Về một ngôi chùa cổ ven Đô

Vừa qua, trong dịp đi công tác sưu tầm, khảo sát tư liệu Hán Nôm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã về phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy. Đây là một phường cổ ven đô với các đình, đền, chùa. Đặc biệt là cụm di tích của làng Bái Ân - tương truyền có từ đời Lý. Phần lớn các cơ sở khác ở trong phường đều đã khá khang trang, duy ngôi chùa ở tổ 16 - tên cổ là làng Tân - đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Tại sao ở ngay Thủ đô mà nhận thức của người dân về di tích cổ còn như vậy

VỂ MỘT NGÔI CHÙA CỔ VEN ĐÔ

HOÀNG HỒNG CẨM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Vừa qua, trong dịp đi công tác sưu tầm, khảo sát tư liệu Hán Nôm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã về phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy. Đây là một phường cổ ven đô với các đình, đền, chùa. Đặc biệt là cụm di tích của làng Bái Ân - tương truyền có từ đời Lý. Phần lớn các cơ sở khác ở trong phường đều đã khá khang trang, duy ngôi chùa ở tổ 16 - tên cổ là làng Tân - đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Tại sao ở ngay Thủ đô mà nhận thức của người dân về di tích cổ còn như vậy ?

Chúng tôi đến làng Tân vào một buổi chiều đông, nhìn từ đầu ngõ đã dễ dàng nhận ra bóng dáng một ngôi chùa với các cột trụ cổng. Nhưng lúc đến nơi, muốn vào chùa phải len lỏi rất khó khăn. Ngoài cổng tuy còn khá đầy đủ các trụ cột nhưng mặt trong chỉ còn một lối rất nhỏ để men vào chùa. Tên chùa là "Quang Ân tự", trong chùa còn có bức ảnh chụp tam quan ở dưới đề: Tam quan Chùa làng Tân do ông Bùi Hữu Khánh cán bộ Viện Nghiên cứu Lịch sử chụp năm 1970. Bức ảnh đẹp, rất cổ kính.

Chùa hiện còn là một gian nhà bé với các bệ thờ mang tính tạm bợ. Trong chùa còn duy nhất một bức hoành gồm 3 chữ tên chùa (Quang Ân tự) được chạm trổ khá đẹp với niên đại: Mùa hè năm Kỷ Mão đời Vua Bảo Đại (1939) do đệ tử xã nhà cung tiến; một quả chuông đúc vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Ngoài gian chùa trên, ở bức ngăn có 4 tấm bia hậu gắn luôn vào tường phía ngoài gian nhà với các niên đại: 1819, 1826, 1840, 1842.

Chưa hết, khi đi tìm ghi thêm được 5 câu đại tự và 6 câu đối còn mờ trên các trụ tam quan chúng tôi lại phát hiện thêm bên cửa ngách chùa có thêm hai tấm bia, một tấm 2 mặt và một tấm 1 mặt. Tấm bia 1 mặt là bia gửi giỗ có niên đại: 1869, tấm 2 mặt là bia có giá trị đối với chùa, nó mang niên đại khá sớm: 1664. Mặt 1 của bia có một lời tựa khá hay, xin trích để chúng ta cùng tham khảo:

Bài tựa ghi ruộng công đức chùa Quang Ân

Từng nghe: Phật là tâm vậy. Cái mà cổ nhân từng nói rằng: "Chân Kinh không sách ghi, Chân Phật không hình dáng". Lời nói đó có nghĩa là: Chân Tính tức Tâm, Tâm tức Phật vậy. Vì thế, Sách Kinh Thư viết: "Kẻ đại nhân không bao giờ làm mất lòng tin của con trẻ. Phàm cái tâm của trẻ con, chính là cái Chân Tâm, Chân Tính bất sinh bất diệt vậy". Thương thay, đời nay loạn thế, Ngũ uẩn của chúng sinh đã thành Tính; sáu cõi mê hoặc, tham phú quí mà mắc đại tội lừa trời phản đất; sa đọa nên bị trừng trị vì phạm vào đạo thánh hiền. Thế thì cái gọi là Chân Tâm đã mất từ lâu. Chân Tâm đã mất, Chân Phật cũng quên. Vạn kiếp trầm luân biết không trở lại, chính là vì không có Phật vậy. Vì thế, các đời đế vương đều cho dựng xây chùa chiền, tôn thờ Tam bảo; dựng tượng Nho giáo, mừng thánh đạo trường. Để thọ quốc mạch, để thuần phong hóa. Khiến mọi người chiêm ngưỡng Phật, mà hiểu thấu được Tâm Phật; đi lễ cầu Phật để tìm Chân Phật. Sửa ác theo thiện, cải tà qui chính, thế là đã hiểu được nghiệp sinh tử luân hồi, biết được nghiệp quả báo, trên thiên đường dưới địa ngục. Vì vậy, Kinh Phật dạy rằng:

"Con người sống trên đời, thì việc làm phúc là việc làm trước tiên; công đức nhiều như rừng, thì việc bố thí là việc làm quan trọng hàng đầu. Đó chính là cái uy của Phật, là sự ham chuộng đạo Phật vậy!".

