Mùa An Cư Tự Tứ

image
"An cư" theo nguyên nghĩa là ở yên một chỗ. Tiếng Pali, Vassavàsa là sự cư ngụ trong mùa mưa(*). Theo lịch sử Phật giáo, năm 528 trước Tây lịch là năm Đức Phật Thích Ca thành đạo, cũng là năm đầu tiên thành lập Tăng đoàn. Đầu mùa hạ, Đức Phật cùng 61 vị đệ tử yên tu nơi Lộc Uyển, nhưng chưa định chế Luật an cư. Do nhóm Lục quần Tỳ kheo thường xuyên qua lại suốt năm, cả trong mùa mưa nước lớn, bị dân chúng chỉ trích là "Sa môn đi đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống côn trùng, có khi trôi mất y bát, tọa cụ", nên Đức Phật nhân đó quở trách và đặt ra Luật an cư trong ba tháng mùa hạ.

Mùa An Cư Tự Tứ

Thích Thông Huệ

Đối với Phật tử tại gia, nói đến Vu Lan là nói đến sự nhớ ơn và đền ơn. Các vị vân tập về chùa trong những ngày nầy, được nhắc nhở và thấm thía về bốn ơn lớn mà ai cũng phải cưu mang và tìm cách đáp đền; nhờ vậy đạo đức được tôn vinh, tình người càng thắm thiết. Riêng với hàng tu sĩ, ba tháng hạ còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Đây là cột mốc đánh dấu từng bước tiến trên lộ trình tu tập, là cơ hội tự quay lại soi sáng chính mình, là điều kiện tốt để rèn luyện ý chí và trau dồi phẩm hạnh, ngày càng đến gần mục đích cuối cùng là Giác ngộ - Giải thoát.

"An cư" theo nguyên nghĩa là ở yên một chỗ. Tiếng Pali, Vassavàsa là sự cư ngụ trong mùa mưa(*). Theo lịch sử Phật giáo, năm 528 trước Tây lịch là năm Đức Phật Thích Ca thành đạo, cũng là năm đầu tiên thành lập Tăng đoàn. Đầu mùa hạ, Đức Phật cùng 61 vị đệ tử yên tu nơi Lộc Uyển, nhưng chưa định chế Luật an cư. Do nhóm Lục quần Tỳ kheo thường xuyên qua lại suốt năm, cả trong mùa mưa nước lớn, bị dân chúng chỉ trích là "Sa môn đi đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống côn trùng, có khi trôi mất y bát, tọa cụ", nên Đức Phật nhân đó quở trách và đặt ra Luật an cư trong ba tháng mùa hạ.

Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: "Giới là cội gốc của Bồ đề, là cửa ngõ của Niết bàn, là chiếc thuyền đưa chúng sanh qua biển sanh tử". Giới luật nhà Phật không phải là những giáo điều, những quy định pháp lý cứng nhắc, mà là những nguyên tắc sinh hoạt tu hành có tính tự nguyện. Mỗi người có quyền giữ gìn tôn trọng hay không, và tự mình được hưởng kết quả tốt hay gánh chịu hậu quả xấu tùy hành động của mình. Một vị Tỳ kheo ít dục, biết đủ, đoạn giảm, viễn ly, cầu thiện hành, được Đức Phật tán thán là hạng đệ nhất, tối thắng, thượng thủ trong hàng tứ chúng (Kinh Tăng Chi Bộ). Tỳ kheo "ít dục, biết đủ" tức là căn bản đoạn trừ tham lam, là một trong ba độc, là nguồn gốc của ngọn lửa sân có thể thiêu cháy cả rừng công đức. Tỳ kheo biết "đoạn giảm" là biết chế ngự, dần dần triệt tiêu phiền não kiết sử. Tỳ kheo "viễn ly" là biết xa lìa những duyên sự thế gian, những ràng buộc của ái dục. Tỳ kheo "cầu thiện hành" là cầu làm tất cả các điều lành để thiện nghiệp ngày càng tăng trưởng. Tích cực giữ gìn cấm giới là nội dung đầu tiên và căn bản, luôn được nhắc nhở và đề cao trong mùa an cư. Từ bước đầu tiên ấy, các vị Tỳ kheo tịnh tu ba nghiệp thân - miệng - ý, tu tập Tam huệ học (Văn-Tư-Tu) và Tam vô lậu học ( Giới-Định-Tuệ).

Nói như thế, không có nghĩa là việc tu hành chỉ chú trọng trong ba tháng hạ, bởi vì đó là một tiến trình liên tục và trường diễn. Tuy nhiên, vào những ngày bình thường, do bận rộn học tập giảng dạy ở trường lớp, do làm nhiều Phật sự phải tiếp duyên xúc cảnh, nên sự thúc liễm thân tâm không mạnh mẽ bằng thời gian ở yên trong môi trường thanh tịnh, cùng đại chúng tập trung. Đặc biệt với các vị Tăng ni trẻ, trường hạ còn là nơi thuận lợi để được gần gũi, học hỏi về giới hạnh và sở tu của các vị tôn túc giáo phẩm, những bậc đạo cao đức trọng đã có quá trình tu chứng.

