Triết lý Phật giáo thời Trần trong biểu tượng hoa sen

Phật giáo thời nhà Trần cho rằng: rễ sen ăn sâu dưới bùn đại diện cho đời sống vật chất, cọng sen vượt ngang qua mặt nước tượng trưng cho cõi trung giới, còn hoa nở trong không khí trên mặt nước lại biểu thị cho thế giới tinh thần. Ở Việt Nam, hoa sen chẳng những quen thuộc trong đời sống hằng ngày mà còn xuất hiện trong các huyền thoại Phật giáo gắn với những vị vua như: Khi có thai vua Lê Đại Hành, mẹ vua nằm mơ thấy bụng nở hoa sen; vua Lý Thánh Tông mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dắt vua lên toà; vua Trần Nhân Tông "nằm ngủ trong chùa Tư Phúc mơ thấy từ rốn mình mọc lên một bông sen, trên bông sen có một vị Phật mình vàng”…

Cùng với những truyền thuyết này, thì trong kiến trúc cổ Việt Nam, hình tượng bông sen cũng đã được đưa vào một cách đầy sáng tạo. Tháp Phổ Minh thời Trần là một trong những tác phẩm kiến trúc như vậy và được gọi là tháp hoa sen. Tháp được xây dựng ở trước hiên chùa Phổ Minh, Nam Định, là một ngôi tháp độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thời Trần và cũng được xem là tháp tưởng niệm của vua Trần Nhân Tông - danh phong: Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Phật.

Toàn bộ cây tháp cao 13 tầng, được đỡ bằng một bệ sen lớn gồm hai lớp, chạm bốn mặt của chân tháp và được cấu tạo một cách rất đặc trưng theo kiểu hình vuông, tương tự như lối chạm khắc thường gặp trên các bệ đá hoa sen thời Trần tìm thấy vào các giai đoạn sau này. Thú vị là hai lớp cánh sen này, một ngửa một úp; lớp cánh sen úp chỉ là những cánh có tiếp diện nhìn nghiêng nằm úp xếp đều đặn với nhau; còn lớp cánh sen ngửa thì được xen kẽ giữa một cánh nhìn thẳng, một cánh nhìn nghiêng, khiến cho tiết điệu của các lớp cánh được thay đổi. Trên mỗi đầu của các cánh sen lại được tạo bởi hai văn xoáy, và được điệp lại trên dìa cánh tạo nên sự sinh động, liên hoàn. Chúng góp phần tạo nên biểu tượng bông sen nghìn cánh như Hoa Nghiêm Kinh mô tả với những lớp chồng xếp sau trước, chứ không đơn thuần là hai lớp cánh được tạo hình một cách hết sức tượng trưng ở đây. 

Hoa sen tượng trưng cho ý nghía nhân quả của Phật pháp.
Cái tinh tế không chỉ dừng lại ở việc tạo ra hai lớp cánh sen này. Người ta còn nhìn thấy một lớp.    

Cánh sen nhỏ hơn được tạc ở tầng đầu tiên của cây tháp, như nhấn mạnh cho ý nghĩa tháp được đặt trong lòng của một bông sen khổng lồ. Bông sen đang toả hương khoe sắc trên mặt hồ được tượng trưng bằng những lớp sóng nước được chạm khắc ở ngay chân tầng tháp. Chúng tạo nên một sự tinh tế, trang nghiêm mà người thưởng ngoạn phải thật để tâm mới có thể thấy.

Song hành với việc tạo tác một bông hoa sen khổng lồ, thì phần sân xung quanh tháp cũng được đào sâu xuống so với sân chùa và được kè vuông bốn phía. Điều này không chỉ có tác dụng làm cho móng tháp thêm vững chắc mà tạo ra biểu tượng hồ nước “Bích trì” trong đạo Phật. Nó tạo ra một cái nhìn tổng thể từ chạm khắc cho đến kiến trúc và thiết kế không gian. Toàn bộ mô hình này của cây tháp khiến ta nhớ đến bức tranh “Hoa Tạng thế giới” trong kinh Tịnh Độ Tông, mà ngôi tháp giống như một sự hiện thực hoá của hình ảnh này bằng nghệ thuật kiến trúc.

