Dấu tích nghìn năm

Chùa Phật Tích (hiệu Vạn Phúc Tự), nằm ngang chân núi Lạn Kha (Tiên Du),  xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh. Chùa Phật Tích giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là nơi đầu tiên có dấu chân của Phật giáo ấn Độ truyền vào nước ta khoảng thế kỷ thứ 2 sau CN.

Giá trị là thế song chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt đã tàn phá nặng nề di tích... Hôm nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công đức của nhân dân, chùa đang được xây dựng lại trên những chuẩn cứ lịch sử được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chuyện xây chùa không đơn giản ...

Những giá trị lịch sử văn hóa

Sách cổ ghi rằng, tương truyền nhà sư ấn Độ Kalacarya lập am tu hành tại Phật Tích, dùng Phật chú cầu mưa thuận gió hòa cho người dân Việt, xác nhận chùa Phật Tích từ nghìn năm trước đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng ghi, từ thế kỷ 5-6 sau CN, nơi đây là một trung tâm giáo dục Phật giáo lớn hội tụ nhiều dòng thiền Phật giáo: Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường... với rất nhiều thiền sư đắc đạo.

Năm 1041, vua Lý Thái Tông cho xây viện Từ Thị Thiên Phúc; năm 1057, vua Lý Thái Tông cho dựng ở sườn núi phía Nam ngọn bảo tháp cao 42m bên trong thờ một pho tượng Đức Phật ngồi trên tòa sen bằng đá xanh dát vàng cao 2,10m; thời Lý Thần Tông năm 1129, vua khánh thành 84.000 bảo tháp bằng đất nung đặt xung quanh Phật Tích.

Nhà Trần sau này còn đặt Phật Tích là trung tâm văn hóa - chính trị của Đại Việt, cho xây dựng thư viện lớn Viện Lạn Kha, thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng sáng tác Bảo Hòa thư bút tại cung Bảo Hòa và năm 1384 đã tổ chức thi tiến sỹ trên quy mô toàn quốc ngay nơi này...

Sách cổ “Minh chí” của Trung Quốc có nói rằng: Núi Tiên Du được cho là một trong 2 vùng núi thiêng hội tụ linh khí đất Đại Việt là Nguyệt Hằng và Nhật Thăng (Phật Tích và Côn Sơn - Kiếp Bạc- Đông Triều). Cũng ở Phật Tích năm 1071, vua Lý Thánh Tông đi du ngoạn khắp vùng đã viết chữ “Phật” dài tới 5m, sai khắc đá đặt trên sườn núi; các vua Trần thường du ngoạn, đãi tiệc yến vào tiết trùng dương tại chùa. Rồi truyền thuyết Từ Thức gặp tiên tại vườn mẫu đơn trước chùa, Vương Chất lên núi đốn củi gặp tiên ông đánh cờ, mải mê xem để cán búa mục nát...

Đại đức Thích Đức Thiện trụ trì chùa cho biết: Ngôi chùa xây dựng đại quy mô trong sử sách đã bị nhà Minh phá hủy hoàn toàn. Đến đời vua Lê Hy Tông năm 1686, chùa được xây dựng lại quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao với tòa nhà đá sáng đẹp như ngọc lưu ly, trên bậc thềm trước đặt 10 con thú lớn sư tử, voi, tê giác, trâu ngựa bằng đá, phía sau có ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng, sao Ngưu, sao Đẩu... và người có công xây dựng là bà chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng.

Kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa đã bị cháy hoàn toàn năm 1948. Năm 1959, Nhà nước đã tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng Phật bằng đá quý giá. Năm 1988, những kẻ đào trộm phá hủy một tòa tháp để lộ tượng cốt được xác định là di hài xá lợi của thánh tổ Chuyết Công hòa thượng hóa năm 1644.

Không gian mới của chùa Phật Tích và những di chỉ vô giá

Cứ liệu khảo cổ học

Ngày 22-11 khi đào móng xây lại tòa Tam bảo thuộc Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật tích, những người thợ xây dựng và cán bộ giám sát phát hiện một dải sỏi, theo hướng dẫn của Đại đức Thích Đức Thiện và cán bộ chuyên môn, những người thợ đã đào nhẹ thêm, phát hiện một móng gạch cổ. Đại đức đã lập tức tra cứu tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Louis Bezacier trước năm 1945 miêu tả cuộc thám sát ngôi tháp, xác định chiều ngang phần móng 8,5m.

Để giữ nguyên phần móng cổ, đơn vị thi công là Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương đã cẩn trọng đào rộng móng và phát lộ phần móng của tháp dài tới 9,1m, dày 2,4m. Như vậy chắc chắn, trước khi ngọn tháp này đổ vào thời cuối nhà Trần đầu nhà Hồ, đây đã là nơi đặt pho tượng Phật vào loại đẹp nhất, cổ nhất nước ta hiện còn lưu giữ.

Cũng theo đại đức, ngay sau khi phát lộ di tích, ông đã báo cáo lên Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh về phần móng ngôi tháp cổ được xác định là thời Lý với những viên gạch nung lõi cứng đề: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái bình tứ niên tạo” năm 1058… và cũng thông tin cho một số báo về phát hiện quý giá này. Rất buồn, nhiều phóng viên đã không “mục sở thị” còn đưa thông tin chưa chính xác khiến dư luận cho rằng, di tích đang bị phá... “tan hoang”.

