Nơi dừng chân của những cánh chim lạc

Cửa Phật từ bi, là nơi đến của những số phận cùng cực. Sư thầy kể cho tôi nghe ngày đến với chùa của các em: “Nhìn chúng vậy chứ, mỗi đứa đến với chùa một kiểu. Đứa thì được để ở cổng chùa, đứa thì mang tận trong sân. Có đứa lại đặt ở nghĩa trang Gia Lâm người dân nhặt được mang đến. Có đứa bị mẹ tàn nhẫn đặt ở trên đê, mà đường thì toàn là ôtô chạy. Đứa thì được sư thầy nhặt được, đứa thì những người đi chợ sớm nhặt được. Rồi tất cả được mang đến đây…”

Nơi dừng chân của những cánh chim lạc

Ngọc Cương

Xa xưa ông cha ta bảo: Hổ ác không nỡ ăn thịt con. Tình cảm thiêng liêng nhất là tình cảm mẹ con và đối với bất cứ người mẹ nào đứa con là tài sản lớn nhất. Nhưng đến khi bước chân vào chùa Bồ Đề (Long Biên-Hà Nội) thì điều đó chẳng đúng nữa bởi lẽ ở đây có những đứa trẻ bị mẹ của chúng vứt bỏ. Nhìn những đưa trẻ với đôi mắt trong sáng, cười toét miệng tôi không muốn nghĩ rằng đây là những “sản phẩm được sinh ra không theo ý muốn”- những đứa trẻ bị bỏ rơi….

Tôi đến với chùa Bồ Đề không phải để đến cầu Phật ban phước lành cho mình, không chủ định để ngắm cảnh sông nước, cũng không mục đích nghe các sư thầy giảng kinh. Tôi đến đây để gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi…


Cảnh chùa Bồ Đề - Ảnh: Ngọc Cương

Những em nhỏ không được uống sữa mẹ

Chùa Bồ Đề đã được biết đến là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Hà Nội. Việc chùa nhận nuôi những em nhỏ lang thang, những ấu nhi bị bỏ rơi cũng được báo đài đưa tin rất nhiều. Thế nhưng khi bước chân vào đây tôi vẫn bị bất ngờ bởi những gì mắt thấy, tai nghe. Cảm giác đau buồn khi nhìn thấy những em nhỏ được vài tháng tuổi cười toét miệng, thỉnh thoảng táp miệng vào đầu chai sữa do sư cô cho uống. Đáng ra dòng sữa kia phải là từ một bầu vú của mẹ chúng chứ không phải là từ chiếc vú cao su. Nhưng biết làm thế nào được, mẹ không có nên các em phải bú sữa từ những chiếc bình nhựa khô cứng đó. Tất cả những đứa trẻ ở đây chưa bao giờ có được điều mà đáng ra chúng phải được. Thôi cũng là một số phận! Cảm giác đau buồn pha lẫn với sự tức giận cái tàn nhẫn của những người đàn bà có thể mang đứa con rứt ruột của mình vứt bỏ.

Tôi vào chùa đúng vào bữa cơm trưa, bữa cơm thật đầm ấm không có chút gì lạnh lẽo vẫn thường thấy của những trại trẻ mồ côi. Những em nhỏ bưng bát cơm cùng với những món ăn chay ăn thật ngon. Tôi nhìn chúng mà không nhận ra sự thiếu thốn nào. Sư thầy Thích Đàm Lan phân trần: “Các em nhỏ ở đây đã sống trong chùa từ nhỏ. Chúng lớn lên trong tiếng chuông chùa nên bây giờ gia đình của những em nhỏ là ở đây nên chú không thấy chúng buồn cũng là phải thôi…”


Bữa ăn của các mẹ và các con trong chùa Bồ Đề - Ảnh: Ngọc Cương

Nhìn vẻ mặt khôi ngô của các em nhỏ tôi càng thấy khó hiểu vì sao những người cha mẹ kia lại bỏ rơi các em? Tôi tự tìm cách giải thích: “Chắc là do kiếp trước những đứa trẻ kia đã làm điều gì đó không tốt nên ông Trời bắt tội. Nhưng ông Trời bắt tội chúng phải xa lìa cha mẹ, không được bú sữa mẹ thì “nặng tay” quá”. Lòng tôi không muốn chúng bị bắt tội chút nào. Tôi giận ông Trời vì đã bắt chúng chịu số phận như vậy.

