Học xong, ai muốn trở về?

Báo GN số 76 (ngày 11-7-2001) đăng bài “Nghĩ gì khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo?” quả là một tiếng nói kịp thời và đáng suy nghĩ nhân mùa thi của Tăng Ni sinh, gợi một hướng trăn trở cho công cuộc “trồng người” hôm nay và tương lai. Nhân đây, chúng tôi xin thêm một ý kiến nhỏ góp phần cho bài viết nói trên trong sự nghiệp giáo dục của PGVN.

Bài viết đã nêu bật được vấn đề lớn nhất của Tăng Ni sinh hiện nay là “Học xong sẽ đi về đâu?”. “Không biết phải làm gì, đi học tiếp nước nào, học môn gì, tương lai phục vụ ở đâu?” (trích trong bài) là một tâm lý có thật- thậm chí u hoài, dằn vặt trong lòng người trẻ, những người mà chúng ta vẫn gọi trân trọng bằng cái tên “thế hệ kế thừa”. Một khi thế hệ kế thừa đã bật lên tiếng than như thế, liệu có đáng giật mình, báo động? Điều đó chứng tỏ chúng ta “không có chiến lược chủ đích” trong công tác đào tạo và sử dụng nhân tài, đúng như tác giả Thích Thiện Bảo đã viết. Nhưng chiến lược này phải tổ chức ra sao, thực hiện ra sao, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng trách nhiệm của Giáo hội, mà còn có cả trách nhiệm của mỗi cá nhân Tăng Ni sinh nữa. “Học xong đi về đâu?”, đâu chỉ là thái độ thụ động chờ Giáo hội, xã hội phân công, đón mời, mà còn là thái độ chủ động của mỗi vị tu sĩ với chí nguyện hoằng pháp lợi sanh.

Bài viết chú trọng đến vấn đề du học, đúng như tâm lý Tăng Ni sinh đang tự hỏi “đi học tiếp nước nào”. Thế nhưng có nhất thiết mọi người đều phải du học? Ngoài đời, không phải sinh viên nào lấy xong bằng cử nhân đều đi du học, huống chi tỷ lệ sinh viên PG chúng ta chỉ bằng một phần nhỏ so với số lượng sinh viên các ngành khác. Hình như phong trào du học mới rộ lên vài năm nay đã khiến nhiều người “xôn xao”, quên mất việc đo lường khả năng học vấn, khả năng tài chính của mình, và cả đo lường mức cung- cầu của xã hội. Cho nên cứ mang tâm trạng học xong cử nhân là dứt khoát phải đi du học, chứ không nghĩ đến con đường phục vụ nào khác. Trong lúc đó, hàng triệu sinh viên các ngành khi đã tốt nghiệp liền toả về công tác tại các cơ quan, xí nghiệp, địa phương, thậm chí tình nguyện đi vùng sâu vùng xa giúp ích cho đồng bào. Tại sao tu sĩ chúng ta không chọn lối “ra đời” như thế, mà cứ nghĩ phải ngồi hoài trong nhà trường học hết thứ này đến thứ khác trong lúc đồng bào đang rất cần chúng ta có mặt. Học là tốt, nhưng cứ nghĩ 100 vị cử nhân lại tiếp tục học thành 100 vị thạc sĩ, tiến sĩ tất cả, thì quả là điều... không tưởng. Số ấy chỉ nên chọn lọc, dầu có đầu tư thì cũng phải chọn lọc, chứ Giáo hội cũng không thể nào đầu tư nổi cho toàn bộ sinh viên. Còn lại số cử nhân khác, rất nên toả về các địa phương tiếp tay cho chư vị tôn túc, vừa công tác Phật sự, vừa học hỏi kinh nghiệm, để chuẩn bị trở thành đội ngũ kế thừa, chính thức thay thế lớp người đi trước. Tre già măng mọc là lẽ đương nhiên, nhưng nếu không chăm chút những búp măng ngay từ bây giờ thì lấy đâu ra người hoạt động ở tương lai.

Xin được nhìn thẳng vào một sự thật, là dường như ở các địa phương hiện nay đang rất thiếu người, nhưng lại rất ngại sử dụng người trẻ. Một đội ngũ được trang bị học vấn như thế nhưng ít được tin cậy giao việc, khiến Tăng Ni sinh về địa phương loay hoay một thời gian cảm thấy bao nhiêu hoài bão, ước mơ bị nguội lạnh dần. Thử kiểm tra cơ cấu của một tỉnh hội, sẽ thấy các ban ngành còn thiếu rất nhiều nhân sự, chẳng hạn một ban văn hoá cần đến 8,9 uỷ viên, thế mà chẳng thấy người trẻ lấp vào. Thêm một sự “khác biệt” khiến các địa phương ngại dùng người trẻ là họ quá xông xáo, nhanh nhẹn, cách tân (do hấp thụ lối sống và cách làm việc của thành phố công nghiệp hoá, hiện đại hoá) trong lúc các địa phương thường vẫn giữ nếp trầm lặng, chậm chạp của nông thôn. Điều này, các ngành khác ngoài đời vẫn gặp chứ không riêng gì PG chúng ta. Cho nên, cần phải cởi mở tư tưởng giữa hai bên, cố gắng dung hoà nhau để cùng làm việc vì lợi ích chung của Giáo hội và của chúng sanh. Đào sâu hơn, các địa phương chưa tiếc chất xám bởi thực tế việc đi học của Tăng Ni sinh thường là tự lực cánh sinh hoặc nhờ thầy tổ hỗ trợ, hoàn toàn mang tính chất cá nhân hơn là do chiến lược của địa phương “gởi người đi- nuôi dưỡng- rút về làm việc”. Nếu địa phương có bỏ công bỏ của ra đầu tư thì mới quyết tâm “bắt về”, và Tăng Ni sinh cũng cảm thấy ân nghĩa oằn vai, đâu thể nào bỏ đi một cách không lưu luyến. Đâu riêng gì “chảy máu chất xám” trên phạm vi toàn đất nước, mà hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng chảy máu chất xám. Đến nỗi thành một câu phổ biến trong giới tu sĩ: “Cho đệ tử lên Sài Gòn học là coi như cho nó đi luôn!”.

