Con Đường Trở Về Thiên Nhiên Và Đời Sống Qua Các Bài Thơ - Kệ Trong Thiền Uyển Tập Anh

Trong Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học, Giáo sư Đặng Thai Mai đã nhấn mạnh các nội dung “tình cảm, tự hào, tin tưởng, vui vẻ và tích cực”, “tứ thơ đã chắp cánh cho thơ bay bổng”, coi thơ Thiền thời Lý - Trần thuộc “chủ nghĩa trữ tình tôn giáo”, “cảm hứng đạo học”, “tình cảm thiên nhiên như một ngọn nguồn vô tận”(1)… Khi phác họa văn học đời Lý mở đầu những truyền thống lớn của dòng văn học viết dân tộc, Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng đặc biệt nhấn mạnh “Văn học Thiền tông đời Lý với thiên nhiên và con người”(2), đây là tên một đề mục đồng thời cũng được hiểu như sự xác định một dòng chảy chủ lưu của văn học đời Lý.

Con Đường Trở Về Thiên Nhiên Và Đời Sống Qua Các Bài Thơ - Kệ Trong Thiền Uyển Tập Anh

Nguyễn Hữu Sơn

Viện Văn học

Trong Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học, Giáo sư Đặng Thai Mai đã nhấn mạnh các nội dung “tình cảm, tự hào, tin tưởng, vui vẻ và tích cực”, “tứ thơ đã chắp cánh cho thơ bay bổng”, coi thơ Thiền thời Lý - Trần thuộc “chủ nghĩa trữ tình tôn giáo”, “cảm hứng đạo học”, “tình cảm thiên nhiên như một ngọn nguồn vô tận”(1)… Khi phác họa văn học đời Lý mở đầu những truyền thống lớn của dòng văn học viết dân tộc, Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng đặc biệt nhấn mạnh “Văn học Thiền tông đời Lý với thiên nhiên và con người”(2), đây là tên một đề mục đồng thời cũng được hiểu như sự xác định một dòng chảy chủ lưu của văn học đời Lý. Có thể nói, bên cạnh các đặc trưng về tính thuyết giáo, thể hiện giáo lý, triết lý về bản thể, con đường sinh tử, giải thoát v.v…, các Thiền sư đời Lý đã bộc lộ tiếng nói trữ tình qua chính những vần thơ - kệ hướng về thiên nhiên và đời sống con người.

Có phần khác biệt tương đối so với dòng thơ thuẩn túy triết lý Phật giáo, nhiều Thiên sư đã bày tỏ quan niệm tu chứng và giải thoát chiếu ứng qua các biểu tượng, hình ảnh của thiên nhiên và đời sống chúng sinh. Đơn cử những câu kết trong hai bài thơ - kệ của sư Bảo Giám (? – 1173):

… Nhận đắc ma ni huyền diệu lý,

Chỉ như thiên thượng hiểu kim ô.

(Thấu lẽ huyền vi trong ngọc sáng,

Là vầng dương hiện giữa trời xanh)

(Nguyễn Đổng Chi dịch)

… Nhược nhân yếu thức tu phân biệt,

Lĩnh thượng phù sơ tỏa mộ yên.

(Ví người hiểu lẽ không phân biệt,

Núi phủ mây chiều cây cỏ tươi).

(Đào Phương Bình dịch)

Với cách trả lời bằng những câu thơ đôi in đậm hình thức công án, sư Viên Chiếu (999-1090) có được những hình ảnh thiên nhiên mĩ lệ, gợi cảm và nhữgn đường nét tả cảnh chân thực, ngỡ như chính cuộc sống người dân làng quê:

- Ly hạ trùng dương cúc,

Chi đầu thục khí oanh.

(Trùng dương đến cúc vàng dưới giậu,

Xuân ấm về oanh náu đầu cành)

- Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo,

Sơn nham đới nguyệt quá tường lai.

(Xuyên rặng trúc, còi theo gió tới,

Vượt bờ tường, núi đội trăng sang)

- Nhất nhân hướng trung lập,

Mãn tọa ẩm vô hoan.

(Một người quay mặt vào tường,

Cả nhà ngồi uống rượu suông vui gì)

- Hứng lai huề trượng du vân kính,

Khốn tức thùy liêm ngọa trúc sàng.

