Những Ngày Cuối Cùng Của Hòa Thượng Thiện Siêu

Vào sáng ngày 12.9.2001 (25.7. Tân Tỵ), chung quanh chùa Từ Đàm mất điện, do đó Ôn ngưng đọc sách và rời khỏi phòng để đi bách bộ nơi hành lang nhà Thiền, đây cũng là giờ nghỉ mà Ôn thường sử dụng mỗi khi điện có sự cố. Chính sáng này, Ôn dạy: “Cây lá quanh chùa ngày càng xanh, thật đẹp và cũng rất cần cho con người, phải để tâm coi ngó tới nó. Vì đó là một duyên trong các duyên đang hiện hữu trong thế giới này, các con có biết không?

Những Ngày Cuối Cùng Của Hòa Thượng Thiện Siêu

Thị giả của HT ghi

Trích: Kỷ yếu Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thiện Siêu 

Vào sáng ngày 12.9.2001 (25.7. Tân Tỵ), chung quanh chùa Từ Đàm mất điện, do đó Ôn ngưng đọc sách và rời khỏi phòng để đi bách bộ nơi hành lang nhà Thiền, đây cũng là giờ nghỉ mà Ôn thường sử dụng mỗi khi điện có sự cố. Chính sáng này, Ôn dạy: “Cây lá quanh chùa ngày càng xanh, thật đẹp và cũng rất cần cho con người, phải để tâm coi ngó tới nó. Vì đó là một duyên trong các duyên đang hiện hữu trong thế giới này, các con có biết không?”. Chúng tôi im lặng nhìn bóng cây nơi mình đang đứng mà cảm nghe mát dịu hơn trước thật nhiều, sau đó theo chân Ôn vào liêu thiền và đứng sang một bên cầm quạt hầu Ôn. Ôn nằm vào ghế tràng kỷ, không nói gì thêm và tiếp tục đọc sách.

Buổi trưa hôm ấy Ôn dùng ít cơm hơn, chú Pháp Thuần nói rằng “Có lẽ Trời trở nên Ôn mệt”.  Khoảng 2.30 chiều, sau khi nghĩ trưa xong, Ôn rửa mặt, rồi dùng một ít trái cây, uống vài hớp trà, tiếp đó Ôn chỉ vào bàn đọc sách và bảo: “Hãy xếp đặt lại những cuốn kinh sách trên bàn cho ngăn nắp.”  Trong khi chúng tôi đang loay hoay xếp sách thì Ôn đi nghĩ với dáng nằm nghiêng bên phải như thường lệ, không ngờ sau lời dạy ấy cũng là giờ phút Ôn không còn đọc sách nơi Thiền thất nữa. Có lẽ chúng tôi, ai ai cũng đều biết: việc đọc kinh sách của Ôn là việc làm hằng ngày đã được Ôn khép lại như một hạnh nguyện vừa viên mãn trong cuộc đời này.

Khoảng 4.30 chiều hôm ấy thầy Quang Nhuận, thầy Giác Quang đến tiễn chân thầy Hải Ấn đi dự Hội Nghị Phật giáo tại Trung Quốc, đồng thời hầu thăm sức khỏe Ôn. Vừa gặp Ôn, hai thầy vái chào và thưa: “Bạch Ôn! Hôm nay Ôn có khỏe không?” Ôn chắp tay chào lại hai thầy với nét mặt hiền từ lẫn trong nụ cười rất nhẹ, nhìn hai thầy một hồi lâu rồi bảo: “Không khỏe tức là mệt” và Ôn dạy tiếp: “Phải nói đầy đủ như vậy mới nghe được, chứ Kiên Tuệ nó nói tôi hơi mệt là không chính xác.” Ai cũng nghĩ Ôn đùa cho vui, nào ngờ đó là lời cáo bệnh.

