Toát yếu Kinh Trung Bộ Quyển III

Mỗi kinh do Tôn giả Ananda trùng tuyên đều bắt đầu với câu “Tôi nghe như vầy”, mà không nói “Đức Phật đã dạy như vầy” điều ấy rất đáng bắt chước. Vì tôi là ai mà dám làm phát ngôn nhân cho Phật? Lỡ Phật nói một đường, tôi nghe một nẻo thì sao? Cho nên đây chỉ là theo như tôi được nghe, chứ không phải theo như lời Phật dạy.

...Bản toát yếu này chỉ là những gì do tôi hiểu được qua lời kinh, vào một thời điểm nào đó mà thôi. Và tôi đã toát yếu để cho tự mình nhớ được chút ít những lời vàng ngọc của đức Thế Tôn, để tự tu tập cho bản thân mình. Bởi thế người đọc hoàn toàn không thể bỏ qua bản gốc của Hòa thượng Thích Minh Châu đã dày công phiên dịch. Nếu đọc toát yếu này mà bỏ qua Kinh gốc thì cũng như bỏ đại dương để lấy vài giọt nước muối.

Vậy, sau hết và trước hết, bản toát yếu này chỉ là một tập sách giúp trí nhớ cho những ai đã nhiều lần nghiền ngẫm Kinh Trung bộ...

Toát yếu Kinh Trung Bộ Quyển III
Toát yếu Kinh Trung Bộ Quyển I

Toát yếu Kinh Trung Bộ Quyển II

Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu

Tóm tắt & chú giải: Ni sư Thích Nữ Trí Hải

Bản Anh ngữ tóm tắt: Hòa thượng Nanamoli

Nhà Xuất bản Tôn giáo Hà Nội. PL. 2546 – DL. 2002

Mục Lục Quyển III

101. Kinh Devadaha

102. Kinh Năm Và Ba

103. Kinh Nghĩ Như Thế Nào?

104. Kinh Làng Sama

105. Kinh Thiện Tinh

106. Kinh Bất Động Lợi Ích

107. Kinh Ganaka Moggalana

108. Kinh Gopaka Moggalana

109. Ðại Kinh Mãn Nguyệt

110. Tiểu Kinh Mãn Nguyệt

111. Kinh Bất Đoạn

112. Kinh Sáu Thanh Tịnh

113. Kinh Chân Nhân

114. Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì

115. Kinh Ða Giới

116. Kinh Thôn Tiên

117. Ðại Kinh Bốn Mươi

118. Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm

119. Kinh Thân Hành Niệm

120. Kinh Hành Sanh

121. Kinh Tiểu Không

122. Kinh Ðại Không

123. Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp

124. Kinh Bạc Câu La

125. Kinh Ðiều Ngự Địa

126. Kinh Phù Di

127. Kinh A Na Luật

128. Kinh Tùy Phiền Não

129. Kinh Hiền Ngu

130. Kinh Thiên Sứ

131. Kinh Nhất Dạ Hiền Giả

132. Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả

133. Kinh Ðại Ca Chiên Diên Nhất Dạ Hiền Giả

134. Kinh Lomasakangiya Nhất Dạ Hiền Giả

135. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt

136. Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt

137. Kinh Phân Biệt Sáu Xứ

138. Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết

139. Kinh Vô Tránh Phân Biệt

140. Kinh Giới Phân Biệt

141. Kinh Phân Biệt Về Sự Thật

142. Kinh Phân Biệt Cúng Dường

143. Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc

144. Kinh Giáo Giới Channa

145. Kinh Giáo Giới Phú Lâu Na

146. Kinh Giáo Giới Nandaka

147. Tiểu Kinh Giáo Giới La Hầu La

148. Kinh Sáu Sáu

149. Ðại Kinh Sáu Xứ

150. Kinh Nói Cho Dân Chúng Nagaravinda

151. Kinh Khất Thực Thanh Tịnh

152. Kinh Căn Tu Tập

Tri Ân

Kính lễ Đức Như Lai, bậc A La Hán Chính Đẳng Giác.

Kính lễ Hòa thượng (Thượng) Minh (Hạ) Châu phiên dịch Nikàya.

Kính lễ Đại đức Nanamoli và Bodhi cùng chư vị luận sư Nikàya mà con tham khảo.

Xin gia bị cho con diễn dịch không lạc xa Thánh ý.

Xin cho Pháp bảo này ai được đọc sẽ xa lìa kiến chấp, phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Nguyện cho con được như Phật, “vị hữu tình sinh ra đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho nhân loại và chư thiên”.

Mỗi kinh gồm năm phần:

I. Toát yếu bằng Anh ngữ của Nanamoli và dịch.

II. Tóm tắt.

III. Chú giải theo luận giải kinh Trung bộ, bản Anh ngữ của hai Đại đức Nanamoli và Bodhi.

IV. Pháp số liên hệ.

V. Kệ học thuộc lòng.

Ghi Chú Quan Trọng

Ba tập toát yếu kinh Trung bộ I, II và III này, tôi đã làm ít nhất ba lần, và mỗi lần đều làm sau khi đã đọc kỹ bản dịch của Hòa thượng. Thế nhưng mỗi lần tôi đều toát yếu một cách khác, nhất là sau khi được đọc bản phiên dịch và chú thích bằng Anh ngữ của Đại đức Nanamoli và Mahabodhi. Như vậy đủ biết, những lời Phật dạy như núi cao, biển cả, mà sự học hiểu của mình chỉ như một cái xẻng đào đất hay cái muỗng múc canh, mỗi lúc chỉ lấy được một ít và rất phiến diện. Bởi thế mà Hòa thượng thường dạy, Ngài không bao giờ “giải thích” lời Phật dạy, mà chỉ cố gắng dịch cho đúng nguyên văn của Người xưa dù có tối nghĩa đến đâu. Đấy là cái đức khiêm cung của Ngài, trong vô số đức tính mà tôi ngưỡng mộ.

Mình là ai mà dám toát yếu lời Phật dạy? Lỡ mình để tuột mất cái điểm cốt yếu trong lời Ngài dạy thì sao? Như vậy sẽ mang tội lớn với Phật, với Thầy, Tổ. Bởi vậy, ngày càng tôi càng miễn cưỡng trong việc phổ biến ba tập toát yếu này, vì sợ công ít mà tội nhiều. Khi làm xong tập thứ hai, đem khoe Thầy Chơn Thiện, Thầy phán rằng: “Kinh không bao giờ nên tóm tắt”. Tôi giật mình, và bỏ dở công việc gần hai năm trời, mặc dù đã gần xong tập cuối, đến kinh Nhất Dạ Hiền Giả. Sau đó, anh Hồ Hồng Phước ở Luân Đôn, người thường gửi cho tôi những sách Phật học bằng Anh ngữ mới xuất bản tại nước ngoài, thúc giục tôi gởi sang tiếp vì có người đã hào hứng in ra biếu không hai tập đầu. Thế là tôi lại hăng hái tiếp tục!

Mỗi kinh do Tôn giả Ananda trùng tuyên đều bắt đầu với câu “Tôi nghe như vầy”, mà không nói “Đức Phật đã dạy như vầy” điều ấy rất đáng bắt chước. Vì tôi là ai mà dám làm phát ngôn nhân cho Phật? Lỡ Phật nói một đường, tôi nghe một nẻo thì sao? Cho nên đây chỉ là theo như tôi được nghe, chứ không phải theo như lời Phật dạy.

Bản toát yếu này cũng thế, đây chỉ là những gì do tôi hiểu được qua lời kinh, vào một thời điểm nào đó mà thôi. Và tôi đã toát yếu để cho tự mình nhớ được chút ít những lời vàng ngọc của đức Thế Tôn, để tự tu tập cho bản thân mình. Bởi thế người đọc hoàn toàn không thể bỏ qua bản gốc của Hòa thượng Thích Minh Châu đã dày công phiên dịch. Nếu đọc toát yếu này mà bỏ qua Kinh gốc thì cũng như bỏ đại dương để lấy vài giọt nước muối.

Vậy, sau hết và trước hết, bản toát yếu này chỉ là một tập sách giúp trí nhớ cho những ai đã nhiều lần nghiền ngẫm Kinh Trung bộ, và có thể họ đã toát yếu một cách khác, thì sách này sẽ bổ túc cho trí nhớ của họ. Những người mới đọc Kinh Trung bộ lần đầu, thì qua toát yếu này sẽ nắm được vài ý để hướng dẫn mình trên đường tu tập chứ không chỉ là “chuyên ký danh ngôn” vì kỳ thực Phật không dạy điều gì nếu không phải để đưa người đến chuyển mê khai ngộ.

Xin dâng lên Hòa thượng lòng tri ân vô bờ bến.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 101: Kinh Devadaha

I. Toát Yếu

Devadaha Sutta.

At Devadaha. The Buddha examines the Jain thesis that liberation is to be attained by self-mortification, proposing a different account of how striving becomes fruitful.

(Phật xem xét chủ trương của Kỳ na giáo cho cần khổ hạnh mới đạt giải thoát, và đề nghị một giải thích khác, làm thế nào để tinh cần đem lại kết quả.)

II. Tóm Tắt

Tại thị trấn Devadaha của bộ tộc Sakya (Thích Ca), Phật thuật lại cho chúng Tỳ kheo việc Ngài luận bại chủ trương của lõa thể ngoại đạo Nigantha (Ni Kiền Tử).

1. Ngoại đạo Ni Kiền Tử chủ trương: Tất cả cảm thọ vui, khổ, trung tính đều do nghiệp quá khứ (1). Nếu diệt nghiệp quá khứ (bằng khổ hạnh), không tạo nghiệp mới, thì tất cả nghiệp chấm dứt. Do nghiệp đoạn, khổ đoạn; do khổ đoạn, cảm thọ đoạn; do cảm thọ đoạn, tất cả khổ sẽ chấm dứt (2). Phật dạy, vì họ không biết gì về đời quá khứ, không biết thiện pháp hiện tại; nên thật không hợp lý chủ trương như vậy (3). Ví như người bị trúng tên độc cảm thọ đau đớn lúc y sĩ mổ xẻ, lúc vật dụng dò tìm chạm da thịt, lúc mũi tên được rút ra, lúc đốt miệng vết thương, lúc đắp thuốc. Khi vết thương lành, người ấy phải nhớ đã trải qua những đau khổ như thế nào, và cũng biết hiện tại mình đã khỏi bệnh, an vui.

2. Các Ni Kiền Tử nói: Nigantha tự xưng có tri kiến toàn diện luôn tồn tại khi đi đứng ngủ thức. Ông đã dạy tu khổ hạnh để làm mòn ác nghiệp cũ, hộ trì thân khẩu ý để tương lai không tạo ác nghiệp. Chúng tôi hoan hỉ tin nhận lý thuyết ấy. Phật dạy những gì ta tin tưởng, hoan hỉ chấp thuận, nghe đồn, xét thấy có lý, chấp nhận một quan điểm - cả năm điều ấy có thể đúng hoặc sai.

3. Vì chỉ có đau đớn khốc liệt khi có tha thiết tinh cần, không tinh cần thì không khổ, nên nói cảm thọ do nhân các nghiệp quá khứ là sai. Lại nữa, khổ hạnh không thể làm cho nghiệp hiện báo (4) thành sanh báo và ngược lại; nghiệp có khổ báo thành nghiệp lạc báo và ngược lại; nghiệp đã chín (5) thành chưa chín và ngược lại; nghiệp nhiều báo thành ít báo và ngược lại; nghiệp có báo thành nghiệp không báo (6) và ngược lại.

4. Phật kết luận: Ni Kiền Tử đáng bị chỉ trích vì mười điểm: Nếu cảm giác khổ vui do nghiệp quá khứ, thì quá khứ họ đã làm nhiều phi pháp; nếu do tạo hóa (7) họ đã có một tạo hóa hung ác; nếu do kết hợp các điều kiện (8), họ đã kết hợp ác duyên; nếu do sinh loại (9), họ bị ác sinh loại; nếu do tinh tấn hiện tại, họ đang thực hành tà tinh tấn. Nếu khổ vui không do năm nguyên nhân ấy, Ni Kiền Tử vẫn đáng bị chỉ trích, vì vô cớ tự chuốc khổ.

5. Tinh tấn có kết quả là khi vị Tỳ kheo không để tự ngã bị khổ thắng lướt, không từ bỏ lạc thọ hợp pháp nhưng cũng không bị nó chi phối (10). Vị ấy biết hai cách diệt trừ tham dục (nhân khổ) là tinh cần và xả (11). Vì khi tinh cần thì không có tham dục; cũng thế khi tu xả. Ví như có người sầu khổ vì nhiệt tình ái mộ một cô gái, khi biết vậy bèn xả tâm luyến ái và từ đấy đâm ra dửng dưng dù thấy nàng nói cười với bất cứ ai. Sự tinh cần chống lại ái dục trong trường hợp ấy được gọi là tinh tấn hợp pháp. Lại nữa nếu tự thấy lạc thọ khiến bất thiện tăng, thiện giảm, ngược lại tinh cần khiến thiện tăng (12), bất thiện giảm; vị Tỳ kheo sẽ khổ hạnh vừa đủ để nhiếp phục tự ngã, như thợ làm tên nung tên cho dễ uốn. Sự tinh cần có kết quả là như cuộc đời Phật từ khi xuất gia đến lúc thành đạo.

6. Và Phật kết luận có mười trường hợp Như Lai đáng được tán thán, ngược lại với mười điều đáng chỉ trích của Ni Kiền Tử: Nếu lạc khổ do nghiệp quá khứ, Như Lai đã làm thiện hành nên nay được tối thắng lạc; nếu do tạo hóa, Như Lai đã được sinh bởi một tạo hóa toàn thiện; nếu do duyên hợp, Như Lai đã kết thiện duyên; nếu do sinh loại, Như Lai đã được thiện sinh; do tinh cần hiện tại, Như Lai đã thiện tinh tấn. Với năm giả thuyết ngược lại Như Lai cũng đáng được tán thán.

III. Chú Giải

1. Trong Tương ưng 36, 21 và Tăng chi 3, 61, Phật cũng bác bỏ thuyết này của Kỳ na giáo, cho cảm thọ vui khổ là do nghiệp quá khứ. Giáo lý Phật thừa nhận có thứ cảm thọ không do nghiệp quá khứ mà do nghiệp hiện tại, và còn có thứ cảm thọ không có tác dụng nghiệp và cũng không phải là hậu quả nghiệp.

2. Ðây là chủ trương của Ni Kiền Tử, như trong kinh số 14.

3. Thuyết Ni Kiền Tử không hợp lý vì chính sự tha thiết tinh cần (khổ hạnh) khiến cảm thọ đau đớn không phải là nghiệp quá khứ.

4. Nghiệp hiện báo là hành động có hậu quả ngay trong đời này.

5. Nghiệp báo đã chín cũng đồng nghĩa với nghiệp hiện báo, nghĩa là phải chịu hậu quả ngay bây giờ. Nghiệp chưa chín đồng nghĩa với nghiệp sanh báo nghĩa là phải chịu hậu quả ở đời kế tiếp. Nhưng có sự phân biệt như sau. Tất cả nghiệp nào có quả báo trong cùng một đời đều được gọi là hiện báo, song chỉ có những nghiệp đem lại quả báo trong vòng bảy ngày mới được gọi là nghiệp đã chín.

6. Nghĩa là một nghiệp không có cơ hội đem lại quả báo.

7. Issaranimmànehetu. Thuyết này của hữu thần giáo bị Phật bác bỏ trong kinh Tăng chi 3, 61.

8. Sangatibhàvahetu, ám chỉ học thuyết của Makkhali Gosàla (Mạt già lê), bị bác bỏ dông dài trong kinh Trung 60 và Tăng chi 3.

9. Abhijàtihetu, một tín điều của Makkhali Gosàla.

10. Thuyết Trung đạo của Phật, tránh cực đoan khổ hạnh ép xác và cực đoan say đắm dục lạc.

11. Kinh sớ giải thích nguồn gốc khổ là tham ái, được gọi thế vì đấy là gốc rễ của khổ bao hàm trong năm uẩn. Ðoạn kinh này đưa ra hai cách diệt tham ái là nỗ lực tinh cần và buông xả. Sự tàn tạ của nguồn gốc, theo Kinh sớ, là đạo lộ siêu thế. Ðoạn kinh này muốn ám chỉ cách tu tập của một vị lợi tuệ đi trên con đường vui (sukhapatipadà khippàbhinnà).

12. Ðoạn này hiển thị lý do Phật cho phép chư Tỳ kheo tu khổ hạnh đầu đà một cách vừa phải để vượt qua những nhiễm ô. Những khổ hạnh trong đạo Phật không phải để làm tiêu mòn nghiệp cũ và thanh luyện tâm hồn như Kỳ na giáo và ngoại đạo chủ trương. Theo Kinh sớ, đoạn này hiển thị sự tu hành của một Tỳ kheo có tuệ chậm lụt đi trên con đường gian nan (dukkhapatipadà dandhàbhinnà).

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

1. Ở Deva-daha

Thị trấn tộc Sakya

Phật thuật lại tỏ tường

Luận bại Ni Kiền Tử.

Pháp này nói khổ vui

Ðều do nghiệp quá khứ

Nghiệp đoạn cảm thọ đoạn

Thọ đoạn, dứt khổ đau.

Nhưng vì không thể biết

Ðời quá khứ ra sao

Ðã tạo nghiệp thế nào

Ðến mức nào hết khổ?

Làm sao trong hiện tại

Thành tựu các hạnh lành?

Không biết những việc ấy

Thuyết họ thành vô căn.

Như người trúng tên độc

Chịu đau lúc mổ xẻ

Lúc dò tìm tên độc,

Lúc rút mũi tên ra,

Lúc đốt nung, đắp thuốc

Khỏi bệnh phải nhớ ra

Khổ đau càng cay đắng

An vui thêm mặn mà.

2. "Ni Kiền Tử toàn trí

Có tri kiến toàn diện

Lúc đi đứng ngủ thức.

Dạy khổ hạnh nghiệp tiêu.

Hộ trì thân khẩu ý,

Tương lai khỏi tạo ác

Nghiệp đoạn sẽ dứt khổ

Tôi hoan hỉ lời này."

Phật dạy điều ta tin

Hoặc hoan hỉ chấp thuận,

Hoặc nghe nhiều người nói,

Hoặc xét thấy hay ho,

Hoặc chấp nhận quan điểm

Ðều có thể lầm to.

Và Ngài bác chủ trương

Thọ do nghiệp quá khứ.

Vì ngay trong hiện tại

Họ chịu khổ khốc liệt

Khi tha thiết tinh cần,

Không tinh cần không khổ.

3. Khổ hạnh không thể chuyển

Hiện báo thành sanh báo

Khổ báo thành lạc báo

Ðã chín thành chưa chín

Nhiều báo thành ít báo

Có báo thành không báo

Vì không chuyển được gì

Nên Khổ hạnh vô ích.

4. Nếu cảm giác khổ vui

Là do nghiệp quá khứ

Thì chắc Ni Kiền Tử

Ðã làm nhiều phi pháp

Nếu do một tạo hóa

Tạo hóa ấy hung ác

Nếu do nhiều duyên hợp,

Ni Kiền bị ác duyên

Nếu do sáu sinh loại

Họ thuộc ác sinh loài

Nếu do nghiệp hiện tại,

Ni Kiền nỗ lực sai.

Nếu cảm giác khổ vui

Không do năm nhân ấy,

Ni Kiền vẫn đáng chê

(Vì vô cớ chuốc khổ).

5. Tinh tấn có kết quả

Là khi vị Tỳ kheo

Nhận lạc thọ hợp pháp

Bất động trước khổ vui.

Vị ấy biết rõ rằng

Tham dục không khởi lên

Khi tinh cần nỗ lực

Hoặc khi tu tập xả

Ví như có một người

Say đắm một nữ nhân

Do nhiệt tình ái mộ

Nên mất ngủ mất ăn

Ðau khổ vì hờn ghen

Trái tim chàng tan nát

Những khi thấy cô nàng

Vui đùa cùng kẻ khác.

Sau thấy sự tai hại

Bèn dứt bỏ mê say

Tâm an nhiên tự tại

Mặc ai cười với ai.

Phật đưa ví dụ này

Hiển thị có hai cách

Ðể trừ diệt tham ái

Nguyên nhân của khổ sầu:

Một là tu tập xả

Không ái luyến tham cầu

Hai tinh cần nỗ lực

Khi vướng lụy mắc câu.

Tinh cần tiêu ái dục

(Nguyên nhân của khổ đau)

Là tinh cần hợp lý

Trong pháp Phật nhiệm mầu.

Lại nữa nếu trú lạc

Mà ác tăng, thiện giảm

Nên khổ hạnh hợp lý

Ðể nhiếp phục bản thân.

6. Như Lai đáng tán thán

Vì cả mười trường hợp:

Dù khổ vui hữu tình

Do nghiệp cũ hay không.

Như Lai đã thiện hành

Nay gặt Niết bàn lạc

Không như ai làm ác

Khiến nay phải hành xác;

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do tạo hóa:

Như Lai đã được tạo

Bởi tạo hóa thiện hiền.

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do các duyên:

Như Lai thiện kết hợp

Tối thắng lạc hiện tiền.

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do sinh loại:

Như Lai sinh loại lành

Nay được Niết bàn lạc.

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do tinh tấn

Như Lai khéo tinh tấn

Nay được Niết bàn vui.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 102: Kinh Devadaha

I. Toát Yếu

Devadaha Sutta.

A survey of various speculative views about the future and the past and of misconceptions about Nibbàna.

(Xét qua các kiến chấp siêu hình về vị lai quá khứ và những quan niệm sai lạc về Niết bàn.)

II. Tóm Tắt

Tại vườn Cấp Cô Độc (1), Phật dạy chúng Tỳ kheo các chủ thuyết ngoại đạo luận bàn về tương lai tự ngã sau khi chết:

1. không bệnh (2), có tưởng;

2. không bệnh, không tưởng;

3. không bệnh, phi tưởng phi phi tưởng;

4. đoạn diệt;

5. Hiện tại Niết bàn.

Tóm lại, ba chủ trương đầu thuộc thường kiến (cho rằng sau khi chết, tự ngã tồn tại không bệnh), chủ trương 4 là đoạn kiến (cho hữu tình chết là hết); chủ trương cuối chấp hiện tại Niết bàn. Những chủ thuyết ấy xoay vần từ 5 còn lại 3 (gồm 3 loại thường kiến kể như một, một đoạn kiến và một hiện tại Niết bàn), hoặc từ 3 thành 5.

A. Thường kiến loại một là Hữu tưởng (sau khi chết tự ngã không bệnh, có tưởng), chia ra nhiều thuyết: 1. (tự ngã) có sắc; 2. không sắc; 3. vừa có vừa không sắc; 4. không có không không sắc; 5. tưởng đồng nhất; 6. tưởng dị biệt; 7. tưởng hữu hạn; 8. tưởng vô lượng (3). Vượt trên các tưởng này, còn có một số ít cho rằng tự ngã là biến xứ Thức vô lượng và bất động (4), hoặc cho tự ngã là tưởng Vô sở hữu xứ. Họ cho cái tưởng không có gì siêu việt các tưởng về sắc, vô sắc, hữu hạn hay vô lượng (5). Như Lai biết rõ đấy toàn là hữu vi (có điều kiện), và cái gì có điều kiện đều thô. Nhưng có Niết bàn là sự chấm dứt các hành, và vì biết cái này là sự thoát ly, Như Lai đã ra khỏi các tưởng ấy (6).

B. Thường kiến loại hai là Vô tưởng (sau khi chết, tự ngã không có tưởng, không bệnh) chia ra: 1. tự ngã có sắc; 2. không sắc; 3. vừa có vừa không sắc; 4. không có không không sắc (7). Những vị này bài bác chủ trương hữu tưởng, cho tưởng là bệnh hoạn, cục bướu, mũi tên, chỉ có vô tưởng là an tịnh, cao cả. Ðối với chủ trương vô tưởng này, Như Lai biết rõ: Ngoài năm uẩn ra, không thể nói sự đến đi sinh diệt tăng trưởng thuần thục của thức (8). Ðấy vẫn còn là hữu vi, thô. Thấy được cái này, tức sự thoát ly khỏi hữu vi, Như Lai đã vượt qua vô tưởng.

C. Thường kiến loại ba là Phi tưởng phi phi tưởng, cũng có 4 trường hợp như trên là (tự ngã sau khi chết không bệnh, không có cũng không không tưởng) có sắc, không sắc, cũng có cũng không, không có không không sắc (9). Những Sa môn Bà la môn này bài bác các chủ trương hữu tưởng, và cũng bài bác chủ trương vô tưởng. Họ nói hữu tưởng là bệnh, cục bướu…, còn vô tưởng thì kỳ cục (10); chỉ có cái này là thù diệu, đó là phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai biết không thể có sự chứng nhập xứ này nếu còn tạo tác của thấy, nghe, cảm, biết (kiến văn giác tri), vì đấy là một tai họa cho việc chứng nhập xứ này (11). Họ lại công bố xứ này không phải được chứng nhập bằng các (tâm) hành, mà bằng tàn dư của các hành (12). Ðây vẫn còn hữu vi thô. Như Lai biết rõ có sự chấm dứt các hành gọi là Niết bàn. Sau khi biết rõ Có cái này (Niết bàn), thấy rõ sự thoát ly khỏi cái kia (các hành), Như Lai đã vượt khỏi hành.

D. Ðoạn kiến: Những Sa môn Bà la môn chấp sau khi chết tự ngã đoạn diệt, hủy diệt (13) thì bài bác cả ba chủ trương trên, là hữu tưởng, vô tưởng và phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai biết những kẻ này sợ hãi chán ghét tự ngã nhưng vẫn chạy vòng quanh ngã (14), như một con chó bị cột vào dây cọc không ngừng chạy quanh cây cọc.

Tóm lại, những kiến chấp về tương lai đều lập một trong năm xứ đã kể (15) (không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng, và hiện tại Niết bàn.)

E. Về quá khứ, các Sa môn Bà la môn có 16 kiến chấp như sau về tự ngã và thế giới:

1. Thường(16);

2. Vô thường (17);

3. Thường và vô thường (18);

4. Không thường, không vô thường (19);

5. Hữu biên (20);

6. Vô biên;

7. Hữu biên và vô biên;

8. Không hữu biên không vô biên;

9. Tưởng đồng nhất (21);

10. Tưởng sai biệt;

11-12. Tưởng hữu hạn, vô lượng;

13-14. Toàn vui, toàn khổ;

15. Vừa khổ vừa vui;

16. Không khổ không vui.

Những vị giữ một trong 16 kiến chấp này đều cho chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai. Nhưng về điều này, họ không có một tri kiến thuần tịnh thân chứng nào ngoài niềm tin, sự hoan hỉ chấp nhận, nghe đồn, suy xét lý do, chấp nhận quan điểm (22). Cho nên dù họ có quan điểm gì cũng chỉ là chấp thủ tà kiến (23). Sau khi biết rõ Có cái này (Niết bàn), thấy rõ sự thoát ly khỏi cái kia (các hành), Như Lai đã vượt khỏi tất cả hành (24).

F. Hiện tại Niết bàn (25)

Một số Sa môn Bà la môn (26) từ bỏ quan điểm về quá khứ vị lai, ít dục, an trú viễn ly hỷ (27); nhưng khi viễn ly hỷ này diệt thì ưu tư sanh khởi, ưu tư diệt thì viễn ly hỷ sinh (28) như hết bóng mát lại bị nóng, hết nóng lại mát. Như Lai biết cái này là hữu vi pháp và đã vượt khỏi hữu vi. Lại có người còn vượt qua vượt khỏi hữu vi. Lại có người còn vượt qua viễn ly hỉ, đạt được phi vật chất lạc (29) cho là thù diệu. Nhưng khi phi vật chất lạc bị diệt thì viễn ly hỷ sanh, và ngược lại. Cái này cũng thuộc hữu vi, Như Lai đã vượt qua. Có người vượt qua cả 2 thứ hỷ lạc trên, an trú bất khổ bất lạc cho là thù diệu. Nhưng khi bất khổ bất lạc này diệt, phi vật chất lạc (30) lại sinh, như bóng mát nhường chỗ cho sức nóng. Như Lai biết đây cũng thuộc hữu vi và đã vượt qua. Lại có người vượt qua tất cả chủ thuyết và tu tập trên, không dục kiết sử, vượt qua hỷ, lạc, vô khổ vô lạc, quán "ta là tịch tịnh không chấp thủ." (31) Nhưng Như Lai biết vị này vẫn còn chấp thủ (32).

Vô thượng tịch tịnh được Như Lai chính đẳng giác, đạt giải thoát không chấp thủ (33) do biết tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt và nguy hiểm của 6 xúc xứ (34).

(Đại ý đoạn này Phật dạy người nào chứng đến tứ Thiền nhưng còn có ý nghĩ Ta là tịch tịnh thì vẫn còn chấp trước mặc dù đã đi đúng đường đến Niết bàn. Vô thượng Niết bàn được Như Lai thân chứng là khi thấy rõ cả 2 khía cạnh sinh và diệt, vị ngọt cùng nguy hiểm của 6 căn 6 trần, nhờ thấy rõ nên giải thoát chấp thủ vào 6 xúc xứ, nghĩa là thoát khỏi 5 uẩn hay cái Ta.)

III. Chú Giải

1. Kinh này tương tự kinh Phạm Võng trong Trường Bộ kinh.

2. Aroga, vô bệnh, theo Kinh sớ, là chấp thường (chủ trương sau khi chết tự ngã vẫn tồn tại).

3. Kinh Phạm Võng đề cập mười sáu kiến chấp kiểu này, gồm tám quan điểm nói ở đây và thêm: (tự ngã) hữu biên, vô biên, vừa hữu vừa vô, phi hữu phi vô biên; toàn vui, toàn khổ, vừa vui vừa khổ, không vui không khổ. Trong kinh này tám quan điểm sau được kể như những suy tưởng về quá khứ.

4. Rõ ràng những kiến chấp ngã vô sắc, có tưởng đồng nhất hoặc tưởng dị biệt, căn cứ vào sự chứng đắc Không vô biên xứ. Biến xứ Thức theo kinh sớ, là Thức vô biên xứ. Những người chứng Thức vô biên xứ tuyên bố xứ này là tự ngã.

5. Tưởng trong Thiền vô sắc thứ ba - Vô sở hữu xứ - là vi tế nhất trong các tưởng thế gian. Mặc dù trong Thiền vô sắc thứ tư (Phi tưởng phi phi tưởng) vẫn còn có một loại tưởng, song nó quá vi tế nên không còn thích hợp để gọi là tưởng.

6. Theo Kinh sớ, đoạn này có nghĩa như sau: Tất cả loại tưởng này cùng các kiến chấp liên hệ đều hữu vi, và vì hữu vi nên thô. Nhưng có Niết bàn, được gọi là sự chấm dứt tất cả hành, nghĩa là cái hữu vi. Sau khi biết rõ Có cái này, nghĩa là Niết bàn, thấy sự thoát ly khỏi hữu vi, đức Như Lai đã vượt qua hữu vi pháp.

7. Bốn trường hợp sau (tưởng đồng nhất, dị biệt, hữu hạn, vô lượng) không được kể ở đây vì phái này chấp ngã là vô tưởng. Kinh Phạm võng đề cập tám kiến chấp, ngoài bốn cái này thêm hữu biên, vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, phi hữu phi vô biên.

8. Theo Kinh sớ, lời này nhắm đến các cõi chúng sinh đủ cả năm uẩn. Trong các cõi vô sắc, thức sinh khởi không cần có sắc uẩn, và trong cõi vô tưởng thì có sắc không thức. Nhưng thức không bao giờ sinh mà vắng bóng ba tâm uẩn kia (thọ, tưởng, hành).

9. Kinh Phạm võng kể thêm bốn chấp hữu biên vô biên, v.v...

10. Sammoha, ở đây có nghĩa khác với ngu si vọng tưởng như thường hiểu. (Bản Anh dịch là stupefaction).

11. Kiến văn giác tri chỉ cho các nhận thức qua cửa ngõ giác quan. Muốn đắc Thiền vô sắc thứ tư, phải vượt qua mọi tâm hành thường ngày liên hệ các giác quan, vì nó là chướng ngại cho sự chứng đắc xứ này (Phi tưởng phi phi tưởng xứ). Do vậy tưởng này gọi là phi tưởng (neva sannì).

12. Sasankhàràvasesasamàpatti. Trong Thiền vô sắc thứ tư, một tâm hành vô cùng vi tế vẫn còn sót lại, nên gọi là Phi phi tưởng.

13. Kinh Phạm võng giải thích bảy loại chấp đoạn, ở đây gồm chung thành một loại.

14. Sự sợ hãi chán ghét tự ngã là một khía cạnh của phi hữu ái (vibhavahanhà), khát khao phi hữu, gọi là đoạn kiến. Nó cũng còn mang sự chấp ngã, cho rằng lúc chết là ngã hủy diệt, và do đó mặc dù nó chối bỏ ngã, thuyết này vẫn trói buộc người ta vào vòng sinh tử.

15. Kỳ thực Phật mới kể ra có bốn loại tư duy về tương lai.

16. Quan điểm này bao gồm cả bốn hạng chấp thường tư duy về quá khứ, đề cập trong kinh Phạm võng.

17. Vì đây là quan điểm về quá khứ, ta có thể xem nó ngụ ý ngã và thế giới tự nhiên phát sinh không do từ đâu cả. Như vậy nó cũng gồm cả hai thuyết ngẫu sinh trong kinh Phạm võng.

18. Thuyết này bao gồm cả bốn loại chấp một phần bất diệt (thường).

19. Thuyết này có thể gồm luôn bốn loại chủ thuyết trườn uốn như con lươn nói trong kinh Phạm võng.

20. Các kiến chấp từ 5-8 tương đương với bốn thuyết về không gian (extensionists) trong kinh Phạm võng.

21. Tám chấp này, từ số 9 đến 16, trong kinh Phạm võng được kể vào các chủ thuyết về tương lai tự ngã bất diệt, hữu tưởng.

22. Nghĩa là, chủ thuyết họ không căn cứ trên Trí tuệ mà chỉ dựa vào niềm tin hoặc suy luận. Kinh số 95 nói năm nền tảng niềm tin này có thể đưa đến hậu quả đúng hoặc sai.

23. Kinh sớ: đấy không phải là chân thật trí mà chỉ là tà giải (hiểu sai), nên gọi là ôm giữ quan điểm (chấp thủ kiến).

24. Theo Kinh sớ, ngang đây đã bao gồm tất cả sáu mươi hai kiến chấp đề cập trong kinh Phạm võng; nhưng kinh này có phạm vi rộng lớn hơn vì nó còn bao gồm một trình bày về ngã kiến, nhất là ở đoạn cuối nói về một vị chứng tứ Thiền.

25. Tiêu đề này do đại đức Nanamoli đưa vào cho đủ số năm, vì ở trên Phật chỉ mới trình bày có bốn loại quan điểm.

26. Kinh sớ: Ðoạn này cốt hiển thị rằng tất cả 62 kiến chấp siêu hình đều nặng ngã kiến (chấp có chủ thể hay cái ta dưới dạng này hay khác).

27. Pavivekam pìtim, ám chỉ hai Thiền đầu có hỉ.

28. Theo Kinh sớ, ưu tư khởi lên là do mất Thiền. Ưu tư không khởi lên ngay sau khi Thiền (tâm) chấm dứt, mà khởi lên khi (hành giả) suy nghĩ về sự biến mất của (tâm) Thiền.

29. Niràmisam sukham. Ðây là lạc ở Thiền thứ ba.

30. Thiền thứ tư.

31. Santo ham asmi, nibbuto ham asmi, anupàdàno ham asmi. Từ ngữ aham asmi, tôi là, chứng tỏ vị ấy vẫn còn chấp trước, như Phật sẽ hiển thị.

(Chú riêng của người dịch: Xem thêm kinh Kim Cương, chỗ Phật hỏi Tu Bồ Ðề rằng A la hán có ý thức mình là A la hán không. Tu Bồ Ðề bạch: Dạ không, vì nếu có tức còn chấp ngã, chưa thực sự thanh tịnh. Sở dĩ Phật nói con - Tu Bồ Ðề - là kẻ ưa tịch tịnh cũng vì trong tâm con không còn một tạo tác nào cả, vô sở hành.)

32. Theo Kinh sớ, đây là ngã kiến, vì còn thấy ta là tịch tịnh.

33. Ở chỗ khác, giải thoát không chấp thủ (anupàdà vimokkha) có nghĩa là Niết bàn, nhưng ở đây có nghĩa là sự chứng quả A la hán.

34. Kinh Phạm võng cũng hiển thị sự liễu tri các khía cạnh tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sáu xúc xứ là con đường vượt khỏi mọi kiến chấp.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy chúng Tỳ kheo

Ngoại đạo bàn tự ngã

Có ba loại chấp thường

Có tưởng hoặc không tưởng;

Một chấp ngã đoạn diệt;

Một hiện tại Niết bàn.

Ðấy là các chủ thuyết

Xoay vần giữa năm ba.

Chấp Hữu tưởng gồm tám:

Ngã có sắc, không sắc

Vừa có vừa không sắc

Không có cũng không không;

Ngã có tưởng đồng nhất

Hoặc có tưởng dị biệt

Hoặc có tưởng hữu hạn

Hoặc có tưởng vô cùng.

Trên nữa có các chấp

Ngã là Thức vô biên,

Hoặc Vô sở hữu xứ

Vẫn còn hữu vi thô.

Chấp Vô tưởng gồm bốn:

Ngã có sắc, không sắc;

Hoặc vừa có vừa không;

Không có cũng không không.

Vô tưởng bác Hữu tưởng,

Cho tưởng là bệnh hoạn,

Là cục bướu, mũi tên,

Chỉ Vô tưởng thù diệu.

Nhưng bàn Thức đến đi

Diệt, sinh hay tăng trưởng

Ngoài sắc thọ tưởng hành

Là việc làm phi lý.

Chấp Phi tưởng phi phi

Gồm bốn: có, không sắc,

Cũng có cũng không sắc,

Không có cũng không không.

Bác hữu tưởng cục bướu

Vô tưởng thì kỳ cục

Chỉ cái này thù diệu:

Phi tưởng phi phi tưởng.

Như Lai như thật biết

Nếu nhờ hành sót lại

Mà chứng Phi phi tưởng

Vẫn còn hữu vi thô.

Phái chủ trương đoạn diệt

Vẫn xoay quanh tự ngã:

Sau chết, ta thế này

Như chó chạy quanh cột.

Về tự ngã, thế giới

Có mười sáu kiến chấp

Liên hệ đến quá khứ:

Là thường, là Vô thường

Vừa thường vừa vô thường

Không thường, không vô thường;

Là Hữu biên, Vô biên;

Vừa Hữu biên, vô biên

Không hữu không vô biên

Tưởng đồng nhất; sai biệt

Tưởng hữu hạn, vô lượng;

Tưởng toàn vui, toàn khổ

Vừa khổ lại vừa vui;

Không khổ cũng không vui.

Ai cũng cho mình đúng

Các quan điểm khác sai.

Lại có những Sa môn

Từ bỏ các quan điểm

An trú viễn ly hỷ;

Cho đấy là thù diệu

Nhưng khi hỷ này diệt

Thì ưu tư sanh khởi.

Kẻ đắc Thiền thứ ba,

Xem lạc này thù diệu

Nhưng khi lạc ấy diệt

Viễn ly hỷ lại sinh

(tụt xuống lại nhị Thiền)

Như hết mát lại nóng.

Có người vượt tam Thiền

Hết bị dục trói buộc

Chứng tứ Thiền và nghĩ

"Ta tịch tịnh vô chấp."

Nhưng họ còn vẫn chấp

Dẫu đã đi đúng đường.

Cái Vô thượng tịch tịnh

Ðược Như Lai chính giác

Khi biết rõ năm uẩn:

Khởi, diệt, và vị ngọt,

Cùng nguy hiểm của chúng

Nên vô chấp, xuất ly.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 103: Như Thế Nào

(Kimtisutta)

I. Toát Yếu

Kinti Sutta: What Do You Think About Me?

The Buddha explains how the monks can resolve disagreements about the Dhamma

(Các ông nghĩ gì về ta? Phật dạy các Tỳ kheo cách giải quyết những bất đồng về Pháp.)

II. Tóm Tắt

Phật ở Kusinara gọi các Tỳ kheo mà hỏi, có phải vì bốn sự cúng dường hay vì thành bại (1) mà Thế Tôn thuyết pháp không. Chúng Tỳ kheo thưa không. Ngài chỉ vì từ tâm và lợi tha mà nói pháp. Phật dạy nếu biết thế, thì hãy học tập tất cả pháp mà Như Lai sau khi thân chứng đã truyền dạy - tức là 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 Thánh đạo - và hãy tu học trong tinh thần hòa hợp không tranh cãi. Nhưng trong khi tu học hòa hợp như vậy, có thể có sự bất đồng giữa hai Tỳ kheo về Thắng pháp (2) hoặc về Luật. Nên dàn xếp như sau.

A. Về pháp:

Vị Tỳ kheo hòa giải nên xét xem sự bất đồng của họ thuộc tính chất nào. Có 4 trường hợp:

1. Giữa 2 phe, có sai khác cả về nghĩa lẫn về văn (3);

2. Hoặc sai khác về nghĩa, đồng nhất về văn;

3. Hoặc đồng nhất về nghĩa, sai khác về văn;

4. Hoặc đồng nhất về nghĩa và văn.

Vị hòa giải nên đến người nào dễ nói trong cả 2 phe để khuyên họ đừng cãi lộn: Với 2 trường hợp đầu, cãi nhau vô ích vì hai bên không đồng nói một chuyện (khác nhau về nghĩa); với 2 trường hợp sau thì chỉ khác nhau về văn là vấn đề nhỏ nhặt (4) không nên cãi nhau vô lối.

B. Về Luật:

Nếu có người phạm giới phạm luật (5) thì không nên khiển trách liền, mà phải suy nghĩ đắn đo như sau, trường hợp nào nên nói, trường hợp nào không nên.

1. Nên sửa sai cho người ấy nếu việc này không hại gì cho ta, cho họ; họ không phẫn uất, lanh lợi, dễ nói, và ta có thể khiến họ bỏ ác theo thiện.

2. Vẫn nên sửa sai nếu xét thấy cuối cùng ta sẽ khiến người ấy bỏ ác theo thiện mặc dù có thể gặp một hay nhiều chướng ngại như sau: a) có hại cho ta; b) có hại cho người; c) có hại cho cả hai; d) người kia phẫn uất; e) chậm lụt; f) khó nói. Nhưng tất cả trở ngại này đều là việc nhỏ nếu cải hóa được một con người.

3. Ngược lại nếu xét thấy cuối cùng không thể nào sửa đổi họ dù phải chịu những thiệt thòi trên, thì nên xả, nhưng không nên khinh miệt.

Trong khi tu học với tinh thần hòa hiệp, nếu có khởi lên một cuộc cãi nhau, một ý kiến ngoan cố, tâm hiềm hận phẫn nộ ưu não, thì người hòa giải nên đi đến người nào dễ nói nhất trong mỗi phe và bảo: Có phải nếu biết được việc này thì vị Sa môn (6) sẽ quở trách? Nếu không bỏ việc này (7) thì có thể chứng Niết bàn không? Ðương nhiên họ phải đáp rằng Phật sẽ quở trách, và không thể chứng Niết bàn. Khi sự thuyết phục thành công, nếu có ai hỏi có phải nhờ Ngài mà họ đã an trú vào điều thiện không, vị Tỳ kheo hòa giải chỉ nên nói nhờ được nghe Pháp của Thế Tôn mà họ tự sửa đổi. Trả lời như vậy Tỳ kheo hòa giải khỏi phạm lỗi khen mình chê người.

III. Chú Giải

1. Bhavàbhavahetu, Kinh sớ: Các ngươi có nghĩ rằng Như Lai giảng Pháp để được công đức, được hưởng vui ở một cõi cao siêu nào chăng?

2. Abhidhamma. Theo Sớ, ám chỉ 37 pháp trợ đạo nói ở đoạn trước.

3. Nghĩa attha và văn byanjana là hai khía cạnh của Pháp Phật dạy. Xem thêm Trường 29, cũng bàn đến sự bảo tồn Pháp cho đúng về văn và nghĩa.

4. Ðoạn này muốn nói rằng câu văn hơi khác không nhất thiết trở ngại việc hiểu đúng ý nghĩa. Nhưng ở chỗ khác, ví dụ kinh Tăng Chi 2, Phật có dạy rằng Diệu pháp biến mất là do hai yếu tố: diễn đạt sai trên văn tự, và giải sai ý nghĩa.

5. Nguyên tắc chung trong việc sửa sai là: Nếu vị Tỳ kheo có lỗi có thể sửa đổi, thì dù vị ấy có bị tổn thương và bản thân người can gián bị phiền hà, cũng nên can. Nhưng nếu vị ấy không thể nào sửa đổi được, thì người can gián nên có thái độ xả.

6. Vị Sa môn ở đây là đấng Ðạo sư (satthà), chỉ đức Phật. Như ở Kinh Trung Bộ 105.

7. Việc này có nghĩa là sự cãi nhau.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật ở Câu Thi Na

Gọi chư Tỳ kheo hỏi

Như Lai có giảng dạy

Ðể được phước lợi lành?

Chúng Tỳ kheo thưa không,

Ngài chỉ vì từ tâm

Vì lợi ích tha nhân

Mà thuyết tuyên diệu pháp.

Vậy hãy khéo tu học

Băm bảy pháp trợ đạo

Do Như Lai thân chứng

Trong tinh thần vô tranh.

Nên hòa giải tranh chấp

Mỗi khi có bất đồng

Giữa hai nhóm Tỳ kheo

Khi bàn về thắng pháp:

Khác nhau nghĩa và văn;

Ðồng nhất văn, khác nghĩa;

Ðồng nhất nghĩa, khác văn;

Ðồng nhất văn và nghĩa.

Với hai trường hợp đầu

(Kẻ nói gà người vịt)

Cãi nhau thật vô ích

Vì vấn đề khác nhau.

Với hai trường hợp sau

- đồng nghĩa, văn hơi khác -

Cũng không nên cãi nhau

Về bất đồng vụn vặt.

Vị Tỳ kheo hòa giải

Nên đến người dễ nói

Ở trong cả hai bên

Ðể trình bày như trên.

Khi phạm giới xảy ra

Xét nên, không nên nói

Nên nói nếu không hại

Cho người hoặc cho ta;

Người kia không phẫn uất,

Thông minh, biết phục thiện

Và chính ta có thể

Ðưa họ thoát đường tà.

Và cũng nên sửa sai

Nếu xét ra sửa được

Dù có những phiền phức:

Hoặc hại bản thân ta

Hoặc hại đến cho người

Hoặc ta, người đều hại;

Hoặc người kia phẫn uất

Chậm hiểu, khó thuyết phục.

Tất cả chướng ngại này

Chỉ là điều nhỏ nhặt

So với việc to lớn

Cải hóa một con người.

Nhưng nếu xét cho cùng

Có nói chỉ phí công

Thì bỏ qua, im lặng

Nhưng cũng chớ phiền lòng.

Giữa chúng Tăng bình yên

Bỗng khởi lên tranh cãi

Ngoan cố và hiềm hận

Nên hòa giải đôi bên:

Ðấng Ðạo sư biết được

Ngài sẽ quở trách liền.

Không từ bỏ tranh chấp

Niết bàn khó chứng nên.

Nếu hòa giải thành công,

Nên nói nhờ Phật Pháp

Mà hai phe tranh chấp

Tự bỏ ác theo lành.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 104: Làng Sama

I. Toát Yếu

Sàmagàma Sutta.

At Sàmagàma. The Buddha lays down disciplinary procedures for the guidance of the Sangha to ensure its harmonious functioning after his demise.

(Tại làng Sàma, Phật ấn định những điều luật để chỉ đạo cho Tăng chúng sống hòa hợp sau khi Ngài Niết bàn.)

