Bia hậu ở Việt Nam

Bia hậu nếu chỉ nhìn từng cá thể thì quả là nội dung không có gì nhiều, song nếu nghiên cứu chúng trong một hệ thống, trong từng khu vực hành chính và trong những giai đoạn lịch sử nhất định, sẽ cho những thông tin có giá trị. Ngoài việc phản ánh tập tục lập Hậu và tác động của nó đối xã hội, qua bia hậu còn có thể tìm hiểu được tình hình chính trị kinh tế văn hóa trong những giai đoạn nhất định.

BIA HẬU Ở VIỆT NAM

TRẦN KIM ANH

1. Cũng như các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Hán, lệ dựng bia đá để ghi việc đã xuất hiện ở Việt Nam từ hơn 1000 năm nay. Nhưng khác với các nước trên, do những yếu tố về thời tiết khí hậu, lại luôn xảy ra chiến tranh nên người Việt dường như triệt để hơn trong việc sử dụng loại vật liệu bền vững này để lưu giữ các ghi chép của mình. Do vậy ở Việt Nam, cho đến giai đoạn đầu thế kỷ XX, đến bất cứ thôn làng nào, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc bộ, đều có thể bắt gặp những tấm bia đá được dựng ở đình, chùa, đền, miếu, từ đường, lăng mộ, hoặc ngoài cánh đồng, bên sườn núi, trong hang động, dọc triền sông, dưới gốc đa, bên giếng nước, thậm chí trong các ngõ xóm, tư gia với kích thước và hình dáng khác nhau, tạo nên một vẻ đẹp cổ kính cho cảnh quan và toát lên một màu sắc văn hóa khá độc đáo.

Qua nội dung văn bia, có thể thấy người Việt trong thời trung đại đã khắc lên đá gần như tất cả những gì mà họ muốn lưu truyền lâu dài như: tôn vinh quảng bá tôn giáo; các sự kiện lớn về chính trị quân sự; sự ra đời của các công trình kiến trúc; thơ văn của vua chúa, danh gia khi đi công cán hoặc vãn cảnh; sự tích các vị thần; sự nghiệp của các danh nhân; lý lịch của các vương hầu công chúa; lệnh, chỉ, của vua chúa ban cho một làng hay một cá nhân; phả hệ của một dòng họ; khoán ước của một làng; giao kèo với phường hát; kết quả của những vụ kiện tập thể; công đức của một cá nhân hay một tập thể cho các công trình kiến trúc, tóm lại nội dung hết sức phong phú đa dạng, là những tư liệu có thể góp phần bổ sung những chi tiết mà chính sử không ghi, đồng thời giúp nghiên cứu khá hữu hiệu về phong tục tập quán cùng sự vận động phát triển của xã hội Việt Nam thời trung đại.

Trong toàn bộ di sản văn bia, có một một dạng bia đặc biệt nhưng lại rất phổ biến, đó là bia Hậu Thần, Hậu Phật, Hậu Hiền lâu nay vẫn được gọi chung là bia Hậu. Đây là dạng bia có tỷ lệ khá lớn, chiếm đến gần 50% số thác bản bia hiện đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tỷ lệ bia thời Lê ở một số huyện thuộc Kinh Bắc đã cho thấy rõ điều này: Đông Ngàn 78 bia hậu trên 166 bia các loại; Yên Phong 39/124 bia, Quế Dương 52/103 bia; Tiên Du 21/74 bia; Gia Định 47/101 bia; Gia Lâm 31/74 bia(1)… Hay như qua tỷ lệ bia ở một xã là xã Bá Dương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây), thì trong số 41 tấm bia đá lớn nhỏ, với các niên đại rải rác từ năm Cảnh Trị 3 (1665) đến cuối thế kỷ XIX đã có tới 21 bia hậu. Tuy nhiên, từ lâu nay bia hậu thường bị coi là những văn bản ít giá trị nên gần như chưa mấy được quan tâm khai thác, vì vậy trong bài viết, chúng tôi tập trung giới thiệu về loại bia này.