Tôi bước vào căn nhà ngang, đằng sau hậu cung nơi mà những em dưới 1 tuổi đang được chăm sóc. Sư thầy dẫn tôi đi tiếp và kể: “Ở chùa hiện đang có 10 em dưới 1 tuổi. Nhà chùa phải thuê các cô ở ngoài vào chăm sóc, vì đông quá nên các sư cô ở đây không thể chăm sóc xuể…”. Nhìn những đứa trẻ đang nằm trên giường, chìm trong giấc ngủ sau khi đã no sữa tôi đã phần nào dịu bớt sự tức giận của mình.

Nhìn những đứa trẻ, sư thầy kể về từng các em bằng cái giọng đắng ngắt, như nghẹn trong cổ. Thầy chỉ một em nhỏ chừng 6-7 tháng tuổi và nói: “Thằng bé này tên Việt Anh, được nhà chùa nuôi đã hơn 6 tháng rồi. Hôm đó là vào một ngày trời mưa rả rích từ đêm đến sáng vẫn chưa tạnh. Ở chùa có cụ Tèo đi chợ sớm để mua các đồ dùng và thực phẩm cho chùa. Cụ vừa bước ra cổng chùa thì thấy một cái bọc để ở đó. Nhặt lên thì là một đưa bé vừa sinh. Cụ Tèo bế nó vào trong. Hai chiếc tã bọc cho đứa bé đã ướt đẫm, người nó đã tái mét hơi thở yếu ớt, rốn còn chưa rụng. Bác (Bác là cách xưng hô của sư thầy) cùng các sư cô đốt lửa sưởi cho nó, thay tã bọc lại rồi ôm chặt vào người. Được hơi ấm của các sư cô sưởi cho, thằng bé dần hồi tỉnh. Đến gần sang thì oa oa đòi ăn. Lúc đó trong chùa không tìm đâu ra sữa nên đành pha tạm ít nước đường cho nó ăn tạm. Ăn xong thì lăn ra ngủ. Thế là cu cậu được cứu sống”. Thầy cũng kể thêm: “Thằng bé bây giờ ngoan lắm chú ạ! Cả ngày không có tiếng khóc nào, cứ ăn xong là ngủ. Khổ thân chúng vì từ lúc chưa rụng rốn đã phải xa hơi ấm của mẹ. Chúng sống nhờ vào sữa của những Phật tử từ thiện ủng hộ đấy chú ạ! Tội nghiệp quá…”


Sư thầy Thích Đàm Lan - Ảnh: Ngọc Cương

Cửa Phật từ bi, là nơi đến của những số phận cùng cực. Sư thầy kể cho tôi nghe ngày đến với chùa của các em: “Nhìn chúng vậy chứ, mỗi đứa đến với chùa một kiểu. Đứa thì được để ở cổng chùa, đứa thì mang tận trong sân. Có đứa lại đặt ở nghĩa trang Gia Lâm người dân nhặt được mang đến. Có đứa bị mẹ tàn nhẫn đặt ở trên đê, mà đường thì toàn là ôtô chạy. Đứa thì được sư thầy nhặt được, đứa thì những người đi chợ sớm nhặt được. Rồi tất cả được mang đến đây…”.