II. Tóm Tắt

A. Phật thuyết kinh này ở thôn Xá Di (Samagama) của bộ tộc Thích Ca (Sakka). Sau khi giáo chủ Ni Kiền Tử qua đời ở Pàvà (1), đệ tử chia làm hai phe đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, khiến Cư sĩ của họ chán ngấy, như đã chán ngấy Pháp và luật vụng thuyết không đưa đến giải thoát, do một người chưa đạt hoàn toàn giải thoát giảng dạy; và bây giờ họ không còn nơi nương tựa (2). Ðây là những gì Sa di Cunda (3) thuật lại với Tôn giả A Nan. Tôn giả đến bạch Phật. Phật dạy trong Phật pháp không có sự cãi nhau về 37 pháp trợ đạo, nên khỏi lo. A Nan lại lo có tranh luận về giới luật (4). Phật dạy tranh luận này là việc nhỏ nhặt không đáng kể, chỉ có tranh chấp về Pháp (5) mới đem lại bất an cho đa số.

Rồi Ngài dạy có 6 nguyên nhân tranh chấp (6) là:

- hiềm hận não hại,

- khinh miệt lấn lướt,

- ganh ghét xan tham,

- gian manh xảo trá,

- ác dục tà kiến,

- cố chấp khó xả.

Do 6 gốc rễ này mà Tỳ kheo sống không kính Ðạo sư, Pháp và Tăng, không viên mãn học tập. Vậy hãy có phương pháp dứt các tranh chấp đưa đến bất an cho đa số.

B. Các tranh chấp có 4:

- do tranh luận,

- do chỉ trích,

- do phạm giới,

- do trách nhiệm.

Ðể diệt 4 tránh sự này (7) có 7 nguyên tắc (8):

1. Hiện tiền tì ni (9): tất cả Tỳ kheo phải có mặt để phán quyết một việc tranh cãi theo chỉ đạo của Pháp (10);

2. Quyết định đa số (đa nhân mích tội): khi tránh sự không thể giải quyết tại chỗ, thì phải đi đến một trú xứ nhiều Tỳ kheo hơn, rồi tất cả tập hợp để giải quyết;

3. Ức niệm tỳ ni (11), để cho đương sự tự nhớ lại có phạm tội Ba la di hoặc gần Ba la di (12) hay không;

4. Bất si tì ni (13): đương sự bị điên đã làm quấy, tỉnh lại không nhớ;

5. Quyết định tùy theo thú nhận (tự ngôn trị) (14): là khi một Tỳ kheo nhớ 1 giới tội, tỏ lộ với một Tỳ kheo lớn tuổi hơn mà sám hối;

6. Quyết định tùy theo giới tội người phạm (15) (Mích tội tướng);

7. Trải cỏ che lấp (Như thảo phú địa) (16): cả 2 phe lần lượt cử ra một người đứng lên tỏ lộ tội lỗi của những người phe mình để xí xóa cho nhau, trừ những tội trọng và tội liên hệ đến Cư sĩ (17).

C. Có sáu pháp khả niệm (Lục hòa) đem lại sự hòa hợp (18) cho Tăng chúng, đó là:

1) An trú từ thân nghiệp đối với nhau;

2) Từ khẩu nghiệp;

3) Từ ý nghiệp;

4) San sẻ lợi dưỡng;

5) Cùng thành tựu giới luật;

6) Thành tựu tri kiến Thánh thiện đưa đến xuất ly.

Thực hành sáu pháp này thì không có một cách nói nào thô hoặc tế mà Tỳ kheo không thể chịu nổi (19). Sáu pháp ấy sẽ mang lại cho Tỳ kheo an lạc hạnh phúc lâu dài.

III. Chú Giải

1. Kinh này mở đầu giống kinh Trường bộ 29, cũng liên quan đến việc duy trì sự hòa hợp của Tăng chúng sau khi Phật nhập diệt.

2. Theo Kinh sớ, đền thờ và chỗ tựa ở đây là Nàtaputta, vị giáo chủ đã chết.

3. Sa di Cunda là em trai Tôn giả Xá Lợi Phất.

4. Ngay lúc Phật còn ở đời, tranh chấp thuộc loại này cũng đã xảy ra trong chúng Tỳ kheo ở Kosambi, được nói trong Kinh Trung Bộ 48 đoạn 2.

5. Ðây là tranh chấp về Bát Thánh đạo hoặc các giác chi khác.

6. Bốn cặp đầu bao gồm các cấu uế làm ô nhiễm tâm nói trong Kinh Trung Bộ 7.

7. Adhikarana. Horner dịch là legal questions (vấn đề luật pháp) đề cập dông dài trong Luật tạng. Vắn tắt, ngôn tránh (vivàdàdhikarana) khởi lên khi Tỳ kheo cãi nhau về Pháp và Luật; phạm tránh (anuvàdàdhikarana) khi buộc tội một Tỳ kheo phạm giới luật; mích tránh (àphattàdhikarana) khi một Tỳ kheo phạm giới tìm cách chối tội; sự tránh (kiccàdhikarana) liên hệ đến việc thực thi các phận sự của tăng.

8. Adikaranasamatha, chỉ tránh hay diệt tránh. Làm thế nào áp dụng bảy cách diệt tránh để dàn xếp 4 loại tranh chấp, được nói trong Luật tạng.

9. Sammukhàvinaya, Hiền tiền tì ni. Luật giảng là đối diện với, hay với hiện diện của Tăng chúng, Pháp, Luật và những người liên hệ đến việc tranh chấp. Luật này áp dụng cho cả bốn loại tránh sự (chuyện cãi nhau), chỉ khác nhau cách diễn đạt.

10. Dhammanetti samanumajjitabbà, Kinh sớ đưa ví dụ là mười thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, ở đây cốt ám chỉ Pháp và Luật.

11. Sativinaya, ức niệm tì ni. Khi một Tỳ kheo vô tội mà bị cử tội thì vị ấy phải xin tăng làm pháp yết ma Ức niệm để vị ấy nhớ đầy đủ và chính xác hành vi mình.

12. Tội Ba la di, pàràjika, là tội đáng trục xuất khỏi Tăng chúng. Tội gần Ba la di là phạm tăng tàn sanghàdisesa, (cần họp chúng để tỏ lộ và hành sám một thời gian); hoặc phạm những bước đầu tiến đến trọng tội.

13. Amùlhavinaya, Bất si tì ni, Một Tỳ kheo trong quá khứ bị bệnh điên đã phạm những giới tội, khi bình phục được tăng làm pháp này. Tiêu chuẩn để xác định sự điên cuồng là đương sự không nhớ mình đã làm gì trong lúc bị điên.

14. Thủ tục này là phương pháp lập ra để giải tội cho một tì kheo khi phạm một giới tội có thể sám hối để giải tỏa.

15. Pàphiyyàsikà, Mích tội tướng, pháp này dành cho một Tỳ kheo thường gây rối, ngu si nhiều lỗi, hoặc sống liên hệ bất đáng với tục gia Cư sĩ.

16. Tinavattràraka, Như thảo phú địa, được áp dụng khi Tăng chúng vướng vào một cuộc cãi vã trong đó nhiều Tỳ kheo phạm các tiểu giới. Nếu kết tội những vị này thì tranh chấp sẽ kéo dài, nên Kinh dạy phương pháp để giải tỏa, được ví như lấy cỏ phủ lấp trên phân để khử mùi hôi.

17. Những giới tội đáng khiển trách nặng nề thuộc loại Ba la di và Tăng tàn. Giới liên hệ Cư sĩ là khi vị Tỳ kheo phỉ báng người thế tục.

18. Như kinh 48, đoạn 6.

19. Như kinh 21, ám chỉ ví dụ cái cưa.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tại thôn Xá Di

Phật thuyết kinh này

Về bảy diệt tránh

Và pháp Lục hòa

Tôn giả Thuần Ðà

Thuật với A Nan

Rằng ở Pa-va

Ðệ tử Ni Kiền

Sau khi Thầy chết

Ðã chia hai phe

Cãi nhau kịch liệt

Tục gia đệ tử

Ðâm ra chán ngấy

Trước tình trạng ấy

Cũng như chán ngấy

Pháp luật vụng thuyết

Khiến các tín đồ

Không chỗ tựa nương.

Tôn giả A Nan

Nghe xong bạch Phật

Nỗi lo của mình

Sau Phật Niết bàn

Có việc tương tự

Trong Tỳ kheo chúng.

Phật hỏi Tôn giả

Ở trong Tăng chúng

Có ai cãi nhau

Về Bốn niệm xứ

Về Bốn chánh cần

Bốn Như ý túc

Năm căn năm lực

Về Bảy giác chi

Và tám Thánh đạo?

A Nan bạch Phật

Về các pháp này

Con không hề thấy

Hai vị Tỳ kheo

Nói trái ngược nhau.

Thế thì khỏi sợ.

Nhưng bạch Thế Tôn

Sợ có tranh luận

Về giới và luật.

Ðấy là việc nhỏ.

Tranh chấp về Pháp

Mới là tai hại

Ðem lại bất an

Cho đa số người.

Có 6 nguyên nhân

Ðưa đến tranh chấp:

Hiềm hận não hại

Khinh miệt lấn lướt,

Ganh tị xan tham

Gian manh xảo trá,

Ác dục tà kiến

Cố chấp khó xả.

Do 6 pháp này

Tỳ kheo không kính

Phật, Pháp và Tăng,

Không tròn học giới.

Vậy hãy tìm cách

Dứt các tranh luận

Ðưa đến bất an

Cho cả mọi người.

Tranh chấp có 4:

Do tranh luận Pháp,

Do chỉ trích nhau

Do phạm giới tội,

Và do trách nhiệm.

Ðể diệt tránh sự

Có 7 nguyên tắc:

Hiện tiền tì ni

Tất cả Tỳ kheo

Ðều phải có mặt

Mỗi khi phán quyết

Một việc tranh cãi

Theo đúng luật pháp.

Ða nhân mích tội

(Quyết định đa số)

Gặp một tránh sự

Khó mà giải quyết

Tại chỗ mình ở,

Hãy đến trú xứ

Có nhiều Tỳ kheo

Họp lại xử phân.

Ức niệm tỳ ni

Là cho đương sự

Tự nhớ tội mình

Ðể rồi xử trị.

Bất si tì ni

Lúc điên phạm giới

Nay đã tỉnh lại

Xin tăng miễn bàn.

Pháp tự ngôn trị

Là tỏ lỗi mình

Trước người lớn hơn

Ðể mà sám hối.

Pháp Mích tội tướng

Gặp kẻ chối quanh

Thì cứ phán xét

Theo tội đã phạm.

Trải cỏ che lấp

Là khi 2 phe

Ðều phạm nhiều lỗi

Cử ra đại diện

Xin lỗi lẫn nhau.

Cuối cùng Phật dạy

Sáu pháp khả niệm

(thường gọi Lục hòa):

Tỳ kheo sống chung

Thân khẩu ý nghiệp

Thấm nhuần từ tâm;

San sẻ lợi dưỡng;

Thành tựu giới luật;

Tri kiến Thánh thiện

Ðưa đến xuất ly.

Thực hành như vậy

Thì không có gì

Không thể kham nhẫn;

Sáu pháp khả niệm

Làm cho Tăng chúng

An vui lâu dài.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 105: Thiện Tinh

I. Toát Yếu

Sanakkhatta Sutta - To Sunakkhatta.

The Buddha discusses the problem of an individual’s overestimation of his progress in mediatation.

(Phật bàn thảo vấn đề cá nhân đánh giá quá mức sự tiến bộ của mình về Thiền.)

II. Tóm Tắt

Lúc Phật ở Vesali, có nhiều Tỳ kheo đã tuyên bố chứng Thánh quả. Tỳ kheo Thiện Tinh (1) đến hỏi Phật những vị tuyên bố như thế có thực sự đã chứng Thánh hay chưa. Phật dạy một số chứng thật, một số chỉ tuyên bố như vậy vì tăng thượng mạn (2) (chưa chứng nói chứng). Chính vì số người sau này mà Phật thuyết pháp (3). Nhưng cũng có người ngu si bày đặt câu hỏi để chất vấn, thì dù lúc đầu Như Lai có định nói pháp cho họ, sau cũng đổi ý (4). Khi ấy Tỳ kheo Thiện Tinh thỉnh Phật nói Pháp. Phật dạy như sau:

1. Có hạng người thiên về vật chất thế gian (5). Họ chỉ ưa nói chuyện vật chất thế gian, suy nghĩ những gì liên hệ năm dục, và khoái giao du với hạng người như vậy. Khi câu chuyện khởi lên liên hệ đến bất động thì họ không để ý, lóng tai hay cố tìm hiểu, cũng không khoái hạng người ưa nói về bất động. Như người xa quê ưa nghe chuyện liên hệ đến quê nhà mình. Cũng vậy, khi thấy một người không thích câu chuyện về bất động thì nên biết đấy là hạng bị trói buộc về vật chất thế gian.

2. Một số người thiên nặng về Bất động (6) thì chỉ nói và suy tư những gì liên hệ đến bất động, và khoái giao du với hạng người tương tự. Họ không để tâm, không lóng tai hay cố tìm hiểu câu chuyện liên hệ vật chất thế gian và cũng không giao du hạng người này. Như lá khô đã lìa cành, không thể xanh trở lại. Cũng vậy, khi thấy một người thiên về bất động thì nên biết họ không bị trói buộc vì vật chất thế gian.

3. Một số thiên nặng về Vô sở hữu xứ cũng như trên, không ưa nghe câu chuyện về vật chất hay bất động. Như hòn đá vỡ làm đôi không liền lại được. Cũng thế, khi thấy một người không bị trói buộc vì kiết sử bất động thì nên biết họ thiên về Vô sở hữu xứ.

4. Một số người thiên về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Họ không ưa thích nói chuyện, suy tư liên hệ đến Vô sở hữu xứ, không khoái giao du với hạng người này. Ví như một người đã ăn các món ngon chán chê, sau khi đã quăng bỏ thì không ưa ăn lại. Cũng vậy khi một người không bị trói buộc bởi kiết sử Vô sở hữu thì ta biết họ thiên về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

5. Một số thiên về chính Niết bàn. Họ không thích hay nghe suy tư câu chuyện chỉ liên hệ Phi phi tưởng xứ, hay giao du hạng người này. Kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ nơi họ đã bị cắt đứt như thân cây sa la. Mặc dù thiên về chính Niết bàn, họ lại khởi lên ý nghĩ: Khát ái đã được vị Sa môn (7) gọi là mũi tên, nọc độc vô minh bị dục tham và sân làm cho lan khắp. Nay ta đã nhổ mũi tên khát ái, tẩy trừ độc vô minh. Ta là người hoàn toàn thiên hướng Niết bàn. Vì vọng tưởng về tự ngã (8) như thế, họ có thể khởi sự theo đuổi những việc bất đáng thuộc đối tượng giác quan, tâm họ bị tham dục xâm chiếm, và sẽ phải đau khổ cho đến chết. Ví như người bị trúng tên độc dược y sĩ giải phẫu dùng dao cắt miệng vết thương, dùng dụng cụ dò tìm mũi tên và rút ra được nhưng dấu vết mổ xẻ (9) vẫn còn. Bởi thế y sĩ dặn phải kiêng cử nắng gió bụi bặm, giữ vệ sinh, ăn đồ ăn thích hợp cho đến khi vết thương hoàn toàn bình phục. Nhưng vì không làm theo lời dặn nên vết thương lại làm độc, khiến người ấy đau như chết. Cũng thế, một người đã nhổ tên độc khát ái nếu còn chút tự mãn về việc này thì sẽ bị tham dục xâm chiếm trở lại khiến họ đau khổ gần chết. Vì trong Pháp Luật Như Lai thì một người xả giới hoàn tục cũng như chết, và phạm giới nặng thì như gần chết. Phật dạy vết thương dụ cho 6 xúc xứ; thuốc độc là vô minh; ái như mũi tên; vật dụng dò tìm là niệm; con dao là Thánh Trí tuệ; y sĩ giải phẫu là Phật. Tỳ kheo phải phòng hộ sáu xúc xứ vì khi đã rõ sanh y là nguồn gốc của đau khổ (10) vị ấy lìa sanh y như xa lánh ly nước ngọt có tẩm độc, hoặc xa một con rắn độc, nếu người ấy muốn sống, không muốn chết, muốn vui không muốn khổ (11).

III. Chú Giải

1. Xem kinh 12.

2. Adhimànena, tăng thượng mạn. Họ công bố chứng quả vì tăng thượng mạn, nghĩa là chưa chứng mà tự cho đã chứng.

3. Kinh sớ: Cho họ biết rõ họ thuộc trình độ nào.

4. Kinh sớ: Vì họ bị tham thúc đẩy, nên đức Như Lai không thuyết pháp cho họ. Ngài chỉ khởi lên ý hướng nói Pháp khi gặp những hành giả chân chính.

5. Lokàmisa, chỉ năm dục là sắc thanh hương vị xúc.

6. Anenja, bất động, chỉ các Thiền chứng từ tứ Thiền đến bốn vô sắc định. Nhưng vì hai định cao nhất được đề cập riêng, nên kinh này dường như chỉ xem tứ Thiền và hai Không định đầu tiên (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ) là Bất động.

7. Chỉ đức Phật.

8. Trở lại vấn đề tự đánh giá quá mức, như mở đầu kinh.

9. Bản PTS hoàn toàn ngược lại.

10. Như kinh 66.

11. Như kinh 46.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Khi Phật ở Vesali

Nhiều Tỳ kheo tuyên bố

Họ đã chứng Thánh quả

Khiến Thiện Tịnh hoài nghi.

Ông bèn đến hỏi Phật

Phật cho ông biết rằng

Một số đã chứng thật

Ngoài ra chỉ khoa trương

Ðấy là tăng thượng mạn

Chưa chứng đã nói chứng

Chính vì hạng người này

Mà Như Lai thuyết pháp

Nhưng Ngài Không định nói

Với kẻ chất vấn suông.

Rồi Ngài dạy Thiện Tinh

Ðặc tính năm hạng người.

Hạng thiên về vật chất

Hạng thiên về Bất động

Hạng thiên Vô sở hữu

Hạng Phi tưởng phi phi

Hạng chính hướng Niết bàn.

Chỉ nghĩ về năm dục

Giao du người trần tục

Câu chuyện về Bất động

Bị họ gác ngoài tai

Là hạng người thứ nhất

Bị trói vào vật chất

Ví như kẻ đi xa

Nhớ quê nhà dằng dặc.

Hạng thiên về Bất động

Nói, nghĩ và tương giao

Liên hệ đến bất động

Gác mọi chuyện thế gian

Như lá khô lìa cành

Không còn xanh trở lại.

Hạng thiên Vô sở hữu

Không ưa chuyện vật chất

Cũng chẳng màng Bất động

Như hòn đá vỡ đôi.

Phi tưởng phi phi tưởng

Thiên về định chứng này

Không thích nói, suy tư

Liên hệ Vô sở hữu.

Như người đã chán chê

Ðồ cao lương mỹ vị

Ðã quăng bỏ đi rồi

Không ưa ăn trở lại.

Hạng chính hướng Niết bàn

Không màng chuyện Phi tưởng

Vì họ đã cắt đứt

Trói buộc của xứ này.

Nhưng vừa khởi tâm nghĩ:

Ta ái tận, Niết bàn

Dục sẽ xâm chiếm tâm

Làm họ đau như chết.

Như người trúng tên độc

Ðược y sĩ mổ xẻ

Với dụng cụ dò tìm

Rút được mũi tên ra

Vì vết mổ còn tươi

Y sĩ dặn kiêng cữ,

Do không theo lời dặn

Người ấy phải đớn đau.

Người còn chút tự mãn

Ðã nhổ độc khát ái

Sẽ bị dục xâm chiếm

Khiến khổ đau dài dài

Trong Pháp Luật Như Lai

Xả giới cũng như chết

Khi biết rõ sanh y

Là nguồn gốc đau khổ

Tỳ kheo lìa sanh y

Như xa lìa rắn độc,

Muốn sống, không muốn chết,

Muốn vui, không khổ sầu.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 106: Bất Động Lợi Ích (1)

I. Toát Yếu

Ànenjasappàya Sutta - The Way to the Imperturbable.

The Buddha explains the approaches to various levels of higher meditative states culminating in Nibbàna.

(Con đường đến Bất động. Phật giải thích những cách đạt đến các tầng Thiền chứng, tột đỉnh của nó là Niết bàn.)

II. Tóm Tắt

Tôi nghe như vầy, Phật ở Rammassadhamma thị trấn dân Kuru, dạy các Tỳ kheo:

(Bất động)

Dục (2) là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh. Dục và dục tưởng hiện tại, tương lai đều thuộc lãnh vực ma, chỗ dinh dưỡng của ma, dẫn đến tham, sân, chướng ngại cho tu tập. Sau khi xét thấy vậy, Tỳ kheo an trú đại hành tâm, vượt khỏi cảnh giới của dục và quyết định (3) đắc Thiền. Khi tu tập như vậy, tâm vị ấy không còn các bất thiện pháp như tham, sân, mạn, và trở thành an tịnh trong giới xứ này (4), tâm vị ấy hoặc đạt đến Bất động (định), hoặc thiên về Trí tuệ (tuệ), và khi thân hoại mạng chung vị ấy sẽ tái sinh vào cõi Bất động (5). Ðây là con đường thứ nhất đạt đến Bất động.

Hoặc vị Tỳ kheo suy tư như sau (6): Những dục và dục tưởng hiện tại tương lai đều liên hệ 4 đại và sắc do 4 đại tạo. Tỳ kheo hành trì như vậy, tâm vị ấy trở nên an tịnh trong giới xứ của nó, thành tựu Bất động ngay hiện tại, hoặc thiên nặng về Trí tuệ. Khi chết, thức diễn tiến như vậy có thể đạt đến Bất động. Ðây là con đường thứ hai để được Bất động.

Hoặc Tỳ kheo suy nghĩ (7): "Dục, dục tưởng hiện tại và tương lai, sắc, sắc tưởng hiện tại và tương lai, cả 2 đều vô thường, không đáng tham chấp vui thú trong đó." Nhờ an trú nhiều lần như vậy, tâm vị ấy trở nên an tịnh trong giới xứ này. Với tâm an tịnh vị ấy thành tựu Bất động ngay hiện tại hay thiên về tuệ. Khi chết thức diễn tiến như vậy có thể đạt Bất động. Ðây là con đường thứ ba để đạt đến Bất động.

(Vô sở hữu xứ)

Vị Tỳ kheo suy nghĩ (8): "Dục và dục tưởng hiện tại và tương lai, sắc, sắc tưởng hiện tại và tương lai và bất động tưởng, khi được đoạn diệt không dư tàn, thì tâm được tịch tịnh. Ðây gọi là Vô sở hữu xứ thù diệu. Ðây là cách thứ nhất để đạt đến Vô sở hữu xứ.

Hoặc vị Tỳ kheo đi đến gốc cây và suy nghĩ: "Ngã, và ngã sở đều trống rỗng" (không có gì là Ta hay của ta) (9). An trú trong giới xứ này vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay hiện tại hoặc thiên về tuệ. Khi chết vị ấy có thể đạt Vô sở hữu xứ. Ðây là con đường thứ hai để đạt đến Vô sở hữu xứ.

Hoặc vị ấy nghĩ: "Ta và sở thuộc của ta không có bất cứ ở đâu và trong hình thức nào" (10). Tu tập như vậy, tâm vị ấy trở thành an tịnh, hoặc thiên về tuệ. Khi chết vị ấy tái sinh về Vô sở hữu xứ. Ðây là con đường thứ ba để đạt Vô sở hữu xứ.

(Phi tưởng phi phi tưởng xứ)

Vị Tỳ kheo nghĩ: "Dục, dục tưởng, sắc tưởng và bất động tưởng, vô sở hữu xứ tưởng, chỗ nào các tưởng ấy đoạn diệt không dư tàn là tịch tịnh, thù diệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ." Nhờ an trú như vậy, vị ấy thành tựu ngay hiện tại Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc thiên về tuệ. Khi chết có thể tái sinh ở phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðây là con đường tu tập Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

(Niết bàn)

Tôn giả A Nan bạch: Nếu một Tỳ kheo tư duy, tu tập như sau: "Trước đã không có thì nay không là của ta; về sau cũng sẽ không có và không là của ta. Hãy đoạn trừ những gì hiện có và đã có" (11). Nhờ thế vị ấy được xả (12) thì có chứng cứu cánh Niết bàn không? Phật đáp có người chứng người không. Không chứng là do còn chấp trước xả ấy, hoan hỷ trong xả ấy, nghĩa là thủ trước Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Còn chấp trước thì không thể chứng Niết bàn. Khi ấy Tôn giả A Nan bạch: Bạch Thế Tôn, nhưng vị ấy chấp trước vào cái gì? Phật đáp, vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ (13). A Nan bảo, đấy là chỗ chấp trước thù thắng nhất. Phật đồng ý, nhưng dạy thêm rằng nếu xả mà không hoan hỷ chấp trước xả ấy, không lệ thuộc vào nó, thì sẽ chứng cứu cánh Niết bàn, bất tử, nghĩa là tâm giải thoát không thủ trước.

Khi ấy Tôn giả A Nan tán thán Phật đã dạy về sự vượt qua bộc lưu nhờ vào một điểm tựa nào hay khác (14), và hỏi thêm: Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát (15)? Và Phật đã trả lời: Ấy là khi vị Thánh đệ tử suy xét như sau: Dục và dục tưởng, sắc và sắc tưởng hiện tại tương lai, tưởng về Bất động, về Vô sở hữu xứ hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đều là cái ngã nối dài (16). Ðây là bất tử, tức cái tâm giải thoát nhờ không chấp thủ (17).

Những gì cần giảng dạy cho đệ tử vì lòng thương tưởng, Ta đã giảng dạy. Ðây là những gốc cây, những ngôi nhà trống. Hãy Thiền định chớ trì hoãn mà phải ân hận về sau.

III. Chú Giải

1. Xem chú thích số 6 kinh 105. Bất động ở đây dường như chỉ bao gồm Thiền thứ tư và Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ...

2. Ám chỉ cả hai thứ: dục lạc và những ô nhiễm do dục lạc.

3. Kinh sớ ghi chú: sau khi đã vượt qua dục giới và quyết định đắc Thiền.

4. Theo Kinh sớ, tâm vị ấy an trú trong xứ này có nghĩa là, hoặc vị ấy đạt được tuệ nhắm đến A la hán quả, hoặc đắc Thiền thứ tư. Nếu vị ấy đắc tứ Thiền, thì Thiền này trở thành căn bản để đạt đến bất động, tức chính Thiền thứ tư. Nhưng nếu vị ấy đắc tuệ, thì vị ấy sẽ quyết định làm viên mãn Tuệ giác bằng cách đào sâu tuệ để chứng quả A la hán. Sự quyết định viên mãn tuệ là lý do tại sao những đoạn kinh kế tiếp mặc dù cuối cùng dẫn đến các định chứng, lại chỉ toàn nói về phát triển Tuệ giác.

5. Kinh sớ giải thích đoạn này mô tả tái sinh của một người không thể chứng quả A la hán mặc dù đã đắc tứ Thiền. Kết sanh thức của vị ấy là thức dị thục lúc tái sinh, thức ấy cũng có bản chất bất động như cái nghiệp thức đã đạt tứ Thiền. Vì chính cái thức thuộc tứ Thiền định đoạt sự tái sinh, nên người ấy sẽ tái sinh trong một cõi trời tương ưng với tứ Thiền.

6. Theo Kinh sớ, đây là tư duy của một người đã đắc tứ Thiền. Vì vị ấy xem sắc (vật chất) cũng thuộc những thứ cần phải vượt qua, nên nếu được định bất động thì vị ấy đạt đến Không vô biên xứ, và nếu không chứng quả A la hán thì vị ấy tái sinh vào Không vô biên xứ.

7. Ðây là suy nghĩ của một người đắc xứ Không vô biên. Nếu đạt bất động, vị ấy sẽ đắc Thức vô biên xứ và tái sinh vào xứ ấy nếu không đắc quả A la hán.

8. Ðây là suy nghĩ của một vị đã đắc Thức vô biên và đang nhắm đến Vô sở hữu xứ.

9. Kinh sớ gọi đấy là hai cái không - không tôi và của tôi - và cho giáo lý về Không vô biên xứ này được giảng giải bằng tuệ hơn là bằng định như đường lối trong phần trước. Kinh Trung Bộ số 43 nói pháp quán này sẽ dẫn đến Không tâm giải thoát.

10. Kinh sớ gọi đây là Bốn không và giải thích như sau: (i) Vị ấy không thấy đâu là cái ngã; (ii) không thấy một cái ngã như là một cái gì thuộc về một người khác như anh, bạn, người phụ tá…; (iii) không thấy ngã của một người khác; (iv) không thấy cái ngã của người khác được xem như cái gì thuộc về mình. Trong cảo bản của đại đức Nanamoli có ghi chú như sau: Những từ trong đoạn này và đoạn sau hình như là những câu đúc về sự chứng đắc Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong ngoại đạo, đôi khi được dùng làm cơ sở cho ngã kiến hay thân kiến.

11. Kinh sớ: Nếu trong quá khứ vòng nghiệp đã không do ta tích lũy, thì bây giờ vòng quả báo sẽ không dành cho ta; nếu hiện tại ta không tích lũy vòng nghiệp thì tương lai ta cũng sẽ không gặt quả báo. Cái gì đang hiện hữu, đã sinh ra, chính là năm uẩn. Phần đầu của công thức này cũng lại như là công thức cô đọng của một kiến chấp của ngoại đạo. Nhiều kinh cho đấy là đoạn kiến mà Phật đã áp dụng nhưng gán cho nói những ý nghĩa mới.

12. Theo Kinh sớ, vị ấy đạt tuệ xả, nhưng từ đoạn 11 trở đi, dường như cũng cốt nói đến xả của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

13. Ðây ám chỉ tái sinh của một vị đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ý nói vị ấy tái sinh vào cõi hữu tốt nhất, thù thắng nhất.

14. Nissàya nissàya oghassa nittharanà. Theo kinh sớ, Phật đã giải thích sự vượt qua bộc lưu cho một Tỳ kheo xử dụng bất cứ định chứng nào từ tam Thiền đến bốn không làm căn bản để đắc quả A la hán.

15. Câu hỏi của Ngài A Nan là cốt để gợi cho Phật nhắc đến sự tu tập của Thiền giả càn tuệ (sukkhavipassaka) người đắc quả A la hán mà không phải tùy thuộc vào một Thiền chứng nào cả.

16. Esa sakkàyo yàvatà sakkàyo. Ðây là toàn thể thân kiến - ba cõi (hữu); ngoài vòng ba hữu này, không có một cái ngã nào hết.

17. Theo Kinh sớ, đây ám chỉ quả vị A la hán của hành giả càn tuệ. Quả vị này gọi là Bất tử vì nó có hương vị của Niết bàn bất tử.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

1. Phật dạy chúng Tỳ kheo:

Các dục là vô thường

Trống rỗng và lừa dối

Chuyện trò của kẻ ngu.

2. Do dục và dục tưởng

Nổi lên tham sân mạn

Hãy chiến thắng cảnh dục

Quyết trú tâm đại hành.

3. Khi tâm đã an tịnh

Sẽ hướng đến tứ Thiền

Hoặc A la hán quả

Ðây bất động đầu tiên.

4. Thứ hai là Bất động

Của Không vô biên xứ

Khi vượt qua sắc tưởng

Quán bốn đại bốn không.

5. Loại Bất động ba

Là Thức vô biên xứ

Quán dục tưởng sắc tưởng

Vô thường, không đáng ham.

6. Hoặc vượt xa dục sắc

Bất động cũng không màng

Ðoạn diệt không dư tàn

Chứng Vô sở hữu xứ.

7. Cách hành đạo thứ hai

Ðể chứng Vô sở hữu

Là quán hai cái không

Không tôi, không của tôi.

8. Cách hành đạo thứ ba

Do thấy bốn cái không

Không ta không của ta

Không nó không của nó.

9. Lại đoạn dục, sắc tưởng

Cùng các tưởng bất động

Thấy đây là thù diệu:

Phi tưởng phi phi tưởng.

10. A Nanda hỏi Phật

Quán không ngã, ngã sở

Một Tỳ kheo trú xả

Có chứng Niết bàn chăng?

11. Không hoan hỷ, sẽ chứng

Còn thủ trước, khó chứng

Dù thủ Phi phi tưởng

Chỗ bám víu tinh vi.

12. A Nan lại bạch Phật

Vi diệu, hy hữu thay

Thế Tôn đã giải thích

Nhiều cách vượt qua dòng.

Nhưng xin Ngài giảng thêm

Thế nào Thánh giải thoát?

13. Hãy quán sát mọi tưởng

Dục sắc và bất động

Phi tưởng phi phi tưởng

Ðều là ngã nối dài.

14. Chỉ đây là bất tử:

Giải thoát không chấp thủ

Tỳ kheo quán như vậy

Ðạt cứu cánh Niết bàn.

15. Ta đã giảng lợi ích

Bất động, Vô sở hữu

Và Phi tưởng phi phi

Cuối cùng, Thánh giải thoát.

16. Này đây những gốc cây

Và những ngôi nhà trống

A Nan, hãy Thiền định

Chớ để hận về sau.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 107: Ganaka Moggallana

I. Toát Yếu

Ganakamoggallàna Sutta - To Ganaka Moggallàna.

The Buddha sets forth the gradual training of the Buddhist monk and describes himself as the "shower of the way."

(Nói với nhà toán học Moggallàna. Phật đề ra trình tự huấn luyện một Tỳ kheo và tự cho mình là người chỉ đường.)

II. Tóm Tắt

1. Bà la môn lấy ví dụ xây nhà (1) hoặc làm bất cứ gì như học toán (2) đều theo một trình tự, để hỏi trong đạo Phật có chăng một trình tự như thế. Phật đưa ra hình ảnh huấn luyện ngựa (3) để giảng về thứ tự học đạo. Trước hết là hộ trì giới, sống chế ngự với giới bổn, đủ uy nghi chính hạnh, thấy nguy hiểm trong lỗi nhỏ. Hai hộ trì 6 căn khi tiếp xúc 6 trần. Ba tiết chế trong ăn uống, không cho cảm thọ mới khởi lên. Bốn chú tâm cảnh giác gột sạch tâm trí khỏi chướng ngại pháp. Năm, thành tựu chính niệm tỉnh giác trong mọi uy nghi. Sáu, an trú chính niệm bằng Thiền tọa tại chỗ vắng để rũ bỏ 5 triền cái, chứng sơ Thiền đến tứ Thiền. Những pháp này vừa đưa đến Vô thượng an ổn thoát khỏi khổ ách mà cũng vừa là hiện pháp lạc trú của vị đã đắc quả A la hán. (4)

2. Bà la môn lại hỏi khi được giảng dạy như vậy, có phải ai cũng chứng cứu cánh Niết bàn hay chỉ một số ít? Phật đáp chỉ một số ít, ví như người đã được chỉ đường rành rẽ nhưng lại đi theo hướng khác, thì người chỉ đường (5) không thể làm gì được. Cũng thế, trong khi có Niết bàn, có đường đến Niết bàn, với Phật là người dẫn đường, các đệ tử sau khi được khuyến giáo chỉ một số đi theo đúng đường, một số không theo đúng.

3. Bà la môn bạch Phật (6) có những người sống không vì lòng tin chỉ vì sinh kế, không giữ giới hộ trì căn, không kính trọng sự tu học, sống quá dung tục, dẫn đầu đọa lạc, ngu đần, liệt tuệ, từ bỏ gánh nặng, viễn ly… Tôn giả Gotama không thể sống với những người như vậy. Còn những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, tôn kính học tập, không thờ ơ với Sa môn hạnh, dẫn đầu về viễn ly, chính niệm tỉnh giác, nhất tâm, có tuệ, Tôn giả Gotama sống hòa hợp với những vị ấy. Ví như trong các loại hương rễ cây, hương sắc chiên đàn là nhất, trong các loại hương hoa, hương hoa nhài là nhất. Cũng vậy trong các giáo lý, giáo lý của Tôn giả Gotama cao nhất hiện nay (7) Rồi Bà la môn xin quy y Tam bảo.

III. Chú Giải

1. Không thể nào nội trong một ngày mà xây được một cái nhà bảy tầng, phải có sự tiến hành tuần tự từ lúc phát quang, đặt nền móng cho đến khi hoàn tất.

2. Ganaka, tên ông có nghĩa là Mục Kiền Liên nhà kế toán.

3. Xem Trung 65, đoạn 33.

4. Những giai đoạn tu hành trước đấy là cần thiết cho những Tỳ kheo để đắc quả La hán, song cũng lợi ích cho các vị Tỳ kheo đã đắc quả ở chỗ đưa đến hiện tại lạc trú. Theo sớ giải, lạc trú này là sự đắc quả A la hán, và giải thích rằng một vài vị có thể chứng quả A la hán dễ dàng bất cứ lúc nào, còn các vị khác thì phải siêng năng tu tập từng bước một để đắc quả.

5. So sánh với Pháp cú 276: Chính các ông phải nỗ lực; chư Như Lai chỉ có nêu lên con đường.

6. Như Kinh số 5, đoạn 32.

7. Paramajjadhammesu. Lý thuyết của Gotama là tối thượng, cao nhất trong các giáo lý đương thời, tức của lục sư ngoại đạo.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Toán số gia Mục Liên

Hỏi trình tự tu hành

Trong Pháp và Luật Phật

Ðấng Thiện thệ đáp liền.

Thành tựu Giới trước tiên

Thứ hai, gìn giữ tâm

Khi căn trần xúc đối

Khiến ô nhiễm không sinh.

Ba uống ăn chừng mực

Ðủ duy trì cơ thể

Bốn chú tâm cảnh giác

Phòng chướng ngại tham sân.

Năm đứng ngồi giác tỉnh

Chính niệm từng uy nghi

Sáu tìm nơi an tịnh

Dứt triền cái, chứng Thiền.

Ðây sáu việc cần làm

Của người chưa chứng Thánh

Nhưng bậc Thánh vẫn làm

Ðể hiện tại vui an.

Dù được dạy như thế

Mà kẻ chứng, người không

Vì Phật chỉ con đường

Ai không theo khó chứng.

Những người thiếu đức tin

Xuất gia vì sinh kế

Thờ ơ Sa môn hạnh

Khó theo Gotama;

Những thiện gia nam tử

Vì lòng tin xuất gia

Sống chú tâm tỉnh giác

Sẽ gần đức Thích Ca.

Ngài là vị tối cao

Trong các Thầy giáo đạo

Con trọn đời quy kính

Tôn giả Gotama!

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 108: Gopaka Moggallana

I. Toát Yếu

Gopakamoggallàna Sutta.

With Gopaka Moggallàna. The venerable Ànanda explains how the Sangha maintains its unity and internal discipline after the passing away of the Buddha.

(Với Gopaka Moggallàna. Tôn giả A Nan giải thích làm sao Tăng chúng duy trì được sự thống nhất và kỷ luật nội bộ sau khi Phật qua đời.)

II. Tóm Tắt

Sau khi Phật nhập diệt (1) không lâu, Tôn giả A Nan vào khất thực trong thành Vương xá đang được xây kiên cố (2), và vì còn quá sớm, Ngài đến nơi Bà la môn Gopaka. Ông này hỏi có vị Tỳ kheo nào thành tựu trọn vẹn các pháp như Phật đã thành tựu không; Tôn giả đáp không, các đệ tử đang còn hành đạo và sẽ thành tựu về sau. Khi ấy đại thần xứ Ma Kiệt Đà (3) đi đến, ông hỏi có vị Tỳ kheo nào được Phật sắp đặt làm chỗ nương tựa cho chúng Tăng sau khi Ngài nhập diệt không. Tôn giả đáp không có vị Tỳ kheo nào cả. Ông lại hỏi, vậy có vị Tỳ kheo nào được Tăng chúng tôn lên làm chỗ nương cho toàn thể không, và Tôn giả cũng trả lời không có. Vị đại thần nói, vậy Tăng chúng không có chỗ nương tựa, làm sao sống hòa hợp được. Tôn giả nói chúng Tăng có Pháp và Luật làm chỗ nương (4), mỗi kỳ Bố tát chúng Tăng nhóm họp và y cứ giới bản Phật chế để biết ai sống đúng pháp ai không. Khi ấy đại thần hỏi có vị Tỳ kheo nào được chúng Tăng cung kính đảnh lễ và sống nương tựa vào vị ấy không. Tôn giả đáp có, đấy là bất cứ ai thành tựu mười pháp như sau. Một là sống có giới hạnh, đúng theo giới bổn Biệt giải thoát. Hai là đa văn; ba biết đủ với 4 vật dụng; bốn chứng 4 Thiền không khó nhọc; năm thực hiện được các thần túc thông; sáu biết tâm kẻ khác (tha tâm thông); bảy có thiên nhĩ thông; tám túc mạng thông (biết vô lượng kiếp trước của mình); chín thiên nhãn thông (thấy sự sống chết của chúng sinh); mười lậu tận thông, không còn sơ hở, đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Ðại thần xứ Ma Kiệt Đà công nhận một vị Tỳ kheo như thế quả thật xứng đáng được tôn thờ, rồi hỏi chỗ ở của Tôn giả. Khi được biết Tôn giả trú tại vườn Trúc, Ðại thần bảo chỗ ấy rất tốt cho Thiền định, Tôn giả Gotama lúc ở đấy đã giảng nói về Thiền. Ngài quả là vị tu Thiền, thiên về Thiền, tán thán tất cả Thiền định. Tôn giả A Nan phản bác: "Thế Tôn không tán thán tất cả Thiền định. Có loại Thiền định Phật không tán thán. Ðó là vị tu Thiền với tâm bị tham dục chi phối, không như thật biết sự giải thoát khỏi dục tham đã khởi. Vị ấy lấy dục tham làm đối tượng để tu Thiền, nhập Thiền (5). Cũng vậy với 4 triền cái khác (sân, hôn trầm, trạo hối, hoài nghi). Loại Thiền định được Thế Tôn tán thán là Thiền nơi vị Tỳ kheo ly dục ly bất thiện, chứng trú từ sơ đến tứ Thiền.

Ðại thần hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả A Nan và xin cáo từ vì bận nhiều công việc.

III. Chú Giải

1. Theo sớ giải, sau khi phân chia Xá Lợi Phật, Tôn giả A Nanda đi đến Vương xá để trùng tuyên về Pháp trong kỳ Ðại kết tập thứ nhất.

2. Vua Pajjota là bạn vua Bình sa xứ Ma Kiệt Đà, người đã bị con trai A xà thế giết chết. Theo kinh sớ, vua A xà thế nghĩ rằng vua Pajjota có thể tìm cách báo thù cho bạn.

3. Xem Trường bộ 16.

4. Câu này cốt nói rằng Tăng già không phải được cai quản bởi phán định của các phần tử trong Tăng, mà bởi Pháp và Luật do Phật đặt ra cho tăng noi theo. Về vấn đề này các Tỳ kheo tuân theo lời dạy cuối cùng của Phật là: Sau khi Ta nhập diệt, Pháp và Luật sẽ là Thầy của các ông.

5. Xem số 525.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tôn giả A Nanda

Vào Vương xá khất thực

Vì hãy còn quá sớm

Ghé thăm Gopaka.

Bà la môn này hỏi

Có vị Tỳ kheo nào

Thành tựu Pháp trọn vẹn

Bằng đức Gotama?

Thật không Tỳ kheo nào

Thành tựu trọn vẹn Pháp

Như Thế Tôn thành tựu

Việc ấy hãy còn lâu.

Ðại thần xứ Ma Kiệt

Ðến cắt ngang câu chuyện

Nêu lên một vấn đề

Với A Nan Tôn giả:

Ai sẽ là chỗ nương

Sau khi Phật Niết bàn

Việc này được sắp đặt

Do Phật hay chư Tăng?

Không vị Tỳ kheo nào

Ðược Thế Tôn sắp đặt

Hay Tăng chúng thỏa thuận

Ðể lãnh đạo Tăng già.

Nếu không người lãnh đạo

Làm sao tăng hòa hợp?

Chúng tôi nương theo Pháp

Pháp chính là chỗ nương.

Mỗi kỳ tăng Bố tát

Tụng giới Biệt giải thoát

Theo đúng pháp xử trị

Những trường hợp trái sai.

Có một Tỳ kheo nào

Ðược chư vị tôn kính

Thường đảnh lễ cúng dường

Xem là chỗ tựa nương?

Có mười pháp khả hỷ

Ðược Thế Tôn tuyên bố

Ai thành tựu như vậy

Ðáng đảnh lễ, nương theo:

Vị Tỳ kheo giữ giới;

Biết đủ bốn vật dụng;

Ða văn, chứng bốn Thiền

Ðã được các thần túc

Biết tâm địa kẻ khác

Nhớ nhiều đời quá khứ

Ðắc thiên nhĩ siêu phàm

Thiên nhãn, lậu tận thông.

Ðại thần Ma Kiệt Đà

Thốt lên lời tán thán:

Chư Tôn giả tôn kính

Ðúng người đáng kính tôn!

Thưa Tôn giả A Nan

Vườn trúc lâm khả ái

Thật hợp với Thiền tư

Thế Tôn thường ca ngợi.

Không hẳn, Bà la môn

Thế Tôn không ca ngợi

Thiền định của hạng người

Còn tham sân, trạo hối

Lấy hôn trầm rối loạn

Lấy hoài nghi bối rối

Làm đối tượng Thiền tư

Bị năm triền chi phối.

Thế Tôn chỉ tán thán

Ly dục ly bất thiện

Chứng và trú sơ Thiền

Hỷ lạc ly dục sanh.

Nhị Thiền không tầm tứ

Với hỷ lạc định sanh

Và nội tĩnh nhất tâm

Tứ Thiền Phật ca ngợi.

Ðại thần xứ Ma Kiệt

Tin nhận lời Tôn giả

Rồi đứng dậy cáo từ

Vì còn đi công việc.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 109: Ðại Kinh Mãn Nguyệt

I. Toát Yếu

Mahàpunnama Sutta.

The Greater Discourse on the Full-mơn Night. A bhikkhu questions the Buddha on the five aggregates, clinging, personality view, and the realisation of non-self.

(Bản kinh lớn giảng vào đêm rằm. Một Tỳ kheo thỉnh vấn Phật về năm uẩn, về chấp thủ, thân kiến và sự chứng ngộ vô ngã.)

II. Tóm Tắt

1. Vào một đêm trăng rằm Bố tát (1) tại giảng đường Lộc mẫu, Phật ngồi giữa trời có Tăng chúng vây quanh. Một Tỳ kheo (2) nêu lên nhiều câu hỏi, được Ngài tuần tự giải đáp.

2.

1) Gì là gốc của 5 thủ uẩn? Ấy là dục tham (3);

2) Chấp thủ với 5 thủ uẩn là một hay khác (4)? Không phải một, không phải khác. Khi có dục tham đối với 5 thủ uẩn thì gọi là chấp thủ;

3) Có thể có nhiều kiểu tham đối với 5 thủ uẩn? Có thể, như mong có sắc như vậy trong tương lai, hoặc mong có thọ như vậy, hoặc tưởng, hoặc hành, hoặc thức như vậy trong tương lai;

4) Gì là nghĩa chữ "uẩn"? Tất cả sắc nội ngoại thô tế xa gần đều thuộc sắc uẩn. Thọ tưởng hành thức cũng vậy;

5) Gì là điều kiện hay duyên cho mỗi thứ? Bốn đại là nhân duyên để gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân duyên của ba uẩn thọ, tưởng, hành. Danh sắc là nhân, duyên để gọi là thức uẩn (5).

6) Thế nào là thân kiến (6)? Do không học tập Thánh Pháp, xem sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc. Với 4 uẩn kia cũng thế (thành 20 thân kiến). Không thân kiến là khi không chấp trước như trên;

7) Gì là vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sắc, thọ, tưởng, hành, thức? Hỷ lạc khởi lên do năm uẩn là vị ngọt. Tính vô thường, khổ, biến hoại của chúng là nguy hiểm. Sự nhiếp phục dục tham đối với năm uẩn gọi là xuất ly;

8) Do nhân duyên gì mà không có mạn tùy miên (chấp ta và của ta)? Do thấy như thật với Trí tuệ tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức nội ngoại thô tế xa gần đều không phải của tôi, không phải là tôi hay tự ngã của tôi."

