Về bài thơ khắc trên chuông xã Cẩm Thịnh huyện Cẩm Xuyên

Tháng 12 năm 1990, ở địa phận xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã khai quật được một quả chuông đồng. Chuông cao 0,95m, đường kính miệng chuông 0,6m, cân nặng 200kg, không ghi niên đại.

Quả chuông này đã được Nguyễn Du Chi giới thiệu trên Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1995(1). Người giới thiệu đã căn cứ vào những đặc điểm về hình thức và nội dung bia, đoán định đó là “cổ vật” đời Trần.

VỀ BÀI THƠ KHẮC TRÊN CHUÔNG XÃ CẨM THỊNH, HUYỆN CẨM XUYÊN

 

HOÀNG VĂN LÂU

Viện Nghiên cứu Hán - Nôm

Tháng 12 năm 1990, ở địa phận xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã khai quật được một quả chuông đồng. Chuông cao 0,95m, đường kính miệng chuông 0,6m, cân nặng 200kg, không ghi niên đại.

Quả chuông này đã được Nguyễn Du Chi giới thiệu trên Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1995(1). Người giới thiệu đã căn cứ vào những đặc điểm về hình thức và nội dung bia, đoán định đó là “cổ vật” đời Trần.

- Về hình thức: Núm treo chuông do một con rồng tạo thành. Cả 6 núm chuông đều thể hiện phong cách chuông chùa thời Trần.

- Trên chuông khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Phạm Sư Mạnh giữ chức Nhập nội hành khiển, Tri Khu mật việ sự triều Trần, còn giữ được hai chữ huý đời Trần là chữ “Nam” và chữ “Lý” theo lối bớt nét.

Phạm Sư Mạnh có tập thơ Hiệp Thạch thi tập, nhưng đã bị thất truyền. Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn sưu tập được 35 bài thơ của họ Phạm, nhưng không có bài thơ tứ tuyệt này. Vì lẽ đó, chúng tôi thấy cần thiết phải tìm hiểu hơn bối cảnh sáng tác, xác định niên đại sáng tác của bài thơ, góp thêm tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu thơ Phạm Sư Mạnh nói riêng và những tác gải thời Trần nói chung.

Nguyên văn bài thơ như sau:

Phiên âm:

Nam vọng Hoành Sơn đại hải đoan

Kình đào hung dũng bạch vân gian

Thiều thiều vạn lý nam chinh lộ

Xa giá hoang châu Bố Chính san.

Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh

Cung nội thượng ban Phùng ngọc

Pháp hiệu Từ Nghiêm(2)

Dịch nghĩa:

Nhìn về phương Nam, núi Hoành Sơn ở bên biển lớn,

Sóng Kình cuồn cuộn liền giải mây trắng.

Đường nam chinh xa xôi muôn dặm,

Xa giá tới núi Bố Chính châu hoang vắng.

Bài thơ phản ánh một sự kiện lịch sử. Hoàng đế Đại Việt (xa giá) thân hành đi đánh phương Nam (Nam chinh), tới núi Bố Chính (Bố Chính). Có thể từ sự kiện lịch sử này mà đi tìm đầu mối, xác định niên đại sáng tác của bài thơ.

Theo Từ điển văn học, Phạm Sư Mạnh vào triều làm quan năm Đại Khánh 10 (1323)(3). Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam, Phạm Sư Mạnh “được bổ làm quan trong triều” năm Đại Khánh 10 (1323)(4). Như thế, sự kiện Phạm Sư Mạnh được theo xa giá đi Nam chinh xảy ra sau năm 1323.

Từ năm 1323 đến trước năm 1253 (Thiệu Phong 18), chỉ có một lần hoàng đế Minh Tông “thân chinh” vào năm 1334 – 1335, nhưng chỉ tiến quân tới Nghệ An để chinh phạt Ai Lao xâm lấn đất đai(5).

Từ năm 1353 về sau, mới có mối lo về Chiêm Thành: Tháng 10 năm 1353, Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu. Các năm 1365, 1371, 1376 đều có chuyện biên giới phương Nam. NHưng cũng chỉ có năm 1376 mới có việc hoàng đế Đại Việt (Duệ Tông) thân chinh phương Nam. Sử chép: (Long Khánh năm thứ 4 – 1376). Tháng 12: Vua đích thân đi đánh Chiêm Thành…

“…Bấy giờ, đại quân tiến đến cửa biển Di Luân, các quân đi theo đường biển. Vua cưỡi ngựa, dẫn quân bộ ven theo bờ biển đến cửa Nhật Lệ, đóng quân luyện tập một tháng”(6).

Hai cửa Di Luân và Nhật Lệ đều ở châu Bố Chính (nay là tỉnh Quảng Bình). Câu thơ: “Xa giá hoang châu Bố Chính san” có thể chỉ sự kiện Duệ Tông thân chinh năm này (1376) và bài thơ khắc trên chuông ở xã Cẩm Xuyên đã được sáng tác vào thời gian đó (1376-1377).

Năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu 7, vào tháng 12 nhuận, Minh Tông chinh phạt Ai Lao, sai Nguyễn Trung Ngạn mài vách núi khắc chữ ghi công(7). Lần xuất chinh này, Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài tử trận, nhưng đại quân thắng lợi khải hoàn.

Còn lần Nam chinh này, (1376-1377), hoàng đế Duệ Tông đích thân chỉ huy quân, tiến vào châu Bố Chính, luyện quân 1 tháng. Sau đó tiến sâu vào kinh đô Chiêm Thành, bị trúng kế phục kích của Chế Bồng Nga, toàn quân tan vỡ. Trần Duệ Tông cùng các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận.

Phạm Sư Mạnh làm bài thơ “Nam chinh” này khi “xa giá” đang đóng ở châu Bố Chính. Sư Mạnh đi theo hậu quân, nên thoát hiểm trở về. Sau khi thất trận, viên Cung nội thượng ban Phùng Ngọc pháp hiệu Từ Nghiêm đã khắc bài thơ lên chuông, đặt vào chùa, như một kỷ niệm bi thương về một cuộc Nam chinh thất bại, chuông đánh lên mỗi sáng, mỗi chiều, như truy điệu hương hồn Dụê Tông hoàng đế và các tướng sĩ tử trận.

Chú thích:

(1) X. Nguyễn Du Chi: “Thêm một vài tư liệu về chuông thời Trần ở chùa Rối (Hà Tĩnh): Những phát hiện mới khảo cổ học, 1995.

(2) Theo văn bản hiệu đính bằng chữ Hán của PTS. Đinh Khắc Thuân.

(3) Từ điển văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1984, Tập I, tr. 188.

(4) Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 1971, Tập I, tr. 174-175.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản…, g.7, tờ 6b, 7a.

(6) Sđd, Bản…, g.7, tờ 43a, 43b.

(7) Sđd, Bản…, g.7, tờ 6a.

Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.256-259)