2. Bia hậu là sản phẩm của tục lập Hậu ở Việt Nam. Những người được lập hậu được gọi là Hậu Thần, Hậu Phật, do đó bia hậu thường mang tên Hậu thần bi ký, Hậu Phật bi ký. Vậy thế nào là Hậu Thần, Hậu Phật ? Đây là những từ gốc Hán, song các từ điển Từ nguyên, Từ hải của Trung Quèc không có từ này, Từ điển bách khoa Nho - Phật - Đạo (2) không có mục từ Hậu Thần, chỉ có mục Hậu Phật được giải thích là “Một thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ Phật xuất hiện ở đời sau, tức là Vị lai Phật Di lặc Bồ Tát”, nhưng cách giải thích đó không phù hợp với trường hợp hậu Phật của Việt Nam, như vậy có thể ở Trung Quèc không có hiện tượng này nên đã không có những từ ngữ tương ứng. Theo cách hiểu của người Việt thì Hậu Thần, Hậu Phật là những người có công lao hoặc có đóng góp tiền của cho làng xã, cho các cơ sở tôn giáo như đình, đền, chùa, miếu được làng xã hoặc cơ sở đó công nhận, cho khắc bia ghi công và cho được thờ phụ tại đình, đền - nơi thờ thần làng - làm Hậu Thần, hoặc tại chùa - nơi thờ Phật - làm Hậu Phật, tức là được phụng thờ sau Thần Phật. Từ ý nghĩa này mà phái sinh các dạng Hậu Thánh, Hậu Hiền - ghi công cho những người đóng góp công của cho Hội Tư văn, cho dòng họ, được phụng thờ sau Khổng Tử và các vị tiền hiền. Về sau từ “Hậu” được nhìn nhận như một danh từ chỉ người được lập Hậu, chẳng hạn trong dân gian cho đến nay vẫn dùng từ “Cụ Hậu” để gọi người được lập hậu, hoặc ngay chính bản thân các từ lập Hậu, bầu Hậu, bán Hậu, mua Hậu cũng đã phản ảnh rất rõ điều này. Do cách hiểu đó mà dẫn đến có nơi đã xuất hiện bia hậu ngõ, ghi công đức cho người bỏ tiền của giúp cho dân trong một ngõ xóm(3). Như vậy trên thực tế, bia hậu chính là một dạng kỷ công đối với những người có công đức, song bia hậu khác bia kỷ công ở chỗ, bia kỷ công chỉ thuần túy ghi công đức lưu lại cho muôn đời, chủ yếu mang giá trị tinh thần, còn bia hậu lại có tính chất thực dụng hơn, người có công không chỉ được ghi công mà còn được hưởng những quyền lợi vật chất được ghi rất cụ thể trên bia, đó là nếu họ còn sống, mỗi khi làng có cúng tế, họ hoặc những người thân (tùy theo sự thỏa thuận hoặc đồng ý của làng) sẽ được nhận phần biếu của làng theo quy định, đây là một sự danh giá đối với bất kỳ cá nhân nào khi xã hội coi trọng “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Còn nếu đã mất, vào các ngày giỗ, họ (hoặc người thân) sẽ được chính nơi nhận sự đóng góp của họ làm giỗ cho, và vào các ngày tuần tiết, được phối hưởng hương khói lễ vật cùng với thần Phật. Theo tín ngưỡng của người Việt, đây cũng là một vinh hạnh cho bất kỳ ai và là điều đặc biệt may mắn đối với những người không may phải sống cô độc, hoặc không có con nối dõi.

Tục lập Hậu và danh từ Hậu Thần, Hậu Phật có lẽ được nhắc đến sớm nhất là ở sách Hồng Đức thiện chính thư, một cuốn sách mang tên niên đại Hồng Đức thời Lê (1470 - 1497), như vậy cũng có nghĩa là từ thế kỷ XV đã có tục lệ này. Song, trong số thác bản bia lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trước khi nhà Lê Trung hưng, không có bia nào mang nội dung bia hậu. Bia Hậu thần từ vũ bi ký, mang niên đại Quang Bảo nhà Mạc (1557) vào giữa thế kỷ XVI, là bia hậu được coi là có niên đại sớm nhất. Tuy nhiên, theo phân tích của Đinh Khắc Thuân thì đây lại là tấm bia được khắc lại vào cuối thời Lê(4), người có công thực sự chỉ mới được coi là Hậu Thần vào thời điểm bia được khắc lại, thực chất ban đầu đây chỉ là bia kỷ công.

