Liệu Việt Nam lại bị đưa vào danh sách các nước đáng quan ngại về tự do tôn giáo ?

Khi công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giớI, vào hôm qua, 26/10/2009, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết là danh sách các nước đáng quan ngại về tự do tôn giáo (gọi tắt là CPC) chỉ được công bố vào cuối năm nay.

Câu hỏi mà các nhà quan sát đang đặt ra hôm nay là trong bối cảnh chính quyền Việt Nam hiện đang gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng trong nước, trong đó có những người đấu tranh bảo vệ quyền tự do tôn giáo, liệu Hà NộI có bị ghi tên trở lại vào danh sách đen này hay không ?

Hiện nay, danh sách CPC vẫn bao gồm 8 quốc gia là Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Xê Út, Sudan và Uzbekistan. Việt Nam đã từng bị đưa vào danh sách này trong hai năm 2004 và 2005. Qua năm 2006, trước chuyến công du Việt Nam của tổng thống Mỹ G. Bush, bộ Ngoại giao Mỹ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách này. Chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục duy trì tình trạng kể trên trong hai năm sau đó, cho dù giới bảo vệ tự do tôn giáo đã thường xuyên gây sức ép đòi trừng phạt Việt Nam trở lại.

Phải nói rằng việc bị đưa vào danh sách CPC là một biện pháp trừng phạt, vì theo luật lệ hiện hành tại Hoa Kỳ, các nước trong diện này không được nhận các khoản viện trợ của Mỹ, ngoại trừ các viện trợ nhân đạo thiết yếu.

Đối vớI Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, cơ quan tham vấn cho chính quyền Mỹ về hồ sơ này thì căn cứ vào các diễn biến mới đây tại Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền và tôn giáo, cần phải đưa Việt Nam trở lại danh sách này. Căn cứ vào bản báo cáo vừa được bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm qua, ông Leonard Leo, chủ tịch Ủy Ban này cho rằng Việt Nam cùng với Pakistan phải bị xem là một quốc gia cần quan tâm do những vi phạm không ngớt trong địa hạt tự do tôn giáo.

Để bảo vệ cho quan điểm nêu trên, giới đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam đã nêu bật vụ việc gần đây nhất khi chính quyền Việt Nam đóng cửa Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, trục xuất gần 400 tu sĩ trong đó, sau khi để cho các nhóm người lạ mặt xông vào phá phách tu viện, dọa nạt và hành hung các thiền sinh thuộc pháp môn Làng Mai. Sự kiện này lại diễn ra sau khi chính quyền đã câu lưu, bắt giữ, xách nhiễu các luật sư hay những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Quan điểm của giới bảo vệ nhân quyền trên đây cũng được nhiều dân biểu hay thượng nghĩ sĩ Mỹ tán đồng, và họ cho rằng vị trí của Việt Nam đúng là ở trong danh sách CPC của bộ Ngoại giao Mỹ. Một số chuyên gia về tự do tôn giáo cho rằng trong thời gian trước đây, sự kiện bị đưa vào danh sách các nước đáng quan ngại về quyền tự do tôn giáo đã thúc đẩy chính quyền Việt Nam thực hiện một số cải thiện, tuy nhỏ, nhưng quan trọng trong lãnh vực này. Nếu tiếp tục giữ Việt Nam bên ngoài danh sách CPC, điều đó có thể khiến Việt Nam thủ tiêu các bước tiến đó.

Tuy nhiên, đối với nhiều viên chức trong chính quyền Hoa Kỳ, hiện chưa đủ yếu tố để liệt Việt Nam trở lại diện các nước đáng quan ngại về quyền tự do tôn giáo. Đây chính là quan điểm của ông Michael Michalak, đại sứ Mỹ tại Hà Nội.

Về những ghi nhận của bộ Ngoại giao Mỹ trong bản báo cáo công bố hôm qua liên quan đến những ''bước tiến'' mà Việt Nam đạt được trong lãnh vực phát huy tự do tôn giáo trong năm qua, giới phân tích cho rằng rất có thể điều đó nhằm chuẩn bị cho việc không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, hướng về các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng có thể khiến cho bộ Ngoại giao Mỹ nhẹ tay hơn trong hồ sơ này. Tóm lại, hiện nay, bộ Ngoại giao Mỹ đang có thêm một thời gian để cân nhắc trước khi đua ra quyết định tối hậu.
 
Trọng nghĩa
Nguồn: rfi.fr