Xây dựng Tăng Thân

Chúng ta có thể ví tăng thân như một khu rừng, trong đó các phần tử là những cây đứng thẳng bên nhau, mỗi cây mang một sắc thái, một thứ bậc cao thấp, nhưng tất cả đều cùng đóng góp cho sự lớn mạnh của khu rừng.  Khi thấy các cây đứng vững bên nhau như vậy, chúng ta có cái cảm giác của sự uy nghiêm, sự hùng vĩ của rừng thiêng.

Tăng đoàn cũng vậy, khi mọi phần tử của tăng đoàn đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm, tăng đoàn đó phát ra một năng lượng hùng tráng của sự vững chãi, của sự thảnh thơi.

Năng lượng của tăng thân là một năng lượng có khả năng che chở mình, chuyển hóa mình.  Mọi thành phần trong tăng thân đều có nhiệm vụ đóng góp vào việc phát khởi năng lượng đó.  Sự đóng góp đó gọi là xây dựng tăng thân.  Xây dựng tăng thân là công trình rất quí báu của người xuất gia cũng như tại gia.

Khi tôi lớn lên như một sư chú, một vị thầy trẻ, nhìn quanh tôi thấy các bậc tôn túc ở trong giáo hội có khá nhiều thầy học giỏi, có khá nhiều thầy giảng diễn hay, có khá nhiều thầy có khả năng làm chùa, lập hội, nhưng các thầy có khả năng xây dựng tăng thân thì không có được bao nhiêu vị.

Trong số những vị có tài năng xây dựng tăng thân, ta có thể kể Hòa Thượng Trí Thủ, ngày xưa Ngài đã từng ở chùa Ba La Mật, thôn Vĩ Dạ, và Hòa Thượng Thiện Hòa, ngày xưa ở chùa Ấn Quang.  Các Ngài giống như những con gà mẹ, xòe hai cánh ra để ấp ủ, nuôi nấng không biết bao nhiêu gà con dưới đôi cánh bao dung và ấm áp của mình.

Khả Năng Dựng Tăng

Không phải có ý muốn thành lập tăng thân là ta có thể thành lập được một tăng thân.  Ý hướng có đó nhưng có thể ta không có tài năng, không biết nghệ thuật.

Đức Thế Tôn là một người có tài năng thành lập tăng thân.  Ngay trong năm đầu của sự nghiệp giáo hóa, Ngài đã lập được một tăng thân xuất gia trên một ngàn hai trăm vị.  Đức Thế Tôn đã biết sử dụng tài năng của các thầy lớn như thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, thầy Phú Lâu Na để giúp Ngài trong việc giáo hóa tăng đoàn.

Sở dĩ Đức Thế Tôn thành công lớn trong sự nghiệp hoằng pháp của Ngài, một phần quan trọng là do sự kiện Đức Thế Tôn có một tăng thân xứng đáng.  Trong tăng đoàn của Ngài có những bậc đã chứng ngộ, đã đạt tới những thánh quả, tuy nhiên cũng có những thầy, những sư cô còn yếu kém, lao đao.  Tất cả những điều đó đều đã được ghi vào trong sách sử.

Tăng đoàn của đức Thế Tôn có chánh niệm, có từ bi, có trí tuệ, có chứng đắc nhưng cũng có những ganh tị, những vướng mắc.  Tuy vậy, sự có mặt của chất phàm ở trong tăng thân đã không làm giảm đi cái giá trị và hiệu năng của tăng đoàn của Bụt.  Vua Ba Tư Nặc là một trong những người đã xác nhận điều đó.  Một hôm nhà Vua bạch với Bụt rằng:  "Bạch Thế Tôn, mỗi khi con nhìn tăng đoàn của Ngài, thì con có niềm tin nhiều hơn ở nơi Ngài".

Câu nói đó có nghĩa là khi nhìn Ngài thì con đã có niềm tin, nhưng khi nhìn tăng đoàn của Ngài thì con lại có nhiều niềm tin ở Ngài hơn.  Tại vì tăng thân đó là tác phẩm của Đức Thế Tôn.  Tăng thân của Đức Thế Tôn là đoàn thể sáng ngời mà chúng ta đang quay về nương tựa.  Chúng ta cũng thuộc về tăng thân của Đức Thế Tôn, và chúng ta cũng ñang ñi treân con ñöôøng saùng ngôøi ñoù.

Làng Mai thường dùng danh từ tăng thân, tức là xem tăng bảo như một cơ thể.

Sống trong tăng thân, chúng ta là một tế bào của tăng thân, và tăng thân là cơ thể thứ hai của chúng ta.  Cơ thể đó cũng là một ngôi chùa, và chúng ta phải luôn luôn có mặt với ngôi chùa đó, chăm sóc ngôi chùa đó, để cho ngôi chùa tăng thân được ấm cúng, không hoang vắng lạnh lẽo như chùa Bà Đanh[1].

Mỗi chúng ta đều có bổn phận xây dựng tăng thân, tại vì tăng thân là nơi nương náu của chúng ta.  Phương cách xây dựng tăng thân hay nhất là biến mình thành một yếu tố xứng đáng của tăng thân, bằng cách đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm. Khi thấy mình vững chãi như vậy, những yếu tố khác của tăng thân cũng sẽ vững chãi theo. Mình xây dựng tăng thân của mình bằng sự thực tập hơi thở chánh niệm, chứ không phải bằng những trách cứ, những bình phẩm và những than phiền của mình. Những trách cứ và phê bình ấy chẳng những không giúp cho tăng thân an lạc thêm mà còn làm cho tăng đoàn điêu đứng, lao đao!  Nếu muốn tăng thân này còn là chỗ nương náu của chúng ta thì chúng ta phải biết xây dựng cho nó.  Tuy nó có những khuyết điểm, những yếu kém, nhưng nó là một trong ba bảo vật của chúng ta, nó là Tăng bảo, là nơi nương tựa vững chãi nhất của chúng ta trong giờ phút này.

Phật giáo tại Việt-Nam cũng như Phật giáo ở Tây phương đang rất trông đợi ở khả năng thực tập dựng tăng của chúng ta.  Dựng tăng là một danh từ mới, nó có nghĩa là xây dựng một đoàn thể tu học.  Chúng ta sẽ thành công hay không, chúng ta sẽ có hạnh phúc với tư cách một người tu hay không, là do chúng ta có khả năng dựng tăng hay không.

Sau này, có thể quý vị sẽ thành công trong việc xây cất những ngôi chùa đồ sộ, có bổn đạo ra vào, tiền bạc rất dồi dào, nhưng có thể quý vị không xây dựng được một tăng thân tu học.  Tu học chung với một tăng thân rất là quan trọng.  Dù chúng ta có vốn liếng nhiều cách mấy đi nữa, dù chúng ta có tu học lâu năm cách mấy đi nữa, chúng ta cũng vẫn cần một tăng thân.  Sống với một tăng thân vững chãi thì chúng ta được bảo đảm là sẽ tu hành tinh tấn và sẽ đạt thành đạo quả.

Nhìn chung quanh, chúng ta thấy có nhiều người không có khả năng dựng tăng.  Họ không nuôi đệ tử được, họ quá khắt khe, làm cho các điệu bỏ đi sau khi vào chùa vài ba tháng.  Họ không có khả năng thương yêu, không có khả năng dạy dỗ, không có khả năng thấy được cái khó khăn của người học trò, của những người cộng sự của mình.  Vì vậy họ không thực hiện được việc dựng tăng.