Nay có người ở xã Bồ Hà, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia nước Đại Việt ta; thấy chùa cổ Quang Ân, là nơi danh lam thắng cảnh; Phật Thánh anh linh, cầu xin tất ứng. Không mong chẳng muốn, nay gặp Mẫu Hoàng hậu ở Nội Cung Vương phủ là bà Phạm Thị Khoa, hiệu Diệu Đăng là người tôn sùng đạo Phật, trồng cây duyên phúc, phát tâm Bồ đề; tâu xin Thánh thượng, bố thí ngự điền 5 mẫu 2 sào, để làm Phúc điền cho Tam bảo vĩnh viễn; dùng để thờ cúng hương hỏa. Tất cả đều mang cúng Phật và sư tăng, lưu truyền đến vạn đại. Bà còn nhờ tôi làm bài tựa này. Tôi xin kính cẩn chúc rằng: Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế; Thánh cung khang thái, thịnh trị thái bình. Hoàng hậu thiên thu, thiên thiên thu; Mệnh thọ mãi mãi. Cơ đồ trưng đủ Ngũ phúc, thiện tín túc cao niên; tấu xin công đức. Phật pháp vô cùng, còn mãi với trời đất; phúc sánh cùng nhật nguyệt, kính cẩn để thăng cao. Vì thế, khắc bài kệ rằng:

Thập phương đương trụ quả phi thường,

Ngự điền bố thí vi phúc điền.

Hội chủ tấu thỉnh công đức đại,

Phú quí vinh hoa thọ vạn niên.

(Thập phương đương sống quả phi thường,

Bố thí Ngự điền làm Phúc điền.

Hội chủ tấu xin công đức đại,

Vinh hoa phú quí mãi ngàn năm).

Ngày tốt, tháng 2 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664)

Nhà sư Thích Liễu Nhất, tự Vân Vĩnh Tán, hiệu Nạp Minh Ảo người nước Đại Minh soạn lời bia.

Mặt 2 bia lại khắc sao sắc chỉ cho quan đồn điền sở tại giao ruộng cho nhà sư trụ trì bản chùa hàng năm cày cấy, lấy hoa lợi dùng vào việc làm oản, mua sắm hương dầu để dâng cúng Phật.

Như vậy Quang Ân cổ tự đã là một danh lam, Phật Thánh anh linh, cầu tất linh, xin tất ứng. Và chính vì thế mà ngôi chùa đã lọt vào mắt xanh của bà Nội Cung Vương phủ, để bà phát tâm Bồ Đề, bố thí ngự điền làm phúc điền cho Tam bảo. Đây là một vinh dự nhưng cũng là một trọng trách của dân xã nói chung và dân làng cùng bản tự nói riêng. Vì phúc điền tức là của thờ cúng hương hoả. Dân làng phải dùng hoa lợi ở ruộng đó để thờ cúng Phật.

Tuy nhiên một điều đáng nói nữa là ở đây không chỉ có thế mà đây chính là khoảng thời gian ngôi chùa này xuất hiện có lẽ phải vào khoảng những năm đầu của thế kỷ XVII. Như vậy ngôi chùa đến nay đã ngót 400 năm tuổi. Đây là một giá trị không nhỏ đối với làng Tân (nay là tổ 16) phường Nghĩa Đô mà cả của Thủ đô Hà Nội chúng ta.

