Vai trò của Phật giáo Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước

1. Đã có một số dịp chúng tôi trình bày về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc, bao gồm cả thế kỷ 20 vừa qua, nhưng đây là lần đầu chúng tôi đề cập về vai trò này trong thời kỳ mới của đất nước ta: thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Và do cần có thời gian để mở rộng và kiểm nghiệm vấn đề nên trong tham luận này, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số luận điểm khơi gợi mà thôi.

Hội thảo nhóm: "Giáo dục Phật giáo kế thừa và phát huy"
Công nghiệp hóa và hiện đại hóa (nội hàm của hai khái niệm này được hiểu như trong các văn kiện chính thức đã công bố để tiện cho sự triển khai các ý sau) là hai quá trình đòi hỏi có chiến lược lâu dài và nhiều chính sách phù hợp về nhiều lĩnh vực của đời sống, song song là một bộ máy thực thi hữu hiệu, mạnh mẽ và trong sạch. Nhưng chủ thể thực hiện và hưởng thụ của hai quá trình này không ai khác hơn chính là con người dân tộc và con người cá nhân của đất nước ta. Hai quá trình này chi phối trực tiếp và gián tiếp đến mọi thành phần xã hội trong thời kỳ mới của đất nước. Hai quá trình đó đặt con người cá nhân và con người xã hội trực tiếp đối diện với mọi cơ hội mà chúng đem lại, nhưng cũng là các rủi ro mà người ấy phải đặt ra giải quyết, và như thế không chỉ đòi hỏi mỗi người làm tròn bổn phận trên nền tảng năng lực riêng, mà còn đòi hỏi đạo đức của người ấy đáp ứng nhu cầu chia sẻ và cảm thông, nhu cầu đạt đến sự công bằng cho mỗi cá nhân và các nhóm xã hội trong đất nước ta.

Nhìn lại hơn hai mươi năm đổi mới và phát triển, ta có thể thấy sự đi lên của nền kinh tế, của lực lượng sản xuất, của cơ sở hạ tầng, của sự mở rộng hội nhập, nhưng bình tĩnh để suy xét thì ta cũng giật mình với nhiều dấu hiệu cho thấy khá nhiều nhóm xã hội và tầng lớp xã hội đang đứng trước nguy cơ bị đặt ra ngoài lề phát triển, hoặc đang thực hành các hành vi “lệch chuẩn” và “loạn cương”, theo quan niệm của tâm lý học hiện đại. Các hành vi đó không đơn thuần chỉ là chỉ dấu tâm lý học, mà là chỉ dấu của một loạt các tác động hữu hình và vô hình, chứa chất các yếu tố khác nhau từ ý thức hệ, triết lý và tình cảm khác nhau mà nói đến chúng thì nhiều vô số. Nói cách khác, đằng sau những thành công thì đã dần lộ diện các dấu chỉ khiến cho sự phát triển trở nên thiếu tính vững bền. Mà trung tâm của sự thiếu tính vững bền đó không ai khác chính là con người cá nhân và con người dân tộc ta. Người ta phải kêu lên vì sao thấy có sự phát triển, nhưng sờ vào đâu cũng thấy có lỗi lầm, và không ít người tưởng như không bao giờ mắc phải sai lầm thì cũng có thể. Thì ra, ngoài sự phát triển kinh tế, người ta còn cần “phát triển” cả nhân cách và đạo đức, nhiều người đã cảm nhận thấy điều này và mong mỏi có sự đóng góp để cải thiện tình hình.

2. Đứng trước một thực tại như thế, không phải không có các sự đánh động từ phía Đảng và Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội, của dư luận quốc tế. Thậm chí cũng đã có nhiều biện pháp và giải pháp (cả về lý và về tình) nhằm giải quyết sao cho sự phát triển trở nên hài hòa nhưng dường như càng sử dụng các phương cách khác nhau thì kết quả khắc phục càng như vô hiệu, sự lệch chuẩn và loạn cương trong hành vi chưa chấm dứt, giảm thiểu. Hình như các công cụ điều chỉnh đưa ra đều như “giọt sương trên lá”, lại đâu hoàn đó, và sự nhức nhối do đó không hề giảm đi, nếu không muốn nói là con người giờ đây dường như cam chịu sống chung với sự nhiễu loạn. Và câu hỏi tưởng như đã nguội, tưởng như không bao giờ phải đặt lại, lại vọng lên: vì sao người ta không thể cùng hưởng một cuộc sống vật chất dồi dào đi liền với hạnh phúc trọn vẹn? Đâu là ý nghĩa của cuộc sống hiện tại? Thế nào là công bằng và bình đẳng, làm thế nào để có chúng trong thực tại? Đâu là giải pháp hữu hiệu và hữu hình để ta có thể thực hiện được một lý tưởng tự do nơi con người cá nhân nhưng lại có thể hòa hợp với cộng đồng hay con người dân tộc? Sự tiến bộ về tiêu thụ và mức sống nâng cao có thể tương thích với một đời sống nội tâm và tinh thần phong phú chăng, hay có cái này thì phải hy sinh cái kia và ngược lại? Có thể đặt hằng chục các câu hỏi tiếp nữa.