Hơn 6 giờ chiều, Ôn bảo mấy chú thị giả: “Hãy xuống dưới dùng cơm chiều kẻo tối rồi.” Khoảng nửa giờ sau, trong lúc chúng tôi còn đang tiếp tục bữa cơm thì nghe tiếng Ôn gọi mấy chu mấy điệu: “Cứ ơi! Thạch ơi! Hết ơi!” Mọi người đồng đáp: “Dạ” và chạy nhanh lên phòng Thiền. Ôn bảo: “Hình như Tôi bị trúng gió mà người thấy lành lạnh và mệt quá; hãy cạo gió thử xem sao!” Thế rồi mỗi lúc càng mệt hơn, lại nôn nhiều, cao gió cũng không bớt, người lạnh đến nỗi dán cao Salonpas cũng không ấm được. Sau khi đo huyết áp, chính thuốc và uống thuốc chống nôn, chị Dung (Y tá) nói nhỏ cho chúng tôi biết: tình hình sức khỏe Ôn đã đến thời kỳ nguy cấp, nên thỉnh Ôn hoan hỷ đồng ý vào bệnh viện T.Ư. Huế để điều trị chứ chúng con rất ngại khối u trong gan không biết lành dữ thế nào.

Lúc này gần 8 giờ tối, khí trời oi bức, nóng nực khó chịu, ngoài sân chùa đang phủ một bóng đêm u buồn khó tả. Chúng tôi và Thầy Quang Nhuận, cô Hải Liên, cô Huệ Nhẫn, chị Dung đều đã thỉnh xin ý Ôn để đưa Ôn vào bệnh viện; đến lần thứ hai Ôn dạy: “Lâu nay sinh, lão, bệnh, tử là chuyện thường. Tôi nay đã đi qua được ba giai đọan rồi, còn một đọan cuối như một quy luật hiển nhiên, vậy thì bây giờ Tôi bệnh mà không đau, cũng chẳng khổ thì vào bệnh viện làm gì”. Tất cả chúng tôi như đang chìm vào sự im lặng rất nặng nề, hình như có điều gì đó vừa thương, vừa kính lại vừa sợ mất đi bậc Thầy cao cả mà mỗi người cảm thấy không biết phải làm sao thì có tiếng của Thầy Quang Nhuận thưa: “Thỉnh Ôn hoan hỷ đồng ý để chúng con hầu Ôn vào bệnh viện khám thử bệnh thật hư thế nào! Chứ ở nhà đêm hôm như thế nầy là không xong, chúng con lo quá.” Nghe vậy, Ôn bảo: “Ừ! Thôi được! Đi thì đi! Sắp cuối một đời người mà cẩn trọng và đừng để sơ xuất điều gì thì cũng không dư”. Và thế là đúng 8.30 tối, mọi người đưa Ôn ra xe taxi để vào bệnh viện T.Ư. Huế. Sau khi hầu Ôn vào trong xe rồi, tôi nhìn ra ngoài xe thấy trời trở mưa to, các Phật tử sau buổi tụng kinh tối tại chùa cũng ra đứng quanh xe đông lắm (và không ai có mũ nón hay áo mưa gì cả nhưng hình như không ai để ý tới mình đang ướt mưa) đúng là có những giờ phút thiêng liêng nào đó, tình cảm con người cho phép họ quên mình để nghĩ về vị Thầy cao quý nhất mà họ đã từng kính ngưỡng niệm ân như vậy. Nửa giờ sau xe đưa Ôn tới phòng Cấp cứu, rồi chuyển qua phòng Hồi sức. Khoảng hơn 9 giờ tối thì mọi thủ tục nhập viện đã làm xong, các Y, Bác sĩ đưa Ôn đi siêu âm, chẩn đoán, định bệnh và cho thuốc uống, mãi đến 2 giờ sáng hôm sau Ôn mới đỡ mệt, người ấm hơn và ngưng sốt.

Sáng sớm ngày 13.9.2001, chư Tăng và Phật tử đã tới bệnh viện hầu thăm Ôn rất đông, người ra kẻ vào, cổng bệnh viện trở nên nhộn nhịp và ai cũng có vẻ lo âu. Ngoài dãy hành lang trước phòng hồi sức, ngày cũng như đêm không lúc nào thiếu bóng quý Thầy, quý Cô đợi chờ tin vui về Ôn. Còn trong phòng hồi sức thì Ôn lúc nào cũng để ý hỏi thăm quý Thầy, quý Cô, cụ thể như Ôn hỏi: “Quý Thầy, quý Cô ở lại ngoài hiên vậy rồi tối ngủ ở chỗ mô? Họ ăn cơm ở mô? Có bánh hay trái cây thì đem ra ngoài mời họ dùng cho vui đỡ mệt…”. Những lời như vậy Ôn thường căn dặn ít nhất là ba lần trong ngày, đối với Y, Bác sĩ Ôn cũng thường nhắc chúng tôi giống như vậy.

