Hòa Thượng Võ Ngộ Thông &Sắc tứ Long an cổ tự

Long An cổ tự nguyên thủy là ngôi chùa làng do họ Trần khai lập. Chùa tọa lạc ở ngã ba Rạch Tràm, thuộc ấp Bình Sơn, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng nhưng có lẽ là ngôi chùa được Sắc tứ muộn nhất, năm 1924. Qua chiến tranh, chùa cũng đã hư hại và đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng còn lưu giữ khá nhiều hiện vật ghi lại dấu ấn của một vị Hòa thượng đã từng làm nên danh hiệu Sắc tứ: Hòa thượng Võ Ngộ Thông, tục gọi là Hòa thượng Sâm.

 

 

Theo gia phả họ Trần ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, khoảng đầu thế kỷ XIX, trong nhánh họ Trần tại rạch Tràm (thôn Bình Phú), có một người tên là Trần Văn Đôn xuất gia tu ở Gia Định bị trục xuất khỏi chùa về quê lập am tu hành vì vô ý làm chết người, nhưng nhờ các quan đại thần tâu xin nên khỏi tù tội. Sau khi ông mất, người trong họ Trần cử người cai quản, dùng ruộng đất tài sản của ông này làm hương hỏa, và lấy huê lợi tích lũy nhiều năm xây dựng nên một ngôi chùa hiệu là Long An tự. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, trụ trì chùa Long An là ông Trần Văn Sóc (1835-1908), pháp danh Trường Độ, pháp hiệu Tâm Ngoạn đại sư; gần cuối đời, ông đến chùa Hội Thọ - Cái Bè (gốc là Sắc tứ Kim Chương tự) lạy Hòa thượng Thiệu Long, tôn làm thầy.

Võ Ngộ Thông sinh năm 1878, thuở bé có tên Võ Niệm Thường, tự Sâm, cháu ngoại của ông Trần Văn Sóc. Năm 13 tuổi, Võ Niệm Thường theo ông ngoại đến chùa Hội Thọ lạy Hòa thượng Thiệu Long xin xuất gia, được pháp danh là Trường Đức, pháp hiệu là Ngộ Thông. Hai ông cháu cùng học một thầy nhưng Ngộ Thông đúng như pháp danh thầy đặt, là một nhà sư thông minh lanh lợi, được thầy cử làm “Trưởng tử”, tức xem như “anh cả” trong nhà. Dân gian truyền tụng Võ Ngộ Thông là người rất giỏi y dược, thông hiểu các phương thuật bói dịch, phong thủy, các loại bùa chú, đồng thời cho biết ông là một ông sư đẹp tướng, thông minh, có tài thuyết giảng, thu phục người khác.

longan-co-tu-2.jpg

Khoảng năm 1900, sư Tâm Ngoạn già yếu, không thể đảm đang việc chùa theo kiểu “nhứt tăng nhất tự” nên gọi Võ Ngộ Thông về chùa Long An để tập sự làm trụ trì. Ít năm sau, sư Tâm Ngoạn mất. Sau tang lễ, Hòa thượng bổn sư cử Võ Ngộ Thông làm thủ tọa chùa Long An. Bấy giờ Võ Ngộ Thông bị bệnh lao thổ huyết nên giao chùa cho người quản lý, rồi dùng một chiếc thuyền tự chèo đi hết tỉnh này đến tỉnh khác tìm thầy chữa trị. Đến Rạch Giá, ông mới tìm được một danh y hốt thuốc trị dứt căn bệnh. May mắn hơn, ông lại tìm gặp người bác ruột của mình đang tu tại đây là Yết ma Thanh Đường tự Diệu Hán (1839-1915). Võ Ngộ Thông được thầy Yết ma truyền cho một số phương thuật bổ sung vào vốn hiểu biết của mình. Võ Ngộ Thông cám ơn bác ruột và xem như thầy, nên sau khi thầy mất, Võ Ngộ Thông đem quan tài từ Rạch Giá về an táng trong khuôn viên chùa Long An.

