới đại thiện tâm.

(Phần còn lại giống Ân Ðức Araham).

Ðề mục niệm 9 Ân Ðức Phật là một đề mục Thiền định vô cùng sâu sắc, vi tế, rộng lớn, vô lượng, vô biên, vô tận. Do đó, định tâm không thể an trú một đối tượng nào nhất định để đạt đến an định, nên không thể chứng đắc các bậc Thiền hữu sắc, mà chỉ có thể đạt đến cận định mà thôi.

Tiến hành niệm Ân Ðức Phật này, hành giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có lòng tôn kính sâu sắc nơi Ðức Phật, phát sanh hỉ lạc, thân tâm an tịnh, làm vắng lặng phiền não; có trí tuệ sáng suốt, phước thiện tăng trưởng, đặc biệt có thể tránh khỏi những điều rủi ro tai hại đến sanh mạng, cuộc sống thường được an lạc.

Hành giả thường niệm Ân Ðức Phật có cảm tưởng như gần gũi với Ðức Phật, nên tâm luôn luôn có sự hổ thẹn và ghê sợ mọi tội lỗi, nên giữ gìn giới hạnh trong sạch dễ dàng. Hành giả có giới hạnh trong sạch, có định tâm thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, sau khi chết hy vọng chắc chắn sẽ tái sanh nơi cõi thiện giới.

- Nếu tái sanh làm người sẽ là người có trí tuệ, có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ, ở địa vị cao quý.

- Nếu tái sanh làm chư thiên, sẽ là một thiên nam hoặc thiên nữ có nhiều oai lực, hào quang sáng ngời, hưởng sự an lạc đặc biệt hơn các chư thiên khác.

Hơn thế nữa, tái sanh kiếp nào, nếu gặp Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ðức Phật sẽ dễ dàng phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, lắng nghe chánh pháp, thực hành theo chánh pháp, dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

PL. 2546 - TL 2002


C. QUẢ BÁU CỦA ÐỀ MỤC NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

1/ Niệm Ân Ðức Phật có oai lực tránh được tai họa

Dàrusàkatikaputtavatthu: tích đứa bé, con trai người đốn củi, được tóm lược như sau (Dhammapadatthakathà, chuyện Dàrusàkatikaputtavatthu):

- Trong thành Ràjagaha có 2 đứa bé trai:

Một đứa có chánh kiến, con của gia đình người làm nghề đốn củi, có đức tin nơi Tam bảo.

Một đứa có tà kiến, con của gia đình ngoại đạo.

Hai đứa thường chơi trò bắn bi, đến phiên đứa bé chánh kiến, trước khi bắn viên bi, nó niệm tưởng Ân Ðức Phật rằng: "Namo Buddhassa = con thành kính đảnh lễ Ðức Phật" rồi mới bắn; lần nào nó cũng bắn trúng đích, được thắng cuộc.

Ðến phiên đứa bé tà kiến, trước khi bắn viên bi, nó cũng niệm tưởng vị A la hán của nó rằng: "Namo Arahantànam = con thành kính đảnh lễ chư A la hán" (*) rồi mới bắn; lần nào nó cũng bắn không trúng đích, bị thua luôn.

(*) Ngoại đạo không có bậc Thánh A la hán thật, gọi là vị A la hán chỉ là cách tôn xưng, cho nên không có oai lực nào cả.

Một hôm, đứa bé chánh kiến theo cha ngồi trên chiếc xe bò đi vào rừng đốn củi. Buổi chiều chở củi về nhà ở trong thành Ràjagaha. Khi đến gần nghĩa địa bên ngoài cổng thành, người cha đứa bé cho xe ngừng lại, thả bò cho ăn cỏ, uống nước. Con bò đi theo đường vào thành, người cha đi tìm bò theo dấu chân vào thành. Khi gặp được con bò, ông định dắt bò trở ra thì cửa thành đã đóng rồi, người cha đành ở lại trong thành chờ đến sáng mai.

Ðứa con trai nhỏ nằm trên xe củi chờ người cha, đói khát ngất xỉu nằm ngủ thiếp đi trong xe củi. Ban đêm, có hai Dạ xoa đi kiếm ăn, một Dạ xoa có chánh kiến và một Dạ xoa có tà kiến, cả hai Dạ xoa nhìn thấy đứa bé nằm ngủ mê trên xe, Dạ xoa tà kiến bảo rằng: "Ðứa bé kia là vật thực của chúng ta, chúng ta sẽ ăn thịt nó". Mặc dầu Dạ xoa chánh kiến can ngăn, Dạ xoa tà kiến vẫn tiến đến đưa tay nắm đôi chân đứa bé, đứa bé này vốn là con của gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, cha mẹ dạy cậu bé thường ngày niệm Ân Ðức Phật, nên khi Dạ xoa vừa nắm chân đứa bé, đứa bé thức tỉnh, cậu liền niệm Ân Ðức Phật rằng: "Namo Buddhassa". Dạ xoa tà kiến nghe đến Ân Ðức Phật, kinh hoàng hoảng sợ rút tay lại. Liền khi ấy, Dạ xoa chánh kiến bảo rằng: "Chúng ta đã phạm phải một tội lỗi lớn rồi! Chúng ta phải chịu hành phạt thôi!".

- Ðứa bé này đang bị đói khát, vậy nhà ngươi hãy vào trong cung điện Ðức Vua đem mâm đồ ăn của Ðức Vua cho đứa bé này ăn, để lập công chuộc tội lỗi của nhà ngươi. - Dạ xoa chánh kiến bảo.

Dạ xoa tà kiến nghe nói phải, nên biến vào thành lấy mâm đồ ăn ra. Một Dạ xoa hóa làm cha và một Dạ xoa hóa làm mẹ của đứa bé, cho đứa bé ăn giống như cha mẹ của đứa bé hằng ngày. Ðứa bé ăn xong, dỗ đứa bé nằm ngủ ngon; trước khi hai Dạ xoa từ giã đứa bé; khắc chữ cho biết những sự việc xảy ra trên chiếc mâm vàng, với cố ý chỉ để một mình Ðức Vua thấy biết mà thôi, còn những người khác không thấy, không biết được. Hai Dạ xoa trở về chỗ ở của mình.

Sáng hôm sau, trong cung điện của Ðức Vua phát giác chiếc mâm vàng cả đồ ăn bị mất trộm. Lính thị vệ đi lục soát khắp nơi không tìm gặp, rồi ra khỏi thành nhìn thấy chiếc mâm vàng và bộ đồ chén đĩa của Ðức Vua nằm trên xe củi, thấy đứa bé trong xe, bèn hỏi: "Những đồ vật này từ đâu có?". Ðứa bé trả lời: "Cha mẹ của con đem đến cho con ăn". Quân thị vệ bắt đứa bé với tang vật rõ ràng, dẫn đến trình Ðức Vua.

Ðức Vua Bimbisàra cầm chiếc mâm vàng tang vật, nhìn thấy những dòng chữ của Dạ xoa ghi lại. Ðức Vua hỏi cậu bé:

- Này con, sự việc xảy ra như thế nào?

Ðứa bé tâu:

- Tâu Ðức Vua, con không ăn trộm, đêm qua cha mẹ con mang đến cho con ăn rồi dỗ con ngủ. Con chỉ biết như vậy thôi.

Ðức Vua truyền lệnh bắt cha mẹ đứa bé dẫn đến trình Ðức Vua, rồi Ðức Vua dẫn đứa bé và cha mẹ của nó cùng nhau đến hầu Ðức Phật tại chùa Veluvana. Ðảnh lễ Ðức Thế Tôn xong bèn bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, có phải chỉ có niệm Ân Ðức Phật mới hộ trì cho người hành pháp? Còn niệm Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng... có hộ trì cho người hành pháp được hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy:

- Này Ðại Vương! Không chỉ niệm Ân Ðức Phật mới hộ trì cho người hành pháp, mà còn niệm Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, niệm thân ô trược, niệm rải tâm từ, niệm rải tâm bi... cũng được hộ trì cho người hành pháp vậy.

Người Phật tử, ngày đêm tinh tấn niệm Ân Ðức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham...", hoặc niệm ân Ðức Pháp: "Svàkhàto Bhagavatà dhammo...", hoặc niệm Ân Ðức Tăng: "Suppatipanno Bhagavato sàvakasamgho...", sẽ là người luôn luôn được tâm trí sáng suốt, không mê muội, tránh mọi tai họa xảy đến cho mình.

Nhân cơ hội ấy, Ðức Phật thuyết pháp tế độ, cậu bé và cha mẹ của cậu bé đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập lưu. Về sau, cả người cha, người mẹ và đứa con đều xuất gia tiến hành Thiền tuệ chứng đắc đến A la hán Thánh Ðạo, A la hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A la hán.