Sáng hôm ấy, có quý Thầy trong ban Trị sự G.H.P.G tỉnh Thừa Thiên – Huế đến thăm Ôn: khi thấy Hòa thượng Đức Phương, Ôn mỉm cười và nói: “Khi hôm tôi mệt quá, tưởng mô không chịu nổi”. Đứng hầu thăm Ôn và chỉ thăm tôi, có lẽ quá xúc động nên không ai nói trọn thành lời. Ôn nhìn quý Thầy vẫn trong ánh mắt hiền từ như xưa và nét mặt vẫn minh mẫn lạ thường, bỗng nhiên quý Thầy đượm buồn như đang sẵng sang tuôn lệ. Ôn bảo: “Thăm chút như rứa được hỉ! Quý Thầy về nghĩ và còn phải lo nhiều Phật sự khác nữa!” Vâng lời Ôn dạy, quý Thầy vái chào Ôn ra về mà cảm thấy có nhiều nỗi lo phía trước và những lời dạy chơn tình của Ôn vẫn còn đang vang vọng sau lưng.

Khoảng 10.30 có các cô Y tá điều dưỡng lo làm xét nghiệm trong lúc Bs. Lộc, Bs. Linh, Bs. Hanh khám và hỏi bệnh tình của Ôn. Các Bác sĩ ngạc nhiên khi nghe Ôn trả lời một cách minh bạch, dứt khoát. Nhiều Bác sĩ hay y tá tới thăm bệnh họ đều ghi nhận ở nơi Ôn có một sự hoan hỷ rất đặc biệt, không những không rên đau, phiền muộn mà còn minh mẫn, lịch thiệp vô cùng. Đến khoảng 16 giờ có các nam nữ Phật tử, quý Thầy, Cô, các vị đại diện Tỉnh ủy, Chính quyền, mặt trận, Tôn giáo tới thăm, Ôn tiếp chuyện và hỏi thăm từng người một cách niềm nở, thân tình, vừa khôi hài, vừa ý vị. Ví như một hôm kia có anh cư sĩ đến thăm Ôn và hỏi: Chúng con nhìn sắc diện của Ôn giống như Ôn không có bệnh gì cả. Vậy thì Ôn thấy trong người có được khỏe không? Ôn đáp: “Một phần trong người có khỏe sẵn rồi, nhờ lại thêm cái phần có anh đến thăm làm tôi khỏe thêm nữa”. Nói xong Ôn mỉm cười nhẹ và vui khiến mọi người ai cũng bật cười, tấm tắc mừng thầm vừa tỏ lòng khen ngợi vừa kính phục. Đến gần chiều tối, giờ thăm bệnh theo quy định của bệnh viện cũng đã hết, Ôn gọi các vị thị giả và hỏi: “Bây giờ là mấy giờ rồi, sao chưa thấy thầy Hải Ấn trở về.” Chúng tôi thưa: Bạch Ôn, thầy chúng con đã về nhưng chưa tới. Ôn nói rất nhỏ như nói một mình: “Thật tội cho Hải Ấn, chẳng có bao giờ nó được đi dâu xa, mà đi thì ít nhiều gì cũng có trở ngại lạ thật!” Ngừng lại nhìn thẳng lên trần nhà rồi Ôn hỏi: “Vậy chứ làm sao biết được Hải Ấn về rồi mà chưa tới!” Dạ chúng con có gọi điện thọai ra Hà Nội hỏi thăm và biết thầy lên tàu lửa trở vô rồi, nhưng chưa tới. Nghe nói vậy, Ôn làm thinh như muốn biểu hiện sự yên lòng.

Sáng ngày 14, Ôn ít mệt hơn và thầy Hải Ấn cũng đã trở về hầu bên cạnh Ôn, Thượng tọa Chơn Thiện cũng từ Tp. Hồ Chí Minh ra hầu thăm Ôn và chư Tăng, Ni cũng như Phật tử ở các quận, huyện cũng tới bệnh viện hầu thăm Ôn rất đông đến nỗi trước cửa phòng Hồi sức khỏe kẻ ngồi người đứng chật cả hành lang. Khoảng 16 giờ hôm ấy, Ôn bị sốc thuốc hơi lâu, cả người lạnh ngắt, may sao mọi việc Y, Bác sĩ lo liệu kịp thời nên tối đó Ôn đã bớt và đi ngủ sớm.