Nghe thầy kể tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tại sao người mẹ có thể bỏ được con? Không biết những đứa trẻ này sinh ra trong hoàn cảnh nào nhưng chúng là những sinh linh vô tội..Tôi đành kìm sự tức giận, tự động viên mình bằng suy nghĩ: “Âu cũng là cái số. Mỗi người một cảnh không ai giống ai. Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở đây cứ coi là gặp số phận hẩm hiu…”. Sư thầy lại nói tiếp: “Ở đây đứa trẻ được nhặt vào ngày nào thì ngày ấy được coi là ngày sinh nhật của nó. Nhà chùa cũng là giấy khai sinh cho từng đứa. Trai thì lấy họ “Cù” còn gái thì lấy họ “Kiều”. Tôi không lấy họ “Thích” vì mai sau chúng còn xây dựng gia đình…”.

Nghe đến đây lòng tôi nhẹ thêm phần nửa. Thôi thì cũng là bớt đi phần thiệt thòi cho những đứa trẻ vì chúng đã có họ, tên, có sinh nhật như bao đứa trẻ khác…

Kẻ khốn cùng gặp người khốn khó

Đến chùa Bồ Đề, ngoài những tiếng oa oa của trẻ thơ, còn gặp những người phụ nữ bồng trẻ trên tay và à ơi tiếng hát ru. Họ là những người đàn bà được nhà chùa nuôi để chăm sóc các em nhỏ.

Chùa Bồ Đề đã nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi từ rất lâu. Ngày tôi đến, nếu em nhỏ tuổi nhất là 3 tuần tuổi, “đứa” lớn nhất năm nay đã gần … 30. Sư thầy kể cho tôi nghe về một người đã từng sống ở chùa và bây giờ đã có gia đình: “Cái Huyền nó là đứa đầu tiên được thầy nuôi đã lấy chồng bên Đài Loan được 4 năm nay. Thỉnh thoảng nó vẫn điện thoại và gửi quà về cho chùa. Mỗi lần nói chuyện với nó Bác lại cảm thấy rất vui bởi việc mình làm là hữu ích”. Thầy cũng tâm sự: “Những đứa trẻ được nhà chùa nuôi bây giờ dù không thành đạt gì lớn nhưng chúng đang sống với đúng những gì mà các sư ở đây truyền dạy”.


Quây quần - Ảnh: Ngọc Cương

Tôi vẫn băn khoăn về những người phụ nữ đứng tuổi kia, thầy giải thích: “Đó là những người được nhà chùa nuôi để chăm các em. Trước kia chỉ có vài em thì các thầy thay phiên nhau trông, nhưng gần đây số các em ngày càng đông, các thầy lại bận rất nhiều việc của chùa nên Bác mới nghĩ đến việc thuê các cô này chăm sóc . Họ cũng mỗi người một cảnh, đều là khốn cùng cả. Cô thì bị chồng bỏ không có con, cô thì bệnh tật không có gia đình nuôi nấng, cô thì do “lầm lạc”. Họ đều bị dồn đến chân tường nên mới vào nương nhờ cửa Phật. Chứ có ai muốn bỏ nhà vào chùa mà ở đâu hả chú”.

Tôi nhìn những người phụ nữ đó, người thì nằm cùng với một đứa trẻ ầu ơ câu hát ru, người thì ngồi khâu lại những chiếc quần áo bé xíu …Vẻ mặt của họ đều rạng lên vẻ hạnh phúc như một người mẹ đang được ở bên những đứa con mình.

Tôi ngồi xuống mép giường cạnh người phụ nữ đang bồng cháu Việt Anh, hỏi: “Chị vào chùa sống lâu chưa?” – “ Cũng được gần 2 năm rồi chú ạ” -. “Thế quê chị ở đâu?” – “Tôi ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội sống đã được gần 3 năm nay rồi. Trôi nổi ở bệnh viện này, bệnh xá kia hết tiền nên mới vào nương nhờ cửa chùa…”. Tôi lấy làm lạ và hỏi lại: “Chị làm sao mà phải vào viện nhiều thế?”. Câu hỏi như đã đánh động vào nỗi đau của chị thì phải! Vẻ mặt của chị xạm lại. Chị nói mà tôi cứ cảm tưởng như tiếng nói kia sắp biến thành tiếng khóc. Đôi mắt của chị ứ lên dòng nước như tuôn trào trên đôi gò má của người phụ nữ gầy yếu này: “Chú nhìn tôi thì bình thường vậy thôi, chứ trong người tôi không biết bao nhiêu là thứ bệnh. Nào là teo cơ, viêm xương, xơ gan cổ chướng, thiếu máu….Thời gian gần đây cũng đỡ nên tôi mới được như thế này đấy. Chứ cách đây vài năm tôi chỉ biết năm một chỗ thôi”.


