Những người đầu tiên khởi xướng Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam

Đọc các báo xuất bản trước năm 1945 tại Thư viện  Quốc gia, Viện Thông tin tư liệu, ở Hà Nội, như các tờ Đông Pháp Thời báo (ĐPTB) xuất bản ở Sài Gòn, Đông Pháp (ĐP) và Khai Hóa Nhật báo (KHNB) (1)  xuất bản tại Hà Nội cách đây vừa tròn 80 năm, ta thấy có sự trùng hợp về hoạt động khởi xướng và hưởng ứng Phong trào chấn hưng Phật giáo  ở hai miền.

Ngày 05 tháng 01 năm 1927, ông Nguyễn Mục Tiên, một nhà báo quen thuộc của nhân dân Sài Gòn trên tờ ĐPTB số 529 đã viết bài kêu gọi “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà”, ông viết: “Trót một thế kỷ nay, nòi giống ta đã bị một cái đại tôn giáo khác kia làm mất cả tinh thần đức tính của ông cha ta, chia rẽ đồng bào ta ra... ta lẽ nào lại chưa tỉnh ngộ còn muốn rước thêm chế thêm đạo mới”. Ông cho rằng, người Việt Nam muốn mạnh về đường tinh thần… nên vãn hồi lại lý tưởng cổ, tín ngưỡng cổ đã từng nuôi nấng và xây dựng nên truyền thống đạo đức mấy đời ông bà ta. Phật giáo đã có công gây dựng một phần lớn trong đấy. Ông đề nghị các nhà thức giả trong nước, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ sùng bái đạo Phật hãy mở cuộc điều tra về tình hình tôn giáo ở nước ta và góp sức vãn hồi lý tưởng. Nếu ai có ý kiến nhằm chấn hưng Phật giáo (CHPG), hãy mau đăng trên báo Đông Pháp. 

Khác với Nguyễn Mục Tiên chỉ kêu gọi CHPG chung chung mà không đề ra nội dung chấn hưng là gì, Giáo thọ Thiện Chiếu ở Linh Sơn tự (Sài Gòn), một người có trình độ cả về Phật học lẫn tiếng Hán, tiếng Pháp, trên ĐPTB số 532 ra ngày 14-1-1927 đã viết bài "Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà". Sau khi giới thiệu lược sử Phật giáo Việt Nam trước đây, sư đã nêu ra những nguyên nhân cơ bản làm cho Phật giáo Việt Nam lúc đó suy vi: Tăng giới không chịu chuyên tâm về đường học vấn; Phật lý không rõ rệt, nên những kẻ tại gia tín ngưỡng phần nhiều là mê tín. Ông hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Mục Tiên và đề xuất CHPG theo ba cách sau: 1) Lập Phật học báo quán để truyền bá Phật lý, khi Phật lý được vãn hồi sẽ xóa bỏ những điều mê tín; 2) Lập Phật gia công học để đào tạo ra những bậc hoằng pháp mô phạm để truyền giáo về sau; 3) Dịch kinh Phật ra tiếng ta để cho Phật giáo nước ta sau này khỏi sợ đến thất nguyên. Giáo thọ Thiện Chiếu đề nghị: “Xin các ngài trí thức nước ta, ai có lòng muốn CHPG nước nhà - đứng ra tổ chức một cái Hội “Chấn hưng Phật học” liên hiệp những người nào trong Tăng đồ đã biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình thi hành 3 cách trên".

Tỷ kheo tự Lai (Tâm Lai), trụ trì chùa Tiên Lữ tục gọi chùa Hang, làng An Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, trong một lần về Hải Phòng được đọc bài báo: Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà của ông Nguyễn Mục Tiên đăng trên ĐPTB số 529 ra ngày 05 tháng 01 năm 1927, sư ông Lai đã viết bài kêu gọi CHPG trên tờ KHNB số 1640 ra ngày 16 tháng 1 năm 1927 với một chương trình gồm 3 điểm: 1) Lập giảng đàn trong chùa; 2) Mở các trường (Sơ học yếu lược, Sơ đẳng tiểu học) bên cạnh các chùa, đón các thầy bên ngoài vào dạy, chỉ thêm mỗi buổi học 10 phút giảng kinh Phật; 3) Lập nhà nuôi kẻ khó, thu các người tàn tật đói khó vào nuôi, dạy cho họ nghề nghiệp sinh nhai để, làm nhà bảo cô dành cho các trẻ em mồ côi và nuôi cho chúng ăn học.
Chúng tôi xin lưu ý rằng, vào thời gian đó, việc phát hành báo chí từ Nam ra Bắc nhanh nhất cũng phải mất từ 3 - 5 ngày. Việc chuyển báo  từ Hải Phòng lên Đồng Bẩm cũng không dưới 10 ngày nữa. Nói thế để biết được rằng, việc theo dõi và bắt kịp thông tin phản ảnh trên báo chí lúc đó rất khó khăn. Sau khi được đọc bài của sư Thiện Chiếu, ngày 28 tháng 01 năm 1927, trên tờ KHNB số 1650, trong bài "Lại bàn việc CHPG",  sư ông Lai cho rằng: “CHPG thì một ý, có cái thủ tục thì hơi khác” và ông đưa ra chương trình 7 điểm: 1) Lập giảng đàn trong các chùa để giảng kinh, giảng sách Phật cho các nhà thiện tín; 2) Mượn các nhà văn sĩ thông Hán học dịch kinh sách Phật bằng chữ Hán ra quốc văn; 3) Mượn các nhà Pháp học dịch các kinh sách Phật bằng chữ Pháp ra quốc ngữ; 4) Lập ra trong mỗi chùa một cái thư viện; 5) Lập ra bên cạnh mỗi chùa một nhà nuôi kẻ khó cho làm các công việc; 6) Lập ra bên cạnh mỗi chùa một nhà nuôi người tàn tật và nhà cho thuốc cho kẻ đau ốm; 7) Lập ra ở bên cạnh mỗi chùa một nhà nuôi trẻ con mồ côi. 