Hỏi như thế là để trả lời, hay góp thêm một câu trả lời. Giờ đây, không gian sống của con người cá nhân thu hẹp về giao tiếp nhưng người ấy lại đang bơi trong sự bùng nổ thông tin các chiều khác nhau. Do đó, con người ấy dễ dàng bị đưa vào một mạng các giá trị thật cũng có mà ảo cũng có, cùng với các điều kiện sống thực tế của anh ta, những giá trị thật và ảo đó đã phát huy tác dụng, không thể nói là hoàn toàn tiêu cực, nhưng lại càng không thể nói là hoàn toàn tích cực. Chính vì thế, với truyền thống cộng đồng đã định hình từ lâu trong xã hội ta, các giá trị thật và ảo đó được truyền lan và trở thành dư luận không ai có thể kiểm chứng thấu đáo, nhất là đối với những tầng lớp người còn đang nghèo khổ. Vì vậy, không thể nói rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề nếu chỉ dựa vào các công cụ pháp lý và tâm lý thuần túy, mặc dầu chúng rất cần, nhưng chúng lại là các áp lực nằm ngoài con người, không phải là sự thôi thúc từ bên trong con người đang mong muốn cải thiện tình hình.

3. Nhìn lại lịch sử, đã không còn nghi ngờ gì khi chúng ta khẳng định đạo Phật đã là một phần máu thịt của tâm hồn Việt Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu giúp chúng ta ngày càng khẳng định tính chất đó.

Nhiều giá trị của đạo Phật và phép ứng xử rút ra từ nó đã trở thành truyền thống và tập quán đối với người Việt Nam ta. Sự “quen thuộc” ấy như đã ăn sâu vào tiềm thức, khiến ít ai lại đặt ra câu hỏi rằng đó có phải là do đạo Phật đem lại hay không. Cố nhiên, cha ông ta khi tiếp thu đạo Phật không phải là trên nền tảng của sự trống rỗng tâm linh và tâm hồn, mà ta có thể khẳng định ngay rằng nền tảng đó là sự tôn kính và thờ phụng tổ tiên với tư cách như là một “tôn giáo” chủ đạo mà tài liệu khảo cổ học và ghi chép lịch sử đã cho biết. Đạo Phật du nhập không những không bào mòn nền tảng đó trên cơ sở của giáo pháp và thực hành trong thực tế cuộc sống, mà còn góp phần củng cố bằng truyền thống truyền thừa lịch đại tổ sư, như Thiền Uyển Tập Anh là một minh chứng. Đó có thể được coi là cuốn “gia phả” (phả hệ) xưa nhất mà hiện nay ta có thể biết ở nước ta. Vì thế, có thể mạnh dạn nói mà không sợ sai rằng đạo Phật với thờ cúng tổ tiên là hai cột trụ, cùng với tiếng nói làm thành ba chân kiềng nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đạo Phật đã phát triển đến độ chín muồi ở Việt Nam để ta có thể nhận định có một đạo Phật Việt Nam qua hình ảnh cao diệu của vị Vua Phật tử Trần Nhân Tông cùng với tư tưởng “cư trần lạc đạo” đầy tính khai phóng và làm tròn bổn phận và thời đại Lý, Trần rực rỡ mà nay không ai có thể phủ bác.

Kể từ đó, tuy có lúc thăng trầm, đạo Phật Việt Nam đã thành một hình hài riêng biệt, trở thành động lực gắn kết xã hội Đại Việt cho đến mãi ngày nay, khiến ta gọi nó là một phần máu thịt của tâm hồn Việt Nam. Đây là căn cứ khoa học xuất phát từ lịch sử để ta tin vào sự đóng góp của đạo Phật trong thời kỳ nước ta tiến hành công cuộc hiện đại hóa.