Theo khảo sát của chúng tôi thì bia mang nội dung lập Hậu mới chỉ bắt đầu xuất hiện từ sau khi nhà Lê Trung hưng. Cụ thể là đến các niên đại Quang Hưng (1578-1600), Hoằng Định (1600-1619), Vĩnh Tộ (1619-1629), Đức Long (1629-1635), Dương Hòa (1635-1643) mới bắt gặp các bia hậu. Vậy nếu tục lập Hậu đã có từ thời Lê sơ thì vì sao không phát hiện được bia hậu nào ở thời kỳ này ? Khảo cứu văn bản sách Hồng Đức thiện chính thư, chúng tôi đoán định sách này được biên soạn dưới thời Mạc, sở dĩ sách mang tên niên đại Hồng Đức là bởi các pháp quan nhà Mạc đã khảo xét và căn cứ các luật lệ thời Lê sơ, chủ yếu là của thời Hồng Đức, để chuẩn định luật pháp triều Mạc. Tuy vậy sách hiện nay chỉ có các văn bản sao chép ở đời sau, nên có nhiều điều luật phải cân nhắc về độ tin cậy. Trong sách, ở mục Lệ về Hậu Thần, Hậu Phật có viết ,“Trong dân gian, người giàu thì muốn mua danh, người nghèo thì làm việc vô sỉ, chỉ mưu lợi cho mình, đã mưu đồ xúi người giàu bỏ tiền của ra làm đình, giục người nhân bỏ công đức vào dựng chùa, mà không biết báo đền công đức, chỉ cốt lừa người lấy tiền. Chẳng được bao lâu tình nhạt lễ bạc, quên cả khoán ước, thói ác nảy sinh, hoặc phế bỏ giỗ chạp không làm như đời trước; hoặc làm cỗ bàn không đúng như quy ước. Hoặc năm trước năm sau không đúng tháng; hoặc ấu làm trưởng bỏ chẳng đồng tâm. Vì vậy hễ là con cháu của Hậu Thần, Hậu Phật, nếu thấy kẻ nào làm trái thì trình ngay với nha môn để đòi lại tiền của công đức. Nếu cố tình không chịu trả thì truy thu gấp đôi không tha”, đồng thời còn dẫn lệnh của năm Hồng Đức thứ 27 (1496) như sau: “Trộm thấy dân chúng trong thiên hạ hoặc là không có tiền dựng đình chùa, hoặc không có tiền nạp công dịch, hoặc giết người mà phải đền mạng, hoặc phạm pháp phải nộp tiền phạt nhưng lại không muốn mất tiền của mình mà nghĩ cách lấy tiền của người khác dùng thay, bèn dụ dỗ lập cam đoan thề thốt để làm vừa lòng nhà có của, chẳng bao lâu sau hoặc làm cỗ bàn bôi bác, hoặc bỏ không làm giỗ chạp, thấy tình cảnh đó thật đáng thương, muốn trừng trị thói bạc, vì vậy tâu trình: Từ nay truyền cho hễ làng nào trước đây đã lập ai làm Hậu Thần, Hậu Phật thì phải thờ cúng trước sau như một, y theo cam kết. Nếu ngày trước nhận tiền mồm miệng như Thích Ca, ngày sau trả lễ bụng dạ như Đạo Chích, không làm đúng như đã cam kết, thì cho con cháu của người có tiền được tố cáo với nha môn. Nếu quan tra theo cam kết, thấy vi phạm từ 1 điều trở lên thì cho thu lại tiền công đức trước kia, trả lại đủ số cho nhà có tiền, nhà có tiền không được đòi tiền lãi, còn xã đó không được lấy cớ trước đây đã có làm lễ để trừ bớt tiền, nhằm ngăn chặn mọi gian kế”(5). Nếu những thông tin trên đủ để tin cậy thì có thể thấy tục lập Hậu từ thời Hồng Đức cho đến thời Mạc đó khá phát triển, và đó phát triển đến như vậy, hẳn tục lệ này đã được hình thành từ trước đó khá lâu. Nhưng hiện nay nhiều ý kiến cho rằng: tục lập Hậu chỉ xuất hiện khi tổ chức làng xã đã ổn định và ngôi đình đã tồn tại với chức năng vừa là nơi thờ thần vừa là nơi giải quyết các công việc hành chính của làng, lệ lập Hậu ở đây là do người đời sau khi sao chép đã đưa thêm vào chứ ở thời Hồng Đức chưa thể có lệ này. Vấn đề tổ chức làng xã và ngôi đình Việt Nam hiện nay vẫn đang còn là vấn đề phải được xem xét kỹ hơn, ở đây chúng tôi không dám lạm bàn. Tuy cũng đồng ý với ý kiến lệ này là do người đời sau thêm vào, nhưng chúng tôi không cho rằng thời Hồng Đức chưa có tục lập Hậu. Tục lập Hậu theo chúng tôi, xuất hiện do được gợi ý từ việc cúng dường cho nhà chùa kết hợp với hình thức gửi giỗ lên chùa. Cúng dường là những hình thức Phật tử cung tiến tiền hương đèn gạo muối tiền của để giúp nhà chùa, đây là một hình thức phổ biến ở bất cứ nơi nào có đạo Phật. Phật giáo hưng thịnh, việc cúng dường càng phát triển, người ta thậm chí đã cúng cho nhà chùa những tài sản lớn. Ở nước ta, việc dựng bia và tạc tượng ghi công đức cho những người có đóng góp lớn cho nhà chùa đã xuất hiện từ thời Lý - Trần. Có thể do ban đầu, để có nhiều Phật tử bỏ tiền của ra cúng dường, một số tăng lữ đã dùng quyền lợi được hưởng sự thờ cúng lâu dài sau khi đã về thế giới bên kia - một điều rất phù hợp với tâm lý và tín ngưỡng của người Á Đông - để khuyến khích họ, nên từ đó mà Hậu Phật ra đời. Về sau nhận thấy hiệu quả của hình thức này mà một số làng xã đã sử dụng để bày tỏ sự đền ơn của dân làng đối với những người có công lao hoặc có bỏ tiền của đóng góp vào việc xây dựng đình đền - nơi thờ thần - do đó đã xuất hiện Hậu Thần, Hậu Hiền lại xuất hiện muộn hơn nữa, chỉ khi các Hội Tư văn được phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVII - XVIII thì Hậu Hiền mới ra đời. Do rất phù hợp với tâm lý và thực tiễn xã hội nên hình thức này được sử dụng khá phổ biến và lâu dài, diễn biến thành tục lệ, nhiều làng đưa hẳn vào hương ước. Đặc biệt từ khi nhà Lê Trung hưng trở về sau, xã hội tương đối ổn định, sự phát triển mạnh về kinh tế ở khu vực kinh đô Thăng Long và Tứ trấn cùng sự ra đời của một số thương cảng lớn đã phần nào thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, tư tưởng thực dụng bắt đầu chi phối các quan hệ xã hội khiến cho hình thức này càng có đất phát triển, tới mức trở thành mặt hàng để đổi trao mua bán giữa những người có tiền và nơi cần tiền. Tức là từ chỗ người ta bầu Hậu đối với những người có công đức mà sau đó đã dẫn đến bán Hậu, mua Hậu đối với những người có tiền. Như trên đã dẫn, do có những làng hoặc những cơ sở tôn giáo cần kinh phí nên đã gợi ý, vận động những người có tiền của mua Hậu, tức là mua phần biếu của làng khi Hậu còn sống và sự thờ cúng của làng khi Hậu qua đời bằng một khoản tiền bạc hoặc ruộng đất nhất định do làng định ra. Dần dần nhận thấy lợi ích của việc bán Hậu mua Hậu, nên nhiều làng mỗi khi có việc cần kinh phí đã thường định ra mức bán Hậu và nhiều người không có nơi nương tựa, muốn được nương bóng thần Phật, nhiều vị con cháu họ hàng muốn ông bà cha mẹ hoặc người thân được hưởng sự thờ cúng lâu dài đã sẵn lòng mua, trở thành một biện pháp thu hút kinh phí rất hữu hiệu. Tuy nhiên, tục lệ này đã gây ra không ít phiền phức bởi những vụ kiện cáo do có làng bỏ bê việc cúng hậu hay những vụ tranh chấp về ruộng Hậu khiến nhà nước phải nhiều lần ban hành các điều lệnh liên quan đến việc lập Hậu.

