Bài minh văn chùa Thiên Phúc đời Lý

Bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn) đời Lý (1109) được tìm thấy trong một sưu tập văn bia Kim văn loại tụ vào năm 1995 trong dịp Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông Pháp hợp tác biên soạn bộ Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Năm 1998, khi xuất bản Tập 1 Từ Bắc thuộc đến thời Lý(1), chúng tôi đã công bố nguyên văn chữ Hán, có chú giải cũng bằng chữ Hán để phục vụ độc giả Hán văn trong và ngoài nước.

BÀI MINH VĂN CHÙA THIÊN PHÚC ĐỜI LÝ

HOÀNG VĂN LÂU

Bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn) đời Lý (1109) được tìm thấy trong một sưu tập văn bia Kim văn loại tụ vào năm 1995 trong dịp Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông Pháp hợp tác biên soạn bộ Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Năm 1998, khi xuất bản Tập 1 Từ Bắc thuộc đến thời Lý(1), chúng tôi đã công bố nguyên văn chữ Hán, có chú giải cũng bằng chữ Hán để phục vụ độc giả Hán văn trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ Lời dẫn (viết bằng chữ Việt) ngắn gọn, chưa có dịp nói rõ quá trình đi tìm bài minh và phương pháp giám định văn bản. Lại nữa, bài minh viết bằng chữ Hán, khá xa lạ với nhiều độc giả tiếng Việt. Vì lẽ đó, chúng tôi viết bài này, bổ sung một số điểm về quá trình phát hiện và giám định văn bản, đồng thời giới thiệu nội dung chủ yếu bài minh chùa Thiên Phúc, tục gọi là chùa Thầy, xưa gọi là Viện Hương Hải, Am Bồ Đà, thuộc 2 xã Thiên Phúc và Thụy Khê, huyện Yên Sơn, huyện Quốc Oai, xứ Sơn Tây, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Theo Đại Việt sử lược, chùa này do vua Lý Thánh Tông ra lệnh xây vào tháng 12 năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), trở thành một trung tâm Phật giáo thời Lý. Chùa từng là nơi trụ trì của vị Thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam - Từ Đạo Hạnh. Trải bao hưng phế của lịch sử, chùa luôn được các triều đại tôn trọng, trùng tu, là một danh thắng bậc nhất của nước ta.

Quả chuông chùa Thiên Phúc đúc từ thời Lý, đã được nhiều học giả các đời nhắc tới. Năm 1777, khi sưu tập di văn khắc trên bia, trên chuông (kim thạch di văn), Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã xếp nó ở vị trí số 1 trong số 17 bia chuông thời Lý - Trần mà ông đã sưu tập và nghiên cứu (Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương). Theo Lê Quý Đôn, Đạo Hạnh Thiền sư đúc chuông vào năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109), Đệ tử Huệ Hưng soạn bài minh, Trước tác lang Nghiêm Thường viết chữ. Lê Quý Đôn còn nói rõ: Trên chuông, sau này người ta khắc thêm Thánh chỉ của vua Trần Anh Tông, ghi năm Hưng Long thứ 12 (1304), cấp ruộng thờ cho chùa.

Quả chuông đúc vào thời Lý này nay không còn. Nhiều người muốn biết số phận quả chuông đó, hoặc một vài dấu tích có thể soi rọi lai lịch của một di sản văn hóa quý của một thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc. Rất may là ở chùa hiện còn giữ được một quả chuông, có khắc bài minh do một đại danh bút nhà Tây Sơn soạn. Bài minh có tên là: Phật Tích sơn Thiên Phúc tự tân chung ký minh. Trong bài ký khắc trên chuông mới này, Phan Huy ích cho biết: Chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích do Từ Đạo Hạnh sáng lập. Đạo Hạnh sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), ông tu luyện trên núi, pháp lực vô biên, ông dựng am cạnh vách đá, mở ra trường đạo riêng. Vào mùa xuân năm Kỷ Sửu, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109), ông cho đúc 1 quả chuông nặng hai nghìn cân, rộng khoảng 10 vòng. Mùa thu năm đó, lại đón đệ tử là Thích Huệ Hưng tới để viết bài ký dài vài nghìn câu, một bài minh theo lối 4 câu 2 vần, văn từ, điển chương rất đẹp. Người viết chữ là Nghiêm Thường... Chuông đúc được 7 năm thì Từ Đạo Hạnh mất. Trải qua các triều đại Lý, Trần, chùa vẫn được bảo vệ tốt. Riêng quả chuông thì sau cuộc xâm lược của quân Minh vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Mãi đến năm 1789 (năm Kỷ Dậu, niên hiệu Quang Trung năm thứ 2), do thiếu đồng để đúc tiền, nên quả chuông nhà Lý này mới bị phá hủy.

