Bốn phương diện của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc

Bốn phương diện của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc

Trên cơ sở ý nghĩa và mục đích vừa nêu, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (ĐLPĐLHQ) không chỉ đơn thuần là lễ hội tôn giáo như cách thức chúng ta thường tổ chức hằng năm tại các lễ đài tập trung tại chùa Vĩnh Nghiêm (Tp.HCM), hay chùa Quán Sứ hoặc Học viện PGVN tại Sóc Sơn (Hà Nội), mà còn bao gồm ba phương diện quan trọng khác, đó là, văn hoá, hội thảo và hành trì. Bốn phương diện ĐLPĐLHQ này cần lưu tâm và phát huy theo tinh thần gắn liền với chủ trương của LHQ.


        1. Phương diện tín ngưỡng

         Yếu tố tín ngưỡng của ĐLPĐLHQ được thể hiện ở hai tình huống: a) Khoá lễ tụng kinh ngắn của các trường phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa trước khi Hội thảo chính thức được diễn ra vào đầu mỗi ngày làm việc, b) Khoá lễ Phật đản ngoài trời trong khuôn viên của APEC theo cách của một lễ đài tập trung, hoành tráng và trọng thể.

Phương diện tín ngưỡng ở mục b) này do GHPGVN làm chủ lễ. Bên cạnh đó, nên khuyến khích các Ban trị sự Tỉnh thành hội PG trên toàn quốc, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và Huế cần làm hoành tráng hơn mọi năm (bao gồm làm vườn Lâm-tì-ni, treo cờ Phật giáo ở tư gia và xe hoa nhiễu hành trên đường phố) để chào mừng sự kiện trọng đại này. Vai trò của GHPGVN rất quan trọng về phương diện này.

2. Phương diện văn hóa

Vì lễ Tam hợp được Liên hợp quốc thừa nhận là ngày quốc tế của Liên hợp quốc về tôn giáo và văn hoá nên yếu tố văn hoá của lễ hội cần phải được quan tâm đặc biệt. Triển lãm nghệ thuật Phật giáo và show diễn múa tạp kỷ về văn hoá Phật giáo và văn hoá Việt Nam cần được thực hiện.

Cần có triển lãm nghệ thuật Phật giáo thể hiện được bản sắc văn hoá Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng theo tinh thần tiếp biến văn hoá. Loại hình triển lãm bao gồm: a) Hình ảnh nghệ thuật và kiến trúc về sinh hoạt Phật sự của Phật giáo Việt Nam, b) Các kỷ lục văn hoá của Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam (Vietbooks sẽ hỗ trợ phần này), c) Tranh thuỷ mặc và sơn dầu nghệ thuật Phật giáo của nhiều hoạ sĩ Phật giáo nỗi tiếng trong nước, d) Thư pháp nghệ thuật về các chủ đề Phật pháp, e) Di vật văn hoá Phật giáo (trái tim Bồ-tát Quảng Đức, xá lợi của các cao tăng Phật giáo hiện đại, di vật văn hoá quan trọng, các pháp khí quý báu, v.v…).

Nét đặc trưng văn hoá của đại lễ Phật đản tại Việt Nam là lễ đài tập trung, diễu hành xe hoa Phật đản, hoa đăng Phật đản trên sông nước, các loại lồng đèn Phật đản và thiệp Phật đản. Dưới sự cho phép của nhà nước, GH ra thông tư kêu gọi các Ban trị sự tỉnh thành tổ chức lễ đài tập trung tại 54 tỉnh thành; đồng thời tổ chức xe hoa lộng lẫy, Tăng Ni và Phật tử toàn quốc gởi thiệp Phật đản chúc mừng nhau như dịp tết dân tộc, tư gia Phật tử nên treo cờ Phật giáo và lồng đèn Phật giáo trước tuần lễ Phật đản để không khí Phật đản trở nên phổ quát hoá.

Trong bốn năm qua, phương diện biểu diễn múa nghệ thuật của Thái Lan diễn ra suốt 4 ngày, sáng từ 9h00 đến 22h00 với sự tham dự của khoảng 20 quốc gia. Trong trường hợp nước ta, chủ yếu là biểu diễn các loại hình nghệ thuật tạp kỷ của Việt Nam, nhằm giới thiệu thế giới sắc thái đa dạng văn hoá của Việt Nam . Chỉ mời chọn lọc một vài đoàn múa nghệ Phật giáo ngoại quốc tiêu biểu để tạo sắc thái phong phú cho lễ hội.

