Sự Huấn Luyện Tu Sĩ Tây Phương

Sư Bà Karuna Dharma, Tiến Sĩ Phật Học, cựu giáo sư trung học, là một trong những đệ tử người Hoa Kỳ của cố H.T. Thích Thiên Ân. Qua bài viết “Sự Huấn Luyện Tu Sĩ Tây Phương”, chúng ta sẽ thấy những giai đoạn có quy củ và chương trình mà một sư bà người Hoa Kỳ qui y cho tín đồ, thu nhận đệ tử, cho thọ giới và cuộc sống hằng ngày của tu sĩ Phật Giáo. Một trong những điểm rất mới của Sư Bà là một nữ tu thọ ký và truyền giới cho nam tu sĩ và tùy theo căn cơ của đệ tử để cho thọ giới Tỳ Kheo hay giới Pháp Sư.

Sự Huấn Luyện Tu Sĩ Tây Phương

Thích Nữ Karuma Dharma


Sư Bà Karuna Dharma (Thích Nữ Ân Từ), Tiến Sĩ Phật Học, cựu giáo sư trung học, là một trong những đệ tử người Hoa Kỳ của cố H.T. Thích Thiên Ân. Qua bài viết “Sự Huấn Luyện Tu Sĩ Tây Phương” (The Training of the Western Monk), chúng ta sẽ thấy những giai đoạn có quy củ và chương trình mà một sư bà người Hoa Kỳ qui y cho tín đồ, thu nhận đệ tử, cho thọ giới và cuộc sống hằng ngày của tu sĩ Phật Giáo. Một trong những điểm rất mới của Sư Bà là một nữ tu thọ ký và truyền giới cho nam tu sĩ và tùy theo căn cơ của đệ tử để cho thọ giới Tỳ Kheo hay giới Pháp Sư (Dharma Teacher). Bài viết bằng tiếng Anh, do đạo hữu Đoàn Văn Bình chuyển ngữ.

Quốc Tế Thiền Viện Phật Giáo tọa lạc trung tâm thành phố Los Angeles, như ngôi chùa ở một thành phố tân tiến, phương pháp đào tạo cũng phải uyển chuyển để thích ứng với hoàn cảnh. Tôi sẽ đi vào vấn đề này với ý thức rằng nó sẽ có khác với những trung tâm khác.

Trung tâm này đến nay đã được 26 năm do cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân sáng lập và là Viện Trưởng cho đến năm 1980, ngài viên tịch. Là đệ tử thâm niên của ngài, tôi trở thành người kế vị từ năm 1981 cho đến nay. Phương pháp huấn luyện và tu tập ngày nay so với lúc Hòa Thượng còn tại thế có đôi chút thay đổi. Tôi là giám viện, sau khi bị tai biến mạch máu cách đây mười ba năm, đã phải giao phó hầu hết công việc tại trung tâm cho vị thủ chúng là Sư Cô Thích Nữ Ân Tịnh (Sarika Dharma), cô cũng vừa mới qua đời sau một cơn bịnh. Bây giờ thì công việc huấn luyện tại Thiền Viện lại phải giao cho môn đồ trẻ của tôi là Đại Đức Kusala Ratana Karuna, vị này sẽ thụ đại giới trong tháng tới, thay vì phải đợi đến đại giới đàn tháng 12 năm 1997. Vì trung tâm cần phải có một vị Tỷ Kheo điều hành: tôi và Hòa Thượng Ratanasara đã quyết định như vậy. Thêm nữa, các vị sư đã được sự huấn luyện của vị Phó Viện Trưởng, Tỳ Kheo Sri Lanka, T.Tọa Havanpola Shanti, Viện Trưởng Buddhist College, sư trưởng Sinhalese và Hòa Thượng Havanpola Ratanasara. Tất cả đều là ban giáo thọ tại Thiền Viện này. Do đó học chúng ở đây gồm cả tiểu thừa và đại thừa.

Vì là một Thiền Viện ở một thành phố lớn, phải tự lực cánh sanh, nên không phải tất cả chúng tăng đều ở tại Thiền Viện. Một số ở tại gia và đi làm. Đó là sự linh động mà cố Hòa Thượng Thiên Ân đã tùy duyên hành xử trong việc thu nhập đệ tử. Tôi là người đến thụ huấn đầu tiên, khi tôi đang là giáo sư trung học. Vị thủ chúng, Sư Cô Sarika Dharma lúc đó cũng ở ngoài, đi dạy để nuôi hai con. Bây giờ, hai học tăng của chúng tôi cũng ở ngoài, đến Thiền Viện tu học một tuần vài lần. Số còn lại đều thường trú tại trung tâm, hiến cúng cả cuộc đời cho đạo pháp. Tất nhiên các vị sơ tâm ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đều tu tại gia.

