Về việc trùng tu tháp Tôn Đức ở chùa Bút Tháp

Tháp Tôn Đức ở chùa Bút Tháp, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng năm 1660, sau khi nhà sư Minh Hành, vị tổ thứ hai viên tịch năm 1659. Từ đó đến nay, ngọn tháp căn bản vẫn đứng vững, dù trong kháng chiến chống Pháp, một mặt tháp đã bị sạt lở do trúng đạn pháo của quân Pháp.

Bên cạnh tháp Tôn Đức còn có hai ngọn tháp nhỏ hơn là tháp Ni Châu và tháp Tâm Hoa. Khu vực này ở vườn hậu của chùa, từng làm ruộng lúa nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự bền vững của ba ngọn tháp.

Tháp Tôn Đức bị cây mọc trên ngọn
 
Riêng tháp đá Tôn Đức cao 11m, từ hàng chục năm nay có một cây bồ đề mọc trong lòng tháp và làm nứt ngọn tháp, có nguy cơ gây đổ vỡ ngọn tháp này. Các cơ quan văn hóa địa phương đã từng triệt phá cây nói trên, nhưng cây vẫn sống và ngày càng khỏe hơn. Trước nguy cơ ngọn tháp Tôn Đức có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, chúng tôi gồm sư trụ trì nhà chùa là Thượng tọa Thích Thanh Đông và Phan Cẩm Thượng đã làm đơn xin phép thôn Bút Tháp và UBND xã Đình Tổ, xin sửa chữa. Sau đó, chúng tôi lại chuyển đơn này tới Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH, TT&DL, để được chấp thuận. Ngày 16/2/2009, ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng đã ký công văn số 93/DSVHDT đề nghị Sở VH,TT&DL và địa phương ủng hộ chúng tôi làm việc này. Ông Bài cũng đã về tận nơi để xem xét...
 
“Ngày 20/3/2009, Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh đã ký công văn số 167/CVSVHTTDL cho phép chúng tôi tiếp tục sửa chữa ngọn tháp (họa sĩ Phan Cẩm Thượng).
Ngày 26/2/2009, chúng tôi bắt đầu tiến hành công việc tu sửa. Về phương pháp rất đơn giản, chúng tôi chỉ dỡ tầng ngọn của tháp, đào cây đi và lắp lại như cũ. Về kinh phí chúng tôi tự quyên góp từ bè bạn và thôn Bút Tháp cũng sẽ giúp đỡ một phần. Là người nghiên cứu chùa Bút Tháp lâu năm, lại có tay nghề thực hành, tôi cũng cam đoan với cục Di sản Văn hóa sẽ làm tốt công việc. Nhưng do chúng tôi không làm đơn lên phòng Văn hóa Thông tin huyện Thuận Thành và Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh, nên cán bộ huyện và tỉnh, vừa nhắc chúng tôi tạm dừng công trình và làm đơn tiếp gửi lên. Trong cuộc họp ngày 17/3/2009, trước các ông Nga, Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, ông Thanh Phó Chủ tịch huyện Thuận
Thành và ông Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, cùng đại diện của Cục Di sản, tôi phát biểu rằng: Một người dân như tôi, mà phải làm 5 lá đơn để xin làm một việc cho Nhà nước thì tôi thấy nản lắm. Vả lại cải cách hành chính cho phép một cửa, nên tôi chỉ làm đơn lên Cục Di sản của Bộ. Sau khi Cục đồng ý chúng tôi mới tiến hành. Nếu đợi tất cả các cấp cho phép thì tháp đã đổ rồi. Các đồng chí lúc đó nói rằng tôi tiến hành thủ tục thế là đúng, nay chỉ cần xã làm tiếp hai cái đơn gửi lên huyện và tỉnh. Và chúng tôi đã gửi đơn ngay hôm đó.

