Khi người trẻ đi lễ chùa

Đi chùa là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Thế nhưng thật đáng buồn, không ít những người trẻ đang tự khoác lên mình thứ "mốt" đi chùa, nhưng lại không chuẩn bị cho mình một tâm thế khi bước chân vào cõi thiền. Nơi ấy, chốn cửa Phật, không phải là nơi cầu lợi, cầu danh, mà là nơi để cho tâm hồn được thanh thản với những giây phút tĩnh lặng, trước những tất bật ngược xuôi của dòng đời.

Khi người trẻ đi lễ chùa


Phi Tiêu – Sơn Khê


Đi chùa đang được coi là một thứ "mốt” của giới trẻ - cái độ tuổi “nổi loạn” luôn muốn làm mới mình bằng những điều khác lạ. Hình ảnh tinh khôi của những chiếc áo trắng đồng phục xì xụp cúng bái trong các lễ hội, mùng một, ngày rằm đã trở nên quen thuộc. Tại sân chùa Hà (Cầu Giấy- Hà Nội), chúng tôi đã gặp bốn trong số rất nhiều bạn trẻ bạn trẻ đi lễ chùa trong những sự chen đẩy xô bồ và khói hương mù mịt của một ngày rằm tháng ba âm lịch…
Nội quy nhà chùa
PV: Bạn có thường xuyên đi chùa không?

Nguyễn An Ba (NAB) - SV ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia HN: Thỉnh thoảng vào ngày rằm hoặc mùng một em có đi chùa. Ngoài chùa Hà (Quận Cầu Giấy- Hà Nội), em hay đi chùa Láng (gần trường ĐH Ngoại thương) để cầu may mắn

Vũ Thu Hiền (VTH) - SV Khoa Du lịch - ĐH Dân lập Đông Đô: Tôi rất ít đi chùa, chỉ có ngày đầu năm tôi cùng gia đình đi chùa gần nhà và thỉnh thoảng cùng bạn bè đi thăm một số ngôi chùa nổi tiếng và thường đi vào ngày bình thường, hiếm khi đi vào dịp lễ.

Bạch Thị Hồng Phúc (BTHP) - Học sinh lớp 12- PTTH Nguyễn Tất Thành: Trong gia đình em, việc thờ cúng tổ tiên là một truyền thống rất thiêng liêng và việc đi chùa cũng xuất phát từ thói quen này. Bố mẹ em sống gần Đền Hùng - Phú Thọ nên cũng thường xuyên đi lễ và em được thừa hưởng thói quen này từ bố mẹ. Đến lớp, cô giáo em cũng khuyên học sinh nên đi chùa thì sẽ có tâm lý tự tin hơn để hoàn thành kỳ thi tốt hơn

Vũ Quang Lưu (VQL) - Sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân : Em đi chùa vào tất cả các ngày lễ như ngày rằm và mùng 1.

PV: Việc đi chùa do bạn tự biết mà đi hay do người lớn trong gia đình tác động?

NAB: Mẹ em hay đi chùa lễ Phật nên em cũng thấy đó là một việc rất ý nghĩa. Em đi chùa là chịu ảnh hưởng từ mẹ mình.

VTH: Mọi người thường hay nói đùa rằng tôi đi “vãn cảnh chùa” chứ không phải đi lễ chùa. Tôi thường đến chùa vào những ngày chùa ít đông đúc nhất cho thoải mái đầu óc.

PV: Khi đến chùa thì các bạn thường cầu mong những điều gì?

NAB: Thường thì bọn em cầu sức khỏe, thi cử thuận lợi, gặp nhiều may mắn, thành công…

VQL: Xin việc học hành được tấn tới ạ. Xin Phật phù hộ không phải thi lại môn nào, sau này ra trường tìm được một công việc tốt và kiếm được nhiều tiền.

PV: Việc làm bài thi tốt có liên quan gì đến việc đi chùa?