Trở lại vấn đề giới luật, ngoài việc áp dụng cho từng cá nhân người tu, còn có những nguyên tắc sống chung trong tập thể Tăng đoàn. Tinh thần Lục hòa cộng trụ là động lực thúc đẩy tăng đoàn phát triển và hoàn thiện, trong đó có sự bình đẳng là trọng tâm: Bình đẳng về vật chất (Thân hòa đồng trụ, lợi hòa đồng quân), bình đẳng trong luật chế (Giới hòa đồng tu), hòa hợp trong tư tưởng và lời nói (kiến hòa đồng giải, ý hòa đồng duyệt, khẩu hòa vô tránh). Nhờ sống theo tinh thần này nên đại chúng có sự hòa hợp từ hình thức đến nội dung, như lời Phật dạy: "Để Tăng già được ổn thuận, để kềm giữ các Tỳ kheo khó kềm giữ, để các thiện Tỳ kheo được ổn cố tự thân". Thanh tịnh thân tâm từng cá thể và hòa hợp trong đời sống tập thể là ý nghĩa sâu xa và cao quý cả hai chữ Tăng già (Sangha).

Mùa an cư không những có tầm quan trọng đặc biệt đối với cộng đồng Tăng lữ và cá nhân từng tu sĩ xuất gia, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường xung quanh và toàn thể xã hội. Vì sao nói như thế? - Ngoài lòng từ bi tránh việc vô tình làm hại côn trùng cây cỏ nếu qua lại thường xuyên trong mùa mưa, các vị tu sĩ còn được nhắc đến bốn ơn nặng phải đền, trong đó có ơn chúng sanh hữu tình và vô tình. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường sống được đề cao, người tu không làm bất cứ điều gì tổn hại đến tất cả chúng sanh, dù là chúng sanh hạ đẳng. Khoa học đã chứng minh, ngay cả cây cỏ cũng cảm nhận được sự thiện ác trong tư tưởng con người. Một tư tưởng tốt khởi lên, có thể tạo một từ lực làm môi trường được thanh lương; một tư tưởng xấu ác cũng làm vạn vật chịu ảnh hưởng theo chiều ngược lại. Ý thức lăng xăng của người bình thường còn có khả năng tác động đến môi sinh như thế, huống gì tâm thanh tịnh của một vị tu hành đắc lực và hơn nữa của cả một tập thể Tăng - già!

Về phương diện xã hội, nếu đạo đức được tôn vinh, nếu có nhiều người tu theo tinh thần "tốt đời đẹp đạo", xã hội ấy sẽ được bình an phúc lạc. Bởi vì mỗi người đều có quan hệ hữu cơ với mọi người mọi vật, nên người tu sĩ với ba nghiệp thanh tịnh sẽ có sức cảm hóa lớn đối với cộng đồng, không những bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo. Do vậy, Tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh sẽ giúp tịnh hóa nhân sinh, từ đó góp phần an định xã hội.

Những vị đệ tử trong thời Đức Phật, nhờ tập trung toàn lực trau dồi phẩm hạnh, thực hiện thanh quy, tịnh hóa thân-miệng-ý và tu tập Giới-Định-Tuệ, nhiều vị đã đắc thánh quả sau ba tháng an cư. Kết quả nầy khẳng định sự thành công của Luật hạ, và là một nguyên nhân khiến an cư trở thành truyền thống tu học cho tất cả Tăng ni. Theo Phật giáo Nam tông, có hai khoảng thời gian an cư trong năm: Tiền an cư từ 16/6 đến 15/9 Âl; Hậu an cư từ 16/7 đến 15/10 Âl. Nếu bận việc, không nhập hạ vào thời gian Tiền an cư, hành giả có thể xin Hậu an cư, nhưng không được hưởng quả báu Kathina; nếu cố ý không nhập hạ, vị ấy phạm tội Tác ác (Dukkata). Theo Bắc tông, thời gian an cư từ 15/4 đến 15/7, và ngày Hưu hạ Tự tứ là 14 - 15 hoặc 16/7 Âl. Trong ngày ấy, chư Tăng tụ họp lại tự cử lỗi mình và thỉnh cầu đại chúng, nếu thấy - nghe hay nghi mình phạm lỗi, xin tuyên ra để mình sửa đổi. Tinh thần "phê và tự phê bình" một cách trân trọng, chân thành và hoan hỉ làm toàn thể đại chúng đều được thanh tịnh. Sau một mùa an cư, mỗi vị tu sĩ thực hiện nghiêm túc theo luật nghi sẽ được thêm một tuổi hạ. Hạ lạp là tiêu chuẩn quy định sự trưởng thành của người tu và tôn ti trật tự trong Tăng đoàn. Điều nầy nói lên sự trân trọng về đức độ và về quá trình tu học, vì đạo Phật chủ trương rằng, trí tuệ thế gian vay mượn từ bên ngoài (Trí hữu sư) không thể nào sánh nổi Trí tuệ vô sư xuất thế gian do quá trình tu đạo và chứng đạo.