Hơn thế, trong thời kỳ cách mạng tiền khởi nghĩa, Chùa còn là cơ sở cư trú và hoạt động của các chiến sĩ cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Quyết... Đáng quí nhất là một trong hai người hiện nay vẫn còn đó là Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy năm 1944-1945 lúc Hà Nội chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền giải phóng Thủ đô. Vừa rồi trong tác phẩm phóng sự: Chuyện về người Bí thư Thành ủy thời khởi nghĩa(1), khi nhắc đến thời kỳ hoạt động xây dựng cơ sở trong lòng dân ven đô, Đại tướng Nguyễn Quyết đã nói đến ngôi chùa này như sau: "...Thành ủy Hà Nội sống được chính là nhờ nhân dân ở đây nuôi dưỡng. Chính ngôi chùa này năm 1945 là địa điểm để họp quân sự bàn bạc tổ chức phát triển thành chiến tranh vũ trang. Dưới tượng Phật cũng là nơi dấu súng ống đạn dược, truyền đơn, tài liệu... Bản thân tôi sống và các cuộc hội họp đều diễn ra ở tĩnh và hậu cung chùa - vì ở đây có lối thoát ra đồng. Cho nên cơ sở này là một trong những cơ sở có thể nói là quan trọng bậc nhất trong thời kỳ các cơ sở Cách mạng phải đối phó với những cuộc khủng bố trắng của địch. Như vậy, nói một cách đơn giản là gì? Đó là: Có dân là có tất cả. Đảng có sống hay không cũng do dân nuôi dân che chở. Ăn ở đây, họp ở đây, thì tất cả đều do dân làng Tân ủng hộ nuôi dấu cho chúng tôi. Giao thông liên lạc cũng do dân lo giúp chứ không có cơ quan Thành ủy đóng như bây giờ!".

Sách CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN ghi: "Theo giới thiệu của Đồng chí Bạch Thành Phong, lúc đó là Cán bộ phụ trách An toàn khu của Trung ương thì: "Tháng 8 năm 1943 Đồng chí Nguyễn Quyết - nguyên Tỉnh Ủy viên của tỉnh Hưng Yên về nhận công tác- sau này nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam". "Trong những ngày đầu tôi lấy vùng Bưởi là An toàn khu của Trung ương làm căn cứ xuất phát để tiến vào nội thành và mở rộng ra cả ngoại thành..."(2).

Để đẩy mạnh cao trào đấu tranh hơn nữa, đầu tháng 4 năm 1945 thi hành nghị quyết của hội Quân sự Bắc Kỳ, Thành ủy triệu tập hội nghị Quân sự tại chùa làng Tân (Nghĩa Đô)(3).

Như thế - ngôi chùa này - đã là một trong những di tích Cách mạng. Giờ đây, nhìn lại ngôi chùa đã là một di tích cổ, với hai vai giá trị Lịch sử và Cách mạng, có chí ít là ngót 400 năm tuổi mà đã đang trên đà hoang phế với nguy cơ mất hẳn.

Chùa không bị bom đạn, không bị hoả hoạn, không bị chính sách chủ trương chi phối, cũng không vì sự gò ép khó khăn nào mà chỉ vì năm tháng và ý thức con người đối với di sản văn hóa của các bậc tiền nhân ! Họ có thể nói gì với các bậc tiền nhân khi họ đã phó thác cho dân thôn trọng trách là thờ Phật, giỗ hậu, là giữ gìn cơ sở Cách mạng... một mỹ tục trong truyền thống văn hóa Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn; Ôn cố tri tân..."?

Hướng tới 1000 năm Thăng Long, và trước mắt là kỷ niệm ngày thành lập Đảng quang vinh, nên chăng các cơ quan sở tại (là Phường là Thôn là bản tự) cũng như các cơ quan chuyên ngành của Bộ Văn hóa mà cụ thể là Sở Văn hóa Hà Nội, nên có kế hoạch cụ thể, kịp thời để không phục chế thì cũng là khôi phục những di tích quý giá này - mà việc đầu tiên là phải làm thủ tục xếp hạng cho di tích. Hãy đáp lại lời kêu cứu của di tích mà trả lại tên cho di tích Chùa Quang Ân, nơi in dấu của hai lần di tích: vừa Lịch sử vừa Cách mạng. Chúng ta có thể chưa làm những công trình mới nhưng việc bảo dưỡng giữ gìn những di tích cũ nếu không kịp thời sẽ là vĩnh viễn ra đi và như thế ta lại là người thêm một lần mắc tội với Lịch sử và hậu thế ! Dân tộc ta có truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, có dòng văn hóa thấm đẫm chất nhân văn sao nỡ để mất đi những dấu lặng, nét son này thì làm sao tránh khỏi sự đứt đoạn không đáng có xảy ra.

Chú thích:

(1) Ban biên tập Nội chính Đài phát thanh truyền hình Hà Nội do Viêm Hoàng và cộng sự thực hiện.

(2) Là tác phẩm do Đại tướng Nguyễn Quyết kể lại Hồi ức của mình và được Đại tá Nguyễn Hữu Đức thể hiện, tr..37, 38.

(3) Sách đã dẫn , tr.69./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr. 47-52)