(Hứng lên xách gậy dạo đường quê,

Mỏi mệt buông rèm khểnh chõng tre)…

(Huệ Chi – Băng Thanh dịch)

Hoặc như những câu trả lời của sư Trí Bảo (? – 1190) với thầy Đạo Huệ (? – 1173):

- Bất nhân phong quyển phù vân tận,

Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu.

(Chẳng nhờ gió cuốn mây bay tạnh,

Nào thấy trời thu vạn dặm xanh)

- Tương thức mãn thiên hạ,

Tri âm năng kỷ nhan?

(Quen biết khắp thiên hạ,

Tri âm được mấy người).

(Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch)

Ở đây, hai câu thơ trên thuộc dòng mạch cảm quan “thiên nhiên Phật”, tìm về thiên nhiên, hòa giải với thiên nhiên tĩnh lặng vĩnh hằng, vô thủy vô chung(3). Và phải chăng bởi các nhà sư xưa thường trụ trì nơi núi đồi, làng xa xóm vắng nên họ dễ hòa hợp với thiên nhiên, coi thiên nhiên như một phương giải thoát. Đương nhiên, những vần thơ đề vịnh, tả cảnh thiên nhiên chưa phải đã phong phú, song chính việc xuất hiện các hình ảnh, biểu tượng thiên nhiên như là các tín hiệu thẩm mỹ đã cho thấy tâm hồn các thiền sư – thi nhân hướng về thiên nhiên thanh sạch, đồng thời góp phần hóa giải các nội dung giáo lý vốn qui phạm, khô khan. Mặt khác, có thể nói đây cũng là yêu cầu khách quan của nghệ thuật thi ca, khi bản thân các tác giả thiền sư đã có ý thức vận dụng hình thức trữ tình, lối văn vần vốn giầu âm điệu, hình ảnh, cảm xúc. Đặc điểm này thể hiện khá rõ qua nhiều câu thơ ở nhiều bài thơ của các Thiền sư khác như Thiền Lão, Quảng Trí, Vạn Hạnh, Trường Nguyên, Đạo Hạnh, Chân Không v.v…

Ngoài xu thế tu chứng, giải thoát bằng tâm thế hướng về thiên nhiên, để lòng thanh thản hòa hợp với rừng suối, cỏ nội mây ngàn, trăng thanh gió mát, một tiếng chim ban mai, một hương cúc mùa thu, một sắc hoa nở sớm…, thì chính các Thiền sư lại đạt đạo ngay trong cuộc sống thường ngày, an nhiên trong những công việc thường ngày. Về hình thức, điều này có vẻ như trái ngược, song kỳ thực lại càng chứng tỏ cái tâm giải thoát đó đã khắc phục, vượt lên mọi nghiệp chướng, làm chủ được thân tâm và hoàn cảnh. Có lẽ cần phải lắng lọc, chìm sâu vào trong trực giác mới có thể hiểu được câu chuyện tầm sư học đạo giữa trò Long Đàm và sư thầy Đạo Tín Trưởng lão (580-665, đời Tùy - Đường, Trung Quốc): “Hồi chưa giác ngộ, Long Đàm thường chầu chực bên Đạo Tín thiền sư, mong được truyền đạo Thiền. Năm này sang năm khác không thấy Thiền sư bảo ban gì cả. Một hôm không chờ được nữa, Long Đàm hỏi: “Từ lâu con theo thầy để học mà thầy chưa hề chỉ bày cho con một chút tâm yếu nào hết là tại làm sao? Con xn thầy thương con”. Đạo Tín nói: “Từ khi ngươi vào tu viện đến nay chẳng có lúc nào là ta không chỉ bày tâm yếu cho ngươi. Khi ngươi đem tách trà tới, ta nhận tách trà; khi ngươi đem mâm cơm lên, ta đỡ lấy mâm cơm; khi ngươi nghiêng mình chào ta, ta cũng cúi đầu; như thế tại sao lại nói rằng ta không hề chỉ bày cho ngươi?”. Long Đàm chắc cũng đã nhận thấy, sau câu nói này của Đạo Tín, sự uổng phí của bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua. Nếu Long Đàm biết sống trong từng phút giây thì Long Đàm đã tiếp nhận không biết bao nhiêu là Thiền đạo từ sư phụ của mình(4)… Cách dẫn đạo học trò vượt qua bến bờ giác ngộ kiểu này cũng thấy có ở tiểu truyện Thiền sư Không Lộ (? – 1119):

