Cuộc nổi dậy chống Pháp của một nhà sư cuối thế kỷ XIX qua tư liệu Hán Nôm

Vị thiền sư chùa Lãng Đông năm 1897 lãnh đạo cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp có tên thật là Cao Quang Hinh và đạo hiệu là Thích Thanh Thụ. Ông quê làng Khai Lai, nay thuộc xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tuy đi tu nhưng ông tham gia phong trào chống Pháp do đề đốc Tạ Hiện chỉ huy.

Cuộc nổi dậy chống Pháp của một nhà sư cuối thế kỷ XIX qua tư liệu Hán Nôm

Phạm Đức Duật

Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Trong Thông báo Hán Nôm học 2003, chúng tôi đã trình bầy bài Phát hiện những đạo sắc của ông Bố chính giữ thành Hà Nội năm 1873. Thành Hà Nội thất thủ, ông Bố chính Vũ Công Đường bị Pháp bắt và triều đình Huế đày lên làm Bang biện ở đồn Thục Luyện, châu Thanh Sơn, tỉnh Hưng Hóa, nay là Phú Thọ. Cụ tổ mười đời trước của họ Vũ này từng làm tự chùa tại chùa Lãng Đông (nay thuộc xã Trà Giang), sau chuyển cư về làng Đường Thâm (nay thuộc xã Hồng Thái). Hai xã trên thuộc tổng Đường Thâm, sau đổi thành Đồng Xâm, nay thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Sau khi ông Bố chính Vũ Công Đường tạ thế gần hai chục năm thì nổ ra cuộc nổi dậy chống Pháp do nhà sư chùa Lãng Đông lãnh đạo. Hai sự kiện trên có quan hệ gì với nhau không, khi viết lịch sử địa phương chúng tôi thấy cần phải tìm hiểu kĩ để làm sáng tỏ truyền thống yêu nước chống thực dân xâm lược ở một vùng quê có làng nghề nổi tiếng này.

Một vấn đề đặt ra là, hơn 100 năm nay, các nhà nghiên cứu lịch sử ở trung ương và cả ở địa phương vẫn chưa ai khẳng định về tung tích vị sư trụ trì ở chùa Lãng Đông là thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống thực dân cuối năm Đinh Dậu (1897).

1. Thiền sư chùa Lãng Đông là ai? Tên thật và quê quán ?

Ngày nay, những cụ già vùng Đồng Xâm khi truyền khẩu cho con cháu về năm Thiên Binh thì ai cũng kể người chỉ huy kéo nghĩa quân lên đánh tỉnh Thái Bình lúc bấy giờ là cụ Sư Dù. Và chỉ biết trước đó cụ tu ở chùa Dù huyện Đông Quan rồi sang chùa Lãng Đông, còn tên thật là gì thì không ai biết. Vài chục năm trước, ngày 21 tháng 12 năm 1979, chúng tôi đạp xe sang làng Dù, tức làng Kinh Hào, nay thuộc xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng. Chúng tôi gặp cụ Phạm Tường Phôi và cụ Bùi Công Tựu, các cụ đều nói: “Cụ sư Dù chỉ huy đánh Pháp năm Thiên Binh, xuất quân ở chùa Lãng Đông bên Kiến Xương, trước đó cụ tu ở chùa Dù chúng tôi. Nhưng người làng Dù lại gọi cụ là sư Gô, vì trước khi tu ở chùa Dù, cụ tu ở chùa Gô, tức là chùa Làng Thuyền Quan Gồ, nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thuỵ. Khi tu ở chùa Dù, cụ mua được mấy sào ruộng cúng vào chùa, và thuê thợ tạc tượng mình để sau khi viên tịch được dân làng thờ cúng, phối hưởng ở chùa Dù”. Sau khi kể, cụ Tựu dẫn chúng tôi ra chùa Dù tham quan và giới thiệu về pho tượng nói trên.

Một số tài liệu của Pháp ở cục Lưu trữ trung ương ghi về tên vị sư này, khi thì phiên là So, hoặc Sô, hoặc Sở, khó tin là chính xác. Cuốn sách chữ Hán chép tay đáng chú ý là: 太平省通誌(Thái Bình tỉnh thông chí) của Phạm Văn Thụ viết xong ngày 12 tháng 6 năm Thành Thái thứ 12 (1900) khi làm Tri phủ Tiên Hưng. Chúng ta nhớ rằng khi bùng phát cuộc nổi dậy của Nghĩa quân sư Dù ở chùa Lãng Đông cũng là khi Phạm Văn Thụ đang làm Tri phủ Kiến Xương. Và chính Phạm Văn Thụ là người theo lệnh Tây đem lính về lục soát bắt bớ những người có liên quan đến vụ này. Như vậy Phạm Văn Thụ viết Thái Bình tỉnh thống chí chỉ sau sự việc trên xẩy ra có hai năm rưỡi. Và ông viết nhà sư chùa Lãng Đông này tên là 樹(Thụ), nguyên quê xã Bách Tính, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Một số tài liệu và sách in vài chục năm qua viết về lịch sử địa phương Thái Bình thì nói nhà sư tên là Nguyễn Thái Phúc, người phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Khi nghe nói quê quán phủ Lí Nhân, chúng tôi đã ngờ rằng rất có thể nhà sư cùng quê với tác giả viết đôi câu đối mừng thân mẫu quan Thị độc Vũ Công Đường, được Vua Tự Đức xét ban thưởng và phong sắc 從五品宜人(Tòng ngũ phẩm nghi nhân) năm Kỉ Tị (1869).