Lúc bấy giờ tại chùa Kim Tiên (An Hữu-Cái Bè) thiết lập Chúc thọ giới đàn, sư Võ Ngộ Thông được tôn làm Giáo thọ. Năm sau, chùa Lương Thành (Sa Đéc) cũng tổ chức Chúc thọ giới đàn, sư Võ Ngộ Thông lại được tôn làm Yết ma. Ở Tam Bình (Vĩnh Long) có một ông hương thân mộ đạo, hiến đất và xây dựng một ngôi chùa đem hiến cúng, được Yết ma Võ Ngộ Thông đặt hiệu là Long Nhơn tự. Khi khánh thành chùa Long Nhơn, sư tổ chức Chúc thọ giới đàn truyền giới cho 7 giới tử, được Tăng chúng tại đây tôn Đường đầu Hòa thượng. Sư lại giỏi phong thủy, được mời xem địa cuộc để xây dựng một ngôi chợ gần chùa Long Nhơn, có uy tín đối với chính quyền địa phương, nên được đề nghị lên Tham biện tỉnh Vĩnh Long suy tôn lên ngôi vị Hòa thượng. Lúc bấy giờ vợ ông Hương cả làng Phước Khánh (Bến Tre) bị bệnh nặng. Do người mách bảo, ông Hương cả bèn đến khấn rước Hòa thượng đến nhà trị bệnh. Gặp thuốc tốt, thầy giỏi, không bao lâu bà Cả lành bệnh. Ông Hương cả tin tưởng trời Phật phù hộ nên vào năm Đinh Tỵ (1917) xuất tiền trùng tu chùa Long An. Hôm khánh thành, chính quyền địa phương Cai Lậy báo cáo lên tỉnh Mỹ Tho, cũng là dịp ông “khai bằng” danh hiệu Hòa thượng của mình. Cũng dịp này, sư Võ Ngộ Thông đã thuê nhóm thợ của Tài Công Xuyên ở Gò Công lên đắp bộ tượng Phật, Bồ tát, các vị Thiện thần bằng hồ vữa, nay có thể gọi di sản quý. Bộ tượng được đắp thủ công không sử dụng khuôn nên còn mang đậm phong cách tượng mục đồng(1). Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho khách hành hương đến chùa tiện lợi, ông vận động xin đất rồi thuê mướn nhân công đắp một con đường dài hơn 2 km từ lộ Đông Dương (tức QL 1A hiện nay) vào chùa, dân địa phương gọi là lộ Hòa thượng, hiện nay vẫn còn sử dụng.

longancotu-3.jpg

Thị giả A Nan

Sau lễ khánh thành chùa Long An, vào năm Mậu Ngọ (1918), Hòa thượng Võ Ngộ Thông đến chùa Sắc Tứ Trường Thọ (Gò Vấp) lạy Hòa thượng Tâm Thông cầu pháp y chỉ, được pháp hiệu là Bửu Minh. Năm Nhâm Tuất (1922), Phật tử làng Tân Ngãi (Vĩnh Long) lập một cảnh chùa đem dâng cúng và được Hòa thượng đặt hiệu là Hội Đức tự để tưởng nhớ về tổ đình của mình là chùa Hội Thọ (làng Mỹ Thiện, quận Cái Bè).

Uy tín Hòa thượng Võ Ngộ Thông lan ra nhiều tỉnh và được nhân lên sau sự kiện tranh chấp chùa Phước Tường. Lúc bấy giờ thực dân Pháp chỉnh trang thành phố, phạm đến chùa Phước Tường của bà Ba Đông ở Chợ Lớn. Bà hoảng sợ đem ngôi chùa dâng cúng cho Hòa thượng Ngộ Thông, mong nhờ tài phép của thầy hộ trợ. Hòa thượng dời ngôi chùa đến Thị Nghè tốt đẹp và cử sư Phổ Trí trụ trì. Mấy năm sau thì bà Ba Đông mất, người cháu ngoại lai Ấn là Domanhe lợi dụng sự thật thà của sư Phổ Trí đến mượn giấy tờ bằng khoán, rồi chở tượng thờ đem gởi, tuyên bố “bán nhà bán đất”. Sư Phổ Trí chạy xuống báo tin cho Hòa thượng nhờ sự giúp đỡ. Hòa thượng bèn đến nhà Domanhe (Sài Gòn) làm thuyết khách khiến cho Domanhe hồi tâm, trả lại tượng thờ và bằng khoán tài sản cho chùa Phước Tường.

Đầu năm Giáp Tý (1924), tình cờ đọc báo Lục Tỉnh Tân Văn, Hòa thượng biết tin giữa tháng 8 năm ấy ở kinh đô Huế sẽ tổ chức lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định, bèn gọi cháu là Võ Công Phi trụ trì chùa Long Nhơn (Vĩnh Long) đến tham vấn. Họ thống nhất gần đến ngày ấy sẽ triệu tập Tăng chúng tông môn lại tụng kinh chúc thọ rồi đến Sài Gòn mua vé tàu thủy ra Huế. Khi đến Nha Trang, thầy trò Võ Ngộ Thông gặp các quan đầu tỉnh Thuận Khánh đi dâng lễ vật chúc thọ. Nhờ khéo léo làm quen, Võ Ngộ Thông biết được chương trình đại lễ nên khi đến kinh đô thì hai thầy trò đến gần chùa Sắc Tứ Bảo Quốc hỏi thăm tin tức. Gặp anh chủ quán trọ là lính trong hoàng cung, khuyên hai thầy trò Võ Ngộ Thông và Võ Công Phi đem giấy tờ tùy thân đến trình diện với quan Phủ Doãn Thừa Thiên rồi dẫn đến chùa Tây Thiên và chùa Sắc Tứ Bảo Quốc chiêm bái, nhìn nhận tông môn và bày tỏ ý nguyện muốn chúc thọ vua Khải Định.

