Trên đỉnh Linh Thứu nhớ Descartes

Nhớ Descartes, khách không khỏi thú vị khi nhận ra một sự đối xứng bất ngờ. Descartes nói “Tôi tư duy nên tôi hiện hữu”. Thiền giả biết “Tôi không tư duy nên tôi không hiện hữu”.

Trên đỉnh Linh Thứu nhớ Descartes

Nguyễn Tường Bách

 
Tại Đông Bắc Ấn Độ có một tiểu bang đặc biệt tên gọi là Bihar. Trong Bihar có một thành phố nay đã tàn tạ mang tên Vương Xá (Rajgir). Ngày xưa Vương Xá chính là kinh đô của một tiểu quốc mệnh danh là Ma-kiệt-đà (Magadha). Nằm ở phía Nam Vương Xá là một ngọn đồi nhỏ có tên là Linh Thứu (Gijjhakuta). Linh Thứu là nơi mà Phật Thích-ca sống khoảng 7 năm.

Ngày nọ bước lữ hành đưa khách đến Linh Thứu. Trong một buổi chiều nhiều gió, khách leo lên đỉnh của ngọn đồi con. Khách nhìn xuống Vương Xá, ngày nay chỉ là một con đường nhựa nhỏ chạy giữa hai triền núi. Khách cố tìm lại dấu tích của Phật, lòng xiết bao xao xuyến.

Trên đỉnh núi này, trong một buổi giảng pháp, Phật không nói gì, chỉ cầm một đoá hoa nhìn đại chúng. Chẳng ai hiểu gì, chỉ một vị đệ tử có tên Ca-diếp mỉm cười thầm lĩnh hội. Về sau Ca-diếp trở thành truyền nhân của Phật trong một dòng truyền thừa mà ta gọi là Thiền tông. Dòng truyền thừa này lan tỏa qua Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, đến nay vẫn còn.

Chuyện kể về một người cầm hoa - một kẻ mỉm cười được người đời sau gọi là Niêm hoa vi tiếu, chỉ một dạng thức tâm truyền tâm, không cần đến ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là chiếc áo ngoài của tư duy nên đây là một phép truyền thừa vắng bóng tư duy. Khách thầm hỏi nếu không có ngôn ngữ, vắng bặt tư duy thì thông điệp của Phật là gì?

Khách bỗng nhớ đến René Descartes (1596-1650). Nhà triết học và khoa học xuất chúng này của thế kỷ thứ 17 được nhớ đến nhiều nhất với câu “Tôi tư duy nên tôi hiện hữu”. Câu nói xem ra đơn giản này được hiểu nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất hẳn là, nếu không có tư duy con người không thể được xem là “hiện hữu”, con người sẽ đồng như gỗ đá. Thực thế, tư duy làm nên tính cá thể của mỗi một con người. Trong toàn bộ loài người thì tư duy là nền tảng của mọi tri thức, của khoa học và triết học. Ngôn ngữ là sự phát biểu của tư duy. Có thứ ngôn ngữ sắc gọn như toán học, phức hợp như triết học nhưng tất cả ngôn ngữ đều dựa trên tư duy. Tư duy là nền tảng của nền văn minh nhân loại.

Nay trên đỉnh Linh Thứu này, hai ngàn năm trăm năm trước, có một thông điệp được truyền đi giữa hai con người mà không cần ngôn ngữ. Có thể có tri thức nằm ngoài ngôn ngữ? Ai bảo đảm Ca-diếp hiểu đúng, hay Ca-diếp chỉ mỉm cười ngu ngơ?

Khách tự thấy bản thân mình cũng đang tư duy. Phải thôi, tất cả chúng ta đều tôn thờ tư tưởng, đều dùng tư tưởng để lý giải mọi vấn đề. Có lẽ chúng ta ai cũng nghĩ, vắng bóng tư duy thì chúng ta sẽ điên loạn, ít nhất sẽ rơi vào một thứ hư vô bất định, sẽ không còn định nghĩa được mình là ai. Thưa ông Descartes, ông hoàn toàn có lý.

Khách chợt nhớ rằng, nền văn minh con người còn thêm một bộ phận nữa, ngoài khoa học và triết học, đó là nghệ thuật. Nghệ thuật dường như nằm xa, nằm ngoài ảnh hưởng của thứ tư duy đúng sai, thiện ác. Ngoài ra nghệ thuật xem ra thể hiện một cách tự do và đầy sáng tạo nhất khi nó loại bỏ được ảnh hưởng của tư tưởng. Thế thì điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta hoàn toàn từ chối tư duy, loại bỏ ngôn ngữ? Bất chợt hình ảnh Niêm hoa vi tiếu lại hiện ra trong lòng khách. Lòng khách bỗng thông suốt, gió chiều vẫn thổi mạnh.

Tình trạng vắng bóng tư duy thực ra không hề xa lạ với chúng ta. Nó chính là giai đoạn đầu của mọi quá trình nhận thức. Trước mọi cảnh vật, chúng ta đều có một chớp nhoáng của những cảm nhận phi tư duy. Nhưng lập tức ngay sau đó, những cảm nhận đó liền bị khuôn đúc khái niệm của ta đúc thành tư tưởng và chúng là kẻ xây nên thế giới của Tôi và chính bản thân cái Tôi. Cho nên thế giới và cái Tôi là sản phẩm của khái niệm, vốn do quá khứ sinh ra.

Nhưng trên đời cũng có những kẻ, họ không muốn khái niệm của mình đúc khuôn thực tại, họ muốn thực tại thế nào thì giữ nguyên như thế, họ từ chối vai trò của khái niệm, của tư duy. Đó là những kẻ được mệnh danh đi trên con đường của Thiền. Đó là những kẻ biến nhận thức phi tư duy trở thành cách nhận thức cơ bản của mình. Được thế không? Những ai thực hành Thiền đều biết rằng đây là điều có thể. Những người đó biết rõ, lúc đó có một Cái biết lặng lẽ chiếu soi. Đó là một tình trạng vắng bóng mọi lời đối đáp trong tâm mà thuật ngữ gọi là “không tầm không tứ”. Đó là Cái đang là. Lúc đó thì cái Tôi cũng biến mất. Cái Tôi hết hiện hữu vì vắng bặt tư duy. Do đó trong Niêm hoa vi tiếu chẳng hiện hữu cả Phật lẫn Ca-diếp và cũng không có một “thông điệp” nào cả.

Không thể dùng ngôn từ để mô tả tình trạng này cũng như không thể dùng lời nói để mô tả sự im lặng. Nhớ Descartes, khách không khỏi thú vị khi nhận ra một sự đối xứng bất ngờ. Descartes nói “Tôi tư duy nên tôi hiện hữu”. Thiền giả biết “Tôi không tư duy nên tôi không hiện hữu”.

Câu nói của Descartes chính là âm bản của Niêm hoa vi tiếu. Âm bản hay dương bản đều chỉ nói về một sự thật duy nhất.