Bài thời Mạc ở Chùa Phúc Giao (Thái Thụy Thái Bình) bị đục niên đại

Tại chùa Phúc Giao xã Thụy Dân huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình hiện có hai bia đá cổ kính bị đục niên đại. Bia thứ nhất dựng ngay cửa vào nhà thờ tổ, có tên là Phúc Giao tự bi, bia thứ hai thì dựng sát tường phía trong nhà thờ tổ. Bia thứ hai thì chỉ có một mặt khắc văn bia, còn một mặt kia tạc tượng Hậu để thờ. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu văn bản và lí giải niên đại bị đục ở bia thứ nhất.

BIA THỜI MẠC Ở CHÙA PHÚC GIAO (THÁI THỤY THÁI BÌNH) BỊ ĐỤC NIÊN ĐẠI

ĐINH KHẮC THUÂN

Tại chùa Phúc Giao xã Thụy Dân huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình hiện có hai bia đá cổ kính bị đục niên đại. Bia thứ nhất dựng ngay cửa vào nhà thờ tổ, có tên là Phúc Giao tự bi, bia thứ hai thì dựng sát tường phía trong nhà thờ tổ. Bia thứ hai thì chỉ có một mặt khắc văn bia, còn một mặt kia tạc tượng Hậu để thờ. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu văn bản và lí giải niên đại bị đục ở bia thứ nhất.

Những trường hợp niên hiệu trên bia bị đục, thường là niên hiệu vua thời Tây Sơn (1788-1802), để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn (1802-1945). Nhưng trường hợp đục niên hiệu trên bia này không phải là niên hiệu thời Tây Sơn mà là niên hiệu thời Mạc (1527-1592).

Bia Phúc Giao tự bi có kích thước 0,55x0,65m, kí hiệu thác bản tại Viện Hán Nôm: 45039 - 45040. Trán bia cong trang trí rồng chầu mặt nguyệt, hai diềm bên trang trí hoa dây lá lật, chân bia trang trí hoa văn cánh sen. Bia khắc hai mặt, mặt sau cũng được trang trí tương tự như mặt trước, song trán bia được trang trí mặt trời và hai áng mây xoắn. Bia đặt trên bệ bia hình rùa đã nằm chìm xuống đất. Văn bản bằng chữ Hán, khắc kín hai mặt bia. Mặt trước là bài kí, ghi việc quan viên hương lão và toàn dân xã An Tiêm dựng tòa Tiền đường ba gian và tô 10 pho tượng Phật là: Thích ca, Kim thân, Nam tào, Bắc đẩu, Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu âm, Diệu Nhan, Kim đồng, Ngọc nữ. Sau đó lại tô hai pho Hộ pháp. Mặt sau bia kê tên người công đức. Tác giả bài văn bia là viên Thanh hình Hiến sát Phó sứ của Hiến sát sứ đạo Ninh Sóc, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Chính trị Thượng khanh Lê Đoan Phủ, người xã An Tiêm soạn. Niên đại bia được ghi là "[?] [?] vạn vạn niên, tuế tại Nhu triệu Chấp đồ"(1), tức năm Bính Thìn. Hai chữ ở đầu câu này chính là niên hiệu đã bị đục.