Một người tu không có tăng thân, thì người đó sẽ không thành công.  Người Việt có câu: Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại.  Nếu người tu rời bỏ tăng thân của mình thì sẽ thất bại trong con đường tu tập, cũng như một con hổ bỏ rừng mà xuống đồng bằng thì thế nào cũng bị người ta bắt làm thịt, lột da.  Người tu có một thế đứng vững như chúa sơn lâm, có tiếng nói hiệu quả như tiếng hổ rống, nhưng nếu thầy tu bỏ tăng thân mà ra lập chùa riêng, thì thân phận của thầy cũng sẽ như một con hổ lìa rừng.

Khuynh hướng của con người là khi gặp đau khổ, mình muốn trốn tránh cái hoàn cảnh đau khổ đó, muốn thoát ly, muốn đi tìm một hoàn cảnh mà mình nghĩ là tốt hơn.

Ở trong gia đình, khi cơm không ngon, canh không ngọt, khi có vấn đề với bố, với mẹ, với anh chị, với các em thi mình luôn luôn muốn thoát ly gia đình. Ở trong tăng đoàn cũng vậy, khi không có hạnh phúc với thầy, với sư chị, sư anh, sư em, mình muốn bỏ đi nơi khác. Đó là một tâm trạng rất là con người trong tất cả các nền văn hóa, Đông cũng như Tây.

Sống trên trái đất này, lúc vui mừng hớn hở chúng ta gọi nó là hành tinh xanh, lúc tâm tư buồn chán, ta gọi nó là cõi ta bà!  Mỗi khi gặp điều không vui, chúng ta mơ tưởng tới những nơi khác.  Mơ được lên cung trời Đao Lợi, được lên cung điện của chị Hằng, dù chưa biết cung trời Đao Lợi ra sao, chị Hằng sống ở góc nào trên mặt trăng lạnh cóng và nóng bỏng, nhất là không có không khí để thở.  Tuy vậy, ta cứ muốn chạy trốn hiện tại!

Vì biết được tâm tính trốn chạy đó của chúng sanh, Bụt đã dùng biết bao nhiêu phương tiện để giáo hóa.   Chúng ta nghe nói đến rất nhiều cõi tịnh độ.  Ở phương Tây, có cõi cực lạc của Bụt Di Đà.  Ở phương Đông có cõi Diệu Hỷ của Bụt A Súc.  Chúng ta còn có cõi tịnh độ của Bụt Di Lặc, cũng rất hấp dẫn.  Chúng ta có nhiều cõi tịnh độ là vì các thầy, các tổ thấy cái nhu yếu đó trong con người, cho nên các thầy, các tổ đã tạo những cõi như vậy, để chúng ta có thể trốn thoát cái đau khổ trong hiện tại.  Tuy nhiên, chúng ta phải biết nhìn những tạo tác này như là những phương tiện quyền xảo, bằng không, chúng ta sẽ đi vào một lối thoát hoàn toàn đi ngược lại với chân tinh thần Hiện pháp lạc trú.

Phương pháp của Bụt ngay từ bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển là mình phải đối diện với khổ đau, nhìn sâu vào khổ đau để thấy được bản chất của nó, và khi thấy được bản chất của khổ đau thì đồng thời sẽ thấy được con đường thoát khổ. Đó là phương pháp Tứ Diệu Đế.  Thoát khổ bằng phương thức chuyển hóa chứ không phải bằng lối trốn chạy nó.  Vì vậy khi tu học bằng cách trốn chạy là mình đi ngược lại chân tinh thần đạo Bụt.  Cái khổ ở ngay trong tâm ta như bóng với hình, làm sao ta chạy trốn nó được?  Chuyển hóa nó, biến rác thành hoa, là phương thức duy nhất để diệt khổ cho mình và cho người.

Trong sự sống hàng ngày, có lúc mình thấy mệt quá, chán quá, bực quá với sư anh, sư chị, sư em.  Những lúc đó mình có thể đi thiền hành để nuôi dưỡng thêm chánh niệm, để có dịp nhìn kỹ sự việc.  Cuối cùng thì phương cách tu học hữu hiệu nhất của mình là trở lại đối diện với sự thật thứ nhất của Tứ Diệu Đế:  Khổ đau là điều có thật trong cuộc đời.  Vì vậy chúng ta phải phục hồi cái tinh thần Hiện Pháp Lạc Trú, nghĩa là tu tập như thế nào để có thể có được hạnh phúc ngay bây giờ và trong hoàn cảnh này.  Rời bỏ tăng thân này để đi tìm một tăng thân khác mà mình nghĩ là có nhiều an lạc hơn là đi ngược lại chân tinh thần của Bụt dạy, và không thể nào thành công trên đường tu học.

Khi đi tu, mình phát lời đại nguyện:  Chỗ nào mình ở, chỗ đó phải có đạo tràng.  Học trò mình cũng có thể nuôi dưỡng mình, cũng có thể bảo vệ mình, chứ đừng nói gì đến những bạn đồng tu của mình.  Chúng ta thấy biết bao nhiêu người xuất gia đã rơi rụng khi bỏ đi ra sống riêng một mình.  Trong khi đó lý tưởng của người xuất gia là rất lớn.  Chúng ta có cả trăm ngàn sư cô, sư chú đang tu học và thực tập ở Việt-Nam, họ thiếu sự chăm sóc, thiếu sự chỉ dẫn con đường tu tập.  Trong số đó có hàng chục ngàn người đang lâm vào thế đứng của con hổ lìa rừng.  Vì vậy, nếu chúng ta thương Bụt, thương Tổ, thương thầy, nếu chúng ta có tâm lân mẫn, thì không thể nào chúng ta lại không chăm sóc cho họ, không thể nào chúng ta làm ngơ trước hoàn cảnh của họ.  Đó không phải là bồ đề tâm, không phải là hạnh nguyện lớn.  Chúng ta phải có lòng lân mẫn đến thế hệ tương lai, chúng ta phải để thì giờ và năng lượng để chăm lo cho các sư cô, các sư chú, để hướng dẫn cho họ, để bảo bọc họ.  Nếu chúng ta bị kẹt vào trong một ngôi chùa, chỉ biết lo cho bổn đạo của ta, tìm sự an vui hạnh phúc nho nhỏ trong khung cảnh đó thì chúng ta không thương Thầy đủ, không thương Bụt đủ, và không có tâm bồ đề lớn đủ để có thể thành tựu cuộc đời của một kẻ tu hành.

Muốn có khả năng xây dựng tăng thân, ta phải sống và thực tập trong một tăng thân.  Chúng ta phải thực chứng, phải tiếp xúc, phải đụng chạm, thì chúng ta mới có đủ hiểu biết về lối sống của một tăng thân.  Trong tăng thân, chúng ta sống với những người rất dễ thương, rất an lạc, nhưng đồng thời chúng ta cũng sống với những người khó khăn, khắt khe, luôn luôn có khuynh hướng kỳ thị và phán xét.  Chính trong chúng ta cũng có những thói hư tật xấu đó.  Nếu chúng ta không thực tập chánh niệm thì chúng ta không thể chuyển hóa được, và chúng ta không học được phương pháp quy tụ một tăng thân có hạnh phúc.

Trong khi mình làm cho người học trò của mình có hạnh phúc, làm cho người sư anh, sư em, sư chị của mình có hạnh phúc, thì lúc đó là mình đang đào tạo cái khả năng dựng tăng của mình.  Nếu không thì mình cũng sẽ như vị trụ trì kia, nuôi đệ tử nhưng bất lực khi thấy họ bỏ chùa, bỏ thầy sau một thời gian ngắn.

