Bí mật trong "Các vị La Hán chùa Tây Phương"

Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây là một công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và là một trung tâm Phật giáo trong vùng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều tượng cổ quý giá, trong đó có nhóm 18 pho tượng gỗ La Hán đặt ở hành lang chùa. Ngoài giá trị tâm linh, những pho tượng này là những tác phẩm độc đáo vào bậc nhất của điêu khắc cổ điển Việt Nam.

Bí mật trong "Các vị La Hán chùa Tây Phương" (1)

Trần Thanh

Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây là một công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và là một trung tâm Phật giáo trong vùng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều tượng cổ quý giá, trong đó có nhóm 18 pho tượng gỗ La Hán đặt ở hành lang chùa. Ngoài giá trị tâm linh, những pho tượng này là những tác phẩm độc đáo vào bậc nhất của điêu khắc cổ điển Việt Nam. Bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương được rút từ tập thơ: Bài thơ cuộc đời (1963).

PV: Thưa nhà thơ, thơ cách mạng, nhất là thơ ca viết vào những năm đầu thập kỷ sáu mươi, chủ yếu thể hiện tinh thần phơi phới của một đất nước vừa viết nên trang sử hào hùng Điện Biên, đang hăng hái lao vào sản xuất xây dựng đất nước và chi viện cho miền nam yêu thương còn đầy bóng giặc. Khi đó, nhân vật yêu thích của thơ ca là anh chiến sĩ giải phóng hay công nhân, xã viên hợp tác say mê nao động. Trong bối cảnh đó, chất liệu để làm nên Các vị La Hán chùa Tây Phương lại khác hẳn. Nhà thơ còn nhớ bài thơ được hình thành như thế nào?

Nhà thơ Huy Cận: Bài thơ này cả ý tưởng lẫn đề tài không hề ngẫu hứng như bài thơ khác. Tôi đã “nặmg lòng” với bài thơ này 20 năm, từ năm 1940 khi ý tưởng về nó bắt đầu manh nha cho đến khi được viết ra năm 1960. Suốt 20 năm tôi trằn trọc và nung nấu nó. Năm 1940, tập Lửa Thiêng xuất bản được ít lâu, một nhóm bạn rủ tôi đi thăm chùa Tây Phương, nhóm gồm có Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Nguyễn Đỗ Cung. Khi đó tôi là một thanh niên nhưng lại rất thích đi thăm chùa chiền, nhà thờ…

Nhà thơ Huy Cận

Dường như bấy giờ tôi nhận thức được rằng đó là những nét văn hóa lớn của dân tộc mà không kẻ giặc nào có thể cướp đi. Việc đi thăm chùa chiền có ý nghĩa như cuộc hành hương về cội nguồn. Trước khi đến chùa Tây Phương tôi đã đi thăm một số chùa khác, nhưng khi đến đây tôi cảm động bởi kiến trúc độc đáo của chùa và đặc biệt là 18 pho tượng La Hán bằng gỗ. Mỗi pho tượng là một phong cách điêu khắc lạ lùng và khi nhóm lại với nhau tạo ra một khung cảnh thật ấn tượng.

Nhưng ấn tượng ban đầu ấy dường như không đủ với nhà thơ, dù rằng ấn tượng đó hầu như bao giờ cũng làm cho thi sĩ xuất ngôn. Điều gì đã khiến cho nhà thơ phải mang ấn tượng về các tượng La Hán suốt 20 năm trời?

Nhà thơ Huy Cận: Đi thăm chùa về tôi lập tức ghi ý tưởng vào sổ tay (Các vị La Hán chùa Tây Phương – Nỗi đau khổ của cha ông). Nhưng nếu chỉ dừng lại ở ý tưởng đó thôi thì tôi thấy không yên ổn lắm và bài thơ không thành là vì thế. Nỗi đau khổ ấy sẽ tìm thấy lối thoát ở đâu? Đấy là câu hỏi của tôi trong suốt 20 năm sau đó. Năm 1960, tôi đi học trường chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm ấy có một số bạn bè Trung Quốc sang thăm. Tôi và một số người khác mời họ đi thăm chùa Tây Phương. Đấy là lần thứ hai tôi đến chùa. Ấn tượng vẫn còn mới nguyên như hai mươi năm trước. Tôi viết một mạch bài thơ trong đêm 27-12-1960. Nếu chỉ viết về nỗi đau đời, quằn quại của cha ông thì không đủ. Bởi lẽ cái đau ấy là cái đau tuyệt vọng không lối thoát, dù có đau đớn bao nhiêu cuộc sống vẫn không thể tươi sáng lên được.

Nếu bài thơ dừng ở đấy thì thơ cũng sẽ thành tối tăm, tuyệt vọng. Nhiệm vụ của bài thơ là chỉ nỗi ra được nỗi đau tuyệt vọng ấy, đồng thời phải tìm ra được lối đi, phương pháp giải quyết cho nó. Cho nên khi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng cuộc đời mới ở miền Bắc, tôi mới làm nốt được phần sau bài thơ. Xã hội bấy giờ đã giúp tôi, chỉ rõ cho tôi rằng chỉ có cách mạng giải phóng dân tộc mới là lối thoát cho những đau khổ của cha ông và của chính tôi nữa. Tôi nhập vào tâm sự của cha ông và tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm đau khổ. Cách mạng đến không chỉ giải thoát cho tôi, cho những người đang sống mà còn giải thoát cho các giá trị tinh thần của cha ông đang bị giày xéo.

PV: Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương

Há chẳng phải đây là xứ Phật

Mà sao ai lấy mặt đau thương?

La Hán tên đầy đủ gọi là A La Hán, phiên âm tiếng hán từ một gốc Sangkrit – Ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, thứ ngôn ngữ viết nên bản kinh Phật mà tinh thần của nó hầu như chiếm trọn các nước Á Đông. Các La Hán là những người chăm lo tu tập, khổ luyện tinh thần, nhằm cắt đứt mọi ham muốn nơi cõi đời để đạt đến tinh thần tự do – tức là Niết Bàn như Phật dạy. Sự cố gắng hành xác, sống khắc khổ của các vị được tạc thành tượng để làm gương cho người đời sau. Cái cố gắng của con người vượt lên chính bản thân mình thật đáng khâm phục. Nhưng ngay khổ thơ đầu, bài thơ đã dự báo một vẻ đau đớn, thất bại của họ. Tại sao nhà thơ lại bắt đầu bằng khổ thơ này?


Chùa Tây Phương

Nhà thơ Huy Cận: Vì viết về chùa chiền, là nơi linh thiêng, mờ ảo, nên tôi chọn cách vào đề thật giản dị: “Các vị La Hán chùa Tây Phương / Tôi đến thăm về lòng vấn vương”, để cho bớt cái vẻ huyền ảo đi. Nhưng những câu thơ này tả thực tâm trạng của tôi mà không cần sự trợ giúp của các thủ thuật khác. Xứ Phật, nơi trong ý nghĩa của kinh sách, cũng như trong tín ngưỡng của người dân chúng ta là một nơi yên bình, hạnh phúc vĩnh viễn, không có đau khổ, không có chết chóc, tất cả sống trong Cực Lạc. Nhưng khi nhìn những mặt tượng đau đớn khổ sở đó rõ ràng bất kỳ người nào cũng phải thốt lên:

Há chẳng phải đây là xứ Phật

Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Xứ Phật xa vời, mơ hồ nào đó không ai biết nhưng đau khổ thì được thể hiện rõ ràng, minh bạch đường nét, hình khối hẳn hoi. Phải chăng có điều gì ẩn giấu dưới tất cả vẻ mặt ấy? Cái khiến cho các vị được hưởng phúc lại phải mở ra tất cả những đau đớn tinh thần thế này? La Hán không giống như Bồ Tát cứu nhân độ thế, La Hán chỉ tự cứu lấy mình mà dường như vẫn không tự cứu được. Vì đâu có tất cả những nỗi đau khổ triền miên đó? Câu chuyện của cuộc sống, nỗi đau khổ của cuộc sống bắt nguồn từ đây.

PV: Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay

Khổ thơ này miêu tả rõ hơn ấn tượng “vấn vương của thi sĩ”. Cái nỗi đau khổ hành hạ da thịt “xương trần chân với tay” khiến người đọc liên tưởng đến tất cả những kiếp sống đọa đày. Trong một câu thơ nếu có hai từ độc lập đứng liền nhau và láy âm với nhau thì nghĩa của chúng cũng bồi đắp cho nhau. Ở câu thơ đầu khổ ta nhận được điều đó giữa “xương trần chân với tay”, khiến câu thơ như có vẻ lột tả hết được nỗi đau khổ da thịt. Nhưng trong khổ thơ ý nghĩa của từ “tự bấy” là không rõ ràng?

Nhà thơ Huy Cận: “Tự bấy” không nên hiểu thô thiển theo ý nghĩa thời gian kể từ khi bức tượng được tạc nên. Trong tiếng Việt, chữ “tự bấy” có một ý nghĩa rất hay, nó diễn tả ý nghĩa thuộc về các giá trị nền tảng. “Tự bấy ngồi y cho đến nay”. Nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh luôn luôn được thể hiện qua các thời đại. Nó như một ngọn lửa vô hình thiêu đốt con người. Nỗi đau khổ gì? Tất nhiên các khổ thơ tiếp theo sẽ giải thích cho độc giả.

Những ấn tượng đầu tiên về những nỗi đau khổ của con người chính là ấn tượng về nỗi đau thân xác. Đã “thân gầy” còn thêm những con mắt hốc hác với dáng vẻ “trầm ngâm”. Ở đây chữ “trầm ngâm” tưởng như không thích hợp, vì nếu người ta đau đớn về thân xác người ta thường la hét lên cho giảm bớt đi. Nhưng không, cái nỗi đau ấy con người chịu đựng đã lâu quá rồi, chịu đựng qua nhiều thời gian, từ muôn kiếp trước cho đến khi tác giả bắt gặp. Cùng với thời gian nỗi đau khổ đã đào sâu và lặn chìm ấp ủ trong lòng mỗi người.

PV: Có vị mắt giương mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi

Ở khổ thơ tiếp theo này, tác giả mô tả nỗi đau tinh thần. Dường như nỗi đau tinh thần này còn mạnh mẽ, nhức nhối hơn nỗi đau thể xác.

“Luân hồi” xét theo ý nghĩa chung là con người sống hết cuộc sống này sẽ lại đầu thai vào cuộc sống khác, nhưng ở trong câu thơ chữ “luân hồi” được hiểu như sự dằn vặt, sự trở lại, lớp lớp không ngừng của đau khổ.


Hai vị La Hán trong chùa Tây Phương


Nhà thơ Huy Cận: Ở đây các hình ảnh đều nhắc nhở đến nỗi đau khổ của tinh thần. Nỗi đau biểu hiện ở “mắt giương”, “mày nhíu xệch”, “môi cong chua chát”. Bởi vì khuôn mặt là nơi biểu hiện đầy đủ nhất của tâm hồn con người. Không chỉ riêng “trán như nổi sóng” đau khổ mà toàn bộ khuôn mặt là một biển đau khổ không nguôi. Đau khổ tuôn trong mạch máu và giày vò cơ thể, tất cả là một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Nhưng ngoài nỗi đau thể xác và tinh thần ra, còn một nỗi đau khổ mang hơi hướng của tinh thần Phật giáo. Ở khổ thơ thứ tư:

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Đạo Phật quan niệm, ngay khi sự sống bắt đầu trong tiếng khóc chào đời, con người đã biết hết mọi nỗi đau thương của kiếp sống. Ở đây, trong ba khổ thơ tả thực những pho tượng La Hán cũng làm ý tả thực lại các nỗi đau khổ của con người và cũng là nỗi đau khổ chung của xã hội bấy giờ. Với từng cá nhân con người, đau thương “thiêu đốt tấm thân gầy” họ luôn mang theo “tâm hồn héo”, phải sống trong cuộc sống “nghe đủ chuyện buồn”. Hai khổ thơ trên miêu tả nỗi đau riêng của từng con người cá nhân, nhưng chỉ cần một câu “cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn” ta lập tức hiểu ra đau thương đã trùm lên toàn bộ xã hội.

PV: Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen

Chùa chiền luôn gắn liền với vẻ tịch mịch, yên tĩnh. Chỉ cần một chiếc lá rụng cũng làm vang động không gian. Giữa cái không gian yên tĩnh đó hình ảnh thơ “nổ trăm miền” là một sự đối lập. Sự đối lập này làm cho cả hai trạng thái cùng hiện lên rõ nét: Một bên là sự “lặng yên” hình thức và một bên là giông bão của nỗi đau thương thực chất.

Nhà thơ Huy Cận: Điều đó được tượng trưng bằng hai câu thơ tiếp theo:

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen

“Bóng tối” trong văn học luôn có nghĩa là đau đớn, tối tăm, vật vã, là những gì đối lập với ánh sáng vui tươi, hạnh phúc. Ngay nơi tịch liêu, anh tĩnh như chùa chiền, nơi cuối cùng để con người bấy giờ hướng tới tìm hạnh phúc thì “giông bão” đau khổ cũng đã nổ ra. Con người tuyệt vọng, mất phương hướng và nhìn thấy “vực thẳm” của đời sống. Nỗi đau khổ của từng cá nhân, từng kiếp sống đã hòa chung vào nỗi đau khổ của “nhân loại”. Cái “đời nhân loại” này được khái quát và cụ thể hơn ở khổ thơ tiếp theo:

Cuộc họp lạ lùng trong vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi

Nếu mỗi pho tượng là một vẻ mặt con người với bao đớn đau của phận người thì cuộc họp mặt của các La Hán chính là cuộc họp “trong vật vã” của muôn số phận, muôn thương đau. Mới hay đau thương đã thành bản chất, đã chìm ngập cả xã hội. Điều đó thật khủng khiếp. Bởi vậy nhu cầu giải phóng xã hội là một nhu cầu lớn lao và đã chất chứa từ nhiều thế hệ trước. Và cuộc cách mạng của chúng ta thực sự có ý nghĩa nhân văn khi giải phóng được gánh nặng tinh thần của con người.

(Còn nữa)

Trần Thanh (thực hiện)

Bí mật trong "Các vị La Hán chùa Tây Phương" (2)

... "Không thể có cách nào để giải thoát nỗi buồn, nghệ sĩ đành gửi gắm nó trên những đường nét chạm khắc. Như vậy cả nghệ thuật cũng cần phải được giải phóng mới có thể vươn tới những giá trị mới mẻ, mới thực sự có ích cho cuộc đời..."

PV: Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau

Trong cuộc họp mặt lạ lùng của những nỗi đau thương hiện thân trong các pho tượng, phải chăng mỗi một trầm luân ấy cũng đã từng bối rối, dằn vặt để tìm cho mình một con đường? Câu thơ khắc tạc những nét thật ấn tượng: “Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau”. Khao khát ghê gớm, nhưng trớ trêu thay mọi sự tìm đường đều lâm vào bế tắc, tuyệt vọng. “Câu hỏi lớn” đã không có lời đáp.

 

Nhà thơ Huy Cận: Câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời là một câu hỏi lớn mà chưa từng có ai trả lời rõ ràng được. “Một câu hỏi lớn không lời đáp”. Chế Lan Viên đặc biệt thích câu thơ này và nhà thơ nhiều lần nhắc đến nó. “Cúi”, “nghiêng”, “ngoảnh sau”, là là những động từ dựng lên nỗi khắc khoải khi quay tám hướng mười phương để tìm ra lời đáp số mệnh của mình. Quả con người đang bị một thúc bách ghê gớm. Nhưng câu hỏi đó, cái ý nghĩa mà con người trăn trở từ ngàn đời thật là một điều khó khăn mà dường như phải mất rất nhiều thời gian người ta cũng chỉ hiểu lờ mờ chút ít.

“Một câu hỏi lớn. Không lời đáp”. Chúng ta phải chú ý đến hình thức câu thơ này. Dấu chấm câu đặt giữa dòng thơ là một điều đặc biệt. “Một câu hỏi lớn”. - dấu chấm dừng câu ở đây tạo cho người đọc cảm giác có đoạn dừng suy ngẫm để nhận ra ngay câu trả lời cho nó là “Không lời đáp”. Tuy nhiên sự không bình thường ở dòng thơ này phải tương ứng với dòng thơ trên. Ở dòng thơ trên tác giả dùng 3 thanh trắc liên tiếp ở giữa câu: “Quay theo tám hướng hỏi trời sâu”. Nếu không nhằm một mục đích nào đó thì việc dùng 3 âm trắc này rất có vẻ “nghịch tai”. Vậy mục đích của tác giả ở đây là gì? Là nhằm nêu bật được nỗi băn khoăn khắc khoải, sự cố gắng đến tuyệt vọng của con người trong khát vọng đi tìm ý nghĩa của cuộc đời.

PV: Chính câu hỏi “không lời đáp” ấy khiến cho bao nhiêu kiếp người dằn vặt “cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.

Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Các vị đau theo lòng chúng nhân

Ở đây có một câu hỏi của tác giả cho chính tinh thần của Phật giáo. Có phải tu hành là con đường duy nhất để thoát khỏi nỗi đau khổ của đời sống không? Phải chăng không còn con đường nào khác? Tại sao khi đã tìm con đường tự cứu chuộc mình rồi các La Hán vẫn còn đau theo nỗi đau nhân thế?

Nhà thơ Huy Cận: Ngay đầu khổ thơ, hai chữ “có thực” đã tỏ rõ thái độ nghi ngờ đối với con đường tu hành rồi. Theo tinh thần Phật giáo, hình hài buồn thảm, nét mặt mang những nét bi thương kia chỉ ở trong quá trình tự tranh đấu để trút bỏ mọi dục vọng để vươn tới sự thanh thản, yên tĩnh vĩnh hằng. Trạng thái đau khổ là trạng thái cuối cùng mà người tu tập phải trải qua. Và trần gian chỉ là nơi tôi luyện, thanh lọc, là nơi người ta sống tạm trước khi tới được Niết Bàn.

Đối lập Niết Bàn, cuộc đời tục lụy chỉ là bể khổ và người ta sống trong đó, bị đọa đày như một định mệnh. Tôi không chia sẻ quan điểm này, vì với con người họ chỉ được sống một lần nên đời sống phải là tất cả, và ở đó người ta có đầy đủ khả năng để tìm thấy hạnh phúc. Nhưng bởi vì khi từng cá nhân còn tách biệt với xã hội, với cộng đồng, các cá nhân không tìm đến với nhau để hướng đến con đường giải phóng chung thì mỗi người tất phải chịu một bi kịch. Điều này có lẽ là quan trọng nhất cho “câu hỏi lớn” ở trên.

“Bấy nhiêu quằn quại run lần chót” không phải là một câu hỏi mà là lời than thở. Những đời sống riêng rẽ sẽ mãi còn chìm ngập trong mênh mông bể khổ, sẽ lặp đi lặp lại theo “sóng biển luân hồi”. Chỉ đến chừng nào xã hội được giải phóng thì tự những cá nhân sẽ tìm thấy hạnh phúc, sẽ sống cõi Niết Bàn ngay trong nhân quần thân ái của mình.

PV: Nào đây bác thợ cả xưa đâu

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau

Tới khổ thơ này, mạch ngầm của bài thơ đã thay đổi hẳn, thi sĩ không còn có vẻ “bàng quan” mô tả nỗi đau khổ của từng kiếp sống nữa, những bức tượng thực làm chất liệu cho bài thơ bị mờ đi. Tâm sự của thi sĩ bắt đầu bùng nổ. Thi sĩ tự vấn hỏi mình, tự vấn hỏi ý nghĩa và giá trị của nghệ thuật: Phải chăng nghệ thuật chỉ miêu tả cuộc sống một cách thờ ơ? Phải chăng nghệ thuật chỉ nhằm minh họa cho một số tư tưởng nào đó, chỉ là những “chuyện Phật kể cho nhau”?

Nhà thơ Huy Cận: Đúng! Nghệ thuật không phải miêu tả cuộc sống như vậy. Để trả lời cho những câu hỏi đó và cũng là để hiểu tâm sự của chính tác giả, bạn đọc cần nhận thấy một sự dứt khoát trong ý tưởng ở khổ thơ này. Trong câu thứ tư ở các âm trắc “chuyện Phật kể” nhấn mạnh một lần nữa với dấu hỏi ở cuối câu. Người nghệ sĩ khi tạc những “hình khổ hạnh” ấy hẳn phải thấu hiểu cái đau chung của mọi người. Bởi nếu chỉ biết đau nỗi đau riêng mình thì không thể tạc được nhiều trạng thái đau khổ như thế.

“Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?”, người đã nhìn thấy “bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời” đang quằn quại và đau đớn trong cơn “gió bão” của đời sống, của kiếp người. Từ hình hài của những bức tượng, hình ảnh cha ông, hình ảnh những thế hệ trước hiện dần lên trong tâm hồn thi sĩ bằng xương máu. Nghệ thuật có khả năng khơi gợi cảm thông, làm cho người ta thấu hiểu nhau là vì thế.

PV: Như vậy, người “thợ cả” xưa đã cảm nhận được nỗi đau khổ của cộng đồng, đã chia sẻ được nỗi đắng cay của người khác. Nhưng cảm nhận, chia sẻ được, tạo nên được các tác phẩm nghệ thuật để lưu danh nỗi niềm ông cha với hậu thế, nhưng cho dù:

Nung nấu tâm can, vò võ trán thì

Đau đời có cứu được đời đâu

Trong câu này, một lần nữa thủ pháp nhấn mạnh vào ba âm trắc giữa câu lại được sử dụng: “Có cứu được” như một lời cảnh tỉnh đối với nghệ thuật. Chúng ta có thể liên hệ tới hoàn cảnh xã hội cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Ví dụ một thiên tài như Nguyễn Du cũng không thể chỉ ra con đường để giải thoát cho nỗi đau khổ của nhân quần lúc bấy giờ…

 

Nhà thơ Huy Cận: Đó chính là điều mà tôi dằn vặt suốt 20 năm trời, thời gian ấp ủ bài thơ này. Để chỉ ra ý nghĩa cuộc sống hiện tại cũng cần phải có nỗi đau nhân thế. Nhưng chỉ chỉ ra thôi thì chưa đủ, mà còn phải tìm được lối đi cho những nỗi đau khổ ấy. Hàng thế kỷ con người bị những gánh nặng tinh thần và cuộc sống là sự “dậm chân một chỗ”. Không một chút hạnh phúc nào soi rọi tới. Bao nhiêu kiếp sống lầm than “sờ soạng” “tìm lối ra” mà vẫn bị chìm đắm, vây bủa trong màu đen của cuộc đời:

Có phải thế mà trên tượng Phật

Nửa như ám khói, nửa sương tà

Không nên hiểu rằng ở đây sương khói phủ mờ tượng Phật mà chính là phủ mờ tâm hồn nghệ sĩ – người tạc tượng. Không thể có cách nào để giải thoát nỗi buồn, nghệ sĩ đành gửi gắm nó trên những đường nét chạm khắc. Như vậy cả nghệ thuật cũng cần phải được giải phóng mới có thể vươn tới những giá trị mới mẻ, mới thực sự có ích cho cuộc đời.

PV: Tức là 20 năm trăn trở vì hình ảnh của Các vị La Hán chùa Tây Phương cũng chính là 20 năm chiêm nghiệm về con đường giải phóng của nghệ thuật. Nếu như trong nhiều thế kỷ trước, nghệ thuật bị “nửa như khói ám, nửa sương tà” thì nay sương khói mờ mịt ấy đã được xua đi - “xua bóng hoàng hôn, tản khói sương”, nghệ thuật đã tìm ra con đường tươi sáng. Hai ý thơ đối nhau này nhằm để làm nổi bật, để khẳng định giá trị của đời sống mới, của ánh sáng mới cho nghệ thuật…

Nhà thơ Huy Cận: Khi tôi viết bài thơ này, cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của dân tộc ta vừa kết thúc , Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng và phục hưng đất nước. Một khí thế háo hức và một tương lai rạng rỡ mở ra trước mắt mỗi người. Cái ấn tượng đau đớn, khốn khổ, sờ soạng, quằn quại, vò võ của những bức tượng là cái ấn tượng đầu tiên khi tôi lên thăm chùa Tây Phương. Nó là ấn tượng đầu tiên và đồng thời cũng là của câu hỏi đằng đẵng theo tôi 20 năm trời.

Sau 20 năm tôi trở lại thì “Hôm nay xã hội đã lên đường”, một cuộc sống tươi trẻ đã bắt đầu, tương lai được rộng mở, câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời được giải đáp và tôi có cảm giác như “mặt tượng dường tươi lại”. Tâm sự của nhà thơ lúc ấy “đồng thanh tương ứng” với nhịp sống hân hoan của cuộc đời. Những bước đi vấp ngã, những bi kịch, bế tắc trên con đường đi tìm sự giải phóng và nỗi đau đời của cha ông trong quá khứ đền đáp. Nên tôi viết:

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hóa gần

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân

Hai câu kết là một sự liên tưởng thật độc đáo và giàu hình tượng nghệ thuật. Nó được báo hiệu trước từ khi tác giả cảm nhận thấy “mặt tượng dường tươi lại”, “những bước mất đi”, những hạnh phúc đơn sơ mà con người xưa kia chưa được hưởng, những niềm vui của kiếp sống mà cha ông chưa nhận thấy được sống lại và “về đây, tươi vạn dặm đường xuân”.

PV: Cuối cùng, nhà thơ có một lời nào cho các độc giả?

Nhà thơ Huy Cận: Tôi chỉ có ý nghĩ thế này: Chúng ta nên nghĩ đến các thế hệ trước, nghĩ đến những nỗi đau khổ của cha ông và bằng cách ấy ta càng mến yêu hơn cuộc sống của chúng ta hiện nay.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ!

Trần Thanh (thực hiện)