Chương trình biểu diễn văn hoá của Việt Nam nên được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4, bao gồm ba ngày với ba thể loại khác nhau như: a) Tuồng cải lương về cuộc đời đức Phật (ngày 14-5-07 dành cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam), b) Biểu diễn múa truyền thống dân tộc và Phật giáo với các tiết mục tạp kỷ (ngày 15-5 dành cho các phái đoàn Phật giáo quốc tế), c) Chương trình văn nghệ tân nhạc Phật giáo “Hoa Vô Ưu Nở” (ngày 16-5 dành cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam).

Show diễn văn hoá truyền thống Phật giáo và văn hoá dân tộc bao gồm các tiết mục múa của nhiều dân tộc, do các đoàn múa nghệ thuật nỗi tiếng nhất của Việt Nam thực hiện một cách quy mô và hoành tráng. Chương trình cải lương và tân nhạc Phật giáo sẽ do nghệ sĩ, ca sĩ tài danh biểu diễn. Phần tạp kỷ trong chương trình có sự tham dự của các kỷ lục gia của Việt Nam về lãnh vực. Sẽ có dự thảo chi tiết về chương trình này.

3. Phương diện hội thảo

Đây là phương diện trọng tâm nhất của ĐLPĐLHQ, vì nó quyết định giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của đại lễ. Chủ đề hội thảo ĐLPĐLHQ 2008 nên gắn liền với truyền thống và bản sắc của đất nước Việt Nam trong giai đoạn mới và đạo Phật Việt Nam như cách thức gián tiếp giới thiệu với thế giới về giá trị và đóng góp của đất nước và Phật giáo Việt Nam.

Có ba vị được mời thuyết trình chính (keynote speakers) về chủ đề hội thảo: a) Thiền sư Nhất Hạnh (Pháp quốc, sự có mặt của Thiền sư tại Thái Lan vừa rồi đã được các phương tiện báo đài Thái Lan đề cập còn quan trọng hơn cả ĐLPĐLHQ), b) HTTS. Bodhi Bhikkhu (Hoa Kỳ, nhà dịch giả Kinh tạng Pali ra tiếng Anh, đang làm đạo tại chùa Trang Nghiêm ở bang Connecticus), c) Nhà Nobel kinh tế GSTS. Amatya Sen.

Bên cạnh các bài thuyết trình chính, dự kiến, uỷ ban thư ký quốc tế sẽ vận động tối thiểu 300 bài tham luận trong số hơn 1000 tham dự viên quốc tế, thể hiện hai sắc thái học thuật và ứng dụng hành trì của Phật giáo. Sẽ vận động các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoại nước đóng góp khoảng 80 bài viết về chủ đề chính và các chủ đề phụ. Các bài tham luận sẽ được in thành khoảng 7 tập, song song với tập sách “Thông điệp” của các giáo hội Phật giáo và các nguyên thủ quốc gia, ít nhất nửa tháng trước khi ĐLPĐLHQ diễn ra. Thực hiện được quy mô dự kiến vừa nêu sẽ nâng tầm vóc Việt Nam cao hơn các quốc gia bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc về phương diện học thuật của hội thảo Phật giáo mang tầm vóc quốc tế.

4. Phương diện hành trì

Nên có ít nhất hai khoá tu chánh niệm dành cho gia đình Phật tử toàn quốc, một hình thái Phật giáo nhập thế, mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, mà các quốc gia Phật giáo khác không có.

 Các khoá tu cách nhau khoảng 3 tháng một lần, mỗi lần 1 tuần lễ. Đối tượng khoá tu là các huynh trưởng và đoàn sinh gia đình Phật tử, một mô hình độc nhất của Phật giáo Việt Nam .

Một khoá tu đặc biệt dành cho khoảng 500 người ngoại quốc do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn, một tuần lễ trước khi ĐLPĐLHQ được diễn ra. Thành phần này sẽ trở thành khách mời dự thính của Đại lễ, góp phần tạo nên sự hoành tráng của Đại lễ.

Phương diện hành trì khác của Đại lễ là các tham dự viên đều thực tập thiền quán mỗi sáng và thực tập thiền hành mỗi chiều trước khi kết thúc chương trình làm việc trong ngày, để tâm thức được nhẹ nhàng và thư thái.

5. Phương diện du lịch văn hóa tâm linh

Bên cạnh việc giới thiệu về vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam, các điểm du lịch văn hóa tâm linh còn nhằm khẳng định một cách bao quát bản sắc văn hoá Phật giáo Việt Nam hoà quyện với văn hoá dân tộc, đồng thời nêu bật được tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam trong lịch sử đã góp phần bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam.

Để giúp du khách có thể có cái nhìn về văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt nam, nên có ba Tour du lịch khác nhau. Tour 1 là quần thể Yên Tử (Hoa Yên và Chùa Lân). Tour 2: Vịnh Hạ Long. Tour 3: Chùa Bái Đính và khu du lịch Tràng An.