4. Song, nếu chỉ căn cứ vào lịch sử dễ khiến ta nghĩ rằng đạo Phật Việt Nam đã qua thời rồi. Và quả thực đã có thời ta đã nghĩ đến sự lạc hậu của đạo Phật chỉ vì căn cứ vào một số hình ảnh lệch lạc của nó. Trái với những ước đoán như thế, đạo Phật ngày nay đang đứng trước cơ hội lớn hơn bao giờ để có thể phát huy ảnh hưởng và trở lại thời kỳ huy hoàng của nó. Cơ sở nào khiến nảy sinh một nhận định như vậy? Theo chúng tôi, có mấy lý do sau:

- Thứ nhất, phải nói chính sự phát triển như vũ bão của đất nước sau hơn hai mươi năm đổi mới đã tạo điều kiện cho tư tưởng của đạo Phật được nhận thức một cách rõ ràng hơn, mạch lạc hơn và nhất quán hơn rằng đây không phải là một tôn giáo đi ngược lại với lợi ích của chính con người cá nhân và con người dân tộc. Nó lại càng không đi ngược lại với thời đại khoa học và công nghệ mà dân tộc ta đang bước vào, trái với việc quy kết cho nó một số đặc tính như mọi tôn giáo còn lại. Nói cách khác, đạo Phật thích hợp với thời đại ngày nay. Đã có nhiều, rất nhiều nhân tố tích cực của một xã hội Việt Nam đổi mới hình thành và đạo Phật có thể nương theo để xiển dương giáo pháp khoa học của mình (dựa trên ba nguyên lý là vô thường, khổ và vô ngã)

- Thứ hai, từ bản chất, đạo Phật là một khoa học, khoa học về đời sống nội tâm và cải biến nội tâm. Nó tránh những lý giải dài dòng và trừu tượng, tư biện, nó hướng đến một sự thực hành căn bản là làm cho thể xác (thân) và tinh thần (tâm),  không còn có sự ngăn cách và phân biệt, mà là một, thống nhất hai phần vốn đã không thể tách rời thành một thực thể duy nhất thực tồn sống động.

- Thứ ba, khác với nhiều luận thuyết và giáo lý lấy sự phụ thuộc bên trên làm căn bản, đạo Phật lấy chính nội tâm con người làm căn bản. Nói cách khác, nếu thực tập và thực nghiệm nội tâm đúng cách, ta sẽ có an lạc chân chính, sẽ xây dựng cuộc đời thực ngay trong hiện tại, không phải chờ đến lúc nào khác, hoàn cảnh nào khác, vì còn đâu sự phân biệt, hơn thua, tranh đoạt để mà phiền não và hy vọng ở tha nhân và tha lực. Cuộc sống bình thường của ta sẽ là một cảnh sống an vui và bình dị, “thuận thù” theo hoàn cảnh và không bị xao xuyến so đọ. Đó chính là cơ sở quan trọng để ta nói đến tính bền vững của nhân tính trong con người ta.

- Thứ tư, nếu chỉ như vậy thì đạo Phật liệu có gì hơn chủ nghĩa duy lý và tư tưởng khoa học đang chiếm vị thế thượng phong. Khác với một tư duy duy lý cùng cực, giáo pháp của đức Phật còn dạy và hướng dẫn con người lòng từ bi, thương đồng loại vô bờ. Đây mới là đặc tính chủ yếu nhất của đạo Phật. Nói cách khác, con người ta không chỉ tin tưởng, mà còn có thể thực hành lòng thương đó một cách thực tế, vô điều kiện. Chính phẩm tính từ bi đã làm nên đạo Phật, làm nên những đặc tính dân tộc như “bầu ơi thương lấy bí cùng...”, hay “lá lành đùm lá rách”, hay “chín bỏ làm mười”, hay “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hay “thương người như thể thương thân”, v.v... và nhiều đặc tính khác. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng dân tộc nào đã biết dùng đạo Phật làm lẽ sống, nhất định dân tộc đó là một dân tộc của lòng từ bi, nhất định dân tộc đó có tương lai xán lạn. Và dân tộc ta là một dân tộc như thế.

Để kết thúc bản tham luận, chúng tôi xin nhấn mạnh đến vai trò to lớn của đạo Phật trong xây dựng nội tâm con người mới của xã hội ta ở thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, và đó chính là một trong những nền tảng vững chắc để có thể khiến sự phát triển trong thời kỳ tới đây có được một tính chất đáng mong muốn, đó là sự phát triển bền vững. Chúng tôi tin tưởng như vậy. 

 TS. Nguyễn Quốc Tuấn
Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
(Tham luận Hội thảo Vesak 2008)