Lệ gửi giỗ lên chùa nảy sinh từ nhu cầu mong muốn cho bản thân hoặc người thân không có người nối dõi được hưởng sự thờ cúng sau khi qua đời. Đây có thể là sự kết hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo với tục thờ cúng người thân sau khi chết của người Nho giáo, thể hiện một nét bản địa hóa của Phật giáo. Bia Diên Khánh tự bi tạo năm Hồng Đức 10 (1479) cho biết: “Niên hiệu Thiệu Long thứ 3 nhà Trần, ông bà họ Dương đã cúng ruộng vào chùa để gửi giỗ”. Như vậy ở nước ta tục gửi giỗ từ đời Trần đã thấy xuất hiện. Tuy nhiên bia gửi giỗ (thường mang tên Ký kỵ bi ký), cũng chỉ thấy xuất hiện từ thời Lê trở về sau, song song tồn tại cùng bia hậu. Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là một dạng của bia hậu, xong xét kỹ nội dung văn bia, có thể thấy hình thức gửi giỗ và hình thức lập Hậu khác biệt nhau ở chỗ, thân chủ gửi tiền hoặc ruộng để nhà chùa sử dụng số tiền của đó làm giỗ lâu dài cho thân nhân họ, hoặc chính bản thân họ sau khi qua đời, chứ không đóng góp tiền của để làm công đức, họ không được tôn bầu là Hậu và chỉ được nhà chùa theo đúng ngày giỗ làm giỗ cho chứ không được hưởng các quyền lợi khác như Hậu, do đó loại bia này không thể được coi là bia hậu. Ở thời Lê hình thức gửi giỗ dường như không mấy phổ biến nên dạng bia ký kỵ rất ít so với bia hậu, ngược lại vào thời Nguyễn bia ký kỵ lại rất phát triển. Đây là một vấn đề tâm lý xã hội khi tiến hành nghiên cứu sẽ phát hiện được nhiều khác biệt lý thú về tình hình xã hội giữa thời Lê và thời Nguyễn. Xin được trở lại với vấn đề nêu ra ở trên, vậy nếu tục lập Hậu đã ra đời ít nhất là từ thời Lê sơ thì vì sao hiện nay không phát hiện được bia hậu nào của thời kỳ này ? Theo chúng tôi, ở thời Lê sơ, do điều kiện kinh tế, trong dân gian, việc dựng một tấm bia không mấy dễ dàng và phổ biến như sau này, hơn nữa dưới thời Lê Thánh Tông, quy định về việc sử dụng các văn bản hành chính như khế ước, chúc thư… được ban hành và sử dụng phổ biến, cho nên ở thời kỳ này, thuận lợi hơn cả là sử dụng văn khế viết tay để lập các bản giao kèo về lệ cúng Hậu. Về sau do thường bị lật lọng, hoặc qua binh hỏa dễ bị mất mát nên để làm yên lòng những người được lập Hậu, người ta đã xử dụng loại vật liệu bền vững là bia đá để lưu giữ được lâu dài bản giao kèo. Do đó có lẽ phải đến sau khi nhà Lê Trung hưng, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, khi xã hội tương đối ổn định, kinh tế phát triển hơn, các công trình kiến trúc tôn giáo cũng như dân dụng được xây dựng nhiều, việc dựng bia đá đã trở nên phổ biến và dễ dàng nên lệ lập Hậu kèm theo dựng bia mới thực sự phát triển. Như vậy trên thực tế, bia hậu xuất hiện khá muộn sau khi tục lập Hậu đã phát triển và nó chính là bản giao kèo bằng đá thay thế các văn bản viết trên giấy của làng, hoặc của các cơ sở tôn giáo được nhận sự đóng góp đối với người được lập Hậu.

