GS.TS. Lê Mạnh Thát: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tạo cơ hội...

- GS.TS Lê Mạnh Thát: Vesak là một lễ hội quan trọng bậc nhất của Phật giáo. Vesak hay Tam hợp là Đại lễ kỷ niệm ngày Phật đản sinh, thành đạo và nhập diệt. Tên gọi Vesak bắt nguồn từ một tháng của Ấn Độ, tương đương với tháng 5 dương lịch. Đại lễ Vesak vốn đã được tổ chức tại nhiều nước Phật giáo từ xưa cho đến nay. Vesak trong truyền thống Phật giáo Theravada ứng với ngày Phật đản sanh theo truyền thống Phật giáo Mahayana, tức ngày trăng tròn tháng Visakha.

GS.TS. Lê Mạnh Thát: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tạo cơ hội thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự phật hội


Trước thềm Xuân Mậu Tý, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM, Chủ tịch Ban Tổ chức quốc tế, về cơ duyên Việt Nam lần đầu tiên vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

- Phóng viên: Xin GS cho biết đôi nét về Lễ Vesak và LHQ lại công nhận ngày lễ này như là một Đại lễ văn hóa, tôn giáo quốc tế?

- GS.TS Lê Mạnh Thát: Vesak là một lễ hội quan trọng bậc nhất của Phật giáo. Vesak hay Tam hợp là Đại lễ kỷ niệm ngày Phật đản sinh, thành đạo và nhập diệt. Tên gọi Vesak bắt nguồn từ một tháng của Ấn Độ, tương đương với tháng 5 dương lịch. Đại lễ Vesak vốn đã được tổ chức tại nhiều nước Phật giáo từ xưa cho đến nay. Vesak trong truyền thống Phật giáo Theravada ứng với ngày Phật đản sanh theo truyền thống Phật giáo Mahayana, tức ngày trăng tròn tháng Visakha.

Phật giáo là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới; lời dạy của Đức Phật đã đóng góp tích cực cho đời sống tinh thần nhân loại hơn 2.500 năm qua và sẽ còn tiếp tục đóng góp. Vì vậy, nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình của Đức Phật, ngày 15-12-1999, Đại Hội đồng LHQ tại phiên họp thứ 54, mục 174 của Chương trình Nghị sự, đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hoá, tôn giáo quốc tế của LHQ (United Nations Day of Vesak).

Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở LHQ và tại các trung tâm LHQ trên thế giới. Năm 2000, Đại lễ Vesak Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở trụ sở chính LHP tại New York. Từ năm 2004 trở về sau, các Đại lễ đều được tổ chức thành công tại Thái Lan.

- Phóng viên: Được biết, một số nước khác như Trung Quốc, Sri Lanka, đặc biệt là Myanmar…, đều muốn đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ (ĐLPĐLHQ) 2008. Như vậy, cơ duyên nào khiến cho Việt Nam chứ không phải các nước khác nhận được vinh hạnh này?

- GS.TS. Lê Mạnh Thát: Tất cả đều nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam đối với Thái Lan. Như chúng ta đã biết, trong nhiều năm liền, Thái Lan đã đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ; Văn phòng Ban Thư ký quốc tế IOC cũng đã được đặt vĩnh viễn tại trường Đại học Mahachulalongkorn, Bangkok.

Trong các kỳ Đại lễ trước, Việt Nam là thành viên thường trực của Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC), có nhiều sáng kiến đóng góp, ủng hộ tích cực trong công tác tổ chức cũng như xây dựng dự án thành lập Hiệp hội Đại học Phật giáo thế giới; số tham luận của Đại biểu Việt Nam cũng đã được chọn thuyết trình nhiều hơn so với các nước khác, khẳng định được vị thế học thuật của đại biểu Việt Nam đối với quốc tế; nhiều nhà nghiên cứu Phật học lớn trên thế giới cũng đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Thái Lan đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên hàng đầu. Dĩ nhiên, để nhận được quyền đăng cai, GHPGVN và Bộ Ngoại giao VN cũng đã gởi công hàm yêu cầu Chính phủ Thái Lan và Trưởng ban Tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức ĐLPĐLHQ 2008.

- Phóng viên: Thưa GS, chúng ta có gặp phải sự phản đối nào trong quá trình vận động để trở thành nước đăng cai ĐLPĐLHQ 2008?

- GS.TS. Lê Mạnh Thát: Dĩ nhiên có một số người không đồng tình. Trong khi chúng tôi vận động để nhận được quyền tổ chức từ phía Thái Lan, một vị sư người Sri Lanka hỏi tôi rằng: Việt Nam có phải là một đất nước Phật giáo không để có thể nhận được quyền đăng cai tổ chức ĐLPĐLHQ 2008?

Tôi đã trả lời rằng Việt Nam là đất nước có truyền thống PG lâu đời. PG đã đến Việt Nam từ rất sớm, sớm hơn cả Trung Quốc, và tinh thần PG đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt; văn hóa Việt Nam thấm đẫm văn hóa Phật giáo. Thống kê của Mỹ cho thấy rằng Việt Nam hiện có 60-70% là Phật tử. Như vậy rõ ràng Việt Nam xứng đáng được nhận quyền đăng cai này.

- Phóng viên: GS từng cho rằng việc đăng cai tổ chức ĐLPĐLHQ 2008 là vinh dự của tất cả chúng ta. Xin GS nói rõ hơn về vinh dự ấy?

- GS.TS. Lê Mạnh Thát: Chúng ta sẽ tạo được một hình ảnh Việt Nam tốt đẹp đối với bạn bè năm châu, qua đó nâng vị trí của Việt Nam trên thế giới, thiết lập bang giao và hữu nghị với nhiều quốc gia. Chúng ta cũng có cơ hội thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của hơn 500-600 phái đoàn Phật giáo đến từ 70-100 quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có được một ĐLPĐLHQ như ngày lễ quốc tế về tôn giáo và văn hóa, đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hóa Phật giáo cấp thế giới và quốc gia…

- Phóng viên: Công tác tổ chức ĐLPĐLHQ 2008 hiện đã gặp phải những khó khăn nào thưa GS?

- GS.TS. Lê Mạnh Thát: Không có khó khăn nào hết! Nhà nước đã đăng cai tổ chức, Giáo hội phối hợp và nhận được sự bảo trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể, đại diện các doanh nghiệp v.v… Như vậy, việc còn lại của chúng ta là hãy bắt tay vào làm cho được, thực hiện tốt những công việc còn lại để có được một ĐLPĐLHQ thành công mỹ mãn. Tất cả đều là vì Phật giáo mà làm!

Phóng viên: Xin cảm ơn giáo sư!

(Theo Nguyệt san Giác Ngộ)