3. Khi nghe vậy, một Tỳ kheo khởi lên hoài nghi: nếu cả 5 uẩn là vô ngã, vậy những hành động do tâm vô ngã làm, được ngã nào lãnh thọ quả báo (7)? Phật biết được tâm niệm ấy, trách cứ Tỳ kheo và nhắc lại rằng Ngài đã nhiều lần dạy cách đặt câu hỏi (8) như sau: Sắc, thọ… là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, khổ thì có hợp lý để xem là tôi hay của tôi không? Do quán sát như vậy, Thánh đệ tử sinh yểm ly với 5 uẩn. Do yểm ly nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết mình đã giải thoát: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, từ nay không còn trở lại đời sống này nữa."

III. Chú Giải

1. Ngày thứ mười lăm của mỗi nửa tháng.

2. Vị Tỳ kheo này là một A la hán đang dạy dỗ sáu mươi đệ tử cùng sống với ông trong rừng. Những đệ tử này nỗ lực Thiền quán, đã pháp triển được nhiều tri kiến thuộc Tuệ giác nhưng không chứng được đạo và quả, bởi thế họ được Thầy dẫn đi yết kiến Phật. Vị Thầy hỏi Phật nhiều câu hỏi không phải vì bản thân mà vì muốn đánh tan hoài nghi của các môn đệ.

3. Chandamùlakà. Ở đây chanda (dục) đồng nghĩa với tanhà (khát ái) nguồn gốc của khổ bao hàm trong năm uẩn.

4. Xem Kinh Trung Bộ 44, đoạn 6.

5. Trong sắc uẩn, mỗi đại (trong bốn đại) làm điều kiện cho ba đại kia và cho sở tạo sắc (vật chất do bốn đại tạo). Xúc là một duyên (điều kiện) cho các uẩn thọ, tưởng, hành, như kinh Tương Ưng Bộ 35 dạy: Này các Tỳ kheo, khi tiếp xúc, người ta cảm thọ, khi tiếp xúc người ta nhận thức, khi tiếp xúc người ta có khuynh hướng hành động (hành, ý muốn). Kinh Sớ giải thích rằng vào lúc nhập thai, sắc và ba tâm uẩn khởi lên gọi là danh sắc, một duyên cho kết sanh thức. Trong tiến trình đời sống, các giác quan và đối tượng của chúng cùng ba tâm uẩn (thọ, tưởng, hành) là danh sắc làm duyên cho năm thức thuộc cảm quan.

6. Như trong Kinh Trung Bộ 44, đoạn 7-8.

7. Dường như vị Tỳ kheo này khó hiểu làm thế nào nghiệp lại có thể phát sinh ra hậu quả nếu không có cái ngã để nhận hậu quả ấy.

8. Câu này rất khác nhau tùy mỗi ấn bản. Bản dịch này dựa theo câu tương tự trong kinh Tương ưng 22, trong đó ghi patipucchà vinìtà có lẽ đúng hơn ấn bản hội Pali Text là paticca vinìtà, mà đại đức Nanamoli dùng làm bản gốc, và dịch: Này các Tỳ kheo, bằng nhiều ví dụ, Ta đã giảng dạy cho các ông về lý duyên sinh.

9. MA (Sớ giải Trung Bộ): Sáu mươi Tỳ kheo từ bỏ các đề mục Thiền của mình đã tu, và quán một đề mục mới dựa trên lời giảng dạy của Phật. Ngay tại chỗ, họ chứng quả A la hán.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Vào một kỳ Bố tát

Thế Tôn ngồi giữa trời

Chúng Tỳ kheo vây quanh

Giữa đêm rằm trăng sáng.

Một Tỳ kheo đứng lên

Xin phép nêu câu hỏi

Phật dạy ngồi yên chỗ

Ðưa ra các vấn đề.

Sắc thọ tưởng hành thức

Lấy gì làm gốc rễ?

Tham dục là gốc rễ.

Chấp thủ là năm uẩn

Hay ngoài năm uẩn ra

Còn có sự chấp thủ?

Thủ không là năm uẩn

Cũng không ngoài năm uẩn;

Nhưng khi có hỷ tham

Ðây gọi là chấp thủ.

Nghĩa của uẩn là gì?

Tất cả sắc trong ngoài

Thô tế quá hiện vị

Xa gần hay xấu đẹp

Ðều gọi là sắc uẩn.

Thọ tưởng hành và thức

Cũng nên hiểu như vậy.

Gì là nhân và duyên

Của sắc cho đến thức?

Bốn đại: nhân của sắc

Xúc, nhân thọ tưởng hành

Và nhân của thức uẩn

Chính là danh và sắc.

Thế nào là thân kiến?

Kẻ ngu xem sắc uẩn

Là tự ngã của ta

Hoặc tự ngã có sắc

Hoặc ngã ở trong sắc

Hoặc sắc ở trong ngã

Bốn uẩn kia cũng vậy

Thành hai mươi thân kiến.

Bốn cũng kia cũng vậy

Thành hai mươi thân kiến.

Không thấy sai như trên

Gọi là không thân kiến.

Gì là những vị ngọt

Nguy hiểm và xuất ly

Của sắc và bốn uẩn?

Hỷ lạc khởi từ sắc

Là vị ngọt của nó

Vô thường của sắc pháp

Là nguy hiểm của nó

Ðiều phục sự tham sắc

Là xuất ly của sắc.

Với bốn tâm uẩn kia

Cũng cần hiểu như vậy.

Làm sao để bỏ được

Tâm ngã mạn về tôi

Và sở thuộc của tôi?

Ðối với tất cả sắc

Và thọ tưởng hành thức

Hãy thường xuyên quán sát

Ðây không phải là tôi

Của tôi, tự ngã tôi.

Khi ấy có Tỳ kheo

Khởi lên một ý nghĩ

Nếu năm uẩn vô ngã

Thì ai chịu quả báo?

Phật biết tâm niệm này

Dạy cách đặt câu hỏi:

Sắc thường, vô thường?

Vô thường khổ hay vui?

Cái gì vô thường, khổ

Nên chăng xem là ta

Và tự ngã của ta?

Ðối với bốn tâm uẩn

Cũng tự hỏi như thế.

Khi như thật quán sát

Thực chất của năm uẩn

Tâm khởi lên nhàm chán

Do nhàm chán, hết ham

Do ly tham, giải thoát

Tự biết đã giải thoát

Không còn thọ thân sau.

Phật dạy kinh này xong

Chúng Tỳ kheo tín thọ

Ngay tại chỗ đang ngồi

Chứng lậu tận, giải thoát.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 110: Tiểu Kinh Mãn Nguyệt

I. Toát Yếu

Cùlapunnama Sutta.

The Shorter Discourse on the Full-moon Night. The Buddha explains the differences between an "untrue man" and a "true man.”

(Bản kinh ngắn thuyết vào đêm rằm. Phật giảng sự khác biệt giữa một người bất chính và một người chân chính.)

II. Tóm Tắt

Phật ở Ðông viên, giảng đường Lộc mẫu, vào ngày rằm Bố tát dạy chúng Tỳ kheo về chính và bất chính.

1. Người bất chính (asappurisa (1)) không thể biết được một người là bất chính hay chân chính. Người bất chính là kẻ đầy đủ pháp bất chính; giao du với người bất chính, suy tư như người bất chính, nói năng như người bất chính, hành động bất chính, có tà kiến, bố thí một cách bất chính. Ðầy đủ pháp bất chính là: bất tín, vô tàm, vô quý, ít nghe, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ. Giao du với người bất chính là làm bạn với những kẻ có các pháp bất chính như trên. Suy tư bất chính là nghĩ những việc tự hại, hại người, hại cả hai. Nói năng bất chính là nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, vô ích. Hành động bất chính là sát sinh, tà hạnh trong các dục. Tà kiến là tuyên bố không có bố thí và quả báo, thiện ác không có kết quả, không có đời này đời sau, các loại hóa sanh, ở đời không có Sa môn, Bà la môn tự chứng Thánh trí và truyền dạy lại. Bố thí bất chính là không tự tay bố thí, bố thí một cách vô lễ, không nghĩ kỹ, bố thí vật không cần, bố thí không nghĩ tương lai. Người đầy đủ pháp bất chính như vậy, sau chết sanh vào cảnh giới của kẻ bất chính là Địa ngục hoặc bàng sanh.

2. Người chân chính thì có thể biết được một người khác là chân chính hay bất chính. Người chân chính là người đầy đủ chính pháp, giao du các bậc chân chính, suy nghĩ chân chính, có chính kiến, bố thí chân chính. Và "chân chính" thì ngược lại với những gì là bất chính nói trên.

III. Chú Giải

1. Asappurisa, Kinh sớ chú thích là pàpapurisa, một kẻ xấu ác.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

1. Thế Tôn dạy chúng ta

Về chính và bất chính

Kẻ bất chính khó phân

Người chính với kẻ tà.

2. Bất chính là một người

Ðầy đủ pháp bất chính

Giao du kẻ ác nhân

Nghĩ nói làm đều quấy.

3. Bố thí cũng phi chân

Trong cách cho, vật thí.

Khi thân hoại mạng chung

Ðọa bàng sanh Ngạ quỷ.

4. Pháp bất chính nghĩa là

Không tin, không hổ thẹn

Ít nghe và lười biếng

Thất niệm lại ngu đần.

5. Giao du kẻ bất chính

Là thường kết bạn thân

Với những người có đủ

Pháp bất chính như trên.

6. Suy tư cùng toan tính

Ðều tự hại, hại người

Hoặc hại đến cả hai

Là tư duy bất chính.

7. Nói dối, ác, ly gián

Hai lưỡi và phù phiếm

Sát sinh, trộm, tà dâm

Là nói làm bất chính.

8. Bố thí không chính chân

Không tự tay, vô lễ

Ðem cho vật không cần

Không nghĩ đến tương lai.

9. Có tà kiến nghĩa là

Bác bỏ nghiệp và quả

Phủ nhận đời này, sau

Thánh nhân và cha mẹ.

10. Một con người chân chính

Biết kẻ chính người tà

Ðầy đủ pháp chính chân

Giao du người hiền thiện.

11. Tín tàm quý đa văn

Tinh cần niệm và tuệ

Ðây gọi là chính pháp

Theo chính ấy, bạn hiền.

12. Nghĩ chính: không tự hại

Hoặc hại đến mình, người

Nói chính: không hai lưỡi

Lời dối, thô, phù phiếm.

13. Chính kiến tin nhân quả

Có cha mẹ, Thánh nhân

Sự bố thí chính chân:

Tự tay cho vật cần.

14. Một con người chân chính

Ðầy đủ pháp chính chân

Nghĩ, nói, làm đều tốt

Mạng chung sinh cõi lành.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 111: Kinh Bất Đoạn (Anupadasuttam)

I. Toát Yếu

Anupada Sutta - One by One as They Occurred.

The Buddha describes the venerable Sàriputta’s development of insight when he was training for the attainment of arahantship.

Từng pháp một, ngay khi chúng khởi lên.

Phật mô tả sự phát triển Tuệ giác của Tôn giả Xá Lợi Phất lúc Ngài tu để đắc quả A la hán.

II. Tóm Tắt

Phật ở Xá Vệ, gọi các Tỳ kheo mà ca tụng Sariputta là bậc nhiều Trí tuệ, vị quán pháp bất đoạn (1) trong nửa tháng.

Vị ấy an trú không gián đọan các pháp sơ Thiền gồm có tầm, tứ, hỷ lạc, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục thắng giải, tấn, niệm, xả, tác ý (2) biết rõ lúc chúng khởi lên, trú và diệt; an trú với tâm không luyến ái, không chống đối, vô hạn (3) vì biết còn có giải thoát cao hơn nữa (4), còn nhiều việc phải làm. Vị ấy diệt tầm, tứ, an trú nhị Thiền, với các pháp thuộc nhị Thiền (nội tĩnh, hỷ, lạc, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý) cho đến các pháp thuộc tứ Thiền bất khổ bất lạc, với xả niệm thanh tịnh (5) (và các pháp khác như trên) cũng biết rõ chúng khởi, trú, và diệt, biết còn có những pháp cao hơn. Vị ấy chứng đắc và quán sát tương tự như thế cho đến Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất khởi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị ấy quán sát các pháp từ không thành có, và sau khi xuất hiện đã biến mất (6), đối với chúng vị ấy không luyến ái, không chống đối, an trú với tâm không hạn lượng vì biết còn thứ giải thoát cao hơn. Vị ấy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng trú định Diệt thọ tưởng, lậu hoặc được tận trừ nhờ thấy với Trí tuệ (7). Với chánh niệm, vị ấy xuất khởi Diệt thọ tưởng định, cũng quán sát như trên, các pháp (8) từ không thành có và sau khi xuất hiện đã biến mất, đối với chúng tâm không luyến ái, không chống đối, an trú với tâm vô hạn lượng. Vị ấy biết không còn sự giải thoát nào cao hơn (9) thế nữa, không còn việc gì phải làm.

Và Phật kết luận: Tôn giả Xá Lợi Phất đã thành tựu viên mãn (10) Giới uẩn, Ðịnh uẩn, Tuệ uẩn và Giải thoát uẩn của bậc Thánh, là con chánh tông của Phật, từ Pháp hóa sinh, kẻ thừa tự Pháp không thừa tự tài vật, chân chính chuyển Pháp luân Vô thượng mà Như Lai đã chuyển.

III. Chú Giải

1. Anupadadhammavipassanà. MA (Sớ giải Trung bộ) giải thích vị ấy phát triển tuệ quán tuần tự đi sâu vào các pháp nhờ các Thiền chứng và Thiền chi, như sẽ mô tả. Nửa tháng nói ở đây là kể từ lúc Tôn giả Xá Lợi Phất xuất gia theo Phật cho đến lúc Ngài chứng quả A la hán trong khi nghe Phật giảng cho Dìghanakha về cảm thọ. (xem Kinh Trung Bộ 75, đoạn 14.)

2. Năm pháp đầu trong bảng kê này là các Thiền chi thuộc sơ Thiền; các pháp sau đó là những thành phần thêm vào mỗi thứ làm một nhiệm vụ riêng trong Thiền định (DG. Theo duy thức học, gọi là năm biến hành và năm biệt cảnh tâm sở). Sự phân tích tỉ mỉ này về các tâm pháp báo trước phương pháp luận của Luận tạng, bởi thế không phải là sự tình cờ khi tên tuổi của Sàriputta được gắn liền với sự ra đời của văn học Luận tạng.

3. Tất cả những danh từ này có nghĩa là sự tạm thời dằn dẹp các nhiễm ô nhờ năng lực Thiền định chứ không phải sự hoàn toàn giải thoát ô nhiễm do đoạn tận chúng bằng A la hán đạo, điều mà Tôn giả Sàriputta còn phải chứng đạt.

4. Sự vượt xa hơn nữa ở đây là Thiền chứng kế tiếp, tức nhị Thiền.

5. Theo ấn bản BBS (Đại tạng Miến Điện) là passaddhattà cetaso anàbhogo, mà Kinh sớ giải là tâm còn có lạc ở tam Thiền bây giờ được xem là vẫn còn thô, và khi lạc ấy lắng xuống thì tâm có sự an tịnh nhờ xả. Ấn bản hội PTS là passivedanà, rõ ràng sai.

6. Cần phải sử dụng phương pháp nội quán gián tiếp này để quán sát Phi tưởng phi phi tưởng, Thiền vô sắc thứ tư vì nó vô cùng vi tế, các Thánh đệ tử không thể trực tiếp tra tầm được, mà chỉ có chư Phật toàn giác mới có thể trực tiếp quán sát nó.

7. Kinh sớ đưa ra giải thích sau về đoạn kinh này, do các trưởng lão của xứ Ấn truyền lại: Trưởng lão Xá Lợi Phất tu chỉ quán song hành và đã chứng quả Bất hoàn. Rồi Ngài nhập định Diệt thọ tưởng và sau khi xuất định này, đã chứng quả A la hán.

8. Vì trong định Diệt thọ tưởng không còn Thiền chi nào cả, nên Kinh sớ nói các pháp này chắc phải ám chỉ các sắc pháp sinh trong khi Tôn giả chứng diệt định, hoặc ám chỉ các tâm pháp thuộc định chứng vô sắc thứ tư trước đấy.

9. Hãy chú ý sự thực chứng rằng không còn giải thoát nào cao hơn sự chứng đắc A la hán quả.

10. Vasippatto pàramipatta, tối thắng rốt ráo (Ba la mật).

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật gọi chúng Tỳ kheo

Ngợi khen Xá Lợi Phất

Bậc Trí tuệ siêu phàm

An trú bất đoạn quán.

Vị ấy chứng sơ Thiền

An trú không gián đoạn

Các pháp thuộc sơ Thiền:

Tầm tứ hỷ lạc định

Xúc (tác) ý thọ tưởng tư

Dục thắng giải niệm xả

Rõ biết sinh trú diệt

Không tham luyến chống đối

An trú tâm vô hạn

Biết còn pháp cao hơn

Còn có việc phải làm.

Vị ấy chứng nhị Thiền

Cho đến Phi phi tưởng

Cũng thái độ như trên:

Giải thoát không chấp thủ.

Xuất khởi Phi phi tưởng

Chứng Diệt thọ tưởng định

Khi xuất khởi Diệt định

Quán sát các pháp này

Từ không mà ra có

Có lại trở về không

An trú tuệ giải thoát

Không còn việc phải làm.

Tôn giả Xá Lợi Phất

Con chính tông của Phật

Thừa tự Pháp Như Lai

Chuyển pháp luân Vô thượng.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 112: Sáu Thanh Tịnh

I. Toát Yếu

Chabbisodhana Sutta - The Sixfold Purity.

The Buddha explains how a bhikkhu should be interrogated when he claims final knowledge and how he would answer if his claim is genuine.

Sáu Sự Thanh Tịnh.

Phật giảng cách chất vấn một Tỳ kheo khi vị ấy tuyên bố đã đạt trí tối hậu; nếu đúng thật thì vị ấy phải trả lời như thế nào.

II. Tóm Tắt

Phật dạy chúng Tỳ kheo: Nếu có vị nào tuyên bố đã đoạn tận lậu hoặc, việc làm đã xong, thì khi nghe vậy không nên khen hay bác bỏ, mà nên hỏi lại vị ấy những vấn đề như sau. Họ thấy, nghe, nghĩ, biết (1) những gì mà tuyên bố như vậy? Trả lời chân chính là: Ðối với những gì thấy nghe nghĩ biết (kiến văn giác tri) họ không ái luyến không chống đối, không bị chúng trói buộc, an trú với tâm không hạn lượng (2). Ðược trả lời như vậy, cần hỏi tiếp là thái độ của họ thế nào đối với năm thủ uẩn. Cần trả lời đã đoạn trừ tâm cố chấp và tùy miên (3) đối với chúng vì biết chúng vô thường, biến hoại. Vấn đề thứ ba là về sáu giới (địa thủy hỏa phong không và thức), họ phải thấy là địa giới không phải tự ngã, tự ngã không tùy thuộc vào địa giới (4) (cũng vậy với năm giới còn lại). Vấn đề thứ tư là sáu xúc xứ (căn trần thức, tức mười tám giới), câu trả lời chân chính là: đối với mắt, sắc, nhãn thức, và các pháp được nhận thức bởi nhãn thức (5), họ đã đoạn tận dục tham hỷ ái, thiên chấp, tùy miên (cũng vậy với năm căn trần thức còn lại) nên biết tâm đã giải thoát. Thứ năm là đối với thức thân và tướng ngoài, làm sao biết đã đoạn mạn tùy miên tôi là người làm, sở thuộc của tôi là người làm (6)? Trả lời câu này, họ phải kể lại tuần tự việc xuất gia với lòng tin, thành tựu Thánh giới uẩn, đắc bốn Thiền (7) cho đến thấy như thật bốn chân lý và nhờ quán sát với Trí tuệ, tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, khởi lên hiểu biết: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không còn đời sống nào khác nữa. Khi ấy, nên tán thán: Thật lợi ích thay cho chúng tôi được thấy một vị Phạm hạnh như Tôn giả. (8)

III. Chú Giải

1. Xem số 17.

2. Cũng như trong kinh 111 đoạn 4, nhưng ở đây các từ này cốt diễn đạt sự đoạn tận nhiễm ô nhờ A la hán đạo.

3. Theo kinh sớ, tất cả từ này đều có nghĩa ái và kiến.

4. Phần đầu phủ nhận sự xem địa đại là tự ngã, phần hai phủ nhận xem các sắc và tâm pháp ngoài địa đại là tự ngã. Cũng thế với các đại khác.

5. Kinh có vẻ như trùng lặp khi đã nói sắc lại còn nói thêm các pháp được tâm nhận biết bằng nhãn thức. Sớ giải đưa ra hai quan điểm để giải quyết vấn đề. Một quan điểm cho rằng sắc là chỉ cho mọi vật thực sự đi vào nhận thức, còn các pháp có thể nhận biết bằng nhãn thức là những vật thấy được nhưng đã chấm dứt trước khi được thấy. Quan điểm thứ hai nói Sắc chỉ tất cả hình dạng không phân biệt, còn nhóm từ thứ hai là ba tâm uẩn hoạt động cùng với nhãn thức.

6. MA (Sớ giải Trung bộ) giải thích tôi làm (ahankàra) là mạn còn của tôi làm (mamankàra) là tham. Mọi tướng (nimitta) ngoài chỉ cho ngoại vật.

7. Túc mạng trí và sinh tử trí ở đây được gạt bỏ vì câu hỏi đầu tiên liên hệ đến sự chứng quả A la hán chứ không nói các định chứng thuộc thế gian.

8. MA (Sớ giải Trung Bộ) cho rằng kinh này còn gọi là Ekavissajjitasutta; và thấy khó giải thích con số sáu trong nhan đề nguyên thủy, vì trong kinh chỉ có năm câu hỏi đáp. Có thể chia mục cuối thành hai, là thân với thân thức của mình và thân thức người khác. Hoặc có quan điểm cho rằng bốn chân lý có thể được xem là vấn đề thứ sáu. Nhưng cả hai quan điểm đều không ổn, nên rất có thể là có một đoạn đã thất truyền.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy chúng Tỳ kheo

Nếu có người tuyên bố

Sinh tận, phạm hạnh thành

Không nên khen, hoặc bác.

Nên hỏi họ thấy gì

Nghe, nghĩ, biết những gì

Ðể tự xưng giải thoát

Không còn việc phải làm?

Cần trả lời chân chính:

Tôi không khởi ưa chán

Ðối kiến văn giác tri

Hằng trú tâm vô hạn.

Ðối với năm thủ uẩn

Thấy vô thường biến hoại

Tôi đoạn trừ cố chấp

Tâm giải thoát não phiền.

Với sáu giới trong ngoài

(Bốn đại và không, thức)

Không chấp đấy là tôi

Hay tự ngã của tôi.

Với sáu nội ngoại xứ

(tức là mười tám giới)

Tôi rũ sạch hỷ tham

Tự biết đã giải thoát.

Nhưng làm sao biết được

Ðã dứt mạn tùy miên:

Ta chính là người làm

Sở thuộc ta, người làm?

Với lòng tin xuất gia

Tôi thành tựu Thánh giới

Chính niệm và tỉnh giác

Trong tất cả uy nghi.

Thiền định nơi vắng vẻ

Gột trừ năm triền cái

Chứng cho đến tứ Thiền

Tâm hướng trí lậu tận.

Như thật biết bốn đế

Tâm giải thoát dục lậu

Hữu lậu, vô minh lậu

Biết việc làm đã xong.

Do thấy biết như trên

Ðối với thức thân này

Và tất cả ngoại tướng

Tôi dứt mạn tùy miên.

Ðược trả lời như trên

Hãy thốt lời ngợi khen:

Lành thay cho chúng tôi

Gặp người như Tôn giả.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 113: Kinh Chân Nhân

I. Toát Yếu

Sappurisa Sutta - The True Man.

The Buddha distinguishes the character of a true man from that of an untrue man.

(Phật giản biệt đặc tính của một người chân chính khác với người bất chính.)

II. Tóm Tắt

Phật giảng về chân nhân và phi chân nhân (1). Phi chân nhân thì tự hào vì mình xuất gia từ một gia đình cao sang, nên khen mình chê người. Cũng vậy, tự hào về giai cấp (dòng họ), danh tiếng, lợi lộc, đa văn, trì luật, thuyết pháp, khổ hạnh (2), chứng Thiền cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tự cho ta được như vậy, các Tỳ kheo khác không được, nên khen mình chê người. Chân nhân thì lấy đạo làm chính yếu, nên không nghĩ vì thuộc gia đình cao sang, dòng họ cao quý, danh tiếng… cho đến chứng các Thiền, mà tham sân si được đoạn trừ, do vậy không khen mình chê người. Vị ấy nhớ lời Phật dạy rằng sự thật về mọi thứ luôn luôn khác với những gì được quan niệm về chúng (3), nên vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng, chứng Diệt thọ tưởng định (4), và sau khi thấy với Trí tuệ, lậu hoặc đoạn trừ. Vị ấy không nghĩ mình là bất cứ gì, không nghĩ đến bất cứ việc gì (5).

III. Chú Giải

1. Sappurisaddhamma và asappurisadhamma.

2. Tức 13 khổ hạnh đề cập trong Thanh tịnh đạo, chương II.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích atammayatà không đồng hóa, không bao gồm trong đó, có nghĩa là vắng mặt khát ái. Nhưng theo đoạn văn này có lẽ là vắng bóng ngã mạn thì đúng hơn. Câu ví dụ chúng quan niệm thế nào đi nữa thì sự thực bao giờ cũng khác hơn (yena yena hi mannati tato tam hoti annathà) là một ẩn ngữ triết học còn xuất hiện trong Tiểu Bộ Kinh 588 và Ud. 3. Luận Udàna giải thích nó có nghĩa rằng dù phàm phu quan niệm thế nào về các uẩn, là ngã hay ngã sở thuộc v.v..., sự thực vẫn khác với những gì người ta gán cho nó: nó không là tôi hay của tôi.

4. Cần ghi chú rằng không có chuyện người phi chân mà lại nhập định Diệt thọ tưởng được. Khác với bốn Thiền và bốn định vô sắc mà phàm phu cũng chứng được, định Diệt thọ tưởng là phạm vi chỉ dành cho những vị đã chứng quả Bất hoàn và A la hán.

5. Na kinci mannati, na kuhinci mannati, na kenaci mannati. Ðây là một lời ngắn ngọn về cùng một trạng thái đã được mô tả đầy đủ trong Kinh Trung Bộ 1. Về tưởng tri, xem chú thích số 6.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật giảng về chân nhân

Và phi chân nhân pháp.

Phi chân nhân xuất gia

Tự hào về đủ thứ:

Ta gia đình cao sang

Tỳ kheo khác hèn hạ

Do tư duy như vậy

Nên khen mình chê người.

Về giai cấp dòng họ,

Danh tiếng và lợi lộc

Ða văn, khéo giữ giới,

Thuyết pháp và khổ hạnh

Nghĩ không ai bằng mình.

Chân nhân thì suy nghĩ

Không do các pháp ấy

Tham sân si đoạn trừ

Cốt yếu là hành đạo.

Với tư duy như vậy

Không khen mình chê người

Thấy ai hành đúng pháp

Cũng cần đáng tán dương.

Khi chứng đắc các Thiền

Cho đến Phi phi tưởng

Phi chân nhân tự mãn

Cho không ai bằng mình.

Chân nhân không như vậy

Khi chứng đắc tứ Thiền

Cho đến Phi phi tưởng

Vẫn với tâm vô tham.

Nhờ thế vượt Phi tưởng,

Chứng Diệt thọ tưởng định

Lậu hoặc được đoạn trừ

Ðạt hoàn toàn giải thoát.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 114: Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì

(Sevitabha-sevitavhasuttam)

I. Toát Yếu

Sevitabbàsedvitabba Sutta - To Be Cultivated and Not To Be Cultivated.

The Buddha sets up three brief outlines of things to be cultivated and not to be cultivated, and the venerable Sariputta fills in the details.

Nên Đào Luyện Và Không Nên Đào Luyện.

Phật nêu vắn tắt ba toát yếu về những pháp cần đào luyện và không cần, rồi Tôn giả Xá Lợi Phất nói chi tiết đầy đủ.

II. Tóm Tắt

Phật dạy đối với mười pháp sau đây (1) là thân hành, khẩu hành, ý hành, tâm sinh, tưởng đắc, kiến đắc, ngã tính đắc, sáu đối tượng giác quan (sắc thanh hương vị xúc pháp), bốn vật dụng và người giao du - đều có hai loại, nên và không nên đào luyện (2). Không nên là khi luyện nó, ác pháp tăng, thiện pháp giảm và nên là ngược lại.

Tôn giả Xá Lợi Phất triển khai lời dạy ấy như sau: Về thân hành, không nên sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục. (Và từ bỏ những nghiệp ấy là điều nên làm, đối với các pháp sau cũng vậy.) Về khẩu hành, không nên nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, nói vô ích. Về ý hành, không nên tham tài vật, sân muốn hại kẻ khác, và có tà kiến (3) như không tin có bố thí, nhân quả, cha mẹ, đời này đời sau, các bậc Thánh hiền. (Nên làm là ý hành ly tham, bất hại và có chính kiến, ngược với tà kiến nói trên.) Tâm sinh không nên đào luyện là tâm gì khiến cho ác pháp tăng, thiện pháp giảm; như người có tham (4) sống với tâm thấm nhuần tham, (với sân và hại cũng vậy). Tưởng đắc không nên luyện là tưởng đi kèm dục, sân, hại; ngược lại nên đào luyện tưởng ly dục, vô sân, bất hại. Kiến đắc không nên có tà kiến cho rằng không có bố thí vân vân; kiến đắc nên có là chính kiến như trên. Ngã tính đắc (5) không nên có là tính đắc có hại, làm cho bất thiện pháp tăng, thiện pháp giảm, ngăn cản sự chấm dứt sinh tử luân hồi (6) nên có là ngã tính đắc vô hại, khiến thiện pháp tăng, bất thiện pháp giảm. Về sáu đối tượng giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp do mắt tai mũi lưỡi thân ý nhận thức) cũng có hai loại không nên tiếp xúc và nên tiếp xúc. Sắc không nên tiếp xúc (7) là khi sự tiếp xúc nó làm bất thiện pháp tăng, thiện pháp giảm, nên tiếp xúc là ngược lại. Với năm đối tượng còn lại là (pháp thứ chín, mười trong bảng lược kê ở đầu) y thực sàng tọa, người giao du cũng vậy.

Phật khen ngợi sự triển khai của Tôn giả Xá Lợi Phất, và dạy rằng ai hiểu lời dạy một cách chi tiết (8) sẽ được hưởng hạnh phúc an lạc lâu dài.

III. Chú Giải

1. Ðoạn đầu này chỉ đưa ra một mục lục sẽ triển khai trong toàn bản kinh.

2. A Nanamannam. Hai cái loại trừ nhau, không thể xem cái này với cái kia là một được.

3. Mặc dù tà kiến và chính kiến thường được bao gồm dưới mục Giới, trong kinh này chúng được trình bày riêng rẽ ở đoạn kiến đắc là sự thủ đắc quan điểm.

4. Trong khi tham và sân nói ở đoạn ý hành có năng lực của một nghiệp đạo, thì ở đoạn nói về tâm sinh, chúng được hiển thị mới trong giai đoạn sơ khởi, như những khuynh hướng chưa phát nghiệp.

5. Attabhàvapatilabha, sự thủ đắc cá thể, ở đây chỉ cho sự tái sinh.

6. Aparinitthitabhàva. Từ ngữ bất thường này được dịch theo chú thích của MA (Sớ giải Trung Bộ)

7. Sự khác nhau không nằm ở đối tượng mà ở phương pháp tiếp cận đối tượng. Với người này tham dục và các nhiễm ô khác khởi lên đối với một sắc nào đó, nhưng cùng một sắc ấy một người khác lại khởi tâm nhàm chán, ly tham khi tiếp xúc.

8. MA (Sớ giải Trung Bộ) Người nào nghiên cứu kinh và luận giải kinh này mà không tu tập theo đó thì không thể gọi là đã hiểu ý nghĩa chi tiết của kinh. Chỉ những người tu tập theo lời dạy trong đó thì mới gọi là hiểu ý nghĩa chi tiết.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy về hai loại

Nên, không nên hành trì

Với các pháp như sau

Tỳ kheo nên xét kỹ.

Trước tiên nên vắn tắt:

Thân khẩu và ý hành,

Tâm sinh và tưởng đắc

Kiến đắc, ngã tính đắc

Sáu đối tượng giác quan

Bốn vật dụng thường dùng

Và hạng người giao du

Ðều có đáng, bất đáng.

Những gì không nên làm

Vì đưa đến hậu quả

Thiện giảm bất thiện tăng

Nên làm là ngược lại.

Thân hành không nên làm

Là giết, trộm, tà dâm

Khẩu hành dối, hai lưỡi,

Ác khẩu, lời phù phiếm

Ý hành tham sân hại

Tà kiến bác nhân quả

Từ bỏ các sự ấy

Là pháp nên hành trì.

Những tâm sinh bất đáng

Khiến ác tăng thiện giảm

Như người có lòng tham

Lại sống với tâm tham

(Cũng vậy sân và hại)

Tâm sinh nên hành trì

Là sống tâm ly tham

Vô sân và bất hại.

Tưởng đắc không nên hành

Là dục sân hại tưởng

Tưởng đắc đáng hành trì

Xa lìa dục sân hại.

Kiến đắc không nên có

Tà kiến bác nhân quả

Bác cha mẹ, Thánh hiền

Ngược lại là chính kiến.

Ngã tính đắc không nên

Là thứ nào có hại

Không chấm dứt luân hồi.

Nên hành thứ vô hại,

Khiến thiện tăng, ác giảm.

Ðối với sáu đối tượng

Do giác quan nhận thức:

Sắc không nên tiếp xúc

Là khi tiếp xúc nó

Ác pháp tăng thiện giảm

Nên xúc là ngược lại.

Với những gì còn lại:

Thanh hương vị xúc pháp

Bốn vật dụng thường ngày

Và chỗ, người giao du

Chiếu theo đây nên biết.

Phật dạy Xá Lợi Phất

Ai hiểu rộng lời này

Sẽ an lạc dài lâu.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 115: Ða giới

I. Toát Yếu

Bahudhàtuka Sutta - The Many Kinds of Elements.

The Buddha expounds in detail the elements, the sense bases, dependent origination, and the kinds of situations that are possible and impossible in the world.

Nhiều Loại Yếu Tố.

Phật giảng chi tiết về (mười tám) giới, (mười hai) xứ, duyên khởi, và những trường hợp có thể, không thể xảy ra ở đời.

II. Tóm Tắt

Phật dạy tất cả những sự sợ hãi, thất vọng và hoạn nạn chỉ sinh khởi cho kẻ ngu, không phải cho người hiền trí, cũng như lửa lan từ một ngôi nhà cỏ và đốt nó cháy rụi. Bởi thế, các Tỳ kheo hãy phát tâm trở thành người hiền, biết suy tư tìm hiểu. Tôn giả A Nan hỏi thế nào là hiền. Phật dạy, ấy là khi Tỳ kheo thiện xảo về Giới (1), xứ, duyên khởi và về xứ phi xứ.

- Thiện xảo về Giới là biết rõ mười tám giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức); hoặc sáu giới (bốn đại thêm không, thức); hoặc sáu giới là lạc, khổ, hỷ, ưu, xả, và vô minh (2), hoặc dục sân hại, ly dục vô sân bất hại (3); ba giới là dục, sắc, vô sắc (4); hoặc hai giới là hữu vi, vô vi (5).

- Xứ có sáu nội ngoại xứ là mắt và sắc tai và tiếng… cho đến ý và pháp (6).

- Duyên khởi có 12 nhân duyên.

- Xứ phi xứ là biết rõ chuyện có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra như sau:

Không thể có việc người thành tựu chính kiến (7) mà lại xem các hành là thường, lạc (8), ngã; phạm năm tội nghịch; đề cao một Đạo sư khác. Phàm phu thì có thể phạm những sai lầm này, xem một pháp nào đó là ngã (9) và giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá tăng hòa hợp, và làm thân Phật chảy máu (10) hoặc đề cao một Đạo sư khác (11).

Cũng không thể có chuyện trong một thế giới mà đồng thời xuất hiện hai vị Phật (12), hai vua Chuyển luân. Cũng không thể có chuyện nữ nhân mà thành Phật (13), Ma vương, Ðế thích, Phạm thiên. Không thể có chuyện do nhân duyên (14) nghĩ, làm, nói ác mà được quả vui và sinh vào cõi lành hay ngược lại. Những điều ngược lại thì có thể xảy ra.

Khi được hỏi tên pháp môn này là gì, Phật dạy nên gọi là Ða giới, hoặc Bốn chuyển (15), Pháp kính, hoặc Trống bất tử, hoặc Vô thượng chiến thắng.

III. Chú Giải

1. Mười tám giới được giải thích chi tiết trong THANH TịNH ĐạO chương 15. Vắn tắt, ý giới (manodhàtu) theo Luận, bao gồm ngũ môn hướng tâm (pancadvàràvajjana-citta) và ý thức tiếp thu đối tượng sau khi các giác quan đã nhận biết. Ý thức giới (manovinnànadhàtu) thì bao gồm mọi loại thức trừ năm thân thức và ý giới. Pháp giới (dhammadhàtu) bao gồm các loại vi tế sắc không ở trong tầm nhận biết của giác quan, ba tâm uẩn thọ tưởng hành, và Niết bàn. Nó không gồm các quan niệm, ý tưởng trừu tượng, phán đoán, v.v... Mặc dù những thứ sau này được gồm trong khái niệm về tâm pháp (đối tượng của tâm), pháp giới chỉ gồm những gì có tự tính, không bao gồm những gì do tâm tạo nên.

2. Lạc và khổ giới là lạc thọ và khổ thọ của thân, hỷ và ưu giới là vui khổ của tâm, xả giới là cảm thọ không vui không khổ. Theo MA, vô minh được đưa vào đây vì nói có vẻ giống với xả giới.

3. Vibhanga định nghĩa đây là sáu loại tầm (vitakka) tương ứng, xem Trung bộ 19, đoạn 2.

4. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích dục là năm uẩn thuộc dục giới, sắc là năm uẩn thuộc sắc giới, vô sắc là bốn uẩn thuộc vô sắc giới.

5. MA (Sớ giải Trung Bộ) hữu vi giới bao gồm mọi pháp do duyên sinh và là tên gọi ám chỉ năm uẩn. Vô vi giới là Niết bàn.

6. Mười hai xứ được THANH TỊNH ĐẠO giải thích trong chương 15. Ý xứ bao gồm mọi loại thức và như vậy nó gồm cả bảy giới làm nhiệm vụ của thức. Pháp xứ cũng như pháp giới.

7. MA (Sớ giải Trung Bộ) một người có chính kiến (ditthisampanno) là có kiến thuộc đạo, tối thiểu là một Thánh đệ tử đã đắc quả Dự lưu. Hành đây cần hiểu là một hành hữu vi, nghĩa là bất cứ pháp duyên sinh nào.

8. MA (Sớ giải Trung Bộ) nêu lên rằng một Thánh đệ tử chưa chứng A la hán cũng còn có thể xem các hành là lạc với tâm không tương ưng tà kiến, nhưng vị ấy không thể giữ cái quan niệm rằng bất cứ hành nào cũng là khả lạc. Mặc dù tưởng và ý hành khả lạc có khởi lên trong tâm, vị ấy vẫn phản tỉnh để biết thế là lầm.

9. Trong đoạn nói về tự ngã, chữ hành được thay bằng chữ pháp. Theo MA, sở dĩ như vậy vì để bao gồm cả những khái niệm như tướng về Kasina vân vân mà phàm phu dễ xem là tự ngã. Nhưng xét sự kiện Niết bàn được mô tả là bất tử và lạc, và cũng dễ bị tưởng là ngã (xem kinh số 1), nên chữ hành có thể nói chỉ bao gồm các pháp hữu vi, còn chữ pháp thì gồm cả hữu vi và vô vi. Nhưng lối giải thích này không có trong luận giải của luận sư TTÐ.

10. Ðoạn này phân biệt phàm phu với Thánh đệ tử trên phương diện năm tội nghịch. Theo MA, một Thánh đệ tử thì không thể nào cố ý đoạt bất cứ sinh mạng của chúng sinh nào, nhưng ở đây nêu lên việc giết cha mẹ để nhấn mạnh khía cạnh nguy hiểm của cương vị phàm phu và năng lực của Thánh đệ tử.

11. Nghĩa là có thể thừa nhận bất cứ ai ngoài Phật làm Vô thượng sư.

12. MA (Sớ giải Trung Bộ) Không thể nào có một vị Phật khác ra đời kể từ thời gian một Bồ tát nhập thai mẹ lần cuối cho đến khi giáo lý của Ngài đã hoàn toàn biến mất.

13. Lời này chỉ xác quyết rằng một vị Phật toàn giác luôn luôn thuộc nam tánh, nhưng không phủ nhận một người hiện tại là phụ nữ có thể thành Phật trong tương lai. Nhưng muốn thế thì trước hết người ấy phải tái sinh thành nam tử.

14. Trong đoạn này, cái câu do nhân ấy do duyên ấy (tannidàna tappaccayà) là hết sức quan trọng. Như Phật sẽ cho thấy trong kinh 136, một người phạm ác hành có thể tái sinh lên thiên giới và người làm thiện hành có thể tái sinh vào đọa xứ. Nhưng trong các trường hợp này, sự tái sinh là do nguyên nhân một nghiệp khác với nghiệp người ấy thường làm. Sự đúng luật sát sao chỉ áp dụng cho nghiệp và quả của nó.

15. Bốn chuyển là Giới, Xứ, Duyên sinh và Xứ phi xứ (việc có thể xảy ra, không thể xảy ra)

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tất cả những sợ hãi

Thất vọng và tai ương

Chỉ đến cho kẻ ngu,

Không phải cho người trí.

Như từ căn lều cỏ

Dù đẹp xinh kiên cố

Một đóm lửa nổi lên

Cũng đốt tan tành nó

Bởi thế, hãy quyết tâm

Trở thành một người hiền

Biết suy tư tìm hiểu

Ðây là lời Phật dạy.

Hiền trí là thiện xảo

Về Giới, xứ, duyên khởi

Việc có thể xảy ra

Và không thể xảy ra.

Giới là mười tám giới:

Mắt sắc và nhãn thức

Ý, pháp và ý thức

Cộng thành mười tám giới.

Lại có sáu loại giới

Bốn đại thêm không, thức

Biết rõ các thứ ấy

Là thiện xảo về giới.

Lạc khổ hỷ ưu xả

Cuối cùng thêm vô minh

Là sáu giới thuộc tâm

Các Tỳ kheo nên biết.

Dục, sắc và vô sắc

Ðây gọi là ba giới

Hữu vi và vô vi

Ðây gọi là hai giới.

Xứ gồm sáu trong ngoài

Con mắt và hình sắc

Lỗ tai và âm thanh

Cho đến ý và pháp.

Thiện xảo về duyên khởi:

Ðây có tức kia có

Ðây sinh thì kia sinh

Ðây không thì kia không

Ðây diệt, kia cũng diệt.

Do vô minh, sinh hành,

Do hành sinh, thức sinh

Do thức, danh thức sinh

Do danh sắc, sáu nhập

Do sáu nhập, có xúc

Do xúc mà có thọ

Do thọ mà có ái

Do ái mà có thủ

Do thủ mà có hữu

Do hữu mà có sinh

Do sinh có già chết

Sầu bi khổ não ưu.

Vô minh diệt hành diệt

Hành diệt thì thức diệt

Thức diệt, danh sắc diệt

Cho đến già chết diệt.

Ðây là sinh và diệt

Của toàn đống khổ này.

Tỳ kheo biết như vậy

Thiện xảo về duyên sinh.

Thiện xảo Xứ phi xứ

Là Tỳ kheo biết rõ

Chuyện có thể xảy ra

Và không thể xảy ra:

Thành tựu chính tri kiến

Thì không thể quan niệm

Có thường, lạc, và ngã

Trong các pháp hữu vi;

Hoặc phạm năm tội nghịch;

Ðề cao Đạo sư khác.

Cũng không thể có chuyện

Ðồng thời, trên thế giới

Xuất hiện hai vị Phật,

Hai Chuyển luân Thánh vương.

Cũng không thể có chuyện

Nữ nhân mà thành Phật,

Thành Ma vương, Ðế thích

Hoặc vua trời Phạm thiên.

Cũng không thể có chuyện

Do nghĩ, nói, làm, ác

Mà được quả an vui

Và sinh vào cõi lành

Do nghĩ nói làm thiện

Mà gặp quả đau khổ

Và sinh vào đọa xứ.

Việc có thể xảy ra

Là những điều ngược lại.

Kinh này tên Ða giới

Hoặc Pháp kính, Bốn chuyển

Hoặc tên Trống bất tử

Tỳ kheo hãy thọ trì.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 116: Thôn Tiên Isigilisatta (1)

I. Toát Yếu

Isigili Sutta - Isigili - The Gullet of the Seers.

An enumeration of the names and epithets of paccekabuddhas who formely dwelt on the mountain Isigili.

Vật Nuốt Những Vị Tiên.

Kể ra tên và đặc điểm các vị Phật Độc giác trước kia đã cư trú trên núi Thôn tiên.

II. Tóm Tắt

Khi ở thành Vương Xá, trên núi Isigili, Phật chỉ cho các Tỳ kheo những ngọn núi vây quanh thành, là núi Vebhàra (2) (Phụ trọng), Pandava (Bạch thiện), núi Vepulla (Quảng phổ), núi Gijjhakùta (Linh thứu) và dạy chúng: Những núi này xưa kia có tên khác, nay tên khác, duy chỉ ngọn núi Isigili thì xưa nay vẫn vậy. Phật kể lai lịch cái tên này như sau. Thuở xa xưa có năm trăm vị Ðộc giác Phật (3) sống trong núi này một thời gian khá dài. Họ được thấy đi vào trong núi rồi không thấy trở ra, nên quần chúng đã bảo nhau: Ngọn núi này đã nuốt những ẩn sĩ (Ime isigilatìti) (4). Do vậy nó có tên là Thôn tiên. Và Phật kể danh xưng mười ba vị Phật độc giác đã trú lâu ngày trong núi ấy: Arittha, Uparittha, Tagarasikhì (5), Yasassì, Sudassana, Piyadassì, Gandhàra, Pindola, Upàsabha, Nitha, Tatha, Sutavà và Bhàvitatta (6). Ngoài ra còn nhiều vì độc giác và ẩn sĩ khác nữa. Họ là những tinh hoa của hữu tình đã nhổ mũi tên khổ và dứt sạch tham ái, tự mình chứng đắc giải thoát, những vị đã đoạn tận tái sinh, từ bỏ chấp thủ nguồn gốc của đau khổ, đánh bại quân ma, những bậc vô cấu đoạn trừ tai nạn, có can đảm phi thường, thọ thân sau chót, đã đoạn kết sử, đã thắng mọi chiến trận, đã đạt đến Niết bàn.

III. Chú Giải

1. Ở Tích Lan kinh này được tụng thường xuyên làm kinh cầu an.

2. Núi này và núi sau đó là những ngọn núi bao quanh thành Vương xá.

3. Ðộc giác Phật là một vị tự mình đạt giác ngộ giải thoát không nhờ Pháp do Phật giảng. Vị ấy không thể giảng dạy Pháp cho người và cũng không thể thiết lập nền giáo lý. Ðộc giác Phật chỉ xuất hiện vào thời trên thế gian không còn có Phật pháp.

4. Hán dịch là Thôn tiên, trong đó thôn là nuốt trộng.

5. Tagarasikhin được nhắc đến trong Ud5 và SN3.

6. Nanamoli nhận xét rằng nếu không có luận giải thì thật rất khó mà phân biệt tên riêng và đặc điểm của các vị Phật độc giác.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Khi ở thành Vương xá

Từ đỉnh núi Thôn tiên

Phật chỉ các ngọn núi

Vây quanh thành Vương xá:

Vebhàra (Phụ trọng)

Pandava (Bạch thiện)

Vepulla (Quảng phổ)

Gijjakùta (Linh thứu)

Những núi này xưa kia

Ðều mang những tên khác

Duy có tên Thôn tiên

Trước sao nay vẫn vậy.