Hình dáng của hoa sen cũng như sự sinh trưởng của nó còn mang lại cho ta những liên tưởng sâu sắc về cuộc sống. Rễ sen ăn sâu dưới bùn đại diện cho đời sống vật chất, cọng sen vượt ngang qua mặt nước tượng trưng cho cõi trung giới, còn hoa nở trong không khí trên mặt nước lại biểu thị cho thế giới tinh thần. Sở dĩ, người ta cho rằng hoa sen gắn với đạo Phật, bởi ở trong hoa đã có quả hay còn gọi là: “vị liên cố hoa” tượng trưng cho một ý nghĩa "nhân quả" của Phật pháp.

Đức Phật Thích Ca cũng đã dùng chính những ý nghĩa vi diệu này của hoa sen để chỉ ra: Phương tiện Phật hoá độ chúng sinh chính là Phật pháp Đại thừa. Trong đó, những mưu cầu giải thoát cho cá nhân được xem nhẹ mà đặt lên trên hết là sự mong muốn đi đến giải thoát cho tất cả, mong đem lại sự giác ngộ chân lý tới mọi chúng sinh trong cõi trần ai.

Quan niệm nhân sinh đó của Phật giáo Đại Thừa cũng chính là triết lý Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra, nhằm mục đích gom toàn dân từ xác thịt đến linh hồn vào một khuôn khổ do họ Trần đặt ra. Điều đó biến Phật phái Trúc Lâm trở thành hình thái ý thức hệ của bộ ba "tam vị nhất thể" gồm Phật - Vua - Cha, phương tiện đắc lực giúp nhà Trần cai trị con dân. Trong đó, Vua - Cha là điều đã có sẵn trong Nho giáo, còn nhà Trần chỉ sáng tạo thêm Vua - Phật (Phật giáo) để biến các vua thành Thần - giáo chủ. Ý nghĩa này cũng cho thấy tính chất cân bằng của Nho Phật trong triều đại nhà Trần. Việc hư cấu, mô phỏng cuộc đời Trần Nhân Tông từ lúc sinh thành cho tới khi lên ngôi rồi đắc đạo, giống như Thái tử Siddnartha trở thành Phật Tổ của nhà Trần không ngoài mục đích này. Thậm chí khi Trần Nhân Tông qua đời, những nghi thức mai táng cũng như thờ cúng ông đều được thực hiện giống như với một vị Phật.

Theo ghi chép về việc mai táng vua Trần Nhân Tông của tài liệu thế kỷ 19, đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng tháp Phổ Minh chính là ngôi tháp chứa xá lị của ông với hiện thân là một đoá sen vàng rực rỡ. Cây tháp chính là biểu tượng cho sự đồng nhất Vua - Phật, Phật - Vua. Cái tên Phổ Minh cũng phản ánh tư tưởng này của Phật phái Trúc Lâm. Đó là đem ánh sáng Phật, ánh sáng minh triết để giúp mọi sinh linh giác ngộ. Do đó cây tháp vào giai đoạn này không còn chiếm vị trí trung tâm chùa như thời Lý, mà được đặt trước Tiền đường để trở thành biểu tượng phổ quang Phật pháp.

Tháp Phổ Minh, vươn cao sừng sững như nối trời và đất, dù cách xa hàng cây số, người ta vẫn có thể trông thấy. Nó vừa là điểm nhấn cho toàn thể kiến trúc chùa, và là cánh cổng mở ra thế giới tâm linh cho hàng nghìn tăng ni, phật tử hướng về. Có thể nói bằng hình tượng hoa sen, những nghệ nhân thời Trần đã mang đến một cách tiếp cận mới về đạo Phật thông qua kiến trúc, một cách thật cụ thể và hữu hình.

Theo: báo đất Việt