Từ năm 1997 đến nay, sau dịp kỉ niệm và hội thảo ở địa phương, nhân 100 năm sự kiện chống Pháp ở chùa Lãng Đông, chúng ta có thêm những nguồn tư liệu mới của nhiều bác, nhiều đồng chí lão thành cách mạng ở địa phương thuộc tổng Đồng Xâm cũ và Báo cáo của đồng chí Vũ Công Liệu, Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang. Đặc biệt, chúng ta được nghe anh Cao Văn Toản, người xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy trình bầy. Điều trùng khớp với tư liệu điều tra của chúng tôi vài chục năm trước, khi anh Toản nói nhà sư lên chùa Nậu (Đông Kinh) tu hành, rồi mua gỗ thuê người tạc tượng, mua ruộng cúng vào chùa để được cúng giỗ về sau. Anh Toản là cháu ngoại năm đời của nhà sư. Anh kể rằng: “Cụ thân sinh nhà sư có hai người con trai. Vì cha mất sớm, mẹ đi tái giá, hai anh em đi làm ăn lang thang kiếm sống. Về sau, người anh lấy vợ, người em bỏ đi tu. Người anh biết được nơi em tu hành, đi tìm về. Người em một mực từ chối”. Một thông tin quan trọng, anh Toản còn cho biết, tên thật của nhà sư là 高光馨(Cao Quang Hinh).

Báo cáo của đồng chí Liệu nói nhà sư tên thật là Thích Thanh Thụ và ông từng làm tham mưu cho Đề đốc Tạ Hiện (Người quê ông thường gọi là Đề Hẹn - PĐD). Căn cứ vào tự dạng ba chữ 釋聲樹(Thích Thanh Thụ), cho thấy chữ 聲(Thanh) là danh tiếng có nửa trên đồng dạng với chữ (Hinh) là hương thơm bay ra, còn có nghĩa là danh dự truyền khắp mọi nơi. Còn chữ 樹(thụ) nghĩa là trồng. Như thế hai chữ 聲樹(Thanh Thụ) hàm nghĩa vun trồng để có danh thơm, thì đúng là nguyện ước của những trang anh hùng nghĩa khí rất đáng trân trọng.

Tất cả những điều nêu trên cùng với nhiều tài liệu khác, chúng tôi đi đến kết luận: Vị thiền sư chùa Lãng Đông năm 1897 lãnh đạo cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp có tên thật là Cao Quang Hinh và đạo hiệu là Thích Thanh Thụ. Ông quê làng Khai Lai, nay thuộc xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tuy đi tu nhưng ông tham gia phong trào chống Pháp do đề đốc Tạ Hiện chỉ huy. Sau khi Tạ Hiện mất, ông tu ở chùa Kinh Nậu, nay thuộc xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, Thái Bình, dường như có ý thức trước về sự hi sinh của mình, ông đã mua gỗ cho tạc tượng và mua ruộng cúng vào chùa để được hưởng cúng giỗ sau này.

Khi chuyển sang chùa Lãng Đông, nhà sư yêu nước Thích Thanh Thụ phải biểu lộ tài đức gì để có uy tín tập hợp xung quanh mình hàng trăm nghĩa sĩ ở những tầng lớp khác nhau trong một vùng quê phía hạ lưu hữu ngạn sông Trà. Một vấn đề nữa cũng cần chú ý, trước khi nổ ra cuộc nổi dậy vũ trang này, trong hàng ngũ nghĩa quân đã có ai từng đi Suối Cấy, Yên Thế hưởng ứng cuộc mộ phu trá hình của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm? Vì sau đêm 22 tháng 9 năm 1897, Kỳ Đồng bị Pháp bắt, một báo cáo ngày 4 tháng 11 năm 1897 của viên chỉ huy đồn Bố Hạ cho biết “Trong ngày hôm nay đã có một số lớn bọn nhà quê rời Chợ Kỳ về đồng bằng, một số đi qua Bố Hạ, phần lớn đi qua Lung Nua”.

Đúng ! Họ kéo nhau trở về các tỉnh đồng bằng theo từng tốp nhỏ và bằng nhiều ngả. Họ rút về xuôi, chứ không phải là sự tan rã tự phát của nghĩa quân khi mất thủ lĩnh. Họ tỏ ra có mục đích, có tổ chức. Như thế, chúng ta đã thấy rõ, họ nhận lệnh rút nhanh về xuôi để bổ sung vào lực lượng do Mạc Đĩnh Phúc phụ trách chuẩn bị nổi dậy trên địa bàn đồng bằng và ven biển được Kỳ Đồng và bộ tham mưu trù tính từ lâu. Qua lời phát biểu của ông Phạm Duy Lộng, người làng Đắc Chúng, nay thuộc xã Quốc Tuấn tại hội thảo, chúng ta thấy vì sao cụ Phạm Văn Lới, chú ruột ông Lộng phải bán đi ba sào ruộng tư điền để hưởng ứng cuộc đại nghĩa này? Có lẽ số tiền bán ruộng ấy không phải chỉ đóng góp riêng cho cuộc nổi dậy ở chùa Lãng Đông, mà có thể dự cả vào phong trào lớn như trường hợp Bùi Đĩnh (Tức đồ Rưa), Trần Huy Luyện, Trần Xuân Đán, Lê Nguyên Tự, Ngô Quỷnh, Nguyễn Đoán... ở Hải Hậu, Nam Định. Họ đã bắt liên lạc với Lê Quang Huy ở Dương Liễu, Kiến Xương lên suối Cấy tham gia nghĩa quân của Kỳ Đồng.

2. Diễn biến của cuộc bạo động

Sự kiện này, sau mấy thế hệ các cụ truyền nhau kể lại cho con cháu, có một số chi tiết có giá trị xác thực. Song vẫn chỉ là những mẩu về con người và sự việc một cách đơn lẻ, tản mạn. Hoặc một ít câu vè của người đời sau mang tính miêu tả để ngợi ca nghĩa quân và vị sư làm chủ tướng. Nó ít đóng góp phản ảnh về sự kiện mang tính cụ thể lịch sử. Những tài liệu bằng văn bản chữ Pháp hay chữ Hán Nôm còn lại trong Cục Lưu trữ trung ương hay trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tinh Khoa học mà chúng tôi tiếp cận lại là những tài liệu của bọn mật thám, công sứ, thống đốc, toàn quyền thực dân viết tay hay đánh máy. Những tài liệu này hoàn toàn mang tư tưởng, luận điệu bọn thực dân thống trị, mang đặc tính đàn áp, thóa mạ nhân phẩm và răn đe dọa nạt, hoặc phỉng phờ lôi kéo, phục vụ cho nền đô hộ bóc lột tàn nhẫn vô nhân đạo của chúng. Tài liệu chữ Hán, chữ Nôm chép tay trong các tập tạp ghi thơ văn của các nhà nho nông thôn rất ít như bài thơ Cung vãn Lãng Đông Hòa thượng (Kính viếng Hòa thượng chùa Lãng Đông) của Hòa thượng Thích Quang Nhuận (1884-1950), tức Phan Quang Nhuận. Ông là dòng dõi của thủ lĩnh nghĩa quân Phan Bá Vành, quê làng Nguyệt Giám. Bài thơ mang nội dung ca ngợi của người đời sau rất đáng trân trọng. Có hai tài liệu viết chữ Hán Nôm, chúng tôi chú ý là sách Thái Bình tỉnh thông chí của Phạm Văn Thụ đã nói ở trên. Đây là cuốn sách ông viết khi làm Tuần phủ Tiên Hưng. Sách viết để phổ biến, tất nhiên phải công khai trước mắt bọn Pháp thực dân. Vì thế mà tư tưởng, giọng điệu cũng trịch thượng mang đầy tính cửa quyền của một viên quan người Việt phục vụ cho chính quyền thực dân và Vương triều Nguyễn bù nhìn. Mấy năm gần đây do xu hướng tìm hiểu để nối kết dòng họ, chúng tôi được gặp cụ Phạm Văn Kỳ gần 90 tuổi là người con trai út của Thượng thư Phạm Văn Thụ. Cụ Kỳ đã cho chúng tôi đọc bản phiên âm tập hồi ký của thân phụ mang tên 檀園記憶錄(Đàn Viên kí ức lục) nguyên viết tay (Một bản) bằng chữ Nôm được người con rể của cụ Thượng thư là Cử nhân Bùi Lương, phiên âm từ nguyên bản chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ và cụ Phạm Văn Nam, con trai thứ 3 viết chương cuối sách.

Tập hồi kí Nôm hơn một nghìn trang này, có tới trên 100 trang viết về những sự việc từ khi tác giả làm Tri phủ Kiến Xương và cả sau này làm đến Tổng đốc Thái Bình, rồi lại vào Huế làm Thượng thư Hộ bộ kiêm Binh bộ cơ mật viện đại thần. Viết hồi kí khi nghỉ hưu tại quê nhà làng Bạch Sam, tỉnh Hưng Yên, ông có điều kiện tĩnh tâm suy nghĩ chín chắn, cho nên lời lẽ tỏ ra chân thành và cách trình bầy cũng tỉ mỉ rõ ràng, nói được cả những điều mà không thể đưa vào Thái Bình tỉnh thông chíNam Phong được. Chính Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí muốn mượn để trích đăng trên báo, tác giả cũng một mực chối từ với lý do hồi kí có nhiều chi tiết viết riêng về việc gia đình.

Với số tư liệu tập hợp được tương đối phong phú hiện nay, chúng tôi trình bày “cuộc nổi dậy của nghĩa quân do thiền sư chùa Lãng Đông lãnh đạo” hệ thống hơn.

Trong hồi kí, nguyên Tri phủ Kiến Xương Phạm Văn Thụ viết:

“... Số là 5 giờ chiều ngày 21 tháng 1 An Nam (Tức tháng 11 - PĐD) ta đương hội chia phần đê tổng Đồng Xâm. Vì ngăn trở có hai làng Bình Trật, Bằng Trạch, dân hạt Vũ Tiên ở lẫn vào địa phận phủ Kiến Xương, ta phải lên bẩm lại quan sứ, phái giao giả dân sở tại nhận chức. Về đến đê phận Lãng Đông đã tối, tiếp tin anh ta và mấy ông bạn ở Hải Dương, ở Tràng Thi, Nam Định sang chơi. Ta vội phi ngựa về. Qua làng Hương Ngải (Tức làng Phương Ngải, xã Bình Minh ngày nay - PĐD) tiếp Phó Tổng Đồng Xâm Phạm Huyễn chạy ngựa theo báo: “Có giặc!”.

Ta trước cũng hoảng hốt, hỏi:

“Vậy nay về phủ có can gì không?”

Phó Tổng bẩm:

“Giặc nó còn ở cả đê phận Lãng Đông kia”.

Ta thốt nhiên nghĩ là những dân phu đi nhận phần đê, hỏi:

“Giặc có súng không?”

Phó Tổng bẩm:

“Chỉ thấy những gậy tầy, cán cuốc thôi”.

Ta bảo:

“Thôi, anh mờ mắt rồi, phu đê đấy, chứ giặc nào”.

Phó Tổng lại bẩm:

“Con nghe nói tướng Gầu Gầu ở Hải Dương qua sông sang thực”.

Ta càng thích nhiên, bảo:

“Thôi, những gầu vấy họ quét sa rồi. Chừng anh thấy đám đông người thì hỏi. Họ giả nhời đùa là tướng Gầu Gầu đây. Chứ thì buổi này giặc đâu hiện lên? Gầu Gầu có họa là giặc chó rư!”.

Ta thản nhiên về đến phủ, tiếp anh ta và các ông bạn chỉ cần hỏi văn thi có lợi không? Còn tin báo giặc cho là tầm thường.

Mới bảo Phó Tổng báo phái làm giấy.

Phó Tổng có xuất trình một tờ giấy chống chỉ. Chánh tổng đóng khống triện lại đóng ngược ra tình khiếp sợ. Như Phó Tổng xem ý ta không cần lắm. Chỉ viết mấy câu: “Tôi thấy phần đê Lãng Đông tụ tập nhiều người, đều có gậy cuốc không biết làm sự gì”.

Ta giao Đề Cần thảo bẩm. Khi hầu chữ ta chữa thêm vào mấy câu: “Từ khi tiếp báo, nghe dân tình trong hạt nôn nao, vì thế phải báo trước quan lớn biết. Hiện đã có bốn tên lính súng đến xem xét thế nào sẽ bẩm sau”.

Ta lại cắt nghĩa cho Đề Cần rằng:

“Thầy phải lựa ý quan sứ, vừa đây bãi cả lính cơ. Quan Tuần thương mãi không nghe, nếu có giặc giã lấy tỉnh, xin đảm nhận mất Công sứ, không để lỗi đến quan Tuần.

Người ta coi sự náo bấy giờ vào đâu. Giá quan sứ Minaul trước kia, tính hay phòng xa, báo thế là không có sự gì cũng không sao. Chứ quan sứ này, nếu đêm lên gõ cửa, mai không có gì, biết miễn bảo ta là đồ ngu dát. Vậy phải bầy ra có dân nôn nao, nên ta phải cứ tình bẩm thực”.

Ông cử Xuân Nẻo tính táo trực, bảo ngay:

“Vậy đã cho lính đến xét, đợi về xem thế nào sẽ bẩm chả hơn rư ?”

Ta tức thì đem giấy bẩm đánh diêm đốt, vừa cười vừa nói:

“Này giặc Gầu Gầu này! Này giặc cho ghẻ này!”.

Như thế, trước khi sự việc xảy ra, đám quan lại từ phủ đến tỉnh vẫn không hề biết gì.

Một kế hoạch khá bí mật, nhà sư Thích Quang Thụ chùa Lãng Đông mở hội đàn chay 3 ngày, người các làng phụ cận đến xem, đông ước hơn 300 người. Đến lúc nhá nhem tối ngày 21 tháng 11 năm Đinh Dậu, tức ngày 14 tháng 12 năm 1897, nhà sư tổ chức cho nghĩa quân ăn uống, giao mỗi người đeo một phù hiệu viết chữ 莫天兵(Mạc Thiên Binh), lấy ít tro lau buộc vào cổ tay, bôi hồng hoàng vào ức và rốn. Họ tin đây là phép linh, súng bắn không nổ, gươm chém không chết. Mỗi người chỉ cầm một cái gậy dài 3 thước ta. Có người đi cuốc ải về thấy thế cũng bập cuốc xuống bờ ruộng, bẻ lấy cán đi theo. Nghĩa quân chia làm 3 cánh quân. Một cánh theo ven đê Trà Lý tiến lên thị xã. Một cánh đi lối đò Đắc Chúng. Một cánh tiến về làng Luật Trung đốt nhà tên Trần Văn Khiêm, nguyên là tri huyện, được thăng đồng tri phủ Phụ Dực, đã từng dẫn đường cho công sứ Bơrie (Brière) đàn áp phong trào văn thân ở Thái Bình năm 1885-1886. Nghĩa quân phá kho thóc nhà Khiêm chia cho dân, rồi tiến về thị xã hợp với 2 cánh quân kia.

Một giờ đêm đến thị xã, họ cứ cờ trống đi đàng hoàng với tư thế lên thu phục tỉnh thành, đã có quân âm binh yểm trợ. Cánh quân do Lãnh Chuẩn chỉ huy đánh vào dinh công sứ Đavit (David). Vừa đến cổng dinh, nghe tiếng reo hò, lính canh hỏi:

“Cờ trống nào?”.

Quan Thiên Binh bắc loa gọi:

“Bớ các ngươi! Quân Thiên Binh đi mở nước cho thiên hạ Thái bình!”.

Cờ đề 4 chữ “Bình Tây diệt Nguyễn”.

Lính canh trông rõ, vào bẩm xin bắn. Viên giám binh bảo: “Chúng bay điên! Nhà quê nó rước đấy, chứ giặc nào?”.

Nghĩa quân bổ hai mặt trèo cổng sắt vào dinh công sứ. Bọn lính canh nổ súng bắn chết 3 người. Họ vẫn chiêng trống thu quân đi thẳng phố giữa gọi loa:

“Hai bên đường phố ở đâu yên đấy. Thiên triều mở nước!” Thiền sư Thích Thanh Thụ cùng nghĩa quân đánh trống thanh la theo thẳng đường phố đến dinh tuần phủ Vương Hữu Bình. Nghĩa quân xông vào công đường. Vừa đến thềm, lính canh bắn chết 2 người. Nghĩa quân kéo sang dinh án sát phóng hỏa, đốt hết nhà lá. Viên giám binh Lít Tây (Littaye) mang lính tập đến giải vây. Nghĩa quân rối loạn hàng ngũ. Thiền sư bị giặc bắn vào cánh tay, trốn vào nhà dân ở làng Kỳ Bá. Trời vừa sáng rõ, Thiền sư bị Chánh tổng Thi bắt giải nộp Tây.

Ngay sáng ấy, theo lệnh của công sứ David, Tri phủ Kiến Xương Phạm Văn Thụ đem 20 lính khố xanh về lục soát. Hồi ký của Phạm Văn Thụ ghi: “... Hỏi ra tối hôm qua chùa có làm lễ khánh tản tụ đông người rồi cứ mở cờ gióng trống kéo nhau đi. Khám nhà tổ được đầy một thúng hồng hoàng, hom tráp đã mở trước cả rồi, không còn sổ giấy gì. Chỉ có một bài thơ của thầy Tú Thượng Tầm họa ngâm cảnh chùa với nhà sư, có phải bắt. Nhưng ta bẩm quan sứ, xét không dị ý, được tha ngay.