Do đâu có tên này

Là I-si-gi-li (Thôn tiên)?

Xưa năm trăm Ðộc giác

Tu trong này khá lâu.

Họ đã vào trong núi

Rồi không thấy trở ra

Nên quần chúng bảo nhau:

Núi này nuốt (thôn) ẩn sĩ.

Và Phật kể danh xưng

Mười ba vị độc giác

Ðã trú trong núi ấy

Cùng nhiều ẩn sĩ khác.

Họ là những tinh hoa

Của tất cả hữu tình

Ðã nhổ mũi tên khổ

Và dứt sạch tham ái;

Ðã tự mình chứng đắc,

Ðã đoạn tận tái sinh

Ðã từ bỏ chấp thủ

Nguồn gốc của khổ đau;

Ðã đánh bại quân ma,

Ðã đoạn trừ tai nạn

Có can đảm phi thường

Thọ hình hài sau chót

Những con người vô cấu

Ðã đoạn hữu kết sử,

Ðã thắng mọi chiến trận

Ðã đạt đến Niết bàn.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 117: Ðại Tứ Thập

I. Toát Yếu

Mahàcattàrìsaka Sutta - The Great Forty.

The Buddha defines the factors of the Noble Eightfold Path and explains their inter-relationships.

Số Bốn Mươi Vĩ Đại.

Phật định nghĩa các chi của Thánh đạo tám ngành và giải thích tương quan giữa các chi phần ấy.

II. Tóm Tắt

Phật dạy các Tỳ kheo về Ðịnh của bậc Thánh (1), cùng những yếu tố hỗ trợ cho định, gồm bảy chính còn lại trong Bát chính đạo là chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến và chính niệm.

1. Về Chính kiến:

a. Chính kiến là yếu tố dẫn đạo (2), biết phân biệt giữa chính kiến và tà kiến thì gọi là chính kiến (3). Tà kiến là không tin có bố thí, nhân quả, đời này đời sau, cha mẹ, Thánh hiền.

b. Chính kiến gồm hai, là hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là loại chính kiến thuộc thế gian, thuộc phước báu, chấp thủ (4) như tin có bố thí vân vân, ngược với tà kiến nói trên. Còn chính kiến vô lậu (5) là cái thấy thuộc đạo nơi người đã thuần thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, Thánh tâm.

c. Ai tinh tấn đoạn trừ tà kiến thành tựu chính kiến, gọi là chính tinh tiến. Ai chính niệm đoạn trừ tà kiến, an trú chính kiến, gọi là chính niệm. Vậy có ba yếu tố xoay quanh chính kiến, đó là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm (6).

2. Về Chính tư duy:

a. Chính kiến đi hàng đầu (7): Biết phân biệt giữa chính tư duy và tà tư duy gọi là chính kiến. Tà tư duy là tư duy có dục, sân, hại. Chính tư duy là tư duy ly dục, vô sân, bất hại (8).

b. Chính tư duy có hai loại, hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là chính tư duy ly dục vô sân bất hại nói trên. Vô lậu là chính tư duy siêu thế, thuộc bậc Thánh, thuộc đạo (9).

c. Tinh tiến đoạn trừ tà tư duy, thành tựu chính tư duy, gọi là chính tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà tư duy, an trú chính tư duy, gọi là chính niệm. Như vậy cũng có ba yếu tố xoay quanh chính tư duy, là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm (10).

3. Về Chính ngữ:

a. Cần có chính kiến để phân biệt tà ngữ và chính ngữ. Tà ngữ là nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, phù phiếm.

b. Chính ngữ có hai loại là hữu lậu, vô lậu. Chính ngữ hữu lậu là từ bỏ bốn ác khẩu nghiệp nói trên, đem lại phước báo. Chính ngữ vô lậu là sự viễn ly bốn loại tà ngữ nơi một bậc Thánh có tâm siêu thế, thuộc đạo (11).

c. Tinh tiến trừ tà ngữ, thành tựu chính ngữ, gọi là chính tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà ngữ, an trú chính ngữ, gọi là chính niệm. Vậy về chính ngữ cũng có ba yếu tố xoay quanh, là chính kiến, chính tinh tiến, chính niệm.

4. Về Chính nghiệp:

a. Chính kiến cũng đi trước để biết phân biệt giữa tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp là sát đạo dâm.

b. Chính nghiệp cũng có hai loại, hữu lậu, thuộc phước báo, là từ bỏ ba tà nghiệp nói trên. Vô lậu là chính nghiệp thuộc siêu thế, thuộc đạo, sự viễn ly ba thân ác hành nơi một bậc Thánh.

c. Ai tinh tiến đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chính nghiệp, gọi là tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà nghiệp an trú chính nghiệp, gọi là chính niệm. Như vậy về chính nghiệp cũng có ba yếu tố khác xoay quanh là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm như trên.

5. Về Chính mạng:

a. Chính kiến cũng đi trước để phân biệt giữa tà mạng và chính mạng. Tà mạng nơi Tỳ kheo là lừa đảo, nói mê ly, hiện tướng, gian trá, lấy lợi cầu lợi (12).

b. Chính mạng cũng có hai, hữu lậu và vô lậu. Từ bỏ tà mạng là chính mạng hữu lậu thuộc phước báo. Viễn ly tà mạng nơi vị tu tập Thánh đạo, có vô lậu tâm, gọi là chính mạng siêu thế, thuộc đạo.

c. Ba yếu tố xoay quanh chính mạng cũng như trên.

6. Ðại tứ thập:

Chính kiến đi hàng đầu, vì nhờ có chính kiến mà sinh chính tư duy (13), do chính tư duy có chính ngữ, do chính ngữ có chính nghiệp, do chính nghiệp có chính mạng, do chính mạng có chính tinh tiến, do chính tinh tiến có chính niệm, do chính niệm có chính định, do chính định có chính trí, do chính trí có chính giải thoát. Như vậy là đạo lộ của hữu học gồm tám chi và của A la hán gồm mười chi (14).

Ở đây, trước tiên là chính kiến; Nơi người có chính kiến, tà kiến được từ bỏ, và những bất thiện do duyên tà kiến cũng được loại trừ. Những thiện pháp do chính kiến phát sinh được tu tập cho đến viên mãn… Nơi người có chính giải thoát, tà giải thoát và những bất thiện do tà giải thoát được từ bỏ, các thiện pháp do chính giải thoát phát sinh được tu tập cho đến viên mãn. Vậy có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện (15) gọi là đại pháp môn bốn mươi.

Ðại pháp môn này đã được chuyển vận không bị chận đứng bởi bất cứ Sa môn Bà la môn nào trên thế giới, vì nếu ai bác bỏ nó ngay trong hiện tại sẽ bị chỉ trích với mười mệnh đề hợp pháp rằng: Bác bỏ chính kiến tức là xem các Sa môn Bà la môn có tà kiến đáng được tôn trọng, cúng dường… Bác bỏ chính giải thoát tức là xem các Sa môn Bà la môn tà giải thoát là đáng tôn trọng cúng dường. Ngay những người theo Vô nhân luận, hư vô luận như hai bậc Thầy sống ở Okkala là Vassa và Bhanna (16) cũng không nghĩ pháp môn này là đáng chỉ trích.

III. Chú Giải

1. Ariyam samma2 samàdhim sa-upanisam saparikkhàram. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích chữ Thánh ở đây có nghĩa là siêu thế, và nói đây là định thuộc đạo lộ siêu thế. Những điều kiện, chỗ dựa của nó là bảy đạo chi kia, như sẽ được hiển thị.

2. Pubhangamà: tiên phong. MA (Sớ giải Trung Bộ) nói hai loại chính kiến đi tiên phong là chính kiến thuộc tuệ tra tầm các hành là vô thường khổ vô ngã; và chính kiến thuộc đạo khởi lên như là quả của tuệ quán đưa đến sự đoạn tận nhiễm ô. Chính kiến thuộc tuệ làm tiên phong dường như được hiển thị trong đoạn 4, 10, 16, 22 và 28; chính kiến thuộc đạo làm tiên phong được nói trong đoạn 34, 35.

3. Lời này gợi ý rằng muốn có được chính kiến về bản chất của thực tại thì trước hết phải biết phân biệt giữa tà giáo và chính giáo về bản chất vạn pháp. Theo MA (Sớ giải Trung Bộ) đây là chính kiến thuộc tuệ, cái tuệ quán liễu tri tà kiến đối với một đối tượng là nhờ đi sâu vào tính vô thường khổ vô ngã của nó, và chính kiến là nhờ thi thố nhiệm vụ liễu tri ấy và nhờ đánh tan hoài nghi.

4. Ðây là chính kiến thế gian, một công đức đưa đến tái sinh tốt đẹp nhưng tự mình nó thì không đủ để vượt ra ngoài cõi hữu.

5. Ðịnh nghĩa này cho chính kiến siêu thế là Tuệ giác bát nhã được tìm thấy trong các điều kiện đưa đến giác ngộ như là một căn, lực, giác chi và đạo chi. Chỗ khác, như kinh 141, chính kiến thuộc đạo được định nghĩa là tri kiến về Bốn chân lý. Ta có thể nói hiểu rõ khái niệm bốn chân lý là chính kiến thế gian, còn chính kiến xuất thế là sự thâm nhập 4 đế bằng đạo lộ thực chứng Niết bàn.

6. MA (Sớ giải Trung Bộ) Chúng đi kèm chính kiến làm hàng đầu. Chính tinh tấn và chính niệm câu hữu với chính kiến siêu thế; chính kiến thuộc tuệ là tiên phong của chính kiến siêu thế.

7. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích đây là chính kiến thuộc tuệ, liễu tri chính tư duy qua nhiệm vụ của nó và bằng cách dẹp trừ hoang mang. Nhưng dường như vấn đề ở đây là cốt phân biệt rõ hai loại ý hành hay tư duy.

8. Ðây là định nghĩa chuẩn về chính tư duy kể như một trong bát chánh đạo, xem Trung 141.

9. Trong định nghĩa này, tư duy (sankappa) đồng nghĩa với tầm (vitakka), được giải thích xa hơn nữa là yếu tố đưa đến định an chỉ nhờ hướng tâm và dán chặt tâm trên đối tượng của nó. Về tầm ngữ như ngữ hành, xem Trung bộ 44.

10. MA (Sớ giải Trung Bộ) Lời này chỉ nói đến các pháp câu hữu với chính tư duy siêu thế. Trong giai đoạn chuẩn bị tu tập, thì ba chính tư duy thế gian khởi lên riêng rẽ, nhưng ở sát na đạo lộ siêu thế, một ý hành duy nhất khởi lên cắt đứt cả ba tà tư duy. Vậy chính tư duy siêu thế cũng có thể mô tả là tư duy về từ bỏ hay ly dục, vô sân và bất hại. Cũng vậy với chính ngữ vân vân.

11. Trong khi chính ngữ thế gian được thực hành theo bốn kiểu tùy loại tà ngữ phải tránh, vào sát na thuộc đạo lộ siêu thế, một yếu tố chính ngữ duy nhất làm cả bốn nhiệm vụ cắt đứt khuynh hướng đối với bốn loại tà ngữ. Cũng vậy với chính nghiệp.

12. Với Tỳ kheo, có những cách bất chính khi xin nhu yếu phẩm được nói trong THANH TỊNH ĐẠO I. MA (Sớ giải Trung Bộ) nói các cách xin đề cập trong kinh không phải là loại tà mạng duy nhất, tà mạng này bao hàm bất cứ kiểu kiếm sống nào vi phạm giới luật Phật chế. Tăng chi 5 kể năm loại tà mạng của Cư sĩ là buôn bán khí giới, chúng sinh, thịt, rượu và độc chất.

13. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích rằng với một người đã có chính kiến thuộc đạo thì đương nhiên sẽ có chính tư duy thuộc đạo; cũng thế người có chính kiến thuộc quả thì chính tư duy thuộc quả cũng xuất hiện. Tương tự với các chi phần kế tiếp ngoại trừ hai cái cuối đề cập đạo lộ siêu thế.

14. Hai yếu tố mà A la hán có thêm là chính trí (có thể xem là trí hồi quan rằng mình đã phá hủy các nhiễm ô) và chính giải thoát, các kinh nghiệm thân chứng rằng tâm giải thoát tất cả ô nhiễm.

15. Hai mươi thiện là mười chính và các thiện pháp phát xuất từ mỗi chính; còn hai mươi bất thiện là mười tà và các bất thiện pháp phát xuất từ mỗi tà. Do đây có tên Ðại Tứ Thập.

16. MA (Sớ giải Trung Bộ) chỉ nói hai vị này là những người sống ở xứ Okkala.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy các Tỳ kheo

Về Ðịnh của bậc Thánh

Cùng cận duyên, tư trợ

(những yếu tố giúp vào)

Gồm bảy chính còn lại

Trong con đường Bát chính.

1. Chính kiến đi hàng đầu:

Biết phân biệt tà, chính

Thì gọi là chính kiến.

Tà kiến là không tin

Có bố thí, nhân quả

Ðời này và đời sau

Cha mẹ và Hiền Thánh.

Chính kiến gồm hai loại

Thế gian và xuất thế

Chính kiến thuộc thế gian

Ngược tà kiến nói trên.

Thế gian là hữu lậu

Thuộc phước báo, chấp thủ

Còn chính kiến vô lậu

Thuộc Thánh đạo, Thánh tâm.

Siêng đoạn trừ tà kiến

Và thành tựu chính kiến

Gọi là chính tinh tiến;

Tâm chuyên nhất một niềm

Ðoạn tà, tu chính kiến

Ðược gọi là chính niệm.

Chính kiến, tinh tấn, niệm

Ði kèm theo chính kiến

Trong Thánh chính định này.

2. Muốn có chính tư duy

Trước hết cần chính kiến

Biết thế nào tà tư

Và thế nào chính tư.

Tà tư duy: tư tưởng

Có dục, sân và hại.

Chính tư duy ly dục

Vô sân và bất hại.

Chính tư duy có hai

Hữu lậu và vô lậu

Hữu lậu là tư duy

Lìa dục sân và hại

Vô lậu là siêu thế

Tư duy thuộc Thánh đạo.

Siêng trừ tà tư duy

Thành tựu chính tư duy

Gọi là chính tinh tiến;

Tâm chuyên nhất một niềm

Bỏ tà, tu tập chính

Ðược gọi là chính niệm.

Chính kiến, tinh tấn, niệm

Ði kèm chính tư duy

Trong Thánh chính định này.

3. Chính ngữ cần chính kiến

Phân biệt tà, chính ngữ.

Tà nói dối, hai lưỡi

Ác khẩu và phù phiếm.

Từ bỏ bốn tà ngữ

Sẽ đem lại phước báo

Ðây Chính ngữ thế gian.

Còn Chính ngữ vô lậu

Là viễn ly bốn tà

Thuộc đạo tâm, siêu thế.

Siêng loại trừ tà ngữ

Và thực hành chính ngữ

Gọi là chính tinh tiến;

Tâm chuyên nhất một niềm

Bỏ tà, tu tập chính

Ðược gọi là chính niệm.

Chính kiến, tinh tiến, niệm

Ði kèm theo chính ngữ

Trong Thánh chính định này.

4. Chính nghiệp cũng như trên

Cần trước tiên chánh kiến

Phân biệt tà, chính nghiệp:

Tà nghiệp sát đạo dâm

Từ bỏ sát đạo dâm

Là Chính nghiệp hữu lậu

Sẽ được hưởng phước báo.

Còn chính nghiệp vô lậu

Là viễn ly ác hành

Thuộc đạo tâm, siêu thế.

Siêng loại trừ tà nghiệp

Và thực hành chính nghiệp

Gọi là chính tinh tiến;

Tâm chuyên nhất một niềm

Bỏ tà, tu tập chính

Ðược gọi là chính niệm.

Chính kiến, tinh tiến, niệm

Ði kèm theo chính nghiệp

Trong Thánh chính định này.

5. Chính mạng cần chính kiến

Phân biệt tà, chính mạng:

Lừa đảo, nói mê ly,

Hiện tướng và gian trá

Cùng lấy lợi cầu lợi

Năm cách khất thực ấy

Ðược gọi là tà mạng

Nơi một vị Tỳ kheo.

Từ bỏ tà mạng ấy

Là chính mạng hữu lậu

Sự viễn ly tà mạng

Nơi vị tu Thánh đạo,

Là chính mạng siêu thế.

Siêng loại trừ tà mạng

Và thực hành chính mạng

Gọi là chính tinh tiến;

Tâm chuyên nhất một niềm

Bỏ tà, tu tập chính

Ðược gọi là chính niệm

Chính kiến, tinh tiến, niệm

Ði kèm theo chính mạng

Trong Thánh chính định này.

6. Trong đạo lộ hữu học

(với tám chi Thánh đạo)

Hoặc đạo A la hán

(với mười chi Thánh đạo)

Chính kiến cũng dẫn đầu:

Do vì có chính kiến

Mà có chính tư duy

Do chính tư, chính ngữ,

Do chính ngữ, chính nghiệp,

Do chính nghiệp, chính mạng

Do chính mạng, chính tiến

Do chính tiến, chính niệm

Do chính niệm, chính định

Do chính định, chính trí

Và do chính trí này

Mà có chính giải thoát.

Trước tiên là chính kiến

Nơi người có chính kiến

Tà kiến được từ bỏ

Và những pháp bất thiện

Do tà kiến sinh ra

Đồng thời được loại trừ

Tất cả các thiện pháp

Phát xuất từ chính kiến

Ðược tu tập viên mãn.

(Với chín pháp còn lại

Chính tư duy… giải thoát

Cũng triển khai như trên

Chiếu theo đây nên biết.)

Có hai mươi thiện phần

Và hai mươi bất thiện

Trong đại pháp bốn mươi

Ðược chuyển vận bất tuyệt

Bất cứ ai trên đời

Cũng không thể chận đứng.

Nếu có ai bác nó

Sẽ bị chỉ trích ngay

Với lý luận hợp pháp:

Ông bài xích chính kiến

Tức xem đáng tôn thờ

Những kẻ có tà kiến

Cho đến Chính giải thoát

Nếu ông bài xích nó

Tức xem đáng tôn thờ

Những kẻ tà giải thoát.

Ngay người Vô nhân luận

Cũng ngán pháp môn này.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 118: Nhập Tức Xuất Tức Niệm

I. Toát Yếu

Nàpànasati Sutta - Mindfulness of Breathing.

An exposition of sixteen steps in mindfulness of breathing and of the relation of this meditation to the four foundations of mindfulness and the seven enlightenment factors.

(Trình bày 16 bước trong pháp niệm hơi thở, tương quan giữa Thiền pháp này với Bốn niệm xứ và Bảy giác chi.)

II. Tóm Tắt

Vào lễ tự tứ (1) đêm rằm, Phật ngồi giữa trời được vây quanh bởi một đại chúng gồm những vị thượng thủ danh tiếng. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi khen hội chúng này thật toàn hảo, đã đắc quả từ Dự lưu đến A la hán, hoặc là những vị chuyên tu Thiền bốn niệm xứ cho đến bát Thánh đạo. Ngài tuyên bố sẽ ở lại đấy (Xá Vệ) cho đến tháng tư lễ Komudi (2). Những Tỳ kheo tại địa phương đến quy tụ để hành Thiền. Họ chuyên tâm tu tập bốn phạm trú, tu tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, hoặc tu niệm hơi thở vô ra.

Pháp môn niệm hơi thở này, nếu được tu tập viên mãn, sẽ đưa đến kết quả lớn là viên mãn bốn niệm xứ. Do viên mãn bốn niệm xứ mà bảy giác chi được viên mãn. Do bảy giác chi viên mãn mà minh giải thoát được viên mãn.

Như thế nào tu niệm hơi thở được viên mãn sẽ có kết quả lớn, công đức lớn? Vị Tỳ kheo đi đến chỗ trống, ngồi kiết già lưng thẳng an trú chính niệm trước mặt. Chính niệm, vị ấy thở vô, chính niệm vị ấy thở ra.

Thở vô dài, vị ấy biết tôi thở vô dài. Hay thở ra dài, vị ấy biết tôi thở ra dài. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết tôi thở vô ngắn. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết tôi thở ra ngắn. Vị ấy tập: Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra. (3)

Vị ấy tập: Cảm giác hỷ thọ (4), tôi sẽ thở vô. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô. Cảm giác lạc thọ (5), tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô. Cảm giác tâm hành (5), tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.

Vị ấy tập: Cảm giác về tâm (6), tôi sẽ thở vô. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm hân hoan (6), tôi sẽ thở vô. Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm định tĩnh (6), tôi sẽ thở vô. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm giải thoát (6), tôi sẽ thở vô. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.

Vị ấy tập: Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở vô (7). Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở vô. Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở vô. Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vô. Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra.

Bốn pháp đầu, trong khi quán thân thể (8) như là thân thể, vị Tỳ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Khi quán cảm thọ (9) như là cảm thọ với bốn pháp tiếp theo, vị Tỳ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Với nhóm bốn pháp thứ ba, trong khi quán tâm trên tâm (10), vị Tỳ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu (11) ở đời. Trong khi quán pháp trên các pháp với nhóm bốn pháp thứ tư cũng vậy. Như vậy là bốn niệm xứ được viên mãn nhờ quán hơi thở vô ra.

Bảy giác chi (12): Trong khi Tỳ kheo tùy quán thân trên thân, niệm giác chi phát sinh và đi đến viên mãn. Nhờ tư duy thẩm sát trong khi có chính niệm (13) trạch pháp giác chi sinh khởi và đi đến viên mãn. Trong khi thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động khởi lên gọi là tinh tấn giác chi, và khi tinh tấn giác chi viên mãn thì hỷ phi vật chất sinh khởi. Tâm hoan hỷ đi đến viên mãn sẽ khiến thân tâm khinh an, là khinh an giác chi. Khi tâm được khinh an, an lạc, sẽ đưa đến định giác chi, và với tâm định tĩnh thì dễ nhìn sự vật với thái độ xả, đấy là xả giác chi. Ðối với ba nhóm còn lại là thọ, tâm, pháp cũng thế.

Minh giải thoát: Bảy giác chi được tu tập viên mãn khiến cho minh giải thoát được viên mãn là vì cả bảy giác chi đều liên hệ đến viễn ly, ly tham, diệt, xả ly.

III. Chú Giải

1. Pavàranà lễ tự tứ, là lễ kết thúc an cư mùa mưa, trong lễ này các Tỳ kheo thỉnh cầu lẫn nhau giáo giới, chỉ lỗi cho mình.

2. Komudì là ngày rằm tháng Kattika, tháng thứ tư mùa mưa; nó được gọi như vậy vì vào mùa mưa ấy hoa kumuda (hoa súng) nở.

3. Ðoạn bốn pháp đầu được giải thích trong kinh số 10, chỉ khác đoạn này ở chỗ thêm ví dụ. Vì đã giải thích bốn niệm xứ quán về hơi thở trong Thanh Tịnh Đạo nên ở MA, Luận sư Buddhaghosa chỉ nói độc giả tham khảo luận THANH TỊNH ĐẠO. Bốn chú thích sau đều rút từ THANH TỊNH ĐẠO VII.

4. Người ta kinh nghiệm hỷ thọ theo hai cách: nhờ đạt hai Thiền đầu trong đó có mặt hỷ, hành giả cảm thọ hỷ theo kiểu khinh khoái. Cách thứ hai là nhờ xuất khỏi Thiền ấy và quán sát hỷ cũng phải bị hoại diệt, như vậy hành giả được hỷ theo kiểu Tuệ giác.

5. Cũng phương pháp giải thích ấy áp dụng cho mệnh đề hai và ba, ngoại trừ mệnh đề hai bao hàm ba Thiền dưới còn mệnh đề ba bao hàm cả bốn Thiền. Tâm hành là tưởng và thọ được an tịnh nhờ tuần tự phát triển các tầng mức cao hơn về tịnh chỉ và tuệ quán.

6. Cảm thọ về tâm cần hiểu là nhờ bốn Thiền. Khiến tâm hân hoan là hoặc đắc hai Thiền đầu có hỷ hoặc đi sâu và hai Thiền bằng tuệ quán để thấy chúng vô thường, vân vân. Khiến tâm định tĩnh ám chỉ hoặc định chứng thuộc Thiền, hoặc sự tập trung chốc lát (sát na định) khởi lên cùng với tuệ quán. Khiến tâm giải thoát có nghĩa là giải thoát tâm khỏi các chướng ngại và các Thiền chi thô nhờ các định chứng cao dần, và khỏi các nhận thức sai lầm nhờ tri kiến thuộc tuệ.

7. Ðoạn bốn pháp này hoàn toàn đề cập Tuệ giác, không giống ba đoạn trước đề cập cả chỉ lẫn quán. Quán ly tham và quán đoạn diệt có thể hiểu là tuệ quán đi sâu vào tính vô thường của các hành, và là đạo lô siêu thế chứng Niết bàn ly dục (viràga) và chấm dứt khổ đau. Quán từ bỏ là sự từ bỏ nhiễm ô nhờ tuệ và sự thể nhập Niết bàn nhờ đạo.

8. Hơi thở ra vào cần được xem như phong đại làm nên thân thể trong bốn đại. Nó cũng cần được hiểu là xúc xứ trong các pháp thuộc về thân (vì đối tượng chú ý là sự chạm xúc của hơi gió ra vào nơi cửa mũi).

9. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích sàdhuka manasikàra (tác ý một cách sát nút) tự nó không phải là cảm giác thực, mà đây chỉ nói ẩn dụ. Trong đoạn bốn pháp thứ hai, cảm thọ thực thụ là lạc thọ nói trong câu hai và cảm giác bao hàm trong chữ tâm hành trong câu ba và bốn.

10. MA (Sớ giải Trung Bộ) Mặc dù Thiền giả lấy tướng hơi thở vô ra làm đề mục tu, vị ấy vẫn được xem là đang quán tâm như là tâm, vì đang duy trì tâm mình trên đối tượng bằng cách đánh thức hai tâm pháp là chính niệm và tỉnh giác.

11. MA (Sớ giải Trung Bộ) Tham và ưu là hai triền cái đầu tức dục và sân, và do vậy tiêu biểu sự quán các tâm pháp khởi đầu bằng năm triền cái. Vị ấy từ bỏ được triền cái nhờ quán vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và đi đến kết quả là nhìn đối tượng với tâm xả.

12. MA (Sớ giải Trung Bộ) nói đoạn kinh này hiển thị các giác phần cùng hiện hữu trong từng sát na tâm khi tu Thiền quán.

13. MA (Sớ giải Trung Bộ) Chính niệm theo dõi hơi thở là thuộc thế gian; chính niệm thế gian này làm hoàn hảo nền tảng chính niệm thế gian; nền tảng chính niệm thế gian kiện toàn các đại chi siêu thế; và các đại chi siêu thế làm viên mãn chính trí và giải thoát, nghĩa là quả và Niết bàn.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Ðêm trăng rằm tự tứ

Ðức Phật ngồi giữa trời

Với đại chúng vây quanh

Toàn thượng thủ danh tiếng.

Ngài đưa mắt nhìn quanh

Khen hội chúng toàn hảo

Gồm nhiều vị La hán

Tối thiểu cũng Dự lưu.

Ngài cho đại chúng biết

Như Lai sẽ lưu lại

Tại thành Xá Vệ này

Ðến rằm tháng tư sau.

Khi được biết tin ấy

Những Tỳ kheo địa phương

Quy tụ lại hành Thiền

Theo lời Phật chỉ dạy.

Hoặc tu bốn phạm trú

Hoặc tu tưởng bất tịnh

Hoặc tu tưởng vô thường

Hoặc tu niệm hơi thở.

Phật dạy pháp môn này

Nếu tu tập viên mãn

Sẽ có kết quả lớn:

Viên mãn bốn niệm xứ

Kiện toàn bảy giác chi

Cho đến minh giải thoát.

Pháp quán niệm hơi thở

Gồm mười sáu đề mục

Về thân thọ tâm pháp

Cách tu tập như sau.

Tỳ kheo chọn chỗ vắng

Ngồi kiết già lưng thẳng

An trú niệm trước mặt

Tỉnh giác, thở vô ra.

Hơi vô dài, rõ biết

Hơi ra dài, rõ biết

Hơi thở ngắn cũng vậy

Cảm giác toàn thân,

Tôi sẽ thở vô,

Cảm giác toàn thân,

Tôi sẽ thở ra.

An tịnh thân hành,

Tôi sẽ thở vô

An tịnh thân hành,

Tôi sẽ thở ra.

Như vậy vị ấy tập

Bốn quán niệm về Thân.

Cảm giác hỷ thọ,

Tôi sẽ thở vô.

Cảm giác hỷ thọ,

Tôi sẽ thở ra.

Cảm giác lạc thọ,

Tôi sẽ thở vô.

Cảm giác lạc thọ,

Tôi sẽ thở ra.

Cảm giác tâm hành,

Tôi sẽ thở vô

Cảm giác tâm hành

Tôi sẽ thở ra.

An tịnh tâm hành

Tôi sẽ thở vô

An tịnh tâm hành

Tôi sẽ thở ra.

Như vậy vị ấy tập

Bốn quán niệm về Thọ.

Cảm giác về tâm

Tôi sẽ thở vô

Cảm giác về tâm

Tôi sẽ thở ra.

Với tâm hân hoan

Tôi sẽ thở vô

Với tâm hân hoan

Tôi sẽ thở ra.

Với tâm định tĩnh

Tôi sẽ thở vô

Với tâm định tĩnh

Tôi sẽ thở ra.

Với tâm giải thoát

Tôi sẽ thở vô

Với tâm giải thoát

Tôi sẽ thở ra.

Như vậy vị ấy tập

Bốn quán niệm về Tâm.

Tùy quán vô thường

Tôi sẽ thở vô

Tùy quán vô thường

Tôi sẽ thở ra.

Tùy quán ly dục

Tôi sẽ thở vô

Tùy quán ly dục

Tôi sẽ thở ra.

Tùy quán tịch diệt

Tôi sẽ thở vô

Tùy quán tịch diệt

Tôi sẽ thở ra.

Tùy quán xả ly

Tôi sẽ thở vô

Tùy quán xả ly

Tôi sẽ thở ra.

Như vậy vị ấy tập

Bốn quán niệm về Pháp.

Trong khi quán thân thể

Chỉ như là thân thể

Tỳ kheo trú nhiệt tâm

Tỉnh giác và chính niệm

Ðể điều phục tham ưu

Ðối với mọi sự đời.

Trong khi quán cảm thọ

Quán tâm và các pháp

Qua mười sáu đề mục

Tỳ kheo trú nhiệt tâm

Chính niệm và tỉnh giác

Ðể điều phục tham ưu

Ðối với mọi sự đời.

Như vậy bốn niệm xứ

Ðược tu tập viên mãn

Nhờ quán thở vô ra.

Trong khi tùy quán thân

Và quán thọ, tâm, pháp

Niệm giác chi phát sinh

Và đi đến viên mãn.

Nhờ tư duy thẩm sát

Trong khi có chính niệm

Trạch pháp giác chi sinh

Và đi đến viên mãn.

Trong khi thẩm sát pháp

Sự tinh tấn khởi lên

Là tinh tấn giác chi

Khi tinh tấn viên mãn

Hỷ phi vật chất sinh.

Tâm hoan hỷ tột độ

Sẽ khiến thân nhẹ nhàng

Và tâm cũng khoan khoái

Là khinh an giác chi.

Khinh an đưa đến lạc

Lạc đưa đến định

Gọi là định giác chi.

Và với tâm định tĩnh

Ta dễ nhìn sự vật

Với thái độ buông xả

Ðấy là xả giác chi.

Bảy giác chi tu tập

Ði đến chỗ viên mãn

Minh giải thoát phát sinh

Vì cả bảy giác chi

Ðều liên hệ viễn ly

Ly tham, diệt, giải thoát.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 119: Thân Hành Niệm

I. Toát Yếu

Kayagatasati Sutta - Mindfulness of the Body.

The Buddha explains how mindfulness of the body should be developed and cultivated and the benefits to which it leads.

Niệm Thân.

Phật giải thích làm thế nào để tu tập pháp niệm thân và nói những lợi ích mà pháp tu này đem lại.

II. Tóm Tắt

Chúng Tỳ kheo tụ họp ca ngợi pháp môn niệm thân hành mà Phật đã dạy. Phật nhân đấy giảng rộng pháp tu này.

A. Các pháp niệm thân hành:

1. Niệm hơi thở: Ngồi kiết già lưng thẳng ở chỗ vắng, theo dõi hơi thở vô ra như đã nói trong kinh 118, mục niệm thân.

2. Chính niệm tỉnh giác trong bốn uy nghi, ý thức rõ thân đang đi, đứng, ngồi, nằm, nhiệt tâm tinh cần, đoạn trừ các tư duy liên hệ thế tục.

3. Niệm thân hành: Ý thức rõ thân thể đang được sử dụng như thế nào, ngó tới ngó lui hay co duỗi tay chân ăn uống nói im đi đứng ngủ thức.

4. Quán tính chất bất tịnh trong tất cả thân phần từ tóc lông cho đến nước tiểu.

5. Phân biệt bốn đại ở trong thân: tóc lông móng… là địa, nước mắt mũi miệng… là thủy, hơi nóng là hỏa, chuyển động là phong.

6. Quán thi thể phình trương sau ba ngày bị quăng bỏ.

7. Quán thi thể bị các loài trùng, chim thú ăn.

8. Quán bộ xương liên kết còn máu thịt, đã hết thịt nhưng còn dính máu, bộ xương đã rã rời mỗi nơi một cái xương.

9. Quán thi thể sau nhiều năm tháng chỉ còn là đống xương trắng màu vỏ ốc. Thấy bản chất thân này cũng vậy, không vượt qua bản chất ấy. Nhờ sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần quán niệm như trên, các niệm và tư duy thế tục được đoạn trừ, nội tâm chuyên nhất, định tĩnh. Ðấy gọi là tu tập thân hành niệm.

B. Những kết quả của thân hành niệm:

1. Chứng bốn Thiền: sơ Thiền với hỷ lạc do ly dục sinh thấm nhuần thân tâm, như một cục bột nhồi thấm nước (2). Thiền thứ hai, với hỷ lạc do định sinh, như hồ nước đầy gặp cơn mưa lớn, nước mát lan tràn hồ. Thiền thứ ba toàn thân thấm nhuần lạc thọ gọi là xả niệm lạc trú, như những hoa sen ở trong hồ thấm đầy nước. Thiền thứ bốn xả niệm thanh tịnh, toàn thân thấm nhuần sự trong sáng thuần tịnh, như người ngồi với một tấm vải trắng trùm đầu phủ xuống toàn thân.

2. Minh trí (3) và giải thoát: Người tu tập thân hành niệm đã viên mãn, thì các thiện pháp của vị ấy đều dự phần vào minh trí, như trăm sông đổ vào biển. Không tu tập thân hành niệm thì Ma vương dễ làm hại, như cục đất sét ướt bị lún dưới sức nặng của một viên đá ném vào, như bình rỗng dễ làm đầy nước, như cây khô dễ cháy. Ngược lại người có tu tập thân hành niệm thì ma không hại được, như trái banh dây dội vào cánh cửa chắc chắn không thể phá cửa, như bình nước đã đầy không thể đổ thêm, như cây tươi đầy nhựa không thể bị đốt cháy.

3. Dễ đắc thần thông: Với căn bản thân hành niệm, hành giả dễ chứng bất cứ pháp nào có thể chứng nhờ thắng trí, như một lực sĩ dễ dàng lắc đổ một bình nước đầy, phá một khúc đê cho nước tràn, như một người đánh xe giỏi lái cỗ xe ngựa hay chạy trên đường bằng phẳng.

C. Kết luận về lợi ích của thân hành niệm:

Thân hành niệm khéo tu tập viên mãn sẽ đưa đến mười lợi ích lớn: Một là nhiếp phục lạc khổ. Hai, nhiếp phục sợ hãi khiếp đảm. Ba kham nhẫn được các nghịch cảnh đủ loại. Bốn dễ chứng bốn Thiền, được hiện tại lạc trú. Năm chứng thần túc thông. Sáu Thiên nhĩ. Bảy tha tâm. Tám túc mạng trí. Chín Sinh tử trí hay thiên nhãn, biết sống chết chúng sinh. Mười lậu tận trí.

III. Chú Giải

1. Ðoạn 4 đến 17 của kinh này giống với kinh số 10, ngoại trừ ở đây điệp khúc về tuệ được thay bằng điệp khúc bắt đầu bằng: Khi vị ấy trú nhiệt tâm tinh cần. Sự thay đổi ấy chứng tỏ kinh này nhấn mạnh về định trong khi kinh số 10 nhấn mạnh về tuệ. Sự thay đổi này tái xuất hiện trong đoạn nói về các Thiền (đoạn 18 đến 21 bản dịch của Nana - moli) và về thắng trí (37 đến 41), cả hai đều khác với kinh số 10.

2. Các ẩn dụ về Thiền cũng được thấy trong kinh số 39 và 77.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích các pháp này là tám loại tuệ được giải thích trong kinh 77.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy chúng Tỳ kheo

Chín pháp niệm thân hành

Và kết quả tu niệm.

Trước hết niệm hơi thở

Tỳ kheo tìm chỗ vắng

Ngồi kiết già lưng thẳng

Theo dõi hơi vô ra

Gồm có bốn đề mục

Quán niệm thân trên thân

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần niệm hơi thở,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Hai Chính niệm tỉnh giác

Trong cả bốn uy nghi

Lúc ngồi nằm đứng đi

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần niệm uy nghi,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Ba là niệm thân hành

Ý thức rõ thân thể

Được sử dụng thế nào

Ngó tới hay ngó lui

Tay chân co hay duỗi

Ý thức lúc ăn uống

Nói im và ngủ thức.

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần niệm thân hành

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Bốn quán thân bất tịnh

Tóc lông móng răng da

Thịt gân xương thận tủy

Tim gan hoành cách mạc

Lá lách phổi ruột già

Màng ruột phân mật đàm

Mủ máu, mồ hôi, mỡ

Mỡ nước và nước mắt,

Nước miếng, và nước mũi,

Nước khớp xương, nước tiểu.

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần quán bất tịnh,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Năm Phân biệt bốn đại

Trong thân này tóc lông

Là thuộc về địa đại,

Nước mắt nước mũi miệng

Là thuộc về thủy đại,

Hơi ấm thuộc về hỏa,

Các chuyển động là phong

Tỳ kheo trú nhiệt tâm

Tinh cần quán bốn đại,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Sáu quán thây phình trương

Sau ba ngày quăng bỏ

Thấy bản chất thân này

Chung cuộc đều như vậy

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần quán thây trướng,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Bảy quán thây thú ăn,

Bị côn trùng rúc rỉa

Thấy bản chất thân này

Chung cuộc đều như vậy

Tỳ kheo trú nhiệt tâm

Tinh cần quán trùng rỉa,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Tám quán bộ xương nguyên

Còn dính máu và thịt,

Hết thịt chỉ còn máu,

Bộ xương đã rã rời

Xương chân tay đầu mặt

Thấy bản chất thân này

Chung cuộc đều như vậy

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần quán bộ xương,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Chín quán một tử thi

Trải qua nhiều năm tháng

Chỉ còn đống xương trắng

Quăng bỏ giữa đồng hoang.

Thấy bản chất thân này

Chung cuộc đều như vậy

Tỳ kheo trú nhiệt tâm,

Tinh cần quán xương trắng,

Ðoạn tư duy thế tục

Nội tâm được định tĩnh.

Chín pháp niệm thân này

Tỳ kheo hãy tu tập

Có quả báo lớn lao.

Một, hiện tại lạc trú.

Hai, Ma không thể hại.

Ba, dễ chứng thần thông.

Lại có mười lợi ích:

Một, nhiếp phục lạc khổ

Hai, nhiếp phục khiếp sợ

Ba, nhẫn được nghịch cảnh

Bốn, dễ chứng bốn Thiền

Năm, chứng thần túc thông

Sáu, chứng Thiên nhĩ thông

Bảy, biết được tâm người

Tám, chứng túc mạng trí.

Chín, tùy nghiệp thú trí

(Biết sống chết chúng sinh

Còn gọi là thiên nhãn)

Mười là trí lậu tận

Sạch ô nhiễm lỗi lầm.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 120: Hành Sinh (Sankhàrupapattisuttam)

I. Toát Yếu

Reappearance by Aspiration.

The Buddha teaches how one can be reborn in accordance with one's wish.

Sự Tái Sinh Do Ước Nguyện.

Phật dạy làm thế nào ta có thể tái sanh tùy theo mong ước của mình.

II. Tóm Tắt

Phật dạy về sự tái sinh do ý hành (1) mang lại. Một Tỳ kheo đầy đủ năm pháp là tín giới thí văn tuệ, nếu khởi lên mong ước được tái sinh vào giai cấp nào hay cõi nào, thì hãy chú tâm vào cõi ấy, tu tập tâm ấy, khi thân hoại mạng chung liền được như ý. Ðấy là đạo lộ đưa đến tái sinh theo ước nguyện (2). Như mong sinh vào dòng họ Sát đế lỵ, Bà la môn, Cư sĩ, Bốn đại thiên vương, Tam thập tam thiên, Dạ ma, Ðâu suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại, hoặc mong sinh vào cõi Phạm thiên có tâm biến mãn (3) từ một ngàn đến một trăm ngàn thế giới. Hoặc mong sinh vào chư quang thiên (4): Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang âm thiên; hay chư Tịnh thiên: Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh; hoặc cõi trời Quảng quả, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, sắc cứu cánh; hoặc vào cõi Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tùy ý muốn và sự tu tập tương ưng cõi nào, vị Tỳ kheo sẽ tái sinh vào cõi ấy. Nếu đầy đủ năm pháp trên, nhưng chỉ mong an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, thì vị ấy do đoạn trừ các lậu hoặc, sẽ chứng đạt an trú vô lậu tâm ngay hiện tại, không còn tái sinh ở bất cứ nơi nào (5).

III. Chú Giải

1. Sankhàrà luôn luôn được dịch là formation (hành) nhưng nội dung kinh này có lẽ cần dịch cách khác để làm sáng tỏ ý nghĩa. MA (Sớ giải Trung Bộ) lúc đầu giải là sự tái hiện của các hành (thay vì của một cái ngã hay con người) hoặc tái hiện các uẩn trong một hiện hữu mới nhờ một nghiệp hành có công đức. Tuy nhiên trong các đoạn kế tiếp, MA (Sớ giải Trung Bộ) lại chú thích sankhàrà là patthanà, chữ này có một ý nghĩa dứt khoát là nguyện vọng.

2. MA (Sớ giải Trung Bộ) Ðạo là năm đức tín tấn niệm định tuệ cùng với nguyện. Người có năm đức mà không nguyện hoặc có nguyện mà thiếu năm đức thì không có một số phận quyết định. Số phận có tính quyết định chỉ khi có đủ cả hai yếu tố.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích có năm thứ biến mãn: biến mãn tâm, nghĩa là biết tâm chúng sinh trong một ngàn thế giới; biến mãn kasina là triển khai được tướng của kasina đến ngàn thế giới; biến mãn thiên nhãn, biến mãn ánh sáng, biến mãn thân, như trên.

4. Xem chú thích kinh số 1 về các cõi trời.

5. MA (Sớ giải Trung Bộ) Năm đức đã kể cũng đủ để tái sinh vào cõi dục, nhưng muốn có tái sinh thù thắng hơn và muốn đoạn trừ lậu hoặc thì cần nhiều điều kiện hơn. Căn cứ trên năm đức mà đắc Thiền chứng thì sẽ sinh vào cõi Phạm thiên; nếu đắc các vô sắc thì sẽ sinh vào vô sắc giới. Nếu phát triển Tuệ giác và đắc quả Bất hoàn, thì được sinh vào cõi Tịnh cư thiên; nếu đắc A la hán đạo thì sẽ được lậu tận.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy về tái sinh

Do ý hành (1) mang lại.

Cần có đủ năm đức

Tín giới thí tuệ văn

Mong tái sinh về đâu

Hãy chú tâm tu tập,

Khi thân hoại mạng chung

Liền tái sinh như nguyện (2):

Vào dòng Sát đế lỵ,

Bà la môn, Cư sĩ,

Hoặc Bốn đại thiên vương,

Hoặc Tam thập tam thiên,

Dạ ma, Ðâu suất đà,

Hóa lạc, Tự tại thiên,

Hoặc các cõi Phạm thiên

Biến mãn (3) từ một ngàn

Đến trăm ngàn thế giới

Hoặc vào chư quang thiên (4)

Thiểu, Vô lượng, Quang âm

Hay là chư Tịnh thiên:

Thiểu, Vô lượng, Biến tịnh;

Hoặc cõi trời Quảng quả

Vô phiền, Vô nhiệt thiên,

Thiện kiến, Sắc cứu cánh;

Hoặc cõi Không vô biên

Hay cõi Thức vô biên,

Hay Vô sở hữu xứ

Cõi Phi tưởng phi phi

Do ước nguyện, tu tập,

Tỳ kheo sẽ tái sinh

Vào cõi như ý nguyện.

Nếu đầy đủ năm pháp

Nhưng chỉ mong an trú

Vô lậu tâm giải thoát

Vô lậu tuệ giải thoát

Ðoạn trừ các lậu hoặc,

Tỳ kheo sẽ chứng đạt

An trú vô lậu tâm

Ngay trong đời hiện tại,

Không còn phải tái sinh

Ở bất cứ nơi nào (5).

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 121: Tiểu Không (Culasunnata Sutta)

I. Toát Yếu

The Shorter Discourse on Voidness.

The Buddha instructs A Nanda on the "genuine, undistorted, pure descent into voidness."

(Bản kinh ngắn về Không tính. Phật dạy A Nan về sự chứng nhập Tánh Không thuần túy không bị cong quẹo)

II. Tóm Tắt

Phật xác nhận với Tôn giả A Nan rằng không những ngày xưa mà hiện tại, Ngài vẫn thường an trú trong Không tính (1), và giải thích ý nghĩa của sự trú Không như sau.

Như trong giảng đường không có voi ngựa, vàng bạc, đàn ông đàn bà… nhưng có một cái không phải không, đó là chúng Tỳ kheo. Cũng vậy, Tỳ kheo khi ở rừng không tác ý đến các tưởng về thôn xóm, về người, chỉ tác ý duy nhất đến tưởng rừng (2). Khi ấy những phiền hà do thôn tưởng, nhân tưởng không có mặt, chỉ có sự phiền hà do duyên lâm tưởng (3). Vị ấy nhận rõ là không, những gì không hiện hữu, và nhận cái gì hiện hữu là có hiện hữu. Ðây là sự thực hiện Tánh Không hoàn toàn chân thật, không cong quẹo. Lại nữa, Tỳ kheo không tác ý đến cái tưởng Rừng, mà tác ý tưởng Ðất (4). Tâm vị ấy thích thú, hân hoan, an trú, giải thoát trong địa tưởng, như một tấm da bò căng thẳng trên trăm cọc gỗ, không để ý đến chỗ lồi lõm hay cây cối núi sông ở trên đất. Vị ấy biết các ưu phiền do nhân tưởng, lâm tưởng không có mặt, chỉ còn một ưu phiền là sự nhất trí do duyên địa tưởng. Ðối với cái còn lại, vị ấy biết (do duyên sinh): Cái kia có, cái này có. Ðây là sự thực hiện Tánh Không hoàn toàn, chân thật, không cong quẹo. Kế tiếp, vị Tỳ kheo không tác ý địa tưởng mà tác ý Không vô biên xứ tưởng (5).

Tâm vị ấy thích thú, hân hoan trong tưởng này, và biết ở đây chỉ có thuần một tưởng về Hư không vô biên, không có các ưu phiền do duyên lâm tưởng, địa tưởng. Cái gì không có mặt, vị ấy nhận là không có mặt, và cái còn lại thì biết do duyên sinh. Kế tiếp, vị ấy tác ý Thức vô biên xứ tưởng, thì các tưởng về rừng, đất, hư không không có mặt, chỉ có độc nhất một ưu phiền về tưởng Thức vô biên. Kế tiếp, tác ý Vô sở hữu xứ tưởng rồi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng như trên. Cuối cùng là tác ý Vô tướng tâm định (6).

Vị ấy biết các ưu phiền do duyên tưởng Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng không có mặt, chỉ còn một ưu phiền là sáu nhập duyên mạng y cứ thân này là không phải không; và thấy nó cũng duyên sinh như trên. Và vị ấy thấy rõ cái gì do ý tạo ra, do duyên sinh thì phải vô thường, hoại diệt (7).

Nhờ vậy tâm giải thoát khỏi dục hữu vô minh lậu; tự biết tâm đã giải thoát, sinh tận, phạm hạnh thành, sau đời này không còn đời nào khác nữa. Ðây gọi là an trú tối thượng Không tính (8).

III. Chú Giải

1. Sunnatàvihàra, Không trú. Kinh sẽ làm rõ dần rằng đây ám chỉ quả chứng về Tánh Không, quả A la hán do tập trung quán tưởng khía cạnh Không của Niết bàn.

2. MA (Sớ giải Trung Bộ) Vị ấy tác ý đến lâm tưởng do căn cứ vào một khu rừng, nghĩ: Ðây là một khu rừng, đây là một gốc cây, một hòn núi, một hang động.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) và MT đều giải thích đoạn này như sau: Sự phiền hà của ưa và chán khởi lên do nhận thức về con người, không hiện hữu ở đây; song vẫn còn có phiền hà gây nên bởi sự sinh khởi các pháp thô do vì thiếu sự an tịnh cần thiết.

4. MA (Sớ giải Trung Bộ) Vị ấy từ bỏ tác ý về rừng và chuyên chú đến địa đại, vì người ta không thể đạt được gì, cận hành hay an chỉ, khi Thiền quán về rừng. Nhưng đất thì có thể được dùng làm đề mục để quán kasina, trên căn bản này hành giả phát sinh Thiền và tuệ để đắc quả A la hán.

5. Sau khi dùng tưởng về đất để đắc bốn Thiền, vị ấy khai triển biến xứ đất rồi bỏ tướng kasina để đắc Không vô biên xứ. Xem THANH TịNH ĐạO chương X.

6. Vô tướng tâm định, animitta cetosamàdhi. MA (Sớ giải Trung Bộ) Ðây là định của tâm có Tuệ giác, được gọi vô tướng vì không có tướng thường vân vân.

7. Xem Trung 52. MA (Sớ giải Trung Bộ) gọi đây là tuệ phản quan (pativipassanà) nghĩa là áp dụng các nguyên lý của tuệ vào chính chức năng của tâm làm nhiệm vụ tuệ quán.

8. Ở đây các từ Vô thượng, tối cao (paramànuttarà) đã được thêm. MA (Sớ giải Trung Bộ) nói đây là quả chứng Tánh Không của A la hán.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy với A Nan

Ta thường trú Không tính

Và giải thích ý nghĩa

Của thứ lớp trú Không.

Như ở trong giảng đường

Không voi ngựa các thứ

Nhưng có cái không không

Ấy là chúng Tỳ kheo.

Cũng thế khi ở rừng

Chỉ có tưởng về rừng

Không có tưởng gì khác

Khi ấy chỉ có mặt

Ưu phiền duyên lâm tưởng.

Những gì không hiện hữu

Biết rõ nó là không

Cái gì có hiện hữu

Nhận là do duyên tưởng.

Ðấy là thực hiện Không

Chân thật, không cong quẹo.

Kế tiếp bỏ tưởng Rừng

Ðể tác ý tưởng Ðất

Tâm vị ấy thích thú,

Hân hoan trong tưởng này,

Biết rõ các ưu phiền

Do duyên các tưởng khác

Bây giờ không có mặt

Chỉ còn lại ưu phiền

Sinh ra do tưởng Ðất.

Kế tiếp bỏ tướng Ðất

Quán Hư không vô biên

Tâm chỉ còn độc nhất

Không vô biên xứ tưởng.

Không có các ưu phiền

Do duyên các tưởng khác.

Cái gì không có mặt,

Nhận là không có mặt,

Cái gì còn có mặt

Biết rõ do duyên sinh.

Khi bỏ tưởng hư không

Quán Thức vô biên xứ

Tâm chỉ còn độc nhất

Thức vô biên xứ tưởng.

Bỏ tưởng Thức vô biên

Quán Vô sở hữu xứ

Tâm chỉ còn độc nhất

Vô sở hữu xứ tưởng.

Bỏ tưởng Vô sở hữu

Quán Phi tưởng phi phi tưởng xứ

Tâm chỉ còn độc nhất

Tưởng Phi tưởng phi phi.

Không để ý tưởng này

Nhập Vô tướng tâm định

Vị Tỳ kheo rõ biết

Chỉ còn một ưu phiền

Là sáu nhập duyên thân

Tồn tại do sinh mạng

Cái gì không có mặt,

Nhận là không có mặt,

Cái gì còn có mặt

Biết rõ do duyên sinh.

Ðấy là thực hiện Không

Chân thật, không cong quẹo.

Vị Tỳ kheo thấy rõ

Vô tướng tâm định này

Cũng do duyên mà sinh

Do ý hành tạo nên.

Cái gì do duyên sinh

Tất phải bị hoại diệt

Nhờ thấy rõ như vậy

Tâm vị ấy giải thoát

Dục, hữu, vô minh lậu

Tự biết tâm giải thoát,

Sinh tận, phạm hạnh thành

Sau đời sống hiện tại

Không còn đời khác nữa

Ðây gọi là an trú

Trong tối thượng Tánh Không.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 122: Ðại không (1) (Mahàsunnatasuttam)

I. Toát Yếu

The Greater Discourse on Voidness.

Upon finding that the bhikkhus have grown fond of socialising, the Buddha stresses the need for seclusion in order to abide in voidness.

(Thấy chư Tỳ kheo khởi sự ưa tụ hội, Phật nhấn mạnh nhu yếu độc cư để an trú Tánh Không.)

II. Tóm Tắt

Nhân thấy trú xứ của Tỳ kheo Kàlakhemaka (2) có nhiều chỗ nằm, Phật hỏi phải chăng ở đây đang có nhiều Tỳ kheo cư trú (3). Tôn giả A Nan thưa vì đấy là thời gian may y nên họ mới quy tụ để may y (4). Phật nhân đấy dạy về pháp tu Chỉ và Quán nhờ sống viễn ly. Một Tỳ kheo ưa quần tụ thì không thể thưởng thức lạc viễn ly, độc cư, an tịnh, chính giác (5); không thể chứng tâm giải thoát có hạn kỳ hay tâm giải thoát Bất động (6). Không một sắc (thân) nào bị biến hoại mà không gây sầu bi khổ ưu não cho người ham thích nó. Nhưng Phật đã tìm ra một sự an trú, đó là trú Nội Không nhờ không tác ý tất cả tướng (7). Trong lúc an trú nội không, dù đông đảo hạng người đến với Ngài, tâm Phật vẫn hướng đến viễn ly độc cư, và vì không còn dính gì đến các việc làm căn bản cho hữu lậu pháp, Ngài luôn luôn dạy họ những lời thuần túy liên hệ đến viễn ly. Rồi Phật dạy A Nan cách trú Nội Không (8), và kết quả của nó.

Trước hết phải an chỉ nội tâm nhờ căn bản là một trong bốn Thiền (tu Chỉ). Kế tiếp sau khi đã đắc một Thiền làm căn bản (từ Thiền thứ nhất cho đến Thiền thứ tư), vị Tỳ kheo tác ý đến Nội không hoặc tác ý Ngoại không hoặc tác ý Bất động (9). Nếu không có sự hân hoan thích thú đối với nội không, ngoại không hay bất động, vị ấy cần phải ý thức rõ như vậy, và nhập lại Thiền căn bản (10) để quán trở lại cho đến khi biết tâm đã thích thú, hân hoan, giải thoát nhờ quán nội không, ngoại không, nội ngoại không và bất động. Một người đã an trú trong chỉ và quán như vậy,

1. Khi tâm hướng về đi hoặc đứng, nằm, ngồi, vị ấy sẽ đi đứng ngồi nằm với ý thức rõ biết không có tham ưu và các bất thiện pháp ám ảnh tâm trí.

2. Lúc tâm hướng đến nói chuyện, vị ấy nghĩ mình sẽ chỉ nói chuyện liên hệ đến mười đề mục là thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, tinh cần, giới định tuệ giải thoát vân vân, tránh tất cả chuyện khác.

3. Lúc suy tầm, vị ấy ý thức rõ mình sẽ suy tư ly dục, vô sân, bất hại, không suy tư những gì không liên hệ viễn ly, ly tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

4. Ðối với năm dục công đức (11) là sắc thanh hương vị xúc, vị ấy phải thường quán sát tự tâm có còn dục ái đối với chung hay đã đoạn tận, ý thức rõ ràng như vậy.

5. Ðối với năm thủ uẩn (12) vị ấy luôn quán sự sinh diệt của chúng, và rõ biết tâm kiêu mạn tôi là y cứ trên năm thủ uẩn này đã được từ bỏ.

Phật dạy một Thanh văn đệ tử nên sống gần bậc Thầy dù có bị xua đuổi, khi được nghe những lời dạy khắc khổ đưa đến ly tham, tịch diệt, như dạy thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, tinh cần, giới định tuệ giải thoát và giải thoát tri kiến. (Do vì không tu học chỉ và quán như trên mà) cả Thầy lẫn trò của ngoại đạo trong lúc tu khổ hạnh cuối cùng đều gặp phiền lụy (13) khi được nổi tiếng, đông đồ đệ; họ khởi lên nhiễm tâm, trở lui đời sống thế tục, bị các bất thiện tấn công và không thoát khỏi già chết trong tương lai. Một số đệ tử Phật tu phạm hạnh cũng rơi vào mối nguy tương tự, bị phiền lụy khi bắt chước Phật sống viễn ly (mà chưa chuẩn bị chu đáo.) Nhưng sự phiền lụy của các vị tu phạm hạnh này kết quả còn bi thảm hơn phiền lụy của Thầy trò ngoại đạo (14). Và Phật khuyên các đệ tử hãy đối xử với Ngài bằng tâm thân hữu, không thù nghịch. Thân hữu là không đi ngược lại lời dạy của đấng Ðạo sư đã vì lòng từ mẫn mà thuyết pháp đem lại hạnh phúc an lạc cho mình. Nhưng Ngài không đối xử nhẹ tay với đệ tử như thợ gốm đối xử với đồ gốm (15). Cái gì là lõi cây thì sẽ đứng vững.

III. Chú Giải

1. Kinh này cùng với luận giải đã được Nanamoli dịch và ấn hành với nhan đề Ðại kinh nói về Không.

2. MA (Sớ giải Trung Bộ) Trú xứ này được Kalakhemaka dòng Thích ca xây cất trong vườn Ni câu luật. Giường chiếu ghế và thảm được trang bị san sát đến nỗi nó trông như chỗ ở của một hội chúng Tỳ kheo.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích đây chỉ là một câu hỏi gặn, vì với thần thông chư Phật có thể biết những gì các Ngài muốn biết. Phật hỏi câu này với ý nghĩ: Khi chúng Tỳ kheo này tụ hội thành đoàn thể và ưa thích tụ hội, chúng sẽ hành xử phi pháp. Vậy ta sẽ giảng Pháp tu vĩ đại về Không, đấy sẽ trở thành giống như một học giới (cấm ưa quần tụ).

4. MA (Sớ giải Trung Bộ) Tôn giả A Nanda định nói: Các Tỳ kheo này sống quần tụ như thế không chỉ vì ưa lăng xăng rộn ràng, mà vì may y.

5. Viễn ly là lìa dục vọng, độc cư là xa đám đông, an tịnh là đoạn tham sân si, chính giác là đạo và quả.

6. Giải thoát đầu là giải thoát nhờ chứng bốn Thiền và bốn không (vô sắc), giải thoát sau là nhờ đạo và quả siêu thế. Xem thêm Trung bộ 29 và chú thích 348.

7. MA (Sớ giải Trung Bộ) Phật mở đầu đoạn này để tránh chỉ trích rằng trong khi Ngài khuyên các đệ tử sống độc cư, thì bản thân Ngài lại thường được nhiều đồ chúng quây quần. Không tánh đây là quả chứng về Không, xem chú thích số 1, Kinh Trung Bộ 121.

8. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích nội không là cái không liên hệ đến năm uẩn của tự thân, ngoại không là cái không liên hệ đến năm uẩn của kẻ khác. Vậy Tánh Không đề cập ở đây phải là tâm giải thoát tạm thời nhờ tuệ quán vô ngã, như kinh 43 giải thích. Khi tuệ về vô ngã được nâng lên ngang tầm của đạo lộ thì sẽ đưa đến sự chứng quả Niết bàn theo khía cạnh Không của nó.

9. MA (Sớ giải Trung Bộ) Vị ấy tác ý đến một Thiền chứng vô sắc bất động.

10. MA (Sớ giải Trung Bộ) Ðây nói về Thiền được dùng làm căn bản cho Tuệ giác. Nếu sau khi xuất khỏi Thiền căn bản, tâm vị ấy không đi vào Không bằng tuệ quán về năm uẩn của tự thân hay của người, và cũng không thể đạt đến vô sắc bất động, thì vị ấy nên trở về Thiền căn bản mà mình đã phát triển được và tác ý đến nó nhiều lần.

11. Theo MA (Sớ giải Trung Bộ), cho đến điểm này, Phật đã hiển thị sự tu tập để đắc hai đạo lộ đầu tiên là Dự lưu và Nhất lai. Ðoạn này là để nêu rõ tuệ quán cần thiết để đạt đến Bất hoàn đạo mà tột đỉnh là từ bỏ ham muốn dục lạc.

12. Ðoạn này hiển thị Tuệ giác cần có để đạt đến A la hán đạo, mà tột đỉnh là từ bỏ ngã mạn tôi là.

13. Upaddava cũng có thể dịch là tai họa. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích rằng Phật dạy đoạn kinh này để nêu lên sự nguy hiểm của độc cư khi người ta chưa hoàn thành mục tiêu của sự sống độc cư. Ðạo sư ở đây là Thầy ngoại đạo.

14. MA (Sớ giải Trung Bộ) Sự xuất gia theo ngoại đạo không đem lại lợi ích bao nhiêu, nên người nào thối thất thì bất quá chỉ mất lợi lạc thuộc thế gian; họ không có đau khổ gì lớn lắm, cũng như người cỡi lừa té thì chỉ bị lấm bụi. Nhưng xuất gia trong Pháp Phật đem lại lợi ích lớn là đạo, quả và Niết bàn. Bởi thế người nào thối thất trong giáo lý này gặp phải khổ đau lớn, như người té xuống từ lưng voi.

15. Tương phản trong ví dụ này là giữa cái cách người thợ gốm nắm cục đất sét còn ẩm và cách ông nắm đồ gốm đã được nặn từ đất sét ấy. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải rộng câu này như sau: Sau khi đã giáo giới rồi thì ta sẽ không im lặng; ta sẽ khuyến cáo, dạy bảo bằng cách liên tục quở trách các ông. Như thợ gốm thử đồ đã nung, đặt sang một bên những cái bị nứt nẻ, có lỗi, và chỉ giữ lại những đồ gốm đã vượt qua cuộc thử thách, cũng vậy ta sẽ giáo giới và khuyến cáo bằng cách thử nghiệm các ông. Người nào trong đây đã đạt đến đạo và quả, thì sẽ chịu đựng được cơn thử thách. MA (Sớ giải Trung Bộ) thêm rằng những thiện đức thế gian cũng được xem là tiêu chuẩn của sự lành mạnh.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tỳ kheo ưa quần tụ

Khó nếm lạc viễn ly

Lạc độc cư, an tịnh

Khó nếm lạc chính giác.

Cũng không thể chứng được

Giải thoát có hạn kỳ

Và giải thoát bất động.

Không một sắc pháp nào

Bị vô thường biến hoại

Mà không gây đau khổ

Cho người ham thích nó.

Phật an trú Nội Không

Không tác ý tướng ngoài

Giữa đồ chúng đủ hạng

Tâm Phật vẫn như nhiên.

Hướng viễn ly độc cư

Xa lìa pháp hữu lậu

Và giảng dạy những lời

Thuần đưa đến viễn ly.

Muốn an trú nội không

Trước phải ổn định tâm

Ðắc một Thiền căn bản

Từ sơ đến tứ Thiền

Rồi tác ý Nội không

Hoặc tác ý Ngoại không

Hoặc tác ý Bất động

Nếu trong khi tác ý

Tâm không thấy thích thú

Trong nội không, ngoại không

Cần biết rõ như vậy

Nhập lại Thiền căn bản

Rồi lại quán nội không

(Ngoại không, và Bất động)

Cho đến khi thích thú

Hân hoan trong pháp này

Và tâm được giải thoát.

Một người đã an trú

Trong chỉ và quán này

Thì trong bốn uy nghi

Tâm không khởi bất thiện

Cũng không có tham ưu.

Câu chuyện vị ấy nói

Chỉ liên hệ thiểu dục

Tri túc và viễn ly

Ðộc cư và tinh cần

Giới, định, tuệ, giải thoát

Và giải thoát tri kiến

Tránh những chuyện ngoài đề

Lúc vị ấy suy tầm

Chỉ suy tư ly dục

Vô sân và bất hại

Gạt bỏ ra ngoài tâm

Những gì không liên hệ

Ðến viễn ly, ly tham

Tịch diệt và thắng trí

Giác ngộ với Niết bàn.

Ðối năm dục công đức

Sắc thanh hương vị xúc

Vị ấy thường quán sát

Tâm đoạn dục hay chưa.

Ðối với năm thủ uẩn

Thường quán sát sinh diệt

Ðể biết mạn tùy miên

Ðã hoàn toàn từ bỏ

Một Thanh văn đệ tử

Nên sống gần bậc Thầy

Dù có bị xua đuổi

Ðể được nghe dạy Pháp

Liên hệ đến viễn ly

Ly tham và giải thoát.

Vì không tu chỉ quán

Các Thầy trò ngoại đạo

Dù có sống độc cư

Cuối cùng gặp phiền lụy

Bởi đồ đệ đoanh vây

Bởi dục tham chi phối

Bị bất thiện tấn công

Trong thời gian vị lai

Không thoát khỏi già chết

Một số tu phạm hạnh

Theo gương đức Thế Tôn

Cũng gặp nguy tương tự

Vì không tu chỉ quán.

Chưa an trú nội không

Phiền lụy của vị này

Kết quả bi thảm hơn

Các Thầy trò ngoại đạo.

Phật khuyên các Tỳ kheo

Ðừng đối xử với Ngài

Với tâm lý thù nghịch

Không theo lời chỉ giáo

Hãy đối xử với Ngài

Bằng tâm lý thân thiện

Nương theo Pháp tu hành

Ðể an lạc dài lâu.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 123: Hy Hữu Vị Tằng Hữu

(Acchariyabbhutadhammasuttam)

I. Toát Yếu

Wonderful and Marvellouse.

At a gathering of bhikkhus the venerable A Nanda recounts the wonderful and marvellous events that preceded and attended the birth of the Buddha.

(Trong một buổi họp chúng, Tôn giả A Nan thuật lại những sự cố ly kỳ mầu nhiệm trước và trong ngày Phật đản sanh.)

II. Tóm Tắt

Chúng Tỳ kheo đang bàn tán về một thần lực của Phật là Ngài biết được chi tiết về chư Phật quá khứ (1). Phật bèn dạy Tôn giả A Nan trình bày những điều kỳ diệu hy hữu về đức Như Lai đúng như Tôn giả đã được nghe từ chính kim khẩu của Thế Tôn:

1. Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát sinh vào cung trời Ðâu suất (2).

2. Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát trú tại cung trời ấy đến hết thọ mạng.

3. Chính niệm tỉnh giác, Ngài giáng hạ mẫu thai.

4. Khi Ngài mệnh chung tại cung trời Ðâu suất thì có một ánh sáng vô lượng xuất hiện trên thế gian làm cho những cõi chúng sinh từ lâu sống trong bóng tối (3) tự nhiên nhờ ánh sáng ấy liền trông thấy lẫn nhau và tưởng là chúng mới xuất hiện lần đầu.

5. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai thì có bốn vị thiên nhân (4) canh gác bốn góc để hộ vệ Ngài và mẫu hậu, không một ai có thể làm hại mẹ hay con.

6. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà mẹ tự nhiên sống đức hạnh, nghiêm trì ngũ giới.

7. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà không có dục tưởng đối với đàn ông, và không kẻ nào có dục tâm có thể đến gần bà.

8. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà thụ hưởng đầy đủ năm dục: không cảm thấy mệt mỏi gì, lại thấy được Bồ tát trong bụng mình với đầy đủ tứ chi như thể là ngắm một viên ngọc khéo giũa đặt trên lòng bàn tay.

9. Bảy ngày sau khi sinh hạ Bồ tát, bà mẹ chết (5) và tái sinh vào cõi trời Ðâu suất.

10. Bồ tát trú thai mẹ đúng mười tháng.

11. Mẹ Bồ tát sinh trong lúc đứng thay vì nằm hoặc ngồi như các sản phụ khác.

12. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, thì chư thiên đón Ngài trước, sau mới đến người đỡ.

13. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, Ngài không chạm đất. Chư thiên đỡ lấy Ngài đưa cho bà mẹ mà nói: Bà hãy sung sướng vì một người con trai có đại oai thần lực đã đến với bà.

14. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, Ngài không bị lấm bẩn vì máu mủ hay bất cứ thứ gì bất tịnh.

15. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, có hai vòi nước tuôn xuống từ trên trời, một nóng một lạnh, để tắm cho hai mẹ con.

16. Vừa khi mới sinh ra, đức Bồ tát đã đứng vững hai chân trên đất (6), đi bảy bước về phương Bắc, và được che với chiếc lọng trắng, Ngài nhìn bốn hướng và thốt lên lời của bậc Ðiều ngự sư: "Trên thế gian này Ta là tối thượng. Ðây là đời cuối cùng của Ta, từ nay không còn tái sinh nữa."

Sau khi Tôn giả A Nan kể xong những điều kỳ diệu ấy, Phật thêm rằng còn một điều này nữa (7), là đối với đức Như Lai, các cảm thọ được biết đến lúc sinh khởi, lúc trú và diệt, các ý tưởng và tư duy cũng thế.

III. Chú Giải

1. Khả năng này của Phật được Trường bộ kinh 14 đề cập trong những thông tin chi tiết về sáu vị Phật trước đức Thích ca Gotama.

2. Ðây ám chỉ sự tái sinh của đức Bồ tát tại cung trời Ðâu suất sau khi sinh làm người tên Vessantara và trước khi tái sinh vào cõi người làm Thái tử Siddhartha Gotama.

3. Cứ ở khoảng giữa mỗi ba thế giới hệ lại có một khoảng trống tám ngàn do tuần, giống như khoảng trống giữa ba bánh xe bò hay ba cây cung đụng nhau. Chúng sinh sinh vào khoảng này là do ác nghiệp cực trọng như giết cha mẹ, giết Thánh nhân, hoặc do thường xuyên làm nghề ác như giết súc vật.

4. Bốn vị trời này là Tứ thiên vương, những vị thống lĩnh cõi trời là Tứ thiên vương.

5. MA (Sớ giải Trung Bộ) Ðiều này xảy ra không phải lỗi ở sự sinh nở mà do bà mẹ đã chấm dứt thọ mạng; vì cái nơi mà Bồ tát đã chiếm dụng (bào thai mẹ) thì không ai khác sử dụng được, như một điện thờ.

6. MA (Sớ giải Trung Bộ) Mỗi khía cạnh của biến cố này đều báo trước những sở đắc của đức Phật sau này. Vậy, sự việc Ngài đứng vững trên đất là điềm báo Ngài sẽ chứng các thần túc; mặt hướng về phương Bắc báo hiệu Ngài sẽ vượt trên thế tình; đi bảy bước là Ngài sẽ có được bảy giác chi; lọng trắng là Ngài sẽ đạt chiếc lọng giải thoát; nhìn quanh bốn hướng là Ngài sẽ có được minh trí vô ngại; những lời Ngài thốt ra báo hiệu Ngài sẽ chuyển bánh xe Pháp không ai có thể chuyển ngược lại. Lời tuyên bố Ðây là tái sinh cuối cùng báo hiệu Ngài sẽ nhập vô dư Niết bàn, không còn quay lại cõi hữu.

7. Lời này dường như là một cách đức Phật kêu gọi ta chú ý đến cái phẩm chất mà Ngài xem là điều kỳ diệu đích thực.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Chúng Tỳ kheo đang bàn

Một thần lực của Phật

Là biết đủ chi tiết

Về chư Phật trước kia.

Phật bèn dạy A Nan

Trình bày những kỳ diệu

Mà Tôn giả được nghe

Từ kim khẩu đức Phật:

Bồ tát lúc tái sinh

Vào cung trời Ðâu suất

Và lúc ở cõi trời

Cho đến hết thọ mạng.

Giáng phàm nhập mẫu thai

Ðều chính niệm tỉnh giác

Khi Bồ tát đản sinh

Có ánh sáng nhiệm mầu

Soi ba ngàn thế giới

Những chúng sinh từ lâu

Bị sống trong u tối

Tự nhiên trông thấy nhau

Mới ngạc nhiên làm sao.

Lúc Bồ tát nhập thai

Tứ thiên vương canh gác

Gìn giữ mẹ và con

Tránh xa mọi bất trắc.

Bà mẹ lúc hoài thai

Tự nhiên sống đức hạnh

Và nghiêm trì ngũ giới.

Tâm xa lìa dục tưởng

Nam nhân có lòng dục

Không thể đến gần bà.

Bà thụ hưởng đầy đủ

Sắc thanh hương vị xúc

Thân không bị mệt mỏi

Lại thấy được Bồ tát

Ðang ở trong bụng mình

Có đầy đủ tứ chi

Như ngắm nhìn ngọc quý.

Bảy ngày sau sinh nở

Bà từ giã cõi trần

Và được tái sinh ngay

Vào cung trời Ðâu suất.

Bồ tát trú mẫu thai

Thời gian đúng mười tháng

Mẹ Bồ tát lâm bồn

Trong lúc đứng vịn cây

Thay vì nằm hoặc ngồi

Như các bà sản phụ.

Khi Bồ tát chào đời

Ðược chư thiên đón trước,

Sau mới đến loài người.

Khi ra khỏi bụng mẹ

Thân Ngài không chạm đất.

Chư thiên đỡ lấy Ngài

Ðưa cho bà mẹ xem

Kèm theo lời chúc tụng:

Mẫu hậu hãy vui mừng

Ðã sinh được người con

Có đại oai thần lực

Hơn tất cả thế gian.

Khi ra khỏi bụng mẹ,

Ngài không bị lấm bẩn

Vì những thế uế ô.

Lại có hai vòi rồng

Từ trời cao tuôn xuống

Nóng với lạnh hòa nhau

Ðể tắm con và mẹ.

Vừa khi mới sinh ra,

Ngài đã đứng vững được

Với hai chân trên đất

Bảy bước về phương Bắc

Ðược tàn lọng trắng che,

Ngài nhìn quanh bốn hướng

Và thốt lên lời rằng

Trên trời và dưới trời

Chỉ Ta là tối thượng

Thân này là thân cuối

Không còn thọ thân sau.

Nghe A Nan kể xong

Ðức Phật bèn bổ túc:

Ðối với đức Như Lai,

Tất cả các cảm thọ

Ðều được Ngài biết rõ

Trong cả ba giai đoạn

Trú diệt cũng như sinh.

Cũng vậy với tưởng, tư

Ngài luôn luôn giác tỉnh.

Ðây cũng điều kỳ diệu

Của đức Phật Thế Tôn.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 124: Bạc Câu La (Bakkula Sutta)

I. Toát Yếu

The elder disciple Bakkula enumerates his austere practices during his eighty years in the Sangha and exhibits a remarkable death.

(Tôn giả Bạc Câu La kể ra những khổ hạnh của Ngài suốt 80 năm sống giữa tăng và hiển bày một cái chết đặc biệt.)

II. Tóm Tắt

Acela Kassapa bạn cũ của Tôn giả Bakkula lúc còn tại gia, đến thăm Ngài và cuộc vấn đáp xảy ra. Theo sự trả lời của Tôn giả, người bạn xác nhận Ngài có những điều kỳ diệu như sau. Một là trong tám mươi năm xuất gia (1), không bao giờ trong tâm Ngài khởi lên dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Hai là không nhận hoặc cắt may y phục trong thời may y Ca thi na (2). Ba không nhận lời mời ăn, cũng không ngồi ăn dưới một mái nhà. Bốn, không bao giờ để ý tướng chung hay tướng riêng của một phụ nữ, hoặc giảng pháp cho họ dù chỉ bốn câu, hoặc đi đến khu vực của ni chúng, hoặc giảng pháp cho ni hay nữ Cư sĩ. Năm là Ngài không từng truyền giới cho ai, là y chỉ sư cho ai, để ai hầu hạ. Sáu, Ngài không bao giờ tắm trong nhà tắm với bột tắm (xà phòng), không để ai chà xát thân thể, không bao giờ ốm đau dùng thuốc, không nằm giường, không an cư mùa mưa dưới một mái nhà trong thôn xóm. Bảy là, Ngài chỉ mắc nợ thí chủ trong bảy ngày đầu sau khi xuất gia, đến ngày thứ tám Ngài được thắng trí (3). Sau khi xác nhận đấy là những điều kỳ diệu nơi Tôn giả Bakkula, Acela Kassapa cũng xin xuất gia thọ đại giới (4) và không lâu sau đó ông cũng chứng quả A la hán như Ngài. Ðiều kỳ diệu cuối cùng là Tôn giả Bakkula báo tin trước (5), rồi ngồi kiết già giữa đại chúng mà nhập Niết bàn (6).

III. Chú Giải

1. MA (Sớ giải Trung Bộ) Tôn giả Bạc Câu La đi tu năm tám mươi tuổi, tức vào lúc Phật nói kinh này thì Ngài đã 160 tuổi. Ngài được Phật xem là đệ tử có sức khỏe tốt nhất.

2. Ðoạn này và những đoạn kế tiếp chứng tỏ Tôn giả Bạc Câu La là người tu khổ hạnh. Thời may y Ca thi na là thời gian sau mùa an cư khi chúng Tỳ kheo dùng những vải vóc họ đã nhận được để may thành y phục.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) Sau khi xuất gia, trong bảy ngày đầu Ngài vẫn còn là người bình thường, nhưng vào ngày thứ tám Ngài đắc quả A la hán cùng với các trí biện tài.

4. MA (Sớ giải Trung Bộ) Vì đang tu khổ hạnh, Tôn giả Bạc Câu La không truyền giới xuất gia cho người khác, mà chỉ sắp xếp cho các vị khác truyền giới.

5. MA (Sớ giải Trung Bộ) Tôn giả Bạc Câu La xét rằng suốt đời Ngài đã không làm gánh nặng cho Tỳ kheo khác, và cũng không muốn nhục thân trở thành gánh nặng sau khi chết, nên đã nhập Thiền quán nội hỏa (lửa tam muội) để nhập Niết bàn, bằng cách khiến cho toàn thân bốc cháy, chỉ còn lại Xá Lợi.

6. MA (Sớ giải Trung Bộ) Kinh này được tụng đọc tại kỳ đệ nhị Kết tập xảy ra khoảng một trăm năm sau Phật Niết bàn.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

A chê la Ca Diếp

Bạn cũ Bạc Câu La

Ðến thăm Tôn giả này

Thấy những điều kỳ diệu:

Trong vòng tám mươi năm

Không bao giờ trong tâm

Ngài khởi lên dục tưởng,

Sân tưởng và hại tưởng

Ngài không nhận y phục

Hoặc cắt may quần áo

Trong thời gian may y.

Không nhận lời mời ăn

Không ngồi ăn trong nhà.

Không bao giờ để ý

Dáng dấp của phụ nữ

Hoặc giảng pháp cho họ

Dù chỉ nói một câu,

Không bao giờ lai vãng

Các nơi ni cư trú

Hoặc giảng pháp cho ni

Không truyền giới cho người,

Hoặc làm y chỉ sư

Hoặc để người hầu hạ.

Không tắm trong nhà tắm

Với bột tắm (xà phòng)

Không để ai chà xát

Không bao giờ ốm đau

Nên không từng dùng thuốc

Không nằm ngủ trên giường

Không an cư mùa mưa

Dưới mái nhà thôn xóm.

Ngài chỉ nợ thí chủ

Bảy ngày đầu xuất gia

Ngày thứ tám đắc quả

Với thắng trí thần thông.

Sau khi đã thấy được

Những điều vi diệu ấy

Nơi Ngài Bạc Câu La

A Chê La Ca Diếp

Xuất gia thọ đại giới

Không bao lâu chứng quả

Thành vị A la hán.

Ðiều kỳ diệu cuối cùng

Mọi người được chiêm ngưỡng

Tôn giả Bạc Câu La

Báo trước cho đại chúng

Ngồi kiết già giữa chúng

Nhập vô dư Niết bàn.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 125: Ðiều Ngự Địa

I. Toát Yếu

Grade of the Tamed.

By analogy with the taming of an elephant, the Buddha explains how he tames his disciples.

(Phật giảng cách huấn luyện đệ tử với ẩn dụ luyện voi.)

II. Tóm Tắt

Vương tử Jayasena (1) đến xin Sa di Aciravata dạy cho mình Pháp ông đã được nghe, theo đó, một Tỳ kheo nhiệt tâm tinh cần có thể đắc định. Sa di từ chối, nhưng trước sự năn nỉ của vương tử, ông bảo tôi sẽ nói Pháp mà tôi đã được nghe và học, nhưng nếu ông không hiểu ý nghĩa thì cũng không được hỏi. Vương tử bằng lòng. Sau khi nghe Sa di nói Pháp, vương tử bảo làm gì có chuyện một Tỳ kheo không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần lại có thể đắc định, và vương tử ra về. Sa di đến hầu Phật, thuật lại mọi sự.

Phật dạy dĩ nhiên vì Jayasena đang sống trong dục lạc, bị dục lạc nhai nghiến nên không thể hiểu những gì cần phải xa lìa các dục mới hiểu được. Rồi Phật lấy ví dụ con voi (2) chưa được thuần hóa không thể đạt đến địa vị chỉ có thể đạt bởi voi thuần; và ví dụ về một người đứng trên đỉnh núi tả phong cảnh trên đỉnh cho một kẻ đang đứng dưới chân núi, kẻ sau này vì bị ngọn núi che tầm mắt nên không thể thấy gì và sẽ cho người đứng trên là nói dóc. Cũng vậy vương tử đối với Sa di là như con voi rừng với con voi đã luyện, như người đứng dưới núi với kẻ đứng trên đỉnh. Khi người ở dưới cũng leo lên đỉnh thì sẽ thấy như bạn mình đã thấy, và biết mình đã bị chướng ngại nên không thấy được. Nhưng chướng ngại của vương tử lại còn nặng nề hơn nhiều, vì ông ta bị đống vô minh che khuất khi sống với dục lạc, và không thể thấy những gì cần được thấy nhờ ly dục. Và Phật bảo Sa di: Nếu ông đưa ra hai ví dụ ấy thì chắc vương tử sẽ nghe theo ông, và cư xử phải phép. Sa di bạch Phật: Hai ví dụ này chính con cũng mới được nghe lần đầu, thì làm sao con có thể nói với ông vương tử một cách tự nhiên như Thế Tôn dạy?

Khi ấy Phật giảng rộng ẩn dụ luyện voi để ví với sự đào luyện một người từ cương vị phàm phu cho đến bậc Thánh. Như một vị vua bảo người thợ rừng cỡi trên một thớt voi chúa đi vào rừng, và khi trông thấy con voi nào thì cột nó vào cổ con voi chúa mà kéo ra khỏi rừng. Sau đó vua bảo người luyện voi hãy điều phục con voi mới tóm được ấy, cho hết những thói rừng rú của nó. Làm cho nó hết buồn sầu vì nhớ rừng và thích thú với làng mạc. Người luyện voi dùng lời khả ái dạy nó dần dần cho đến khi nó làm được những động tác nhặt lên, để xuống, đi tới đi lui đứng lên ngồi xuống và cuối cùng là tập cho nó bất động toàn thân, mặc cho bao nhiêu sự tấn công từ ngoài. Khi ấy con voi trở thành vương tượng kham nhẫn được mọi đau đớn do gươm giáo tên đạn và những tiếng động chát chúa. Nó trở thành xứng đáng cho vua dùng. Cũng vậy, một Tỳ kheo sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, được Phật huấn luyện giữ giới, hộ trì các căn, tiết độ ăn uống, chú tâm cảnh giác gột sạch tâm khỏi chướng ngại pháp, chính niệm tỉnh giác trong các uy nghi, chọn chỗ vắng ngồi Thiền gột trừ năm triền cái, quán 4 niệm xứ để điều phục tham ưu liên hệ thế tục (3), cuối cùng chứng sơ Thiền, nhị Thiền (4) đến tứ Thiền. Sau khi đắc một Thiền chứng trong số này, vị ấy hướng tâm đến lậu tận và đắc quả A la hán. Vị Tỳ kheo khi ấy nhẫn nhục chịu được nóng lạnh đói khát, từ bỏ tất cả tham sân si và lầm lỗi, xứng đáng sự lễ bái cúng dường của thế nhân. Như một con voi không được điều phục lúc sống thì khi chết, nó chết một cái chết không được điều phục, bất kể con voi ấy trẻ hay già. Một Tỳ kheo cũng vậy.

III. Chú Giải

1. Theo MA (Sớ giải Trung Bộ), Thái tử là con vua Bimbisàra.

2. Ẩn dụ giống như kinh 90.

3. Ðể ý ở đây, bốn niệm xứ được giải thích ở chỗ thông thường dành cho bốn Thiền.

4. Vì sự trình bày ở đây bắt đầu bằng Thiền thứ hai, nên đoạn trước đấy về tu bốn niệm xứ phải được ngầm hiểu là bao quát Thiền thứ nhất.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Vương tử Jayasena

Hỏi Sa di ở rừng

Thế nào với nhiệt tâm

Tinh cần không phóng dật

Thì có thể đắc định

Xin đại đức nói nghe.

Sa di bảo vương tử:

Tôi sẽ nói cho ông

Nhưng nếu ông không hiểu

Ðừng hỏi nữa mất công.

Sa di nói Pháp xong

Vương tử không tin nhận

Cho chỉ là nói dóc

Và đứng dậy bỏ đi.

Sa di đến hầu Phật

Thuật lại hết sự tình.

Phật dạy lẽ đương nhiên

Kẻ sống trong dục lạc

Bị năm dục nhai nghiến

Làm sao hiểu những gì

Muốn hiểu cần yểm ly

Và lánh xa năm dục.

Như voi đã được luyện

Cư xử khác voi rừng

Như người dưới chân núi

Không thấy cảnh bao la.

Vương tử bị chướng ngại

To tát hơn cả núi

Là năm dục lôi kéo

Và đống lớn vô minh.

Nếu ông ví dụ vậy

Vương tử sẽ tin ngay

Và khi đã tin ông

Sẽ hành xử đúng cách.

Nhưng bạch đức Thế Tôn

Làm sao con nói được

Khi con chỉ được nghe

Ví dụ ấy lần đầu?

Khi ấy Phật giảng rộng

Về ẩn dụ luyện voi

Tương tự cách đào luyện

Phàm phu thành bậc Thánh.

Như vua bảo thợ săn

Cỡi tượng vương vào rừng

Thấy voi hãy tóm cổ

Dẫn ra khỏi rừng sâu

Rồi lại bảo anh nài

Luyện voi thành thuần thục.

Trước hết bỏ thói rừng

Thích thú với làng mạc

Dần tập nhiều động tác

Cuối cùng tập đứng yên

Toàn thân thành bất động

Trước mọi sự tấn công

Bấy giờ voi xứng đáng

Báu vật của vua dùng.

Thiện nam tử xuất gia

Ra khỏi nhà thế tục,

Giữ giới, hộ trì căn,

Uống ăn có tiết độ,

Cảnh giác các lỗi lầm

Ðứng đi trong chính niệm

Chọn chỗ vắng Thiền tư

Gột trừ năm triền cái

Quán bốn chỗ tưởng niệm

Và chứng đắc bốn Thiền.

Sau khi được Thiền chứng

Hướng tâm đến lậu tận.

Vị Tỳ kheo khi ấy

Nhẫn chịu mọi thử thách

Từ bỏ tham sân si

Ðáng lễ bái cúng dường

Bất kể trẻ hay già

Người sống không điều phục

Chết với tâm hoang mang

Của kẻ thiếu tỉnh thức

Dù thượng, trung, hạ tọa

Người sống có điều phục

Chết với tâm an nhiên

Như một người giác tỉnh.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 126: Phù Di (Bhùmija) (1)

I. Toát Yếu

The Buddha brings forward a series of similes to illustrate the natural fruitfulness of the Noble Eightfold Path.

(Phật đưa ra một loạt ví dụ để hiển thị hiệu quả tự nhiên của đạo Bát chánh.)

II. Tóm Tắt

Vương tử Jayasena hỏi Tôn giả Bhùmija lập trường của Phật giáo về việc tu phạm hạnh, vì ông nghe các ngoại đạo cho rằng tu phạm hạnh không đem lại kết quả, dù người tu có ước nguyện hay không (2), hoặc vừa có vừa không, hay không có không không. Tôn giả đáp vấn đề là ở chỗ tu phạm hạnh cách nào, chứ không phải do có ước nguyện hay không ước nguyện. Nếu tu phạm hạnh theo tám tà là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tiến, tà niệm và tà định, thì phạm hạnh không kết quả. Ngược lại, nếu tu theo tám chính đạo thì phạm hạnh có kết quả, dù ước nguyện hay không. Vương tử khen lập trường Phật giáo là chính đáng hơn cả, và cúng dường cho Tôn giả Bhùmija. Sau đó Tôn giả đến thỉnh vấn Phật.

Phật xác nhận ông đã khéo trả lời, không xuyên tạc giáo lý của Ngài, và bổ túc với bốn ví dụ về chánh đạo và tà đạo. Theo tám tà là phương pháp sai, thì phạm hạnh không có kết quả, như ép cát để tìm dầu, vắt sừng bò để lấy sữa, khuấy nước lã để làm bơ, và dùng cây tươi để lấy lửa. Theo tám chính, phương pháp đúng, thì tu phạm hạnh có kết quả. Như ép hột có dầu để tìm dầu, vắt sữa từ vú bò cái, khuấy sữa để làm bơ, và dùng cây khô để nhóm lửa. Tôn giả Bhùmija rất sung sướng với bốn ví dụ vừa được nghe lần đầu.

III. Chú Giải

1. MA (Sớ giải Trung Bộ) Tôn giả Phù Di là cháu của Thái tử Jayasena.

2. Asam karitvà: Nếu người ta làm một ước nguyện, khởi lên một mong mỏi, chờ đợi. Những Sa môn Bà la môn có quan điểm này chắc phải là những người theo thuyết hoài nghi hoặc đoạn diệt luận.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Vương tử Jayasena

Hỏi Tôn giả Phù Di

Lập trường của Phật giáo

Về việc tu phạm hạnh.

Có ngoại đạo cho rằng

Tu phạm hạnh vô ích

Không có kết quả gì

Dù có nguyện hay không

Hoặc vừa có vừa không

Hoặc không có không không.

Tôn giả trả lời ông:

Vấn đề là ở chỗ

Tu phạm hạnh cách nào

Chứ không do mong ước.

Nếu tu phạm hạnh sai

Nghĩa là theo tám tà

Tà kiến, tà tư duy

Tà ngữ, tà nghiệp, mạng

Tà tinh tiến, niệm, định

Phạm hạnh không ích gì.

Ngược lại theo tám chính

Thì phạm hạnh kết quả

Dù ước nguyện hay không.

Vương tử rất hài lòng:

Nếu đây lời Phật dạy

Thì Ngài vượt hơn hết

Các Sa môn hiện nay.

Tôn giả thỉnh vấn Phật

Cuộc đối đáp vừa rồi

Phật khen khéo trả lời

Không xuyên tạc giáo lý

Và Thế Tôn bổ túc

Với bốn mẩu ví dụ

Hiển thị tà, chính đạo

Tám tà phương pháp sai

Phạm hạnh không kết quả

Như ép cát tìm dầu

Vắt sừng bò lấy sữa

Khuấy nước lã làm bơ

Dùng cây tươi nhóm lửa.

Tám chính, phương pháp đúng

Phạm hạnh sẽ trổ bông:

Ép hột dầu tìm dầu

Vắt vú bò lấy sữa

Khuấy sữa để làm bơ

Dùng cây khô nhóm lửa.

Tôn giả Bhùmija

Vui mừng với ví dụ

Vừa được nghe lần đầu.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 127: A Na Luật (Anuruddha)

I. Toát Yếu

The Venerable Anuruddha clarifies the difference betwên the immeasurable deliverance of mind and the exalted deliverance of mind.

(Tôn giả A Na Luật thuyết minh sự khác nhau giữa tâm giải thoát vô lượng và tâm giải thoát đại hành.)

II. Tóm Tắt

Tôn giả A Na Luật giảng cho thợ mộc Ngũ Phần về sự khác nhau giữa hai loại tâm giải thoát (1) là Vô lượng và Ðại hành. Cũng đều quán Từ bi hỷ xả (bốn phạm trú) nhưng đại hành tâm (2) là tâm biến mãn từ một gốc cây rộng dần ra cho đến một làng, một nước. Còn Vô lượng tâm giải thoát là biến mãn tâm Từ bi hỷ xả đến khắp mười phương thế giới, vô lượng vô biên, không hận không sân. Do khi tu Thiền, phát nguyện biến mãn ánh sáng có hạn hoặc vô hạn, có tạp nhiễm hoặc thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung, sinh vào bốn loại tái sinh (3) là các cõi trời Thiểu quang, Vô lượng quang và Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh (4).

Ðại hành tâm đưa đến tái sinh vào các cõi trời thiểu quang. Vô lượng tâm đưa đến tái sinh vào các cõi trời vô lượng quang. Do khi tu Thiền, chưa đốt cháy (5) được hôn trầm trạo hối mà khi chết sinh vào cõi có ánh sáng tạp nhiễm. Quang (ánh sáng) và sắc (màu sắc) mỗi vị trời ở các cõi ấy khác nhau, nhưng khi họ nhóm họp thì ánh sáng hòa lẫn mặc dù màu sắc mỗi ánh sáng khác nhau; như khi hàng ngàn ngọn đèn thắp sáng đặt trong phòng thì ánh sáng chỉ có một. Khi họ giải tán thì quang và sắc mỗi vị trời đều khác, như khi từng người bưng cây đèn của mình đi ra khỏi phòng thì màu sắc và ánh sáng của mỗi ngọn một khác. Sở dĩ cõi trời có thiểu tịnh (ít sạch), vô lượng tịnh (sạch vô cùng) là do khi tu Thiền tâm có tạp nhiễm (xen lẫn các vọng tưởng) hay hoàn toàn thanh tịnh. Như ngọn đèn được thắp với dầu cặn, bấc dơ, bình dầu và bóng dơ thì không sáng bằng ngọn đèn được thắp với dầu trong, bấc sạch, bình dầu và bóng đều sạch sẽ.

Khi nghe Tôn giả A Na Luật giảng cho thợ mộc Ngũ phần, Tôn giả Abhiya Kaccàna (Ca Chiên Diên) bình phẩm: Bộ ông đã lên các cõi trời ấy rồi chắc (6). Tôn giả A Na Luật cho biết từ lâu Ngài đã cộng trú với chư thiên ấy. Tôn giả Ca Chiên Diên chúc mừng thợ mộc đã được nghe pháp từ Tôn giả A Na Luật.

III. Chú Giải

1. Trong kinh số 43 cũng như kinh này, vô lượng tâm giải thoát (appamànà cetovimutti) được giải thích là bốn phạm trú. Vì mỗi phạm trú đều được diễn tả với từ ngữ quảng đại, nên có lẽ Pancakanga đã lầm cho hai thứ giải thoát này đồng nghĩa.

2. MA (Sớ giải Trung Bộ) Vị ấy bao quát một vùng bằng gốc cây, tướng của kasina (biến xứ) mình đang quán, rồi trú tâm trên tướng ấy, biến mãn nó bằng tâm Thiền quảng đại. Cũng cách giải thích này áp dụng cho các trường hợp sau đó.

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) Giáo lý này cốt hiển thị những loại tái sinh khác nhau nhờ đắc đại hành tâm giải thoát.