“Một hôm đệ tử đến thưa với sư:

- Đệ tử từ khi đến đây chưa được Hòa thượng chỉ giáo tâm yếu. Nay có bài kệ xin trình hòa thượng…

Sư xem xong nói:

- Ngươi đem kinh đến, ta nhận; đem nước đến, ta uống, sao bảo ta không truyền tâm yếu?

Nói đoạn sư ha hả cười vang”.

Lại như ở tiểu truyện Thiền sư Tịnh Không (? – 1170):

“Có một thầy tăng hỏi:

- Trí tuệ của Hòa thượng thật đặc sắc kỳ lạ, sao không cho các đệ tử cùng biết?

- Ngươi thổi lửa, ta làm gạo; ngươi xin ăn, ta lấy bát. Ai phụ bạc ngươi?

Thầy tăng ấy bèn tỉnh ngộ”…

Tuy nhiên, con đường nhận thức giải thoát, ngộ đạo kiểu này có vẻ đơn giản mà kỳ thực lại đòi hỏi sự lĩnh hội cao siêu, tinh tế, vượt qua những bước phủ định của phủ định. Đó là tâm thức “thắp sáng hiện hữu”, thấy “một caâ tùng của riêng ta”(5), thấy cái bản chất “thứ hai” tế vi sâu sắc qua những hiện tượng, hình thể bề ngoài: “Khi tôi chưa học Thiền thì tôi chỉ thấy sông là sông, núi là núi. Khi tôi học Thiền thì tôi thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Bây giờ tôi học Thiền rồi thì tôi lại thấy sông là sông, và núi là núi”(6). Trong Thiền uyển tập anh, có không ít các nhà sư như Viên Chiếu (999-1090), Trường Nguyên (1110-1165), Thanh Biện (?-686), Chân Không (1046-1100)… lại có những lời đối đáp, công án, công án, câu thơ, bài thơ - kệ gần giống như loại thơ tả cảnh, đề vịnh cảnh chùa, diễn tả công việc đời thường. Điều này khiến cho các câu thơ, bài thơ giảm thiểu tối đa các từ ngữ, thuật ngữ nhà Phật. Đơn cử một bài thơ - kệ của thiền sư Trường Nguyên – mà các soạn giả Thơ văn Lý - Trần đặt thêm đầu đề là Quy thanh chướng (Về núi xanh)

Viên hầu bão tử quy thanh chướng,

Tự cổ thánh hiền một khả lượng.

Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm,

Thu chí cúc khai một mô dạng.

(Bậc thánh sâu xa khó lượng tình,

Đành như khỉ vượn lẩn ngàn xanh.

Xuân sang, oanh hót, hoa đua thắm,

Thu tới đìu hiu, cúc một cành)

(Phạm Tú Châu dịch)(7).

Có những khi bài thơ - kệ lại như lời kêu gọi, hướng dẫn giới luật, nghiêng về cái nhìn đạo đức, giúp cho môn đệ và cả giới Phật tử chúng sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành theo. Vì thế, bài thơ - kệ mang tính thuyết giáo rất rõ ràng, chẳng hạn một bài của sư Trí Bảo (?-1190):

Bồ tát tư tài tri chỉ túc,

Ư tha từ thứ bất xâm dục.

Thảo diệp bất dữ ngã bất thủ,

Bất tưởng tha vật đức như ngọc.

Bồ tát tư thê phương tri túc,

Như hà tha thê khởi tham dục.

Ư tha thê thiếp tha sở hộ,

An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc.

(Tiền tài tri túc chớ tham,

Đừng lo tranh đoạt, gắng làm tư bi.

Không cho, ngọn cỏ lấy chi?

Tấm lòng như ngọc mơ gì của ai!

Vợ mình riêng đủ lắm rồi,

Còn toan mơ ước vợ ai làm gì?