Vì phản ứng thuốc ngày hôm qua nên ngày 15 Ôn mệt nhiều. Quý Thầy và các Phật tử Tp. Hồ Chí Minh và Nha Trang ra thăm như HT. Thiện Bình, TT. Trung Hậu, TT. Thiện Nhơn, thầy Minh Thông,  thầy Phước Tú… Đến chiều quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni đại diện văn phòng I & II thuộc TƯ GHPGVN đã đến Huế để hầu thăm Ôn và Ôn đã chào hỏi, tiếp chuyện một cách niềm nở.

Sáng ngày 16, khoảng 3.30, sau khi thức dậy, thị giả giúp Ôn súc miệng, rửa mặt, rồi uống vài hớp trà nóng như lệ thường hằng ngày Ôn vẫn vậy. Chúng tôi đều im lặng chăm chú hầu Ôn. Khoảng nửa giờ sau, Ôn dạy: “Sáng nay sau khi thức dậy, Tôi cảm thấy trong người khỏe một cách thật là vi diệu, không nghe tật bệnh gì cả, cứ tưởng đâu mình bình thường không có việc gì cả. Đến lúc thấy dây nhợ chuyền dịch trên tay mình, mới biết mình còn đang bệnh. Thế mới hay khi châm chú định tâm để thấy rỏ “cảm thọ” và “tưởng” về bệnh là giả huyễn tất thời xa lìa được “thọ” và “tưởng”, do đó mà Tôi nói: sự khỏe thật là vi diệu là vậy”. Rồi Ôn hỏi “Mấy giờ rồi?” Chúng tôi thưa: dạ 5 giờ kém. Ôn hỏi tiếp: “Sáng hay chiều?” Dạ thưa: sáng. Ôn dạy: “Như tôi ri mà khỏe, sáng cũng như chiều, ngày cũng như đêm, không phải mất công phân biệt gì cả.” Nói xong, Ôn mỉm cười rồi nhờ thị giả giúp Ôn trở người nằm nghiêng về hướng phía cửa phòng và bảo: “Hảy bật đèn trong phòng cho sáng để các Phật tử họ có nhìn thấy từ bên ngoài cửa kính kẻo tội họ” (Vì phòng hồi sức, Bác sĩ không cho người thăm vào trong phòng đông nên Phật tử phải đứng ở ngoài cửa kính nhìn vào lạy Ôn mà thôi). Quả thật, chúng tôi không làm sao quên được những hình ảnh chơn tình đầy đạo vị ấy,  các Phật tử bên ngoài cửa thì sụt sùi bi lệ chắp tay hướng vào Ôn vái lạy liên tục, ở trong Ôn cũng chắp tay xá chào họ mãi không thôi. Kể đến đây, chúng tôi sực nhớ lại bốn câu thơ Ôn thường đọc trong các buổi giảng dạy cho các Phật tử:

  “Trăm năm trước thì chưa có,

  Trăm năm sau có cũng như không.

  Cuộc đời sắc sắc không không,

  Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.”

Đến 14.30 hôm ấy, sau khi ngủ trưa dậy, các thị giả chưa kịp hầu Ôn rửa mặt thì Ôn kêu lại và kể: “Khi nãy Tôi thấy có một vị Giáo chủ Không Thiên đến đánh thức Tôi dậy và hỏi Tôi rằng: “Thế nào là tánh không kinh? Thế nào là tánh không luận? Sauk hi nghe tôi trả lời đúng và rất gọn, vị Giáo chủ ấy bảo Tôi hãy giải thích hai điều về ‘tánh không kinh và tánh không luận”. Trong khi Tôi đang giải thích như vậy thì Người ấy lớn tiếng hỏi vặn lại: Như vậy! Ai là Giáo chủ “tánh không kinh” vá ‘tánh không luận ấy? Tôi đáp: Chính mình chứ không ai khác.” Lúc ấy thầy Pháp Quang đang ngồi gần Ôn thưa rằng: Vậy Ôn thấy ông Giáo chủ mặt mài thế nào? Ông ta mặc áo màu gì? Ôn dạy: “Lúc mà mình đang chú tâm nghe và trả lời như vậy thì có ai để ý tới chuyện ấy làm gì.” Nghe Ôn nói vừa xong thì thầy Pháp Quang nhận ra mình còn vọng tâm nên hỏi câu hỏi sai, liền im lặng cúi đầu, chắp tay nhìn Ôn với lòng thành kính. Và có lẽ cũng nên nói thêm ở đâu rằng: Tất cả những câu trả lời của Ôn với vị Giáo chủ Không Thiên đều không được Ôn kể lại, có lẽ nếu ai vào thế giới “tánh không kinh” và “tánh không luận” sẽ tự hiểu câu trả lời của Ôn là gì.