4. Theo MA (Sớ giải Trung Bộ), không có những cõi trời riêng biệt gọi là cõi có ánh sáng còn ô nhiễm (thiểu quang) và cõi ánh sáng thuần tịnh, mà cả hai đều là những cách phân loại vi tế trong hai cõi trời có ánh sáng hữu hạn (Thiểu quang thiên) và vô hạn (Vô lượng quang thiên). Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng hữu hạn là do đắc nhị Thiền với tướng kasina hữu hạn, tái sinh vào cõi trời Vô lượng quang cũng nhờ đắc nhị Thiền nhưng với tướng kasina đã được khai triển rộng ra. Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng còn ô nhiễm là tái sinh của những người chưa làm chủ được Thiền chứng, chưa thanh lọc nó khỏi các pháp chướng ngại. Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng thuần tịnh là dành cho những người đã có được sự làm chủ và sự thanh lọc nói trên.

5. Ở đây có sự chơi chữ, vì động từ Pali jhàyati có hai nghĩa: Thiền định và đốt cháy; mặc dù Phạn ngữ sanskrit có hai động từ khác nhau; kshàyati là đốt cháy, dhyàyati là Thiền định.

6. Những lời lẽ của Abhiya khiếm nhã vì đi sâu vào kinh nghiệm riêng tư của A Na Luật. MA (Sớ giải Trung Bộ) nói trong khi viên mãn các pháp tu Ba la mật vào các đời quá khứ, Ngài đã xuất gia làm Sa môn, đắc các Thiền chứng và đã trải qua ba trăm kiếp liên tục sinh vào cõi Phạm thiên. Do đó mà Ngài trả lời như vậy.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Thợ mộc tên Ngũ Phần

Hỏi Ngài A Na Luật

Về những chỗ khác nhau

Giữa Ðại hành, Vô lượng

Quán Từ bi hỷ xả

Trải tâm có giới hạn

Từ phạm vi gốc cây

Cho đến một làng, nước

Rồi biến mãn dần ra

Gọi là tâm đại hành.

Còn loại tâm vô lượng

Là biến mãn từ, bi

Khắp mười phương thế giới

Ðến tất cả muôn loài

Vô biên không sân hận.

Do trong khi tu Thiền

Trải tâm có giới hạn

Hoặc trải rộng vô biên

Mà kết quả tái sinh

Cõi trời cũng bốn hạng

Thiểu quang, Vô lượng quang.

Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh.

Ðại hành tâm tái sinh

Vào chư thiên ít sáng

Vô lượng tâm tái sinh

Vào vô lượng quang thiên.

Tâm Thiền còn tạp nhiễm

Sinh vào trời Thiểu tịnh

Tâm Thiền không tạp nhiễm

Sinh Biến tịnh, Vô lượng

Quang và sắc khác nhau

Mỗi vị trời một vẻ.

Khi chư thiên nhóm họp

Sắc khác, sáng hòa chan

Giống như ở trong phòng

Ngàn bóng đèn dầu đốt

Thì ánh sáng chỉ một

Dù mỗi ngọn khác nhau.

Khi chư thiên giải tán

Thì quang, sắc muôn vẻ

Như giữa trời đêm thâu

Mỗi người cầm đèn dầu.

Tái sinh cõi Thiểu tịnh

Do Thiền tâm tạp nhiễm

(lẫn trạo hối hôn trầm).

Vào cõi vô lượng tịnh

Do Thiền tâm thuần khiết.

Ví như ngọn đèn dầu

Ðược thắp với dầu cặn

Bình, bóng, bấc đều dơ,

Thì ngọn đèn ít sáng.

Tôn giả Abhiya (Kaccàna):

Nghe Ngài nói như vậy

Chắc đã từng lên trời?

Tôn giả A Na Luật:

Quả thế tôi từ lâu

Cộng trú với chư thiên.

Tôn giả Ca Chiên Diên

Vui thay cho thợ mộc

Ðã được nghe việc này.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 128: Tùy Phiền Não (Upakkilesa)

I. Toát Yếu

Imperfections.

The Buddha discusses the various impediments to meditative progress he encountered during his quest for enlightenment, with particular reference to the divine eye.

Những Ô Nhiễm.

Phật bàn về các chướng ngại trong quá trình tu Thiền của Ngài để đạt giác ngộ, đặc biệt đề cập về thiên nhãn.

II. Tóm Tắt

Chúng Tỳ kheo ở Kosambì (Câu Diệm Bì) chia phe đấu tranh cãi cọ (1), Phật can không được, Ngài nói bài kệ dài (2) rồi du hành đến thăm Tôn giả Bhagu, thuyết pháp khích lệ, và đến trú xứ các Tôn giả A Na Luật. Tại đấy có ba vị đang cư trú (3). Phật hỏi thăm sự sống và đường lối tu hành của họ.

Tôn giả A Na Luật trình bày cách sống hòa hợp của họ là mỗi người đều bỏ tâm mình mà sống bằng tâm người khác, tự giác giữ gìn trật tự nếp sống chung, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần tu Thiền (4), thấy ánh sáng và các sắc hiện ra, nhưng quang và sắc ấy chỉ hiện một lúc rồi tan biến. Ngài thỉnh vấn Phật về tình trạng ấy.

Phật dạy Tôn giả cần phải tìm nguyên nhân tại sao mà ra như thế (5). Lúc còn là Bồ tát đang tu Thiền Ngài cũng gặp như vậy, và truy tìm những nguyên nhân làm định tướng (quang và sắc) biến mất là do tâm có khởi lên 11 tùy phiền não: nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, sợ hãi, phấn chấn (như một người tìm lối vào kho tàng bí mật, bỗng dưng gặp được năm lối vào, thì sẽ khởi lên sự phấn chấn) dâm ý, tinh cần quá độ, thiếu tinh cần, ái dục (6), sai biệt tưởng (7), và quá chú tâm vào sắc pháp (8). Mỗi khi nhận diện được các tùy phiền não (9) ấy, Ngài đoạn trừ chúng. Và khi chúng đã được đoạn trừ, Ngài tu tập ba cách (10): định có tầm tứ, định chỉ có tứ, và định không tầm tứ; định có hỷ, không hỷ, định câu hữu lạc, câu hữu xả (11). Và khi tu tập như vậy, Ngài biết đã đạt giải thoát bất động, đây là đời sống cuối cùng, sau đời sống này không còn đời nào khác (12).

III. Chú Giải

1. Kinh này mở đầu giống kinh số 48.

2. Bài kệ này theo gần trọn bản dịch của HT MC. Ðoạn 3, 4, 5 của bài kệ xuất hiện trong Pháp cú 3, 5, 6. Ba bài kệ cuối có trong Pháp cú 328-330.

3. Những đoạn kinh này gần giống với kinh 31. Nhưng rõ ràng kinh này được nói sớm hơn, vì trong kinh 31 cả ba vị Tỳ kheo đều đã đắc quả A la hán, trong khi ở kinh này, họ chỉ đang nỗ lực tu hành để chứng quả.

4. Từ điểm này trở đi kinh bắt đầu khác với kinh 31. MA (Sớ giải Trung Bộ) giải thích obhàsa ánh sáng hay quang sắc, là ánh sáng phát sinh lúc đắc Thiền, và thêm rằng người chứng Thiền thứ tư khai triển kasina ánh sáng làm chuẩn bị để đắc thiên nhãn. Sự thấy sắc là thấy các hình dạng với thiên nhãn. Về sau Phật đã công bố Tôn giả là bậc đệ nhất về thiên nhãn.

5. Nimittam pativijjhitabham, nghĩa là ngươi nên đi sâu vào tướng ấỵ

6. Xem kinh 52.

7. MA (Sớ giải Trung Bộ) Trong khi ta tác ý một tướng duy nhất, ta khởi lên mong ước rằng ta nên tác ý nhiều tướng khác nhau. Rồi khi thì ta tác ý cõi trời, khi lại tác ý cõi người. Vì tác ý đến các loại tướng khác nhau như vậy mà sai biệt tưởng khởi lên trong ta.

8. Atinijjhàyitattam rùpànam. MA (Sớ giải Trung Bộ) Khi sai biệt tưởng khởi lên, ta nghĩ mình sẽ tác ý một loại sắc duy nhất, dù dễ chịu hay khó chịu. Khi làm thế, Thiền quán ráo riết về sắc khởi lên trong ta.

9. Cittassa upakkileso. Cấu uế của tâm. Cũng danh từ này được dùng trong kinh số 7, mặc dù ở đây nó không có nghĩa là nhiễm ô do phiền não mà là những khiếm khuyết trong sự tu tập định. Do đó từ ngữ này được dịch là tùy phiền não thay vì dịch là cấu uế như kinh 7.

10. Ba đường lối có lẽ là ba loại định đầu tiên đề cập trong đoạn kế tiếp, mà Trường bộ 33 cũng đề cập kể như một bộ ba. Ðầu tiên là sơ Thiền, thứ ba là ba Thiền sau trong hệ thống bốn Thiền. Loại định thứ hai không có chỗ đứng trong bốn Thiền, nhưng được gọi là Thiền thứ hai trong hệ thống năm Thiền được nói trong tạng Luận. Thiền thứ hai trong năm Thiền được chứng bởi những người không thể vượt qua tầm tứ cùng một lúc mà phải tuần tự diệt tầm rồi diệt tứ.

11. MA (Sớ giải Trung Bộ) Ðịnh có hỷ là hai Thiền thấp; không hỷ là hai Thiền cao; câu hữu với lạc là ba Thiền đầu, câu hữu với xả là Thiền thứ tư.

12. Theo MA (Sớ giải Trung Bộ), Phật khai triển các Thiền chứng này vào canh cuối của đêm Ngài chứng đạo trong khi ngồi dưới cội Bồ đề.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Ðại chúng Câu Diệm Bì

Kịch liệt đả kích nhau

Không nghe Phật can gián

Ngài nói kệ như sau:

Giữa quần chúng la ó

Không ai nghĩ mình ngu

Giữa Tăng chúng phân ly

Có ai nghĩ hướng thượng.

Thất niệm kẻ trí nói

Ba hoa trăm thứ chuyện

Há miệng nói thả dàn

Dẫn đến đâu, ai biết?

Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Ai ôm oán niệm ấy

Hận thù không thể nguôi.

Nó mắng tôi đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Không ôm oán niệm ấy

Hận thù sẽ tự nguôi.

Hận thù diệt hận thù

Không đời nào diệt được

Từ bi diệt hận thù

Là định luật ngàn thu.

Người khác không hiểu biết

Rồi ta sẽ hoại diệt

Những ai hiểu điều này

Nhờ vậy tranh chấp tiêu.

Kẻ chủ xướng hại mạng

Cướp bò ngựa tài sản

Kẻ cướp đoạt quốc độ

Chúng còn biết đoàn kết

Sao các ông không vậy?

Nếu được bạn hiền trí

Ðồng hành khéo ở chung

Thì vượt mọi nguy nan

Cùng sống vui chánh niệm.

Nếu không bạn hiền trí

Như vua bỏ quốc độ

Ðể độc hành độc bộ

Như voi trú rừng sâu.

Thà một mình mình sống

Không làm bạn kẻ ngu.

Ðộc hành không ác hạnh

Thoải mái như voi rừng.

Ngài bỏ đi du hành

Thăm Tôn giả Bhagu,

Thuyết pháp khích lệ ông

Rồi đến nơi trú xứ

Tôn giả A Na Luật

Nan Đề, Kim Tỳ La

Ba người đang cộng trú

Phật hỏi thăm sinh hoạt

A Na Luật trình bày

Sự sống chung hòa hợp

Mỗi người bỏ ý riêng

Sống bằng tâm kẻ khác

Tự giác trật tự chung

Tinh cần không phóng dật

Nhiệt tâm tu Thiền định.

Họ đã thấy ánh sáng

Và các sắc hiện ra

Nhưng rồi tan biến mất.

Phật dạy A Na Luật

Cần phải tìm nguyên nhân

Tại sao định tướng mất.

Xưa kia còn đang tu

Ngài cũng gặp như vậy

Và truy tìm nguyên nhân

Thấy do tùy phiền não:

Nghi hoặc, không tác ý

Hôn trầm và sợ hãi,

Hoặc đâm ra phấn chấn

Như kẻ được hũ vàng.

Hoặc là do dâm ý,

Tinh cần thiếu hay thừa

Ái dục, sai biệt tưởng

Quá chú vào sắc pháp.

Khi thấy các pháp này

Chướng ngại cho Thiền chứng

Ngài liền gột trừ chúng

Và tu tập ba cách

Ðịnh có tầm có tứ

Ðịnh không tầm có tứ

Và định không tứ tầm

Hoặc có hỷ, không hỷ

Ðịnh câu hữu lạc, xả

Khi tu tập như vậy

Ngài đạt đến Bất động

Biết đây đời sống cuối

Không còn phải tái sinh.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 129: Hiền Ngu (Bàlapanditasuttam)

I. Toát Yếu

Fools and Wise Men.

The sufferings of hell and animal life onto which a fool is reborn through his evil deeds, and the pleasures of heaven that a wise man reaps through his good deeds.

Kẻ Ngu Và Người Trí.

Những thống khổ của cõi Địa ngục và Súc sanh mà do ác nghiệp, kẻ ngu tái sinh vào, và những thiên lạc mà người trí gặt hái do thiện hành.

II. Tóm Tắt

Phật dạy chúng Tỳ kheo về kẻ ngu và người trí.

A. Người ngu:

Có ba đặc điểm là nghĩ ác, nói ác và làm ác; cảm thọ ba loại khổ trong hiện tại khi nghe ai nói động đến việc ác mình có làm, khi thấy kẻ có tội như mình bị trừng phạt bằng các cực hình (1), và khi nằm ngồi thường bị ám ảnh bởi tội lỗi đã làm, như xế chiều bóng núi đổ trên mặt đất. Khi chết người ngu tái sinh vào cõi dữ như Địa ngục chịu khổ hơn cả người mỗi ngày bị đâm ba trăm mũi giáo (2), hoặc vào các loài Bàng sinh ăn bẩn, sinh ra và chết nơi u tối ẩm thấp tùy theo nghiệp ác đã làm. Trả hết nghiệp được làm người thì bị sinh vào gia đình hèn hạ, lại làm ác và phải đọa như trước. Ðược làm người là một cơ may hiếm có như rùa mù chui cổ vào một tấm ván có lỗ trôi lênh đênh trên biển. Như người thua canh bạc đầu tiên phải bán cả gia sản vợ con là một sự mất mát lớn, nhưng còn vô vàn lớn hơn thế nữa là sự mất mát của kẻ ngu làm ác bị đọa. Ðây là chu kỳ trọn vẹn của kẻ ngu (3).

B. Người trí:

Ðặc điểm của người trí là nghĩ lành, nói lành và làm lành; hiện tại cảm thọ và sự vui là lúc nghe bàn tán sự từ bỏ các ác hành và tự xét mình không làm ác (4); lúc thấy kẻ ác bị trừng phạt do ác hành và tự xét mình không có như vậy; và lúc nghỉ ngơi tự xét đã không làm điều quấy nên được an ổn. Khi chết tái sinh vào cõi trời hưởng thiên lạc thù thắng hơn vua chuyển luân (5) với bảy báu (xe, voi, ngựa, Cư sĩ, nữ báu, tướng quân và châu báu) và bốn đức (đẹp, sống lâu, khỏe mạnh, được dân chúng yêu mến). Sau một thời gian dài hưởng thiên lạc, nếu lại sinh làm người thì vào nhà quyền quý cao sang. Như kẻ đánh bạc thắng canh bạc đầu tiên được rất nhiều tài sản, lợi lạc của người trí làm ba thiện hành còn vạn lần lớn hơn. Ðây là chu kỳ trọn vẹn của người trí (6).

III. Chú Giải

1. Như kinh số 13.

2. Ẩn dụ sau đây được giải thích trong kinh Tương ưng 12 để hiển thị sự ăn bằng thức (thức thực).

3. MA (Sớ giải Trung Bộ) Nghĩa là, kẻ ngu do làm ba ác hành mà tái sinh vào Địa ngục. Do quả báo của nghiệp Địa ngục còn sót lại, nên khi được trở lại làm người thì sinh vào gia đình hèn hạ, rồi lại làm ba ác hành và lại đọa Địa ngục.

4. Mặc dù trong nguyên bản Pali không có chữ na ở đầu, ở đây cần thêm na mới có nghĩa muốn nói, như trong các mệnh đề tương đương ở đoạn sau.

5. Xem kinh 91. Huyền thoại về Chuyển luân vương được bàn rộng rãi trong kinh Trường bộ 17 và 26.

6. MA (Sớ giải Trung Bộ) Nghĩa là, người trí nhờ làm ba thiện hành mà được sinh lên trời. Khi trở lại nhân gian, họ sinh vào nhà lành, có tài sản và sắc đẹp. Họ lại làm ba thiện hành và lại sinh lên trời. Cần để ý rằng sự hoàn thiện của người trí ở đây hoàn toàn thuộc thế gian, không nói gì đến những giai đoạn thù thắng hơn trên con đường đưa đến giải thoát.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy chúng Tỳ kheo

Về kẻ ngu, người trí

Ba đặc điểm kẻ ngu

Là nghĩ, nói, làm ác.

Hiện tại có ba khổ:

Khi nghe chuyện liên hệ

Những việc ác mình làm

Khi thấy kẻ như mình

Bị phạt bằng cực hình

Khi tâm tư bị ám

Bởi tội lỗi đã làm

Như xế chiều bóng núi.

Chết tái sinh cõi dữ

Ðọa Địa ngục, Bàng sinh

Theo nghiệp trước kia tạo.

Ðã đọa vào cõi ấy

Thì khó lại làm người

Rùa mù gặp lỗ ván

Trôi nổi giữa biển khơi

Ðến khi được làm người

Tái sinh nhà hèn hạ

Lại làm ác, lại đọa.

Tình trạng thảm thê hơn

Kẻ thua canh bạc lớn

Ðấy bức tranh toàn vẹn

Hoàn cảnh của kẻ ngu.

Người trí có đặc điểm

Nghĩ nói làm điều lành

Hiện tại có ba vui:

Khi nghe chuyện liên hệ

Các ác mình đã bỏ;

Thấy kẻ bị trừng phạt

Do ác hành đã làm

Tự xét mình không vậy;

Và do không làm quấy

Tâm tư luôn an vui

Chết sinh vào cõi trời

Hưởng thiên lạc thù thắng

Hơn cả chuyển luân vương

Với bảy báu bốn đức

Sau một thời gian dài

Hưởng thụ các thiên lạc

Nếu trở lại làm người

Sinh vào nhà quyền quý

Lợi lạc của kẻ trí

Thật vô vàn lớn hơn

Ðánh thắng canh bạc lớn.

Ðấy bức tranh toàn vẹn

Hoàn cảnh của người hiền.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 130: Thiên Sứ

I. Toát Yếu

The Divine Messengers.

The Buddha describes the sufferings of hell that await the evil-doer after death.

Sứ Giả Thiêng Liêng.

Phật mô tả những nổi khổ ở Địa ngục đang chờ đợi kẻ làm ác sau khi chết.

II. Tóm Tắt

Phật dạy chúng Tỳ kheo rằng với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ngài thấy chúng sinh chết và tái sinh tùy theo nghiệp lành dữ. Những hữu tình thành tựu thiện hành về thân, lời, ý, có chính kiến, không phỉ báng các bậc Thánh, chết tái sinh vào cõi tốt lành như cõi người cõi trời.

Ngược lại những hữu tình thành tựu ba loại ác hành về thân, lời, ý, có tà kiến, thường phỉ báng các bậc Thánh, chết tái sinh vào những cõi xấu ác như Ngạ quỷ, Bàng sinh, Địa ngục. Tại đây Yama (1) cho họ biết có năm thiên sứ (2) (sứ giả nhà trời) thường hiện ra giữa loài người là trẻ sơ sinh, người già, người bệnh, kẻ có tội bị trừng phạt, và xác chết; nhưng vì ham vui họ đã không ý thức rằng mình cũng bị chi phối bởi sinh, già, bệnh, chết, và có thể phạm tội ác, để lo làm các thiện hành về thân, khẩu, ý. Vì đã sống buông thả không lánh dữ làm lành nên giờ đây họ phải chịu hậu quả ác nghiệp do chính họ làm, không phải do ai khác. Sau khi bị Diêm vương thẩm vấn, họ bị các người canh giữ tra tấn bằng những cực hình làm họ đau đớn khốc liệt rồi lại bị quăng vào Ðại Địa ngục (3) toàn bằng sắt nóng, Địa ngục Phấn nị, Địa ngục Than hừng, Địa ngục Rừng gai, Địa ngục Rừng lá gươm, Địa ngục Sông vôi. Tại đấy khi đói, họ phải ăn hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Dù đau đớn khốc liệt, họ vẫn phải chết đi sống lại để chịu khổ và chỉ mạng chung khi ác nghiệp đã tiêu trừ. Phật dạy điều này chỉ có Ngài thấy biết, không nghe từ ai khác. Và Ngài kết thúc bằng một bài kệ nói mặc dù đã được thiên sứ báo động, kẻ ngu vẫn sống buông thả và phải chịu đau khổ dài lâu, còn bậc trí thấy vậy không bao giờ phóng dật, siêng tu diệu pháp, giải thoát khỏi chấp thủ và nhờ vậy chấm dứt sinh tử về sau, hiện tại được an lạc.

III. Chú Giải

1. Yama là thần chết. MA (Sớ giải Trung Bộ) nói ông ta là chúa tể của loài ma sở hữu một cung trời. Khi thì ông sống trên cung trời hưởng thọ thiên lạc, khi thì ông thọ quả báo của nghiệp; ông ta là một ông vua công chính. MA (Sớ giải Trung Bộ) thêm rằng kỳ thực có đến bốn Yamas, mỗi ông trấn một trong bốn cổng (Địa ngục?).

2. Theo thần thoại Phật giáo, ba thiên sứ là người già, người bệnh, và xác chết, xuất hiện trước đức Bồ tát trong khi Ngài đang sống trong hoàng cung, khiến Ngài đâm chán, muốn xa lìa cuộc sống thế tục và đánh thức trong Ngài ước muốn tìm giải thoát. Xem Tăng chi 3, để thấy cái cốt lõi tâm lý mà có lẽ từ đó câu chuyện đã được triển khai.

3. Sự mô tả Địa ngục ở đây cũng được tìm thấy trong kinh 129.

4. Bắt đầu từ chỗ này trong Kệ tụng dưới đây, chép nguyên văn lời kệ do Hòa thượng Minh Châu dịch.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Với thiên nhãn thanh tịnh

Phật thấy các hữu tình

Chết rồi lại tái sinh

Tùy theo nghiệp lành dữ.

Ai thành tựu thiện hành

Về thân, lời và ý,

Làm việc theo chính kiến

Không phỉ báng bậc Thánh

Chết tái sinh cõi lành

Làm người, sinh thiên giới.

Ngược lại những hữu tình

Thành tựu ba ác hành

Về thân, lời, và ý

Lại thêm có tà kiến

Phỉ báng các bậc Thánh

Chết sinh làm Ngạ quỷ

Vào Bàng sinh, Địa ngục.

Diêm vương tra vấn họ

Về thiên sứ hiện ra:

Trẻ sơ sinh, người già

Người bệnh và xác chết

Phạm tội bị cực hình

Sao không biết chính mình

Sẽ lâm vào cảnh ấy

Ðể phát tâm tu hành

Vẫn buông lung thói ác?

Giờ đây ngươi phải chịu

Hậu quả của ác nghiệp

Do chính ngươi đã làm

Không phải do ai khác.

Diêm vương thẩm vấn xong

Người canh giữ Địa ngục

Tra tấn kẻ làm ác

Những cực hình khốc liệt

Quăng vào Ðại Địa ngục

Làm toàn bằng sắt nóng

Rồi Địa ngục Phấn nị

Ðến Địa ngục Than hừng

Qua Địa ngục Rừng gai

Ðịa ngục Rừng lá gươm

Và Địa ngục Sông vôi

Ðói ăn hoàn sắt nóng

Khát uống nước đồng sôi

Dù đau đớn dữ dội

Ðến chết đi sống lại

Sinh mạng vẫn kéo dài

Bao lâu chưa tiêu nghiệp

Ðiều này Phật thấy biết,

Không nghe từ một ai.

Ðối với bậc hiền trí

Ðược thiên sứ báo động (4)

Không bao giờ phóng dật

Trong diệu pháp bậc Thánh.

Thấy sợ trong chấp thủ

Trong hiện hữu sinh tử

Ðược giải thoát chấp thủ

Sinh tử được đoạn trừ

Ðược yên ổn khoái lạc

Ngay hiện tại tịch tịnh

Hết oán hận sợ hãi

Thoát đau đớn khổ sầu.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 131: Kinh Nhất Dạ Hiền Giả

(Bhaddekarattasuttam)

I. Toát Yếu

Bhaddekaratta Sutta (One Fortunate Attachment); A Nandabhaddekaratta Sutta (A Nanda and One Fortunate Attachment); Mahakaccanabhaddekaratta Sutta (Maha Kaccana and One Fortunate Attachment); Lomasakangiyabhaddekaratta Sutta (Lomasa - kangiya and One Fortunate Attachment): the above four suttas all revolve around a stanza spoken by the Buddha emphasising the need for present effort in developing insight into things as they are.

(Kinh Nhất Dạ Hiền Giả; A Nan và kinh Nhất Dạ Hiền; Ðại Ca Chiên Diên và kinh Nhất Dạ Hiền; Lomasakangiya và kinh Nhất Dạ Hiền: Cả bốn kinh này đều xoay quanh một bài kệ Phật thuyết, nhấn mạnh nhu yếu nỗ lực ngay trong hiện tại để phát triển tuệ quán đi sâu vào các pháp hiện tại như chúng đang là.)

II. Tóm Tắt

Phật dạy một bài kệ rồi sau đó giảng rộng ý nghĩa. Bài kệ đại ý dạy đừng truy tìm quá khứ (1), ước vọng tương lai, vì quá khứ đã chấm dứt, tương lai chưa đến. Ðối với các pháp hiện tại (2), hãy quán sát với Trí tuệ (3) để không bị lay chuyển (4). Phải nhiệt tâm tu hành tuệ quán như vậy ngay hôm nay, vì không thể biết ngày mai sẽ thế nào. Sự chết không hẹn trước, không thể điều đình với nó. Người nào luôn luôn an trú trong tuệ quán này với nhiệt tâm không mỏi mệt, kẻ ấy xứng đáng được gọi là bậc Nhất Dạ Hiền (5).

Rồi Phật giảng rộng như sau. Truy tìm quá khứ là nhớ miên man về sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình với sự hân hoan. Không truy tìm là nghĩ trong quá khứ ta có sắc thọ tưởng hành thức như vậy, nhưng không có hân hoan (6). Ước vọng tương lai là nghĩ đến năm uẩn của mình với tâm hân hoan. Không ước vọng tương lai là nghĩ như trên nhưng không có hân hoan. Bị lôi cuốn (7) trong các pháp hiện tại là khi phàm phu không tu học Thánh pháp, xem sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc trong tự ngã, hoặc xem tự ngã ở trong sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng xem như vậy (gọi là mười hai thân kiến). Không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại là khi vị Thánh đệ tử đa văn nhờ có tu tập Thánh pháp nên đối với năm uẩn thân tâm này, không xem là tự ngã.

III. Chú Giải

1. Năm uẩn (tức bản thân) trong quá khứ.

2. Năm uẩn trong hiện tại.

3. Vipassati, thấy bằng Trí tuệ, tuệ quán, nghĩa là thấy rõ ba đặc tính vô thường khổ vô ngã.

4. Không bị lay chuyển trước vui khổ do ngã chấp.

5. Bhaddekaratta, từ này rất khó hiểu, được Hòa thượng Minh Châu dịch theo danh từ là Nhất Dạ Hiền. Theo MA, chỉ cho sự thành tựu tuệ quán (chú thích của Hòa thượng Minh Châu). Theo Nanamoli, chỉ một vị yêu thích hạnh độc cư, và độc cư đây có nghĩa là tâm độc cư chuyên nhất, không ở với một pháp thứ hai. Theo Bodhi, là người có một sự bám víu tốt lành, là bám sát hạnh sống một mình, tâm không ở chung với pháp nào khác. Hoặc (theo Bodhi) chỉ là cái tên mà Phật đặt cho pháp tu Thiền quán do Ngài giảng dạy.

6. Hân hoan vui thích là chứng tỏ còn tham.

7. Bị lôi cuốn vào các pháp (tự ngã) hiện tại, do tham ái và tà kiến.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy bài kệ sau:

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận

Tương lai lại chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không lay chuyển

Biết vậy, nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Ðêm ngày không mỏi mệt,

Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,

Bậc an tịnh trầm lặng.

Nói xong bài kệ trên

Ngài giải thích ý nghĩa:

Truy tìm về quá khứ

Là nghĩ với hân hoan:

Như vậy, sắc của ta

Trong thời gian đã qua.

Thọ, tưởng, hành, thức ta

Ðã từng là như vậy.

Không truy tìm quá khứ

Là khi nghĩ như trên

Mà trong tâm bình thản

Không thích thú hân hoan.

Ước vọng về tương lai

Là ước gì mai sau

Năm uẩn ta như vậy

Và khởi lên hân hoan.

Phàm phu bị lôi cuốn

Trong các pháp hiện tại

Vì không tu Thánh pháp

Xem sắc là tự ngã,

Hoặc tự ngã có sắc,

Hoặc sắc trong tự ngã,

Hoặc ngã ở trong sắc

Với thọ, tưởng, hành, thức

Cũng đều xem như vậy

Cộng hai mươi thân kiến.

Thánh đệ tử đa văn

Nhờ học pháp Thánh nhân

Không xem là tự ngã

Năm uẩn thân tâm này.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 132: A Nan Nhất Dạ Hiền Giả

I. Toát Yếu

(Tóm tắt và chú giải cũng như trên)

II. Tóm Tắt

III. Chú Giải

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Kinh này giống kinh trên

Do A Nan trùng tuyên

Cho Tỳ kheo Tăng chúng

Những gì Phật đã dạy.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 133: Ðại Ca Chiên Diên Nhất Dạ Hiền Giả

I. Toát Yếu

II. Tóm Tắt

Như kinh 131.

III. Chú Giải

Trong hai kinh trước 131, 132 và kinh tiếp theo kinh này, 134, Phật dựa trên năm uẩn để phân tích, nhưng kinh này Phật cốt đưa ra sáu nội ngoại xứ. Hiểu tôn ý của Phật, Tôn giả Ca Chiên Diên đã giảng rộng theo chiều hướng ấy.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tôn giả Xa Mi Đi

Ðược một vị thiên nhân

Khuyên thọ trì bài kệ

Về kinh Nhất Dạ Hiền.

Ông liền đến bên Phật

Xin đọc bài kệ trên

Ðược Thế Tôn đọc lên

Ca Chiên Diên giảng rộng.

Thay vì nói năm uẩn

Ngài giảng căn trần thức

Cộng thành mười tám xứ:

Khi căn trần tiếp xúc

Mà thức không bị trói

Bởi sợi dây tham ái

Thì không khởi hân hoan

Không truy tìm quá khứ

Không ước vọng tương lai

Cũng không bị cuốn lôi

Vào các pháp hiện tại.

Tôn giả Ca Chiên Diên

Ðã khai triển như vậy

Và Ngài được Phật khen

Là bậc đại trí hiền.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 134: Nhất Dạ Hiền Giả

(Lomasakangiya)

I. Toát Yếu

II. Tóm Tắt

Như kinh 131.

III. Chú Giải

Theo chú giải Trưởng lão kệ, thì Tôn giả Lomasa vào thời Phật Ca Diếp đã xuất gia làm Tỳ kheo. Sau khi nghe Phật Ca Diếp dạy kinh Bhaddekaratta này, một Tỳ kheo nói về kinh ấy cho Lomasa nhưng Lomasa không hiểu và đã kêu lên: Mong rằng trong đời sau, tôi có thể giảng cho ông về kinh này. Vị Tỳ kheo kia nói: Tôi cũng mong mỏi sẽ hỏi ông về kinh ấy. Do lời nguyện ấy mà trong kiếp này, Lomasa tái sinh vào một gia đình họ Thích Ca ở Ca Tỳ La Vệ, trong khi vị Tỳ kheo kia đã làm một vị trời tên Candana.

Theo Sớ giải, Kinh này được giảng vào lúc đức Thế Tôn thành đạo đã được bảy năm. Khi ấy Ngài đang trải qua ba tháng an cư mùa mưa tại cung trời 33, giảng Abhidhamma cho chư thiên quy tụ lại từ mười ngàn thế giới hệ.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tỳ kheo Lô ma xa

Ðược thiên nhân khuyến khích

Nên thọ trì bài kệ

Về Nhất Dạ Hiền Giả.

Vị trời này được nghe

Phật giảng bài kệ ấy

Tại Tam thập tam thiên:

Quá khứ không truy tầm…

Tương lai lại chưa đến.

Bài Kệ Nhất Dạ Hiền

Liên hệ đến mục đích

Là căn bản Phạm hạnh.

Tôn giả đến bên Phật

Tường thuật hết sự tình

Phật giảng lại kệ này

Ðại cương và chi tiết.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 135: Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Culakammavibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Shorter Exposition of Action.

The Buddha explains how kamma accounts for the fortune and misfortune of beings.

Trình Bày Ngắn Về Nghiệp.

Phật giải thích nghiệp là nhân của may mắn và bất hạnh nơi hữu tình.

II. Tóm Tắt

Thanh niên Subha (1) Todeyya hỏi Phật do nguyên nhân gì, cùng sinh làm người mà không ai giống ai về thọ mạng (2) (người sống lâu kẻ chết yểu); về sức khỏe (người ít bệnh, kẻ nhiều bệnh); về dung sắc (người xấu kẻ đẹp); về uy quyền (người nhiều quyền kẻ ít quyền); về tài sản (người giàu kẻ nghèo); về thế cấp hay dòng dõi (người cao kẻ thấp); về Trí tuệ (người thông minh kẻ ngu đần)… Phật dạy tất cả đều do nghiệp, con người là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp. Chính nghiệp đã phân chia hữu tình ra có hơn kém như vậy. Chết yểu là do nghiệp giết hại sinh vật, không có tâm Từ bi đối với hữu tình. Sống lâu là do từ bỏ giết hại, có tâm Từ bi. Ít bệnh là do không não hại chúng sinh. Nhiều bệnh là do kiếp trước thường não hại chúng sinh. Tướng mạo xinh đẹp là do không phẫn nộ bất mãn. Nhiều uy quyền là do không ganh tị với người được quyền lợi, được tôn kính. Ít uy quyền là do thói ganh tị. Giàu có là do đã bố thí cúng dường. Sinh vào gia đình cao quý là do thường tôn kính người đáng kính. Sinh vào gia đình hèn hạ là do ngạo mạn, không kính người đáng kính. Có Trí tuệ là do thường đến gần các Sa môn để học hỏi. Ngu đần là do không đến gần các Sa môn để học hỏi.

Vậy con người có tình trạng thế nào là do họ đã đi con đường dẫn đến tình trạng ấy. Thanh niên nghe xong xin quy y Tam bảo.

III. Chú Giải

1. Xem kinh 99. Theo sớ giải, thân phụ ông ta là Bà la môn Todeyya do thói hà tiện đã tái sinh làm con chó ngay trong nhà ông. Phật cho Subha biết thế bằng cách khiến con chó moi lên kho tàng mà người cha đã chôn giấu lúc sinh tiền. Việc ấy đã làm Subha khởi tín tâm, thúc đẩy ông đến thỉnh vấn Phật về sự vận hành của nghiệp.

2. Nếu nghiệp giết hại quyết định cách tái sinh, thì nó sẽ dẫn đến tái sinh vào một đọa xứ. Nhưng nếu nhờ một thiện nghiệp mà được sinh làm người (và được làm người luôn là hậu quả của nghiệp lành), thì nghiệp giết hại sẽ khiến người này gặp nhiều nghịch cảnh đưa đến sự chết yểu.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Một thanh niên ngoại đạo

Ðến Tinh xá Kỳ viên

Hỏi Phật nguyên nhân gì

Người chẳng ai giống ai

Về thọ mạng, sức khỏe

Về dung sắc, quyền uy

Về tài sản, giai cấp

Cũng như về Trí tuệ?

Phật dạy các hữu tình

Là chủ nhân của nghiệp

Là thừa tự của nghiệp.

Nghiệp phân chia hữu tình:

Chết yểu do giết hại

Không có tâm Từ bi

Sống lâu do tâm từ

Và không ưa giết hại

Không não hại chúng sinh

Là nguyên nhân ít bệnh.

Thường não hại chúng sinh

Ðưa đến nhiều bệnh tật.

Người tướng mạo xinh đẹp

Do không hận không sân

Người tướng mạo xấu xí

Là do nhiều phẫn nộ

Nguyên nhân có uy quyền

Là không lòng ganh tị

Với người đáng tôn kính

Ít uy quyền là do

Cái thói ưa ganh tị.

Giàu có do bố thí

Nghèo do không cúng dường

Sinh dòng họ cao quý

Do kính người đáng kính

Vào gia đình hèn hạ

Do ngạo mạn kiêu căng

Làm người có Trí tuệ

Do thường gần bậc trí

Ðể học hỏi nghĩa lý

Làm người mà ngu đần

Là do không học hỏi

Thân cận các Sa môn.

Hiện tại như thế nào

Ðều do trong quá khứ

Ðã đi trên con đường

Dẫn đến tình trạng ấy.

Khi nghe Phật dạy xong

Thanh niên Tô-đây-gia

Xin quy y đức Phật,

Pháp và Tỳ kheo tăng.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 136: Ðại Nghiệp Phân Biệt (Mahakammavibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Greater Exposition of Action.

The Buddha reveals subtle complexities in the workings of kamma that overturn simplistic dogmas and sweeping generalizations.

Trình Bày Rộng Rãi Hơn Về Nghiệp.

Phật hiển thị những điều vi tế trong vận hành của nghiệp, làm đảo lộn những lập thuyết ngây ngô và quy nạp bừa bãi.

II. Tóm Tắt

Du sĩ ngoại đạo Potaliputta đi đến Tôn giả Samiddhi kể rằng chính ông đã được nghe Phật dạy nghiệp thân, khẩu là giả, chỉ có ý nghiệp mới thật; và có một loại Thiền định nếu tu thành tựu thì sẽ không còn cảm giác gì nữa (1). Tôn giả nói Phật không bao giờ dạy như vậy, đừng phỉ báng Ngài. Du sĩ khen Tôn giả mới tu ba năm mà đã biết bảo vệ Thầy mình, và hỏi tiếp: Khi cố ý làm ba nghiệp thân khẩu ý, thì sẽ có cảm giác gì? Samiddhi trả lời là sẽ có cảm giác đau khổ. Du sĩ bỏ đi không ý kiến. Sau đó Tôn giả đến yết kiến Phật trình bày mọi sự.

Phật dạy, Ta chưa từng gặp Potali thì do đâu có chuyện ấy. Và Ngài chê Samiddhi là kẻ ngu đã trả lời một chiều trước một vấn đề cần được phân tích. Khi ấy Tôn giả Udàyi thưa: Có lẽ sư huynh Samiddhi ám chỉ một nguyên lý Ngài đã dạy "Còn cảm giác là còn đau khổ (2).” Phật dạy, câu hỏi của du sĩ cần phải được trả lời rằng nếu cố ý làm một nghiệp (thân, khẩu, ý) có khả năng đem lại đau khổ thì sẽ có cảm giác khổ. Nếu cố ý làm một nghiệp (thân, khẩu, ý) có khả năng đem lại vui thì sẽ có cảm giác vui; và nếu một nghiệp có khả năng đem lại cảm giác không khổ không vui thì kết quả sẽ là cảm giác trung tính.

Rồi Phật dạy về phân biệt đại nghiệp như sau. Trên đời có bốn hạng người:

1. Người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, có tà kiến (đủ mười nghiệp ác), khi chết sinh vào nẻo ác, cõi dữ, Địa ngục.

2. Có người cũng phạm mười tội ác như trên, nhưng chết sinh vào cõi tốt lành như làm người làm trời.

3. Có người từ bỏ mười nghiệp ác nói trên, chết sinh vào cõi lành.

4. Có người cũng từ bỏ mười nghiệp ác, nhưng chết sinh vào cõi dữ, Địa ngục.

Do vậy, có thể công bố rằng chắc chắn có quả báo của thiện nghiệp ác nghiệp, nhưng không thể công bố như sau: Chắc chắn tất cả những người làm 10 ác đều sinh vào cõi dữ, từ bỏ 10 ác đều sinh cõi lành (vì có một số người làm ác chết sinh cõi lành và làm lành chết sinh cõi dữ).

Theo sự phân biệt đại nghiệp của Phật thì làm ác sinh cõi lành là do một nghiệp rất lành từ lâu xa về trước đến thời có kết quả, hoặc do một chính kiến khởi lên trước khi chết, còn làm lành tái sinh cõi dữ là do một ác nghiệp từ rất lâu về trước nay đến thời gặt quả báo, hoặc do lúc gần chết khởi lên một tà kiến. Do vậy, có loại nghiệp không tác dụng mà tợ không, không tác dụng mà tợ như có, và nghiệp có tác dụng tợ có, nghiệp có tác dụng tợ không.

III. Chú Giải

1. Potaliya không đích thân trực tiếp nghe Phật dạy lời này, mà chỉ nghe đồn Phật dạy như thế. Phần đầu câu Potaliya nói nghiệp thân, khẩu là giả, chỉ có ý nghiệp mới thật là một xuyên tạc của lời Phật dạy trong kinh 56 rằng trong ba loại nghiệp, ý nghiệp là đáng trách nhất trong sự hình thành ác nghiệp. Phần sau một loại Thiền định nếu tu thành tựu thì sẽ không còn cảm giác gì xuất phát từ pháp thoại của Phật về định Diệt thọ tưởng trong kinh Trường bộ số 9 nhan đề Potthapàda.

2. Lời này được Phật nói trong kinh Tương ưng số 36, ám chỉ khổ tiềm ẩn trong tất cả hành vì tính vô thường. Mặc dù Phật có dạy như thế thực, nhưng Tôn giả Samiddhi dường như đã hiểu ra rằng điều ấy có nghĩa tất cả cảm thọ đều đau khổ, thì rõ ràng là sai.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Po-ta-li-put-ta

Một du sĩ ngoại đạo

Ðến bảo Sa-mid-dhi

Tỳ kheo đệ tử Phật:

Chính tôi nghe Phật nói

Nghiệp thân, khẩu là giả

Chỉ ý nghiệp là thật;

Và có một loại Thiền

Tu sẽ hết cảm giác.

Tôn giả liền phản bác:

Chớ phỉ báng Thế Tôn

Ngài không dạy như vậy.

Du sĩ khen Tôn giả

Chỉ mới tu ba năm

Ðã biết bảo vệ Thầy.

Rồi ông hỏi Tôn giả:

Cố ý làm ba nghiệp

Sẽ có cảm giác gì?

Tôn giả đáp: khổ thọ.

Du sĩ liền cáo từ

Bỏ đi không ý kiến.

Tôn giả đi đến Phật

Ðể trình bày mọi sự.

- Ta chưa gặp ông ấy

Do đâu có chuyện này?

Và ngươi thật ngu si

Khi trả lời một chiều

Vấn đề cần phân tích:

Cố tâm làm nghĩ nói

Ðiều không vui không khổ

Cảm giác không vui khổ.

Rồi Thế Tôn bàn rộng

Nghiệp quả bốn hạng người:

Hạng suốt đời làm ác

Chết đọa vào cõi dữ.

Hạng suốt đời làm ác

Chết sinh vào cõi lành.

Hạng suốt đời làm lành

Chết sinh lên thiên giới.

Hạng suốt đời làm lành

Chết sinh vào cõi ác.

Sự tình là như vậy,

Nên có thể công bố

Chắc chắn có quả báo

Của nghiệp lành nghiệp dữ;

Nhưng không thể công bố:

Mọi kẻ làm mười ác

Ðều sinh vào cõi dữ,

Ai từ bỏ mười ác

Ðều sinh đến cõi lành.

Theo đại nghiệp phân biệt

Sở dĩ kẻ làm ác

Mà được sinh cõi lành

Là do nghiệp rất lành

Từ lâu xa về trước

Ðến thời có kết quả,

Hoặc do lúc lâm chung

Khởi lên một chánh kiến.

Kẻ suốt đời làm lành

Mà tái sinh cõi dữ

Là do một ác nghiệp

Từ rất lâu về trước

Nay đến thời gặt quả,

Hoặc do lúc gần chết

Khởi lên một tà kiến.

Do vậy, có loại nghiệp

Không tác dụng tợ không,

Không tác dụng tợ có,

Có tác dụng tợ có,

Có tác dụng tợ không.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 137: Phân Biệt Sáu Xứ (Salayatanavibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Exposition of the Sixfold Base.

The Buddha expounds the six internal and external sense bases and other related topics.

Trình Bày Về Sáu Xứ.

Phật giảng giải sáu nội ngoại xứ và các đề tài liên hệ.

II. Tóm Tắt

Phật giảng về 6 căn, 6 trần, 6 thức, 6 xúc, 18 ý hành (1) (6 khổ, 6 ưu, 6 xả), 36 loại hữu tình (18 ý hành liên hệ tại gia, 18 liên hệ xuất gia), ba loại cảm thọ (2), ba niệm của bậc Đạo sư, về Vô thượng điều ngự. Về xả (trong ba cảm thọ), có xả liên hệ tại gia hay xả y cứ đa diện, xả liên hệ xuất ly hay xả y cứ nhất diện. Xả tại gia, y cứ đa diện là xả sắc thanh hương vị xúc, xả này không chinh phục được phiền não và quả dị thục (3). Xả xuất ly, y cứ nhất diện, là xả thuộc Thiền như xả tầm tứ hỷ lạc. Y cứ cái này đoạn tận cái kia có nghĩa là theo hỷ ưu xuất gia, bỏ hỷ ưu tại gia. Bỏ xả đa diện và hỷ nhất diện để có xả nhất diện.

Ba niệm của đấng Đạo sư đối với ba loại hội chúng nghe pháp là, đối với hội chúng có đa số biếng nhác, Ngài không hoan hỷ nhưng vẫn giữ chính niệm không phiền não, với loại hội chúng có một số siêng năng một số biếng nhác thái độ Ngài không hoan hỷ cũng không không hoan hỷ, với hội chúng có đa số siêng năng, Ngài hoan hỷ trong chính niệm.

Trong các vị huấn luyện sư, Phật là đấng Vô thượng điều ngự. Vì trong khi voi, ngựa hay bò được người huấn luyện chỉ chạy theo một trong bốn hướng đông tây nam bắc, thì một Tỳ kheo được Phật huấn luyện đi khắp tám hướng (4), đấy là tám giải thoát: nội có sắc quán ngoại sắc, nội không sắc quán ngoại sắc, chú tâm trên thanh tịnh, hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt thọ tưởng định.

III. Chú Giải

1. Ý hành, (manopavicàra, mental exploration) là tầm và tứ. Người ta tra tầm, xem xét đối tượng do sự sinh khởi của tứ (vicàra).

2. Sau khi thấy sắc với nhãn thức, ta tra tầm nó như một đối tượng, và thế là nhân của vui, hoặc khổ, hoặc không vui không khổ.

3. Xả thanh hương vị xúc… hay xả đa diện không chinh phục được phiền não và quả dị thục nghĩa là khổ hạnh về thân xác không ăn thua gì, vì phiền não (tham sân si) không thể chấm dứt chỉ bằng cách bưng tai nhắm mắt trước thanh sắc trần gian; cũng không tránh khỏi quả dị thục là không thoát khỏi luân hồi sinh tử, khi chỉ tu kềm chế các giác quan mà không có Trí tuệ thấy rõ sự vô ích, trống rỗng của dục vọng.

4. Ðấy là những cảnh giới (đạo, thú) của các loại hữu tình.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy các Tỳ kheo

Cần biết rõ sáu xứ:

Sáu nội xứ là mắt

Tai mũi lưỡi thân ý;

Sáu ngoại xứ là sắc

Thanh hương vị xúc pháp

Sáu thức thân: nhãn thức

Nhĩ thức đến ý thức.