2/ Oai Lực Niệm Ân Ðức Tam bảo

Tích Ðại Ðức Mahàkappina (Bộ Dhammapadatthakathà, chuyện Mahàkappinattheravatthu), khi Ngài còn là một vị Vua trị vì kinh thành Kukkutavatì. Một hôm, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan cận thần cưỡi ngựa du lãm ngoài thành, gặp nhóm người lái buôn từ kinh thành Sàvatthi đi vào thành, Ðức Vua bèn hỏi:

- Này các ngươi, ở kinh thành Sàvatthi có tin lành gì không?

- Tâu Ðức Vua: Buddho uppanno! = Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian!

Ðức Vua vừa nghe đến danh hiệu "Buddho", thì liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có. Ðức Vua hỏi lại đến lần thứ ba, những người lái buôn đều tâu như lần trước, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Ðức vua hỏi tiếp:

- Còn tin lành nào khác nữa?

- Tâu Ðức Vua: Dhammo uppanno! = Ðức Pháp đã xuất hiện!

Ðức Vua vừa nghe đến "Dhammo", như lần trước, liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi đến lần thứ ba, nghe tâu đ?n lần thứ ba, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Ðức vua hỏi tiếp:

- Còn tin lành nào khác nữa?

- Tâu Ðức Vua: Samgho uppanno! = Ðức Tăng đã xuất hiện!

Ðức Vua vừa nghe đến "Samgho", như hai lần trước, liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi đến lần thứ ba, nghe tâu đến lần thứ ba, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy.

Ðức Vua lấy tấm biển vàng ghi 300 ngàn đồng tiền vàng làm tiền thưởng, rồi trao cho nhóm người lái buôn, truyền lệnh đem đến trình Hoàng hậu Anojà để lãnh thưởng. Trong biển vàng, Ðức Vua ghi rõ, xin trao ngai vàng lại cho Hoàng hậu lên ngôi trị vì đất nước.

Ðức Vua không hồi cung, cùng 1.000 vị quan cận thần từ đó đi đến hầu Ðức Phật. Trên đường đi gặp con sông Aparacchà sâu và rộng lớn, nơi đây không thuyền bè, với tâm mong muốn sớm hầu Ðức Phật, nên Ðức Vua niệm Ân Ðức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaropurisadammasàrathi, Satthàdeva-maussànam, Buddho, Bhagavà". Do oai lực của Ân Ðức Phật, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan cưỡi ngựa băng qua sông ấy một cách dễ dàng.

Tiếp đến gặp con sông Nìlavàhinì, cũng sâu và rộng lớn không thuyền bè, như lần trước, Ðức Vua niệm Ân Ðức Pháp: "Svàkkhàto Bhagavatà Dhammo, Sanditthiko, Akàliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattam veditabbo vinnùhi". Do oai lực của Ân Ðức Pháp, Ðức Vua cùng các quan cưỡi ngựa băng ngang qua sông ấy một cách dễ dàng như trước.

Tiếp đến lại gặp con sông Candabhàgà, cũng sâu và rộng lớn không thuyền bè, như hai lần trước, Ðức Vua niệm Ân Ðức Tăng: "Suppatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, Ujuppatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, Nàyappatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, Sàmìcippatipanno Bhagavato Sàvakasamgho, yadidam cattàrì purisayugàni attha purisapuggalà. Esa Bhagavato Sàvakasamgho Àhuneyyo, Pàhuneyyo, Dakkhineyyo, Anjalikaranìyo, Anuttaram punnakkhettam lokassa". Do oai lực của Ân Ðức Tăng, Ðức Vua cùng các quan cưỡi ngựa băng ngang con sông ấy một cách dễ dàng như hai lần trước.

Như đã biết trước, Ðức Phật ngồi dưới gốc cây phóng hào quang 6 màu sáng ngời làm hiệu cho Ðức Vua cùng 1.000 vị quan biết. Tất cả đều đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong, rồi ngồi nghe Ngài thuyết pháp. Nghe xong, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập lưu, rồi đảnh lễ Ðức Phật xin xuất gia trở thành Tỳ kheo. Ðức Phật quán xét thấy rõ tất cả đều có phước thiện phát sanh 8 món vật dụng của Sa môn, nên Ngài đưa bàn tay phải chỉ bằng ngón trỏ mà truyền dạy:

"Etha bhikkhavo, caratha brahmacariyam sammà dukkhassa antakiriyàya".

"Các con hãy lại đây! Các con trở thành Tỳ kheo theo nguyện vọng! Chánh pháp mà Như Lai thuyết giảng hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, các con hãy thực hành phạm hạnh đúng đắn dẫn đến sự tận cùng của khổ đế".

Khi Ðức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì, Ðức Vua cùng 1.000 vị quan trở thành Tỳ kheo có đầy đủ 8 món vật dụng của Sa môn được phát sanh do thần thông. Chư Tỳ kheo ấy có tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như vị Tỳ kheo 60 hạ.

