Thâm nhập “vương quốc” sư giả: Về “vương quốc” giả sư

Ở chốn đồng quê ấy, ngoài làm ruộng và buôn bán nhỏ lẻ. Một số người dân xã Nghĩa Đồng còn nghĩ thêm ra được một nghề mưu sinh kiếm sống: Giả sư.

Ở đây, thời điểm rầm rộ, có hàng trăm nông dân xong mùa, sẵn sàng khăn gói lên đường làm… “sư”.
Ra ngõ, gặp... “sư”

Đường vào xã Nghĩa Đồng.


Xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) nằm ở hạ lưu sông Con hiền hoà, vốn là miền quê trong lành, trù phú. Cuộc sống yên bình đó bỗng chốc đổi thay khi trong làng có đến hàng chục ngôi nhà “bỏ hoang” vì gia chủ phiêu dạt làm ăn tứ xứ. Từ những năm 1990, một số người vào các tỉnh phía Nam làm ăn đã phát hiện ra một nghề phát tài nhanh chóng mà công sức bỏ ra không đáng là bao: “nghề” giả làm ni, sư các nhà chùa ra ngoài quyên góp tiền làm từ thiện, bán vàng hương...

Ban đầu, ở xã chỉ có một số ít người nhân danh nhà sư, nhưng thấy “nghề” này vừa nhàn hạ lại có thu nhập khấm khá nên ngày càng nhiều người dân trong xã kéo nhau hành nghề, trong đó phụ nữ chiếm đại đa số. Họ chỉ cần “hy sinh” bộ tóc hoặc khoác lên một chiếc khăn trùm kín đầu, bước đi chậm rãi khắp các ngõ hẻm ở TP Vinh và các huyện lân cận với  gương mặt thật thương cảm khi xin tiền quyên góp để làm từ thiện.

Mấy năm nay nhìn bề ngoài, xã Nghĩa Đồng phát triển hơn hẳn. Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát; Những con đường bê tông thẳng tắp; Quán xá mọc lên nhan nhản... Ngay từ đầu trung tâm xã, đập vào mắt khách qua đường là cửa hàng bán đồ hậu sự trên tấm biển ghi: “Từ Bi phục vụ bán hậu sự quan tài”. Nghe qua cũng đủ thấy, sự ảnh hưởng của nghề làm sư ảnh hưởng đến mức nào.

Dòng chữ đập vào mắt hành khách khi qua đường.


“Trong sự “đổi mới” ấy, có sự đóng góp của “nhà sư” cả đấy”-  Lão chủ quán, nơi chúng tôi dừng chân giọng cười sảng khoái. Lão, dáng người gầy, khuôn mặt sạm đen thổ lộ: “Chú về đây muốn tìm “nhà sư” à? ở đây nhiều lắm. Dân quê tôi được mệnh danh: “Ra ngõ, gặp... “sư”. Cũng nhờ có nghề đó mà một số người thoát nghèo. Nhiều người chỉ tranh thủ đi làm trong lúc mùa vụ nông nhàn, kiếm được kha khá”. Lão vừa nói, ánh mắt cứ sáng rực kể vanh vách, xướng danh “thành tích” của bà này, chị nọ làm được nhà, mua được xe máy, sắm ti vi... Càng kể, lão hào hứng thêm: “Có lần, vợ tôi định xin đi theo hành nghề nhưng ở nhà không có người nên thôi”. Dù sao đó cũng chỉ là nhận xét của một người. Tất nhiên, bộ mặt kinh tế xã hội của xã không thể chỉ dựa vào nghề giả sư. Nhưng sự thực, nó đã làm thay đổi kinh tế của nhiều hộ gia đình. Chỉ có điều, với những gia đình này, sự đi lên về kinh tế lại làm cho đạo đức càng đi xuống.

