Làng cổ Trích Sài


Nằm bên hồ Tây quanh năm lộng gió, Trích Sài là một trong 6 làng cổ thuộc vùng Kẻ Bưởi, một vùng đất gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Các làng trong vùng Bưởi xưa được gọi là phường, là một đơn vị hành chính cấp cơ sở. Sử cũ ghi lại, thời nhà Lý các phường của vùng Bưởi thuộc vùng ngoại thành Thăng Long nằm trong phủ Ứng Thiên. Năm Gia Long thứ 4 (1905), các phường An Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Năm Minh Mệnh 12 (1831) các phủ, tổng, huyện này thuộc tỉnh Hà Nội. Trải qua nhiều sự thay đổi, Trích Sài ngày nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Làng Trích Sài cùng với các làng khác của Kẻ Bưởi nằm trên vùng bãi bồi ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Sông Thiên Phù được phù sa bồi lấp dần từ thời Lý, sang thời Lê, dòng Thiên Phù chỉ còn lại dấu vết là những khoảnh ao. Vùng đất này có một bề dầy văn hóa, lịch sử, dấu tích lưu lại đến ngày nay là hàng loạt các di tích đền chùa miếu mạo.

Cùng với các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu; Trích Sài nổi tiếng với nghề dệt lĩnh truyền thống. Theo truyền thuyết, thời vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497), nhà vua cho một cung nữ gốc Chàm là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 thị tỳ ra ở thôn Trích Sài lập trang Thiên Niên. Bà Ngọc Đô đem kỹ thuật dệt lĩnh cổ truyền của người Chàm truyền lại cho dân làng, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Lĩnh hoa vùng Bưởi nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ người dân kinh thành Thăng Long mà còn bán ra nước ngoài. Vì thế người ta mới đúc kết: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên". Ngày nay, nghề dệt lĩnh không còn do sự sàng lọc của cuộc sống nhưng người ta vẫn ghi nhớ một nghề thủ công một thời danh tiếng của vùng đất bên bờ hồ Tây.

Theo bà Hồ Thúy Lan, cán bộ văn hóa UBND phường Bưởi, Trích Sài có đủ các loại hình di tích lịch sử từ đình, chùa, am, miếu, đền, văn chỉ trong đó có những di tích gắn với lịch sử triều đại nhà Lý.

Chùa Thiên Niên, một di tích lịch sử cấp quốc gia, nằm trong một quần thể di tích ở phía đầu làng Trích Sài. Trước đây quân thể này có gò Bát Tháp, núi Ngũ Nhạc, đàn trừ Hồ tinh, miếu trấn trị yêu quái. Theo sử cũ, trước khi dựng chùa Thiên Niên, nơi đây có chùa Bát Tháp từ thời Lý Nam Đế dành cho hai công chúa con vua sau khi đi học pháp thuật trừ diệt hồ tinh về trụ trì thắp hương niệm Phật. Hàng năm các quan trong triều về đây làm lễ quốc tế. Đến thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), nhà vua cắt một nửa thôn Trích Sài cho các cung phi và dựng miếu cho các cung phi thờ cúng niệm Phật. Trước miếu có chùa Bát Tháp dựng trên nền đất thấp, nhà vua cho rời lên khu đất cao và đổi tên là chùa Thiện Niên.

Đình làng Trích Sài cùng với đình làng Võng Thị thờ ông Mục Thận làm thành hoàng làng. Thần Mục Thận có công cứu vua Lý Nhân Tông thoát khỏi âm mưu hãm hại của Thái sư Lê Văn Thịnh trong một lần nhà vua đi du ngoạn hồ Tây. Cứ đến ngày 6/9 âm lịch hàng năm, nhân dân lại tổ chức giỗ ông Mục Thận.

Am Gia Hội hay còn gọi am Trích Sài thờ ba công chúa Phúc – Lộc – Thọ gắn với việc trừ loài hồ tinh. Tục truyền hai công chúa con vua Lý Nam Đế một lần đến núi Long Đỗ ven hồ Tây thuộc địa phận làng Trích Sài thấy có loài cáo chín đuôi chuyên làm hại dân trong vùng. Hai nàng lập đàn trừ cáo nhưng không được liền đón Vạn Thọ phu nhân là pháp thuật cao đến lập đàn. Bà cùng hai công chúa vừa cúng xong thì rừng cây mất nhiều, cáo chín đuôi chay hết song bà Vạn Thọ phu nhân theo giông bão mà hóa.Vua Lý Nam Đế cho lập đền thờ bà, gọi là Kim mẫu hóa thân. Khi hai công chúa con vua là Vạn Phúc và Vạn Lộc hóa, đền lại phụ thờ cả hai bà.

Ngoài ra, Trích Sài còn có miếu thờ bà Phan Thị Ngọc Đô là bà chúa dệt lĩnh và Văn chỉ là nơi sinh hoạt của các cụ đồ nho xưa.

Làng cổ Trích Sài không chỉ là mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử, nhân dân nơi này còn có truyền thống yêu nước, kiên cường đấu tranh qua hai cuộc kháng chiến. Người làng Trích Sài tự hào có ông Phùng Xuất Nghĩa, vị thủ lĩnh của hàng ngàn quân trong phong trào chống Pháp. Hay cụ Nguyễn Hoàng Tôn, tham gia hoạt động cách mạng ngay từ đầu những năm 30, bị kết án tử hình khi bị giặc Pháp bắt. Hiện nay, tên cụ vẫn được ghi danh ở Nhà tù Hỏa Lò và được đặt tên cho một con đường ở quận Tây Hồ. Đến Trích Sài hôm nay, cuộc sống đã thay đổi nhưng các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống vẫn được nhân dân gìn giữ, bảo tồn những nét riêng của mảnh đất ven kinh thành Thành Long xưa.

Đ.T. T

Theo KTĐT -