Làm Mới

Hiểu lầm nhau để rồi xa cách hoặc vì hiểu lầm mà sinh ra oán giận từ đó ngày càng gây thêm khổ đau cho nhau là điều không ai muốn mắc phải nhưng đáng tiếc là chúng ta cứ liên tiếp phạm phải sai lầm này bởi vì khả năng chánh niệm trong mỗi chúng ta vẫn còn rất nhỏ nhoi. Cũng có nhiều lúc do thiếu ý thức nên ta đã vô tình, đôi khi là cố ý làm cho người khác tổn thương.

Lại có khi người khác cũng vì thiếu ý thức mà đã vô tình hoặc cố ý làm cho ta tổn thương. Nếu những nút thắt này không được cởi bỏ thì sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc truyền thông, có khi cha con, mẹ con không nói chuyện được với nhau, vợ chồng không nhìn được mặt nhau, hàng xóm hoặc đồng nghiệp không quan hệ được với nhau. Từ đó tạo nên một không khí lạnh lùng, ngột ngạt và mệt mỏi.

 

Làm Mới là sự thực tập nhìn lại tình trạng của mình và mối quan hệ giữa mình với những người xung quanh để có thể hóa giải buồn giận, phá tan mây mù của sự hiểu lầm, đem sự cảm thông tin yêu trở lại. Mỗi khi có khó khăn trong truyền thông với một ai đó ta không nên im lặng và mang buồn giận trong lòng mà hãy nên tới với người kia để nói cho người ấy biết rằng mình đang có buồn giận. Đó là cơ hội để người kia thấy được những vụng về của họ. Cũng có thể người kia có ý tốt nhưng ta đã hiểu sai nên trách móc người ấy thì đây chính là cơ hội để người ấy có thể thanh minh giúp tháo cũi sổ lồng cho hiểu lầm của ta. Trong pháp môn Làm Mới của Làng Mai quan trọng nhất là đương sự phải có tâm thành khẩn và ý chí muốn chuyển đổi tình trạng và phải sử dụng phương pháp ái ngữ và lắng nghe khi thực hành.

Trong phương pháp Làm Mới gồm có bốn phần:

1- Tưới hoa: Trước khi “kể tội” người kia ta phải nhắc tới những điểm tích cực và dễ thương nơi người ấy. Đây không phải là nói nịnh để làm lớn lên sự tự hào của người kia mà là để giúp cho người ấy có thêm sự tự tin nơi chính bản thân  họ và do đó sẽ phát huy những điểm tích cực ấy. Những điểm có thể tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và những người xung quanh

2- Tự tỉnh: Trong phần này ta tự nói về những thiếu sót, yếu kém của chính mình, vì nếu có ai đó làm cho ta buồn đau thì không bao giờ lỗi thuộc về một người mà luôn luôn thiếu sót đến từ cả hai phía. Ta phải tự nhận thấy là do vụng về ta đã từng nói hoặc có những cử chỉ làm buồn lòng kẻ khác. Và ta  hứa sẽ thực tập khá hơn trong tương lai để không lặp lại lỗi lầm vừa qua.

3- Nói lên niềm đau: Trong phần này, ta có thể nói lên niềm đau của ta, niềm đau mà ta ngỡ rằng đã phát sinh do một lời nói hay một cử chỉ của người kia. Ta có thể thêm rằng: Vì sự thực tập của ta còn nhiều yếu kém nên ta vẫn dễ buồn, dễ giận. Và ta mong muốn người kia hãy yểm trợ cho ta trong sự thực tâp, lần sau xin đừng nói và làm như vậy nữa

