Du Học những nỗi niềm

Xem hình

Đọc lại các bài viết trong tuyển tập Nói với người xuất gia trẻ tuổi của Thiền sư Nhất Hạnh, lòng tôi như được sưởi ấm giữa cái giá lạnh nơi xứ người. Càng đọc càng thấy an tịnh hơn về đời sống học tập, tu trì của du học Tăng nơi đất khách. Có đoạn tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần, xem đó là lời tri âm, sách tấn về kinh nghiệm tu học của Thiền sư - người đã trải qua hai phần ba cuộc đời sống và hành đạo tại hải ngoại.

 

 

Có đi xa mới thấy hết cái vất vả của người xa quê. Ngày xưa, tôi nghe một số thầy cô đi du học về nói: "học đến chảy máu cam", tôi vẫn không tin. Nhưng khi sang đây mới thấy, cuộc sống du học sinh là một chuỗi móc xích: vừa chạy đua với thời gian, cần kiệm biết đủ, thích nghi với thời tiết, khép mình với bổn phận du học Tăng... chỉ bấy nhiêu cũng đã mệt nhoài với cái sức trẻ bao năm khép mình ở chốn tòng lâm tự viện nay phải đối diện với môi trường sống hoàn toàn mới.
Xuân, Hạ, Thu, Đông - bốn mùa trải qua như nhịp thở của niềm tin và khát vọng học tập nơi Tăng Ni trẻ khi quyết định chọn cho mình một môi trường tu học mới. Chỉ đi học thôi, nhưng đằng sau vai trò là một sinh viên tại các giảng đường đại học nước ngoài, Tăng Ni vẫn phải trở về với trạng thái tĩnh tại của người xuất gia, vẫn là đời sống tu trì, đối diện với những thứ đơn giản bình thường của cuộc sống. Nghĩ đơn giản nhưng không đơn giản chút nào, vì có những thứ là phương tiện để duy trì và bảo dưỡng cho một khóa học dài hạn nơi đất khách như: môi trường học tập, phương tiện học tập và sinh hoạt phí… cũng gặp không ít khó khăn. Thầy P. học ở Ấn Độ, email tâm sự: "Chương trình học năm nay rất nặng, đến thi là tụi mình thức trắng suốt một tháng để chạy kịp chương trình, thế mà vẫn không kịp. Thuật ngữ chuyên ngành không phải dễ như tiếng Việt nhà mình. Do đó phải nỗ lực và cố gắng hết sức”. Kỳ thật thì chương trình học khá nặng và ngôn ngữ vẫn là chìa khóa để tiếp cận kiến thức xứ người. Đặt chân đến nước bạn, cái gì cũng bỡ ngỡ, từ ngôn ngữ, cách sinh hoạt đến môi trường học tập. Thầy T, ở Phúc Châu-Trung Quốc, cách đây vài năm từng chơi vơi khi bị “cắt tài trợ” kinh phí học tập. Còn Sư cô T, ở Vũ Hán thì phải di chuyển chỗ ở nhiều lần, bởi môi trường không yên tĩnh cho việc tu học. Có đi mới hiểu và sẵn lòng chia sẻ, tôi luôn tâm niệm rằng đời sống du học Tăng luôn gắn liền với đời sống tu trì của Tăng thân.
Bởi, dẫu ở bất cứ môi trường nào, Tăng thân vẫn là hơi ấm, là năng lượng cho Tăng Ni vững bước, soi sáng tự thân. Sư cô T.L du học tại Ấn Độ cho biết: "Tăng Ni sinh chúng tôi, ngoài việc học ở giảng đường, chúng tôi vẫn thường gặp nhau vào những dịp lễ, đặc biệt là ngày 15 và 30 hàng tháng, tập trung bố tát tại một địa điểm cố định. Vào dịp hè, chúng tôi tham gia các khóa Thiền tại các tu viện lớn ở Ấn”.
Còn tại Phúc Châu, Trung Quốc, năm 2006, Tăng Ni sinh ở đây tổ chức Lễ Phật đản rất trang nghiêm, có đầy đủ lễ đài, tụng niệm và tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ. Thầy A.N kể lại: "Tôi cảm thấy ấm áp khi được đón một mùa Phật đản đầu tiên với Tăng Ni sinh du học, cảm xúc dâng trào trong trái tim khi nghe lại ca khúc Phật giáo Việt Nam, niềm tự hào của lịch sử Phật giáo và dân tộc”.
Thiết nghĩ, dù ở bất cứ nơi đâu, trái tim Tăng Ni xa quê vẫn rạt rào tinh thần cống hiến và phụng sự. Song tinh thần ấy rất cần những lời chia sẻ, động viên từ những người thân nơi quê nhà, tiếp sức cho thế hệ du học Tăng giữ vững niềm tin trên bước đường học Phật nơi xa. Thuận duyên du học là một phước báo lớn trong đời sống người xuất gia, nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng phước duyên và nhiệt huyết tu học của thế hệ Tăng Ni trẻ đang sống và học tập tại nước ngoài, đó là điều cần phải suy ngẫm!
Người viết xin mượn lời của Sư ông Làng Mai “Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy để trưởng thành, để cuộc đời nhường một bước đi lên” như phút nhìn lại chính mình trong những tháng ngày tu học nơi đất khách. 

Minh Thuận
(Theo GNO)