Một sự kiện ngàn năm một thuở sẽ xảy ra lần đầu tiên ở đất Thăng Long

Đạo Bụt đã truyền vào đất nước ta trễ nhất là vào thế kỷ thứ III và trở thành đạo gốc của hầu hết các quốc gia Á Châu cho đến ngày nay. Nhưng sự kiện nhân loại công nhận đức Phật, qua tiếng nói của Liên Hiệp Quốc (LHQ), là một vĩ nhân, một hiền giả của nhân loại mà tuệ giác có thể hướng dẫn con người thoát khổ đau ách nạn và có thể đem nhiều niềm vui lớn cho mọi người chỉ mới xảy ra gần đây. LHQ đã khuyến khích mỗi năm thế giới nên làm lễ mừng sự ra đời của vĩ nhân đó tại một quốc gia thuộc LHQ để cho Phật tử toàn cầu có thể quy tụ về.

Một sự kiện ngàn năm một thuở sẽ xảy ra lần đầu tiên ở đất Thăng Long

Đạo Bụt đã truyền vào đất nước ta trễ nhất là vào thế kỷ thứ III và trở thành đạo gốc của hầu hết các quốc gia Á Châu cho đến ngày nay. Nhưng sự kiện nhân loại công nhận đức Phật, qua tiếng nói của Liên Hiệp Quốc (LHQ), là một vĩ nhân, một hiền giả của nhân loại mà tuệ giác có thể hướng dẫn con người thoát khổ đau ách nạn và có thể đem nhiều niềm vui lớn cho mọi người chỉ mới xảy ra gần đây. LHQ đã khuyến khích mỗi năm thế giới nên làm lễ mừng sự ra đời của vĩ nhân đó tại một quốc gia thuộc LHQ để cho Phật tử toàn cầu có thể quy tụ về. Hai năm đầu, Vương quốc Thái Lan đã đứng ra đăng cai tổ chức Ngày Phật Đản Quốc tế năm 2006 và 2007 tại Bangkok. Năm nay 2008, nước Việt Nam đã đứng ra đăng cai và đã dược LHQ đồng ý, Nhà nước chấp thuận và sẽ long trọng cử hành tại Hà Nôi từ ngày 14, 15 và 16 tháng 5, Dương lịch 2008.

Thật ra Bụt Thích Ca đã từng là tổ tiên tâm linh cho đất nước ta từ khi lập quốc, từ Thiền sư Tăng Hội đem chuông đi đánh xứ người, đem đạo Bụt đến dạy người Đông Ngô và sau đó độ luôn Quốc vương Đông Ngô đến Thiền sư Vạn Hạnh góp công dựng nước… nhiều vị vua thời Lý, thời Trần là con cháu tâm linh của Bụt Thích Ca nên đã dựng nước, giữ nước rất tuyệt vời trong các thời đại Lý Trần. 
 
Nhưng sự kiện Việt Nam đứng ra tổ chức Ngày Phật Đản Quốc tế tại đất Thăng Long có thể gọi là chỉ xảy ra nghìn năm một lần là vì lần đầu tiên có đến 400 người da trắng, da màu của cả năm châu quy tụ về đất Thăng Long, không phải để làm du khách, không phải để hội họp thương mại, kinh tế hay thể thao mà để mặc áo tràng của Phật tử Việt Nam, tu tập theo pháp môn của đạo Bụt Việt Nam dấn thân trong đời sống hằng ngày. Họ sẽ không ăn cá thịt, không uống rượu dù là bia hay rượu vang, không hút thuốc và chỉ uống trà, ăn chay ngồi thiền tụng kinh Bụt và nghe những lời Bụt dạy qua người Thầy quý kính của họ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh. 

Truyền thống đạo Bụt Việt Nam sau khi được Thiền sư Nhất Hạnh tinh luyện và hiện đại hóa tại đạo tràng Mai Thôn đã giúp cho hàng triệu người Tây phương chuyển hóa và tháo gỡ những khó khăn và bức xúc trong nội tâm và hoàn cảnh họ. Trong ba mươi năm qua, mỗi năm hàng chục, rồi hàng trăm và những năm chót là hàng ngàn khóa tu học thực tập đã được tổ chức khắp các nước Âu châu, Bắc Mỹ châu, Nam Mỹ châu... Năm nay là lần đầu tiên một khóa học thực tập như vậy đã được tổ tại Việt Nam, quê hương của chính truyền thống ấy, ngay tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ Phật Đản Quốc Tế, Vesak 2008.