Đêm 17 sáng ngày 18, sau khi uống trà xong, Ôn gọi chúng tôi lại và bảo: “Hãy lấy giấy viết để ghi lại bài kệ này, diệu dụng và thăm sâu lắm, cũng đừng nên phổ biến tùy tiện tất cả sẽ không hay và mất tác dụng”. Ngừng lại một lúc rồi Ôn bảo: “Để Tôi uống hớp trà nữa rồi nói cho ghi”. Rõ ràng Ôn dụng thời gian thật khéo, đủ đề cho những ai đang tìm giấy và viết khỏi phải lật đật hoặc ghi thiếu. Uống trà xong, cũng vẫn với dáng điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, Ôn kể: “Khi hôm Tôi thấy đang ở trong một ngôi chùa sơn vàng sạch sẽ và rất đẹp thì Đức Phật và các vị Bồ-tát đến bảo Tôi phải suy nghĩ thật kỹ bài kệ này.

 “Phật biết Phật không!

 Tâm biết tâm không!

  Khi Phật đổi thân,

 Tâm biết Phật không”.

“Tôi không cần suy nghĩ, vừa nói “biết” thì nghe có tiếng của họ:

-Hỏi : Vậy hôm nay Ôn có khỏe không?

-Đáp: Khỏe

-Hỏi: Có ăn chi không?

-Đáp: Không ăn chi cả.

-Hỏi: Có tiểu tiện, đại tiện, trung tiện chi không?

-Đáp: Có đại tiện.

-Người hỏi nói: Như vậy là tốt.”

-Lúc ấy thấy mình khỏe hẳn, không bệnh tật gì cả.

Quả là đúng như vậy, sáng ấy người đến thăm Ôn khá nhiều, Ôn vẫn chuyện trò, thăm hỏi nhưng không thấy Ôn mệt như những ngày trước.

Ngày 19, khoảng 10 giờ sáng, sau khi các Bác sĩ khám bệnh và các cô y tá tiêm thuốc xong, Ôn bảo chúng tôi lấy nước trái cây cho Ôn uống. Sau khi uống xong, một lát sau Ôn dạy: “Có sinh tức có tử, đó là chyện bình thường không ai tránh được. Nhưng nếu biết các pháp đều do duyên sanh thì sinh tử ấy cũng do duyên sanh. Quan trọng ở chỗ biết sinh tử ấy chỉ là “sở sanh” thuộc quả; còn ái-thủ-hữu mới là “năng sanh” thuộc nhân. Không có nhân thì có quả không? Đáp: “Thưa không” Ôn dạy tiếp: “Nghiệp cảm duyên khởi; Nhân quả duyên khởi; Pháp giới duyên khởi, cứ nghiệm theo đây mà biết.” Đến gần trưa, có TT. Chơn Tế và Bs. Vinh (Trưởng Khoa nội) đến hầu thăm Ôn. Sau khi vái chào Ôn, Bs. Vinh hỏi: “Thưa Ôn! Hôm nay Ôn thấy trong người thế nào! Có khỏe không?” Ôn trả lời: “Khỏe. Khỏe hơn mấy ngày trước.”Con thấy Ôn hồng hào, vui vẻ như không có gì là bệnh cả.” Ôn vào lời tiếp chuyện: “Cô nói phải đấy, Tôi tuy thân bệnh nhưng tâm không bệnh, cũng chẳng có gì phải vui buồn cả, nhờ vậy mà không khổ, đời ông thầy tu rất là khỏe rứa đó. Còn người đời thân họ bệnh mà tâm họ cũng bệnh theo nên họ buồn rầu, rên la, đau đớn, khổ sở. Vì sao như vậy, cô biết không? 1) Vì khi họ bệnh thì họ sợ khổ vì bệnh nên cái sợ ấy làm họ đã khổ càng khổ thêm. 2) Vì khi họ bệnh thì họ lo sợ chết (chết rồi bỏ chồng hoặc bỏ vợ, bỏ con, bỏ của cải tài sản, bỏ gia đình nhà cửa, bỏ mớ danh lợi… rồi họ tiếc đủ thứ) do đó làm họ khổ thêm. Vì hai lẽ ấy thường làm người bệnh đã khổ càng đau khổ thêm và khổ ấy làm họ đau đớn thêm”. Bs. Vinh chắp tay nhìn Ôn gật đầu tỏ vẻ hiểu lời Ôn dạy rồi vái chào đi ra. Dạy xong lời này Ôn uống thuốc và cháo hồ, sau đó Ôn ngủ một giấc dài từ 11 giờ tới 4 giờ chiều. Bs. Vinh tiếp lời: “

