Đại Sư Tông Khách Ba (1357-1419)

Hoàng giáo của Phật giáo Tây Tạng do Đại sư Tông Khách Ba sáng lập, có những điểm đặc sắc nhất là nghiêm thủ Giới luật Tỳ kheo thanh tịnh, thiết thật tu hành giới Bồ tát và giới Tam muội da (Kim cang) của Mật tông. Dùng giới làm nền tảng, rồi y theo thứ tự của giáo lý mà tu tập, tức là trước tu học Hiển giáo, sau hành trì Mật giáo, cùng cực lực xiển dương Chánh kiến Trung Quán-Ứng Thành và thuyết dung hợp của Kim cang Mật thừa. Bàn về yếu chỉ căn bổn, giáo pháp Hiển-Mật hợp nhất vô cấu của Đại sư vốn phù hợp với bản ý truyền thừa Mật pháp của Tôn giả A Để Sa: Hành giả Mật tông trước tiên phải học Hiển giáo để hiểu rõ giáo lý kinh luận, sau đó phải có đầy đủ tâm xuất ly thế gian và tâm Bồ đề, hầu mong có Chánh kiến căn bản về sự tu học Mật pháp, rồi mới bắt đầu dụng công tu tập Mật pháp. Tu học Mật pháp như thế, thì tự thân mới đắc được thành tựu.

Đại Sư Tông Khách Ba (1357-1419)

Thích Hằng Đạt dịch

PL. 2545 – DL. 2001

(Không thấy tên nhà xuất bản. Ngoài bìa chỉ ghi tựa & . PL. 2545 – DL. 2001. bttdtkvn)

Mục Lục

Lời giới thiệu.

Chương I. Hóa thân của Bồ tát Văn Thù.

Chương II. Vị đại Tỳ kheo nghiêm trì Giới luật cẩn mật và đại hành giả lỗi lạc chân tu thật chứng có Trí tuệ quảng đại bác học đa văn.

Chương III. Hóa độ vua chúa và tổ chức pháp hội cúng dường cầu nguyện.

Chương IV. Nhà cách mạng Tôn giáo vĩ đại ở Tây Tạng.

Chương V. Vị Tổ sư của phái Hoàng giáo (dge-lugs; Cách Lỗ hay tân Ca Đương).

Chương VI. Hoàng giáo lan truyền khắp nơi.

Chương VII. Lược thuật về những tông phái chính ở Tây Tạng.

Chương VIII. Kết luận

Chú Thích

Lời Giới Thiệu.

Đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa; 1357-1419) vốn được tôn xưng là:

- Hóa thân của Bồ tát Văn Thù.

- Vị đại Tỳ kheo nghiêm trì Giới luật cẩn mật và đại hành giả lỗi lạc chân tu thật chứng có Trí tuệ quảng đại bác học đa văn.

- Nhà cách mạng Tôn giáo vĩ đại ở Tây Tạng:

- Đề xướng việc nghiêm trì Giới luật của ba thừa (Tiểu thừa, Bồ tát thừa, Mật thừa) thanh tịnh.

- Cải cách và xiển dương đường hướng tu học Phật pháp bằng cách hợp nhất mọi giáo nghĩa Luật giáo, Hiển giáo, Mật giáo của tất cả tông phái ở Ấn Độ và Tây Tạng về nơi biển Phật pháp.

- Vị Tổ sư của phái Hoàng giáo (hay tân Ca Đương) và định lập chế độ chuyển thế tái sanh của Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma.

Bàn về tiểu sử, Đại sư Tông Khách Ba giáng sanh với nhiều điềm linh dị kiết tường tại vùng Tông Khách ở Thanh Hải (Tây Tạng), trong một gia đình quan lại quyền thế vào năm 1357.

Lên ba tuổi: Được tổ Cát Mã Ba Nhiêu Tất Đa Kiệt (Kar-ma-pa rol-pa'l-rdo-rje, 1340-1383) đời thứ tư của chi phái Ca Nhĩ Mã (Karmapa) thuộc phái Cát Cử (Kargyupa) truyền năm giới cấm và lấy pháp danh là Cống Cát Ninh Bố (Kun-dga'snying-po, tức Hoan hỷ Tạng).

Lên bảy tuổi: Thọ giới Sa di với Giáo thọ A xà lê là Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (vị đại Lạt ma thuộc phái Ca Đương (Kadam), và đã chứng đạo và thành tựu Thánh quả; đối với giáo pháp Hiển-Mật đều viên dung), lấy pháp hiệu là Hiền Huệ, danh xưng là Kiết Tường.

Sau mười năm tu học với Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết, Đại sư xin phép vị ân sư qua Tây Tạng tầm sư học đạo.

Sau mười ba năm tu học, Đại sư đã lãnh thọ tất cả giáo pháp về Nội Minh (kinh luật luận Hiển-Mật giáo), Thanh Minh, Nhân Minh, Y Phương Minh, Công Xảo Minh từ các vị đại Lạt ma của những tông phái chính ở Tây Tạng như Ninh Mã (Nyingma, Hồng-giáo), Ca Đương (Kadam), Tát Ca (Sakyapa, Đa Sắc-giáo), Cát Cử (Kagyudpa, Bạch-giáo).

Năm hai mươi chín tuổi: Đại sư chính thức thọ giới Tỳ kheo và thu nhận đồ đệ.

Năm ba mươi hai tuổi: Đại sư bắt đầu đội mũ vàng, với thâm ý muốn hoằng dương Giới luật Tỳ kheo, chấn chỉnh Giới pháp. Đồng thời, vào năm đó, tại chùa Sát Tự, Đại sư bắt đầu hệ thống hóa tất cả lời chú giải của hai mươi mốt vị Luận sư Ấn Độ, mà trước tác quyển Hiện Quán Trang Nghiêm Luận sư Tử Hiền Thích Tường Sớ.

Năm ba mươi ba tuổi: Đại sư khởi sự chuyển bánh xe Chánh pháp.

Mười năm kế tiếp (34 đến 44 tuổi): Tuy vẫn còn đi tham học với các vị đại Lạt ma cũng như lãnh trọng trách hoằng pháp lợi sanh, nhưng Đại sư vẫn thường chú trọng việc tinh tấn tu trì khổ hạnh, nên đã đạt được Mật pháp bí yếu viên mãn, thành tựu và chứng đắc vô lượng công đức không thể nghĩ bàn, được chư Phật và chư Bồ tát hiện thân gia trì cùng thọ ký.

Sau năm bốn mươi bốn tuổi: Đại sư bắt đầu tiến hành công cuộc cách mạng Tôn giáo qua việc đề xướng Giới luật thanh tịnh của ba thừa (Tiểu thừa, Bồ tát thừa, Mật thừa), cùng trước tác quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận.

Năm bốn mươi bảy tuổi: Đại sư lại trước tác quyển Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận. Hai quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận và Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận vốn là những tác phẩm đại biểu cho tư tưởng hệ thống hóa toàn bộ giáo nghĩa Đại-Tiểu thừa Hiển-Mật giáo của Đại sư.

Năm năm mươi hai tuổi: Đại sư tuyên thuyết kinh luận Hiển-Mật liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. Trong năm đó, tuy được vua Minh Thành Tổ cung thỉnh sang Trung Hoa hoằng pháp, nhưng Đại sư vẫn từ khước.

Tháng giêng năm 1409: Đại sư thiết lập đại pháp hội cúng dường chư Phật tại chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát với sự tham dự của hàng trăm ngàn tăng ni và cư sĩ, cùng đạt được rất nhiều điềm linh dị kiết tường (từ đó cho đến ngày nay, chư Tăng Tây Tạng vẫn y theo truyền thống tổ chức đại pháp hội cúng dường chư Phật vào tháng giêng trong mỗi năm). Đồng thời, do lời thỉnh cầu của chư đệ tử, Đại sư kiến lập chùa Cách Đăng (Ganden) để làm đạo tràng chính cho phái Hoàng giáo.

Năm mươi lăm và năm mươi sáu tuổi: Thể theo lời dạy của Bổn Tôn Bồ tát Văn Thù cùng Diệu Âm Thiên Nữ, Đại sư cùng hơn bốn mươi đồ đệ tu trì và được thành tựu với pháp tiêu tai tăng thọ mạng.

Năm 1415: Đại đệ tử của Đại sư là Ráng Dương Kiếp Kết sáng lập chùa Triết Bang (Drepung), trở thành đạo tràng thứ hai của Hoàng giáo.

Năm sáu mươi mốt tuổi: Đại sư kiến lập mật điện Quảng Nghiêm trong chùa Cách Đăng để chuyên tu Mật pháp.

Năm 1418: Đại đệ tử của Đại sư là Thích Ca Dã Hiệp kiến lập chùa Sắc Nhạ (Sera), trở thành đạo tràng thứ ba của Hoàng giáo.

Ngày hai mươi lăm tháng mười năm 1419, sau khi cơ duyên hóa độ chúng sanh đã viên mãn và phó chúc pháp duyên cho các đại đệ tử xong, Đại sư an tường thị tịch, thọ sáu mươi ba tuổi, với ba mươi ba hạ lạp.

Sau này, các đại đệ tử tiếp tục tu tập và hoằng truyền giáo pháp Hiển-Mật, y chỉ theo đường hướng cải cách giáo chế của Đại sư. Thế nên, suốt hơn sáu trăm năm, Hoàng giáo đã và đang là một tông phái lớn nhất và đào tạo chư vị cao Tăng đầy đủ giới hạnh cùng tài đức nhiều nhất ở Tây Tạng. Hiện tại, dưới sự lãnh đạo của đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ XIV, Hoàng giáo nói riêng và Phật giáo Tây Tạng nói chung, được xiển dương hoằng truyền khắp thế giới.

Chương I: Hóa Thân Của Bồ tát Văn Thù.

Đại sư Tông Khách Ba (Tsong-Kha-pa) có lòng đại bi đại nguyện rộng thâm sâu, nhân cách vĩ đại. Sự cống hiến lớn lao đối với Phật giáo Tây Tạng của Đại sư, thực không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cho rằng Đại sư chỉ là một bậc đại tu hành, đại thành tựu, và cũng không khác gì với các bậc triết gia Phật học danh tiếng. Thật ra, Đại sư hoàn toàn khác biệt hơn người. Đại sư vốn là hóa thân của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, một vị cổ Phật trong đời quá khứ.

Trước khi Đại sư xuất hiện, giáo pháp Hiển-Mật ở Tây Tạng đa phần đều bị suy vi. Trừ một số Đại đức khả kính, hầu hết người tu hành đều không biết Giới luật là gì. Có một số người không màng nghiên cứu giáo lý; họ nào biết đâu tất cả Kinh điển vốn là con đường học Phật. Đối với Nhân Minh Học, họ nhận lầm là một loại học thuật biện luận. Đối với Mật pháp, họ chỉ biết pháp quán đảnh cuồng loạn mà không rõ căn bản Phật pháp. Họ thiên chấp tu một giáo pháp như Đại Thủ Ấn, Đại Viên Giác, v.v... rồi cho là rất siêu việt. Những việc thân cận thiện tri thức, Sư trưởng, bảo hộ luật nghi, giới Tam muội, họ hoàn toàn không cầu mong. Người tu hành chân thật chỉ lặng lẽ tu trì, mà không có phương pháp để chỉ dạy. Thấy tình cảnh như thế, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi khởi lòng thương xót thâm sâu, và vì muốn duy trì Thánh giáo, lợi ích cùng tùy thuận chúng sanh, nên thị hiện tướng xuất gia thanh tịnh, tức là Đại sư Tông Khách Ba.

Rất nhiều Kinh điển Hiển-Mật ghi lại việc Bồ tát Văn Thù trong tương lai sẽ thọ sanh nơi vùng biên địa của núi Tuyết Sơn. Kinh Văn Thù Căn Bổn Giáo Vương ghi lời thọ ký của đức Như Lai:

- Sau khi Ta nhập Niết Bàn, cõi Ta Bà trở thành trống rỗng. Ông (1) hãy hiển hiện hình tướng dị sanh, để hành những hạnh của chư Phật. Hãy đến núi Tuyết Sơn tu hành. Nơi đó lập ra ngôi A Lan Nhã Hoan hỷ.

Ý nghĩa của lời này là nói rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn, Phật pháp từ từ suy vi. Bấy giờ Bồ tát Văn Thù sẽ thị hiện thân phàm phu mà thọ sanh tại núi Tuyết Sơn (2). Ngài tôn sùng y theo giáo lý của đức Phật, hành đại pháp, hóa độ chúng sanh, cùng kiến lập chùa chiền tự viện, với pháp hiệu là "Hoan hỷ.” Sau này, quả nhiên có Đại sư Tông Khách Ba giáng sanh tại Tây Tạng, chấn hưng Phật giáo, xây chùa "Hoan hỷ" (3).

Điều này hoàn toàn phù hợp với lời kinh. Kinh Không Hành Bí Mật cũng thọ ký:

- Văn Thù Sư Lợi hiệu Hiền Huệ, sẽ giảng thuyết giáo pháp thậm thâm hy hữu.

Câu này thọ ký rõ ràng là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi sẽ thị hiện thân phàm phu, với pháp danh là Hiền Huệ (4), sẽ cống hiến mọi sức lực để hoằng dương chánh giáo của đức Như Lai.

Đại sư Tông Khách Ba xuất gia vào năm bảy tuổi. Bấy giờ, Đại sư được Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết đặt pháp hiệu là Hiền Huệ. Sau này, Đại sư trùng hưng chấn chỉnh Chánh pháp, khiến Phật giáo Tây Tạng đi vào chánh lộ suốt hơn sáu trăm năm. Do đó, chứng minh rằng Đại sư Tông Khách Ba chính là hóa thân của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.

Ở Ấn Độ, Luận sư Nguyệt Xưng thọ ký cho Luận sư Đại Minh Đỗ Quyên:

- Đại sư Tông Khách Ba vốn là hóa thân với đức tướng Tỳ kheo của đại Thánh Văn Thù Sư Lợi. Vì muốn cứu độ chúng sanh, nên Đại sư tùy thuận theo ý thích của họ mà hiện tướng xuất gia. Ông cũng nên phát nguyện vãng sanh sang đó (5), y theo Đại sư Tông Khách Ba mà hoằng dương Chánh pháp.

Lần nọ, các vị đại Luận sư như Đề Bà, Phật Hộ, Tĩnh Thiên cũng hiện thân vì Luận sư Đại Minh Đỗ Quyên mà thọ ký:

- Trong vùng biên địa của núi Tuyết Sơn có đức chí tôn Tông Khách Ba (6) trụ trì giáo pháp của đức Như Lai. Ông vốn là người được Đại sư (Tông Khách Ba) hóa độ. Vậy hãy nên phát nguyện đến dưới tòa, y theo Đại sư tu tập các loại tâm yếu.

Sau này, Luận sư Đại Minh Đỗ Quyên vãng sanh làm đệ tử thượng thủ của Đại sư Tông Khách Ba với danh xưng là Khắc Chủ Kiệt.

Điều này chứng minh rằng Bồ tát Văn Thù thị hiện tướng xuất gia tại vùng biên địa của núi Tuyết Sơn, để hoằng dương Chánh pháp. Danh tự của Bồ tát là "Tông Khách Ba.”

Tại Ấn Độ, vào một đêm nọ, Luận sư Đại Minh Đỗ Quyên mộng thấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi chỉ dạy:

- Chúng sanh nơi vùng biên địa vì vô minh che mờ nên tạo bao nghiệp ác, khiến bị trôi lăn mãi trong biển khổ sanh tử. Ta vì muốn giúp họ đắc đạo Giải thoát, chứng được quả vị nhất thiết trí, và tùy theo ý nguyện của họ, mà thị hiện tướng xuất gia. Ông vốn là người được Ta hóa độ; hãy nên phát nguyện vãng sanh qua xứ đó.

Lần nọ, Bồ tát Di Lặc hiện thân bảo Ngài Khắc Chủ Kiệt (7):

- Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hoằng dương Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni tại cõi Diêm Phù Đề, khiến mặt trời Trí tuệ xuất hiện. Đại sư Tông Khách Ba vốn là hóa thân của Bồ tát (Văn Thù), giáng sanh tại vùng Tuyết Sơn (8). Ông nên phát nguyện đến đó, để hoằng dương pháp của Bồ tát.

Những lời thọ ký đều giống như thế, tức thuyết rằng Bồ tát Văn Thù thị hiện thân tướng xuất gia để hộ trì Chánh pháp của Phật Thích Ca.

Vì muốn hóa độ chúng sanh, Bồ tát Văn Thù quyền thiết hiện thân làm trưởng tử của chư Phật mà thành tựu nhân vị Bồ tát. Thật ra, bất luận đời quá khứ hiện tại hay vị lai, Bồ tát Văn Thù vốn đã đạt được quả vị Phật. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam muội viết:

- Trong đời quá khứ, trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có đức Phật hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương. Cách thế giới này về phía Nam, khoảng một ngàn cõi Phật, có cõi nước hiệu là Bình Đẳng... Đức Phật kia thọ mạng bốn trăm bốn mươi vạn tuổi. Đức Phật Long Chủng Thượng Tôn Vương ở thế giới Bình Đẳng có ai xa lạ đâu! Chính là Văn

Thù Sư Lợi pháp vương tử.

Kinh Ương Quật La viết:

- Bấy giờ, Phật bảo vua Ba Tư Nặc rằng qua khỏi cõi này về hướng Bắc khoảng bốn mươi hai hằng hà sa cõi nước có thế giới tên là Thường Hỷ. Đức Phật hiệu là Hoan hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích Như Lai, đang giáo hóa tại cõi đó... Đức Như Lai đó có ai khác đâu! Ngài chính là Văn Thù Sư Lợi.

Kinh Bảo Tích viết:

- Lúc Văn Thù Sư Lợi thành Phật, Ngài có hiệu là Phổ Kiến.

Y cứ theo các Kinh điển ở trên, đại Thánh Văn Thù Sư Lợi đã thành Phật trong đời quá khứ với danh hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương; hiện tại thành Phật với danh hiệu là Hoan hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích; vị lai sẽ thành Phật hiệu là Phổ Kiến.

Lại nữa, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi không những là Phật, mà còn là Thầy của ba đời chư Phật. Kinh Tâm Địa Quán thuyết:

- Ba đời Ngài Diệu Kiết Tường (9) vốn là mẹ của chư Phật đại giác.

Kinh Phật Thuyết Phóng Bồn thuyết:

- Hiện tại Ta đắc được quả vị Phật, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần tôn quý, độ mười phương chúng sanh, đều do ân đức của Văn Thù Sư Lợi. Trong đời quá khứ, vô số chư Phật đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi. Chư Phật trong đời tương lai cũng nhờ ân đức oai thần lực của Văn Thù Sư Lợi mà thành Chánh giác. Ví như trẻ con có cha mẹ, Văn Thù Sư Lợi chính là cha mẹ trong Phật đạo.

Những lời kinh ở bên trên đủ chứng minh rằng hóa thân của Bồ tát Văn Thù, tức là Đại sư Tông Khách Ba, vốn đã thành Phật trong vô lượng kiếp về trước.

Vào thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, Đại sư Tông Khách Ba vốn là một đồng tử. Đồng tử này đã từng cúng dường lên đức Phật Thích Ca một tràng chuỗi hạt bằng lưu ly, rồi được đức Phật ban cho một chiếc pháp loa. Đức Phật Thích Ca lại bảo Tôn giả A Nan rằng đồng tử này về sau sẽ vãng sanh qua nước Tuyết Sơn (10), kiến lập một Đại tùng lâm, cúng dường một vương miện lên tượng Phật ở Lạp Tát. Về sau, quả như lời Phật thọ ký, chiếc pháp loa đó được tìm thấy vào lúc xây chùa Cách Đăng (11); đến năm 1959 vẫn còn thấy chiếc pháp loa này ở chùa Triết Bang. Một vương miện được Đại sư cúng dường lên tượng Phật Thích Ca ở Lạp Tát vào dịp đại pháp hội tháng giêng năm 1409. Đức Phật Thích Ca cũng thọ ký danh hiệu cho đồng tử đó là Tu Ma Đế Xưng (12).

Sau đức Phật nhập diệt hơn một ngàn năm, Đại sĩ Liên Hoa Sanh đã từng thọ ký rằng một vị Đại sư tên là La Tang Trát Ba Cụ (13) sẽ giáng sanh gần vùng biên giới Tây Tạng-Trung Quốc. Vị Đại sư này sẽ đắc được hóa thân viên mãn, và được xem là một vị đại Bồ tát.

Tây Tạng vốn là miền đất thần bí linh địa, nằm ngay trên rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, là mái nhà thiên nhiên của quả địa cầu, và là cõi Tịnh độ ở nhân gian. Tây Tạng vốn do những dãy núi cao vút nhất trên thế giới kết hợp lại mà thành. Nội cảnh Tây Tạng có tầng tầng lớp lớp núi cao chót vót. Từng lớp băng tuyết đóng phủ trắng xóa quanh năm trên những đỉnh núi ngàn, nên có danh hiệu là Tuyết Quốc hay Tuyết Sơn. Trong kinh Phật nói về vùng biên địa của núi Tuyết Sơn, chính là Tây Tạng.

Cách đây hơn sáu trăm năm, Đại sư Đại Y Hỗ Chủ Tông Khách Ba giáng sanh tại vùng Tông Khách, gần tỉnh Tây Ninh ở Thanh Hải (14), thuộc lãnh thổ Tây Tạng. Từ đời Đường, dân chúng Tây Tạng thường gọi vùng đó là Tông Khách (15), nghĩa là Tông Thủy Ngạn Biên. Vì tôn sùng nên dân chúng Tây Tạng không dám gọi thẳng pháp hiệu của Đại sư mà gọi là "Tông Khách Ba" (16).

Gia tộc của Đại sư thật rất cao quý. Từ bên nội tộc cho đến ngoại tộc, trải qua bao đời, đều không có ai xấu xa tệ hại.

Người cha tên là Lỗ Bố Mộc Cách (Klu-bun-dge). Ông vốn là một vị quan của triều Nguyên; ông có đức tánh nhân từ, Trí tuệ hơn người, tâm hằng cung kính ngôi Tam bảo Phật Pháp Tăng. Do hiểu rõ đạo lý Nhân quả, đầy đủ lực dũng mãnh, nên trong một thời gian ngắn ông thành tựu được bảy loại công đức: Thứ nhất là có tín tâm vào Chánh pháp. Thứ hai là nghiêm trì Giới luật tại gia. Thứ ba là có tâm Hỷ xả. Thứ tư là hiểu biết Chánh pháp. Thứ năm là có tâm hổ thẹn. Thứ sáu là có tâm biết xấu hổ. Thứ bảy là có Trí tuệ sáng suốt. Mỗi ngày, ông trì tụng kinh Văn Thù Chân Thật Danh không hề gián đoạn. Đối với các loại công đức thù thắng của Bồ tát Văn Thù, ông hằng tâm cung kính hoan hỷ.

Người mẹ tên là A Kiếp (A-Ckos), vốn là vị có âm thanh thanh thoát. Tâm địa của bà thuần lương, và là một vị hiền thê; bà chẳng có tâm ghen ghét đố kỵ, cùng chẳng có những lỗi lầm như các phụ nữ khác. Đối với những kẻ không nhà cửa không nơi nương tựa, bà thường khởi tâm thương xót, luôn hết lòng an ủi và tìm cách giúp đỡ họ. Ngày ngày bà thường lễ Phật, trì tụng sáu chữ đại minh chú của Bồ tát Quán Thế Âm, tinh tấn giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý cho được thanh tịnh, không hề giải đãi.

Trong nhà có sáu anh em mà Đại sư là người thứ tư. Thân bằng quyến thuộc rất nhiều, ước chừng hơn một ngàn người. Trong gia tộc, ai ai cũng tín phụng Phật pháp. Người phát tâm xuất gia cũng không ít.

Đêm nọ, vào năm 1356, sau khi đọc tụng xong kinh Văn Thù Chân Thật Danh, người cha bình thản nằm nghỉ trên giường. Bấy giờ, trong lúc ngủ mê, ông mộng thấy một vị Tỳ kheo tiến bước vào nhà. Pháp tướng của vị tăng đó thật phi thường trang nghiêm. Y ca sa quấn trên thân chiếu sáng. Chiếc quần cũng rất đặc biệt, vì dùng lá cây ở cõi trời Đao Lợi mà bện thành. Vừa nhìn qua, trông thấy như lụa vàng. Trên lưng có mang kinh Phật. Vị này bảo rằng từ núi Tây Ngũ Đài ở Trung Quốc đến, và muốn ngủ nhờ qua chín tháng. Nói xong, vị tăng đó bèn tự đi lên lầu các, tiến vào chánh điện Phật. Hôm sau, vừa thức dậy, người cha tự nhủ: "Núi Ngũ Đài vốn là đạo tràng của Bồ tát Văn Thù. Vị tăng trong mộng lại bảo rằng từ núi Tây Ngũ Đài đến. Đó chẳng phải là điềm Bồ tát thọ ký rằng trong tương lai mình sẽ sanh ra một bé trai thông minh tài trí thù thắng phi thường sao!"

Tuy mộng thấy điềm lành như thế, người cha không hề lưu tâm và cũng chẳng nói cho ai biết. Ngày ngày ông vẫn tiếp tục khẩn thành tụng kinh, tinh tấn tu tập, gieo trồng phước báu. Chẳng bao lâu, người cha lại mộng thấy thêm một điềm lành. Trong mộng, ông thấy một chày Kim cang bảo xử sáng ngời, từ trên hư không bay xuống, cuối cùng nhập vào bụng của người vợ. Theo truyền thuyết, chày Kim cang bảo xử vốn là pháp khí của Bồ tát Kim cang Quyền Thủ (Vajrapani), và được phóng đến từ nước Duyên Diệp. Tỉnh dậy, người cha vừa run sợ vừa vui mừng, tự nhủ: "Bồ tát Kim cang Quyền Thủ đầy đủ oai thần lực, thường hàng phục tà ma ngoại đạo. Bồ tát là một vị đại hộ pháp của ba đời chư Phật. Sự ứng hiện này phải chăng Bồ tát muốn thọ ký cho mình rằng sẽ sanh hạ một nam tử đầy đủ đại oai lực chăng!"

Trong năm đó, người mẹ cũng mộng thấy một điềm lành. Trong mộng, bà ta thấy mình cùng với hàng vạn thiên nữ ngồi nơi một khu công viên hoa thơm cỏ lạ. Đột nhiên, từ phía Đông xuất hiện một đồng tử mặc y phục trắng sáng ngời (17), và tay cầm tịnh bình. Từ bên phía Tây xuất hiện một đồng nữ mặc y phục đỏ thắm, tay phải cầm một lông chim khổng tước, tay trái cầm một tấm kiếng lớn. Đồng tử mặc y trắng bèn chỉ tay đến một thiên nữ mà hỏi đồng nữ mặc y đỏ thắm:

- Vị này được không?

Đồng nữ lắc đầu. Đồng tử chỉ tay đến một thiên nữ khác, rồi lại hỏi:

- Vị này được không?

Đồng nữ lại lắc đầu. Cứ như thế, đồng tử lần lượt chỉ tay đến hết các thiên nữ, rồi tiếp tục hỏi. Đồng nữ cũng lắc đầu. Cuối cùng, đồng tử chỉ tay đến bà ta (18), hỏi:

- Vị này có được không?

Bấy giờ, đồng nữ lộ vẻ mặt vui mừng hớn hở, đáp:

- Vị đó có thể được!

Đồng tử bèn bảo bà ta:

- Bà nên tắm rửa!

Nói xong, đồng tử vừa đổ nước trong tịnh bình lên đầu của bà ta, vừa đọc tụng bài kệ tắm Phật không ngừng nghỉ. Sáng hôm sau, tỉnh dậy bà ta cảm thấy thân thể vô cùng khinh an nhẹ nhàng, không thể diễn bày.

Qua một thời gian, dân chúng trong làng cũng mộng thấy những điềm lành tương tự. Trong mộng, họ thấy rất nhiều vị tăng với tướng mạo phi phàm, ngưỡng thỉnh tượng Phật Thích Ca từ Lạp Tát (19) trở về thôn làng, an trí trong chánh điện Phật nhà của cha mẹ Đại sư (20).

Từ đó, chung quanh chánh điện Phật trong nhà của cha mẹ Đại sư thường xuất hiện những điềm lành kỳ lạ. Ví dụ, trong chánh điện thờ Phật, lắm khi có cầu vòng xuất hiện trên hư không. Thỉnh thoảng trên hư không hiện ra những cánh hoa đẹp dị thường. Đôi khi, có mùi hương lạ tỏa khắp ngôi chánh điện. Đôi lúc, có trống trời, nhạc trời vang lừng. Lắm lúc, đất đai chấn động. Đất bên Đông nhồi lên, mà đất bên Tây chẳng có. Đất phía Nam nhồi lên mà đất ở phía Bắc chẳng có. Đất đai bốn bên đều chấn động không đồng; trong hư không lại phát ra vô lượng âm thanh của sư tử rống.

Vào đêm mồng mười tháng giêng năm 1357, bà mẹ lại thấy một điềm mộng lành vi diệu. Trong mộng, bà thấy vô số tăng tục nam nữ nhiều không thể kể xiết. Có người cầm tràng phan. Có người đánh trống thổi nhạc. Có người mang các cúng phẩm vi diệu thù thắng; họ đồng tụ tập trên một quảng trường, thành khẩn nói:

- Cung nghinh Bồ tát Quán Thế Âm.

Chốc lát, bà ta thấy không có gì thay đổi; ngước nhìn lên bầu hư không, bà ta thấy trên án mây cao xuất hiện một vị Phật thân tướng sắc vàng, hào quang sáng chói như vầng thái dương, chiếu khắp đại địa. Trong miệng của đức Phật tuyên thuyết nhiều loại pháp âm. Vô số thiên tử cùng thiên nữ vây nhiễu quanh Phật tựa như các tinh sao vây quanh ánh trăng rằm, thị hiện những điềm lành trang nghiêm viên mãn. Chẳng bao lâu, thân sắc vàng của Phật từ từ thu nhỏ lại, rồi cuối cùng nhập vào thân bà. Thiên tử, thiên nữ, cùng những người nghinh tiếp cũng hóa thành một luồng ánh sáng nhỏ, nhập vào bụng bà ta. Đồng thời, những âm thanh tụng tán bằng tiếng Phạn không ngừng phát ra từ hư không.

Tỉnh dậy, bà ta kể lại điềm lành cho ông chồng nghe. Ông ta bảo:

- Điềm mộng lành này, hiển thị rằng bà sẽ sanh hạ một đứa bé trai đầy đủ tâm đại Từ bi vô lượng. Tương lai, chắc sẽ hộ trì Chánh pháp của đức Như Lai, hàng phục tà ma ngoại đạo, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Từ lúc mộng thấy điềm lành thọ thai, cuộc sống sinh hoạt của người mẹ không còn giống như những phụ nữ bình thường. Ngày ngày, bà thường sống trong những cảnh giới thanh tịnh: Không phiền não, không tham dục, và không ghen ghét đố kỵ. Bà không thích đến những nơi chợ búa ồn ào, mà thường ở trên chánh điện lễ Phật, tụng trì sáu chữ đại minh thần chú.

Dần dần, bà mẹ đến ngày mãn nguyệt lâm bồn. Đêm 28 tháng 10, năm 1357, hư không bốn bề tịch tĩnh vắng lặng, người mẹ thư thả thong dong, nằm trên giường. Vừa chớp mắp, bà chợt mộng thấy có rất nhiều người xuất gia, tay cầm nhiều loại pháp khí và thực phẩm cúng dường, từ từ tiến vào nhà, hỏi:

- Xin hỏi chánh điện Phật tại chỗ nào?

Bà ta chợt thấy đồng tử mặc y trắng, tay cầm chìa khóa bằng thủy tinh, đứng kế bên thưa rằng:

- Chánh điện Phật ngay tại nơi này!

Đồng tử vừa nói, vừa dùng chìa khóa bằng thủy tinh, mở miệng của bà ta, thành một cánh cửa màu vàng nho nhỏ, rồi cung thỉnh tượng Phật thân vàng, từ bên trong xuất ra.

Tượng Phật có dính chút bụi than. Một đồng nữ bèn dùng nước trong tịnh bình rửa sạch, rồi lấy lông chim khổng tước quét khô sạch. Sau đó, đồng nữ ca xướng tán thán bằng những âm thanh tịnh vi diệu dịu hoà. Các vị tăng nhân mang đồ cúng dường khi trước, cũng đứng một bên mà khẩn thành chúc tụng. Có những vị tăng đảnh lễ trước tượng Phật. Có những vị tăng đi nhiễu Phật mà trì tụng danh hiệu Phật không ngừng.

Vừa tỉnh cơn mộng, người mẹ an lành hạ sanh ra Đại sư, với những điềm lạ hiển hiện thật phi thường. Bấy giờ, ở phương Đông xuất hiện một loại cá bụng trắng. Kim Tinh ở trên hư không chớp lòe ánh sáng vi diệu. Những điềm này báo hiệu Đại sư trong tương lai sẽ tẩy trừ vô minh cho chúng sanh, ví

như vầng mặt trời phá tan đêm dài tăm tối.

Đại sư vừa giáng sanh, bà mẹ bèn để y quấn thai nhi xuống đất. Nơi đó, đột nhiên sanh ra một cây chiên đàn màu trắng, cành lá xum xuê, cả trăm ngàn nhánh. Lá cây thật rất kỳ dị. Mỗi lá cây đều tự có tượng Phật sư tử hống, hoặc năm chữ Văn Thù. Dân chúng thấy thai y biến thành một tàng cây, nên vừa sợ vừa hoan hỷ vạn phần. Họ lại thấy trên lá cây có tượng Phật và chú Đà la ni, nên đều cho là việc không thể nghĩ bàn. Vì vậy, ai ai cũng gọi tàng cây đó là "Cổ Lai Chiên Đàn" (21).

Về sau, vì nhớ công đức của Đại sư, và muốn trồng phước điền, nên ngay bên cạnh tàng cây đó, Phật tử Tây Tạng kiến lập một ngôi chùa, đặt tên là Cổ Bổn. Ngôi chùa đó, hiện tại là một trong sáu ngôi chùa lớn nhất của phái Hoàng giáo, tức là chùa Tháp Nhĩ, vang danh khắp Tây Tạng và hải ngoại.

Dân làng nghe tin Đại sư vừa giáng sanh, thì hớn hở vui mừng, tranh nhau tụ tập trong nhà của cha mẹ Đại sư. Bấy giờ, ai ai cũng đều chăm chú ngắm nhìn tướng hảo oai nghiêm viên mãn của Đại sư.

Sắc mặt của Đại sư thật rất tôn nghiêm. Chung quanh thân trong suốt như lưu ly, phảng phất tỏa ra ánh sáng sung mãn. Đôi mắt rộng dài thanh tịnh trong sáng, da thịt mịn màng, mũi cao thẳng đứng, môi hồng dầy chắc, lỗ tai dài, trán rộng bằng phẳng như đảnh của bảo cái, tay chân tròn trỉnh bụ bẫm. Tướng hảo trang nghiêm tựa như trăng rằm mùa Thu tỏa sáng trên hồ sen thanh tịnh.

Người người nhìn thấy tướng hảo của Đại sư đều sanh tâm an lạc tịch tĩnh, không còn phiền não.

Năm 1357, vào đêm nọ, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (22) mộng thấy bổn tôn Đại Oai Đức Kim cang (23) đột nhiên thị hiện. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết vui mừng vô hạn, lập tức chí thành chúc tụng Bổn Tôn, rồi thỉnh cầu vị này đến chỉ dạy. Bổn Tôn bèn xoay mình chuyển hướng về phía vùng Tông Khách, bảo:

- Năm nay, Ta sẽ đến vùng đó. Tại đây, Ngươi hãy tu hành an lạc.

Nói xong, Bổn Tôn liền biến mất. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết không biết ý nghĩa chân thật của điềm mộng đó như thế nào, vội nhập vào Tam ma địa (24), dùng lực Thần thông để quán sát nhân duyên đời vị lai, nên mới hiểu rõ điềm lành đó. Biết rõ Đại sư Tông Khách Ba vừa mới giáng sanh, thì ngày thứ hai Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết liền phái một vị đệ tử tại gia giữ giới hạnh thanh tịnh, dùng nước cam lồ hòa với bột nấu thành thức ăn, cùng mang một tôn tượng Phật Đại Oai Đức Kim cang, đến nhà của Đại sư mà chúc mừng.

Quốc sư Cát Mã Ba Nhiêu Tất Đa Kiệt (25). Năm 17 tuổi, do nhận lời mời của vua Mông Cổ là Nguyên Thuận Đế, Quốc sư rời Tây Tạng lên đường sang Trung Thổ. Khi đi qua vùng Tây Ninh, Quốc sư gặp chú bé Tông Khách Ba lên ba tuổi trên tay người cha bồng ra nghinh đón; chú bé lộ vẻ thông minh lanh lợi hoạt bát trông rất dễ thương.

Quốc sư thấy Đại sư Tông Khách Ba tướng hảo phi phàm như thế, nên đặc biệt đến nhà truyền năm giới cấm, cùng ban cho pháp danh là Cống Cát Ninh Bố (26). Lúc sắp đi, Quốc sư thọ ký:

- Vị Thánh nhi này trong tương lai sẽ hộ trì Chánh pháp của Như Lai tại Tây Tạng, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, và được tôn xưng là đức Phật thứ hai.

Sau này, người Tây Tạng và Mông Cổ đều tôn xưng Đại sư Tông Khách Ba là "Đệ Nhị Năng Nhân", chính là phù hợp với lời thọ ký của Quốc sư Cát Mã Ba.


Chương II: Vị Tỳ kheo Nghiêm Trì Giới luật Cẩn Mật và Đại Hành Giả Lỗi Lạc Chân Tu Thật Chứng Có Trí Tuệ Quảng Đại, Bác Học Đa Văn.

Lúc Đại sư được ba tuổi, người cha thỉnh mời Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (Dhondup Rinchen) đến nhà thọ trai. Nào ngờ, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết mang đến tặng gia đình Đại sư cừu ngựa và rất nhiều tài vật khác, cùng xin để Ngài giáo huấn và nuôi dưỡng Đại sư luôn. Được biết Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết vốn là một vị đại thành tựu, nếu con mình được Ngài dạy bảo thì bội phần lợi ích, nên thân phụ Đại sư hoan hỉ nhận lời. Từ đó cho đến năm mười bảy tuổi, Đại sư hoàn toàn y theo Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết mà tu học Hiển-Mật giáo pháp.

Thiên tánh của Đại sư vốn thông minh mẫn tiệp, siêu quần bạt chúng (1). Đối với tất cả Kinh điển chưa từng học tập, chỉ cần suy gẫm đôi chút là đọc tụng trôi như nước chảy, không có ngăn ngại. Thấy rõ như thế, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết rất vui mừng. Để giúp cho Trí tuệ của Đại sư sớm được khai mở, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết đặc biệt truyền dạy Văn Thù Ngũ Tự Minh cùng pháp Diệu Âm Thiên Nữ.

Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết biết rõ Đại sư sau này nhất định sẽ chứng quả Bồ đề, chuyển đại pháp luân, tức là trở thành bậc đại y vương trong Phật giáo, và được chúng sanh nương tựa quy y. Vì vậy, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết nhất tâm nhất ý dạy dỗ, hỗ trợ Đại sư; bất luận Hiển giáo hay Mật giáo, đều truyền dạy hết. Do đó, lúc vào Tây Tạng, Đại sư đã có đủ tư lương của ba môn văn, tư, tu, để làm nền tảng cho sự tu học thành công sau này.

Về sau, mỗi lần nhớ đến ân đức của Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết, Đại sư rơi lệ nói:

- Ân đức của Tôn sư Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết thật thâm sâu vô cùng. Lòng từ ái của cha mẹ làm sao sánh bằng!

Đại sư được ví như một đóa hoa Ô Ba Lạp hy hữu xuất hiện trên thế gian. Những trẻ em đồng lứa, thường thích nô đùa chơi giỡn. Tuy nhiên, Đại sư lại thích ở những nơi tịch tĩnh. Những trò chơi của chúng bạn không thể lôi kéo được Đại sư. Tánh khí thoát tục, thái độ trang nghiêm, Đại sư tựa hồ như đang sống tại một cảnh giới phi phàm. Thường thường, Đại sư im lặng tĩnh mặc, ngồi Thiền yên tịnh suốt cả ngày. Tuy nhiên, một khi mở lời thì nói thao thao bất tuyệt, hàm chứa đầy đủ Trí tuệ vô biên.

Lòng đại Từ bi của Đại sư xuất phát từ nội tâm, như suối nguồn chảy vô tận. Mỗi lần thấy ai bị khổ nạn, tâm của Đại sư đau xót như thân bị dao cắt. Nếu có đủ khả năng, Đại sư nhất định giúp đỡ hết mình. Nếu vượt ngoài khả năng, Đại sư cũng khẩn thành phát nguyện, hết lòng hồi hướng cho họ.

Đại sư cung kính Tam bảo, có thể bảo rằng tự phát xuất từ bẩm tánh, chứ không do ai dạy bảo chỉ dẫn.

Thời niên thiếu, đối với những việc ở thế tục, Đại sư cảm thấy rất chán chường. Sống nơi nhà thế tục ví như thân bị giam trong lao tù, hầm lửa, hang rắn, nên không có chút an lạc. Tất cả mọi việc trong ba cõi đều là Khổ, Không, Vô thường, dễ tan hoại. Đối với thế gian Vô thường hư huyễn như sấm chớp chợt tụ chợt tán, Đại sư luôn luôn có bầu nhiệt huyết cầu mong xuất ly ra khỏi. Đại sư lại cảm thấy thế gian là nơi có bao đau khổ thống thiết vô tận. Chúng sanh bị năm món dục lạc làm mê mờ nên khiến gây bao tội ác. Càng đuổi theo năm món dục để hưởng thụ, thì càng bị rơi vào hố sâu khổ ải. Tham ái vốn là nguyên nhân, và là cội nguồn khiến gây nên biết bao tội ác. Vì vậy, muốn tránh mọi đau khổ, thì phải đoạn trừ tham ái. Muốn đoạn trừ tham ái, thì phải xả bỏ ân ái tạm thời ở thế gian mà xuất gia tu đạo. Mười phương ba đời chư Phật cũng do xuất gia mà chứng đạo Bồ đề Vô thượng.

Do đó, Đại sư khất cầu cha mẹ cho phép xuất gia tu học. Vì tuổi quá nhỏ, nên ước nguyện chưa thành.

Chưa đến bảy tuổi, Đại sư đã được Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết truyền cho pháp Đại Oai Đức Kim cang, Thắng An Lạc Luân, Hoan hỷ Kim cang, Kim cang Thủ, v.v... cùng các pháp quán đảnh khác, và ban cho mật hiệu là Bất Không Kim cang (2). Được pháp quán đảnh xong, Đại sư y như pháp mà tôn thủ tất cả Giới luật của Mật thừa, giống như giữ gìn tròng con mắt, chẳng hề phạm giới nhỏ nhặt nào. Trong thời gian ngắn, Đại sư đã nhớ hết các pháp Thắng Lạc Luân Kim cang, Hỷ Kim cang, Đại Oai Đức Kim cang, cùng những nghi thức bí mật. Ngày ngày Đại sư đều tu trì, không hề gián đoạn. Những pháp Bổn Tôn khác, Đại sư cũng lần lượt tinh cần tụng niệm, mà không bỏ qua.

Bấy giờ, tuy tuổi còn nhỏ, Đại sư đã có khả năng tư duy đúng như giáo lý, và phát tâm đại Bồ đề. Lúc tu trì, Đại sư luôn nhất tâm bất loạn, chú ý tập trung tinh thần, tin tưởng kiên cố chắc thật vào Bổn Tôn, và khẩn thiết cầu nguyện. Tu tập tâm chú Văn Thù (ngũ tự minh) chẳng bao lâu, trên bảng đá trong phòng của Đại sư có rất nhiều chữ (ngũ tự minh) hiện lên rõ ràng, uyển chuyển như được viết.

Năm Đại sư lên bảy tuổi, hai vị Bồ tát Tý Kim cang thường thị hiện trong mộng. Tôn giả A Để Sa (Atisa, 982-1054) vốn là bậc Đại sĩ mà người Tây Tạng hằng quy kính, cũng hiện thân dạy đạo cho Đại sư. Về sau, lúc vào Tây Tạng cầu tu học, Đại sư đặc biệt đến lễ bái tượng của Tôn giả A Để Sa, và nhìn thấy tôn tượng thật giống như vị Tôn giả thị hiện trong mộng. Đây là điềm dự báo rằng về sau Đại sư sẽ phát huy giáo pháp của Tôn giả A Để Sa.

Do được nguyện ước xa rời ân ái thôi thúc mãnh liệt, có đầy đủ Trí tuệ thâm sâu, có tâm chán chường việc thế tục, cùng có khả năng làm lợi ích cho chúng sanh và khiến Phật pháp được trụ thế lâu dài, nên Đại sư không ngừng hướng đến chư vị Tôn sư, Bổn tôn, Tam bảo nhất tâm cầu khẩn, với niềm hy vọng rằng nhân duyên xuất gia sẽ sớm được thành tựu.

Y theo Ngài Giáo thọ A xà lê Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (3), Đại sư chánh thức thọ mười giới Sa di, với pháp hiệu là Hiền Huệ, danh xưng là Kiết Tường, tiếng Tây Tạng gọi là La Tang Trát Ba Cụ (Losang Drapa). Thọ giới Sa di xong, cho dầu tánh giới hay giá giới, Đại sư đều cẩn trọng phòng hộ, thọ trì không phạm. Thời thời khắc khắc, nơi tất cả hành vi, tâm hằng xa rời tham ái sanh tử, nên chóng trở thành một vị xuất gia phạm hạnh chân chánh thanh tịnh.

Hơn mười năm, Đại sư y theo Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết tu học đa văn. Mỗi bộ luận Đại sư đều học thấu suốt thâm sâu. Tuy nhiên, với Trí tuệ bao la như biển cả, Đại sư không cảm thấy sự tu học đó là đủ. Ngày nọ, Đại sư suy nghĩ: "Đức Thế Tôn dạy bảo chúng ta không ngoài hai việc. Thứ nhất, đọc tụng Kinh điển, rồi nghiền ngẫm tư duy. Thứ hai, phải tu định để đoạn các lậu hoặc. Trong hai loại này, văn và tư đứng đầu tiên. Nhưng, muốn đắc được văn và tư thì nhất định phải thân cận các vị thiện tri thức. Nhờ sự giảng giải của các vị thiện tri thức mới có thể hiểu rõ không lầm lạc về yếu chỉ của tất cả kinh luật luận. Nếu không hiểu chỗ nào, phải cùng chư đại Luận sư biện biệt việc chân giả, thì mới quyết định có kiến giải đúng đắn chân thật. Do đó, lúc tu học tất cả Kinh điển tuyệt đối không thể có một chút hiểu biết sai lầm. Sau khi hiểu rõ tất cả giáo pháp của đức Thế Tôn, mới y theo đó mà tuần tự tu học.

Nếu không tu học như thế, mà chỉ y theo kiến giải lệch lạc của mình, rồi tùy tiện giải thích xuyên tạc Kinh điển, hoặc chỉ y vào một đoạn hay một câu kinh mà tự nhắm mắt tu mù theo, thì làm sao thành tựu? Ví như kẻ mù muốn lên đến đảnh núi cao chót vót. Ai dám bảo đảm rằng hắn sẽ không bị té xuống vực sâu nguy hiểm.

Vì vậy, đối với người tu học Phật pháp, sau khi thông đạt hoàn toàn giáo lý Hiển-Mật, rồi mới tu tập các loại Thiền định. Nếu được như thế, mới tự tại bước trên đường Giải thoát.

Nếu muốn tu học Phật pháp, thì thắng địa Vệ Tạng (4) vốn là nơi lý tưởng bậc nhất, vì nơi đó bốn bề đều có Tuyết Sơn bao bọc, khí hậu trong bốn mùa điều hòa chẳng chênh lệch. Ngoài ra, Vệ Tạng vốn là vùng Phật giáo được phát triển sớm nhất. Thuở xưa, có rất nhiều vị đại Bồ tát đến đó kiến lập Chánh pháp. Sau này, chư đại thiện tri thức cũng hoằng dương không gián đoạn. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vị Đại đức có Trí tuệ cao siêu, và các bậc cao Tăng chứng đạo liễu đạt giáo pháp. Những điều kiện thuận lợi đó, dễ dàng giúp người cầu đạo sớm được thành tựu. Vì vậy, phải nên rời quê hương đến Vệ Tạng để tu học thêm nhiều kinh luận.

Đường đi từ Tông Khách đến Vệ Tạng thật xa xôi diệu vợi. Trên đường đi có nhiều ngọn núi cheo leo cao ngất ngưỡng, cùng vô số hang hố gập ghềnh, nên khách bộ hành thật vất vã cực nhọc. Tuy nhiên, nhớ lại thuở xưa, Bồ tát Thường Đề vì cầu pháp mà chịu đựng biết bao gian khổ. So với việc này, chẳng thấm vào đâu.

Bồ tát Thường Đề vì tầm cầu giáo pháp chân chánh, mà phải dầm mưa giãi nắng, ngủ ngoài đồng hoang núi vắng, nếm đủ tất cả khổ nhọc. Lắm khi, Ngài bị người ngoại quốc trêu cười, chửi mắng, hoặc đánh đập. Đôi khi, Ngài lại bán thân làm nô lệ để sống qua ngày. Ngài đã từng ghi nhớ hết những lời dạy quý báu của các bậc Tôn sư. Nơi thiếu giấy bút, Ngài dùng dao cắt tay lấy máu để viết lại những lời giáo huấn. Ai ai cũng đều biết rằng một khi móc tim ra thì chắc chắn sẽ chết. Nhưng, vì cầu pháp, Ngài dũng mãnh móc tim ra. Do Ngài nhất tâm tinh tấn cầu pháp, phá được nhiều nghịch duyên chướng ngại, nên cuối cùng đạt đến cảnh giới cao quý cùng tột, và thành tựu đạo quả tối thù thắng.

Bồ tát Thường Đề là tấm gương tốt cho Ta noi theo. Để tầm cầu Chánh pháp, Ta thầm nguyện học theo tinh thần dũng mãnh tinh tấn đó. Dẫu chông gai đầy cả mặt đất, khiến máu đổ lan tràn cả thân, cho đến lúc máu khô tủy cạn, nếu chưa đạt được sở nguyện, thì quyết chẳng dừng nghỉ.”

Suy nghĩ như thế, Đại sư lập tức phát khởi đạo tâm kiên cố như Kim cang, quyết định đến Vệ Tạng tham học. Kế đến, Đại sư tỏ bày tường tận ước nguyện tới Vệ Tạng tu học, cho Thầy Giáo thọ nghe. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết đầy đủ lực Thần thông, biết rõ nhân duyên đến Vệ Tạng của Đại sư đã thành thục, nên vui mừng khích lệ.

Năm mười sáu tuổi (1372), như ngỗng chúa vượt ao sen, Đại sư vui mừng hướng tâm đến Vệ Tạng. Trước khi lên đường, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết hỏi:

- Này Hiền Huệ! Hiện tại Ta muốn truyền cho ngươi một giáo pháp. Vậy ngươi muốn điều gì?

Đại sư thưa:

- Con mong muốn được Thầy truyền cho giáo pháp nào hỗ trợ mạnh mẽ nhất trong việc tu tâm.

Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết bèn nhập Tam ma địa, dùng lực Thần thông quán sát tinh tường, rồi sau mới viết kệ, khai thị từng câu từng lời. Đại ý là đầu tiên phải học hết mọi pháp môn, rộng cầu văn, tư. Kế đến, phải y theo sự văn và tư mà tu học. Lại nữa, phải tu học hết nghĩa lý của giáo pháp. Cuối cùng, phải làm lợi ích cho loài hữu tình, để khiến Chánh pháp mãi trường tồn. Đại sư nhớ hết hoàn toàn những câu kệ đó mà không quên sót chữ nào.

Về chi tiết, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết dạy việc tu học phải theo trình tự. Trước tiên, phải học tập năm bộ luận do Bồ tát Di Lặc trước tác, như luận Hiện Quán Trang Nghiêm, luận Đại thừa Trang Nghiêm Kinh, luận Biện Trung Biên, luận Biện Pháp Tánh, luận Bảo Tánh. Kế đến, phải học bảy bộ luận nhân minh do Luận sư Pháp Xưng tạo, như luận Thích Lượng (5), luận Định Lượng, luận Chánh Lý Tích, luận Nhân Tích, luận Quán Tướng Chúc, luận Thành Tha Tương Tục, luận Tranh Chánh Lý.

Vì kỳ vọng hoàn toàn nơi Đại sư, nên Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết ân cần Từ bi dạy bảo:

- Do chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, cùng tội chướng của bổn thân, người tu hành ngay nơi sự nghiệp tự lợi và lợi tha, sẽ gặp ít nhiều chướng ngại. Vì muốn phá trừ chướng ngại để được thành tựu thuận lợi, phải nên tu học theo pháp của Bổn Tôn. Nếu muốn phá trừ ngoại ma nội chướng, phải thường tu trì pháp Kim cang Thủ. Muốn tăng trưởng Trí tuệ rộng sâu, phải tu trì pháp Văn Thù Ngũ Tự Minh. Muốn được thành tựu thuận lợi, phải tu trì pháp Tài Bảo Thiên Vương. Muốn tăng trưởng nhiều phước thọ lợi ích, phải tu trì pháp Vô Lượng Thọ Như Lai. Muốn trừ các sự phiền hà nhiễu loạn của nhân và phi nhân, cùng mong cầu được thành tựu tất cả sự nghiệp, phải tu trì pháp Ma Cáp Tồi Lạp. Đấy là những pháp Bổn Tôn của Ta. Hiện tại đều truyền trao hết cho Ngươi. Vì vậy, Ngươi nhất định phải y theo pháp mà tu trì liên tục, chớ nên gián đoạn!

Để tiễn đưa Đại sư, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân đặc biệt trần thiết một đàn tràng trang nghiêm, cùng đặt để rất nhiều cúng phẩm vi diệu thù thắng. Lúc cúng dường, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết nhập Tam ma địa, chí tâm thiết tha cầu khẩn tất cả chư Thánh chúng hộ pháp gia trì cùng cầu nguyện cho Đại sư được thành tựu tất cả sở nguyện. Cầu nguyện xong, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết dùng các hạt lúa xanh để cúng dường đàn tràng. Trong sát na, tất cả hạt lúa xanh biến thành những hạt trân châu, phóng hào quang sáng chói. Thấy việc này, Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết vui mừng bảo:

- Đây chính là điềm lành dự báo Hiền Huệ sẽ thành tựu đạo nghiệp, trở thành vị đệ nhị Năng Nhân.

Lúc Từ biệt, Đại sư thành tâm lễ bái cáo từ Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết. Tuy tình Thầy trò khắng khít khó cách ly, nhưng vì việc đến Vệ Tạng để tham học thật rất trọng đại, vì quan hệ đến sự thịnh suy của Phật giáo cùng lợi ích của chúng sanh, nên Đại sư không dám lưu luyến, mà chỉ chí thành phát nguyện rằng tương lai sẽ gặp lại vị Tôn sư tại cõi Tịnh độ.

Nghĩ đến thâm ân dạy dỗ hằng ngày của vị Tôn sư, Đại sư ưu sầu vô hạn và rơi lệ từ biệt. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết ân cần xoa đầu mà an ủi Đại sư. Thế rồi, cả hai Thầy trò đều rơi lệ, trân trọng chia tay.

Vừa cất bước lên đường, Đại sư vừa tụng kinh Văn Thù Chân Thật Danh. Nỗi niềm Thầy trò ly biệt mới từ từ lắng đọng. Mỗi lần xoay đầu trở lại, tuy không nhận rõ nơi trụ xứ của vị Tôn sư, nhưng trong tâm của Đại sư vạn phần đau xót, nên không thể chẳng nghĩ tưởng muốn trở về. Nhưng, Đại sư vẫn nỗ lực tụng đọc kinh Văn Thù Chân Thật Danh để dẹp trừ tâm lưu luyến.

Thật không thể nghĩ bàn! Vừa đọc tụng đến câu "những ai chẳng trở vào vòng Luân hồi thì sẽ không quay lại", thì trong lòng tự nhiên sanh khởi tín tâm kiên cố không lay chuyển, nên cứ một mực tiến bước. Phải chăng, đó là điềm dự báo, và hiển thị rằng Đại sư sẽ đoạn được ân ái thế gian, không còn quay về cố hương.

Khi ấy là mùa Thu năm 1373; Đại sư vừa được 17 tuổi. Nhân tiện tới chùa của Đại sư để hoằng pháp, Ngài Nhân Khâm Cụ (6) đã hướng dẫn Đại sư về chùa Chỉ Công trên đường đến Vệ Tạng.

Đến Xương Đô, họ dừng lại nghỉ qua đêm. Khuya hôm đó, Đại sư mộng thấy mười sáu Tôn giả cùng Ngài Ma Cát Tồi Lạp hiện thân gia trì.

Năm ngày sau, họ đến chùa Chỉ Công ('Drikung, hay 'Bri-khung) ở Tiền Tạng. Tại vùng Sư Y, ở chùa Chỉ Công Thế (7), Đại sư yết kiến đại pháp vương Kiếp Kiết Kết Bố (Chennga Chokyi Gyalpo), là một vị đại Lạt ma nổi danh vào đương thời của phái Chỉ Công thuộc chi phái Cát Cử. Dưới tòa của đại pháp vương Kiếp Kiết Kết Bố, Đại sư tu học nghi thức phát tâm Bồ đề (Bobhichitta), năm pháp đại ấn (Mahamudra), sáu pháp Na Nhã (Naropa), cùng các trước thuật của các đại Lạt ma thuộc hệ phái Chỉ Công.

Đại sư lại kết thân với các pháp hữu rồi khởi hành từ chùa Chỉ Công đi về hướng Tây, đến Cống Đường (8). Nơi đó, Đại sư theo vị đại y sư Cổn Kiếp Trát Hy (9), vị y chỉ sư tinh thông y thuật, để học tám loại sách y học do Bồ tát Mã Minh tạo, cùng tất cả lời chú thích của các vị y sư uyên thâm ở Ấn Độ và Tây Tạng, cùng thực tập tất cả thủ thuật lớn nhỏ. Chẳng bao lâu, Đại sư hoàn toàn thông đạt nghĩa lý huyền diệu thâm sâu, và viên mãn các phương tiện thiện xảo.

Lần nọ, thân thể của Đại sư bất an, nên cả chục danh sư cùng nhau đến chữa trị. Song, cách thức điều trị và dùng những loại thuốc nào, họ đều hỏi qua Đại sư. Do đó, họ có cơ hội theo Đại sư học về y dược. Thời gian sau, họ đều tán thán Đại sư không ngừng:

- Hiện nay, trong tất cả y sư ở Tây Tạng, tinh thông tường tận về y dược, không có ai qua được Pháp Vương Nhân Ba Thiết (10). Ngài chỉ cần giảng giải sơ lược về sự khác biệt của y dược cùng cách trị bịnh, mà đã vượt hơn những sở học xưa của chúng ta, và lại giúp chúng ta hiểu rõ tinh tường.

Qua lời này, chứng minh rằng đối với y thuật trong Ngũ minh, Đại sư đã thấu triệt tinh thông, đạt thiện xảo.

Trú tại Cống Đường chẳng bao lâu, vì muốn tu học những bộ luận do các vị đại Bồ tát trước tác như Di Lặc, Vô Trước, Long Thọ, Đề Bà, v.v... Đại sư lại đến chùa Đệ Ngõa Cẩn (11).

Tới nơi, Đại sư y theo vị trụ trì là Ngài Trát Hy Tăng Cách (12), Thượng tọa Dã Hiệp Tăng Cách (13) để nghe giảng giải kinh luận. Đại sư lại y theo hai vị A xà lê là Vân Đơn Gia Thác (Yonten Gyatso) và Ổ Cẩm Ba (O-rgyan-pa) để học kinh luận. Trong mười tám ngày, Đại sư học thành thục và thông đạt bổn văn luận Hiện Quán Trang Nghiêm (14), các chú giải của Ngài Sư Tử Hiền ở Ấn Độ, cùng sớ giải của Luận sư Ráng Gia (15).

Thấy Trí tuệ siêu phàm của Đại sư, các vị Giáo thọ sư và những vị đồng học đều tán thán vô ngần.

Theo thông lệ tu học Phật pháp ở Tây Tạng, tu học thành thục và thông suốt xong một bộ luận nào, thì phải đến ngôi chùa lập tông luận đó. Kế đến, lại phải biện luận với các vị Luận sư tinh thông bộ luận đó. Phương pháp nghiên cứu tu học luận lý Phật pháp thật rất nghiêm cẩn, bằng cách phân chiết lý lẽ tinh vi, khiến cho người tu học đạt được kiến giải vững chắc đúng đắn về những nghĩa lý bao hàm trong Kinh điển.

Năm mười chín tuổi, Đại sư đã học thông thạo và đạt được thiện xảo về bộ luận Hiện Quán Trang Nghiêm, nên bắt đầu đến các tự viện, tham gia biện luận. Trạm biện luận đầu tiên, Đại sư chọn ngôi chùa rất nổi tiếng vào đương thời là chùa Tang Phác (Gsang-phu).

Chùa Tang Phác nằm về phía Nam của Lạp Tát, và nằm về phía Đông của Nhiếp Đường. Ngôi chùa này được Ngài Cao Lặc Tất Hỷ Nhiêu kiến lập vào năm 1073. Vị Đại sư nổi tiếng của Tây Tạng là Cao La Đôn Hỷ Nhiêu (16) đã từng trụ trì qua nhiều năm tại nơi đây. Từ đó, chùa Tang Phác trở thành một đại tự viện trứ danh, chuyên giảng giải kinh luận, cùng ban truyền luận Nhân Minh và năm bộ luận của Bồ tát Di Lặc. Ở Tây Tạng, Nhân Minh cùng nghi thức biện luận nhập môn của các chi phái, đều phát xuất từ ngôi chùa này. Vào thời sơ tổ Trí Tam, Xát Ba Cát Cử, v.v..., các vị Lạt ma trứ danh của phái Cát Mã Cát Cử thường đến chùa này (17) để cầu pháp.

Lúc Đại sư biện luận tại chùa Tang Phác, do trong tâm ẩn hoài bi trí, ngoài đủ vẻ hòa duyệt, cùng có biện tài vô ngại, xiển minh diệu nghĩa thâm sâu, nên khiến cho rất nhiều học giả tín phục, và gọi Đại sư là vị "Trí Tuệ Viên Minh.”

Đại sư nhận thấy rằng việc tu hành thành Phật chỉ có hai con đường: Thứ nhất là Hiển giáo. Thứ hai là Mật giáo (Kim cang thừa). Trong hai thừa đó, thì Kim cang thừa là siêu thắng hơn, vì vốn là bảo tạng của pháp thành tựu. Do đó, lúc trú tại chùa Đệ Ngõa Cẩn, vì muốn học Mật pháp, Đại sư đến vùng Kiếp Tông (Chos-rdzong) thuộc vùng phụ cận của Nhiếp Đường, lễ bái giáo chủ phái Tát Ca, tức Tôn giả Tiêu Nham Kiên Tham (18) quán đảnh, Thắng Lạc Thân Mạn Đà La quán đảnh của phái Linh Sư, v.v...

Năm mười chín tuổi, Đại sư lại theo Ngài Nhân Khâm Nam Kết (19), vị trụ trì chùa Hà Lỗ (Zhalu) để học mười ba pháp Tôn Thắng Lạc của phái Di Lặc Ba, cùng pháp quán đảnh Đại Oai Đức Kim cang Ngũ Tôn. Tại chùa Giác Ma Tương (Jo-mo-nang) Đại sư y theo Ngài Bạc Đống Kiêu Liệt Nam Kết (20) tu học sáu pháp gia hạnh của phái Thời Luân Kim cang, cùng các đại sớ giải.

Mật pháp và sớ giải Mật giáo đều là pháp truyền thừa quan trọng và là giáo pháp tâm tạng của Phật giáo Tây Tạng vào đương thời. Những pháp này, Đại sư đều thọ trì và lãnh hội.

Vào mùa hè năm hai mươi tuổi (1376), Đại sư đến chùa Tư Khâm (21) yết kiến Cổn Cát Cụ Nhân Thiết Ba (Nyapon Kunga Pel). Ngài Cổn Cát Cụ Nhân Thiết Ba giảng giải tinh tường luận Hiện Quán Trang Nghiêm cho Đại sư nghe. Ngài Cổn Cát Cụ Nhân Thiết Ba Trí tuệ sáng suốt, có đầy đủ phương tiện thiện xảo, lại còn có khả năng quán sát căn cơ chư đệ tử mà thuyết pháp. Tại đây, Đại sư lấy làm mãn nguyện vì được chỉ dạy và thông đạt hầu hết các loại chú giải kinh luận từ Ấn Độ truyền sang.