Còn cứ theo giấy sao cung, xem trúng tên ai mới bắt giải nộp tỉnh tra kết. Về phần sổ giấy, Thông lại Lê Khắc Đôn có bắt được tên tiểu dấu một thúng kinh sách vào đống rạ, đem nộp trước mặt ta và quan hai, xét được một cái ấn công thương bằng gỗ, khắc chữ 莫朝欽印(Mạc triều khâm ấn), một cái tiểu kiềm, 50 đạo bằng lưu không, hoặc chức thống chế, hoặc chức đề đốc, lãnh binh. Niên hiệu đề 黃元丁酉元年八月十…日

(Hoàng nguyên Đinh Dậu nguyên niên, bát nguyệt, thập... nhật). Nghĩa là: Ngày... Tháng 8 năm đầu Đinh Dậu, niên hiệu Hoàng Nguyên. Với một bộ kinh Phật. Khi ta về tỉnh đã tối, trú tại nhà Thông Văn. Thấy thầy Tú Đản làng Hữu Bộc theo hầu. Thanh vắng mới thấy Thông Đôn lấy một sổ nguỵ tịch ở tráp thầy ta trình kín. Xét sổ kê những nhân danh độ hơn 50 tờ. Tú tài Tạ Khắc Đản đứng đầu, dưới cũng có tên thân sĩ, chữ nhỏ chua cạnh dòng rằng: 七月朔至此(Thất nguyệt, sóc chí thử) Nghĩa là mùng 1 tháng 7 đến đây. Ta hỏi kín thầy Thông Đôn: “Sổ này lấy được ở đâu? Lính tráng có ai biết không?”.

- Bẩm lấy ở thúng kinh thằng tiểu không ai biết cả. Vậy mới dám để kín trình riêng. Ta gọi thầy Tú Đản trỏ cho xem, rồi hỏi: “Sổ gì? Tên ai?” Thầy Tú Đản chỉ khóc thôi. Ta bảo: “Đây chỉ có giời với tôi, cùng thầy và Thông Đôn biết với nhau. Phải cẩn mật, hễ tiết lộ thì nguy cả đống đấy”.

Nói vậy, rồi ta vái giời đốt liền. Thầy Tú Đản cảm động, vừa lậy vừa khóc kêu:

“Lậy quan lớn thiên địa phụ mẫu chi lương”.

Ta bảo: “Im, đừng bàn kháo gì!”.

Đoạn hồi ký trên, trùng khớp với lời bác Vũ Giấc người Lãng Đông trong hội thảo: “...Ông phủ về khám xét thấy quyển sổ, trầm đi”.

Về lệnh bắt người, hồi ký ghi: “Quan sứ bảo: Vừa tiếp điện lệnh toàn quyền phải bắt hết kỳ mục vấn trảm, về tội không biết giữ để khởi ngụy, lại không báo trước. Cứ 7 xã có phạm danh, ít cũng mỗi xã 10 người kỳ mục, giao quan phủ phải bắt lập tức cho đủ. Nhưng xét hễ tân cựu lý, phó có chân hương chức mới là kỳ mục, không được bắt đến dân đinh.

... Ta lo quá không biết làm thế nào. Chỉ kêu quan sứ và quan tuần hãy kín cho, đừng để họ biết cái tin Toàn quyền điện bắt vấn trảm. Chiều ta mới dẫn lính tòa về phủ cho ăn cơm, rồi tiến hành phái lệ cầm thủ trát bắt chánh phó tổng Thuỵ Lũng, Thịnh Quang, Nam Huân, mỗi tổng 1000 tráng có giới trượng, thân dẫn đêm đến vây kín tổng Đồng Xâm”.

Theo lệnh sứ cứ tân cựu phó, lý, xã đoàn tuỳ mặt làng chọn đủ 70 người kê thành danh sách, thừa thiếu những người già cho ở lại”.

“Phái quan giám binh hội đồng tỉnh, đem ra pháp trường chém 10 tên. Còn 60 tên dẫn ra trước tòa sứ, hội đủ mặt quan Tây, Nam, trích những nhời nhẽ thiết yếu ở giấy điều trần của ta, diễn thuyết rồi cưa gông tha cho về cả”.

Theo các cụ già mấy thế hệ trước truyền lại, ngoài những nghĩa quân hi sinh tại trận tiền đêm 21 tháng 11 âm lịch và thiền sư Thích Thanh Thụ bị chúng xử chém ở Gò Mống chỗ sân vận động thành phố Thái Bình ngày nay, chúng còn đưa về xử chém bêu đầu ở con đường Lãng Đông - Hữu Bộc đến 20 người nữa. Bọn chúng buộc tóc từng người vào ngọn tre mà chém gây một ấn tượng rùng rợn để răn đen dân chúng. Riêng nhà sư, chúng bêu đầu ở chỗ cây cạnh chùa. Thủ cấp của ông, sau được nhân dân mai táng ở cạnh chùa. Còn những liệt sĩ khác được mai táng tập trung tại phía trước đình Hữu Bộc. Nhân dân trong vùng gọi nơi ấy là gồ Ông Già.

3. Nhận xét, đánh giá về vụ Mạc Thiên Binh ở chùa Lãng Đông với cách nhìn của chúng ta ngày nay.

Vụ Mạc Thiên Binh là một sự kiện của phong trào Kỳ Đồng - Mạc Đĩnh Phúc có chuẩn bị, nằm trong kế hoạch có tổ chức, chỉ huy của một ban tham mưu thực hiện trên một địa bàn tương đối rộng từ rừng núi Bắc Giang đến mấy tỉnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ.