Về phần những người lái buôn khi nhận được biển vàng do Ðức Vua ban cho, đi thẳng vào cung điện xin yết kiến Hoàng hậu Anojà, trình chiếu chỉ xin lãnh thưởng 300 ngàn đồng vàng. Hoàng hậu thấy vậy bèn hỏi:

- Các ngươi làm việc gì mà Hoàng thượng ban thưởng số tiền lớn như vậy?

- Tâu Hoàng hậu, chúng thần không làm công việc gì, chỉ có báo một tin lành mà thôi.

- Các ngươi có thể nói cho ta nghe được không?

- Tâu Hoàng hậu! Có thể được: Buddho uppanno! = Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian!

Hoàng hậu vừa nghe đến danh hiệu "Buddho" thì liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, bà hỏi lại đến lần thứ ba, các người lái buôn tâu lại như lần trước, lần nào cũng phát sanh hỉ lạc. Bà truyền bảo:

- Còn tin lành nào khác nữa?

- Tâu Hoàng hậu: Dhammo uppanno! = Ðức Pháp đã xuất hiện!

Hoàng hậu vừa nghe đến "Dhammo", như lần trước liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi lại lần thứ ba, nghe tâu lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy. Bà truyền tiếp:

- Còn tin lành nào khác nữa?

- Tâu Hoàng hậu: Samgho uppanno! = Ðức Tăng đã xuất hiện!

Hoàng hậu vừa nghe đến "Samgho", như hai lần trước, liền phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nên hỏi lại lần thứ ba, nghe tâu lần nào cũng phát sanh hỉ lạc như vậy.

Hoàng hậu truyền dạy:

- Ba tin lành lớn lao đến dường ấy, mà Hoàng thượng ban thưởng cho các người có 300 ngàn. Còn ta, mỗi tin lành, ta ban thưởng cho các ngươi 300 ngàn, các ngươi được lãnh thưởng 900 ngàn tiền vàng".

Như vậy, các lái buôn chỉ báo tin lành Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng đã xuất hiện mà được lãnh thưởng 1.200 ngàn đồng tiền vàng.

- Hoàng thượng cùng 1.000 quan cận thần đi đâu? - Hoàng hậu hỏi tiếp.

- Tâu Hoàng hậu, Ðức Vua cùng 1.000 quan cận thần đi đến hầu Ðức Phật và sẽ xuất gia. - Các lái buôn trả lời.

Nghe tâu như vậy, Hoàng hậu truyền gọi phu nhân của 1.000 vị quan đến báo tin:

- Hoàng thượng của chúng ta hay tin lành Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng đã xuất hiện trên thế gian, Người đã từ bỏ ngai vàng để lại cho ta, như nhổ bỏ bãi nước miếng, rồi ngự đến hầu Ðức Phật, sẽ xuất gia để giải thoát khổ.

Chẳng lẽ ta không có khổ hay sao? Ðức Vua từ bỏ ngai vàng như nhổ bỏ bãi nước miếng, chẳng lẽ ta lại quỳ gối liếm bãi nước miếng ấy hay sao? Ta cũng sẽ đi đến hầu Ðức Phật, sẽ xuất gia để giải thoát khổ? Còn các ngươi nghĩ thế nào?

Nhóm 1.000 phu nhân đồng tâm nhất trí xin đi theo Hoàng hậu đến hầu Ðức Phật.

Hoàng hậu truyền sửa soạn ngựa quý, cùng 1.000 phu nhân mỗi người một ngựa theo sau đến hầu Ðức Phật, và đi theo con đường mà Ðức Vua cùng các quan đã ngự đi.

Hoàng hậu cùng các phu nhân đi đến con sông Aparacchà, Hoàng hậu niệm Ân Ðức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham...". Do oai lực Ân Ðức Phật, mọi người cùng băng qua con sông ấy một cách dễ dàng.

Tiếp đến con sông Nìlavàhinì, Hoàng hậu niệm Ân Ðức Pháp: Svàkkhàto Bhagavatà Dhammo...". Do oai lực Ân Ðức Pháp, mọi người cùng băng qua con sông ấy một cách dễ dàng.

Tiếp đến con sông Candabhàgà, Hoàng hậu niệm Ân Ðức Tăng: "Suppatipanno Bhagavato Sàvakasamgho...". Do oai lực Ân Ðức Tăng, mọi người cũng đều băng qua con sông ấy một cách dễ dàng. Thế rồi, Hoàng hậu cùng các vị phu nhân ngự đến hầu Ðức Phật.

