Nghĩ về việc làm đẹp ngôi Tam bảo

 

alt
Trong cuộc sống, nếu chúng ta cứ cố chấp và  bảo thủ thì dễ bị căng   thẳng, bực dọc… dẫn đến  “stress”. Đây là một hình thái của “chấp”; con đường dẫn đến bệnh tật, cả thân và tâm!

Nhưng, không lẽ vì sợ bị “khổ thân” mà làm thinh trước những gì chưa được đẹp cho môi trường thờ tự của nhà Phật thì thâm tâm  lại bị áy náy, không yên. Có lẽ đây là “bệnh nghề nghiệp” của giới mỹ thuật, vì muốn cho thẩm mỹ chùa chiền ngày thêm tốt hơn, góp phần cho mỹ thuật Phật giáo ngày càng  có cái nhìn toàn diện và đẹp hơn.
Tôi đã từng đến một số chùa trên cả nước, được nhìn thấy và từng nghe vài người bạn làm trong ngành kiến trúc sư cũng như quý thầy tâm sự về thực trạng thẩm mỹ Phật giáo trong các không gian này. Lịch sử đã từng chứng minh rằng, mỹ thuật Phật giáo vốn là một bộ phận của mỹ thuật Việt Nam. Và nó đã từng là di sản, nguồn tư liệu, những bài học tốt về mỹ thuật cho hậu thế… Ngày xưa là thế, hiện tại và mai sau  chắc cũng phải như vậy mới được! Nói về kiến trúc các ngôi chùa thuộc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer luôn thống nhất về kiểu dáng, phong cách màu sắc cho đến các họa tiết. Bên cạnh những tích cực đó, cần có sự điều chỉnh trong việc bố trí  sự định vị các thành phần, bộ phận của kiến trúc và các hạ tầng trang trí khác trong khuôn viên chùa. Bởi lẽ, ngay khi thiết kế xây dựng, kiểu dáng của chùa cần nghiên cứu để tạo nên sự cân đối, hài hòa giữa tổng thể so với từng bộ phận  là tối cần thiết, cũng như sự thống nhất trong phong cách kiến trúc và trang trí . Yêu cầu về sự cân đối, xứng hợp chính là nguyên lý thị giác thứ tư trong lý luận sáng tạo nghệ thuật thị giác. Nó là  một trong những nền tảng  lý luận, thực hành sáng tạo mỹ thuật và kiến trúc. Do vậy, vị trí và độ lớn của từng bộ phận kiến trúc hay đồ vật trang trí nội ngoại thất  phải được xem xét, cân nhắc chu đáo. Đối với, kiến trúc nhà chùa theo phái Bắc tông  ở Việt Nam ta có nên cần có những quy chuẩn hay không? Các kiểu họa tiết tiêu biểu của Bắc tông do du nhập và thừa tiếp từ nhiều phong cách kiến trúc nên rất đa dạng. Tuy nhiên, cũng cần nhận định đâu là yếu tố gốc. Chắc chắn không thể để lộn xộn, lai căng! Không thể bào chữa rằng, miễn có lòng thành trong xây dựng, trang trí là được rồi ! Mọi sự sáng tạo phải nên dựa vào lý luận này và phát huy họa tiết dân tộc phù hợp với trang trí  Phật giáo.
5330___news__anh_chua_mia.jpg
Chùa Mía mới xây dựng lại

Trên thực tế, tôi đã từng nghe vài vị trụ trì  tâm sự rằng mọi thứ trong chùa là do thiện nam tín nữ cúng dường. Họ có lòng thành, cúng dường chùa thứ gì thì mình bày cái đó! Không bày thì họ buồn! Cũng có Phật tử vốn am hiểu mỹ thuật, nên trước khi gửi tặng nhà chùa những vật phẩm để trang trí thờ tự, họ biết quan sát, tìm đặc trưng cảnh quan, kiến trúc, quy mô của chùa (thậm chí họ tìm và nhờ đến sự tư vấn chu đáo của các nhà mỹ thuật, am hiểu về loại hình kiến trúc Phật giáo) để các vật phẩm trang trí thật phù hợp với không gian của công trình kiến trúc. Sau đó tặng phẩm này được gửi tới chùa, cho nên nó có sự kết hợp chặt chẽ với không gian kiến trúc có sẵn… Đây là việc làm đầy đủ trách nhiệm và tâm đức. Về tượng Phật cũng vậy, nên nghiên cứu mẫu chuẩn về hình thể, kiểu dáng, phong cách họa tiết và  tỷ lệ cơ thể học. Trên thực tế có nhiều nơi tạc tượng sai tỷ lệ cơ thể học (đầu to, lưng ngắn… so với tỷ lệ tương quan của toàn thân), tạo nên sự nặng nề, mất đi  vẻ đẹp, nét tôn nghiêm của Đức Phật. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến tư thế chuẩn của từng vị Phật nữa. Điều này chắc là sách vở có ghi. Được biết, hiện nay một số tượng ở ngôi chùa lớn cũng đang rơi vào tình trạng này! Có lần tôi vào một ngôi chùa  lớn ở thành phố, ngoài sân có nhiều băng đá do Phật tử tặng, nhưng mỗi cái một màu, trên đó ghi tên đơn vị tặng rất to. Những cái ghế này cứ  như “nhảy múa” ra khỏi không gian tôn nghiêm của nơi thờ tự bởi màu mè và những dòng chữ tên đơn vị người cho. Giá mà  những ghế bằng đá kia có màu sắc đồng nhất với nơi tôn nghiêm và người tặng thể hiện cái gọi là “thi ân bất cần danh tiếng" thì tuyệt vời cho cảnh quan biết bao!