Ngày 20 khoảng 7 giờ tối, từ Nha Trang, Hòa thượng Đổng Minh đến thăm Ôn và sau khi chào hỏi xong, Ôn đã cầm tay HT. Đổng Minh để thu nhỏ khoảng cách thầy trò mà tỏ vẻ sự thân thiện một cách trân trọng. Ôn cười và hỏi: “Mới tới hả? Đi bằng gì?” HT. Đổng Minh thưa: “Dạ! Con đi bằng tàu hỏa.” Ôn nói tiếp: “Cho tới hôm nay, Tôi mới ngộ được cảm thọ là “Như cá hết nước; như cá trên thớt” đó thầy ơi. Hôm ở chùa trước khi tới bệnh viện là cảm thọ bệnh như “cá trên thớt”. Cho đến khi nào đối diện với “thọ” ấy mà tự tại, bất động mới lìa ‘thọ” được, nghĩa là không những lìa “thọ” ấy mà còn phải lìa cả “không thọ ấy” nữa. Quả thật, biết là một chuyện mà hành cái biết ấy là một chuyện, thầy thấy có khó không.” HT.Đổng Minh thưa: “Dạ! Khó thật. Nhưng, chỉ có thọ chứ không có người cảm thọ”. Ôn liền xác định: “Đúng vậy!”. HT. Đổng Minh cúi chào ra về.

Sáng ngày 22, sau khi thức dậy, Ôn kể lại một giấc mơ mà khi hôm Ôn thấy: “Vẫn biết giấc mơ là giả, không thật, nhưng giấc mơ ấy có khác; giống như mấy hôm trước thỉnh thoảng Tôi cũng có mơ nhưng thấy những cảnh đẹp có, xấu có,  khô ráo có, bùn lầy có, mà lắm điều trở ngại, rắc rối cũng có. Nhưng từ hôm thấy Phật và các vị Bồ-tát đến nay sao mà thấy toàn là những cảnh hiền lành, tốt đẹp. Như khi hôm, Tôi thấy cảnh ở bệnh viện giống như một ngôi chùa vàng sạch lắm, cách tôn trí thờ tự trong chùa là để chữa bệnh, còn nhà Tổ cũng được làm bằng vàng rất gọn nhẹ, cây cảnh chùa toàn màu vàng trang nghiêm thanh tịnh quá. Do vậy Tôi không biết đi đại tiểu tiện chỗ mô cả, hỏi ra mới biết đất đai ở đó toàn là vàng chứ không phải đất, mình có đại tiện trên đất vàng ấy thì không có hôi hám gì cả, lâu ngày phân đó cũng thành vàng. Đó thật là chuyện hy hữu mà cũng tức cười…”

Ngày 23, Ôn bảo chúng tôi hạ bớt máy lạnh và dạy: “Không còn nhiều đâu! Hãy gắng giúp tôi một cách ân cần, chu đáo hỉ! Phải để sẵn  bánh trái ở đó khi nào đói bụng thì ăn. Bữa ni Tôi thấy hơi khỏe khỏe, có ai mệt thì nằm xuống đó mà ngủ đi!”  Chúng tôi thưa: “Dạ” – rồi cúi đầu trên giường gần sát bên người Ôn mà cứ nghẹn ngào xúc động, không khóc sao nước mắt cứ tuôn ra – như tuôn ra một tâm sự tủi buồn, tự nhủ thầm: Có ngày mình sẽ không có được những lời nhắc nhở đầy lòng bi mẫn của Ôn nữa! Tình thương Ôn vời vợi như non cao!!!

