Chùa Kim Liên - Bông sen bên Hồ Tây

Trên khu đất ngày nay chùa Kim Liên tọa lạc, dưới thời vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) là nơi dựng cung điện để công chúa Từ Hoa ở và dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Vì thế nơi đây còn gọi là trại Tầm Tang. Ngôi chùa được xây dựng trên một khu đất cao ven hồ Tây, nay thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Chùa còn có tên là Hoàng Ân tự. 

Công trình Phật giáo này có ba ngôi nhà chồng diêm xếp nối tiếp nhau thành hình chữ “tam”, vừa trang nghiêm, vừa lộng lẫy, lại hòa nhập vào cây xanh và nước biếc xung quanh. Mỗi ngôi nhà đều có hai tầng, mỗi tầng bốn mái (kiểu thức mà dân gian gọi là tám mái). Kiểu thức chồng diêm này đã có từ thời Mạc, nhưng chủ yếu được dùng để xây các gác chuông. Hầu như không có ngôi chùa nào dùng kiểu kiến trúc này để xây các nhà chính như ở chùa Kim Liên. Thêm vào đó, cả bốn mặt tường chùa đều xây gạch trần mà màu sắc của gạch kết hợp với việc trổ các cửa sổ tròn hình “sắc sắc – không không” theo quan niệm Phật giáo như ở chùa Tây Phương tạo ra vẻ đẹp mộc mạc, trang nhã.

 

 

Nét độc đáo của chùa Kim Liên còn thể hiện ở tam quan mà nhìn từ xa như một cánh diều no gió đang bay khỏi lũy tre làng lên trời cao. Trong khi phần lớn tam quan các chùa đều được xây dựng kiểu kẻ chuyền ba cột (hàng cột giữa vừa chịu lực của bộ mái, vừa làm điểm tựa cho bộ khung cửa khi đóng mở) thì ở chùa Kim Liên, tam quan chỉ có một, vì nhà với một cột giữa và từ cây cột đó các con rường xòe ra hai phía đỡ các tàu mái. Khẩu độ của các con rường thu nhỏ dần tới nóc, tạo độ dốc cần thiết cho mái chảy. Các vì được nối với nhau bằng các xà trên và xà dưới, tạo nên ba gian, hay ba lối vào theo quy định của cửa thiền.

 

 

Đề tài chủ yếu trang trí trên kiến trúc chùa là loại lá ba chẽ, có gân nổi mà có nhà mỹ thuật gọi là lá “đu đủ” hoặc lá “thầu dầu”. Tuyệt nhiên không thấy đề tài rồng ổ, rồng đàn hoặc rồng hòa chung nô dỡn với các loài muông thú như ở nhiều chùa khác. Tại chùa Kim Liên còn giữ được nhiều pho tượng đẹp. Vẻ đẹp khỏe khoắn của phong cách tạo tác thể hiện rõ nhất ở tượng Tôn Ngộ Không. Nhìn từ bất cứ góc độ nào, người xem đều thấy Tôn Ngộ Không như sắp hành động. Chỉ với động tác bấm ngón tay cũng đủ làm cho Tôn Ngộ Không có vẻ bình tĩnh, nhẫn nại. Tượng Văn Thù ở tư thế đứng, hai bàn tay chắp lại, hai ống tay áo ép sát ngực, vẻ đăm chiêu như đang niệm Phật. Nhưng vẻ bình thản trên nét mặt lại không hòa hợp với sự rung động trên nếp áp cà sa. Nét tương phản này làm lộ ra sự mâu thuẫn giữa cái bình lặng vừa có với cái náo động đang vương vấn, khiến cho pho tượng toát lên vẻ lo âu. Rồi tượng Xá Lợi cao 1,5 mét…

 

 

Chùa Kim Liên vừa thờ Phật, vừa thờ công chúa Từ Hoa. Ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1445, 1631, 1639, 1771, 1792 được ghi lại trên các tấm bia. Đến năm 1983, Bộ Văn hóa thông tin đã tổ chức trùng tu lớn để giữ lại những nét kiến trúc thời Tây Sơn (thế kỷ 18).

 

 

Được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất ở Hà Nội, chùa Kim Liên là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ngôi chùa là một di sản văn hóa quý giá bên hồ Tây lộng gió và mênh mang sóng nước.

