Về Thiền Sư Tính Mộ, Người Tổ Chức Khắc Hai Bộ Ván In Sự Tích Đức Phật Chùa Dâu

Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 1993 đăng bài Văn bản “Cổ Châu phật bản hạnh” của Lê Việt Nga giới thiệu hai bộ ván in sự tích phật mẫu Pháp Vân ở chùa Dâu: Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh và Cổ Châu phật bản hạnh. Tác giả khẳng định đây là hai bộ ván in có niên đại khá cổ, ra đời năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752), và kiến nghị cần được quan tâm đúng mức. Tiếp đó, năm 1994 một nhóm cán bộ nghiên cứu viện Hán Nôm gồm 4 người do GSTS Nguyễn Quang Hồng chủ biên đã cho ra mắt tập sách Sự tích đức phật chùa Dâu do Nhà xuất bản văn hóa ấn hành.

VỀ THIỀN SƯ TÍNH MỘ, NGƯỜI TỔ CHỨC KHẮC HAI BỘ VÁN IN SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT CHÙA DÂU

LƯU ĐÌNH TĂNG

Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 1993 đăng bài Văn bản “Cổ Châu phật bản hạnh” của Lê Việt Nga giới thiệu hai bộ ván in sự tích phật mẫu Pháp Vân ở chùa Dâu: Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh và Cổ Châu phật bản hạnh. Tác giả khẳng định đây là hai bộ ván in có niên đại khá cổ, ra đời năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752), và kiến nghị cần được quan tâm đúng mức. Tiếp đó, năm 1994 một nhóm cán bộ nghiên cứu viện Hán Nôm gồm 4 người do GSTS Nguyễn Quang Hồng chủ biên đã cho ra mắt tập sách Sự tích đức phật chùa Dâu do Nhà xuất bản văn hóa ấn hành. Các tác giả cho biết thiền sư Tính Mộ là người đã đứng ra lo liệu việc khắc ván in để hoằng dương đạo pháp. Tuy nhiên trong các công trình vừa kể, sự tích về thiền sư Tính Mộ, người tổ chức khắc hai bộ ván in sự tín đức Phật chùa Dâu, chưa được giới thiệu rõ ràng. Vừa rồi, chúng tôi đã nhiều lần tìm về chùa Dâu để nghiên cứu, khảo xét thêm về vấn đề này. Qua gần 200 tấm ván in kinh, toàn bộ 27 tấm bia đá, 1 quả chuông đồng và 1 chiếc khánh đồng ở chùa, chúng tôi đã tìm thấy một số dấu tích của thiền sư.

Theo Thừa bình thập ký(1) thiền sư sinh năm Bính Tuất (1706) tại làng Bình Ngô huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Long tỉnh Hà Bắc. Lúc còn tại gia, thiền sư có tên là Vương Doanh. Năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726) đời Lê Dụ Tông, thiền sư 21 tuổi, liền xuất gia đầu phật, đến nương nhờ sư tổ ở chùa Thành Đạo tức chùa Pháp Vũ cũng ở Thuận Thành. Mãi đến năm NhâmTí niên hiệu Long Đức thứ 1 (1732) đời Lê Thuần Tông, thiền sư dã 27 tuổi mới qui theo bản sư ở chùa Ninh Phúc Nhạn Tháp tức chùa Bút Tháp huyện Thuận Thành. Bản sự vốn là Pháp tôn của sư tổ Long Động phái Trúc Lâm (tức là Hòa thương Chân Nguyên) và là Pháp tử của sư tổ Thiên Tâm ở chùa Tiên Du Bắc Ninh, theo chính mạch Đông Đô thuộc phái thiền Lâm Tế. Năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) thiền sư mới về trụ trì ở chùa Diên ứng Cổ Châu (tức chùa Dâu), thụ cụ túc giới với Hòa thượng Tính Huyên. Hòa thượng đặt cho Pháp danh là Hải Mộ, có tài liệu ghi là Hải Nhân, Tính Mộ(2) .Thiền sư là người mẫn cán, siêng năng học tập, khiêm tốn hòa nhã, được Hòa thượng và tứ chúng tin yêu, cử làm Trượng tọa đạo tràng, trông nom mọi công việc trong chùa, sau này trở thành vị tổ đời thứ nhất của sơn môn này ở chùa Dâu. Năm Mậu Ngọ niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738 đời Lê ý Tông, nhờ sự trợ duyên của một vị địa đàn – na là Kiên Thọ hầu Vũ Hà Trạng, thiền sư dã đứng ra lo liệu, tu tạo tòa bảo tháp chùa Dâu theo đúng qui mô cũ. Tầng trên cùng của toà tháp có đề ba chữ “Hòa Phong Tháp”. Hiện nay tòa tháp Hòa Phong vẫn còn uy nghi như cũ. Đặc biệt, thiền sư còn quan tâm đến việc san khắc ván in, những mong lời dạy của Phật đến với tất thảy chúng sinh. Năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời Lê Hiển Tông, thiền sư đã khiến tiến thập phương đóng góp công đức để khắc hai bộ ván in Cổ Châu Pháp Vân phạt bản hạnh ngữ lục gồm 21 tấm ván in và Cổ Châu phật bản hạnh gồm 12 tấm ván in. Năm ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 16 (1755) thiền sư viên tịch tại bản tự. Các môn đệ thu cất xá lị đưa vào tháp mộ. Năm sau khi cho xây bảo tháp lấy hiệu là Thừa Bình. Thiền sư hưởng thọ 50 tuổi, xuất gia tu hành được 30 năm. Đệ tử đắc đạo gồm 13 vị là: Tịch Mật, Tịch Lệ, Tịch Tố, Diệu Viên,Tịch Nhậm, Tịch Bạch, Tịch Dật, Diệu Thận, Tịch Thân, Tịch ứng, Tịch Dị, Diệu Yên, Diệu Triêm.

Ngày nay, thiền sư đã siêu thăng về nơi cực lạc song công tích của thiền sư còn đó. Tháp Hòa Phong vẫn uy nghi trước chùa Diên ứng cổ kính. Hai bộ ván khắc in về sự tích đức phật chùa Dâu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn ở chùa(3) .

CHÚ THÍCH

(1) Thừa bình thập ký hiện để tại tháp mộ sau chùa Dâu xã Thanh Khương, Thuận Thành, Hà Bắc. Bia do Hòa thượng Tính Điều Điều soạn năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756).

(2) Hòa Phong thập bi ký. Ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm No 2756 – 59.

(3) Bài viết được sự giúp đỡ của cụ Đàm Hợi chùa Dâu và anh Nguyễn Tá Nhí nghiên cứu viên Viện Hán Nôm. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn.