Giới thiệu một bài văn bia chợ Tam Bảo

S sân chùa đất bằng phẳng, có thể lập được khu chợ. Vì thế người xưa đã chọn, định ra mỗi tháng vào 6 ngày mồng bốn, mười bốn, hai bốn, mồng chín, mười chín, hai chín là ngày phiên chợ. Bốn phương tụ về, ngày sóc vọng thì cúng dàng, chùa Tam bảo đã thành chợ Tam bảo. Từ khi có tên gọi này

Giới thiệu một bài văn bia chợ Tam Bảo

Đỗ Thị Bích Tuyền

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong kho thác bản văn bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôi hiện còn lưu giữ được một số bản có tên gọi Tam bảo thị bi. Đây là thuật ngữ chỉ chung cho các loại văn bia nói về chợ Tam bảo hay còn gọi là chợ chùa. Khi nói tời cụm từ này, có người đã lầm tưởng nhầm là có một ngôi chùa tên là Tam Bảo ở địa danh cụ thể nào đó. Song đây thực chất chỉ là một khái niệm chung về loại chợ chùa mà thôi.

Qua điều tra chúng tôi thấy hiện nay còn khoảng hơn 50 thác bản văn bia nói về vấn đề này và chủ yếu là bia được sưu tầm từ Trường Viễn đông bác cổ trước năm 1954. Những bia này có rải rác ở khắp các nơi, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương đến Ninh Bình, Thanh Hoá... Có thể kể ra đây một số bia tiêu biểu:

- 三寶巿福光寺 Tam bảo thị Phúc Quang tự, đặt tại xã Dương Huy huyện Việt Yên, Bắc Giang, tạo năm Dương Đức 7 (1673).

- 華林三寶巿 Hoa Lâm Tam bảo thị, đặt tại xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, tạo năm Thịnh Đức 4 (1656).

- 古跡巿施三寶碑 Cổ tích thị thí Tam bảo bi, đặt tại xã Nghĩa Trang, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tạo năm Vĩnh Tộ 9 (1627).

- 修造三寶巿碑 Tu tạo Tam bảo thị bi, đặt tại thôn Tó, xã Uy Nỗ huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), tạo năm Khánh Đức 2 (1650).

- 門衙巿 Môn nha thị, đặt tại xã Hiển Khánh, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, Nam Định (nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam), tạo năm Vĩnh Thịnh 5 (1709).

- 三寶巿館之碑 Tam Bảo thị quán chi bi, đặt tại xã Dương Liễu huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng Hải Dương (nay thuộc huyện Yên Mĩ, Hưng Yên), tạo năm Cảnh Trị 9 (1671)

- 三寶土巿碑 Tam bảo thổ thị bi, đặt tại thôn Chiền xã Xuân Phương, tổng Kim Anh, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tạo năm Dương Hoà 9 (1643)

- 平望巿銘文 Bình Vọng thị minh văn, đặt tại chùa Báo Quốc xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây), tạo năm Cảnh Hưng 41 (1780)

- 雲耕巿功德碑記 Vân Canh thị công đức bi kí, đặt tại xã Vân Canh tổng Phương Canh huyện Từ Liêm tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), tạo năm Chính Hoà 8 (1687)

- 新造五行三寶巿碑 Tân tạo Ngũ hành Tam bảo thị bi, đặt tại thôn Nhân Lý xã Thiệu Công huyện Thiệu Yên, Thanh Hoá, tạo năm Hoằng Định 16 (1615) v.v...

Ngoài những văn bia kể trên, còn rất nhiều văn bia trong kho thác bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và rải rác ở các địa phương theo chủ đề mà chúng tôi chưa nêu ra ở đây. Một điều đáng chú ý là đa số những văn bia này đều có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, vào thời kỳ mà kinh tế hàng hoá ở Việt Nam bắt đầu phát triển.

Do khuôn khổ của một bài viết tại Hội nghị thông báo Hán Nôm học, nên chúng tôi chỉ giới thiệu nội dung tấm bia chợ. Tu tạo Tam bảo thị bi. Với tấm bia này chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Bia gồm 2 mặt, đặt tại chùa Tó, thôn Tó xã Uy Nỗ Thượng, huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn (nay là huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội). Cho đến nay chợ Tó vẫn hoạt động và phát triển với qui mô lớn. Chợ nằm tại thị trấn Đông Anh, gần quốc lộ số 3, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá từ Hà Nội - Đông Anh đến Thái Nguyên và một số vùng lân cận.

Dưới đây xin giới thiệu toàn văn:

Dịch nghĩa:

BIA GHI VIỆC TU TẠO CHỢ TAM BẢO

Tam bảo tức là ba mối nhân duyên. Tam là 6 con đường, 4 kiếp. Nay người nhận được phúc thì có thể nói nhờ có Tam bảo đưa cho. Phật Tam bảo cũng có pháp của Phật. Pháp tức là gieo mầm cho dân, đó là Phật pháp vậy. Pháp hành ra là khiến cho dân mông ân, từ đó tất có đại quyền lực, đại hảo hán mới có thể gánh vác được công việc.

Nay ở thôn Tó xã Uy Nỗ Thượng huyện Đông Ngàn có chùa Khánh Sơn hiệu là Tự Trung bảo toà thờ Thục chúa của Nam thiên, là thánh nhân của miền Tây phương cực lạc, được dân thôn thờ phụng, anh linh hiển ứng, thường ban phúc cho dân, ban thọ cho nước. Nhân dân trong thiên hạ đều gọi là ngôi chùa cổ tích danh lam. Hơn nữa, sân chùa đất bằng phẳng, có thể lập được khu chợ. Vì thế người xưa đã chọn, định ra mỗi tháng vào 6 ngày mồng bốn, mười bốn, hai bốn, mồng chín, mười chín, hai chín là ngày phiên chợ. Bốn phương tụ về, ngày sóc vọng thì cúng dàng, chùa Tam bảo đã thành chợ Tam bảo. Từ khi có tên gọi này, chợ đã có khu đất chợ đó rồi. Nhưng vì trải qua mưa nắng lâu ngày biết bao phong vũ hối minh, vật đổi sao dời, nền cũ dường như hư hoại toàn bộ, nhưng đất lành lưu truyền có thể theo được thì cứ theo thế. Vả lại, nay đương ngày quốc gia thái bình đạo vua hưng thịnh, vương đồ củng cố, dưới thì văn vũ quần thần hết lòng giúp đỡ, cùng vui làm điều thiện. Nay có ông quan chưởng cơ ban Võ là Đô đốc Dĩnh quận công Ngô Hữu Dụng ở xã An Thường thuộc bản huyện và ông Bồi tụng ngự sử đài kiêm Đô ngự sử tước Lai Xuyên tử Đồng Chính phái ban Văn ở xã Thiết Úng cùng mở lòng phúc, phát tâm công đức. Năm Khánh Đức thứ 2 (1650) thấy ở thôn Tó có ngôi chùa danh lam, thực là nơi sen xanh cổ tích. Vì thế bản xã sãi vãi cùng các thiện nam tín nữ phát tâm Bồ đề, chở thuyền từ bi, suy nghĩ đầy đủ ơn sâu, thấy rằng: chùa chiền đống vũ hư hoại, khu chợ cũng bị tan hoang, còn ngôi chùa thì lạnh ngắt chẳng còn ai. Những khách qua lại thường lấy đây làm chốn dừng chân, ngoảnh lại nhìn dấu tích cũ, tự đứng ra tu tạo chỉnh lý, trùng tu lại khu chợ, sáng tạo xây đắp lại khu già lam kim tướng các toà. Đất Tam bảo ở tại xứ Tân Khai, nguyên trước kia ở xứ Phúc Thành cúng làm vật Tam bảo. Mọi người lại cúng ruộng tư để khôi phục lại khu họp chợ cũ y như cũ, mỗi tháng 6 phiên để lấy tiền hương hoả cho Tam bảo. Từ đó, công đức vượt xa công đức xưa; quy mô hơn hẳn quy mô trước. Các quan viên văn võ ở bản huyện cùng tiến cúng để làm chợ Tam bảo. Lại có ông Thừa ty Tham chính Thọ Lộc hầu Hoàng Văn Thông, Tham thành Văn Hợp bá Nguyễn Thiếp ở bản xứ đứng ra lập chợ ở chùa thôn Tó làm chợ Tam bảo. Hàng năm dốc lòng thành tâm cúng lễ và phê chuẩn cho các sãi vãi vào các ngày sóc vọng phải cúng dàng Tam bảo thắp hương, cầu cho: Trên thì chúc cho bản quốc thánh đế minh vương hiền chúa vạn thọ vô cương; dưới thì chúc cho toàn huyện văn võ trọng thần ức niên vĩnh cửu, cho đến toàn bộ dân thôn như lão ông lão bà, sãi vãi, thiện nam tín nữ cùng được Phật quả thiện căn, thọ vực xuân đài, cũng nên duyên thù thắng, cùng hưởng vĩnh lạc thái bình, vạn linh bảo hộ Tam bảo trung minh.

Bèn khắc vào đá để người đời sau biết được mà lưu truyền mãi mãi.

Ngày 20 tháng 4 năm Khánh Đức 2 (1650)

Văn ban Bồi tụng Ngự sử đài kiêm Đô ngự sử kiêm Tri thể Kinh Bắc xứ Lai Xuyên tử đồng soạn.

...

Trên đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều các bia chợ Tam bảo hiện còn đang lưu giữ tại Viện Hán Nôm cũng như rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh. Hy vọng trong những bài viết sau, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu về tình hình phân bố cũng như những giá trị của bia chợ nói chung và bia chợ Tam bảo nói riêng.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.675-679