Ðức Thế Tôn biết Hoàng hậu Anojà cùng 1.000 vị phu nhân sắp đến, Ngài phóng hào quang 6 màu sáng ngời làm hiệu, Hoàng hậu cùng các vị phu nhân biết, đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong bạch:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ðức Vua Mahàkappina cùng 1.000 vị quan có đến đây không? Bạch Ngài!

Ðức Phật hóa phép thần thông che khuất không để Hoàng hậu cùng 1.000 phu nhân nhìn thấy Tỳ kheo Mahàkappina cùng 1.000 vị Tỳ kheo khác. Ðức Thế Tôn dạy rằng:

- Các con hãy ngồi nghe Như Lai thuyết pháp, rồi tại nơi đây các con sẽ nhìn thấy Mahàkappina cùng các quan.

Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân an tâm ngồi nghe Ðức Phật thuyết pháp. Khi nghe pháp xong, Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập lưu. Ðồng thời ngay khi ấy, Tỳ kheo Mahàkappina cùng 1.000 vị Tỳ kheo khác đều chứng đắc từ Nhất lai Thánh Ðạo - Nhất lai Thánh Quả, đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán cùng với 4 Tuệ phân tích.

Khi ấy, Ðức Phật thâu phép thần thông, Hoàng hậu cùng các phu nhân nhìn thấy Ðức Vua Mahàkappina cùng 1.000 vị quan, bây giờ ở trong tướng mạo một Tỳ kheo trang nghiêm như vị Ðại đức 60 hạ. Hoàng hậu cùng các vị phu nhân phát sanh đức tin trong sạch, kính xin Ðức Thế Tôn xuất gia trở thành Tỳ kheo ni.

Ðức Thế Tôn chỉ dạy Hoàng hậu cùng 1.000 phu nhân đến tìm gặp Ðại đức Tỳ kheo ni Uppalavannà chỉ dẫn cách xuất gia trở thành Tỳ kheo ni.

Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân sau khi đã trở thành Tỳ kheo ni thời gian không bao lâu, tất cả đều chứng đắc đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán trong giáo pháp của Ðức Phật.

Oai lực niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng thật phi thường!

Qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu rằng: danh hiệu Buddho, Dhammo, Samgho không phải dễ được nghe trong kiếp tử sanh luân hồi ba giới bốn loài, bởi vì, Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này rất hiếm có; có khi trải qua vô số kiếp trái đất thành - trụ - hoại - không mà không một Ðức Phật Toàn Giác nào xuất hiện cả. Cho nên, Ðức Phật xuất hiện trên thế gian rất hiếm có, khi Ðức Phật xuất hiện, Ngài đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chúng sinh; nhất là những chúng sinh nào có đã gieo duyên lành từ Ðức Phật ở quá khứ, đã tạo Ba la mật trọn đủ; nay kiếp hiện tại này, những hạng chúng sinh ấy gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ðức Phật chắc chắn sẽ được lợi ích cao thượng là chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết bàn.

3/ Câu Chuyện Ðại Ðức Subhùti

Tiền kiếp Ðại đức Subhùti (*) tên là Nanda, thuộc dòng tộc Bà la môn. Ngài sanh vào thời kỳ Ðức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, cách kiếp trái đất của chúng ta 100.000 đại kiếp.

(*) Bộ chú giải Anguttaranikàya, phần Etadaggavagga, chuyện Ðại đức Subhìtittheravatthu.

Cậu Nanda khi trưởng thành đi xuất gia trở thành Ðạo sĩ có nhóm đệ tử gồm có 84.000 vị trú ở dãy núi Himavanta.

Một hôm, Ðức Phật Padumuttara ngự đến dãy núi Himavanta, vị Ðạo sĩ cùng nhóm đệ tử đến hầu hộ độ cúng dường hoa, trái cây đến Ðức Phật.

Ðức Phật Padumuttara dạy Ðạo sĩ Nanda:

"Này Nanda, con nên tiến hành tùy niệm Ân Ðức Phật (Buddhànussati) là pháp hành cao quý. Do phước thiện mà con đã tiến hành tùy niệm Ân Ðức Phật, con sẽ hưởng sự an lạc ở cõi trời dục giới suốt 30.000 đại kiếp trái đất, con sẽ là Ðức Vua trời ở cõi Tam thập tam thiên suốt 20 kiếp. Tái sanh ở cõi người con sẽ là Ðức Chuyển luân Thánh vương 1.000 kiếp, còn làm vua ở xứ lớn không sao kể xiết; trong các kiếp lớn, kiếp nhỏ trong vòng tử sanh luân hồi, con có đầy đủ các thứ của cải quý báu. Tất cả của cải quý báu ấy không bao giờ bị ai chiếm đoạt. Suốt 100.000 đại kiếp, trong vòng tử sanh luân hồi, con sẽ không bị sa vào trong 4 đường ác. Ðến kiếp trái đất, có Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, khi ấy con tái sanh trong một gia đình phú hộ, đặt tên là "Subhùti". Khi trưởng thành con từ bỏ của cải gồm có 80 triệu đi xuất gia trở thành Tỳ kheo, sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A la hán có đức hạnh thọ thí cao quý xuất sắc nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của Ðức Phật Gotama".

Ðó là lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara.

Ðạo sĩ Nanda thực hành niệm Ân Ðức Phật theo lời dạy của Ðức Phật Padumuttara, mọi kết quả phát sanh đúng như lời thọ ký của Ðức Phật. Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của đạo sĩ Nanda tái sanh gia đình phú hộ Sumana trong kinh thành Sàvatthi, đặt tên là Subhùti. Ðến khi trưởng thành, từ bỏ gia đình, của cải đi xuất gia trở thành Tỳ kheo, tiến hành Thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc từ Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả cho đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán cùng với 4 Tuệ phân tích.

Ðức Phật tán dương Ðại Ðức Subhùti có đức hạnh thọ thí cao quý xuất sắc nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của của Ðức Phật, đúng theo lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara ở quá khứ.

4/ Câu Chuyện Singàlakamàtàtherìvatthu

(Chú giải Anguttaranikàya, phần Etadaggavagga, chuyện Singàlakamàtàtherìvatthu.)

Tiền kiếp mẹ của cậu Singàlaka là cô gái của một vị quan, sanh vào thời kỳ của Ðức Phật Padumuttara. Khi cô trưởng thành được phép từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ kheo ni trong giáo pháp của Ngài. Tỳ kheo ni này là một người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Do nhờ thiện pháp ấy, trong vòng tử sanh luân hồi suốt 100.000 đại kiếp không bị sa vào 4 đường ác (Địa ngục, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh).

Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, cô tái sanh làm con gái của phú hộ ở kinh thành Ràjagaha. Khi cô trưởng thành kết hôn cùng với người con trai của phú hộ, sanh được một người con trai đặt tên là Singàlaka. Do đó, bà có tên gọi là Singàlakamàtà = mẹ của cậu Singàlaka.

Về sau, bà đi xuất gia trở thành Tỳ kheo ni, với đức tin trong sạch đặc biệt trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama; sau khi trở thành Tỳ kheo ni, bà tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật (Buddhànussati) rồi dùng định tâm của đề mục niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng, tiến hành Thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc từ Nhập lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả cho đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán.

Một hôm, Ðức Phật tán dương Tỳ kheo ni Singàlakamàtà có đức tin trong sạch xuất sắc nhất trong hàng nữ Thanh văn đệ tử của Ðức Phật.

Và còn có nhiều trường hợp tương tự khác.

Ðề mục niệm Ân Ðức Phật là một đề mục dễ làm cho phát sanh đức tin nơi Tam bảo, mà đức tin là nền tảng mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến siêu tam giới thiện pháp.

Như vậy, đề mục niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục Thiền định, có khả năng chứng đạt đến cận định, mà còn là pháp làm nền tảng để tiến hành Thiền tuệ, dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ uẩn, diệt tận tham ái, phiền não, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo -Thánh Quả và Niết bàn được. Như Ðức Phật dạy:

"Này chư Tỳ kheo, có một pháp hành mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp - sắc pháp, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn.

Pháp hành ấy là gì?

Pháp hành ấy chính là Buddhànussati = pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật.

Này chư Tỳ kheo, pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật, mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp; để diệt tận tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn". - (Anguttaranikàya, phần Ekadhammapàli)

Qua lời giáo huấn của Ðức Phật trên, thì đề mục tùy niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục Thiền định, mà còn làm nền tảng để tiến hành Thiền tuệ nữa.

Ðề mục tùy niệm Ân Ðức Phật có hai giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: đề mục tùy niệm Ân Ðức Phật thuộc Thiền định hành giả tiến hành tùy niệm Ân Ðức Phật có khả năng dẫn đến sự chứng đạt đến cận định (phương pháp đã trình bày ở phần trước).

- Giai đoạn sau: Sau khi tiến hành đề mục tùy niệm Ân Ðức Phật chứng đạt đến cận định, hành giả cần phải thoát ra khỏi đề mục niệm Ân Ðức Phật, dùng tâm cận định của đề mục niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng để tiến hành Thiền tuệ.

