Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa!

LTS: Trên Tuổi Trẻ ngày 23-3, nhà văn Nguyên Ngọc vừa cất lên một lời than: Trùng tu, hết chịu nổi! Nhưng “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ấy không chỉ có ở riêng di tích, đền chùa nào. Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận.

Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa!

Có lẽ chưa bao giờ công cuộc trùng tu tôn tạo di tích ở Việt Nam lại đi vào "cao trào" như hiện nay. Bà con các nơi thi nhau lập hòm công đức, vận động tiền trong các tổ chức, cá nhân để bằng mọi giá tô lại tượng, sửa đình chùa miếu mạo quê mình. Họ coi đó như một cách bày tỏ tín tâm, sự sùng kính đối với chư vị thần linh. Nhưng…

Ông Phan Cẩm Thượng bên pho tượng hộ pháp cổ kính được “tha mạng” (không sơn lại theo lối làm mới) hiện đang ngự ở chùa Bút Tháp - Ảnh: Lãng Quân

>> Trùng tu, hết chịu nổi!

Xin "tha mạng" cho một ông hộ pháp!

Chúng tôi đi khảo sát số phận các ngôi chùa vùng Thuận Thành, Bắc Ninh cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ hàng đầu, họa sĩ, giảng viên Ðại học Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Ông Thượng sống ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đã nhiều năm, không phải ông xuất gia tu hành mà vì yêu kính di sản văn hóa tuyệt kỹ Bút Tháp. Và vì nữa, quá đau đớn với thực trạng tàn phá di sản dưới danh nghĩa trùng tu ở khắp nơi, ông Thượng đã chọn một chốn để nỗ lực nghiên cứu và coi sóc, xem như cõi "tháp ngà nghệ thuật" hi vọng sẽ còn sót lại của mình.

Khi nhắc đến chuyện tô tượng, sửa chùa làm "tan biến" các giá trị nghệ thuật cổ, họa sĩ Phan Cẩm Thượng khoát tay kể ra một loạt "điểm nóng": chùa Dâu, chùa Bình, chùa Tướng, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh; chùa Chuông ở Hưng Yên; chùa Trăm Gian, chùa Sủi (Hà Nội)... "Mà chẳng đâu xa, ngay trong chùa Bút Tháp nơi tôi đang ngồi với các vị đây cũng đã bị người ta xông vào "cung tiến" việc sơn lại các pho tượng tuyệt đẹp. Sểnh một cái họ thuê đám thợ chuyên đi làm đồ giả cổ, mua sơn hộp công nghiệp về bôi kín cả nhóm tượng chân dung các bà hoàng!".

Với hai ông hộ pháp khổng lồ trong chùa, khi các thợ sơn kiểu chuyên làm đồ gia công mỹ ký sơn xong một pho ai nấy mới tá hỏa: thế là giết chết pho tượng quý, sơn tượng cổ mà như bôi phẩm màu. Quyết định được ban ra muộn màng: xin hãy tha mạng (không sơn mới) pho hộ pháp còn lại. Bây giờ một ông cũ, một ông mới sơn vẫn đứng đó liếc nhìn nhau, chắc cả hai đều... rất đau.

Các pho tượng trong hệ thống “Thập điện Diêm vương” tuyệt đẹp của chùa Tướng bị sơn vẽ -Ảnh: Lãng Quân 

1 triệu đồng "làm mới" đền thờ Sỹ Nhiếp!

Suốt thời kỳ Bắc thuộc dài dặc, Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta, trường học đầu tiên của Việt Nam tại đây được mở rộng dưới thời ông Sỹ Nhiếp (186-226). Thời phong kiến, dân Việt Nam ta tôn ông Sỹ Nhiếp làm "Nam Giao học tổ", đền thờ ông trong thành Luy Lâu được gọi là "Văn miếu tiên nho". Tuy nhiên, lần này trở lại đền thờ Sỹ Nhiếp, chúng tôi ngỡ ngàng thấy tượng thờ, kiệu lễ, hoành phi câu đối trong đền đều nhất tề bị… sơn lại bằng sơn hộp công nghiệp trông rất phản cảm.

Cụ Nguyễn Văn Vịnh, 68 tuổi, người được dân giao coi đền thờ Sỹ Nhiếp, khoe: "Chúng tôi vừa sơn lại bảy pho tượng, cả tượng "đức ngài Sỹ Vương", hết hơn 1 triệu đồng". Cụ hào hứng kể: "Thôn chúng tôi có 152 hộ dân, chỉ đi vận động mất hơn nửa tháng là đủ tiền sơn lại toàn bộ tượng. Sơn xong, chúng tôi quay ra sơn nốt câu đối, bộ bát bửu, sơn cả cái đòn khiêng kiệu, ôi giời, nhiều hạng mục phải làm cho đẹp lên lắm. Chúng tôi vận động được tiền rồi nói với cán bộ văn hóa xã, huyện rằng cho chúng tôi "quang diện" (sơn cho đẹp đẽ - NV) lại toàn bộ mà". Hỏi: "Có chỗ nào trong đền mình chưa sơn lại không hả cụ?". Trả lời: "Có mấy cái mới mua chưa sơn lại thôi. Chúng tôi toàn nhờ anh Quỳnh, thợ sơn thuê ở ngoài Mãn Xá (xã bên - NV), sơn cho ấy mà".