BTHP: Cô em bảo là đi chùa sẽ tạo một tâm lý tự tin cho việc thi cử. Thực ra việc đi chùa chỉ giải quyết được vấn đề tinh thần, tâm linh là chủ yếu. Trong lúc làm bài thi chỉ cần nghĩ đang được Trời Phật phù hộ thì em sẽ làm bài tốt hơn

VTH: Tôi nghĩ rằng nó chỉ là giải pháp tâm lý thôi. Cái chính vẫn phải là nỗ lực của bản thân mình.

PV: Các em có biết gì về lịch sử ngôi chùa Hà mà các bạn đang đi lễ không?

NYB: Không ạ, em không biết.

BTHP: Cô giáo em kể chùa Hà có 3 khu chính. Đầu tiên bao giờ cũng vào cầu Mẫu trước, sau đó sang bên tay trái, tay phải có bàn thờ các vị vua. Em nhìn vào tấm bia em có thể biết được lịch sử chùa Hà. Các bạn em cũng chỉ đi chùa cầu may mắn cho bản thân và ít tìm hiểu lịch sử

VTH: Thực ra, tôi cũng không để ý nhiều lắm.

VQL: (Gãi đầu) Em đến chùa chỉ thắp hương với lại làm lễ. Em chỉ biết là chùa thờ Phật.

PV: Ngoài việc cầu mong cho bản thân được mạnh khỏe, học tập tốt, may mắn…các em có bao giờ cầu mong cho đất nước ngày càng phát triển, người nghèo sẽ ít đi, đời sống của người dân khấm khá hơn?

Cả bốn câu trả lời: Không, chỉ cầu cho bản thân thôi ạ!

Không chỉ riêng ở chùa Hà mà còn rất nhiều ngôi chùa khác, không khó để bắt gặp hình ảnh của những thanh niên trẻ lỉnh kỉnh đồ lễ, vàng hương và xì xụp khấn vái. Nhưng hình như, họ đến chùa không phải là để đến tìm sự thanh thản cho tâm hồn tại chốn cửa thiền mà là để mưu cầu lợi danh và hàng ngàn những thứ khác của cho cá nhân họ.

Một sư thầy ở một ngôi chùa lớn ở Hà Nội kể với chúng tôi rằng thầy thực sự thấy buồn khi hầu hết các bạn trẻ Việt Nam không mấy thiết tha với việc tìm hiểu lịch sử và những thông tin về ngôi chùa. Khác hẳn với họ, bao giờ những người khách du lịch nước ngoài, kể cả các bạn tình nguyện trẻ, bản thân họ là những người không theo đạo Phật, thế nhưng khi tới chùa, họ có thái độ rất trân trọng lịch sử và văn hóa của ngôi chùa. Sư thầy kể, có lần thầy đã phải đuổi một nhóm bạn trẻ người Việt ra khỏi chùa vì hành vi thiếu tôn trọng không gian tĩnh lặng nơi cửa Phật khi họ ăn mặc hở hang và thản nhiên cười đùa ầm ĩ trong sân chùa. Ăn mặt thế này mà cũng lên chùa lễ Phật ?

Một bạn trẻ người Việt Nam đã viết trên blog của mình: Tôi có thói quen đi chùa vào ngày lễ, không bao giờ để ý ăn mặc. Khi sang Thái Lan tham quan một ngôi chùa bên đó, tôi cũng mang theo thói quen đó mà không để ý rằng tất cả mọi người đều rất tôn kính khi bước chân vào chùa lễ Phật. Cũng may, nhà chùa đã cho mượn một chiếc quần dài nên cuộc tham quan ngày hôm đó không bị hỏng.

Đi chùa là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Thế nhưng thật đáng buồn, không ít những người trẻ đang tự khoác lên mình thứ "mốt" đi chùa, nhưng lại không chuẩn bị cho mình một tâm thế khi bước chân vào cõi thiền. Nơi ấy, chốn cửa Phật, không phải là nơi cầu lợi, cầu danh, mà là nơi để cho tâm hồn được thanh thản với những giây phút tĩnh lặng, trước những tất bật ngược xuôi của dòng đời.