Đây là văn bia chùa có phong cách khá điển hình ở thời Mạc thế kỉ XVI. Các pho tượng trên đều có nguồn gốc ở điện thờ các quán đạo được nhập vào Phật điện chùa. Hiện tượng này thường diễn ra ở thời Mạc - đỉnh điểm của "Tam giáo đồng nguyên", như chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Tây) là quán đạo Hội Linh, chùa Mui (Thường Tín, Hà Tây) là quán Hưng Thánh… Đặc biệt Phật điện chùa Phúc Giao này hoàn toàn như điện thờ chùa Sổ (Hà Tây). Có điều là tượng thờ chùa Phúc Giao không còn mà chỉ được văn bia ghi lại; còn tượng chùa Sổ thì còn nguyên, nhưng lại không được ghi chép tên gọi các pho tượng này. Hai nguồn tư liệu này bổ sung cho nhau để góp phần lí giải hệ thống điện thờ ở chùa Sổ nói riêng, các ngôi chùa quán thời Mạc nói chung, đồng thời góp phần khôi phục và tái tạo Phật điện, cũng như di tích chùa Phúc Giao (Thái Bình) nói riêng và một số ngôi chùa quán thời Mạc có xu hướng hòa đồng Phật - Lão. Về chức tước tác giả bài văn bia này, chức Chính trị Thượng khanh, Hiến sát phó sứ là chức quan thời Lê - Mạc và tên đạo Thừa tuyên Ninh Sóc cũng thuộc thời Lê Mạc mà trên văn bia thời Mạc xuất hiện khá phổ biến(2), từ thế kỉ XVII trở đi đổi thành Thái Nguyên. Văn bia ghi sửa chùa vào năm Hoàng triều [?] [?] ngũ niên, tiếp đó năm Nhâm Tí tô tượng Phật. Có nghĩa là năm Nhâm Tí tương đương với năm thứ 6 của một niên hiệu vua nào đó. Xét năm Nhâm Tý là năm thứ 6 của một niên hiệu vua, thì chỉ có thể là năm 1552 thuộc niên hiệu Cảnh Lịch (1547-1554) đời Mạc Phúc Nguyên(3). Và như vậy, năm Bính Thìn dựng bia là năm 1556 thuộc niên hiệu Quang Bảo (1554-1561) thứ 3, cũng thuộc đời vua Mạc Phúc Nguyên.

Trường hợp bị đục niên hiệu trên bia thời Mạc này có lẽ là những trường hợp đầu tiên được biết. Đương nhiên hai bia ở chùa Phúc Giao này không thể bị đục niên đại cùng những bia thời Tây Sơn ở vào thời Nguyễn được. Nhân dịp khảo sát toàn bộ di tích và tư liệu văn bia huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình, được biết vùng đất này vào thế kỉ XVII bị nhà Lê điều động lên Cao Bằng để đánh tàn dư nhà Mạc. Tại chùa Khánh Đức xã Thái Nguyên hiện còn một pho tượng Hậu bằng gỗ và văn bia Hậu này dựng vào năm Cảnh Trị 2 (1664) cho biết vị Hậu Phật này là bà Nguyễn Thị Nguyên hiệu Từ Hảo đã chu cấp 50 quan tiền cho dân phu làng đi đánh nhà Mạc ở Cao Bằng. Chính câu ca quen thuộc "Em về giã gạo ba giăng, Để anh kín nước Cao Bằng về ngâm. Cao Bằng xa lắm anh ơi, Đi về kín nước giếng khơi cho gần. Nước này tắm đức Thánh quân, Nước vo hạt gạo trắng ngần dẻo thơm" được nảy sinh từ sự kiện và thời điểm này ở đất Thái Thụy mà nay vẫn lưu truyền. Thực tế, vào thời Mạc, vùng đất Thái Thụy nằm sát đất Dương Kinh, kinh đô thứ hai của nhà Mạc, mang nhiều dấu ấn sâu đậm của vương triều này(4). Song sang thế kỉ XVII, thì nơi đây lại là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc chinh phạt nhà Mạc ở Cao Bằng do nhà Lê phát động. Vì lẽ đó, người dân ở đây phải tạm đục bỏ niên hiệu nhà Mạc, nhằm che mắt quan quân nhà Lê để tránh nguy cơ bị hủy hoại di tích có dấu ấn nhà Mạc.

Văn bia chùa Phúc Giao là một tư liệu quý giá, lại là một trong những văn bia khá sớm ở đất An Tiêm nói riêng, vùng đất huyện Thái Thụy nói chung có lịch sử lâu đời, phong phú. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây toàn bộ nội dung bản dịch của bài văn bia Phúc Giao tự bi này.

