Mỗi pho tượng thiền sư là một bí ấn chưa được khám phá

Sáng nay (3.12), "Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư", cuốn sách đầu tiên tổng hợp những câu chuyện hấp dẫn về phương pháp thiền táng, quá trình tu bổ di hài nhục thân của các vị thiền sư Việt Nam sẽ ra mắt độc giả. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trò chuyện với tác giả - PGS.TS Nguyễn Lân Cường - xung quanh công trình khoa học ông theo đuổi nhiều năm: giữ gìn nhục thân của các vị thiền sư.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường

Là một chuyên gia về di cốt người cổ, vì sao ông đặc biệt quan tâm đến nhục thân của các vị thiền sư?

Đúng ra, tu bổ nhục thân của các vị thiền sư không phải là công việc của tôi. Trước đây, tôi chỉ chuyên nghiên cứu về di cốt người cổ. Năm 1965, tôi về công tác tại viện Khảo cổ và được phân vào ngành xương. Khi phát hiện ra xác ướp tại chùa Đậu (mà tôi là người phát hiện), thời điểm ấy, cả viện chỉ có mình tôi làm về xương, vậy là được giao dự án tu bổ nhục thân của hai vị thiền sư chùa Đậu. Đấy, duyên cớ là như thế!

Chọn một cái "tít" hấp dẫn, chọn văn phong nhẹ nhàng, như thể đang kể chuyện, với "Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư", ông quyết định làm một "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực viết sách khoa học?

Trước đây, tôi có viết một cuốn sách về răng của người Việt cổ thời kỳ Đông Sơn. Viết rất kỳ công, mất 3 năm trời. Kết quả: không ai mua. Vậy là tôi nghiệm ra, làm sách khoa học, viết khô cứng quá, nhiều số liệu quá, chuyên môn quá, độc giả không thích đọc mà cũng khó "thẩm thấu". Nhưng nếu viết theo kiểu kể chuyện thì có lẽ hấp dẫn hơn. Mình cứ kể lại những việc mình làm, những công việc bình thường của một nhà khoa học thôi, biết đâu lại khiến độc già tò mò. Nhưng dù chọn văn phong nào, cách viết nào, thì có một cái nhất định không được thay đổi, đó là sự thật. Bao nhiêu năm tiến hành nghiên cứu, tu bổ thành công di hài nhục thân của các vị thiền sư: Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu), Chuyết Chuyết (chùa Phật tích), Như Trí (chùa Tiêu Sơn), tôi thấy phương thức thiền táng hay quá, độc đáo quá, trên thế giới chỉ Việt Nam và Trung Quốc là có thôi. Đó chính là lý do tôi dành 5 năm cho cuốn sách này, và tìm cách để nó đến được với đông đảo bạn đọc.

Sau nhiều năm nghiên cứu về thiền táng (hay tượng táng), theo nhận định của ông, có sự khác biệt nào giữa phương thức thiền táng của Việt Nam với phương thức thiền táng của Trung Quốc?

Về cơ bản, tôi thấy không có gì khác biệt, đều là "sơn ta bó lụa". Tuy nhiên, khi tiến hành tu bổ di hài nhục thân của thiền sư Như Trí (chùa Tiêu Sơn), tôi đã có một phát hiện vô cùng thú vị. Đó là việc người xưa dùng hai tấm đồng lớn áp chặt phía trước ngực và phía sau lưng thiền sư, có lẽ để giữ cho tư thế thiền sư luôn thẳng. Ngoài ra, còn có những dải đồng cuộn trên đầu, vòng xuống cổ, xoay qua gáy thiền sư, theo suy đoán của tôi là để bảo vệ phần sọ. Đó là những chi tiết rất độc đáo, chưa từng thấy ở bất cứ đâu, trong bất cứ kỹ thuật ướp xác nào trên thế giới.

"Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư" hé mở cho độc giả nhiều câu chuyện thú vị về một phương thức táng độc đáo của người Việt Nam… Còn với riêng tác giả, bí ẩn nào xung quanh phương thức thiền táng cho đến nay ông vẫn chưa giải đáp được?

Tác phẩm "Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư"

Phía sau những pho tượng thiền sư là câu chuyện gì? Câu chuyện ấy hàm chứa ý nghĩa gì, triết lý gì? Tôi nghĩ không phải bỗng dưng người xưa dùng phương thức tượng táng để giữ gìn nhục thân của các thiền sư cho muôn đời sau chiêm ngưỡng. Mặc dù nhà Phật bảo đó là chuyện bình thường. Nhưng với tôi, đó là cả một bí ẩn mà tôi vẫn còn phải tiếp tục tìm hiểu… Trong quá trình tu bổ nhục thân của các vị thiền sư, tôi cbắt gặp nhiều chi tiết thú vị. Chẳng hạn, trong một ngôi chùa, tôi nhận thấy có những viên gạch chạm hình chim thần Garuda - vật cưỡi của thần Visnu trong Ấn Độ giáo - nằm xen lẫn với những viên gạch thời Lê. Phải chăng, đã có sự ảnh hưởng và thâm nhập nhất định của phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam? Cái này cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Nghe nói, trước khi bắt tay vào tu bổ nhục thân của hai vị thiền sư chùa Đậu, ông đã dành không ít thời gian chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Cái ông lĩnh hội được là gì?

Đạo Phật hướng con người ta đến cái thiện. Tu có trăm đường tu, nhưng quan trọng nhất là tu tại tâm. Phải có thiện tâm, đó là cái tôi "ngộ" ra. Bởi vậy tôi không đồng tình khi một số ngôi chùa đua nhau dựng tượng Phật thật to, thật hoành tráng. Có nơi lại bày ra hàng chục pho tượng các vị La hán. Sự phô trương ấy không đúng với tinh thần của đạo Phật. Đấy là tôi chưa nói, tượng Phật, quan trọng đâu phải là to cao, hoành tráng, mà là cái hồn, cái thần kia.

Hiện tại, ông đang có kế hoạch tu bổ nhục thân của vị thiền sư nào?

Có người báo với tôi, trong một ngôi chùa ở Nam Định hiện lưu giữ nhục thân của một nhà sư đang bị hư hại nghiêm trọng. Nhưng vì ngôi chùa muốn giữ kín thông tin nên tôi dò mãi chưa ra. Tôi đang rất muốn tu bổ nhục thân của vị thiền sư ấy. Một phần cũng vì nỗi sợ, mình tuổi cao rồi, lỡ có chuyện gì, lớp trẻ chưa có đủ kinh nghiệm để thực hiện công tác tu bổ. Chính vì thế, khi tiến hành tu bổ nhục thân của vị thiền sư nào, tôi cũng chụp hàng nghìn bức ảnh, quay mười mấy cuộn băng video, gửi lại cho Cục di sản văn hoá để làm tư liệu. Sau này, nếu phát hiện thêm nhục thân của các vị thiền sư khác, lớp trẻ có thể dựa vào đó mà biết cách thức tu bổ.

Hương Lan (thực hiện)

Theo: SGTT