Sư Tâm Lai không nhất trí với  sư Thiện Chiếu ở hai điểm: 1) Không cần lập Phật học báo quán mà chỉ cần liên hệ với một tờ báo có thiện ý, xin họ cho thuê 2 trang phụ trương đăng các bài báo về CHPG; 2) Không thành lập Phật gia công học hội vì các sơn môn đều có 3 tháng hạ là những tháng để cho sư học kinh Phật, chỉ cần học thêm chữ Quốc ngữ đem kinh sách về dịch là đủ. Sư ông Tâm Lai đề nghị sư Thiện Chiếu: “nếu định thực hành thì xin sư huynh liên lạc các sư từ Nam ra Trung, tôi sẽ liên lạc các sư từ Bắc vào Trung. Ta họp tất cả các sơn môn trong nước lại lập ra một Hội gọi là Việt Nam Phật giáo Hội chia ra 3 chi, mỗi chi có một ông chi hội tổng trưởng, đặt ra 3 chi hội quán ở 3 nơi chùa to nhất trong 3 thành phố Hà Nội, Huế, Sài gòn. Cùng nhau ta hợp sức mà làm các công việc đã định”.
Được tin ngoài Bắc có người khởi xướng CHPG với chương trình cụ thể, Hòa thượng Khánh Hòa cử Giáo thọ Thiện Chiếu ra Bắc gặp các sơn môn ngoài đó bàn việc thành lập Việt Nam Phật giáo Hội. Tháng 5 năm 1927, giáo thọ Thiện Chiếu ra tới Hà Nội đến yết kiến Tăng cang Đỗ Văn Hỷ - sư cụ trụ trì chùa Bà Đá (Linh Quang tự), xin phép lên gặp sư Tâm Lai (sư ông Lai vốn là một đệ tử của tổ đình này). Thấy một nhà sư Nam Kỳ mặc phẩm phục khác hẳn các sư ngoài Bắc, đột ngột xuất hiện nói năng quyết liệt, lại không đưa pháp giới, sư ông Lai chỉ ngồi nghe mà không dám bộc bạch chương trình CHPG của mình. Hai người ngồi với nhau một đêm mà không tìm được tiếng nói chung.

Do hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, những người khởi xướng CHPG ở hai miền chưa tìm được tiếng nói chung, chưa thống nhất chương trình hành động và gặp nhiều biến cố khách quan khác...;  do đó, sau khi sư ông Tâm Lai về làm đương gia chùa Phương Lăng thì phong trào CHPG xứ Bắc có phần trầm lắng rồi tắt hẳn vào năm 1929. Mãi đến năm 1932-1933, Phong trào CHPG xứ Bắc mới được khởi động lại bởi lớp người trẻ hơn, năng động hơn, thực tế hơn là các sư ông Trí Hải, Thái Hòa, … và các cư sĩ Lê Toại, Nguyễn Hữu Kha, Trần Văn Giác.
 Về chuyện Giáo thọ Thiện Chiếu, cuối tháng 5 năm 1927 ông trở về Nam với một số tạp chí Hải Triều Âm có đăng chương trình CHPG của Trung Quốc do Đại sư Thái Hư đề xuất. Trên đường về, ông ghé qua trường hương Long Khánh (Quy Nhơn) gặp Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Huệ Quang báo cáo về chuyến đi của mình... Công cuộc CHPG ở Nam Kỳ chỉ gián đoạn một thời gian ngắn, sau đó lại được tiến hành với sự ra đời của Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ ngày 26-8-1931 và tạp chí Từ Bi Âm...

Như vậy, với những tư liệu được đăng rải rác trên các báo thời bấy giờ, có thể coi ông Nguyễn Mục Tiên, sư Tâm Lai và sư Thiện Chiếu xứng đáng là những người đầu tiên khởi xướng Phong trào CHPG nước ta(2).
Chú thích:

(1) Tờ Thực Nghiệp có đăng rải rác  một số bài về CHPG nhưng ra sau các báo nói trên.
(2) Thực ra Đông Pháp Thời báo đã đăng nhiều bài có quan điểm tiến bộ về Phật giáo như: từ số 59 ra ngày 5 tháng 10 năm 1923 đến số 62 ra ngày 12.10.1927 liên tục đăng Lược khảo cách tu trong Phật giáo của Viên Hoành; số 70 (ra ngày 5.11.1923) đăng loạt bài Phật giáo lược khảo của Đông Pháp Thời báo; số 100 ra ngày 23-1-1924 có bài ảnh hưởng của bài Phật giáo lược khảo của TV v.v... nhưng chưa đề cập tới CHPG. Còn trên thực tế, tháng 7 năm Bính Dần (1926), mãn hạ, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu rước các Hòa thượng dự an cư kiết hạ tại chùa Long Phước (Trà Vinh) đến viếng nhà mình. Ông tiếp rước các vị cao tăng bằng một bài diễn văn, trong đó có đề nghị “Sửa đạo”. Ai ai cũng quan tâm đến lời đề nghị này. (theo sách Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh, NXB TP.Hồ Chí Minh, 2001). Theo chúng tôi, có thể coi đề nghị “Sửa đạo” của ông Huỳnh Thái Cửu là khởi đầu CHPG ở Việt Nam, nhưng phảI nói, việc khởi xướng CHPG trên báo chí có nội dung chương trình cụ thể phải là ông Nguyễn Mục Tiên, sư ông Tâm  Lai và sư Thiện Chiếu
.
Nguồn: giacngo