Ngày 24, Ôn gọi thầy Hải Ấn và bảo: “Tôi muốn về nhưng nếu tự dưng mình xin về thì liệu rằng các Y Bác sĩ họ chịu không! Hoặc có làm phiền hà gì tới họ không? Hay là bao giờ họ cho về thì mình về?” Thầy Hải Ấn thưa: “Dạ! Để xem sao thử đã, tùy theo sức khỏe Ôn”  Và đến ngày 25, sau khi hỏi thăm sức khỏe cũng như việc ăn ngủ của Ôn Bs. Sinh và Bs. Lộc khám bệnh cho Ôn cũng có nhã ý để cho Ôn xuất viện. Ôn hỏi: “Về cũng được nhưng bệnh viện có cho mượn những dụng cụ y khoa này không? Có những cái đó cũng hay.”  Bs. Lộc trả lời: “Dạ! Chắc được thôi.” Ôn bảo chúng tôi: “Nếu có về thì mai mới về được, vì còn để có thì giờ cảm ơn các vị Y tá điều dưỡng”. Tấm lòng của Ôn bao giờ cũng vậy.

Sáng ngày 26, chúng tôi thu xếp hầu Ôn về chùa, các vị Y và Bác sĩ cũng đến đông đủ, có lẽ họ đợi để tiễn chào Ôn, các Phật tử chờ ngoài hành lang rất đông và đúng 7 giờ 45 Ôn rời bệnh viện để về chùa. Sau khi về đến nơi, có lẽ vì đi đường mệt nên Ôn nằm nghỉ, không ngủ nhưng Ôn cũng không dạy bảo điều gì. Đến trưa Ôn dùng một tí cháo hồ và ngủ đến chiều. Chiều nay, sân chùa Từ Đàm trở nên xôn xao rộn rịp hẳn lên, kẻ đến người lui viếng thăm Ôn không ngớt, tuy nhiên họ cũng chỉ được nhìn Ôn qua cửa kính mà thôi. Ngày 27, quý Hòa thượng, Thượng tọa cùng Phật tử ở các tỉnh thuộc miền Trung về hầu thăm Ôn mỗi lúc càng đông, các Tăng, Ni trẻ đã được Giáo Hội tỉnh gọi về dọn dẹp giảng đường và làm sạch khuôn viên chùa. Đến sáng 28, Ôn gọi chúng tôi lại và nói: “Về chùa nghe người khỏe hơn, cũng chẳng thấy tức bụng gì cả, nghe tiếng chuông chùa cũng hay hơn  trước.” Chúng tôi mừng: Dạ thưa Ôn! Tiếng chuông khi hôm là của cái chuông khác mới đổi lại. Ôn bảo: “À! À! Hèn gì Tôi nghe hay hơn.” Ngày 29, Ôn dạy chúng tôi: “Người các nơi về thăm mỗi lúc càng đông, phải chia phiên thay nhau hầu Tôi chu đáo kẻo khi quá đông, lúc không có ai. Việc tiếp khách cũng vậy, ai là chủ, ai là khách phải sắp đặt để tiếp đón người ta, kẻo đường xa họ đến mà đói khát thì tội cho họ.”. Đến ngày 30, Ôn kể: “Có một tích gọi là “Mặc ngữ đường”. Không ngờ sau khi Ôn dạy câu chuyện này xong, từ đó cho đến ngày viên tịch Ôn không nói một câu nào thêm nữa, và đúng ngày 03.10.2001 tức ngày 17 tháng 8 năm Tân Tỵ, vào lúc hoàng hôn vừa ngập hết nắng chiều,  Ôn đã mỉm cười lần cuối, không một chút rên la hay đau đớn, từ từ nhắm mắt lại như không có chuyện gì xảy ra. Và thế là Ôn thở hơi thở cuối cùng của một vị Bồ-tát hóa thân hòa lẫn cùng với hơi thở của mọi người còn đang thở.

  Từ Đàm, ngày 06.10.2001