Vì vậy khi đang sống trong một đạo tràng, quý vị phải chú trọng đến những thực tập này, chúng còn quan trọng hơn cả việc học kinh, ngồi thiền, nghe pháp thoại, dự pháp đàm.  Làm chị, làm anh mình phải học nghệ thuật dựng tăng cho thật thấu đáo.

Làm anh nghĩa là sao?  Làm anh nghĩa là có khả năng thương yêu dù cho em mình có những khuyết điểm, có những khó khăn. Dù cho nó có nói nặng với mình, dù nó có hiểu lầm mình, có ghét mình, thì mình vẫn tha thứ, vẫn bao dung, mình vẫn có thể hiểu để thương được người em ấy như thường.

Làm sao để thương được người khó thương?  Cách duy nhất là quán chiếu để thấy rõ hoàn cảnh của người đó, thấy được những khó khăn mà người đó đang bị kẹt vào.  Thấy được vậy, hiểu được vậy thì tự nhiên mình chấp nhận được người đó, và mình có sự thương yêu.  Cũng nhờ vậy mà từ từ mình có thể hòa hợp được với người đó, sống vui với người đó, và tạo nên an lạc cho cả tăng chúng.  Ngược lại nếu mình sử dụng quyền làm anh, làm chị, làm trụ trì để chỉ la rầy và quở trách thì mình sẽ không thành công trong việc dựng tăng.

Một ví dụ rất nhỏ: Nếu thấy sư em của mình mang vớ màu mà mình nói: Em không được mang vớ màu, thầy đã dạy, sao em không biết vâng lời?  thì người em đó, có thể vì đã có nội kết với mình, sẽ mang thêm hai ba đôi vớ màu mè khác nữa!  Có thể người sư em không thích vớ màu đến độ đó, nhưng vì vốn không ưa người anh, cho nên sư em đã hành động như vậy.  Kết quả là một chuyện nhỏ mà đã tạo nên cái không khí ngột ngạt cho cả taêng ñoaøn!  Lyù do laø söï truyeàn thoâng giöõa hai anh em rất yếu kém, và vì sư anh không biết sử dụng ái ngữ.

Mình chỉ có thể giúp được em khi mình biết thương nó.  Đây là một sự thực tập cần sự kiên trì.  Muốn thương mình phải hiểu. Có thể rằng người em không còn đôi vớ sạch nào khác và hôm nay trời lạnh hơn thường lệ.  Nếu không hiểu mà vẫn chỉ dạy thì sự chỉ dạy của mình đã thất bại ngay từ trong trứng nước, vì nó đã được đặt trên một kiến thức sai lầm về người em.  Làm chị, làm anh là phải làm thế nào để giữ vững được cái khả năng truyền thông, cái nhịp cầu thông cảm.  Khi nhịp cầu thông cảm mất đi, thì không ai giúp mình làm được gì nữa cả.  Có những lúc sư anh không nói chuyện được với sư em, có những lúc bốn sư em không nói chuyện được với hai sư chị, nhưng không ai chịu cầu cứu sự giúp đỡ của tăng đoàn.  Như vậy là mình đã thất bại trong tư cách của người em, cũng như thất bại trong tư cách của người chị.  Đó tuy là những chướng ngại, nhưng đó cũng chính là những cơ hội để cho mình thực tập pháp dựng tăng, để cho mình tu học.  Nếu tất cả đều êm ấm, đều dễ dàng, đều thuận hòa, thì mình không thể nào có dịp để thực tập.  Không phải chỉ có sư anh, sư chị mới cần thực tập, các sư em lại càng cần phải thực tập nhiều hơn.  Nếu mình không thiết lập được sự truyền thông với anh mình, với chị mình, thì mình thất bại trong sự tu tập chuyển hóa của mình.  Người anh có trách nhiệm, nhưng người em cũng có trách nhiệm.

Chỉ trong vòng hai hay ba tháng chuyên cần hạ thủ công phu để nhận diện và thực tập là mình đã có thể thiết lập được sự truyền thông với người anh, với người em, với người chị của mình.  Nếu mình coi đó là công phu mà mình cần phải hạ thủ trước nhất, thì đích thực mình đang rèn luyện cái khả năng gầy dựng tăng thân của mình.

Chúng ta thấy có những vị cao tăng có tài năng dựng tăng.  Họ chỉ cần đến địa phương đó một lần thôi, và tuy ở đó chưa ai biết Phật pháp là gì cả, nhưng chỉ một thời gian sau, đạo tràng được thành lập, và đại chúng tụ hội về tu học đông đảo.

Ở Làng Mai chúng ta có danh từ Tăng Nhãn, nghĩa là con mắt tăng, tiếng Phạn có thể dịch là Sangha Kak(u.  Mắt tăng là con mắt càng ngày càng sáng, càng ngày càng có từ bi.  Có từ bi thì có trí tuệ.  Mắt tăng có thể thấy được những ưu điểm, cũng như những khuyết điểm của mỗi chúng ta.  Ta phải biết sử dụng mắt tăng, tại vì đó là đôi mắt của ta, chứ không phải mắt của người khác.  Mỗi chúng ta đều có ba thân:  Phật thân, Pháp thân, và Tăng thân.  Nếu không có ba thân đó thì chúng ta không phải là người tu.  Tăng thân là thân của ta, Pháp thân là thân của ta, Phật thân cũng là thân của ta.  Ở trong ta, Phật thân, Pháp thân, và Tăng thân có thể còn yếu đuối.  Ta phải biết sử dụng mắt tăng để làm cho tăng thân ta càng ngày càng lớn mạnh.

Những danh từ tăng thân, tăng lực và tăng nhãn rất hay. Nếu không có tăng thân, chúng ta sẽ bơ vơ, cơ cực, thiếu thốn, và chúng ta không có môi trường của người tu.  Tăng thân lớn nhất của chúng ta là tăng thân mười phương.  Tăng thân gần gũi nhất là tăng thân mà trong đó ta đang sống chung đời sống hàng ngày.  Chúng ta phải tin vào tăng thân, dù tăng thân của chúng ta chưa hoàn hảo.  Tăng thân của chúng ta đang đi tới trên đường tu tập, vì vậy tăng nhãn của chúng ta càng ngày càng sáng thêm, và chất liệu từ bi trong cái nhìn của tăng thân càng ngày càng lớn hơn.  Ta phải thấy rằng con mắt của tăng thân có thể hướng dẫn ta, và ta là một phần của tăng thân, cho nên chính ta cũng phải đóng góp phần ta vào việc nuôi dưỡng tăng thân của ta.

Mỗi khi tăng thân khen ngợi hay giáo huấn ta, ta phải quỳ xuống, ta phải chắp tay, ta phải nhận chịu tất cả những điều đó, thì ta mới có thể tiến được trên con đường tu học.  Ngược lại, nếu ta đưa cái tự ái, cái ngã mạn của mình ra để đối phó thì không bao giờ ta tiến bộ được.  Vì vậy ở Làng Mai, chúng ta có phương pháp cầu được soi sáng[1].  Ta cần nghe sự thật, và sự thật đó đôi khi có thể từ một em bé nói ra.  Trẻ con thường không biết cân nhắc, rào đón, nên dễ có khả năng nói ra sự thật.