Có câu, “Nhiều kiệt tác mà không biết trưng bày thì thành… lố bịch”. Trên thực tế có khi những vật chưa đẹp cũng tồn tại trong không gian thờ tự. Quả là khổ cho người thụ hưởng sự cúng dường và cả những người có trách nhiệm với mỹ thuật Phật giáo!

Một con lân cẩm thạch màu trắng toát liệu  có hài hòa với tổng thể không gian  vốn đang có màu nâu, vàng cũ kỹ. Sự nổi bật như thế  liệu có góp phần làm trang nghiêm cho tổng thể? Mặt khác, nếu kiến trúc chùa dùng loại sơn đỏ vàng rực rỡ, láng bóng (thậm chí, thêm  màu sơn trắng, xanh lá cây, xanh da trời tươi rói hoặc cẩn vàng lộng lẫy) liệu có giữ được tinh thần cổ kính, thâm nghiêm? Tại sao không sử dụng sơn mờ không bóng. Thật ra hiện tượng này không phải chỉ diễn ra trong khu vực chùa chiền mà còn ở những di tích lịch sử văn hóa mà báo chí đã từng “kêu gào” vì sự thiếu hiểu biết của một số người chỉ huy sửa chữa, tôn tạo di tích. Thật đáng buồn thay! Vấn đề điểm nhấn trong nội thất, ngoài sân của ngôi chùa… cũng rất quan trọng. Phải xác định điểm nhấn mạnh nhất của chùa là chỗ nào. Không thể tùy tiện “nhấn" tất cả mọi nơi. Trên thực tế, nếu chỗ nào cũng nổi bật thì không có chỗ nào “nổi bật" cả.

Họa tiết trong các bộ phận của kiến trúc chùa có cần thống nhất  cho từng bộ phận (mái, đầu cột, chân cột, lư hương, giá đặt trống, chuông, hào quang sau đầu Phật, cửa đi, lan can, thùng công đức cho đến kiểu chậu kiểng ngoài sân, bình cắm hoa trên bàn thờ…) Nói chung, bất cứ tổ chức nào cũng cần có quy củ. Không quy củ là bất ổn. Nhưng quy củ không có nghĩa là hạn chế sự sáng tạo. Đặc biệt, một khi đã mệnh danh là Mỹ thuật Phật giáo, Kiến trúc Phật giáo, Nghệ thuật trang trí Phật giáo thì mọi thứ đều có khuôn phép. Trong thành phố chúng ta hiện có một số ngôi chùa xây mới, được trang trí, họa tiết màu sắc thâm trầm, giản dị nhưng rất đẹp, thể hiện được “cái thần” của nơi thờ tự. Nhưng cũng có ngôi chùa mà ngay từ cổng vào đến sân, người buôn bán bày biện lộn xộn làm cản lối ra vào, mất đi sự tôn nghiêm. Có lẽ chúng ta cũng từng nhận thấy: Có những tôn giáo mà cách trang trí  kiến trúc, từ kiểu dáng, màu sắc thật nhẹ nhàng, thanh thoát, làm cho tâm hồn người cầu nguyện “bay lên”, rất đẹp! Đó là phong cách riêng của họ. Phật giáo có cái tinh thần khác: Trầm mặc, sâu lắng, uy nghiêm… Điều này được thể hiện trong phong cách kiến trúc, họa tiết, màu sắc, đường nét và ánh sáng.

Thiết nghĩ, dù là vật “cúng dường" cho nhà chùa để trang trí trong không gian thờ tự thì  nên nhờ chuyên gia có thẩm mỹ tư vấn hoặc gửi tặng bằng hiện kim,để nhà chùa có người  chuyên môn, chuyên trách về  trang trí, kiến trúc Phật giáo  thực hiện thiện ý của mình. Nhà chùa rất cần giúp đỡ, của những người có tâm đạo, có phước báu về tài sản và có hiểu biết về mỹ thuật, có thị hiếu đúng, am hiểu lịch sử mỹ thuật Phật giáo. Chúng tôi nghĩ GHPGVN cần thành lập một  bộ phận chuyên trách về kiến trúc mỹ thuật Phật giáo. Giáo dục thẩm mỹ trong Tăng Ni, Phật tử nhất là các vị trụ trì - người có trách nhiệm làm đẹp nơi thờ tự. Có như thế thì không gian nhà chùa chắc sẽ ngày càng đẹp trên tinh thần trang nghiêm, cổ kính, theo phong cách thống nhất, mang tinh thần Phật giáo và bản sắc văn hóa dân tộc…

 

Uyên Huy (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)