5/ Tiến hành Thiền tuệ

Hành giả tiến hành Thiền tuệ cần phải có danh pháp, sắc pháp hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) làm đối tuợng của Thiền tuệ.

Như vậy, đề mục tùy niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng để tiến hành Thiền tuệ như thế nào?

Dựa theo Chú giải Chi bộ kinh, phần pháp một chi, giải về đề mục niệm Ân Ðức Phật ấy. Theo chân nghĩa pháp, ai niệm Ân Ðức Phật?

- Ðàn ông niệm Ân Ðức Phật có phải không? Cũng như vậy đàn bà, chư thiên, Phạm thiên niệm Ân Ðức Phật có phải không?

- Ðúng theo chân nghĩa pháp, không có một ai niệm Ân Ðức Phật; mà chỉ có đại thiện tâm hợp với trí niệm Ân Ðức Phật mà thôi.

Bây giờ, hành giả tiến hành Thiền tuệ có đại thiện tâm hợp với trí làm phận sự cận định tâm thuộc danh pháp, làm đối tượng Thiền tuệ (trong phần niệm tâm của pháp hành Tứ niệm xứ) và sắc pháp đó là sắc ý căn (hadayavatthu) là nơi nương nhờ của đại thiện tâm hợp với trí ấy phát sanh. Như vậy, danh pháp liên quan với sắc pháp này làm đối tượng của Thiền tuệ.

Trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ấy, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ấy dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết bàn.

Hay một cách khác: hành giả tiến hành Thiền tuệ có đại thiện tâm hợp với trí làm phận sự cận định tâm, làm đối tượng Thiền tuệ, trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đại thiện tâm hợp với trí ấy thuộc thức uẩn.

- Thọ tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm ấy thuộc thọ uẩn.

- Tưởng tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm ấy thuộc tưởng uẩn.

- Các tâm sở khác còn lại đồng sanh với đại thiện tâm ấy thuộc hành uẩn.

- Sắc ý căn (hadayavatthu) thuộc sắc uẩn là nơi nương nhờ của đại thiện tâm hợp với trí ấy phát sanh.

Ngũ uẩn này là đối tượng của Thiền tuệ. (trong phần niệm pháp của pháp hành Tứ niệm xứ).

Trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của ngũ uẩn ấy, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của ngũ uẩn ấy, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết bàn.

Như vậy, gọi là: Niệm Ân Ðức Phật làm nền tảng để tiến hành Thiền tuệ.

Như Ðức Phật dạy:

"Này chư Tỳ kheo, pháp hành tùy niệm Ân Ðức Phật mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; để diệt tận tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ Thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả và Niết bàn".

6/ Quả báu đặc biệt niệm Ân Ðức Phật

Hành giả tiến hành niệm Ân Ðức Phật, trong kiếp hiện tại chưa chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả - Niết bàn, hành giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:

- Ðược phần đông chúng sinh kính trọng.

- Thiện tâm trong sạch thanh tịnh.

- Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội. Sau khi chết do thiện nghiệp này cho quả tái sanh làm người cao quý hoặc chư thiên cao quý.

- Tái sanh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng sinh cao quý.

- Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.

- Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.

- Thân có mùi thơm.

- Miệng có mùi thơm tỏa ra.

- Có trí tuệ nhiều.

- Có trí tuệ sâu sắc.

- Có trí tuệ sắc bén.

- Có trí tuệ nhanh nhẹn.

- Có trí tuệ phong phú.

- Trí tuệ phi thường.

- Nói lời hay có lợi ích...

- Kiếp vị lai có duyên lành gặp Ðức Phật, lắng nghe chánh pháp dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và Niết bàn...

Ðó là những quả báu phát sanh từ niệm Ân Ðức Phật.

ÐOẠN KẾT

Ðức Phật là một Ðấng Từ Phụ chung của tất cả mọi người Phật tử là các bậc Xuất gia Tu sĩ và các hàng tại gia Cư sĩ.

Tất cả chúng ta đều hết lòng tôn kính Ðức Phật, để tỏ lòng tôn kính, mỗi người Phật tử cúng dường Ðức Phật bằng những phẩm vật quý giá tùy theo khả năng của mình.

Ðức Phật dạy cúng dường có hai cách:

- Cúng dường bằng phẩm vật (amisapùjà) như: hương, hoa...

- Cúng dường bằng hành pháp (patipattipùjà): hành giới, hành định, hành tuệ...