Những năm 70 của thế kỷ này, Viện Văn học đã sưu tầm di văn thời Lý Trần. Riêng về “di văn kim thạch”, thì phần Khảo luận văn bản (Thơ văn Lý Trần, tập 1, tr.125 ) cho biết, bài Phật Tích sơn Thiên Phúc tự chung minh do Huệ Hưng soạn (1109) đã mất.

Những năm gần đây, khi sưu tập di văn kim thạch các thời đại từ Bắc thuộc đến Lý Trần, chúng tôi ngoài việc chú trọng điều tra thực tế, tìm lại bia đá, chuông đồng còn giữ được, còn để tâm sưu tầm những bộ sưu tập kim thạch di văn do các nhà sưu tầm ghi chép lại từ các thế kỷ trước. Bài ký và bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Phúc do Huệ Hưng soạn năm 1109 được chép trong một sưu tập văn bia Kim văn loại tụ (Sách hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm), có tên là: Thiên Phúc tự hồng chung minh văn (Minh văn chuông chùa Thiên Phúc). Xét từ hình thức văn khắc (có bài ký hơn ngàn chữ, bài minh 4 câu 2 vần) đến nội dung của bài văn khắc trên chuông (như nói chuông nặng hơn hai ngàn cân, bài ký và bài minh do đệ tử Huệ Hưng soạn...) đều phù hợp với những thông tin do Lê Quý Đôn và Phan Huy ích (những học giả được nhìn thấy chuông, đọc bài minh trên chuông trước khi chuông bị phá) cung cấp.

Mở đầu bài ký, tác giả bàn về “diệu lý” và “vọng cảnh” của đạo Phật. “Diệu lý tuy một, nhưng vọng cảnh thực rất nhiều”, cùng mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Phần này cũng nêu bật ý nghĩa tượng trưng của chuông: “Chuông, bên ngoài biểu thị tròn đầy, bên trong tỏ ý chứa rỗng. “Tròn” có nghĩa là luôn luôn dùng mà không hay, “đầy” là lấy ý nghĩa khó hủy hoại; “chứa” nghĩa là chứa vào mà không trở ngại, “rỗng” có ý phát huy vô tận. Nếu không như vậy, cớ sao Phật vừa sai gõ chuông thì sấm trời im tiếng, sáo đất lặng âm, Tam giới lập tức tỉnh ngộ...”

Phần lớn bài minh chuông ca ngợi Phật pháp cao siêu và công đức vô lường của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, kể lại quá trình trùng tu chùa Phật và đúc quả chuông lớn.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nhân vật lịch sử quan trọng không những của Phật giáo mà của cả triều đại nhà Lý. Về ông, có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại rất huyền diệu. Bài văn này do một người sống cùng thời và rất gần gũi với Từ Đạo Hạnh viết ra, nên có giá trị tư liệu đặc biệt. Bài văn cho biết: “Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ vĩ. Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; Lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Dựng Bát chủng tháp mà khắp cõi hết mực uy nghiêm, Đọc Tam khíp thư mà kinh Phật thảy đều quán triệt. Gặp khi đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; Học cổ không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước rảy mà dứt hết ốm đau; Việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép...”.