Sáu xúc thân: nhãn xúc

Nhĩ xúc đến ý xúc.

Khi con mắt thấy sắc

Ðến ý nhận thức pháp

Khởi lên hỷ, ưu, xả.

Cộng mười tám ý hành

Có băm sáu hữu tình:

Sáu hỷ thuộc tại gia

Khi mắt tai mũi lưỡi

Nhận được những khoái cảm

Do tiếp xúc đối tượng;

Sáu hỷ thuộc xuất ly

Khi biết với Trí tuệ

Tính vô thường nơi sắc

Thanh hương vị xúc pháp.

Sáu ưu thuộc tại gia:

Lo mắt không thấy được

Các sắc đẹp khả ái;

Tương tự, với tai, mũi

Lưỡi thân và ý thức

Lo không thể tiếp nhận

Những đối tượng đẹp lòng.

Sáu ưu thuộc xuất ly:

Khi biết sắc vô thường

Thanh hương vị xúc pháp

Cả sáu đều vô thường,

Ưu tư mong chứng đạt

Ðến tối thượng giải thoát.

Sáu xả thuộc tại gia

Như phàm phu thấy sắc

Có thể khởi tâm xả

Nhưng không thấy nguy hiểm

Nên không hết não phiền

Không khỏi quả dị thục

Xả thanh hương vị xúc

Nơi phàm phu cũng thế.

Sáu xả thuộc xuất ly

Khi với chánh Trí tuệ

Rõ các pháp vô thường

Ðau khổ và biến hoại

Nên khởi tâm xả bỏ

Ðối với sáu ngoại xứ.

Do y cứ cái này

Mà đoạn tận cái kia:

Theo hỷ ưu xuất ly

Ðoạn hỷ ưu tại gia

Ðoạn cả hỷ xuất ly

Ði đến xả xuất ly

Ðoạn tận xả đa diện

(xả thanh hương vị xúc)

Ði đến xả nhất diện

(xả trong các Thiền chứng)

Có ba loại niệm xứ

Nơi một đấng Đạo sư:

Khi giảng dạy chánh pháp

Vì an lạc hữu tình

Tâm Ngài không nao núng

Trước ba loại hội chúng:

Ða số không lóng tai

Không thực hành diệu pháp;

Có người lóng, kẻ không:

Ðối hai hội chúng này

Như Lai không hoan hỷ

Nhưng tâm không giao động;

Nếu gặp chúng đệ tử

Chăm chỉ lóng tai nghe

Không làm trái chánh pháp

Như Lai rất hoan hỷ

Nhưng chánh niệm tỉnh giác.

Ðấy là ba niệm xứ

Xứng với bậc Đạo sư.

Bậc Vô thượng điều ngự

Giảng dạy tám giải thoát:

Nội có sắc, quán ngoại,

Nội vô sắc quán ngoại,

Chú tâm trên thanh tịnh,

Không vô biên xứ định,

Thức vô biên xứ định,

Vô sở hữu xứ định,

Phi tưởng phi phi tưởng

Và diệt thọ tưởng định.

Tỳ kheo được huấn luyện

Ði khắp tám phương trời.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 138: Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết (Uddesavibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Exposition of a Summary.

The venerable Maha Kaccana elaborates upon a brief saying of the Buddha on the training of consciousness and the overcoming of agitation.

Giảng Rộng Một Lời Dạy Vắn Tắt.

Tôn giả Ðại Ca Chiên Diên triển khai một lời dạy vắn tắt của Phật về sự tu luyện tâm thức để thắng lướt trạo cử giao động.

II. Tóm Tắt

Phật dạy chúng Tỳ kheo một lời vắn tắt: Tỳ kheo cần nhìn như thế nào để đối với ngoại trần tâm không bị tản rộng, đối với nội trần tâm không trú trước, không chấp thủ, không bị khủng bố. Như vậy tương lai sẽ không còn khổ về sanh, già, chết.

Sau khi Ngài bỏ đi vào Tinh xá, chúng Tỳ kheo đến thỉnh cầu Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích ý nghĩa. Và Ngài đã giảng như sau: Khi căn trần thức tiếp xúc, do thức truy cầu tướng bên ngoài nên bị các tướng trói buộc, đấy gọi là bị tán loạn, tản rộng. Nếu căn trần tiếp xúc mà thức không theo đuổi tướng ngoài, thì không bị tán loạn. Ðối với nội trần, nghĩa là các Thiền chứng từ sơ đến tứ Thiền, thức cũng có thể bị trói buộc bởi ly dục ly bất thiện pháp, sanh hỷ lạc ở Thiền thứ nhất, định sanh hỷ lạc ở Thiền thứ hai, bởi xả niệm lạc trú ở Thiền thứ ba và bởi bất khổ bất lạc (xả niệm thanh tịnh) ở Thiền thứ tư. Nếu không bị các Thiền chứng này trói buộc thì gọi là không trú trước nội trần. Chấp thủ, bị khủng bố là khi kẻ vô văn phàm phu do không hiểu Thánh pháp, chấp sắc là tự ngã, tự ngã ở trong sắc, sắc ở trong tự ngã, tự ngã có sắc (với 4 uẩn kia cũng chấp như vậy thành ra có 20 thân kiến). Do chấp như vậy nên khi sắc thọ tưởng hành thức biến hoại, phàm phu lấy làm đau khổ, bị khủng bố. Thánh đệ tử có tu tập thì không chấp thủ như vậy, nên khi sắc biến hoại, thức không bị chuyển theo, các pháp khủng bố khởi lên không kiên trì ám ảnh tâm. Vì tâm không bị ám ảnh nên cũng không sợ hãi hay khao khát. Như vậy là không chấp thủ, không bị khủng bố.

Sau khi chúng Tỳ kheo đến Phật trình bày cách giải thích của Tôn giả, Phật khen Tôn giả Ca Chiên Diên là bậc đại tuệ đã hiểu đúng lời Ngài dạy.

III. Chú Giải

Bài kinh này là cốt tủy của đạo giải thoát gồm ba phương diện: thái độ đối với ngoại giới, với nội tâm, và với năm uẩn làm nên thân tâm. Khi năm giác quan tiếp xúc với ngoại giới, tâm không chạy theo đối tượng; và khi hướng nội đi sâu vào các Thiền chứng từ thứ nhất đến thứ tư, tâm cũng không ham thích. Theo Ngài Huệ Năng, đấy gọi là ngoài Thiền trong định, gọi là Thiền định. Ðối với năm uẩn không chấp đây là ta và của ta, nên khi chết không bám víu tiếc nuối, và vì thế không sợ hãi dù gặp bất cứ cảnh giới nào xảy ra lúc lâm chung; vẫn giữ thái độ của người ngoại cuộc đang quan sát một hiện tượng, không có cái tôi sống chết.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy chúng Tỳ kheo

Một lời dạy vắn tắt:

Hãy quán sát cách nào

Tâm không bị tản rộng

Trong các đối tượng ngoài;

Và đối với nội trần

Không trú trước, chấp thủ,

Tâm không bị khủng bố

Nếu quán được như vậy

Tương lai không còn khổ

Về sanh già bệnh chết.

Tôn giả Ca Chiên Diên

Giải thích rộng ý nghĩa:

Khi con mắt thấy sắc

Thức theo đuổi tướng ngoài

Bị các tướng trói buộc

Là tán loạn, tản rộng.

Nếu căn trần tiếp xúc

Thức không theo đuổi tướng,

Thì không bị tán tâm.

Ðối với các nội trần,

Nghĩa là các Thiền chứng

Từ sơ đến tứ Thiền,

Thức có thể bị trói

Bởi ly sanh hỷ lạc

Khi chứng Thiền thứ nhất,

Hoặc định sanh hỷ lạc

Khi chứng Thiền thứ hai,

Hoặc xả niệm lạc trú

Khi chứng Thiền thứ ba

Và bất khổ bất lạc

(hay xả niệm thanh tịnh)

Khi chứng Thiền thứ tư.

Nếu không bị trói buộc

Bởi các Thiền chứng này

Là không trú nội trần.

Chấp thủ, bị khủng bố

Là khi kẻ phàm phu

Do không hiểu Thánh pháp,

Chấp sắc là tự ngã,

Tự ngã ở trong sắc,

Sắc ở trong tự ngã,

Hoặc tự ngã có sắc

(đối với 4 uẩn kia

cũng đều chấp như vậy

thành hai mươi thân kiến).

Do chấp thủ như vậy

Khi năm uẩn biến hoại,

Phàm phu rất đau khổ

Hoảng sợ, bị khủng bố.

Thánh đệ tử có tu

Không chấp thủ như vậy,

Nên khi sắc biến hoại,

Thức không bị chuyển theo,

Các khủng bố khởi lên

Không kiên trì ám ảnh.

Tâm không bị ám ảnh

Không sợ hãi, khao khát.

Ðấy là không chấp thủ

Nên không bị khủng bố.

Khi nghe lời giải này

Phật khen Ca Chiên Diên

Chính là bậc đại tuệ

Ðã hiểu đúng lời Ngài.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 139: Vô Tránh Phân Biệt (Aranavibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Exposition of Non-Conflict.

The Buddha gives a detailed discourse on things that lead to conflict and things that lead away from conflict.

Trình Bày Về Không Tranh Cãi.

Phật giảng chi tiết về những điều đưa đến tranh cãi và những điều làm lắng dịu tranh chấp.

II. Tóm Tắt

Phật dạy không nên theo dục lạc thấp kém, cũng không nên tự hành xác bằng khổ hạnh, cả hai cực đoan này đều thuộc tà đạo. Con đường trung đạo được Ngài thân chứng đã tác thành Trí tuệ, giác ngộ, Niết bàn, đấy là đạo bát chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định. Nên biết khen chê nhưng không nên khen chê mà chỉ nói pháp.

Ví dụ nói ai đam mê dục lạc là theo tà đạo, sẽ đau khổ, là có chỉ trích một số người; hoặc nói ai không đam mê dục lạc thì không đau khổ, thuộc Thánh đạo, thì có tán thán một số người.

Nếu chỉ nói: Theo đuổi dục lạc hay khổ hạnh, không từ bỏ hữu kết sử là khổ, thuộc tà đạo, không xứng đáng bậc Thánh, (nhưng không đề cập con người), ấy là chỉ thuyết pháp. Biết phân biệt lạc nhưng chỉ chú tâm nội lạc, có nghĩa năm dục thuộc về sắc thanh hương vị xúc gọi là dục lạc, đáng sợ hãi.

Hỷ lạc trong bốn Thiền là ly dục lạc, không đáng sợ. Không nói lời bí mật, lời mếch lòng khi nó không thực, không ích lợi, không đúng thời. Nên nói từ từ, vì nói nhanh thì không rõ ràng, khó nghe; thân tâm và cổ họng bị tổn hại. Không bám vào địa phương ngữ xa với ngôn ngữ thường dùng, vì mỗi địa phương dùng một tiếng khác nhau, không nên chấp đây đúng kia sai.

Tóm lại, dục lạc thuộc tà đạo là pháp hữu tránh (có tranh chấp); lạc nào không dẫn đến đau khổ nhiệt não là pháp vô tránh; khổ hạnh là hữu tránh, trung đạo là vô tránh; khen chê là hữu tránh, chỉ nói Pháp là vô tránh; dục lạc là hữu tránh, ly dục lạc là vô tránh…

Sau khi biết như vậy, Tỳ kheo nên hành trì pháp vô tránh.

III. Chú Giải

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy các Tỳ kheo:

Chớ đam mê dục lạc

Cũng chớ tự hành xác

Cả hai đều thuộc tà.

Trung đạo Ngài thân chứng

Ðã tác thành Trí tuệ

Giác ngộ và Niết bàn

Tức là đạo bát chánh.

Biết tán thán chỉ trích

Nhưng không tán thán ai

Cũng không chỉ trích ai

Mà chỉ nên nói pháp.

Nên biết phân biệt lạc

Nhưng chỉ chuyên nội lạc.

Nói: Ai mê dục lạc

Là tà đạo, sẽ khổ,

Là chỉ trích một số;

Nói: Ai không tham dục

Là chánh đạo, không khổ,

Tức có khen một số.

Nếu chỉ nói như sau:

Dục lạc hay khổ hạnh,

Không bỏ hữu kết sử

Ðều khổ, thuộc tà đạo

Không xứng với bậc Thánh,

Ấy là chỉ thuyết pháp.

Nên biết phân biệt lạc

Nhưng chỉ chuyên nội lạc:

Năm dục về sắc thanh

Hương vị xúc đáng sợ

Ðược gọi là dục lạc.

Hỷ lạc ở bốn Thiền

Ly dục, không đáng sợ.

Không nói lời bí mật,

Hoặc những lời mếch lòng

Khi nó không chân thực,

Vô ích, không đúng thời.

Nói thì nên từ từ,

Rõ ràng và dễ nghe

Cũng khỏi làm tổn thương

Thân tâm và cổ họng.

Không bám địa phương ngữ

Trái ngôn ngữ thường dùng,

Vì mỗi vùng một khác,

Không nên chấp đúng sai.

Cái gì không xứng Thánh

Không liên hệ mục đích

Có đau khổ phiền lao

Ðều thuộc về tà đạo

Gọi là pháp hữu tránh

(có đưa đến tranh chấp).

Dục lạc và khổ hạnh;

Tán thán và chỉ trích

Nhưng không có nói pháp;

Lời bí mật, mếch lòng,

Chấp trước địa phương ngữ…

Thuộc tà đạo, hữu tránh

Thiền lạc và trung đạo

Nói pháp, không khen chê

Không nói lời vô ích

Không chấp địa phương ngữ

Là chánh đạo vô tranh

Sau khi biết như vậy

Vô tránh nên hành trì.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 140: Giới Phân Biệt (Dhatuvibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Exposition of Elements.

Stopping at a potter’s workshop for the night, the Buddha meets a monk named Pukkusati and gives him a profound discourse on the elements culminating in the four foundations of arahantship.

Trình Bày Về Các Yếu Tố.

Khi dừng nghỉ đêm tại xưởng một người thợ gốm, Phật gặp một Tỳ kheo tên Pukkusàti và giảng cho vị ấy một pháp thoại sâu sắc về các yếu tố đưa đến tột đỉnh là bốn nền tảng của A la hán quả.

II. Tóm Tắt

Phật cùng nghỉ đêm trong một xưởng làm đồ gốm với Pukkusàti. Sau khi biết đấy là một thiện nam tử đã xuất gia do lòng tin đối với Ngài mặc dù chưa từng gặp Ngài, Phật giảng vắn tắt: Cái gọi là con người gồm có sáu giới, sáu xúc xứ, 18 ý hành và bốn thắng xứ. Sáu xúc xứ là mắt tai mũi lưỡi thân ý; 18 ý hành gồm sắc thanh hương vị xúc pháp chỗ trú của ba cảm thọ hỷ ưu và xả (cộng thành 18). Bốn thắng xứ gồm tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí, hãy tu học tịch tịnh. Rồi Phật giảng chi tiết như sau.

Chớ buông lung Trí tuệ có nghĩa là nên biết rõ sáu giới tức địa thủy hỏa phong không thức. Ðịa giới có trong thân và ngoài thân. Ðịa trong thân là tất cả những chất cứng bị chấp thủ, thuộc cá nhân như tóc lông móng răng da, thịt gân xương tủy thận. Chất cứng trong ngoài gì cũng thuộc về địa giới, cần phải thấy như thật với chánh trí là nó không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi. Sau khi biết vậy, sinh tâm chán lìa, từ bỏ địa giới. Ðối với thủy (chất lỏng), hỏa (hơi nóng), phong (động), không (lỗ hổng) cũng đều quán như vậy. Với thức trong sáng, vị ấy biết được lạc, khổ và bất khổ bất lạc. Do lạc xúc, lạc thọ khởi lên; và thức liền nhận biết đang cảm giác một lạc thọ. Do lạc xúc diệt, lạc thọ cũng diệt, và thức cũng nhận biết như vậy. Với hai cảm thọ kia (khổ và bất khổ bất lạc) cũng thế.

Khi xả còn lại được trong sáng, thuần tịnh, vị Tỳ kheo có thể tập trung xả ấy vào hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng… nhưng xả ấy sẽ thành hữu vi. Nếu không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu, không chấp thủ một sự vật gì ở đời, thì vị ấy sẽ không sợ hãi, tự chứng Niết bàn, biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Mỗi khi cảm giác lạc, khổ hay bất khổ bất lạc, vị ấy biết tất cả cảm thọ đều vô thường, không nên đắm trước, không phải đối tượng để hoan hỷ. Vị ấy biết rõ khi cảm giác một cảm thọ với thân là tối hậu hay với sinh mạng là tối hậu (CT. - nghĩa là chỉ trong lúc mạng căn còn tiếp tục, không xa hơn thế). Vị ấy biết, khi thân hoại mạng chung, tất cả những cảm thọ sẽ trở thành thanh lương (vì vị ấy không chấp thủ, hoan hỷ trong đó). Tỳ kheo có được trí như vậy gọi là có tuệ thắng xứ, nghĩa là trí biết sự đoạn tận mọi đau khổ. Sự giải thoát của vị ấy không bị giao động vì căn cứ trên chân đế, Niết bàn. Vị Tỳ kheo thành tựu như vậy là thành tựu đế thắng xứ. Những chấp thủ của vị ấy trước kia bây giờ bị cắt đứt tận gốc rễ không còn sinh khởi trong tương lai, nên đây là huệ xả thắng xứ nơi vị ấy. Tham ái, phẫn nộ và si mê trước kia nơi vị ấy bây giờ cũng hoàn toàn bị chặt đứt tận gốc rễ như thân cây ta la, không còn khả năng sinh khởi, nên vị ấy thành tựu tịch tịnh thắng xứ, nghĩa là sự chấm dứt tham sân si. Khi những ngọn triều vọng tưởng không còn lay động một người đã vững trú trên bốn thắng xứ, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh. Vị ấy không còn nghĩ về ta là thế này thế nọ hay sẽ là này nọ; không còn sanh, già chết, mong cầu gì.

Nghe xong bài pháp vi diệu ấy, Pukkusàti biết ngay đấy là đức Phật, và xin sám hối vì không biết nên đã gọi Ngài là Hiền giả (bạn). Ông xin được thọ đại giới, nhưng khi vừa đi ra kiếm y bát thì bị bò húc chết. Khi các Tỳ kheo hỏi về sanh thú của vị này, Phật dạy ông ấy đã đoạn trừ năm hạ phần kết sử, sẽ nhập Niết bàn không còn trở lui đời này nữa.

III. Chú Giải

Phật dạy lý vô ngã bằng cách phân tích con người gồm có sáu đại: địa thủy hỏa phong không thức; sáu xúc xứ: mắt tai mũi lưỡi thân ý; 18 ý hành là hỷ ưu hoặc xả đối với sắc thanh hương vị xúc pháp (cộng thành 18). Trí tuệ là dùng thức quán sát năm giới hay đại vật chất không gì là ta, của ta hay tự ngã của ta. Thức còn lại trong sáng, thuần tịnh (vì không chấp vào vật chất) hướng đến các cảnh giới của tâm là không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu và phi phi tưởng cũng không chấp thủ, đạt Niết bàn. Mỗi khi có một cảm thọ về thân hay tâm, vị ấy biết rõ nó vô thường, không đáng chấp thủ. Khi chết, vị ấy biết rõ đấy là cảm thọ cuối cùng, sau đời này không còn đời nào khác (vì đã hết ham muốn bất cứ gì.) Một người có tuệ như vậy gọi là đã đạt đến chỗ tối cao gọi là thắng xứ, có bốn tên tùy theo bốn phương diện: thấy rõ gọi là tuệ thắng xứ, cái thấy ấy không hư vọng nên gọi là đế thắng xứ, nhờ thấy rõ mà những chấp thủ trước kia bị cắt đứt tận gốc nên gọi là huệ xả thắng xứ, hoàn toàn đoạn tuyệt với tham sân si gọi là tịch tịnh thắng xứ.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật đến nghỉ ban đêm

Trong xưởng người thợ gốm

Nơi đây đang trú ngụ

Ông Puk-ku-sa-ti

Một Tu sĩ nhiệt thành

Xuất gia do lòng tin

Ðối với đấng Ðạo sư

Dù chưa từng diện kiến.

Phật giảng Pháp cho ông:

Con người gồm sáu giới,

Sáu xúc xứ (sáu căn)

Mỗi căn có ba thọ

Thành mười tám ý hành

Chớ buông lung Trí tuệ,

Hãy hộ trì chân đế,

Hãy tăng trưởng huệ thí,

Và tu học tịch tịnh

Ðấy là bốn thắng xứ.

Rồi Phật giảng chi tiết:

Không buông lung Trí tuệ

Là biết rõ sáu giới

Ðịa thủy hỏa phong không

Với thức là thứ sáu.

Ðịa giới có trong ngoài

Trong thân là chất cứng

Bị chấp, thuộc cá nhân:

Tóc lông móng răng da,

Thịt gân xương tủy thận…

Chất cứng trong hay ngoài

Cũng đều thuộc địa giới.

Cần phải thấy như thật

Với Trí tuệ chân chính

Ðấy không phải là tôi

Cũng không phải của tôi.

Hay tự ngã của tôi.

Khi biết được như vậy

Sẽ sinh tâm chán lìa,

Từ bỏ ngay địa giới.

Với thủy hỏa phong không

Cũng đều quán như vậy.

Còn lại thức trong sáng,

Biết cảm thọ lạc, khổ

Và bất khổ bất lạc.

Do xúc, lạc thọ khởi

Và thức liền nhận biết

Ðang cảm giác lạc thọ.

Xúc diệt, lạc thọ diệt,

Như vậy thức rõ biết.

Với hai cảm thọ kia

Thức biết chúng sinh, diệt

Cũng tương tự như trên.

Với tâm xả thuần tịnh,

Nó có thể tập trung

Vào hư không vô biên

Hoặc thức vô biên xứ,

Hoặc vô sở hữu xứ,

Phi tưởng phi phi tưởng:

Tâm ấy thành hữu vi.

Nhưng nếu không tư duy

Không tưởng hữu, phi hữu,

Không chấp thủ vật gì,

Thì sẽ không sợ hãi,

Tự chứng được Niết bàn

Tự biết: Sanh đã tận,

Phạm hạnh đã viên thành,

Mỗi khi cảm giác lạc,

Khổ, bất khổ bất lạc,

Biết cảm thọ vô thường,

Không nên đắm trước nó,

Không hoan hỷ trong đó.

Vị ấy luôn biết rõ

Khi khởi một cảm thọ

Với thân là tối hậu

Hay mạng là tối hậu

Vị ấy biết khi chết

Tất cả thọ thanh lương

Vì không còn chấp thủ.

Ðấy là tuệ thắng xứ,

Nghĩa là trí biết được

Mọi đau khổ đã dứt.

Sự giải thoát vị ấy

Không còn bị giao động

Không thuộc về hư vọng

Nên gọi đế thắng xứ.

Những chấp thủ vị ấy

Ðã dứt tận gốc rễ

Không sinh khởi tương lai

Gọi huệ xả thắng xứ.

Tham sân si đoạn tận

Thành tịch tịnh thắng xứ.

Những ngọn triều vọng tưởng

Không còn làm giao động

Người trú bốn thắng xứ,

Nên vị ấy được gọi

Là ẩn sĩ tịch tịnh.

Vị ấy không còn nghĩ

Ta thế này thế nọ

Hay sẽ là này nọ

Không còn mong cầu gì

Tương lai hết già chết.

Nghe xong pháp vi diệu

Biết ngay đấy là Phật

Thanh niên xin sám hối

Ðã gọi bụt bằng anh;

Và xin thọ đại giới,

Nhưng khi vừa đi ra

Ðể tìm kiếm y bát

Ông bị bò húc chết.

Phật dạy các Tỳ kheo:

Ông ấy đã đoạn trừ

Năm hạ phần kết sử

Hóa sanh nhập Niết bàn

Một đi không trở lại.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 141: Ðế Phân Biệt Tâm Kinh (Saccavibhangacittasuttam)

I. Toát Yếu

The Exposition of the Truths.

The venerable Sariputta gives a detailed analysis of the Four Noble Truths.

Trình Bày Về Những Sự Thật.

Tôn giả Xá Lợi Phất phân tích chi tiết về Bốn chân lý vi diệu.

II. Tóm Tắt

Phật gọi các Tỳ kheo và dạy rằng, sự khai thị bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Ðạo là Pháp luân Vô thượng đã được Như Lai chuyển vận tại vườn Lộc uyển. Không ai có thể nói ngược lại sự tuyên thuyết này. Và Ngài khuyên chư Tỳ kheo hãy thân cận hai vị thượng thủ là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, vì Tôn giả Xá Lợi Phất có thể giảng giải, khai triển bốn Thánh đế, hướng dẫn tu tập chứng quả Dự lưu, còn Tôn giả Mục Kiền Liên có thể hướng dẫn tu tập đến quả vị A la hán. Nói xong Phật đi vào Tinh xá.

Sau đó Tôn giả Xá Lợi Phất giảng rộng về bốn chân lý như sau:

Thánh đế về khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Sanh là sự tái sanh của mỗi loài chúng sinh, sự xuất hiện các uẩn, sự có ra các căn. Già là trạng thái các căn hủy hoại, tuổi thọ bị rút ngắn. Chết là sự tận diệt các uẩn, sự quăng bỏ tử thi. Sầu là cảm thọ đau khổ khi bị tai nạn này khác. Bi là khóc lóc than van khi gặp tai nạn, đau khổ. Khổ là sự không sảng khoái về thân, do thân cảm thọ. Ưu là sự đau đớn về tâm, sự không sảng khoái trong lòng, do tâm cảm thọ. Não là sự tuyệt vọng não nề nơi những ai gặp tai nạn, đau khổ. Cầu không được là khi chúng sinh bị những khổ về sanh, già chết sầu bi khổ ưu não… chi phối, mong rằng mình không còn bị những khổ ấy chi phối nhưng lời mong cầu đó không được thành tựu. Tóm lại, năm thủ uẩn là sắc thọ tưởng hành thức đều khổ.

Tập Thánh đế là tham ái đưa đến tái sanh, đi kèm hỷ và tham. Khổ diệt Thánh đế là sự diệt tận tham ái ấy, sự giải thoát khỏi tham ái ấy. Khổ diệt đạo Thánh đế là Thánh đạo tám ngành, đó là: Chánh kiến tức thấy như thật về bốn chân lý. Chánh tư duy là tư duy vô sân, ly dục, bất hại. Chánh ngữ là tự chế bốn kiểu nói láo là nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm. Chánh nghiệp là không sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Chánh mạng là từ bỏ tà mạng. Chánh tinh tiến là đối với các bất thiện chưa sanh, nỗ lực khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; với ác đã sanh, khởi lên quyết tâm trừ diệt; với thiện pháp chưa sanh, nỗ lực khiến cho sanh khởi, với thiện pháp đã sanh, nỗ lực khiến cho tăng trưởng, phát triển đi đến viên mãn. Chánh niệm là ngay trên thân tâm này mà quán thân, thọ, tâm, pháp, tinh cần tỉnh giác để diệt tham ưu về thế gian này. Chánh định là ly dục ly bất thiện pháp, chứng trú Thiền thứ nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ; Thiền thứ hai với hỷ lạc do định sanh không tầm tứ; Thiền thứ ba không còn hỷ gọi là xả niệm lạc trú; Thiền thứ tư không khổ không lạc, có niệm thanh tịnh nhờ xả. Ðấy là Thánh đế về con đường diệt khổ. Chúng Tỳ kheo hoan hỷ tín thọ lời thuyết giảng của Tôn giả Xá Lợi Phất.

III. Chú Giải

Một cách giảng Tứ diệu đế theo ngôn ngữ ngày nay là: Khổ là hậu quả của một lối sống vô ý thức về nhiều mặt; Tập là lối sống vô ý thức ấy; Diệt là sự hết khổ nhờ lối sống hoàn toàn được thắp sáng với ý thức hay chánh niệm tỉnh giác trong mọi lúc; đạo là lối sống có chánh niệm, có ý thức vào mọi lúc. Hay nói cách khác, đạo là cách sống có ý thức ở tám phương diện: thấy có ý thức, suy nghĩ có ý thức, nói có ý thức, làm có ý thức, sinh nhai có ý thức, siêng năng có ý thức, nhớ có ý thức, tập trung có ý thức. Chỉ khi vô ý thức thì ta mới đau khổ vì thấy những gì không đáng thấy, nghĩ những cái không đáng nghĩ, nhớ những gì không đáng nhớ, làm những gì không đáng làm, vân vân.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy các Tỳ kheo:

Sự khai thị bốn đế

Về Khổ, Tập Diệt Ðạo

Là Pháp luân Vô thượng

Ðược Như Lai chuyển vận

Ðầu tiên tại vườn Nai

Trên cả thế gian này

Với chư thiên, ma, phạm

Không ai chặn đứng được

Hay là quay ngược lại.

Tỳ kheo hãy thân cận

Xá Lợi và Mục Liên

Những Trí giả, Hiền giả

Sách tấn đồng phạm hạnh.

Xá Lợi Phất Mẹ sanh

Khai diễn bốn Thánh đế

Hướng dẫn cho tu tập

Chứng đến quả Dự lưu

Mục Kiền Liên Mẹ dưỡng

Dẫn đến quả La hán.

Sau khi Phật vào nghỉ

Tôn giả Xá Lợi Phất

Giảng cho chúng Tỳ kheo

Bốn chân lý vi diệu.

Một Thánh đế về khổ:

Sanh, Già, Bệnh, Chết khổ,

Sầu Bi Khổ Não Ưu

Cầu không được là khổ.

Tóm lại năm thủ uẩn

Tức có thân là khổ.

Sanh là sự tái sanh

Của mỗi loài chúng sinh,

Sự xuất hiện các uẩn,

Sự có ra các căn.

Già là căn hủy hoại

Tuổi thọ bị rút ngắn.

Chết là diệt các uẩn,

Sự quăng bỏ tử thi.

Sầu là nỗi đau khổ

Bị tai nạn này khác.

Bi khóc lóc thở than

Mỗi khi gặp khổ nàn.

Khổ là nỗi đau nhức

Do thân xác cảm thọ.

Ưu là tâm đau đớn

Không sảng khoái trong lòng.

Não tuyệt vọng não nề

Khi gặp các tai ương.

Khổ về Cầu không được

Là khi chúng sinh khổ

Về nỗi sanh, già chết

Sầu bi khổ não ưu…

Cứ mong sao hết bị

Những khổ này chi phối

Nhưng cầu có được đâu.

Tóm lại năm thủ uẩn

Sắc thọ tưởng hành thức

Bị nhiễm vì chấp thủ

Chính là một đống khổ.

Thứ hai Tập Thánh đế:

Tham ái khiến tái sanh

Ði kèm hỷ và tham

Tái hiện ở ba cõi

Dục sắc và vô sắc.

Ba Khổ diệt Thánh đế

Sự diệt tận tham ái

Giải thoát nó hoàn toàn.

Khổ diệt đạo Thánh đế

Là Thánh đạo tám ngành:

Chánh kiến thấy như thật

Bốn chân lý nói trên

Chánh tư duy suy nghĩ

Không kèm dục, sân, hại.

Chánh ngữ là tự chế

Không nói dối, hai lưỡi,

Nói ác khẩu, phù phiếm.

Chánh nghiệp không sát sinh

Trộm cắp và dâm dục.

Chánh mạng bỏ tà mạng,

(Sinh nhai hại mình, người.)

Chánh tinh tiến bốn siêng:

Các bất thiện chưa sanh

Siêng khiến không sanh khởi;

Các bất thiện đã sanh

Siêng quyết tâm trừ diệt;

Với thiện pháp chưa sanh,

Siêng làm cho sanh khởi,

Với thiện pháp đã sanh,

Siêng làm chúng Tăng lên.

Chánh niệm là luôn luôn

Quán thân, thọ, tâm, pháp,

Ngay nơi thân tâm này

Luôn tinh cần tỉnh giác

Diệt tham ưu sự đời.

Chánh định là ly dục

Và ly bất thiện pháp,

Chứng trú Thiền thứ nhất

Hỷ lạc ly dục sanh

Còn có tầm có tứ;

Nhị Thiền không tầm tứ

Hỷ lạc do định sanh;

Tam Thiền không còn hỷ

Chỉ còn xả với lạc

Gọi xả niệm lạc trú,

Tứ Thiền không khổ lạc,

Chỉ còn duy nhất xả

Gọi Xả niệm thanh tịnh.

Ðấy chính là Thánh đế

Về con đường diệt khổ

Mà Thế Tôn tuyên thuyết

Không ai quay ngược được

Pháp luân Vô thượng này.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 142: Cúng Dường Phân Biệt (Dakkhinavibhanga Sutta)

I. Toát Yếu

The Exposition of Offerings.

The Buddha enumerates fourteen kinds of personal offerings and seven kinds of offerings made to the Sangha.

Trình Bày Về Các Sự Cúng Dường.

Phật kể ra 14 loại cúng dường cá nhân và bảy loại cúng dường cho tập thể.

II. Tóm Tắt

Một hôm bà Di mẫu của Phật đến cúng dường Ngài một cặp y mới do chính tay bà dệt đặc biệt cho Thế Tôn. Phật dạy bà hãy đem cúng dường Tăng chúng, thì cũng như cúng dường cả Phật và Tăng. Bà năn nỉ ba lần, Phật vẫn dạy như trên.

Thấy Thế Tôn giả A Nan xin Phật nhận cặp y vì bà Di mẫu có ơn nuôi dưỡng Ngài từ lúc sơ sinh sau khi Ma gia Hoàng hậu từ trần. Và chính Phật cũng đã giúp bà quy y Tam bảo, giữ năm giới, có lòng tin bất động đối với Phật Pháp Tăng và Giới. Chính nhờ đức Thế Tôn mà bà hết hoài nghi đối với bốn Thánh đế Khổ Tập Diệt Ðạo. Ðức Thế Tôn xác nhận đúng như thế, và dạy nếu ai nhờ một người nào mà được quy y Tam bảo, giữ năm giới, có tịnh tín đối với Tam bảo và giới luật, hết nghi ngờ về bốn chân lý, thì không có sự đền ơn nào cho tương xứng.

Kế tiếp Phật dạy có 14 loại bố thí: Trên hết là cúng dường đức Như Lai, Ứng cúng Chánh đẳng giác, kế đến tuần tự: 2/ Ðộc giác; 3/ Các vị đã chứng quả A la hán; 4/ Các vị trên đạo lộ A la hán; 5/ Bất hoàn quả; 6/ Bất hoàn đạo; 7/ Nhất lai quả; 8/ Nhất lai đạo; 9/ Dự lưu quả; 10/ Dự lưu đạo; 11/ Vị ngoại học (bàhiraka) ly tham; 12/ phàm phu giữ giới; 13/ phàm phu phá giới; 14/ các loại bàng sanh. Trong đó, bố thí cho bàng sanh đem lại một trăm công đức (lợi ích), cho phàm phu phá giới một ngàn công đức, cho phàm phu giữ giới một trăm ngàn công đức, cho ngoại học ly tham một trăm ngàn ức công đức. Bố thí cho các vị ở Dự lưu đạo có hy vọng đem lại vô số công đức, huống hồ các vị đã chứng Dự lưu quả và trên nữa cho đến cúng dường Phật?

Lại nữa, đối với Tăng chúng có bảy loại cúng dường: Một là cúng Phật tại thế và hai bộ tăng là nhất. Thứ đến là sau khi Phật Niết bàn, cúng dường cả hai bộ tăng. Thứ ba là cúng dường Tăng bộ. Thứ tư là cúng dường Ni bộ. Thứ năm là cúng một số tăng và một số ni theo chỉ định của tăng. Thứ sáu là cúng riêng một số Tăng theo chỉ định. Thứ bảy là cúng riêng một số ni theo chỉ định. Trong tương lai có những hạng ác tăng khoác áo ca sa nhưng mặc dù vậy, sự bố thí cho họ cũng được công đức vô lượng khi người bố thí muốn qua họ mà cúng dường Tăng bảo.

Cuối cùng Phật dạy về bốn sự thanh tịnh do bố thí: Một là thanh tịnh bởi người cho; là người cho giữ giới, theo thiện pháp, người nhận phá giới theo ác pháp. Hai là thanh tịnh do người nhận; là người nhận giữ giới theo thiện pháp còn người cho thì ngược lại. Ba là cả người cho lẫn người nhận đều thanh tịnh, là cả hai bên đều có giới. Bốn là cả người cho lẫn người nhận đều không thanh tịnh; là cả hai bên đều phá giới.

Và sự bố thí thanh tịnh nhất là khi người cho người nhận đều có giới; vật thí đúng pháp; cho với tâm hoan hỷ vững tin vào nghiệp quả.

III. Chú Giải

Kinh này dễ hiểu.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Một hôm bà Di mẫu

Ðến cúng dường đức Phật

Một cặp y đặc biệt

Bà dệt cho Thế Tôn.

Phật dạy nên cúng dường

Cho toàn thể chúng Tăng

Với Phật vị dẫn đầu

Hơn là riêng cúng Phật.

Sau ba lần năn nỉ,

Phật vẫn dạy như trên.

Tôn giả A Nanda

Thương tình bèn can thiệp

Xin Ngài nhận cặp y

Bởi vì bà Di mẫu

Có ơn cho bú mớm

Có công lao nuôi dưỡng

Lúc sanh mẫu mệnh chung

Và cũng nhờ Thế Tôn

Mà bà theo Tam bảo,

Thọ trì năm cấm giới,

Có lòng tin bất động

Ở Phật Pháp Tăng Giới.

Chính nhờ đức Thế Tôn

Mà bà hết hoài nghi

Về Khổ Tập Diệt Ðạo

Bốn chân lý cao cả.

Phật xác nhận đúng thế,

Nếu ai nhờ người nào

Ðược quy y Tam bảo,

Thọ trì năm cấm giới

Tịnh tín, hết nghi ngờ

Bốn chân lý cao cả,

Thì cái ơn lớn ấy

Khó tương xứng đáp đền.

Kế tiếp Thế Tôn dạy

Mười bốn loại bố thí

Trên hết là cúng Phật

Như Lai Chánh đẳng giác,

Tuần tự tiếp theo đó:

Ðộc giác rồi La hán;

Trên đường chứng La hán;

Bất hoàn quả và đạo;

Nhất lai quả và đạo;

Dự lưu quả và đạo;

Vị ngoại học ly tham;

Phàm phu có giữ giới;

Phàm phu không giữ giới;

Ðến các loại bàng sanh.

Trong mười bốn loại ấy

Bố thí cho bàng sanh

Cũng có trăm công đức

Cho phàm phu phá giới

Ðược một ngàn công đức,

Cho phàm phu giữ giới

Một trăm ngàn công đức,

Cho ngoại học ly tham

Trăm ngàn ức công đức.

Cho vị Dự lưu đạo

Có vô số công đức,

Huống là Dự lưu quả

Cho đến cúng Như Lai?

Lại đối với Tăng chúng

Có bảy loại cúng dường:

Phật và hai bộ tăng

Lúc còn sinh tiền Phật

Là cúng dường bậc nhất.

Ðến cúng hai bộ tăng

Sau khi Phật Niết bàn,

Rồi đến cúng Tăng bộ

Thứ tư, cúng Ni bộ.

Thứ năm, xin đại chúng

Chỉ định ít tăng, ni,

Sáu, cúng một số tăng

Theo Tăng chúng chỉ định.

Bảy, cúng một số ni.

Trong tương lai sẽ có

Ác tăng khoác ca sa

Nhưng cúng dường Tăng chúng

Công đức vẫn to lớn

Hơn phân loại cá nhân.

Và cuối cùng Phật dạy

Về bốn kiểu thanh tịnh

Trong hành vi bố thí:

Một, sạch bởi người cho

Giữ giới, theo thiện pháp,

Còn người nhận phá giới.

Hai, sạch do người nhận

Khi người nhận giữ giới

Người cho thì ngược lại.

Ba là sạch hai chiều

Người cho lẫn kẻ nhận

Bốn, cả hai không sạch.

Sự bố thí sạch nhất

Khi người cho kẻ nhận

Ðều có giới, theo thiện;

Vật bố thí đúng pháp;

Cho với tâm hoan hỷ;

Vững tin vào nghiệp quả.

Một bố thí như vậy

Là quảng đại tài thí.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 143: Giáo Giới Cấp Cô Độc (Anathapindikovada Sutta)

I. Toát Yếu

Advice to Anathapindika.

The venerable Sariputta is called to Anathapindika’s deathbed and gives him a stirring sermon on non-attachment.

Lời Khuyên Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Tôn giả Xá Lợi Phất được mời đến bên tử sàng của Trưởng giả. Ngài nói cho ông một pháp thoại gây nhiều cảm hứng về sự không chấp thủ.

II. Tóm Tắt

Trưởng giả Cấp Cô Độc bệnh nặng, sai người nhân danh ông đến đảnh lễ đức Thế Tôn và đến cầu thỉnh Tôn giả Xá Lợi Phất về trú xứ mình. Tôn giả cùng đi với Tôn giả A Nan đến thăm và thuyết pháp cho ông. Tôn giả dạy ông hãy tu tập như sau: Ta sẽ không chấp thủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và sẽ không có thức y cứ vào sáu căn; Ta sẽ không chấp thủ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và sẽ không có thức y cứ vào sáu trần. Ta sẽ không chấp thủ nhãn thức, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý thức và sẽ không có thức y cứ vào sáu cái biết ấy. Ta sẽ không chấp thủ nhãn xúc đến ý xúc (sáu xúc) và sẽ không có thức y cứ vào sáu xúc; Ta sẽ không chấp thủ sáu thọ (do sáu xúc sanh) và sẽ không có thức y cứ sáu thọ. Ta sẽ không chấp thủ sáu đại (giới: địa thủy hỏa phong không thức) và sẽ không có thức y cứ sáu đại. Ta sẽ không chấp thủ 5 uẩn và sẽ không có thức y cứ năm uẩn. Ta sẽ không chấp thủ bốn không và sẽ không có thức y cứ bốn không (Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng). Ta sẽ không chấp thủ thế giới này hay thế giới khác và sẽ không có thức y cứ vào thế giới này hay thế giới khác. Ta sẽ không chấp thủ những gì được thấy, nghe, cảm thọ, nhận thức, mong cầu, suy xét, và sẽ không có thức y cứ vào những pháp ấy.

Nghe xong bài Pháp vi diệu, Cư sĩ Cấp Cô Độc sa nước mắt. Khi Tôn giả hỏi ông có sao không, ông đáp dù đã hầu hạ đức Phật và chư Tăng lâu ngày, ông chưa từng nghe một thời pháp nào như thế. Khi ấy Tôn giả cho ông biết rằng pháp này thường không nói cho Cư sĩ mà chỉ nói cho hàng xuất gia. Trưởng giả Cấp Cô Độc xin Tôn giả hãy thuyết pháp như vậy cho hàng Cư sĩ, vì có những người ít nhiễm ô có thể hiểu được Pháp mà nếu không được nghe, họ sẽ bị rơi rụng.

Sau khi hai vị Tôn giả ra về, Trưởng giả mệnh chung và sinh lên cõi trời Ðâu suất. Thiên tử Cấp Cô Độc khi đêm gần tàn, với dung sắc chói sáng toàn cảnh vườn Kỳ viên, đi đến đảnh lễ Thế Tôn và nói lên một bài kệ ca ngợi Phật và pháp do Phật thuyết đã giúp chúng sinh đạt đến thanh tịnh, giải thoát.

III. Chú Giải

Kinh này cho thấy chương trình giảng dạy của Phật và các vị Thánh đệ tử đương thời đối với hàng Cư sĩ tại gia. Một người như Trưởng giả Cấp Cô Độc mà đến chết mới được nghe giáo lý vô ngã (Tánh Không) vi diệu thì đủ biết, giáo lý ấy không thể được truyền một cách không chọn lựa cho bất cứ ai. Chỉ có những người căn tánh và lòng tin đã thuần thục mới nên nghe pháp ấy; nếu không, sẽ rất nguy hiểm cho họ.

Vô ngã ở đây được giảng dạy là không chấp thủ, nghĩa là ý thức không mắc dính vào bất cứ gì thuộc ngoại giới hay nội tâm. Câu không chấp thủ, không có thức y cứ vào… có thể hiểu như là không xem đấy là ta, của ta, trong kinh 140.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Trưởng giả Cấp Cô Độc

Lâm bệnh sắp mệnh chung

Sai người nhân danh ông

Ðến đảnh lễ đức Phật.

Lại chuyển lời cầu thỉnh

Tôn giả Xá Lợi Phất

Ði đến trú xứ mình.

Tôn giả cùng A Nan

Ðến thăm và thuyết pháp

Dạy ông hãy tu tập:

Ta sẽ không chấp thủ

Vào mắt, tai, mũi, lưỡi,

Thân và ý (sáu căn)

Và sẽ không có thức

Y cứ vào sáu căn;

Ta sẽ không chấp thủ

Vào sắc, thanh, hương, vị,

Xúc và pháp (sáu trần)

Và sẽ không có thức

Y cứ vào sáu trần.

Ta sẽ không chấp thủ

Vào các thức: nhĩ, tỉ,

Thiệt, thân, và ý thức

Và sẽ không có thức

Y cứ sáu cái biết.

Ta sẽ không chấp thủ

Nhãn xúc đến ý xúc

Và sẽ không có thức

Y cứ vào sáu xúc;

Ta sẽ không chấp thủ

Sáu thọ do xúc sanh

Và sẽ không có thức

Y cứ vào sáu thọ.

Ta sẽ không chấp thủ

Sáu đại: địa thủy hỏa

Phong không và thức đại

Và sẽ không có thức

Y cứ sáu đại này.

Ta sẽ không chấp thủ

Sắc thọ tưởng hành thức

Và sẽ không có thức

Y cứ vào năm uẩn.

Ta sẽ không chấp thủ

Vào Không vô biên xứ…

Vào Thức vô biên xứ

Vào Vô sở hữu xứ

Vào Phi tưởng phi phi

Và sẽ không có thức

Y cứ vào bốn không.

Ta sẽ không chấp thủ

Thế giới này hay khác

Và sẽ không có thức

Y cứ đời này khác.

Ta sẽ không chấp thủ

Những gì được thấy, nghe,

Cảm thọ hoặc nhận thức,

Mong cầu hay suy xét,

Và sẽ không có thức

Y cứ những pháp này.

Nghe xong Pháp vi diệu,

Trưởng giả Cấp Cô Độc

Ðột nhiên sa nước mắt:

Dù con đã hầu hạ

Phật và Tỳ kheo tăng

Trong một thời gian dài

Con chưa từng được nghe

Thời pháp nào như thế.

Tôn giả bảo ông rằng

Pháp này chỉ được nói

Cho những vị xuất gia.

Trưởng giả Cấp Cô Độc

Xin Tôn giả từ nay

Hãy thuyết pháp như vậy

Cho Cư sĩ tại gia,

Vì cũng có những người

Chỉ vướng ít bụi đời

Sẽ hiểu được chánh pháp

Và khỏi bị rụng rơi.

Sau Trưởng giả mệnh chung

Sinh lên trời Ðâu suất

Khi đêm đã gần tàn,

Với dung sắc chói sáng

Toàn cảnh vườn Kỳ viên,

Ðến đảnh lễ Thế Tôn

Nói lên một bài kệ

Ca ngợi Phật và Pháp

Ðã giúp nhiều chúng sinh

Ðạt thanh tịnh, giải thoát.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 144: Giáo Giới Channa (Channovada Sutta)

I. Toát Yếu

Advice to Channa.

The venerable Channa, gravely ill, takes his own life despite the attempts of two brother-monks to dissuade him.

Lời Khuyên Channa.

Tôn giả Channa ốm nặng, đã tự kết liễu mạng sống mặc dù hai vị Tỳ kheo huynh đệ đã cố can ngăn.

II. Tóm Tắt

Tôn giả Channa bị bệnh nặng, hai Tôn giả Sàriputta và Mahàcunda đến thăm. Channa bày tỏ ý định sẽ tự đâm cổ vì quá đau đớn không muốn sống nữa. Tôn giả Sàriputta khuyên can, hứa cung cấp thực phẩm, dược phẩm và người hầu hạ nhưng Channa không cần vì chỉ muốn chết, viện cớ rằng mình đã sống đời tu hành một cách trọn vẹn, đã hầu hạ đức Thế Tôn, làm Ngài đẹp lòng, nên chết sẽ không phạm tội.