Phiên âm: Phúc Giao tự bi

Doanh tạo Phúc Giao tự Tiền đường Phật tượng bi kí tính minh

Phù kiến tự giả sở dĩ sự chư Phật tiếp vạn linh dã. Sự Phật giả sở dĩ cầu công đức kì huyền hựu dã. Cấu nhân hữu thiện tâm nhi năng doanh tạo hưng kiến nhi năng cung kính phụng sự, tắc thiên tất hậu kì báo nhi tứ chi dĩ phúc dã. Nhiên năng dữ nhân vi thiện tất đãi đại thủ đoạn. Tư An Tiêm xã thiện sĩ trùm phủ Lê Đăng hiệu Đạo An, Phạm Quang Diệu hiệu Đức Huyền, Huyện sĩ Nguyễn Năng hiệu Huyền Căn, Lê Phong hiệu Diên Thọ, Lê Thị Đô đẳng hưng khởi thiện niệm tu hành thiện quả.

Nãi ư Hoàng triều [?] [?] ngũ niên quyên gia tư thị lương tài, doanh tạo Phúc Giao tự tiền đường, tam gian, nhị hạ, bất tuần nguyệt nhi tiền đường dĩ nguy sùng hĩ. Ư Nhâm Tí niên nguyệt doanh tạo Thích ca Kim thân nhị tướng, tố hội Nam tào, Bắc đẩu, Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu âm, Diệu nhan, Kim đồng, Ngọc nữ cộng thập tướng. Giáp Dần niên nguyệt doanh tạo Hộ pháp nhị tướng. Bất tuần nhật nhi chư Phật dĩ xán lạn hĩ. Tuế tại Thượng chương Am mậu, hựu tu tạo án tiền nhất kiện thiết nhất tòa, diệc tùy thời cấu tác. Cưu công vân tất, công đức viên thành, khánh tán toại khai, nhân dân xưng tụng thử công thử đức, khải khả lượng tai, khâm lặc chư thạch dĩ thị hậu nhân, sử chi vĩnh giám.

Nhưng trưng văn ư dư dĩ kí kì thực. Dư diệc thiện kì thịnh đức, đại công bất khả tư nghị. Nãi viện cổ ngữ dĩ chứng trưng chi. Thư viết: tác thiện giáng bách tường. Dịch viết: tích thiện hữu dư khánh. Nghiệm chi trung viết: vi thiện chính thụ phúc, tắc tri vi thiện giả thiên tất hậu kì báo đắc vị, đắc lộc, đắc phú, đắc thọ vu kì thân, vu kì tử tôn hĩ. Hà tất phí từ, nhưng thuyên vu thạch dĩ truyền vĩnh cửu, minh viết:

Phát bồ đề niệm,
An Tiêm thiện sĩ
Quyên tư thị mộc,
Tiền đường tu tạo
Ấn tiền kim ánh,
Công đức viên mãn,
Ca tu nhân tụng
Thân cung tôn tử
Thử công thử đức
Kí thuật vu thủy
Thuyên chi vu thạch
Hưng thiện tạo công
hạc đức danh công
Dụng lực cưu công
Phật tượng quang dung
Hải hội chu hồng,
Khánh tán tu sùng
Trạch cập hậu mông
An lộc thường phùng
Thị sắc thị không
Minh liệt ư chung
Truyền dĩ vô cùng.

Hội chủ hưng công trùm phủ Lê Đăng hiệu Đạo An, Phạm Quang Diệu hiệu Huyền Đức, Huyện sĩ Nguyễn Năng hiệu Phúc Căn…

Tín thí kí:

Trịnh Nghi hiệu Phúc Lệnh, Trịnh Thị Xuân, Lê Thị Niên, Lê Thị Kiêm, Lê Thị Ngọc Chi,…

Quan viên hương trưởng Vũ Tiến, Nguyễn Quang Huy…

[?] [?] vạn vạn niên tuế tại Nhu triệu Chấp đồ nguyệt Đinh Hợi cốc nhật. Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Ninh Sóc đạo Thanh hình hiến sát sứ ty Hiến sát phó sứ, Chính trị Thượng khanh, Bình khai An Tiêm, Lê Đoan phủ soạn.