Tuy có những mặt trái từng bị lên án, song tục lập Hậu chắc hẳn đã giải quyết được nhiều vấn đề cả về vật chất lẫn tinh thần trong đời sống cộng đồng cũng như đối với một số cá nhân, vì vậy nó đã tồn tại qua nhiều thế kỷ và đã để lại một số lượng lớn các văn bia phản ánh tập tục này, qua đó phản ảnh được rất nhiều vấn đề về đời sống xã hội của Việt Nam ngót 4 thế kỷ.

3. Bia hậu bắt đầu thấy xuất hiện vào niên đại Quang Hưng, song đến niên đại Chính Hòa (1680-1705) thì dường như có sự bùng nổ, bia mang tên niên đại này khá nhiều và đạt đến đỉnh cao về sự phong phú của nội dung và mĩ thuật của hình thức. Tiếp các triều đại sau, tuy thời nhiều thời ít, song chưa thấy niên đại nào vắng bóng bia hậu. Cho đến niên đại Cảnh Hưng thì lại như có sự bùng phát, bia hậu thời kỳ này khá nhiều và cũng rất đẹp, tuy không đa dạng như bia thời Chính Hòa. Cứ thế tiếp tục sang triều Nguyễn, lúc thăng lúc trầm, bia hậu xuất hiện kéo dài qua các triều đại, đến tận khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tức là sau năm 1945, thậm chí cho đến những năm 1946, 1947, 1953, 1958 vẫn bắt gặp các bia hậu.

Về phân bố, có thể thấy bia hậu xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh từ miền Trung trở ra Bắc, song tập trung chủ yếu ở các làng xã thuộc đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là khu vực kinh đô Thăng Long và Tứ trấn - nếu nhìn theo địa lý hành chính thời Lê. Cụ thể theo địa lý hành chính hiện nay thì bia hậu có tỷ lệ rất cao ở các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Về hình thức, bia hậu thường có kích thước khiêm tốn, ít có bia quá lớn. Bia lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu phụ thuộc vào ngôi vị trong xã hội của người được lập Hậu và số tiền của do người đó bỏ ra. Do đó về mặt hình thức, bia hậu là dạng bia hết sức đa dạng phong phú về kích thước và trang trí, đặc biệt là bia thời Lê.

So sánh các bia hậu thời Lê với thời Nguyễn có thể thấy khá rõ sự khác biệt giữa hai thời kỳ. Bia thời Lê được làm khá cẩn thận, có nhiều bia hai mặt cỡ lớn, nhiều bia trụ bốn mặt với mái che hình chóp có các đường gờ hoa lá uốn lượn công phu, ngoài ra còn có một loại bia đặc biệt là bia tượng. Bia tượng là loại bia có mặt trước tạc chân dung Hậu, mặt sau mài phẳng để khắc văn bia. Nhìn chung bia thời Lê khá được chú trọng về mặt trang trí. Có lẽ ở loại hình bia này, do được phát triển dưới thời Lê - Trịnh, các quy định cấm kỵ đối với ngôi vị đã được nới lỏng hơn, cho nên thợ chạm khắc được tự do hơn. Hơn nữa bia hậu phần lớn là sản phẩm dân gian không mang tính chất quan phương nên không chịu ảnh hưởng của các cấm kỵ, do đó các chạm khắc trên bia rất đa dạng. Từ môtip rồng chầu, phượng chầu mặt nguyệt, mây tua… trên trán bia, với diềm bia chạm dơi, cuốn thư nghiên bút, hoa văn kỷ hà và chân bia chạm đài sen sóng nước, nghê, sư tử… rất chuẩn mực, cho đến các trang trí phá cách mang đậm tính dân gian như hình các loài động vật, ngựa, chim, cò, chó, tôm, cua, cá, chuồn chuồn, ếch…, các loại thực vật như sen, cúc, mai, tùng, trúc, khoai nước…với nét chạm khắc điêu luyện tinh tế, rất sống động. Đặc biệt loại bia tượng đã tạc lại được hình ảnh của bản thân Hậu Thần, Hậu Phật khá chân thực.

Chữ khắc trên bia thời Lê thường có nét khắc sâu, chữ chân, cũng có những bia khắc dạng chữ nửa chân nửa thảo, tuy khắc trên đá nhưng nét chữ mềm mại và rất nghệ thuật. Nhiều bia đẹp như một bức thư pháp.