Khi ấy Tôn giả Sàriputta hỏi thái độ của Channa đối với mắt, nhãn thức, các pháp được mắt nhận thức… cho đến ý, ý thức và các pháp do ý nhận thức (18 giới: sáu căn sáu trần sáu thức). Channa đáp tất cả tôi đều xem không phải là tôi, của tôi hay tự ngã của tôi; do vì đã thấy đã chứng tri sự diệt trong các pháp ấy.

Khi nghe vậy, Tôn giả Mahàcunda nhắc Tôn giả Channa nên thường tác ý lời dạy của Thế Tôn rằng: Ai có chấp trước là có giao động, không chấp trước thì có khinh an. Có khinh an thì không hi cầu; không hi cầu thì không khứ lai; không khứ lai thì không sống chết; không sống chết thì không có đời này, đời sau và đời chặng giữa, và như vậy là đoạn tận khổ đau.

Sau khi hai Tôn giả thăm bệnh ra về, Channa tự sát bằng con dao. Sàriputta bèn hỏi Phật về chỗ tái sanh của vị ấy. Phật hỏi có phải Tỳ kheo Channa tuyên bố trước Sàriputta rằng mình đã không phạm tội hay không? Sàriputta tỏ vẻ hoài nghi, bạch Phật rằng lúc sinh thời, Channa thường lui tới những gia đình đáng chê trách trong làng Pubbajira của dòng họ Vajji. Phật dạy việc đó không khiến ông ta phạm tội. Ai quăng bỏ thân này chấp thủ thân khác mới là có phạm tội. Tỳ kheo Channa không vậy, nên dù có tự sát cũng không sao.

III. Chú Giải

Kinh này là một kinh hiếm có nhất cho ta thấy quan niệm của Phật về tự sát. Phật có lên án việc tự sát hay không? Ðiều này không thể trả lời dứt khoát mà cần phân tích. Cái nhìn của Phật ở đây rất rộng rãi, đầy Trí tuệ. Vị Tỳ kheo Channa vì quá đau đớn không chịu nổi, đã tự sát với con dao. Khi Xá Lợi Phất hỏi Phật việc làm ấy có phạm tội không, Phật cho biết vì ông ta trước khi chết không ham có một cái thân khác, nên không phạm. Khi dùng con dao là ông ấy muốn chấm dứt cái khổ hiện tại là cơn đau, vì ông đã chấm dứt khổ vĩnh viễn luân hồi sinh tử, không hướng đến một đời sống khác. Và ai tự sát kiểu ấy thì vô tội. Ða số người tự sát là vì ham sống một đời sống tốt đẹp hơn nhưng chưa thỏa mãn, nên họ tự sát trong tâm trạng ấm ức và đương nhiên không thoát khỏi nhập thai trở lại, vì tái sinh là để thỏa mãn những mong cầu ham muốn chưa được thỏa mãn.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Channa lâm trọng bệnh

Xá Lợi Phất, Thuần Ðà

Hai Tôn giả đến thăm.

Vì đau không chịu nổi

Không còn ham muốn sống

Ông bày tỏ ý định

Tự sát bằng dao đâm

Hai Tôn giả khuyên can

Hứa đem lại đồ ăn

Dược phẩm và người hầu

Nhưng Channa thoái thác:

Tôn đã chọn đường tu

Ðã hầu hạ đức Phật,

Làm Thế Tôn đẹp lòng

Nên tự sát không lỗi.

Tôn giả Xá Lợi Phất

Hỏi Tỳ kheo Channa

Về con mắt, nhãn thức,

Các pháp mắt nhận thức

Cho đến ý, ý thức

Những gì ý nhận thức

(tức là mười tám giới

thuộc căn trần và thức)

Ông thấy như thế nào

Tôn giả Channa đáp

Chúng không phải của tôi,

Cũng không phải là tôi

Hay tự ngã của tôi.

Do đâu mà thấy thế

Do vì đã chứng tri

Sự diệt ở trong đấy.

Khi nghe nói như vậy

Tôn giả Ðại Thuần đà

Bèn nhắc nhở Channa

Nên thường xuyên tác ý

Lời dạy của Thế Tôn:

Ai còn có chấp trước

Là còn có giao động

Không chấp có khinh an.

Có khinh an, không cầu;

Không cầu, hết khứ lai,

Và không còn sống chết,

Khi không còn sống chết

Thì không có đời này,

Ðời sau, đời chặng giữa,

Như vậy dứt khổ đau.

Hai Tôn giả ra về,

Channa liền tự sát

Xá Lợi Phất hỏi Phật

Vị ấy sinh về đâu.

Phật hỏi Xá Lợi Phất

Phải chăng là Channa

Ðã tuyên bố với ông

Rằng mình không phạm tội?

Xá Lợi Phất bạch Phật:

Ông ấy thường giao du

Với tục gia Cư sĩ

Thuộc giòng họ Bạt Kỳ.

Phật dạy không hề gì

Không phải vì việc đó

Khiến ông ta phạm tội.

Ai quăng bỏ thân này

Và chấp thủ thân khác

Mới là có phạm tội.

Channa không như vậy,

Nên dù có tự sát

Cũng không phạm tội gì.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 145: Giáo Giới Phú Lâu Na (Punnovada Sutta)

I. Toát Yếu

Advice to Punna.

The bhikkhu Punna receives a short exhortation from the Buddha and decides to go live among the fierce people of a remote territory.

Lời khuyên Punna.

Tỳ kheo Punna nhận một lời khích lệ của Phật và quyết định đến sống giữa dân chúng dữ dằn tại một xứ xa xôi.

II. Tóm Tắt

Tôn giả Phú Lâu Na đến xin Phật giáo giới vắn tắt trước khi ông đi nhập thất tu hành. Phật dạy có các sắc do mắt nhận thức có liên hệ đến dục, hấp dẫn; nếu Tỳ kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ, tham đắm trong ấy, hân hoan sanh. Từ sự tập khởi của hân hoan, có tập khởi của khổ. Nếu không hoan hỷ, tán thưởng… thì hân hoan diệt. Từ sự diệt tận của hân hoan có sự diệt tận của khổ. Ðối với thanh hương vị xúc pháp cũng thế.

Sau khi giáo giới vắn tắt như vậy, đức Thế Tôn hỏi Tôn giả sẽ đi đâu. Tôn giả thưa, sẽ đến xứ Du Na (Sunàparanta) ở phía tây.

Phật dạy, dân xứ đó rất thô ác hung bạo, nếu họ mắng nhiếc nhục mạ ông thì sao. Phú Lâu Na đáp: Con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn hiền, vì họ không dùng tay đánh đập con.

Nếu họ dùng tay đánh ông thì sao? Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ họ còn tốt, vì dùng tay đánh chứ không ném đất vào con.

Nếu họ lại ném đất vào ngươi? Dạ con sẽ nghĩ họ vẫn còn tốt vì không dùng gậy mà đánh con.

Nếu họ đánh cả gậy? Thì con sẽ nghĩ họ còn tốt vì chưa dùng dao mà đánh.

Nếu họ đánh con bằng dao, con sẽ nghĩ họ vẫn còn tốt vì chỉ đánh chứ chưa dùng dao sắc để đoạt mạng con.

Nếu họ lấy dao sắc bén đoạt mạng con, con sẽ nghĩ rằng có những đệ tử của Thế Tôn nhàm chán thân thể và sinh mạng nên đã tìm con dao tự sát. Nay con không cần tìm mà vẫn được con dao.

Phật dạy Phú Lâu Na, nếu có đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh ấy, Tôn giả có thể đến sống tại xứ kia. Sau khi đến đấy chỉ trong một mùa an cư, Tôn giả đã hóa độ cho nhiều cư dân và chứng ba minh. Khi nghe Tôn giả mệnh chung, chúng Tỳ kheo đến hỏi Phật chỗ tái sanh của Tôn giả. Phật dạy vị ấy đã nhập Niết bàn.

III. Chú Giải

Do có hân hoan mới có khổ; không hân hoan thì không khổ. Thái độ không hân hoan này không phải chán đời mà là hỷ túc: vui với bất cứ hoàn cảnh nào gặp phải; giải thoát mọi ham muốn.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Tôn giả Phú Lâu Na

Ðến xin thỉnh giáo Phật

Trước khi đi tha phương

Ðể du hành du hóa.

Phật giáo giới vắn tắt:

Các sắc mắt nhận thức

Có liên hệ đến dục,

Khả ái và hấp dẫn;

Nếu Tỳ kheo hoan hỷ,

Tán thưởng và chấp thủ

Tham đắm trong sắc ấy,

Thì hân hoan sinh ra.

Do hân hoan, có khổ.

Không đam mê trong đó

Thì hân hoan cũng diệt

Do vui diệt, khổ diệt.

Với thanh hương vị xúc

Và pháp cũng như vậy.

Rồi đức Thế Tôn hỏi

Tôn giả sẽ đi đâu?

Con đến xứ Du Na

Và sẽ sống tại đấy.

Này hỡi Phú Lâu Na

Dân xứ đó hung ác

Nếu lỡ chúng mắng nhiếc

Nhục mạ ông thì sao?

Bạch Thế Tôn, con nghĩ

Họ vẫn còn hiền thiện,

Vì không dùng tay đánh

Nếu họ lại đánh ông?

Con thấy họ còn tốt,

Vì chỉ dùng tay đánh

Không ném đất vào con.

Nếu ngươi bị ném đất?

Con nghĩ họ còn tốt

Vì không đánh bằng gậy

Nếu họ dùng gậy đánh?

Con sẽ thấy họ tốt

Vì chưa dùng đến dao

Nếu họ đánh bằng dao,

Con nghĩ họ vẫn tốt

Vì không dùng dao bén

Ðến nỗi đoạt mạng con.

Nếu họ lấy dao bén

Ðoạt mạng sống của con,

Thì con sẽ nghĩ rằng

Có những đệ tử Phật

Vì nhàm chán thân thể

Tìm con dao tự sát.

Nay con không cần tìm

Mà vẫn được con dao…

Phật dạy Phú Lâu Na,

Ðầy đủ sự nhiếp phục

Và an tịnh như thế,

Tôn giả có thể đi

Ðến sống tại xứ kia.

Sau một mùa an cư,

Tại xứ Du Na ấy

Tôn giả đã hóa độ

Cho rất nhiều cư dân

Và đã chứng ba minh.

Khi Tôn giả mệnh chung,

Chúng Tỳ kheo hỏi Phật

Chỗ tái sanh Tôn giả.

Phật dạy: Phú Lâu Na

Là một bậc Hiền giả

Thực hành Pháp, tùy Pháp

Không phiền nhiễu Thế Tôn

Vị thiện nam tử ấy

Nay đã nhập Niết bàn.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 146: Giáo Giới Nandaka (Nandakovada Sutta)

I. Toát Yếu

Advice from Nandaka.

The venerable Nandaka gives the nuns a discourse on impermanence.

Lời Khuyên Dạy Của Tôn Giả Nandaka.

Tôn giả giảng cho ni chúng một bài pháp về vô thường.

II. Tóm Tắt

Bà Di mẫu đến nơi Phật để cầu giáo thọ. Phật hỏi Tôn giả A Nan nay là phiên ai đi giáo giới cho Tỳ kheo ni. Tôn giả A Nan đáp, là phiên của Tôn giả Nandaka nhưng Tôn giả không chịu đi. Phật cho gọi Tôn giả buộc phải đi giáo giới cho ni. Tôn giả vâng lời.

Sau khi khất thực về, ăn xong, Ngài đến trú xứ của ni chúng. Ngài dặn trước thủ tục nói Pháp là vấn đáp và cho phép đặt câu hỏi. Ni chúng tán đồng với đề nghị ấy.

Rồi Tôn giả hỏi: Con mắt là thường hay vô thường? Cái gì là vô thường thì khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, khổ, bị biến hoại, thì có nên xem đấy là tôi và tự ngã của tôi không? Hỏi như vậy về 6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức. Các Tỳ kheo ni đều đáp là vô thường, khổ, không nên xem là tôi và của tôi. Tôn giả bảo, như vậy là cái thấy đúng với chánh Trí tuệ của Thánh đệ tử.

Rồi Ngài lấy ví dụ một ngọn đèn dầu cháy với dầu, bấc, ngọn lửa, ánh sáng đều vô thường, biến hoại. Nếu có ai bảo ánh sáng ngọn đèn ấy là thường trú thì có đúng không? Các ni đáp không, bởi vì ánh sáng ấy xuất phát từ những thứ vô thường là dầu, bấc, ngọn lửa. Tôn giả dạy: Cũng vậy, cảm thọ do duyên sáu nội xứ, mà 6 nội xứ đã vô thường, biến hoại nên cảm thọ cũng không thường hằng.

Ví dụ 2: Cây cổ thụ với rễ, thân, cành đều vô thường. Nếu ai bảo tuy vậy cái bóng cây thì thường, nói vậy có đúng không? Không đúng. Cũng vậy, sáu ngoại xứ là vô thường, nên ai nói các cảm thọ duyên sáu ngoại xứ là thường thì không đúng.

Ví dụ 3: Như một con bò đã bị cắt mọi dây gân, khớp bên trong, da bị lột và phủ trùm lại trên thân nó. Có thể bảo con bò còn nguyên vẹn được chăng? Không được. Tôn giả bảo: Thịt ám chỉ 6 nội xứ, da chỉ 6 ngoại xứ. Dây thịt dây gân và khớp bên trong là hỷ và tham. Con dao đồ tể là Thánh Trí tuệ. Với Thánh Trí tuệ này có thể cắt đứt phiền não, nội kết.

Rồi Tôn giả dạy tu bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả) hướng đến ly tham, đoạn tận. Khi sung mãn bảy giác chi thì sẽ tự chứng vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Sau thời pháp, chúng ni đảnh lễ Tôn giả xong, đi đến yết kiến Phật. Phật biết tâm họ chưa thỏa mãn nên sai Tôn giả Nandaka đến giáo giới lần thứ hai. Sau lần thứ hai, họ đến lễ Phật, và Phật biết tất cả họ đều đã đắc quả, người tối thiểu cũng đắc quả Dự lưu không còn bị đọa lạc, và chắc chắn sẽ được giải thoát.

III. Chú Giải

Kinh này dạy hai cách quán vô ngã:

- Một là nêu lên tính vô thường của mọi sự, nhất là năm uẩn thân tâm; rồi đặt câu hỏi vô thường là khổ hay vui; một cái gì đã vô thường, khổ thì có nên xem là ta hay của ta không? Ðương nhiên là không nên.

- Cách thứ hai là phân tích sáu nội xứ (mắt tai mũi lưỡi thân ý), sáu ngoại xứ (sắc thanh hương vị xúc pháp) và sáu thức liên hệ, tất cả đều vô thường, nên cảm thọ hay cái tôi phát sinh từ đấy cũng không thể là thường. Như từ ngọn đèn mà dầu, bấc, ngọn lửa đều vô thường thì ánh sáng cũng vô thường. Thấy như vậy là thấy với chánh trí để đoạn tận khổ đau.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Bà Di mẫu bạch Phật

Ðể thỉnh cầu giáo thọ.

Phật hỏi phiên vị nào

Ði giáo giới cho ni.

Tôn giả A Nan thưa,

Phiên Tôn giả Nanda

Nhưng vị ấy từ khước.

Phật cho gọi Tôn giả

Dạy hãy đi giáo giới.

Tôn giả phải vâng lời

Ðến trú xứ ni chúng

Dùng cách thức hỏi đáp

Ðể trình bày diệu pháp

Và cho đặt câu hỏi

Ni chúng rất tán đồng.

Trước hỏi về sáu căn:

Con mắt thường, vô thường?

Cái gì đã vô thường

Vậy là khổ hay vui?

Cái gì vô thường, khổ,

Bị biến hoại, hủy diệt

Có nên xem của tôi

Là tôi, tự ngã tôi?

(Tai, mũi, lưỡi, thân, ý

Sáu ngoại xứ, sáu thức

Cũng hỏi đáp như vậy.)

Các Tỳ kheo ni đáp

Tất cả mười tám thứ

Ðều vô thường, khổ, không

Chẳng nên xem của tôi

Là tôi, tự ngã tôi.

Các chị thấy như vậy

Là thấy đúng chánh trí

Của bậc Thánh đệ tử.

Rồi Tôn giả ví dụ

Ngọn đèn cháy với dầu,

Bấc, ngọn lửa, ánh sáng

Ðều vô thường, biến hoại.

Nếu có ai bảo rằng

Ánh sáng đèn là thường

Thì có đúng hay không?

Thưa không, ánh sáng ấy

Xuất phát từ vô thường

Là dầu, bấc, ngọn lửa.

Cũng vậy, các cảm thọ

Do duyên sáu nội xứ,

Luôn thay đổi biến hoại

Nên thọ cũng không thường

Hoặc như cây cổ thụ

Với rễ, thân, cành lá

Ðều luôn luôn thay đổi

Nếu ai bảo tuy vậy

Cái bóng cây là thường,

Nói vậy có đúng không?

Ni đáp là không đúng.

Cũng vậy, sáu ngoại xứ

Sắc thanh… vốn vô thường

Thọ từ đấy sinh ra

Làm sao thường hằng được?

Như đồ tể mổ bò

Trong cắt hết gân khớp

Ngoài lột hết bộ da

Trùm lại trên thân nó

Còn nguyên chăng thân bò?

Ni chúng đáp rằng không.

Thịt chỉ 6 nội xứ,

Da là sáu ngoại xứ.

Gân và khớp bên trong

Dụ cho hỷ và tham.

Con dao của đồ tể

Ví như Thánh Trí tuệ

Cắt đứt các phiền não

Những trói buộc trong tâm.

Các chị hãy tu tập

Niệm, trạch pháp, tinh tấn,

Hỷ, khinh an, định, xả

Bảy chi phần giác ngộ

Hướng ly tham, đoạn diệt.

Bảy giác chi sung mãn

Sẽ tự chứng vô lậu

Tâm và tuệ giải thoát.

Thể theo lời Phật dạy

Tôn giả Nandaka

Giáo giới ni hai lần

Ai nghe đều đắc quả,

Tối thiểu là Dự lưu

Không còn bị đọa lạc,

Chắc chắn sẽ giải thoát.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 147: Giáo Giới Rahula Tiểu Kinh

(Cularahulovada Sutta)

I. Toát Yếu

The Shorter Discourse of Advice to Ràhula.

The Buddha gives Ràhula a discourse that leads him to the attainment of arahantship.

Bài Kinh Ngắn Giảng Cho La Hầu La.

Phật giảng cho La Hầu La một pháp thoại đưa Ngài đến chứng quả A la hán.

II. Tóm Tắt

Một hôm Phật nghĩ đã đến lúc huấn luyện thêm cho Tôn giả Rahula trong việc đoạn tận các lậu hoặc, vì Tôn giả đã thuần thục trong 15 pháp đem lại giải thoát (tức là tín, tấn, niệm, định, tuệ; 5 tuệ quán vô thường, khổ, vô ngã, từ bỏ, đoạn tận; và năm pháp: bạn lành, giới, thảo luận, tinh tấn, và tuệ.)

Sau bữa ngọ trai, Ngài dạy Tôn giả hãy đem theo tọa cụ, cùng với Ngài đi vào rừng Andha. Sau khi Tôn giả đảnh lễ Phật và ngồi trên tọa cụ, Phật tuần tự hỏi Tôn giả: Mắt, sắc, nhãn thức là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, đau khổ, thì có hợp lý để xem nó là của tôi, là tôi, hay tự ngã của tôi không? Tôn giả đều thưa không.

Với tai, mũi, lưỡi, thân, ý (căn); thanh, hương, vị, xúc, pháp (trần); nhĩ thức, cho đến ý thức (thức) cũng vậy (18 giới). Kế tiếp Ngài hỏi tương tự như trên về nhãn xúc cho đến ý xúc, và Tôn giả cũng đáp như trên. Do xúc khởi lên thọ, tưởng, hành, thức, các pháp được khởi lên đều vô thường, khổ, không nên xem là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi.

Thế Tôn kết luận: Do thấy biết như vậy, đa văn Thánh đệ tử yểm ly căn trần thức, yểm ly xúc thọ tưởng hành. Do yểm ly, vị ấy ly dục; do ly dục, vị ấy giải thoát. Khi giải thoát vị ấy biết tâm đã giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.

Tôn giả Rahula hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, tâm Tôn giả giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ. Hàng ngàn chư thiên đã đi theo đức Phật cũng khởi lên Pháp nhãn ly trần vô cấu, thấy rằng: Tất cả những gì được khởi lên đều phải bị hoại diệt.

III. Chú Giải

Khổ là do xem là tôi và của tôi, một cái vốn dĩ rất vô thường, đau khổ là cái thân xác này với những thọ, tưởng, hành, thức khởi lên từ đấy. Nhưng tất cả cái gì có khởi lên là có chấm dứt, nhờ thấy rõ như vậy mà khởi tâm chán lìa, ly tham, giải thoát. Trí này dường như được gọi là sinh diệt trí.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật thấy Rahula

Ðã thuần thục các pháp

Giúp đem lại giải thoát

- Tín, tấn, niệm, định, tuệ -

Một hôm ngọ trai xong,

Ngài cho theo vào rừng.

Tại ngôi rừng Andha

Sau khi cùng an tọa

Phật hỏi Tôn giả rằng

Con mắt, sắc, nhãn thức

Là thường hay vô thường?

Vô thường khổ hay vui?

Cái gì vô thường, khổ,

Thì có hợp lý chăng

Xem là tôi, của tôi,

Hay tự ngã của tôi?

Tôn giả đều thưa không.

Với tai, mũi, lưỡi, thân,

Ý; và đối tượng chúng

(thanh, hương, vị, xúc, pháp);

Nhĩ thức, cho đến ý thức

Tức 18 giới đều vậy.

Kế tiếp Ngài lại hỏi

Nhãn xúc đến ý xúc,

Tôn giả đáp như trên.

Do xúc khởi lên thọ,

Tưởng, hành, và thức,

Các pháp được khởi lên

Ðều vô thường, đau khổ,

Không nên xem của tôi,

Là tôi, tự ngã tôi.

Thế Tôn bèn kết luận:

Do thấy biết như vậy,

Ða văn Thánh đệ tử

Yểm ly căn trần thức,

Chán xúc thọ tưởng hành.

Do yểm ly, lìa dục;

Do lìa dục, giải thoát.

Và vị ấy biết được:

Tâm này đã giải thoát

Sanh tận, phạm hạnh thành

Việc nên làm đã làm

Không còn trở lui lại.

Ðức Thế Tôn giảng xong

Tôn giả Rahula

Liền hoan hỷ tín thọ

Tâm giải thoát lậu hoặc

Hàng ngàn vị thiên nhân

Cùng theo họ vào rừng

Cùng khởi lên Pháp nhãn

Thấy tất cả những gì

Ðược sinh đều hoại diệt.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 148: Kinh Sáu Sáu (Chachakka Sutta)

I. Toát Yếu

The Six Sets of Six.

An especially profound and penetrating discourse on the contemplation of all the factors of sense experience as not-self.

Sáu Bộ Sáu.

Một bản kinh hết sức thâm thúy sâu xa dạy cách quán mọi yếu tố thuộc kinh nghiệm giác quan đều là phi ngã.

II. Tóm Tắt

Phật gọi các Tỳ kheo giảng về 6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức, 6 xúc, 6 thọ, 6 ái. Thức do duyên căn và trần. Sự gặp gỡ của căn trần thức gọi là xúc. Do 6 xúc có 6 thọ. Do 6 thọ có 6 ái. Nói mắt, sắc hay nhãn thức là tự ngã là không hợp lý vì sự sinh diệt của chúng đã được thấy rõ. Phải đi đến kết luận rằng tự ngã sinh và diệt ở nơi tôi. Mắt, sắc và nhãn thức đều vô ngã, nên nhãn xúc cũng vậy. Cũng vậy là thọ và ái từ đấy sinh ra. Với tai mũi lưỡi thân ý (6 căn) cho đến 6 trần, 6 thức, 6 xúc, 6 thọ, 6 ái cũng thế, đều vô ngã. Ai thấy những pháp ấy là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi, thì đấy là sự tập khởi của thân kiến. Ai quán các pháp ấy không phải của tôi, không là tôi hay tự ngã của tôi, thì đấy là sự đoạn diệt của thân kiến.

Do duyên xúc giữa ba pháp căn trần thức, khởi lên các cảm thọ. Do cảm xúc lạc thọ, một người hoan hỷ, tán thán, ái trước, và tham tùy miên tăng. Do xúc khổ thọ, vị ấy sầu muộn, than khóc, và sân tùy miên tăng. Do cảm xúc bất khổ bất lạc, không như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và giải thoát khỏi cảm thọ ấy, vô minh tùy miên tăng. Chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, không xả trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, không đoạn tận vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không làm cho minh sanh khởi, nên vị ấy không thể chấm dứt khổ đau. Nếu khi lạc thọ khởi lên vị ấy không ái trước tham đắm, khổ thọ khởi lên vị ấy không sầu muộn than van, và khi bất khổ bất lạc khởi lên vị ấy như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và giải thoát khỏi cảm thọ ấy, thì tham sân si tùy miên nơi vị ấy không tăng thêm. Do đoạn tận tham sân si tùy miên đối với cả ba thọ, vị ấy có thể ngay trong hiện tại, chấm dứt khổ đau. Do vậy, Thánh đệ tử yểm ly căn trần thức xúc thọ ái. Do yểm ly, ly tham. Do ly tham, được giải thoát, và biết được tâm đã giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này.

Sau khi Thế Tôn giảng như vậy, có sáu mươi Tỳ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ.

III. Chú Giải

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu nội xứ, tiếp xúc với sáu ngoại xứ là sắc thanh hương vị xúc pháp, khởi lên sáu loại nhận thức. Do xúc giữa căn trần thức khởi lên 6 loại cảm thọ, do 6 loại thọ khởi sáu loại ái, gọi là sáu bộ sáu. Phật phân tích như thế để cho thấy trong đó không có một bản ngã cố định bất biến, nhờ thấy vậy nên không có những khuynh hướng thầm kín (tùy miên) tham, sân, si đối với loại thọ. Nhờ ly tham nên giải thoát. Kinh này cũng gần giống kinh 149 Ðại lục xứ, chỉ trình bày hơi khác.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật gọi các Tỳ kheo

Giảng 6 nội ngoại xứ

Thức, xúc, thọ, và ái

Mỗi thứ đều gồm sáu.

Thức do duyên căn trần,

Căn trần thức gặp gỡ

Thành ra có sáu xúc.

Từ xúc sinh thọ, ái.

Mắt, sắc và nhãn thức

Ðều không phải tự ngã

Vì sinh diệt của chúng

Ðã được thấy rõ ràng.

Phải đi đến kết luận:

Tự ngã sinh và diệt

Ngay chính ở nơi tôi.

Mắt, sắc và nhãn thức

Quả thực đều vô ngã,

Nên nhãn xúc cũng vậy.

Cũng vậy thọ và ái

Từ xúc mà sinh ra.

Tai mũi lưỡi thân ý

Năm căn kia cũng vậy

Cũng vậy là 6 trần,

6 thức và 6 xúc,

6 thọ cùng 6 ái

Tất cả đều vô ngã.

Ai thấy những pháp ấy

Là của tôi, là tôi

Là tự ngã của tôi:

Thì thân kiến tập khởi.

Ai quán các pháp ấy

Không của tôi, không tôi

Hay tự ngã của tôi:

Thân kiến ấy đoạn diệt.

Căn trần thức xúc tiếp,

Khởi lên các cảm thọ.

Do đắm trước lạc thọ,

Tham tùy miên tăng lên.

Do sầu than khổ thọ,

Sân tùy miên tăng lên.

Cảm súc không khổ lạc:

Vô minh tùy miên tăng,

Vì không như thật biết

Sự tập khởi, đoạn diệt,

Vị ngọt và nguy hiểm

Cùng với sự giải thoát

Khỏi các cảm thọ ấy.

Chính do không đoạn tận

Tham tùy miên lạc thọ,

Không trừ sân tùy miên

Ðối với các khổ thọ,

Không đoạn si tùy miên

Bất khổ bất lạc thọ,

Không làm minh sanh khởi,

Nên vị ấy không thể

Dứt khổ đến tận cùng.

Nếu không tham lạc thọ

Không buồn sầu khổ thọ

Và khi không khổ lạc

Như thật biết sinh diệt,

Vị ngọt cùng nguy hiểm

Và giải thoát cảm thọ,

Tham sân si tùy miên

Nơi vị ấy không tăng.

Do đoạn tận tùy miên

Ðối với cả ba thọ,

Vị ấy ngay hiện tại,

Chấm dứt được khổ sầu.

Do vậy, Thánh đệ tử

Yểm ly căn trần thức

Cho đến xúc thọ ái.

Do yểm ly, ly tham.

Do ly tham, giải thoát,

Và tự mình biết được

Tâm đã được giải thoát.

Sanh tận, phạm hạnh thành,

Việc nên làm đã làm,

Một đi không trở lại.

Sau khi Thế Tôn giảng

Có sáu mươi Tỳ kheo

Giải thoát không chấp thủ

Thành lậu tận La hán.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 149: Ðại Lục Xứ (Mahasalayatanika Sutta)

I. Toát Yếu

The Great Sixfold Base.

How wrong view abou the six kinds of sense experience leads to future bondage, while right view about them leads to liberation.

Sáu Xứ Lớn Lao.

Thế nào là tà kiến về sáu loại kinh nghiệm giác quan sẽ đưa đến trói buộc và chánh kiến về chúng sẽ đưa đến giải thoát.

II. Tóm Tắt

Phật dạy các Tỳ kheo: Vì không như thật tuệ tri về 6 căn, 6 trần, 6 thức, 6 xúc và 3 cảm thọ khởi lên do căn trần thức tiếp xúc, nên người ta ái trước lạc thọ, đưa đến sự tích chứa năm thủ uẩn tương lai, tăng trưởng ái đi kèm hỷ và tham, tìm cầu hoan lạc khắp chốn, khiến vị ấy cảm thọ thêm thân khổ và tâm ưu.

Nếu như thật tuệ tri về mắt, sắc và nhãn thức (cũng vậy với 5 căn, trần thức kia, thành 18 giới) thì không ái trước lạc thọ do xúc khởi lên. Do không ái trước nên 5 thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai, ái đưa đến tái sanh bị đoạn tận nơi vị ấy, nên không còn cảm thọ các khổ về thân tâm, vị ấy cảm được lạc thọ.

Một người như vậy thấy như thật các pháp, gọi là chánh kiến, suy nghĩ nơi vị ấy là chánh tư duy, tinh tấn nơi vị ấy là chánh tinh tấn, niệm nơi vị ấy là chánh niệm, định nơi vị ấy là chánh định, còn thân nghiệp ngữ nghiệp và cách sống của vị ấy đều đã thanh tịnh từ trước. Nhờ tu tập vị ấy viên mãn 8 Thánh đạo, 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi. Nơi vị ấy hai pháp được song hành là chỉ và quán. Vị ấy với thượng trí hiểu biết 5 uẩn, đoạn tận vô minh, hữu ái, tu tập chỉ quán, chứng ngộ vô minh và giải thoát.

Ðức Thế Tôn giảng xong, các Tỳ kheo hoan hỷ tín thọ lời Ngài.

III. Chú Giải

Sau khi đã làm sạch thân nghiệp (trừ sát đạo dâm), ngữ nghiệp (không nói dối, hai lưỡi, nói thô tục, nói vô ích) và cách sinh nhai (không hành nghề; khất thực đúng pháp), Tỳ kheo nên biết như thật nguyên nhân của đau khổ để diệt khổ. Nguyên nhân ấy là dục lạc (vui với thanh sắc), vì có vui mới tham đắm, mất cảnh giác. Vì tham đắm nên bôn ba đi tìm, vì đi tìm nên tái sinh chỗ nọ chỗ kia, mãi mãi nhập thai không giải thoát đau khổ. Thấy rõ sắc là vô thường thì thoát ly dục lạc, không còn các khổ thân tâm; đây gọi là ly dục lạc của Thiền định. Nhờ biết lạc này cũng vô thường nên không đắm say Thiền định. Nơi vị ấy luôn song hành hai pháp là chỉ (đình chỉ các ham muốn) và quán (tuệ thấy rõ sinh diệt của các pháp) nên không đam mê các lạc thọ do xúc khởi lên. Tất cả các thiện pháp trong 37 pháp trợ đạo (4 niệm xứ, 4 chánh cần, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi và 8 Thánh đạo) đều bắt nguồn từ chính niệm tỉnh giác đối với dục lạc.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật dạy các Tỳ kheo:

Vì không thấy như thật

Về căn, trần, thức, xúc

(mỗi thứ đều gồm sáu)

Và ba cảm thọ sinh

Do căn trần thức xúc,

Người ta tham lạc thọ,

Ðưa đến sự chứa nhóm

Năm thủ uẩn tương lai,

Tăng trưởng ái hỷ tham,

Tìm hoan lạc khắp chốn,

Cho thân khổ tâm sầu.

Nếu như thật tuệ tri

Về căn trần và thức

(tất cả 18 giới)

Thì không ái trước lạc

Do xúc mà khởi lên.

Do vì không ái trước

Năm thủ uẩn tương lai

Sẽ đi đến tàn diệt,

Ái đưa đến tái sanh

Cũng dứt nơi vị ấy,

Thân tâm không còn khổ

Vị ấy sống an vui.

Người ấy thấy như chân

Nên gọi là chánh kiến,

Nghĩ đúng: chánh tư duy

Siêng đúng: chánh tinh tấn,

Nhớ đúng là chánh niệm,

Tập trung đúng: chánh định.

Còn thân nghiệp ngữ nghiệp

Và cách sống vị ấy

(ba chánh: ngữ, nghiệp, mạng)

Phải thanh tịnh từ trước.

Nhờ tu mà thành tựu

Ðược Thánh đạo tám ngành

Cùng với 4 niệm xứ,

4 chánh cần, thần túc,

Căn lực và giác chi.

Chỉ quán nơi vị ấy

Luôn luôn được song hành

Với thượng trí hiểu biết

5 uẩn là vô ngã,

Ðoạn vô minh, hữu ái,

Tu tập chỉ và quán,

Chứng ngộ minh giải thoát.

Ðức Thế Tôn giảng xong,

Ðại chúng đều hoan hỷ.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 150: Nói Cho Dân Chúng Nagaravinda (Nagaravindeyya Sutta)

I. Toát Yếu

To the Nagaravindans.

The Buddha explains to a group of brahmin householders what kind of recluses and brahmins should be venerated.

(Phật giảng cho một nhóm gia chủ Bà la môn biết hạng Sa môn Bà la môn nào đáng cung kính.)

II. Tóm Tắt

Khi du hành trong làng Nagaravinda của những người Bà la môn tại xứ Kosala, Phật bày cho các gia chủ Bà la môn cách trả lời các câu hỏi. Nếu được hỏi Sa môn Bà la môn nào không đáng tôn kính, cần phải đáp Sa môn Bà la môn nào không lìa tham sân si đối với sắc thanh hương vị xúc pháp, ba nghiệp thân ngữ ý khi vầy khi khác (khi ma khi Phật). Vì như vậy thì không khác gì thế tục. Sao biết một Sa môn hay Bà la môn đã lìa tham sân hay đang trên đường ly dục? Vì thấy họ sống tại các nơi không có sắc thanh hương vị xúc đáng ưa để khởi lòng tham. Các gia chủ Bà la môn hoan hỷ tín thọ và xin trọn đời quy y Phật.

III. Chú Giải

Kinh này có vẻ mâu thuẫn với kinh 152, Tu tập căn, trong đó Phật cốt nhấn mạnh ô nhiễm là do tâm không do căn (mắt tai) hay cảnh (thanh sắc). Nhưng muốn đạt đến trình độ căn tu tập cao nhất của kinh 152, trước hết cũng phải qua giai đoạn đầu là ở rừng, tránh né những nơi dễ kích động tham dục.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Khi du hành trong làng

Na-ga-ra-vin-da

Của người Bà la môn

Tại xứ Ko-sa-la,

Phật bày các gia chủ

Cách trả lời câu hỏi:

Sa môn Bà la môn nào

Là không đáng tôn kính?

Cần đáp ai chưa lìa

Tham sân và si mê

Sắc thanh hương vị xúc;

Ba nghiệp thân ngữ ý

Khi thì vầy khi khác

(tức khi ma khi Phật).

Vì như vậy không khác

Những tục gia đệ tử.

Làm sao mà biết được

Sa môn Bà la môn

Ðã lìa tham sân si

Hoặc đang lìa bỏ dục?

Vì thấy họ thường sống

Tại các nơi cư trú

Không có sắc thanh hương

Hay vị xúc đáng ưa

Ðể khởi lòng tham ái.

Các gia chủ làng này

Rất hoan hỷ tín thọ

Xin trọn đời quy y.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 151: Khất Thực Thanh Tịnh (Pindapataparisuddhi Sutta)

I. Toát Yếu

The Purification of Almsfood.

The Buddha teaches Sariputta how a bikkhu should review himself to make himself worthy of almsfood.

Sự Làm Sạch Đồ Ăn Khất Thực.

Phật dạy Xá Lợi Phất một Tỳ kheo nên quán xét như thế nào để làm cho mình xứng đáng với thực phẩm xin được.

II. Tóm Tắt

Khi đức Thế Tôn ở Trúc lâm thuộc thành Vương xá, một hôm Tôn giả Xá Lợi Phất xuất khỏi Thiền định độc cư, đến hầu Phật. Phật khen các căn của Tôn giả thanh tịnh, làn da trong sáng; và hỏi nay Tôn giả phần lớn an trú tâm như thế nào. Tôn giả bạch Phật, con an trú vào KHÔNG. Phật dạy rất tốt, đấy là sự an trú của bậc đại nhân, tức là an trú Tánh Không.

Rồi Ngài giảng dạy cách an trú Không:

1. Trên đường đi khất thực và trở về, nên tự hỏi mình có khởi lên dục tham, sân, si, hận đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp do sáu căn nhận thức hay không. Nếu có, phải tinh tấn đoạn trừ. Nếu không, nên hoan hỷ ngày đêm tu học các thiện pháp.

2. Lại nên thường tự xét đã đoạn hay chưa năm dục trưởng dưỡng, năm triền cái?

3. Hiểu thấu đáo năm uẩn chưa?

4. Ðã tu tập hay chưa: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo, chỉ và quán?

5. Ta đã chứng minh và giải thoát hay chưa? Tự xét như vậy nếu thấy mình chưa thực hành các pháp ấy thì nên tinh tấn tu tập. Nếu thấy mình có tu tập các pháp ấy thì hãy hoan hỷ tiến tu. Như vậy là cách làm cho sự khất thực của mình được thanh tịnh. Ðấy cũng là cách nghĩ của các Sa môn Bà la môn trong quá khứ, hiện tại, vị lai để làm thanh tịnh sự khất thực.

III. Chú Giải

Muốn xứng đáng với sự cung ứng về các nhu cầu ăn mặc ở bệnh do xã hội mang lại, một người tu cần ý thức tỉnh giác về các ô nhiễm khởi lên để đoạn trừ, hoặc không khởi lên thì hân hoan tu học các thiện pháp.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Khi đức Thế Tôn

Ở vườn Trúc lâm

Thuộc thành Vương xá,

Vào một buổi chiều

Ngài Xá Lợi Phất

Ra khỏi Thiền tịnh

Ði đến hầu Phật.

Phật khen Tôn giả

Các căn thanh tịnh,

Làn da trong sáng;

Và hỏi Tôn giả

Trú tâm thế nào.

Tôn giả bạch Phật,

Con trú vào KHÔNG.

Phật dạy rất tốt,

Ðấy là chỗ trú

Của bậc đại nhân,

Tức trú Tánh Không.

Rồi Ngài giảng dạy

Cách an trú Không:

Trên đường khất thực

Và đi trở về,

Nên thường tự hỏi

Mình có khởi lên

Dục tham, sân, hận

Ðối với các sắc,

Thanh hương vị xúc

Do năm căn nhận

Và đối các pháp

Do ý nhận thức?

Nếu có, đoạn liền.

Lại thường tự xét

Ðã đoạn hay chưa

Năm dục trưởng dưỡng,

Và năm triền cái?

Ðã hiểu thấu đáo

Về năm uẩn chưa?

Ðã tu tập chưa:

Bốn pháp niệm xứ,

Chánh cần, thần túc,

Năm căn, năm lực,

Bảy pháp giác chi,

Và tám Thánh đạo,

Chỉ quán tu chưa?

Ðã chứng hay chưa

Minh và giải thoát?

Tự xét nếu chưa

Thì nên tinh tấn

Tu các pháp này

Nếu mình đã tu

Thì nên hoan hỷ

Tiến đến thành tựu.

Tự xét như vậy

Chính là cách làm

Cho sự khất thực

Trở thành sạch sẽ

Và đấy cũng là

Ðường lối tư duy

Của các Sa môn

Và Bà la môn

Trong cả ba thời

Quá, hiện, vị lai

Ðể làm thanh tịnh

Phẩm vật xin ăn.

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh Số 152: Tu Tập Căn (Indriyabhavana Sutta)

I. Toát Yếu

The Development of the Faculties.

The Buddha explains the supreme development of the control over the sense faculties and the arahants’ mastery over his perceptions.

Sự Tu Tập Các Giác Quan.

Phật giải thích cách tu tập tối thượng là kiểm soát các giác quan và làm chủ các tưởng (nhận thức) nơi vị A la hán.

II. Tóm Tắt

Thanh niên Uttara đệ tử của Bà la môn Pàsàriya đi đến hầu thăm Phật. Phật hỏi Thầy anh dạy đệ tử tu tập căn như thế nào. Thanh niên đáp, mắt đừng thấy sắc, tai đừng nghe tiếng… Bà la môn thuyết giảng về tu tập căn như vậy. Phật dạy nếu thế thì hóa ra mù và điếc là những người tu tập căn cả sao. Thanh niên cúi đầu hổ thẹn vì không trả lời được.

Khi ấy Phật gọi Tôn giả A Nan mà dạy rằng, trong giới luật của các bậc Thánh, Vô thượng căn tu tập không phải như vậy. Tôn giả xin Phật thuyết giảng.

Phật dạy Vô thượng căn tu tập là khi mắt thấy sắc, ý khởi lên hoặc vui, khổ, hoặc khổ, hoặc dửng dưng vị ấy đều biết rõ nhưng cũng biết thêm rằng, cái gì có khởi lên vì là hữu vi nên thô. Chỉ có cái này là thực, thù diệu, đó là xả. Cho nên dù khởi lên bất cứ cảm thọ nào trong ba loại ấy, tất cả đều đoạn diệt chỉ tồn tại xả. Khi tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc, ý nhận thức cũng đều như vậy, tất cả cảm thọ đều đoạn diệt nơi vị ấy, chỉ còn lại xả, như nước không đọng trên lá sen chúc xuống.

Ðạo lộ của bậc hữu học là, mỗi khi các căn xúc tiếp với trần cảnh tự thấy mình còn khởi một trong ba loại cảm thọ ấy mà không xả bỏ, thì lấy làm hổ thẹn. Còn bậc Thánh thì, khi muốn an trú tưởng yểm ly (đối với vật khả ái) hoặc tưởng không yểm ly (như khởi tâm từ trước sự vật đáng chán ghét) hoặc tưởng xả, đều có thể làm được như ý muốn. Ðây là sự tu tập căn đối với bậc Thánh.

Vậy, này A Nan, Ta đã giảng thế nào là Vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh, thế nào là đạo lộ bậc hữu học, thế nào là các căn đã được tu tập nơi bậc Thánh. Ðây là những gốc cây, chỗ trống, các người hãy Thiền tư chớ phóng dật mà phải hối hận về sau.

III. Chú Giải

Kinh này phân biệt giữa lối tu tập còn chấp tướng và lối tu vô tướng. Chấp tướng là lối tu nhắm mắt bưng tai, không dám tiếp xúc với đời vì sợ nổi tham, sân… vì quan niệm nhiễm ô là do ngoại cảnh. Phật dạy kinh này cốt cho thấy cách ấy sai. Vì ô nhiễm là ở tâm, không phải ở nơi con mắt hay sắc đẹp. Cho nên Phật nhấn mạnh lối tu có Trí tuệ, là khi mắt thấy sắc, phải ý thức sự ưa, ghét, hay dửng dưng đang khởi lên, lại rõ biết ba loại cảm thọ ấy vô thường vì sẽ thay đổi, chấm dứt. Như vậy thì không đến nỗi yêu mê man tàn tật hay ghét cay ghét đắng. Thái độ quá khích này là do vô ý thức. Khi có ý thức thì chỉ chứng kiến tất cả nhưng cái tôi không can dự. Ấy gọi là giải thoát nhờ tuệ, không cần tránh né sắc thanh, không cần trốn đời để vào trong núi. Ðấy là tu tập giác quan cách cao nhất. Bất cứ gì cũng không thể khuấy động người ấy, như nước không đọng lại trên lá sen lá môn.

Tu tập theo kiểu ấy khi chưa thành tựu (có khi cũng còn nổi ưa ghét) thì gọi là hữu học, vì còn phải tự chế, tự tri. Khi đã thành tựu, hoàn toàn làm chủ yêu ghét thì gọi là tự tại, thái độ của một bậc A la hán vô học. Khi cần yêu, vị ấy yêu. Như gặp ai làm hại mình, đánh giết mình, vị ấy có thể khởi lên niềm thương yêu lai láng, như thái độ của chúa Giê su khi bị đóng đinh. Khi cần chán ghét, vị ấy chán ghét. Ấy là khi sắc đẹp tiếng hay muốn đến dẫn dụ mình, thì khởi chán ghét để dù thấy nghe cũng như không.

IV. Pháp Số Liên Hệ

V. Kệ Học Thuộc Lòng

Phật hỏi Uttara

Ðệ tử Bà la môn

Thầy anh dạy những gì

Về các căn tu tập.

Thanh niên đáp lời rằng

Con mắt chớ thấy sắc,

Tai đừng nghe âm thanh…

Tu tập căn là vậy.

Phật dạy nếu thế thì

Hóa ra mù và điếc

Lại chính là những người

Tu tập căn tối thượng?

Thanh niên không đáp được

Phật bèn gọi A Nan

Dạy cách tu tập căn

Trong giới luật bậc Thánh:

Khi con mắt thấy sắc,

Ý có thể khởi lên

Vui, khổ, hoặc dửng dưng

Vị ấy đều biết rõ.

Nhưng cũng biết thêm rằng,

Cái gì có khởi lên

Vì hữu vi nên thô.

Chỉ là xả thù diệu.

Cho nên dù khởi lên

Bất cứ cảm thọ nào

Tất cả đều đoạn diệt

Chỉ tồn tại tâm xả.

Khi tai nghe, mũi ngửi,

Lưỡi nếm, thân xúc giác,

Ý nhận thức các pháp

Cũng đều như vậy cả

Ðoạn diệt mọi cảm thọ

Chỉ còn duy nhất xả,

Như nước không đọng lại

Trên lá sen chúc xuống.

Một vị hữu học đạo

Mỗi khi căn xúc cảnh

Tự thấy mình còn khởi

Một trong ba cảm thọ

Mà không xả bỏ liền,

Thì lấy làm hổ thẹn.

Còn đối với bậc Thánh

Thì có thể tùy nghi:

Hoặc trú tưởng yểm ly

(đối với vật khả ái)

Hoặc tưởng không yểm ly

(như là khởi tâm từ

trước sự vật đáng chán)

Hoặc ý tưởng xả bỏ,

Không gì không thể làm.

Ðây là tu tập căn

Ở nơi một bậc Thánh.

Vậy, này hỡi A Nan,

Vô thượng căn tu tập

Trong giới luật bậc Thánh,

Ðã được Ta giảng dạy

Đạo lộ tu tập căn

Hữu học và vô học,

Ta cũng đã nói xong.

Hãy đến nơi gốc cây,

Hoặc chỗ nào vắng vẻ,

Mà tư duy tu tập

Chớ phóng dật buông lung

Ðể về sau hối hận.

(Hết Quyển III)