Về sau, lúc Đại sư cung thỉnh giảng luận Câu Xá, Ngài Cổn Cát Cụ Nhân Thiết Ba bảo:

- Ta vốn đã thông đạt luận Câu Xá. Nhưng, những năm gần đây, vì không có ai đến nghe giảng, nên Ta có chút sao lãng. Hiện tại, nếu muốn trùng tuyên giảng lại, phải tham duyệt những trước tác của các tông phái. Tuy nhiên, gần đây thân thể của Ta bất an, lại thêm phải giảng luận Trang Nghiêm cùng Nhân Minh. Trong thời ngắn này, e rằng không thể khiến Ông đạt được sở nguyện. May thay! Ta có một đệ tử, tên là Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa (Rendawa, 1349-1412). Trí tuệ của hắn rất cao siêu, lại hiểu rõ luận Câu Xá. Ông hãy theo hắn mà học luận Câu Xá. Nếu chuyên cần học tập, thì chắc sẽ đạt được lợi ích.

Vừa được Ngài Cổn Cát Cụ Nhân Thiết Ba giới thiệu, Đại sư bèn theo Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, thọ học luận Câu Xá do Bồ tát Thế Thân chú giải.

Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa giảng kinh thật thâm sâu tường tận. Ngài chẳng hề bỏ sót giải thích một đoạn văn nào, mà lại còn tuần tự sắp đặt các yếu nghĩa bộ luận cho có thứ lớp. Trong một bộ luận, nếu có những đoạn khó hiểu, Ngài đều giảng giải, phân tích tinh tường. Vừa nghe giảng qua một lần, Đại sư hoan hỷ và lãnh hội trọn vẹn tất cả văn nghĩa. Cuối cùng, Đại sư tự đưa ra những vấn đề rất thâm sâu khó hiểu, để thảo luận với Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa.

Cuộc đời của Đại sư được ảnh hưởng sâu đậm bởi giáo pháp của Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa (22).

Đại sư Tông Khách Ba thân cận vị Đại đức Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa này, rồi lần lượt nghe giảng hết các bộ kinh luận như Nhập Trung Luận, Tập Luận, Thích Lượng Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Câu Xá Luận, v.v... cùng Giới luật. Vì vậy, đối với những bộ luận đó, Đại sư đều thông suốt tinh tường yếu chỉ. Học được những lý giải các kinh luận này xong, Đại sư biên soạn bộ luận Biện Liễu Nghĩa Bất Liễu Nghĩa, cùng các bộ luận bàn về tánh tướng. Những tư tưởng này, đều dựa trên những lời giảng dạy của Ngài Nhân Đạt Ngõa. Do đó, giữa những bậc Tôn sư của Đại sư, Ngài Nhân Đạt Ngõa là một vị ân sư cao cả nhất.

Mùa Xuân năm 1377, để học Giới luật, Đại sư (được hai mươi mốt tuổi) đến chùa Giác Ma Lũng (23), theo trụ trì La Tái Ngõa (24), nghe giảng về Giới Kinh Tỳ kheo do Luật sư Đức Quang ở Ấn Độ trước tác, Giới Kinh Sớ do Luật sư Thích Ca Quang ở Ấn Độ trước tác, cùng những bài chú giải Giới luật của các tông phái khác.

Thuở ấy, Tây Tạng có hai tông phái truyền thừa Giới luật. Thứ nhất là sự truyền thừa của tông phái Hạ Lạc, do Ngài Cách Nhiêu Tái (dge-ba rab-gsal) lãnh đạo. Thứ hai là sự truyền thừa của tông phái Thượng Lưu, do Ngài Đạt Ma Ba Lạp Tự lãnh đạo. Hai tông phái này đều xuất phát từ phái Nhất Thiết Hữu Bộ, và rất chú trọng quyển Đức Quang Giới Kinh, và Thích Ca Quang Giới Kinh Sớ.

Vì muốn triệt để học tập Giới luật, đầu tiên Đại sư nghiên cứu tu học những bộ Giới luật sớ sao đó.

Ngoài việc tu học Giới luật, ngày ngày Đại sư đều tự nghiên cứu đọc tụng sớ sao của Giới luật Tỳ kheo không gián đoạn. Do xem qua liền nhớ mãi, nên đối với những sự giải thích khác biệt về Giới luật của các tông phái, Đại sư đều hiểu rõ tường tận.

Mỗi ngày, tại chùa Giác Ma Lũng, Đại sư thường theo đại chúng hành lễ. Hôm nọ, lúc cùng đại chúng đọc tụng Kinh điển đến pháp Bát Nhã Hạnh, Đại sư vừa đọc tụng vừa tư duy nghĩa không, nên trong khoảng sát na, bèn nhập Tam ma địa, và tâm an trụ nơi lý Duyên khởi Tánh Không của "các pháp đều huyễn hóa không thật.” Lúc đại chúng tụng qua các bài kinh khác, trong tâm Đại sư điềm nhiên không khởi một niệm phân biệt, và an trú nơi không tác ý, khiến tâm cảnh sáng suốt rõ ràng, cùng nhập vào Tánh Không Vô ngã. Những âm thanh bên ngoài đều không làm xáo động tâm của Đại sư.

Khóa lễ tụng kinh vừa xong thì Đại sư mới từ từ xuất định. Thấy việc này, đại chúng đồng tán thán Đại sư không ngớt:

- Đối với chúng sanh phước mỏng huệ cạn như chúng ta, nhập thất tu học đã bao năm, mà cũng chưa hẳn đã nhập được Thiền định nào, huống hồ nhập định tại "quán cảnh Duyên khởi Tánh Không"! Sự hành trì về văn, tư, tu của Đại sư, trên thế gian hiếm ai đạt được!

Vào mùa Đông năm 1377, lúc nghiên cứu đọc tụng hơn bốn mươi quyển sớ sao Giới luật, Đại sư đột nhiên cảm thấy sau lưng đau nhức dữ dội, ví như dao cắt không ngừng, mà người thường không ai chịu nổi. Đại sư đành phải đến Đóa Lũng Phác (25) cầu Ngài Ổ Cẩn Ninh Chủ (Mật Pháp Danh), vị y sư thiện xảo, truyền cho Mật pháp trị bịnh. Đại sư y theo nghi thức mà tu trì, nhưng vẫn không thuyên giảm chút nào. Trở về chùa Đệ Ngõa Cẩn, Đại sư nhờ một vị y sư rất giỏi về y thuật trị liệu, nhưng vẫn không có hiệu quả.

Bấy giờ Đại sư thầm nghĩ: "Từ khi đến Vệ Tạng, vì điều kiện bất tiện, đối với sự tu trì về các pháp Bổn Tôn như Tài Bảo Thiên Vương, Lục Tý Cát Tối Lạp, Kim cang Thủ, v.v... thật có thiếu sót, nên mới chịu hậu quả nghịch duyên đau bịnh như vầy. Nguyên do vốn không vâng theo lời dặn dò của Thầy Bổn sư (26)!"

Sau này, dưới tòa của Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, Đại sư nỗ lực tinh cần tu học. Tại chùa Tát Ca, Đại sư thỉnh cầu một vị y sư thiện xảo, truyền cho pháp chữ "Ha.” Trụ nơi tịnh xứ tu hành qua một thời gian, bịnh của Đại sư từ từ bình phục.

Vào Mùa Xuân năm 1378, Đại sư (được hai mươi hai tuổi) qua Nạp Nhĩ Đường, đến chùa Tát Ca thọ giáo pháp của phái Tát Ca. Chùa Tát Ca nằm về phía Tây của Lạp Tát. Ngôi chùa này vốn thuộc phái Tát Ca của Ngài Côn Duyện Kiếp Kết Bố ('Khon dkon-mchog rgyal-po', 1034-1102). Một hôm, Ngài Côn Duyện Kiếp Kết Bố đang ngắm nhìn bầu trời, bỗng nhiên thấy ánh sáng chiếu xuống đỉnh núi, làm hình bóng những núi đồi bốn bên trông tựa như đang cúi đầu lễ bái, nên mới cho cất chùa (năm 1073). Về sau, ngôi chùa này là đạo tràng chính của phái Tát Ca.

Bấy giờ, Đại sư cũng còn theo Ngài Đa Kiệt Nhân Khâm (Rdo-rje rin-chen) để tu học phẩm thứ hai của pháp Hỷ Kim cang Mật Tích (27), do các Đại đức của phái Tát Ca chú giải.

Vào Mùa Xuân năm 23 tuổi (1379), Đại sư theo Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa từ chùa Tát Ca đi đến chùa Lạp Đóa Ráng Mão Nhân (28). Nơi đó, Đại sư nghe Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa giảng Tập Mật Căn Bản Tích, Ngũ Thứ Đệ Luận (thuộc Mật pháp Vô thượng), Thích Lượng Luận, và Thiện Thuyết Hải (trong Tập Luận) từ Mùa Xuân cho đến cuối hạ.

Mùa Thu năm 1379, Đại sư từ chùa Mão Nhân quay trở lại chùa Tát Ca, rồi trở về Tiền Tạng để nhận vật dụng do gia đình gởi đến. Sau này, do sự khuyến thỉnh của các bạn đồng tu cùng lời nhắn nhủ của người mẹ, Đại sư có ý định trở về quê quán thăm gia đình và quyến thuộc.

Trên đường từ Lạp Tát trở về hướng đông đến vùng Mai Trác Lạp Lũng (29), Đại sư chợt suy nghĩ: "Lần này về thăm nhà, lợi thì ít mà hại thì nhiều, về làm gì cho khổ nhọc!

Từ vô thủy, chúng sanh luôn bị sợi dây ân ái trói buộc, nên mới chịu Luân hồi sanh tử không cùng tận. Ta đã là người xuất gia, không thể còn có tâm niệm lưu luyến ân ái thế gian nữa. Nếu còn, thì chẳng khác gì người thế tục!

Nếu còn chút dây tham luyến thế gian, thì vẫn không thể kể là đã phát tâm Bồ đề chân thật (30), lại càng không thể thành tựu Phật quả thanh tịnh. Nếu như thế thì làm sao báo đền ân sâu nghĩa trọng của chư Phật cùng công ơn dưỡng dục của cha mẹ?

Tâm luyến ái của chúng sanh tựa như chó giữ nhà. Dầu có đuổi cách mấy, nó vẫn chạy trở về. Ngược lại, tâm xuất ly thế tục như nai tơ chạy giữa rừng hoang; vừa lạc bước một chút là mất dấu tích. Vì vậy, phải cẩn thận đối trị, cố gắng điều phục tâm luyến ái đó.

Từ nay về sau, dù sao đi nữa, Ta cũng quyết không trở về quê cũ Tây Ninh.”

Nghĩ như thế, Đại sư khởi tâm xa lìa, không còn ham muốn dục lạc ân ái của thế gian.

Thấy đã lâu mà Đại sư chưa trở về, thân mẫu Đại sư bèn viết thêm một lá thư nữa, và cắt một cụm tóc bạc bỏ vào bao thư, rồi nhờ người mang đến. Thư viết: "Mẹ đã già yếu như ngọn đèn phất phơ trước gió; thân thể gần đây không được khỏe cho lắm. Ngày ngày mẹ mong mỏi Thầy trở về. Đời nay không biết còn có ngày nào gặp mặt. Xin Thầy hãy mau kíp trở về.”

Đọc qua lá thơ này, Đại sư tự nhủ: "Trở về quê nhà vào lúc này thật chẳng có mảy may ích lợi. Nhưng, mẹ muốn nhìn xem tướng mạo của Ta, vậy sao không vẽ một bức tranh để gởi về, ngỏ hầu bà được an tâm!"

Do đó, Đại sư bèn vẽ lại dung mạo của mình, rồi gởi về cho mẹ. Bà vừa mở bức tranh đó ra, thì hình trong tranh đột nhiên kêu lên tiếng: "Mẹ!"

Thấy điềm kỳ dị như thế, ban đầu bà thật kinh hoàng, nhưng kế đến lòng thấy vui mừng cùng khởi tín tâm kiên cố; bà có cảm tưởng như Đại sư đã trở về nhà. Từ đó, tâm bà được an lạc.

Từ thuở nhỏ, vì có tâm xuất ly thế tục thật mạnh mẽ, nên sau này khi được vua Minh ở Trung Quốc cung thỉnh về triều để làm Quốc sư, nhưng Đại sư đã không ngần ngại từ chối.

Lòng đã quyết không trở lại quê nhà, Đại sư mạnh bước đến vùng Mai Trát Lạp Lũng để nghe Lạt ma Tiêu Nam Trát Ba (bla-ma bsod-nams gsags-pa) giảng kinh luận. Đại sư lại tự nghiên cứu đọc tụng Pháp Xưng Thất Luận và Trần Na Tập Lượng Luận.

Cảm thấy sự chú giải của các tông phái về luận Thích Lượng đều không giống nhau, nên Đại sư nhập thất tĩnh tu, duyệt xem tinh tường bộ luận Thích Lượng Luận Quảng Thích Chánh Lý Tạng (31), cùng các loại sớ sao do những Luận sư Ấn Độ chú giải.

Bộ luận Thích Lượng (Commentary on the Compendium of valid Cognition) do Luận sư Pháp Xưng trước tác, gồm có bốn phẩm. Phẩm thứ hai là phẩm Thành Lập Lượng Sĩ Phu. Trong phẩm này, dùng môn Lưu Truyền và môn Hoàn Diệt để chứng minh rằng Phật là đấng tự giác giác tha viên mãn. Mục đích của luận môn Lưu Truyền là: Về phương diện thứ nhất, chứng minh rằng bậc nhất thiết trí của "Lượng Sĩ Phu" là do tôn hành một phương pháp nhất định mới đạt thành tựu, để đả phá tà kiến nhận lầm nhất thiết chủng trí là không có nhân sanh. Về phương diện thứ hai, luận chứng rằng do "có nhân" mà thành nhất thiết chủng trí (Phật), tức là bậc thiện thệ, có đủ ba đức (tự lợi viên mãn), cùng là bậc cứu hộ tất cả chúng sanh (lợi tha viên mãn).

Lại nữa, nơi Giá-Chỉ, luận chứng theo môn Hoàn-Diệt, rồi dùng tâm đại bi mà thành lập đạo lý "Lượng Sĩ Phu.” Thôi thúc Trí tuệ, dùng tâm Bồ đề và gia hạnh viên mãn để chứng đắc Trí tuệ vô cấu nhiễm, cùng tập hạnh lợi tha, chính là hành vi chủ yếu. Về sau, hiển thị bằng cách tu trì lục độ. Nói đơn giản, theo luận thuyết của các môn Lưu Truyền thì mục đích là muốn khiến mọi người biết rõ sự thị hiện của Phật đà, tức là cách tu hành chứng quả vị Phật như thế nào. Theo luận lý của môn Hoàn-Diệt thì mục đích là khiến cho người người trước hết phải biết tường tận về đạo lý Tứ Đế, rồi mới có thể biết cách tu hành chứng đắc công đức viên mãn. Luận chứng nhiều lần để giảng giải việc làm sao có thể thành Phật và bàn luận về sự Luân hồi của đời trước và đời sau.

Duyệt xem kỹ càng về phẩm này, Đại sư càng thêm tín phục hâm mộ Luận sư Pháp Xưng. Thế nên, lông tóc của Đại sư dựng đứng lên; vui mừng buồn thương lẫn lộn, khiến nước mắt tuôn trào. Về sau, mỗi lần xem qua bộ luận này, Đại sư đều rơi lệ như thế. Việc này chứng tỏ rằng Đại sư rất tín trọng bộ luận đó.

Xưa kia, các nhà học Phật khi tu học bảy bộ lượng luận của Luận sư Pháp Xưng hoặc luận Tập Lượng của Luận sư Trần Na, thì họ chỉ có tài biện luận trên văn từ, mà hoàn toàn không biết đến trong đó có dạy về con đường Giải thoát, tu đạo chứng quả. Chỉ một mình Đại sư vì có Trí tuệ thanh tịnh siêu phàm, nên khi xem hết các bộ luận Nhân Minh, đặc biệt là luận Tập Lượng và luận Thích Lượng, thì tiếp thọ mọi giáo nghĩa tu hành theo thứ lớp của đức Như Lai, mà chẳng lầm lạc.

Điều này hiển minh rằng dẫu là ai, một khi tu học Phật pháp, từ lúc sơ phát tâm đến khi thành Phật, phải đi từ thấp lên cao, và từ thô thiển tới vi tế; thứ lớp tu hành mà không thể có chút sai lầm. Ví dụ, nếu chỉ tu phát tâm Bồ đề mà không tu pháp Trung Quán, hoặc chỉ tu Trung Quán Chánh kiến mà không phát tâm Bồ đề, thì đó là học Phật pháp sai lầm. Dẫu có tinh cần đến đâu, thì cũng không thể thành Phật. Giống như trồng lúa, chỉ biết gieo hạt giống thôi mà chẳng lo về các nhân duyên khác như đất, nước, khí hậu, v.v... thì không thể gặt hái thành tựu.

Do đó, đối với các Luận sư như Trần Na, Pháp Xưng, Đại sư sanh khởi tín tâm thâm sâu.

Vào mùa Đông năm 1379, tại chùa Đệ Ngõa Cẩn, Đại sư bắt đầu nghiên cứu tu học các bộ kinh luận để chuẩn bị tham gia các buổi biện luận ở những chùa viện khác vào Mùa Xuân năm kế. Bấy giờ Thái tử Thiếp Mộc Nhi của vua Nguyên Thuận Đế, gởi một bức thơ, cùng các lễ vật trân quý để cúng dường chư Đại đức ở Tây Tạng. Vào ngày hai mươi bảy tháng chạp, Đại sư viết thơ cảm tạ Thái tử Thiếp Mộc Nhi.

Năm hai mươi bốn tuổi (1380), Đại sư đến các chùa ở Hậu Tạng để tham gia biện luận. Đến chùa Nạp Nhĩ Đường, Đại sư lại y theo thiện tri thức Đốn Tang Ngõa (Don-bzang-ba) để nghe giảng luận Thích Lượng.

Mùa hạ năm đó, trong kỳ đại pháp hội tại chùa này, y theo bốn bộ kinh luận Thích Lượng, Tập Lượng, Câu Xá, và Giới Kinh, Đại sư lập tông đáp biện, tức là dùng những bộ luận đó để lập tông chỉ, mà người sau gọi là "Cát Hy Ba" (bka'-bzhi-pa). Tông này chỉ có thể y theo bốn bộ kinh luận mà lập tông biện luận, và là danh xưng của kinh luận Hiển giáo.

Năm 1381, tại chùa Nạp Nhĩ Đường, Đại sư lại y theo Ngài Cổn Cát Trát Hy Nhân Ba Thiết (32), để tu học nghĩa lý của phái Tát Ca, cùng "Tùng Tác Ma.” Kế đến, Đại sư lại theo Ngài Nam Khách Nam Giao (nam-mkha' rnal-byor hay Namkha Zangpo) học tập Mật pháp "Tô Tất Địa.”

Mật pháp Kim cang thừa có thể phân chia thành bốn bộ: Tác, Hành, Du Già, Vô thượng Du Già. Pháp Tô Tất Địa thuộc về Tác Mật. Đương thời, ở Tây Tạng, người tu học Mật pháp chuyên tôn sùng Vô thượng Mật của bộ thứ tư, và Du Già Mật của bộ thứ ba. Tuy có lưu hành các loại quán đảnh cùng pháp tu của hai bộ Tác và Hành, nhưng hình như hiếm người giảng giải những pháp đó.

Đại sư nhận rõ rằng nếu muốn liễu giải chính xác cùng tu học Mật tông, tuyệt đối không thể chỉ chuyên học một bộ kinh luận Mật pháp, mà phải chỉnh lý, hệ thống hóa, tu tập bốn bộ Mật pháp đó. Vì vậy, lúc còn cầu học, Đại sư nghiên cứu tu học bốn bộ Mật pháp ấy.

Vào mùa Thu năm 1381, tại chùa Bạc Đống Ái và chùa Xu Ái, Đại sư theo Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa nghe giảng Nhập Trung Luận, Tập Lượng Luận, Thích Lượng Luận, Câu Xá Luận. Đại sư lại thỉnh cầu Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa giảng lại Hiện Quán Trang Nghiêm Luận và Giới Kinh.

Kế tiếp, trụ trì chùa Nạp Nhĩ Đường là Cổn Cát Kiên Tham (33), ban truyền cho Đại sư sáu quyển luận của phái Trung Quán như luận Trung Quán, luận Lục Thập Như Lý, luận Thất Thập Không Tánh, luận Hồi Tranh, luận Quảng Phá, luận Bảo Man (34). Sau này, tại chùa Đệ Ngõa Cẩn, Đại sư cầu thỉnh Lạt ma Ráng Nhân Ba ('Jum-rin-pa) giảng giải rõ ràng về những bộ luận đó.

Đương thời, tại Tây Tạng, người tu học các bộ luận của học thuyết Trung Quán cũng nhiều, nhưng người có khả năng giảng giải lại rất ít.

Tại các ngôi chùa ở Tiền Tạng và Hậu Tạng, Đại sư lập tông đáp biện; tổng cộng, Đại sư dùng năm bộ kinh luận: Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Tập Lượng Luận, Thích Lượng Luận, Câu Xá Luận, Giới Kinh. Sau này, tại các tự viện thuộc phái Hoàng giáo, trong "năm bộ kinh luận" bộ Nhập Trung Luận được thay thế bằng bộ Tập Lượng Luận. Đại sư đã từng theo Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa mà học bốn lần về bộ Nhập Trung Luận (34). Lý do Đại sư chẳng dùng Nhập Trung Luận để lập tông đáp biện, vì đương thời học thuyết Trung Quán rất suy vi, không có nhân tài cùng Đại sư biện luận.

Bộ Nhập Trung Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Thích Lượng Luận đại biểu cho ba phái Trung Quán, Du Già, Nhân Minh, và cũng đại biểu cho sự phát triển theo từng giai đoạn quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Muốn đọc tụng thông đạt ba bộ luận đó, phải duyệt xem những bộ luận phụ trợ khác (35). Vì vậy, chân thật thông đạt được ba bộ luận đó, thì có thể nói rằng hiểu rõ được toàn diện về tư tưởng của các bộ phái Đại thừa.

Đương thời, tại Ấn Độ, bộ luận Câu Xá được gọi là "Thông Minh Luận" (36). Cách tổ chức sắp xếp của bộ luận này theo trình tự rất nghiêm mật. Bộ luận này bàn luận chi tiết về chân lý Nhân quả mê ngộ, cùng chỉ bày đường hướng dẫn đến quả vị Phật và Niết Bàn tịch tĩnh. Người học Phật, nếu hiểu rõ luận Câu Xá rồi nghiên cứu Phật giáo Đại thừa, thì dễ dàng thông đạt toàn bộ giáo lý, nắm vững phương pháp nhập môn thứ tự như tín, giải, hạnh, chứng.

Giới Kinh do Luận sư Đức Quang ở Ấn Độ trước tác. Quyển này không đồng với quyển giới bổn mà người xuất gia thường tụng đọc, nhưng dùng sự đắc giới, trì giới, thứ lớp hoàn tịnh, và tổ chức hệ thống hóa khái quát các bộ Giới luật của thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (37).

Hai bộ kinh luận đó làm nền tảng tri thức và trì giới căn bản cho các Tu sĩ ở Ấn Độ và Tây Tạng.

Lúc đi cầu học, Đại sư hoàn toàn y theo lời răn nhắc của Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết. Vì muốn tu học Phật pháp một cách đúng đắn, đầu tiên học giáo lý của Hiển giáo, rồi mới chuyên tu Mật giáo. Lúc học Hiển giáo, nơi các bộ luận của các vị Bồ tát Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xưng (38), Công Đức Quang, Thích Ca Quang, v.v... không thể được ít cho là đủ, mà phải nghiên cứu kỹ càng hết các bộ kinh luận.

Đối với các bộ kinh luận tại Tây Tạng vào đương thời, Đại sư hoặc thừa thọ trực tiếp, hoặc nghe giảng, nên biết hết tất cả.

Dĩ nhiên, đối với vô lượng pháp nghĩa thâm sâu áo diệu, Đại sư đã hoàn toàn thâm nhập, dung hợp vào một pháp vị, thông đạt vô ngại.

Lúc đi cầu học, Đại sư thường đến các tự viện nổi tiếng, và y theo luận mà lập tông đáp biện. Đối với năng lực cá nhân, Đại sư có thể lập hàng chục bộ luận khó khăn, nhưng vì tại các đạo tràng tự viện, ít có nhân tài, nên chỉ y theo năm bộ luận căn bản mà lập tông chỉ.

Do Trí tuệ siêu phàm, biện tài vô ngại, thông đạt giáo lý rộng như biển cả, nên những vấn nạn của các học giả, đều bị Đại sư phá dẹp như chẻ tre. Lúc biện luận, âm thanh như tiếng chuông; đánh nhẹ thì vang tiếng nhỏ; đánh mạnh thì vang tiếng to.

Bấy giờ, ở Tây Tạng, trong các Đại tùng lâm, từ các vị Đại đức thông đạt Tam tạng Kinh điển, cho đến các vị thiện tri thức chuyên lập vấn nạn, đều tán thán Đại sư không ngừng. Từ đó, rất nhiều học giả, không còn dám biện luận với Đại sư.

Lúc biện luận, Đại sư thường khởi tâm đại Bồ đề. Gặp những tông phái tệ hại, làm chướng ngại Thánh đạo, Đại sư đều khởi tâm Từ bi mà dùng lý lẽ thâm sâu của Kinh điển để nhiếp phục tất cả tà chấp, nhưng không bao giờ khởi tâm cống cao ngã mạn. Đại sư dùng phương tiện thiện xảo thanh tịnh như thế, nên khiến rất nhiều học giả khâm phục. Vì vậy, có rất nhiều người theo Đại sư xin làm đệ tử.

Đại sư nhận biết rằng trong bảy loại giới biệt Giải thoát của tâm tạng Phật pháp, thù thắng và tôn quý nhất là giới Tỳ kheo. Giới Tỳ kheo thanh tịnh là nền tảng căn bản của Giới luật Đại-Tiểu thừa và Hiển-Mật giáo. Đồng thời, Chánh pháp có thể trụ được lâu dài tại thế gian hay không, hoàn toàn y cứ vào việc có kiến lập được Giới luật Tỳ kheo hay không.

Nhưng, muốn thọ trì giới Tỳ kheo thanh tịnh, phải có đầy đủ tâm chán chường trần thế và mong cầu Giải thoát, cùng thệ nguyện quyết tâm hành trì Giới luật thanh tịnh, lại phải nắm vững về tinh thần và lãnh hội tông chỉ của Giới luật. Đối với những sự đắc giới, trì giới, hoàn tịnh, v.v... phải hoàn toàn hiểu rõ tinh tường.

Khi còn đi cầu học, Đại sư đã chuẩn bị hoàn toàn về những giai đoạn cần thiết. Do đó, năm hai mươi chín tuổi (1385), tại chùa Nam Kết Lạp Khang (Rnam-rgyal lha-khang) ở Nhã Đôn, Đại sư cung thỉnh trụ trì chùa Thác Cần Ba là Luật sư Thô Trì Nhân Khâm (39) làm đắc giới hòa thượng, trụ trì chùa Thác Ba Kiết Tân là Luật sư Huệ Y (Ser-mgon-pa) làm yết ma A xà lê, Thầy duy na của chùa Thác Ba Kiết Tân là Luật sư Kim cang Phước (Bsod-nams rdo-rje) làm Giáo thọ A xà lê, cùng chư Đại đức ở hai chùa khác làm tôn chứng sư. Từ đó, Đại sư chính thức thọ giới Tỳ kheo.

Vừa thọ giới Tỳ kheo xong, thân tâm của Đại sư đột nhiên tràn đầy pháp vị cam lồ, nhập chánh tăng giáo, khiến trời người đều vui mừng, còn quân ma thì kinh hoàng run sợ.

Tại Tây Tạng, hơn một trăm năm sau khi vua Lãng Đạt Mã phá hoại Phật giáo, Tăng chúng không khác biệt gì với kẻ tục, vì người xuất gia không có mấy ai chân chánh nghiêm trì Giới luật. Về sau, Ngài Lô Mai đến Tây Khương y theo đại Luật sư Cách Ngõa Nhiêu Tái cầu thọ tịnh giới. Trở về Tây Tạng, Ngài Lô Mai hoằng dương Giới luật, thanh lọc hàng ngũ Tăng già, nhờ vậy mà các bậc long tượng trong nhà Phật lần lượt xuất hiện, khiến dân chúng toàn quốc lại đều kính tín phụng ngưỡng giáo pháp của đức Thế Tôn. Sự giáo hóa được hưng thạnh, như vầng mặt trời chiếu sáng khắp thế gian.

Trước khi trở về Tây Tạng, đại Luật sư Cách Ngõa Nhiêu Tái tặng cho Ngài Lô Mai một chiếc mũ màu vàng (xưa kia tại Tây Tạng, chỉ có hai vị Lạt ma đội mũ màu vàng là đại Luật sư Cách Ngõa Nhiêu Tái và sơ tổ phái Tát Ca là Thất Lợi Bạt Đà La), rồi dặn dò:

- Đội chiếc mũ này, tức là ngươi tưởng nhớ đến Ta (ý bảo rằng đội cái mũ đó chính là nhớ đến Giới luật).

Từ đó, những vị Đại đức có lòng muốn chấn hưng Giới luật, đều đội mũ màu vàng.

Lúc còn đi cầu học, Đại sư nhận thấy Giới pháp ở Tây Tạng ngày càng sa sút. Nhiều người đều cho rằng việc giữ giới là chấp trước theo Tiểu thừa, nên lơ là Giới luật. Có một số Tăng sĩ, những vật tùy thân thiết yếu của một bậc Tỳ kheo như tọa cụ hay bình bát, cũng chưa hề biết đến. Lại nữa, các điều bậc của ba y ca sa, họ cũng chưa từng nghe qua. Vì vậy, vừa thọ đại giới cụ túc xong, y theo mật ý của chư Đại đức thuở xưa, Đại sư cũng đội mũ vàng. Đây là biểu tượng cho việc muốn chấn chỉnh Giới pháp, cùng đối trị những kẻ không tôn thủ Giới luật. Nhờ công lao hoằng dương Giới luật, Đại sư được người đời tôn xưng là Tổ sư của phái Hoàng Mạo (tức phái mũ vàng), gọi tắt là Hoàng giáo.

Thọ giới Tỳ kheo xong, Đại sư đến chùa Đơn Tát Thế (40), lễ bái yết kiến Ngài Trát Ba Ráng Khúc Nhân Ba Thiết (41), và thỉnh vấn nghĩa lý Phật pháp, cùng ấn chứng sở học, lại tiếp thọ giáo nghĩa Đạo Quả của phái Tát Ca, sáu pháp Na Nhã (Naropa) của phái Cát Cử, các trước tác của Lạt ma Chủ Ba Đa Kiệt Kết Bố (42), v.v... Đương thời, Đại sư đã tu học tất cả giáo pháp của phái Cát Cử (43).

Ngài Trát Ba Ráng Khúc Nhân Ba Thiết từ thuở nhỏ đã phát tâm Bồ đề; lúc trưởng thành, nghiêm trì Giới luật cẩn mật. Dẫu cho giới nhỏ nhặt nào cũng tôn thủ không phạm, nên được người người xưng tán là "Kiếp Hy Ba (nghĩa là hành trì bốn Giới pháp nghiêm cẩn: 1. Thà chết chứ không uống rượu. 2. Mắt không nhìn người nữ. 3. Không giữ tiền bạc tài vật riêng. 4. Sống đời tu hành đạm bạc). Ngài Trát Ba Ráng Khúc Nhân Ba Thiết là vị lãnh đạo tối cao của chùa Đơn Tát Thế. Năm 1374, vua Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) cho vời vị này vào kinh đô để yết kiến, và ban tặng danh hiệu là "Quán Đảnh Quốc sư.”

Lúc tương kiến đàm luận, thấy Đại sư có học thức thâm sâu, chí khí dũng mãnh cao siêu phi phàm, nên Ngài Trát Ba Ráng Khúc Nhân Ba Thiết bất giác rơi lệ cảm động. Lần nọ, trước mặt đại chúng, Ngài Trát Ráng Khúc Nhân Ba Thiết tán thán Đại sư:

- Chỉ có vị tài ba như Đại sư Tông Khách Ba đây, mới có thể thành tựu công đức tạng vĩ đại cao siêu. Đại sư chân chánh là một vị cứu tinh cho tiền đồ Phật giáo!

Trong kinh Hoa Nghiêm, chư đệ tử thỉnh hỏi Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Khởi đầu tu hành từ nơi nào để đạt đến đạo Bồ đề?

Phật đáp:

- Phải bắt đầu từ nơi Ngũ minh.

Ý nghĩa câu này là người tu học giáo pháp Đại thừa, muốn hành đạo Bồ tát, phải có kiến thức về phương diện phương tiện thiện xảo. Do đó, bên cạnh nghiên cứu học tập Nhân Minh, Nội Minh, Y Phương Minh, Đại sư cũng tinh cần thâm nhập vào Thanh Minh.

Xưa kia, vào năm mười chín tuổi, lúc đến các tự viện để tham gia biện luận, Đại sư đã từng đến Tát Tang (44), theo Ngài Mạt Để Ban Khâm (45), để học thơ luận. Mùa Thu năm hai mươi bốn tuổi, tại chùa Ái Tự, Đại sư theo Ngài Nam Khách Tang Bố (nam-mkha' bzang-po) học tập "Niễn A Mai Long" (46).

Học tập xong, Đại sư không những biết cách vận dụng văn chương ngôn tự chính xác, mà còn thâm nhập vào những nghĩa lý u huyền, cùng thể hội tất cả âm thanh vi diệu thâm mật.

Khi Ngài Trát Ba Ráng Khúc Nhân Ba Thiết nhập tịch vào năm 1386, do sự cầu thỉnh của đại chúng, Đại sư làm thi kệ tán thán, văn từ rất lưu loát bóng bảy tuyệt diệu, khiến ai ai cũng đều khen ngợi.

Trong hai năm tu học pháp Diệu Âm Thiên Nữ, Đại sư được Diệu Âm Thiên Nữ hiện thân thuyết pháp, giảng dạy tất cả nghi thức. Vì vậy, Đại sư chứng đắc vô lượng công đức không thể nghĩ bàn. Từ đó, những trước tác, văn thơ, kệ tán, chương cú của Đại sư đều rất thanh tao bóng bẩy, lưu loát.

Lúc trú tại chùa Sát Tự, Đại sư đã từng dẫn đệ tử là A Vượng Trát Ba đến chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát, thọ trì Đại Bi Tế Giới trước Thánh tượng Quán Thế Âm.

Năm 1386, Đại sư đến các chùa Văn Địa ('On, tại vùng Văn Hà Hà Cốc), Trát Hy Đa Cát (Bkra-shis rdo-dkar, tại Hà Đông), Hoàng Như (Ke-ru, tại Hà Tây), v.v... giảng luận Hiện Quán Trang Nghiêm, Thích Lượng, Nhập Trung Luận, v.v... cho các đệ tử và Tăng chúng nghe.

Kế đến, Đại sư tới chùa Sát Tự ở Sát Cống Đường (47), duyệt xem đại tạng kinh Cam Châu (Kanjur) và Đơn Châu (Tanjur), nên đạt được vô lượng diệu huệ thù thắng.

Tối hôm nọ, vì muốn biết công nghiệp hoằng dương Phật pháp độ sanh như thế nào, Đại sư cùng người đệ tử đến trước Thánh tượng Quán Thế Âm, lễ bái khẩn cầu Đại sĩ Từ bi ứng mộng thọ ký.

Vào một đêm nọ, người đệ tử của Đại sư (tức A Vượng Trát Ba) mộng thấy hai cái pháp loa từ trên hư không, dần dần bay vào y ca sa, rồi hợp nhất thành một. Thuận tay, A Vượng Trát Ba cầm lên mà thổi, khiến vang ra âm thanh lớn vô cùng (48).

Đại sư cũng mộng thấy mình bay lên đỉnh núi Na Đường Nha Lạp Nha. Nơi đó, Đại sư thấy có một tảng đá màu trắng bằng phẳng sạch sẽ. Trên tảng đá lại có một đóa hoa sen xanh đang nở rộ, với màu sắc vô cùng tươi thắm; cành hoa không khô héo; mỗi phần của cánh hoa đều đầy đủ rõ ràng. Trong mộng, Đại sư bèn nhặt lấy đóa hoa sen đó, và nghĩ thầm: "Đây chính là biểu tượng cho Thiền định Giải thoát. Tại sao lại sanh xuất nơi này? Có phải đây là điềm dự báo rằng Ta sẽ tiếp thọ đạo Bồ đề chăng?"

Bấy giờ, đột nhiên trên hư không có tiếng đáp:

- Chẳng phải! Đó là điềm thọ tướng Duyên khởi viên mãn (49)!

Vào Mùa Xuân năm 1389, Đại sư đến Cổ Vực (50), giảng giải luận Thích Lượng, Hiện Quán Trang Nghiêm, Nhập Trung Luận, Tập Luận, v.v... cho hơn bảy mươi Tăng chúng. Bấy giờ, tại chùa Sát Tự, có một vị Đại đức thật chứng, tên là Da Hiết Kiên Tham (Thubten Ye-shes Gyaltsen). Vị này tinh thông các kinh luận Hiển-Mật, và sở trường đặc biệt là Thời Luân Kim cang (Kalachakra Cycle). Đại sư cầu thỉnh vị Đại đức này ban truyền Mật pháp, và được hứa khả. Do đó, Đại sư theo Ngài Da Hiết Kiên Tham đến vùng Giác Ma Lũng, rồi nghe giảng sớ Thời Luân Kim cang Vô Cấu Quang Minh (51), cùng học tập tất cả sự tướng, v.v...

Vào mùa Đông năm 1389, Đại sư trú tại chùa Môn Lộ Trát Hy Đống (mon-kar Tashi Dong). Đêm nọ, Đại sư cùng với đại chúng trong chùa đốt đèn đàm luận về truyện của các bậc cao Tăng ở Ấn Độ và Tây Tạng. Đại sư cảm thán, bảo:

- Xưa kia, lúc còn tại thế, Ngài Huệ Sư Tử (Yeshe Shatonpa) giảng kinh thuyết pháp, mà không có bậc đại thiện tri thức nào sánh bằng. Trong pháp hội giảng kinh, cứ mỗi ngày, Ngài Huệ Sư Tử giảng mười một bộ kinh luận khác nhau. Than ôi! Đời nay Phật pháp ngày càng suy vi. Đời sau e rằng khó mà nghe được Phật pháp.

Bấy giờ, có Hà Đốn Cách Tây (sa-ston) cùng các đại thiện tri thức cầu thỉnh Đại sư:

- Khi đại thiện tri thức Huệ Sư Tử giảng kinh luận thù thắng, chúng con tuy vô phước không được nghe, nhưng hiện tại được nghe những lời giảng dạy của Đại sư, thì cũng đã hoan hỷ muôn phần! Đại sư học vấn thâm sâu u triết, quyết chắc làm Phật sự rộng lớn. Vì vậy, chúng con cầu thỉnh Đại sư hãy làm như đại thiện tri thức Huệ Sư Tử, vị đã từng thăng tòa giảng mười một bộ kinh luận trong một pháp hội. Xin Đại sư Từ bi, chấp thuận lời cầu thỉnh của chúng con!

Thấy họ rất mực chân thành, Đại sư Từ bi chấp thuận, bảo:

- Nếu tôi cố gắng chút ít thì cũng có thể giảng được!

Ngày kế, Đại sư nhập thất tĩnh tu, ôn duyệt lại tất cả bộ kinh luận, và định là ngày ba mươi sẽ ra thất, rồi sang tháng tới sẽ bắt đầu khai giảng.

Chư thiện tri thức và quần chúng Phật tử trong vùng nghe tin Đại sư sẽ giảng mười một bộ kinh trong một ngày, nên vô cùng vui mừng hoan hỷ, và cùng rủ nhau đến nghe giảng kinh. Các Phật tử ở những nơi xa gần, sợ không thể tham gia được pháp hội nghe giảng kinh, nên liên tiếp gởi thơ đến, thỉnh cầu Đại sư kéo dài ngày giảng kinh. Để mãn nguyện đại chúng, từ mồng một đến mồng bốn, Đại sư chỉ giảng giải kinh luận của phái Cát Cử một cách khái quát. Từ mồng năm, Đại sư mới chính thức đăng đàn khai giảng kinh luận. Hôm đó, đột nhiên Đại sư tự tuyên bố là sẽ khai giảng mười lăm bộ kinh luận. Từ đó, trong mỗi ngày, Đại sư liên tiếp giảng giải mười lăm bộ kinh luận mà không thiếu sót. Nơi đó, sau khi giảng xong hai bộ luận ngắn, Đại sư tiếp tục giảng hai bộ luận khác. Tổng cộng, trong kỳ pháp hội đó, Đại sư thuyết giảng mười bảy bộ kinh luận dài ngắn: Năm bộ luận của Bồ tát Di Lặc, năm bộ luận Trung Quán (52), Tập Lượng Luận, Câu Xá Luận, Giới Kinh, Thích Lượng Luận, Nhập Hành Luận, Nhập Trung Luận, Tứ Bách Luận. Mỗi ngày, Đại sư giảng giải đại sớ làm chủ yếu, còn những sớ sao khác làm phụ trợ. Lúc gặp những sớ giải bất đồng của các bộ phái, Đại sư nhất định đưa ra những quan điểm khác nhau của họ, để biện luận chánh lý, rồi mới tự bàn luận. Do đó, những chỗ khó khăn vấn nạn của các bộ kinh luận đều được giải thích, và nghĩa lý chân thật được hiển bày.

Pháp hội giảng kinh kéo dài ba tháng mới kết thúc. Trong lần đó, tuy bận rộn với việc thuyết giảng, nhưng vào mỗi buổi tối, Đại sư cũng vẫn tu trì pháp Đại Oai Đức Kim cang, cùng các Mật pháp khác mà không khiếm khuyết gián đoạn. Thấy định huệ thù thắng của Đại sư, thính chúng đồng sanh khởi tín tâm thù thắng hy hữu, và tán thán:

- Đại sư nếu chưa đạt được sự gia trì đặc biệt của Bổn Tôn, thì cũng đã chứng đắc công đức tổng trì Đà la ni của Bồ tát Đại Địa. Nếu không thì tại sao làm được Phật sự rộng lớn như thế!

Về sau, trong pháp hội giảng kinh khác, Đại sư lại giảng hai mươi mốt bộ luận đồng một ngày. Bảy năm trú tại chùa Đệ Ngõa Cẩn và các đạo tràng khác, trong mỗi pháp hội, Đại sư thường liên tục giảng mười bộ kinh luận đồng một lúc. Đối với sự tu trì trước sau, Đại sư nghiên cứu tu học hai mươi chín bộ đại luận. Mỗi lần giảng thuyết, Đại sư đều chỉ bày những chỗ tinh yếu của các bộ kinh luận. Tại các nơi, Đại sư thường biện biệt cho đến khi nào hiển xuất ra chánh lý mới dừng. Phật sự này thật rất khó khăn, nhưng Đại sư đều ung dung tự tại mà giảng thuyết. Trí tuệ siêu phàm của Đại sư thật không thể nghĩ bàn!

Mùa Xuân năm 1390, Đại sư định đi khắp nơi để học các pháp Mật Tích Kim cang thừa, quán đảnh, mật truyền, sự tướng, v.v..., và muốn đến thân cận Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, nên từ vùng Giác Ma Lũng, đi đến Tạng Đạt Thương (53).

Trên đường, Đại sư ghé qua Khách Địa (54), Noa Kiếp Lũng (Rongurb-chos-lung), và y theo trụ trì chùa Thác Tự (tsong) là Ngài Trát Ba Hiết Ninh (Dragpa Shenyen Rinpoche) học tập "Ngũ Thứ Đệ Luận.”

Đương thời, có một vị Lạt ma từ Tây Ninh đến, tên là Tôn Truy Tôn Cách (brtson-grus seng-ge), trú tại chùa Đệ Kiều Đăng (bde-mchog seng). Vì tinh thông luận Trung Quán thâm sâu, nên ai ai cũng tôn xưng vị Lạt ma này là Lạt ma Ổ Mã Ba (Umapa Pawo Dorje). Trong số đệ tử của Đại sư, có Phước Xưng Tam tạng Pháp sư và Huệ Xưng thiện tri thức đồng đến cầu pháp với vị Lạt ma đó. Lạt ma Ổ Mã Ba bảo họ:

- Đại sư Tông Khách Ba tài năng siêu phàm, Trí tuệ thâm cao, đầy đủ bao loại công đức. Ta vốn ngưỡng mộ Đại sư đã lâu, nên nay muốn đến đó để bái kiến cùng thỉnh cầu truyền dạy pháp quán đảnh Diệu Âm Thiên Nữ.

Về sau, lúc gặp nhau, Đại sư cùng vị Lạt ma đó rất vui mừng. Do lời thỉnh cầu, Đại sư truyền dạy vị Lạt ma đó pháp quán đảnh Diệu Âm Thiên Nữ. Cả hai Ngài cùng đàm luận nghĩa lý Phật pháp, và hỗ tương ấn chứng sở học. Lạt ma Ổ Mã Ba nói:

- Thuở thiếu thời, tôi được Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hiện thân thuyết pháp. Tuy nhiên, vì e rằng đó chỉ là huyễn tướng, hoặc là ma chướng, nên tôi dùng bao phương pháp để kiểm nghiệm. Hiện tại, tôi cũng chưa dám xác định là chân hay giả. Đại sư đã thâm nhập vào tâm tạng của Phật pháp, thấu triệt lẽ u huyền, xin thỉnh cầu hãy Từ bi giải thích giúp hộ. Lại nữa, hôm nay đến đây tôi thật muốn cầu thỉnh Đại sư dạy pháp quán đảnh.

Đại sư bèn dùng nghĩa lý thâm sâu của Trung Quán, mỗi mỗi hỏi han rành rẽ tường tận, và cảm thấy hiện cảnh đó là chân thật, nên nói:

- Đã thấy rõ sự chân giả, từ nay Ngài chớ có nghi ngờ. Tuy nhiên, tuyệt đối chớ nên tự mãn, khiến quên mất mật ý. Ngược lại, Ngài hãy nên nỗ lực tinh cần, khẩn cầu Bồ tát gia trì. Đối với chân thân thật ngữ của Bổn Tôn, không thể dùng các căn như mắt tai để quán sát nghe thấy. Chân thân thật ngữ đó cho đến cảnh giới của ý thức, phải quán sát thâm nhập Tam ma địa mới có thể thấy được. Xưa kia, tôi cũng muốn thỉnh cầu thọ giáo pháp của Bồ tát Văn Thù, nên chẳng bao lâu, tôi sẽ đến Đạt Thương, thân cận Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa.

Đàm luận xong, Đại sư bèn cáo từ Lạt ma Ổ Mã Ba, rồi dẫn đồ chúng đến Đạt Thương.

Tu học Phật pháp, từ sơ phát tâm đến lúc thành Phật, ai ai cũng gặp bao chướng ngại bất như ý. Nếu không phát tâm chân chánh, cùng thông đạt nghĩa lý Phật pháp, thì khó mà phá trừ được những chướng ngại.

Trong các sự chướng ngại, sợ nhất là ma giả hiện thân Phật, chỉ dạy những kiến chấp bất chánh, và thi thiết tà pháp khiến người đi lạc vào lối rẽ. Hoặc giả, ma hiện thân Bổn Tôn, giảng thuyết những Kinh điển tà ngụy, hàm hồ thọ ký. Người tu học Phật pháp, nếu muốn biện biệt chân giả về hóa thân của ma hay chân thân của Phật, phải nghiên cứu Kinh điển, thông đạt kiến giải Trung Quán, cùng nhớ rõ những lời dạy chân chánh của các bậc thiện tri thức.

Có một số người học Phật, do nghiệp chướng nặng nề, si mê vô trí, không biết nghiên cứu tu học Hiển giáo, không trừ tham ái cùng năm món dục lạc, không phân biệt được Phật hay ma, nên thời thời thường bị ma xoay chuyển. Ngày ngày, họ mong cầu nhìn thấy chư Phật, Bồ tát. Do đó, đối với những huyễn tướng, hoặc là cảnh ma, họ hoàn toàn không thể phân biệt được chân giả, cứ mãi nhận lầm giả là chân và chân là giả; thậm chí lúc gặp ma cảnh, họ bèn cho là đã đạt đến cảnh giới của Phật. Những kẻ bị yêu ma quỷ quái trói buộc đó, đời đời kiếp kiếp không những tự chính mình bị trầm luân chẳng thể Giải thoát và làm quyến thuộc ma, mà còn khiến cho những người đồng học thân quyến cũng gặp nạn ma chướng.

Thấy những người tu học Phật pháp lầm lạc đó, và sợ chiêu cảm quả báo xấu, nên tuy biết rõ Bồ tát Văn Thù chân thật hiện thân gia trì, mà Lạt ma Ổ Mã Ba cũng vẫn đến cầu Đại sư Tông Khách Ba hỗ tương ấn chứng. Thật ra, vị Lạt ma này muốn dùng thân để răn dạy những kẻ hậu học, và nhắc nhở rằng người tu hành phải nghiên cứu giáo lý cho rành rẽ, cùng y theo các bậc thiện tri thức chân chánh. Ngược lại, muốn cầu thăng mà bị đọa, khiến hại mình và hại người (55).

Lúc đến chùa Cát Ngõa Đống, Đại sư lại nhờ Lạt ma Ổ Mã Ba chuyển lời thỉnh vấn Bồ tát Văn Thù về nghĩa lý thâm sâu của luận Trung Quán. Bồ tát Văn Thù bèn giảng giải khái quát về sự khác biệt giữa kiến giải của hai phái Trung Quán-Thanh Biện và Trung Quán-Nguyệt Xưng về luận Trung Quán, như gì là "câu sanh ngã chấp", "bản ngã", "thật chấp", v.v...

Ngoài ra, Bồ tát Văn Thù còn lược thuyết về sự khác biệt giữa cộng đạo và bất cộng đạo, giữa Hiển giáo và Mật giáo (Kim cang thừa). Bồ tát lại thuyết về thứ lớp viên mãn của bộ Kim cang Vô thượng Mật (56), như thể tánh thứ lớp, số mục, v.v...; tất cả lời dạy đều hàm chứa pháp nghĩa thâm

sâu.

Nghe qua, Đại sư lại hỏi:

- Lý lẽ này, hiện tại con không thể hiểu nổi. Xin Bồ tát Từ bi giảng giải tường tận!

Hóa thân của Bồ tát Văn Thù bảo:

- Giáo nghĩa này thật rất thâm sâu, nên không dễ dàng lãnh hội. Tạm thời, ông nên để qua một bên. Sau này hãy cầu thỉnh nơi Tôn sư, Bổn Tôn, tu học bổn pháp, tích tụ tư lương, tịnh trừ nghiệp chướng, nghiên cứu kỹ càng về kinh luận. Việc quan trọng nhất là phải hành trì không gián đoạn, chẳng giải đãi. Hãy lấy lời dạy của Ta làm tăng thượng duyên, thì chẳng bao lâu sẽ có khả năng thông đạt hết những giáo nghĩa thậm thâm áo diệu.

- Hiện nay tại Tây Tạng, ai là vị có khả năng giảng dạy giáo nghĩa Chánh kiến Trung Quán cùng các Mật pháp?

- Vị đó là Nhân Đạt Ngõa. Nhưng, vị này không thể đoạn trừ tâm niệm nghi ngờ của ông. Tạm thời, ông chớ nên thuyết giảng Kinh điển, mà hãy chọn nơi thanh tịnh, chuyên tâm tu trì, thì tự nhiên sẽ lãnh hội.

- Luận sư Nguyệt Xưng giải thích về bộ luận Trung Quán của Bồ tát Long Thọ có điểm nào sai lầm chăng?

- Bồ tát Nguyệt Xưng vốn trụ ở thế giới thượng phương, và là một vị đại Bồ tát có Trí tuệ thù thắng. Vì muốn hiển dương chánh giáo của Bồ tát Long Thọ, nên Bồ tát Nguyệt Xưng mới đến thọ sanh nơi cõi này. Do đó, những kiến giải của Bồ tát Nguyệt Xưng, cho dầu Hiển-giáo hay Mật-giáo đều không có chút sai lầm. Ông hãy tự dẹp trừ tâm nghi ngờ, mà phải quyết tâm tin tưởng thọ nhận.

Bấy giờ Lạt ma Ổ Mã Ba hỏi hóa thân Bồ tát Văn Thù:

- Đại sư Tông Khách Ba tuy tuổi nhỏ, nhưng Trí tuệ siêu phàm. Nếu chuyên giảng kinh luận thì nhất định phát dương Chánh pháp. Nếu Tông Khách Ba cứ lo chuyên tu thì e rằng người khác sẽ trách cứ con. Xin Bồ tát hãy khuyên Tông Khách Ba tiếp tục giảng kinh.

Hóa thân Bồ tát Văn Thù đáp:

- Phương thức làm Chánh pháp trụ trì nơi thế gian và đem lại lợi ích cho chúng sanh, khả năng của ông không thể hiểu nổi. Người khác trách mắng phỉ báng thì ông hãy tu hạnh nhẫn nhục. Tông Khách Ba sau này sẽ gặp ma nạn. Nếu không chuyên tu pháp đối trị thì e rằng sanh mạng khó được bảo tồn. Vì vậy, việc trước mắt là Tông Khách Ba phải xả bỏ ngoại duyên, chỉ lo chuyên tu.

Lúc đến Đạt Thương (stag-tshang), Đại sư cùng với Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, dịch giả Tam tạng Pháp sư Trát Ba Kiên Tham (57), dịch giả Đốn Tang Ngõa (58), v.v... tương hội, và cùng nhau thảo luận giáo lý Kinh điển.

Trong pháp hội, dịch giả Tam tạng Pháp sư Trát Ba Kiên Tham, pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang (59), Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, theo thứ tự mà lên tòa diễn giảng kinh luận Hiển-Mật cho chư Tăng thường trú và khách tăng tại chùa.

Pháp hội kết thúc, Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa cùng với Đại sư đến chùa Ba Ổ Niếp ('ba'u-'ba'-gnyer). Nơi đó, Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa vì Đại sư mà diễn giảng tường tận kinh Tập Mật Căn Bản Đại Giáo Vương (60). Nghe tiếng Ngài Kiếp Kiết Cống Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết (61), tinh thông về "Thời Luân Kim cang", nên Đại sư định đến Cống Tùng để y chỉ tu học. Đêm nọ, trong giấc mộng, Đại sư nghe có người bảo:

- Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết đã từng ở dưới tòa của Bố Đốn Nhân Ba Thiết (Boton Rinpoche) nghe giảng "Thời Luân Kim cang Bổn Tích (Kalachakra)" khoảng mười bảy lần.

Cuối năm đó, lúc đến yết kiến Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết, Đại sư thỉnh hỏi:

- Xin hỏi vậy chớ lúc ở dưới tòa của Bố Đốn Nhân Ba Thiết, Ngài đã từng nghe qua "Thời Luân Kim cang Bổn Tích" bao nhiêu lần?

Đáp:

- Mười bảy lần.

Lời đáp này phù hợp với điềm mộng xưa kia của Đại sư. Vì vậy, Đại sư càng khởi tâm kính tín đối với Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết. Đương thời, giáo pháp Thời Luân Kim cang Bổn Tích gần như không còn mấy ai biết đến.

Lúc Đại sư có ý muốn chuyên tu học Mật pháp, rất nhiều vị đại thiện tri thức hỏi:

- Đại sư cần gì phải gấp gáp cầu học Mật pháp! Hiện tại, Đại sư nếu giảng giải kinh luận Hiển-Mật, thì làm lợi ích cho biết bao chúng sanh; sao lại không đi diễn giảng?

Đại sư đáp:

- Y theo lời dạy của Mật giáo mà tu trì thì mới mau viên mãn hành trang, đoạn trừ hai chướng (62) cùng tất cả tập khí, để hiện thân chứng đắc quả vị Phật cùng Kim cang Trì. Tu trì Mật giáo có công đức như thế, và cũng muốn cứu độ tất cả chúng sanh, sao không bỏ chấp trước mà nhập thẳng vào đại pháp, để tu tập những pháp môn vi mật? Giảng thuyết kinh luận tuy có thể làm lợi ích cho chúng sanh, nhưng không sánh bằng việc thành tựu Phật quả, tức "Mau chóng hành hạnh bố thí để khiến chúng sanh được an lạc, và tạo nơi quy y duy nhất cho họ"!

Nguyên nhân là vì vào đương thời có nhiều người tu học Phật pháp, cho rằng Hiển giáo và Mật giáo tương phản với nhau, như nước với lửa. Người tu học Hiển giáo thì không tu học Mật giáo. Người tu học Mật giáo thì phỉ báng người theo Hiển giáo. Do nguyện lực của thiện căn đời tiền kiếp, và vì muốn khiến chúng sanh an định tương hòa nơi hai pháp Hiển-Mật, nên sau khi tu học thành tựu viên mãn Hiển giáo, Đại sư lại phát tâm tu học tất cả Mật pháp.

Lúc gặp nhau, Đại sư cũng thường cầu thỉnh Lạt ma Ổ Mã Ba chuyển lời cầu thỉnh Bồ tát Văn Thù về những pháp nghĩa thâm sâu. Ngày nọ, Đại sư tự bảo: "Vì chấp trước nơi danh lợi, vật chất, thanh sắc, v.v..., nên chúng sanh bị bao thống khổ cùng phiền não, và lưu chuyển trong vòng sanh tử Luân hồi không ngừng nghỉ.

Muốn thoát khỏi biển khổ sanh tử phải y theo pháp "Vô ngã, Trí tuệ của Tánh Không, diệt trừ vô minh sanh tử.” Nếu không như thế thì dẫu có tinh tấn tu học cách mấy, cũng khó mà thành tựu.

Giữa các đại Luận sư, những vị có khả năng thông đạt Vô ngã Tánh Không, chẳng có ai bằng Bồ tát Long Thọ. Bồ tát Long Thọ trước tác những bộ luận Trung Quán, v.v... để giải thích thâm sâu về tâm tạng của Thánh giáo, khiến xa lìa được hai kiến chấp có và không. Vì vậy, phải nương y nơi bộ luận này để đắc được kiến giải Vô ngã Tánh Không. Song, nếu muốn hiểu rõ ràng, cũng không phải dễ dàng. Nếu hiểu lầm về những lý đó thì sẽ lạc vào đoạn kiến (chấp không) hay thường kiến (chấp có).”

Suy nghĩ xong, Đại sư bèn nhờ Lạt ma Ổ Mã Ba chuyển lời thỉnh hỏi Bồ tát Văn Thù về việc tu tập giáo nghĩa Chánh kiến. Bồ tát Văn Thù đáp:

- Tu học Phật pháp, không thể có cách nhìn khinh trọng bất đồng đối với pháp nghĩa "huyễn hữu" và "chân không.” Người sơ cơ đầu tiên phải đặc biệt xem trọng nơi huyễn hữu. Nếu lầm chấp nghĩa không mà trở thành kiến chấp đoạn diệt, thì nhất định sẽ bài bác lý Nhân quả cùng hủy báng thế tục đế. Đó chính là tạo lỗi hủy báng Phật pháp. So với kiến chấp "thường" thì nghiệp tội thật nặng nề hơn. Nếu thế tục đế bị phá hoại thì thắng nghĩa đế cũng không thể tồn tại. "Huyễn Hữu" cùng "Chân Không" phải nên hỗ tương mà dựng lập. Phá hoại một cái này thì nhất định sẽ phá hoại một cái kia. Do đó bảo rằng hai đế (thế đế và đệ nhất nghĩa đế) đều là pháp Duyên khởi Tánh Không. Đó chính là Chánh kiến thù thắng của giáo nghĩa Trung Quán.

Vì muốn chuyên tu để đối trị ma chướng, mùa Thu năm 1390, Đại sư đến chùa Đệ Khâm (sde-chen, tại vùng Giang Tư), yết kiến Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết. Vừa gặp mặt, Đại sư bèn cúng dường Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết một xấp lụa Cáp Đạt màu vàng. Sáng hôm sau, Đại sư cũng cúng dường một xấp lụa anh võ màu xanh lá cây, rồi mới cầu thỉnh Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết giảng giải "Thời Luân Kim cang Đại Sớ", cùng cách tu hành theo sự tướng. Bấy giờ, Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết vừa giảng xong phẩm đầu của "Thời Luân Kim cang Kinh Đại Sớ", nên khi nghe Đại sư thỉnh cầu, bèn vui mừng bảo:

- Ông tu học pháp Duyên khởi thật hay. Hôm qua, ông cúng dường vải Cáp Đạt màu vàng, tức thuận nơi địa giới tiếp thu tướng thứ đệ. Đây là điềm dự báo rằng ông sẽ tu hành thành tựu viên mãn theo thứ lớp, tức đạt đến quả vị cứu cánh. Hôm nay, vải lụa cúng dường vốn màu xanh lá cây, tức là thuận với hư không giới, khiến sanh khởi tướng thứ đệ. Đây là điềm dự báo ông sẽ tu trì pháp sanh khởi thứ đệ, và cũng có thể đạt đến quả vị cứu cánh tối cao. Những điềm lành này hiển thị rằng trong một đời, ông sẽ có thể thành Phật. Hiện tại, ông vốn gặp duyên tăng thượng. Ta sẽ khai giảng câu thứ nhất "vì để thành thục cho các vị đại nhân" trong phẩm thứ hai. Đây thật là một điềm lành, biểu thị rằng tương lai ông sẽ trụ trì Chánh pháp, làm lợi ích vô số chúng sanh. Do ông có nhân duyên thù thắng như thế, Ta nhất định sẽ giảng giải tất cả, để ông hiểu nghĩa lý cứu cánh viên mãn.

Nói xong, Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết tiếp tục giảng phẩm thứ hai. Vừa hoàn tất toàn bộ đại sớ, Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết lại vì Đại sư mà giảng lại phẩm thứ nhất.

Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết đã từng theo Ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết tu học "Thời Luân Kim cang Kinh" cả mười bảy lần, nên thông suốt tận nơi huyền diệu thâm áo (63). Đại sư theo Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết tu học "Thời Luân Kim cang Kinh Đại Sớ", "Tu Hành Sự Tướng", "Sáu Pháp Gia Hạnh", v.v... Tất cả đều thành tựu viên mãn.

Đắc được thiện xảo về bộ "Thời Luân Kim cang" xong, Đại sư định học tập pháp truyền thừa, giải thích sự tướng của bộ phái Du Già, vì nghĩ rằng trước khi học Kinh điển, phải thông suốt về sự tướng.

Mùa Đông năm 1390, Đại sư đến vùng Đóa Lũng (Stod-luog) chuyên tu pháp Thời Luân Kim cang, cùng giảng giải kinh luận cho đồ chúng.

Bấy giờ, Thầy Trát Ba Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (grags-pa rin-chen) tại chùa Tông Cơ (Rdzong-ji) ở vùng Nhã Long Địa Khu Môn Lộ (mon-mkhar) do ngưỡng mộ oai đức của Đại sư đã lâu, nay phát tâm chánh tín, nên phái người đến cung nghinh Đại sư về chùa. Thấy vị Thầy này thành tâm, nên Đại sư chấp thuận.

Trên đường đi ngang qua núi Sâm Bố (srin-po-ri), Đại sư dừng lại nơi cư trú của pháp vương Cống Cát Kiếp Kết (gong-dkar chos-ryal). Trong pháp hội vào Mùa Xuân, Đại sư giảng các bộ kinh luận như Giới Kinh, Tập Luận, v.v... cho Tăng chúng tại vùng Nhật Đơn Lập Khang (rigs-dan lha-khang). Sau đó, trong pháp hội mùa hè, Đại sư tiếp tục đến giảng kinh luận cho đại chúng ở chùa Tông Cơ thuộc địa phận vùng Nhã Long. Trong hai pháp hội vào Mùa Xuân và mùa hạ, tất cả nhu yếu cần thiết của Đại sư và đồ chúng đều do pháp vương Cống Cát Kiết Kết và Thầy Trát Ba Nhân Khâm Nhân Ba Thiết cúng dường.

Trong năm đó, không những giảng kinh luận Hiển-Mật giáo, Đại sư còn ban truyền pháp quán đảnh cho các đệ tử.

Mùa hạ năm 1391, Đại sư đến Trì Tạp Khương ('khris-rtsva-khang, tại vùng Giang Tư), y theo Ngài Duyện Tang Ngõa (64), để học các bộ Du Già như "Kim cang Giới", và "Kim cang Đảnh", cùng tất cả họa đồ, vũ tán, kết đàn, kết ấn của những mạn đà la lớn nhỏ. Mỗi pháp Đại sư đều học tập tinh tường thành thục.

Đêm nọ, Đại sư mộng thấy một vị Tăng tuổi tác rất cao, trên đầu đội chiếc mũ có năm tượng Phật; vị này tay phải cầm chùy, tay trái cầm linh cái, ngồi trên bảo tòa thật trang nghiêm. Tên Ngài là Khuynh Bạc Lôi Ba Nhân Ba Thiết (65). Trong mộng, Đại sư thấy mình đang ngồi đối diện vị này. Đột nhiên, vị này đứng dậy, tay cầm chùy và linh cái, làm Kim cang Bộ Pháp (Karma-vajra), rồi từ bên phải đi nhiễu quanh Đại sư ba vòng. Bấy giờ, Đại sư bất chợt niệm chú "Ổ Cát Ba Tích Cát Ba.” Thấy vậy, vị này đặt chùy và linh cái lên đầu của Đại sư, cùng xướng lời:

- Yết ma bạt cứu la.