Những ai muốn trở thành tăng sĩ đều phải trải qua một chương trình tu học. Bước đầu là tín đồ, rồi ưu-bà-tắc (nam Phật tử), ưu-bà-di (nữ Phật tử), thọ tam qui, ngũ giới. Họ phải trải qua tối thiểu là sáu tháng nghiên cứu và thực hành Phật pháp. Họ phải tham dự ít nhất một khóa Thiền tập cuối tuần để chúng tôi giám sát giới luật. Mỗi năm có ba khóa Thiền chính: Lễ Phật Đản (Cuối tháng 5), lễ Vu Lan (cuối tháng 8) và lễ Thành Đạo (tuần thứ hai tháng 12).

Sau một năm thử thách và đã tham dự ít nhất là một khóa hè tu tập, họ có thể xin xuất gia để theo học một năm Phật học về lịch sử và sự truyền bá Phật Giáo, tại Buddhist College, khóa này do tôi và Hòa Thượng Ratanasara đảm trách, bắt đầu với những dữ kiện lịch sử Ấn Độ từ trước khi đức Phật xuất thế, cho đến sự bành trướng của đạo Phật suốt từ đó cho đến ngày nay. Qua khóa học này, học viên có thể hiểu được cách thức mà các tôn phái Phật Giáo được thành lập và tồn tại, cũng như giáo ý và lễ nghi Phật Giáo ngày nay ra sao… Lúc bấy giờ, năm vị giáo thọ của Thiền VIện sẽ truyền tiếp thêm ba giới cho học tăng.

Bước kế tiếp là lễ thọ đại giới. Tôi thường từ chối sự thỉnh cầu đầu tiên của giới tử, vì đó là một trách nhiệm nặng nề không biết tôi có thể gánh vác nổi không, sợ rằng tôi không có đủ thời giờ để theo sát đệ tử một khi họ sa ngã. Tôi phải cầm chắc rằng thí sinh đó đã có quyết tâm kiên cường, thì mới dám nhận. Có một số người xin thọ đại giới không chân chính, hoặc vì sự cung kính, hoặc tưởng rằng vị sư là người chỉ ngồi đó thiền định suốt ngày, hoặc bất mãn cuộc đời, thất tình yếm thế, hoặc cũng có người làm ăn thất bại. Cho nên tôi phải giám định tâm lý, khả năng của họ một cách cẩn thận. Một khi tôi thấy người đó tâm lý ổn định, có khả năng, không bị nợ chồng chất, với quyết tâm bất thối, tôi mới chấp thuận. Thiếu một trong các điều kiện đó, tôi sẽ từ chối ngay.

Ai đã trải qua được hai năm huấn luyện, sẽ được thọ giới kế tiếp cao hơn. Đến đây, thí sinh (giới tử) có hai sự lựa chọn hoặc, thụ 250 giới Tỳ Kheo, 348 giới Tỳ Kheo Ni hoặc thụ 25 giới làm Pháp Sư. Pháp Sư là một nhà truyền giáo, có thể có gia đình bình thường, có thể để râu tóc chút ít, trang sức nếu muốn. Trong trường hợp ấy người đó nhận một áo vàng có giải đeo cổ, và một saffron kesa (tọa cụ) trong khi các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thì nhận y vàng có sọc phước điền và tọa cụ.

Sau khi thọ đại giới, Tỳ Kheo/Tỳ Kheo Ni rồi, thì phải hứa thân cận bên bổn sư ít nhất là năm năm, phải tham dự các khóa tỉnh tu cũng như các lớp đào tạo. Họ cũng được giao phó một số nhiệm vụ mới tại Thiền Viện, phải chấp tác chủ nhật, coi sóc thư viện, nhang, đăng, v.v… Cũng có thể họ được biệt phái đi ủy lạo các lao xá địa phương, viết thư thăm hỏi tù nhân, đi thăm bệnh viện, hay bất cứ việc gì thích hợp. Tất cả mọi người có nhiệm vụ giữ gìn sạch sẽ giảng đường, chánh điện, vườn tược. Thiền Viện có sân trước, vườn sau, có cây ăn trái, có hoa cần chăm sóc thường xuyên.

Tăng chúng ai cũng sử dụng được máy điện toán (computer) và hệ thống internet để tra cứu, và liên lạc với thế giới bên ngoài. Công việc tương lai của Phật Giáo cần thiết phải sử dụng kỹ thuật tân tiến của thời đại.