Nhờ tự thân nỗ lực, tinh chuyên hành trì, lại dám tự cử lỗi và thành tâm sám hối, nên vị Tỳ kheo được thanh tịnh ba nghiệp sau ngày Tự tứ. Thân tâm thanh tịnh nên trên tương ưng cùng chư Phật Bồ Tát, dưới có thể chuyển hóa tâm người, kể cả người đã khuất; sức chú nguyện của chư Tăng vì thế thật bất khả tư nghì. Điều này giải thích tại sao Đức Phật dạy Ngài Mục-Liên nên cung thỉnh chư vị Hiền Thánh Tăng làm lễ cầu siêu cho thân mẫu nhân ngày Tự tứ, và kết quả là mẹ Ngài thoát kiếp Ngạ quỷ, sanh về cõi Trời. Trong đời hiện tại, chúng ta khó thể gặp chư Hiền Thánh Tăng, nhưng với lòng chí thành chí kính của gia chủ, sự thanh khiết của tài vật cúng dường, kết hợp với cộng lực chú nguyện của các vị Tăng ni trai giới nghiêm cẩn, cũng có thể hoán cải tâm người đã khuất, buổi lễ cầu siêu cũng có kết quả nhất định.

Riêng với hàng Phật tử, mùa Vu-Lan là cơ hội để chúng ta vừa tu học vừa tạo phước duyên, theo tinh thần Phước huệ song tu luôn được nhắc nhở và đề cao trong đạo Phật. Chúng ta đến chùa nghe pháp, hiểu rõ ý nghĩa báo ân báo hiếu, thực hiện đúng lời chỉ dạy của quý Thầy để trở thành người thật sự có đạo đức. Chúng ta thọ Bát quan trai giới, học làm người xuất gia trong một ngày, gieo chủng tử xuất thế gian để thăng tiến nhanh trên đường đạo. Chúng ta cúng dường Trường hạ, công quả tại chùa, trợ duyên cho chư Tăng ni trong những việc Phật sự và trong sinh hoạt thường nhật, để quý vị có đủ điều kiện tu học. Tất cả việc làm ấy chỉ nhằm mục đích gieo duyên lành cùng Phật pháp, nhờ thiện nghiệp giúp ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại trên đường tu. Bằng sự quan tâm đúng mức đến sinh hoạt và tu học của chư Tăng ni, bằng tâm thành thiết tha đến tương lai của Giáo hội và tiền đồ của Đạo pháp, bằng sự kính ngưỡng Đức Bổn Sư như một bậc Thầy dẫn đường chứ không như một thần linh ban phước giáng họa, sự cúng dường của chúng ta mới đúng pháp và đầy đủ ý nghĩa.

Hiếu là độ được song thân,

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.

Trải qua vô lượng kiếp luân hồi, tất cả chúng sanh đều có sự liên hệ gia đình huyết thống với bản thân ta. Người con Hiếu đúng nghĩa không phải chỉ lo phụng dưỡng về vật chất, tinh thần và tâm linh cho cha mẹ đời nầy, mà còn phải độ cha mẹ nhiều đời thoát khỏi trầm luân sanh tử. Chữ Nhân đích thực không chỉ là tình thương đối với đồng loại, mà còn là lòng từ bi bình đẳng đối với muôn loài chúng sanh hữu tình và vô tình. Phát khởi tâm nguyện tự lợi - lợi tha, tự độ - độ tha, tự giác - giác tha là bước đầu trên lộ trình tâm linh của một vị tu Bồ Tát đạo, hành Bồ Tát hạnh. Giữ gìn phẩm hạnh, nỗ lực công phu, thể hiện tốt pháp Lục hòa và tùy duyên hóa độ chúng sanh, là những nội dung tu học để tâm nguyện ấy được thành tựu. Dù trong đời mạt pháp, kết quả an cư không được như khi Đức Phật còn tại thế, nhưng nếu bản thân quyết chí hành trì và nương sức cộng tu của đại chúng, hành giả cũng có sự tiến bộ vượt bậc.

An cư là điều kiện tối cần thiết và là cơ hội thuận lợi nhất để người xuất gia tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ và tự thân giải thoát. Người tu đắc đạo, với đầy đủ định lực - trí lực và công đức lực, có thể báo đền mọi ân tình ân nghĩa một cách tích cực và trọn vẹn, chính là người thực hiện đầy đủ ý nghĩa cao cả của hai chữ Hiếu vaø Nhân. Có thể nói, ba tháng an cư là thời gian lý tưởng để tứ chúng đồng tu, để nâng cao sức sống của Tăng đoàn bằng sự thanh tịnh và hòa hợp, để Giáo hội được phát triển và hoàn thiện; từ đó, Phật pháp được xương minh, Tam Bảo được trường tồn.

Xin cảm ơn đạo hữu Bùi Hữu Huy, đã gởi những bài viết này cho trang nhà, với sự đồng ý của tác giả, và đã được tác giả duyệt qua. BTTDTKVN