Xướng xong, vị này liền trở về chỗ ngồi (66).

Tỉnh dậy, Đại sư cảm thấy toàn thân rất an lạc thư thái, nên suy nghĩ: "Xưa kia, Ta đã từng được Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết ban cho pháp hiệu là Bất Không Kim cang. Trong lần mộng này lại có Kim cang Bộ Pháp. Đây là tên của bộ Yết Ma. Hai danh tự này thật rất khế hợp nhau.”

Mùa Xuân năm 1392, Đại sư lại trở về, đến dưới tòa của Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết, xin học tất cả sự tướng của pháp quán đảnh, truyền thừa, chỉ đạo, vũ tán, họa đàn, v.v... của "Kim cang Mạn bốn mươi lăm đại Mạn Đà la ni" do Luận sư Vô Úy Sanh truyền sang. Đại sư cũng tu học pháp đại quán đảnh của Đại Luận Kim cang Thủ Vô thượng Mật Pháp.

Cuối mùa Thu năm 1392, vào đêm nọ, Đại sư lại mộng thấy Ngài Khuynh Bạc Lôi Ba Nhân Ba Thiết ngồi trên một bảo tòa cao, và đang thuyết pháp cho đại chúng. Đại sư cũng ngồi đối diện với vị này. Bất chợt, vị này lại mở thượng y, để trần ngực cho Đại sư xem. Đại sư thấy bên trong tim của vị này có rất nhiều bài chú, văn tự rõ ràng, nên lập tức đọc tụng hết những chú ngữ đó (67).

Theo những điềm mộng lành như thế, Đại sư đến chùa Hà Lỗ (Zha-lu), tu học Mật pháp dưới tòa của Ngài Khuynh Bạc Lôi Ba Nhân Ba Thiết. Lúc đến nơi, Đại sư nhận thấy rằng vị này hoàn toàn giống như vị Lạt ma hiện trong mộng. Do đó, đối với vị Lạt ma này, Đại sư sanh khởi thâm tâm cung kính tột bậc.

Thể theo sự gia trì của vị Tôn sư, Đại sư thọ pháp quán đảnh Đại Đà la ni của bộ phái Du Già, và học Đại Bạch Tản Cái, Tam Tam muội Da, Quán Âm mười một diện mặt, Kim cang Tồi Hoại, A Di Đà Phật, Đại Nhật Như Lai, Hành Bộ mật pháp, cùng các Mật pháp khác. Bấy giờ, Đại sư đã hoàn toàn học hết ba bộ quán đảnh thanh tịnh ở Tây Tạng. Đối với bộ Mật pháp Du Già Vô thượng, Đại sư đã từng theo Ngài Nhân Ba Thiết học Tập Mật của phái Long Mãnh, Thắng Lạc của phái Lô Y Ba và phái Hắc Hành, cùng vô lượng pháp nghĩa.

Xưa kia, Ngài Khuynh Bạc Lôi Ba Nhân Ba Thiết đã từng theo hai Ngài Thánh Quang và Bố Đốn học tập Mật pháp, và được sở đắc Giáo thọ nhiều như biển cả. Vì vậy, đối với tất cả Mật pháp, Ngài Khuynh Bạc Lôi Ba Nhân Ba Thiết đều tận lực ban truyền hết cho Đại sư. Học xong những Mật pháp này, Đại sư trở về lại dưới tòa của Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết để nghe giảng Kim cang Tâm Thích, Na Nhã Đại Sớ, Tập Mật Kim cang do hai phái Long Mãnh và Trí Túc giải thích. Đồng thời, Đại sư cũng y theo Tam tạng đại Pháp sư Kiên Tham Trát Ba (rgyal-mtsham grags-pa) học Du Già Mật Nghĩa, và tu học các bộ trước tác của Ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết như Kim cang Xuất Sanh Kinh Đại Sớ, Du Già Căn Bổn Kinh, Kim cang Đảnh Kinh, v.v... cùng vô lượng giáo pháp.

Năm 1393, Đại sư cùng với Lạt ma Ổ Mã Ba đến chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát, lễ bái tôn tượng Phật Thích Ca, cùng trần thiết cúng dường, phát đại nguyện rộng lớn, và thỉnh cầu Chánh pháp mãi trụ ở thế gian, để khiến chúng sanh an trụ nơi cõi Phật thanh tịnh.

Phát đại nguyện thanh tịnh xong, Đại sư cùng Lạt ma Ổ Mã Ba đến chùa Cát Ngõa Đống (68), nhập thất tĩnh tu. Bấy giờ, tuy hai Ngài lập mật đàn tu trì ở hai nơi khác nhau, nhưng thường xuyên gặp nhau khi thọ trai và làm việc. Vì vậy, Đại sư thường nhờ Lạt ma Ổ Mã Ba chuyển lời cầu thỉnh Bổn Tôn giải đáp những pháp nghĩa thâm sâu, cùng nghe Bổn Tôn thuyết vô lượng diệu nghĩa.

Lần nọ, Đại sư tự bảo: "Lần nào cũng làm phiền Lạt ma Ổ Mã Ba, thật quá bất tiện! Từ nay, Ta phải tự khẩn cầu Bổn Tôn hiện thân, trực tiếp thỉnh vấn pháp nghĩa.”

Suy nghĩ xong, Đại sư lập tức tinh tấn tu trì, ân cần cầu thỉnh. Qua vài ngày sau, đột nhiên trong đàn tràng, xuất hiện một tấm Đà la ni bảo quý màu xanh da trời, thật đẹp tuyệt vời. Tấm Đà la ni đó phát ánh sáng thanh tịnh trong suốt như lưu ly. Trên mặt của tấm Đà la ni đó có các sợi chỉ năm màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh da trời. Qua làn ánh sáng, Đại sư thấy hóa thân Bồ tát Văn Thù đỏ hồng, đang ngồi xếp bằng, tướng hảo thật rất trang nghiêm mà người phàm không thể suy lường nổi. Thấy điềm lành hy hữu này, Đại sư không khỏi xúc động vui mừng, nên liền đến báo tin cho Lạt ma Ổ Mã Ba. Vị Lạt ma này bảo:

- Như vậy, Thầy đã thấy được Bổn Tôn Văn Thù rồi!

Từ đó về sau, mỗi lần muốn thấy Bổn Tôn, Đại sư chỉ việc khẩn thành cầu nguyện, thì trong nháy mắt, Bồ tát Văn Thù lập tức hiện thân (69).

Cuối mùa Thu năm 1393, Lạt ma Ổ Mã Ba muốn trở về Tây Khương. Đại sư tiễn đưa Lạt ma Ổ Mã Ba đến Lạp Tát. Trên đường đi, nhớ lại những ân tình của Lạt ma Ổ Mã Ba dành cho mình, Đại sư không khỏi rơi lệ. Nhờ Lạt ma Ổ Mã Ba chỉ dẫn mà Đại sư mới được Bồ tát Văn Thù hiện thân chỉ dạy vô lượng giáo nghĩa. Hôm nay chia tay, biết bao giờ mới gặp lại. Chợt nghĩ đến mà lòng cảm thấy quặng đau. Vì Đại sư muốn thỉnh vấn nghĩa lý tu hành tối quan trọng, nên cùng Lạt ma Ổ Mã Ba đến chùa Đại Chiêu, quảng thiết cúng dường, rồi ân cần cầu khẩn. Trong sát na, Bồ tát Văn Thù lại xuất hiện tướng thù thắng vi diệu, và vì Đại sư mà thuyết rất nhiều pháp nghĩa thậm thâm. Những lời dạy đó, sau này Đại sư hoàn toàn ghi lại trong các bộ luận trước tác.

Bấy giờ, Đại sư lại cầu thỉnh Lạt ma Ổ Mã Ba ban cho pháp Tập Mật, Bất Động Như Lai, và bốn loại quán đảnh. Làm lễ quán đảnh xong, Đại sư cùng Lạt ma Ổ Mã Ba trân trọng chia tay. Lạt ma Ổ Mã Ba trở về Tây Khương, còn Đại sư thì đến vùng Giác Ma Lũng (Kyomo Lung).

Đại sư tu học Mật pháp, đến nay đã hoàn toàn viên mãn. Vì muốn tôn thủ và y theo lời dạy của Bổn Tôn, Đại sư tạm thời gác lại việc hoằng pháp, mà nhập thất chuyên tu.

Lúc trú tại Cát Ngõa Đống, Đại sư đã từng nhờ Lạt ma Ổ Mã Ba chuyển lời thỉnh vấn Bổn Tôn rằng trong tương lai, phải nên dẫn theo các đệ tử nào để cùng tu. Y cứ vào lời dạy của Bổn Tôn, Đại sư dẫn theo tám đệ tử: Thắng Hiền, Giác Sư Tử, Bảo Tràng, Hiền Hộ, Diệu Kiết Tường Hải Huệ, Diệu Đức Kiết Tường, Huệ Xưng, Thắng Hộ từ vùng Giác Ma Lũng, theo thuyền đến vùng A Khách Kiếp Lũng (70). Tại đạo tràng thanh tịnh, Đại sư cùng các đệ tử chuyên tu suốt bốn năm. Do Đại sư nghiêm trì Giới luật cẩn mật, cử chỉ hành vi đều như pháp, khiến cho dân chúng cùng quan lại trong vùng cung kính, cúng dường chu cấp tất cả những nhu yếu phẩm trong thời gian nhập thất.

Vừa bắt đầu nhập thất, Đại sư suy nghĩ: "Chướng ngại cho sự tu hành bậc nhất là những nghiệp lực tập khí đã tạo trong tiền kiếp. Chúng che lấp tâm tánh thanh tịnh, khiến các công đức thù thắng khó mà sanh xuất. Lại nữa, nếu người tu hành không có đủ tư lương phước đức rộng lớn, thì cho dù có chuyên tu Trí tuệ, cũng không thể chứng đắc được quả vị Phật thanh tịnh. Do đó, căn bản của sự tu hành là đầu tiên phải chú trọng việc tịnh trừ nghiệp tội, và tích tụ tư lương phước đức.

Kinh Khai Thị Tứ Pháp dạy:

- Này Từ Thị! Nếu Bồ tát Ma Ha Tát thành tựu được bốn pháp thì tâm thanh tịnh mới sáng soi, và dẹp trừ được các ác pháp đã tăng trưởng. Bốn pháp đó là: Lực bạt trừ, lực y chỉ, lực đối trị (đối trị hiện hạnh), lực phòng hộ (ngăn ngừa và đình chỉ tội lỗi).

Nói chung, muốn tịnh trừ tội chướng, phải y theo bốn lực sám hối. Thứ nhất là lực bạt trừ. Đối với tất cả tội chướng đã tạo trong quá khứ, hành giả phải nói rõ ra hết, khẩn thành sám hối, quyết tâm sửa đổi. Ví như người bị bịnh nặng, phải mau cấp cứu bịnh tình.

Thứ hai là lực y chỉ. Hành giả phải quy y Tam bảo thượng sư, luôn luôn không xa rời. Nương vào Tam bảo làm nơi cứu hộ chân thật. Ví như bịnh nhân, phải y theo lời Thầy thuốc chỉ dẫn, rồi tùy theo căn bịnh mà dùng thuốc. Lại nữa, phải phát tâm Bồ đề rộng lớn, thệ nguyện tu học theo tâm hạnh quảng đại của chư đại Bồ tát, thay chúng sanh vô tri mà thọ nhận tội chướng.

Thứ ba là lực đối trị. Người tu hành, muốn đối trị tội chướng, phải y theo những phương pháp như: Y theo Kinh điển thậm thâm, giải thích nghĩa "Không" thù thắng; biết rõ chúng sanh vốn có tâm thanh tịnh, cùng đạo lý tội tánh vốn không thật có; phải tin tưởng rằng chỉ cần thiết theo đúng như pháp mà thống thiết sám hối, thì mới có thể tịnh trừ được tội chướng. Y theo nghi thức như pháp mà trì tụng trăm chữ minh chú, hoặc những chú Đà la ni thù thắng khác, cùng thâm tín Bổn Tôn (71) có đủ thần lực tịnh trừ tội chướng. Cúng dường chư Phật, xây đắp tượng Phật, rồi hồi hướng tất cả công đức đến cho chúng sanh; nguyện cho chúng sanh mãi mãi xa lìa và khô cạn hết tất cả thống khổ tội chướng. Phải thường nhất tâm trì tụng danh hiệu chư Phật, chư đại Bồ tát, cùng chư đại đệ tử của Phật, và tạo công đức niệm Phật bằng thân khẩu ý, khiến nhập vào thâm tâm.

Thứ tư là lực phòng hộ. Người tu hành phải nghiêm cẩn phòng hộ sáu căn, dừng hết mười việc ác bất thiện, dẫu chết cũng không tái phạm. Ví như bịnh nhân, tuy đã khỏi bịnh, nhưng phải chú ý vào việc ăn uống ngủ nghỉ, cẩn thận phòng hộ, thì không bị nhiễm bịnh lại.

Tuy có rất nhiều phương pháp để tịnh trừ nghiệp chướng, nhưng nếu hành trì đầy đủ bốn lực trên thì sự lý viên dung, và có thể đối trị tất cả tội chướng.”

Do đó, vừa nhập thất, Đại sư cùng đồ chúng đồng y theo bốn môn lực ấy mà khẩn thành sám hối nghiệp chướng, chẳng dám giải đãi (72).

Lúc nhập thất tĩnh tu, Đại sư dùng bốn tảng đá lớn để làm đàn Mạn Đà La (73). Khi tu trì, do ân cần chí thành, dũng mãnh tinh tấn, Đại sư đạt được vô lượng công đức. Do đó, về sau tại Tây Tạng dẫu có tu theo tông phái nào, ai ai cũng đều y theo cách thức tu trì của Đại sư, tức nỗ lực tu trì cúng dường Mạn Đà La, cùng hành bao khổ hạnh.

Lúc nhập thất chuyên tu, Đại sư cũng chân thành lễ bái ba mươi lăm vị Phật trên một tảng đá bằng phẳng. Lễ bái chư Phật tất phải vận dụng hết tâm chí thành cung kính mà lễ lạy. Theo cách lễ bái của người Tây Tạng thì khi lễ Phật, phải gieo toàn thân xuống đất, đầu cúi sát đất. Lễ sám ba mươi lăm vị Phật tức là vừa lễ bái và vừa niệm danh hiệu của các Ngài. Không quản khổ nhọc, Đại sư chân thành tinh tấn lễ bái đến độ tay chân đều tróc da chảy máu.

Đang lễ lạy, Đại sư cảm thấy ba mươi lăm vị Phật hiện thân gia trì. Nhưng, mỗi lần thấy được ba mươi lăm vị Phật, Đại sư chỉ thấy thân mà không thấy đầu. Lấy làm lạ, Đại sư thỉnh vấn và được Bổn Tôn bảo:

- Vì Ông xưng niệm danh hiệu Phật chưa đầy đủ và nhớ tưởng công đức của chư Phật chưa trọn vẹn, nên không có cách nào thấy được pháp tướng viên mãn của chư Phật. Về sau, đang lúc niệm danh hiệu chư Phật, ông nên tụng thêm câu "Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn", thì mới có thể thấy được toàn thân pháp tướng của chư Phật.

Mỗi lần tu trì sám pháp, Đại sư đều y theo lời chỉ dạy của Bổn Tôn, và hành trì như pháp. Quả nhiên, chẳng bao lâu, Đại sư thấy được toàn thân pháp tướng viên mãn của ba mươi lăm vị Phật, tôn quý trang nghiêm, tướng hảo quang minh, hào quang sáng chói, không thể diễn bày. Đại sư y theo cách thức này mà viết ra nghi thức tu quán sám hối lễ ba mươi lăm vị Phật. Trước kia ở Ấn Độ cùng Tây Tạng, tuy gọi là hành lễ sám ba mươi lăm vị Phật, nhưng người tu hành thường y theo nghi thức văn sám hối chư Phật và chư Bồ tát; vừa lễ bái vừa xưng niệm danh hiệu chư Phật và chư Bồ tát mà không tu pháp quán tưởng. Bộ nghi thức quán tưởng lễ sám chư Phật do Đại sư trước tác, giúp cho công đức sám hối được viên mãn.

Ngoài thời gian tu trì, Đại sư thường duyệt xem kinh Hoa Nghiêm. Y theo lời kinh dạy, Đại sư phát đại nguyện đại hạnh, và phát tâm Bồ đề rộng lớn.

Theo kinh Hoa Nghiêm, người hành hạnh Bồ tát phải có tâm nguyện và tâm lượng rộng lớn, chí hướng cao, thì mới có thể đạt đến cảnh giới tối thượng. Người tu hành nếu không có chí khí lớn, không có tinh thần chịu trách nhiệm cao, không có hoài bão rộng, tuyệt nhiên không thể phát khởi tâm Bồ đề rộng lớn hay hành bi nguyện vô tận. Vừa mới tu trì, tuy cảm thấy có chút khó khăn, nhưng với ý chí kiên cường, dũng mãnh tinh tấn, nên thân tâm của Đại sư từ từ thuần thục. Đối với những tâm hạnh rộng lớn của chư đại Bồ tát, Đại sư không cần gia lực nhiều mà tự nhiên hành trì được. Bất kể những việc khó khăn nào, Đại sư cũng đều dũng mãnh tinh tấn vượt qua, chứ không bao giờ khởi tâm

thối lui yếu hèn.

Đại sư tự nghĩ rằng nếu muốn tự thân thành Phật thì phải nỗ lực dụng công tu học, chứ không còn cách nào khác.

Lúc nhập thất chuyên tu, Đại sư kiên trì thành tâm cầu đạo; tuy mệt mỏi vô hạn, nhưng Đại sư không dám giải đãi chút nào, chỉ nhất tâm nghiêm cẩn hành khổ hạnh. Vì vậy, Đại sư cảm được chư Phật chư Bồ tát hiện thân gia trì, cùng đạt được vô lượng công đức.

Đại sư cũng từng thấy qua Bồ tát Di Lặc hiện toàn thân cao lớn màu vàng sáng chói, ngồi xếp bằng trên tòa báu. Trên thân được trang nghiêm bằng các loại bảo vật. Một tay cầm cành hoa Hành Ô Ba Lạp, và một tay bắt ấn chuyển pháp luân. Ngoài ra, Đại sư còn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Dược Sư, với tướng hảo sắc vàng trang nghiêm; thấy đức Như Lai Vô Lượng Thọ đang tuyên thuyết bao loại pháp âm, và vô lượng hải hội Thánh chúng Bồ tát tầng tầng lớp lớp vây nhiễu xung quanh.

Lại nữa, Đại sư còn thấy các Bổn Tôn như Thánh Giải thoát Mẫu, Thánh Tôn Thắng Mẫu, Thánh Quang Minh Mẫu, Thánh Bạch Tản Cái Phật Mẫu; thấy tất cả vị Tổ sư như Long Thọ, Đề Bà, Phật Hộ, Long Trí, Nguyệt Xưng, v.v...; thấy các đại Luận sư như Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xưng, Công Đức Quang, Thích Ca Quang, Thiên Vương Huệ, Liên Hoa Giới, v.v...

Tuy đạt đến những cảnh giới cao siêu hy hữu này, nhưng Đại sư vẫn nhận rõ chúng hoàn toàn là cảnh huyễn hóa do tâm thức tạo ra, nên không khởi tâm chấp trước. Vì vậy, thời thời Đại sư luôn quán chiếu tự tâm bằng câu "Các Pháp Đều Như Huyễn Hóa", nên không bị chướng ngại.

Bấy giờ, Bồ tát Văn Thù hiện thân dạy:

- Những cảnh giới đó đều là tướng nhiếp thọ của chư Phật và Bồ tát. Ông hãy nên chí tâm khẩn thành cầu nguyện chư Phật và Bồ tát gia trì cho thành tựu tất cả sở nguyện, thì tự nhiên sẽ đạt đến cứu cánh hai loại lợi ích là tự lợi và lợi tha.

Chẳng bao lâu, Đại sư lại thấy đức tướng của Đại Oai Đức Kim cang, thân lớn trang nghiêm viên mãn. Lần nọ, Đại sư thấy Bồ tát Văn Thù ngồi xếp bằng, bốn bên đều có vô lượng Thánh chúng vây quanh. Trong tim của Bồ tát đột nhiên xuất hiện một thanh kiếm, rồi bay thẳng vào ngực của Đại sư. Trong tim của Bồ tát lại xuất ra một dòng nước cam

lồ màu vàng lóng lánh, từ từ rót vào trong ngực của Đại sư. Khi ấy, toàn thân của Đại sư cảm thấy an lành, sung mãn diệu lạc vô lậu.

Trong lúc Đại sư nhập thất, Bổn Tôn đã từng phó chúc rằng phải nên tu sửa chánh điện của Bồ tát Di Lặc. Việc sửa sang lại chánh điện của Bồ tát Di Lặc thật có nhân duyên liên hệ mật thiết với sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp và chấn hưng Giới luật.

Theo lời dạy bảo đó, Mùa Xuân năm ba mươi tám tuổi (1394), Đại sư đến A Khách Tinh Kỳ (73). Nơi đó, có một ngôi chùa thờ tượng Bồ tát Di Lặc, do Cát Nhĩ Mễ Vân Đơn Vĩnh Trung (74) xây cất vào thế kỶ thứ mười.

Vào buổi đầu, ngôi chánh điện rất nguy nga; điêu khắc chạm trổ rất tinh vi diệu xảo. Bốn bên ngôi chánh điện đều có an trí những tôn tượng Phật trang nghiêm, cùng các bức tranh đẹp đẽ lộng lẫy. Tướng hảo của tượng Bồ tát Di Lặc trang nghiêm viên mãn; khuôn mặt Từ bi sống động; thân lượng ước chừng bằng tướng người thường. Tôn tượng này rất linh dị, và có lực gia trì không thể nghĩ bàn. Chí tâm khẩn cầu trước tôn tượng thì sẽ được toại ý. Xưa kia, nơi ngôi chùa đó, đại chúng thường vân tập, cúng dường chẳng dừng nghỉ. Chùa không thiếu chi những bậc thạc đức chí sĩ anh tài. Tiếc thay! Đến đời mạt thế, Chánh pháp suy vi, nên không có ai lo tu bổ sửa chữa, khiến ngôi chánh điện Bồ tát trang nghiêm dần dần bị hư hoại. Màu sắc bốn bên chung quanh ngôi chánh điện dần dần phai tàn. Tường vách nứt nẻ. Bao lớp bụi bặm bám trên các tượng Phật. Thấy chùa chiền hoang tàn như thế, Đại sư bất giác rơi lệ.

Do muốn sửa chữa ngôi chánh điện Bồ tát Di Lặc, Đại sư đi bôn ba khắp nơi, để hóa duyên vật liệu. Quan lại ở vùng A Khách thiện căn thâm hậu. Thấy oai đức tu hành của Đại sư, nên họ phát khởi tâm thâm kính ngưỡng mộ, rồi tích cực giúp đỡ, phụ trách việc sửa chữa tường vách, mái ngói, sàn nhà của ngôi chánh điện. Đại sư lo việc sửa sang trang hoàng xếp đặt các tôn tượng và tranh ảnh trong ngôi chánh điện.

Đương thời, mười hai người đệ tử của Đại sư (75) cũng lo lắng phụ trợ công việc sửa sang sắp xếp trong chùa. Tuy nhiên, vật liệu do tín chúng cúng dường chưa đủ vào đâu. Vì vậy, Đại sư ân cần thiết lễ cúng dường, cầu khẩn Tài Bảo Thần Vương (Vaishravana) gia trì hỗ trợ sửa chữa ngôi chánh điện của Bồ tát Di Lặc, để hoằng dương Chánh pháp, lợi ích quần sanh. Quả nhiên lời cầu nguyện được cảm ứng. Hôm sau, người người ở bốn phương, đua nhau mang vật dụng đến cúng dường. Từ đó, tất cả vật liệu cùng chi phí sửa chữa chùa chiền đều không khiếm khuyết.

Lúc sửa chữa, Đại sư đến vùng Nhã Lũng, mời họa sĩ tới chùa họa lại hình của ngôi chánh điện. Trước đó, Đại sư yêu cầu họa sĩ tắm gội sạch sẽ, trai giới tinh nghiêm, tụng đọc chân ngôn, nhất tâm lo việc họa vẽ. Những người trợ giúp cũng phải liên tục tụng đọc kệ chú, chứ không cho nói năng tạp nhạp.

Y theo lời phó chúc của Bồ tát Văn Thù, Đại sư lấy pháp quán đảnh của Bồ tát Di Lặc làm chính yếu, mà trước tác quyển "Bảo Quang Minh Cự", để xưng tán bao loại công đức hy hữu của Bồ tát Di Lặc. Đồng thời, Đại sư cũng trước tác quyển "Cực Lạc Nguyện Văn", với lời lẽ lưu loát, văn tự khẩn thành, ngôn cú mạch lạc.

Nhờ mười phương chư Phật gia hộ, và chư long thần hộ trì, nên công việc sửa chữa ngôi chánh điện của Bồ tát Di Lặc được tiến hành thuận lợi.

Khởi sự sửa chữa chùa chẳng bao lâu, Đại sư hoàn tất vẽ họa đồ "Văn Thù Bồ tát Nghiêm Tịnh Quốc Độ.” Lúc Đại sư làm lễ khai quang điểm nhãn, rất nhiều người thấy Bồ tát Văn Thù hiện thân bay vào họa đồ, rồi hợp nhất với tôn tượng bên trong. Tối hôm đó, các đèn dầu được thắp sáng suốt đêm. Tuy có hạn lượng, nhưng các đèn dầu đó vẫn cháy sáng đến trưa ngày thứ hai. Thấy hai điềm linh dị này, đại chúng khởi tâm kính tín vô cùng.

Đối với việc vẽ ba mươi lăm tôn tượng Phật, người họa sĩ vì chưa từng tham khảo, lại không biết thân sắc tướng hảo cùng thủ ấn của chư Phật, nên chẳng có cách gì để vẽ. Sau này, họa sĩ thưa với Đại sư về việc này. Nghe xong, Đại sư lập tức lễ bái quỳ trước chánh điện chí thành cầu khẩn. Trong sát na, ba mươi lăm vị Phật hiện toàn thân đứng ở trong hư không. Họa sĩ tận mắt chứng kiến cảnh giới không thể nghĩ bàn này, khiến vừa kinh hoàng vừa hoan hỷ, nên phát khởi thâm tâm cung kính, chiêm ngưỡng niệm nhớ, rồi tự vẽ lại cảnh tượng đó. Đó là bức tượng đầu tiên vẽ về ba mươi lăm vị Phật thật chính xác tinh tường ở Tây Tạng. Trước đó, các tông phái cũng có vẽ tượng của ba mươi lăm tượng Phật mà không tinh tường cho mấy (76).

Hoàn thành công việc sửa chữa ngôi chánh điện Di Lặc xong, Đại sư bèn kiến lập Bồ tát Văn Thù Sư Lợi Bí Mật Đại Mạn Đà La, và làm lễ khai quang điểm nhãn cho tất cả tôn tượng chư Phật và Bồ tát.

Bấy giờ, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết (77) tại vùng La Trát (Lhodrag Drawo) thấy trên hư không có bảy vị Phật, từ từ bay hướng về phía Bắc. Sau này, lúc gặp Đại sư, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết vô tình thuật lại sự kiện này, mới biết được rằng đó chính là ngày mà Đại sư làm lễ khai quang điểm nhãn tôn tượng Bồ tát Văn Thù.

Vào năm bảy mươi tuổi, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết thấy một Thiên Nữ trắng đẹp hiện thân bảo:

- Có một vị Đại đức, tâm lượng rộng rãi, đức học hoằng thâm; bên ngoài an trụ nơi luật nghi nghiêm tịnh; bên trong tu hai loại thứ lớp Du Già. Xưa kia tại A Khách Tinh Kỳ làm lễ khai quang điểm nhãn cho Thánh tượng Bồ tát Di Lặc. Công đức chứng đắc của vị Đại đức đó so với Bồ tát Văn Thù chí tôn không khác biệt. Trong mười lăm đời trước, Thầy đặc biệt có nhân duyên mật thiết với vị Đại đức đó, vậy hãy đến tầm cầu để làm đệ tử. Thầy nên thỉnh cầu được ban các loại pháp thiết yếu và đem hết tất cả sở học của mình để truyền trao cho vị đó.

Nghe qua lời này, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết biết đó là lời dặn dò của Bổn Tôn, nên hằng mong được gặp Đại sư.

Mồng bốn tháng sáu năm 1395, thể theo lời thỉnh mời của Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết, Đại sư đi từ A Khách đến La Trát. Lúc Đại sư đến chùa Để Đạt Trát Ngõa (bgro-bdgon-po), Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết ngưỡng mộ Đại sư như Bồ tát Văn Thù thù diệu trang nghiêm. Ngược lại, Đại sư xem Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết như là Bồ tát Kim cang khôi ngô, hình sắc lưu ly trong suốt. Lúc tương kiến, hai Ngài đối đãi với nhau như pháp hữu thân thuộc từ bao đời.

Đêm nọ, Đại sư cầu thỉnh Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết ban truyền pháp Lạt ma Du Già. Đang lúc nghe giảng giải, Đại sư và các đệ tử thấy hiện thân của Bồ tát Kim cang Thủ (Vajrapani) bay vào thân của Đại sư. Sáng hôm sau, Ngài Nam Khách Kiên Tham Ba Thiết nghe tiếng vang trên hư không:

- Sao ông không thỉnh cầu Bồ tát Văn Thù, tự thân diễn giảng luận "Tập Bồ tát Học" (78)?

Nghe lời chỉ dạy của Bổn Tôn, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết thỉnh cầu Đại sư tuyên giảng bộ luận "Tập Bồ tát Học.” Đại sư hỏi:

- Có phải là lời thọ ký của Bổn Tôn chăng?

Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiếp đáp:

- Vâng.

Do lời thỉnh cầu của Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết và đại chúng xuất gia trong vùng La Trát, Đại sư lên tòa thuyết giảng bộ luận "Tập Bồ tát Học.”

Lúc nghe giảng kinh luận, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết thấy trong hư không, ngay phía trên đảnh đầu của Đại sư có hiện thân của Bồ tát Di Lặc (Mayitreya). Phía vai bên phải có Bồ tát Văn Thù (Manjushri) hình tượng màu trắng. Phía vai bên trái có Diệu Âm Thiên Nữ (Saraswati). Vây quanh hộ trì bốn bên thân Bồ tát có tất cả chư hộ pháp Thánh chúng. Trong và ngoài giảng đường đều có rất nhiều chư vị long thần hộ pháp.

Thuyết giảng xong, Đại sư đơn độc ban truyền cho Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết những Mật pháp như Mã Đầu Minh Vương, Kim cang Thủ Bồ tát, Đại Khổng Tước Minh Vương. Ngược lại, Đại sư theo Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết tu học pháp "Bồ Đề Đạo Thứ Đệ" của phái Ca Đương Giáo thọ. Lúc thỉnh pháp, Đại sư thấy trên đỉnh đầu của Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết có Phật Thích Ca Mâu Ni; phía trên vai bên phải có Bồ tát Kim cang Thủ; phía trên vai bên trái có Đại Bạch Tản Cái Phật Mẫu, cùng các hiện tướng lành khác.

Đại sư cùng với Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết hỗ tương truyền thọ vô lượng pháp yếu, như bước vào núi châu báu, mãn ý đem về. Do đó, hai Ngài vui vẻ vô ngần.

Lúc trú tại La Trát, Đại sư thường nhờ Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết truyền lời thỉnh hỏi các vấn đề nan giải đến Bồ tát Kim cang Thủ. Lần nọ, Đại sư có ý muốn sang Ấn Độ học pháp Trung Quán và các Mật pháp từ chư vị đại thành tựu. Đêm hôm đó, Đại sư mộng thấy tự thân cùng chư đệ tử đắp y ca sa chỉnh tề, ngồi trên đảnh núi Linh Thứa ở gần thành Vương Xá, lắng nghe Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng kinh Đại Bát Nhã. Sau này, Đại sư đem ý muốn du hành sang Ấn Độ cầu pháp với Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết để cầu thỉnh lời chỉ dạy từ Bổn Tôn Kim cang Thủ (Vajrapani). Đại sư nói:

- Kiến giải trong tâm của tôi hoàn toàn chưa đoạn hết các điều nghi ngờ. Vì cầu mong Chánh kiến Trung Quán, Tập Mật, Thắng Lạc cùng các Mật pháp khác, tôi muốn đến Ấn Độ để tham bái Bồ tát Long Trí (Nagabodhi), cùng đến núi Thọ Sơn yết kiến Đại sĩ Mật Đa La (Maitripa). Không biết cuộc hành trình này có chướng ngại gì chăng?

Sau khi truyền câu hỏi này để thỉnh vấn Bồ tát Kim cang Thủ xong, Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết nói:

- Theo lời dạy của bổn tôn Bồ tát Kim cang Thủ, cuộc hành trình của Đại sư sang Ấn Độ để lễ bái Bồ tát Long Trí (Nagabodhi) cùng yết kiến Đại sĩ Mật Đa La (Mahasiddha Maitripa), hoàn toàn không có trở ngại. Đại sư sẽ trở thành một đại Luận sư thiện xảo Ngũ minh, làm trụ trì chùa Kim cang Bồ đề, khiến chúng sanh được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, thọ mạng của Đại sư rất ngắn ngủi. Đồ chúng của Đại sư chỉ là các Bồ tát Đại thừa tư lương đạo và gia hạnh đạo. Thọ mạng của họ cũng khó kéo dài. Vì vậy, so với việc đi sang Ấn Độ thì sự ở lại Tây Tạng tốt hơn. Nếu lưu lại Tây Tạng, Đại sư chỉ cần chuyên tu pháp của bổn tôn Bồ tát Văn Thù, thì cũng có thể đạt được Chánh kiến Trung Quán chân thật, và đồng thời cũng có khả năng trụ trì Thánh giáo, làm lợi ích cho vô số chúng sanh.

Nghe lời răn dạy của Bồ tát Kim cang Thủ, Đại sư gác lại ý niệm sang Ấn Độ. Về sau, Phật giáo Tây Tạng được phát huy quảng đại, đều nhờ công sức của Đại sư.

Sau này, Bồ tát Kim cang Thủ lại giải thích những điểm nghi ngờ của Đại sư. Những lời khai thị đó, được Đại sư ghi lại trong quyển "Cam Lồ Thắng Dược.”

Bồ tát Kim cang Thủ lại khuyến tấn Đại sư làm kệ tán thán Bồ tát Di Lặc (79), cùng cúng dường một bình bát của người xuất gia lên tôn tượng Bồ tát Di Lặc, để làm nhân duyên lớn cho việc hoằng dương Giới luật. Bồ tát Kim cang Thủ lại bảo rằng đến năm 57 tuổi Đại sư sẽ bị nạn lớn vì có thể tổn hại tánh mạng. Để tiêu trừ chướng nạn, Bồ tát Kim cang Thủ truyền trao cho Đại sư pháp Đại Luân Cam Lồ Trích Thậm Thâm Sanh Mãn Thứ Đệ.

Bồ tát Kim cang Thủ lại đặc biệt thọ ký cho Đại sư:

- Ngươi hãy nên đi lễ bái các Thánh tích, để Thánh giáo và chúng sanh đạt được lợi ích. Chẳng bao lâu, ngươi sẽ được một vị đại thiện tri thức Ấn Độ (80) ban truyền giáo pháp; sau khi duyệt trước tác của vị đó (81), ngươi sẽ đạt được nghĩa Không thậm thâm. Ngươi có thể diễn giảng bộ luận đó để giáo hóa chúng sanh.

Ngoài ra, nhờ sự răn dạy của Bồ tát Kim cang Thủ, lúc trú tại La Trát, Đại sư diễn giảng nhiều bộ Kinh điển cho chư Tăng và cư sĩ, khiến họ đạt được rất nhiều sự lợi ích.

Mùa Xuân năm 1396, Đại sư đi từ La Trát sang Niếp Địa (82), rồi đến La Nhiệp (83) để tịnh tu trong năm tháng. Lúc đi ngang qua Niếp Địa, vì ngưỡng mộ thanh danh Trí tuệ quảng đại của Ngài Kiếp Giao Tang Bố (84), Đại sư đến chùa Trát Khuyếch (85) bái kiến vị này.

Đêm hôm trước, Ngài Kiếp Giao Tang Bố mộng thấy một vị tăng nhân với đức tướng Từ bi oai nghiêm trang trọng, tự bảo là Tôn giả A Để Sa sẽ đến nhà. Tỉnh dậy Ngài Kiếp Giao Tang Bố tự nhủ: "Hôm nay chắc sẽ có vị thừa truyền Giáo thọ của Tôn giả A Để Sa đến đây. Ta phải chuẩn bị thiết đặt pháp tòa.”

Do đó, Ngài Kiếp Giao Tang Bố thức dậy rất sớm, dặn dò Tăng chúng, quét dọn tăng xá phòng ốc, trần thiết pháp tòa, chuẩn bị cúng dường phẩm vật.

Trước giờ ngọ, Đại sư Tông Khách Ba đến chùa. Gặp mặt Đại sư, Ngài Kiếp Giao Tang Bố tưởng chừng như được gặp Tôn giả A Để Sa, nên tâm vui mừng vô hạn, bèn cúng dường Đại sư ba xấp lụa và thỉnh cầu ban truyền pháp nghĩa. Đại sư nói:

- Trước ánh sáng Trí tuệ như vầng mặt trời của đại thiện tri thức, tôi như một con đom đóm nhỏ nhoi, sao dám lên pháp tòa cao mà giảng thuyết? Xin Ngài hãy giảng trước!

Do đó, Đại sư từ chối cả ba lần. Cuối cùng Ngài Kiếp Giao Tang Bố đành lên tòa thuyết pháp, giảng về các pháp nghĩa như "Bồ Đề Đạo Cự Luận" của chi phái Giáo Điển thuộc phái Ca Đương. Kế đến, Đại sư lên tòa giảng pháp "Khẩu Thọ Chỉ Thị" và "Tập Mật Ngũ Chủng Thứ Đệ" của Tôn giả A Để Sa. Kế tiếp, Ngài Kiếp Giao Tang Bố giảng "Thánh Giáo Thứ Đệ" của Trác Lũng Ba (86).

Sau khi Đại sư rời khỏi chùa Trát Khuyếch, Ngài Kiếp Giao Tang Bố y theo sự giảng dạy của Đại sư mà tu trì Chánh kiến. Nhưng, Ngài Kiếp Giao Tang Bố cảm thấy không thể hội nhập, nên thỉnh vấn bổn tôn Bất Động Như Lai:

- Xin thỉnh hỏi Bổn Tôn! Pháp nghĩa do Đại sư Tông Khách Ba giảng truyền, vốn là loại kiến giải gì?

Bổn tôn Bất Động Như Lai đáp:

- Đây là tri kiến thanh tịnh. Dẫu là Mật pháp Vô thượng tối cao thậm thâm, cũng không vượt qua loại kiến giải này. Về sau, ngươi nên y chỉ theo loại Chánh kiến thanh tịnh này mà tu trì.

- Vậy thì pháp nghĩa do Ngài Thác Nõa Ngõa ban truyền cho thuộc về loại kiến giải gì?

- Đó chỉ sanh khởi Chánh kiến gia hạnh của Bồ tát Long Thọ thôi!

Nghe lời dạy của Bổn Tôn, Ngài Kiếp Giao Tang Bố quyết định nhập thất tĩnh tu, chuyên hành trì pháp nghĩa của Đại sư ban truyền. Vừa bước vào thất, Ngài Kiếp Giao Tang Bố chỉ tay đến các bậc thềm cấp mà phát nguyện: "Nếu không chứng đắc được tướng bất thối chuyển, Ta quyết không bước xuống thềm cấp này.”

Tu trì tinh tấn chẳng bao lâu, Ngài Kiếp Giao Tang Bố quả thật chứng được tướng bất thối chuyển.

Lần nọ, trước khi Đại sư trở lại chùa Trát Khuyếch, do thần lực Ngài Kiếp Giao Tang Bố dự biết được, nên bảo đồ chúng mau kíp chuẩn bị xe ngựa để ra nghinh đón Đại sư. Lúc gặp họ, Đại sư chúc tụng:

- Xin chúc mừng! Cuối cùng Lệnh Sư (chỉ cho Ngài Kiếp Giao Tang Bố) đã đạt được nguyện vọng, chứng đắc tướng bất thối chuyển!

Về sau, Ngài Kiếp Giao Tang Bố lại cung thỉnh Đại sư ban truyền rất nhiều pháp yếu.

Vào mùa hạ năm 1396, Đại sư đến chùa Nhã Trân (Yar-'dren) ở phía Đông vùng Niếp Địa. Bấy giờ, có đến 30 đệ tử đi theo Đại sư để học đạo.

Ngày nọ, Thầy trò lên núi Thần Sơn lễ bái Thánh tích. Đang lúc lễ bái Thánh tượng Thắng Lạc Luân (Heruka) cùng tất cả Thánh tượng hộ pháp, Đại sư bất chợt chứng đắc vô lượng pháp nghĩa thậm thâm. Trên đường trở về núi Ma La, Đại sư chợt thấy Bồ tát Di Lặc hiện thân với oai tướng cao lớn, bảo:

- Này Thiện Nam Tử! Công đức của ông đã đồng với công đức của chư Phật thị hiện ở thế gian, tức sẽ làm nơi nương tựa cho vô lượng chúng sanh. Ông hãy nên biết!

Trở lại phía Đông vùng Niếp Địa, Đại sư đến trú tại Tăng Cách Tông (Seng-ge rdzong), chuyên tu Thời Luân Kim cang Viên Mãn Thứ Đệ, cùng sáu loại chi phần pháp, v.v... Chẳng bao lâu, Đại sư đạt được Trí tuệ quán sát rộng lớn, liễu giải những nghi vấn vi tế thâm sâu, và hoàn toàn thâm nhập vào tất cả Mật pháp Thời Luân Kim cang. Ngoài ra, Đại sư còn đạt được biện tài vô úy của Sư Tử Bàn. Từ đó, bổn tôn Kim cang Thời Luân (Kalachakra) hiện thân tán thán Đại sư:

- Công đức chứng đắc Thời Luân Kim cang của ông, đồng với Pháp Vương Nguyệt Hiền (87) tái sanh không khác.

Bấy giờ, Diệu Âm Thiên Nữ (Saraswati) cũng thọ ký cho Đại sư:

- Thọ mạng của ông chỉ đến năm mươi bảy tuổi. Vì vậy, ông hãy mau làm sự nghiệp lớn để mang lại lợi ích cho người khác.

Đại sư hỏi:

- Tu trì theo nghi thức của pháp Tôn Thắng Phật Mẫu (Ushnishavijaya) và các pháp khác, không thể kéo dài thọ mạng được sao?

- Ai tu trì những loại Mật pháp này đều có thể kéo dài thọ mạng. Tuy nhiên, do nguyện lực của ông trong đời quá khứ, cùng duyên lực thậm thâm Hỷ lạc quán, nên tu trì những Mật pháp này, chỉ có thể làm nhân duyên tăng trưởng Trí tuệ. Đối với việc kéo dài sanh mạng, e rằng không giúp được gì.

Bồ tát Văn Thù cũng hiện thân chỉ giáo:

- Dẫu như thế nào, từ nay về sau, ông nên chuyên tu Mật pháp đối trị kiếp nạn. Tuy rất cực khổ, nhưng pháp đó có thể ngăn ngừa hoạn nạn được(88).

Về sau, từ năm năm mươi bốn tuổi đến năm năm mươi tám tuổi, Đại sư chuyên tu Mật pháp đối trị thọ nạn, nên quả nhiên khắc chế được ác ma.

Lúc trú tại vùng Tăng Cách Tông, Đại sư lại thỉnh vấn bổn tôn Bồ tát Văn Thù về những vấn đề quan trọng như tự thể và vi tướng, giai cấp thứ lớp, số lượng (một thứ lớp bao hàm tất cả thứ lớp), v.v... Bồ tát đáp:

- Những vấn đề này, không cần thiết phải hỏi Ta. Ông chỉ nên dụng tâm chuyên cần, duyệt xem kinh luận, suy ngẫm cho kỹ về giáo pháp của Bồ tát Long Thọ và A Để Sa, thì chẳng bao lâu sẽ thông đạt hoàn toàn.

Năm 1398, Đại sư đi từ Niếp Địa đến A Khách, trú tại chùa Lạp Đảnh trên núi A Đắc Công Kết ('O-de gung-rgyal). Tại đó, Đại sư kiêm hành sự nghiệp tự lợi và lợi tha. Bấy giờ, Đại sư tự suy gẫm rằng từ lúc xuất gia cho đến ngày nay, đối với yếu nghĩa Trung Quán, cùng các kiến giải dị đồng giữa hai Luận sư Nguyệt Xưng và Thanh Biện, tuy đã suy tư quyết trạch, mà vẫn chưa hiểu rõ, nên chưa đạt đến pháp cứu cánh. Vì vậy, Đại sư lại y theo lời dạy của Bổn Tôn, tinh tấn dũng mãnh tích cực tu bổn pháp, tịnh trừ tội chướng, tích tụ tư lương phước đức, và nghiên cứu tu tập tinh tường kinh luận.

Tinh tấn tu tập suốt một năm, cuối cùng vào đêm nọ, Đại sư mộng thấy Bồ tát Long Thọ, Đề Bà, Phật Hộ, Nguyệt Xưng, Thanh Biện đang cùng nhau biện luận về những nghĩa lý thâm sâu như "Tự tánh là có hay là không.” Bấy giờ, Luận sư Phật Hộ (Buddhapalita) hiển hiện thân tướng cao lớn, sắc thân hoàn toàn xanh biếc, tay cầm quyển luận "Trung Luận Thích" bằng chữ Phạn, ném lên đầu của Đại sư để gia trì.

Sáng hôm sau, Đại sư bèn duyệt xem lại quyển "Trung Quán Thích" do Luận sư Phật Hộ trước tác, bất chợt liễu ngộ Chánh kiến bí yếu của Long Thọ phu tử (89), cùng giới hạn của sở phá (90). Do đó, Đại sư dẹp trừ được tất cả tướng chấp sở duyên, và tẩy trừ được tất cả vọng chấp sanh diệt, nên ngay nơi nghĩa chân thật, đạt đến chỗ cứu cánh. Đồng thời, Đại sư cũng hiểu rõ ý chỉ của phái Nguyệt Xưng-Ứng Thành, tức là làm thế nào để thành lập thắng nghĩa đế cùng tục đế. Đại sư liễu ngộ tất cả pháp đều từ Duyên khởi, nên tự tánh vốn là không. Do tự tánh vốn không, nên mới hình thành được Duyên khởi vi diệu. Lại nữa, Đại sư dùng lý Duyên khởi vi diệu để phá thường kiến hữu biên. Dùng lý tự tánh vốn không để phá trừ đoạn kiến vô biên. Ngoài ra, Đại sư hiểu rằng không thể xa lìa lý Nhân quả Duyên khởi, mà có thể đạt được Tánh Không. Tâm Kinh thuyết: "Sắc chẳng khác gì không; không chẳng khác gì sắc; sắc tức là không; không tức là sắc", đều là chân lý.

Sau khi tiêu trừ vọng niệm, và dẹp được kiến chấp, Đại sư thường trụ nơi chân không Tam ma địa, và thật sự thông đạt các pháp đều như huyễn hóa. Do đó, đối với đức Thế Tôn, Đại sư lại càng sanh khởi tín tâm kiên cố không lay chuyển; Đại sư xúc động rơi lệ vì cảm thấy đức Phật thật sự là một bậc Đạo sư Vô thượng. Do đó, Đại sư trước tác quyển "Duyên khởi Tán" (91), xưng tán nghĩa lý Duyên khởi thậm thâm do đức Thế Tôn thuyết ra. Đấy là chân lý cứu cánh hy hữu cùng tột nhất trên thế gian.

Chương III: Hóa Độ Vua Chúa & Tổ Chức Pháp Hội Cúng Dường

A. Hóa Độ Vua Chúa

Lúc trú tại chùa Lạp Đảnh, Đại sư viết thơ gởi đến cho vua Tây Tạng là Trát Ba Kiên Tham, để khuyên ông ta nên dùng Phật pháp trị dân (1). Tương truyền, vua Trát Ba Kiên Tham (2) chính là hóa thân của Bồ tát Văn Thù.

Vào mùa Thu năm 1399, đại thần Nam Khách Tang Bố (Namkha Zangapo) cùng đại A xà lê Duyện Kiếp Thô Trì (dkon-mchog tshul-khrims) của hạ viện chùa Tang Phác (3), v.v... nhờ người cung thỉnh Đại sư vào Lạp Tát. Bấy giờ, Đại sư cũng muốn đến đó để lễ bái Thánh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, nên chấp thuận lời thỉnh cầu.

Đến Lạp Tát, Đại sư trú tại chùa Bố Đạt Lạp (Potala; bấy giờ chưa có cung điện Bố Đạt Lạp trang nghiêm vĩ đại như ngày nay, mà chỉ là một ngôi chùa thường) và giảng thuyết Trung Quán Quang Minh Luận, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ, Tỳ kheo Giới Kinh, v.v... cho hàng trăm Tăng chúng tại các chùa Tang Phác, Đệ Ngõa Cẩn, Cống Đường, Cát Ngõa Đống, Giác Địa Lũng, v.v...

Nam Khách Tang Bố vốn là đại thần đắc lực nhất của vua Trát Ba Kiên Tham, và cũng là đại thí chủ của Đại sư. Tất cả nhu yếu vật dụng trong kỳ pháp hội giảng kinh đó, đều do đại thần Nam Khách Tang Bố chu cấp.

Mùa Xuân năm 1406, Đại sư dẫn đồ chúng đến vùng Sắc Nhạ Kiếp Đảnh để chuyên tu. Một hôm, bất chợt Đại sư bảo hai vị đệ tử thượng thủ:

- Chúng ta sẽ gặp chút ít nạn, nên phải đến những nơi khác để ẩn mật tạm cư trong vài tháng, bằng ngược lại sẽ gặp bao điều chẳng kiết tường.

Họ liền hỏi:

- Chúng ta phải đến đâu để lánh nạn?

- Hiện tại Ta không thể nói được. Đến ngày đó, các ông nghe theo lời dặn dò của Ta là được rồi!

Đêm nọ, thấy đại chúng đều nghỉ ngơi hết, Đại sư đột nhiên lặng lẽ dẫn hai đại đệ tử leo lên ngọn núi Nhạ Khách (Raka-Drag) phía sau vùng Sắc Nhạ Kiếp Đảnh, ẩn cư nhập thất tĩnh tu trong một hang động.

Bấy giờ, Bồ tát Văn Thù thường hiện thân giảng yếu nghĩa của Trung Quán và Duy Thức Học, cùng biện biệt về sự đồng dị và mối quan hệ giữa hai tông này. Cuối cùng, Bồ tát phó chúc:

- Hiện tại, ông có thể dùng nghĩa lý thâm sâu của hai cổ xe lớn là tông Vô Tự Tánh của Bồ tát Long Thọ, cùng tướng tông Duy Thức của Đại sĩ Vô Trước, để trước tác, hầu mong hiển minh lý lẽ liễu nghĩa và bất liễu nghĩa trong Kinh điển.

Đại sư y chiếu theo pháp nghĩa của Bồ tát, viết thành văn thư, gọi là "Biện Liễu Bất Liễu Nghĩa Thiện Thuyết Tạng Luận" (4).

Đối với giáo lý Hiển-Mật, Đại sư tự thân tu chứng, đạt đến cảnh giới Vô thượng thừa, nên thanh danh ngày càng vang xa, khiến đại chúng ở bốn phương đều ngưỡng mộ. Bấy giờ, Minh Thành Tổ (vua Vĩnh Lạc) xa nghe danh đức, nên sai sứ đến cung nghinh về triều, nhưng Đại sư từ chối. Năm 1408, để làm lợi ích cho dân chúng Trung Quốc, vua Minh Thành Tổ phát tâm thâm tín, phái bốn sứ thần khâm sai cùng hàng trăm danh sĩ tùy viên, mang rất nhiều cúng phẩm, ân cần đến Tây Tạng phụng thỉnh Đại sư. Trên đường đi, vì sợ rằng nếu biết được, Đại sư sẽ ẩn lánh, nên họ bí mật tiến vào Tây Tạng, chỉ bảo là đến lễ bái chư Thánh giả mà thôi. Lúc đi ngang qua Bồn Vũ, họ đi vào ban đêm, rồi bất chợt đến Sắc Nhạ Kiếp Đảnh vào ban ngày. Nào ngờ, lúc họ đến nơi, Tăng chúng trong chùa bảo:

- Thật cáo lỗi cùng quý vị thí chủ! Đại sư không có ở trong chùa. Vài tháng trước, Đại sư bỗng nhiên không cáo từ mà đi mất. Hiện tại chúng tôi cũng không biết Đại sư đi đâu.

Nghe qua lời này, bốn sứ thần khâm sai như bị côn đánh vào đầu, khiến khởi tâm phiền não oán giận, nên bắt tội Đại sư có ý lẫn tránh. Cuối cùng, vua Trát Ba Kiên Tham xác nhận rằng vào vài tháng trước Đại sư đã đi ẩn tích mà không ai biết. Nhờ thế, bốn sứ thần khâm sai tạm thời tín nhận.

Về sau, các tông phái ở Tây Tạng sai hàng trăm đồ chúng đi tìm Đại sư khắp nơi. Chẳng bao lâu, họ mới phát hiện là Đại sư đang ở trong hang núi Nhạ Khách nhập thất tĩnh tu. Ban đầu, Đại sư kiên trì không muốn tiếp khách. Sau này, bốn sứ thần khâm sai nhờ vua Trát Ba Kiên Tham và đại thần Nam Khách Tang Bố chuyển lời cầu thỉnh của họ cả ba lần, Đại sư mới trở về Sắc Nhạ Kiếp Đảnh mà gặp họ, cùng tiếp thọ sự cúng dường. Lúc gặp bốn sứ thần khâm sai, Đại sư từ tốn bảo họ rằng nếu vào nội địa (Trung Quốc) thuận duyên thì ít, còn nghịch duyên thì nhiều. Đồng thời, Đại sư cũng viết thơ gởi đến vua Vĩnh Lạc, bày tỏ rằng đối với sự cung ngưỡng lần này, tự tri ân vô vàn, và cảm thấy muôn phần thiếu sót, cùng nêu rõ lý do không đến Trung Quốc được, chẳng phải do coi thường sắc lịnh của nhà vua, mà vì có các lý do khác (5).

Ngoài việc này ra, Đại sư chấp thuận tiếp thọ rất nhiều lễ vật trân quý do vua Vĩnh Lạc cúng dường như vàng, bạc, ngọc thạch, v.v... Bấy giờ, đại chúng ai ai cũng đều tán thán Đại sư, do có Thần thông biết trước nên lánh mặt; Đại sư thi thiết phương tiện thiện xảo, nên giữ được mối hòa khí giữa Tây Tạng và Trung Quốc.

Do Đại sư dùng lời nhu hòa thiện xảo từ chối không đi, nên bốn sứ thần khâm sai khẩn thỉnh Đại sư hãy phái đệ tử thượng thủ đại diện vào kinh để an ủi nhà vua, nếu không họ chẳng dám trở về triều phụng mạng. Thấy đệ tử thượng thủ là Thích Ca Dã Hiệp (6) cơ duyên đã thành thục, nên Đại sư phái vị này làm đại diện để vào kinh đô.

Vua Minh Vĩnh Lạc thấy Thích Ca Dã Hiệp học thức và oai đức thâm cao, tướng mạo phi phàm, nên tâm rất vui mừng, và ban hiệu là "Diệu Giác Viên Thông Tây Thiên Phật Tử Đại Quốc sư", cùng thỉnh cầu rất nhiều pháp nghĩa.

Năm 1434, vua Minh Tuyên Tông cũng ban cho Thích Ca Dã Hiệp danh hiệu là "Đại Từ Pháp Vương.” Sau này Thích Ca Dã Hiệp hoằng dương Chánh pháp tại Trung Quốc và Mông Cổ. Trải qua bao đời, dân chúng đều biết đến danh hiệu "Cảnh Gia Quốc sư" của Thích Ca Dã Hiệp (7).

B. Tổ Chức Pháp Hội Cúng Dường Và Cầu Nguyện.

Đầu tháng giêng năm 1399, từ A Khách, Đại sư đến Tinh Kỳ. Y theo truyện Phật Thích Ca Mâu Ni hiện đại Thần thông suốt nửa tháng (1) trong kinh Hiền Ngu Nhân Duyên, Đại sư cử hành pháp hội cúng dường cầu nguyện trước Thánh tượng Di Lặc.

Trong kỳ pháp hội này, Đại sư chí tâm khẩn cầu mười phương chư Như Lai mở lòng nạp thọ, và nguyện hồi hướng tất cả công đức cho Thánh giáo được mãi mãi trụ tại thế gian, để cứu độ chúng sanh, khiến họ được Giải thoát an lạc. Vừa dứt lời cầu nguyện, Đại sư chợt thấy chư Phật hiện thân biến mãn đầy khắp vùng trời phương Đông; mỗi vị hiện thân tướng hảo trắng trong, quang minh chiếu khắp, đồng như Phật Tỳ Lô Giá Na. Kế đến vô lượng chư Phật ở phía Nam, Tây, Bắc cùng thượng phương, cũng theo thứ lớp hiện thân sắc vàng, đỏ, đen, xanh da trời; các Ngài đồng với Phật Bảo Sanh, Phật Vô Lượng Quang, Phật Bất Không Thành Tựu, Phật Bất Động, v.v... không khác.

Lúc ấy, Đại sư tuyên giảng vô lượng giáo nghĩa Hiển-Mật cho hơn hai trăm vị Tam tạng Pháp sư (đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần làm thượng thủ), khiến họ đều an trú nơi hợp nhất của giáo pháp Hiển-Mật.

Lúc còn ở tại Sắc Nhạ Kiếp Đảnh (1407), Đại sư dự định vào đầu năm 1409 sẽ tổ chức pháp hội cầu nguyện tại chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát. Bấy giờ, Đại sư đã từng phó chúc cho đại thần Nam Khách Tang Bố lo việc hộ trì pháp hội.

Đại thần Nam Khách Tang Bố y chiếu theo lời dạy của Đại sư, lập tức chuẩn bị tất cả vật dụng nhu yếu cho pháp hội, cùng tu sửa chùa Đại Chiêu. Thấy có hư ở đâu, ông đều chân thành xuất tiền tài và sức lực ra để tu bổ mà không nệ hà. Mùa Thu năm 1408, mái ngói của chùa Đại Chiêu hoàn toàn được sửa chữa tu bổ.

Đầu mùa Thu năm 1408, vua Trát Ba Kiên Tham cung thỉnh Đại sư đến Chủng Bất Lũng (2), vì Tăng chúng cùng hàng ngàn người Phật tử ở khắp nơi mà giảng pháp nghĩa Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận. Khi ấy, Đại sư cũng khuyến tấn vua Trát Kiên Ba Tham hộ trì pháp hội đó.

Vua Trát Ba Kiên Tham cũng có danh hiệu là Hộ Pháp Đại Vương. Từ khi lên ngôi, nhà vua thường tạo mối giao hảo với các nước láng giềng, dạy dân chúng làm lành, xây dựng chùa tháp, khắc kinh tạo luận, cùng hộ trì chư Đại đức giảng kinh thuyết pháp. Được biết Đại sư định tổ chức đại pháp hội cầu nguyện trùng hưng cúng dường với nhiều ý nghĩa hệ trọng, nên nhà vua chẳng đắn đo mà chấp thuận làm vị đại hộ pháp.

Lúc tới Chủng Bất Lũng, Đại sư phái các đại đệ tử đến các vùng Chỉ Công, Nhạ Trân, Văn Địa, A Khách, v.v... giáo hóa tất cả Tăng chúng trong các tự viện lớn nhỏ, cùng các quan lại thí chủ và môn đồ, để khiến họ tăng trưởng tín tâm và tu phước lành.

Vùng Vệ Tạng tuy dân chúng sống thưa thớt, nhưng nhờ bi nguyện của Đại sư chiêu cảm, khiến long thần hộ trì, nên người người ở các nơi đua nhau đem đồ vật đến cúng dường không dứt. Đại sư và các đệ tử trong các pháp hội cúng dường vào Mùa Xuân, thường hồi hướng công đức, cùng cầu nguyện cho đàn na tín thí đều đạt được mọi việc thuận lợi viên mãn.

Y cứ theo kinh Hiền Ngu, phẩm Hàng Phục Lục Sư Ngoại Đạo viết:

- Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia từ mồng một cho đến rằm tháng giêng, tại nước Xá Vệ hiển hiện các đại Thần thông, hàng phục sáu loại tà sư tà ma ngoại đạo, cùng các tín đồ u mê, khiến đoạn đứt thân quyến ma vương, kiến lập đàn tràng Chánh pháp. Đức Thế Tôn hóa thân biến khắp cõi trời Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, Sắc Cứu Cánh Thiên, cho đến ba ngàn đại thiên thế giới. Thân Phật trang nghiêm oai đức cao hiển, phóng hào quang rộng lớn, thuyết pháp cho đại chúng đang vây nhiễu xung quanh. Do thần biến thiện xảo của đức Như Lai, nên giải trừ cứu khổ cho vô lượng chúng sanh, xa lìa những nơi tội ác nhuận sanh bất thiện. Người chưa đủ thiện căn, thì khiến cho họ trồng thiện căn. Người đã có thiện căn đầy đủ, thì khiến cho thiện căn tăng trưởng. Người thiện căn chưa thành thục, thì khiến cho họ mau chóng được thành thục; người có thiện căn thành thục, thì khiến cho họ hoàn toàn đắc được Giải thoát. Lại có chúng sanh nhân đó mà phát tâm Bồ đề rộng lớn, đạt đến nơi bất thối chuyển. Lại có chúng sanh nhân đó mà chứng đắc quả A la hán. Đó gọi là pháp hội 'Như Lai Hiện Đại Thần Biến'.

Chư đại Pháp sư ở Ấn Độ vào thuở xưa, mỗi khi gặp những pháp hội thù thắng này, đều thi thiết bao loại cúng phẩm vật thượng diệu, để cúng dường Tam bảo, tụng kinh phát nguyện, ban phước cho chúng sanh. Từ khi Phật pháp được truyền vào Tây Tạng, chư đại thiện tri thức cũng y chiếu quy củ ở Ấn Độ, theo như pháp mà cử hành đại pháp hội cúng dường. Giờ đây, nhằm thời Mạt pháp, Phật pháp suy vi, pháp hội cúng dường cũng từ từ mai một. Đại sư do đại nguyện trong tiền kiếp, trên vì muốn pháp luân thường chuyển Thánh giáo mãi trụ tại thế gian, và dưới vì khiến chúng sanh tu tập phước huệ, đạt được lợi ích vô tận, nên phát tâm rộng lớn, trù lượng trùng hưng pháp hội cúng dường Phật Hiện Đại Thần Biến.

Cuối mùa Thu năm 1408, để trang nghiêm pháp hội, Đại sư đặc biệt cho vời họa sĩ đến chùa Đại Chiêu, tu bổ thếp phấn vàng lên các Thánh tượng. Trong thời gian ngắn, các Thánh tượng đều được tu bổ trang nghiêm như xưa. Ngoài ra, Đại sư nhờ tất cả thợ thủ công thiện xảo ở toàn Tây Tạng dùng những vải lụa của các thí chủ cúng dường, may lại hết tất cả y ca sa trên các Thánh tượng Phật và Bồ tát, cùng các tràng phan bảo cái khiến trang nghiêm lộng lẫy.

Cuối tháng chạp, công tác chuẩn bị cho pháp hội vừa được hoàn tất, Đại sư mới rời Chủng Bất Lũng để đến Lạp Tát (Lhasa).

Vào đêm trù tịch, Đại sư vân tập hơn tám ngàn đại danh tăng, lên chánh điện chùa Đại Chiêu, để làm lễ cúng dường. Vào ngày đó, Đại sư cùng đồ chúng cúng dường hết tất cả vật dụng cho Tăng chúng.

Mười lăm ngày đầu tháng giêng chính là thời gian hành pháp hội Hiện Đại Thần thông của Phật Thích Ca. Chư Phật trong đời quá khứ cũng hiển hiện bao loại Thần thông khác nhau trong khoảng thời gian này; các vị đại thí chủ lần lượt thay nhau cúng dường trong mỗi ngày. Pháp hội cúng dường hôm nay cũng y chiếu theo pháp thức đó. Mỗi ngày đều có một thí chủ cúng dường các phẩm vật khác nhau.

Trong kỳ pháp hội, Đại sư cúng dường Thánh tượng Phật Thích Ca (3) một cái mũ có năm tượng Phật bằng vàng kim. Trên chiếc mũ có gắn rất nhiều ngọc trai, ngọc quý cùng đá quý; điêu khắc rất tinh vi, hình lượng cao quý trang nghiêm. Cúng dường các chiếc mũ có năm tượng Phật vàng kim cho tượng Phật Bất Động Kim cang (do công chúa nước Ni Bạc Nhĩ (Nepal) mang sang), cùng tượng Quán Thế Âm mười sáu mặt (4). Trên các chiếc mũ đó cũng dùng rất nhiều bảo vật trân quý để trang sức.