Theo bài văn, khi Từ Đạo Hạnh đến núi Phật Tích thì trên núi đó đã có chùa: “Ngọn núi ấy sừng sững như Lăng Già bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào am Phật bằng đá. Mây ngũ sắc vần vụ, ngọc thất châu buông rèm; Lưới nhện đan xen, áo tơ rực rỡ… Ngày xưa bậc ẩn sĩ góp công đức dựng nên, đâu có khác thần linh tạo hóa...”. Ông ở đủ 6 năm, theo yêu cầu của các đệ tử, mới xây dựng một ngôi chùa “ở mảnh đất phía dưới, cũng là chốn thắng địa”. Hãy xem quang cảnh xây dựng chùa: “Thế là rừng cây lên tiếng, trong chốc lát, các thiện nam tín nữ kéo về; chẳng mấy hôm đã xuất hiện quang cảnh mới. Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh. Dấu mực thước dọc ngang, tiếng búa rìu chan chát. Nguy nga viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông gây bóng mát cho lối đi, làm vườn tỏa hương thơm nơi cảnh Phật...”

Khi chùa đã làm xong, Từ Đạo Hạnh đích thân đi quyên hóa, lấy đồng đúc chuông: “chân thoăn thoắt trên khắp nẻo đường, tựa lân vờn thú nhảy, như phượng múa rồng bay... Chưa đầy 20 ngày, quyên được đồng đỏ chất thành gò đưa về chùa Hưng Phúc...” Không khí hưởng ứng Phật sôi nổi: “Ngựa xe đi mà nhà giàu góp hết của, già trẻ tới để thôn xóm vắng lặng không”... Người soạn cũng ghi được câu nói khiêm tốn giàu đức từ bi của Từ Đạo Hạnh:

“Nay chuông mới đúc xong, đó là do chúng sinh đều góp duyên. Ta không có công gì đáng ghi. Hãy lưu lại phương danh của các tín chủ, hãy ghi chép để truyền lại đời sau”.

Bài văn cũng cho biết quan hệ giữa Từ Đạo Hạnh với Vương triều nhà Lý và uy vọng của ông ở chốn triều đình. Khi Từ Đạo Hạnh tu ở trên núi Phật Tích thì: “Các Vương tử xe ngựa ồn ào, người khắp nước hương hoa dâng lễ. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay; Ban bảo y ngang bậc thượng bằng, lên xe Phật sách cùng Tứ quả”. Khi đúc chuông, Thái hậu Linh Nhân sai Trung sứ tới tận chùa (để đóng góp). Chuông đúc xong thì tâm nguyện của Từ Đạo Hạnh là “Trên báo đáp đức Kim thượng được mãi mãi giáo hóa, ngự ngôi báu lâu dài. Nhờ vật báu quốc gia mà các đời phồn thịnh, dân ấm no và đất nước bình yên...”. Đây cũng là nét đặc sắc trong quan hệ giữa đạo Phật thời đó với nhân dân, với đất nước, với vương triều.

Khi giám định văn bản bài minh văn, chúng tôi thấy, dù chuông đã mất, nhưng bản sao chép lại rất thận trọng, hầu như không có lỗi nào về chữ viết, về hành văn. Tất cả câu chữ trong bài đều có thể lý giải.

Minh văn chuông chùa Thiên Phúc không những là tư liệu quý về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn là sử liệu quý, giúp hiểu thêm về Phật giáo thời Lý, những nét sinh hoạt văn hóa Phật giáo thời Lý nói riêng và nền văn hóa thời phục hưng của nước Đại Việt nói chung.

CHÚ THÍCH

1. école franỗaise d’Extrême-Orient. Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Từ Bắc thuộc đến thời Lý. Paris - Hà Nội 1998.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, Hà Nội 1993, tập 1.

2. Đại Việt sử lược. Bản biên hiệu của Trần Kinh Hòa. Xuất bản tại Tôkyô, Nhật Bản.1987.

3. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương.

4. Thơ văn Lý Trần, T1, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1997, tr.125.

5. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao triều Lý, Sông Nhị, Hà Nội.1950.

6. Thiền uyển tập anh, khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11.

7. Từ Đại thánh sự tích, sách chữ Hán, ký hiệu A.1152.

8. Phật Tích sơn Thiên Phúc tự tân chung ký minh 1794. Văn bia trên chùa Thầy, Hà Tây.

9. Thùy Vinh: Vài nét về hai quả chuông thời Tây Sơn tại Sài Sơn, Hà Sơn Bình, Tạp chí Hán Nôm số 1-1987.