Lịch sử hình thành tổ chức IOC

Lịch sử hình thành tổ chức IOC

Vào ngày 15-12-1999, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, phiên họp 54, mục 174 của chương trình nghị sự, Liên hợp quốc đã chính thức thừa nhận và tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là ngày Tam hợp (tương đương với tháng 5 dương lịch) như ngày lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới của Liên hợp quốc tại trụ sở của Liên hợp quốc và các trung tâm Liên hợp quốc ở khu vực từ năm 2000 trở đi.


   Vào năm 2000, Ngày Phật Đản đã được các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia đồng long trọng tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc, New York.

   Tháng 5 năm 2004, Hội thảo Phật giáo quốc tế (International Buddhist Conference, viết tắt là IBC) đã được chính phủ Hoàng gia Thái Lan bảo trợ và trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn tổ chức tại Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, với sự tham dự của trên 35 quốc gia và hàng trăm phái đoàn Phật giáo quốc tế. Tháng 6 cùng năm, các hoạt động đại lễ Phật đản đã được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc, New York , Hoa Kỳ. Tháng 7 cùng năm, nhân Hội thảo Phật giáo quốc tế về chủ đề “Phật giáo Thượng tọa bộ và Đại thừa” (Theravada and Mahayana Buddhism) đã được tổ chức tại hội trường Buddhamonthon và trung tâm Liên hợp quốc, Bangkok, dưới sự bảo trợ của chính phủ hoàng gia Thái Lan và sự đồng thuận của Hội đồng Tăng thống Thái Lan (Thai Sangha Supreme Council). Tại Hội thảo lịch sử này các quốc gia tham dự đồng thuận Thái Lan làm nước đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (ĐLPĐLHQ) vào năm 2005.

   Trong phiên họp khoáng đại vào tháng 4-2005, Hội đồng Tăng thống Thái Lan đã công cử Trường Đại học Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức ĐLPĐLHQ 2005. Kết quả là vào ngày 18-21 tháng 5 năm 2005, Hội thảo Phật giáo thế giới đã được tổ chức để đánh dấu tuần lễ Phật đản tại Sanamluang, Buddhamonthon và Trung tâm Liên hợp quốc Châu Á Thái Bình Dương. Trong thông báo chung năm đó, các vị lãnh đạo Phật giáo từ 42 quốc gia đã chấp thuận Buddhamonthon là Trung tâm Phật giáo thế giới (Buddhist Center of the World) và đồng chấp nhận trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức ĐLPĐLHQ những năm kế tiếp.

   Vào ngày 9-9-2005 tại phiên họp khoáng đại, Hội đồng Tăng thống Thái Lan đã công cử trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn với vai trò thay mặt GHPG Thái Lan tổ chức ĐLPĐLHQ. Ngày 7-10 tháng 5 năm 2006, tại Hội trường Liên hợp quốc Châu Á Thái Bình Dương và Buddhamonthon, Đại lễ Tam hợp đã được tổ chức gắn liền với lễ kỷ niệm 60 năm lên ngôi của đức vua Bhumipol.

   Lãnh đạo Phật giáo từ 48 quốc gia đã tham dự Hội thảo Phật giáo quốc tế này. Trong thông cáo chung, tất cả đã ký vào bản thỏa hiệp chấp nhận trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức ĐLPĐLHQ 2007, đồng thời kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi của đức vua Thái Lan.

   Vào ngày 29-5-2007, trong lễ bế mạc ĐLPĐLHQ, sau khi xem xét thư thỉnh nguyện của GHPGVN và thư đăng ký đăng cai của Bộ Ngoại Giao nước ta, Hòa thượng Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương ĐLPĐLHQ công bố trước hơn 500 đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam sẽ là nước đăng cai ĐLPĐLHQ 2008 và GSTS. Lê Mạnh Thát Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM làm chủ tịch Ban tổ chức quốc tế.

   Để có được kết quả đăng cai, ngày 28-4-2007 Hòa thượng Thích Hiển Pháp đã thay mặt GHPGVN gởi công văn đến Ban tổ chức quốc tế và chính phủ Hoàng gia Thái Lan. Vào ngày 2-3/5/2007, GSTS. Lê Mạnh Thát và ĐĐ.TS Thích Nhật Từ đã thay mặt GHPGVN đến làm việc với Ban tổ chức quốc tế để thảo luận về Thỏa hiệp chuyển giao cho Việt Nam đăng cai tổ chức ĐLPĐLHQ 2008 tại Việt Nam. Trong công văn của Trưởng ban tổ chức quốc tế ký ngày 3-5-2007 và công hàm của Phó Thủ tướng chính phủ Thái Lan ký vào tháng 5-2007 đã nhất trí ủng hộ Việt Nam làm nước đăng cai, với điều kiện chính phủ Việt Nam phải gởi công hàm yêu cầu được đăng cai. Ngày 17-5-2007, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gởi công hàm số 241 yêu cầu chính phủ Thái Lan và trưởng ban tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam làm nước đăng cai. Trong các phiên họp ngày 23/5/2007, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã thay mặt nước ta yêu cầu Ban tổ chức quốc tế xem xét tình trạng đăng cai của Việt Nam. Sau hơn hai ngày làm việc với ba nước đương đơn, GSTS. Lê Mạnh Thát và ĐĐ. Thích Nhật Từ đã thuyết phục được IOC chấp thuận Việt Nam đăng cai ĐLPĐLHQ năm 2008. Điều này đã được xác lập bằng công văn của chủ tịch IOC gởi cho Thủ tướng Việt Nam vào ngày 25/5/2007 cũng như đã được công bố trong lễ bế mạc và được ghi nhận tại điều 2 của Tuyên bố Bangkok về Phật đản 2007.