Trong hai ngày mồng tám và rằm tháng giêng, Đại sư mời các thợ đắp tượng thiện xảo, đến phết phấn vàng lên trên thân của Thánh tượng Phật Thích Ca, Phật Bất Động Kim cang, Bồ tát Quán Thế Âm mười sáu mặt. Vào giữa trưa của những ngày khác, họ đều chuyên tô đắp những Thánh tượng khác.

Ngoài ra, Đại sư còn cúng dường lên Thánh tượng Phật Thích Ca một bình bát bằng vàng ròng, cùng một tấm Đà la ni bằng bạc; cúng dường y ca sa và bình bát cho các tôn tượng Phật Bồ tát có hình tướng xuất gia; cúng dường bảo y và pháp khí cho tôn tượng Phật hiện báo thân, Bồ tát, Minh Vương, Hộ Pháp, v.v...

Các chánh điện trong chùa Đại Chiêu đều được trang nghiêm và sắp đặt y chiếu theo các bộ Kinh điển Hiển-Mật. Phía trên treo những màn dây báu; bên dưới giăng những cờ hiệu, phất linh, tràng hoa anh lạc, cùng các phẩm vật trang nghiêm. Dọc theo những con đường lớn vây quanh ngôi chùa có đặt các cột trụ cao. Trên mỗi cột trụ đều giăng tràng phan lớn. Trên đỉnh năm trụ chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc, và chính giữa đều được an trí tôn tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, Phật Bảo Sanh, Phật Vô Lượng Quang, Phật Bất Không Thành Tựu, Phật Bất Động, v.v... Đồng thời, trên các tràng phan của mười lăm trụ khác có vẽ các tấm Đà la ni dài ngắn của Phật. Vào mỗi buổi tối, đều y theo nghi thức tu pháp mà cúng dường các phẩm vật bên dưới các cờ hiệu ở trên đàn tràng. Ngoài ra, trên các con đường lớn dẫn vào chùa, đều dựng những tràng phan bảo cái, cùng các cây dù màu trắng to lớn. Vào mỗi buổi tối, cũng y chiếu theo nghi thức mà dâng phẩm vật cúng dường. Nơi các cây tràng phan, đều y chiếu theo kinh Bát Nhã mà giăng treo những sợi dây lụa năm màu. Nhìn xa xa, hội trường của pháp hội nổi bậc sáng chói rực rỡ, khiến ai ai cũng đều sanh tâm hoan hỷ.

Tại chánh điện có ba vòng đường là trong, ngoài và chính giữa. Trong kỳ pháp hội, luôn cúng bốn trăm ngọn đèn ở vòng trong, một trăm ngọn đèn ở vòng giữa, không kể ngày đêm. Vòng ngoài, đối diện với tôn tượng Phật Thích Ca đặt một trụ đèn hình vuông lớn bằng đá, chiều cao hơn mười thước; trên đỉnh trụ đặt một ngọn đèn thật lớn chứa đầy dầu tô lạc. Ngọn đèn vừa thắp bèn tỏa sáng cả một vùng trời chiếu xa hàng dặm. Ngoài ra, dọc theo vòng này còn có vô số trụ đèn nhỏ dài ngắn khác nhau như cánh tay. Ngọn đèn trên chánh điện Phật, ngày đêm cháy sáng không tắt, khiến ánh sáng vàng tỏa chiếu, tựa như vầng mặt trời và mặt trăng.

Nước cúng trong chánh điện Phật, toàn là nước hoa hồng màu vàng kim. Mỗi ngày thay nước cả một trăm lần, với màu sắc của hoa hồng. Bốn bên chung quanh chánh điện Phật đều dùng nước hương mà rải, và có các tràng hoa, dù hoa, cùng trầm hương; trong chánh điện suốt ngày tỏa xông khói hương không dứt.

Bên cạnh các cây đèn dầu tô lạc ở hai bên trái phải, đều có an trí một trăm đấu phẩm vật bằng đồ trân báu. Bên trên được trang nghiêm bằng rất nhiều tô dầu hoa. Ngoài ra, các phẩm vật cúng dường được sắp chồng lên cao hơn ba thước, mà cả thảy là 108 chỗ; tất cả đều được trang nghiêm bằng các loại hoa và tô dầu. Ngày ngày, cúng phẩm đều được thay đổi. Những cúng phẩm đã được cúng dường và thay đổi, đều được đem bố thí cho những người đói khổ, hoặc những người bịnh hoạn tàn tật, v.v...

Các cúng phẩm thanh tịnh viên mãn đều do chú ấn Tam muội của Đại sư gia trì, khiến thành đại lạc cam lộ. Về sau, chư đại Tam tạng Pháp sư, Tỳ kheo trì giới thanh tịnh, y theo nghi thức được thuyết trong các bộ Kinh điển Hiển-Mật mà chí thành lễ bái tụng kinh cúng dường. Trong mười lăm ngày của pháp hội, mười phương chư Phật và Bồ tát cùng chư Thánh chúng hải hội, đều giáng lâm nạp thọ.

Trong pháp hội 'Cúng Dường Phật Hiện Đại Thần Biến', trên đảnh đầu của Đại sư có hiện ba tôn bộ chủ như Bồ tát Văn Thù (Phật bộ), Bồ tát Quán Thế Âm (Liên Hoa Bộ), Bồ tát Kim cang Quyền Thủ (Kim cang Bộ). Bốn bên bộ chủ lại có vô lượng thiện thần hộ pháp vây nhiễu xung quanh, để phòng hộ sự gia nạn của yêu ma quỷ quái.

Bấy giờ có một vị đạt đại thành tựu, tên là Cô Quyết, hiệu Vô Lượng Quang Kim cang, vừa ra khỏi thất, từ núi Nhạ Khách ở vùng phụ cận của Lạp Tát đến. Trên đường đi ngang qua Lãng Cần Đống, vị này gặp Ngài Hà Ngõa Nhật Ba (5). Vị này bèn hỏi:

- Xin hỏi Tôn giả! Ngài vội đi đâu vậy?

Tôn giả Hà Ngõa Nhật Ba đáp:

- Chúng ta, tám mươi bốn nhà đại thành tựu, ứng theo lời cầu thỉnh của pháp vương Hiền Huệ (6), đi đến chùa Đại Chiêu. Chư vị có đại Thần thông đã đi trước, còn Ta đi chậm một chút, nên muốn đuổi kịp theo!

Nghe lời này, Ngài Cô Quyết cũng đi theo Tôn giả Hà Ngõa Nhật Ba để tham dự pháp hội.

Trong kỳ pháp hội, đang lúc đại chúng tụng danh hiệu ba mươi lăm vị Phật, thì Ngài Cô Quyết thấy trên hư không, mười phương chư Phật hiện thân đầy khắp. Ở hạ phương, có ba mươi lăm vị như Dược Sư Thất Phật, Di Lặc Bồ tát, Vô Lượng Thọ Phật, Độ Mẫu, Bạch Tản Cái, Diệu Âm Thiên Nữ, tám mươi vị đại Thần thông thành tựu, v.v... hiển hiện những điềm lành hy hữu.

Trong mười lăm ngày đó, Đại sư diễn giảng bộ kinh luận Phật Bổn Sanh (7) do Bồ tát Mã Minh trước tác, liên tục không gián đoạn. Lần đó, chư Tăng kẻ tục đến tham gia pháp hội cúng dường có cả trăm ngàn người. Ai ai cũng đều rất mực tinh tấn. Trừ việc nghe giảng kinh, tụng kinh, còn có hàng chục ngàn người phát nguyện không ăn sáng, cho đến ít ngủ nghỉ, mà lễ Phật liên tiếp. Nhờ cộng lực tinh tấn tu hành của pháp hội cùng sự gia trì của chư Phật và Bồ tát mà vô hình chung chuyển hóa được nhiều kẻ có tâm tánh hung dữ tàn ác.

Vào đêm nọ, Đại sư mộng thấy một người phụ nữ thân hình to lớn, dùng hai tay ôm chầm lấy ngôi chùa như muốn che lại. Đại sư thấy vậy bèn hỏi:

- Bà làm gì vậy?

Bà ta đáp:

- Vì muốn phòng hộ tai nạn hỏa hoạn!

Tối hôm sau, dầu tô trong trụ đèn đá to trước cửa chánh điện cạn rất mau; vị Thầy tri sự quên đổ thêm dầu vào. Bỗng nhiên, tim đèn cháy phựt dữ dội, chiếu sáng một góc trời. Những người trong đạo tràng đều run sợ vô vàn. Thấy vậy, Đại sư liền vào thất ngay trước mật đàn, mà nhập Tam ma địa. Chốc lát sau, bên ngoài gió ngừng thổi, nên đại chúng lập tức hạ trụ đèn xuống dập tắt ngọn lửa để tránh hỏa hoạn cho chùa.

Ngày nọ, Đại sư mộng thấy tại vùng phụ cận của Lạp Tát có vô số chúng sanh bay đi trên hư không. Đại sư hỏi họ:

- quý vị bay đi đâu vậy?

Họ đáp:

- Trong pháp hội cúng dường, nhờ cúng dường chư Phật mà chúng con đạt được vô lượng công đức, nên nay được vãng sanh lên cõi Phạm Thiên!

Những điềm lành trong kỳ pháp hội đó, nhiều không kể hết. Điều này cho thấy rằng công đức của kỳ pháp hội cúng dường cầu nguyện do Đại sư tổ chức, thật rộng lớn vô biên, mà người phàm phu không tài nào nghĩ thấu.

Lúc ấy, đại thần Nam Khách Tang Bố cùng với người cháu họ là Ban Giác Kết Bố (Dpal-'byor rgyol-po) nhận trách nhiệm tiếp đãi quan khách cùng chư Tăng từ xa đến, và quán xuyến mọi việc trong pháp hội. Vua Trát Ba Kiên Tham là đại thí chủ chính của kỳ pháp hội này.


Chương IV: Nhà Cách Mạng Tôn giáo Vĩ Đại ở Tây Tạng

A. Đề Xướng Việc Nghiêm Trì Giới Luật Của Ba Thừa

(Tiểu thừa, Bồ tát thừa, Mật thừa) thanh tịnh

Vào mùa Đông năm 1396, Đại sư đến chùa Sắc Kỳ Băng Ba (Gser-phyi 'bum-pa) phía Đông của Niếp Địa, cử hành pháp hội cúng dường. Trong kỳ pháp hội này, Đại sư vì Tăng chúng mà giảng thuyết giới Tỳ kheo, khiến họ an trụ nơi luật nghi. Bấy giờ, Bổn tôn Bồ tát Văn Thù hiện thân bảo:

- Từ nay, lúc giáo hóa chúng sanh, phải lấy Giới luật làm điều trọng yếu. Nơi tất cả oai nghi, cho đến các việc nhỏ nhặt, đều phải y theo Giới luật mà hành.

Nghe qua, Đại sư bèn hỏi:

- Chúng sanh đời Mạt pháp phước bạc huệ kém, ái dục nặng nề. Nếu chỉ hoằng dương Giới luật, thì e rằng tổn phí sức lực. Chúng sanh khó mà lãnh hội giáo nghĩa, còn nói gì đến việc tôn thủ Giới pháp thanh tịnh!

Bổn tôn Bồ tát Văn Thù trịnh trọng răn dạy:

- Dẫu là vậy, nhưng nếu không y theo Giới luật, thì thật chẳng làm được lợi ích gì cho chúng sanh. Nếu chân thật muốn trụ trì Thánh giáo, nhất định phải ân cần tôn trọng và hành trì Giới luật.

Lời răn dạy của Bồ tát Văn Thù thật phù hợp với bổn ý chế định Giới luật cho chư vị Tỳ kheo của đức Phật. Lúc chế giới, đức Phật đưa ra mười lợi ích của việc trì giới:

1. Nhiếp thủ chư Tăng,

2. Khiến chư Tăng được hoan hỷ,

3. Khiến chư Tăng được an lạc,

4. Khiến người chưa tin sẽ tin,

5. Khiến người đã tin, lại tăng thêm lòng tin tưởng,

6. Người khó điều phục, khiến được điều phục,

7. Khiến người có tâm hổ thẹn được an lạc,

8. Khiến đoạn được các hữu lậu trong hiện tại,

9. Khiến đoạn các hữu lậu trong đời vị lai,

10. Khiến Chánh pháp được trường tồn mãi mãi.

Nghĩa là, nếu chư Tỳ kheo luôn tôn hành Giới pháp, thì có thể tự đoạn trừ các hữu lậu trong hiện tại và vị lai, có thể khiến người có tâm hổ thẹn được an vui, có thể điều phục được những kẻ khó điều phục, có thể khiến cho mọi người đều sanh tín tâm nơi Tam bảo. Giới luật của Tăng đoàn nếu được kiện toàn thanh tịnh, thì tự nhiên sẽ khiến cho những người chưa tin tưởng Phật pháp sẽ sanh khởi tín tâm. Những người đã tin tưởng quy y Phật pháp sẽ được tín tâm kiên cố. Tăng đoàn được thanh tịnh thì tín chúng sẽ thêm nhiều, và giáo pháp của đức Phật sẽ được ban truyền khắp nơi, cùng chánh giáo sẽ mãi mãi trường tồn.

Do đó, thấy rõ rằng sự trọng yếu của Giới luật quan hệ với sự tu trì, sự hòa hợp của Tăng đoàn, sự tiếp thọ giáo pháp của thế nhân, và sự hưng vong của Chánh pháp. Kinh Di Giáo dạy:

- Tỳ kheo các ông! Sau khi Ta nhập diệt, phải trân trọng tôn thủ Ba La Đề Mộc Xoa (Giới pháp), như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Phải nên biết rằng giới chính là bậc Đạo sư của các ông, và cũng đồng như Ta trụ tại thế gian không khác.

Đương thời, người tu học Phật pháp ở Tây Tạng, do phế bỏ Giới luật, nên xem việc chẳng giữ giới là thường lệ, và cho việc giữ giới là câu chấp, khiến Phật giáo ngày càng suy vi. Bồ tát Văn Thù thấy việc này, nên sanh khởi lòng thương xót mà răn dạy Đại sư Tông Khách Ba rằng nếu chân thật muốn làm lợi ích chúng sanh, trụ trì Chánh pháp, nhất định phải đề xướng Giới luật Tỳ kheo thanh tịnh.

Từ đó, Đại sư luôn y theo lời dạy của Bổn Tôn. Nơi mỗi cử chỉ hành động, đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ, cùng làm những việc nhỏ nhặt, đều hành theo quy định của Giới luật. Đồ chúng thấy vậy, nên cũng hành theo Đại sư, khiến trở thành gia phong của phái Cách Lỗ (Hoàng giáo). Phái này thường dùng thân tâm nghiêm thủ Giới luật, tuyên dương tịnh giới Tỳ kheo.

Mùa Xuân năm bốn mươi bốn tuổi (1400), Đại sư đến chùa Cát Ngõa Đống (1).

Bấy giờ, Đại sư nghĩ đến việc nhiều Tăng sĩ tu hành hời hợt, buông lung vọng niệm; tuy họ tự cho là hành pháp Đại thừa, nhưng lại không nghiêm mật tha thiết hành trì Giới luật Bồ tát (con đường dẫn đến chứng quả vị Bồ đề Vô thượng), nên lạc vào Đại thừa hư danh trống rỗng. Lại nữa, những người tu học Mật pháp chỉ cầu đại pháp quán đảnh, mà chẳng y theo các bậc Tôn sư, cùng chẳng hộ trì giới châu Tam muội. Tuy muốn thăng, nhưng lại bị đọa lạc. Thật đáng thương thay!

Vì vậy, trong các đại pháp hội giảng thuyết, Đại sư tuyên thuyết Bồ tát Giới Phẩm, năm mươi Pháp Tụng Của Bậc Thượng Sư, Mười Bốn Căn Bổn Đọa Của Mật tông, v.v... Đại sư lại trước tác chú giải, tinh tường xiển dương.

Bồ tát Giới Phẩm là phẩm thứ nhất trong Bồ tát Địa của luận Du Già Sư Địa. Đây là bộ Giới luật căn bản cho Tăng sĩ cùng tín đồ tu Hiển-Mật giáo. Tổng quát, bộ Giới luật này có ba phẩm, gọi là tam tụ tịnh giới, tức là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới.

Nhiếp luật nghi giới nghĩa là đình chỉ tất cả việc ác. Bàn về nghĩa hẹp, nhiếp luật nghi giới chỉ cho việc nghiêm trì bảy loại giới biệt Giải thoát như giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nhiếp luật nghi giới là nền tảng căn bản cho "nhiếp thiện pháp giới", và "nhiêu ích hữu tình giới.” Người tu học Phật pháp, nếu không thể nhiếp hộ luật nghi giới thì không thể sanh khởi "nhiếp thiện pháp giới" cùng "nhiêu ích hữu tình giới.” Do đó, dẫu thọ giới gì đi nữa, quyết phải kiên cố hộ trì "nhiếp luật nghi giới.”

Nhiếp thiện pháp giới nghĩa là khi thọ giới xong, người tu đạo phải luôn hướng về đạo Bồ đề. Nhờ thân khẩu ý tích tụ bao loại thiện pháp, nên mới có thể nhiếp thọ được thiện giới pháp. Nhờ tu học nhiếp thọ giới pháp mà mau chóng viên mãn tất cả giáo pháp, thành tựu đại Trí tuệ.

Nhiêu ích hữu tình giới nghĩa là nếu gặp việc nào thật sự mang lại lợi ích cho chúng sanh, quyết hành trì chứ chẳng để mất cơ hội. Người nên chiết phục phải chiết phục. Người nên nhiếp thọ phải nhiếp thọ. Hành được như thế thì đối với tất cả loài hữu tình, mau chóng thành tựu viên mãn tâm đại Từ bi, cùng đạt được phước đức vô biên. Dĩ nhiên, không thể làm lợi ích cho người khác, thì chẳng thể hoàn mãn nhiêu ích hữu tình giới. Lúc chưa có thể làm lợi ích cho người khác được trọn vẹn, không thể phạm giới. Thật vậy, khi chưa đạt thành tựu viên mãn thì không có cách nào chân thật làm lợi ích cho chúng sanh.

Giới Bồ tát tuy phân làm ba phẩm, nhưng phải hành trì tất cả trong cùng một lúc. Thọ giới xong và lại tinh tấn tu hành thì nhất định sẽ mau chóng thành tựu viên mãn đạo Bồ đề Vô thượng.

Năm mươi kệ tụng của Thượng sư vốn do Ngài Đại Ban Trí Đạt Bạt Duy Đế Ngõa ở Ấn Độ y chiếu theo Kinh điển thanh tịnh của Phật thuyết giảng, và chọn lọc ra những phần trọng yếu, mà viết theo thể kệ tụng, để độ cho người mẹ. Nào ngờ, đây là học thuyết căn bản của Kim cang Mật thừa, và đối với các tông phái Hiển-Mật rất là quan trọng. Người tu học Mật pháp và Tác pháp, nếu không học những pháp dự bị căn bản quan trọng hoặc không ghi nhớ trong tâm, thì sẽ khiến chính mình cùng người khác mãi lưu chuyển trong biển khổ sanh tử, thậm chí đọa lạc vào Địa ngục Kim cang. Cẩn thận y chiếu theo pháp này mà tu học, thì nhất định sẽ mau chóng thành tựu đạo quả.

Mười bốn giới căn bản của Mật tông tức là tu học tất cả Giới luật ứng cúng chủ yếu của Mật pháp. Tiếng Phạn gọi là Ni Thọ Tất Lê Đức Tam muội Da, dịch nghĩa là giới "Căn Đoạn" hoặc "Căn Đọa.” Người tu học Mật tông nếu không tôn thủ một trong những điều Giới luật, thì nền tảng căn bản học Mật giáo bị đoạn đứt. Người làm đoạn đứt căn bản tu học Mật tông, giống như dây diều bị đứt, thì không thể thành tựu đạo nghiệp. Người phá hủy mười bốn giới căn bản của Mật tông thì không những hiện tại sẽ bị bao tai nạn bức bách, mà sau khi chết sẽ bị đọa lạc vào Địa ngục Kim cang. Do đó gọi là "Căn Đọa Giới.”

Ba loại Giới luật Đại thừa này chính là nền tảng căn bản cho tất cả phước báu và công đức của pháp thế gian và xuất thế gian. Nhận rõ việc này, nên suốt cuộc đời Đại sư nỗ lực tuyên dương Giới luật. Ngày nay, Giới luật Đại thừa (ở Tây Tạng) còn được thịnh hành bất diệt, hoàn toàn nhờ công lao của Đại sư.

Mùa Xuân năm 1401, thể theo lời giao ước với pháp vương Kiếp Kiết Kết Bố (Chos-kyi rgyal-po) trụ trì chùa Chỉ Công, Đại sư đến đó để giảng kinh, và cùng với vị pháp vương này tu học mật pháp "Na Nhã Lục Pháp.”

Cuối Mùa Xuân, Đại sư trở lại chùa Nhạ Trân, cùng với Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa đến chùa Tư Đảnh (2), gặp lại pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang cùng Tăng chúng tại các tự viện nổi tiếng để cùng nhau An cư kiết hạ.

Bấy giờ, Đại sư, Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang thấy giới Tăng sĩ ở Tây Tạng vào đương thời tu hành thật rất hỗn loạn, và dần dần xa rời những Giới luật Tỳ kheo do đức Thế Tôn chế định, thậm chí có kẻ chấp giữ tà kiến, nhận lầm việc tu học Mật pháp là chỉ cần thọ giới Kim cang chứ không cần thọ Giới luật Tỳ kheo. Vì vậy, để chấn hưng Phật giáo, ba vị pháp vương này đã cùng nhau quyết tâm loại trừ những kẻ vô tri, tà kiến si mê, giải đãi, nghi hoặc cấu uế ra khỏi Tăng đoàn và nhất quyết làm sống lại Giới luật Tỳ kheo thanh tịnh.

Dẫu tu học Hiển giáo hay Mật giáo, nếu muốn đoạn trừ phiền não, cắt đứt sanh tử, cho đến khi thành Phật, hoàn toàn phải nương vào "Giới Hạnh Thanh Tịnh.” Giới hạnh nếu bị khiếm khuyết chút nào, thì người tu hành sẽ bị trầm luân. Ví như kẻ ôm chiếc phao bị lủng đang chìm nổi trên sóng biển; họ đang chờ chết vì hết hy vọng vào được đến bờ. Vì vậy, đức Thế Tôn răn dạy chư Tỳ kheo trong đời Mạt pháp phải tôn kính giới như Đạo sư. Phật dạy:

- Giới là nền tảng căn bản của con đường chân chánh và thuận lợi cho việc Giải thoát. Nhờ y theo giới mà hành giả đạt được các loại Thiền định cùng Trí tuệ diệt khổ đau. Do đó, chư Tỳ kheo phải hành trì Giới luật thanh tịnh, chớ để khiếm khuyết.

Đức Phật định chế Giới pháp; phân lập càng cao thì Giới pháp càng nghiêm mật. Vì vậy khi tu trì Giới luật, phải hiểu từ thô đến tế, từ cạn đến sâu, thì mới có thể hành trì kiên cố viên mãn. Đối với người xuất gia, phải thọ giới theo thứ lớp từ thấp lên cao: Giới Sa di, giới Tỳ kheo, giới Bồ tát, giới Kim cang. Nghĩa là khi thọ trì giới Sa di, tức là nhập vào thứ lớp và phương diện của giới Tỳ kheo; thọ giới Tỳ kheo tức là nhập vào thứ lớp và phương diện của giới Bồ tát và giới Kim cang. Bàn về nội dung của Giới pháp, giới Sa di vốn là nền tảng của giới Tỳ kheo; giới Tỳ kheo là nền tảng của giới Bồ tát; giới Bồ tát cũng là nền tảng của giới Kim cang. Bàn rộng hơn, nếu người xuất gia không trì giới Sa di thanh tịnh, thì không có cách nào tiến lên học Giới pháp của Tỳ kheo; không thể thọ trì giới Tỳ kheo thanh tịnh thì cũng không thể tấn học giới Bồ tát cho đến giới Kim cang. Nếu không đi theo thứ lớp như vậy thì việc thọ giới chỉ là hư danh thiếu chân thật.

Giới luật tuy có phân Hiển-Mật Đại-Tiểu (thừa), nhưng căn bản nhất và chủ yếu nhất là giới Tỳ kheo. Tỳ kheo đứng đầu trong bảy chúng xuất gia, và là một trong ba ngôi Tam bảo. Do đó, giới Tỳ kheo thật rất thù thắng. So với giới Bồ tát và giới Kim cang thì giới Tỳ kheo đầy đủ tánh cách trọng yếu đặc sắc hơn cả. Giới Tỳ kheo vốn là màng lưới của Phật pháp. Nhờ Giới luật này mà nhiếp thọ Tăng chúng. Nhờ Tăng chúng thanh tịnh nên khiến Phật pháp được trụ mãi ở thế gian. Đó là bổn ý định chế giới Tỳ kheo của đức Phật. Kinh dạy:

- Lúc nào Giới luật Tỳ kheo còn thanh tịnh viên mãn, thì còn có Phật pháp. Khi giới đức của chúng xuất gia không còn thì Phật pháp cũng chẳng có.

Vì vậy có câu: "Trong tất cả kinh luật, giới kinh là tối thượng bậc nhất.”

Để chấn chỉnh hàng ngũ Tăng già và chấn hưng Phật giáo, ba vị pháp vương vì đại chúng mà tuyên thuyết Giới luật Tỳ kheo trong các đại pháp hội. Đồng thời, các Ngài cũng giảng giải tường tận về những biệt tướng của các tội trạng trong luật nghi cùng cách thức và quy chế Hoàn Tịnh.

Điển hình, Đại sư đặc biệt vì đại chúng mà giảng Điều Phục Kinh Căn Bổn Tụng, và giải thích về danh tướng của các tội trạng trong Thập Thất Sự, cùng quy thức Hoàn Tịnh. Chư Đại đức nghe thế, mỗi vị đều quay lại quán chiếu thân tâm, và hành trì theo Giới luật, khiến cho Giới pháp thanh tịnh của đức Phật từ đó được trùng hưng. Đây là sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tối quan trọng.

Trước đó, tại các Đại tùng lâm, rất nhiều Tăng sĩ không biết bình bát tọa cụ là vật gì, và cách trì giới ra sao. Đại pháp hội hoằng dương Giới pháp vào lần này đã khiến cho Phật giáo Tây Tạng đang sắp bị nguy ngập, lại được trùng quang phát triển hưng thịnh. Quy củ thanh tịnh của đức Phật nhờ đó mà được phục hưng. Ngày nay, tại các đạo tràng lớn nhỏ ở Tây Tạng, Tăng chúng đều an trụ nơi tịnh giới. Ba y, bình bát, và tích trượng không rời thân. Đối với những Giới luật nhỏ nhặt cũng không dám phạm.

Trong quyển Tín Tâm Tân Lương, viết: "Hiện tại, do nghe mà suy gẫm. Lúc nỗ lực nghe và suy gẫm, đối với học xứ của luật nghi, cũng phải tôn trọng. Đặc biệt là chư vị trì tụng ba tạng giáo điển, phải tinh tấn tu hành, phải cẩn trọng tránh vi phạm những lỗi như uống rượu, ăn phi thời; các lỗi nhỏ khác, cũng phải khởi tâm hổ thẹn thâm sâu. Trước kia, Tăng sĩ chẳng biết tọa cụ, y bát là những dụng phẩm nhu yếu của người xuất gia; các loại điều y (3) cũng chưa từng nghe đến. Hiện tại, các nơi đều có chư Sa môn hành pháp thanh tịnh. Việc đoạn trừ uống rượu, ăn quá giờ ngọ, v.v... và các nghi thức thọ trai, được phổ biến các nơi, đều do ân đức dạy bảo của Đại sư cả.”

Thật vậy, trước đó một số Tu sĩ ở Tây Tạng không chịu giữ gìn Giới luật. Ví dụ, đối với giới cấm uống rượu, họ cho rằng đó là Giới luật Tiểu thừa vì người tu học theo Đại thừa và đã thấy rõ chân tánh mà còn câu chấp Giới luật thì còn bị trói buộc. Hạng người này chẳng những không tự cảm thấy xấu hổ vì đã phạm giới, mà còn tùy tiện xả bỏ ba y ca sa, phá hoại luật nghi thanh tịnh, khiến cho Thánh giáo thanh tịnh của đức Như Lai ngày càng mai một, chỉ còn trên hình thức.

Đại sư không khỏi đau lòng khi thấy tình trạng suy vi của Phật giáo. Để chấn hưng cũng như để Chánh pháp trụ mãi trên thế gian, Đại sư chủ xướng: Chư Tăng phải tu học và nghiêm thủ Giới luật. Đối với những Giới luật chi tiết, Đại sư cũng không dám xem thường. Đồng thời, Đại sư cũng yêu cầu các đệ tử phải cung hành theo Giới luật. Khi tu Mật pháp, Đại sư cùng đồ chúng đều y theo lời dạy của Mật kinh "bên ngoài hộ trì hạnh Thanh văn; bên trong an vui tu tập nơi mật nghĩa" mà tu trì hai loại Du Già theo thứ lớp. Ngoài ra, phải y theo luật nghi của Bồ tát thừa và Kim cang thừa mà thủ hộ và giữ gìn như giữ tròng con mắt. Thật vậy, Giới luật Tỳ kheo thanh tịnh chính là pháp bảo độc đắc khiến Chánh pháp trụ mãi ở thế gian, và là nền tảng cho sự thành tựu đạo Bồ đề.

Những ngôn từ thiết tha khẩn thành răn nhắc trì Giới luật của ba vị pháp vương, khiến rất nhiều Tăng chúng cảm động rơi lệ, khởi tâm sám hối về việc phạm những Giới luật thuở xưa, rồi cùng nhau phát nguyện rằng trong mọi sinh hoạt đều sẽ hành trì và y chiếu theo Giới luật.

Đại đức Đả Thương Ba lập mười tám câu hỏi để chất vấn về những quyển trước tác của Đại sư. Tuy nhiên, khi thấy Đại sư hành trì Giới luật thanh tịnh, bèn khởi tâm kính tín và viết kệ tán thán:

"Kẻ trì luật chê người tu mật pháp

Kẻ tu mật pháp chê người trì luật

Liễu đạt lời Phật dạy không trái ngược

Trước người tu trì hay thường kính lễ

Học Hiển giáo cho Mật là pháp tham

Trì Mật giáo cho Hiển là lời rỗng

Hiển-Mật không toàn vẹn khó thành Phật

Trước người liễu đạt hay thường lễ kính.”

Đạt Lai Lạt ma đời thứ năm cũng tán thán Đại sư:

"Thành tựu hy hữu thanh tịnh luật

Đại trí thệ tu Bồ đề hạnh

Trong đủ thứ lớp lạc không hai hạnh

Nguyện gặp Thiện Huệ thắng giáo pháp.”

Tóm lại, Tăng sĩ Tây Tạng còn tôn thủ Giới luật nghiêm mật cho đến ngày nay, hoàn toàn do công lao của Đại sư. Sự kiện chấn chỉnh hàng ngũ Tăng già và xiển dương Giới luật Tỳ kheo, hiện tại còn ghi lại trong những trước tác của Đại sư.

B. Cải cách và xiển dương đường hướng tu học Phật pháp bằng cách hợp nhất mọi giáo nghĩa Luật giáo Hiển giáo Mật giáo của tất cả tông phái ở Ấn Độ và Tây Tạng về nơi biển Phật pháp.

Xưa kia, vào năm ba mươi hai tuổi (1388), tại chùa Sát Tự, Đại sư bắt đầu hệ thống hóa tất cả lời chú giải của hai mươi mốt vị Luận sư Ấn Độ, mà trước tác quyển "Hiện Quán Trang Nghiêm Luận sư Tử Hiền Thích Tường Sớ" (1). Trong hai năm liền, Đại sư mới hoàn tất viết quyển luận này tại chùa Đệ Ngõa Cẩn.

Bấy giờ, có một vị dịch giả Lạt ma rất cống cao ngã mạn, và thường tranh biện với Đại sư. Nhưng, vừa xem qua quyển luận do Đại sư trước tác, tâm ngã mạn của vị Lạt ma đó bèn bị đốn đoạn, giống như một luồng giông tố thổi bứt gốc cây cổ thụ, khiến vị đó phải tán thán:

- Tuy thuộc lứa tuổi tráng niên mà mặt trời Trí tuệ của Đại sư đã tỏa sáng, khiến cho tâm ngã mạn của con từ đây bị chặt đốn.

Mùa Thu năm 1400, Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa vừa đến Lạp Tát, Đại sư bèn cung thỉnh vị này đến chùa Cát Ngõa Đống. Trong pháp hội mùa Thu, cả hai Thầy trò cùng nhau chuyển pháp luân, thuyết giảng cho hơn bốn trăm năm mươi Tăng chúng.

Gần chùa Cát Ngõa Đống có một tự viện cổ xưa, tên là chùa Nhạ Trân (Reting). Nơi đây, bốn phía có rừng cây ao hồ vây quanh, cành lá che phủ mặt hồ, có lắm hoa rừng cỏ dại và cây cối. Cảnh vật rất thanh tịnh tao nhã; ngôi chùa cách Lạp Táp về hướng Bắc khoảng ba ngày đường. Ngôi chùa này do sơ tổ của phái Ca Đương là Ngài Chủng Đôn Nhân Ba Thiết ('Brom-ston, 1005-1064) xây cất vào năm 1056. Lúc trú tại Ca Đương Lôi Bang, Tôn giả A Để Sa đã từng xưng tán và ghi chép về nơi thắng địa này. Từ đó, chùa Nhạ Trân trở thành đạo tràng chính của phái Ca Đương, và có rất nhiều chư đại thiện tri thức trú ngụ nơi ấy. Thuở đó, chư đệ tử của phái này có cả ngàn người, khiến giáo pháp cực thạnh một thời. Giáo thọ của phái Ca Đương ảnh hưởng rất lớn đối với giới Phật giáo vào đương thời và hậu lai. Tất cả học thuyết của các giáo phái ở Tây Tạng đều được ảnh hưởng và tiếp thọ giáo nghĩa của phái này.

Đại sư cùng với Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, vừa đi lễ bái các Thánh tích, và vừa dẫn rất nhiều đệ tử tài ba đến chùa Nhạ Trân. Mùa Đông, Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa vì đại chúng giảng "Lục Thập Như Lý Luận" và "Tập Mật Ngũ Thứ Đệ", v.v... Đại sư cũng vì đại chúng mà giảng Đại Thừa Trang Nghiêm Luận, Biện Trung Biên Luận, Tập Lượng Luận, cùng Du Già Sư Địa Luận (Thanh văn Địa). Ngoài ra, Đại sư còn giảng giải những thuyết minh của Bồ tát Địa về pháp tu Xa Ma Tha, khiến cho chư đệ tử y theo pháp mà tu hành, đạt được Thiền định thâm sâu.

Trong kỳ pháp hội, Đại sư vì Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa mà đặc biệt giảng giải về Tập Mật Nguyệt Xưng Thích và Trung Quán Luận. Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa cũng vì Đại sư mà giảng Trung Quán Nguyệt Xưng Thích của kiến giải Trung Quán cùng các pháp thức tu hành thâm sâu vi tế.

Mùa Thu năm 1401, Đại sư và pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang cùng rất nhiều Tăng chúng vẫn trú tại chùa Nhạ Trân. Nơi đó, pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang giảng Trung Quán cùng các bộ luận khác. Đại sư giảng thuyết Bồ Đề Đạo Thứ Đệ của phái Ca Đương.

Vì là đạo tràng của phái Ca Đương, trong chùa có an trí phụng thờ Thánh tượng của Tổ sư A Để Sa. Thánh tượng của Tôn giả A Để Sa được tạc rất mỸ thuật, dáng cao bằng hình người, tướng mạo trang nghiêm đầy bao nét sống động. Ngưỡng mộ đức nghiệp sâu dầy của Tôn giả A Để Sa, nên Đại sư đến đó để chiêm bái.

Trước Thánh tượng A Để Sa, Đại sư trần thiết lễ vật cúng dường, và ân cần khấn nguyện:

- Cầu xin Tôn giả mở lòng Từ bi gia hộ, khiến Chánh pháp Hiển-Mật mãi mãi sáng lạn hưng long, rạng rỡ như vầng thái dương, chiếu khắp đại địa, cứu độ chúng sanh thoát biển khổ sanh tử, chứng đắc đạo Bồ đề Vô thượng.

Đại sư vừa khấn nguyện xong thì đột nhiên thấy trên hư không có đức Như Lai, và bên dưới có các Tổ sư truyền thừa phái Ca Đương hiện thân thuyết pháp, xoa đảnh đầu Đại sư mà an ủi.

Từ đó, suốt hơn một tháng, ngày ngày đều có chư vị Tôn sư truyền thừa phái Ca Đương như Tôn giả A Để Sa (Atisa), Chủng Đôn Nhân Ba Thiết (Dromtonpa), Bác Đóa Ngõa (Potawa), Hà Nhạ Ngõa (Shapawa), v.v... liên tiếp hiện thân truyền dạy cho Đại sư vô lượng giáo pháp và giáo huấn.

Ngày pháp hội vừa viên mãn, chư Tôn sư như Bác Đóa Ngõa, Chủng Đôn Nhân Ba Thiết, Hà Nhạ Ngõa, v.v... biến thành một luồng ánh sáng màu hồng, nhập vào thân của Tôn giả A Để Sa. Bấy giờ hiện thân của Tôn giả A Để Sa lại đến xoa đầu Đại sư mà an ủi:

- Này Hiền Huệ! Ông chớ quá ưu sầu lo lắng. Từ nay hãy hết lòng vì Thánh giáo mà làm Phật sự lớn, tu hạnh Bồ đề, khiến lợi ích chúng sanh. Ta sẽ thường hộ trì cho ông!

Nói xong, Tôn giả liền ẩn biến. Trong kỳ pháp hội đó, nhờ sự gia trì của chư Tôn sư phái Ca Đương, nên sự giảng giải về luận Bồ Đề Đạo Thứ Đệ của Đại sư lại càng thâm thúy sâu sắc hơn những lần trước. Nghe những lời giảng giải tường tận của Đại sư, thính chúng đều vô cùng hoan hỷ. Các vị Tôn sư của phái Ca Đương gom góp lại tất cả những lời giảng dạy từ trong Kinh điển, hợp nhất thành pháp nghĩa tu đạo theo thứ lớp, tức là Bồ Đề Đạo Thứ Đệ, mang ý nghĩa tu một pháp cũng đồng với tu tất cả pháp.

Nhờ chuyên ý tinh cần tu học Giáo thọ Bồ Đề Đạo Thứ Đệ, nên Đại sư liễu đạt những lời chú giải về luận Hiện Quán Trang Nghiêm, vốn là giáo lý nhập Thánh siêu phàm. Ngoài ra, lúc duyệt lại luận Nhân Minh, năm bộ luận của Bồ tát Di Lặc, các bộ luận Trung Quán, bốn bộ giáo điển của Mật tông, Đại sư biết rõ rằng mỗi mỗi đều là giáo pháp tu hành chứng đạo. Do đó, đối với sự tu hành thứ lớp của đạo Bồ đề, Đại sư càng sanh tâm kính tín thắng giải.

Bấy giờ, pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang, pháp vương Kiếp Kiết Kết Bố, cùng rất nhiều chư đại thiện tri thức tại các Đại tùng lâm tự viện ở Tây Tạng đồng ân cần cầu thỉnh Đại sư chú giải quyển luận Bồ Đề Đạo Thứ Đệ (2).

Đại sư cảm thấy rằng bên trong tự thân được chư Phật và chư Bồ tát gia trì, còn bên ngoài thì có chư đại thiện tri thức ân cần thỉnh cầu, tức nhân duyên trong ngoài đều thuận lợi, nên chính là cơ hội tốt nhất để tạo luận. Do đó, vào năm 1402, Đại sư dùng pháp nghĩa Bồ Đề Đạo Thứ Đệ của giáo phái Giáo thọ và Giáo Điển thuộc phái Ca Đương, cùng giáo pháp Thánh Giáo Thứ Đệ (3), mà trước tác ra quyển "Bồ Đề Đạo Thứ Quảng Luận" (4).

Đại sư viết theo thứ lớp từ căn bản, hạ sĩ đạo (hạ căn), trung sĩ đạo (trung căn), thượng sĩ đạo (thượng căn). Lúc viết luận về Thiền Xa Ma Tha xong, Đại sư tự nhủ: "Tỳ Bà Xá Na (5) thật quá thâm sâu, nay đến hồi kết thúc; tuy Ta đã viết xong, nhưng chưa hẳn đã làm được gì lợi ích cho chúng sanh!"

Bấy giờ, Bồ tát Văn Thù hiện thân bảo:

- Dầu sao đi nữa, Ông hãy cố gắng viết thật rõ về Tỳ Bà Xá Na, để chúng sanh đời sau nhờ xem quyển này mà đạt được lợi ích trung đẳng (6).

Nghe lời dạy của Bồ tát Văn Thù, Đại sư tiếp tục viết về Tỳ Bà Xá Na. Vừa viết, Đại sư vừa suy gẫm về lý của Tánh Không. Trong khoảnh khắc, trên hư không xuất hiện mười hai loại chữ Không trong kinh Đại Bát Nhã. Từng chữ nổi rõ màu bạch ngân, uyển chuyển như được viết.

Ngày nọ, các vị thiện thần, hộ pháp, và sơn thần ở vùng đó đồng hiện thân khẩn cầu:

- Chúng con vốn đã từng thừa sự theo Đại sĩ Liên Hoa Sanh và Tôn giả A Để Sa. Từ nay, chúng con xin nguyện thừa sự theo Đại sư. Kính xin Đại sư Từ bi nhiếp thọ.

Đại sư vui lòng chấp thuận. Viết bộ luận xong, Đại sư cũng đề kệ hồi hướng công đức cho họ.

Quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận do Đại sư trước tác có năm điểm thù thắng. Thứ nhất là sở duyên thù thắng. Bộ luận này dùng ba điểm trọng yếu mà Bồ tát Văn Thù thường hiện thân chỉ dạy Đại sư (tức là tâm xuất ly, tâm Bồ đề, tri kiến thanh tịnh) làm nền tảng, và dùng ba thứ lớp của đạo do Tôn giả A Để Sa hiện thân chỉ dạy (tức là đạo của người hạ căn, trung căn, thượng căn) để trang nghiêm. Đạo của ba bậc hạ căn, trung căn, thượng căn cũng được ví như trụ cột của căn nhà.

Thứ hai là năng duyên thù thắng. Để thanh tịnh chánh đạo, đóng bít những lối rẽ, Đại sư định lập thể tánh chân chánh. Từ sơ phát tâm đến khi thành Phật, ngay nơi tất cả giai đoạn địa vị trên đường tu, không thể đi vòng vòng, cũng không thể nhảy cấp bậc, mà phải theo thứ lớp. Bàn về sự giải nghĩa và cách tu hành, quyển luận này vốn là bản đồ giúp người tu học hành theo tuần tự thứ lớp, cho đến khi thành Phật.

Thứ ba là người thỉnh thù thắng. Bộ luận này do pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang (7), pháp vương Kiếp Kiết Kết Bố (8), cùng rất nhiều vị Đại đức thông suốt ba tạng giáo điển, đồng nhau ân cần cầu thỉnh Đại sư trước tác.

Thứ tư là xứ sở thù thắng. Nơi tạo ra quyển luận này là chùa Nhạ Trân, đạo tràng căn bản của phái Ca Đương.

Thứ năm là quyến thuộc thù thắng. Đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần (9) cùng chư đại đệ tử một lòng thừa thọ quyển luận này.

Quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận bao hàm khái quát toàn bộ pháp nghĩa Hiển giáo. Nếu đọc tụng thành thục bộ luận này, có thể hiểu khái quát hoàn toàn về pháp nghĩa Hiển giáo trong ba tạng Kinh điển. Hiện nay, Tăng sĩ lẫn cư sĩ ở Tây Tạng thường đọc tụng quyển luận này.

Khắc Chủ Kiệt tán thán quyển luận này:

- Những trước tác của chư vị đại thiện tri thức (10), không kể là phái Giáo Điển hay phái Giáo thọ (11) đều rất thù thắng thâm sâu; đây chính là kim chỉ nam dẫn dắt chúng sanh tu hành thành Phật. Song, nếu so sánh với quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận của Đại sư Tông Khách Ba thì những trước tác đó còn thua xa. Bộ luận này y theo giáo nghĩa của hầu hết kinh luận để dẫn chúng sanh đến nơi viên thành Phật quả (12). Vì vậy người tu đạo có thể y chiếu theo đây mà hành trì. Bộ luận này thuộc về diệu pháp Vô thượng. Hiện tại ở Tây Tạng không thể tìm ra quyển luận thứ hai tương xứng với quyển luận này.

Mùa Xuân năm 1403, vừa được quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận do Đại sư trước tác, pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang cảm thấy như một thương gia vào biển cả tìm được châu báu, bèn hoan hỷ cáo từ trở về Hậu Tạng.

Bấy giờ, Đại sư vẫn trú tại chùa Nhạ Trân để giảng quyển luận này cùng luận Hiện Quán Trang Nghiêm và kinh Đại Bát Nhã. Ngày pháp hội được viên mãn, Đại sư bảo đại chúng:

- Giờ đây pháp hội đã viên mãn, xin quý vị hãy chuẩn bị phẩm vật cúng dường (13)!

Nghe xong, các đệ tử đua nhau đi vay mượn đèn dầu. Tăng chúng quá đông mà số đèn có hạn. Đến lượt đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần thì không còn đèn để đốt, nên vị này vội vàng lấy nén hương cắm vào một chén đồng để dâng cúng. Đại sư thấy vậy, liền bảo:

- Duyên này thật lành thay! Hãy đến đây! quý vị nên đổ dầu tô lạc của mình vào chén đồng của Đạt Mã Nhân Cần!

Các đệ tử nghe thế, bèn cùng nhau lấy dầu tô lạc của mình rót vào chén đồng của Đạt Mã Nhân Cần. Trong phút chốc, chén dầu đã đầy ắp, nhưng không tràn ra ngoài, và ánh sáng của ngọn đèn dầu đó rực rỡ lạ thường, tỏa sáng hơn những ngọn đèn dầu khác.

Lần khác, Đại sư giảng về luận Hiện Quán Trang Nghiêm, lời lẽ thật tinh thâm, vốn phát ra từ nguồn tâm vi diệu. So với việc tạo bộ luận Kim Man xưa kia, có nhiều chỗ rất khác nhau (nghĩa lý của luận Kim Man hoàn toàn y chiếu theo chánh lý của chư Hiền Thánh mà tạo ra. Văn nghĩa tuy chính xác, nhưng văn cú không có nhiều kiến giải của Đại sư).

Vì vậy, đại chúng thỉnh cầu Đại sư giảng lại luận Hiện Quán Trang Nghiêm. Đại sư bảo Đạt Mã Nhân Cần:

- Lần này, vào lúc Ta giảng giải, ông hãy chọn ra những điểm chính yếu, ghi chép thật đầy đủ, để sau này chú giải lại bộ luận này (14).

Nghe lời phó chúc của Đại sư, Đạt Mã Nhân Cần viết quyển chú thích bộ luận Hiện Quán Trang Nghiêm, và gọi tên là "Tâm Tạng Kinh Nghiêm Luận.”

Tháng giêng năm 1404, tại chùa Nhạ Trân, Đại sư cử hành pháp hội cúng dường cầu nguyện. Kế đến, Đại sư qua chùa Lôi Phác (Lhas-phu) ở Lạp Tát diễn giảng bộ luận Thích Lượng (15) cho các đại thiện tri thức nghe.

Bộ luận Thích Lượng tuy giải thích về bộ luận Tập Lượng của Bồ tát Vô Trước, mà không câu nệ vào ý luận của Bồ tát Trần Na, tức là có đưa thêm nhiều luận điểm khác, cùng những lời phê phán. Đây là bộ luận về Nhân Minh Học chủ yếu nhất của Luận sư Pháp Xưng; bộ luận này cũng điều chỉnh lại học thuyết Nhân Minh bằng nhiều điểm mới lạ. Dùng chánh lý Nhân Minh để thành lập nghiệp quả tương tục, khiến chúng sanh chóng thành Phật quả. Ngoài ra, bộ luận này còn bàn rộng về các loại tướng trạng Tứ Đế mà đức Phật vốn tự thân chứng đắc, để hiển thị rõ ràng về con đường Giải thoát và đạt đến nhất thiết chủng trí. Nói tóm gọn, bộ luận Nhân Minh này có đầy đủ ý nghĩa về cách thức tu hành được sắp xếp theo thứ lớp.

Lúc trước tác quyển luận Thích Lượng, Luận sư Pháp Xưng đích thân tự chú thích phẩm thứ nhất "Tự tỷ Lượng"; ba phẩm còn lại, Luận sư Pháp Xưng bảo đệ tử là Thiên Vương Huệ viết chú sớ. Thiên Vương Huệ y chiếu theo văn cú trong quyển luận này mà giải thích văn nghĩa; viết xong liền đem trình cho Luận sư Pháp Xưng. Xem qua, Luận sư Pháp Xưng thấy Thiên Vương Huệ chưa hoàn toàn hiểu rõ nghĩa lý vi diệu trong bộ luận đó, nên quăng xuống nước, rồi bảo hãy viết lại. Viết lần thứ hai, Thiên Vương Huệ vẫn y trên văn cú mà giải thích. Do đó, Luận sư Pháp Xưng đem đốt đi quyển đó, rồi bảo hãy viết lại một quyển khác. Tự biết thiện căn cạn cợt của mình, không thể thấu rõ chân nghĩa của Luận sư Pháp Xưng, nên viết chú giải lần thứ ba, Thiên Vương Huệ đề thêm một bài kệ ở đằng sau:

"Chúng sanh không thiện căn

Thời gian không thể đợi

Phải tự tu tập lấy

Lược tạo luận khó này.”

Viết xong, Thiên Vương Huệ cung kính trình lên. Luận sư Pháp Xưng miễn cưỡng xem qua, rồi quát mắng:

- Viết cả ba lần trước sau vẫn chưa thâm nhập vào nơi yếu chỉ của bộ luận này. Ông thật tình chỉ tinh thông nơi văn nghĩa mà thôi.

Không còn cách gì, Luận sư Pháp Xưng đành lấy quyển luận chú thích của Thiên Vương Huệ (16).

Luận Nhân Minh vốn có ý nghĩa thâm sâu mà người phàm phu không thể hiểu nổi. Thế nên, nơi phần đầu của bộ luận Thích Lượng, Luận sư Pháp Xưng viết thêm một bài kệ:

"Đa số thích xem thế tục luận

Do họ không có huệ Bát Nhã

Không những chẳng cầu các lời hay

Mà còn khởi sân si ghen ghét.

Ta vô ý viết bộ luận này

Thật ít làm lợi ích người khác

Nhưng tâm hằng thích học thiện thuyết

Nên nơi luận này sanh hoan hỷ.”

Ý của Luận sư Pháp Xưng bảo rằng đa số người đời chỉ thích xem những bộ luận thế tục tầm thường, vì họ thiếu Trí tuệ phân biệt việc đúng sai thiện ác. Vì vậy, chẳng những không chịu tìm xem những nghĩa lý vi diệu thâm sâu, mà ngược lại họ còn dùng tâm hoài nghi ganh ghét để phê bình mạt sát những nghĩa lý thâm sâu quyết trạch của các luận gia. Do đó, Luận sư viết bộ luận này ra, không có lòng mong mỏi là người xem sẽ đạt được lợi ích. Tuy nhiên, viết bộ luận này, trong tâm của Luận sư cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện, vì suốt đời chỉ thích tầm cầu học hỏi những nghĩa lý thâm sâu.

Bài kệ tụng cuối bộ luận này, cũng có ý nghĩa như thế:

"Người Trí tuệ không yếu kém kia

Cũng không thông đạt tánh thậm thâm.

Người tăng thượng hằng tinh tấn ấy

Cũng không thể thấy tánh tối thắng.

Tướng ngã bình đẳng trong chúng sanh

Tích trì thiện thuyết không thể đắc.

Như các dòng sông quy về biển

Luận Ta ẩn một nơi tự thân.”

Ý của bài kệ là trên thế gian khó tìm ra người nào (17) hiểu rõ được nghĩa lý thâm sâu vi diệu về bộ luận của Luận sư.

Nói tóm lại, hiểu rõ bổn ý của quyển luận này một cách chính xác, thật rất khó khăn. Trong kỳ pháp hội đó, nhờ Trí tuệ siêu phàm, Đại sư xiển minh nghĩa lý huyền diệu, cùng đề xuất ra những yếu chỉ cứu cánh u ẩn khúc chiết của bộ luận này. Nghe Đại sư giảng giải rõ ràng về những nghĩa lý thâm sâu tinh mật, đại chúng đều vui mừng tột bậc và đều tán thán việc chưa từng có.

Đạt Mã Nhân Cần chọn ra những điểm tinh yếu mà Đại sư giảng giải, rồi ghi chép để tạo thành một bộ luận chú giải; quyển này hiện còn tồn tại trong những trước tác của Đại sư.

Vua Trát Ba Kiên Tham là một minh quân tài ba. Kính ngưỡng đức học thâm sâu của Đại sư, ông sai đại thần Chuyên Trình đến cung thỉnh Đại sư vào triều. Thấy sự ân cần của nhà vua, vào mùa hạ năm 1404, từ chùa Nhạ Trân, Đại sư đến chùa Đệ Khâm Đảnh (Sde-chen-steng) cùng kết hạ an cư với cả trăm danh Tăng vốn thông suốt Tam tạng Kinh điển.

Lúc ấy, Đại sư vì đại chúng mà diễn giảng các bộ luận như Trung Quán, Nhân Minh, v.v... cùng ban truyền giáo nghĩa Bồ Đề Đạo Thứ Đệ thâm sâu.

Đầu mùa Thu, Đại sư đến A Khách, trụ tại chùa Ráng Ba Lãnh (Byang-pa gling), và giảng bộ Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận của mình cùng hai loại thứ lớp của Mật tông (18) cho Tăng chúng tại đó.

Mùa Đông, Thầy trò đình chỉ tất cả hoạt động bên ngoài, mà nhập thất tĩnh tu Mật pháp. Ngày nọ, Bổn Tôn (Bồ tát Văn Thù) hiện thân bảo:

- Để hỗ trợ cho việc hoằng dương Phật pháp và làm lợi ích cho quần sanh, ông hãy y theo lời dạy của Ta mà chú thích quyển "Kiến Lập Thứ Đệ" (là bộ luận giảng trạch về Mật tông) của Bồ tát Long Trí.

Y theo lời dạy của Bổn Tôn, Đại sư lập tức chú thích quyển luận đó. Vừa hoàn tất, Đại sư bèn đăng tòa thuyết giảng cho đồ chúng nghe.

Năm bốn mươi chín tuổi (1405), Đại sư vẫn trú tại chùa Ráng Ba Lãnh. Bấy giờ, pháp vương Cổ Kiều Cụ Tang cùng nhiều vị Tam tạng Pháp sư khẩn thỉnh Đại sư trước tác yếu chỉ tu đạo của bốn bộ Mật pháp. Pháp vương Phước Tràng (19) vì có ý muốn hoằng dương Mật thừa, nên thỉnh cầu Đại sư chú thích sâu rộng về Mật thừa. Ngoài ra, Bổn Tôn (Bồ tát Văn Thù) cũng có lời dạy bảo như thế. Do các nhân duyên đó, Đại sư tạo quyển luận "Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận" (20).

Trong bộ luận này, đối với nghĩa lý thứ lớp tu hành theo bốn bộ Mật tông, không những Đại sư y cứ theo sự tương truyền Giáo thọ trong bao đời, mà còn dung thông kinh luận sớ sao mật tích, cùng các bộ luận của chư vị Thánh giả đại thành tựu. Đối với thể tướng (21) của đạo, thứ lớp (22), số lượng, cùng như lý tu trì mà sanh phương pháp chứng đức, đoạn quá (23), trừ chướng, và những phương pháp cuối cùng tu hành chứng quả, tất cả đều có thể đối chiếu với giáo lý mà quyết trạch. Quyển luận này xuất hiện để đối trị những kẻ tu học Mật pháp có tâm cao ngạo và thích nhảy cấp bậc.

Năm 1406, viết xong quyển luận đó, Đại sư bèn ban truyền cho đồ chúng và chư đại thiện tri thức. Bấy giờ cung ma đột nhiên chấn động, khiến ma vương kinh hoàng. Rất nhiều phi nhân yêu ma quỷ quái lập tức công kích tác quái trong kỳ pháp hội đó. Nhiều vị đại thiện tri thức bị ma nạn mà viên tịch. Đại sư tạm thời đình chỉ việc ban truyền bộ luận này, rồi cùng đồ chúng nhập thất chuyên tu Mật pháp để phá trừ ma chướng. Từ đó, yêu ma quỷ quái dần dần bị hàng phục, không dám làm loạn, nên mọi việc đều bình an trở lại. Bấy giờ, Đại sư lại tạo Đại Oai Đức Kim cang tu hành phương tiện, cùng nghi thức hộ trì, gọi là "Thắng Ma.”

Lúc trú tại Ba Nhạ Kiếp Đảnh, Đại sư vì đồ chúng giảng thuyết Tập Mật Ngũ Chủng Thứ Đệ và Thắng Lạc Luân Viên Mãn Thứ Đệ. Về sau, do có nhiều học giả khẩn thỉnh, Đại sư trước tác quyển "Trung Quán Luận Quảng Thích" để giảng trạch biện biệt tất cả vấn nạn và những vấn đề khó khăn về tánh tông.

Lúc tạo luận, vì trong đó có những lý lẽ nghi hoặc khó khăn, nên Đại sư ân cần khấn nguyện bổn tôn Bồ tát Văn Thù. Vừa khấn nguyện xong, Đại sư thấy trên hư không xuất hiện hai mươi câu văn kinh chữ "Không" trong kinh Bát Nhã. Mỗi chữ đều là màu vàng kim, tỏa sáng rực rỡ. Những nghi vấn của Đại sư chợt được khai thông, nên mới tạo thành tựu được bộ luận lấy tên là "Chánh Lý Mẫu Luận.”

Tại nơi đó, Đại sư thọ ký rằng một ngôi Đại tùng lâm sẽ được xây cất và sẽ có rất nhiều bậc Thánh giả xuất thân. Về sau, đệ tử của Đại sư là Ráng Khâm Kiếp Kết (24) cho xây ngôi chùa Sắc Nhạ (Sera) tại nơi đó.

Một đời giáo hóa của Phật Thích Ca, không ngoài hai loại giáo pháp và chứng pháp. Tất cả Chánh pháp của "Giáo" đều nằm trong ba tạng kinh luật luận. Tất cả Chánh pháp của "Chứng" đều nằm trong ba môn học vô lậu (giới, định, huệ). Người tu học không thể đi ngược lại với kinh, luật, luận, và hành trì phải phù hợp với giới, định, huệ. Đối với bậc đại học giả, phải tu học đạo bi trí song toàn.

Xưa kia, tại Tây Tạng, có nhiều người tu học Phật pháp vốn không chú trọng việc nghiên cứu học tập ba tạng Kinh điển, thậm chí lại còn chỉ trích phê bình và gọi những vị Tam tạng Pháp sư là "Phân Biệt Sư" hay "Nhật Đôn Ba (25).” Đa số đều bỏ qua việc đa văn, chuyên tu, cần cầu hiểu rõ bản tâm tự tánh để đạt được Giải thoát cùng chứng đắc đạo Bồ đề Vô thượng.

Có một số người chấp cho việc tu học một hoặc hai bộ kinh luận là đủ, mà không cần tu học thêm nữa. Thật ra, những quan niệm này rất sai lầm, vì hoàn toàn không phù hợp với chân nghĩa Thánh giáo của đức Như Lai. Luận của kinh Đại thừa Trang Nghiêm, viết: "Đầu tiên, phải cầu học đa văn, thì mới có thể y theo như giáo lý mà phát tâm, rồi từ đó tu tập thành tựu Trí tuệ, đoạn trừ phiền não, chứng quả Giải thoát.”

Vì vậy, người tu học Hiển-Mật pháp phải nghiên cứu tinh tường ba tạng Kinh điển, để đạt được đa văn trí sâu, lập chánh tri kiến. Trường kỳ tu tập tam vô lậu học mà thân tâm từ từ thanh tịnh, rồi đắc được Giải thoát cùng nhất thiết chủng trí.

Quy chế giáo nghĩa của Đại sư lập ra, nơi thù thắng nhất là cực lực chủ trương người tu học Hiển giáo và Mật giáo phải nỗ lực nghiên cứu, đa văn tư duy thâm sâu nơi ba tạng kinh, luật, luận, để phát khởi Trí tuệ, thông đạt thật tướng của các pháp, rồi sau này mới tự thân chứng chân lý pháp tánh. Ngoài ra, đối với "Tâm Bồ đề", và "Hành Lục Độ" trong ba tạng giáo điển của Đại thừa, cùng chân lý "Vô ngã" vi tế, Đại sư đều chủ trương rằng phải thiết thực tu hành qua các giai đoạn văn, tư, tu. Hiểu rõ xong về nền tảng căn bản của giáo nghĩa Hiển-Mật rồi mới có thể tu học Mật thừa.

Do đó, giáo nghĩa của Đại sư đều tổng nhiếp tất cả chánh giáo của đức Như Lai, đặc biệt là dung hợp được hai pháp Hiển-Mật trở thành một thể, và lại có khả năng hiển bày nghĩa lý thù thắng về giáo pháp của Phật.

Vì vậy, phái Cảnh Gia Tông có bài kệ:

"Nếu ai có trí quyết định

Nơi ba tạng các mật ý

Thường trụ mà không trái ngược

Đó gọi là Đại Tiên Giáo.

Nếu trong các tông phái nào

Ba học và các chánh hạnh

Hay trụ mà không có lỗi lầm

Đó gọi là Đại thừa Giáo.

Chánh kiến rời chấp hai bên

Chỉ quán đều tu bình đẳng

Hiển-Mật hành không trái ngược

Là không vượt ngoài Thánh giáo.”

Xưa kia, tại Tây Tạng, đối với lý lẽ "Tánh Không", có một phái nọ gọi đó là "Không vô sở hữu.” Tuy họ cho rằng ngay nơi cái thấy cái nghe thường ngày vốn là cái không tuyệt đối, nhưng lại phủ định lý Nhân quả "làm lành thì gặt quả lành và làm ác thì gặt quả xấu.” Do đó, họ cho rằng tu học Phật pháp, chỉ việc hiểu câu "muôn pháp đều không" là đủ và có thể thành Phật. Môn phái này, một bên lại phủ nhận lý Nhân quả thiện ác, còn một bên thì thừa nhận là có khả năng Giải thoát (26). Loại học thuyết "không nhân mà có quả, và có nhân mà không quả" thật tương đồng với những kiến chấp của ngoại đạo tà giáo, nên không thể phù hợp với Chánh pháp.

Ngoài ra, có một phái cho rằng chân nghĩa của "Tánh Không" là chỉ cho nơi thế tục đế (lý tương đối) thì không có, mà nơi thắng nghĩa đế (27) thì có. Đảo ngược lại câu đó, (28) thì thể tánh của các pháp và mọi sự vật là thật có tồn tại. Song, "ngoại cảnh" đều do tâm thức của chúng ta biến hiện ra, nên tuyệt đối là không, và chẳng có tồn tại. Họ cho rằng cái Không của thắng nghĩa đế (lý tuyệt đối), nếu không thật có thì chẳng có cách nào để kiến lập sanh tử và Niết Bàn, cùng những nghiệp quả tác thọ (29), nên trở thành đoạn kiến. Thế nên, họ chủ trương thắng nghĩa đế là có, nên giống như kiến chấp "chư hành là thường, và muôn pháp là có", mà lạc vào "Thường Kiến.”

Những kiến chấp này, đối với sự tồn tại của Phật pháp, thật rất nguy hiểm. Trung Luận nói: "Nếu nơi Tánh Không mà khởi kiến chấp, thì không thể cứu được người này.”

Bồ tát Long Thọ bảo rằng đối với những kẻ có tư tưởng chấp thường kiến đối đãi về "Nơi Tánh Không mà khởi kiến chấp", thì không có cách nào đối trị được.

Đức Phật đã từng thọ ký cho Bồ tát Long Thọ, một vị sẽ đặt ra tiêu chuẩn về sự diễn thuyết liễu nghĩa. Do đó, người tu học pháp Đại thừa phải dùng những lời giảng thuyết của Bồ tát Long Thọ làm mực thước và tiêu chuẩn.

Có phái cho rằng muôn sự việc đều là không, chứ chẳng phải là có, nên xem thường lý Nhân quả thiện ác và chểnh mãng việc nỗ lực tu học Phật pháp, thậm chí lại còn phá hoại Giới luật.