Tôi quay sang hỏi ông Phan Cẩm Thượng có phải sơn Nhật không, ông trợn mắt: "Làm gì được sơn hộp của Nhật, đây là sơn hộp ta, dùng để phết cửa rả ở quê ấy". Các pho tượng đỏ lòm, vàng chóe, bôi quết ngoang nghếch, đặc biệt các vị quan văn quan võ của ông Sỹ Nhiếp đều được thợ vườn vẽ râu vẽ ria, mắt trắng dã, méo xẹo như trong một vở tuồng cấp xã. Trong khi pho tượng cổ râu ria của các ngài được cắm từng sợi rất cẩn thận và thẩm mỹ.

Ông Thượng như chết đứng, lẳng lặng bỏ ra ngoài đền đi chụp khung cầu đá cổ nổi tiếng còn nguyên vẹn trên con đường dẫn vào đền. Tôi đi theo, ông Thượng lẩm bẩm: "Bà con đã sơn lại hết rồi, biết làm sao được!". Sơn dỏm này đã giết chết các pho tượng quý, cả tượng Nam Giao học tổ chỉ bằng 1 triệu đồng (thế là còn đắt!). Ðáng sợ hơn, sơn công nghiệp kín mít làm các pho tượng không thể thở được (như dùng sơn ta), chỉ một thời gian tượng sẽ phá ra và hỏng toàn bộ.

Hầu như toàn bộ hệ thống tượng ở đền thờ “Nam Giao học tổ” Sỹ Nhiếp bị hủy hoại bởi sơn công nghiệp - Ảnh: Lãng Quân

"Mình có Thập điện Diêm vương rồi, còn nhận thêm 10 ông kia nữa làm gì?"

Nhà nhà “trùng tu tôn tạo” di tích

Ở Việt Nam có khoảng 7.300 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nằm rải rác khắp các tỉnh, thành. Theo thống kê, chỉ riêng trong các năm từ 2006-2008, Nhà nước đã đầu tư tới 863,42 tỉ đồng cho mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo 506 lượt di tích.

Số tiền khổng lồ này, theo cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài, mới chỉ chiếm 50-80% tổng số vốn đầu tư thực tế ở các dự án (số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa). “Ngành văn hóa đã thống kê giai đoạn 2001-2005, ước tính số kinh phí do dân đóng góp để chống xuống cấp di tích khoảng 500 tỉ đồng, giai đoạn 2006-2008 khoảng 145 tỉ đồng/năm. Riêng tại Hà Nội từ năm 2002 đến nay, nhân dân đóng góp 449 tỉ đồng trùng tu 900 di tích (chưa kể hiện vật và ngày công)…”.

(Nguồn: Trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch, đề ngày 24-2-2009)

Khủng khiếp hơn là ở chùa Tướng, thờ Pháp Lôi, nằm trong hệ thống thờ Tứ Pháp tối cổ của nước ta, cùng thời với chùa Dâu, có từ thế kỷ thứ 2. Anh Chăm, 47 tuổi, người nhang khói ở chùa..., thở dài khi gặp lại tôi: "Chúng tôi vận động bà con trong xóm và khách thập phương lấy tiền để sơn tượng rất kỳ công đấy nhé".

Trời ạ, không dám tin vào mắt mình nữa, ngôi chùa Phật giáo đứng vào hàng cổ nhất của Việt Nam mà chỉ trong vài năm, toàn bộ các pho tượng biến từ màu đen sang màu... vàng chói chang. Một cái "mốt" thay màu tượng thờ quái đản. Những gì ông Thượng chụp ảnh và viết trong các cuốn sách của mình giờ không thể nhận ra! Anh Chăm và bà vãi hiền lành đi theo tôi giải thích: "Tượng mới sơn lại nhưng cứ bị bạc màu dần trông hơi xấu. Có tiền, nhà chùa chúng tôi lại cho sơn lại cả sang màu vàng cho nó đẹp".

Tôi và bà vãi cứ đi lan man trong một thế giới tượng được sơn phết bằng sơn công nghiệp, râu ria vẽ loằng ngoằng, màu mè xanh đỏ chói gắt. Trong chùa Tướng, nền lát gạch hoa, toàn bộ bêtông, đèn xanh đỏ trùm kín mặt tượng, đèn điện nháy tràn cung mây. Ðặc biệt, bên cạnh "Thập điện Diêm vương" bị bôi vẽ do các thợ vườn mỹ ký, các bà buôn ở TP Bắc Ninh còn cung tiến vào chùa các bộ "Thập điện Diêm vương" mới với 10 cụ vàng chóe, đỏ đòng đọc sơn công nghiệp, tượng nào cũng vuông rìa sắc cạnh như đồ chơi trẻ em.

Ông Thượng thắc mắc với anh Chăm: "Mình có tám vị Diêm vương cổ rồi còn lấy thêm 10 ông Diêm vương mới nữa làm gì, nó phá vỡ hết không gian được bố trí rất tài tình của chùa Tướng". Anh Chăm gãi đầu gãi tai: "Họ cho thì lấy". Có người cung tiến cả tượng Quan Âm bằng thạch cao, cao đến 3m, không đưa vào được, nhà chùa đành để ngài trắng toát ngự giữa sân với đủ ngai, tán lọng, bệ thờ, bậc gạch như một ngôi miếu mới!

Nguồn: tuoitreonline.com