Người sư anh, sư chị, sư em kia, vì lòng thương mà nói ra, nhưng ta có thể tiếp nhận lời đó như một sự chỉ trích, phát khởi từ một thái độ khắt khe.  Ta phải thực tập quán chiếu thì mới có khả năng nghe được lời nói của tăng thân.  Là anh, ta phải học làm anh.  Là em, ta cũng phải học làm em.  Học được những điều này thì ta sẽ thành công trên bước đường tu học. Tinh thần này rất gần với tinh thần Chính danh của Khổng Giáo.  Anh thì phải đích thực là anh, em cũng phải là em đích thực, chị cũng phải là chị đích thực.  Khi mọi người đích thực là mình, thì tăng thân trở nên một môi trường nuôi dưỡng, bảo bọc không những cho mình, mà còn cho biết bao nhiêu người khác đang nương tựa vào tăng thân.

Giáo Dục Dựng Tăng

Chúng ta có rất nhiều trường Phật học căn bản, trường Phật học trung cấp, trường đại học Phật Giáo.  Trong chương trình học, chúng ta có đủ các môn, đủ loại chương trình.  Chúng ta dạy về lịch sử, về giáo lý, về tổ chức, về Kinh, về Luật, về Luận, đôi khi chúng ta còn dạy về tâm lý học, về văn minh học nữa.  Tuy vậy, trong những chương trình giáo dục, ta không thấy có môn quan trọng nhất cho tăng ni sinh, đó là môn Xây Dựng Tăng Thân.

Chúng ta mong các trường từ Cơ bản cho đến Phật học cao cấp, đưa môn học đó vào chương trình huấn luyện, nếu không thì chúng ta sẽ không có tương lai.  Vị giáo sư giảng dạy môn này phải là người có kinh nghiệm và đã thành công trên bước đường dựng tăng.

Môn xây dựng tăng thân không phải chỉ gồm những bài thuyết pháp, những giờ pháp đàm, những công trình khảo cứu.  Xây dựng tăng thân đòi hỏi những hành động cụ thể ngay trong thời gian đang học chứ không phải khi chúng ta tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học rồi thì chúng ta mới bắt đầu xây dựng tăng thân.  Sau khi tốt nghiệp và được phái đi làm việc, thì xây dựng tăng thân chỉ là một sự nối tiếp của công việc mà chúng ta đã làm từ lúc còn ở trong học viện.

Xây dựng tăng thân không phải bằng những lời soi sáng mà bằng những hành động của ta, bằng cách ta đi, đứng, nói cười trong chánh niệm, bằng hành động giúp người sư anh, giúp người sư em, giúp người sư chị của ta.

Chúng ta đã từng thấy có những bậc tôn túc có tài năng lớn, tổ chức hay, thuyết pháp giỏi, nhưng lại không xây dựng được tăng thân.  Ta phải nghiên cứu lý do tại sao, phải nhìn vào trường hợp của từng người để xem tại sao vị đó có chùa rất lớn, có nhiều phương tiện để nuôi chúng, để dạy chúng, nhưng vì cớ nào mà chúng cứ bỏ chùa ra đi?  Không phải vị đó không thấy được tầm quan trọng của sự gây dựng tăng thân.  Vị đó rất muốn gây dựng tăng thân, nhưng vị đó không có nghệ thuật dựng tăng.

Có những người có khiếu xây dựng tăng thân, sinh ra là đã có hạt giống đó, đã có năng khiếu đó, đã có sở thích đó ở trong mình.  Nhưng nếu trong chương trình đào tạo tăng tài, họ được học về xây dựng tăng thân, và được đem những điều đã học ra để áp dụng, thì cái hạt giống, cái khả năng, cái khiếu xây dựng tăng thân của những người đó sẽ được phát triển rất nhanh, và họ sẽ trở nên những người dựng tăng tài giỏi.

Nếu thiếu năng khiếu đó, nghĩa là hạt giống đó trong ta còn quá yếu kém, thì qua sự học hỏi và thực tập, ta vẫn có thể xây dựng được tăng thân, tuy không hay bằng những người tài giỏi, nhưng ít ra thì chúng ta cũng biết phương pháp dựng tăng và cũng có thể làm được.

Vì vậy mỗi tăng sinh, mỗi ni sinh đều phải được dạy dỗ và đào luyện khả năng xây dựng tăng thân. Không cứ phải làm trụ trì mình mới có trách vụ xây dựng tăng thân.  Cố nhiên trách vụ của vị trụ trì rất lớn trong việc bảo hộ, che chở, gầy dựng tăng thân, nhưng bất cứ ở địa vị nào ta cũng phải thực tập xây dựng tăng thân cả.

Phương Cách Dựng Tăng

Cái khả năng bao dung, ôm lấy được mọi người trong tăng thân, là đức tính căn bản của người dựng tăng.  Có những phần tử tươi mát, có đầy cởi mở, có đầy thiện chí, và có khả năng hiểu được và tiếp nhận được sự xây dựng.  Đối với những người đó, công trình xây dựng tăng thân không lấy gì làm khó. Tuy nhiên, trong chúng thế nào cũng có những người khó khăn, có thành kiến, có tập khí sâu dày, không có nhiều khả năngï hiểu và tiếp nhận. Với những người đó, chúng ta cần có kiên nhẫn, cần có thái độ bao dung, cần có khả năng ôm ấp.

Những người dễ thương mà mình thương thì đâu có khó gì, và đâu có phải là một sự thực tập?  Người ta đã dễ thương rồi thì mình đâu cần thương nữa, gần người đó mình chỉ thừa hưởng sự dễ thương của người đó mà thôi.  Người không dễ thương mà mình thương được thì đó mới là một sự thực tập thương. Thực tập thương ta cần có đức kiên nhẫn và tấm lòng rộng mở. Rộng mở để đừng gạt người đó ra ngoài. Cái khuynh hướng gạt bỏ ấy có mặt trong tất cả chúng ta.  Khi thấy một phần tử khó chịu quá, mình thường hay tự nhủ, thôi người này làm khổ chúng nhiều quá, mình phải gạt người này ra ngoài.

Ngày xưa trong tăng đoàn của Bụt cũng vậy, có những phần tử quá khó mà chính Đức Thế Tôn cũng phải đồng ý cho họ rời khỏi tăng đoàn.  Bao dung đúng là đức tính căn bản của người dựng tăng, nhưng chúng ta thử đặt vấn đề: Bao dung đến mức độ nào?

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện giữa Đức Thế Tôn và vị điều mã sư.  Vị điều mã sư đến xin tu học với tư cách một cư sĩ.  Một hôm Bụt hỏi ông ta rằng:

-      Ông điều phục những con ngựa của ông bằng cách nào?  và đối với những con ngựa chứng thì ông làm sao?  Vị điều mã sư nói:

-      Bạch Thế Tôn, với những con ngựa dễ dạy con có thể sử dụng những biện pháp ngọt ngào, nhưng với những con ngựa cứng đầu, con phải dùng những biện pháp mạnh, phải dùng roi, phải dùng dây xích, phải trừng phạt, vì nếu dùng sự ngọt ngào thì con sẽ thất bại.  Trong đàn cũng có những con ngựa cần cả hai lối đối xử, biện pháp ngọt ngào lẫn biện pháp mạnh.  Bạch Đức Thế Tôn, đó là cách con điều phục những con ngựa của con.  Bụt hỏi thêm:

-      Nếu cả ba phương pháp đó đều không thành công thì ông phải làm sao?

-      Trong trường hợp đó con phải giết con ngựa.  Tại vì để nó ở trong đàn, nó sẽ là gương xấu và cả đàn ngựa sẽ hư hết.