Nhìn chung về tư tưởng, thủ lĩnh của phong trào là những người yêu nước, giàu tinh thần dân tộc muốn đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng bị khủng hoảng về đường lối chính trị. Phong trào Cần Vương của các sĩ phu phong kiến và các cuộc vũ trang chống Pháp ở Bắc Bộ đến cuối thế kỷ XIX dường như đã bị dập tắt. Nghĩa quân Đề Thám ở Yên Thế đang lâm vào thế bị Pháp bao vây, phong tỏa. Những nhà yêu nước muốn tìm lại những giá trị tinh thần trong các cuộc chống xâm lăng của tổ tiên ngày trước để cổ vũ vận động nhân dân, thông qua hình thức tôn giáo. Không phải không có lý do mà một số nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hóa cho rằng Đạo giáo từ Trung Quốc sang Việt Nam đã dần dần bị Việt Nam hóa, bị chi phối bởi tư tưởng yêu nước của nhân dân. Vì thế, những thủ lĩnh của phong trào yêu nước Việt Nam đã sử dụng một bộ phận tư tưởng Đạo giáo để tập hợp lực lượng làm khởi nghĩa chống đô hộ thực dân, cho dù đó là thực dân phong kiến hay thực dân tư bản. Quần chúng tin rằng vận nước sẽ đến ngày tươi sáng “Bĩ cực” tất “Thái lai”. Một hiện tượng lạ xuất hiện được coi như điềm trời báo trước. Năm thứ 3 niên hiệu Đồng Khánh (1888) dân gian đồn đại chuyện ma quỷ “Gà cắt cánh, lợn cạo ngôi”, rồi câu “Gà cắt cánh, thánh mới sinh, lợn cạo đầu, tầu mới sang”. Làng Ngọc Đình ở Duyên Hà xuất hiện một bé trai con ông Đồ Tỵ thông minh kỳ lạ, thế là dân gian đồn rằng thánh nhân xuất hiện, vì ứng vào câu:

Bao giờ Nhân Lý có đình

Trạm Chay có chợ Ngọc Đình có vua

Bao giờ Tiền Hải có chùa

Trạm chay có chợ thì vua ra đời.

Thế rồi Nhân Lý có đình thật. Trạm Chay mở chợ thật. Tiền Hải khởi xướng xây chùa, thế thì đúng có thánh nhân giáng thế, có vị vương giả ra đời. Cậu bé Cẩm làng Ngọc Đình được mời đi nhiều nơi trong tỉnh. Ở đâu người ta cũng thử tài cậu, tin cậu, tán tỉnh cậu, rồi họ tổ chức rước kiệu cậu vào thành Nam Định. Đến sự việc này thì bọn Pháp thống trị nhìn rõ một sự thật rất nguy hiểm đang đe dọa nền đô hộ của chúng ở Việt Nam. Chúng chỉ ngang nhiên giải tán đám rước, chứ không dám bắt Kỳ Đồng. Nhưng không quản thúc được cậu bé này thì đây chính là ngòi nổ đáng gờm cho chúng. Với thủ đoạn khôn khéo, lừa mị, thực dân Pháp cho Kỳ Đồng sang Angiêri, thuộc địa ở châu Phi của chúng để hòng đào tạo thành tay sai về sau.

Sau 10 năm có bằng tú tài Tây, người thanh niên 23 tuổi này trở về nước, người ta lại có cơ hội kỳ vọng “Vị thánh tái thế” này. Mặc dù bọn mật thám theo dõi Kỳ Đồng rất sát sao. Thế mà nhờ tài ngoại giao giỏi với bác sĩ Gillard xin mộ phu lên mở đồn điền ở Suối Cấy, Yên Thế, Bắc Giang với câu sấm ký lừng danh của Trạng Trình:

(Phá điền thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành)

Nghĩa là: Khai phá ruộng thì vua ra đời, không đánh cũng thành công.

Nhờ tài tổ chức của người thanh niên trí thức này, rõ ràng Kỳ Đồng - Mạc Đĩnh Phúc đã hình thành một thế trận mang tính chiến lược ở cả rừng núi và đồng bằng. Nếu bọn Pháp thực dân lúc bấy giờ non tay, lơi lỏng thêm một thời gian ngắn nữa, với số gần 3000 “cu li” có vũ khí súng đạn biết đâu họ chả phối hợp cùng nghĩa quân Đề Thám xây dựng một chiến khu chống Pháp có hiệu quả ở Yên Thế? Còn lực lượng của Mạc Đĩnh Phúc ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình sẽ là “Dân quân du kích” làm nòng cốt cho nhân dân nổi dậy sau đó?