  

Thu Hoa

Nguồn: Ktdt.com

Những ngôi chùa độc đáo ở Hà Nội

chùa Kim Liên tại Hà Nội

Ngôi chùa độc đáo nhất Hà Nội ngoài kiến trúc, được xem là "độc nhất vô nhị" ở Hà Nội, chùa Kim Liên còn được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở vùng đất kinh kỳ, ngàn năm văn hiến này: Huyền tích chùa Kim Liên
 
Chùa nằm trên một doi đất rộng ăn ra Hồ Tây. Đây là địa phận làng Nghi Tàm, Quảng An, quận Tây Hồ hiện nay. Tương truyền, đây chính là khu vực nền cũ của cung Từ Hoa, có từ đời nhà Lý. Chuyện xưa kể rằng, công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), đã đem cung nữ đến khu vực này trồng dâu nuôi tằm, mở mang một trang ấp đặt tên là trại Tàm Tang. Vua Lý Thần Tông cho dựng cung Từ Hoa ở ngay trang ấp Tàm Tang để công chúa sống. Dần dần, vùng đất này được gọi là Nghi Tàm. 
 
Trong chùa hiện nay có tấm bia đá do học giả Bùi Huy Cận soạn năm 1868. Nội dung tấm bia cho biết: Chùa có tên là Đại Bi, được xây dựng vào năm 1861 và do gia đình ông Nguyên Thế Hựu bỏ tiền ra xây dựng. Đến thời chúa Trịnh Sâm, chùa có sự thay đổi khá nhiều. Do quá say mê thứ phi Đặng Thị Huệ, năm 1771, chúa Trịnh Sâm đã cho quan quân tháo dỡ một số ngôi chùa khác trong kinh thành để tu bổ lại chùa Đại Bi vì đây là nơi bà thường đến lễ bái. Ông cũng cho đổi tên chùa thành Kim Liên. Sau đó, vua Quang Trung đã cho trùng tu lại chùa Kim Liên. Diện mạo ngôi chùa được giữ nguyên từ đó đến nay. Độc đáo và hài hòa Trong hệ thống chùa chiền ở toàn miền Bắc hiện nay, chỉ còn một ngôi chùa có lối kiến trúc tương tự chùa Kim Liên. Đó là chùa Tây Phương ở Thạch Thất, Hà Tây với những pho tượng La Hán nổi tiếng. Bố cục của chùa có lối chữ Tam, gồm ba nếp nhà chạy song song với nhau, tòa giữa ngắn hơn và mỗi nếp đều có cấu trúc độc lập, gần giống nhau, gắn kết lại, tạo thành một thể thống nhất. Các nếp nhà đều có hai tầng mái, lớp ngói vảy cũ với các đầu đao được làm bằng gỗ, chạm khắc cầu kỳ, nhưng trông rất mềm mại. Tất cả các cột, xà đều được làm bằng gỗ, tường xây gạch không trát phía ngoài.
 
Toàn bộ cổng chùa cũng được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây
vờn...  Đây là lối kiến trúc có từ thế kỷ 17 trở về trước và chỉ phổ biến ở Đàng Trong. Người ta cho rằng, chính vua Quang Trung đã hạ lệnh trùng tu lại chùa, có thể là do một tốp thợ Đàng Trong tiến hành, nên chùa mới có được lối kiến trúc này, khác hẳn so với những ngôi chùa khác ở đất Thăng Long- Hà Nội. Đặc biệt, trong chùa có một pho tượng gỗ được xác định là tạc cách đây hơn 200 năm. Tượng cao khoảng 1,7m, hình một người trung niên, râu ba chỏm, tay cầm hốt, đầu đội mũ niệm, nhưng lại mặc áo cà sa. Có thuyết cho rằng đó là tượng chúa Trịnh Giang hoặc chúa Trịnh Sâm nhưng cũng có thuyết cho đó là tượng vị hòa thượng trông coi chùa, mà vị này nguyên là nội thị trong phủ chúa Trịnh. Tiếc là trong những năm qua, xung quanh khu vực chùa, rất nhiều khu biệt thự kiểu Tây, rồi những khách sạn lớn mọc lên làm mất đi không gian thoáng đãng, thanh tịnh rất đẹp của chùa Kim Liên.
 
Nguồn: tsttourist.com