Vài nét về Hòa thượng Phúc Điền, tác giả sách Đạo giáo nguyên lưu.

Đạo giáo nguyên lưu còn có tên gọi khác là Tam giáo quản khuy. Sách gồm 3 tập, giới thiệu tóm tắt về lịch sử 3 loại tôn giáo lưu hành ở Việt Nam: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Đặc biệt, sách đã tập trung giải thích những thuật ngữ chuyên dùng của Phật giáo. Trong thời kỳ chữ Hán còn thông dụng, sách được dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường học của nhà chùa. Sách in năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Tác giả là một vị cao tăng đời Nguyễn, Phúc Điền Hòa thượng.

Vài nét về Hòa thượng Phúc Điền, tác giả sách Đạo giáo nguyên lưu.

Thích Minh Tâm

Hà Nội

Đạo giáo nguyên lưu còn có tên gọi khác là Tam giáo quản khuy. Sách gồm 3 tập, giới thiệu tóm tắt về lịch sử 3 loại tôn giáo lưu hành ở Việt Nam: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Đặc biệt, sách đã tập trung giải thích những thuật ngữ chuyên dùng của Phật giáo. Trong thời kỳ chữ Hán còn thông dụng, sách được dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường học của nhà chùa. Sách in năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Tác giả là một vị cao tăng đời Nguyễn, Phúc Điền Hòa thượng. Các công trình nghiên cứu Phật giáo như Phật giáo Việt Nam xưa và nay của Trần Trọng Kim, Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XVIII của Trần Văn Giáp, Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên… đều đánh giá rất cao giá trị của bộ sách và tác giả Phúc Điền Hòa thượng. Thế nhưng từ trước đến nay thân thế sự nghiệp của vị cao tăng này còn được ít người biết đến. Các sách như: Lược truyện các tác gia Việt Nam, Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu… chỉ thấy nhắc đến tên Hòa thượng mà chưa nói rõ thêm về hành trạng sự nghiệp của ngài. Nay để góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu bộ sách Đạo giáo nguyên lưu, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược vài nét về Hòa thượng Phúc Điền.

Hòa thượng lúc tại gia họ Võ người thôn Bạch Sam, tổng Bạch Sam, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, nay thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây. Hòa thượng sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết Hòa thượng sống và tu đạo suốt 3 triều vua Nguyễn: Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883).

Năm 12 tuổi, ngài xuất gia đến chùa Đại Bi xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 20 tuổi, đến trụ trì tại chùa Pháp Vân, huyện Phù Ninh.

Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), nhờ sự trợ duyên của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng đến khai hóa chùa Đại Giác xã Bồ Sơn, huyện Quế Giang, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây Hòa thượng bắt đầu biên soạn và ấn tống kinh sách. Phần lớn những tác phẩm kinh Phật do Hòa thượng biên soạn hoặc hiệu đính đều khắc in vào thời gian này. Đáng tiếc là ngôi chùa này đã bị phá hủy trong thời kháng chiến chống Pháp, hiện chỉ còn 4 tòa tháp cổ.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Hòa thượng đến khai hóa ở chùa Phú Nhi, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1848), lại nhờ sự giúp đỡ của Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng đứng ra kiến tạo chùa Liên Trì huyện Thọ Xương, Hà Nội, qui mô chùa to lớn bậc nhất Hà Thành lúc bấy giờ. Đồng thời Liên Trì cũng trở thành trung tâm in ấn kinh sách. Ngày nay ngôi chùa không còn nữa. Theo các nhà Hà Nội học cho biết, chùa Liên Trì nằm ở khu vực Bưu điện Hà Nội. Hiện nay bên bờ hồ Hoàn Kiếm còn lại ngôi tháp Hòa Phong, vốn là di tích của chùa Liên Trì.

Năm Tự Đức thứ 7 (1854) Hòa thượng nhận lời mời của sư tổ Phổ Minh sang kế tục trụ trì chùa Liên Phái. Từ đó Hòa thượng đứng ra tổ chức tôn tạo lại chùa, khiến cho chùa được qui mô, khang trang lộng lẫy. Cho đến ngày nay, các tọa điện thờ trong chùa Liên Phái dường như vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Đặc biệt trong chùa còn bảo lưu được kho ván khắc in kinh lớn nhất hiện nay. Năm 1996, số ván khắc này đã được đưa về nơi cất giữ chắc chắn hơn, đó là kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Hà Nội.

Trong quá trình tu tập nghiên cứu của mình, Hòa thượng còn lui tới rất nhiều chùa khác như chùa Báo Thiên, chùa Địa Linh (Tây Hồ), chùa Hàm Long – Hà Nội, chùa Hàm Long, chùa Thiên Phúc ở Bắc Ninh.

Trong thời Minh Mệnh (1820-1840), Hòa thượng Phúc Điền được triệu về kinh đô Huế tham dự kỳ hiểm hạch về ý nghĩa kinh tạng, đã được triều đình cấp cho giới đao và Độ điệp, cho phép chiêu tập đệ tử và hoằng dương Phật pháp. Cũng nhờ duyên này mà Hòa thượng có điều kiện biên soạn sách vở diễn giải kinh Phật và ấn tống nhiều loại kinh sách.

Hòa thượng mất năm nào không rõ, chỉ biết ngài thọ 80 tuổi. Trong khoa cúng tổ ghi ngày kỵ của ngài là ngày 16 tháng 11 Âm lịch, có rất nhiều ngôi chùa lớn tổ chức lễ cúng tổ như chùa Liên Phái, Thuyền Quang, Hàm Long, Hà Nội.

Sinh bình, Hòa thượng chuyên tâm vào việc tìm hiểu nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Hiện nay, số tác phẩm do Hòa thượng biên soạn, biên dịch, hiệu đính, khắc in có đến hàng chục bộ, có thể tạm chia ra làm 3 loại:

1. Sách chữ Hán hiện còn:

- Tam bảo hoằng thông.

- Đạo giáo nguyên lưu (còn gọi là Tam giáo quản khuy).

- Thiền uyển kế đăng lược lục.

- Tại gia tu trì Thích giáo nguyên lưu.

- Phóng sinh giới sát văn.

- Hiệu đính Phật tổ thống kỷ.

2. Biên dịch, tức là diễn ra Quốc âm:

- Sa di luật nghi giả âm.

- Tam giáo nhất nguyên giả âm.

- Hộ pháp luận diễn âm.

- Thái căn đàm diễn âm.

3. In ấn các bộ:

- Kinh Hoa Nghiêm.

- Kim Cương Di Đà kệ chú chân kinh.

- Vô Lượng Thọ kinh.

- Đại phương tiện Phật giáo báo ân kinh chú nghĩa.

- Giải hoặc biên.

Trong khoảng 70 năm tu tâm dưỡng tính, Hòa thượng đã trở thành bậc cổ đức của Phật giáo Việt Nam. Hiện nay một số ngôi chùa lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây còn lưu lại dấu tích của ngài. Tinh thần làm việc và những đóng góp lớn lao của Hòa thượng đã khiến cho hậu thế và Phật tử đời sau ngưỡng vọng và ân chiêm công đức.

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.560-563)