4- Thực tập lắng nghe: Khi nghe phía bên kia nói lên niềm đau, ta có thể nghĩ rằng người ấy mang tri giác sai lầm nên mới tự làm khổ mình và làm khổ người khác chứ ta không hề cố ý làm cho người ấy đau. Tuy nhiên ta không nên đính chính ngay lúc đó, biến buổi Làm Mới thành cuộc tranh luận. Ta chỉ nên học cách lắng nghe của đức bồ tát Quan Thế Âm, nghe với tâm từ bi và cho người kia biết rằng ta đã lắng nghe đã ghi nhận những điều người ấy nói và nguyện sẽ chiêm nghiệm, nhìn kỹ lại những gì đã xảy ra. Sau đó ta tìm cách chỉ cho người ấy tri giác sai lầm của người ấy (nếu có). Trong trường hợp ta thấy lỗi lầm phát sinh từ chính mình thì phải lập tức nói lời xin lỗi với người ấy bằng cách tới trực tiếp, gọi điện, hoặc viết thư xin người ấy bỏ qua cho. Hạnh phúc của mình và những người xung quanh tùy thuộc rất nhiều vào khả năng lắng nghe và ái ngữ của mình.

Mỗi tuần ta nên Làm Mới một lần dù ta và người kia không có chuyện gì với nhau. Người kia có thể là bố ta, mẹ ta, anh chị em, bạn bè của ta. Sự thực tập Làm Mới dễ nhất là làm giữa hai người, nếu thấy khó khăn thì ta có thể mời thêm người thứ ba, đây phải là người mà cả hai đều kính trọng và tin cậy. Đó có thể là một thầy, một sư cô hay một người bạn đạo. Làm Mới cũng có thể làm trong một nhóm tăng thân nhiều người. Trong thời gian Làm Mới, ai cũng thực tập theo dõi hơi thở và sử dụng phép lắng nghe. Khi nói ta phải sử dụng phép ái ngữ, nghĩa là lời nói dịu dàng, trầm tĩnh, không lên án, không trách móc.

Một vài ví dụ

Làm Mới giữa sư chị và sư em

Trong khi làm biên tập trang web langmai.org có lần tôi đã sửa và cắt bỏ một vài chỗ trong bài viết của sư chị tôi mà không nói cho sự chị biết khiến sư chị rất buồn và chị đã viết cho tôi một bức thư Làm Mới xin tóm tắt như sau: “Sư em thương! Cảm ơn sự nhiệt tình và tận tụy của sư em trong cách làm việc. Gặp sư em trong tăng thân, thấy được những thao thức cháy bỏng trong sư em khiến cho chị rất cảm động. Sáng nay sau khi đọc lại bài viết “HTBN” trên trang web chị cảm nhận thấy một nỗi buồn xâm chiếm và đánh tan lòng nhiệt huyết của chị. Sư em đã cắt bỏ một đoạn trong bài viết của sư chị mà không nói cho chị biết khiến sư chị rất buồn. Sư chị sẵn sàng lắng nghe, học hỏi và tiếp nhận những điều chính đáng nhưng sau khi chỉnh sửa xin sư em cho chị biết để cùng học hỏi. Cảm ơn sư em đã cho sư chị có cơ hội nói ra lời tâm sự này. Cảm ơn sự lắng nghe của sư em. Thương chúc em thực tập vui

Gửi niềm tin nơi sư em
Sư chị VN

Sau khi nhận được bức thư tôi đã nhìn lại và thấy cái sai nơi mình đồng thời thấy được lòng từ bi nơi sư chị nên tôi đã viết lại một bức thư Làm Mới gửi tới chị :

“Sư chị kính mến! Em rất cảm động khi đọc bức thư của chị, trong bức thư đó em đã cảm nhận được sâu sắc lòng từ bi mà chị dành cho em. Sư chị đã không tới than phiền với người thứ ba để làm giảm uy tín của em, cũng không để bụng rồi làm cho tình chị em bị mai một. Chị đã trực tiếp tới chỉ cho em những vụng về mà em đang có, điều này khiến cho em càng thêm kính trọng chị hơn. Lần sau nếu em có những vụng dại nào khác kính xin chị thương em mà chỉ dạy cho em.
Em có niềm tin lớn nơi chị
Em : LN