Có phái cho rằng nếu nhận là có tức chấp nơi tướng, nhưng thật ra tất cả pháp đều là chẳng phải có, và chẳng phải không. Vì vậy, họ chủ trương rằng lúc tu học, hoàn toàn không tư duy "có ngã, Vô ngã", "là không, chẳng phải không; là có chẳng phải có", mà cho rằng "chẳng tác ý" vốn là tu chân tánh, cùng lấy "bất kiến (chẳng thấy)" làm kiến chấp. Loại học thuyết này cũng không phù hợp với giáo lý. Có và không, thường và Vô thường, thị và phi, một và khác, chính là những khái niệm tương đối, tức còn thấy có hai. Tâm nếu giữ ý niệm "chẳng tác ý" tức là đã tác ý; "bất kiến (chẳng thấy)" trở thành hai loại kiến (thấy) và bất kiến (không thấy).

Ngoài ra, có một phái tự xưng là tu hành Thiền định. Họ cho rằng tất cả thiện hạnh phân biệt tính toán đều là chưa rời được tâm tán loạn. Vì vậy, họ chủ trương rằng chỉ cần chuyên tu thẩm sát về chân lý, mà không cần tu thiện hạnh. Họ lại bảo rằng lúc tu chân lý, không cần dùng chánh lý để quán sát.

Những tông phái ở trên đều giải thích sai lầm về "Tánh Không" mà chẳng biết nghĩa "Không" tức chỉ cho nghĩa "Vô Tự Tánh.” Kinh luận đều nói rõ rằng những kẻ ác hạnh tà kiến đó sẽ chiêu cảm quả báo khổ. Ví như không biết phương pháp bắt rắn độc, mà lại đi bắt rắn độc, tức sẽ bị rắn cắn. Vì vậy, Phẩm Tứ Đế trong luận Trung Quán thuyết: "Không thể quán sát chân chánh về Tánh Không, kẻ độn căn tự tổn hại. Ví như người không khéo về chú thuật, thì không thể biết cách bắt rắn độc.”

Đối với các loại tri kiến khác biệt về giáo nghĩa của chư cổ đức ở Tây Tạng, Đại sư vận dụng Trí tuệ vô cấu nhiễm, trong những trước tác như Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận, Nhập Trung Luận Thiện Hiển Mật Ý Sớ, Trung Luận Thích, Biện Liễu Nghĩa Bất Liễu Nghĩa Thiện Thuyết Tạng Luận, Duyên khởi Tán, v.v... mỗi mỗi đều phê phán giảng trạch. Tư tưởng của Đại sư là kế thừa yếu chỉ của Thầy trò Bồ tát Long Thọ. Bàn về lý luận căn bản, tất cả pháp sanh tử và Niết Bàn, chỉ do y theo sự vật mà giả lập phân biệt, nên không thể đạt được thắng nghĩa đế. Do nơi thắng nghĩa đế không thể đạt được và nơi thế tục đế đã được thành lập, nên tất cả pháp đều không có tự tánh. Chánh kiến này rất có tác dụng, tức là dùng lý Tánh Không, ngay nơi ngôn từ mà an lập nhân duyên nghiệp quả. Tuy ngôn từ không có tự tánh chân thật, nhưng tác dụng của Nhân quả khẳng định là có.

Trọng tâm của luận Duyên khởi, Đại sư viết: ''Do bổn tánh của tất cả pháp đều là không, nên nghiệp quả và pháp Duyên khởi mới sanh khởi. Nếu tự tánh chẳng phải không thì chúng không thể sanh khởi. Lại nữa, do biết lực của các pháp Duyên khởi, nên mới biết tự tánh vốn không. Vì nghiệp quả và pháp Duyên khởi chờ đợi các duyên mới sanh khởi, nên tự tánh của chúng vốn là không. Hiểu rõ lý Duyên khởi cũng có thể thấy cái không của không tự tánh cùng cái có của có Duyên khởi; chúng chẳng những không trái ngược, mà còn bổ túc cho nhauỢ.

Đại sư y theo Giáo thọ của Bồ tát Văn Thù; đối với Chánh kiến Trung Quán của Bồ tát Long Thọ, cũng thông đạt như thật, cùng trước tác luận lý để xiển minh. Tìm được một người như Đại sư trong thời buổi đó thật là hiếm có.

Lại nữa, ở Tây Tạng vào thời xưa, lúc Đại sư chưa xuất thế, ít có vị học giả nào diễn đạt luận thuyết rõ ràng về sắc của thể tướng cùng biến kế trong Duy Thức Học, và an lập biến kế làm pháp nghĩa không tự tánh và Vô ngã. Khắc Chủ Kiệt chú thích về giáo nghĩa của tông Duy Thức: "Xưa kia, chưa ai có thể hiển thị nơi mật ý thậm thâm. Nay Đại sư đã khai mở bảo tạng, khiến chúng sanh vui mừng.”

Trong Văn Phát Nguyện, Đại sư đã từng viết: "Chúng sanh vì sợ nghĩa chân thật thậm thâm, nên vọng chấp ít phần của cái không. Vì muốn mãi mãi xa rời những ác kiến đó, nên con nguyện thông đạt các pháp vốn là không.”

Nhờ quyết trạch về Chánh kiến và chứng ngộ về Tánh Không, nên biết tâm vốn bao trùm khắp tất cả pháp giới. Dẫu pháp vi tế nhỏ nhít, không thể tự tạo vọng chấp cùng lầm ngộ ít phần của Tánh Không. Do các pháp bổn tánh vốn không, nên nơi tất cả loại Trí tuệ (30) đều phải thông đạt Tánh Không của không tự tánh. Lại nữa, chỉ cần thông đạt được cái thấy về Tánh Không đó, rồi mới nghiên cứu các sự lý liễu nghĩa, tức sẽ có Chánh kiến Trung Quán thậm thâm viên mãn.

Phương pháp tu tập Thiền định trong nhà Phật, được phân làm hai phần: Thứ nhất là tu Chỉ Trì. Thứ hai là tu Quán Chiếu. Tu Chỉ Trì và tu Quán Chiếu hỗ tương xoay vần và thúc đẩy lẫn nhau; đó là phương pháp tu tập chính xác. Người tu hành thấu suốt được hai phương pháp này thì mới có thể đạt đến cảnh giới chứng ngộ. Đại sư đề xuất ra thuyết là phải y "Tu Tập Thứ Đệ"; tu Chỉ Trì và tu Quán Chiếu ví như chim có hai đôi cánh, nên không thể thiếu một. Lúc nên tu Chỉ Trì thì tu Chỉ Trì. Lúc nên tu Quán Chiếu thì tu Quán Chiếu. Lúc nên tu Chỉ và Quán theo trình tự xoay chuyển thay đổi thì phải tu Chỉ và Quán.

Đại sư lại y theo các kinh luận thâm mật, luận của Bồ tát Di Lặc, cùng mật ý của các bộ luận Du Già Sư Địa, mà tu hành đạt được giáo nghĩa Tam ma địa chân chánh. Ban đầu, phải chuẩn bị đầy đủ tư lương Chỉ và Quán, cùng nhận ra sự khác biệt của các duyên; phân chiết cách tu Quán Chiếu và Chỉ Trì, cùng có đầy đủ chín loại trụ tâm, tám loại đoạn hành; như lý tu tập thì sau sẽ đắc được Chỉ Quán tùy thuận. Lại nữa, phải hiểu rõ chân chánh về Chỉ Quán cùng sự hạn lượng và thứ lớp của Chỉ Quán. Kế đến, phải nhận ra thể tánh và cách đối trị hai loại chướng ngại trong khi tu Chỉ Quán là hôn trầm và trạo cử.

Đại sư cũng đề xuất ra sự khác biệt giữa chánh niệm và chánh tri. Tóm lại, Đại sư y theo yếu chỉ các bộ luận của Bồ tát Long Thọ mà giảng trạch chính xác về các phương pháp tu định. Trong quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận, Đại sư viết rõ về các phương pháp tu định, cùng những cảnh giới Thiền định.

Một số người tu học Mật pháp vốn hiểu sai lầm về Kinh điển mật tích, cùng luận điển của các vị đại thành tựu; họ cho rằng những Kinh điển và luận điển đó chỉ là những công cụ để trở thành bậc bác học đa văn cùng tăng trưởng tri kiến mà thôi. Do đó, họ rất xem thường những bộ kinh luận đó. Ngược lại, họ cho rằng những khẩu quyết nhỏ nhặt vốn là giáo nghĩa tối thượng và thù thắng hơn các kinh luận của Phật tổ. Tuy nhiên, những khẩu quyết nhỏ nhặt kia dĩ nhiên hoàn toàn không hợp lý và tương phản với Mật kinh cùng luận điển của các bậc đại thành tựu.

Những người này thiếu sự đa văn nơi Chánh pháp quảng đại, và không có Trí tuệ biện biệt chánh tà, nên ngộ nhận sai lầm về thật thể của đạo Mật thừa viên mãn.

Có một số cho rằng sanh khởi thứ lớp trong "Vô thượng Mật Bộ" là pháp môn tất địa cộng đồng tu tập, và là lời dạy của đức Phật dành cho những kẻ độn căn. Thật ra, muốn đạt đến nơi thành tựu tối thượng, phải trực tiếp tu tập thứ lớp cho viên mãn. Có người chấp về lời kinh: "Phải tu về Trí tuệ Tánh Không vốn thanh tịnh của các pháp", là nghĩa chân thật; tu phá tà chấp phân biệt, chẳng phải là nhân để thành Phật. Thật ra, đức Phật vẫn còn dùng sắc thân để làm lợi ích cho loài hữu tình. Nhờ có phước đức đầy đủ nên mới có sắc thân đó. Vì vậy, chỉ cần liễu đạt Chánh kiến vô cấu, chuyên tu thứ lớp sanh khởi, thì sẽ có ngày thành Phật.

Có người cho rằng ý nghĩa về sự kết hợp giữa hai đế (thắng nghĩa đế và thế đế) của pháp quán đảnh thứ tư, được gọi là tu Tánh Không, cũng không cần suy tư hay tạo tác.

Tựu chung, những quan niệm sai lầm đó, thật không hiểu rõ việc tu học Mật pháp. Trong cõi uế trược, một đời có thể viên mãn hai loại tư lương, đoạn tận sở tri chướng, là do lực câu sanh trí đại lạc, chóng chứng đắc Tánh Không.

Song, tu Tánh Không trong Mật thừa, có những phái không đồng nhau như phái Trung Quán-Ứng Thành, phái Trung Quán-Tự Tích, phái Duy Thức. Tuy nhiên, có căn khí khế cơ nhất đối với sự tu trì Mật pháp, và hiểu rõ thâm sâu tinh tường về Tánh Không trong luận Trung Quán là phái Trung Quán-Ứng Thành.

Người tu Mật pháp nếu dùng Tánh Không của cái "đều vô sở hữu, chẳng phải có chẳng phải không, cái không kia thật có, bỏ không vô tri", mà cho là Chánh kiến, thì không thể tu Tánh Không "Minh Thâm Vô Biệt (31)" của ba bộ Mật giáo (32).

Kiến giải lầm lạc về Tánh Không như thế (33), khiến cách tu sanh khởi thứ lớp cùng viên mãn thứ lớp không có nền tảng căn bản, giống như mạng căn không có thi thể. Thiếu sót sự thành tựu lý pháp thân như thế, chẳng những không thể đạt đến quả vị Phật, mà không có cách nào để cắt đứt cội gốc sanh tử.

Người tu Mật pháp có khả năng tự thân thành Phật hay không, hoàn toàn quyết định nơi đời nay có khả năng tu đắc huyễn thân được hay chăng. Đạo lý tu đắc huyễn thân quan trọng đó, giữa chư Đại đức của các tông phái ở Tây Tạng, không ai có kiến giải và trình độ tu chứng như Đại sư. Lại nữa, tâm yếu được giải thích trong Vô thượng Mật Bộ, chính là trí đại lạc câu sanh cùng huyễn thân. Đối với hai pháp tu này chỉ có Đại sư là vị có thể hành theo Kinh điển Mật Tích cũng như y theo giáo nghĩa được giải thích rõ ràng trong các bộ trước tác của chư vị đại thành tựu. Do đó, Mật pháp của Đại sư thù thắng bậc nhất, và vượt xa các tông phái khác.

Vì làm lợi ích cho hàng hậu học, Đại sư y theo giáo nghĩa và lời thọ ký của Bồ tát Văn Thù, đem pháp quán đảnh và số lượng của Mật Bộ, Tam muội da giới, cận tu, cùng mạn đà la, phương diện thứ lớp mà giải thích tường tận. Những điều này được Đại sư viết trong quyển "Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận.”

Xưa nay, tại Tây Tạng, sự truyền thừa Giới luật thượng lạc và hạ lạc, giảng thuyết, cùng tất cả hành pháp, đều bắt nguồn từ Ngài Khách Tể Ban Khâm, Tôn giả A Để Sa cùng chư Đại đức phái Ca Đương truyền thừa quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ và Bồ đề Tâm Giáo Nghĩa; Thầy trò Nga Lạc Trát Ngõa truyền các bộ đại luận Câu Xá, Hiện Quán Trang Nghiêm, Trung Luận, Nhân Minh; Mã Nhĩ Ba, Khuyếch Khô Ba Lạp, Trí Túc, v.v... truyền Tập Mật; Nhạ, Trác, Hùng truyền Thời Luân; Thầy trò Tát Ca Ban Trí Đạt truyền Thắng Lạc và Hỷ Kim cang; Lạt ma Mã Cơ truyền Đại Luân Kim cang Thủ; ba vị Đại đức Nhạ, Giác, Đương truyền Hồng, Hắc Đại Oai Đức Kim cang, bốn bộ mạn đà la quán đảnh, giảng giải ban truyền giáo nghĩa Mật tông thậm thâm thứ lớp sanh khởi và viên mãn.

Mã Nhĩ Ba cùng Đạt Bạc truyền Lạc Không Đại Thủ Ấn, sáu pháp Na Nhã, sáu pháp Ni Cổ, năm chi Đại Thủ Ấn, giáo nghĩa tâm tạng của phái Cát Cử.

Những giáo pháp thậm thâm như thế, trong giáo nghĩa của Đại sư đều đầy đủ không thiếu sót, và thắng nghĩa bao hàm hết tất cả tông phái. Vì vậy, Hoàng giáo không những là cốt tủy của các tông phái, mà lại là giáo phái siêu xuất hơn hết tất cả.

Ngoài ra, nơi Nhân Minh, Y Phương Minh, Công Xảo Minh, Thanh Minh, cùng văn chương, toán số, Đại sư đều thâm hiểu tinh tường. Vì vậy, giáo nghĩa của Đại sư, chính là Chánh pháp của Phật Thích Ca lưu truyền lại, tức là giáo pháp Hiển-Mật hợp nhất vào biển Phật pháp.

Chương V: Vị Tổ sư của Phái Hoàng giáo (Gelugpa, Cách Lỗ hay tân Ca Đương)

Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa là một trong những bậc Sư trưởng, và là vị ảnh hưởng rất lớn, cùng có thâm ân sâu sắc đối với Đại sư. Vì vậy, Đại sư tôn thờ là "Tôn sư Căn Bổn" (1). Lần nọ, khi Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa đến Tiền Tạng, Đại sư bèn qua đó để ngưỡng đón. Lúc dâng cúng "Cáp Đạt" xong, Đại sư lập tức trình kệ, tán thán Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa:

"Mắt quán xem bậc đại Từ bi chẳng thể bàn

Thượng Sư trí vô cấu lợi sanh vi diệu âm

Mật chủ tiêu diệt quần yêu ma chẳng còn thừa

Bậc thắng hiền trên đỉnh Tuyết Lãnh Nhân Đạt Ngõa

Cầu nguyện dưới chân hoa sen Tuyên Nô La Truy.”

Xem qua, Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa khiêm nhường bảo:

- Ta không có đức độ như thế. Những câu tán thán này phải dành cho ông.

Nói xong, Ngài Kết Tôn Đạt Ngõa đổi hai câu kệ cuối để tán thán Đại sư:

"Mắt quán xem bậc đại Từ bi chẳng thể bàn

Thượng Sư trí vô cấu lợi sanh vi diệu âm

Mật chủ tiêu diệt quần yêu ma chẳng còn thừa

Bậc thắng hiền trên đỉnh Tuyết Lãnh Tông Khách Ba

Cầu nguyện dưới chân hoa sen Thiện Huệ Xưng Dương.”

Sau này, chư đệ tử của Đại sư giải thích về những câu kệ này với hai ý nghĩa ẩn và hiển.

Về hiển ý thì câu thứ nhất tán thán công đức đại Từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm. Câu thứ hai tán thán công đức Trí tuệ của Bồ tát Văn Thù. Câu thứ ba tán thán công đức của Bồ tát Kim cang Thủ (mật chủ). Câu thứ tư tán thán Đại sư có đầy đủ công đức của ba vị Bồ tát ở trên. Câu thứ năm nói về người trì tụng và cầu nguyện dưới tòa của Đại sư.

Về mật ý thì có ba loại. Thứ nhất là tướng ví dụ ở bên ngoài; việc này bàn về ba bộ chủ, tức Bồ tát Quán Thế Âm (bộ Liên Hoa), Bồ tát Văn Thù (bộ Phật), Bồ tát Kim cang Thủ (bộ Kim cang). Trong tất cả chúng hội của chư Phật và chư Bồ tát, một vị đại biểu cho tâm đại bi thật thù thắng, một vị đại biểu cho Trí tuệ thật thù thắng, một vị đại biểu cho thần lực thật thù thắng. Ở Tây Tạng, trong đời Mạt pháp, Đại sư nương tựa theo ba loại công đức thật thù thắng đó.

Thứ hai là công đức nội chứng. Tâm đại bi của tất cả chư Phật, Bồ tát Quán Thế Âm đều có đầy đủ. Trí tuệ của tất cả chư Phật, Bồ tát Văn Thù đều có đầy đủ. Thần lực của tất cả chư Phật, Bồ tát Kim cang Thủ đều có đầy đủ. Công đức bi, trí, lực, Đại sư đều có đầy đủ.

Thứ ba là Bổn Tôn bí mật. Hiện thân sắc tướng đại bi của chư Phật là Bồ tát Quán Thế Âm, nhưng không rời chư Phật mà có Bồ tát Quán Thế Âm. Hiện thân sắc tướng đại trí của chư Phật là Bồ tát Văn Thù, nhưng không rời chư Phật mà có Bồ tát Văn Thù. Hiện thân sắc tướng đại thần lực của chư Phật là Bồ tát Kim cang Thủ, nhưng không rời chư Phật mà có Bồ tát Kim cang Thủ. Hiện thân sắc tướng đại bi, đại trí, đại thần lực của ba vị Bồ tát đó là Đại sư.

Tổng quát, công đức bi, trí, dũng của ba vị Bổn Tôn, Đại sư đều có đầy đủ. Tu trì Mật pháp của ba vị Bổn Tôn này thì mau chóng được cảm ứng, khai mở Trí tuệ, và hàng phục ma quân.

Xưa kia, tại Tây Tạng có một vị đại Lạt ma tu hành trong núi Tuyết Sơn. Bên dưới chân núi có một căn nhà luôn bị ma Cụ Cáp Nhĩ gia hoạn. Người trong nhà vì chịu không nổi những sự ưu phiền nên thỉnh mời rất nhiều vị cao nhân đến trị ma, nhưng vẫn không hiệu quả. Ngày nọ, trong thôn có một chú mục đồng, vô tình đi đến nơi vị đại Lạt ma đang tu hành, và kể lại sự việc về căn nhà đó. Nghe xong, vị đại Lạt ma này đưa cho chú mục đồng một đôi dép và một xâu chuỗi, rồi dặn dò rằng khi ma đi vào nhà, phải để đôi dép ở trước cửa, và lấy các hạt châu trong xâu chuỗi mà rải chung quanh vách tường. Đêm hôm đó, chú mục đồng vừa thấy ma đi vào bức hại người trong nhà, lập tức làm theo lời chỉ dạy của vị đại Lạt ma. Trong khoảnh khắc, ma thấy chung quanh căn nhà đều có vô lượng thần Kim cang hộ pháp, và bên ngoài cổng lại có Bồ tát Kim cang Thủ đứng thủ hộ, nên vô cùng sợ hãi. Bấy giờ, đại Lạt ma cũng vừa đi đến. Ma liền quỳ xuống cầu xin đại Lạt ma đừng bắt nhốt nó. Vị đại Lạt ma bảo:

- Có thể tha ngươi ra nhưng với điều kiện là phải tuân theo lời dạy của Ta. Ta cấm ngươi không được làm nhiễu loạn những ai đọc tụng bài kệ này 108 lần.

Ma miễn cưỡng vâng chịu. Xưa kia, ở Tây Tạng, người tu hành nào đạt được chút ít sự tăng thượng hay sắp thành tựu, thì ma Cụ Cáp Nhĩ quyết không tha. Song, hung dữ và đầy oai lực như ma Cụ Cáp Nhĩ mà còn bị hàng phục, nên những con ma khác không còn dám lộng hành. Về sau, bài kệ cầu nguyện của Đại sư được phổ biến khắp Tây Khương và Tây Tạng. Ai tu trì bài kệ cầu nguyện đó, sẽ được sự gia trì thù thắng của Đại sư mà tiêu vơi ma chướng, thành tựu phước đức viên mãn.

Xưa kia, vào mùa hạ năm 1399, chư Tăng kẻ tục ở Ngưỡng Ba (nyang-po) chí thành ân cần ngưỡng thỉnh Đại sư đến chùa Đáng Đóa (mdangs-mdo) an cư kiết hạ, cùng chuyển đại pháp luân.

Dọc đường đến Ngưỡng Ba, chiếc mũ màu vàng của Đại sư bị gió thổi rơi xuống sông, rồi trôi đi mất. Bấy giờ, Đại sư chỉ chiếc mũ màu vàng mà thọ ký:

- Giáo pháp của Ta sẽ như dòng sông, chảy mãi không đoạn đứt, không khô cạn. Nơi nào chiếc mũ vàng dừng lại, thì nơi đó sẽ kiến lập đạo tràng của học thuyết Trung Quán.

Chiếc mũ màu vàng của Đại sư cuối cùng trôi dạt đến vùng Tang Tinh Cương của Ngưỡng Ba. Về sau, một đại đệ tử tài ba của Đại sư quả nhiên kiến lập đạo tràng Đại thừa Pháp Luân Châu và hoằng dương học phái Trung Quán. Điều này thật phù hợp với lời thọ ký của Đại sư.

Lúc Đại sư trú tại chùa Cát Ngõa Đống, Bồ tát Văn Thù hiện thân phó chúc:

- Chẳng bao lâu, lúc đang giảng kinh tại Nõa Kiếp Lũng, ông sẽ đánh rơi một cái răng. Ông nên đem cái răng đó, đưa cho Khắc Chủ Kiệt để làm điềm lành cho sự hoằng dương Chánh pháp, lợi ích loài hữu tình trong tương lai.

Về sau, khi Đại sư trú tại Nõa Kiếp Lũng, Bổn Tôn của bốn bộ Mật thừa, cùng ba mươi lăm vị Phật, đều hiện thân gia trì.

Sáng nọ, Khắc Chủ Kiệt bạch Đại sư:

- Đêm qua, con mộng thấy được Tôn sư thọ ký, nên hôm nay đặc biệt đến đây khẩn thỉnh. Xin Tôn sư Từ bi vì chúng con mà giảng nhiếp nghĩa của bốn bộ Mật pháp (2).

Đại sư vui mừng chấp thuận, bảo:

- Ta rất tùy hỷ!

Đại sư bèn ban truyền yếu chỉ thậm thâm của bốn bộ Mật thừa cho đồ chúng. Một hôm, vào lúc giữa trưa, Đại sư lên pháp tòa giảng kinh. Đại chúng thấy từ miệng Đại sư chợt phóng ra một luồng hào quang, chiếu khắp hư không; có người lại thấy luồng hào quang có đủ năm màu rực rỡ. Bấy giờ, chỉ có các đại đệ tử là đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần, trì luật Trát Ba Kiên Tham (3), và tâm tử (4) Khắc Chủ Kiệt đều thấy Đại sư đánh rơi một cái răng. Khi đó, Đại sư liền tụng bài kệ:

"Trụ trước diệu cao như núi vàng

Thí cùng ngươi thiện diệu ai bằng (5).”

Tụng bài kệ xong, Đại sư trao chiếc răng cho Khắc Chủ Kiệt. Đạt Mã Nhân Cần và Trát Ba Kiên Tham thấy vậy bèn cầu thỉnh:

- Bạch Tôn sư! Xin hãy cho chúng con một chiếc răng khác!

Đại sư bảo:

- Chẳng phải Ta không muốn cho các ông, mà vì Khắc Chủ Kiệt đã có đầy đủ túc duyên thọ nhận chiếc răng này, ứng với lời huyền ký của bổn tôn Bồ tát Văn Thù. Nếu các ông khẩn thành cầu nguyện, thì trong bảy ngày, Ta sẽ cho vài vật khác.

Đại sư vừa nói dứt lời, Khắc Chủ Kiệt mang chiếc răng đó trở về tịnh thất, và ân cần cúng dường. Trong giây lát, chiếc răng đó tự nhiên phóng ra năm luồng hào quang rực rỡ, chiếu khắp mọi nơi. Bảy ngày sau, Đại sư bảo Khắc Chủ Kiệt mang chiếc răng đó ra xem. Sau khi trần thiết hương hoa vi diệu cúng dường, cùng dùng bao loại lễ tán xong, đại chúng mở hộp đựng răng ra xem, thì chợt thấy từ trong chiếc hộp đựng răng phóng ra ánh sáng năm màu rực rỡ chiếu khắp bốn phuơng, thẳng suốt trời xanh, và nghe có mùi hương vi diệu nhẹ nhàng bay tỏa khắp tự viện. Chiếc răng đó, sớm thần dị biến thành Thánh tượng Bồ tát Văn Thù, tướng hảo trang nghiêm, rất sống động. Toàn thân của Thánh tượng đầy cả các xá lợi với nhiều màu sắc. Đại chúng tận mắt thấy được việc này, nên kinh hoàng, và ai nấy cũng lộ vẻ vui mừng hớn hở, cùng cho là việc chưa từng có.

Đại sư lấy xá lợi trên toàn thân của Thánh tượng Văn Thù, như xá lợi ở trên đỉnh đầu có hình xoắn ốc, đưa cho Dũng Mãnh Kim cang. Lấy xá lợi Thánh tượng ở trên trán, như xá lợi bằng thủy tinh đưa cho đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần. Lấy xá lợi Thánh tượng ở yết hầu, như xá lợi màu vàng kim, đưa cho Tỳ Nại Da Thi La; lấy xá lợi Thánh tượng ở ngực như xá lợi màu lưu ly, đưa cho trì luật Trát Ba Kiên Tham. Còn lại chín trăm chín mươi tám hột xá lợi đưa cho Tăng chúng trong đạo tràng.

Tuy đồ chúng mỗi ngày một đông đảo, nhưng Đại sư lại không có đạo tràng giảng kinh cố định. Vì vậy, cứ mỗi kỳ pháp hội, Đại sư và đồ chúng lại phải nhọc nhằn đi từ chùa này đến chùa khác để thuyết pháp và nghe giảng. Do đó, rất nhiều đại đệ tử thượng thủ cùng các đại thí chủ thường thỉnh cầu Đại sư kiến lập chùa chiền để có nơi an định cho đồ chúng, cũng như có một đạo tràng căn bản để hoằng dương Phật pháp. Ý kiến trên được mọi người hoan hỷ tán trợ. Có người muốn cúng dường tự viện của họ. Có người muốn cúng dường vật liệu xây cất chùa chiền.

Vui mừng nhận thấy nhân duyên cất chùa đã đến, Đại sư thành tâm nguyện cầu Phật Thích Ca gia hộ cho Ngài tìm được địa điểm thích hợp để lập chùa. Cầu nguyện xong, Đại sư quán sát tường tận tướng trạng của các ngọn đèn, rồi kết hợp với những điềm mộng. Kết quả, cạnh vùng núi Vượng Cổ Nhĩ (Drogri) cách Lạp Tát năm mươi dặm về phía Đông là nơi thích hợp nhất để lập ngôi A Lan Nhã kiết tường. Thật ra, trong đời tiền kiếp, đấy là nơi mà đức Phật Thích Ca đã từng thọ ký cho Đại sư lập đạo tràng hoằng dương Phật pháp.

Pháp hội 'Cúng Dường Phật Hiện Thần Biến' vào tháng giêng năm 1409 vừa viên mãn, Đại sư tự thân đến vùng đất đó để chú nguyện gia trì, rồi phái đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần, cùng Trát Ba Kiên Tham (6) dẫn Tăng chúng, tôn chiếu theo lời chỉ dạy của Đại sư mà xây cất chùa Cách Đăng (7) vào năm 1409.

Ban đầu, chư Tăng kẻ tục từ bốn phương đổ dồn về. Người có sức thì ra công sức; kẻ có tiền tài thì cúng dường tiền tài. Vì vậy, trong vòng một năm, xây cất hơn bảy mươi ngôi tòa viện. Quy tắc xây cất phòng xá, hoàn toàn y chiếu theo Giới luật mà tiến hành. Trước tiên, phải quán sát địa lý mà lập bày, rồi lại phải tuyên bố trước toàn thể Tăng chúng. Được tất cả chư Tăng chấp thuận rồi, mới bắt tay vào công tác xây cất. Họa đồ xây cất phòng xá, tăng xá, đại điện, nhà ăn, nhà bếp, v.v... hết thảy đều phải phù hợp theo quy định của Giới luật. Cách thức xây chùa Cách Đăng, tùy theo mỗi công việc lớn hay nhỏ, Đại sư đều làm theo quy định của Giới luật, tức là tự thân thực tiễn hoằng dương Giới luật.

Phái Hoàng giáo (hay Hoàng Mão) do Đại sư sáng lập, cũng gọi là phái Cách Lỗ, lấy tên chùa đặt tên tông phái (phái chùa Cách Đăng). Người Tây Tạng gọi danh từ "Phái" là "Lỗ.” Gọi tắt câu Cách Đăng Cụ Lỗ là Két Lỗ. Người Tây Tạng khi phát âm thì đọc trật đi thành Cách Lỗ. Vì vậy, Hoàng giáo xưng là Cách Lỗ Ba. Ngoài ra, có người bảo rằng ý nghĩa của phái Cách Lỗ là phái Thiện Quy, do vì ngôi chùa này đề xướng tôn thủ Giới luật nghiêm mật.

Lại nữa, tên phái Cách Đăng này vốn là lời dự đoán của Tôn giả A Để Sa khi vào Tây Tạng truyền pháp. Quyển Cát Lôi Bang thứ 26, phẩm Vị Lai Thọ Ký, viết: "Ngọn lửa Chánh pháp cuối cùng do Danh Xưng thắp lên, tạo ra vô lượng lợi ích; đó là Thắng Xứ Sĩ.”

"Danh Xưng" là pháp hiệu của Đại sư lúc mới vừa xuất gia. "Thắng Xứ Sĩ" chỉ cho phái Cách Đăng. Danh từ Cách Đăng gọi cho đủ là: "Thắng Địa Hỷ Lạc.”

Mùa hạ năm 1409, thể theo lời thỉnh cầu của chư Tăng và Phật tử ở vùng A Khách, Đại sư đến chùa Phó Tang Đơn Lãnh (Bsam-gtan-gling) giảng Tập Mật Viên Mãn Thứ Đệ và Ngũ Thứ Đệ Luận. Giảng xong, Đại sư liền nhập thất để trước tác quyển "Tập Mật Viên Mãn Thứ Đệ Thích.”

Lúc viết quyển này, Đại sư cầu khẩn Sư trưởng, Bổn Tôn thầm mật gia hộ, nên thường thấy Tập Mật Văn Thù Kim cang hiện thân tướng trang nghiêm. Đại sư dùng lời ẩn ngữ mà ghi lại hết những kinh nghiệm đã trải qua.

Đêm mồng ba tháng chạp năm 1409, Đại sư mộng thấy đại mạn đà la của Bổn Tôn (Bồ tát Văn Thù). Trong mộng, Đại sư thấy Bồ tát Văn Thù tay cầm tịnh bình, bảo:

- Nước trong tịnh bình này vốn là nước của pháp nghĩa hòa hợp mà trong đời quá khứ, lúc Ta trú gần bên Na Đường Cổ Thủy, đã cùng A Để Sa và Bồ tát Di Lặc đồng thảo luận về ba thân như pháp thân, báo thân, ứng thân, cùng hai thân như pháp thân và sắc thân. Từ đời A Để Sa đến nay, trải qua hơn ba trăm năm, không thể tìm được ai để ủy thác. Hiện tại, ông là người đã được tuyển chọn, nên Ta giao cho ông (8).

Đêm mồng bốn tháng chạp năm 1409, Đại sư mộng thấy Bố Đốn Nhân Ba Thiết ngồi trên bảo tòa cao lớn, và ban truyền "Tập Mật Căn Bổn Kinh" cho đại chúng. Giảng thuyết xong, Bố Đốn Nhân Ba Thiết trịnh trọng phó chúc cho Đại sư:

- Từ đây về sau, ông sẽ là chủ nhân của bộ kinh này.

Bấy giờ Đại sư suy nghĩ: "Phần cuối của bộ kinh này có khiếm khuyết hay không?"

Lúc mở ra xem để kiểm tra, từ đầu đến cuối, Đại sư không thấy một chỗ nào là khiếm khuyết. Chốc lát sau, Bố Đốn Nhân Ba Thiết dùng hai tay, đặt bộ kinh này lên đảnh đầu của Đại sư, và miệng đọc chân ngôn quán đảnh, cùng dùng ấn thủ gia trì ba lần.

Mồng năm tháng chạp năm 1409, đối với Hòa Hợp Tu Pháp (9) của Tổ sư Mã Nhĩ Ba thuộc phái Cát Cử, Đại sư đều đạt được kiến giải kiên cố không sai lầm.

Mồng sáu tháng chạp năm ấy, Đại sư lãnh hội được những pháp tu hòa hợp do Ngài Mã Nhĩ Ba ban truyền (10), cùng Chánh kiến pháp nghĩa về luận Trung Quán của Bồ tát Long Thọ.

Mồng bảy tháng chạp năm đó, vừa duyệt xem quyển luận Bồ tát Nhiếp Hạnh Cự của Luận sư Đề Bà, Đại sư sanh khởi định giải thù thắng.

Đầu năm 1410, mái chùa Cách Đăng được xây cất xong. Vào mồng năm tháng hai năm 1410, Đại sư cử hành đại lễ khai quang cho chùa Cách Đăng (11), cùng giảng Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Tập Mật Nguyệt Xưng Thích, Ngũ Thứ Đệ, Tập Lượng Luận, Du Già Sư Địa Luận, Nhân Minh Luận, v.v...

Năm đó, Đại sư trước tác quyển "Tập Mật Tứ Thiên Nữ Thỉnh Vấn Kinh Thích", "Trí Kim cang Kinh Tập Thích", cùng bắt đầu viết quyển "Ngũ Thứ Đệ Thích.”

Xưa kia, tại vùng Tăng Cách Tông ở Niếp Địa, Diệu Âm Thiên Nữ đã từng hiện thân bảo rằng đến năm năm mươi bảy tuổi, Đại sư sẽ thọ nạn. Bồ tát Văn Thù cũng đặc biệt phó chúc, bảo rằng trong thời gian đó, phải chuyên tu Mật pháp để đối trị hoạn nạn. Bồ tát cũng dạy rằng sau khi kéo dài được thọ mạng Đại sư sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Chánh pháp và chúng sanh.

Năm năm mươi lăm tuổi (1411), để tiêu trừ tai nạn, Đại sư cùng với hơn ba mươi đại đệ tử nhập thất, chuyên tu Mật pháp Đại Oai Đức Kim cang (12). Buổi sáng tu pháp tăng ích. Buổi chiều tu pháp diệt tai nạn.

Đại sư cùng đồ chúng tinh tấn tu trì như thế. Đến năm 1412, tuy người tham gia có trên bốn mươi vị, nhưng vẫn chưa thấy điềm dự báo ngăn ngừa được tai nạn. Tuy nhiên, quả như lời thọ ký của Diệu Âm Thiên Nữ, Đại sư chứng đắc diệu trí Không Lạc Hòa Hợp, nên đạt được bốn loại hoan hỷ và công đức của Tánh Không.

Mùa Thu năm đó, thấy chưa có điềm lành tiêu trừ tai nạn, và sợ sang năm sẽ không tránh khỏi họa hoạn, nên Đại sư bảo đồ chúng:

- Xem tình hình như vầy, từ đây về sau, Ta e rằng sẽ không còn có cách nào tiếp tục giảng kinh cho các ông nữa. Vì cần cầu Mật giáo thạnh hành rộng khắp trên thế gian, hôm nay Ta sẽ truyền trao cho các ông hết những yếu chỉ vi diệu thậm thâm nhất.

Nghe qua lời này, đồ chúng vô cùng kinh hoàng, vì sợ rằng thế gian mất đi chỗ nương tựa lớn, nên ân cần chí thành cầu thỉnh:

- Kỳ tai nạn sắp đến! Chúng con cầu thỉnh Đại sư Từ bi, thương cho chúng sanh không có chỗ nương tựa, mà tạm thời đình chỉ việc giảng kinh, tiếp tục chuyên tu. Đệ tử chúng con tuy ngu muội bất tài, nhưng cũng nguyện tận lực hết lòng hỗ trợ.

Do lời thỉnh nguyện của đồ chúng, vào mồng bảy tháng tám năm đó, Đại sư cùng với hơn ba mươi cao đệ tiếp tục nhập thất chuyên tu. Những đệ tử khác cũng tận tình hộ thất.

Trung tuần tháng mười một, Đại sư bị bịnh trầm trọng. Lúc nghiêm trọng nhất là trong hơn hai mươi ngày Đại sư không thể chợp mắt được. Tuy bịnh nghiêm trọng như thế, nhưng Đại sư vẫn không bỏ phế công phu tu tập. Bên ngoài, thấy Đại sư ăn uống đi lại như thường, nên đồ chúng chẳng ai biết rõ bịnh tình của Đại sư.

Đêm mười ba tháng chạp, trong Tam ma địa, Đại sư thấy được tướng lành kiên cố, nên vui mừng bảo đồ chúng:

- Hôm nay tướng lành đã hiện, hy vọng sẽ thành tựu. Mọi người hãy nên tập trung ý lực, dũng mãnh tu hành.

Bấy giờ, đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần cùng toàn thể đồ chúng nhất tâm tu hỗ trợ cho Đại sư. Dẫu tới đêm giao thừa và ngày đầu năm mà họ vẫn hành trì không gián đoạn. Tăng chúng và Phật tử ở khắp nơi cũng sợ rằng Đại sư sẽ nhập tịch, nên tận lực hành bố thí, tu phước thiện, để cầu nguyện Đại sư trụ lại thế gian.

Sau hai năm tu hành liên tục (57 tuổi) Đại sư bắt đầu chọn bảy đồ đệ đầy đủ tịnh giới để chuyên tu pháp của Bổn Tôn. Những đệ tử đã có chứng lượng nơi Mật pháp Đại Oai Đức Kim cang cũng vào thất cùng tu với Đại sư. Ban ngày, Đại sư tu mật pháp Đại Oai Đức. Chiều tối trụ tại Tam ma địa Đại Lạc Bất Không, để phòng ngừa tai nạn do phi nhân và ma quỷ gây nên.

Tạo ra nghịch duyên ngăn trở giáo pháp của Đại sư, tổng cộng có bốn đại ác ma. Vài năm trước, tại A Khách, đang giảng Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Đại sư đã từng hàng phục một đại ác ma. Hắn thề suốt đời không còn làm loạn nữa, và xin an trú nơi Tam muội da giới. Lần nhập thất này, lại có một đại ác ma đến cầu quy phục, xin Đại sư tha tội, cùng phát nguyện mãi mãi hộ trì giáo pháp của Đại sư.

Lần nọ, vào lúc nhập định, Đại sư thấy trên hư không, Phật Thích Ca từ thân vàng sáng chói oai đức trang nghiêm, phóng ánh hào quang lớn, và kết ấn hàng phục ma quân. Đại sư dùng lực Thiền định, nhiếp nhập Thánh tượng Phật Thích Ca vào thân. Trong khoảng sát na, đối với những chướng nạn, Đại sư đạt được lực vô úy. Bấy giờ, Đại sư thấy pháp vương Lục Tý Ma Cáp Lạp và Diêm La dùng dây Kim cang trói cổ một đại ác ma, dẫn đến trước tòa của Đại sư mà chặt đầu. Ngay lúc đó, chư đồ đệ đều nghe bên ngoài có tiếng của rất nhiều phi nhân la lớn:

- Bại rồi!

Chúng yêu ma đều biến thành loài chim mà bay đi mất. Hôm sau, Lục Tý Ma Cáp Lạp cũng dẫn một đại ác ma đến và vung đao chém. Thế là nguy nạn của bốn đại ác ma đã được tận trừ. Pháp thể của Đại sư từ từ được bình phục lại.

Bấy giờ, Bổn Tôn hiện thân thọ ký:

- Từ nay, ông phải tu lý Sanh Khởi, để viên mãn hai loại thứ đệ. Chẳng bao lâu, có thể chứng đắc quả vị cứu cánh. Trong các đồ đệ của ông, có bảy người đầy đủ thiện căn; họ cũng sẽ có sở chứng.

Đến mồng năm tháng sáu, thân thể của Đại sư hoàn toàn khoẻ lại.

Mùa hạ năm 1415, do lời thỉnh cầu của vua Trát Ba Kiên Tham, Đại sư đến chùa Trát Hy Đóa Khách (Wongyi Tashi Dokar) ở vùng Văn Địa để an cư kiết hạ, và chuyển pháp luân, giảng Trung Luận, Thích Lượng Luận, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Nhập Bồ đề Hạnh Luận cho trụ trì chùa Tư Đường, trụ trì chùa Đơn Tát Thế cùng hàng trăm Tam tạng Pháp sư danh tiếng.

Do Đại sư tự thân thực hành giới đức tinh nghiêm và hoằng dương Giới luật, nên có rất nhiều người đến dưới tòa mà cầu giới. Lúc trụ tại chùa Trát Hy Đóa Khách, ứng theo lời thỉnh cầu của Tỏa Nam Tang Bố (13) trụ trì chùa Đơn Tát Thế, Đại sư chánh thức truyền giới Tỳ kheo cho Thầy.

Ngày nọ, lúc Đại sư trú tại chùa Trát Hy Đóa Khách, có một vị đúc tượng (14) đến đúc những Thánh tượng. Vị đúc tượng này có tài thiện xảo khéo léo, và đúc tượng rất nhanh. Trong một ngày mà đúc được hai mươi mốt tôn tượng. Những tôn tượng đó rất sống động, và tựa như pháp tướng của Đại sư. Thấy thế, Đại sư tán thán:

- Những hình tượng này thật giống như thân của Ta!

Do đó, trong một ngày, Đại sư cạo tóc hai mươi mốt lần, rồi trộn tóc vào chất thạch cao, để đắp lên các bức tượng đó. Hiện nay các tôn tượng của Đại sư vẫn còn được lưu giữ tại chùa Trát Hy Đóa Đường.

Vào mùa Thu năm 1415, vừa từ chùa Trát Hy Đóa Khách trở về đến chùa Cách Đăng, Đại sư bèn rút ra tất cả yếu chỉ của tông pháp, trước tác "Tập Mật Nguyệt Xưng Thích Sớ" và "Tập Mật Quyết Đoạn Nhiếp Nghĩa Khoa Phán", để hiển dương thắng nghĩa bất cộng của Tập Mật (Guhysamaja Tantra).

Lại nữa, quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận do Đại sư trước tác xưa kia, văn nghĩa rất bao la bác học, nên đối với những kẻ hạ căn sơ phát tâm thật khó phụng trì. Vì vậy, Bổn Tôn (Bồ tát Văn Thù) phó chúc cho Đại sư rằng phải viết sơ lược lại, để nhiếp thọ những người căn cơ thấp kém. Do đó, rút ra những pháp nghĩa chính yếu (15), Đại sư trước tác quyển "Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Lược Luận.”

Trước tác xong quyển "Tập Mật Nguyệt Xưng Thích Sớ (Chakrasamvara)" và "Tập Mật Quyết Đoạn Nhiếp Nghĩa Khoa Phán", Đại sư bắt đầu giảng Mật pháp liên tục. Lần nọ, lúc đang ban truyền Mật pháp, Đại sư tự nhủ: "Trong bộ Mật Tích có lưu ý: Những người chưa đắc Mật pháp quán đảnh, thì nghiệp chướng chưa được thanh tịnh. Đức Phật chế giới cho những người này là không được nhìn xem đàn tràng Mật pháp. Hôm nay cử hành Mật pháp cúng dường tại đại điện, thật là không hợp với bổn ý của bộ Mật Tích. Vì muốn tôn chiếu theo Giới luật của Mật tông, phải nên kiến lập thêm một chánh điện Mật pháp.”

Thế nên, Đại sư bắt đầu phác họa xây cất điện Quảng Nghiêm để chuyên tu Mật pháp (16). Do bi nguyện của Đại sư chiêu cảm, tín chủ bốn phương cúng dường rất nhiều cúng phẩm. Cuối năm 1415, nền móng được xây cất, và qua năm sau thì hoàn thành.

Tháng ba năm 1417, Đại sư mời thợ đúc tượng đến đúc tôn tượng Phật. Ở trung tầng của điện Quảng Nghiêm, đúc tượng Phật Thích Ca (bằng đồng đỏ) lớn hơn tôn tượng của chùa Đại Chiêu. Thượng tầng của đại điện đều y theo quy thức, kiến lập ba đại mạn đà la như Tập Mật Ba Mươi Hai Tôn, Thắng Lạc Sáu Mươi Hai Tôn, Kim cang Giới. Trong các mạn đà la của Tập Mật Ba Mươi Hai Tôn và Thắng Lạc Sáu Mươi Hai Tôn, dùng một trăm lượng bạc để đúc làm Tập Mật Kim cang, Thắng Lạc Luân Kim cang. Tượng của chư Phật trong năm phương và các Thánh tượng của chư Du Già Mẫu cũng dùng bạc để đúc tạo. Đối với những tượng Phật khác và cung điện, thì dùng đồng đỏ để đúc tạo, và bên ngoài thì phết vàng lá. Chủ tôn của Kim cang Giới Mạn Đà La thì dùng gần cả một trăm lạng bạc để tạo thành. Mười hai tôn tượng Phật khác thì dùng hơn bảy trăm lạng bạc để đúc tạo. Cung điện cũng làm bằng đồng đỏ và phết vàng lá.

Ngoài ra, Đại sư còn cho đúc bằng vàng các tôn tượng của Bồ tát Văn Thù, Phật Vô Lượng Thọ, Phật Đại Oai Đức Kim cang, cao cả ba thước. Phật Đảnh Tôn Thắng, Đại Bạch Tản Cái Phật Mẫu cao khoảng một khủy tay. Dùng lụa tơ, hương dược, v.v... nghiền nhỏ thành bột, rồi nắn thành tượng Phật Đại Oai Đức Kim cang, cao khoảng mười một ngón tay. Tất cả đều dùng bao loại trân bảo để trang nghiêm tượng Phật.

Đúc xong tất cả Thánh tượng, Đại sư y chiếu theo quy thức của Đại Oai Đức Kim cang mà làm lễ khai quang, cùng vân tập rất nhiều Tăng sĩ, trí sĩ và Phật tử, cử hành pháp hội cúng dường. Lúc làm lễ khai quang, có nhiều tướng lành hiển hiện, thật rất hy hữu. Từ đó, ở Vệ Tạng, suốt bao năm mưa thuận gió hòa, khiến thực phẩm đầy ắp, quốc gia thái bình, nhân dân an lạc. Đó là nhờ một phần công đức xây cất bảo điện Quảng Nghiêm, mới được chư Phật gia trì, thiên thần ủng hộ.

Năm 1418, do Tăng chúng ở bốn phương và đồ chúng cung thỉnh, Đại sư thuyết giảng về Hiển-Mật giáo pháp.

Trong pháp hội, Đại sư đặc biệt giảng về đại pháp Thời Luân Kim cang. Thời Luân Mật Pháp có nhiều chỗ không giống với những loại Mật pháp khác. Vì vậy, rất nhiều học giả bài bác quyển Mật pháp này. Nhờ Trí tuệ vô cấu nhiễm mà Đại sư biết rõ đây là bộ Mật pháp rất thâm cao, và thù thắng. Pháp Kim cang Thời Luân khi truyền vào Tây Tạng có hai phái: Một là do Luận sư Nguyệt Hỗ. Hai là do dịch giả Nhạ Pháp Cực. Ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết trước tiên tu học Giáo thọ của dịch giả Nhạ Pháp Cực tại Kim cang Tràng, rồi lại y theo Ngài Thánh Quang mà học Giáo thọ của Luận sư Nguyệt Hỗ. Sau này, Ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết đem Thời Luân Mật Pháp của hai phái mà truyền trao cho Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết. Chuyên tinh tấn tu trì Mật pháp này, rồi về sau Ngài Kiếp Kiết Cụ Ngõa Nhân Ba Thiết truyền trao cho Đại sư.

Nơi pháp hội đó, Đại sư nỗ lực hoằng dương Thời Luân Mật Pháp. Mật pháp này được thịnh hành tại Tây Tạng, chính nhờ công lao Đại sư.

Lúc Đại sư trú tại chùa Cách Đăng vào năm 1418, do đại thiện tri thức Thiện Kiết Tường cúng dường bốn mươi lạng bạc (để đúc tạo mạn đà la), và do nhiều vị đại thiện tri thức tín giải "Nhập Trung Luận" (17), cùng có huệ lực thù thắng, v.v... ân cần cung thỉnh, nên Đại sư tạo một bộ luận, văn nghĩa đơn giản, hiển bày thông nghĩa chính xác, giải đáp những điểm nghi ngờ, được gọi là "Nhập Trung Luận Thích.” Thuận tiện, Đại sư cũng trước tác sớ sao hiển rõ mật ý. Bộ này được hoàn tất vào năm đó, và được gọi là "Nhập Trung Luận Thiện Hiển Mật Ý Sớ" (18).

Sau khi hoàn thành sự nghiệp hy hữu đối với Thánh giáo và chúng sanh, cơ duyên hoằng hóa của Đại sư sắp hết. Để hóa độ những người hữu duyên cuối cùng, và kết nhân duyên thù thắng cho đời vị lai, cùng từ tạ Thánh tượng Thích Ca Mâu Ni, Đại sư chấp thuận lời cầu thỉnh của đồ chúng mà đến Lạp Tát. Vào mùa Thu năm sáu mươi ba tuổi (1419), từ chùa Cách Đăng xuất phát, đầu tiên Đại sư đến chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát, lễ bái Thánh tượng Thích Ca cùng trần thiết cúng dường, khẩn thành phát nguyện. Phát đại nguyện thanh tịnh xong, Đại sư đi thẳng đến vùng Ôn Tuyền. Vừa rời Ôn Tuyền, Đại sư đến vùng Đóa Lũng (Tolung), vân tập chư Tăng kẻ tục, tuyên giảng pháp nghĩa, cùng thọ nhận phẩm vật cúng dường, để khiến họ gieo trồng thiện căn, và vun bồi phước duyên thù thắng. Trong kỳ pháp hội, trên hư không ở nơi trụ xứ của Đại sư, xuất hiện nhiều áng mây tập mật, cùng có ánh sáng năm màu sáng soi rực rỡ. Tham gia pháp hội có khoảng chín ngàn vị tăng, mà trong đó có khoảng hai ngàn vị thông suốt ba tạng giáo điển.

Lần nọ, lúc đi ra một bờ suối ở Đóa Lũng, Đại sư ngồi dựa vào một tảng đá lớn, và hình tượng của Đại sư được in ấn vào trong tảng đá đó, mà cho đến ngày nay tín chúng vẫn còn trông thấy. Nơi đó, Đại sư cũng thấy hóa thân của mười sáu vị đại A la hán.

Pháp hội ở vùng Đóa Lũng vừa kết thúc thì Đại sư đến chùa Triết Bang (Drepung), giảng thuyết Bồ Đề Đạo Thứ Đệ, Na Nhã Lục Pháp, Nhập Trung Luận, Tập Mật, cùng các Mật pháp thậm thâm cho hơn hai ngàn Tăng chúng, và thọ sự cúng dường của họ.

Lúc xưa, những khi tuyên giảng pháp nghĩa, Đại sư chỉ hạn cuộc nơi giảng kinh. Đối với những loại pháp yếu quan trọng, Đại sư không ban truyền nhiều, mà chỉ giảng đến Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận là ngưng. Vì muốn lưu lại hạt giống nhân duyên Văn Thù, Đại sư mở rộng pháp môn phương tiện, bãi bỏ thông lệ không truyền pháp cho cư sĩ. Lúc giảng kinh, dẫu là chư Tăng hay cư sĩ, và số lượng nhiều hay ít, cùng kẻ đến trước người tới sau, Đại sư đều giảng giải và ban truyền pháp cho họ mà không lưu lại chút nào. Do đó, đại chúng tham gia pháp hội ai ai cũng vui mừng hớn hở, mãn nguyện ra về.

Lần nọ, khi Đại sư đang giảng giải kinh luận, thì có một luồng tia sáng năm màu sáng rực, từ trên hư không chiếu thẳng xuống đạo tràng. Nhìn xa xa giống như một cây cột trụ.

Lại nữa, vào lúc Đại sư làm lễ khai quang đại điện Mật pháp ở chùa Triết Bang, đất đai đều chấn động, và chư Thánh chúng hiện thân bay vào các Thánh tượng, cùng có các tướng lành khác. Những Thánh tượng đó làm phước điền thù thắng cho chúng sanh trong đời Mạt pháp.

Lần nọ, đang giảng kinh Tập Mật (19), Đại sư vọng hướng về phía chùa Cách Đăng. Giảng đến phẩm thứ chín, Đại sư bảo:

- Ta có việc quan trọng, phải trở về chùa Cách Đăng ngay. Kinh Tập Mật giảng đến đây là kết thúc.

Các thí chủ cùng đồ chúng rất thất vọng, nên cầu thỉnh:

- Thỉnh Đại sư Từ bi, lưu lại đây một tháng hoặc nửa tháng, để giảng xong hết quyển kinh Tập Mật. Nếu thật không còn thời gian, xin Đại sư hãy theo văn nghĩa mà tụng qua một lần, rồi xin kết thúc.

- Hiện tại, Ta phải mau kíp trở về chùa Cách Đăng để giảng Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận cùng Tập Mật Căn Bản Kinh. Những ý nghĩa thâm sâu quan trọng trong quyển kinh này, hôm qua Ta đã giảng xong. quý vị không cần phải cầu thỉnh!

Đại sư từ chối lời cầu thỉnh, rồi trở về chùa Cách Đăng. Thật ra, giảng kinh chưa xong mà kết thúc, đó là Đại sư muốn biểu thị pháp duyên chưa dứt, và để kết duyên với họ trong đời vị lai, khiến Phật pháp mãi mãi trường tồn. Mật ý này, các đồ chúng và thí chủ nào biết rõ.

Trên đường trở về chùa Cách Đăng, Đại sư cũng ghé lại Lạp Tát, lễ bái Thánh tượng Thích Ca Mâu Ni, cùng cúng dường và phát nguyện lần cuối cùng.

Bấy giờ, chùa Sắc Nhạ (Sera) đã được xây xong. Thích Ca Dã Hiệp ân cần thỉnh cầu Đại sư đến chùa Sắc Nhạ giảng kinh thuyết pháp cho đại chúng. Trong kỳ pháp hội giảng kinh đó, Đại sư nghĩ đến việc Mật pháp thanh tịnh chân chánh ở Tây Tạng đã lâu bị mai một. Tuy Đại sư nỗ lực giảng kinh thuyết pháp, ban truyền pháp nghĩa, mà sự hoằng truyền Mật pháp vẫn còn thiếu nền tảng căn bản. Do đó, Đại sư phó chúc cho Thích Ca Dã Hiệp lập viện Mật giáo, để làm đạo tràng thanh tịnh cho sự giảng giải và nghe về Mật pháp.

Đại sư lại kết duyên vị lai thù thắng. Tại chùa Sắc Nhạ, Thầy trò của Đại sư làm lễ tụng giới trong nửa tháng (20). Đại sư cũng giảng hai bộ kinh Tập Mật và Thắng Lạc.

Lần nọ, Đại sư cầm quyển "Tập Mật Tứ Sớ Hiệp Giải", rồi hỏi đại chúng:

- Ai có khả năng thọ trì quy thức giảng giải và truyền thừa về bộ kinh này?

Đại sư hỏi ba lần mà trong đại chúng không có ai trả lời. Chốc lát sau, một đệ tử tên là La Truy Tăng Cách (Blo-gros seng-ge; dịch là Huệ Sư Tử), đứng dậy, lễ bái ba lạy, rồi thưa:

- Con xin nguyện thọ trì!

Nói xong, La Truy Tăng Cách tiếp thọ quyển kinh đó trên tay của Đại sư. Cảm thấy pháp đã được truyền trao, Đại sư rất vui mừng, và an ủi dặn dò:

- Ông hãy an tâm! Ta đã phó chúc bộ Mật pháp này cho pháp vương Diêm La (21). Trong tương lai, nơi vùng núi Kim cang Linh Phúc Cái ở Hậu Tạng, có một vị Du Già Sư tu pháp Đại Oai Đức Kim cang. Người đó sẽ hoằng dương giáo pháp của ông. Lại nữa, trên núi La Sát Nữ Ngưỡng Ngọa có một nữ Dạ Xoa. Bà ta cũng có thể hoằng dương pháp của ông. Những việc khác, sau này ông tự hiểu rõ.

Thọ ký xong, Đại sư liền vào kho, lấy ra mặt nạ Diêm La, cốt trượng, dây thung, cùng các pháp bảo để trao cho La Truy Tăng Cách, rồi ban truyền pháp quán đảnh "Thọ Trì Giảng Mật Pháp.”

Trên đường từ chùa Triết Bang trở về chùa Cách Đăng, để kết duyên lành với chúng sanh trong đời vị lai, dẫu ai cung thỉnh giảng pháp, Đại sư cũng đều Từ bi chấp thuận.

Lần nọ, nhận lời thỉnh cầu của Trát Cát Tổng Chủ, Đại sư đến vùng Đại Lạc Đảnh giảng kinh. Trong pháp hội, Đại sư bảo Trát Cát Tổng Chủ:

- Đại Lạc Đảnh là vùng đất thanh tịnh. Ông nên xây cất một đạo tràng y theo Giới luật và Mật pháp của Tôn giả A Để Sa đã ban truyền.

Đại sư phó chúc xong, cúng phẩm bốn phương liền đổ dồn về. Trát Cát Tổng Chủ cũng hoan hỷ phát tín tâm, lập tức khởi công xây chùa, và cung thỉnh Đại sư làm lễ khai quang. Đại sư bảo:

- Đúng thế! Đúng thế! Lần này không tiến hành lễ khai quang thì e rằng về sau chẳng còn có cơ hội nữa!

Vào đêm nọ, đại chúng đều nghe tiếng nện gióng rõ ràng. Tuy nhiên, lúc đi xem xét thì không ai biết âm thanh đó xuất phát từ đâu. Đây chẳng phải là tiếng nện gióng ở cõi người, mà là âm thanh cung thỉnh Đại sư của chư Thiên. Điềm này hiển thị cho việc Đại sư sắp nhập Niết Bàn!

Làm lễ khai quang xong, Đại sư liền từ giả đại chúng để đến vùng Đức Khánh (Dechen) thể theo lời cung thỉnh của Cát Chủ Diệc (Brag-dkar grub-bzhi). Từ Đức Khánh trở về chùa Cách Đăng, Đại sư lập tức lên bảo điện Quảng Nghiêm, rồi dạy đồ chúng:

- Các ông hãy mau trần thiết cúng phẩm. Hiện tại Ta muốn tu Mật pháp cúng dường mà không thể chờ đợi!

Sau khi cúng dường các cúng phẩm trước Thánh tượng đức Như Lai, cùng ba đại mạn đà la Tập Mật, Thắng Lạc, Kim Cang Giới xong, Đại sư đại diện chư Tăng chùa Cách Đăng tiếp thọ sự cúng dường của các thí chủ. Bấy giờ, vì muốn Chánh pháp trụ mãi trên thế gian, người đời nay và đời sau tu hành được viên mãn, Đại sư tự ý giảng "Cực Lạc Nguyện Văn.”

Thấy nhân duyên độ sanh đã viên mãn, Đại sư trở về am thất trong chùa Cách Đăng, rồi tự nhủ: "Hiện nay, mọi việc đã được an bài. Tâm Ta thật rất an lạc!"

Vì muốn cứu độ chúng sanh, xả bỏ chấp thường kiến, nên lúc ấy Đại sư thị hiện có chút bịnh. Nghe tin Đại sư lâm bệnh, đại chúng sợ mất nơi nương tựa, nên họp nhau tụng kinh lễ bái cùng làm các Phật sự khác, để cầu nguyện Đại sư trụ thế lâu dài. Sau buổi trưa, Đại sư cảm thấy toàn thân đau nhức. Đến tối, Đại sư lại thị hiện tướng hôn mê. Qua ngày thứ ba, Đại sư tỉnh lại và phó chúc cho Bảo Tràng Nhân Ba Thiết:

- Từ nay, ông hãy cùng Đạt Mã Nhân Cần trụ trì chùa Cách Đăng!

Ngày hai mươi ba tháng mười, trì luật Trát Ba Kiên Tham và đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần quỳ trước tòa của Đại sư. Bấy giờ, Đạt Mã Nhân Cần buồn bã cầu thỉnh:

- Xin Đại sư chỉ dạy cho con tâm yếu của sự hoằng hóa lợi sanh trong đời tương lai!

Vì xưa kia đã từng phó chúc cho Đạt Mã Nhân Cần trụ trì Chánh pháp, nên nay Đại sư không cần phải lập lại, mà chỉ lấy chiếc mũ vàng xuống rồi quăng đến ngực của Đạt Mã Nhân Cần, và đưa cho một tấm pháp y (biểu thị cho việc truyền thừa ngôi pháp vị, tức kế thừa Đại sư mà làm pháp vương quán đảnh), bảo:

- Ông nên hiểu mật ý của việc này mà cố gắng phát tâm Bồ đề!

Từ đó, Đại sư thị hiện bịnh nặng, ngày một tăng thêm. Song, trong thời gian quan trọng đó, ngày ngày Đại sư vẫn tu trì bốn tọa Du Già không gián đoạn.

Lúc Đại sư thị hiện bịnh hoạn, thân thể có chút gầy ốm. Khi hít hơi thở thô vào, thân thể đột nhiên lại xuất hiện tướng viên mãn, trở thành huyễn thể sáng chói bên trong cũng như bên ngoài. Dung mạo của Đại sư sáng sủa, trẻ trung, y như đồng tử mười hai tuổi. Bấy giờ, toàn thân Đại sư phóng ánh sáng rộng lớn, mà người người nhìn thấy không đồng nhau. Có người thấy màu vàng hồng; có người thấy màu vàng trắng bạch; có người thấy màu vàng kim. Tướng hy hữu này, chính là hóa thân của đồng tử Văn Thù Sư Lợi. "Ngoài mặt y phục ẩn trân châu. Trong trụ định đẳng trì.”

Khi Đại sư trụ định quang minh, hư không thanh tịnh lặng lẽ vô cùng, chẳng có chút áng mây hồng. Sau này, trong bốn mươi chín ngày Đại sư vừa viên tịch, không có một làn gió nào thổi đến. Do đó, những ngọn đèn dầu tô lạc của đại chúng, tuy đặt khắp trong ngoài tự viện, mà không có ngọn đèn nào bị thổi tắt hay cháy phừng lên.

Mỗi ngày, vào nửa đêm khuya, trong hư không tịch tĩnh thường vang lên tiếng nhạc trời vi diệu, nghe rất êm ái. Những đóa hoa năm màu rực rỡ, từ trên không trung bay lã tã xuống như mưa. Những cánh hoa trắng sáng chói như những vầng trăng từ hư không rơi xuống lấp lánh chiếu sáng khắp nơi. Trên đỉnh chùa Cách Đăng xuất hiện cột trụ trắng đứng thẳng tựa như tràng phan. Hai bên hông chùa và trước mặt chùa có những áng mây lành năm màu sáng chói bao phủ.

Đêm ngày hai mươi bốn tháng mười, Đại sư tu nội cộng pháp của Bạc Già Phạm Thắng Lạc Luận. Khi ấy, tuy xuất hiện nhiều điềm hy hữu, nhưng vì sợ làm động Đại sư, nên trong đại chúng không ai dám thỉnh vấn.

Rạng sáng ngày hai mươi lăm tháng mười năm 1419, Đại sư liền nhập đại định, rồi theo thứ lớp mà nhiếp nhập tất cả Tánh Không, hiện chứng quang minh pháp thân thắng nghĩa đế. Ngay lúc đó Đại sư liền thị hiện tướng nhập Niết Bàn.

Sau khi Đại sư viên tịch, hàng trăm đồ chúng danh tăng, đến trước đàn tràng, dùng ba loại phẩm vật cúng dường ở trong, ngoài, bí mật, mà cúng dường lên Đại sư; họ phát đại nguyện rằng đời đời kiếp kiếp thường theo và thọ lãnh pháp cam lồ của Đại sư; họ cũng ước nguyện phụng hành theo giáo pháp và nương nhờ vào huệ lực của Đại sư để sớm đắc quả vị đại Kim cang Trì.

