"Đệ tử" của những cô hồn trên đèo Hải Vân

Trước đây chưa có hầm, đèo Hải Vân thường xuyên xảy ra tai nạn, nên rất nhiều am thờ được dựng lên. Hơn 10 năm nay, ngày nào người đàn ông này cũng lên đèo, quét dọn và hương khói cho những am thờ này.

TIN LIÊN QUAN

Người tự nhận là “đệ tử” của các am thờ là ông  Nguyễn Văn Bừa (47 tuổi) ở phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Thờ người âm để bình an dương thế

Lọ mọ xách nước từ khe suối đến các am thờ và lau chùi sạch sẽ, thấy tôi hỏi, ông cười: “Có chi mô mà mệt chú. Tôi chỉ mong những người không may đã tử nạn trên con đèo này phù hộ cho những ai qua đây được bình an thôi”.

Các am thờ được ông Bừa thắp hương liên tục.

Những thờ đều được che một tấm bạt màu xanh phủ lên, phía dưới am chính có ghi một dòng chữ: “2.6.1999 Kỷ Mão, đệ tử Nguyễn Văn Bừa”.

“Tôi làm việc tại đây bao nhiêu năm và chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra. Sau khi các nạn nhân được người thân đưa về quê mai tang, những am thờ được lập nên, nhưng sau đó không có ai tu sửa nên đã sập sệ", ông Bừa kể.

"Lâu lâu mới có thân nhân người bị nạn từ phương xa tới viếng thăm hoặc người đi đường ghé thắp nén hương. Sau mỗi trận mưa gió bùn, đất, đá, lá cây vùi lấp các am hết. Tôi làm việc ở đây mà không dọn dẹp cho sạch sẽ thì day dứt lắm".

Năm 1988, sau khi đi bộ đội về, ông lấy vợ và sinh con. Từ đó, ông mưu sinh bằng cách vá xe ở đèo Hải Vân. Ngày nào cũng vậy, ông thức dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đạp chừng 20km lên đèo hành nghề, lúc rảnh thì phụ bán hàng cho mọi người ở đỉnh đèo kiếm sống.

Bao nhiêu năm làm cật lực, gom góp lại, năm 1999 ông mua được một chiếc xe máy thay cho chiếc xe đạp.

Ngày nào ông Bừa cũng lên các am thờ từ rất sớm. Ông xách nước, lau chùi các am rồi thắp hương xong xuôi mới làm việc. Vừa làm ông vừa ước chừng khi hương tàn thì lại xuống thắp tiếp. Có khi đang vá xe, ông gật mình rồi bảo khách đợi chút, ông phóng xe đến am thắp hương rồi quay lại.

Cách đây 2 năm, những người trong gia đình và bạn bè được một phen ngạc nhiên khi ông bỏ tiền túi ra mua cát, xi măng, vôi ve… chở lên đèo và âm thầm sửa sang, trang trí lại các am thờ.

Giúp người không may

Kể từ khi hầm đèo thông, phương tiện qua lại đường đèo không nhiều, chỉ có xe máy, xe chở hóa chất và xe du lịch...

Bao năm hành nghề trên con đèo nguy hiểm này, ông đã không nhớ mình cứu sống bao nhiêu người không may bị tai nạn. Cách đây 1 năm, lúc đó vào 8h đêm, trời mưa to gió lớn, ông nhận được một cuộc điện thoại có xe máy bị thủng săm ở đỉnh đèo nhờ ông giúp.

Mặc dù, vợ con căn ngăn không cho đi, ông nhất quyết mang xe và đồ nghề lên đèo, khi đi đến giữa lưng chừng thì thấy một thanh niên không may lao xuống rãnh cống, máu me chảy bê bết nằm bất tỉnh từ lúc nào.

Ông Bừa đang hành nghề sửa xe.

Ông dừng xe đưa nạn nhân lên. Thấy một ô tô chạy tới, ông đứng giữa đường chặn lại nhờ chở đi tới bệnh viện nhưng người trong xe không chịu. Tình thế nguy cấp, ông đứng lì giữa đường, bồng nạn nhân trên tay và dọa: “Nếu anh không chở, tôi sẽ đổ tội cho anh gây tại nạn”. Thấy vậy, người lái xe đành đưa nạn đi cấp cứu.

Người thanh niên được cứu sống, gia đình nạn nhân tìm thăm nhà ông, họ đưa cho một chiếc phong bì. Nhưng ông thẳng thắn: “Hoàn cảnh tôi nghèo thật, nhưng tôi sẽ nhận lời cảm ơn, còn tiền bạc tôi không nhận đâu, anh chị mang về lo chữa bệnh cho con".

Bà Nguyễn Thị Thơ, một người bán hàng trên đỉnh đèo Hải Vân nói: “Ông Bừa tình nguyện làm “đệ tử” cho những người đã khuất và gọi họ là bề trên. Chị em buôn bán ở đèo rất đồng tình và hàng tháng góp người ít tiền cho ông lo hương khói tại các am thờ”.

Đắc Thành – Nguyễn Chung