Làm Mới giữa hai vợ chồng

Trong khóa tu mùa hè 2009 tại Xóm Trung có đôi vợ chồng trẻ (Nam và Hương) đã làm mới với nhau trước đại chúng như sau:

“Em, từ khi quen em và được làm bạn với em mấy năm anh đã xác định rằng em chính là cô gái mà anh quyết tâm theo đuổi cho bằng được. Em là một cô gái rất thông minh, chu đáo, dịu hiền, đảm đang. Cả hai bên nội ngoại và bạn bè ai cũng yêu quý em. Có lần anh đã nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con không mang về cho mẹ một người con dâu mà con mang về cho mẹ thêm một người con gái nữa, xin mẹ hãy coi cô ấy là con gái của mẹ. Và quả thực mẹ nói rằng chưa bao giờ em làm cho mẹ phật lòng. Em luôn là quân sư cho anh, những lúc anh phạm sai lầm em luôn bao dung và tìm mọi cách để giúp anh nhận ra quyết định sai lầm của mình. Tuy nhiên anh cũng có cái thấy riêng của nình, trước khi làm điều gì anh cũng suy nghĩ cân nhắc cẩn thận nên xin em hãy có niềm tin nơi anh.”

Làm Mới giữa hai bố con
(Một người con làm mới với bố mình bằng thư trong khóa tu Mùa Hè – 2009 tại Xóm Trung)

“Bố, con rất biết ơn bố đã sinh ra và nuôi dạy con, cả đời bố đã vất vả để nuôi dạy chúng con nên người, bố làm gì cũng chỉ mong đem những điều tốt đến cho con thôi. Nhưng có những lúc bố đã nói con rất nặng, bố cứ trách móc và kể tội oan cho con làm con rất khổ tâm. Con biết rằng con còn nhiều yếu kém vụng dại, con sẽ cố gắng ngoan ngoãn hơn nhưng xin bố sau này trước khi chỉ dạy cho con thì tìm hiểu cho kỹ và đừng nói con quá nặng như vậy.

Nhân viên Làm Mới với “sếp”

“Chị, em rất vui được làm việc chung với chị. Chị là một vị “sếp” rất có trách nhiệm, chị luôn quan tâm tới đời sống của cấp dưới, chị làm việc rất rõ ràng và ngăn nắp (nếu những đức tính trên không có trong vị ấy thì ta có thể tìm những đức tính khác để liệt kê ra, đó phải là những đức tính có thật). Tuy nhiên hôm vừa rồi chị làm cho em rất buồn, cách chị làm và áp đặt mọi việc lên em khiến em cảm thấy không thoải mái. Em biết rằng em có nhiều yếu kém, vụng về nên đã phản ứng thiếu bình tĩnh lúc ấy, nhưng em cũng xin chị lần sau đừng nói nặng lời và áp đặt công việc lên em.

Nguồn gốc của pháp môn Làm Mới

Pháp môn Làm Mới của Làng Mai được kế thừa và phát triển từ truyền thống sám hối trong đạo Bụt, Làm Mới chính là một cách để sám hối những lỡ lầm do mình gây ra. Ban đầu pháp môn Làm Mới của Làng Mai không được rõ ràng và đầy đủ như hiện nay. Vào năm 1986, lúc ấy Làng Mai mới thành lập được bốn năm. Có một cô thiền sinh tới tham vấn với Sư Ông, cô kể rằng: Trong năm đầu mới cưới, vợ chồng cô sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng có một lần do nóng giận chồng cô đã nói với cô một câu hết sức nặng nề, một sự xúc phạm mà cô không thể chịu đựng được. Từ đó cô mang vết thương trong lòng và tình yêu đối với chồng không còn nồng thắm như xưa nữa. Đã ba mươi năm trôi qua nhưng vết cắt ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí cô, mỗi lần chạm tới là một lần trái tim cô rỉ máu.