Trong mấy tháng hè tôi đảm trách các lớp cao cấp, mỗi tuần một buổi và tối thứ ba. Ngoài ra, tôi vẫn chủ trì các lớp nghi thức; tôi dạy họ tụng kinh, đánh chuông, mõ, chiêng trống, cũng như vài bài kinh tiếng Việt, để họ có thể cử hành các khóa lễ. Chúng tôi tụng kinh tiếng Việt ít thôi, vì từ khi Hòa Thượng Thích Thiên Ân viên tịch, chúng tôi không còn làm lễ cho cộng đồng Việt Nam nữa. Trong vài khóa lễ, chúng tôi tụng bằng tiếng Việt vài bài kệ ngắn như Kệ Dâng Hương, Tán Phật. Phần còn lại chúng tôi tụng kinh bằng tiếng Anh. Nghi lễ có đôi chút thay đổi để phù hợp và đồng thể với Hội Tăng Già. Tỷ dụ như bài tâm kinh, Heart Sutra, thì chúng tôi tụng là “Because The Bodhisattva Follows Prajnaparamita… There is no fear and far from all fantasy…” Ngoài các nghi thức tụng niệm, các học viên còn phải đọc và thảo luận một số kinh sách và chủ đề quan yếu Phật pháp. Mỗi học viên tự chọn một kinh/sách nào đó nghiên cứu thật kỹ rồi thuyết trình cho cả lớp nghe và cho biết họ tiếp nhận được gì.

Hằng ngày Thiền Viện bắt đầu bằng khóa kinh sáng, tọa thiền từ 7 giờ đến 8 giờ 30. Tiếp đó, mỗi vị tự sửa soạn bữa điểm tâm của mình, rồi bắt đầu chấp tác lúc 9h sáng. Đến chiều, dự lớp học từ 6 giờ 30 cho đến 9 giờ tối. Và kết thúc mỗi ngày bằng một giờ tọa thiền từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 tối. Chủ nhật, chúng tôi có khóa tụng kinh, tọa thiền từ 9 giờ đến 10 giờ 30, tiếp theo là khóa lễ chủ nhật vào lúc 11 giờ.

Đến nay, sau 15 năm từ khi cố Hòa Thượng Viện Trưởng viên tịch, chúng tôi mới tổ chức được một Đại giới đàn đầu tiên, cách đây hai năm. Đó là một vinh hạnh lịch sử đối với Thiền Viện này, một Đại giới đàn do một phụ nữ tổ chức và truyền giới. Hòa Thượng Ratanasara đóng vai giáo thọ. Hòa Thượng Ahangama Dhammarama, Sri Lanka, và Ni Sư Thích Nữ Diệu Từ, Sacramento đồng làm phó giáo thọ. Chức giám luật do Hoà Thượng Yin Hal, Trung Hoa và Ni Sư Inquon Lee Sunim, Đại Hàn, đồng thủ diễn. Tại Đại giới đàn này, có tám vị thụ Tỳ Kheo Ni giới trong giáo phái Tibet (Tây Tạng), bốn phụ nữ Việt Nam mà một vị là Ni Cô Tiểu Thừa (Theravada). Có hai vị thụ giới Tỳ Kheo, một Hoa Kỳ, một Việt Nam; hai vị được thụ phong Pháp Sư, hai vị Sramaneras (Sa Di), hai vị Sramanerikas (Sa Di Ni), tám vị Attha Sillas, tất cả là người Mỹ. Hòa Thượng Ratanasara và tôi chủ trì đại lễ, nói lên một biểu tượng cho một giới đàn liên tôn đầu tiên.

Mỗi giới tử nhận pháp hiệu do bổn sư họ đặt cho và được viết lên chiếc áo cổ truyền của tôn phái họ. Do đó, họ đều được truyền thừa, bất kể là truyền thừa nào. Làm như thế, chúng tôi thừa tiếp các tôn phái Phật Giáo. Có Theravada (Tiểu Thừa), có Mahayana (Đại Thừa), có Vajrayana (Kim Cang thừa), tất cả đó đều là bản thể của Phật pháp, tượng trưng cho sự bình đẳng của Đại lễ.

Tôi tin rằng Đại lễ đó là tiêu biểu đồng thể mà cả nước Mỹ sẽ trông vào. Thứ Nhất, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong Phật Giáo, không phải chỉ là Nam Pháp Sư, hay chỉ coi bếp núc. Nếu Phật Giáo mà thành công ở đất nước này thì phải bỏ quan niệm về giới tính, và phải có sự bình đẳng giới tính. Thứ hai, đây là lần đầu tiên mà các Sư Hoa Kỳ truyền giới cho đệ tử và tín đồ Hoa Kỳ, đó mới thực sự là hạt giống Phật pháp được gieo trồng vào trong tim của Mỹ quốc. Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã dạy chúng tôi rằng Phật pháp chỉ thực sự được hoằng dương một khi mà đệ tử của ngài truyền giới cho đệ tử của họ. Các giới tử có pháp hiệu theo bổn sư của họ: tận cùng bằng Karuna, Sarida hoặc Ratanasara. Thật là một Đại lễ đặc biệt, được đệm nhạc bởi Chrys, cô là đứa bé đầu tiên mà Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã quy y cho.