Do trên ngọn tháp có đặt hai cuốn kinh bằng đồng khắc năm 1660, một cuốn là Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm Kinh, một cuốn không có tên, nên Sở VH, TT&DL và bảo tàng tỉnh đề nghị chúng tôi tạm dừng công trình và đưa hai cuốn kinh về tỉnh. Ngày 20/3/2009, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh đã ký công văn số 167/ CV-SVHTTDL cho phép chúng tôi tiếp tục sửa chữa. Đồng thời, Sở cũng gửi công văn do ông Túc - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh ký thông báo về việc hai cuốn kinh sau 60 ngày mới giải quyết. Vì vậy chúng tôi tạm dừng công trình, thực tế đã gần hoàn thành, chỉ đợi hai cuốn kinh đưa về, đặt vào chỗ cũ, rồi lắp tấm đá cuối cùng vào là xong.

Trong quá trình làm, không một tấm đá nào bị hư hại, không có gì sai sót. Và chúng tôi làm đúng như quy trình truyền thống. Những tấm đá ngổn ngang đều là những mảnh vỡ của tháp từ đợt đạn pháo của Pháp bắn và một số tảng đá nhét trong lòng tháp. Tấm bia vuông nhỏ, chỉ có vài chữ, vỡ từ lâu vẫn ở vị trí đó chứ chúng tôi không lấy từ chỗ khác đến. Công trình hoàn thành sẽ có các cơ quan văn hóa nghiệm thu. Chúng tôi chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
 
Phan Cẩm Thượng

Phát hiện 2 cuốn sách đồng ở chùa Bút Tháp

 

Trong khi tiến hành trùng tu tòa tháp đá đã bị hư hại do nghiêng phần trên tòa tháp cổ nằm phía sau nhà tăng chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh), họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã bất ngờ phát hiện trong lòng tòa tháp đá cổ có hai cuốn sách bằng đồng khắc chữ Hán rất đẹp và gần như mới.
 
Câu chuyện lan xa rất nhanh và những nhà quản lý văn hóa và di sản địa phương tỉnh Bắc Ninh đã có mặt. Khi xác định đây là cổ vật phát lộ, ngay lập tức hai cuốn sách đồng đã được lập biên bản và địa phương đã mời các chuyên gia về di tích, cổ vật tới để tham vấn. Đại diện Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh, Ban quản lý di tích, Bảo tàng Bắc Ninh đã kịp thời có mặt để đưa ra những biện pháp bảo vệ đồng thời tiến hành nghiên cứu bước đầu để xác định giá trị lịch sử của những cuốn sách độc đáo.

Hiện tại sở VH-TT&DL Bắc Ninh đang đề nghị giữ lại 2 cuốn sách quý trong thời gian 60 ngày để nghiên cứu và phục chế phó bản. Theo nghiên cứu bước đầu đây là cuốn sách Kinh Phật được xem như đồ tuỳ táng của một nhà sư được Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tổ chức an táng trong ngôi tháp tại chùa vào thế kỷ XVIII.
 
Bìa cuốn sách đồng

Mỗi cuốn sách có kích thước 14,4 x 25cm, chữ Hán được khắc chìm rất đẹp và rõ nét như mới ở cả hai mặt. Cuốn thứ nhất với 23 trang sách đồng có tên “Đại phương Quảng hoa nghiêm kinh Hải hội Phật”. Trên sách có niên đại khắc: Vĩnh Bảo (1660). Quyển thứ 2 có 33 trang sách đồng chưa rõ tên.

Hiện tại chưa biết có trả bản gốc cuốn sách về tháp đá hay không. Theo nhà chùa thì sẽ xin lại bản gốc bộ sách để hoàn trả vào chỗ của nó trên ngọn tháp đá trước khi đặt khối đá đỉnh tháp nặng 350 kg.

Cho tới nay, chúng ta đã phát hiện được một số cuốn sách đồng như cuốn “Cầu Không từ ký” ở Cầu Không, thôn Văn An xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam là cuốn sách đồng cổ nhất. Ngoài ra còn có cuốn sách đồng ở Đông Lao (Hoài Đức, Hà Nội); 4 cuốn đồng thư triều Nguyễn ở Quảng Nam và cuốn sách đồng làng Mai Phúc xã Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội)…

Linh Ngân

Nguồn: TT&VH