Nghe vậy Sư Ông dạy rằng: Mỗi lần không vừa lòng với nhau thì phải giải tỏa liền lập tức, chứ sao lại cứ ôm lấy nó mà chịu đựng suốt ba mươi năm trời? Có thể chồng chị sau khi nói xong đã quên phéng chuyện đó đi rồi trong khi chị cứ giữ lấy nó mà đau khổ một mình.

Từ nguyên nhân ấy pháp môn Làm Mới của Làng Mai ra đời. Ban đầu pháp môn Làm Mới còn rất thô sơ, chỉ là khi không vừa ý với ai thì tới nói ngay với người ấy mà không để lâu trong lòng. Nhưng hồi đó cũng có những thầy, những sư cô thực tập còn chưa giỏi nên khi tới nói với người kia thì lại để cho sự nóng giận của mình chi phối. Vì vậy sau khi nói xong, thay vì giải tỏa được nội kết trong mình thì lại đi gây thêm đổ vỡ với đương sự. Do vậy, pháp môn được bổ xung thêm: Trước khi nói lên những điểm bất như ý của mình về người kia thì phải tưới hoa (khen ngợi) cho họ đã. Cách này hiệu quả hơn hẳn, nhưng rồi  một thời gian sau, có người giận nhau gay gắt, họ không thể ngồi lại lắng nghe nhau. Vì vậy pháp môn được bổ xung thêm: Trong trường hợp hai người không thể tự Làm Mới với nhau thì hãy nên mời thêm người thứ ba, đây phải là một người đức độ, khách quan mà cả hai cùng kính trọng. Và tiếp tục pháp môn mở rộng thêm, thay vì tới nói lời xin lỗi khi nhận ra mình đã sai thì đương sự có thể tặng hoa, hay tặng qua cho người kia để biểu lộ thiện chí muốn làm lành của mình.

Tại Làng Mai, chúng tôi thực tập pháp môn Làm Mới rất thường xuyên, cứ hễ thấy rằng mình đã làm điều gì đó sai trái, chúng tôi liền tới để xin lỗi người kia mà không chờ người ấy tới Làm Mới với mình. Và cứ mỗi hai tuần một lần chúng tôi có buổi Làm Mới toàn chúng. Trong buổi Làm Mới chúng tôi ngồi bên nhau thành vòng tròn, có một lọ hoa ở giữa. Nếu ai muốn Làm Mới thì trước hết nhẹ nhàng bước tới bưng lọ hoa đặt trước mặt mình (ngụ ý, hoa tượng trưng cho sự tươi mát, nhìn lọ hoa để trở về với chính mình, ý thức rằng mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ và hành động của mình phải tươi đẹp như một đóa hoa). Thông thường thì chúng tôi ít có khó khăn để tới mức phải “giải tỏa” trước đại chúng, vì thế trong giờ Làm Mới chúng tôi thường “tưới hoa” cho nhau hoặc nói lên lòng biết ơn của mình. Bạn đừng nghĩ rằng tới khi “đụng chuyện” mới đi Làm Mới. Nếu mối quan hệ của mình với người kia sứt mẻ thì phải hàn gắn, nếu tốt rồi thì phải làm cho tốt hơn nữa. Tưới hoa, động viên khích lệ người khác kịp thời luôn đem lại niềm vui cho họ,  đó cũng là một cách Làm Mới mà ta có thể làm mỗi ngày

Pháp môn Làm Mới nếu thường xuyên được thực tập và áp dụng trong đời sống hàng ngày thì thân tình giữa người với người sẽ rất gắn bó khăng khít. Mỗi người trong chúng ta phải tự mình giữ ý thức muốn thực tập và chuyển đổi tình trạng theo hướng tốt đẹp hơn mà đừng trông đợi người khác phải làm việc đó trước. Mình thay đổi thì tự động những người xung quanh sẽ thay đổi.