Bấy giờ, các đại đạo tràng ở Tây Tạng đều đua nhau bố thí cúng dường, hầu mong tăng thêm phước đức thù thắng. Vì mất đi một đấng Đạo sư, có những thiện tri thức ưu sầu đau đớn rơi lệ xót xa, rồi dần dần quên mất cả sự tu hành (22). Khắc Chủ Kiệt thấy thế bèn bảo:

- Lúc vị Giáo thọ A xà lê viên tịch, có một số người xuất gia, vì buồn thương quá độ, mà làm hoại mất tất cả sự tu hành văn, tư, tu. Họ để tóc quá dài, mặc y phục tang chế của người thế tục, phá hoại tăng tướng, lại còn nằm lăn trong chánh điện mà khóc lóc than van đủ điều, giống như tập tục tang chế của người thế gian. Hiện tại, chúng ta phải tôn chiếu theo lời răn dạy của Đại sư, xả hết mọi tập tục thế gian, thuận theo giáo pháp của đức Phật. Dẫu là ai đi nữa cũng sẽ gặp lúc "sanh tử Vô thường.” Vì vậy, chớ nên làm giống như người thế tục. Những việc này chỉ làm tăng thêm sự ưu sầu khổ não, phiền muộn. Kệ viết:

"Tất cả pháp hữu vi

Đều là tướng Vô thường

Tích tụ đều tiêu tán

Tôn sùng tức đọa lạc

Hợp hội rồi ly biệt

Có sanh tức có tử.”

"Sanh Tử" đối với con nguời, ai ai cũng không tránh khỏi. Do đó, phải thường sanh khởi tâm kinh sợ và chán chường, mà nhất tâm cầu đạo xuất ly, nỗ lực chuyên tu chánh giáo, chứng đạt ba loại pháp luân. Làm Đại sư vui lòng vừa ý, cũng là một hình thức cúng dường lễ vật lên Đại sư vậy.

Khắc Chủ Kiệt đầy đủ mắt Chánh pháp huệ, dùng những điểm chính yếu của Phật pháp và y theo lời răn dạy của Đại sư mà khuyên lơn đại chúng nên tránh những tập quán của thế tục, để khiến cho Chánh pháp vô cấu nhiễm, mãi trụ tại thế gian.

Sau khi Đại sư viên tịch, trong đại chúng có người đề nghị hãy nên làm lễ trà tỳ; có người bảo rằng hãy nên lưu giữ nhục thân của Đại sư. Đồ chúng bàn tán xôn xao, không nhất ý. Song, các đệ tử thượng thủ thấy việc lưu giữ nhục thân của Đại sư là rất có lợi ích cho việc hoằng dương Chánh pháp. Lúc xưa khi Đại sư trú tại Nõa Kiếp Lũng, Bổn Tôn (Bồ tát Văn Thù) đã từng thọ ký, bảo rằng hãy nên giữ lại nhục thân. Vì vậy, cuối cùng đồ chúng quyết định rằng việc lưu giữ nhục thân Đại sư là thượng sách hay nhất.

Để an trí nhục thân Đại sư, các đệ tử dùng hơn chín trăm lạng bạc do bốn phương tín chúng cúng dường, mà kiến tạo một ngôi tháp bằng bạc. Bốn bên ngôi tháp cũng dùng rất nhiều đá quý để trang nghiêm. Nhục thân Đại sư được an trí bên trong, còn bên ngoài dùng pháp y để đắp lên; gương mặt hướng về phía Đông Bắc (23).

Tín đồ trong địa phận của vùng Chỉ Công lại vì Đại sư mà kiến tạo một ngôi pháp điện mới, và cũng đúc một Thánh tượng Phật Thích Ca bằng đồng đỏ nạm vàng lá. Thánh tượng Phật này cao hơn Thánh tượng Phật ở chùa Đại Chiêu khoảng một khủy tay. Lúc nhục thân Đại sư được an trí vào pháp điện mới thì trên hư không có hào quang sáng chiếu, trời mưa hoa báu, và nhạc trời vang rền.

Nhục thân Đại sư lúc ấy thâu nhỏ lại. Bên ngoài có dạng khô cằn, nhưng bên trong da thịt còn mền nhũn. Năm 1928 (24), do tháp thờ nhục thân Đại sư đến thời kỳ tan hoại, nên đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ XIII cho xây ngôi tháp mới bằng vàng ròng; mặt ngoài được trang nghiêm bằng nhiều bảo vật. Đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ XIII thỉnh vị chuyển thế Đại Phật Ông (nghiêm thủ Giới luật rất thanh tịnh), chuyển nhục thân Đại sư sang ngôi tháp mới. Y cứ theo một vị đã từng tham gia lễ ngưỡng thỉnh nhục thân Đại sư thuật lại, thì Đại Phật Ông bảo rằng khi nâng cánh tay của Đại sư lên, cảm thấy nhục thân Đại sư không bị khô kiệt, mà vẫn còn mềm nhũn, giống như vừa mới viên tịch. Tuy nhiên, râu tóc thì mọc dài ra, nên phải cắt bớt. Ngôi tháp thờ nhục thân của Đại sư trải qua hơn năm trăm năm, thường hiện những điềm lành hy hữu. Thật là phước điền tối thắng cho chúng sanh trong đời Mạt pháp.

Vào tháng mười năm 1420, chư vị Kim cang A xà lê tại chùa Cách Đăng cùng hàng trăm vị danh tăng đồng tu mật pháp Tập Mật Kim cang, Thắng Lạc Kim cang, Đại Oai Đức Kim cang, Hoan hỷ Kim cang, Thời Luân Kim cang, Đại Luân Kim cang Thủ, Vô Lượng Thọ, Kim cang Đại Nhật Như Lai, v.v.., và cử hành pháp hội cúng dường. Những trận mưa hoa rơi xuống chúc mừng pháp hội; cánh hoa và tràng hoa đầy màu sắc như những hạt trân châu và trong suốt tựa như pha lê, trông đẹp tuyệt vời.

Ngày hai mươi lăm tháng mười, chính là ngày kỶ niệm đệ nhất chu niên Đại sư viên tịch. Ngày đó, những trận mưa hoa báu rơi không ngừng; trong kỳ này, đặc biệt là hoa rơi thật nhiều và cành hoa thật lớn. Khi hoa rơi xuống mặt đất thì biến thành tuyết trắng bao phủ vạn vật như mỗi độ đông về.

Hôm đó, các quan lại ở vùng Nội-ổ cung thỉnh Thích Ca Dã Hiệp cùng với rất nhiều Tăng chúng đến Nhạ Khách Trát để cử hành lễ kỶ niệm ngày Đại sư viên tịch. Nơi đó, chư Thiên cũng rải hoa cúng dường.

Theo thông lệ, mỗi năm Tăng chúng và cư sĩ ở Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc (25), không phân biệt tông phái nào, đều chọn ngày hai mươi lăm tháng mười, đồng đốt đèn dầu tô lạc để cúng dường tưởng nhớ Đại sư. Trong những năm đầu của lễ kỶ niệm (26), các Phật tử ở vùng Tây Khương thường khắc lên những chén đèn dầu chữ "Viên Căn.” Vì vậy, các pháp hội kỶ niệm Đại sư, đều được gọi là "Hội Đăng Viên Căn.”

Trước lúc viên tịch, Đại sư nhờ thợ đúc Thánh tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng bạc (27). Đúc tạo xong, Đạt Mã Nhân Cần (28) y theo quy thức mà làm lễ khai quang. Bấy giờ, rất nhiều người không biết dụng ý đúc Thánh tượng đó của Đại sư, nên khởi tâm nghi ngờ. Lúc ấy, biết rõ tâm ý của họ, Khắc Chủ Kiệt bèn bảo đại chúng:

- Xưa kia, sở dĩ Đại sư kiến lập ba đại mạn đà la như ba mươi hai tôn tượng Tập Mật và sáu mươi hai tôn tượng Thắng Lạc, là muốn dùng nhân duyên này, mà vãn hồi sự suy vi của hai bộ Mật pháp (29), để khiến giáo pháp được hưng thịnh. Hiện tại, nếu không tích cực hoằng dương và hành trì bộ Mật pháp này, thì e rằng những bộ Mật pháp khác sẽ dần dần bị mai một ẩn mất. Vì muốn Thánh giáo Mật tạng hằng tỏa sáng, nên Đại sư mới đúc Thánh tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, để xiển dương Hành Bộ.

Người tu học Mật pháp, nếu chỉ chuyên tu một bộ hoặc hai bộ trong bốn bộ Mật pháp, thì không có cách nào hiểu rõ toàn bộ yếu chỉ của Mật tông. Chân chánh muốn làm lợi ích chúng sanh, và hiểu rõ giáo nghĩa Hiển-Mật, thì nhất định phải hoằng dương bốn bộ Mật tạng này cùng một lúc. Khắc Chủ Kiệt là người đệ tử hiểu rõ tâm ý của Đại sư hơn hết. Nhờ sự giải thích của Khắc Chủ Kiệt mà đại chúng mới được tỏ ngộ.

Trước khi Đại sư xuất thế, các Tỳ kheo ở Tây Tạng thường buông lung Giới luật. Về sau, nhờ Đại sư cực lực xiển dương, nên mới vãn hồi được chánh giáo. Để tiếp tục duy trì Thánh giáo của đức Như Lai, và e ngại đời sau các Tỳ kheo cũng lại bỏ bê Giới luật, nên tự thân Đại sư nghiêm trì Giới luật Tỳ kheo thanh tịnh để làm gương sáng. Đồng thời, Đại sư cũng tuyển chọn ra thân trung ấm. Nhờ duyên này, và tu Mật pháp viên mãn Vô thượng theo thứ lớp xong, cùng hóa duyên đã hết, thì vừa viên tịch Đại sư liền hiện chứng pháp thân.

Sau khi viên tịch, Đại sư Tông Khách Ba vãng sanh lên cõi trời nội viện Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc, với pháp danh là Diệu Kiết Tường Tạng. Trong đời vị lai, thị hiện thành Phật, hiệu là Sư Tử Hống Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh giác.

Lần nọ, Khắc Chủ Kiệt đang giảng kinh, bèn quán sát căn tánh chúng sanh. Một số thì tham dục không ngừng, chạy theo các pháp ác, không chịu chí thành học tập Thánh giáo của đức Như Lai. Một số thì tuy phát tâm tu học đạo Bồ đề, mà thiếu mất huệ nhãn (30) nên không thể phân biệt đâu là Chánh pháp đâu là tà pháp. Một số do vì phước đức cạn cợt, nên chạy theo bạn ác, gần gũi ác tri thức; tuy có tâm tốt, nhưng lại chiêu quả khổ. Nghĩ đến những chúng sanh ngu muội này, Khắc Chủ Kiệt cảm thấy xót xa thương hại mà không cầm được nước mắt. Lúc trở về tịnh thất, Khắc Chủ Kiệt đứng trước đàn tràng mà suy nghĩ: "Những chúng sanh ngu muội kia, vì đời quá khứ không có đủ phước đức, nên nay chẳng thể y theo các bậc đại thiện tri thức đầy đủ phước huệ.

Những hạng người này, ngoài không có những bậc đại thiện tri thức dẫn dắt, bên trong thì đầy dẫy vọng tưởng điên đảo che lấp. Nơi các pháp hữu vi vốn là Vô thường mà chấp cho là thường; nơi các pháp vô vi bổn tánh vốn không mà chấp là thật có; nơi tất cả thọ dụng đều như huyễn không thật mà chấp cho là có thật; nơi tất cả danh vọng ở thế gian, mà chấp là cứu cánh. Phí công mệt sức, chạy đuổi truy cầu, mưu đồ thỏa mãn dục vọng cho sáu căn. Song, càng tìm cầu chừng nào thì họ lại càng bị đọa lạc vào hố thẩm khổ đau chừng ấy.

Ngày nay, tất cả giáo pháp Hiển-Mật của Đại sư đều là lời lành; những chỗ yếu điểm bí mật của Kim cang Trì đều giúp chúng sanh xa rời những nơi sai lầm vi tế. Song, chúng sanh không đủ căn lành. Tuy ngày ngày Ta thuyết giảng không ngừng, mà họ vẫn y nhiên, và không có cách nào lãnh thọ pháp vị cam lồ Vô thượng của Đại sư. Thậm chí có những người thường gần gũi những kẻ ngu si, thiếu học vô trí, mê lầm nơi thủ xả, đồng với những hạng ác tri thức. Khi nghe qua những pháp này, họ liền phỉ báng chê bai.

Những chúng sanh này, nếu thông đạt được tâm yếu của Phật pháp, thì sẽ đi thẳng đến Phật địa. Song, họ nào nghĩ nhớ đến việc Vô thường, mà chỉ mê loạn trong danh văn lợi dưỡng, để bị đọa lạc vào ác đạo, mãi trầm luân trong sanh tử!"

Nghĩ như thế, bất chợt Khắc Chủ Kiệt rơi lệ không ngừng, nhất tâm dâng lễ vật cầu nguyện cúng dường Đại sư. Vừa dứt lời cầu nguyện, Khắc Chủ Kiệt chợt thấy Đại sư hiện thân màu trắng, oai nghi lẫm liệt, cao lớn tựa như núi Tuyết Sơn, ngồi trên thớt voi sáu ngà được trang nghiêm bằng các loại châu báu, theo luồng hào quang năm màu, bay xuống trước mặt, trụ trong hư không, tươi cười an ủi:

- Này Khắc Chủ Kiệt! Ta đã biết rõ tâm ý của ông. Tuy vậy, đừng vì thế mà quá ưu sầu! Chúng sanh nếu giống như ông, mà luôn nghĩ nhớ đến Chánh pháp và bậc Tôn sư, thì sẽ tịnh trừ được bao nghiệp tội cực ác đã tạo trong đời quá khứ, cùng có thể tích tụ vô lượng tư lương phước đức. Xưa kia, Du Già Tự Tại Mật Lặc Nhật Ba cũng nghĩ nhớ đến Tôn sư Mã Nhĩ Ba như thế. Tuy vậy, dầu sao đi nữa, ông phải nên tiếp tục sự nghiệp căn bản thượng diệu của Ta để lại, mà hoằng dương Chánh pháp.

Ngày nọ, nơi bí yếu thậm thâm của hai pháp Hiển-Mật, Khắc Chủ Kiệt vẫn còn nghi ngờ rối rắm chưa rõ, nên trần thiết cúng phẩm, rồi rơi lệ khải bạch Đại sư: "Nếu Đại sư còn tại thế, thì con còn có cơ hội thỉnh hỏi những pháp yếu này. Con cầu xin Đại sư Từ bi hiện thân giảng dạy!"

Trong sát na, Đại sư liền xuất hiện, ngồi trên bảo tòa màu vàng kim, được trang sức bằng vô lượng hạt châu ma ni, và giảng trạch những mối nghi ngờ cùng ban những lời giáo huấn cho Khắc Chủ Kiệt, rồi biến mất.

Lần nọ, Khắc Chủ Kiệt xem qua những quyển luận do Đại sư trước tác như Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận và Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, rồi suy nghĩ: "Đầy đủ Trí tuệ vô cấu quảng đại, trừ Thầy của Ta ra, chư đại thiện tri thức ở Tây Tạng, không ai biện thuyết được những lời rõ ràng chính xác như thế này.”

Suy nghĩ xong, Khắc Chủ Kiệt ân cần hướng về Đại sư mà cầu nguyện. Bấy giờ, Đại sư hiện thân đồng tử màu sắc vàng kim, được trang nghiêm bằng nhiều loại châu báu, tay phải cầm kiếm, tay trái ôm trắp, cỡi sư tử trắng từ hư không giáng xuống dạy bảo:

- Này Khắc Chủ Kiệt! Hôm nay Ta đặc biệt hiển hiện xuống đây để thuyết pháp cho ông. Đa số chúng sanh trong cõi đời năm trược ác thế thường quên đi lẽ Vô thường và niềm đau khổ khi rơi vào ba đường ác, mà chỉ lo tham đắm trong danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ, cùng bao sự nghiệp ở thế tục. Đối với những hạng người này, chỉ cần họ biết rõ câu: "Hiện tại làm những việc gì, thì trong tương lai sẽ gặt hái những quả báo đó", là đủ lắm rồi. Lại nữa, nếu họ chịu duyệt xem những bộ trước tác của Ta về các cách sám hối tu phước lành, cùng những pháp nghĩa thậm thâm, mà sanh khởi tâm thâm tín, rồi chuyên tu những pháp đó, thì mau chóng đạt được thành tựu. Song, những hạng người này thật rất ít. Tuy vậy, ở thế gian cũng còn một số người có cơ duyên thâm sâu với Phật pháp. Ông nên nỗ lực tinh cần làm lợi ích cho những người này, tức là hoằng dương Phật pháp cùng chánh giáo của Ta. Thầy trò chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ gặp nhau!

Lần khác, trong lúc cầu nguyện, Khắc Chủ Kiệt chợt thấy Đại sư, hiện tướng cỡi mãnh hổ, trụ trên hư không, thân và râu tóc màu đỏ hồng, đôi mắt lớn như linh cái bằng đồng, hiển tướng Kim cang Du Già, tay phải cầm kiếm chỉ thẳng lên hư không, tay trái cầm cành hoa Két Ba Lạp tẩm nước cam lồ áp vào ngực, vẻ mặt mỉm cười hoan hỷ; bốn bên có tám mươi bốn vị Thánh giả vây quanh Đại sư. Bấy giờ Đại sư khuyên bảo:

- Từ nay, nếu nghĩ tưởng đến Ta, ông hãy duyệt xem tường tận những bộ luận do Ta trước tác như Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, v.v... Đó là những di giáo của Ta. Ông xem những bộ luận đó, tức là đã thấy Ta.

Ngày nọ, Khắc Chủ Kiệt suy nghĩ: "Hy vọng rằng đời sau sẽ vãng sanh qua dưới tòa của Đại sư. Ta hãy nên cầu thỉnh Đại sư giáng lâm để thỉnh hỏi rằng hiện tại Đại sư đang ở tại nơi đâu, cùng những nghi vấn khác.”

Khắc Chủ Kiệt liền trần thiết cúng phẩm thượng diệu, cùng tạo một mạn đà la bằng vàng ròng để cúng dường và cầu nguyện:

"Kính lễ Tôn sư cùng ba đời chư Phật

Là nơi quy y duy nhất của chúng sanh.

Đồng Tôn Bồ tát Văn Thù vô năng thắng

Xin thỉnh Từ bi giáng lâm xuống nơi đây.”

Bấy giờ, Đại sư liền hiện thân ngồi tòa Kim cang trên một vầng mây trắng, trụ tại hư không, thân tướng cũng giống như lúc sanh tiền, hai tay bắt ấn chuyển pháp luân, hai bên phải trái đều có bình hoa Ô Ba Lạp, bên phải có để một thanh kiếm, bên trái có cái trắp và tấm kiếng Trí tuệ, bảo Khắc Chủ Kiệt:

- Ông hãy nên chuẩn bị tất cả đồ đạc. Ta sẽ phái người đến nghinh đón ông!

Khắc Chủ Kiệt hỏi:

- Xin hỏi Tôn sư, hiện tại Ngài đang trụ ở nơi đâu?

- Ta hóa thân khắp mọi nơi. Có hóa thân tại thế giới Không Hành (là nơi trụ xứ của người tu Mật tông thành tựu). Có hóa thân trú trên cung trời nội viện Đâu Suất. Có hóa thân trú tại cõi Nam Diêm Phù Đề. Hiện tại, hóa thân của Ta đang trú ở núi Ngũ Đài (Trung Quốc), và tuyên giảng Trung Quán Luận, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Mật tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận vào mỗi buổi sáng, và giảng Tập Mật Kim cang, Thắng Lạc Kim cang, Đại Oai Đức vào mỗi buổi chiều, cho một ngàn tám trăm Tỳ kheo Kim cang (tức Tăng sĩ tu học Mật giáo). Ông nên phát nguyện đến nơi đó. Chẳng bao lâu, Thầy trò chúng ta sẽ gặp lại nhau.


Chương VI: Phái Hoàng giáo (Gelugpa, Cách Lỗ) Hoằng Pháp Khắp Nơi

Trên thế gian, dẫu là Tôn giáo, y thuật, hoặc sự nghiệp, chẳng phải chỉ do công sức của vị sáng lập ra, mà các đồ đệ của vị đó cũng phải tiếp tục kế thừa không dừng, thì mới được lưu truyền rộng rãi.

Nhờ công sức, Trí tuệ, và oai đức của Đại sư mà nền Phật giáo Tây Tạng được chấn hưng. Giáo nghĩa mà Đại sư hoằng dương, hoàn toàn xuất phát từ ba tạng giáo điển và yếu chỉ căn bản của Bồ tát Long Thọ, Vô Trước, cùng các đại Luận sư ở Ấn Độ và Tây Tạng. Đại sư dùng ba loại Giới luật (1) làm căn bản để hành trì và hoằng pháp. Lại nữa, nhờ việc tu trì theo thứ lớp, nên Đại sư định đặt được sự truyền thừa lâu dài.

Sở dĩ giáo pháp của Đại sư được thâm nhập vào nhân tâm thuở bấy giờ, và được truyền thừa hơn sáu trăm năm, cùng được lưu truyền khắp nơi trên thế giới vào hiện thời, tất cả đều nhờ công lao tinh tấn tu hành và hoằng bá của đồ chúng cùng chư đệ tử của Đại sư trong bao đời.

Chư Đại đức hoằng truyền giáo pháp đó, đều đã quán triệt hiểu rõ tinh thần giáo nghĩa của Đại sư. Họ biết rõ rằng nền tảng căn bản của mọi công đức đều y nơi Giới luật. Vì vậy, họ đều dùng Giới luật thanh tịnh làm nền tảng căn bản cho sự hành trì. Nơi kinh luận, không chấp vào một bên hay những phần tiểu tiết. Nơi toàn bộ Kinh điển Hiển-Mật giáo, do lực văn và tư, đoạn trừ những vọng chấp tăng ích và tổn hoại. Sau khi tiếp thọ giáo lý xong, đều y theo pháp mà tu hành; hiểu rõ tất cả lời dạy của chư Thánh, không làm trái ngược chút nào; nơi các chi phần Bổ Trì Ca La thành Phật cùng các trợ duyên đều thọ trì viên mãn, chân thật tu hành. Thường trụ nơi chánh tri chánh niệm, tu tập tâm xuất ly, tâm Bồ đề, đạt chánh tri kiến; nương nơi Bổn Tôn chính và hoàn toàn y theo lời dạy của bốn bộ mật kinh. Dùng phương tiện Thần thông chỉ vì muốn hoằng pháp lợi sanh. Những vị Đại đức đó, tiếp nối thừa thọ giáo pháp Hiển-Mật dung thông của Đại sư. Đó là đặc điểm riêng biệt của giáo phái Hoàng giáo.

Đồ chúng của Đại sư đa số đều là những vị quán thông ba tạng giáo điển, hành suốt ba môn học vô lậu, chuyên tu đạo của ba thừa, y theo thứ lớp sanh khởi viên mãn. Trong số đó, những vị đa văn xuất sắc nhất và thành tựu sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tột bậc nhất là Đạt Mã Nhân Cần, Khắc Chủ Kiệt, Trát Ba Kiên Tham, Ráng Dương Kiếp Kiết, Ráng Khâm Kiếp Kiết (Đại Từ Pháp Vương), La Truy Tăng Cách (Huệ Sư Tử), Căn Đôn Chủ Ba, v.v... Đạt Mã Nhân Cần và Khắc Chủ Kiệt kế tiếp trụ trì chùa Cách Đăng, thừa thọ ngôi pháp vị của Đại sư, định đặt nền tảng căn bản cho phái Hoàng giáo, nên có công lớn lao đối với sự hoằng truyền giáo nghĩa của Đại sư (Hoàng giáo). Người sau xưng tụng Đại sư, Đạt Mã Nhân Cần, Khắc Chủ Kiệt là "Sư Đồ Tam Tôn (ba vị Thầy trò).”

A. Sự Truyền Thừa Của Chùa Cách Đăng (Ganden).

Chùa Cách Đăng là đạo tràng hoằng pháp chính yếu của Đại sư. Do đó, trụ trì ngôi chùa này, tức là làm vị pháp vương của phái Hoàng giáo. Danh xưng trụ trì chùa Cách Đăng vốn là Cách Đăng Trì Ba. Lúc vị trụ trì đi vắng thì có người thay thế giảng thuyết, lên đàn dâng hương. Lúc ra ngoài, vị trụ trì được người cầm dù màu vàng để che. Tại Tây Tạng, trừ Đạt Lai Lạt ma, Ban Thiền Lạt ma, cùng Tát Ca Pháp Vương, chỉ riêng chùa Cách Đăng là có gia phong như thế. Ngôi pháp tòa trong chùa, do pháp vương Diêm La dùng tay nâng đỡ; người chưa chân thật thành tựu thì không có cách nào lên ngồi được.

Trụ trì thứ nhất của chùa Cách Đăng là Đạt Mã Nhân Cần. Đạt Mã Nhân Cần (Gyaltsab Dharma Rinchen, 1364-1432) lúc đầu xuất gia theo phái Tát Ca, và thân cận các thiện tri thức như Ngài Nhân Đạt Ngõa, v.v... để tu học kinh luận. Thầy là một trong số đại đệ tử của Ngài Nhân Đạt Ngõa, và là vị biện luận tài giỏi nhất.

Về sau, Đạt Mã Nhân Cần đến Tiền Tạng, đi chu du khắp các Đại tùng lâm, và y theo mười bộ đại luận để lập tông đáp biện. Lúc đầu, nghe qua danh đức của Đại sư, Thầy không màng để ý đến. Vào mùa hạ năm 1397, nghe Đại sư đang an cư tại chùa Nhiêu Chủng (Rob-grong) ở Niếp Địa, Thầy bèn tìm đến để biện luận pháp nghĩa. Thầy vừa đến đó thì gặp lúc Đại sư đang giảng kinh. Vì muốn gấp gáp thách thức biện luận, nên Thầy hùng hổ xông thẳng vào giảng đường. Thấy hành động ngông cuồng này, Đại sư bèn ngưng giảng, và nhượng cho pháp tòa tối cao, lại ngồi trên một chiếc ghế thấp hơn, rồi tiếp tục giảng kinh. Đạt Mã Nhân Cần như đi vào chốn không người, tự thị bước lên ngồi trên pháp tòa cao. Bấy giờ, lắng nghe những lời pháp nghĩa thâm sâu của Đại sư, Đạt Mã Nhân Cần từ từ cảm thấy từng câu từng chữ đều nhập vào tâm tạng, mà xưa kia chưa ai có thể khai mở những kiến giải đó cho Thầy. Vì vậy, Thầy bất chợt phát khởi tín tâm vô hạn đối với Đại sư, mà mở mũ ra, bước xuống tòa lễ bái, rồi ngồi vào hàng thính chúng, cung kính nghe giảng giải. Về sau, Thầy phát nguyện vĩnh viễn làm đệ tử thân cận Đại sư.

Trong suốt mười hai năm, Đạt Mã Nhân Cần theo Đại sư học tập tất cả pháp nghĩa Hiển-Mật, và là đệ tử thượng thủ trong Tăng chúng. Sau khi Đại sư viên tịch, Thầy tiếp thừa pháp vị, nên mọi người đều tôn xưng là "Cổ Tào Kiệt, Đạt Mã Nhân Cần" (1).

Lúc sắp viên tịch, Đại sư ban truyền mật ý và chiếc mũ màu vàng cho Thầy. Sau khi Đại sư viên tịch, do trì luật Trát Ba Kiên Tham và chư thiện tri thức ân cần khẩn thỉnh thêm một lần nữa, Thầy mới chấp thuận ở lại trụ trì chùa Cách Đăng, kế thừa pháp tọa của Đại sư. Vừa kế thừa mạch pháp, Thầy vẫn tôn chiếu theo pháp thức của Đại sư, tức là lấy Giới luật làm căn bản, và hoằng truyền Tập Lượng Luận, Câu Xá Luận, Thích Lượng Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Nhập Trung Luận, v.v... Tất cả mọi kiến giải đặc thù của Đại sư, Thầy đều tận lực hoằng dương. Trong mười ba năm ngồi trên pháp tòa, Thầy là người được các đệ tử của Đại sư tôn kính như bậc Tôn sư; mỗi khi có những nghi vấn nào về giáo nghĩa, họ đều đến thỉnh hỏi nơi Thầy.

Khắc Chủ Kiệt tiếp nối Đạt Mã Nhân Cần trụ trì chùa Cách Đăng. Khắc Chủ Kiệt (Losang Chokyi Gyelten) vốn tên là Cách Lôi Bạt Tang (Chogyel Pelden Sangpo, 1385-1438) là vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ nhất. Vị này đầu tiên xuất gia theo phái Tát Ca, và thường thân cận Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa cùng đại A xà lê Đạt Mã Nhân Cần; vị này thường dùng mười bộ luận lớn để lập tông.

Mùa Xuân năm 1407, lúc Đại sư đến chùa Sắc Nhạ Kiếp Đảnh (2), Khắc Chủ Kiệt mang lá thơ giới thiệu của Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa đến tham bái.

Đêm trước đó, Khắc Chủ Kiệt mộng thấy đang đi lạc lối; bốn bề hoàn toàn u tối, nên tâm sanh sợ hãi vô vàn, mà không biết phải đi về hướng nào. Bấy giờ, bỗng nhiên ở phía Đông xuất hiện một luồng hào quang. Trong ánh hào quang có cả trăm lưỡi kiếm sắc bén bao thành một vòng kiếm sắt. Các đuôi kiếm đều hướng vào vòng trong, và các lưỡi kiếm đều hướng ra ngoài. Mỗi thanh kiếm được trang sức bằng cả trăm vầng mặt trời. Trong vòng kiếm sắt, có một mạng lưới chiếu tỏa năm màu sắc rực rỡ. Trong ánh hào quang có Bồ tát Văn Thù thân màu vàng hồng với tướng hảo thanh tịnh oai nghiêm thù diệu, như đồng tử mười sáu tuổi, và đang ngồi xếp bằng. Thân của Bồ tát được trang nghiêm bằng vô lượng trân báu. Tay phải cầm một thanh kiếm; tay trái cầm một cành hoa Ô Ba Lạp. Kế bên cành hoa có một cái tráp và một tấm kiếng Trí tuệ. Thấy Khắc Chủ Kiệt, Bồ tát nở một nụ cười Từ bi, rồi từ từ bay tới, nhập vào thân của Khắc Chủ Kiệt. Bấy giờ, những vầng mặt trời trên các thanh kiếm bỗng nhiên phóng ra các luồng hào quang tỏa sáng cả muôn trượng, khiến cho tất cả cảnh tối tăm u ám đều tan mất. Các luồng hào quang chiếu khắp mười phương thế giới, bao trùm cả vũ trụ (3).

Hôm sau, vừa yết kiến Đại sư, Khắc Chủ Kiệt bèn sanh khởi thâm tâm kính tín, rồi đưa ra những vấn đề khó khăn nhất trong rất nhiều bộ luận, cùng nói rõ về kiến giải của mình; đối với những việc chưa có thể tự giải quyết, Khắc Chủ Kiệt cũng ân cần chí thành thỉnh vấn. Đại sư cũng hoan hỷ, giải đáp hết tất cả những vấn nạn, rồi hỏi:

- Làm sao ông đắc được những kiến giải và tìm thấy những vấn đề khó khăn như thế?

Khắc Chủ Kiệt thưa:

- Con vốn tu học rất nhiều Thánh giáo, rộng cầu đa văn, cùng ân cần khẩn thỉnh chư Tôn sư, Bổn Tôn, nên mới được Trí tuệ như vầy!

Đại sư gật đầu tán thán:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Ta cũng đắc được lợi ích như thế. Ta vừa được Bổn Tôn ban truyền Giáo thọ tối thắng, nay sẽ truyền lại cho ông.

Nghe qua những lời giáo huấn của Đại sư xong, Khắc Chủ Kiệt bèn thuật lại điềm mộng tối hôm trước. Đại sư bảo:

- Gặp được Tôn sư cũng giống như yết kiến Bổn Tôn. Đây là điều thật quý hóa. Điềm mộng này đủ chứng minh rằng ông là bậc thượng căn tu học Mật pháp, vậy hãy nên vui mừng!

Đại sư lại bảo tiếp:

- Người có túc duyên thâm hậu, cùng đầy đủ tâm thâm tín, thì mới đạt đến cảnh giới này. Nếu là người khác, khó mà cảm mộng lành được. Điềm mộng này, biểu thị rằng trong tương lai, ông sẽ hoằng dương Chánh pháp rộng khắp; dùng Trí tuệ vô cấu nhiễm mà tiêu trừ ngu si mê ám cho chúng sanh, khiến họ an nhiên vượt khỏi biển khổ sanh tử.

Hôm đó, Đại sư truyền trao pháp quán đảnh cho Khắc Chủ Kiệt. Từ đó, Khắc Chủ Kiệt chuyên nương vào Bổn Tôn bất cộng.

Dẫu chỉ mới gặp lần đầu, Khắc Chủ Kiệt thật sự là pháp tử ưu ái nhất trong tâm của Đại sư. Sau khi Đại sư viên tịch, Thầy trở về Hậu Tạng hoằng dương giáo nghĩa Hiển-Mật của Đại sư. Vài năm sau, Đạt Mã Nhân Cần thỉnh mời Thầy trở về chùa Cách Đăng, kế thừa pháp vị. Trong tám năm trụ trì, Khắc Chủ Kiệt cũng y theo phương thức hoằng dương Chánh pháp của Đạt Mã Nhân Cần. Lúc giảng thuyết, Thầy luôn y theo giáo nghĩa của Đại sư, mà không thêm vào kiến giải của mình hay của người khác.

Từ nhỏ, Thầy vốn có biện tài vô ngại. Do đó, trong thời gian ngồi trên pháp tọa, Thầy đã từng chiết phục những sự vấn nạn công kích của ngoại đạo, cũng như loại trừ những đệ tử tu hành và thuyết giảng không phù hợp với lời dạy của Đại sư. Chân nghĩa giáo huấn của Đại sư được lưu truyền phần lớn đều nhờ công lao của Thầy.

Tại Tây Tạng, từ Tây Tự A Lý Đông đến Tây Khương, khắp nơi đều cung thỉnh Thầy đến những vùng đó để hoằng pháp. Song, trước sau Thầy vẫn lấy việc trụ trì Chánh pháp ở Trung Tạng làm sự hệ trọng, nên đều từ chối không đi. Thầy sợ rằng Mật pháp của Đại sư để lại sẽ bị đoạn tuyệt, nên không tiếc sanh mạng mà giảng thuyết và trước thuật. Tất cả sự tích tiểu sử của Đại sư, đều do Thầy ghi lại tường tận.

Ngõa Thiện Tràng là vị trụ trì thứ ba của chùa Cách Đăng. Ngõa Thiện Tràng cũng là một trong những đại đệ tử của Đại sư. Đối với tất cả giáo pháp Hiển-Mật, Thầy đều tinh thông tường tận; Thầy đặc biệt chú trọng sự hành trì, nên chứng đắc đại tự tại, được kế thừa ngôi pháp vị.

Huệ Pháp Hộ là vị trụ trì thứ tư. Thầy thông suốt thiện xảo hết tất cả mật bộ, lại chuyên tu trì Thời Luân Kim cang, và bổ xung cho quyển sớ sao về Thời Luân Kim cang của Khắc Chủ Kiệt.

Pháp Tràng là vị trụ trì thứ năm. Pháp Tràng là em của Khắc Chủ Kiệt. Đại sư có khẩu truyền một bộ Mật pháp là "Cách Đăng Biến Hóa Hàm.” Đây là Mật pháp chính do Bồ tát Văn Thù ban truyền, và là giáo pháp bí yếu cho sự tu hành. Đại sư chỉ truyền bộ Mật pháp này cho hai người: Khắc Chủ Kiệt được một phần nhỏ; Diệu Kiết Tường Hải được toàn bộ. Pháp Tràng vốn là vị có pháp khí Mật thừa bất cộng. Về sau, Thầy y theo Khắc Chủ Kiệt và Diệu Kiết Tường Hải mà đắc được toàn bộ, và thành chủ nhân của quyển Mật pháp đó.

Pháp Tràng truyền lại cho Pháp Kim cang, Kiết Tường Kim cang, và Bảo Kim cang. Lúc truyền pháp, Thầy phó chúc:

- Chỉ nên truyền bộ Mật pháp này cho một ít người chân chánh có tâm cầu xuất ly sanh tử. Đối với những người khác, tuyệt đối không được thố lộ một điểm nào. Phải y theo Bổn Tôn, Không Hành, Hộ Pháp để được ấn chứng.

Người đương thời xưng tán Pháp Kim cang, Kiết Tường Kim cang, Bảo Kim cang là "Kim cang Côn Trung.” Ba vị Thầy đó, về sau đắc được thành tựu thượng phẩm, và thành tựu thân Kim cang.

Pháp Tràng có tạo quyển "Tu Trung Quán Kiến Pháp, Thời Luân Nhị Thứ Đệ Tu Pháp", và được lưu hành tại Tây Tạng.

Kiên Huệ là vị trụ trì thứ sáu. Kiên Huệ sáng lập chùa Đạt Bạc Trát Thương, hoằng dương Chánh pháp học hành (tu học và hành trì) của Đại sư.

Nguyện Kiết Tường là vị trụ trì thứ bảy. Tuy không được Đại sư trực tiếp chỉ dạy, nhưng nhờ tín tâm kiên cố, nên cảm được Đại sư hiện tướng thuyết pháp. Do đó, Thầy cũng được xem là đệ tử của Đại sư. Thầy có viết quyển "Thích Lượng Luận Sớ", và được lưu hành ở Tây Tạng.

Từ Đạt Mã Nhân Cần đến Nguyện Kiết Tường đều là những vị hoằng pháp ở Hậu Tạng, nên được xưng là "Bảy đời Văn Thù ở Hậu Tạng", nghĩa là bảy vị Thầy đó vốn do Bồ tát Văn Thù hóa thân. Ngôi pháp vị tại chùa Cách Đăng được triển chuyển truyền thừa, cho đến ngày nay là chín mươi bảy đời. Chùa Cách Đăng có hai chi nhánh là Ráng Đôn (Jangtsey) và Hạ Đôn (Shartsey). Chùa có thể chứa khoảng ba ngàn ba trăm Tăng sĩ.

B. Sự Truyền Thừa Của Chùa Triết Bang (Drepung).

Ráng Dương Kiếp Kết (1) là vị trụ trì thứ nhất. Ráng Dương Kiếp Kết có pháp danh là Trát Tây Cụ Đôn (Bkra-shs dpal-ldan), và là một trong số đệ tử thượng thủ của Đại sư. Thầy có trí nhớ rất thâm sâu. Thầy có viết bút ký về mỗi bộ kinh như kinh Đại Bát Nhã, kinh Bảo Tích, kinh Hoa Nghiêm, và thọ trì một trăm lẻ tám kinh luận Hiển-Mật. Lúc giảng giải, không cần cầm kinh luận, mà trực tiếp đọc tụng ra. Trong các đệ tử của Đại sư, Thầy là vị đa văn bậc nhất.

Năm 1415, một ngày nọ, trong lúc giảng kinh tại chùa Trát Hỷ Đóa Đường, Đại sư thọ ký cho Ráng Dương Kiếp Kết:

- Đạo tràng mà ông xây cất sau này sẽ được hưng thịnh và viên mãn hơn chùa Cách Đăng cùng các chùa khác do huynh đệ của ông đã kiến lập.

Nói xong, Đại sư trao cho Ráng Dương Kiếp Kết một pháp loa (vào lúc kiến lập chùa Cách Đăng, Đại sư tìm lại được chiếc pháp loa này), để làm điềm lành cho chánh duyên hoằng pháp.

Tiếp nhận pháp loa xong, Ráng Dương Kiếp Kết nhủ thầm: "Căn bản thành tựu tất cả Mật pháp là phải hết lòng cung kính Tôn sư. Vì vậy, Ta phải kính cẩn y chiếu theo lời phó chúc của Tôn sư mà nỗ lực phụng hành.”

Đêm hôm đó, Ráng Dương Kiếp Kết mộng thấy dòng nước trên một con sông lớn chảy rất xiết. Trên bờ sông có vô số chúng sanh. Họ muốn vượt sông, mà không có cách nào lội qua được. Ráng Dương Kiếp Kết khởi tâm Từ bi thương xót vô cùng, nên dùng thân hình và hai tay vói lấy bờ bên kia với dạng trạng như chiếc cầu. Chúng sanh nhờ bước lên thân mình của Ráng Dương Kiếp Kiết mà qua được đến bờ bên đây (2).

Hôm sau tỉnh dậy, Ráng Dương Kiếp Kết biết điềm mộng lành biểu thị cho việc phải cất chùa để hoằng dương Chánh pháp, thì mới làm lợi ích cho chúng sanh, nên rất vui mừng, bèn lập tức phác họa công tác kiếp lập tự viện, cùng đi khắp nơi để hóa duyên. Năm 1416, công tác xây chùa Triết Bang được tiến hành. Đại sư tự thân đến vùng đất đó chú nguyện gia trì. Vật liệu xây cất chủ yếu do thí chủ là quan Nam Khách Tham Bố cung cấp.

Theo lời phó chúc của Đại sư, Thầy xây cất ngôi chùa này vào năm 1416. Triết Bang nghĩa là Mễ Tụ. Lúc trụ trì, Thầy giảng Hiện Quán Trang Nghiêm, Thích Lượng Luận, Trung Quán Luận, và đều y cứ theo pháp nghĩa của Đại sư truyền lại. Thầy có rất nhiều đệ tử thượng thủ như tre trúc trên mặt đất và tinh sao trong mùa Thu. Những nhân tài đó đều là các bậc long tượng trong tông môn.

Thầy phái bảy đại đệ tử đi đến các nơi để làm giảng sư A xà lê, tuyên dương Chánh pháp. Do đó, họ lập ra bảy ngôi chùa lớn là Đa Môn, Minh Huệ Châu, Quảng Lạc, Hà Khuyếch, Văn Tư Châu, Điều Phục, Mật Chú. Về sau, vì thời thế thay đổi, nên hợp thành bốn Đại tùng lâm Đa Môn, Minh Huệ Châu, Quảng Lạc, Mật Chú. Chùa Triết Bang là một ngôi Đại tùng lâm lớn nhất ở Tây Tạng. Chùa có thể chứa khoảng bảy ngàn bảy trăm Tăng sĩ. Lắm khi có đến cả mười ngàn Tăng sĩ đồng trú trong chùa.

Sau khi Ráng Dương Kiếp Kiết viên tịch, Kiết Tường Sư Tử kế tiếp nhậm chức trụ trì. Tôn giả Hà Ngõa Nhật Ba là một trong tám mươi bốn vị đại thành tựu ở Ấn Độ; vị này đã từng đến Tây Tạng, ban truyền bốn Mật pháp Tý Ma Cáp Két Lạp cho Kiết Tường Sư Tử.

Trụ trì thứ ba là Huệ Bồ đề. Trụ trì thứ tư là Thiện Huệ Nhật. Trụ Trì thứ năm là Thiện Huệ Xưng. Trụ trì thứ sáu là Thích Ca Tràng. Trụ Trì thứ bảy là Nguyện Kiết Tường. Trụ trì thứ tám là Diệu Âm Thiện Pháp Viên Mãn. Diệu Âm Thiện Pháp Viên Mãn không những có Trí tuệ thâm sâu mà hành trì rất mực tinh tấn. Ngày nọ, Bồ tát Văn Thù Hiện thân tán thán:

- Người có Trí tuệ như ông, thật khiến ai ai cũng đều hoan hỷ!

Do đó, người đều xưng tán Thầy là Diệu Âm Hoan hỷ Huệ. Thầy có trước tác quyển Đại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Sớ, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận Sớ, Trung Luận Sớ, Nhân Minh Sớ, Nhập Trung Luận Sớ. Đức Đạt Lai Lạt ma thứ hai vốn là đồ đệ của Diệu Âm Hoan hỷ Huệ.

Trụ trì thứ chín là Công Đức Hải. Trụ trì thứ mười là Tăng Hải. Trụ trì thứ mười một là Phước Xưng. Về sau, Phước Xưng cũng kế thừa ngôi pháp vị của Đại sư tại chùa Cách Đăng, và là Giáo thọ sư của đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ ba. Sự nghiệp của Phước Xưng rất to lớn, và có trước tác giảng giải năm bộ đại luận, để làm nền tảng căn bản của sự tu tập cho chùa Huệ Châu. Ngoài ra, Phước Xưng còn trước tác quyển mật điển Tập Mật Lưỡng Chủng Thứ Đệ, và được lưu truyền ở Tây Tạng. Đó là một trước tác rất giá trị, mà hiện nay vẫn còn được xem là một pháp bảo Vô thượng.

Trụ trì thứ mười hai là Phước Hải. Trụ trì thứ mười ba là Vinh Đơn Gia Mục Thố (1589-1616, Yon-tam-rgya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười bốn là La Tang Khước Tiếp (1567-1662, Blo-bjan chos-kyi, rgyal-mtshan), vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười lăm là A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (1617-1682, Nagdban blo-bzan rgya mtsho), vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ năm. Vị Đạt Lai Lạt ma này ngay từ lúc nhỏ đã được Tôn giả A Để Sa và Đại sư hiện thân gia trì. Khi vị Đạt Lai Lạt ma này được sáu tuổi, Ban Thiền Lạt ma La Tang Khước Tiếp dẫn chư Đại đức cao Tăng của ba đại tự viện cùng vua Phước Pháp Tăng, theo lễ nghi mà cung thỉnh lên ngôi pháp vị ở chùa Triết Bang.

Năm 1641, vua Mông Cổ là Cố Thủy Hãn bắt vua Tây Tạng giao toàn bộ chính quyền cho Đạt Lai Lạt ma đời thứ năm (3). Sau đó, trên núi Hồng Sơn ở Lạp Tát, vị Đạt Lai Lạt ma này cho xây cung điện Bố Đạt Lạp (Potala) rất trang nghiêm hùng vĩ, để làm nơi trấn tích trượng trị nước. Vào năm 1653, vua Thanh Thuận Trị ban pháp hiệu cho Đạt Lai Lạt ma là "Tứ Thiên Đại Thiện Tự Tại Phật, Sở Lãnh Thiên Hạ Thích Giáo, Phổ Thông Ngõa Điệc Lạt Đát Lạt, Đạt Lai Lạt ma", cùng ban cho ấn tín. Về sau, vua Thuận Trị lễ bái Đạt Lai Lạt ma làm Quốc sư. Trong Quyển Giáo Pháp Thọ Ký có ghi: "Trong đời Mạt pháp, Bồ tát Quán Thế Âm hóa thân với hình Tỳ kheo vương tướng, để hộ trì Tây Tạng.”

Vì tin tưởng đức Đạt Lai Lạt ma là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, nên từ đó cho đến hiện tại, toàn bộ quyền chánh trị và Tôn giáo đều do các đức Đạt Lai Lạt ma chuyển sanh chấp chưởng.

Đạt Lai Lạt ma A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố hoằng dương Chánh pháp rộng lớn, kiến lập mười ba đại tự viện. Đối với tất cả tông phái, chùa miếu, đều quy định tăng chế nghiêm cẩn, cùng khuyến khích sự tu học chân thật. Để giúp cho người tại gia được sống an lạc, Ngài dạy họ trì tụng sáu câu thần chú (4). Ngài lại dạy Tăng chúng tu trì "Dược Sư Bát Phật Nghi", và pháp cúng dường mười sáu vị Thánh giả. Lại nữa, để giúp Chánh pháp mãi trụ thế, Ngài gom nhiếp hết tất cả bí yếu của kinh luận mà trước tác quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận Giảng Nghĩa. Nói chung, sự nghiệp hoằng pháp của Đạt Lai Lạt ma A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố vô cùng to lớn, và công đức vô lượng vô biên, không thể ghi chép hết.

Từ đó, chùa Triết Bang đều do các vị Đạt Lai Lạt ma kế tiếp trụ trì.

C. Sự Truyền Thừa Của Chùa Sắc Nhạ (Sera)

Thích Ca Dã Hiệp (1) là một trong tám đại đệ tử thanh tịnh của Đại sư, cũng là vị có phước đức và học vấn bậc nhất. Năm 1414, Thích Ca Dã Hiệp đại diện Đại sư đến kinh đô Trung Quốc. Năm 1416, Thích Ca Dã Hiệp từ Trung Quốc trở về Tây Tạng, mang theo những phẩm vật do vua Vĩnh Lạc ban tặng như Kinh điển, tượng Phật, vải lụa, các bảo khí bằng vàng bạc, ngọc thạch, v.v... rồi cúng dường toàn bộ các phẩm vật đó lên Đại sư.

Năm 1418, y theo lời phó chúc của Đại sư, Thích Ca Dã Hiệp xây chùa Sắc Nhạ (tức Đại thừa Châu) tại vùng Sắc Nhạ Kiếp Đảnh, cách Lạp Tát khoảng tám dặm về phía Bắc. Tên Sắc Nhạ có hai cách giải thích. Một là Bạc Tử (mưa đá), vì lúc xây chùa thì có mưa đá rơi xuống. Hai là chỉ cho nơi sanh ra rau dại 'sắc vi.” Nghĩa thứ nhất thì được phổ biến hơn. Đầu tiên, chùa Sắc Nhạ có năm đại viện, nhưng về sau hợp thành ba đại viện như Kết Ba, Mai Ba, A Ba. Sau này, Thích Ca Dã Hiệp tiếp tục xây cất hạ viện chùa Sắc Nhạ là chùa Hòa Kiết. Chùa có thể chứa năm ngàn năm trăm Tăng chúng. Ngôi chùa này là đại tự viện thứ hai của phái Hoàng giáo.

Về sau, vua Tây Tạng là Đại Tại cũng xây thêm chùa Nga Quả (2) để làm chánh điện cho chùa Sắc Nhạ, cùng cung thỉnh tất cả Tăng chúng tại chùa Thê Nhượng (3) dời về đó. Hiện tại, chùa Nga Quả là viện Mật tông của chùa Sắc Nhạ.

Trong chùa Sắc Nhạ có rất nhiều pháp bảo. Trong chánh điện, có tượng Quán Thế Âm do Tỳ kheo ni Mã Ba Ma (4) cúng dường. Thánh tượng này rất linh hiển.

Ngoài ra, hạ viện của chùa Sắc Nhạ cũng thờ phụng một tôn tượng giới hương Thích Ca Mâu Ni Phật. Chùa Sắc Nhạ thờ phụng một tôn tượng Mã Đầu Minh Vương biết nói. Viện Mật tông thờ phụng Thánh tượng Tôn giả Duyên Lạp Nhung (5) biết nói. Trong chùa cũng có chứa một trăm ngàn quyển kinh của đại tạng kinh Cam Châu và Đơn Châu. Xây cất chùa Sắc Nhạ vào năm 1419 xong, Thích Ca Dã Hiệp lại vào kinh đô Trung Quốc, làm Quốc sư trong hai đời vua Minh Vĩnh Lạc và Minh Tuyên Đức. Lúc lâm chung, Thích Ca Dã Hiệp truyền trao ngôi pháp vị cho Cát Cụ Ba (6) Thịnh Quảng Hiền.

Trụ trì thứ ba là Công Như Tràng Hiền. Ban đầu, tuy gần gũi Đại sư mà Công Như Tràng Hiền chưa hiểu được pháp nghĩa chân chánh, nên thường bị Khắc Chủ Kiệt quở trách. Sau này, nhờ tinh tấn dũng mãnh, chuyên tâm nghiên cứu tu tập pháp nghĩa của Đại sư, Công Như Tràng Hiền đắc được đại thành tựu.

Trụ trì thứ tư là Nhiêu Ráng Sắc. Trụ trì thứ năm là Huệ Bảo Sư Tử. Trụ trì thứ sáu là Nội Đôn Sắc. Trụ trì thứ bảy là Lập Phác Pháp Vương. Trụ trì thứ tám là Bạt Giác Luân Chủ; Thầy đã từng biện luận thắng Thích Ca Ba của phái Tát Ca, và chiết phục sự ngã mạn cùng phá tà thuyết của vị Thầy đó; Thầy cũng trước tác quyển Biện Liễu Nghĩa Bất Liễu Nghĩa Luận Thích Nạn.

Trụ trì thứ chín là Kiết Tường Huệ, Trụ trì thứ mười là Diệu Âm Bất Không Kiết Tường. Trụ trì thứ mười một là Căn Đôn Gia Mục Thố (1476-1543, Dge-gdun-rya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ hai. Trụ trì thứ mười hai là Kết Tôn Pháp Tràng; Trí tuệ của Thầy rộng sâu như biển cả; năm bộ đại luận do Thầy chú thích, làm nền tảng căn bản cho sự tu học ở viện Kết Ba thuộc chùa Sắc Nhạ.

Trụ trì thứ mười ba là Phước Xưng. Trụ trì thứ mười bốn là Pháp Xưng Hiền. Trụ trì thứ mười lăm là Tỏa Lãng Gia Mục Thố (1543-1588, Bsod-nams-rgya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ ba. Trụ trì thứ mười sáu là Đông Khuyếch Công Đức Hải. Trụ trì thứ mười bảy là Vinh Đơn Gia Mục Thố (1589-1616, Yon-tam-rgya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười tám là La Tang Khước Tiếp, vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười chín là A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố, vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ năm. Từ đó về sau, các vị Đạt Lai Lạt ma chuyển thế liên tiếp trụ trì.

Chùa Cách Đăng, chùa Triết Bang, chùa Sắc Nhạ, được xưng tán là ba Đại tùng lâm lớn ở Tây Tạng. Các ngôi chùa này, không những là nơi Đại sư đã từng hoằng dương Phật pháp, mà còn là trung tâm văn hóa của toàn nước Tây Tạng suốt hơn sáu trăm năm.

D. Sự Truyền Thừa ở Chùa Trát Thập Luân Bố (Tashilhupo).

Trụ trì thứ nhất là Căn Đôn Chủ Ba; vị này vốn là một trong đại đệ tử nhỏ tuổi nhất của Đại sư. Căn Đôn Chủ Ba (1), sanh gần chùa Tát Ca. Vào đêm vị này mới giáng sanh thì có một bọn cướp xông vào nhà cướp bóc. Vì không kịp mang theo, nên người mẹ đành dấu vị này dưới gầm đá. Sáng hôm sau, lúc mọi người trở về, họ thấy chim ưng đứng canh giữ vị này, không cho độc trùng và dã thú đến nhiễu hại. Thấy điềm lành này, mọi người đều cho là việc không thể nghĩ bàn, nên bảo nhau rằng Căn Đôn Chủ Ba nhất định là một vị Bồ tát hóa sanh.

Từ thuở nhỏ, oai nghi hành tướng của Căn Đôn Chủ Ba rất mực đoan nghiêm, chẳng thích chơi giỡn cùng với các đứa trẻ đồng lứa. Vì gia đình bị cướp bóc, nên cuộc sống rất khó khăn chật vật. Do đó, lúc nhỏ Căn Đôn Chủ Ba phải giúp cha mẹ, ra đồng chăn dê. Lần nọ, Căn Đôn Chủ Ba đã tự tay sao chép kinh Dược Sư để hồi hướng công đức cho thân sinh vừa mới tạ thế. Năm mười lăm tuổi, Căn Đôn Chủ Ba xuất gia, đảnh lễ trụ trì chùa Nõa Đường làm Thầy, tu học các loại kinh luận và Mật pháp. Năm hai mươi lăm tuổi, Căn Đôn Chủ Ba một mình đến Tiền Tạng, theo trụ trì chùa Trà Chủ là Cổn Tang Ba Nhân Ba Thiết học tập Nhân Minh và Trung Luận. Lúc theo Ngài Cổn Tang Ba Nhân Ba Thiết đến tham bái Đại sư, Căn Đôn Chủ Ba thỉnh hỏi về những điều nghi vấn trong luận Thích Lượng, và nghe Đại sư giảng về Biện Liễu Bất Liễu Nghĩa Luận, Trung Luận Sớ, Thượng Sư Ngũ Thập Pháp Tụng Sớ, Mật tông Giới Sớ, cùng những bộ luận thâm sâu bất cộng nghĩa. Do có Trí tuệ thông minh lanh lợi, nên Căn Đôn Chủ Ba rất được Đại sư khen ngợi. Vì biết Căn Đôn Chủ Ba có nhân duyên hoằng dương Giới luật, nên Đại sư tặng cho vị này một tấm y ca sa năm điều. Để thọ trì Giới luật thanh tịnh, Căn Đôn Chủ Ba sang chùa Trát Ca học Giới luật. Lúc lên đường, Căn Đôn Chủ Ba được Đại sư tặng một thỏi vàng để làm thuận duyên cho việc cầu học, và được Đại sư tán thán:

- Ông dùng tâm nguyện hành trì mà đi cầu học Giới luật. Đây thật là điều rất hy hữu. Từ nay, ông hãy nên nỗ lực hoằng dương Thánh giáo, để Phật pháp được lan truyền khắp nơi.

Sau này, Căn Đôn Chủ Ba thân cận, và được Đại sư ban truyền giáo pháp bất cộng. Sau khi Đại sư viên tịch, Căn Đôn Chủ Ba thân cận Khắc Chủ Kiệt qua nhiều năm. Căn Đôn Chủ Ba có trước tác quyển Giới Kinh Sớ, Nhân Duyên Tập, Chánh Lý Trang Nghiêm Luận, Thích Lượng Luận Sớ, v.v... được lưu truyền cho đến ngày nay. Sau này, Thầy theo La Truy Tăng Khách (Huệ Sư Tử) đến Hậu Tạng hoằng pháp. Ngày nọ, đang lúc nhập thất tịnh tu trong núi Hưởng Đóa Cách Bồi, Thầy mộng thấy Đại sư ngồi trên một đỉnh núi cao ngất; Thầy Huệ Mật ngồi giữa lưng chừng núi, còn Thầy thì ngồi dưới chân núi. Bấy giờ Thầy nghe Huệ Mật bảo:

- Xưa kia, Đại sư Tông Khách Ba có thọ ký cho chúng ta rất nhiều việc...

Huệ Mật càng nói thì âm thanh càng nhỏ dần, khiến cho Căn Đôn Chủ Ba không thể hiểu rõ ý nghĩa của câu đó. Đang nghi ngờ, bỗng nhiên có người bảo:

- Này Căn Đôn Chủ Ba! Vì có duyên lành, trong tương lai ông nên hoằng dương "Thích Lượng Luận" tại nơi này.

Căn Đôn Chủ Ba nghe lời này rất rõ ràng. Buổi sáng nọ, lúc Thầy trú tại vùng Bạc Đống, một bà lão từ xa đi đến, nói:

- Nơi đây có chùa của Thầy. Có chùa tức có chúng sanh...

Thầy bèn hỏi bà ta về tên của ngôi chùa, và việc hoằng pháp ra sao. Bà ta bèn chấp tay như búp hoa sen trước ngực, nói:

- Chùa phải như thế, và tên là Hữu Võng (2).

Nói xong, bà ta liền biến mất. Thầy biết đây là lời thọ ký của Không Hành Mẫu, nên rất vui mừng.

Pháp vương La Truy Tăng Cách thường qua lại chùa Tang Chủ Đảnh ở Na Đường. Mỗi lần đi qua vùng mà người sau gọi là "Trát Thập Luân Bố", thì La Truy Tăng Cách chỉ tay bảo: "Tâm của Ta thường cảm thấy Căn Đôn Chủ Ba thuyết pháp tại nơi đây!"

Vào năm 1447, y theo những nhân duyên lành đó, Căn Đôn Chủ Ba khởi công kiến lập chùa tại nơi mà La Truy Tăng Cách đã chỉ bảo (tức vùng phụ cận của Nhật Khách Tắc); đại thần Cùng Kết Ba và Ban Giác Tang Bố làm thí chủ cúng dường tịnh tài và vật liệu. Buổi sáng nọ, đang lúc xây chùa, Căn Đôn Chủ Ba lại nghe tiếng của người đàn bà khi xưa, bảo:

- Ngôi chùa này, phải đặt tên là Trát Thập Luân Bố (3).

Xây cất xong, Căn Đôn Chủ Ba y theo lời thọ ký của Không Hành Mẫu mà đặt tên chùa là Trát Thập Luân Bố.

Ngày nọ, đang lúc đứng đối diện với cổng chùa làm lễ độ chúng xuất gia ở bãi cỏ trong sân chùa, Căn Đôn Chủ Ba vô tình xoay đầu lại nhìn về phía sau chùa, thì thấy cảnh tượng thật giống như cảnh mộng trong lúc tu hành tại núi Hưởng Đóa Cách Bồi, nên biết rõ rằng trong tương lai, Phật pháp tại ngôi chùa này sẽ được phát triển hưng thịnh.

Năm 1450, đại chúng ở chùa Cách Đăng phái người đến cung thỉnh Căn Đôn Chủ Ba trở về kế nhậm pháp vị. Song, Căn Đôn Chủ Ba từ chối, bảo:

- Tôi không thể đi được. Vừa xây xong ngôi chùa này mà bỏ đi thì e rằng sẽ không ổn. Vì Phật pháp nên tôi đã từng tạo dựng sự nghiệp ở đây. Từ nay, tôi sẽ nhắm vào mục tiêu hoằng dương giáo pháp của Đại sư, nên cần phải ở lại nơi đây. Pháp Tràng (4) là vị có công đức và giáo chứng đều viên mãn, cũng là vị rất tương xứng kế thừa ngôi pháp vị. Các ông hãy mau trở về cầu thỉnh vị đó!

Căn Đôn Chủ Ba từ chối lời ngưỡng thỉnh, mà tiếp tục trụ trì ngôi chùa đó suốt ba mươi tám năm, làm lợi ích cho dân chúng vùng Hậu Tạng rất nhiều, và đào tạo không ít nhân tài cho Phật giáo.

Chùa Trát Thập Luân Bố là ngôi đại tự viện lớn nhất tại vùng Hậu Tạng, và là Đại tùng lâm thứ tư của phái Hoàng giáo. Kiến trúc của ngôi chùa này rất quy mô. Chùa có ba đại viện lớn là Kiết Khương, Hạ Tư, Thỏa Tang Lâm. Về sau, các vị Ban Thiền Lạt ma xây thêm mật viện A Ba. Chùa có thể chứa khoảng bốn ngàn bốn trăm vị tăng. Các nhân tài xuất hiện tại ngôi chùa này được sánh bằng những nhân tài tại ba đại tự viện ở Tiền Tạng.

Trụ trì thứ hai là Hiền Kiết Tường. Trụ trì thứ ba là Giáo Lý Hải. Trụ trì thứ tư là Trí Đảnh. Trụ trì thứ năm là Căn Đôn Gia Mục Thố, vị Đạt Lại Lạt ma đời thứ hai. Trụ trì thứ sáu là Thánh Giáo Nhật. Trụ Trì thứ bảy là Huệ Tràng. Trụ trì thứ tám là Bất Không Hải. Trụ trì thứ chín là La Trác Lỗi Tang; Thầy trước tác và chú giải rất nhiều kinh luận để làm căn bản giáo lý cho sự nghiên cứu tu học của Tăng chúng ở chùa Trát Thập Luân Bố.

Trụ trì thứ mười là Pháp Tràng. Trụ trì thứ mười một là Pháp Tường Hải. Trụ trì thứ mười hai là Phước Tràng. Trụ trì thứ mười ba là Tang Chủ Bạt Tang. Trụ trì thứ mười bốn là Chánh Hải Tăng Trưởng. Trụ trì thứ mười lăm là Thiên Vương Huệ. Trụ trí thứ mười sáu là La Tang Khước Tiếp, vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ tư. Từ đó, trải qua bao đờI chuyển sanh, các vị Ban Thiền Lạt ma kế tục trụ trì.

Ban đầu, phái Hoàng giáo có bốn đại tự viện (Cách Đăng, Sắc Nhạ, Triết Bang, Trát Thập Luân Bố) làm cơ sở chính cho sự hoằng pháp. Về sau, bốn đại tự viện đó ngày càng phát triển hưng thịnh, và các chùa chiền của những tông phái khác cũng đua nhau chuyển y theo phái Hoàng giáo. Do đó, giáo pháp của Đại sư từ từ được lưu truyền khắp Tây Tạng và Mông Cổ.

E. Sự hoằng pháp tại vùng A Lý

Vùng đất phía Tây của Tây Tạng là A Lý. Người hoằng truyền giáo nghĩa của Đại sư ở vùng đó vào buổi ban đầu là Hỷ Nhiêu Tang Bố (Stod se-rab bzan-po), vị đại đệ tử của Đại sư.

Hỷ Nhiêu Tang Bố (Stod se-rab bzan-po, hay Thượng Hỷ Nhiêu Tang Bố) vốn là người vùng A Lý. Sau khi theo Đại sư tu học Phật pháp hoàn tất xong, Thầy trở về vùng A Lý ở Hậu Tạng, và xây cất chùa Đạt Ma (Stag-mo) tại Mang Vực (Man-yul). Người cháu của Thầy là Hỷ Nhiêu Ba (Ses-rab-pa) xây chùa Sắc Sắc tại A Lý. Về sau, các ngôi chùa thuộc phái "Thượng Lạc Hoằng Pháp" trước kia như chùa Tang Cát, Cao Đằng Kim Điện, Chỉ Đôn, La Đông, Quân Lục Tích đều được đổi thành các đạo tràng của phái Hoàng giáo, và nỗ lực hoằng dương giáo pháp của Đại sư. Những ngôi chùa này, cho đến ngày nay vẫn còn hưng thạnh. Đương thời, các quan lại trong vùng đều lễ bái và tôn Thượng Hỷ Nhiêu Tang Bố là bậc Tôn sư.