Văn bia hậu đời Lê thường được viết bài bản, nhiều bia do các Tiến sĩ, quan lại, Nho sinh, các nhà sư và những trí thức có uy tín ở địa phương viết. Một bài văn bia hậu thường có bố cục như sau: mặt trước hoặc phần trên khắc bài ký chữ Hán cho biết về nhân vật được lập Hậu, lý do bầu Hậu, mua Hậu. Bài ký thường không quá dài nhưng chữ nghĩa chuẩn mực. Sau bài ký đôi khi có bài minh ca ngợi công đức của Hậu. Mặt sau bia hoặc phần dưới là phần thể lệ cúng Hậu, tức là quyền lợi được hưởng của người được lập Hậu, kèm theo lời thề sẽ thực hiện đúng quy ước của dân làng hoặc của những người có trách nhiệm trong làng. Sau cùng là phần ghi về vị trí ruộng vườn ao hồ do Hậu cung tiến. Niên đại dựng bia thường được ghi bằng chữ lớn và rõ ràng. Đương nhiên cuối cùng thường có phần lạc khoản ghi rõ tên họ chức tước người soạn văn bia, người viết chữ và người khắc.

Các nhân vật được lập Hậu ở thời Lê bao gồm nhiều thành phần nhưng bắt gặp trong đó khá nhiều người là hoàng thân quốc thích, quan lại tướng lĩnh của triều đình, các Thái giám, cung tần, nhũ mẫu, nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp trên.

Ở thời Nguyễn, về số lượng, bia hậu vẫn khá nhiều nhưng nội dung cũng như hình thức đã giảm sút so với thời Lê. Tuy vẫn có những bia được làm công phu, song nhìn chung bia thời kỳ này trang trí đơn điệu, chạm khắc sơ sài, nhiều bia hoàn toàn không có trang trí. Kích thước nhỏ, chữ khắc nông, cẩu thả. Văn bia phần lớn do các nho sĩ bình dân viết. Nội dung bài ký sơ sài, phần lạc khoản thường bị bỏ qua. Ở thời Nguyễn rất ít Hậu là những nhân vật sang trọng, quý tộc, thường chỉ là những người buôn bán, phú nông, chức sắc trong làng xã, người vô tự, cô độc… là những nhân vật rất bình dân, chỉ có những đóng góp nhỏ.

Về nội dung, bia hậu ghi chép khá nhiều và khá chi tiết về những hoạt động xung quanh tục lập Hậu. Trước hết bia hậu ghi chép cẩn thận các khoản tiền của do Hậu bỏ ra, qua đó có thể thấy lực lượng Hậu đã đóng góp tiền của cho làng xã hoặc đình chùa bản địa khá đáng kể. Có người cúng đến hàng mẫu ruộng, ao, toàn bộ nhà cửa đất đai, hàng trăm quan tiền, toàn bộ số gỗ lim đủ để dựng đình làng… Bia Hậu thần bi ký, tạo năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) cho biết Đô thái giám Ngô Quán Luân cúng 62 cây gỗ lim và 115 quan tiền, 2 mẫu ruộng cho xã Đạo Tú (nay thuộc huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Tây) làm đình. Hay Bia Hậu thần bi ký tạo năm Chính Hòa 23 (1702) cho biết: Chánh đội trưởng Nguyễn Công Nhậm, bỏ tiền giúp dân xã Ngô Khê (nay thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh) dựng một ngôi đình bằng gỗ lim, lại cấp 3 mẫu ruộng để dùng vào việc đèn hương. Bia Hậu Phật bi minh tạo năm Cảnh Trị 6 (1668) chép: Cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hiểu cúng cho xã Như Ký (nay thuộc huyện Mỹ Văn tỉnh Hưng Yên) 70 dật bạc để sửa chùa. Bia Hậu thần bi ký tạo năm Dương Hòa 6 (1640) chép: bà Nguyễn Thị Nhị không có con đã bỏ tiền mua 3 mẫu 3 sào ruộng và 1 sào ao cúng cho làng Vĩnh Xuyên (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng) để được làm hậu thần.

Những khó khăn của làng nhờ sự đóng góp của những người được lập Hậu mà được giải quyết, cũng được chép rõ. Bia Sáng lập hậu thần bi ở xã Sơn Dương huyện Võ Giàng (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) cho biết: do xã có việc phải kiện cáo tốn kém, vợ chồng Trùm trưởng Nguyễn Hữu Luân bỏ 80 quan tiền và 1 mẫu đất giúp làng theo kiện; bia Hậu thần bi ký tạo năm Phúc Thái 2 (1727) cho biết xã không đủ tiền đóng quan dịch, ông bà Hoàng Công Quyền bỏ ra 150 quan nộp giúp; bia Đới đức bi ký tạo năm Bảo Thái 9 (1728) chép: năm Quý Tỵ mưa dầm liên miên nên đói kém, ông Trần Đình Ngọc giúp dân 500 quan tiền, 900 bát thóc để cứu đói nhiều người chỉ do có công lao không có đóng góp vật chất cụ thể, cũng được tôn bầu, như bia Hậu thần bi ký tạo năm Cảnh Hưng 27 (1776) chép: Thuyên Trung hầu Nguyễn Thái Lai là người nhân đức, quan trước thường hay nhũng nhiễu hạch sách dân, nay ông về làm quan đã cho giảm nhẹ thuế khóa, thương yêu quan tâm đến dân, dân biết ơn nên tôn bầu cha mẹ ông làm hậu thần; bia Hậu thần bi ký tạo năm Cảnh Hưng 26 (1766) chép: Vinh Thọ bá họ Nguyễn, kế nối nghiệp nhà, canh tân thế nghiệp, khiến đất hoang sinh lợi, hợp với lòng người, được làng bầu làm Hậu Thần.