Nói như thế không có nghĩa Tăng Ni sinh không thể chủ động tìm đường phục vụ. Dù có những trở ngại khách quan, nhưng nếu mang chí nguyện lớn thì vẫn tìm được lối đi. Tâm trạng phổ biến hiện nay là Tăng Ni sinh chỉ thích về làm ở cấp Tỉnh Hội, bởi cho rằng cấp ấy mới có “đất dụng võ”cho trình độ kiến thức của mình, mấy ai chịu về hoạt động ở cấp huyện; về lại chùa của bổn sư càng không muốn, vì thường ở nơi xa xôi hẻo lánh. Ước nguyện đó rất chính đáng, nhất là trong tình hình các Tỉnh hội vẫn còn đang thiếu người. Nhưng xin hãy kiên nhẫn một chút. Bởi không dễ mà thay đổi ngay cơ cấu nhân sự, cũng như không dễ mà chứng minh khả năng của mình trước chư vị tôn túc. Người đi trước bao giờ cũng dè dặt, thăm dò lớp trẻ trước khi giao việc. Hiểu được đặc trưng tâm lý này thì lớp trẻ hãy kiên nhẫn bắt đầu ở vị trí khiêm hạ hơn. Nếu có thực tài thì lo gì không được cất nhắc. Dĩ nhiên cuộc sống luôn phức tạp, không phải con đường nào cũng suôn sẻ, người tài nào cũng được trọng dụng, đó là quy luật muôn đời của xã hội, PG cũng không ra ngoài quy luật đó. Nhưng nếu con người hết lòng phục vụ cuộc sống thì trước sau gì cũng tìm được chỗ đứng.

Chúng sanh ở khắp mọi nơi, rất cần chúng ta đến hoá duyên. Một số tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước, đôi khi cả xã không thấy một ngôi chùa. Những Phật tử ra đó lập nghiệp chỉ biết tự giữ giới như ăn chay, cúng Phật... rất thèm bóng dáng người thầy làm chỗ dựa tinh thần. Họ phải gởi mua băng thuyết pháp tận thành phố để tự “bồi dưỡng” cho mình. Ngay cả đồng bằng sông Cửu Long, nhiều vùng nông thôn vẫn rất đói pháp. Chúng tôi thường đi công tác nơi ấy, thấy những người trí thức như thầy giáo, cán bộ xã cũng muốn tiếp cận PG. Nguyên do là ở nông thôn, các tu sĩ ít được học hành nên khả năng tiếp cận, truyền đạt giáo lý bị hạn chế, thành ra mối quan hệ giữa PG và địa phương không được nâng cao. Người địa phương coi tu sĩ như người “giữ chùa” đơn thuần, ngược lại tu sĩ coi người địa phương như “ít hiểu biết”. Thật ra, vẫn có một lực lượng “trí thức nông thôn” có thể làm nền tảng cho sự phát triển của PG nếu tu sĩ chúng ta tiếp cận được họ. Cuối cùng, “nếu không làm một ngôi sao trên trời thì hãy làm một ngọn đèn nhỏ trong căn phòng tối”, một câu châm ngôn đã nói như thế. Hoá độ được một người vẫn là thực hiện chí nguyện xuất gia, còn hơn nối tiếp những ngày vất vả nơi thành phố, học hết lớp này đến lớp khác mà không rõ mình sẽ dùng vào đâu. Một số Tăng Ni sinh đang theo học rất nhiều lớp cốt để lấp thời gian hơn là một mục đích cụ thể, thậm chí học Anh văn rất yếu mà vẫn cứ học, xét ra uổng phí thời gian biết bao. Và càng học theo kiểu đó, càng bị tổn phước, chắc chắn cầm thêm vài tấm bằng vẫn không được ai trọng dụng.

Những ý kiến thẳng thắn chân tình, có thể không được vui lòng nhau nhưng xin hãy vì sự nghiệp chung của PG mà suy nghĩ cạn cùng. Người trẻ là một vốn quý của chúng ta, nhất là những người trẻ đã được trang bị kiến thức như hôm nay, vậy xin hãy sử dụng họ một cách hiệu quả kẻo tuổi xuân qua đi, năng lực chẳng mấy chốc mòn mỏi. Và chính người trẻ cũng phải chủ động “tự sử dụng mình”  để không uổng công thầy tổ và bao người đã dày công vun đắp. Câu hỏi “Học xong sẽ đi về đâu?” hy vọng sẽ có lời giải đáp chân thành.