Kể đến đây thì nước mắt chị đã chảy, giọng càng chìm sâu hơn vào cổ. Với giọng nói đứt quãng, chị kể lại cuộc đời mình: “Từ nhỏ tôi đã bị rất nhiều bệnh, lớn lên tôi cũng không dám xây dựng gia đình. Cha mẹ mất, anh em thì mỗi người một cảnh, ai cũng nghèo khổ cả nên không cậy nhờ được. Tôi cứ tiết kiệm được đồng nào là lại đến bệnh viện này, thầy lang kia. Nhưng 3 năm nay, do sức khỏe yếu đi rất nhiều, tôi lên Hà Nội chạy chữa, hết tiền phải trốn viện không còn chỗ nào nương nhờ nên vào cửa chùa xin trú ngụ. Cũng may sao từ ngày tôi vào chùa ở mấy căn bệnh kia chưa lần nào tái phát nên mới mạnh khỏe như thế này. May mà có nhà chùa cho nương nhớ chứ không thì...”.


Chị Sen và cháu Việt Anh


Mẹ và con - Ảnh: Ngọc Cương

Tôi ngồi lặng đi và cảm nhận được những đau đớn của chị. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết động viên chị: “Thôi cũng là cái số chị à. Ai mà chẳng có những nỗi khổ riêng”. Nghe tôi nói, vẻ mặt của chị đã bớt đi phần buồn tủi, chị hôn lên má cháu Việt Anh và tâm sự: “Ở trong chùa, chăm mấy đứa trẻ này tuy cũng bận thật nhưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi coi Việt Anh và những đứa trẻ khác như con mình vậy. Nếu không vào đây, chắc chẳng bao giờ tôi thực hiện nổi mong ước được làm mẹ”. Khi về, tôi mới nhớ mình quên cả việc hỏi tên tuổi của chị. Nhưng điều đó có liệu có quan trọng, chỉ cần biết chị là mẹ của những đứa bé ở đây.

Câu chuyện kể của chị xoáy sâu vào lòng tôi những nỗi đau mới. Nhưng đó cũng chỉ là một trong hàng chục hoàn cảnh rất đặc biệt của những người đàn bà nơi đây. Chị còn chỉ cho tôi một người khác, khá trẻ như chưa đến 25, bảo: “Cô ấy là Thanh Ngọc, quê ở tân Bình Phước. Ra ngoài Hà Nội, trôi nổi làm đủ nghề. Cha mẹ thì mất cả, anh em không còn ai. Mất việc, người yêu bỏ, không còn chỗ nào nương thân nên vào chùa cậy nhờ các thầy. Khổ thân, cô ấy còn trẻ quá”.

Càng nghe mọi người nói, nghe những tiếng khóc của những đứa trẻ ở đây trái tim tôi càng đau nhói. Tôi giận những người đàn bà đã rứt ruột sinh những đứa trẻ kia lại đang tâm vứt bỏ. Tôi lại vui khi nhìn vào hình ảnh của những người phụ nữ đang bồng những đứa trẻ thật là hạnh phúc mặc dù đó không phải là người sinh ra chúng. Tôi đau buồn, tôi tức giận, tôi vui. Những tâm trạng khác nhau đang lẫn lộn trong con người tôi. Tôi muốn chìm vào giấc mơ…

Ngọc Cương (Vietimes)