Những ngày đầu, một số người dân lén lút, sợ bị phát hiện, hàng xóm miệt thị, nhưng giờ nó đã trở thành phong  trào. “Sư” ở đây được chia ra làm hai loại: “Sư mùa vụ” và “sư chuyên nghiệp”, kiếm ăn quanh năm. Với bộ đồ nghề khá đơn giản: quần áo nâu sòng, mấy búp nhang, thuộc lòng một số câu kinh Phật, núp danh dưới pháp danh, ngôi chùa trụ trì nào đó là thoải mái hành nghề. Một ngày lang thang “hành khất” ít nhất mỗi người cũng kiếm được tiền trăm. Có những “ni cô” ba năm đã xây được nhà. Hay như anh Nguyễn Văn G, sau một thời gian xa quê giả sư về cũng tậu nhà, tậu xe...

Lão chủ quán chẳng giấu: “Nói thật với anh, xã  này có nhiều người đi làm nghề “giả sư”. Có nhà đi 2- 3 người, cả anh em ruột, thậm chí cả mẹ con, bố con đều “làm sư”. Rời làng quê, vượt qua con sông Con là họ đã biến thành “sư”. Và sau đợt đi hành nghề, chỉ cần lột sạch “đồ nghề”, nâu sòng, tay nải, mày râu, tóc tai vẫn “nguyên trạng”, “chẳng vướng bụi trần”, cứ y như đi du lịch về ai biết là “sư”(?).

Bó tay với sư giả

Những người đi khất thực phải mặc áo vàng, đầu trần, chân đất, đi với phong thái rất khoan thai điềm tĩnh, thong thả. Người đi khất thực nhằm hướng thẳng mà đi, không nhìn nghiêng ngó hay quay đầu lại. Các nhà sư đi khất thực đều không hề có nửa lời quyên góp tiền trong nhân dân. Đặc biệt là người dân nhận biết rất dễ là các nhà sư đi khất thực đều có một thời gian nhất định, đó là từ 7 giờ đến 10 giờ.


Tân Kỳ là huyện miền núi nằm ở phía tây Nghệ An. Đất đai khô cằn, sỏi đá. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ có lực lượng hành nghề giả sư bị phát hiện nhiều nhất trong cả nước. Nhận biết được con em trong xã Nghĩa Đồng ra ngoài hành nghề không lành mạnh, UBND xã đã có công văn thông báo tới một số thành phố, tỉnh thành trong cả nước mà lực lượng giả sư thường hay lui tới, nhằm thông báo và cảnh báo nếu phát hiện người dân ở xã Nghĩa Đồng phạm pháp thì báo về địa phương sở tại xử lý.

Ông Lê Công Hợi, Trưởng Công an xã Nghĩa Đồng cho biết, năm 2006, Nghĩa Đồng có 10 đối tượng giả sư lừa đảo bị công an các địa phương xử lý. Năm 2007 có 6 đối tượng khi bị phát hiện và trở lại địa phương, chính quyền đều tổ chức theo dõi, tránh tình trạng tái phạm. Năm 2008 và đầu 2009, số lượng sư giả bị phát hiện ít hơn. Hiện, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền nhiều về hành vi giả sư sẽ bị xử lý nghiêm minh nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn nạn này.

Ông Lê Công Hợi, Trưởng Công an xã Nghĩa Đồng.


Trên thực tế, những con số này chưa phản ánh hết thực trạng đi “làm sư” của nhiều người dân. Hàng năm vẫn có hàng trăm người rời khỏi địa phương đi làm ăn xa nhưng không báo tạm vắng. Theo phản ánh của một số người dân ở đây, nhiều người lén lút đi làm sư giả chưa bị phát hiện và lật tẩy. Thậm chí, nhiều “sư”, “ni cô” bị phát hiện thuộc địa bàn xã khác nhưng vẫn “đăng ký” vào danh sách thuộc quân số của xã Nghĩa Đồng. Điều này càng làm khó thêm trong cách xử lý của các cấp chính quyền xã.
Kỳ cuối: Vướng “nghiệp sư giả” phải vào… tù tu tâm.
Hồng Giang