Trong khi chúng tôi diễn hành từ Zendo (thính đường), nơi mà các giới tử được bổn sư làm lễ thọ ký, đến Vinaya Hall (đại điện) trong một điệu nhạc trầm hùng, 100 bồ câu trắng được phóng sinh, bay lên trời cao. Khung cảnh đó thật đã làm cho người xem náo nức. Buổi lễ cũng được xen lẫn bởi các vũ điệu Trung Hoa và Sri Lanka cung nghinh Phật bảo và tăng bảo. Đại lễ kéo dài ba giờ đồng hồ theo nghi thức truyền thống trong sự tán thưởng của dân chúng địa phương.

Một sự thay đổi khác là đường hướng đào tạo của trung tâm. Tôi không bao giờ quyết định một điều gì mà không tham vấn với các chức sắc các tự viện khác. Mọi quyết định liên hệ đến Tăng già đều được quyết định bởi tất cả các đoàn thể chúng tăng, tự viện, kể cả công việc hiệu đính các kinh sách tụng niệm, theo thể thức đầu phiếu.

Thiền Viện rất chúng trọng đến cách thức huấn luyện tín đồ, và cộng đồng nếu nói rộng ra. Tại đây, những người thường trú lâu năm cũng tổ chức lễ Thanksgiving (lễ Tạ Ơn), chúng tôi vừa ăn những món truyền thống Thanksgiving, vừa ăn các món chay. Đã hai năm nay đa số họ về với gia đình trong lễ Thanksgiving, nên chúng tôi đã không tổ chức lễ tại đây. Viện cũng tổ chức lễ Giánh Sinh (với cây Giáng Sinh và các quà tặng) khi có nhiều em nhỏ cư trú, và chúng tôi giải thích cho các em tham dự rằng cây Giáng Sinh không phải là lễ của người theo đạo; nó tượng trưng cho một tinh thần yêu thương, quần tụ…

Chúng tôi trở nên năng động trong một cộng đồng rộng lớn, tham dự lễ “Lotus Festival”, lễ “L.A. Asian”, lễ “Pacific Islanders Festival”, lễ “Mở Mắt Rồng”, lễ “Đua Thuyền Rồng” v.v… Chúng tôi dự lễ theo y phục của mình, và thường được giải “Y Phục Đẹp Nhất”. Năm đầu chúng tôi mặc y phục như ngài Tam Tạng thỉnh kinh, theo sau với các người ăn mặc như khỉ, lợn v.v…. Năm ngoái, chúng tôi hóa trang như những tên hải tặc trên con tàu với một nhà sư Trung Hoa đứng ở đầu tàu. Trên những hóa trang bằng T-shirt màu vàng có câu “Ai đã thực sự tìm ra Mỹ Châu?” Năm 458 nhà sư Trung Hoa pháp hiệu là Fa Sang đã du hành từ Alaska đến Mexico với năm vị Tỳ Kheo. Năm 1100 Erik In Red du hành đến bờ biển miền đông (East Coast). Ba năm qua, chúng tôi tổ chức lễ Halloween cho những người vô gia cư và trẻ em bất hạnh. Chúng tôi cũng đóng vai trò chính trong ngày “The Day of Hands Across L.A.” (nối lại vòng tay) biểu trưng cho một sự tự hào chống lại sự nổi dậy rối loạn của vùng Trung Nam… Chúng tôi còn đưa bàn tay tới các ngục thất trong vùng bằng cách viết thư thăm hỏi, biếu họ sách vở, và những đồ dùng khác, qui y cho họ bằng điện thoại một khi họ đã nắm được một số giáo lý căn bản. Đại Đức Kusala đến giảng cho phạm nhân ở khám Lancaster.

Chúng tôi cũng rất hăng hái trong những công tác liên tôn và liên hữu Phật Giáo. Theo tôi, ở Hoa Kỳ, tất cả giáo phái phải đứng lên cùng một giới tuyến, cùng hiểu biết tương trợ lẫn nhau kể cả những bằng hữu không phải là Phật Giáo. Chúng tôi tích cực tham dự các buổi hội thảo “Phật giáo – Cơ Đốc Giáo” mỗi tháng một lần từ năm năm qua.

Chúng tôi khuyến khích tăng tín đồ hãy hoà nhập và tham dự các hoạt động xã hội, song song với nỗ lực đem giáo pháp của Phật cúng hiến cho thời đại, và cho sự khủng hoảng trầm trọng về tín ngưỡng của người Tây Phương hiện nay.

Karuna Dharma

Oct. 1996