Nói xong, vị điều mã sư mới nhìn Bụt và hỏi:

-      Bạch Thế Tôn, con muốn biết Đức Thế Tôn dạy các thầy và các sư cô bằng phương pháp nào? và trong trường hợp có những vị khó dạy thì Đức Thế Tôn dùng biện pháp gì?  Bụt trả lời:

-      Tôi cũng làm giống như ông vậy.  Có những thầy, những sư cô rất dễ dạy, chỉ cần nói ngọt, nói nhẹ nhàng là được, nhưng cũng có những vị cần phải dùng biện pháp mạnh, như biệt trú, sám hối v.v... Ngoài ra cũng có những vị cần đến cả hai biện pháp.

Lúc đó vị điều mã sư bèn hỏi Bụt câu hỏi mà Ngài đã hỏi ông:

-      Bạch đức Thế Tôn, trong trường hợp không áp dụng được cả ba phương pháp đó đối với một thầy hay một sư cô thì Đức Thế Tôn làm thế nào?

Ngài mỉm cười và bảo:

-      Tôi cũng làm giống như ông vậy.

-      Làm giống như con là làm sao?

-      Tôi cũng phải giết người đó!

-      Nhưng tu đạo từ bi thì làm sao Đức Thế Tôn giết được?

Bụt mỉm cưỡi:

-      "Giết" ở đây chỉ có nghĩa là không cho ở trong chúng nữa.  Nếu không được ở trong tăng đoàn thì coi như về phương diện đời sống tâm linh, người đó đã chết.

Xuất gia là ta bắt đầu sinh ra trong một đời sống tâm linh.  Sống trong gia đình của tăng thân, ta được bảo vệ, được che chở, được nuôi dưỡng.  Nếu bị mời ra khỏi tăng đoàn thì có khác gì mình đã chết trong đời sống tâm linh của mình?

Nhắc lại câu chuyện này là để thấy rằng ngay chính trong tăng đoàn nguyên thủy của Bụt, cũng có những phần tử rất khó dạy.  Dù Đức Thế Tôn có thương, tăng đoàn có thương thì người đó vẫn bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn.  Sự có mặt của vị đó trong tăng đoàn không phải là một khuyến khích cho các vị trẻ mà còn tạo ra sự rối loạn và đánh mất rất nhiều sự vững chãi của tăng đoàn.  Do đó mà ta phải buộc lòng đưa vị đó ra khỏi tăng đoàn.  Làm như vậy không có nghĩa là trừng phạt, mà chỉ vì tăng thân nên đành phải hành động.

Đây không phải là phép hành sử căn cứ trên pháp trị.  Trên phương diện hình thức thì đó là pháp trị, tức là giải quyết bằng pháp luật.  Đối lại với pháp trị là đức trị, tức là giải quyết bằng tình thương.  Tuy vậy tình thương không phải bao giờ cũng ngọt ngào.  Khi vị điều mã sư bắt buộc phải dùng roi để đánh một con ngựa thì không có nghĩa là vì giận mà người đó đánh con ngựa.  Nếu vì giận mà người đó đánh con ngựa thì ông ta không phải là một vị điều mã sư giỏi.  Cũng như làm cha mẹ, khi giận mà đánh con thì chúng ta không phải là cha mẹ giỏi.  Ta có thể phạt con để răn dạy, nhưng trong lòng ta có sự đau xót.  Con ta phải được giáo dục cho đàng hoàng, vì vậy có khi ta phải rầy la hoặc phải giáo giới nó.  Đức Thế Tôn ngày xưa cũng vậy, trong tăng đoàn có những phần tử bất hảo, có những phần tử gây rối loạn, cho nên Ngài buộc lòng phải đưa những người đó ra khỏi tăng đoàn, nhưng trong lòng vẫn có sự đau xót, có sự tội nghiệp.  Vì vậy ở đây không phải là vấn đề giận hờn, vấn đề trừng phạt, mà là vấn đề đào tạo, đào tạo trên căn bản của tình thương.

Từ bi có nhiều mặt, từ bi có thể được tỏ lộ dưới nhiều hình thức, có khi là ngọt ngào, có khi không ngọt ngào, nhưng không ngọt ngào không có nghĩa là không thương.  Có người cho rằng nếu biểu lộ sự ngọt ngào trong tình thương thì người kia sẽ lờn, vì vậy mà họ thường không tỏ lộ tình thương của mình.  Hành động như vậy họ cũng có lý của họ.  Tại vì người kia có thể lợi dụng sự dễ dãi, lợi dụng sự bao dung của mình để đi trên hướng đi không chính đáng.  Vì vậy khi thương mình phải có sự thông minh, đừng để cho người kia lợi dụng tình thương đó để đi vào nẻo không chính đáng.  Vì vậy đôi khi ta phải áp dụng phương pháp thứ hai tức là vừa ngọt ngào, vừa cứng rắn.

Khi bắt một người phải biệt trú, phải sám hối, không được tham dự vào những sinh hoạt của tăng thân, không có nghĩa là mình không muốn cho người đó hưởng những ngọt ngào của tăng thân, mà chỉ vì người đó cần một sự luyện tập nào đó để có thể trở về vị trí của một người xuất gia.  Những biện pháp đó không phải là trừng phạt, gọi là trừng phạt thì không đúng.  Nếu tăng đoàn xem đó là một hình phạt thì chính tăng đoàn đã sai lầm, tại vì tất cả mọi hành động của chúng ta đều phải được phát xuất từ tình thương.  Buộc người đó biệt trú, gởi người đó trở về nhà, không được sống với tăng đoàn nữa, đó cũng là do tình thương.

Ở Mai thôn, chúng ta đã từng gởi một vài sư cô, sư chú về, không cho tu nữa, nhưng chúng ta đã làm vậy vì tình thương.  Chúng ta tổ chức thiền trà cho họ, chúng ta mua vé máy bay cho họ, chúng ta cho họ tiền túi, chúng ta căn dặn họ khi về nhà phải sống đời cư sĩ như thế nào để đừng bị đau khổ.  Vì vậy mà việc cho một người xuất chúng, hay bắt người đó phải sám hối hay biệt trú, tất cả những điều đó đều phát xuất từ tình thương.  Tình thương này phải được nhìn dưới một khía cạnh khác, thương không phải luôn luôn ngọt ngào, tình thương nhiều khi khoác áo của sự cay đắng.

Đạo Bụt gọi đó là phương tiện quyền xảo.  Tiếng Phạn là Up(yakausalya, tiếng Anh là Skillfulø Means, tiếng Pháp là Moyens habiles.  La rầy là một phương tiện, bắt phải biệt trú, bắt phải sám hối là những phương tiện khác.  Những phương tiện đó phải khéo léo.  Chúng ta đừng làm một cách cứng ngắc, một cách máy móc.  Những phương tiện được thi thiết (tức là thiết lập ra) phải có tính cách mềm dẻo và trong đó phải chứa đựng tình thương để cho đương sự đừng nghĩ rằng đây là sự ghét bỏ, đây là sự oán hận, đây là sự trừng phạt.  Vì vậy sau chữ phương tiện ta còn có chữ quyền xảo.

