Kinh Pháp Cú Thí Dụ - nghĩa

14. Biết buông bỏ những nghiệp vụ phi nghĩa
Có khả năng áp dụng đạo pháp vào đời sống hằng ngày
Biết theo đuổi một lý tưởng đáng được theo đuổi
Đó là điềm lành lớn nhất.

 

Phẩm Cát Tường (Điềm lành) kinh 211 tập 4 ĐTTT

Thời gian lưu trú ở La Duyệt Kỳ trên núi Kỳ Xà Quật, Bụt đã vì các giới trời, người, rồng và quỷ diễn bày pháp tam thừa. Lúc ấy, cư trú bên bờ sông Hằng phía nam núi Kỳ Xà Quật, có một vị đạo sĩ Bà la môn biết nhiều, hiểu rộng, thông suốt chuyện xưa nay. Ông giáo hóa chỉ dạy cho năm trăm vị đệ tử, ai nấy đều tinh thông các vấn đề về thiên văn, điạ lý, tinh tú, nhân sự, lành dữ, họa phúc, được mùa, mất mùa, không việc gì mà không nghiên cứu thấu đáo.
Một hôm các vị đệ tử ấy của vị đạo sĩ Bà la môn đến gần chỗ Bụt đắc đạo trước kia, ngồi bên bờ sông, bàn luận với nhau về vấn đề điềm lành. Họ đặt vấn đề dân chúng ở các quốc gia trên thế giới cho cái gì là điềm lành. Không tìm ra được câu giải đáp, họ đi tìm thầy của họ để hỏi. Sau khi đảnh lễ thầy, chắp tay hỏi : “Chúng con học cũng lâu, biết cũng nhiều, nhưng vẫn chưa  biết được trong các quốc gia khác nhau người ta cho cái gì là những điềm lành lớn nhất ?” Vị đạo sĩ Bà la môn nói: “Các vị hỏi một câu hỏi rất hay ! Ở xứ Diêm phù đề này có mười sáu nước lớn và 8400 nước nhỏ. Dân chúng mỗi nước đều có cái thấy khác nhau về điềm lành. Có người thì cho sự xuất hiện của vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly là điềm lành, có người lại cho sự xuất hiện của trăng sáng, thần châu, voi, ngựa, ngọc nữ, san hô, đá quý, phượng hoàng, khổng tước là điềm lành. Có người lại cho là sự xuất hiện của tinh tú, bình báu, bốn loại người hiền từ, hoặc đạo sĩ ... là điềm lành. Nhưng cái nhìn của mỗi giống dân mỗi khác.” Các vị đệ tử hỏi : “Vậy thì có cái điều gì có thể báo cho ta biết là ta chắc chắn sẽ có hạnh phúc khi ta sống và sẽ sinh lên cõi trời khi ta mạng chung không ?” Vì đạo sĩ Bà la môn nói : “Các bậc tiền bối xưa nay chưa có ai dạy về vấn đề này, và sách vở cũng chưa thấy có ghi chép về vấn đề này.” Các vị đệ tử nói: “Mới đây, chúng con nghe nói có người họ Thích xuất gia tìm đạo, ngồi thiền sáu năm, hàng phục ma quân, chứng thành quả Bụt, đạt được tam minh, hay là chúng ta đến đấy để học hỏi thêm, thầy thấy thế nào?”
Thầy trò hơn năm trăm người vượt núi băng rừng tới nơi Bụt ở. Sau khi đảnh lễ, vị đạo sĩ chắp tay thưa hỏi: “Bạch đức thế tôn, mỗi quốc gia trên thế giới đều có những cái nhìn khác nhau về điềm lành. Vậy theo đức Thế Tôn cái gì mới là điềm lành thật sự ?” Bụt nói: “Trong cái nhìn của thế gian, cái gì người ta thấy thuận theo điều ước muốn thì người ta cho là điềm lành, cái gì không thì cho là điềm xấu. Những cái người ta cho là điềm lành ấy, không đủ để cứu độ tâm linh, vượt qua khổ nạn. Điềm lành thật sự, theo tôi, là những gì có khả năng đem lại hạnh phúc thật sự trong đời sống này, lại có khả năng giúp ta ra khỏi ba cõi và chứng nhập niết bàn.” Rồi đức thế tôn dạy những bài kệ sau đây:

Kinh Pháp Cú Thi Dụ, phẩm 39 Cát Tường

1. Bụt được tôn quý hơn cả trong hai giới trời và người
Vì Người thường có khả năng đưa ra những giáo nghĩa mầu nhiệm của một vị Như Lai
Một ngày kia, có một vị đạo sư Bà la môn tới hỏi:
Cái gì mới thật là điềm lành lớn nhất?

2. Với lòng xót thương, Bụt đã thuyết giảng
Về những gì thiết yếu va chân thật
Ngài dạy: Có niềm tin và có hạnh phúc trong khi học hỏi giáo pháp
Đó là điềm lành lớn nhất.

3. Không chạy theo các giới trời và người
Để cầu mong ban phúc và tránh họa
Cũng không có nhu yếu đến cầu đảo ở các đền miếu
Đó là điềm lành lớn nhất.

4. Chọn được môi trường tốt, có nhiều bạn hiền
Đã có dịp làm những điều phúc đức
Giữ lòng cho trinh bạch và chân chính
Đó là điềm lành lớn nhất.

5. Biết bỏ ác theo lành
Không uống rượu, biết tiết chế
Không đắm trong sắc dục
Đó là điềm lành lớn nhất

6. Học rộng, biết trì giới
Siêng năng tu tập theo giáo pháp và luật nghi
Biết tu dưỡng thân tâm, không vướng vào các cuộc tranh chấp
Đó là điềm lành lớn nhất.

7. Là người con hiếu thảo, có cơ hội phụng dưỡng mẹ cha
Biết chăm sóc gia đình, giữ cho trong nhà êm thấm
Không để cho lâm vào cảnh nghèo đói
Đó là điềm lành lớn nhất.

8. Không kiêu mạn, không cho mình là hơn người
Biết tri túc, biết xét suy
Có thì giờ đọc tụng và thực tập kinh điển
Đó là điềm lành lớn nhất.

9. Biết nhẫn nhịn khi nghe điều bất như ý
Có hạnh phúc mỗi khi được gặp người xuất gia
Mỗi khi nghe pháp hết lòng tiếp nhận để hành trì
Đó là điềm lành lớn nhất.

10. Biết ăn chay, biết tu theo phạm hạnh
Có hạnh phúc khi gặp các hiền đức
Biết nương vào các bậc có trí sáng
Đó là điềm lành lớn nhất.

11. Có niềm tin, có một đời sống tâm linh
Tâm ý ngay thẳng, không bị hoài nghi che lấp
Có quyết tâm lánh xa ba nẻo về xấu ác
Đó là điềm lành lớn nhất

12. Biết bố thí với tâm niệm bình đẳng
Biết phụng sự những bậc đắc đạo
Biết tôn quý những kẻ đáng tôn quý trong hai giới nhân và thiên
Đó là điềm lành lớn nhất.

13. Biết xa lìa tham dục
Sân hận và si mê
Thường tu tập để mong đạt được chánh kiến
Đó là điềm lành lớn nhất.

14. Biết buông bỏ những nghiệp vụ phi nghĩa
Có khả năng áp dụng đạo pháp vào đời sống hằng ngày
Biết theo đuổi một lý tưởng đáng được theo đuổi
Đó là điềm lành lớn nhất.

15. Vì tất cả nhân loại
Vun bón tâm đại từ
Nuôi dưỡng tình thương để đem lại an bình cho thế gian
Đó là điềm lành lớn nhất.

16. Là bậc trí giả ở trong cuộc đời
Thường tập hạnh tạo tác những điềm lành
Cho đến khi chính mình thành tựu được tuệ giác lớn
Đó là điềm lành lớn nhất.

HT Thích Nhất Hạnh