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Túc cho biết: Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Di sản và đã tiến hành khảo sát thận trọng, lên phương án khai thác và bảo vệ những phát lộ mới trên. Đáng tiếc do tỉnh có một số hoạt động kỷ niệm lớn đúng thời điểm này nên công văn báo cáo Bộ chưa kịp thời.

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo, Sở đã cử các cán bộ khảo cổ trực tiếp làm việc tỷ mỷ, báo cáo hàng ngày tiến độ công việc xung quanh khu vực nền móng cổ. Mọi hoạt động trùng tu các khu vực khác trong di tích vẫn bình thường, không động đến nền móng và được giám sát  kỹ lưỡng.

Nền móng cổ nghìn năm tuổi đang được các chuyên gia thám sát, bảo tồn

Tranh luận về dấu tích mới

Có mặt tại khu vực khảo cổ, phóng viên ANTĐ được chỉ dẫn rõ, nền móng xây tháp dày đặc qua các thời Lý, Trần, Hậu Lê chồng liên tiếp đã được các nhà khảo cổ Việt Nam bảo tồn từ năm 1949-1951. Các kết cấu phần móng mới đều nằm ngoài khu vực bảo tồn và được đào cẩn thận dưới sự giám sát của cán bộ khảo cổ. Riêng phần móng đặt bức tượng quý, Đại đức Thích Đức Thiện giải thích: Về mặt tâm linh văn hóa cũng như tôn giáo, cần phải xây móng chắc chắn đúng vị trí đang thờ tự.

Vì thế để gia cố thêm sự vững chắc cho nền móng pho tượng, Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương đã thi công đảm bảo tuyệt đối không ảnh hưởng công tác khảo cổ, không có chuyện đơn vị thi công xâm hại di tích. Các khối di vật linh thú, hàng kè đá, vườn tháp cổ, giếng Rồng... với lời hứa đạo đức và trách nhiệm trước những công trình vô cùng giá trị của đất nước, chúng tôi cũng sẽ bảo tồn và gìn giữ một cách tỷ mỷ; hàng trăm hiện vật là các phù điêu đá, mảnh vỡ có chạm khắc hoa văn rất quý cũng được nhà chùa đánh dấu, cất giữ cẩn thận với dự định xây dựng một bảo tàng giáo dục lịch sử văn hóa. 

Trao đổi về vấn đề này, TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Ngay sau khi các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo Hoàng thành Thăng Long đi thăm quan chùa Phật Tích về, một số nhà khoa học thông tin việc chùa Phật Tích tu sửa đã xâm hại di tích khảo cổ học dưới lòng đất, tôi đã cử cán bộ trực tiếp đến và thấy chính giữa lòng chùa, nền móng của chùa Phật Tích xây bằng gạch thời Lý xuất lộ toàn bộ, rất chắc chắn và đẹp.

Về việc xâm hại di tích khảo cổ, phía quản lý ngành văn hóa Bắc Ninh đã thiếu sót trong quá trình thám sát khai quật, nhưng ngay lập tức tạm dừng xây dựng ở khu vực tháp và quanh chân tháp, tổ chức khai quật khảo cổ và có biện pháp bảo quản, làm tư liệu khoa học cho các hiện vật mới thu thập được. Ông Bài cũng cho rằng, dự án đã được thẩm định thiết kế do ngôi chùa trước khi trùng tu chỉ là chùa do dân làng tự dựng lại từ năm 1958-1991, chủ yếu để bảo vệ pho tượng Phật quý hiếm.

Vì vậy, để tương xứng với quy mô mặt bằng, giá trị lịch sử văn hóa của chùa cổ ngày xưa hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Bộ VH-TT&DL sẽ thống nhất phương án bảo tồn mới là lấp cát sau khi hồ sơ khoa học được hoàn thành để có thể triển khai thiết kế thi công tiếp. Mọi công tác xây dựng, trùng tu di tích này, Cục Di sản sẽ có những quan tâm, theo dõi chặt chẽ.

Những phản hồi của công luận là cần thiết và giúp cơ quan quản lý văn hóa có nhìn nhận và tinh thần trách nhiệm hơn trước di sản. Đấy là mặt tích cực. Nhưng theo ông Nguyễn Duy Nhất - Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, có rất nhiều di tích giá trị, khảo cổ, thám sát xong rồi để đấy, làm gì có phương án bảo vệ... “Vì thế nếu muốn có cái nhìn khách quan, nên đến tận nơi, và đọc tài liệu về Phật Tích, mới biết chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc gìn giữ và bảo vệ di tích”.

Trên đường về, nhìn không gian khu du lịch văn hóa đang xây dựng rất lớn ở đây, tôi nhớ lời Đại đức Thích Đức Thiện, dấu tích nghìn năm tại chùa Phật Tích nhiều người biết từ lâu, song bây giờ mới lên tiếng, đơn giản bởi họ chưa thực lòng với công tác trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích... 

Nguồn: ANTĐ