Dịch nghĩa: Văn bia chùa Phúc Giao

Bia kí và bài minh tạo dựng Tiền đường, Phật tượng chùa Phúc Giao.

Dựng chùa là để thờ Phật, tiếp dẫn vạn linh; thờ Phật là để cầu công, cầu đức, cầu huyền diệu phù trợ. Nếu ai có lòng thiện dựng chùa, cung kính thờ phụng thì trời ắt báo đáp mà ban cho phúc lành vậy. Nhưng muốn có cơ hội để cho người làm việc thiện tất phải chờ bậc cao nhân.

Nay xã An Tiêm có Thiện sĩ Trùm phủ Lê Đăng hiệu Đạo An, Phạm Quang Diệu hiệu Đức Huyền, Huyện sĩ Nguyễn Năng hiệu Huyền Căn, Lê Phong hiệu Diên Thọ, Lê Thị Đô cùng dấy lòng thiện, tu thiện quả. Do đó vào năm Hoàng triều thứ 5 [Cảnh Lịch thứ 5: 1551] quyên góp tiền của riêng tư mua sắm vật liệu tốt tạo tác Tiền đường chùa Phúc Giao 3 gian 2 chái. Không đầy một tháng mà nhà Tiền đường đã nguy nga vậy. Năm Nhâm Tí [1552] lại tạo 2 pho tượng Thích ca, Kim thân, tu bổ các tượng Nam tào, Bắc đẩu, Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu âm, Diệu nhan, Kim đồng, Ngọc nữ, tất cả là 10 pho. Vào năm Giáp Dần (1554) tạc 2 pho Hộ pháp. Chẳng bao lâu mà tượng chư Phật đã trở lên rạng rỡ.

Vào năm Thượng chương, Am mậu [ất Mão: 1555], lại tu tạo án tiền 1 bộ, cột hương một cây, cũng nhân dịp mà tu bổ, sắm sửa thêm. Công việc hoàn tất, công đức viên mãn. Ngày khánh thành, nhân dân đều ca tụng công đức ấy thực lớn lao khó lường được, phải cho khắc lên đá lưu truyền, để hậu thế mãi mãi sau này được rõ.

Bèn đến nhờ tôi viết văn bia để ghi lại sự thực. Tôi cũng thấy công đức ấy lớn lao không lời nào nói lên hết được. Do vậy, xin viện dẫn câu nói cổ nhân để minh chứng điều đó. Kinh Thư nói: "Người làm phúc hẳn được ban trăm điều lành". Kinh Dịch nói: "Người tích thiện sẽ có nhiều phúc lộc". Nghiệm thấy ở trong các lời đó đều bảo làm việc thiện tất được phúc đức, mới hay người và làm việc thiện, tất được trời báo đáp hậu hĩ, được lộc, được giàu có, được thọ đối với bản thân và con cháu vậy. Hà tất phải nói thêm gì nhiều, nên cho khắc vào đá để truyền mãi mãi. Bài minh rằng:

Bồ đề phát nguyện,
An Tiêm thiện sĩ
Quyên tiền mua gỗ
Tiền đường tu tạo
Án tiền vàng chói
Công đức tròn vẹn
Ngợi ca công đức
Mình và con cháu
Công đây đức ấy
Ghi nhớ từ cội
Tạc lên bia đá
Lòng thành dựng xây.
Đức lớn cao nhân
Dốc lòng khởi công
Phật tượng nguy nga
Hải hội tươi màu
Mừng ngày khánh thành
Ơn để muôn đời
Quan lộc nối dài
Như sắc như không
Khắc để muôn đời
Truyền mãi vô cùng.