Phương Tiện Quyền Xảo Để Dựng Tăng

Bụt và các vị Bồ Tát đã thi thiết ra những phương tiện quyền xảo để cứu độ chúng sanh, không bị đóng khung trong những luật lệ cứng ngắc.  Khi cần dịu ngọt thì dịu ngọt, khi cần cay đắng thì phải cay đắng, khi cần mềm dẻo thì mềm dẻo, khi cần cứng rắn thì phải cứng rắn, nhưng bất cứ lúc nào biện pháp cũng được hướng dẫn bởi tâm từ bi.  Người đứng ra xây dựng tăng thân phải học những điều đó và phải có rất nhiều kiên nhẫn.  Mình phải cho đương sự cơ hội để có thể trình bày cho mình và cho tăng thân về hoàn cảnh của họ, khó khăn của họ, và quan điểm của họ.  Khi cho họ một cơ hội như vậy mình phải cho họ đủ thời gian để chuẩn bị, nghĩa là mình phảiø có sự từ bi trong hành xử của mình.

Từ bi không có nghĩa là mình cứ để đương sự tiếp tục hành xử như vậy.  Để như vậy mà không dạy, không la rầy là đi ngược lại tinh thần gọi là phương tiện quyền xảo.  Có lúc chúng ta phải lập tức hành động, không để cho tình trạng kéo dài, thì mới gọi là thương, còn làm ngơ để cho đương sự muốn làm gì thì làm, đó là ngược với tình thương.  Dù ta có bị nhìn như là một người khắt khe, một người cứng rắn, không có trái tim, thì chúng ta cũng phải giải quyết.  Dù bị hiểu lầm, nhưng với tư cách của một điều mã sư, chúng ta phải hành động.  Có thể không ai biết trong tim ta có sự từ bi, nhưng chúng ta phải làm như vậy mới có thể độ được người.

Khi đi qua cổng chùa ở Việt-Nam, ta thường thaáy coù hai vò gaùc coång, moät laø oâng Thieän, vaø một là ông Ác.  Ông Thiện thì mặt rất dễ thương, tay cầm bông sen.  Còn ông Ác thì khuôn mặt rất dữ tợn và tay cầm một binh khí.  Chúng ta cần cả ông Thiện lẫn ông Ác trong phép dựng tăng.  Học sâu vào giáo lý, chúng ta biết rằng cả ông Thiện lẫn ông Ác đều là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.  Ông Thiện thì chỉ mỉm cười, khen rằng con làm vậy là giỏi lắm, không sao đâu, con đừng sợ.  Ông Ác thì lại la rầy:  Đừng lộn xộn, nếu không thì bị một chiêu này!  Tuy vậy ông Ác cũng là một hóa thân của ông Thiện, trong tâm có đầy đủ chất liệu từ bi, nhưng bề ngoài trông rất đáng sợ.  Ta có thể thấy được đức Quán Thế Âm dưới hai hình tướng, và khi ta thấy được cả ông Thiện lẫn ông Ác đều chỉ là phương tiện quyền xảo, thì lúc đó chúng ta mới thấy được đức Quán Thế Âm.  Chúng ta đừng nghĩ rằng đức Quán Thế Âm luôn luôn có hình dáng hiền từ, mình làm gì cũng được, mình nói gì cũng được, Ngài chấp nhận hết.  Không phải vậy!  đức Quán Thế Âm có từ bi rất lớn vì Ngài có trí tuệ rất lớn.

Mình là thầy, mình là sư anh, mình là sư chị, mình dạy các em, thì mình cũng phải học cho được cái đức đó từ Bồ Tát Quán Thế Âm, có tình thương nhưng không để bị lợi dụng.  Nếu cần, mình phải có can đảm để cắt, để tỉa.  Sự cắt tỉa đó có thể gây ra đau nhức, nhưng sự đau nhức đó cũng tương tự như sự đau nhức trong một cuộc giải phẫu, có thể làm lành bệnh của đương sự.

Khi một sư em mới vào tu, sư em chưa được học nhiều, sư em chỉ có tâm bồ đề lớn thôi.  Có thể sư em còn mang theo những thói hư tật xấu ngoài đời.  Mình biết con đường của sư em còn dài, nên mình cho sư em đầy đủ thời gian để đi tới.  Nhưng như vậy không có nghĩa là mình không bắt đầu hướng dẫn sư em.  Khi mới gia nhập một tăng thân thì mình chưa biết rõ tăng thân, chưa đi được quãng đường nào với tăng thân.  Các sư anh sư chị có người đã đi mười năm, hai mươi năm cùng với tăng thân, còn mình thì mới chập chững, mình còn có tâm tò mò, mình còn có tâm phán xét là chuyện rất dễ hiểu.  Cũng như thầy Pháp Ấn, trước khi đi tu thầy đã đậu tiến sĩ, đã ưa tìm tòi nghiên cứu, và đã đọc rất nhiều sách Phật.  Cho nên lúc mới thọ giới sa di, mỗi ngày thầy hỏi tôi hai ba chục câu hỏi về những triết lý rất thâm huyền của đạo Bụt.  Tôi chỉ mỉm cười trước những câu hỏi đó mà không trả lời.  Tôi bảo: Con hãy tập thở, tập đi đứng nằm ngồi cho nhuần nhuyễn.  Một năm sau thì thầy không còn hỏi câu nào nữa cả.

Tập Khí Của Người Mới Xuất Gia

Ở đây cũng vậy, khi mới gia nhập tăng đoàn, mình còn những tập khí ở ngoài đời.  Mình nhìn sư anh, sư chị qua những tập khí đó và mình có thể có đôi mắt dò xét, đòi hỏi, phê bình, lên án của người chưa tu.  Mình tưởng rằng mình có thể hiểu được tăng thân, mình phê phán được tăng thân.  Nhưng mới tu được nửa năm thì mình đâu có đủ khả năng để phán xét tăng thân, phán xét những người đã đi trước mình từ lâu.  Ví dụ sư chị đã dày công lắm mới tìm được cho mình một cái bình bát, mình nói: Bình bát của một sư cô sao nó to vậy? Bình này của các thầy mà! Em là sa di ni tại sao không được bình bát nhỏ hơn và mới hơn?  Như vậy có nghĩa là làm trụ trì mà sư chị không công bằng!  Trong khi đó thì sư chị đã cố gắng trong suốt mấy ngày mới tìm ra được cho mình một cái bình bát.  Nói vậy tức là mình không hiểu và mình nói theo cái tập khí dễ dàng phán xét, dễ dàng lên án ở ngoài đời.  Vì cái tập khí đó mà mình đã không tiếp nhận được tình thương của sư chị, và mình cũng đã không biểu lộ được cái tình thương của mình đối với sư chị.  Đó là một sự thiệt thòi rất lớn cho mình.

May mắn cho tăng thân, nhờ sư chị đã tu học nên khi nghe nói vậy sư chị không buồn phiền mà chỉ mỉm cười và nói rằng:  Sư em mới nhập lưu thì lẽ đương nhiên sư em có thói quen nói như vậy, nhưng vài năm nữa thì sư em sẽ không còn nói như vậy nữa đâu.  Trong lòng sư chị có từ bi nên sư chị mới hành động được như vậy.

Cái tập khí ở ngoài đời của mình còn mạnh, có lúc mình bị nó kéo đi xa hơn, vì vậy mình tạo ra một bức tường giữa mình với tăng thân, và mình đau khổ vì điều đó.  Mình đòi hỏi sư anh phải chăm sóc mình như thế này, sư chị phải thương mình như thế kia, và chính mình đau khổ vì những điều đòi hỏi ấy.  Mình không tập làm được một cây ở trong rừng, đứng rất thẳng bên những cây khác.