Thể lệ cúng từ Hậu được ghi trên bia khá cẩn thận. Bia Hậu thần bi ký tạo năm Cảnh Trị 9 ghi lễ cúng Hậu Thần vào ngày giỗ là: 1 mâm xôi, 1 nọng lợn và 2 vò rượu cùng trầu cau, hương, vàng mã; bia Hậu thần bi ký tạo năm Cảnh Hưng 30 (1769) đặt tại đình xã Hùng Thắng huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ghi quy định lễ biếu Hậu Thần vào dịp tuần tiết là: 2 đôi gà, 2 vò rượu, 2 mâm xôi, 2 phong trầu. Bia Lê quý hậu thần bi tạo năm Chính Hòa 17 (1696) ở xã La Phẩm (Sơn Tây) giao ước, hàng năm vào các lễ tiết phải dâng trước bia hậu một mâm cỗ gồm 1 thủ lợn, 1 vò rượu, 6 đấu gạo xôi, 1 đôi gà giá 3 mạch. Có bia khắc cả văn tế Hậu.

Tiền bạc do Hậu cung tiến thường được ghi rõ là loại tiền gì, cổ tiền hay sử tiền, đồng tiền hay thanh tiền, số lượng là bao nhiêu. Ruộng đất ao vườn do hậu cúng cho làng cũng được ghi chú cẩn thận về vị trí, số mẫu sào thước tấc.

Bia hậu còn cho biết những người Hoa sinh sống tại Việt Nam cũng được đặt bầu Hậu như người Việt. Bia Tự sự bi ký tạo năm Cảnh Trị 9 (1671) ở xã Gia Quất, huyện Gia Lâm (Hà Nội) chép: ông họ Trần người Minh (Trung Quốc), sống hào phóng quân tử, lấy vợ người làng, do làng có 12 mẫu 5 sào quan điền vì có việc cần phải bán, ông đã bỏ ra 12 dật bạc giúp làng chuộc lại nên được bầu làm Hậu Thần. Bia Hậu thần bi ký tạo năm Gia Long Kỷ Tỵ (1809) cho biết: Trưởng nữ Trình Thái Vinh là con gái Trình công người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cúng cho xã 150 quan tiền và 3 mẫu ruộng để tu tạo đền thần của xã, dân xã đồng lòng tôn bầu cha mẹ bà làm Hậu Thần.

4. Bia hậu nếu chỉ nhìn từng cá thể thì quả là nội dung không có gì nhiều, song nếu nghiên cứu chúng trong một hệ thống, trong từng khu vực hành chính và trong những giai đoạn lịch sử nhất định, sẽ cho những thông tin có giá trị. Ngoài việc phản ánh tập tục lập Hậu và tác động của nó đối xã hội, qua bia hậu còn có thể tìm hiểu được tình hình chính trị kinh tế văn hóa trong những giai đoạn nhất định. Chẳng hạn, sự xuất hiện không đều và hình thức đẹp xấu lớn nhỏ của bia hậu qua từng niên đại đã phản ảnh khá rõ nét tình hình kinh tế của từng thời kỳ. Sự ra đời của các công trình kiến trúc với kinh phí khá lớn do Hậu đóng góp cùng sự phong phú về trang trí trên bia hậu thời Lê cho thấy sau khi nhà Lê Trung hưng, với sự tham chính của chúa Trịnh, xã hội Việt Nam đã dần ổn định, phần nào cởi mở hơn, ít bị câu nệ bởi lễ nghi hơn nên đã có những bước phát triển mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa. Đặc biệt phong cách trang trí dân gian mang đậm hơi thở đồng quê trên bia hậu thời Lê, nhất là ở thời Chính Hòa (1680-1705), nếu kết hợp với các tư liệu về điêu khắc đình chùa, tranh dân gian, sẽ cho một cái nhìn khá đầy đủ về một thời kỳ hưng thịnh của nông thôn Việt Nam.

Bia hậu phản ánh việc nhiều đình làng được xây dựng và các cuộc họp làng - chủ yếu là hội đồng sắc mục - tổ chức tại đình làng để quyết định việc lập hậu và thể lệ cúng hậu phần nào cho thấy, từ sau khi nhà Lê Trung hưng, tổ chức làng xã đã khá ổn định, ngôi đình làng đã thực sự trở thành trung tâm tín ngưỡng, hành chính của một làng, là biểu tượng quyền lực của làng.

Thông thường Hậu Thần và Hậu Hiền thường là nam giới, phụ nữ đa số được lập Hậu ở chùa - là Hậu Phật. Hiện tượng bia hậu Phật nhiều hơn bia hậu thần cho thấy thường là phụ nữ đóng góp cho ngôi chùa làng và đóng góp cho chùa thường nhỏ hơn rất nhiều so với đóng góp cho đình, đã khẳng định thêm, song song với Nho giáo, Phật giáo từ thời Lê trở về sau vẫn phát triển nhưng đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, lùi về các làng xã, tồn tại ở trình độ thấp hơn, với quy mô nhỏ hơn, mang tính chất phổ thông và bình dân hơn.