Dân chúng vùng Đồng Xâm ngày ấy cũng kháo với nhau về câu sấm của Trạng Trình:

“Thầy Tăng mở nước Giời không bảo”

Nghĩa là: Có một nhà sư sẽ mở nước, sao trời không chỉ cho. Đến khi vụ Mạc Thiên Binh ở chùa Lãng Đông bị thất bại, một số người lại tán ra rằng: “Thầy Tăng mở nước” nói lái là “Thằng Tây mở nước”.

Tư tưởng tin vào điềm trời, tin vào sấm kí, ma thuật là rất phổ biến trong nhân dân thời đó. Chả thế mà ngay từ năm Tự Đức 14 (1861) có nạn châu chấu, người ta gọi là giặc châu chấu. Mỗi con to bằng ngón tay cái, đủ 5 sắc, cổ có 3 ngấn giống chữ 王(Vương). Chúng từ miền núi vùng thượng du bay về các tỉnh, bay ngang rợp trời, tiếng kêu ầm ầm như sấm. Chúng đậu xuống mái đình làm ngói rơi, đậu vào tre, tre gẫy, ăn hết lúa má không sót một cây. Dân chúng trước còn kinh sợ, đốt hương cầu đảo tống tiễn. Sau người ta phải trương cờ, đánh trống xua đuổi, chúng đều bay về hướng Nam, đâm đầu xuống biển chết. Năm sau Tự Đức 15 (1862), Lê Phụng nổi dậy, bốn phương náo động. Người ta cho đó là điềm loạn lạc.

Năm Tự Đức 36 (1883), Lê Nguyên Quang, tự xưng là con cháu nhà Lê tập hợp dân binh ở đồn Tức Tranh, huyện Tiền Hải. Được lệnh quan lại Nam Định, tuần phủ Trần Văn Khiêm đem đày tớ chân tay đến bắt. Quang lẻn sang huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Vì có kẻ tố giác, Quang bị tuyên phủ sứ là linh mục Trần Lục nã bắt, giải lên tỉnh Ninh Bình. Lúc ấy tên quan 5 người Pháp bảo quan rằng: “Nếu anh là con cháu nhà Lê, có phúc làm vua, hãy ngồi vào thềm đá ở chùa Non Nước, ta chầu 10 khẩu súng lại bắn mà không chết, ta sẽ điện về nước Pháp tôn anh lên làm Vua”. Đến lúc chúng bắn toàn thân Quang bị tan nát. Những hành động tàn ác ấy của thực dân Pháp thực hiện ở nước ta rất phổ biến.

Ở đây xin dẫn thêm một trường hợp nữa là Nguyễn Bá Ôn, chủ suý của phong trào Kỳ Đồng - Mạc Đĩnh Phúc, như đã nói ở trên. Ông quê xã Nguyệt Lâm cùng huyện hạt nhà. Vào tháng 3, tháng 4 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) bị mất mùa đói kém, bệnh dịch lan tràn khắp nơi, dân chúng hoảng sợ, đâu đâu cũng lập đàn cầu đảo. Nguyễn Bá Ôn tự xưng là thiên thần giáng sinh, có quyền ngồi trên các vị thành hoàng để trừ ma quỷ, dịch lệ. Dân chúng các nơi tranh nhau đem cờ trống đón rước. Đến Đình làng nào, ông cũng vào cung trong bí mật nói chuyện với Thành Hoàng rồi ban cho dân phù ấn. Tháng 9 năm Thành Thái thứ 9 (1897), ông đến chợ Động Trung, đàn ông đàn bà theo xin phù ấn rất đông. Đến tháng 10 năm ấy, Pháp bắt được Mạc Đĩnh Phúc ở Hải Dương, xét trong sổ có tên Nguyễn Bá Ôn. Ông liền bị công sứ David cho lính tróc nã bắt về chém đầu ở gò Mống, thị xã Thái Bình.

Những dẫn liệu trình bầy ở trên cho chúng ta thấy việc thiền sư Thích Thanh Thụ cho nghĩa quân đeo phù hiệu Thiên Binh, bôi hồng hoàng vào cổ, vào rốn, cầm gậy, đánh trống, vác cờ có 4 chữ “Bình Tây diệt Nguyễn” đi lấy tỉnh là hình thức tập hợp lực lượng, song lại thiếu những tri thức khoa học, không phù hợp với tình hình thực tiễn lúc đó.

Tuy vụ Mạc Thiên Binh ở chùa Lãng Đông cũng như phong trào Kỳ Đồng - Mạc Đĩnh Phúc bị thất bại. Nhưng nó đã gây được tiếng vang để kết thúc một giai đoạn đấu tranh vũ trang chống Pháp đô hộ nước ta, chuyển sang một phong trào mới, phong trào Duy Tân ở đầu thế kỷ XX./.

Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.143-158)