Trong hai cách cúng dường này, Ðức Phật tán dương, ca tụng cách cúng dường bằng hành pháp gọi là cao thượng nhất.

Ðến khi Ðức Phật gần tịch diệt Niết bàn, Ngài dạy chỉ có hành pháp mới thật là cúng dường Ðức Phật một cách cao quý nhất.

Như trong bộ Chú giải Pháp cú, tích Ðại Ðức Attadattha:

Khi Ðức Phật truyền dạy cho chư Tỳ kheo được rõ, thời gian tịch diệt Niết bàn của Ngài không còn lâu.

Chư Tỳ kheo, thường đến hầu hạ Ðức Phật với lòng tôn kính yêu thương, riêng Ðại đức Attadattha nghĩ: "Ðức Thế Tôn còn thời gian không lâu sẽ tịch diệt Niết bàn, còn ta vẫn chưa diệt được tham ái, ta nên cố gắng tiến hành Thiền tuệ, chứng đắc đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A la hán khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền". Nghĩ vậy, Ngài ở nơi thanh vắng một mình để tiến hành Thiền tuệ, có số Tỳ kheo chê trách Ngài không biết kính yêu Ðức Phật. Ðức Phật biết rõ, bảo một Tỳ kheo gọi Ngài đến.

Ðức Phật bèn hỏi Ngài:

- Này con, con nghĩ thế nào mà hành động như vậy?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con được nghe biết Ðức Thế Tôn không còn bao lâu nữa sẽ tịch diệt Niết bàn, con cố gắng tiến hành Thiền tuệ để chứng đắc đến A la hán Thánh Ðạo - A la hán Thánh Quả, trong khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền.

Nghe vậy, Ðức Thế Tôn bèn Sàdhu! Sàdhu! = Lành thay! Lành thay! Ngài dạy:

"Bhikkhave, yassa mayi sineho atthi, tena Attadatthena viya bhavitum vattati. Na hi gandhàdìhi pùjentà mam pùjenti, dhammà-nudhammapatipattiyà pana mam pùjenti, tasmà annenapi Attadatthasadiseneva bhavitabbam". (Bộ Dhammapadatthakathà, chuyện Attadatthatheravatthu).

(Này chư Tỳ kheo, Tỳ kheo nào có lòng kính yêu Như Lai, Tỳ kheo ấy nên noi gương như Tỳ kheo Attadattha. Thật vậy, những người cúng dường bằng hương hoa v.v... chưa phải là cúng dường Như Lai. Những người tiến hành theo pháp hành Thiền tuệ chứng đắc siêu tam giới pháp, mới thật là cúng dường Như Lai. Vì vậy, những người khác nên thực hành giống như Tỳ kheo Attadattha).

Ðến khi Ðức Phật sắp tịch diệt Niết bàn, chư thiên các cõi trời mang những đóa hoa trời, hương trời, âm thanh trời... đến cúng dường Ðức Phật.

Khi ấy Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ànanda:

"Này Ànanda, sự cúng dường những phẩm vật từ cõi trời như thế ấy, chưa phải tỏ lòng tôn kính Như Lai, hay tôn trọng, hay kính yêu, hay cúng dường, hay lễ bái Như Lai.

Này Ànanda, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ nào theo hành pháp hành Thiền tuệ chứng đắc siêu tam giới pháp, cung kính thực hành nghiêm chỉnh theo Giới - Ðịnh - Tuệ, thực hành theo chánh pháp, người ấy mới thật tôn kính Như Lai, tôn trọng, kính yêu, cúng dường, lễ bái Như Lai một cách cao thượng.

Như vậy, này Ànanda, trong Phật giáo này, các con nên học tập rằng: "Chúng ta nên theo hành pháp hành Thiền tuệ, chứng đắc siêu tam giới pháp, cung kính thực hành nghiêm chỉnh theo giới - định - tuệ, thực hành theo chánh pháp". (Bộ Dìghanikàya, phẩm Mahàvagga, Kinh Mahàparinibbànasutta.)

Ðức Phật là đấng Từ Phụ của tất cả chúng sinh. Ðể tỏ lòng tôn kính Ðức Phật, Ðấng Từ Phụ, chúng con cố gắng tinh tấn thực hành theo lời giáo huấn của Ngài, để xứng đáng cúng dường đến Ngài; đồng thời đem lại cho chúng con sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cao quý; vừa đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian, hầu đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại.

Ciram titthatu saddhammo lokasmim

Ciram titthatu saddhammo Vietnamratthasmim.

Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên thế gian.

Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Tỳ kheo Hộ Pháp

Hết