Gần 400 người này đến từ những nước mà vừa sinh ra đời đã là con của Chúa Ky Tô, gốc Thiên Chúa hay Tin lành, một số thuộc Do Thái hay Ấn Độ giáo hay Hồi giáo, tới từ nhiều nước Mỹ châu, Úc châu, Âu châu và Á châu. Có cả những người Hồi giáo tới từ Palestine… và một số lớn người không tin trời thần, vốn cựu đảng viên đảng Cộng sản Pháp và CS Ý… tha thiết đến Việt Nam tu học lần này với Thiền sư Việt Nam, Thầy của họ. Họ được báo tin này chỉ mới có ba tháng trên trang nhà của Làng Mai, Pháp quốc, mà đã có 380 người thuộc 41 quốc gia ghi tên đóng lệ phí chỗ ăn ở tại Hà Nội để được trực tiếp học với vị Thiền sư Việt Nam mà họ tin tưởng như người cha tinh thần, tại đất nước của ông. Nghe nói các người này báo cáo với ban tổ chức rằng tuy họ là người Úc hay Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ hoặc Hòa Lan thì họ vẫn xem Việt Nam là quê hương tâm linh của họ. Vì vị Thầy mà họ quý kính là người Việt Nam, để mong tiếp xúc với quê hương tâm linh của họ là đất nước Việt Nam và học cách chuyển hóa những yếu kém của mình hầu làm tốt hơn đối với gia đình và xã hội. Được biết khóa tu này sẽ bắt đầu mở cửa đón thiền sinh tại Khách Sạn Kim Liên, số 7 đường Đào Duy Anh, Hà Nội, từ 04.05.2008, nhưng chỉ bắt đầu thật sự được hướng dẫn tu tập từ ngày 5 tháng 5 đến trưa ngày 11 tháng 5, 2008. Những người đến tu học từ 41 quốc gia thuộc đủ các thành phần trí thức trong xã hội Tây Phương, từ những giáo sư, giáo viên, bác sĩ, bác sĩ tâm lý trị liệu, y tá, luật gia, thương gia, nhà báo…đến những vị đương kim hay cựu nhân viên an ninh, cựu chiến binh, những vị quản giáo những nhà tù, những luật gia chuyên về hình luật…

Khóa tu sẽ nói bằng tiếng Anh và sẽ có thông dịch ra tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Việt. Sau một khóa tu, phần đông thiền sinh sẽ phát tâm tiếp nhận ba sự quay về nương tựa (Tam quy) và năm  giới (Ngũ giới) của người tin Phật và quyết tâm hành trì chính niệm để trở nên người lành cho gia đình và xã hội. Một số lớn đã được tu với Thiền sư Nhất Hạnh tại Làng Mai hay tại đất nước của họ ở Âu châu hay Mỹ châu nên đã quy y theo Phật, làm đệ tử dòng thứ 43 của Tổ Lâm Tế và dòng thứ 9 của tổ Liễu Quán Việt Nam rồi, nhưng một số tuy chưa dám quy y dù đã có những chuyển hóa thấy rõ đối với bạn bè và gia đình, nhờ thế họ mời được người thân cùng đi. Như những giọt nước thanh lương của bồ tát Quan Âm, những người con đã hiểu được cha hơn, mẹ hơn. Mẹ cha cũng hiểu và thương và chấp nhận nỗi khó khăn của con cháu. Vợ hiểu tại sao chồng hành xử như thế, chồng cũng vậy và từng người tìm cách nâng đỡ nhau. Có những người Do Thái và Palestine thù ghét không muốn nhìn mặt và rất sợ hãi nhau đã cuối cùng làm bạn và cùng đến với nhau làm việc cho sự giải hòa giữa hai nước và họ cũng quyết chí sang Việt Nam để tiếp xúc với quê hương tâm linh của họ.

Đây là kết quả của những khóa tu mà Sư Ông đã dạy cho Văn Nghệ Sĩ, cho những nhà tâm lý trị liệu tại Hoa Kỳ, tại Đức, Pháp, Hà Lan… kết quả những khóa tu dành riêng cho cựu chiến binh, cho những nhân viên an ninh cảnh sát, những giáo chức, những bác sĩ, y tá, những dân biểu Quốc hội…

Lần  này ở Hà Nội, để cho người Việt Nam có quyền tham dự, lắng nghe và quán sát xem cách Sư Ông dạy cho thiền sinh Tây phương như thế nào nên ban tổ chức cũng mong thu xếp để những người Việt có thể ghi danh thuộc loại bán chính thức có thể tới nghe, tu tập chung, tập ăn uống làm việc trong chính niệm chung với gần 400 bạn tu suốt ngày nhưng tối đành phải về nhà ngủ để không chiếm phòng khách sạn. Xin liên lạc với sư cô Tuệ Nghiêm  e-mail [email protected], hoặc xin liên lạc [email protected] 

Ngoài ra, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng dành riêng cho đồng bào ta một ngày chính niệm tu tập tại khách sạn Tây Hồ, 57 đường Tây Hồ (Gần đường Xuân Diệu), quận Tây Hồ, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 13.05 đến 18 giờ chiều, cũng xin liên lạc với [email protected] 

(Theo Làng Mai)