Vợ ai, kẻ ấy yêu vì,

Nỡ nào sinh bụng bất nghì, tà gian)

(Hoàng Lê - Đỗ Văn Hỷ dịch)

Xem thế thì thấy rằng các từ ngữ nhà Phật chỉ còn chữ “Bồ tát” như một mối liên hệ chúng nhất, vừa định hướng vừa kiểm soát tư cách đạo đức con người theo tinh thần Phật giáo; còn lại đằng sau đó là những khía cạnh đạo lý đời thường, những phương diện nhân cách xã hội như lẽ “chỉ túc”, “tri túc”, “bất thủ”, “đức như ngọc”… Đặc điểm này có phần gần với chính nội dung các giáo luật, điều luật, điều lệ, răn giới môn đồ cứ theo đó là tu tập, thực hành, tự kiểm điểm và tu hành theo giới luật một cách thành thực nhất - kiểu như người nhập môn nhà chùa bằng cách học và hành theo giáo khoa cơ sở Tì ni nhật dụng thiết yếu, Sa di luật nghi yếu lược…

Nhìn nhận một cách khái quát, với ý nghĩa là những tác phẩm nghệ thuật, các bài thơ, kệ tìm đến với thiên nhiên chính là nằm trong một qui luật chung của mỹ học: “Trong cảnh sống của thiên nhiên, con người tìm thấy một yếu tố gì đó mà tình huống gần gũi vói mình và khiến mình xúc động. Do đấy, những bức tranh về thiên nhiên trong nghệ thuật bao giờ, cũng đều thấm sâu tình cảm của con người”(8). Mặt khác, dường như có một sự tương đồng nào đó trong cảm quan về thiên nhiên giữa loại tiểu truyện Thiền sư và loại truyện đời các vị thánh phương Tây, như A.Ja.Gurêvích đã xác định: “Tuy nhiên, qua một loạt những truyện đời các vị thánh và sử biên niên thì thấy rõ là con người có khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây và rừng, tìm thấy sự khuây khỏa trong cảnh thú thiên nhiên”(9). Như thế, chính các thiền sư cũng tìm thấy “sự khuây khỏa trong cảnh thú thiên nhiên”, tìm thấy niềm an ủi, thanh tịnh, “giải thoát”. Đó là sự giải thoát của xúc cảm thẩm mỹ, của vẻ đẹp thiên nhiên; và rút cuộc, nó vẫn cứ thấm vào thơ ca, nghệ thuật - những bài thơ - kệ. Đồng thời, đó cũng là một phương diện của đời sống con người, của phẩm chất nhân văn. Mở rộng hơn nữa, một phân lượng các bài thơ - kệ đã chuyển tải được cảm xúc trữ tình, chuyển tải được cái nhìn đạo đức và đôi nét bóng dáng khía cạnh đời thường, làm thay đổi đáng kể cả hình thức ngôn từ nghệ thuật. Điều này càng chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa đời sống tâm linh và cuộc sống thực tại mà hcính con đường trở về với thiên nhiên và đời sống của Thiền sư là một minh chứng rõ nét.

Chú thích:

1. Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc trong khi đọc lại văn học của một thời đại. Tạp chí văn học, số 6 – 1974; tr.1-14.

2. Đinh Gia Khánh: Mục Văn học Thiền tông đời Lý với thiên nhiên và con người, trong sách Văn học Việt Nam (Thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII). Nxb.Giáo dục, H, 1997; tr.51-60.

3. Xem Nguyễn Hữu Sơn: Vịnh Vân Yên tự phú - nẻo về thiên nhiên Phật và “cõi vô tâm”. Nghiên cứu Phật học, số 3-1997; tr.33-36.

4. Nhất Hạnh: Nẻo vào thiền học. Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1974; tr.98-99.

5. Nhất Hạnh: Sđd; tr.87.

6. Nhất Hạnh: Sđd; tr.135.

7. Thơ văn Lý - Trần, Tập I. Nxb. KHXH, H,1977; tr.475.

8. I.Bô-rép: Những phạm trù mỹ học cơ bản. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, 1974; tr.147.

9. A.Ja.Gurêvich: Các phạm trù văn hóa trung cổ (Hoàng Ngọc Hiến dịch). Nxb. Giáo dục, H, 1996; tr.67.

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr. 533-541)