Khắc Chủ Kiệt có một đại đệ tử, tên là Thiên Vương Huệ. Vừa đến vùng A Lý, Thầy bèn sửa sang chùa Bắc Đồ, tu bổ chùa Ba Gia Hòa Lập Căn. Từ đó, các tự viện thuộc phái Hoàng giáo, hoặc là mới xây cất, hoặc là những ngôi chùa cũ được sửa sang lại mỗi ngày một tăng, khiến giáo pháp của Đại sư lưu bố khắp vùng A Lý.

G. Sự Hoằng Truyền Tại Vùng Từ Thị Châu ở Xương Đô.

Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố (Smad ses-rab bzan-po, hay Hòa Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố) là người Tây Khương. Ban đầu, Thầy tu học giáo pháp của Đại sư ở chùa Sắc Nhạ. Lúc Thịnh Quảng Hiền nhận chức trụ trì, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố là phó giảng A xà lê.

Đương thời, rất nhiều Tăng chúng trong các đại tự viện đều y theo quy thức giáo chế của Đại sư, nghiêm thủ Giới luật, hạnh giải đồng tu, thiết thật hành trì. Do đó, chư Tăng và kẻ tục đều tán thán không ngớt. Ngày nọ, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố tự nhủ: "Lúc trở về Tây Khương, Ta cũng lấy Giới luật làm nền tảng, hoằng dương giáo pháp Chánh kiến thanh tịnh vô cấu, để làm lợi ích cho chúng sanh.”

Bấy giờ, Ngài Bồ Đề Ý dùng Thần thông, biết rõ tâm nguyện của Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố, nên thỉnh mời vị này đến gian phòng riêng, cúng dường cúng phẩm thượng diệu, và tặng cho một xấp lụa, cùng một chiếc mũ vàng, rồi bảo:

- Vì được biết Thầy muốn sớm trở lại Tây Khương để hoằng pháp nên hôm nay tôi mời Thầy đến không ngoài mục đích muốn tiễn đưa Thầy. Về sau, Chánh pháp ở Tây Khương, sẽ do Thầy trụ trì.

Nghe lời này, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố lấy làm kỳ lạ nên thầm nghĩ: "Ta chưa hề thổ lộ ý định sớm trở về Tây Khương, nhưng tại sao Ngài Bồ đề Y lại biết và chỉ dạy như thế? Phải chăng Ta không thể ở đây lâu dài chăng? Thôi thì Ta phải trở về trình hết tự sự cho Ngài Khắc Chủ Kiệt biết để Ngài dạy bảo!"

Do đó, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố gấp rút trở về chùa Cách Đăng yết kiến Khắc Chủ Kiệt, và kể rõ tự sự. Khắc Chủ Kiệt chẳng những không giữ Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố lại, mà còn thọ ký:

- Hôm nay duyên lành của ông trở về Tây Khương đã đến. Tây Khương có một ngọn núi tên là Nhật Oa. Đó là nơi mà ông nên hóa độ chúng sanh. Trong tương lai, sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của ông tại nơi ấy sẽ rất lớn lao!

Nói xong, Khắc Chủ Kiệt tặng cho Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố rất nhiều lễ vật và thúc giục đi sớm.

Vừa trở về Xương Đô ở Tây Khương, vào năm 1437, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố xây chùa Từ Thị Châu (1), diễn giảng năm bộ đại luận cho hơn ba ngàn người nghe khiến thính chúng đạt được sự ích lợi lớn lao. Bấy giờ, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố mới nhận thấy lời tiên tri thuở xưa của Ngài Bồ đề Ý thật là linh ứng.

Về sau, Hạ Hỷ Nhiêu Tang Bố giáo hóa rất đông đồ chúng, và đa số họ đều là những bậc long tượng trong tông môn; các vị đó thường phân tán đi khắp vùng Tây Khương mà xây cất chùa chiền cùng hoằng dương Chánh pháp, khiến giáo nghĩa của Đại sư được lưu bố rộng rãi khắp nơi.

H. Sự Hoằng Pháp Tại Vùng A Đa.

A Đa là vùng phụ cận của Tây Ninh (hiện tại là vùng Cam Túc và Thanh Hải). Vùng này vốn là chốn hoang vu. Sau này, do nhiều vị Đại đức đến đó xây cất chùa chiền, nên số lượng Tăng chúng tu học đông đảo không thua gì những Đại tùng lâm ở Tiền Tạng.

Chùa Tháp Nhĩ (Cổ Bổn) là một trong những Đại tùng lâm của phái Hoàng giáo, nằm trong thị trấn Lỗ Sa Nhĩ, huyện Hoàng Trung, tỉnh Thanh Hải, cách chợ Tây Ninh khoảng hai mươi bốn dặm về phía Tây nam. Ngôi chùa này là nơi mà mẹ Đại sư để chiếc y quấn thai nhi thuở trước. Vì nhớ thương con đã vào Tây Tạng mà không thấy trở về nên mẹ Đại sư cho xây một ngôi tháp nhỏ ngay nơi đó. Để tưởng nhớ công lao chấn hưng Phật giáo Tây Tạng của Đại sư, người sau xây một ngôi tháp lớn bằng bạc, cao mười một thước, ngay trên nền móng của ngôi tháp cũ. Về sau, ngôi tháp này lại trở thành ngôi chùa Tháp Nhĩ.

Năm 1560, Ngài Nhân Khâm Tông Triết Kiên Tham lại cho xây thêm chùa Cổ Bổn Gia Ba Lâm trước mặt tiền của ngôi tháp.

Năm 1577, Ngài Nhân Khâm Tông Triết Kiên Kham lại xây thêm một ngôi chánh điện Bồ tát Di Lặc. Năm 1583, trên đường vào kinh đô Trung Quốc do vua Mông Cổ ngưỡng thỉnh, đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ ba (Tỏa Lãng Gia Mục Thố (Bsod-nams-rgya-mtsho), 1543-1588) khi đi ngang qua nơi đó, thì gặp và bảo vị trụ trì Tông Triết Kiên Tham Tang Bố cùng các vị thí chủ, xây thêm và nới rộng ngôi chùa đó ra. Nơi đó, vào mỗi tháng giêng, Tăng chúng trong chùa đều cử hành pháp hội cúng dường.

Trải qua bao đời truyền thừa, chùa Tháp Nhĩ đã trở thành một Đại tùng lâm sau khi xây xong bốn đại viện: Viện Giảng Kinh, viện Mật Giáo, viện Y Học, và viện Thiên Văn.

Đạt Lai Lạt ma đời thứ tư (Vinh Đơn Gia Mục Thố (Yon-tam-rgya-mtsho), 1589-1616) đã từng phái Bất Không Pháp Hải xây cất chùa Từ Thị Châu tại vùng A Đa, để thuyết giảng kinh luận, và hoằng dương pháp nghĩa Hiển-Mật. Về sau, Diệu Âm Tiếu Kim cang xây thêm viện Mật tông ngay trong ngôi chùa đó. Do đó, chùa Từ Thị Châu trở thành nơi có đủ hai pháp Hiển-Mật. Quốc sư triều Thanh là Cảnh Gia Hoạt Phật và Độ Quan Hô Đồ Khắc Đồ, v.v... cũng xuất thân từ ngôi chùa này.

Trụ trì thứ mười là Nghĩa Thành Hải; vị này lại xây thêm Đại tùng lâm Đổ Sử Viện Chánh pháp Châu. Ngôi chùa này cũng được phân thành bốn viện lớn. Nhân tài xuất sanh từ ngôi chùa này rất nhiều.

Do lời cầu thỉnh của Nam Thân Vương ở Hoàng Hà, Ngài Diệu Âm Tiếu Kim cang xây chùa Lạp Bốc Lăng tại huyện Hạ Hà, tỉnh Cam Túc. Chùa phân thành bốn viện: Hiển giáo, Mật giáo, Thời Luân, y học, và hoằng dương giáo nghĩa Hiển-Mật vô cấu của Đại sư. Sau khi Ngài Diệu Âm Tiếu Kim cang viên tịch, đệ tử Ngôn Tự Tại Kiết Tường kế thừa ngôi pháp vị, rồi truyền lại cho Bảo Vô Úy Vương. Từ đó về sau, chùa này do các vị Diệu Âm Tiếu Kim cang chuyển thế trụ trì.

Các bậc long tượng ở ngôi chùa này có tài năng vượt bội hơn nhân tài ở những nơi khác. Trong chùa, các tự viện lớn nhỏ cũng có hơn cả trăm ngôi. Hiện nay, tại vùng A Đa, ngôi chùa này là trung tâm tu học và giảng kinh thuyết pháp.

Vào đời nhà Nguyên và nhà Minh, tại vùng A Đa có chùa của hai phái Tát Ca và Cát Cử, nhưng đến đời nhà Thanh thì Tăng sĩ tu trong những chùa đó dần dần chuyển sang phái Hoàng giáo. Sự hưng thạnh của các tự viện ở vùng A Đa, dẫu về phương diện nào, cũng không thua sút với những tự viện ở Lạp Tát. Lại nữa, tại chùa Lạp Bốc Nghiêm các bản kinh đều có đầy đủ, và có rất nhiều bộ trước tác của các vị Đại đức; đó là pháp bảo dành cho sự tu học Hiển-Mật giáo của Phật pháp. Do đó, người tu học Phật pháp tại Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải, Mông Cổ đều đua nhau đổ dồn đến đó mà tu học, không khác gì ba đại tự viện ở Tiền Tạng.

I. Sự Hoằng Pháp ở Hậu Tạng.

Pháp vương La Truy Tăng Cách (Huệ Sư Tử) sau khi hoằng pháp giảng giải quy thức tu Mật pháp ở Mông Cổ xong, bèn dẫn Căn Đôn Chủ Ba trở lại Hậu Tạng.

Trên đường về Hậu Tạng có Thầy Huệ Mật (1) đến xin theo họ tu học giáo pháp Hiển-Mật. Ngoài ra, cũng có rất nhiều các thiện tri thức khác đến xin cầu học dưới tòa của La Truy Tăng Cách và Căn Đôn Chủ Ba. Tăng chúng và thính chúng hội tụ ngày càng đông. Pháp Vương Thiện Tài tán thán:

- Lúc còn nhỏ, tôi đã từng cùng với trì luật pháp vương Huệ Mật và rất nhiều tín chúng đến nghe pháp vương La Truy Tăng Cách và Căn Đôn Chủ Ba giảng thuyết. Những pháp hội đó giống như pháp hội giảng kinh của Phật Thích Ca trên núi Linh Sơn.

Thấy thính chúng tham dự những pháp hội nghe giảng kinh ngày càng đông, La Truy Tăng Cách suy nghĩ: "Xưa kia, trước pháp tòa của Đại sư, Ta đã nguyện hoằng dương Mật pháp. Nay thời cơ đã đến!"

Do đó, La Truy Tăng Cách vừa hoằng dương Tập Mật vừa đi thuyết giảng khắp vùng Hậu Tạng. Ngày nọ, khi La Truy Tăng Cách đến chùa Luân Bạc Đảnh dưới chân núi Luân Bạc Đảnh, thì vị trụ trì tên là Thánh Quang Công Đức (vị này có chú thích quyển "Nguyệt Xưng Tập Mật Thích", và cực lực hoằng truyền pháp Tập Mật) dẫn đồ chúng ra nghinh đón và thỉnh cầu được ban pháp yếu. Nhớ lời thọ ký của Đại sư về quyển "Đại Oai Đức Du Già Hành Giả", La Truy Tăng Cách bèn kiến lập đàn tràng tu Mật pháp của Đại sư và giảng nghi thức của Tập Mật, cùng đem mặt nạ Diêm La, cốt trượng, dây nhợ do Đại sư ban cho, để lại chùa Luân Bạc Đảnh hầu mong lưu niệm về sau.

Thầy trò La Truy Tăng Cách lại tiếp tục đến chùa Sư Tử Đảnh ở núi Sư Tử Đảnh. Nơi đây có một bà huyện làm đại thí chủ, hỗ trợ pháp hội hoằng truyền Mật Bộ cùng thiết lập nghi thức đàn tràng tại chùa Sư Tử Đảnh của La Truy Tăng Cách. Bà huyện này không ai xa lạ, chính là Dạ Xoa Nữ mà năm xưa Đại sư đã từng thọ ký.

Lúc truyền pháp tại chùa Sư Tử Đảnh, La Truy Tăng Cách quán sát thấy đồ đệ là Đô Nõa Ngõa vốn có khả năng và có đủ cơ duyên hoằng dương Mật pháp.

Ngày nọ, La Truy Tăng Cách cùng Căn Đôn Chủ Ba đến nhà một thí chủ để thọ trai. Ngồi phía bên phải của Căn Đôn Chủ Ba là Đô Cách Ngõa. Ngồi bên trái của La Truy Tăng Cách là Đô Nõa Ngõa. Bấy giờ, La Truy Tăng Cách hỏi Đô Nõa Ngõa:

- Này Đô Nõa Ngõa! Trong mười hai con giáp, ông thuộc con nào?

Đô Nõa Ngõa đáp:

- Đệ tử thuộc con ngựa.

La Truy Tăng Cách cười bảo:

- Duyên này thật lành thay! Tục ngữ có câu "nơi trâu chết, ngựa chạy.” Vùng Nha Hỷ (2), dân chúng nơi đó có nhiều duyên lành với ông. Vậy hãy mau đến đó mà hoằng dương Chánh pháp.

Nói xong, La Truy Tăng Cách lấy ra chiếc mũ của Đại sư mà đưa cho Đô Nõa Ngõa. Đô Nõa Ngõa không dám nhận, mà tác bạch:

- Thánh vật này đáng lý để Ngài Căn Đôn Chủ Ba nhận lãnh mới phải. Thỉnh Tôn sư Từ bi truyền trao cho con pháp Tập Mật Thích của Đại sư để lại!

La Truy Tăng Cách chấp thuận lời thỉnh cầu, đưa cho Đô Nõa Ngõa quyển Tập Mật Thích do Đại sư trước tác. Thọ pháp xong, Đô Nõa Ngõa bèn y theo lời phó chúc của La Truy Tăng Cách mà đến vùng Nha Hỷ hoằng dương Mật pháp.

Mang bộ Tập Mật Thích do Đại sư trước tác, Đô Nõa Ngõa đến vùng Nha Hỷ, kiến lập viện Mật giáo tại chùa Đổ Sử Cung, hoằng truyền Mật pháp. Đó là vùng thượng Hậu Tạng (3), nơi sáng lập viện Mật giáo đầu tiên của Đại sư.

Sự giảng truyền Mật giáo trong viện Mật tông, chủ yếu là bốn bộ sớ hợp giải về Tập Mật của Đại sư, cùng pháp nghĩa Kim cang Đạo Tập của Đô Nõa Ngõa. Ngoài ra, còn giảng truyền tám đại giáo nghĩa như Tập Mật Ngũ Thứ Đệ, Thắng Lạc Luân La Linh Nhị Phái, Đại Oai Đức Tứ Thứ Đệ Du Già, Thời Luân Lục Gia Hạnh, Đại Luân Kim cang Thủ Tứ Gia Trì, Na Nhã Lục Pháp, Pha Ngõa Khai Kim Môn Pháp, Hoan hỷ Kim cang. Về sau, hai bộ luận cuối là Đại Luân và Pha Ngõa không còn được giảng mà chỉ giảng sáu bộ luận trên. Trong viện Mật tông cũng truyền những tiểu giáo như Chủ Cụ Mã Pháp, Huyễn Luân Pháp, Hộ Ma Pháp, Ma Cáp Két Lạp Đóa Cần Pháp, Đại Bạch Tản Cái Phật Mẫu. Lại nữa, Tập Mật, Thắng Lạc, Đại Oai Đức, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, cùng tất cả Hiển-Mật pháp cũng được ban truyền.

Viện Mật giáo từ Đô Nõa Ngõa truyền xuống Diệu Âm Chúng Tăng, cho đến Bảo Tăng Thượng, trải qua hai mươi mốt đời; trực tiếp truyền thừa là chín đời. Mỗi đời đều có những đại thiện tri thức đạt được công đức thành tựu hai loại sanh khởi và viên mãn thứ lớp.

Mai Ngữ Tự Tại Huệ và Diệu Âm Trì Giáo (4) đến học pháp nghĩa dưới tòa của Bảo Tăng Thượng. Song, Bảo Tăng Thượng cũng chưa truyền cho họ những Mật pháp quan trọng như pháp quán đảnh của Tập Mật, cùng những phần bí yếu nhất trong Mật pháp.

Về sau, lúc tám mươi mốt tuổi Bảo Tăng Thượng gặp những vị thượng căn của Mật thừa như Diệu Âm Tiếu Kim cang, Cảnh Gia đời thứ nhất, Ngữ Tự Tại Hiền Huệ Cụ Xưng, Đường Tát Ba Thành Tựu Hải, v.v... liền truyền hết mọi nơi bí yếu của Mật pháp cho họ. Truyền pháp viên mãn xong, chẳng bao lâu Bảo Tăng Thượng viên tịch.

Xưa kia, lúc phó chúc Đô Nõa Ngõa đến Nha Hy hoằng dương Mật pháp xong, La Truy Tăng Cách trở lại vùng phía Đông của Tiền Tạng, sáng lập hạ viện Mật giáo (Gyumey) vào năm 1440 (5), tuyên giảng đại pháp Tập Mật và tám bộ giáo nghĩa của Mật pháp.

Ngôi pháp vị ở hạ viện Mật giáo về sau truyền cho Thí Tường Nhân Ba Thiết. Vị này có viết quyển "Tập Mật Kinh Thích", và nỗ lực hoằng dương Chánh pháp không ngừng. Bấy giờ, trong chùa có một thiện tri thức, tên là Cống Cát Đốn Châu, vị đã từng thân cận La Truy Tăng Cách tu học Mật pháp. Về sau, vị này lại y theo Thí Tường Nhân Ba Thiết học kinh luận. Sau khi Thí Tường Nhân Ba Thiết viên tịch, Cống Cát Đốn Châu thỉnh Thánh tượng Ma Cáp Két Lạp và đảnh cốt qua vùng phía Tây của Tiền Tạng mà giảng pháp.

Thấy điềm lành về số tự và số mục của tướng Bổn Tôn trong mật đàn, Cống Cát Đốn Châu biết đó là thời cơ truyền pháp đã đến, nên khai giảng pháp Tập Mật, cùng thành lập thượng viện Mật giáo vào năm 1474. Trong mười ba năm hoằng pháp, dưới tòa của Cống Cát Đốn Châu có rất nhiều nhân tài.

Cuộc sống của Tăng chúng trong thượng hạ viện Mật giáo rất ư nghiêm cẩn, và luôn chú trọng chuyên cần tu khổ hạnh. Mỗi ngày phải tham gia tụng kinh bốn lần. Thời khóa công phu đầu tiên là vào lúc hai giờ sáng. Dẫu thời tiết lạnh hay nóng, đều phải kiên trì ngồi tu hành. Thượng hạ viện Mật giáo là nơi hoàn thiện và cao cấp nhất ở Tây Tạng. Chỉ có những Tăng sĩ tu học Hiển-Mật giáo tại ba đại tự viện thành tựu xong, mới có đủ tư cách để đến đó tu tập. Các vị pháp vương của chùa Cách Đăng thuộc phái Hoàng giáo, đều xuất thân từ thượng hạ viện Mật giáo.

Về sau, các nơi trong nước Tây Tạng, đua nhau xây thượng hạ viện Mật giáo, và nối tiếp nhau thành lập đạo tràng hoằng dương Mật pháp của Đại sư. Do đó, những bộ trước tác chú thích của Đại sư dần dần được lưu truyền khắp nơi.

Giáo pháp Hiển-Mật của Đại sư Tông Khách Ba thật là thù thắng. Vào thời vua Càn Long, một người Mông Cổ thỉnh hỏi vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ năm rằng đời sau có được sanh trở lại làm người không. Ban Thiền Lạt ma đáp:

- Được!

Người đó hỏi tiếp:

- Con có thể được sanh vào vùng có Phật pháp chăng?

- Có thể được.

- Con có thể gặp được giáo pháp của Đại sư Tông Khách Ba chăng?

Ban Thiền Lạt ma trầm ngâm một lát, rồi đáp:

- Việc này không thể dễ dàng. Giáo pháp của Đại sư là tâm yếu của Phật pháp; nơi ba phương diện kiến giải, tu pháp, và hành trì đều rất thù thắng phi thường. Nghĩa là kiến giải không lạc vào hai bên; pháp tu không đọa nơi hôn trầm trạo cử; hành trì pháp Đại-Tiểu, Hiển-Mật viên mãn. Do đó, gặp được giáo pháp của Đại sư là một điều rất hy hữu.

Giáo pháp của Đại sư thù thắng như thế, nhưng có nhiều người cho rằng điểm nổi bật của phái Hoàng giáo là chỉ ở nơi biện luận, nghiên cứu Kinh điển, và nghiêm trì Giới luật. Song, Đại sư vốn là hóa thân của Bồ tát Văn Thù. Vì muốn trụ trì Chánh pháp, làm lợi ích cho loài hữu tình, nên lúc còn đi cầu học, Đại sư tu học hết tất cả giáo pháp Hiển-Mật. Về sau, nhờ sự giáo hóa trực tiếp của bổn tôn Bồ tát Văn Thù, Đại sư chỉnh đốn những chỗ sai lầm trong Mật pháp của các giáo phái ở Tây Tạng, rồi rút ra những điểm tinh túy của các giáo phái đó và dung hợp làm một thể, để biên thành Mật pháp thuần túy có hệ thống và thứ tự. Ngoài ra, tại các đại tự viện, Đại sư cho xây những viện Mật Giáo để giảng thuyết và ban truyền pháp Mật tông. Trải qua hơn sáu trăm năm, đời đời Thầy trò đều truyền nhau như thế. Do đó, giáo pháp Hiển-Mật của phái Hoàng giáo là Phật pháp chánh thống.

Nhờ các đệ tử đời đời nỗ lực hoằng truyền, mà giáo pháp Hiển-Mật thù thắng của Đại sư dần dần được truyền từ Tây Tạng sang Tây Khương, Cam Túc, Thanh Hải, nội ngoại Mông Cổ, các tỉnh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ni Bạc Nhĩ (Nepal), Bất Đan, MỸ Quốc, Châu Âu, Châu Úc, Đài Loan, v.v... Sự hoằng truyền vĩ đại này, chính nhờ bi nguyện và oai đức của Đại sư Tông Khách Ba cảm chiêu!

L. Danh Tánh Của Các Vị Đạt Lai Lạt ma Và Ban Thiền Lạt ma.

1/ Đạt Lai Lạt ma và hệ chuyển sanh.

Danh từ Đạt Lai (Dalai) vốn chẳng phải là tiếng Tây Tạng mà xuất phát từ danh từ Gia Mục Thố (Rgyamt'so) của Mông Cổ. Gia Mục Thố theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là Hải (biển), cũng là danh từ để tôn xưng các vị Lạt ma đạo cao đức trọng, chứ chẳng giới hạn dành riêng đức Đạt Lai Lạt ma, nên trong pháp danh của các vị đại Lạt ma thường có danh từ Gia Mục Thố. Tổng cộng, Tây Tạng có mười bốn vị Đạt Lai Lạt ma.

Vào năm 1578, vua Mông Cổ là Thuận Nghị Yêm Đáp Hãn (1) sai sứ thần là A Nhĩ Thản cung nghinh Ngài Tỏa Lãng Gia Mục Thố (Đạt Lai Lạt ma đời thứ III) đến vùng Sát Bốc Tể Lặc Nhã (ở Thanh Hải) và Mông Cổ hoằng pháp, cùng tôn xưng vị này là Đạt Lai (2). Từ đó, Lạt ma giáo của phái Hoàng giáo được lưu hành khắp nước Mông Cổ. Đương thời, vua Yêm Đáp Hãn cũng ban hiệu cho vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ III là Đạt Lai Lạt ma Kim cang Chấp Trì (Vajra-dhara). Từ đó, danh hiệu này được thông dụng khắp Mông Cổ và Trung Quốc, cùng khắp toàn thế giới (trong hiện tại).

Người Tây Tạng vốn không xử dụng danh từ Đạt Lai, mà chỉ dùng vào lúc ngoại giao. Bình thường dân Tây Tạng tôn xưng Đạt Lai Lạt ma là: 1. Gia Mục Cung Lâm Bảo Gia (Sky-ads-mgon-po-c,e), nghĩa là Cứu Hộ Tôn giả;

2. Cái Ngõa Lâm Bảo Gia (Rgyal-ba-rin-po-c,e), nghĩa là Đắc Thắng Tôn giả;

3. Đạt Mục Tiền Kham Ba (T'ams-Cad-mk'yeu-pa), nghĩa là bậc Nhất Thiết Trí. Tương truyền, những vị Đạt Lai Lạt ma vốn là hóa thân của Bồ tát Quán Âm.

Vào năm 1650, vua Mông Cổ Cố Thỉ Hản (Gu-sri-khan) thuộc bộ lạc Hòa Thác Đặc giao trọn quyền về mặt Chánh Trị và Tôn giáo của xứ Tây Tạng cho vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ V (A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố). Từ đó cho đến hiện tại, các vị Đạt Lai Lạt ma chuyển sanh không những là vị giáo chủ của Hoàng giáo, mà còn là vị lãnh tụ tinh thần tối cao của toàn thể nước Tây Tạng về các mặt chánh trị cũng như Tôn giáo.

Những nhân viên cận vệ của Đạt Lai Lạt ma là Bố Cách (Sbugs, nghĩa là Đại Nội).

Dưới đây là pháp danh của mười bốn vị Đạt Lai Lạt ma.

1. Căn Đôn Chủ Ba, (1391-1475, Dge-vdun-grub-ba (Gedun Drunb), dịch là Tăng Thành) đại đệ tử của Đại sư Tông Khách Ba, sanh quán tại vùng Hiệp Đa Đạt Thác ở Hậu Tạng.

2. Căn Đôn Gia Mục Thố (1475-1543, Dge-gdun-rya-mtsho (Gedun Gyatso), dịch là Tăng Hải) sanh quán tại vùng Đạt Na Sai Mễ ở Hậu Tạng.

3. Tỏa Lãng Gia Mục Thố (1543-1588, Bsod-nams-rgya-mtsho (Sonam Gyatso), dịch là Phước Hải) sanh quán tại vùng Trạch Hát Khang Tắc Cống ở Đối Lũng.

4. Vinh Đơn Gia Mục Thố (1588-1616, Yon-tam-rgya-mtsho (Yonten Gyatso), dịch là Công Đức Hải) sanh quán tại vùng Thổ Mặc Đặc Bộ ở nội Mông Cổ.

5. A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (1617-1682, Nagdban blo-bzan rgya mtsho (Ngawang Lobsang Gyatso), dịch là Thiện Huệ Hải) sanh quán tại vùng Tần Ngõa Đạt Tắc ở Quỳnh Kiết.

6. Thương Ương Gia Mục Thố (1683-1706, Tshans-dbyans-rgya mtsho (Tsanyang Gyatso), dịch là Phạm Âm Hải) sanh quán tại vùng Vực Tùng ở Môn Địa.

7. Cách Tang Gia Mục Thố (1708-1758, Skal-bzan-rgya-mtsho (Kelsang Gyatso), dịch là Hiền Kiếp Hải) sanh quán tại vùng Lý Đường ở Tứ Xuyên.

8. Khương Bạch Gia Mục Thố (1758-1805, Hjam-dpal-rgya-mtsho (Jampal Gyatso), dịch là Diệu Kiết Hải) sanh quán tại vùng Thác Gia Lạp Nhật Cương ở Tạng Đống.

9. Long Đa Gia Mục Thố (1806-1816, Lun-rtogs-rgya-mtsho (Lungtog Gyatso), dịch là Giáo Chứng Hải) sanh quán tại vùng Đan Khước Khoa ở Đa Khang.

10. Sở Xưng Gia Mục Thố (1816-1837, Tshul-khrim-rgya-mtsho (Tsultrim Gyatso), dịch là Giới Hải) sanh quán tại vùng Lý Đường ở Tứ Xuyên.

11. Khải Châu Gia Mục Thố (1838-1855, Mkhas-sgrub-rgya-mtsho (Khedrup Gyatso), dịch là Thiện Thành Hải) sanh quán tại vùng Mộc Nha Tháp ở Đa Khang.

12. Xưng Lặc Gia Mục Thố (1856-1875, Sprin-las-rgya-mtsho (Trinlay Gyatso), dịch là Sự Nghiệp Hải) sanh quán tại vùng Hát Chương Tế ở Nương Bố.

13. Thổ Đan Gia Mục Thố (1876-1933, Thubbstan-rgya-mtsho (Thubten Gyatso), dịch là Phật Giáo Hải) sanh quán tại vùng Đạt Bố Lang Đôn.

14. Lạp Mộc Đăng Châu Gia Mục Thố (1935-; Nag-dban blo bzan bstan hdsin rgya mtsho (Tenzin Gyatso), dịch là Trì Giáo Hải) sanh quán tại vùng Hoàng Trung Kỳ Gia Xuyên ở Thanh Hải.

2/ Ban Thiền Lạt ma (hay Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni) và hệ chuyển sanh Ban Thiền Lạt ma

Đời thứ nhất là Khắc Chủ Kiệt, và là đại đệ tử của Đại sư Tông Khách Ba. Qua nhiều đời, Ban Thiền Lạt ma và Đạt Lai Lạt ma đều hỗ tương làm Thầy trò. Vị Đạt Lai Lạt ma thứ năm thỉnh vị Thầy là La Tang Khước Tiếp (Ban Thiền Lạt ma đời thứ IV) trụ trì chùa Trát Thập Luân Bố ở vùng Nhật Cách Tắc (Bkra'sis lhum-po) ở Hậu Tạng. Vào năm 1645, vua Cố Thỉ Hản (1) thống trị hai vùng Vệ và Tạng, tôn phong Ngài La Tang Khước Tiếp làm Ban Thiền Bác Khắc Đa (2). Nhân vị này trụ trì chùa Trát Thập Luân Bố, nên người ngoại quốc gọi là Trát Thập Lạt ma (Tshi-lama). Sau này hệ Ban Thiền Lạt ma đều tiếp nối truyền thừa trụ trì ngôi chùa đó.

Ban Thiền vốn là phiên âm của tiếng Tàu, mà nguyên âm là Pan-dita, cũng là hợp âm của tiếng Phạn và Tây Tạng; tiếng Phạn gọi là Ban Đệ Đạt (3); tiếng Tây Tạng gọi là Thiền Bảo (4); kết hợp lại thì thành nghĩa Đại Phạm Ngữ Học Sư, hay nghĩa Bác Học Quảng Đại, nên dịch là Đại Phật Học Sư; danh xưng Ban Thiền không phải mới được gọi sau này; thật ra danh từ này từ xưa đã có mà điển hình là vị Ban Thiền Thích Ca Sư Lợi.

Vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ năm được triều Thanh phong tặng danh hiệu là Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni; Ngạch Nhĩ Đức Ni (Ertini hay Erdeni) là tiếng Mãn Châu, nghĩa là Trân Bảo hoặc Như Ý Bảo Châu, vì Ngài là vị Đại Bảo Sư hoặc Đại Như Ý Bảo Sư. Người Tây Tạng tin tưởng rằng Ban Thiền Lạt ma là hóa thân của Phật A Di Đà; các vị Ban Thiền Lạt ma vốn có mối quan hệ Thầy trò với các vị Đại Lai Lạt ma. Tuy có quyền thế, nhưng những vị Ban Thiền Lạt ma chuyển sanh chỉ làm cố vấn cho chính quyền địa phương, mà không có toàn quyền như những vị Đạt Lai Lạt ma chuyển sanh.

Hệ của Ban Thiền Lạt ma có mười vị như sau:

1. Khắc Chủ Kiệt (1385-1438, hay Khải Chu (Mkhas-grub-rje)), đại đệ tử của Đại sư Tông Khách Ba, sanh quán tại vùng Lạp Đa Đóa Hùng ở Hậu Tạng.

2. Toản Lãng Tiếp Ngang (1439-1504, Bsod nams phyogs-glan) sanh quán tại vùng Ân Tát ở Hậu Tạng.

3. Ân Sư Ba (1505-1556, Dben-sa-pa) sanh quán tại vùng Ân Tát ở Hậu Tạng.

4. La Tang Khước Tiếp (1567-1662, Blo-bjan chos-kyi, rgyal-mtshan) sanh quán tại vùng Lan Chu Giáp ở Tạng Đống.

5. La Tang Ích Tây (1663-1737, Blo-bzan Ye-ses) sanh quán tại vùng Thác Gia Trúc Luân ở Hậu Tạng.

6. Ban Hựu Ích Hy (1738-1779, Dpal-ldan ye-ses) sanh quán tại vùng Thác Tây Mục.

7. Đăng Tất Ni Mã (1781-1852, Blo-bjan bstan pahi ni-ma) sanh quán tại vùng Tát Nam Mộc Kiết Hùng ở Hậu Tạng.

8. Đăng Tất Vượng Tu (1854-1882, Chos kyi grags-pa bstan-pahi dban-phyug) sanh quán tại vùng Thác Gia ở Hậu Tạng.

9. La Tang Khước Kinh (1883-1935, Blo-bzan thub-bstan chos-kyini ma) sanh quán tại vùng Đạt Bố Hoài Ba.

10. Cung Bảo Từ Đan (1938-1989, Blo- bzan phrin-las lhun-grub) sanh quán tại vùng Tuần Hóa ở Thanh Hải.

Trừ Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma ra, Hô Tất Lặc Hãn (Tulku-lama) của Lạt ma Hoàng giáo có Triết Bố Tôn Đơn Ba (chấp chưởng ở ngoại Mông Cổ), Chương Gia (chấp chưởng ở nội Mông Cổ).

Tóm lại, các Tu sĩ Hồng giáo vốn có vợ con, nên thường truyền ngôi pháp vị cho vợ con kế nhiệm. Để chấn chỉnh đạo pháp, Đại sư Tông Khách Ba cấm chỉ Tăng sĩ có vợ con, mà lập ra chế độ Hô Tất Lặc Hãn (5), để định người kế thừa ngôi pháp vị Đại Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma. Nguyên nhân có chế độ này vì sợ rằng nếu dùng chế độ tuyển chọn, thì Tăng chúng sẽ phân quyền chia bè phái, khiến cho Hoàng giáo bị phân tán và suy diệt. Sau này, để xác lập địa vị Lạt ma của các vị Lạt ma đạo cao đức trọng, các giáo phái khác ở Tây Tạng cũng dùng chế độ chuyển sanh mà kế thừa. Điển hình, Hồng giáo (Nyingma) cũng bắt chước chế độ này mà truyền pháp.

Chương VII: Lược Thuật về Những Tông Phái Chính của Phật Giáo Tây Tạng.

Ngoài phái Ca Đương (Kadampa) và Cách Lỗ (Gelugpa) ra, ở Tây Tạng còn có ba tông phái chính:

A. Phái Ninh Mã (Nyingma; Hồng giáo)

Phái Ninh Mã (1) cũng được gọi là Cựu Phái hoặc Đại Cứu Cánh Phái. Đây là Tiền Truyền Mật thừa vào thời Đại sĩ Liên Hoa Sanh (Padmasambhava), cộng thêm Hậu Truyền Mật thừa, hợp nhất thành một danh xưng. Đây cũng là phái hỗn hợp cách tu trì của Mật Giáo và Bổng giáo, nên Tăng sĩ xem nhẹ Giới luật và thường có vợ con. Phái này cho rằng chỉ chuyên trì mật chú, dùng Vô thượng Du Già làm pháp cứu cánh, thì tự nhiên sẽ hiển hiện Trí tuệ thanh tịnh, khế hợp lý Không mà đạt Giải thoát.

Sự truyền thừa của phái này bắt đầu từ Đại sĩ Liên Hoa Sanh người Ấn Độ. Do sự thỉnh cầu của vua Xích Tùng Đức Tán (755-797), Đại sĩ Liên Hoa Sanh đến Tây Tạng vào năm 747. Hợp tác với Ngài Tịch Hộ (Shantarakashita), Đại sĩ Liên Hoa Sanh cho xây chùa Tam Diệp (2) cách Lạp Tát (Lhasa) khoảng ba mươi dặm; nơi đây trở thành trung tâm tu học và phiên dịch Kinh điển đầu tiên từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Đại sĩ Liên Hoa Sanh ban truyền Mật thừa Vô thượng Du Già cho quần chúng Phật tử, mà đặc biệt là hai mươi lăm vị đại đệ tử. Họ là những vị Đại sĩ Tây Tạng đầu tiên đạt đại thành tựu. Điển hình, Ngưỡng Nhật Quang (Namkhe Nyingpo) có thể bay trên không trung trong nháy mắt; Da Hy Thố Cổ (Khandro Yeshe Tsogyal) cứu người chết sống trở lại; Trát Ba Thần thông Nhiên (Kawa Peltseg) đọc được tâm niệm của những người khác (3), v.v...

Đương thời cũng có các Ngài Vô Cấu Hữu (Vimalamitra), Phật Mật (Buddhaguhya, hay Buddha Gupta), v.v... sang Tây Tạng hoằng truyền Mật pháp. Bấy giờ, dẫu Nhân Minh học và giáo lý đạo Phật chưa được thạnh hành, nhưng sự tu trì Mật pháp (4) rất được chú trọng. Điển hình, Ngài Pháp Xưng y theo pháp quán đảnh Kim cang Giới Đại Mạn Trà La, mà truyền Mật pháp Du Già Bộ. Ngài Phật Mật truyền mật pháp Sự Bộ và Hành Bộ. Ba bộ Mật pháp đó (5) không khác với ba bộ Mật pháp của Hậu Truyền Phật giáo, và không những truyền cho phái Ninh Mã mà còn truyền cho các phái khác. Ngài Vô Cấu Hữu truyền Mật pháp Huyễn Biến Mật Tạng và Tâm Bộ. Đại sĩ Liên Hoa Sanh truyền Kim cang Quyết Pháp, Mã Đầu Pháp Vương, cùng các pháp hộ thần khác. Ngài Tĩnh Tạng (Shantipa) truyền pháp Văn Thù; Ngài Hồng Ca La (Nyag Jnana Kumara) truyền pháp Chân Thật Loại; Ngài Mặc Na La Khất Đa (Dhana-rakhitd) truyền pháp Tập Kinh. Những bộ Mật pháp Vô thượng Du Già chính là Mật pháp đặc biệt của phái Ninh Mã, nên sự truyền thừa vẫn còn nằm trong phạm vi bí mật.

Mật điển căn bản của phái Ninh Mã có mười tám bộ:

1. Đại Viên Mãn Bồ đề Tâm Biến Tác Vương;

2. Kim cang Trang Nghiêm Tích Giáo Mật Ý Tập;

3. Nhất Thiết Như Lai Đại Mật Tạng Mãnh Điển Luân Tích;

4. Nhất Thiết Như Lai Biến Tập Minh Kinh Du Già Thành Tựu Tích;

5. Thắng Mật Tạng Quyết Định;

6. Thích Tích Huyễn Võng Mật Kính;

7. Quyết Định Bí Mật Chân Thật Tánh;

8. Thánh Phương Tiện La Tác Liên Hoa Mạn;

9. Huyễn Võng Thiên Nữ Tích;

10. Bí Mật Tạng Tích;

11. Văn Thù Luân Bí Mật Tích;

12. Hậu Tích;

13. Thắng Mã Du Hý Tích;

14. Đại Bi Du Hý Tích;

15. Cam Lồ;

16. Không Hành Mẫu Diệm Nhiên Tích;

17. Mãnh Chú Tập Kim cang Căn Bổn Tích;

18. Thế Gian Cộng Tán Tu Hành Căn Bổn Tích.

Mười tám bộ này còn tồn tại trong bộ Bí Mật của đại tạng kinh Tây Tạng. Song, phái Ninh Mã thường dùng tám bộ như:

1. Văn Thù Thân;

2. Liên Hoa Ngữ;

3. Chân Thật Ý;

4. Cam Lồ Công Đức;

5. Quyết Sự Nghiệp; năm bộ này gọi là xuất thế gian pháp.

6. Sai Khiển Phi Nhân;

7. Mãnh Chú Chú Trớ,

8. Thế Gian Cung Tán; ba bộ này thuộc về thế gian pháp.

Trong đó, Văn Thù Thân là Tỳ Lô Giá Na Bộ; Liên Hoa Ngữ là Di Đà Bộ; Chân Thật Ý là Bất Động Bộ; Cam Lồ Công Đức là Bảo Sanh Bộ; Quyết Sự Nghiệp là Bất Không Thành Tựu Bộ. Sau khi hàng phục quỷ thần ở Tây Tạng xong, Đại sĩ Liên Hoa Sanh bèn truyền ba bộ thế gian pháp như Sai Khiển Phi Nhân, Mãnh Chú Chú Trớ, Thế Gian Cung Tán để bảo hộ Chánh pháp, nên có người cho rằng đây là Mật pháp của Tây Tạng.

Trong phái Ninh Mã, giáo pháp trọng yếu nhất là Đại Viên Mãn Giáo thọ, và được phân làm ba bộ:

1. Tâm Bộ (sems-sde);

2. Lũng Bộ (klon-sde);

3. Giáo thọ Bộ (man-nag sde).

Tâm Bộ có mười tám bộ kinh; Ngài Biến Chiếu Hộ (Vairocana raksita)truyền năm bộ; Ngài Vô Cấu Hữu (Vimala-mitra) truyền mười ba bộ. Lũng Bộ do Ngài Biến Chiếu Hộ truyền. Giáo thọ Bộ được phân làm hai phần:

1. Thậm Thâm Ninh Đề (Snin-thig), do Ngài Vô Cấu Hữu truyền;

2. Không Hành Ninh Đề, do Đại sĩ Liên Hoa Sanh truyền.

Y theo sự truyền thừa của các Mật pháp đó, mà tạo thành phái Ninh Mã.

Phái này phân Phật pháp ra làm chín thừa:

1. Thanh văn thừa;

2. Độc giác thừa;

3. Bồ tát thừa;

4. Tác Du già thừa (Sự Bộ);

5. Phương tiện Du già thừa (Hành Bộ);

6. Du già thừa;

7. Đại Du già thừa (Sanh Khởi Đại Du Già);

8. Tùy Du già thừa (Giáo A Nậu Du Già);

9. Vô thượng Du già thừa (Đại Viên Mãn A Để Du Già).

1, 2, 3 thuộc về Hiển giáo, do hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết, được gọi là Cộng Tam Thừa. 4, 5, 6 thuộc về Mật giáo, do báo thân Phật Kim cang Tát Đỏa và Đại Nhật Như Lai thuyết, được gọi là Mật Chú Ngoại Tam Thừa. 7, 8, 9 do pháp thân Phật Phổ Hiền thuyết, được gọi là Vô thượng Nội Tam Thừa. Sáu thừa đầu tiên được lưu hành trong các tông phái khác. Ba thừa cuối chỉ được truyền trong phái Ninh Mã. Ngoài ra, phái này phân Mật giáo làm Ngoại Tích Bộ và Nội Tích Bộ. Ngoại Tích Bộ có Sự Bộ (Kriya tantra), Hành Bộ (Carya tantra), Du Già Bộ (Yoga tantra).

Sự Bộ do Phật Thích Ca thuyết, và cũng gọi là Tác Mật, vốn tu vô tướng Du Già; tuy có kết đàn tràng, nhưng quan trọng hóa về việc thiết cúng dường, tụng chú, kết ấn, và chú trọng nơi sự tướng của việc thực hành chánh hạnh chánh mạng chánh ngữ để thanh tịnh thân tâm, và hành chút ít quán tưởng.

Hành Bộ và Du Già Bộ do Phật Tỳ Lô Giá Na thuyết. Hành Bộ cũng được gọi là Tu Mật; bộ này chú trọng vào việc phát triển các căn nội ngoại để thành tựu hợp nhất với Thiền định.

Du Già Bộ chú trọng việc phát triển nội tâm, và y theo lời dạy của Bổn Tôn Phật Tỳ Lô Giá Na.

Nội Vô thượng Tích Bộ là do Ngài Kim cang Trì thuyết. Tâm của mỗi người vốn hợp nhất với chư Phật (tức tâm tức Phật), nhưng vì vô minh và si mê, nên bị rơi vào lưới võng tham sân si mà chẳng thể tự cứu. Do đó, giai đoạn thứ nhất là phải dùng pháp suy tư quán tưởng, tức từ trong ý thức phát sanh ra một hình tượng hộ pháp, rồi hợp nhất với vị đó (6), biến bất tịnh thành thanh khiết, dẹp bỏ tri thức bình thường và chấp trước. Giai đoạn thứ hai là pháp Annuyoga (A Nộ Du Già), tức dùng thân Kim cang để đạt đến sơ tỉnh thức. Giai đoạn thứ ba là pháp Atiyoga (A Đề Du Già), tức loại bỏ tánh chất của hai giai đoạn trước, chuyên chú nhận thức tư duy chân chánh (7), đạt đến quả vị siêu thoát tối thắng của Vô thượng Thừa Pháp.

Chi hệ của phái này như phái Lạp Tôn (Lhlatsun-pa), phái Cát Nhĩ Thát (Kartok-pa), phái Na Đạt (Na-dak-pa), phái Mẫn Châu Lâm (Mindollin-pa), phái Đa Kiết Trát (Dorje-tak-pa). Tên của các hệ phái này xuất phát từ tên của các vị sáng lập hay từ tự viện của họ. Điển hình, phái Lạp Tôn và phái Cát Nhĩ Thát đều lấy tên của người sáng lập; phái Mẫn Châu Lâm và phái Kiết Trát lấy tên của chùa mà lập danh.

Chùa viện chủ yếu của phái Ninh Mã (hay Hồng giáo) là chùa Minh La Lăng (Mindroling, xây năm 1676), chùa Đa Nhĩ Tể Lạp Khắc (Dorje Drag, xây vào năm 1659); tại Tây Khương và các nơi khác có chùa Tạp Thát Cách (Kathok, xây năm 1159), chùa Ba Tả Lặc (Palyul, xây vào năm 1665), chùa Tảo Khắc Tần (Dzongchen, xây vào năm 1685), và chùa Hy Tần (Zhenchen, xây vào năm 1735).

Các tín đồ của giáo phái này thường đọc tụng mật chú, và thường hành lễ cúng dường vào mồng mười và ngày hai mươi lăm trong tháng giêng. Họ cũng thường nhập thất tịnh tu một mình hay cùng với nhiều người trong ba năm ba tháng.

B. Phái Ca Nhĩ Cư

(Kagyudpa, Cát Cử, hay phái Bạch Giáo)

Môn đồ của phái này phần nhiều là những vị Du Già Sư tu hành khổ hạnh. Ca (Ka, hay bkah) nghĩa âm tiếng Tây Tạng là "Cội nguồn của sự phát âm", vì do từ kim khẩu của Phật thuyết ra. Nhĩ Cư (Gyud hay brgyud) là khẩu truyền trực tiếp từ các Sư trưởng xuống đến chư đệ tử. Vì vậy, phái này chú trọng sự truyền thừa bằng khẩu truyền. Ngoài ra, Ca Nhĩ Cư còn có nghĩa là Bạch Truyền, vì chư Tổ sư của phái này như Mã Nhĩ Ba, Mật Lặc Nhật Ba, v.v... thường mặc y màu trắng. Thế nên, phái này được gọi là Bạch Giáo.

Người sáng lập ra phái Ca Nhĩ Cư (hay Cát Cử, Bkah-brgyud-pa) là Mã Nhĩ Ba (1), đã từng sang Ấn Độ ba lần, và cầu pháp dưới tòa của Tôn giả A Để Sa, và cũng là đệ tử thọ Mật thừa cuối cùng của Ngài Na Lộ Ba (2), đắc được Mật thừa chân truyền từ Ngài Kim Cang Tát Đỏa, Sa La Ha, Long Thọ. Ngài Mã Nhĩ Ba cũng thọ pháp Đại Thủ Ấn từ Ngài Di Lặc Đế (Maitri).

Mã Nhĩ Ba truyền pháp cho Ngài Mật Lặc Nhật Ba (Mi-la-ras-pa, 1052-1135). Mật Lặc Nhật Ba có rất nhiều đệ tử, mà người đạt đại thành tựu có đến hai mươi lăm vị. Trong đó, cao đệ của Mật Lặc Nhật Ba là Đạt Bảo Cáp Giải (3), một nhân tài kiệt xuất như vầng thái dương, và là sơ tổ của các chi phái trong phái Cát Cử. Về sau, do phái này hoằng truyền rộng rãi, khiến sự truyền thừa Mật pháp ngày càng sai biệt phức tạp, nên lại phân ra chín hệ phái nhỏ:

1. Đạt Bảo Cáp Giải tự thành lập phái Đạt Bố.

2. Đệ tử của Đạt Bảo Cáp Giải là Cầu Tùng Khẳng Ba (Dus-gsum-mkhyen-pa, hay Dusum Khyenpa) khai sáng phái Ca Nhĩ Mã (Karma-bkah-brgyud-pa), và dùng chùa Ca Nhĩ Mã làm đạo tràng chính. Cầu Tùng Khẳng Ba mất, lại chuyển thế tái sanh, làm tổ thứ hai của phái đó. Về sau, hậu thế tôn theo quy chế chuyển thế tái sanh. Chế độ chuyển thế của Phật sống (Hoạt Phật) do phái này khai sáng. Phái này rất được thạnh hành ở nước Tàu vào đời Minh. Tổ sư đời thứ tư của phái này vốn là pháp hữu của vua Minh Vĩnh Lạc, và thu Đại sư Tông Khách Ba làm đệ tử. Vào thời ấy, phái này chịu sự ảnh hưởng của phái Ninh Mã mạnh mẽ.

3. Bát Kết Mộc Cửu Ba (Phags-mo-gru-pa) khai sáng phái Bát Kết Ca Nhĩ Cư (Phags-gruhi-Bkah-brgyua-pa).

4. Lạp Mã Tân (Bla-ma shan) khai sáng phái Tân Tra Nhi (Shan-tshal-pa).

5. Đệ tử của Bát Kết Mộc Cửu Ba là Lâm Thanh (Rin-chen-dpal) khai sáng phái Địa Khang (Bdri-khun-pa), và kiến lập chùa Địa Khang cách Lạp Tát về phía Đông Bắc hơn một trăm dặm vào năm 1172.

6. Kim Ba Nhật Ba (Stan-pa-rgya-ras-pa) khai sáng phái Lộ Kiết (Hbrug-pa), dùng chùa Long Độc (Klun-rdol) làm đạo tràng chính.

7. Đại Kiết Long Đàn (Stag-lun-dam-pa) khai sáng phái Đại Long (Stag-lun-bkah-brgyud-pa), kiến lập tịnh xá Đại Long; phái này vẫn còn được truyền cho đến ngày nay.

8. Đạt Nhĩ Mã Đằng (Dharma-bdan-phyug) khai sáng phái Bột Long Ca (Hbad-ronbkah-brgyud-pa).

9. Lâm Phổ Khởi Trá (Rin-po-cne-rgya-tsha) khai sáng phái Đỗ Phổ (Khro-phu-bkah brgyud-pa). Đây là chi phái được khai sáng cuối cùng.

Về sau, phái Bát Kiết Mộc Cửu Ba và Ca Nhĩ Mã được hai triều Nguyên và Minh sắc phong, tiếp nối nhau nắm giữ chính quyền địa phương. Sau này, phái Bát Kiết Mộc Cửu Ba lại chia thành các phái như Chi Cống, Chủ Ba, Diệp Ba, v.v... Từ lúc phái Cách Lỗ của Hoàng giáo có ưu thế thì phái Ca Nhĩ Cư chỉ còn bốn chi phái vẫn giữ được thế lực như phái Chi Cống, Ca Nhĩ Mã, Đại Long, Chủ Ba.

Theo người Tây Tạng thì phân nửa Tăng chúng thường tu khổ hạnh vì noi gương Ngài Mật Lặc Nhật Ba. Từ phân nửa số người tu khổ hạnh lại xuất sanh ra các bậc Thánh giả. Đa phần, Tăng chúng của phái này, một khi vào tu hành trong tự viện, thì phải thực hành pháp tu khổ hạnh.

Về phương diện Hiển giáo thì sự tu học của phái này không khác biệt gì mấy với các tông phái khác. Song, về phương diện Mật thừa, thì phái này đặc biệt sùng bái tôn thờ Kim cang Du Già Mẫu. Do việc này, nên các học giả ngày nay cho rằng phái này thuộc về phái Cựu Hồng giáo (tức phái Ninh Mã).

Chùa chiền chủ yếu của phái này có chùa Chỉ Cống ở Hắc Trúc Công Khải, chùa Bát Bang ở Tây Khang Đức Cách.

Ngoài ra, phái Cát Nhĩ Cư còn có chi phái Hương Ba Ca Nhĩ Cư, do Ngài Quỳnh Ba Nam Giao lập ở chùa Hương Địa. Vị này truyền pháp cho hơn 80.000 đồ đệ. Những vị Giáo thọ sư của phái này đều từ Ấn Độ sang Tây Tạng truyền pháp, nên thành lập một phái riêng biệt. Phái này cùng với phái Đạt Bố La Ca Nhĩ Cư vốn có sự truyền thừa rộng lớn. Phái này chịu sự ảnh hưởng về giáo nghĩa của phái Ca Đương và Tác Ca, dung hợp Hiển-Mật giáo để thành lập giáo đoàn và giáo hóa tín đồ. Phái này y theo học thuyết Trung Quán của Ngài Nguyệt Xưng và pháp Đại Thủ Ấn. Lại nữa, phái này chẳng chú trọng văn tự, chỉ đặc biệt xem trọng về sự tu chứng, thông đạt Đại Thủ Ấn. Phái này cho rằng nhờ sự tu chứng mà hành giả mới có thể phát huy được giáo nghĩa căn bản của Phật pháp. Thế nên, phái này lấy sự giác ngộ làm mục đích cứu cánh.

C. Phái Tát Ca (Sakyapa; hay phái Đa Sắc)

Bàn về cội nguồn, đại thần Cống Ba Lặc Bảo Kỳ (Khonpalboche) của vua Xích Tùng Đức Thán (755-797) có người con tên là Cống Lỗ Xích Vượng Bố Tùng (Kluvi dbang po srung), vốn là một trong bảy vị tăng Tây Tạng đầu tiên của chùa Tam Diệp (Samye). Từ đó, trải qua mười đời, gia thất họ Cống sanh ra những vị Lạt ma trứ danh của phái Hồng giáo (hay Ninh Mã, Nyingma).

Đến đời thứ mười hai, Cống Khương Sở Khắc Trát Lặc Bố (Khonton Konchog Gyalbo, 1033-1102) vốn tinh thông Hiển giáo và Mật giáo, được người anh khuyến khích sang nước Mạc Cổ (Mugu), yết kiến và theo Ngài Trát Di Thích Ca Trí (Drogmi Shakya Yeshe, 992-1074) tu học Mật thừa.

Tu học thành tựu xong, Cống Khương Sở Khắc Trát Lặc Bố trở về Tây Tạng, đến vùng Tát Ca (1) lập chùa viện, vân tập đồ chúng, giảng kinh thuyết pháp, nên được xưng là phái Tát Ca.

Dân Tây Tạng cũng thường gọi phái Tát Ca là phái Đa Sắc vì trên vách tường của chùa Tát Ca thường có giăng các tấm lụa ba màu như hồng, xanh da trời, trắng; những tấm vải lụa màu này biểu thị cho ba vị Bồ tát là Văn Thù Sư Lợi, Kim cang Tát Đỏa, Quán Thế Âm.

Tại Tây Tạng, trừ phái Ca Đương chỉ chuyên sự giáo hóa, còn những phái khác thường cấu kết với hào tộc, giao thiệp với chính trị, phát sanh sự lạm dụng thế lực. Phái Tát Ca đã từng nắm chính quyền của Tây Tạng. Sự quan hệ giữa chính trị và phái Tát Ca rất thâm sâu. Phái này lấy vợ con làm người kế thừa pháp tự. Con của người khai sáng phái này là Cống Ca Ninh Bảo (Kunga Nyingpo, 1092-1158) học vấn rất uyên thâm, và là vị đại thành tựu, được ban truyền tất cả Hiển giáo và Mật giáo của Ngài Long Mãnh (tức Long Thọ). Phái Tát Ca được phát triển và xiển dương rộng rãi phần lớn nhờ công lao của vị này, nên tín đồ của phái này tôn xưng ông ta là Tát Khâm (Sa chen), cũng là vị tổ thứ nhất của phái Tát Ca (Đa Sắc).

Người con thứ hai của vị này là Tác Nam Tư Ma (Sonam Tsemo, 1142-1182) kế thừa ngôi pháp vị, chủ trì chùa Tát Ca, làm vị tổ thứ hai. Về sau, người em của Tác Nam Tư Ma là Thát Ba Kiên Tán (Drapa Gyaltshan, 1147-1216) kế thừa ngôi pháp vị, làm vị tổ thứ ba. Cháu nội của Cống Ca Ninh Bảo là Tát Ban Bán Trạch Đa (2) là vị tổ thứ tư, và cũng là người gieo mối quan hệ đầu tiên giữa Tây Tạng và vương thất nhà Nguyên. Vào năm hai mươi ba tuổi, Ngài Tát Ban Bán Trạch Đa thọ giới Tỳ kheo. Do đã từng sang Ấn Độ, Ni Bạc Nhĩ, Ca Thấp Di La tu học Hiển-Mật pháp, y thuật, thiên văn học, luận lý học, nhân minh học, v.v..., Ngài Tát Ban Bán Trạch Đa trở thành Tỳ kheo bác học đa văn, nên được tôn xưng là vị Ban Trí Đạt. Về sau, Ngài Tát Ban Bán Trạch Đa được vua Nguyên thỉnh mời sang Mông Cổ hoằng pháp, và được tôn xưng là Văn Thù Pháp Vương.

Năm 1205, Thành Cát Tư Hãn xâm chiếm nước Hạ Vương (Tangood, Đường Ngột). Từ đó, Tây Tạng thần phục Mông Cổ. Về sau, Hốt Tất Liệt cung thỉnh Bát Tư Ba (3) vào kinh đô, làm lễ quán đảnh, rồi tôn xưng vị này là Đế Sư, hiệu là Đại Bảo Pháp Vương. Tại hoàng cung Bát Tư Ba đã từng thắng trong các cuộc tranh luận với các đạo sĩ người Tàu và người Tây Phương trong hoàng cung. Hốt Tất Liệt lại cung thỉnh Bát Tư Ba soạn viết mẫu tự Mông Cổ. Loại mẫu tự này dựa vào mẫu tự của Phạn văn và Tây Tạng văn mà chế thành; tuy loại mẫu tự này chưa được phổ biến, nhưng mẫu tự hiện tại của Mông Cổ vốn y cứ vào mẫu tự do Bát Tư Ba chế ra. Hốt Tất Liệt thấy tài trí của Bát Tư Ba như thế, bèn giao quyền thống trị Tây Tạng cho Bát Tư Ba, và bắt tất cả thần dân Tây Tạng đều tín phụng theo phái Tát Ca. Thế nên, Bát Tư Ba là vị Lạt ma đầu tiên nắm quyền chánh trị và Tôn giáo ở Tây Tạng. Lúc Bát Tư Ba mất, ông được triều Nguyên ban hiệu: Hoàng Thiên Chi Hạ, Nhất Nhất Chi Thượng (4), Nghị Văn Phụ Chánh, Đại Thánh Chí Đức, Phổ Giác Chân Trí, Hữu Quốc Như Ý Đại Bảo Pháp Vương Tây Thiên Phật Tử, Đại Nguyên Đế Sư.

Sau khi Bát Tư Ba tịch, người em lên kế vị; tổng cộng, phái Tát Ca trị vì Tây Tạng hơn một trăm năm. Phái Tát Ca thường dùng phương thức truyền pháp cho vợ con, nên rất gần với thế tục.

Về phương diện Mật giáo, phái này lại chia ra làm ba chi phái. Phái thứ nhất là Nga Nhĩ (Ngor), do Nga Nhĩ Khâm Cống Cát Tang Ba (Ngorchen Vajradhara Kungah Zangpo 1382-1457) sáng lập vào năm 1429; vị này cũng đã từng xây chùa Vượng Mục Sở Đơn (Ewan Chodan), và là bậc học giả của Mật giáo. Phái thứ hai là Cống Cát (Gong dkar) do Cống Cát Nam Kiết (Kungah Namgyal, 1432-1469) sáng lập; vị này đã từng xây chùa Cang Tạp Đa Kiết Đơn (Gangpah Doredan) tại vùng Cống Cát, nên người sau gọi ngôi chùa đó là Cống Cát. Phái thứ ba là Trát Nhĩ (Tshar), do Trát Nhĩ Khâm La Sai Gia Thác (Tshachen Losel Gyamtsho, 1494-1566) sáng lập.

Học thuyết của phái này dùng tư tưởng của Trung Quán thuộc hệ Ngài Thanh Biện, để giải thích về giáo nghĩa căn bản của Mật thừa. Phái này lại dùng năm địa vị của Bồ tát (5) và bốn bộ Mật thừa (Sự Bộ, Hành Bộ, Du Già Bộ, Vô thượng Du Già Bộ), đối chiếu hợp nhất mà tu trì; dùng noãn, đảnh, nhẫn, Tam muội da trong bốn gia hạnh để đoạn sở thủ hoặc; dùng thế đệ nhất Tam muội da để đoạn năng thủ hoặc. Đồng thời, dùng bản tánh Trí tuệ sáng soi của Bồ tát mà nhập vào định đại lạc, tức là đạt đến cảnh giới Hiển-Mật dung thông. Học thuyết này không xuất phát từ Ấn Độ mà thuộc về tư tưởng của hệ phái Ban Thiền (Pan-c'en, nghĩa là Học Sư) Thích Ca Sư Lợi ở nước Ca Thấp Di La.

Chương VIII: Kết Luận

Hoàng giáo của Phật giáo Tây Tạng do Đại sư Tông Khách Ba sáng lập, có những điểm đặc sắc nhất là nghiêm thủ Giới luật Tỳ kheo thanh tịnh, thiết thật tu hành giới Bồ tát và giới Tam muội da (Kim cang) của Mật tông. Dùng giới làm nền tảng, rồi y theo thứ tự của giáo lý mà tu tập, tức là trước tu học Hiển giáo, sau hành trì Mật giáo, cùng cực lực xiển dương Chánh kiến Trung Quán-Ứng Thành và thuyết dung hợp của Kim cang Mật thừa. Bàn về yếu chỉ căn bổn, giáo pháp Hiển-Mật hợp nhất vô cấu của Đại sư vốn phù hợp với bản ý truyền thừa Mật pháp của Tôn giả A Để Sa: Hành giả Mật tông trước tiên phải học Hiển giáo để hiểu rõ giáo lý kinh luận, sau đó phải có đầy đủ tâm xuất ly thế gian và tâm Bồ đề, hầu mong có Chánh kiến căn bản về sự tu học Mật pháp, rồi mới bắt đầu dụng công tu tập Mật pháp. Tu học Mật pháp như thế, thì tự thân mới đắc được thành tựu.

Bàn về sự truyền thừa của Hoàng giáo, Đại sư Tông Khách Ba định lập chế độ chuyển sanh truyền thừa: Hệ Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma. Từ đó, trải qua sáu trăm năm, hệ Đạt Lai Lạt ma được truyền thừa qua mười bốn đời; hệ Ban Thiền Lạt ma được truyền thừa qua mười đời (1). Lại nữa, hệ Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma vốn có mối quan hệ Thầy trò hỗ tương suốt hơn sáu trăm năm. Điển hình, vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ V tôn thờ vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ IV làm vị Giáo thọ sư; vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ IX tôn sùng vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ XIII làm vị Giáo thọ sư. Ngoài ra, trước khi chánh thức được chánh phủ và quốc dân Tây Tạng chấp nhận và tôn sùng làm đức Đạt Lai Lạt ma, thì linh nhi (2) trong hiện đời phải được vị Ban Thiền Lạt ma công nhận. Ngược lại, linh nhi nào (3) trong hiện tại được xác nhận làm Ban Thiền Lạt ma thì trước hết cũng phải được đức Đạt Lai Lạt ma công nhận.

Tóm lại, điều đáng ghi nhớ là trong Phật giáo Tây Tạng, chỉ có Hoàng giáo (Cách Lỗ) của Đại sư Tông Khách Ba mới có hệ chuyển sanh truyền thừa Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma. Trong những tông phái lớn khác như Ninh Mã, Cát Cử, và Tát Ca, về sau đôi khi cũng định lập chế độ chuyển sanh truyền thừa để xác lập địa vị Lạt ma của các vị Lạt ma đạo cao đức trọng, như Châu Cô-Lạt ma (Tulku-lama), nhưng chỉ là những Lạt ma chuyển sanh mà thôi.