Nhiệm vụ của người tu là phải học những điều này.  Lập tức đứng dậy cho thật thẳng và chăm lo cho thế đứng của mình.  Khi mình đứng thẳng được rồi thì mình có thể bắt đầu đóng góp cho tăng thân, mình bắt đầu làm công việc xây dựng tăng thân.  Mình đi, đứng, nằm, ngồi, gìn giữ giới luật về cả ba phương diện thân, khẩu, ý cho thật uy nghi, đem hết tất cả tấm lòng của mình ra để học hỏi, đừng đi tìm những tiện nghi nho nhỏ, đòi người này thương, đòi người kia để ý, đòi bình quyền, đòi được chia sẻ đồng đều, những điều đó không quan trọng đối với người tu.  Cái quan trọng là mình phải đứng cho thật thẳng ở trong tăng thân.  Đứng với tăng thân thì tự nhiên mình sẽ lớn lên rất mau.  Chỉ chừng đó là mình đã tích cực đóng góp cho tăng thân rồi.  Góp sức trong việc dựng tăng thì thế nào mình cũng tạo được hạnh phúc.

Thương với tinh thần Xả

Tôi muốn nói thêm về đức bao dung.  Chúng ta biết rằng bao dung là một quá trình thực tập.  Bao dung có nghĩa là mở trái tim của mình ra và chấp nhận được tất cả mọi người.  Điều này không phải là điều dễ.  Có những người mở trái tim của mình ra một cách dễ dàng, mời bạn vào ngồi hạng nhất trong trái tim của mình.  Có những người không bao giờ làm được, họ nghĩ bụng, thôi tim tôi hết chỗ rồi, không có chỗ cho anh trong trái tim của tôi.  Đó là khuynh hướng tự nhiên của họ.  Tu là phải đi ngược lại khuynh hướng đó, phải làm thế nào để trái tim mình càng ngày càng lớn, để có thể bao dung được những người mình không ưa, những người không hợp với mình.  Như vậy, đức bao dung đi song song với tinh thần tứ vô lượng tâm, tức là trái tim không biên giới.  Vô lượng tức là không đo được, không cân được, không đếm được, không thể tìm ra ranh giới được.  Tâm của Bụt là tâm vô lượng:

Bậc Đại Giác xuất hiện nơi cõi ta bà
Tấm lòng ôm trọn cả thái hư.

Mình là học trò của Đức Thế Tôn, mình chưa làm được như vậy, nhưng mình nguyện đi theo hướng đó, nghĩa là mình phải thực tập mở trái tim của mình ra để cho ai cũng có được một chỗ ngồi ở trong đó.  Tuy khó nhưng mình có thể làm từ từ.  Thành công hay không trên con đường tu học của mình là ở chỗ mình có làm được chuyện này hay không.  Nếu mình chỉ ngồi đó để phán xét, để chọn lựa xem ai là người mình có thể đem vào trái tim mình, ai là người sẽ vĩnh viễn ngồi ở ngoài trời lạnh, thì mình sẽ không bao giờ thành công trong cuộc đời tu học của mình cả.

Trong bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, tâm Xả là tâm không theo phe phái, tâm đối xử một cách đồng đều.  Cũng như một bà mẹ thương sáu đứa con.  Trong sáu đứa thế nào cũng có đứa dễ thương, và có đứa ít dễ thương hơn.  Có đứa chưa bao giờ làm cho mình khổ đau, nhưng cũng có đứa từng làm cho mình buồn rầu cay đắng.  Một bà mẹ đích thực thì phải thương hết tất cả các con.  Trái tim của Thế Tôn là như vậy, không phải chỉ thương sáu đứa, nhưng thương tất cả, từ loài người cho đến mọi loài thú vật, cây cỏ, đất đá.  Mọi loài chúng sanh đều có chỗ đứng thảnh thơi trong trái tim của Bụt.

Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải thương với tinh thần của Xả, tức là phải đối xử cho đồng đều.  Có những sư anh sư chị rất dễ thương, ta thương hơi nhiều, nhưng cũng có những sư chị, sư em tuy mình đã cố gắng quá mà vẫn chưa thương được!  Đó là vấn đề không phải của một mình ta mà là vấn đề của tất cả mọi người.

Có thể có người nghĩ rằng thầy thương mình ít hơn sư anh hoặc sư chị mình, nhưng đó là sự thực tập của thầy.  Thầy thương như thế nào, thầy dạy như thế nào để mỗi người đều có thể đi tới trên con đường lý tưởng của mình, đó là việc của thầy.  Nếu mình đem tâm so đo, tâm thiển cận, đem những cái tập khí của mình ra để đo lường tâm của thầy, thì mình sẽ không làm sao thấy tâm thầy được.  Mỗi loại hoa trong vườn cần được chăm sóc một cách khác nhau.  Mỗi sư anh, sư chị, sư em của mình cũng cần được chăm sóc một cách khác nhau.  Như vậy không có nghĩa là kỳ thị.  Làm thế nào để người đó có thể đi tới trên con đường đạo nghiệp, đó là vấn đề.  Không phải tại người đó theo cùng tôn giáo với mình mà mình thương, không phải tại người đó có cùng một màu da với mình mà mình thương, không phải tại người đó dễ thương với mình mà mình thương.  Mình thương là tại người đó cần đến tình thương của mình.  Chỉ đơn giản có vậy thôi.  Thương là tại vì người đó đang đau khổ và cần đến tình thương của mình.  Tình thương đích thực vượt khỏi biên giới của quốc gia, của tôn giáo, của lý tưởng, của cá nhân, của màu da.  Vì vậy mà ta gọi nó là tình thương không biên giới, là vô lượng tâm.

Lý Tưởng Của Người Tu

Tu chẳng qua là học thương.  Mỗi ngày thương nhiều hơn một chút là đã khá rồi.  Không ai bắt buộc mình phải thương một cách toàn hảo ngay trong những bước đầu.  Chúng ta biết rằng trong tâm ta có những kỳ thị, có hạt giống của sự đòi hỏi, có hạt giống của sự vướng mắc, ta không muốn sư chị thương người đó nhiều hơn thương ta, ta không muốn sư anh thương người đó nhiều hơn thương ta, ta không muốn thầy thương người đó nhiều hơn thương ta.  Ta khổ là vì những tư tưởng đó.  Ta đang đi tìm những cái mà ngoài đời thiên hạ đang đi tìm.  Đã đi tu, vậy mà ta vẫn đi tìm những cái mà người ngoài đời thường muốn.  Ta phải đi tìm một cái gì cao cả hơn, không phải là những tiện nghi trong đời sống hàng ngày.  Chúng ta đi tìm một lý tưởng, và chúng ta phải thực tập tình thương đó, tình thương không có biên giới, và chúng ta phải học từ sư anh của ta, từ sư chị của ta, tại vì họ đã đi trước ta mười năm, hai mươi năm rồi.  Những người đó có thể đã thành công lớn, cũng có thể những người đó mới thành công ít thôi, nhưng bổn phận của ta là đi theo con đường đó.  Tu tức là học thương, nhưng không thương theo kiểu kỳ thị, vướng mắc. Học thương theo đường hướng trái tim không có biên giới, ta học chấp nhận tất cả mọi người.

Có thể khi một sư chị, một sư anh hay một sư em nào đó ngồi bên ta, ta cảm thấy thoải mái, an lạc, hạnh phúc, vì vậy ta hay kiếm cách đến ngồi gần người đó.  Như vậy ta không có cơ hội để chăm sóc những người anh, người chị, người em của ta đang cần đến ta.  Nếu chúng ta chỉ muốn hưởng sự tươi mát, sự an lạc cạnh người ta thương, thì ta sẽ không có cơ hội để huấn luyện, để vun bón tình thương không biên giới của ta.  Vì vậy ta phải thông minh hơn trong việc tu học.  Tuy biết ngồi gần người mình thương thì có hạnh phúc, nhưng phải tập ngồi bên những người khác để học hiểu và tập thương.  Nhờ vậy mình mới có thể đi đến con đường thành tựu đạo nghiệp.