Hội chủ hưng công Trùm phủ Lê Đăng hiệu Đạo An. Phạm Quang Diệu hiệu Huyền Đức. Huyện sĩ Nguyễn Năng hiệu Phúc Căn. Lê Phong hiệu Diên Thọ, Lê Thị Đô. Sãi Nguyễn Đình hiệu Khải Nguyên, Nguyễn Liên hiệu Phúc Diễn, Vũ Thị Ngọc Cánh, Lê Thị Lũng, Lê Thị Dũng, Phạm Thị Tài, Lê Tuyên Kì, Nguyễn Thị Năng, Nguyễn Thị Thiêm, Nguyễn Thị Hoảng, Phạm Bính, Nguyễn Cao, Lê Điển, Phạm Tài, Bùi Đẳng, Nguyễn Thọ, Lê Thị Ngọc Minh.

Tín thí:

Trịnh Nghi hiệu Phúc Lệnh, Trịnh Thị Xuân, Lê Thị Niên, Lê Thị Kiêm, Lê Thị Ngọc Chi, Nguyễn Thị Cả.

Nguyễn Thị Đường, Nguyễn Thế Trụ, Lê Văn Thụ, Lê Văn Bảng, Nguyễn Thị Niệm, Lê Thị Nhiên, Lê Thị Sĩ, Lê Thị Trứ, Nguyễn Duẩn, Nguyễn Phế, Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Đại Công, Lê Thị Ngọc Đài, Lê Kỳ, Nguyễn Cảnh Phúc, Phạm Khắc Luân.

Nguyễn Thị Phương Quế, Lê Đa hiệu Đức Diệu, Lê Doãn Thành hiệu Huyền Trinh, Lê Đăng hiệu Tiến Văn, Đinh Đốc Bùi hiệu Đức Tân, Trịnh Luân, Nguyễn Hùng Tài.

Vũ Tuấn Phạn, Nguyễn Lương, Nguyễn Thị Đại, Nguyễn Thị Chỉnh, Bùi Thị Sung, Đinh Thị Nẫm, Trịnh Thị Hán, Nguyễn Thọ Tập.

Quan viên hương trưởng Vũ Tiến, Nguyễn Quang Huy, Trịnh Giai, Lê Đình Tông, Lê Văn Luân, Lê Vĩnh, Nguyễn Cảnh Chỉ, Lê Đức Tân.

Nguyễn Kim Phương, Nguyễn Cảnh Đức, Lê Trung Bảng, Lê Trương, Lê Trấn, Nguyễn Trường, Bùi Tiến Bảng, Phạm Hưng Hiền, Lê Đô, Vũ Khánh, Vũ Duy Nhất, Lê Đỉnh, Lê Huyền, Nguyễn Cố, Lê Hạng, Hoàng Chung, Nguyễn Hưng Nhân.

Nguyễn Cẩn, Trịnh Huy, Lê Bảng, Nguyễn Trịnh, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Thắng, Nguyễn Pháp, Nguyễn Đá. Nguyễn Xứng…

[? ?] vạn vạn niên, tuế tại Nhu triệu Chấp đồ [Bính Thìn: 1556], nguyệt Đinh Hợi (?) Mặc chấp đồ cốc nhật.

Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Ninh Sóc đạo Thanh hình hiến sát sứ ty Hiến sát phó sứ, Chính trị thượng khanh, Bình Khai, An Tiêm họ Lê hiệu Đoan phủ soạn.

Đ.K.T

CHÚ THÍCH

(1) Đây là cách ghi duy danh can chi. Xem Đinh Khắc Thuân, "Một số vấn đề niên đại bia Việt Nam", Tạp chí Hán Nôm, số 2/1987, tr. 26-34.

(2) Văn bia thời Mạc, KHXH, H. 1996.

(3) Trong Niên biểu Việt Nam (Vụ Bảo tồn Bảo tàng tái bản, Hà Nội, 1970, tr.34), niên hiệu Cảnh Lịch nhà Mạc được ghi là từ 1548-1553. Thực tế, niên hiệu Vĩnh Định chỉ tồn tại trong vài tháng của năm 1547, do đó năm đầu của niên hiệu Cảnh Lịch có thể đã bắt đầu ngay từ năm 1547. Xem thêm, Lê Thành Lân và Trần Ngọc Dũng "Dùng văn bia để xác định lại một vài niên hiệu của nhà Mạc", Tạp chí Khảo cổ học, 3/1996, tr.79-86.