Báo Trung Bắc Tân Văn(2) đưa tin thuật lại việc vua Khải Định tiếp kiến Hòa thượng Võ Ngộ Thông: Đến ngày rằm tháng 8 năm Nhâm Tý, (1924) chùa Sắc Tứ Bảo Quốc tập hợp chư Tăng tại kinh đô tụng kinh chúc thọ, vua Khải Định đến dâng hương lễ bái. Sau đó nhà vua và bá quan đến thiền đường uống nước. Hai vị Hòa thượng trụ trì chùa Tây Thiên và chùa Sắc Tứ Bảo Quốc giới thiệu có hai vị Hòa thượng người Nam kỳ ra kinh đô, muốn vào chúc thọ nhưng còn e ngại. Lúc đó có quan Phủ Doãn Thừa Thiên đứng bên cạnh nói vào nên vua Khải Định truyền cho Võ Ngộ Thông và Võ Long Phi ra trình diện. Hai người ra chào và dưng câu chúc thọ, được nhà vua vừa ý và hỏi:

- Hòa thượng, ở Nam kỳ là đất của ai?

Võ Ngộ Thông đáp:

- Muôn tâu bệ hạ, đất Nam kỳ được khai thác từ triều đại liệt thánh trước đến đời Thế Tổ Cao Hoàng để thống nhất một mối, khai hóa nhân dân, mở mang xóm làng, bờ cõi. Đến nay mọi người còn tưởng nhớ.

Vua lại hỏi tiếp:

- Trong Nam kỳ, Hòa thượng là người mộ đạo hay là minh đạo.

Hòa thượng trả lời:

- Muôn tâu bệ hạ, trong Nam kỳ việc tu hành của chúng tôi còn u ám lắm, chỉ mộ đạo tu hành mà thôi!

Khải Định lại hỏi:

- Hòa thượng biết Phật Thích Ca xuất thế bao nhiêu thế kỷ rồi!

- Tâu bệ hạ, Phật Thích Ca xuất thế đến nay được 2.939 năm (theo sách cũ).

Khoảng hơn nửa giờ, vua Khải Định hỏi Hòa thượng Võ Ngộ Thông nhiều vấn đề, được vua Khải Định khen là người mộ đạo, chân tu, thông hiểu giáo lý nhà Phật, nên ra lệnh thưởng cho Tam hạng kim tiền, Tùy anh huyền bội (dây đeo) cùng một cấp bằng “Sắc tứ”. Ít hôm sau, hai thầy trò được mời vào cung An Định xem mạch bốc thuốc, tụng kinh cầu an cho tôn cung thái hậu (mẹ vua). Khi tôn cung thái hậu dứt bệnh, vua ban thưởng cho Hòa thượng Võ Ngộ Thông ba lạng Tinh ngân Khải Định niên tạo.

Sau mấy tháng ở Kinh đô, hai thầy trò Hòa thượng trở về chùa, thiết lập đại lễ khánh hạ và đổi hiệu là “Hoàng Ân Sắc Tứ Long An cổ tự”. Hòa thượng Võ Ngộ Thông mất vào năm 1935 sau một cơn bạo bệnh, nhưng ảnh hưởng của ông đối với ngôi chùa và Phật tử địa phương hiện vẫn còn. 
Chú thích:

(1) Xem thêm Huỳnh Ngọc Trảng-Nguyễn Đại Phúc. Mỹ thuật dân gian Nam bộ-Tượng mục đồng, NXB Văn Hóa 1996. (2) Trung Bắc Tân Văn, tuần báo số 1 ra ngày năm 1913, là chi nhánh của tờ Lục tỉnh Tân Văn đặt tại Hà Nội, do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Tháng 1-1919, trở thành Nhật báo. Rất tiếc số này bị hỏng nên không rõ ra ngày nào, chỉ biết năm 1924.

Tài liệu tham khảo

1. Sắc Tứ Long An cổ tự Ngộ Thông hòa thượng sự tích (1924). Thông tín Phạm Kim Chi tự Ngọc Diệp và thư ký Nguyễn Bửu Thiện (tài liệu riêng của NNC Trương Ngọc Tường).

2. Hai vị Hòa thượng Nam kỳ ra kinh (Báo Trung Bắc Tân Văn).

3. Long An cổ tự ca (chữ Nôm) viết mùa đông năm Giáp Tý 1924, do NNC Trương Ngọc Tường dịch.

4. Trần gia phả hệ do ông Trần Văn Kiệt, xã Tân Hội lưu giữ.