Cũng như vậy qua những phản ánh trên bia hậu, có thể đánh giá được phần nào sự xuống dốc dần của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn.

Ngoài ra, bia hậu còn phản ảnh rất nhiều vấn đề khác của đời sống xã hội, chẳng hạn quy định về lễ phẩm cúng Hậu, giá cả của lễ vật, loại tiền, ruộng đất cùng số ruộng đất ghi trên bia cho biết phần nào tình hình kinh tế, tình hình tiền tệ, giá trị đồng tiền, và vấn đề sở hữu ruộng đất trong từng giai đoạn lịch sử. Mức độ cung tiến của Hậu cũng cho thấy phần nào sự chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp khác nhau, và giữa các vùng khác nhau trong xã hội.

Bia hậu còn cho biết tục bầu Hậu đã giải quyết được nhiều vấn đề về công ích ở phạm vi làng xã, nhiều đình, chùa, cầu, quán, là những công trình công cộng quan trọng ở nông thôn, nhờ đóng góp của Hậu đã được xây dựng, sửa chữa. Nhiều vấn đề xã hội như cứu đói, thuế má, kiện tụng được giải quyết. Đối với nền kinh tế tiểu nông, tài chính manh mún, đây thực sự là một biện pháp thu hút kinh phí hữu hiệu.

Bia hậu Phật nhiều hơn bia hậu thần, đồng thời việc phụ nữ chiếm đa số trong lực lượng Hậu cho thấy người phụ nữ Việt Nam khá chủ động trong kinh tế gia đình, là một lực lượng quan trọng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đồng thời cũng là những người rất giàu lòng nhân ái.

Văn bia hậu, nhất là ở thời Lê, nhiều bài được các Tiến sĩ hoặc những nhân vật nổi tiếng về chữ nghĩa viết nên có những bài tuy nhằm ca tụng công đức của Hậu nhưng lại kiêm miêu tả hình thế núi sông thắng cảnh, kiến trúc chùa chiền miếu vũ, với lối viết khá kỹ càng chau chuốt, nếu nhìn từ góc độ văn học cũng có những giá trị nhất định. Tuy vậy điều đáng chú ý hơn đối với văn bia hậu lại ở chỗ, phần lớn văn bia hậu được các nho sĩ bình dân viết, nhiều người trong số họ có trình độ chữ Hán rất sơ sài, khi viết văn họ thường pha tạp giữa ngữ pháp tiếng Hán với ngữ pháp tiếng Việt, tạo ra một văn phạm rất riêng, rất dễ hiểu đối với tầng lớp bình dân. Trong quá trình phát triển của tiếng Việt, đây cũng là một trong những yếu tố góp phần làm phong phú cấu trúc câu của tiếng Việt, đồng thời góp phần thúc đẩy sự lưu truyền rộng rãi của chữ Hán trong tầng lớp bình dân. Ngoài ra, rất nhiều từ Hán Việt qua con đường này đã đi vào ngôn ngữ bình dân, góp phần làm phong phú thêm cho tiếng Việt

Các vấn đề về sự thay đổi địa danh, quan chức, chữ húy, về ngôn ngữ văn tự qua các thời kỳ, đặc biệt về sự phát triển và hoàn thiện của chữ Nôm cũng phần nào được phản ảnh trên bia hậu.

Tóm lại, tục lập Hậu là một tập tục độc đáo ở Việt Nam, tập tục này đã sản sinh ra một sản phẩm độc đáo đó là loại hình bia hậu. Với đặc điểm là dạng văn bản ổn định (khắc trên đá) và nội dung gắn liền với hoạt động xã hội, bia hậu là những chứng cứ lịch sử hết sức cụ thể và sinh động về đời sống xã hội ngót bốn thế kỷ tồn tại của nó, do vậy những thông tin từ bia hậu khá chi tiết và đáng tin cậy. Hy vọng rằng loại hình tư liệu này sẽ được quan tâm khai thác một cách có hệ thống để phần nào giúp hoàn thiện hơn nguồn tư liệu về lịch sử và văn hóa của hai triều đại Lê và Nguyễn.

T.K.A.

CHÚ THÍCH:

(1) Văn bia thời Lê xứ kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã. Phạm Thị Thùy Vinh. Nxb. Văn hóa thông tin, Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn đông Bác cổ - đồng xuất bản. H. 2003.

(2) Từ điển Nho Phật Đạo. Lão Tử - Thịnh Lê chủ biên. Nhóm Mai Xuân Hải dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc. Nxb. Văn học. H. 2001.

(3) Bia Hậu ngõ bi ký, mang niên đại Cảnh Hưng 37 (1776) tại thôn Thị, xã Yên Thường, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

(4) Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc. Nxb. KHXH, H. 1996.

(5) Hồng Đức thiện chính thư. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ký hiệu A330.