(4) Tại khu vực Thái Thụy và Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình vừa được phát hiện khoảng 10 văn bia thời Mạc, trong đó có tới 3 văn bia do Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn.

福 膠 寺 碑

營 造 福 膠 寺 前 堂, 佛 像 碑 記 并 銘.

夫 建 寺 者 所 以 事 諸 佛, 接 萬 靈 也. 事 佛 者 所 以 求 功 德 祈 玄 祐 也. 苟 人 有 善 心 而 能 營 造 興 建, 而 能 恭 敬 奉 事 則 天 必 厚 其 報 而 錫 之 以 福 也. 然 能 與 人 為 善, 必 待 大 手 段. 玆 安 暹 社 善 士 仚 府 黎 登 號 道 安, 范 光 耀 號 德 玄, 懸 士 阮 能 號 玄 根, 黎 豐 號 廷 壽, 黎 氏 都 等 興 起 善 念, 修 行 善 果. 乃 於 皇 朝 [?] [?] 五 年, 捐 家 貲 市 良 材, 營 造 福 膠 寺 前 堂, 三 間 二 廈. 不 旬 月 而 前 堂 已 巍 崇 矣. 於 壬 子 年 月, 營 造 釋 迦 金 身 二 相, 塑 會 南 曹 北 斗 聖 父 聖 母 妙 音 妙 顏 金 童 玉 女, 共 十 相. 甲 寅 月 年, 營 造 護 法 二 相. 不 旬 日 而 諸 佛 已 燦 爛 矣. 歲 在 上 章 庵 茂, 又 修 造 案 前 一 件 鐵 一 座, 亦 隨 時 構 作 鳩 工 云 畢. 功 德 圓 成, 慶 讚 遂 開 人 民 稱 訟 此 功, 此 德 豈 可 量 哉. 欽 勒 諸 石 以 示 後 人, 使 之 永 監. 仍 徵 文 於 余 以 記 其 實. 余 亦 其 盛 德 大 功 不 可 思 議. 乃 授 援 古 語 以 證 徵 之. 書 曰: 作 善 降 百 祥. 易 曰: 積 善 有 餘 慶. 驗 之 中 曰: 為 善 正 受 福 則 知 為 善 者, 天 必 厚 其 報, 得 位 得 祿 得 富 得 壽 于 其 身, 于 其 子 孫 矣. 何 必 費 辭, 乃 鐫 于 石 以 傳 永 久 銘 曰:

發 菩 提 念
安 暹 善 士
捐 貲 市 木
前 堂 修 造
案 前 金 映
功 德 圓 滿
歌 修 人 頌
身 躬 孫 子
此 功 此 德
記 述 于 始
鐫 之 于 石
興 善 造 功
碩 德 名 公
用 力 鳩 乃
佛 像 光 融
海 繢 朱 紅
慶 讚 修 崇
澤 及 後 蒙
官 祿 常 逢
是 色 是 空
銘 列 於 終
傳 以 無 窮

一 會 主 興 功 仚 府 黎 登 號 道 安, 范 光 耀 號 玄 德, 縣 士 阮 能 號 福 根, ; 黎 豐 號 廷 壽, 黎 氏 都, 士 阮 廷 號 凱 元... 信 葹 記.

一 官 員 鄉 長 武 進, 阮 光 輝...

[?] [?] 萬 萬 年 歲 在 柔 兆 執 涂, 月 丁 亥 墨 執 涂 榖 旦.

特 進 金 紫 榮 祿 大 夫, 寧 朔 道 清 刑 憲 察 使 司 憲 察 副 使, 正 治 上 卿 平 開 安 暹, 黎 端 甫 撰.