Khi cả "hai người thường ngồi bên nhau" đều thấy được như vậy, thì hai bên sẽ nâng đỡ lẫn nhau để cùng thực tập hiểu và thương.  Nhà văn Antoine de Saint Exupéry, tác giả cuốn Le Petit Prince viết rằng:  "Thương nhau không phải là ngồi đó nhìn nhau, mà phải cùng nhìn về một hướng".  Tuy ngồi đó để hưởng sự có mặt của nhau, nhưng cả hai phải cùng nhìn về một hướng, tức là phải tập thương, và làm cho đối tượng tình thương của mình càng ngày càng lớn thêm.  Nếu cùng hiểu như vậy thì hai người có thể nâng đỡ cho nhau, vì vậy hạnh phúc của ta trở thành một động lực giúp chúng ta đi tới.  Chúng ta không cần ngồi cạnh nhau 24 giờ một ngày, tại vì chúng ta biết làm như vậy thì chúng ta không đi tới được.  Vì vậy cả hai người đều phải căn dặn nhau rằng mình phải cùng đi tới.  Sư anh làm chuyện của sư anh, sư em làm chuyện của sư em, chúng ta cùng phải đi tới trên con đường mở rộng trái tim.  Hai chị em cũng vậy, hai chị em cũng có thể hưởng được sự ngọt ngào của nhau, nhưng hai chị em phải nhắc nhau rằng chị em mình không cần ngồi bên nhau 24 giờ mỗi ngày, chúng ta hãy sử dụng tình thương của chúng ta để đi tới, và hai người nâng đỡ, yểm trợ nhau để cùng tiến tới được trên con đường thực tập hiểu và thương.  Đó là cái nguyên tắc mà chúng ta phải đi theo.  Đại chúng nên tổ chức pháp đàm về đề tài này để học hỏi và chia sẻ thêm với nhau.

Năng Lượng Của Tăng Thân

Tăng là đoàn thể của những người cùng thực tập, cùng đi trên một con đường mà mình nương tựa vào để tu học. Tăng không phải là danh từ để chỉ riêng những người xuất gia.

Thầy Giác Viên có làm một bài thơ bằng chữ Hán, tựa là Tăng lực, đăng ở bích báo của Làng Mai.  Tăng lực tiếng Phạn là Sangha bala.  Tăng có một năng lực rất lớn, và sức mạnh quan trọng nhất là sức mạnh có thể nâng đỡ chúng ta, bảo hộ chúng ta, để chúng ta đừng rơi rụng, giúp cho chúng ta trong mọi khía cạnh tu tập.  Có những điều mà chúng ta không làm được, hoặc làm rất khó khi sống một mình, nhưng khi sống cùng với tăng thân thì điều đó trở nên rất dễ dàng, rất tự nhiên, và chúng ta có thể làm mà không cần phải cố gắng, không bị mệt nhọc.  Đó là nhờ năng lượng tập thể của tăng thân, tiếng Anh là Sangha energy hay collective energy of the Sangha, một năng lượng rất cần thiết cho sự tu tập, chuyển hóa của từng cá nhân.

Tăng thân không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là do công sức của một người mà thành.  Tăng thân được tạo ra do công trình của nhiều cá nhân.  Cá nhân làm ra tập thể.  Muốn tập thể vững mạnh và có năng lượng, thì cá nhân có bổn phận phải tạo ra năng lượng cho tăng thân bằng năng lượng riêng của mình.  Cho nên khi mình có mặt, và sự có mặt của mình có phẩm chất của chánh niệm, thì tự nhiên mình cung cấp cho tăng thân thêm năng lượng.  Khi vắng mặt trong những sinh hoạt tập thể thì mình không đóng góp được sinh khí cho tăng thân, tăng thân không được hưởng năng lượng của mình.

Ví dụ khi chuông báo chúng thỉnh lên, có thể lúc đó mình đang ở ngoài sân, trong nhà bếp, hay ngoài vườn rau.  Nghe tiếng chuông, mình nhiếp tâm chánh niệm để thở, thì lúc đó mình làm cho năng lượng tăng thân lớn mạnh thêm lên.  Đó là sự đóng góp của mình cho năng lượng của tăng thân, đó là sự đóng góp của mình cho sự xây dựng tăng thân.  Chúng ta có niềm tin ở nhau, chúng ta biết rằng lúc nghe chuông, người bạn, người anh, người chị, người em của chúng ta, dù đang ở đâu, họ cũng đang thở trong chánh niệm, và đang tạo ra năng lượng cho tăng thân.  Trong niềm tin đó, chúng ta sống với nhau.

Ta biết rằng, nếu ta nấn ná lại đây thêm đôi ba phút thì cũng được, nhưng nếu ta có mặt tại nơi vân tập ngay lúc đó thì vẫn tốt hơn.  Vì vậy khi nghe chuông báo chúng, ta nên rời công việc đang làm để đến góp mặt cùng với tăng thân, dù sự góp mặt đó chỉ là đứng nối đuôi, chờ lấy cơm cho buổi thọ trai.  Chúng ta đừng trì hoãn và nghĩ rằng vì cái đuôi còn dài quá, ta đến đó cũng chỉ mất thì giờ chờ đợi thôi.  Đứng xếp hàng cùng với tăng chúng, ta thực tập hơi thở chánh niệm với tất cả pháp thân của ta, thì sự có mặt của ta là một sự đóng góp rất quí giá cho sự tu tập của tăng thân, cho sự xây dựng tăng thân.  Nhờ có ta đứng đó mà bước đi của người bạn tu của ta sẽ vững chãi hơn.

Có lẽ chính quý vị cũng đã có kinh nghiệm đó.  Khi đi thiền hành chung, mỗi bước chân của chúng ta đều được nâng đỡ, được yểm trợ bằng chánh niệm của những người có mặt.  Vì vậy sự có mặt của ta rất cần thiết cho những người bạn tu của ta.  Chúng ta đừng để cho người bạn tu của chúng ta mất cơ hội đó.  Chúng ta phải có mặt ngay từ lúc đầu của buổi thiền hành, của buổi cơm trưa, hoặc của buổi chấp tác.

Ngồi thiền cũng vậy.  Nếu không đi ngồi thiền thì ta không đóng góp năng lượng của ta cho tăng thân, chúng ta làm cho tăng thân đói.  Tăng thân đang cần năng lượng của chúng ta, không đi ngồi thiền tức là ta bỏ đói tăng thân.  Mặt khác, vì không đến ngồi thiền, ta không thừa hưởng được năng lượng tu tập của tăng thân, cho nên ta cũng bị đói.  Cái kết quả tất nhiên của cơn đói đó là cái bồ đề tâm của ta càng ngày càng bị hao mòn, và ta sẽ không thành công trong cuộc đời tu tập, ta không góp phần xây dựng tăng thân.

Càng có nhiều năng lượng, tăng thân càng vững chãi, càng thảnh thơi.  Vì vậy xây dựng tăng thân là tạo thêm năng lượng chánh niệm cho chính mình để đóng góp cho năng lượng chung của cả tăng đoàn.

HT. Thích Nhất Hạnh

Trích Sống chung an lạc - Xây dựng tăng thân