Bàn về thực tế, lắm khi tại mỗi chùa Cách Đăng (Ganden), Triết Bang (Drepung), Sắc Nhạ (Sera) tại vùng Lạp Tát có hơn năm ngàn Tăng sĩ đến tu học, và có ít nhất năm trăm Tăng sĩ tu tập trong mỗi Mật Viện. Thanh niên tăng từ mọi miền Tây Tạng đến cầu học tại những đại tự viện đó để được tu học giáo nghĩa về Luật giáo, Hiển giáo, và Mật giáo theo đúng tiêu chuẩn và đường hướng của Phật giáo chánh thống. Trước khi tu học Mật pháp, chư Tăng phái Cách Lỗ phải tu học Giới luật, năm bộ đại luận do Bồ tát Di Lặc tạo, luận Câu Xá, luận Trung Quán, Nhân Minh học và những bản chú thích luận điển của chư cao Tăng Ấn Độ cùng Tây Tạng về các đề mục đó. Thời gian tu học Luật giáo và Hiển giáo khoảng từ mười lăm đến hai mươi năm. Sau khi tốt nghiệp, có thể tu tập Mật giáo, hay trở về trụ xứ giảng dạy, hoặc nhập thất tu tập Thiền quán.

Tổng quát, nhờ địa thế thuận lợi, nên trải qua bao thế kỶ, Phật giáo Tây Tạng gần như tiếp thu mọi tinh hoa của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ; điển hình, giáo pháp Đại-Tiểu thừa và Hiển-Mật giáo do Tôn giả A Để Sa truyền từ Ấn Độ sang Tây Tạng, được Đại sư Tông Khách Ba vận dụng trong công cuộc chấn hưng và định lập nền tảng căn bản cho Phật giáo Tây Tạng nói chung và Hoàng giáo nói riêng; mãi cho đến ngày nay, không những giáo pháp đó vẫn được truyền thừa ở Tây Tạng mà còn được đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ XIV và chư vị Lạt ma hoằng truyền khắp nơi trên thế giới, từ khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1959.

Chú Thích

Chương I. Hóa thân của Bồ tát Văn Thù

1. tức chỉ cho Bồ tát Văn Thù.

2. tức biệt danh của xứ Tây Tạng.

3. tức chùa Cách Đăng.

4. hoặc dịch là Thiện Huệ, hay gọi là Kiết Tường.

5. vùng biên địa của núi Tuyết Sơn.

6. Văn Thù Sư Lợi.

7. hậu thân của luận sư Đại Minh Đỗ Quyên.

8. Tây Tạng.

9. tức chỉ cho Bồ tát Văn Thù.

10. Tây Tạng.

11. đạo tràng chính của đại sư Tông Khách Ba.

12. Sumati Kirti, tiếng Tây Tạng là gọi là La Tang Trát Ba Cụ (Blo-bzang grags-pa dpal).

13. Blo-bzang grags-pa dpal, tức là đại sư Tông Khách Ba.

14. Amdo.

15. Tsong-Kha.

16. nghĩa là người Tông Khách.

17. hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm.

18. tức mẹ của Đại Sư.

19. Lhasa, vương thành của Tây Tạng.

20. Tương truyền, đó chính là tượng Phật mà công chúa Văn Thành mang từ Trung Quốc sang Tây Tạng.

21. nghĩa là cây chiên đàn có trăm ngàn tượng Phật.

22. Choje Dondrup Rinchen, 1309-?, vốn là vị đại đức tu hành đã thành tựu. Đốn Châu Nhân Khâm nghĩa là Nghĩa Thành Bảo; Nhân Ba Thiết nghĩa là Đại Oai Đức. Ngài đã từng hai lần vào Tây Tạng, theo vị thiện tri thức đại Lạt ma Bố Đốn Nhân Khâm Châu (Bu-ston rin-chen grub, 1290-1364) để tu học Phật pháp. Không luận là Hiển giáo hay Mật giáo, Ngài đều học đến tận cùng cực. Trở về, Ngài xây hai ngôi chùa Giáp Quỳnh (Bga-khyung dgon-pa, 1349) và Hà Chương (Sha-sbrang), rồi tự thân dạy đạo cho hàng hậu học. Ngài thường hiển hiện thần thông đối với chúng sanh có duyên lành, vì mục đích dẫn dắt họ nhập tri kiến Phật, đạt được giải thoát.

23. tức hóa thân của Bồ tát Văn Thù.

24. nhập định.

25. Kar-ma-pa rol-pa'l-rdo-rje, 1340-1383, vị Tổ sư đời thứ tư của chi phái Ca Nhĩ Mã (Karmapa) thuộc phái Cát Cử (Kargyupa).

26. Kunga nying-po, tức Hoan Hỷ Tạng.

Chương II. Vị đại Tỳ kheo nghiêm trì giới luật cẩn mật và đại hành giả lỗi lạc chân tu thật chứng có trí huệ quảng đại bác học đa văn.

1. vượt hơn tất cả mọi người.

2. tiếng Tây Tạng gọi là Đốn Thoát Đa Kiệt, Don-yod rdo-rje.

3. vị đã chứng đạo và thành tựu thánh quả; đối với giáo pháp Hiển-Mật đều thông suốt vô ngại.

4. tức Tây Tạng.

5. Bộ luận Thích Lượng do luận sư Pháp Xưng tạo, đã được hội Phật giáo Đài Loan xuất bản. Quyển luận nhân minh này rất quý báu.

6. Denma Rinchen Pel, tức là Bảo Kiết Tường, vị Lạt ma chùa Chỉ Công.

7. chùa Chỉ Công phân làm ba ngôi chùa; chùa Chỉ Công Thế (Drikung Kargyu) là một trong ba ngôi chùa đó, cách Lạp Tát (Lhasa) 5 ngày đường.

8. Gong-thang, nằm về phía đông nam của Lạp Tát.

9. KonChog Kyab, dịch là Bảo Y Xứ.

10. tôn hiệu của Đại Sư.

11. Dewachen, dịch là chùa Cựu Lạc; chùa này là một trong các đại tự viện nổi tiếng, và là nơi trụ xứ của các vị Lạt ma thuộc sáu chi phái nổi tiếng vào đương thời vì thường ban truyền và giảng kinh luận. Đây cũng là nơi ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết đã từng tu học.

12. Tashi Sengi, dịch là Kiết Tường Sư Tử.

13. Ye-shes Densapa Gekong, dịch là Trí Sư Tử.

14. Ornament for the Realisation (Abhisamayalamkara).

15. 'Jam- Skya, người Tây Tạng.

16. Rngog blo ldan shes-rab, 1059-1109.

17. Đương thời, chùa Đệ Ngõa Cẩn vốn là một chi nhánh của chùa Tang Phác.

18. Bla-ma dam-pa bsod-nams rgyal-mtshan, 1312-1375; (thường được gọi là Lạt ma Đơn Ba, và là cháu của Bát Tư Ba), cầu học Văn Thù ngũ tự minh (hồng hoàng Văn Thù).

19. Khenchen Rinchen Namgyal, dịch là Bảo Thắng, vị đệ tử nối pháp của ngài Bố Đốn.

20. Bo-dong phyags-las rnam-rgyal, 1306-1386; ngài vốn là một vị Lạt ma nổi tiếng của phái Thời Luân Kim Cang.

21. Rtse-chen, nằm trên ngọn núi phía bắc Giang Tư.

22. Ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa vốn tên là Tuyên Nô La Truy (Gzhon-nu blo-gros, 1349-1412, dịch là Đồng Tử Huệ). Ngài sinh ra tại vùng Nhân Đạt Khảo Toa, gần chùa Tát Ca. Người Tây Tạng y nơi sinh quán của Ngài mà tôn xưng là "Nhân Đạt Ngõa". Từ nhỏ ngài Nhân Đạt Ngõa đã tỏ ra thông minh hơn người. Theo quan điểm của ngài Nhân Đạt Ngõa thì ba cõi nơi thế gian giống như mộng huyễn. Hành đạo Bồ tát chỉ như lập đàn tràng "trăng soi đáy nước"; làm Phật sự như "hoa rơi trên hư không". Lại nữa, vì chán chường bao thứ xiểm cuồng, ân ái thế tục không thật, nên Ngài phát tâm tìm cầu chân lý, và xuất gia lúc còn ấu niên. Xuất gia xong, ngài Nhân Đạt Ngõa y theo các đại thiện tri thức như Khánh Hỷ Tường và Ban Thiền Mật Để, để tu học kinh luận. Ngài Nhân Đạt Ngõa lại đến chùa Tát Ca nghe vị trụ trì giảng luận Trung Quán. Do túc trí đảnh ngộ, nên đối với tất cả kinh luận Hiển-Mật, ngài Nhân Đạt Ngõa chỉ cần xem qua một lần, thì có thể thông hiểu mọi ý nghĩa thâm sâu. Ví như luận Trung Quán, nhờ dùng huệ lực quán sát, mà ngài Nhân Đạt Ngõa có thể hiểu rõ thâm nghĩa và thông suốt luận lý thuộc phái của ngài Nguyệt Xưng, rồi giảng giải cho hàng hậu học.

Trung Quán là một bộ luận xiển minh giáo lý duyên khởi tánh không của đức Như Lai. Người học Phật nếu không chứng đắc được nghĩa không (hay tánh không), thì sẽ rơi vào hàng Thanh văn, Bích Chi Phật, và khó thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Vì vậy Trung Quán là bộ luận rất quan trọng. Song, vào thời bấy giờ, học thuyết của luận Trung Quán rất suy vi; người thừa thọ thật rất ít oi, huống hồ các vị giảng sư. Về sau, do ngài Nhân Đạt Ngõa cực lực xiển dương, tuyên giảng rành rẽ, nên học thuyết Trung Quán mới được khôi phục lại ở Tây Tạng. Ngài Cát Mã Bảo Đồng tán thán:

- Xưa kia, trừ chùa Tát Ca ra, nơi nơi đều hiếm khi nghe danh từ luận Trung Quán. Hiện nay tại Tây Tạng, người người bàn trực tiếp hay gián tiếp về luận Trung Quán, đều do công lao của Nhân Đạt Ngõa.

Sau này, ngài Nhân Đạt Ngõa cũng theo các đại thiện tri thức như Hư Không Hiền, Danh Xưng Tràng, Thắng Y Tường mà thừa thọ các Mật pháp như Tập Mật, Thắng Lạc, v.v... rồi xiển dương rộng rãi. Trong số các chư đại đức của phái Tát Ca có khả năng hoằng dương đại pháp Tập Mật, cùng những vị có chánh kiến chân thật của phái Trung Quán-Ứng Thành, thì ngài Nhân Đạt Ngõa là bậc nhất.

Giữa ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết và đại sư Tông Khách Ba cùng các giới Phật giáo tu pháp Hiển-Mật ở toàn Tây Tạng, ngài Nhân Đạt Ngõa là vị có học vấn uyên thâm cao siêu nhất. Ngài Nhân Đạt Ngõa có trước tác giải thích những bộ luận như Trung Quán Luận, Nhập Trung Luận, Tứ Bách Luận, Câu Xá Luận, cùng viết sớ chú giải các kinh điển Mật pháp.

Ngài Nhân Đạt Ngõa tu hành nghiêm cẩn. Đối với những giới luật nhỏ nhặt, cũng luôn thủ hộ không phạm. Lại nữa, Ngài cũng chân thật phát tâm Bồ Đề; đối đãi hòa nhã với mọi người; đến đâu cũng hoằng dương chánh pháp, khiến rất nhiều người quy ngưỡng; nơi hai loại thứ lớp của Mật pháp vô thượng, đã đắc được tam ma địa kiên cố, cùng chứng được hai loại công đức cộng và bất cộng. Vì vậy, chư Thiên thường hiện thân mang phẩm vật đến cúng dường, cùng tán thán không dứt.

Lần nọ, ngài Nhân Đạt Ngõa phát nguyện giảng thuyết kinh luận. Đêm hôm đó, trên hư không có Bồ tát Long Thọ, Vô Trước, v.v... hiện thân đánh trống đại pháp, vang khắp không gian.

23. skyor-mo-lung, kiến lập vào năm 1169; đây là ngôi chùa thường giảng giải và ban truyền giới luật nổi tiếng.

24. Kazhiwa Losal, một đại luật sư.

25. Stod-lung-phu, là vùng phụ cận của Lạp Tát về hướng tây bắc.

26. Thật ra, chẳng phải làm ngược lại lời dạy của Thầy bổn sư, mà Đại Sư muốn thị hiện răn nhắc kẻ hậu học. Điều kiện căn bản để thành tựu đạo nghiệp khi tu học Hiển-Mật giáo, là phải cung kính tiếp thọ lời dạy bảo của Thầy bổn sư. Không phải chỉ biểu hiện hình tướng cúng dường hầu hạ bên ngoài, mà quan trọng nhất là bên trong phải khởi tâm hằng cung kính. Chư cổ đức thành tựu đạo nghiệp đều không vượt ngoài hạn lệ đó. Lý lẽ này, trong kinh Hoa Nghiêm giảng giải rõ ràng.

27. Tantra of Hevajra, là một bộ trong Vô Thượng Mật Bộ; Mật pháp của phái Tát Ca lấy bộ kinh này làm chủ yếu.

28. Lạp Đóa Ráng, La-stod-byang, nằm về phía tây của vùng Lạp Tư Mão Nhân (Ngam-ring) là ấp đầu tiên của vùng Lạp Đóa Ráng. Chùa Mão Nhân thuộc về hệ phái Tát Ca. Về sau, đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ năm đổi ngôi chùa đó thành đạo tràng thuộc phái Hoàng Giáo.

29. Mal-gro lha-lung, nằm giữa Lạp Tát và Chỉ Công.

30. tức tâm cần cầu đạo giác ngộ giải thoát.

31. bộ luận này do đệ tử của Tát Ca Ban Trí Đạt là Ổ Do Ba trước tác. Tại Tây Tạng, vào thế kỶ thứ mười ba và mười bốn, bộ luận này rất nổi tiếng.

32. Kun-dga' bkra-shjs, 1349-1435; xưng gọn là bkhon bkras-pa, dịch là Côn Trạch Tư Ba, vốn là cháu của Bát Tư Ba, và cũng là Thầy bổn sư của Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa. Năm 1413, phụng chiếu triều đình mà vào kinh đô. Vua Minh Thành Tổ tôn xưng Ngài là Đại Thừa Pháp Vương.

33. Kun-dga' rgyal-mtsham, dịch là Khánh HỶ Tràng.

34. chỉ đọc tụng ra chứ không giải thích.

35. tức là những trước tác trọng yếu của các tông phái Phật giáo Đại Thừa. Quyển Sử Phật Giáo do ngài Tùng Ba Kham Bố viết, có ghi những loại kinh luận phụ trợ khi bàn đến sở học kinh luận Hiển-Mật của đại sư Tông Khách Ba.

36. nghĩa là đọc qua bộ luận này, thì sẽ phát triển trí huệ.

37. thường gọi là mười sáu sự.

38. người Tây Tạng tôn xưng sáu vị này là "sáu vị trang nghiêm thế giới".

39. Tshultrim Rin-chen, là đại luật sư chuyên truyền giới luật thuộc phái Thích Ca Thất Lợi Bạt Đà La.

40. Gdan-sa-mthil, do Lạt ma Mạt Chủ Cát Cử làm trụ trì.

41. Grags-pa byang-chub, 1356-1386; dịch là Xưng Bồ Đề.

42. Je Phagmo Drupa, đệ tử của ngài Gamgopa.

43. mà ngài Mã Nhĩ Ba (Marpa) truyền trao cho đại đệ tử là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa).

44. gần chùa Tát Ca.

45. Mati pan-chen, là vị Thầy của ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, thuộc phái Giác Mão.

46. snyan-ngag me-long, nghĩa là thơ kính. Đây là thơ văn chữ Phạn, được dịch ra chữ Tây Tạng. Người Tây Tạng thường lấy bộ sách này làm trọng yếu cho việc học tập thơ vận chương cú.

47. Tshal, thuộc phái Cát Cử, tức chi phái Sát Ba.

48. Điềm lành biểu thị rằng trong tương lai, A Vượng Trát Ba sẽ thành tựu đạo nghiệp, hoằng dương Phật pháp rộng khắp.

49. Tuy không nói ra, nhưng Đại Sư đã hiểu rõ về điềm dự báo này. Bay lên ngọn núi cao chót vót, biểu thị rằng Đại Sư sẽ vượt khỏi sanh tử hiểm nạn, đạt đến giải thoát rốt ráo. Tảng đá màu trắng rộng bằng phẳng sạch sẽ, biểu thị ý niệm thanh tịnh, đất tâm trong sạch không cấu uế, tức đã sớm xa lìa tâm tự lợi ô uế cùng tâm thô phù phiền não. Đóa hoa sen xanh nở rộ tươi thắm, biểu thị cho trí huệ quảng đại, khiến chánh pháp như vầng mặt trời trên hư không, soi chiếu khắp chốn. Cành hoa sen không khô héo, và mỗi phần của nhánh hoa đều đầy đủ rõ ràng, biểu thị cho giáo pháp thanh tịnh của Đại Sư sẽ mãi trụ tại thế gian. Ngắt lấy cành hoa sen, biểu thị cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp rộng khắp, sẽ do Đại Sư đảm nhận trọng trách.

50. nằm về hướng đông của Lạp Tát.

51. đây là bộ sớ sao giá trị nhất của bộ Thời Luân Kim Cang.

52. Trung Quán Luận, Hồi Tranh Luận, Lục Thập Chính Lý Luận, Thất Thập Không Tánh Luận, Tinh Cứu Luận.

53. stag-tshang, cũng được gọi là Đạt Sáng Tông Khách.

54. rong, tức vùng Dương Trác Ủng Hồ, nằm về phía tây bắc của Khách Ha Ha Cốc.

55. Thời niên thiếu, có lần Lạt ma Ổ Mã Ba nghe văng vẳng bên tai tiếng của Văn Thù ngũ tự minh; âm thanh nghe rất êm ái. Song, lúc ấy Ngài cho rằng đó là chú âm điên cuồng, nên bỏ chạy, nhưng bị vấp té, khiến bất tỉnh. Vừa tỉnh lại, Ngài thấy Bồ tát Văn Thù hiện tướng trang nghiêm màu đen đang đứng trước mặt.

Sau này, Ngài cầu thỉnh vị tôn sư ban truyền pháp quán đảnh của Bồ tát Văn Thù. Tu tập chẳng bao lâu, Bồ tát Văn Thù thường hiện thân thuyết pháp. Song, Ngài không dám xác quyết cho là chân thật, mà chỉ quán chiếu hộ niệm câu "tất cả các pháp đều là huyễn hóa", nên trong tâm không bị chút chướng ngại nào.

Lúc trưởng thành, Ngài đến chùa Tang Phác ở Vệ Tạng để cầu học Phật pháp. Do trí huệ cao siêu, nên vừa học qua bộ luận Hiện Quán Trang Nghiêm thì được người người tặng cho danh hiệu là "Thông Trí". Về sau, Ngài định y theo luận Hiện Quán Trang Nghiêm để đến các tự viện mà lập tông đáp biện, nhưng bổn tôn Bồ tát Văn Thù hiện thân bảo:

- Ông phải nên đem hết những của cải riêng tư để cúng dường cho tăng chúng.

Ngài hỏi:

- Nếu con đem hết tất cả tài vật mà cúng dường cho tăng chúng, thì làm sao còn tiền phí tổn để đi cầu học?

- Ông chớ lo lắng vì về sau tự nhiên sẽ tìm được tạng báu!

Y theo lời dạy của Bổn Tôn, Ngài đem hết tài sản cúng dường cho tăng chúng, rồi thỉnh vấn:

- Con đã đem hết của cải mà cúng dường tăng chúng, vậy Bồ tát hãy ban cho con tạng báu!

Bổn Tôn đáp:

- Hành việc thiện tức là có tạng báu. Mục đích của Ta bảo ngươi "sẽ tìm được tạng báu", nghĩa là khuyên ngươi nên xả bỏ và xa rời vật chất ở thế gian, đoạn trừ tham ái lợi danh, mà chuyên tâm tu hành!

Nghe lời dạy bảo của Bổn Tôn xong, Lạt ma Ổ Mã Ba bèn xả bỏ hết mọi sự nghiệp ở thế gian, một mình đi đến Công Bố, y theo ngài Ổ Cẩn Ba ('o-rgyan-pa) học Mật pháp của phái Cát Mã Cát Cử cùng pháp Đại Thủ Ấn của phái Cát Cử, v.v... Tu học xong, Ngài chọn một nơi thanh tịnh, chuyên tâm tu trì. Bấy giờ, sự thị hiện thân hình ngôn ngữ của Bổn Tôn (tức Bồ tát Văn Thù) ngày càng rõ ràng.

Sau này, Ngài lại đến chùa Tang Da, y theo ngài Thác Cát Ngõa tu học sáu loại gia hạnh Thời Luân Kim Cang. Khi ấy, Ngài lại càng thấy rõ huyễn thân của Bổn Tôn. Vì muốn xác định chân ngụy, nên Lạt ma Ổ Mã Ba thỉnh cầu Lạt ma Đồng Thắng ở núi Kiết Tường khảo sát đoán định. Lạt ma Đồng Thắng bèn dùng Mật pháp để khảo vấn. Những lời đối đáp của Bổn Tôn về các nạn vấn đều phù hợp với các kinh luận điển tích. Vì vậy, Lạt ma Đồng Thắng bảo Lạt ma Ổ Mã Ba:

- Y theo những lời đối đáp, đó chính là Bổn Tôn, chẳng còn nghi ngờ gì!

Lần nọ, Lạt ma Ổ Mã Ba định đến Hậu Tạng để y theo và tham học với một trong hai vị đại thiện tri thức nổi tiếng. Không biết chọn lựa cách nào, Lạt ma Ổ Mã Ba bèn cầu thỉnh Bổn Tôn, rồi được bảo:

- Ông cứ đi đi! Khi đến đó, hãy cầu thỉnh nơi một người xuất gia là được!

Lạt ma Ổ Mã Ba đến vùng đó, gặp một vị tăng. Lạt ma Ổ Mã Ba vừa thỉnh hỏi xong, vị tăng kia bèn bảo:

- Công đức chứng đắc của ngài Kết Tôn Ba Nhã Ngõa thật rất thù thắng. Nếu ông y chỉ theo vị đó thì quyết sẽ đạt được lợi ích.

Nhờ y theo ngài Kết Tôn Ba Nhã Ngõa, mà Lạt ma Ổ Mã Ba phát tâm xuất ly, và dần dần xa rời các tham trước ở thế gian.

Nghe lời dạy của Bổn Tôn, Lạt ma Ổ Mã Ba đến chùa Tát Ca và y theo ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa, để tu học luận Trung Quán cùng giới luật. Trên đường trở về, đi ngang qua vùng Khách Địa Kiếp Lũng, nghe có đại sư Tông Khách Ba đang cư trú gần đó, nên Lạt ma Ổ Mã Ba lập tức đến đó thỉnh giáo, cùng được nghe Đại Sư giảng về quyển Nhập Trung Luận.

Ngày qua ngày, cứ liên tục vào mỗi buổi sáng, bổn tôn Bồ tát Văn Thù đều đến dạy cho Lạt ma Ổ Mã Ba một câu kệ, cùng dạy cách đối trị phiền não và vọng tưởng thô phù, rồi dạy thêm pháp phát tâm xuất ly và tâm Bồ Đề, cùng chánh tri kiến. Nói chung, bổn tôn Bồ tát Văn Thù là vị thiện tri thức gần gũi và quan trọng nhất của Lạt ma Ổ Mã Ba. Trong tất cả cử chỉ hành động, Lạt ma Ổ Mã Ba đều y theo lời dạy của Bổn Tôn mà thực hành. Bên ngoài thì có Bổn Tôn chỉ dạy, bên trong lại có đầy đủ tín tâm kiên cố, nên dũng mãnh tinh tấn tu hành chẳng bao lâu, Lạt ma Ổ Mã Ba chứng đắc công đức thù thắng, rộng lớn vô biên, không thể diễn bày. Ngoài ra, Bổn Tôn còn dạy Lạt ma Ổ Mã Ba pháp nghĩa thâm sâu trong bài kệ "Tam Hữu Niết Bàn Bình Đẳng", cũng gọi là "Kim Cang Cú". Nội dung như sau:

"Y các loại duyên khởi, mà hiện nghĩa chân thật.

Gọi sơ tu quy y, tập phước tịnh trị chướng.

Tu duyên khởi thuận nghịch, tự tánh thân ngữ ý,

Thâm nhập vào giáo thọ. Người tu hạnh Bồ Đề,

An trụ nơi tam ma địa, uẩn tụ thân ngữ ý,

Đều không có bản ngã, người khác cũng vô ngã,

Người tu hạnh Bồ Đề, phải biết nghĩa vô ngã,

Uẩn giới cùng các xứ, hiển không cùng sanh tử,

Niết Bàn cùng duyên khởi, đều không có tự tánh.

Xa rời sanh trụ diệt, vượt hữu tình vô ngã,

Lời nói cùng hý luận, chẳng phải thâm tịch tĩnh,

Ai biết Đại Niết Bàn!"

Tuy bài kệ này không dài, nhưng bao hàm ý nghĩa của ba tạng giáo điển, thật rất quý báu. Bài văn này được ghi lại trong những trước tác của đại sư Tông Khách Ba.

Sau khi nhập tịch, nhục thân của Lạt ma Ổ Mã Ba được trà tỳ. Lúc ấy, ánh lửa và khói đều biến thành hình dạng như bảo kiếm và đóa hoa sen. Trà tỳ xong, xá lợi của Lạt ma Ổ Mã Ba phóng hào quang sáng màu vàng đỏ trong suốt như thủy tinh, và tự nhiên kết hợp thành một vòng tròn rất trang nghiêm.

* Lời bàn của dịch giả:

'Người tu học Phật pháp, dẫu có hành trì pháp môn Mật tông, Thiền tông, Tịnh Độ tông, v.v... phải có trạch nhãn pháp, tức là phải có đôi mắt chánh kiến để chọn lựa và biết rõ việc chơn ngụy dựa theo lý nhân quả căn bản của chánh pháp. Lại nữa, phải biết rõ mục đích tu hành của các tông phái và sự hành trì khác biệt giữa các tông phái, mà không nên hàm hồ tu lẫn lộn cách thức của tông này qua cách thức của tông kia.

Bàn về mục đích tu hành, tất cả tông phái đều hướng đến sự giác ngộ giải thoát cứu cánh, chứng đạt quả vị Phật. Như kinh Pháp Hoa dạy, đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi Ta Bà để giáo hóa chúng sanh khiến họ "Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến". Lại nữa, sau khi thành đạo Bồ Đề vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới cội cây Bồ Đề, đức Phật bèn ta thán:

- Lạ thay! Chúng sanh đều có đủ đức tướng của Như Lai, và có khả năng thành Phật. Song, vì vọng tưởng chấp trước nên bị trôi lăn mãi trong vòng sanh tử luân hồi!

Phật chỉ rõ rằng mỗi chúng sanh đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên cứ bị lưu chuyển mãi trong biển khổ sanh tử luân hồi. Vì lòng từ bi, tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh, đức Phật mới phương tiện thuyết ra tám mươi bốn ngàn pháp môn, để đối trị tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao, hầu mong họ chóng đạt đạo Bồ Đề.

Người có tâm ngay thẳng, chất trực thì đức Phật dạy tu pháp môn thiền định. Người chán cõi Ta Bà đầy dẫy những sự khổ đau, thì đức Phật dạy tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Người thích thần thông huyền diệu, thì Phật dạy tu mật chú. Tựu chung, thể theo ý thích và căn tánh của chúng sanh mà đức Phật quyền thiết phương tiện. Song, dẫu pháp môn phương tiện nào cũng đều dẫn về chân lý cứu cánh, tức khiến cho chúng sanh mau chóng được thành Phật.

Bàn về pháp môn tu thiền, hiện tại có hai loại thiền phổ thông nhất là Tiểu Thừa thiền và Đại Thừa thiền. Tiểu Thừa thiền tu theo từng cảnh giới thiền có lớn nhỏ, cấp bực, tuần tự, rồi mới chứng bốn quả A La Hán. Đại Thừa thiền là dành cho những vị thượng căn, có căn tánh lanh lợi. Điểm chủ yếu là hành giả tự lấy trí huệ để quán chiếu thân tâm. Trong Đại thừa thiền cũng có chia ra nhiều loại thiền như Tự Tánh Thanh Tịnh thiền, Trực Chỉ Thiền, Như Lai Tối Thượng Thừa thiền, Đạt Ma Tổ sư thiền, v.v... Lấy ví dụ về Đạt Ma Tổ sư thiền, hành giả phải "minh tâm kiến tánh (thấy tâm rõ tánh)", tức nhận chân ra nơi mình có Phật tánh chân thật mà hằng sống trở lại với ông Phật (hay ông chủ) của chính mình ngay trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi và trong cái thấy nghe (hồi quang phản chiếu, hay phản văn văn tự tánh), tức là sống lại với pháp thân của Phật, thì mười phương chư Phật đâu còn xa cách.

Đối với pháp môn Tịnh Độ, vì bản nguyện độ sanh, đức Phật Di Đà phát bốn mươi tám lời thệ nguyện để tiếp dẫn chúng sanh ở các cõi uế trược về cõi tịnh độ của Tây Phương Cực Lạc. Chúng sanh nào nhàm chán sống trong cảnh uế độ mà nhất tâm niệm Phật thì sẽ được Phật A Di Đà cùng chư thánh chúng tiếp dẫn sang cõi Tây Phương Cực Lạc. Nhờ nhân duyên thắng cảnh tăng thượng mà dần dần chứng được lý vô sanh pháp nhẫn, tức là đạt đến quả vị Phật, như câu "Hoa nở thấy Phật liền ngộ vô sanh".

Đối với Mật tông, hành giả tu trì chân ngôn mật chú để nương nhờ thần lực gia trì của chư Phật và chư Bồ tát, tức "Tam mật gia trì", mà mau chóng "Tự Thân Thành Phật" trong hiện đời.

Tựu chung, tuy sự tu học và hành trì có khác nhau, nhưng điểm chính yếu của các tông phái là đều hướng về mục đích giác ngộ, chứng đạt quả vị Phật.

Sự khác nhau trong khi tu trì giữa ba tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, và Mật tông như sau.

Bàn về Thiền Tông, trong khi tu trì, nếu gặp cảnh giới tốt xấu nào, hành giả cũng phải xả bỏ chứ không được bám chấp vào, như câu "Ma đến chém ma; Phật đến chém Phật". Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật chỉ dạy rõ ràng về năm mươi cảnh giới ma của năm uẩn. Hành giả phải tự dùng trí huệ mà nhận biết và xả bỏ, thì không bị chướng ngại, bằng ngược lại thì sẽ bị lạc vào đường ma. Nói tóm gọn, nhân của hành giả tu thiền định là phải trở về với tánh Không "bản nhiên vô nhất vật", thanh tịnh lặng lẽ. Quả của hành giả tu thiền là phải đạt đến "bản tánh vốn không", hay "duyên khởi tánh Không" tròn đầy trong sáng, tức là Phật tánh, hay pháp thân Phật. Thế nên, trong lúc tu thiền, không bám chấp vào bất cứ một cảnh giới nào, thì mới đạt đến quả vị cứu cánh vô sanh pháp nhẫn, tức là quả vị Phật.

Nhân của người tu theo pháp môn Tịnh Độ là niệm Phật cầu vãng sanh, thì quả phải thấy được Phật. Thể như lời dạy của ngài Huệ Viễn (sơ tổ tông Tịnh Độ) thì trong Tam muội phải thấy được Phật, tức là đạt đến cảnh giới mình và Phật là một, mà không còn thấy hai. Thế nên, trong lúc niệm danh hiệu Phật hay trong cảnh mộng mà thấy Phật hiện tướng hảo quang minh thì đó là điềm lành, vì nhân hợp với quả.

Nhân của người tu theo Mật tông là tu trì chân ngôn mật chú để được chư Phật và chư Bồ tát gia trì. Quả là phải "Tự thân thành Phật" trong hiện đời, tức là nhờ sự gia trì của chư Phật và chư Bồ tát mà hành giả đạt đến cảnh giới hữu tướng tam mật (ba nghiệp ấn thân khẩu ý đều hợp với chư Phật), rồi đến vô tướng tam mật (tức là mọi hành động cử chỉ đều giống y như oai nghi tế hạnh của chư Phật mà làm lợi ích cho chúng sanh). Trên đường tu hành đạt đến hữu tướng tam mật, do nhờ sức gia trì và lời chỉ dạy của chư Phật mà ba nghiệp thân miệng ý của hành giả mau chóng được thanh tịnh. Đôi khi nếu cần, chư Phật và chư Bồ tát cũng hiện thân để giáo hóa. Đó là nhân hợp với quả.

Tổng quát, đối với người tu thiền thì khi thấy cảnh giới thánh mà không cho là thánh, thì mới đạt đến cảnh giới lành, tức là ý nghĩa "Ma đến chém ma, Phật đến chém Phật", vì thuộc về vô tướng. Đối với người tu pháp môn niệm Phật, khi trì danh niệm Phật mà thấy Phật hiện tướng hảo quang minh để gia trì hay những cảnh giới lành như hoa sen nở rộ, đất đai đều biến thành cõi lưu ly, v.v... thì đó là cảnh giới lành, vì thuộc về hữu tướng. Đối với người tu trì chân ngôn mật chú thì khi chư Phật hay chư Bồ tát hiện thân thuyết pháp thì đó là hợp với bản nguyện (thuyết ra thần chú) hay "tam mật gia trì", tức là cảnh giới lành, vì đây thuộc về hữu tướng.

Hành giả phải biết phân biệt tường tận về yếu chỉ và sự hành trì khác nhau giữa các tông phái thì mới nhận chân ra được bổn hoài độ sanh của đức Như Lai, bằng ngược lại thì tuy muốn thăng nhưng vẫn bị đọa, rồi phỉ báng Phật pháp, tạo nghiệp vô gián. Xin trân trọng lưu ý!'

56. tức Tập Mật Kim Cang.

57. Dragpa Gyaltsen, dịch là Xưng Tràng.

58. don-bzang-ba, dịch là Nghĩa Hiền.

59. Choije Kyabchog, cũng gọi là Thù Thắng Y Hỗ Thất Lợi Đà La Ni; gọi tắt là Thắng Y Pháp Vương.

60. đây là bộ kinh Mật giáo quan trọng nhất ở Tây Tạng.

61. chos-kyi dpal-ba, dịch là Pháp Kiết Tường; vốn là một trong những đại đệ tử của Bố Đốn Nhân Ba Thiết.

62. phiền não chướng và sở tri chướng.

63. ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết là vị đại sư giải thích về bộ kinh đó thiện xảo bậc nhất ở Tây Tạng vào đương thời, cũng đã viết quyển Sử Phật Giáo Ấn Độ và Tây Tạng có giá trị cho đến ngày nay.

64. mgon-bzang-ba, vị đệ tử của ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết Ty Cúng Nghị, pháp hiệu Hương Đăng; ngài là vị thành thục về sự tướng của Mật pháp bậc nhất.

65. Kyungpo Lhaypa, dịch là Đồng Tử Phước; vốn là đệ tử thượng thủ của ngài Bố Đốn Nhân Ba Thiết, thuộc phái Ninh Mã (Nyingma).

66. Đây là điềm mộng Đại Sư được pháp quán đảnh.

67. Điềm mộng này biểu thị Đại Sư thừa thọ đức tướng.

68. Gawa Dong, cách Lạp Tát khoảng ba dặm.

69. cảnh giới này, do chính Đại Sư tự thuật lại.

70. Wolkha Cholung, nằm về phía đông của vùng Văn Thanh.

71. tức Bồ tát Văn Thù.

72. Đương thời, tại Tây Tạng, có những người tu hành, vì hiểu lầm nghĩa lý kinh điển, đối với những sự sám hối như thế, chẳng màng để ý, mà thường ngạo mạn chê cười việc hành trì sám hối; họ cho rằng chỉ việc không nghĩ thiện, không nghĩ ác, hoặc chỉ niệm nhớ trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai tâm bất khả đắc, thì có thể tiêu trừ tội chướng. Kết cuộc, khi quả báo đến, dẫu có hối hận cũng quá muộn!

73. Mạn Đà La là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Trung Vi. Có nhiều cách giải thích chữ Trung Vi. Trung biểu thị cho tâm; Vi biểu thị cho thủ; có nghĩa là tùy theo nội tâm, mà dùng những phẩm vật thù thắng nhất để cúng dường. Ngoài ra, Trung tức là núi Tu Di; Vi tức là bốn đại bộ châu (Nam Thiện Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lưu Châu, Đông Thắng Thần Châu); Trung Vi tức là đem bảy loại châu báu trong ba ngàn đại thiên thế giới, mà đến cúng dường.

Pháp cúng dường Mạn Đà La tức là phải đầy đủ pháp lục độ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ (bát nhã), cũng là pháp môn tích tụ tư lương tối thù thắng. Vì vậy, người tu hành ở Ấn Độ và Tây Tạng, hầu hết đều tu pháp cúng dường Mạn Đà La. Đối với người học Kim Cang Thừa, đây là một gia hạnh quan trọng trong bốn gia hạnh.

Phương pháp cúng dường Mạn Đà La là đầu tiên tay trái phải cầm gạo (hoặc dùng đậu) để chấp trì bên cạnh Mạn Đà La, rồi dùng tay phải, y chiếu theo nghi thức mà rải lên trên tấm Mạn Đà La. Vừa rải gạo, vừa tụng kệ tán. Kế đến, dùng hai tay nâng Mạn Đà La lên, tụng chú cúng dường. Kế tiếp đổ gạo ra, và dùng tay phải chà sạch bàn Mạn Đà La, rồi tiếp tục bỏ gạo lên để tu trì.

73. Rdzing-phyi, cách vùng A Khách Tông Duyên Hà về phía bắc hơn mười dặm.

74. gar-mi you tang yung-drung; là vị thừa thọ "Tập Luận" tài giỏi bậc nhất.

75. lúc chuyên tu tại A Khách, Đại Sư thâu nhận thêm bốn người nữa.

76. Hiện nay hội Phật giáo ở Đài Loan có phát hành in ấn bức tranh vẽ ba mươi lăm tượng Phật này.

77. Lhodrag Khenchen Namkha Gyalstsen, 1326-1402; dịch là Hư Không Đồng, thuộc phái Ninh Mã (Nyingma). Ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết vốn là vị đã đạt được thành tựu khi tu pháp Kim Cang Thủ. Bổn Tôn là Bồ tát Kim Cang Thủ, ngày ngày đều hiện thân thuyết pháp. Ngồi tĩnh tọa trong mật thất, và quán sát đàn tràng tinh tường, Ngài có thể xem thấy những sự việc trong năm trăm năm trước rõ ràng. Trong mộng, Ngài cũng có thể nhớ lại mười sáu kiếp trước của mình, mà không quên mất. Mọi hành động cử chỉ, hoặc khởi tâm động niệm của dân chúng chung quanh chùa Trác Ngõa, Ngài đều biết rõ ràng. Thấy ai có tâm niệm xấu xa, Ngài bèn gọi đến chùa mà khuyên lơn dạy bảo hay đối trị. Người nào bị hoạn nạn, tai họa, chỉ việc nhớ đến hình tượng hay niệm danh hiệu của Ngài thì đều được thoát nạn. Nói chung, công đức thù thắng của ngài Nam Khách Kiên Tham Nhân Ba Thiết thật vô lượng vô biên, không thể ghi hết tận.

78. do ngài Tĩnh Thiên trước tác; sau khi thọ giáo pháp về quyển luận này từ đại sư Kim Châu, tôn giả A Để Sa lại mang và truyền bá quyển luận này tại Tây Tạng.

79. kệ tán này được gọi là "Phạm Quán".

80. chỉ cho luận sư Phật Hộ.

81. chỉ cho Trung Luận Thích.

82. gnyal, phía tây bắc của Cổ Vực Tông.

83. Lo-ro, tại phía tây nam của Cổ Vực Tông.

84. Chos-skyabs bzang-po, là vị truyền thừa giáo phái Giáo Điển thuộc phái Ca Đương.

85. Bra-gor, chùa của phái Ca Đương.

86. Gro-lung-pa. Trác Lũng là tên của một vùng đất. Trác Lũng Ba là tên của một vị Lạt ma nổi tiếng. Vị này vốn tên là La Truy Hướng Nãi, và là đệ tử đời thứ ba của tôn giả A Để Sa. Vị này có trước tác quyển "Đạo Thứ Đệ", " Giáo Thứ Đệ". Sau này đại sư Tông Khách Ba dùng hai quyển luận đó mà viết thành quyển luận "Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận".

87. Dharmaraja Chandrabhadra, vị chứng đắc Mật Thừa tối thượng.

88. Sự thọ ký của Bồ tát Văn Thù và Diệu Âm Thiên Nữ có khác biệt. Song, thật ra hai vị Bồ tát này dùng phương thức thọ ký thiện xảo, để giúp cho Đại Sư tu pháp tăng thượng duyên.

89. phu tử nghĩa là Thầy trò, tức chỉ cho Bồ tát Long Thọ và Đề Bà.

90. nếu giới hạn của sở phá quá nhiều thì sẽ thành đoạn kiến; nếu không đủ thì sẽ lạc vào thường kiến.

91. đại tạng kinh, quyển thứ 48, trang 690.

Chương III. Hóa độ vua chúa. Tổ chức pháp hội cúng dường.

A. Hóa độ vua chúa

1. Lá thơ đó hiện còn tồn trữ trong bộ trước tác toàn tập của Đại Sư.

2. Grags-pa rgyal-mtsham, 1374-1432. Ông có trí huệ siêu việt. Lúc nhỏ, đọc qua kinh thư, rồi chỉ cần tu học chút ít là ông tự có thể thông đạt vô ngại. Lúc còn bé, ông đã theo ngài Đồng Tự Tại xuất gia, lại y theo ngài Trát Ba Ráng Khúc Nhân Ba Thiết khai mở yếu chỉ tận cùng của ba tạng giáo điển. Do đó, ông có danh hiệu là "Xưng Tràng Kiết Tường Hiền". Chẳng bao lâu, ông kế thừa pháp vị của pháp vương Phước Xưng, trụ trì chùa Triết Đường (Mạt Ma Chủ Ba Cát Cử đời thứ mười), diễn giảng luận Thích Lượng của luận sư Pháp Xưng ở Ấn Độ. Do biện tài vô ngại, nên ông được các học giả khâm phục.

Năm 1385, ông được vua Mạt Ma Chủ Ba truyền ngôi. Năm 1388, ông được vua Chu Nguyên Chương tặng ấn bằng vàng, ban hiệu cho ông ta là "Quán Đảnh Quốc Sư".

Vua Trát Ba Kiên Tham vốn đã từng xuất gia, nên rất mực tôn kính hành giả của các tông phái ở Tây Tạng. Nghe có vị đại đức nào thâm thông Phật pháp, nhà vua nhất định đến cầu thỉnh pháp. Nhờ nghe lời khuyên của Đại Sư, nhà vua chấn hưng Phật pháp; dùng giáo lý và giới luật nhà Phật mà thưởng phạt người hiền và kẻ ác, cùng lập pháp an dân. Nhà vua đã từng kiến lập một trăm ngàn đại pháp hội Mạn Đà La suốt ba mươi tám năm trường mà không ngừng nghỉ.

Vua Trát Ba Kiên Tham là một minh quân đa trí, với pháp lệnh oai nghiêm, dùng chánh pháp để trị dân, cung kính chư tăng thạc đức. Biết rõ danh đức của Đại Sư, vua Trát Ba Kiên Tham hết lòng hỗ trợ phái Hoàng Giáo (do Đại Sư sáng lập). Điển hình, khi Đại Sư thiết lập đại pháp hội cúng dường ở chùa Đại Chiêu tại Lạp Tát, nhà vua cũng hết lòng hỗ trợ.

Năm 1406, vua Minh Thành Tổ lại ban hiệu cho vua Trát Ba Kiên Tham là "Quán Đảnh Quốc Sư Xiển Hóa Vương", cùng một ngọc ấn.

3. tức chùa Cổ Tang Phác.

4. Phật giáo đại tạng kinh quyển thứ 48, cuốn thứ 1.

5. lá thư này vẫn còn lưu trữ trong tập trước tác của Đại Sư.

6. Sakya ye-shes, 1352-1435, người Sát Cống Đường.

7. đức Hoạt Phật đời thứ mười chín, hóa sanh ở vùng Thanh Hải trong năm 1890, chín tuổi vào kinh đô. Triều đình nhà Thanh vẫn đối đãi như bậc đại quốc sư. Năm 1947, chánh phủ Quốc Dân Đảng lại ban hiệu là "Hộ Quốc Tịnh Giác Phụ Giáo Đại Sư Cảnh Gia Hô Đồ Khắc Đồ". Năm 1957, đức Hoạt Phật Cảnh Gia theo chánh phủ Quốc Dân Đảng sang Đài Loan, và đã từng nhận chức làm cố vấn cho tổng thống Tưởng Giới Thạch, cùng chức tổng thư ký của hội Phật Giáo Trung Quốc. Mồng bốn tháng ba năm 1957, đức Hoạt Phật Cảnh Gia nhập tịch tại Đài Bắc ở Đài Loan.

B. Tổ chức pháp hội cúng dường và cầu nguyện

1. từ mồng một đến rằm tháng giêng.

2. Grum-bu-lung, dưới hạ lưu sông Lạp Tát.

3. do công chúa Văn Thành mang từ Tàu sang Tây Tạng.

4. tượng này bị Trung Cộng phá hủy vào năm 1959. Vài người Tây Tạng mang được ba bức mặt của tượng này sang Ấn Độ. Hiện nay được đặt tại chùa Đại Chiêu ở Dharmasala, Ấn Độ.

5. vốn là một trong tám mươi bốn vị đại thành tựu ở Ấn Độ.

6. tức đại sư Tông Khách Ba.

7. tức quyển Phật Sở Hạnh Tán. Hiện nay, đức Đạt Lai Lạt ma thứ mười bốn vẫn còn giữ phong tục giảng giải bộ luận này vào ngày rằm tháng giêng.

Chương IV. Nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại ở Tây Tạng

A. Đề xướng việc nghiêm trì giới luật của ba thừa (Tiểu Thừa, Bồ tát Thừa, Mật Thừa) thanh tịnh.

1. Dga'-ba gdong, nằm ở phía tây của Lạp Tát, là một trong sáu tự viện nổi tiếng về việc giảng kinh luận của phái Ca Đương ở Tiền Tạng. Chùa này ước chừng được xây vào thế kỶ thứ XI.

2. guam-rtse-sdeng, là ngôi cổ tự của phái Ca Đương, nằm gần chùa Nhạ Trân.

3. như y năm điều, bảy điều, v.v...

B. Cải cách và xiển dương đường hướng tu học Phật pháp bằng cách hợp nhất mọi giáo nghĩa Luật giáo Hiển giáo, Mật giáo của tất cả tông phái ở Ấn Độ và Tây Tạng về nơi biển Phật pháp.

1. Legshay Serteng, được gọi là Thiện Thuyết Kim Man.

2. Bồ Đề nghĩa là quả vị Phật. Đạo nghĩa là con đường tu học chứng quả vị Phật. Thứ Đệ nghĩa là thuyết minh về quá trình và giai đoạn tu học, như từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu, tiệm thứ tuần tự, không thể nhảy cấp, thiếu sót.

3. do Thầy trò Khương Lũng Ba trước tác.

4. Lam-rim chen-mo, Phật giáo đại tạng kinh thứ 49, quyển một.

5. gọi là Quán, tức là chánh kiến.

6. Ý của Bồ tát bảo rằng quyển này được viết xong, thì khi xem qua, tuy không thể liễu giải hoàn toàn về nghĩa Không hay pháp tu Tỳ Bà Xá Na, mà có thể giúp một số người tu hành đạt được lợi ích, nên gọi là đạt được lợi ích trung đẳng. Nếu hoàn toàn không viết quyển này thì ngay cả lợi ích hạ đẳng cũng không thể đạt được.

7. một vị tinh thông kinh điển Hiển-Mật giáo, trân quý ba học vô lậu (giới định huệ), đương thời đang gánh vác trọng trách hoằng dương chánh pháp.

8. một vị trí huệ cao thâm, đạt công đức chứng đắc giáo pháp, có tâm muốn cứu độ chúng sanh, trụ trì thánh giáo.

9. người kế nhậm pháp vị của Đại Sư sau này.

10. những vị đã từng thọ giáo trực tiếp hay gián tiếp từ tôn giả A Để Sa.

11. thuộc phái Ca Đương.

12. với số lượng, quyết định, cùng theo thứ lớp.

13. Ở Tây Tạng mỗi lần tổ chức pháp hội hay truyền pháp viên mãn xong, để biểu thị cảm tạ tri ân vị Tôn Sư, tín chúng thường dâng các phẩm vật cúng dường. Trong các phẩm vật, cúng dường đèn dầu bằng tô lạc là quý nhất, vì đó biểu hiện cho sự cầu nguyện chứng đắc trí huệ vô thượng.

14. Ý của Đại Sư là muốn Đạt Mã Nhân Cần viết chú giải cho quyển luận này. Bàn thâm sâu hơn, Đại Sư có ý phó chúc truyền pháp cho Đạt Mã Nhân Cần.

15. do luận sư Pháp Xưng tạo.

16. phương pháp chú giải của Thiên Vương Huệ, người sau gọi là "Huấn Cổ", tức là dùng lời văn hiện tại mà giải thích văn nghĩa thời xưa.

17. dẫu có thiên tánh thông minh tài trí.

18. thứ lớp sanh khởi, thứ lớp viên mãn.

19. thuộc phái Cát Cử.

20. bộ đại luận này cũng gọi là "Đại Kim Cang Trì Đạo Thứ Đệ Khai Hiển Nhất Thiết Mật Yếu Luận", và dùng chánh kiến vô cấu nhiễm của Bồ tát Văn Thù làm nền tảng. Hiện tại được lưu trữ trong đại tạng kinh, quyển thứ 49, cuốn thứ 6.

21. bổn tánh và chứng tướng.

22. cấp bậc trước sau.

23. đoạn diệt lỗi lầm.

24. Jamchen Choje, hay Thích Ca Dã Hiệp (Shakya Yeshi) vị đã từng thay thế Đại Sư sang Tàu, làm quốc sư cho vua Minh.

25. người ưa phiến luận.

26. lập địa thành Phật.

27. hay đệ nhất nghĩa đế

28. theo nhận định của họ.

29. tạo tác và lãnh thọ.

30. từ sắc pháp khởi ra.

31. hiểu rõ không khác.

32. Sự Bộ, Hành Bộ, Du Già Bộ.

33. trừ phái Trung Quán-Ứng Thành ra, những phái khác đều sanh khởi lý chánh kiến gia hạnh.

Chương V. Vị Tổ sư của phái Hoàng giáo (Cách Lỗ hay tân Ca Đương)

1. Vị Thầy Bổn sư chính yếu.

2. Đạo Thứ Đệ của Kim Cang Trì

3. Grags-pa rgyal-mtshan, người đệ tử trì giới bậc nhất, có đồng danh hiệu với vua Tây Tạng.

4. Đệ tử truyền pháp.

5. Thiện Diệu Kiết Tường Hiền là danh hiệu của Khắc Chủ Kiệt. Bài kệ này bảo rằng Khắc Chủ Kiệt ngồi trước mặt Đại Sư, giống như bảy núi vàng đứng trước núi Tu Di, mà không có ngọn núi nào cao sánh bằng.

6. đệ tử trì giới thanh tịnh bậc nhất.

7. danh xưng đầy đủ là Tồi Đăng Nam Kết Lãnh,

Dga'-ldan-rnam-par rgyal-ba'i gling, hay Ganden, tức Cách Lỗ; chữ Phạn gọi là Đâu Suất.

8. Ý nghĩa của đoạn này nói về nước trong tịnh bình vốn là nước hòa hợp của thân, tức là pháp thân, báo thân, ứng thân; thuyết về hai thân (sắc thân và pháp thân) vốn là lời thuyết pháp bất liễu nghĩa. Thật ra, đây là lời ẩn mật, chỉ cho ba phái truyền thừa (Giáo Điển, Giáo Thọ, Giáo Giới) của tôn giả A Để Sa đều truyền trao cho Đại Sư.

9. tu pháp hòa hợp giữa giấc mộng và cõi chết; tu pháp hòa hợp giữa cảnh mộng và thân trung ấm; tu pháp hòa hợp giữa cảnh tỉnh thức và sự sống; đó là những mật pháp Vô Thượng Du Già Mật.

10. tức là kinh Tập Mật Căn Bổn.

11. xây cất chùa xong, chọn ra ngày cúng dường để gia trì, gọi là Khai Quang.

12. Yamantaka, hay Đại Oai Đức Minh Vương.

13. Sbyan-snga bsod-nams bzang-po, 1380-1416, vương đệ của vua Trát Ba Kiên Tham, và đã là đệ tử của Đại Sư trước kia.

14. Hóa thân của Bồ tát.

15. Lược bỏ phần Phá Lập Giáo Chứng.

16. Nằm trong chùa Cách Đăng.

17. Văn nghĩa của bộ Nhập Trung Luận rất thâm sâu, khó có thể thông đạt. Quyển Nhập Trung Luận do luận sư Nguyệt Xưng người Ấn Độ, thuộc nước Tát Mạn Đạt, sanh vào khoảng giữa thế kỶ thứ bảy và thứ tám, là sơ tổ của phái Trung Quán-Ứng Thành (Prasaingika). Luận Sư chuyên tu học mật pháp vô thượng, chứng đắc được quả vị cứu cánh, đạt như huyễn thiền định, thành tựu bi trí bất động thù thắng. Dưới tòa của luận sư Phật Hộ, luận sư Nguyệt Xưng là một vị đại A Xà Lê trong phái Trung Quán có khả năng dẹp trừ kiến chấp của chúng sanh, hiển dương nghĩa lý thâm sâu rộng rãi của Bồ tát Long Thọ. Luận Sư dùng mười loại phân lượng của tâm Bồ Đề, rút ra danh tự của Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm mà biện biệt viết thành mười phẩm. Phẩm thứ sáu (hai phần ba của bộ luận, thuộc phần Bồ Đề Tâm Hiện Tiền Địa) Luận Sư phát dương kiến giải đặc biệt bằng cách phá luận Duy Thức. Tại Tây Tạng, bộ Nhập Trung Luận được xem là trước tác đại biểu của các luận gia thuộc phái Trung Quán.

18. Đại Tạng Kinh, quyển thứ 48.

19. Gyhyasamaja Tantra, có 17 phẩm.

20. Mỗi nửa tháng, tăng chúng vân tập, cùng nhau tụng hai trăm năm mươi giới, và kiểm tra xem coi có ai phạm giới nào không.

21. Một vị hộ pháp của Đại Sư.

22. Văn, tư, tu.

23. Biểu thị cho giáo pháp của Đại Sư sẽ truyền khắp Mông Cổ, các vùng đông bắc, và Trung Quốc.

24. Sau khi Đại Sư viên tịch khoảng 509 năm.

25. Đặc biệt là tại núi Ngũ Đài.

26. Vừa sau khi Đại Sư viên tịch.

27. Phật Tỳ Lô Giá Na là đức Đại Nhật Như Lai của bộ Thai Tạng.

28. Người kế thừa ngôi pháp vị.

29. Vô Thượng Du Già và Du Già Mật Pháp.

30. đôi mắt trí huệ.

Chương VI. Phái Hoàng Giáo (Cách Lỗ) hoằng pháp khắp nơi

1. Giới Tỳ kheo, Bồ tát, Kim cang.

A. Sự truyền thừa của chùa Cách Đăng (Ganden).

1. Cổ Tào dịch là Thiệu Thắng. "Thiệu" nghĩa là kế thừa địa vị pháp vương tử. "Thắng" nghĩa là Phật. "Kiệt" nghĩa là danh xưng tôn quý.

2. Se-ra chos-sdings; hiện tại là chùa Sắc Lạp.

3. Điềm mộng này biểu thị rằng trước khi đến gặp Đại Sư, Khắc Chủ Kiệt chưa từng tìm được vị tôn sư nào để nương tựa y chỉ, nên tâm rất lo sợ. Gặp được Đại Sư cũng giống như gặp Bồ tát Văn Thù.

B. Sự truyền thừa của chùa Triết Bang (Drepung).

1. Bjam-dbyans chos-rje, hay Diệu Âm Pháp Vương,

1379-1449.

2. Đáo bỉ ngạn, tức qua được dòng sông sanh tử.

3. A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố.

4. Án Ma Ni Bát Di Hồng.

C. Sự truyền thừa của chùa Sắc Nhạ (Sera).

1. Sakya ye-shes, hay Ráng Khâm Kiếp Kết (Đại Từ Pháp Vương) 1352-1435; sinh quán tại Sát Cống Đường.

2. Nơi vua chúa Tây Tạng thường đến tu học.

3. Ngôi chùa cũ của vua Tây Tạng.

4. Dịch là Hoa Tỳ kheo ni. Hoa Tỳ kheo ni vốn là công chúa của vua Tây Tạng. Bà ta có đôi mắt bồ câu, hàm răng trắng bạch, nên nhiều hoàng tử cùng công tử giàu sang thường đem rất nhiều sính lễ đến cầu hôn, nhưng không được. Năm mười lăm tuổi bà ta đột nhiên bị bịnh cùi hủi. Không những các người cầu hôn đều bỏ chạy, mà ngay cả phụ vương và Hoàng hậu cũng lánh xa.

Bị bịnh khổ bức rức thân tâm, và bị thế nhân lạnh nhạt ruồng bỏ, bà ta đau lòng, một mình ra khỏi hoàng cung, đi đến các hang động thâm sâu không dấu chân người ở núi Tuyết Sơn, và ân cần lễ bái Bồ tát Quán Thế Âm, để cầu nguyện Bồ tát Từ bi giải trừ những nỗi thống khổ của thân tâm. Ngày ngày, trừ lúc đi hái rau dại để dùng, trong tất cả thời gian còn lại, bà ta đều thành tâm lễ bái Bồ tát Quán Thế Âm. Mười hai năm sau, vào một ngày nọ, đang thành tâm lễ bái, bà ta chợt thấy Bồ tát Quán Thế Âm đứng đối diện trước mặt. Bấy giờ, toàn thân của bà ta cảm thấy thanh tịnh vô cùng, và bịnh cùi hủi dần dần thuyên giảm. Lúc đó, bà ta bạch với Bồ tát:

- Con thấy rất nhiều kẻ hại trời tổn đất, Ỷ quyền cậy thế, lòng lang dạ thú. Ác ôn như thế, e rằng Bồ tát không thể cứu độ họ được. Xin thỉnh hỏi Bồ tát, muốn cứu độ những kẻ này, thì phải dùng biện pháp gì?

Bồ tát Quán Thế Âm đáp:

- Phương pháp cứu độ chúng sanh của Ta có rất nhiều. Mỗi loại đều tùy theo căn tánh của chúng sanh mà hiển hiện.

Bồ tát nói xong, bèn hiển hiện ra mười một bộ mặt, cùng truyền trao Mật pháp rất linh nghiệm cho bà ta, rồi phó chúc:

- Chúng sanh trong đời mạt pháp căn tánh yếu kém, cang cường khó điều phục. Mật pháp này là pháp môn cứu độ họ rất vi diệu. Từ nay, con hãy dùng Mật pháp này, đi cứu độ những chúng sanh khó độ.

Nói xong, Bồ tát Quán Thế Âm hóa thành một luồng ánh sáng trắng trong như khói sương, rồi trong chớp mắt biến mất vào hư không.

Sau khi được Bồ tát Quán Thế Âm gia trì và đạt đại thành tựu, bà ta lập tức trở về quê quán. Những người trong vùng phụ cận thấy bà ta không những là vị Thầy thuốc thần kỳ chuyên trị những bịnh nan y, mà còn có sắc đẹp lộng lẫy, nên rất kinh ngạc. Từ đó, rất nhiều thanh niên trai tráng đua nhau đến cầu hôn. Bấy giờ, bà ta đã sớm nhận biết thế gian là vô thường, ô uế khổ đau, nên xả bỏ hết tất cả sự phú quý vinh hoa, mà xuất gia làm Tỳ kheo ni. Về sau, bà ta dùng Mật pháp của Bồ tát Quán Âm mười một mặt mà cứu độ rất nhiều người, và trở thành Tổ sư truyền thừa mật pháp Bồ tát Quán Âm mười một mặt đời thứ nhất. Người Tây Tạng gọi bà ta là Hoa Tỳ kheo Ni.

5. là một trong mười tám vị A La Hán.

6. chỉ cho người thọ trì mười bộ kinh luận lớn.

D. Sự truyền thừa ở chùa Trát Thập Luân Bố (Tashi Lhupo).

1. Dge-dun grub-pa, 1391-1475, dịch là Tăng Thành, vốn là vị Đạt Lai Lạt ma đời thứ I của Tây Tạng.

2. đây là mật ngữ Không Hành.

3. cũng là mật ngôn của Không Hành.

4. đệ tử của Khắc Chủ Kiệt.

G. Sự hoằng truyền tại vùng Từ Thị Châu ở Xương Đô.

1. đó là nơi mà xưa kia khi ngủ qua đêm tại vùng Xương Đô, Đại Sư được ngài Ma Cáp Két Lạp thọ ký.

K. Sự hoằng pháp ở Hậu Tạng.

1. một vị tăng nổi tiếng về trì giới luật.

2. dịch là trâu chết.

3. Hậu Tạng được chia thành ba vùng thượng, trung, hạ.

4. trụ trì chùa Hà Lỗ.

5. thượng và hạ là chỉ cho phương hướng.

L. Danh tánh của các vị Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma.

i. Đạt Lai Lạt ma và sự chuyển sanh.

1. Altan Khan, cháu đời thứ mười bảy của vua Thành Cát Tư Hãn.

2. Dalai; nghĩa là "đức rộng như biển", nên dịch nghĩa Đạt Lai là Đại Hải (biển rộng).

ii. Ban Thiền Lạt ma (hay Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni).

1. thủ lãnh bộ lạc Hòa Thác Đặc của Mông Cổ.

2. nghĩa là vị có văn võ toàn tài.

3. Pan-dlen, nghĩa là Phạm Ngữ Học Sư.

4. C'en-po, nghĩa là Đại.

5. hóa thân, hay chuyển sanh.

Chương VII. Lược thuật về những tông phái chính ở Tây Tạng [^]

A. Phái Ninh Mã (Nyingmapa, Hồng giáo).

1. Run-ma-pa, hay Ningma, tức là Hồng giáo.

2. Samyey, hay bSam-yas, từ năm 762 đến năm 763.

3. tức có tha tâm thông.

4. được ban truyền bí mật.

5. thuộc thời Tiền Truyền Phật Giáo.

6. dung hợp thành một, gọi là Du Già.

7. tức là năng sở đều quên.

B. Phái Ca Nhĩ Cư (Kagyudpa, Cát Cử, hay phái Bạch Giáo).

1. Marpa (Mar-palo-tsa-ba), 1012-1097.

2. Naropa (1016-1100), được ngài Địch Lộ Ba (Tilopa, 988-1069) ở vùng Mãnh Gia Lạp của Ấn Độ truyền pháp Tốc Đạo Du Già.

3. Dwag-po lha-rje, hay Gampopa (Cương Ba Ba) 1079-1153.

C. Phái Tát Ca (Sakyapa, hay phái Đa Sắc).

1. Sakya, hay Bạch Sa, cách vùng Nhật Cách Tắc của Hậu Tạng về phía tây bốn mươi tám dặm.

2. Sakya Pandita, 1182-1251, vốn là con của Cụ-Khâm-ổ-bố (1150-1203).

3. 1235-1280, cháu của ngài Tát Ban Bán Trạch Đa.

4. dưới Hoàng Đế, trên tất cả mọi người.

5. tư lương, gia hạnh, kiến, tu, cứu cánh.

Chương VIII. Kết luận

1. Hiện tại, vị Ban Thiền Lạt ma đời thứ XI tuy được đức Đạt Lai Lạt ma đời thứ XIV công nhận, nhưng lại bị Trung Cộng bắt giam đi biệt tích.

2. Hóa thân của vị Đạt Lai Lạt ma ở đời trước.

3. Hóa thân của vị Ban Thiền Lạt ma ở đời trước.

* Tài liệu nghiên cứu và soạn dịch

1/ Tông Khách Ba Đại Sư Ứng Hóa Nhân Duyên Tập, pháp sư Tu Huệ biên thuật.

2/ Tây Tạng Phật Giáo Mật Sử, Lý Ký Thành biên soạn.

3/ Tây Tạng Phật Giáo Cách Lỗ Phái Khái Quán, pháp sư Quán Không biên soạn.

4/ Phái Ninh Mã của Phật Giáo Tây Tạng, pháp sư Pháp Tôn biên soạn.

5/ Tây Tạng Phật Giáo Sử, pháp sư Thánh Nghiêm biên soạn.

6/ The Life and Teachings of Tsong Khapa, edited by Prof. R. Thurman.

7/ The History of The Sakya Tradition, by Chogay Trichen.

8/ Karmapa The Black Hat Lama of Tibet, compiled by Nik Douglas and Meryl White.

9/ Masters of the Nyingma Lineage, by Tarthang Tulku.

10/ Enlightened Beings: Liffe Stories From The Ganden Oral Tradition, compiled and translated by Janice D. Willis.

(Hết)